Home » » Thánh Gia bảo vệ sự sống

Thánh Gia bảo vệ sự sống

HVĐHDC - Tuy Mùa Giáng Sinh đã qua đi, chúng tôi vẫn xin gửi đến quý độc giả bài viết này, tác giả đã đề cập đến một chủ đề nóng bỏng hiện nay, Bảo Vệ Sự Sống, nói không với phá thai.


Tác phẩm "Chạy trốn sang Ai Cập" của danh họa Albrecht Dürer (1471–1528)

Trong kho tàng nghệ thuật Kitô có vô số tác phẩm tranh tượng thơ văn ca nhạc kịch về Thánh Gia. Hầu như trong mọi gia đình Công Giáo đều có tranh tượng Thánh Gia, không phải như một vật trang trí mà còn được đặt hẳn lên bàn thờ để tôn kính và cầu nguyện.

Sự sùng kính Thánh Gia được khởi phát vào thế kỷ 17 do một Giám Mục Pháp là François de Laval (1623 – 1708). Ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Chân Phước vào năm 1980. Năm 1648 sau khi thụ phong Linh mục được 1 năm, giống như Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, ngài có lòng khao khát được đi truyền giáo tại Đông Dương (Việt Nam, Cam Bốt, và Lào), nhưng ngài được gởi đến Canada. Tại đó ngài trở thành Giám Mục tiên khởi của Québec, sáng lập trường đại học Laval, một trong những trường hàng đầu của Canada cho đến tận ngày nay. Lễ kính Thánh Gia được Đức Thánh Cha Lêô XIII thiết lập vào năm 1893.

Tất cả tác phẩm nghệ thuật về Thánh Gia đều toát lên sự thánh thiêng cao cả của ba Đấng Cực Thánh: Chúa Giêsu Con Thiên Chúa Làm Người, Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, và Thánh Cả Giuse Quan Thầy Giáo Hội toàn cầu.

Gia đình Nadarét là một mẫu mực tuyệt đối cho mọi gia đình. Mọi bức tranh về Thánh Gia đều cố gắng minh họa lên hạnh phúc tuyệt vời ở đó như một câu chuyện thần tiên. Mọi người sống đầm ấm, an hòa, đầy ắp tình Chúa tình người, trên thuận dưới hòa, êm đềm an vui. Các speakers trong các tiệc cưới hay trưng dẫn Thánh Gia để nói đến tương lai tỏa sáng của cô dâu chú rể với những đứa con ngoan giỏi như Chúa Giêsu. Gia đình mới này sẽ sống hài hòa đời này và đời sau sẽ được lên Thiên Đàng vĩnh phúc chung với Thánh Gia.

Nhưng Chúa Giêsu chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta giữa tất cả thực tại thăng trầm đau khổ của kiếp nhân sinh mà hễ ai làm người đều đã phải thấm thía. Ngài chẳng hề muốn tạo nên ảo tưởng sai lạc về gia đình huyết thống của Ngài. Ngài chỉ muốn sống hoàn toàn như một người nghèo nhất khổ nhất giữa các người bất hạnh. Gia đình của Ngài cũng đã là một gia đình khốn đốn nhất giữa các gia đình nhân loại. Chúa Giêsu không bao giờ đề cao gia đình của Ngài mà chúng ta tôn vinh là Thánh Gia. Mọi lời Ngài nói với những người thân yêu đều rất khó nghe.

“Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” (Lc 2, 49). Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến.” (Ga 2, 1 – 4). “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12, 48 – 49).

Nhưng Thánh Gia rất đáng cho chúng ta tôn kính và noi gương chính vì Thánh Gia đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng chính yếu của mình là Bảo Vệ Sự Sống. Mỗi người trong nhân loại khi chào đời đều có sự sống. Mọi người đều biết mình sống nhưng phải nhờ mặc khải chúng ta mới biết đâu là khởi nguồn đích thực của sự sống.

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.
ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. (Ga 1, 1 – 4)

Con người có thể chế tạo những kính thiên văn nhìn đến tận cõi biên thùy của vũ trụ vô biên cách xa 14 tỷ năm ánh sáng nhưng không bao giờ con người nhìn thấy được Sự Sống khởi nguồn. Nhưng Sự Sống đó lại muốn thành Emmanuel, Thiên Chúa mang một nhục thể con người. Vì thế Sự Sống đó cần phải có cha có mẹ, cần đến một Thánh Gia.

