CHƯƠNG III
NGƯƠI CHỚ GIẾT NGƯỜI
NGƯƠI CHỚ GIẾT NGƯỜI
Lề luật thánh của Thiên Chúa
“Nếu anh muốn vào trong Sự sống, hãy tuân giữ các giới răn” (Mt 19,17)
Tin Mừng và giới luật.
52. “Và này một người đến gần và nói với Ngài: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì là tốt để đạt sự sống vĩnh hằng? (Mt 19,16). Chúa Giêsu trả lời: “Nếu anh muốn vào trong sự sống, hãy tuân giữ giới răn (Mt 19,17). Thầy nói về sự sống vĩnh hằng, nghĩa là về việc tham gia chính sự sống ấy bằng việc tuân giữ các giới răn của Chúa, vậy thì kể cả giới răn “ngươi chớ giết người”. Đó chính là giới luật thứ nhất trong Mười Điều Răn mà Chúa Giêsu nhắc nhở cho người thanh niên hỏi Ngài những giới răn nào anh ta phải tuân giữ: “Chúa Giêsu nhắc lại: ngươi chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp…(Mt 19,18).
Giới luật của Thiên Chúa không bao giờ tách rời khỏi tình yêu của Thiên Chúa: Nó luôn luôn là một ơn ban vì sự tăng trưởng và vì niềm vui của con người. Với tư cách ấy, nó là một phương diện chủ chốt và một yếu tố của Tin Mừng mà người ta không thể từ bỏ; hơn nữa, nó xuất hiện như “Tin Mừng”, nghĩa là tin tốt lành và tin vui. Tin Mừng về sự sống cũng là một ơn ban của Thiên Chúa và đồng thời là một bổn phận ràng buộc con người. Nó khơi dậy nơi con người tự do sự ngạc nhiên, lòng biết ơn và đòi tiếp nhận, giữ gìn và đề cao với một ý thức trách nhiệm sắc bén: khi ban cho con người sự sống, Thiên Chúa đòi hỏi con người phải kính trọng, yêu mến và thăng tiến nó. Theo cách này, ơn ban trở thành giới luật và chính giới luật là một ơn ban.
Con người, hình ảnh sống của Thiên Chúa, được Đấng Tạo Hoá muốn cho là vua và chúa tể. “Thiên Chúa đã tạo thành con người, thánh Giêrôgriô thành Nyssê viết, để nắm lấy vương quyền trên mặt đất. Con người đã được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng cai trị vũ trụ. Tất cả biểu lộ rằng, từ khởi thuỷ bản tính con người đã được ghi dấu bởi vương quyền. Con người cũng là vua. Như vậy bản tính nhân loại được tạo dựng để thống trị thế giới, vì giống với vua của toàn thể vũ trụ, nên được làm thành như một hình ảnh sống tham gia vào mẫu gốc bằng phẩm giá” (38). Được gọi trở nên phong phú và sinh sôi nảy nở, bắt địa cầu phải phục tùng và thống trị các tạo vật khác (x. St 1,28), con người là vua và chúa tể không chỉ của vạn vật, nhưng cũng và trước hết là vua và chúa tể của chính mình (39), và một cách nào đó của sự sống đã được ban cho mình và mình có thể truyền lại bằng hành động sinh sản được hoàn thành trong tình yêu và trong sự tôn trọng ý định của Thiên Chúa. Nhưng quyền chúa tể của con người không tuyệt đối, nó chỉ là một thừa tác vụ; nó là phản ánh thực sự của quyền chúa tể duy nhất và vô tận của Thiên Chúa. Do đó con người phải sống quyền chúa tể đó với sự khôn ngoan và tình yêu, tham gia vào sự khôn ngoan và tình yêu vô lượng của Thiên Chúa. Và điều ấy được thực hiện bằng sự tuân phục Lề luật thánh của Ngài, một sự tuân phục tự do và vui vẻ (x. Tv 119/118), phát sinh và được dưỡng nuôi bởi nhận thức rằng các giới luật của Chúa là một tặng phẩm của ân sủng, rằng chúng luôn luôn và duy chỉ được giao phó cho con người vì lợi ích của con người, để con người bảo vệ phẩm giá riêng của mình và để họ đi tìm kiếm hạnh phúc.
Cũng như đối diện với vạn vật, hơn thế nữa đối diện với sự sống, con người không là chủ tuyệt đối và trọng tài không thể tranh cãi, nhưng là “thừa tác viên của dự định do Đấng Tạo Hoá thiết lập và sự cao cả khôn sánh của con người hệ tại ở điều này (40).
Sự sống đã được giao phó cho con người như một kho báu không được phung phí, như một nén bạc phải làm cho sinh lợi, con người phải trả lẽ về điều ấy với Chúa của mình (x. Mt 25,14-30; Lc 19,12-27).
“Với mỗi người, Ta sẽ đòi phải trả lẽ về sự sống của người anh em mình” (St 9,5)
Sự sống của con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm.
53. “Sự sống của con người là thánh thiêng bởi vì ngay từ nguồn gốc, nó bao hàm “hành động sáng tạo của Thiên Chúa” và mãi mãi nằm trong một mối quan hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hoá, cứu cánh duy nhất của nó. Duy chỉ Thiên Chúa là Chủ sự sống từ khi nó bắt đầu cho đến lúc nó kết thúc: không ai, trong bất cứ trường hợp nào, có thể đòi cho mình quyền trực tiếp huỷ diệt một con người vô tội” (41). Bằng những lời này, Tông huấn Donum Vitae trình bày nội dung trung tâm mặc khải của Thiên Chúa về tính cách thánh thiêng và về sự bất khả xâm phạm của sự sống con người.
Quả nhiên, Thánh Kinh trình bày cho con người giới luật “ngươi chớ giết người như một giới răn của Thiên Chúa (Xh 20,13; Dt 5,17). Giới luật này– như tôi đã nhấn mạnh – nằm trong thập giới, ở trung tâm Giao Ước mà Thiên Chúa ký kết với dân tộc được tuyển chọn, nhưng nó đã được bao gồm trong giao ước nguyên thuỷ của Thiên Chúa với nhân loại sau sự trừng phạt thanh tẩy của đại hồng thuỷ, do sự lan rộng của tội lỗi và bạo lực gây ra (x. St 9,5-6).
Thiên Chúa tự tuyên bố là Chúa tể tuyệt đối của sự sống con người, được tạo thành theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài (x. St 1,26-28). Do đó, sự sống của con người biểu thị một tính chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm, nơi đó phản chiếu chính sự bất khả xâm phạm của Đấng Tạo Hoá. Vì vậy Thiên Chúa sẽ tỏ ra là Đấng thẩm phán rất nghiêm khắc đối với mọi vi phạm giới răn “ngươi chớ giết người”, đặt ở nền tảng của tất cả sự đồng sinh tồn của xã hội. Ngài là “goel”, nghĩa là Đấng bênh vực người vô tội (x. St 4,9-15 ; Is 41,14 ; Is 50,34 ; Tv 19/18,15). Bằng cách đó, Thiên Chúa cũng chứng tỏ rằng “Ngài không vui thích vì sự hư mất của các sinh linh” (Kn 1,13). Duy chỉ có Satan có thể vui mừng về điều đó: bởi sự đố kỵ của nó, cái chết đã vào trong thế gian (x. Kn 2,24). Nó, kẻ “giết người ngay từ ban đầu”, cũng là “tên dối trá, cha của sự dối trá” (Ga 8,44): khi dối gạt con người, nó đã dẫn đưa con người tới tội lỗi và sự chết, được trình bày như những cứu cánh và những thành quả sống.
54. Giới luật “ngươi chớ giết người” rõ ràng có nội dung rất tiêu cực: nó biểu thị giới hạn cuối cùng không bao giờ được vượt qua. Nhưng nó ngầm thúc đẩy giữ một thái độ tích cực tuyệt đối tôn trọng sự sống, nó dẫn đến thăng tiến sự sống và tiến tới trên con đường của tình yêu tự hiến, tiếp nhận và phục vụ. Mặc dù chậm rãi và có những mâu thuẫn, dân tộc của Giao Ước đã tuần tự trưởng thành trong chiều hướng đó, và như thế được chuẩn bị cho lời tuyên bố vĩ đại của Chúa Giêsu: tình yêu đối với tha nhân là một giới răn giống như giới răn về tình yêu đối với Thiên Chúa. “Tất cả Lề Luật và lời Tiên Tri đều gồm tóm trong hai điều răn đó” (x. Mt 22,36-40). Thánh Phaolô nhấn mạnh “Giới luật…ngươi chớ giết người và các giới luật khác đều tóm lại trong công thức này : “Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (Rm 13,9 ; x. Ga 5,14). Được lấy lại và đưa đến hoàn thành trong Lề Luật mới, giới luật “ngươi chớ giết người” vẫn còn là một điều kiện mà người ta không thể chối từ để có thể “vào trong sự sống” (x. Mt 19,16-19). Trong chính viễn cảnh đó, những lời này của Tông đồ Gioan cũng có một giọng kiên quyết: “Người nào ghét anh em thì là một kẻ giết người; mà anh em biết rằng không một kẻ giết người nào có sự sống vĩnh hằng ở trong nó” (1 Ga 3,15).
Từ những buổi đầu, Truyền Thống sống động của Giáo Hội đã nhắc lại một cách dứt khoát giới răn “ngươi chớ giết người”, như quyển Didachè, tác phẩm Kitô giáo ngoài bộ Thánh Kinh cổ xưa nhất đã chứng tỏ điều ấy: “Có hai con đường, một con đường của sự sống, một con đường của sự chết, nhưng sự khác nhau giữa hai con đường này rất lớn […] Giới răn thứ hai của đạo lý. Ngươi chớ giết người […] ngươi chớ giết con bởi phá thai và ngươi sẽ không làm cho nó chết sau khi nó sinh ra. […] Còn đây là con đường của sự chết: nhẫn tâm đối với người nghèo, dửng dưng đối với người đau khổ, và không biết đến Đấng Tạo Hoá của mình, những điều đó làm thất bại công trình của Thiên Chúa, xua đuổi kẻ bần cùng, đè nén người bị áp bức, những kẻ bênh vực bọn nhà giàu, những viên thẩm phán bất công, đó là những kẻ tội lỗi thâm căn cố đế. Ước gì các con có thể tránh xa tất cả những điều ấy !” (42).
Khi tiến lên theo thời gian, Truyền thống của Giáo Hội luôn luôn nhất trí giảng dạy giá trị tuyệt đối và trường tồn của giới răn “ngươi chớ giết người”. Người ta biết rằng, trong những thế kỷ đầu tội giết người thuộc vào số ba tội nặng nhất – cùng với tội chối đạo và tội ngoại tình – và nó đòi hỏi một sự sám hối công khai đặc biệt nặng nề và lâu dài, trước khi kẻ phạm tội giết người đã ăn năn hối cãi được ban ơn tha thứ và được thu nhận lại vào trong cộng đồng Giáo Hội.
55. Điều ấy chẳng đáng ta ngạc nhiên, vì giết chết con người, trong đó hiện diện hình ảnh của Thiên Chúa, là một tội có tính đặc biệt nghiêm trọng. Duy chỉ Thiên Chúa là chủ sự sống. Tuy nhiên xưa nay khi đứng trước nhiều trường hợp thường là bi thảm xảy ra nơi những cá nhân và trong xã hội, tâm trí của những kẻ có niềm tin bao giờ cũng cố thử đạt tới một sự hiểu biết đầy đủ hơn và sâu sắc hơn về những gì giới răn của Thiên Chúa cấm và đòi hỏi (43). Có những tình thế trong đó những giá trị do Lề Luật của Thiên Chúa đề xuất hiện ra dưới một dạng trái ngược. Ví dụ, đó là trường hợp của sự phòng vệ chính đáng, vì sự phòng vệ ấy mà quyền bảo đảm sự sống của mình và bổn phận không làm tổn thương sự sống của người khác rõ ràng thấy khó mà dung hoà được. Chắc chắn rằng giá trị nội tại của sự sống và bổn phận phải yêu thương chính mình cũng bằng yêu thương những người khác là nền tảng cho một quyền thực sự được tự bảo vệ chính mình. Giới luật đầy yêu sách này về tình yêu thương những người khác, như Cựu Ước phát biểu và Chúa Giêsu xác nhận, đòi hỏi phải có tình yêu thương chính mình trước: “ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (Mc 12,31). Vậy không ai có thể từ bỏ quyền tự bảo vệ vì thiếu tình yêu sự sống hay yêu thương mình, nhưng chỉ vì một tình yêu anh hùng thứ tình yêu đào sâu và biến đổi hình dạng tình yêu thương chính mình, theo tinh thần các mối phúc thật của Tin Mừng (x. Mt 5,13-18), trong sự hiến dâng triệt để mà Chúa Giêsu là gương mẫu tuyệt vời.
Đàng khác, “sự phòng vệ chính đáng có thể không chỉ là một quyền lợi nhưng còn là một bổn phận nghiêm trọng, đối với kẻ có trách nhiệm về sự sống của người khác, về lợi ích chung của gia đình hay của đất nước” (44). Có lúc không may, sự cần thiết phải đặt kẻ tấn công trong tình trạng không làm hại được mình, đôi khi lại bao hàm sự thủ tiêu nó. Trong giả thiết như thế, cái kết cục chết chóc phải được quy trách cho chính kẻ tấn công, đã do hành động của mình mà đưa thân ra hứng chịu, ngay cả trong trường hợp mà nó không có trách nhiệm về mặt luân lý, bởi thiếu xử dụng lý trí của mình (45)
56. Cũng được đặt vào viễn cảnh đó vấn đề án phạt tử hình. Về vấn đề này người ta ghi nhận, trong Giáo Hội cũng như trong xã hội dân sự, một xu hướng đòi áp dụng thật hạn chế, thậm chí bãi bỏ hoàn toàn án ấy. Cần đặt lại vấn đề này trong khuôn khổ công lý hình sự, xét đến cùng, phải phù hợp với ý định của Thiên Chúa về con người và về xã hội. Thực tế là hình phạt mà xã hội bắt chịu “có tác dụng đầu tiên là đền bù cho sự mát trật tự do tội phạm gây ra”(46). Trước sự vi phạm những quyền cá nhân và xã hội, các quyền lực công cộng phải nghiêm trị qua việc áp đặt cho con người phạm tội, một sự đền tội thích đáng với lỗi phạm, như điều kiện để người ấy lại được phép hưởng quyền tự do của mình. Trong chiều hướng đó, chính quyền cũng đạt được tới mục tiêu bảo vệ trật tự công cộng và sự an toàn cho cá nhân, mà không phải là đem lại cho người phạm tội một sự khích lệ và một sự hổ trợ để cho họ tự sửa chữa và cải thiện (47)
Chính vì để đạt đến những mục đích đó mà rõ ràng là mức độ và tính chất của hình phạt phải được chăm chú ước lượng và xác định. Chúng không được dẫn đến biện pháp cuối cùng là thủ tiêu người có tội, nếu có không phải là trong trường hợp tuyệt đối cần thiết, khi việc bảo vệ xã hội không thể thực hiện được cách nào khác. Nhưng mà ngày nay, do một tổ chức cơ chế hình sự luôn có hiệu năng hơn, những trường hợp ấy từ nay đã khá hiếm, nếu không phải thực tế là không còn tồn tại.
Dù thế nào nguyên tắc được chỉ định trong quyển Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo mới xuất bản vẩn có hiệu lực, theo nguyên tắc đó, “nếu những phương thế không đổ máu đủ để bênh vực mạng sống con người chống lại kẻ tấn công và bảo vệ trật tự công cộng cũng như sự an toàn các cá nhân, chánh quyền sẽ bằng lòng với những phương thế ấy, bởi vì chúng tương ứng hơn với những điều kiện cụ thể của lợi ích chung và xứng hợp hơn với phẩm giá của nhân vị con người” (48).
57. Nếu người ta phải chú ý nhiều như thế tới việc tôn trọng mọi sự sống, ngay cả sự sống của người có tội và của kẻ tấn công cách bất chính, thì giới răn “ngươi chớ giết người” phải có một giá trị tuyệt đối khi nó liên quan tới người vô tội. Và điều ấy lại càng tuyệt đối hơn khi đó là một con người yếu đuối, không được bênh vực, vốn chỉ tìm thấy trong tính cách tuyệt đối của giới răn Thiên Chúa một sự bảo vệ triệt để, trước sự độc đoán và lạm quyền của kẻ khác.
Quả nhiên, tính bất khả xâm phạm tuyệt đối của mạng sống con người vô tội là một sự thật luân lý được chỉ dạy rành mạch trong Thánh Kinh, được luôn luôn duy trì trong Giáo Hội và được quyền Giáo Huấn nhất trí đề ra. Sự nhất trí là thành quả hiển nhiên do “ý thức siêu nhiên về niềm tin” được Chúa Thánh thần khơi lên và nâng đỡ, ý thức ấy bảo đảm cho dân Thiên Chúa khỏi sai lầm, khi sự nhất trí đó “đem đến cho những chân lý liên quan tới đức tin và phong hoá một sự đồng ý phổ phát”(49).
Trước sự giảm bớt từng bước, nơi lương tâm con người và trong xã hội, nhận thức về tính bất hợp pháp tuyệt đối và nghiêm trọng, về mặt đạo đức của việc thủ tiêu trực tiếp mọi sự sống của con người vô tội, đặc biệt là khi nó mới bắt đầu hay lúc nó sắp kết thúc, quyền Giáo huấn của Giáo Hội đã tăng cường những can thiệp của mình để bảo vệ tính cách thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống con người. Quyền Giáo Huấn của Giám mục đã luôn luôn kết hợp cách đặc biệt khẩn khoản với Quyền Giáo huấn của Giáo Hoàng, qua nhiều tài liệu tín lý và mục vụ quan trọng, hoặc của cá nhân các Giám mục, và cả sự can thiệp của Công Đồng Vatican II tuy ngắn ngọn nhưng mạnh mẽ và gay gắt. (50)
Vì vậy, với uy quyền được Chúa Kitô trao phó cho Phêrô và những người thừa kế vị Ngài, trong sự hiệp thông với tất cả các Giám mục của Giáo hội công giáo, tôi xác nhận rằng việc trực tiếp và cố ý giết người vô tội luôn luôn là điều vô luân nghiêm trọng. Giáo lý này, căn cứ vào Lề luật không viết ra mà mọi người phát hiện trong tâm hồn mình dưới ánh sáng của lý trí (x. Rm 2,14-15), được Thánh Kinh khẳng định lại, được Truyền Thống Giáo Hội lưu truyền và được Quyền Giáo huấn thông thường và phổ phát giảng dạy (51).
Quyết định có suy nghĩ tước đi sự sống của một người vô tội luôn luôn là xấu về phương diện luân lý và không bao giờ được phép làm, như mục đích cũng như phương tiện để đạt đến để đạt tới một mục đích tốt. Vì chưng, đó là một sự bất tuân phục lề luật luân lý, hơn nữa đó là sự bất tuân phục chính Thiên Chúa, tác giả là Đấng bảo đảm của sự sống ấy, điều ấy trái với các nhân đức cơ bản là công bằng và bác ái. “Không gì và không ai có thể cho phép người ta giết chết con người vô tội, dù là phôi hoặc thai, trẻ em hay người lớn, người già, bệnh nhân không thể chữa trị hay người háp hối. Không ai có quyền đòi hỏi cử chỉ giết người nào đó cho mình hay cho một người khác được giao phó cho trách nhiệm của mình, thậm chí cũng không ai có quyền đồng ý việc đó, một cách rõ ràng hay không. Không một uy quyền nào được áp đặt điều đó một cách chính đáng, hoặc thậm chí cho phép điều đó” (52).
Về những gì liên quan đến quyền sống, mọi con người vô tội điều tuyệt đối bình đẳng với tất cả những người khác. Sự bình đẳng này là cơ sở của tất cả các tương quan xã hội đích thực, để được thực sự như thế, các tương quan ấy không thể không được xây dựng trên chân lý và sự sống công bằng, bằng cách đón nhận và bảo vệ từng người nam và từng người nữ như một nhân vị, chứ không như một đồ vật mà người ta tự ý xử dụng. Đối với chuẩn mực luân lý cấm thủ tiêu trực tiếp một người vô tội thì “Không có đặc quyền hay ngoại lệ nào cho bất cứ ai. Cho dù là chúa tể cả thế giới hay là người cuối cùng trong những “kẻ khốn cùng” trên mặt đất, thì vẩn chẳng có gì là khác biệt cả: trước những đòi hỏi về mặt luân lý, tất cả chúng ta tuyệt đối bình đẳng” (53).
“Con chưa thành hình mắt Ngài đã nhìn thấy con” (Tv 139/138,16)
Tội ác ghê tởm của việc phá thai.
58. Trong tất cả tội ác mà con người có thể thực hiện chống lại sự sống, sự phá thai do cố ý gây ra biểu thị những đặc trương làm cho nó đặc biệt nghiêm trọng và đáng kết tội. Công đồng Vatican 2 đã định nghĩa nó như “một tội ác ghê tởm”, cùng một lúc với tội giết trẻ sơ sinh (54).
Nhưng ngày nay, trong lương tâm nhiều người, nhận thức về tính nghiêm trọng của nó đã lu mờ dần. Sự chấp nhận phá thai trong tâm thức con người nơi các phong tục và chính trong pháp luật, là một dấu chỉ hùng hồn về một cơn khủng hoảng rất nguy hiểm trong ý thức luân lý, ý thức đó ngày càng trở nên không có khả năng phân biệt giữa sự thiện và sự ác, ngay cả khi nó liên quan đến quyền cơ bản về sự sống. Trước tình hình nghiêm trọng như thế, hơn bao giờ hết, cần thiết phải có can đảm nhìn thẳng vào sự thật và nói lên các việc bằng tên của chúng, không nhường bước cho những thoả hiệp vì dễ dãi hoặc cho sự cám dỗ tự lừa phỉnh mình. Về vấn đề ấy, lời quở trách của vị ngôn sứ vang lên một cách dứt khoát: “Khốn cho những ai gọi điều ác là thiện và điều thiện là ác, lấy tối tăm làm ánh sáng và ánh sáng làm tối tăm” (Is 5,20). Chính trong trường hợp phá thai, người ta tuân theo sự phát triển của một hệ thống thuật ngữ nhập nhằng nước đôi, như thuật ngữ “sự ngừng có thai”, vốn hướng tới việc che dấu thực chất của nó và làm bớt tính nghiêm trọng của nó trong dư luận quần chúng. Có lẽ hiện tượng ngôn ngữ học này, chính nó là hội chứng của một sự bất ổn mà các lương tâm đã cảm nghiệm thấy. Nhưng không lời nào đạt đến kết quả thay đổi thực tại của cả sự việc: sự phá thai do cố ý gây ra, dù được thực hiện bằng cách nào, là việc giết chết, có suy nghĩ và trực tiếp, một con người trong giai đoạn đầu cuộc đời của nó, ở giữa sự thụ thai và sự sinh đẻ.
Tính chất nghiêm trọng về mặt luân lý của sự phá thai do cố ý gây ra xuất hiện trong tất cả sự thật của nó, nếu người ta thừa nhận rằng đó chính là việc giết người và, cách riêng, nếu người ta quan sát những tình tiết đặc thù xác định phẩm chất của nó. Kẻ bị thủ tiêu là một con người mới bắt đầu hiện hữu, nghĩa là, trong tuyệt đối, một hữu thể vô tội nhất mà người ta có thể tưởng tượng, không bao giờ nó có thể coi như một kẻ tấn công, lại càng không thể coi như một kẻ tấn công bất chính! Nó yếu đuối, không biện pháp phòng vệ, đến mức độ thiếu thốn ngay cả biện pháp phòng vệ nhỏ mọn nhất, là sự khẩn nài bằng tiếng kêu than và khóc lóc của trẻ sơ sinh. Nó hoàn toàn được giao phó cho sự bảo vệ và những chăm sóc của người mang nó trong dạ. Ấy thế mà đôi khi chính người ấy, bà mẹ, lại quyết định và yêu cầu thủ tiêu nó và đi đến chố gây ra sự thủ tiêu đó.
Quả thật là nhiều lần, đối với bà mẹ, sự lựa chọn phá thai mang tính cách bi thảm và thương tâm, khi sự quyết định phá huỷ thành quả của sự thụ thai không được thực hiện vì những lý do thuần tuý là ích kỷ hay vì nhẹ dạ, nhưng bởi vì người ta muốn bảo vệ những lợi ích quan trọng, như sức khoẻ hay một mức sống thích hợp cho các thành phần khác của gia đình. Đôi khi người ta sợ cho đứa con sẽ sinh gặp phải những điều kiện sống khiến người ta nghĩ rằng tốt hơn cho nó là đừng sinh ra. Thế nhưng, những lý do này và những lý do khác tương tự dù nghiêm trọng và bi thảm đến đâu, cũng không bao giờ có thể biện minh được cho sự thủ tiêu có suy nghĩ một con người vô tội.
59. Để quyết định về cái chết của đứa con chưa sinh ra, bên cạnh bà mẹ thường còn có những người khác. Trước hết người cha của đứa con có thể mang tội, không chỉ khi ông ta dứt khoát đẩy người phụ nữ đó vào việc phá thai, nhưng cả khi gián tiếp hổ trợ quyết định của bà, bởi vì ông ta để bà cô độc một mình trước những sự mang thai đặt ra (55): bởi cách đó, gia đình bị tổn thương đến chết được và bị uế tạp trong bản chất cộng đồng tình yêu của nó và trong ơn gọi làm thành “cung thánh của sự sống”. Người ta cũng không thể lờ đi trước những xúi giục đôi khi đến từ phạm vi gia đình rộng lớn hơn và từ bè bạn. Thường người phụ nữ phải chịu những áp lực mạnh đến nỗi về mặt tâm lý họ cảm thấy bị bắt ép phải đành chịu phá thai: không còn nghi ngờ chút nào, trong trường hợp đó, trách nhiệm tinh thần đặc biệt đè nặng trên những ai buộc bà phải phá thai, trực tiếp hay gián tiếp. Cũng thế, các thầy thuốc và nhân viên y tế đều có tránh nhiệm khi họ đem phục vụ cho cái chết những khả năng chuyên môn đã đạt được để thăng tiến sự sống.
Nhưng trách nhiệm cũng quy vào những nhà lập pháp đã xúc tiến và phê chuẩn các đạo luật ủng hộ việc phá thai. Và, trong chừng mực tùy thuộc ở họ, cả những người quản lý các cơ cấu trị liệu được sử dụng để thực hiện những nố phá thai. Một trách nhiệm toàn bộ nghiêm trọng như thế đè nặng trên những kẻ đã giúp việc phổ biến một não trạng buông thả về tình dục và khinh thường tư cách làm mẹ, cũng như trên những người đáng lẽ phải tiến hành những chính sách gia đình và xã hội hữu hiệu để hỗ trợ các gia đình, đặc biệt là những gia đình gặp khó khăn cách riêng về mặt kinh tế và giáo dục, mà lại đã không chịu làm. Cuối cùng, người ta không thể đánh giá thấp mạng lưới tòng phạm đang phát triển đến mức liên kết những cơ quan quốc tế, những tổ chức do tư nhân lập ra và những hiệp hội đấu tranh một cách có hệ thống cho việc làm pháp luật và phổ biến sự phá thai trên thế giới. Trong chiều hướng đó việc phá thai vượt quá trách nhiệm của những cá nhân và vượt quá sự thiệt hại gây ra cho họ, và nó mang một tầm quan trọng xã hội rất lớn: đó là một vết thương rất trầm trọng gây ra cho xã hội và cho nền văn hoá của xã hội từ phía những kẻ đáng lẽ phải là những người xây dựng và bảo vệ xã hội và văn hoá. Như tôi đã viết trong Thư gửi các gia đình, “chúng ta đứng trước một đe doạ rất lớn chống lại sự sống, không nguyên sự sống của các cá nhân, nhưng còn là của toàn bộ nền văn minh” (56). Chúng ta đứng trước những gì có thể được định nghĩa như là một “cơ cấu của tội lỗi” chống lại sự sống con người chưa sinh ra.
60. Một số người mưu toan biện minh cho việc phá thai bằng cách chủ trương rằng thành quả của một sự thụ thai, ít ra là cho đến một số ngày nào đó, chưa có thể được coi như là một sự sống của con người cá vị. Sự thực là, “ngay từ khi noãn thụ tinh, khởi đầu một sự sống vốn không phải là sự sống của người cha cũng không phải là sự sống của người mẹ, nhưng là của một con người mới, phát triển cho chính mình. Nó sẽ không bao giờ thành người, nếu nó không là người ngay từ lúc ấy.[…] Khoa học di truyền hiện đại đem lại cho sự hiển nhiên thường ngày từ khoảnh khắc đầu tiên này đã định hình chương trình của cái mà thực thể sống này sẽ là: một nhân vị, cái nhân vị cá thể ấy với những điểm đặc trưng của nó. Ngay từ lúc thu tinh, đã bắt đầu cuộc phiêu lưu của một sự sống con người mà mỗi khả năng lớn đòi hỏi có thời gian để nằm vào vị trí và sẵn sàng hành động” (57). Dù cho sự kiện của một linh hồn thiêng liêng không thể được ghi nhận bằng bất cứ phương tiện thực nghiệm nào, các kết luận của khoa học về phôi người cung cấp một chỉ dẫn quý giá để phân định bằng lý trí một sự hiện diện cá nhân ngay từ sự xuất hiện đầu tiên này của một sự sống con người: làm sao một cá thể người lại sẽ không là một ngôi vị người”. (58)
Vả chăng, cái được thua quan trọng đến nỗi, trên quan điểm nghĩa vụ đạo đức, duy chỉ khả năng đứng trước một ngôi vị đã đủ để biện minh cho sự cấm chỉ rõ ràng nhất mọi can thiệp dẫn tới thủ tiêu phôi người. Chính vì lý do đó, vượt trên những cuộc tranh luận khoa học và trên cả những khẳng định triết học, mà quyền Giáo huấn của Giáo hội đã không dứt khoát tỏ rõ thái độ, Giáo hội đã luôn luôn giảng dạy rằng phải bảo đảm cho thành quả của sự sinh sản con người, từ khoảnh khắc đầu tiên trong hiện hữu của nó một sự tôn trong vô điều kiện vốn phải có, về mặt đạo đức đối với con người trong toàn bộ và trong tính đơn nhất thể xác cũng như tinh thần của nó:” Con người phải được tôn trọng và đối xử như một ngôi vị ngay từ khi được thụ thai, và vậy thì ngay từ lúc đó, người ta phải thừa nhận cho nó những quyền của ngôi vị, trong đó đứng hàng đầu là quyền được sống, một quyền bất khả xâm phạm của mọi người vô tội”. (59)
61. Các văn bản Thánh Kinh, vốn không bao giờ nói đến sự cố tình phá thai và vì thế không bao hàm những sự kết án trực tiếp và chuyên biệt về vấn đề này, để biểu lộ một sự quý trọng đối với hữu thể người còn trong dạ mẹ, đến nỗi điều ấy đòi hỏi, như hậu quả lôgic, phải nói rộng ra về cả hữu thể ấy nữa giới răn của Thiên Chúa: “Ngươi chớ giết người”.
Sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm trong tất cả các khoảnh khắc của sự hiện hữu của nó, cả trong khoảnh khắc khởi đầu có trước sự sinh ra. Từ trong dạ mẹ, con người thuộc về Thiên Chúa là Đấng dò xét và thấu biết tất cả, là Đấng hình thành và tác tạo nó từ tay Ngài, đã nhìn thấy nó khi nó mới còn là một phôi nhỏ không có hình dạng xác định và đoán thấy nơi nó con người trưởng thành nó sẽ trở nên ngày mai, mà ngày giờ đã được đến và ơn gọi đã được ghi vào “sách sự sống” (Tv 139/138, 1.13 16). Cũng nơi đó, khi nó còn trong dạ mẹ - như nhiều văn bản Thánh Kinh chứng tỏ (60) - con người là đối tượng thiết thân nhất của sự quan phòng trong tình yêu thương và trong tình hiền phụ của Thiên Chúa.
Từ thuở đầu cho đến ngày nay - như Tuyên ngôn do Thánh Bộ Giáo lý Đức Tin (61) công bố về vấn đề này cho thấy - Truyền thống Kitô giáo rất rõ và nhất trí đánh giá phẩm chất việc phá thai là sự hỗn loạn đặc biệt nghiêm trọng về mặt luân lý. Từ lúc đương đầu với thế giới Hy-La, trong đó việc phá thai và giết trẻ em sơ sinh là những chuyện thông thường, cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã triệt để chống lại những thói tục tràn lan trong xã hội ấy, bằng đạo lý và cách ăn ở của mình, như sách Didache đã dẫn trên đây cho thấy (62). Trong hàng các nhà văn thuộc Giáo hội của thế giới Hy lạp, Athênagôrê nhắc lại rằng những người Kitô hữu coi như kẻ giết người các phụ nữ đã dùng đến phương tiện phá thai, vì lẽ rằng các đứa con tuy còn ở trong lòng mẹ cũng được “Thiên Chúa chăm sóc chúng” (63). Trong hàng các văn sĩ la-tinh, Tertulianô khẳng định: “chỉ cần cản trở sinh ra thì đã là kẻ giết người rồi, người ta tước đoạt sự sống đã sinh ra hay là người ta huỷ diệt nó trong lúc nó sinh ra thì không có gì khác biệt nhau cả. cái phải trở thành một con người thì đó là một con người rồi”. (64)
Trải qua lịch sử gần hai ngàn năm của mình, cùng một đạo lý này đã được kiên trì giảng dạy bởi các Giáo phụ, các Mục tử và các Tiến sĩ. Ngay cả các cuộc tranh luận có tính cách khoa học và triết học về thời điểm chính xác của việc phú bẩm linh hồn thiêng liêng cũng không bao giờ gây ra do sự nhỏ nhất nào cho sự kết án về mặt luân lý đối với việc phá thai.
62. Gần đây, Quyền giáo huấn của Giáo Hoàng đã nhắc lại đạo lý chung ấy hết sức mãnh liệt. Đặc biệt, Đức Piô XI, trong Thông điệp Casti connubii, đã phi bác những luận cứ mạo xưng là biện minh cho việc phá thai (65), Đức Piô XI đã loại trừ mọi việc phá thai trực tiếp, nghĩa là mọi hành động trực tiếp dẫn đến huỷ diệt sự sống con người chưa sinh ra, “dù sự huỷ diệt đó được quyết định như một mục đích hay chỉ như một phương thế nhằm tới mục đích” (66); Đức Gioan XXIII đã khẳng định lại rằng sự sống con người là thánh thiêng, vì “ngay từ trong cội nguồn của nó, nó đòi hỏi hành động sáng tạo của Thiên Chúa” (67). Như đã nhắc tới trên đây, Công Đồng Vatican II đã lên án sự phá thai rất nghiêm khắc: “vậy sự sống phải được bảo vệ với một chăm sóc tột độ từ lúc thụ thai: việc phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm”. (68)
Từ những thế kỷ đầu, Kỷ luật Giáo hội đã trừng phạt những ai tự làm nhơ nhuốc bằng việc phá thai, và việc trừng phạt đó, với những hình phạt hoặc ít hoặc nhiều nặng nề, đã được xác nhận vào những giai đoạn lịch sử khác nhau. Bộ Giáo luật 1917 qui định vạ tuyệt thông cho việc phá thai (69). Giáo luật canh tân hiện nay nằm trong đường lối đó, khi tuyên bố rằng kẻ nào “phá thai mà có hiệu quả, thì tức khắc bị vạ tuyệt thông” (70),. Vạ tuyệt thông đánh vào tất cả những ai phạm tội ác này trong khi biết hình phạt họ phải chuốc lấy, cũng kể cả những kẻ tòng phạm mà nếu không có họ thì việc thực hiện tội ác đó không thể xảy ra (71); bằng sự xác nhận hình phạt ấy, Giáo Hội chỉ rõ tội ác này như một trong những tội ác nghiêm trọng và nguy hiểm nhất, để thúc đẩy những kẻ phạm tội nhanh chóng tìm lại con đường hoán cải. Vì chưng trong Giáo Hội vạ tuyệt thông nhằm mục đích làm cho người ta ý thức trọn vẹn tính nghiêm trọng của một tội ác, đặc biệt và giúp họ dễ dàng hoán cải, và đền tội thích đáng.
Trước sự nhất trí như thế của truyền thống đạo lý và kỷ luật Giáo Hội, Đức Phaolô VI đã có thể tuyên bố rằng giáo huấn này không bao giờ thay đổi và là bất di bất dịch (72). Vì vậy, với uy quyền Chúa Kitô đã trao cho Phêrô và những người kế vị ngài, trong sự hiệp thông với các giám mục - vốn đã nhiều lần liên tiếp lên án việc phá thai, và để trả lời cho sự tham khảo ý kiến nói trên đây, mặc dù tản mác khắp thế giới, đã nhất trí bày tỏ sự đồng ý với đạo lý này - tôi tuyên bố rằng, việc phá thai trực tiếp, nghĩa là được muốn như mục đích hay như phương thế luôn luôn là một thác loạn luân lý nghiêm trọng, xét như là sự cố ý giết chết một con người vô tội. Đạo lý này dựa trên cơ sở lề luật tự nhiên và lời của Thiên Chúa đã được viết ra, được tự nhiên truyền thống Giáo hội truyền lại và quyền giáo huấn thông thường và quyền phổ quát giảng dạy (73). Không bao giờ một trường hợp nào một mục đích nào, một luật pháp nào trên thế giới có thể làm cho trở thành hợp pháp một hành động vốn thực chất là không hợp pháp bởi vì trái với lề luật của Thiên Chúa ghi khắc trong tâm hồn mọi người mà ta có thể phân biệt nhờ chính lý trí và đã được Giáo hội công bố.
63. Sự đánh giá việc phá thai về mặt luân lý cũng phải được áp dụng cho những hình thức can thiệp trên các phôi người mới đây, mặc dù theo đuổi những mục đích tự nó là chính đáng các can thiệp ấy không có thể tránh được việc giết chết nó. Đó là những trường hợp sự thí nghiệm trên các phôi ngày lan rộng trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh học và được chính thức chấp nhận bởi một số nhà nước nếu “người ta phải coi như được phép là những sự can thiệp trên phôi người với điều kiện chúng tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của phôi, và nếu chúng không ghi cho nó những bất trắc không cân xứng, nhưng nhằm chữa trị nó, nhằm cải thiện những điều kiện sức khoẻ hoặc sự sống” (74), thì trái lại phải khẳng định rằng việc xử dụng những phôi hoặc những thai người như những đồ vật thí nghiệm là một tội ác nghịch với phẩm giá người của chúng vốn có quyền được tôn trọng với những đứa trẻ được sinh ra và với mọi người (75)
Cùng một sự lên án về mặt luân lý đó cũng liên quan đến phương pháp khai thác các phôi và các thai người còn sống - đôi khi “được sản xuất” cho mục đích đó bằng sự thụ tinh trong ống nghiệm - hoặc như “vật tư sinh học” để sử dụng, hoặc như kẻ cho cơ quan hay cho mô để đem ghép nhằm chữa trị một số bệnh giết chết những hữu thể người vô tội, dù có vì lợi ích của những người khác thực tế là một hành động tuyệt đối không thể chấp nhận.
Người ta phải đặc biệt chú ý đến sự đánh giá về mặt luân lý những kỹ thuật chẩn đoán tiền sản vốn cho phép sớm phát hiện rõ ràng những dị dạng thường có thể xảy ra nơi con trẻ sẽ sinh ra. Quả thật do tính phức tạp của những kỹ thuật ấy, sự định giá này phải được thực hiện rất cẩn thận và thật chặt chẽ các kỹ thuật sẽ hợp pháp về mặt luân lý khi chúng không có nguy cơ gây ra những bất trắc không cân xứng cho đứa con và cho bà mẹ và được bố trí để có thể tiến hành một liệu pháp sớm, hoặc ít ra giúp cho dễ dàng chấp nhận đứa con sắp sinh ra một cách bình thản và có ý thức. Nhưng vì ngày nay những khả năng chăm sóc trước khi sinh còn giới hạn, nên thường xảy ra là những kỹ thuật đó được đem phục vụ cho một tâm địa ưu sinh vốn chấp nhận việc phá thai chọn lọc để ngăn cản sự sinh ra những đứa con có những dị dạng khác nhau. Một tâm địa như thế thật nhục nhã và luôn luôn đáng chê trách bởi vì nó có ý định đo lường giá trị của một sự sống con người, chỉ theo những tham số của “tính hợp chuẩn” và của sự thoải mái vật chất, như thế là mở đường cho việc hợp pháp hoá tội giết trẻ sơ sinh và việc làm chết êm dịu.
Nhưng thực tế là sự dũng cảm và bình thản mà một số đông những người của chúng ta, bị tàn tật trầm trọng, sống cuộc sống của họ, khi được chúng ta chấp nhận và yêu mến, hợp thành một bằng chứng đặc biệt mạnh mẽ, và những giá trị đích thực, làm rõ nét đặc tính của sự sống, và làm cho sự sống trở thành quý giá cho mình và cho những người khác, dù là trong những điều kiện khó khăn. Giáo hội gần gũi với những đôi vợ chồng trong lo sợ và đau khổ lớn lao, chấp nhận đón tiếp những đứa con tật nguyền trầm trọng; Giáo hội cũng biết ơn những gia đình tiếp nhận làm con nuôi những đứa con bị cha mẹ của chúng bỏ rơi vì tàn tật hay bệnh hoạn.
---------------
38 De Hominis Opificio, số 4.
39 x. Thánh Gioan Đamaxen, De Fide Orthodoxa, 2, 12, được Thánh Tôma Aquinô trích dẫn, Summa Theologiae – Tổng luận thần học, I-II, Lời nói đầu.
40 Đức Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae- Sự sống con người (25.7.1968), số 13.
41 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Donum Vitae- Ơn ban sự sống (22.2.1987), Nhập đề, số 5; x. GLHTCG, số 2258.
42 Sách Didache, I, 1; II, 1-2; V, 1 và 3: Patres Apostolici, ed. F.X. Funk, I, 2-3, 6-9, 14-17; x. Thư của Pseudo-Barnabas, XIX, 5.
43 x. GLHTCG, các số 2263-2269; cũng xem sách Giáo lý của Công đồng Trentô III, §§ 327-332.
44 Sách GLHTCG, số 2265.
45 x. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae – Tổng luận thần học, II-II, q. 64, a. 7; Thánh Anphonsô Liguori, Theologia Moralis – Thần học luân lý, l. III, tr. 4, c. 1, dub.3.
46 Sách GLHTCG, số 2266.
47 x. như trên.
48 Số 2267.
49 Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium –Ánh sáng muôn dân, số 12.
50 Hiến chế Gaudium et Spes - Vui mừng và Hy vọng, số 27.
51 Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium –Ánh sáng muôn dân, số 25.
52 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về việc làm chết êm dịu Iura et Bona (5.5.1980), II.
53 Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor-Ánh rạng ngời của chân lý (6.8.1993), số 96.
54 Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes - Vui mừng và Hy vọng, số 51, "Abortus necnon infanticidium nefanda sunt crimina".
55 x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris Dignitatem-Phẩm giá phụ nữ (15.8.1988), số 14.
56 Sđd. Số 21.
57 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về việc cố ý phá thai (18.11.1974), các số 12-13.
58 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Donum Vitae- Ơn ban sự sống (22.2.1987), I, số 1.
59 Sđd như trên.
60 Ngôn sứ Giêrêmia nói: "Chúa nói với tôi bằng những lời này: 'Trước khi tạo nên ngươi trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, ngay cả trước khi ngươi lọt lòng, Ta đã thánh hiến ngươi; Ta đã đặt ngươi làm ngôn sứ cho các dân tộc" (1,4-5). Về phần mình, Thánh vịnh gia thưa với Chúa những lời này: "Ngay từ lòng mẹ con đã tựa nương vào Chúa, ngay khi con ở trong dạ mẫu thân, Chúa đã là gia nghiệp của con" (Ps 71/70,6; x. Is 46,3; G 10,8-12; Tv 22/21,10-11). Trong cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa hai người mẹ: bà Êlizabeth và Đức Maria, và giữa hai người con: Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, con náu ẩn trong lòng mẹ (x. Lc 1,39-45) – tác giả Luca cũng nhấn mạnh rằng con trẻ đón nhận Con Trẻ đến và phấn khởi vui mừng.
61 x. Tuyên ngôn về việc cố ý phá thai (18.11.1974), số 7.
62 "Ngươi không được giết con trẻ bằng việc phá thai và không được làm chết nó sau khi nó sinh ra": V, 2: Patres Apostolici, ed. F.X. Funk, I, 17.
63 Lời thỉnh cầu cho các Kitô hữu, số 35.
64 Apologeticum – Minh giáo, IX, 8.
65 x. Thông điệp Casti Connubii-Khiết tịnh hôn nhân (31.12.1930), II.
66 Diễn văn trước Liên hiệp Y Sinh học "San Luca" (12.11.1944): Discorsi e Radiomessaggi, VI; x. Diễn văn trước Liên hiệp Công giáo Italia các bà hộ sinh (29.10.1951), số 2.
67 Thông điệp Mater et Magistra-Mẹ và Thầy (15.5.1961), số 3.
68 Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes - Vui mừng và Hy vọng, số 51.
69 Xem điều 2350, § 1.
70 Bộ Giáo luật, điều 1398; x. Bộ luật các Giáo hội Đông phương, điều 1450, § 2.
Theo gpnt.net
0 bình luận:
Đăng nhận xét