CHƯƠNG II
TÔI ĐẾN ĐỂ CHO HỌ ĐƯỢC SỐNG
TÔI ĐẾN ĐỂ CHO HỌ ĐƯỢC SỐNG
Sứ điệp Kitô Giáo về sự sống
“Sự sống đã được tỏ hiện, chúng tôi đã nhìn thấy” (1Ga 2)
Nhìn về Chúa Kitô “Lời Sự Sống”
29. Trước vô số những đe doạ nghiêm trọng đè nặng trên sự sống trong thế giới hôm nay, ta có thể vẫn như là bị dằn vặt, vì cảm thấy một nỗi bất lực không thể vượt qua: điều thiện sẽ không bao giờ đủ mạnh mẽ để chiến thắng cái ác.
Chính lúc đó Dân Chúa, và trong Dân Chúa mọi người tin được kêu mời khiêm tốn và can đảm tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô, “Lời sự sống” (1Ga 1,1) Tin Mừng về sự sống không phải là một suy tư đơn thuần về sự sống, mặc dù độc đáo và sâu sắc, cũng không phải chỉ là lệnh truyền để báo động lương tri và khơi lên những biến đổi quan trọng trong xã hội, càng không phải là lời hứa viễn vông về một tương lai tốt đẹp hơn. Tin Mừng về sự sống là một thực tại cụ thể và mang tính ngôi vị, vì hệ tại ở việc loan báo về chính ngôi vị của Chúa Giêsu. Với tông đồ Thomas và qua ông, với bất kỳ ai, Chúa Giêsu tự giới thiệu: “Thầy là Đường đi, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,60), Ngài cũng khẳng định căn tính ấy với Marta, chị của Lazarô: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Thầy, dù kẻ ấy có chết cũng sẽ sống và bất kỳ ai sống và tin Thầy, sẽ không chết bao giờ” (Ga 11,25-26). Chúa Giêsu là Chúa Con từ nguyên thuỷ đã nhận sự sống của Chúa Cha (x.Ga 5,26) và đã đến giữa loài người để cho họ tham dự vào hồng ân này: “Tôi đến để cho họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Như thế, chính là từ lời nói, hành động và ngôi vị của Chúa Giêsu mà loài người được khả năng “nhận biết” chân lý trọn vẹn về giá trị của sự sống con người; chính từ “nguồn” này mà tựu trung loài người nhận được khả năng “thi hành” chân lý cách hoàn hảo, hoặc nhận lãnh và thi hành đầy đủ trách nhiệm yêu quý và phục vụ sự sống con người, bảo vệ và thăng tiến nó.
Quả vậy, trong Chúa Kitô, đã dứt khoát được loan truyền và trao ban đầy đủ Tin Mừng về sự sống, Tin Mừng này vốn hiện diện trong Mạc Khải của Cựu Ước, và một cách nào đó đã ghi khắc trong trái tim của mọi người, nam cũng như nữ, vẫn hằng vang lên trong mỗi lương tâm “ngay từ ban đầu,tức là ngày Thiên Chúa sáng tạo thế giới, đến mức, cho dù có những lựa chọn tiêu cực của tội lỗi, Tin Mừng này vẫn được lý trí con người nhận biết ở những nét cốt yếu. Như Công đồng Vatican II đã viết, Chúa Kitô dùng “tất cả sự hiện diện và biểu lộ về chính Ngài bằng lời nói và việc làm, bằng dấu chỉ và phép lạ, và đặc biệt nhất, là bằng sự chết và phục sinh vinh hiển của Người từ giữa những người chết, rồi qua việc ban Thánh Thần chân lý, Ngài kết thúc mặc khải bằng cách hoàn chỉnh, và củng cố Mặc Khải bằng cách xác nhận uy quyền rằng chính Thiên Chúa ở cùng ta để lôi kéo ta ra khỏi chốn tối tăm tội lỗi và sự chết, và phục sinh ta cho ta được sống đời đời (22)
30. Vì vậy, hướng nhìn lên Chúa Giêsu, chúng ta muốn nghe lời Ngài nói lại “những lời Thiên Chúa” (Ga 3,34) và muốn lại được suy gẫm Tin Mừng về sự sống. Ý nghĩa sâu xa nhất và độc đáo nhất của việc suy gẫm sứ điệp mặc khải về sự sống con người, đã được thánh Gioan tông đồ thấu hiểu, khi Ngài viết ngay ở đầu lá thư thứ nhất: “Điều từ thuở ban đầu đã có, điều chúng tôi chính mắt nhìn xem, điều chúng tôi đã từng chiêm ngắm, điều hai tay chúng tôi đã sờ tới, về Lời sự sống- vì Sự Sống đã tỏ hiện, chúng tôi đã từng thấy, chúng tôi đã làm chứng và loan báo sự sống đời đời ấy cho anh em, Sự Sống ấy luôn hướng về Chúa Cha và đã xuất hiện cho chúng ta- điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho anh em, để anh em cùng hiệp thông cùng chúng tôi” (1Ga 1,1-3).
Như vậy nơi Chúa Giêsu, “Lời sự sống”, sự sống thần linh và vĩnh hằng đã được loan báo và ân ban này, sự sống thể lý và thiêng liêng của con người, ngay cả trong giai đoạn trần thế, đã nhận đầy đủ giá trị và ý nghĩa của nó: quả vậy, sự sống thần linh và vĩnh cửu là mục đích mà con người trên trần gian hướng đến và được mời gọi tới. Như thế Tin Mừng về sự sống chứa đựng điều mà ngay cả kinh nghiệm và lý trí con người đều nói về giá trị của sự sống, Tin Mừng về sự sống tiếp đón, nâng cao và đưa sự sống con người tới mức hoàn chỉnh.
“Sức mạnh và lời ca của tôi chính là Chúa, tôi mong ơn Ngài cứu độ” (Xh 15,2)
Sự sống bao giờ cũng là điều thiện hảo.
31. Quả thực, sự sung mãn mang tính Tin Mừng của sứ điệp về sự sống đã được chuẩn bị ngay trong Cựu Ước. Nhất là chính trong biến cố Xuất hành, trọng tâm của kinh nghiệm đức tin trong Cựu Ước, mà khi Israel bị án tiêu diệt, vì một đe doạ tàn sát đè nặng trên hết thảy hài nhi sơ sinh của họ (x. Xh 1,15-23) thì Chúa tỏ mình ra cho họ như Đấng Cứu Độ, Đấng cơ thể bảo đảm tương lai cho kẻ không còn hy vọng. Và như thế nảy sinh trong dân Irael một ý thức chính xác: Sự sống của họ không thể tùy hứng của một Pharao muốn lấy quyền độc tài mà áp bức ra sao cũng được, trái lại sự sống của họ là đối tượng của tình yêu nhân hậu và mạnh mẽ từ phía Thiên Chúa.
Sự giải phóng khỏi cảnh nô lệ là ân ban một căn tính, là sự nhìn nhận một phẩm giá bất khả huỷ và là khởi đầu một lịch sử mới, ở đó sự khám phá ra Thiên Chúa và sự khám phá ra chính mình đi đôi với nhau. Kinh nghiệm này của xuất hành là căn bản và mẫu mực. Israel học biết được rằng, mỗi khi họ bị đe doạ trong cuộc sống, họ chỉ cần chạy lại cùng Thiên Chúa với niềm cậy trông mới để gặp được nơi Ngài một sự phù trì linh nghiệm: “Ta đã nặn đúc ngươi, ngươi làm đầy tớ Ta, Israel ơi, Ta sẽ không quên ngươi” (Is 44,21)
Như thế, khi nhận biết được giá trị sự sinh tồn của mình như là một dân tộc, Israel cũng tiến bước trong sự hiểu được ý nghĩa và giá trị của sự sống với tư cách là sự sống. Đó là một suy tư được phát triển cách đặc sắc trong các sách triết ngôn, khởi đi từ cảm nghiệm hằng ngày về sự sống bấp bênh, cũng như ý thức được những đe doạ đang rình rập nó. Trước những mâu thuẫn trong cuộc sống, đức tin được mời gọi lên tiếng giải đáp.
Nhất là chính vấn đề đau khổ đang thách đố niềm tin, đang thử lửa nó. Làm sao không hiểu thấu được tiếng kêu than của con người ở khắp nơi, trong lúc gẫm suy sách Job? Người vô tội bị đau khổ đè bẹp thì cũng dễ hiểu là họ phải đi tới chỗ tự hỏi: “Tại sao ban ánh sáng cho kẻ khốn cùng, ban sự sống cho kẻ lòng đầy đắng cay, mong chết đi mà chẳng được, kẻ tìm cái chết như kẻ tìm kho báu?” (Job 3,20-21). Ngay trong cảnh tối tăm dày đặc, đức tin vẫn thúc đẩy nhìn nhận ra “một mầu nhiệm, trong tinh thần cậy trông và tôn thờ: “Tôi biết là Ngài toàn năng: điều Ngài nghĩ, Ngài thực hiện được.” (Job 42,2)
Dần dần, mặc khải làm cho ta hiểu được mỗi ngày rõ ràng hơn cái mầm sống bất tử mà Đấng Tạo Hoá đặt trong trái tim mọi người: “Tất cả những vật Chúa ban đều tốt trong thời chúng; Chúa đã đặt trong lòng chúng tổng số thời gian” (Gv 3,11). Cái niềm tin toàn thể và sung mãn này đang chờ được tỏ lộ trong tình yêu thương và được hoàn chỉnh trong việc dự phần sự sống đời đời nhờ một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa.
“Danh Chúa Giêsu đã làm cho người này mạnh khoẻ lại” (Cv 3,16)
Trong cảnh đời bấp bênh, Chúa Giêsu đưa ý nghĩa sự sống đến mức hoàn hảo.
32. Kinh nghiệm của dân tộc Giao Ước lại tái diễn trong kinh nghiệm của mọi “người nghèo khổ” những người gặp gỡ Chúa Giêsu thành Nazareth. Như Thiên Chúa, “bạn của sự sống” (Kn 11,26), đã trấn an Israel giữa cơn hiểm nghèo, cũng thế ngày nay con Thiên Chúa loan báo cho những ai cảm thấy mình bị đe doạ và bị cản trở trong cuộc đời biết rằng sự sống của họ là một thiện hảo mà tình yêu của Chúa Cha phú ban cho một ý nghĩa và một giá trị.
“Những người mù được thấy, những kẻ què được đi, kẻ cùi được sạch, kẻ điếc lại được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo khó được nghe loan báo Tin Mừng” (Lc 7,22). Qua những lời kêu gọi của ngôn sứ Isaia (Is 15,5-6; 61,1), Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của sứ mệnh Ngài, những kẻ đau khổ vì một hình thức bất hạnh nào trong đời họ, cũng được nghe từ Ngài Tin Mừng về lòng Thiên Chúa Cha chăm sóc cho họ và họ xác tín rằng sự sống của họ cũng là một hồng ân được giữ chắc trong bàn tay Cha” (x.t 6,25-34).
Chính những “kẻ nghèo khổ” được đặc biệt quan tâm bởi lời giảng và hành động của Chúa Giêsu. Những đoàn bệnh nhân và người bên lề xã hội khi đi theo Chúa, và đi tìm Chúa, đã gặp được trong lời nói và hành vi của Ngài sự Mặc Khải về giá trị sự sống của họ, và về những gì làm cơ sở cho việc họ mong chờ ơn cứu độ.
Trong sứ mệnh của Giáo Hội khi loan báo về Chúa Giêsu “Đấng” đi qua đâu cũng đều thi ân giáng phúc và chữa lành mọi kẻ bị quỷ ma thống trị, vì Thiên Chúa ở cùng Ngài” (Cv 10,38), Giáo Hội cũng biết rằng mình mang sứ điệp cứu rỗi đang vang vọng một cách trọn vẹn mới mẻ, nhất là giữa những hoàn cảnh của khốn cùng và nghèo đói mà con người phải trãi qua trong cuộc đời. Chính thánh Phêrô đã làm như thế, khi chữa lành người què, ngày ngày được đưa tới đặt gần “Cửa Đẹp” của Đền Thờ Giêrusalem để xin bố thí: “Bạc vàng thì tôi không có, nhưng có gì thì tôi cho anh: nhân danh Chúa Giêsu người Nazareth, anh hãy bước đi” (Cv 3,6). Trong niềm tin vào Chúa Giêsu “tác giả sự sống” (Cv 3,15), thì sự sống hiện có đó, bị bỏ rơi và đang van xin lại gặp được ý thức về mình và gặp được phẩm giá đầy đủ.
Lời nói và việc làm của Chúa Giêsu và của Giáo Hội không chỉ liên hệ tới người sống trong bệnh tật, đau khổ hay trong những hình thức bị gạt bỏ khác nhau. Một cách sâu xa hơn, những lời nói việc làm ấy đụng chạm tới ý nghĩa sự sống của mọi người trong chiều kích luân lý và tinh thần của họ. Chỉ ai nhìn nhận đời sống mình bị mắc bệnh tội lỗi, mới có thể tìm lại được trong cuộc gặp Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế, chân lý và sự chính thực của đời mình, như lời Chúa Giêsu dạy: “Có cần đến lương y, hẳn không phải là người lành mạnh, mà là người đau ốm. Ta không đến gọi những người công chính mà gọi người tội lỗi hối cải” (Lc 5,31-32).
Trái lại, người bắt chước anh nông dân giàu có trong dụ ngôn Tin Mừng, tưởng mình có thể bảo đảm cuộc sống chỉ bằng tài sản vật chất của mình, thì thực ra đã sai lầm, sự sống đã vụt tắt khỏi anh ta, anh ta mất nó rất nhanh, không nhìn ra được ý nghĩa thực của sự sống: “Đồ ngu ngốc, ngay đêm nay người ta sẽ đòi hồn ngươi, mọi thứ ngươi tích trữ sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).
33. Chính trong cuộc đời của Chúa Giêsu từ đầu tới cuối, mà ta tìm gặp được “biện chứng” lạ lùng giữa kinh nghiệm về sự bấp bênh của sự sống con người và sự khẳng định của sự sống ấy. Quả thật, sự sống của Chúa Giêsu đã được ghi dấu bằng sự bấp bênh ngay từ khi Ngài sinh ra. Quả thực Chúa đã gặp được sự đón tiếp thuận lợi của những người công chính, họ hiệp ý với lời “xin vâng” nhanh nhẹn và vui vẻ của Đức Maria (x. Lc 1,38). Nhưng cũng chính ngay từ đầu đã có sự từ chối của một thế giới tỏ ra thù địch và tìm hài nhi để giết đi (Mt 2,13), hoặc là dửng dưng, không quan tâm tới việc hoàn tất mầu nhiệm sự sống đã vào nơi trần thế: “Không còn chỗ nào trong quán cho hai ông bà (Lc 2,7). Sự tương phản giữa một đàng là những đe doạ bất an, một đàng là quyền năng của ơn Thiên Chúa ban làm rạng ngời lên, hết sức mạnh mẽ, chính vinh quang toát ra từ máng cỏ Bêlem và từ căn nhà Nazareth: sự sống sinh ra đây là ơn cứu độ cho nhân loại. (x. Lc 2,14).
Những mâu thuẫn, những rủi ro trong cuộc sống Chúa Giêsu nhận cả: “Giàu có như Ngài, mà vì anh em, Ngài đã nên nghèo khổ, ngõ hầu anh em nên giàu có, nhờ sự khó nghèo của Ngài” (2Cr 8,9). Sự nghèo khó mà Thánh Phaolô nói, không chỉ là trút bỏ mọi đặc ân của thần tính, mà còn là chia sẻ mọi cảnh sống thấp hèn nhất, bấp bênh nhất của đời người, (x. Pl 2,6-7). Chúa Giêsu sống cảnh nghèo trong suốt cuộc đời trần thế, tới giây phút cuối cùng trên Thập Giá: “Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở nên vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá. Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và trao Ngài danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”. (Pl 2,8-9). Chính trong cái chết của mình mà Chúa Giêsu mạc khải tất cả sự cao cả và giá trị của sự sống, bởi vì việc Ngài tự hiến dâng trên Thập giá đã trở nên nguồn sống mới cho mọi người (x. Ga 12,32) khi Ngài đối diện với những chống đối và những cái tiêu diệt sự sống của Ngài, Chúa Giêsu đi thẳng tới vì nắm chắc bảo đảm rằng sự sống của Ngài ở trong tay Chúa Cha. Vì thế, trên cây Thập Tự, Ngài thân thưa: “Lạy Cha, Con ký thác hồn Con trong tay Cha” (Lc 23,46) tức là Chúa Giêsu phó thác sự sống cho Chúa Cha. Quả thực là cao cả, giá trị của sự sống con người, vì Con Thiên Chúa đã lãnh nhận sự sống ấy và làm cho trở nên dụng cụ để Cứu độ toàn thể nhân loại!
“Được gọi … để nên người đồng hình đồng dạng với hình ảnh Con của Người (Rm 8,28-29)
Vinh Quang Thiên Chúa rạng ngời trên khuôn mặt của con người.
34. Sự sống bao giờ cũng là điều thiện hảo. Đó là điều ta trực giác thấy, mà cũng là một dữ kiện của kinh nghiệm mà con người được gọi để thấu hiểu lý do sâu xa của nó.
Tại sao sự sống là một thiện hảo? – Câu hỏi được đặt ra trong toàn bộ Kinh Thánh và ngay những trang đầu, đã tìm ra được câu giải đáp mạnh mẽ tuyệt vời. Sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người thì khác với và tách biệt khỏi sự sống của bất cứ sinh vật nào, bởi vì, dù vẫn “thân thích” với bụi đất (x. St 2,7; 3,19; G 34,15; Tv 103 (102),14; 104(103),29), con người trên trái đất là sự biểu lộ Thiên Chúa, một dấu chỉ cho sự hiện diện của Ngài, một vết tích của vinh quang Ngài (x. St 1,26-27; Tv 8,6). Đó là điều Thánh Irênê thành Lyon muốn nhấn mạnh bằng định nghĩa thời danh: “Vinh quang Thiên Chúa là con người đang sống” (23). Con người đã được trao ban một phẩm giá cao sang mà căn nguyên bám sâu trong liên hệ thân thiết nối kết con người với Đấng Tạo Thành nên họ: nơi con người, toả sáng chính thực tại của Thiên Chúa.
Đấy là khẳng định của sách Sáng thế ký, trong trình thuật thứ nhất về nguồn gốc các sự vật, trình thuật này đặt con người trên đỉnh cao trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, như một kết thúc cho khối hỗn mang vô dạng, sau thời kỳ phát triển, đã đạt tới tạo vật hoàn thành nhất. Trong tạo vật tất cả đều được hướng tới con người và tất cả luỵ thuộc con người: “Hãy nên đầy dẫy trên đất, hãy bá chủ nó! Hãy cai trị …trên mọi loài sinh vật” (St 1,28). Thiên Chúa đã truyền lệnh cho người nam và người nữ như vậy. Trình thuật này thuộc về nguồn gốc các vật, đưa ra một sứ điệp tương tự: “Giavê Thiên Chúa đã đem con người đặt trong vường Eden để canh tác và giữ vườn” (St 2,15). Như vậy là quyền bá chủ của con người trên các vật được tái khẳng định: mọi vật được dành cho con người, được giao cho con người chịu trách nhiệm, trong khi con người không vì một lý do gì mà có thể bị nô lệ cho đồng loại mình, cũng không bị liệt một cách nào đó vào hàng sự vật.
Trong trình thuật Thánh Kinh, sự phân biệt giữa con người và các thụ tạo khác được bày tỏ hiển nhiên qua sự kiện việc sáng tạo nên con người được trình bày như kết quả do một quyết định đặc biệt của Thiên Chúa, do một thảo luận để đặt mối dây liên hệ riêng và đặc biệt với Đấng Tạo Hoá: “Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, giống như ta” (St 1,16), sự sống mà Thiên Chúa ban tặng con người là một hồng ân, qua đó Thiên Chúa làm cho thụ tạo của Ngài tham dự vào cái gì đó của chính Ngài.
Israel tự hỏi mình rất lâu về ý nghĩa của mối liên hệ riêng đặc biệt giữa con người với Thiên Chúa. Sách Giảng Viên cũng nhận rằng khi Thiên Chúa dựng nên loài người, “Ngài mặc cho họ bộ áo sức mạnh và dựng nên họ theo hình ảnh Ngài” (Gv 17,3). Tác giả Thánh Kinh nối kết với điều đó không những việc con người cai trị thế giới, mà cả những tài năng tinh thần đặc thù của con người nữa, như lý trí, khả năng phân biệt tốt xấu, ý chí tự do: “Ngài ban cho họ được đầy trí thức và thông minh, và cho họ biết được điều thiện điều ác” (Gv 17,7). Khả năng đạt tới chân lý và tự do là những đặc ân của con người xét theo sự kiện con người được tạo thành theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, Thiên Chúa chân thật và công minh (x. Đnl 32,4). Trong các tạo vật hữu hình, chỉ con người có được “khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Sáng Tạo nên mình” (24). Sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người còn hơn cả một cuộc hiện hữu trong thời gian. Đây là việc vươn tới sự sống sung mãn; đây là mầm của sự sinh tồn vượt ra khỏi giới hạn thời gian. “Phải, Thiên Chúa đã dựng nên con người để không hư nát, Ngài làm ra nó như hình ảnh của bản tính Ngài”. (Kn 2,23).
35. Trình thuật Giavít về nguồn gốc các sự vật cũng diễn tả xác tín ấy. Quả vậy câu chuyện kể xa xưa nói về hơi thở thần linh được thổi vào con người để con người bước vào sự sống. “Giavê Thiên Chúa đã nắn hình người bằng đất bùn nhuyễn và Ngài đã hà hơi sống vào mũi nó và người đã thành một hữu thể sống động” (St 2,7)
Nguồn gốc thần linh của tinh thần sự sống ấy giải thích tại sao có sự triền miên không thoả mãn đi theo con người suốt cuộc đời. Được Thiên Chúa dựng nên, mang trong mình một dấu ấn thần linh không thể xoá được, tự nhiên con người vươn lên với Chúa. Khi lắng nghe khát vọng sâu xa của lòng mình, con người không thể không coi như của chính mình, lời chân thật này của Thánh Augustinô “Lạy Chúa, Chúa tác thành chúng con cho Chúa, và lòng chúng con không an nghỉ được, cho tới khi nó ở trong Ngài” (25)
Càng có ý nghĩa hơn nữa, khi thấy cái không thoả mãn này xâm nhập sự sống của con người trong vườn Eđen, bao lâu người chỉ quan hệ với thế giới thực vật và động vật mà thôi (x. St 2,20). Mãi tới khi xuất hiện người nữ, một hữu thể là thịt của thịt mình, là xương của xương mình (x. St 2,23) và nơi nàng cũng có thần khí sống của Thiên Chúa sáng tạo, bấy giờ người mới có thể thoả mãn nhu cầu đối thoại giữa các nhân vị, là điều sinh tử trong cõi nhân sinh. Trong kẻ khác là người nam hay nữ đó, Thiên Chúa đã giải toả hình ảnh Ngài, Đấng là cùng đích làm thoả mãn mọi con người.
“Con người là chi mà Chúa tưởng nghĩ đến, loài người là gì mà Chúa phải chăm lo?” Tác giả thánh vịnh tự hỏi như vậy (Tv 8,5). đứng trước cảnh vũ trụ bao la, con người quả là một vật bé nhỏ, nhưng chính nét tương phản này làm nổi bật sự cao cả của con người: “Người đã dựng nên con người kém thiên thần một chút, (cũng có thể dịch: “kém Thiên Chúa một chút”) danh dự và vinh quang, Ngài ban tặng con người” (Tv 8,6). Vinh quang Thiên Chúa rực rỡ trên nét mặt con người. Nơi con người, Thiên Chúa gặp được chốn nghỉ ngơi, như Thánh Ambrôsiô đã thán phục và cảm kích chú giải: “Ngày thứ sáu đã kết thúc; công trình sáng tạo thế giới đã hoàn thành với việc dựng nên kiệt tác là con người, còn con người thì hành xử quyền bính trên mọi sinh vật, vì người là tột đỉnh của vũ trụ và là nét đẹp cao quý nhất của mọi hữu thể đã được tạo thành. Thật vậy, lẽ ra chúng ta phải tôn kính mà im lặng, vì Chúa đã nghỉ ngơi sau khi sáng tạo thế giới. Sau đó Ngài nghỉ ngơi trong sâu thẳm của con người, Ngài nghỉ ngơi trong tâm trí và tư tưởng của con người: Quả vậy, Ngài đã dựng nên con người có lý trí, có thể bắt chước Ngài, noi theo các nhân đức của Ngài, khát vọng những hồng ân thiên giới. Trong những ân huệ đó là ơn ban của Ngài, Thiên Chúa nghỉ ngơi, Ngài phán: “Ta sẽ nghỉ ngơi trên ai,... nếu không phải trên con người khiêm tốn, người yên hàn và run sợ trước lời Ta” (Is 66,1-2). Tôi cảm tạ Chúa là Thiên Chúa chúng ta, Ngài dựng nên một công trình kỳ diệu quá đỗi để nơi đó Ngài gặp được chốn nghỉ ngơi” (26)
36. Rủi thay kế hoạch lạ lùng của Thiên Chúa lại bị phản ngược vì tội lỗi đã xâm nhập vào lịch sử. Bởi tội lỗi, con người khởi loạn chống lại Đấng tạo thành nên mình, để sau đó thờ các thụ tạo, thờ ngẫu tượng: “Họ đã tôn thờ và phụng sự tạo vật hơn là thờ Đấng Tạo Hoá” (Rm 1,25). Như vậy, làm dơ bẩn nơi mình chính hình ảnh của Thiên Chúa vẫn chưa đủ, con người còn dám xúc phạm hình ảnh ấy nơi những người khác nữa, bằng cách thay thế nhiều quan hệ hiệp thông bằng những thái độ khinh thường dửng dưng, thù nghịch tới mức ghen ghét sát nhân. Khi người ta không nhận biết Thiên Chúa như là Thiên Chúa, người ta sẽ phản bội ý nghĩa sâu xa về con người và vi phạm sự hiệp thông giữa loài người.
Trong đời sống con người, hình ảnh Thiên Chúa lại sáng ngời và bộc lộ với tất cả sự sung mãn khi Con Thiên Chúa xuống mang lấy thân xác con người: “Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), là “ánh rạng ngời vinh quang của Thiên Chúa, là ảnh đúc bản thể của Người” (Dt 1,3). Ngài là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha.
Sau cùng kế hoạch về sự sống được trao phó cho Ađam thứ nhất cũng hoàn tất trong Chúa Kitô. Khi sự bất tuân của Adam nhận chìm và làm sai lệch ý định của Thiên Chúa trên cuộc sống của con người, và làm cho sự chết len lõi vào thế gian, thì sự tuân phục của Chúa Kitô Cứu Thế là nguồn ơn lại tràn đổ trên mọi người, khi mở cửa vương quốc sự sống cho tất cả (x. Rm 5,12-21). Thánh Phaolô tông đồ khẳng định điều đó: “Người đầu tiên là Ađam đã thành hồn sống, còn Ađam cuối cùng đã nên thần khí tác sinh (1 Cr 15,45).
Tất cả những ai chấp nhận đi theo Chúa Kitô, sẽ được sống sung mãn, nơi họ, hình ảnh Thiên Chúa được phục hồi, đổi mới, đưa tới mức hoàn thiện. Đấy là ý định của Thiên Chúa trên tất cả mọi người: Họ hãy nên “đồng dạng với hình ảnh con của Ngài” (Rm 8,29). Chỉ có như thế, trong ánh sáng ngời của hình ảnh này, con người mới có thể được cứu thoát khỏi vòng nô lệ của việc thờ ngẫu tượng, mới có thể xây dựng tình huynh đệ đã bị gãy đổ và tìm lại được căn tính của mình.
“Ai Sống và tin Ta sẽ không chết bao giờ” (Ga 11,26)
Ơn ban của sự sống vĩnh cửu.
37. Sự sống mà Thiên Chúa đã ban cho loài người không chỉ giới hạn ở cuộc sinh tồn trong thời gian. Sự sống, vốn từ muôn thuở ở “trong Ngài” và là “ánh sáng cho loài người” (Ga 1,4), sự sống ấy hệ tại việc được sinh ra bởi quyền năng Thiên Chúa và tham dự bởi tình yêu sung mãn của Ngài: “Còn những ai đón nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa, cho những kẻ tin vào Danh Ngài, họ không do máu huyết mà sinh ra, cũng không phải do ý xác thịt, cũng không phải do ý của nam nhân, nhưng chính do bởi Thiên Chúa mà được sinh ra” (Ga 1,12-14)
Đôi khi, Chúa Giêsu gọi sự sống Ngài mang đến bằng danh từ đơn giản “sự sống” và Ngài trình bày sự sinh ra bởi Thiên Chúa như điều kiện tất yếu để có thể đạt cùng đích mà vì đó Chúa đã sáng tạo con người: “Ai không bởi trên mà sinh ra, thì không thể thấy được Nước Thiên Chúa” (Ga 3,3). Ơn ban sự sống này làm nên đối tượng riêng của sứ mệnh Chúa Giêsu: Ngài là “Đấng từ trời xuống và ban sự sống cho thế gian” (Ga 6,33) đến độ Ngài đã hết sức chân thật khẳng định: “Ai theo Ta …sẽ có ánh sáng ban sự sống” (Ga 8,12)
Vào những dịp khác, Chúa Giêsu nói tới sự sống vĩnh hằng bằng cách dùng một tính từ không nguyên chỉ nhắm về một nhãn giới siêu thời gian. “Sự sống được hứa và được trao ban nhờ Chúa Giêsu là sự sống vĩnh hằng bởi vì nó là sự tham dự sung mãn vào sự sống của Đấng Vĩnh Hằng. Ai tin Chúa Giêsu và hiệp thông với Ngài, là có sự sống vĩnh hằng, vì chính bởi Ngài mà người ấy hiểu được những lời có thể mạc khải và thông ban sự sống đời đời” mà Phêrô đã nhận ra trong lời tuyên tín: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy có những lời đem đến sự sống đời đời. Và chúng con đã tin cùng nhận biết Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69). Sự sống đời đời được Chúa Giêsu định nghĩa khi Ngài thân thưa với Cha trong lời nguyện tư tế: “Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô!” (Ga 17,3). Nhận biết Thiên Chúa và Con của Ngài, là tiếp nhận mầu nhiệm hiệp thông tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần vào đời sống của ta mà ngay bây giờ đã hướng mở về cuộc sống vĩnh cửu trong việc thông phần vào sự sống Thiên Chúa.
38. Vậy sự sống đời đời là chính sự sống của Thiên Chúa cũng như sự sống của những con cái Thiên Chúa. Người tín hữu không thể không càng ngày càng sửng sốt bỡ ngỡ và không thể không tri ân vô hạn trước chân lý lạ lùng khôn tả từ Thiên Chúa mà đến với ta trong Chúa Kitô. Người tín hữu sẽ mượn lời Thánh Gioan tông đồ mà kêu lên: “Hãy coi tình yêu Chúa Cha ban cho ta lớn lao dường nào, để ta được gọi là con Thiên Chúa. Và thực chúng ta là con Thiên Chúa!... Anh em thân mến, hiện giờ ta là con cái Thiên Chúa, ta sẽ là gì thì chưa được tỏ hiện. Ta biết rằng một khi điều ấy tỏ hiện, thì ta sẽ được giống như người, vì Người thế nào, ta sẽ được thấy như vậy” (1 Ga 3,1-2). Chính như thế mà chân lý Kitô giáo về sự sống đạt tới mức tràn đầy. Giá trị sự sống không chỉ gắn liền với nguồn cội của nó, theo như nó được trao ban từ Thiên Chúa, mà còn nối kết vào cùng đích, vào vận mệnh của nó là được hiệp thông với Thiên Chúa, để nhận biết và yêu mến Ngài: Chính qua ánh sáng chân lý này mà Thánh Irênê xác định và bổ túc việc tuyên dương con người: “Vinh quang của Thiên Chúa đúng là “con người đang sống”, “nhưng sự sống của con người” là được “hưởng kiến Thiên Chúa” (27).
Từ đó, ta rút ra những hệ quả trực tiếp cho sự sống con người ngay trong thân phận trần thế của họ, nơi đó sự sống đời đời đã nảy mầm và tăng trưởng. Nếu con người tự bản năng vốn yêu sự sống vì sự sống là một thiện hảo, thì tình yêu này còn tìm thấy ra một động lực và một sức mạnh khác, một mức độ sâu rộng mới trong những chiều kích thần linh của thiện hảo này. Theo viễn ảnh ấy, tình yêu của bất cứ người nào đối với sự sống không chỉ hạn hẹp vào việc tìm một không gian để bày tỏ chính mình họ và để tương giao với những người khác mà thôi, nhưng tình yêu ấy còn mở rộng trong ý thức hân hoan rằng họ có thể làm cho cuộc sống họ trở nên “nơi chốn” Thiên Chúa tỏ mình ra, nơi được gặp Ngài và hiệp thông với Ngài. Sự sống mà Chúa Giêsu trao ban cho ta không làm giảm giá trị cuộc sống ta trong thời gian, nhưng đón nhận giá trị ấy và dẫn đưa nó tới vận mệnh cánh chung: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai sống và tin Ta sẽ không chết bao giờ” (Ga 11,25-26)
--------------
22 Hiến chế Tín lý về Mạc khải Dei Verbum, số 4.
23 "Gloria Dei vivens homo": Adversus Haereses - Chống lạc giáo, IV, 20, 7.
24 Hiến chế Gaudium et Spes - Vui mừng và Hy vọng, số 12.
25 Confessions (Tự thuật), I, 1.
26 Exameron, VI, 75-76.
27 "Vita autem hominis visio Dei": Adversus Haereses - Chống lạc giáo, IV, 20, 7.
0 bình luận:
Đăng nhận xét