Điều trước tiên mà Sự Sống cần đến để trở thành Emmanuel là một Cung Lòng cưu mang Ngài. Đức Maria đã chấp nhận để cho Sự Sống đến với Mẹ bằng lời xin vâng (x. Lc 1, 38). Chính nhờ thế Sự Sống cũng đến được với cả nhân loại.

Tiếng Việt thường tránh né những từ mà nền văn hóa chúng ta cho là thô tục mà thay vào đó bằng những từ đồng nghĩa thanh cao hơn. Chúng ta chỉ dám nói: Ngôi Lời nhập thể vào lòng Đức Trinh Nữ Maria. Chữ LÒNG trong tiếng Việt thường nặng về phần tâm hồn hơn.

Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào (Lòng Mẹ – Y Vân). Khi nói một đứa bé ngủ ngon trong lòng mẹ thì chúng ta hiểu ngay là nó đang nằm trong vòng tay của mẹ.

Trong các bài giảng vào Lễ Truyền Tin (25 tháng 3) được kính đúng 9 tháng trước lễ Giáng Sinh nhiều vị thường chia sẻ rằng: Noi gương Đức Maria chúng ta cũng phải thưa xin vâng để Thiên Chúa cũng có thể đi vào lòng ta.

“Mẹ ơi, đời con dõi bước theo Mẹ.
Lòng con quyết noi gương Mẹ.
Xin Mẹ dạy con hai tiếng Xin Vâng...”
(Xin Vâng – Mi Trầm).

Trong bản dịch của nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ câu Luca 1, 31 được viết như sau: Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Nhưng trong tất cả mọi ngôn ngữ khác, thí dụ bản tiếng Anh của The New Revised Standard Version Bible; Catholic Edition 1993, câu này được viết rõ ràng như sau: And now, you will conceive in your womb and bear a son, and you will name him Jesus. Tự điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary 2010 định nghĩa WOMB là UTERUS tức là TỬ CUNG.

Như thế, câu Luca 1, 31 đáng lẽ nên được dịch đầy đủ hơn mà không quá thô tục là: Và này đây bà sẽ thụ thai trong dạ của bà, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Nhưng nếu muốn chính xác tuyệt đối và lột tả được tinh thần của Tin Mừng ta phải dịch thẳng thắn, rất chính xác về mặt khoa học tự nhiên, và rất tôn kính là: Và này đây bà sẽ thụ thai trong tử cung của bà, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.

Mới đây tôi khá bị sốc khi nghe một Linh Mục giảng Tĩnh Tâm Mùa Vọng tại một Nhà Thờ miền quê nói rằng “Ngôi Lời đã nhập thể vào tử cung của Đức Maria.” Mà lạ thay mọi người dân quê mùa chất phác tại đây đều tỏ ra thấu hiểu.

Tiếng Việt dành riêng chữ Cung cho nơi ở cao sang của vua chúa: hoàng cung, cung đình, cung điện, cung miếu. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ, chúng ta dám trân trọng gọi nơi mà mọi vĩ nhân, kể cả Đấng Emmanuel, được hình thành trước khi chào đời là Tử Cung. Tử là Con. Cung là Hoàng Cung. Tử Cung là Hoàng Cung của những đứa con.

Mọi sự sống, kể cả của Đấng tạo nên sự sống, đều bắt đầu từ Hoàng Cung này. Từ đó Emmanuel mới có thể chào đời một cách nhiệm mầu, được ngôi sao sáng dẫn đường cho ba Đạo Sĩ tìm đến, được Thiên Thần báo tin cho các mục đồng đến bái lạy, được cả nhân loại, dù tin hay không, hằng năm vẫn nô nức đón mừng lễ Giáng Sinh như một ngày lễ của mọi gia đình.

Mọi sự sống, kể cả của Đấng tạo nên sự sống đều cần đến sự đón nhận của một người mẹ dù rằng làm mẹ ai cũng phải chịu trăm điều gian nan. Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà (x. Lc 2, 35). Và sự cộng tác của một người cha, “Này Giuse, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về”. Giuse sau khi hoang mang hiểu lầm cay đắng đã tích cực đón mẹ của Emmanuel về nhà mình dù đường lối của Emmanuel không dễ gì mà hiểu được. Maria sắp sinh con vẫn phải lê bước về Bêlem. Mọi quán trọ đều đóng cửa không cho Maria có một nơi xứng đáng sinh con. Chỉ có một cái chuồng bò mở cửa đón nhận họ. Giuse phải đưa vợ và trẻ sơ sinh vô tội chạy trốn ngay sang Ai Cập để tránh bàn tay Hêrôđê thảm sát. Và trên hết, Emmanuel rất cần phải có mái ấm Nadarét để được lớn lên làm người.

Thánh Gia có được sống êm đềm như trong các bức tranh tuyệt đẹp không ? Ngoài cái nghèo rất rõ ràng về mặt vật chất, Thánh Gia còn có những căng thẳng khác. Đâu phải chỉ có mình Giuse thấy cái bụng của Đức Maria càng ngày càng lớn ra trước khi về nhà chồng. Mọi người đều thấy và đều biết cả chứ. Điều ong tiếng ve có bao giờ buông tha Thánh Gia đâu. Theo nhiều nhà chú giải, Đức Giêsu suốt đời vẫn luôn bị miệt thị là đứa con hoang bất chính. Thiên Thần Gabriel đâu có hiện ra cho tất cả mọi bà ngồi lê đôi mách tại cái làng Nadarét lắm điều nhiều chuyện để nói cho họ biết con của Maria có Cha là Thiên Chúa.

Gia phả của Chúa Giêsu, theo Mátthêu, nêu đích danh 4 phụ nữ là bà Tamar có con do cố tình loạn luân với bố chồng (x. St 38, 1 – 30), bà Rahab là một gái điếm kiêm luôn tú bà, bà Ruth là một bà góa gốc dân ngoại nhờ thủ đoạn tinh khôn mà dụ dỗ được ông Boaz, bà Bathsheba vợ ông Uriah đã ngoại tình với vua David để rồi gây nên cái chết tức tưởi cho chồng mình. Chủ đích của Mátthêu, theo một số nhà chú giải, là muốn biện hộ cho Đức Maria.

Máccô kể lại bi kịch của Chúa Giêsu khi về thăm làng cũ. Vào ngày Sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta chỉ là một thợ mộc, là con trai của bà Maria.” (x. Mc 6, 1 – 5). Trong ngôn ngữ Semitic, một người bình thường được gọi là “con của ông nào đó”. Nhưng nếu được gọi là “con của bà nào đó” thì người ta muốn khinh miệt tính cách con hoang của người đó.

Tin Mừng theo Thánh Gioan (x. Ga 8, 13 – 59) kể lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do Thái. Họ cố tình nhấn mạnh nhiều lần tính cách chỉ có họ là dòng dõi ông Ápraham. Khi căn vặn “Cha ông ở đâu ?” và tự hào “Chúng tôi không phải những đứa con bất chính” họ đã ám chỉ tính cách con hoang của Chúa Giêsu. Người Do Thái luôn cho rằng những đứa con bất chính không được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Sống trong một môi trường khác nghiệt như thế Emmanuel đã vẫn có thể tồn tại vì có Thánh Gia Nadaret luôn bảo vệ sự sống cho mình, không những ngay từ lúc được thụ thai mà còn trong suốt đời, cho Ngài được lớn lên làm người, và cho đến ngay phút cuối cùng của Ngài trên thập giá.

Dù Mẹ Maria không làm được gì để ngăn cản việc người ta đóng đinh Chúa Giêsu nhưng sự có mặt của Mẹ vẫn mang tính cách bảo vệ sự sống cho Người. Đức Maria vẫn đứng dưới chân thập giá khi 11 trong 12 Tông Đồ thân tín nhất đã bỏ chạy hết. Theo một số sử gia, người Rôma sau khi đóng đinh những kẻ phản loạn thường tìm bắt đồng đảng và gia đình của họ đóng đinh nốt, họ không có thói quen tha cho các phụ nữ đâu. Do đó mới có cảnh Phêrô quá khiếp sợ phải chối Chúa Giêsu đến ba lần dù chỉ trước một đứa đầy tớ nữ chân yếu tay mềm.

Từ 2.000 năm qua Hội Thánh vẫn tin rằng Mẹ hiện diện dưới chân thập giá để đón nhận sứ mạng mới cũng cao cả không kém, từ vai trò làm mẹ của Emmanuel, Đấng là khởi nguyên của sự sống, đến làm mẹ của mọi Người Tin. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa (Ga 1, 13). Làm mