Home » » Tình yêu cứu vớt và chữa lành

Tình yêu cứu vớt và chữa lành

HVĐHDC - Xin tạ ơn Chúa, xin biết ơn mọi người, tình yêu có sức mạnh cứu vớt, hóa giải, chữa lành và đổ tràn niềm vui...

Ngẫu nhiên hay an bài thế nào không biết, Chúa Nhật 9.1.2011, Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Dìm, chúng tôi đưa các cháu bé của các Mái Ấm BVSS Fiat và Sarnelli đến Nhà Thờ Giáo Xứ An Nhơn, Gò Vấp, xin được nhận Bí Tích Thánh Tẩy. Chi tiết trùng hợp lý thú này do chính cha sở An Nhơn nhận ra, ngài lấy làm vui lắm vì biết trong khu vực ngài chăm sóc mục vụ lại có một Mái Ấm BVSS. Sổ Rửa Tội Giáo Xứ của Giáo Xứ An Nhơn sẽ được ghi thêm vào mấy trường hợp các em bé hơi... bất thường vì phải để trống một khoản: tên cha.


Vâng, bất thường thật, em bé có cha hẳn hoi đấy chứ, nhưng lại chỉ một mình tên mẹ được ghi, rồi sau đó là tên cha hoặc mẹ đỡ đầu, vậy thôi. Khi lập hồ sơ, chúng tôi đành phải hỏi thẳng người mẹ một câu hỏi làm nhói đau vết thương cũ có vẻ như đã gần lành: con có muốn cho tên ba nó vào không ? Người mẹ chỉ lắc đầu, có khi rươm rướm nước mắt. Và đương nhiên họ của em bé luôn luôn là họ của người mẹ.

Còn nhớ, ở một Mái Ấm bên quận Bình Thạnh, có đôi vợ chồng cộng tác viên rất thân tín với Nhà Dòng chúng tôi, không những hy sinh đứng ra chăm sóc lo liệu mọi sự cho đến khi “mẹ tròn con vuông”, mà riêng ông chồng còn tự nguyện ghi tên mình là cha đẻ của hàng trăm đứa bé sơ sinh. Thoạt đầu các bác sĩ và y tá của bệnh viện hiểu lầm, cứ cười mỉa mai, xì xầm sau lưng, cho là “ông già quá năm mươi” rồi còn thích “chơi trống bỏi”, đèo bồng lăng nhăng. Mà sao lắm “bà bé” thế, mới tuần trước đưa một cô đi sinh, tuần này lại một cô khác, trẻ măng, chỉ đáng tuổi con gái, rồi tuần sau đó còn kỳ cục trớ trêu hơn nữa, chính “bà lớn” cùng chồng đi nhà thương lo cho “bà bé” thật chu đáo, “bà bé” hãi quá hay sao mà cứ một điều cô với chú, hai điều chú với cô ?!?

Đến sau người ta hiểu ra đầu đuôi sự thể mới cười xòa thán phục, tất cả chỉ vì tình thương, những con người tốt bụng ấy không đành lòng để cho lý lịch nhân thân của các em bé vô tội lớn lên phải gánh chịu miệng đời tai ác, bạn bè đi học cũng chỉ là đám con nít nghịch ngợm thôi, nhưng đã biết hùa theo thói đời độc ác người lớn để chọc ghẹo xỉa xói “đồ con hoang không có cha !”



Hóa ra, chuyện hình thành một Mái Ấm BVSS không chỉ là giản đơn mở ra một ngôi nhà giống như quán trọ mang tính “công tác xã hội”, để một hoàn cảnh lỡ lầm ngang trái nào đó, bơ vơ trôi giạt đến, có thể nương náu, được che mưa tránh nắng, được nuôi ăn, được dạy một nghề, được đưa đi khám thai định kỳ, được đưa đi sinh, rồi một ngày mãn hạn, em bé cứng cáp, mẹ con bồng bế nhau ra đi, nghèo quá thì khỏi phải đóng lệ phí, có thể còn được dúi vào tay khoản tiền xe và ăn uống đường dài...

Ồ, đúng vậy, mà không phải vậy, mà hơn vậy nhiều. Anh em chúng tôi, và nhiều chị em Nữ Tu các Dòng, những người phụ trách các Mái Ấm, không hẹn mà cùng toàn tâm toàn ý chọn công việc này như là một hoạt động Mục Vụ xin tạm mang tên là Mục Vụ BVSS. Các thai phụ thường rất trẻ, trong độ tuổi 18 đến 28, hiếm hoi mới trên 30, 40, nhưng không ít lần còn là những em gái vị thành niên 12, 13, 15 tuổi. Đa số được các anh chị các Nhóm BVSS đưa về từ bệnh viện, chỉ chậm tý nữa là đã nạo phá thai mất rồi. Số còn lại là do những người quen biết, các cha Xứ, cha Dòng, Dì Phước, các bác sĩ phòng khám gần xa gửi gấm. Các chị em nhiều thì 6, 7 tháng, ít thì 2, 3 tháng trước khi sinh và thêm, 2, 3 tháng nữa sau khi sinh, cả một thời gian khá dài sẽ sống trong Mái Ấm.

Và như vậy đây là cơ hội rất tốt để chúng tôi có thể lo Mục Vụ BVSS cho họ, không phải theo kiểu “dịch vụ” với “đối tác”, với “khách hàng”, sao cho “thuận mua vừa bán”, “vui lòng người đến, vừa lòng người đi”, nhưng là trong tương quan yêu thương của một cộng đoàn Dân Chúa nho nhỏ nhưng ấm cúng, cho dù chị em có thể không phải là Công Giáo, có thể không xin học Đạo để theo Chúa.

Thú thật, cách đây khoảng mười năm chúng tôi nhảy vào cuộc mà gần như không có một chút vốn liếng kinh nghiệm về BVSS chi cả. Của đáng tội, trong xã hội làm gì có nghề... BVSS, cũng chẳng có trường lớp nào hướng nghiệp dạy cho biết cách mở các Mái Ấm BVSS. Chỉ khởi đi từ một nhói đau, một trăn trở, mà không đơn giản là chuyện đói nghèo nhưng là chuyện sinh tử, không có một Mái Ấm mở ra đón nhận một thai phụ đang lâm cảnh tuyệt vọng bế tắc thì chắc chắn ngay lập tức sau đó sẽ là một ca phá thai, một sinh mạng bé bỏng bì đành đoạn từ bỏ.

Rồi chúng tôi có thể nói là... nghề dạy nghề. Ngoài khía cạnh thiêng liêng Chúa Thánh Thần soi sáng cho đường đi nước bước, còn lại, thực tế sự sống chính là trường lớp dạy chúng tôi những bài học đắt giá ngay giữa dòng chảy cuộc đời phong phú đa dạng mà cũng vô cùng khắc nghiệt. Có lạ không cơ chứ, các Nữ Tu, nhiều anh chị em Giáo Dân thiện nguyện, và ngay cả một số các Linh Mục, độc thân, không lấy vợ lấy chồng, không mang nặng đẻ đau, không một chút kinh nghiệm nuôi dạy con cái, thế mà tự dưng bây giờ biết rành rẽ các triệu chứng ốm nghén, động thai, bong nhau thai, sinh thường sinh mổ, các thứ bệnh tật liên quan đến phụ nữ, đến thai phụ, thai nhi và trẻ sơ sinh, đi vào đi ra các bệnh viện phụ sản một cách tự tin để giúp siêu âm thai, khám thai, làm hồ sơ miễn giảm viện phí, làm giấy chứng sanh, lo thủ tục xuất viện mọi mặt...

Ấy là chỉ mới nói đến những nhiêu khê của chuyện mang bầu và sinh đẻ chứ thực tế nhịp sống tại các Mái Ấm BVSS còn chan hòa ăm ắp những buồn vui tinh thần và tâm linh, những nước mắt và nụ cười của nhân sinh.

Chúng tôi không biết phải tường trình, phải liệt kê kể lể thế nào đây, chỉ biết là mình phải cố gắng cộng tác với ơn Chúa nhiều lắm để các chị em và các cháu bé của họ sau một thời gian sống với Mái Ấm, đến khi trở lại cuộc đời, họ đón nhận được các “đặc sủng” chữa lành và hồi sinh tuyệt vời làm hành trang sống quý giá. Họ không được miễn trừ hoàn toàn khỏi những thách thức nghiệt ngã của xã hội, nhưng có thể nói, họ đã được “chủng ngừa” để đề kháng, để trụ lại, để thoát được không ít dịch bệnh và hội chứng quái ác của cái Đức Gioan Phaolô đệ nhị đã điểm mặt là “Văn Hóa Sự Chết” ngày nay.

Lại nhớ lại thưở ban đầu cho đến mãi gần đây, chúng tôi vẫn luôn giữ một thái độ rất dè dặt, không dám để các chị em ở các Mái Ấm được tiếp xúc rộng rãi, cứ sợ bóng sợ gió để lộ nhân thân, gia đình họ hàng biết rồi sinh ra “muôn vàn giống tội”. Miệng vẫn quen gọi các Mái Ấm là “nhà mở” nhưng thực tế nhiều khi phải hiểu là “nhà đóng” mà là đóng kín bưng. Vô hình trung, các chị em trót mang thai trở nên như một thứ... tội phạm, gánh nặng mặc cảm phải giấu giếm che đậy còn hơn cả người nghiện hút, có AIDS. Có một anh sau khi dự một Thánh Lễ rửa tội tại một Mái Ấm, viết bài gửi chúng tôi để đăng web, tấm hình kèm theo đã bị cắt đứt phăng đầu bà mẹ, chỉ còn hai vai và vòng tay bế cháu bé, lý do để... bảo mật !

Thế rồi dần dần chúng tôi nhận ra đâu thể cứ thế mãi. Quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân là một sai lỗi nặng về luân lý, nhưng có thai và can đảm giữ lại, sinh ra một em bé, thì minh nhiên là một hồng ân, một đại phúc. Vậy cớ gì chúng ta cứ giữ mãi thai phụ và thai nhi trong nỗi đau, nỗi tủi nhục không được gia đình tha thứ, không được Thiên Chúa chữa lành ? Ngược lại, chúng ta cần giúp cho những bà mẹ trẻ ấy nhận ra họ đang cưu mang và sẽ sinh hạ một Sự Sống vô giá đến từ Thiên Chúa.


Đương nhiên, trong thực tế, chúng tôi không quên chú ý giữ gìn những chi tiết rất tế nhị về tâm lý xã hội để bước trở về hội nhập mai này với gia đình và môi trường sống của các chị em được suôn sẻ. Dù vậy, Mái Ấm của chúng tôi bây giờ đúng nghĩa là một gia đình, một mái nhà ấm áp, có mẹ có cha, có anh có chị có em, có bạn hữu quây quần, có các nhóm trẻ lui tới bồng ẵm các cháu bé, có niềm vui được bà con lối xóm chung quanh và cả Giáo Xứ, nghĩa là cộng đồng Dân Chúa địa phương đón nhận và chăm sóc về mặt tinh thần và tâm linh, mục vụ tận tình và chu đáo.

Sáng nay, tại Nhà Thờ An Nhơn, ngay lúc bắt đầu cử hành Thánh Tẩy, không ai ngờ một “tai nạn” xảy ra. Tất cả có đến gần một chục bà bầu mới sinh hoặc sắp sinh, 5 cháu bé tý hon, các anh chị em là cha mẹ đỡ đầu, khoảng mấy chục bạn trẻ Nhóm Fiat và đặc biệt có hai thầy Học Viện DCCT. Một cô bé thuộc Mái Ấm Sarnelli bất giác trông thấy “người quen”, thế là tay bế con chuẩn bị rửa tội mà toàn thân run lẩy bẩy, cứ giúi đầu giấu mặt vào sau tấm chăn bông che gió em bé, và... khóc thổn thức.

Đến khi xong xuôi mọi sự, ra sân Nhà Thờ, chúng tôi tìm hỏi ngay, cô bé vừa khóc vừa cho biết, mặt vẫn còn tái nhợt, “người quen” chính là một trong hai thầy DCCT có mặt hôm nay. Thì ra cách đây mấy năm, khi thầy đi thực tập Mục Vụ một tháng tại Hà Tĩnh, cô bé còn là học sinh lớp 12 chuẩn bị thi đại học. Nay sự thể ra thế này, mặc cảm tội lỗi tưởng đã nguôi ngoai, bây giờ đột ngột ùa về, niềm vui đứa con sơ sinh vừa được rửa tội đã bị nỗi xấu hổ lấn át, và người mẹ chỉ còn biết khóc trong hoang mang.

Chúng tôi chưa biết giải quyết ra sao thì thầy đã nhẹ nhàng bước tới, mỉm cười thật tươi: “Ồ, thầy đã nhận ra em ngay từ đầu. Thầy vui vì gặp lại người quen cũ. Thầy lại càng vui hơn khi biết em đã có được cháu bé tuyệt vời dễ thương như thế này. Tạ ơn Chúa...”

Vâng, xin tạ ơn Chúa, xin biết ơn mọi người, tình yêu có sức mạnh cứu vớt, hóa giải, chữa lành và đổ tràn niềm vui...


Lm. QUANG UY, DCCT
Chúa Nhật 9.1.2011

http://huongvedaihoidanchua.net/baovesusong/4454.html

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét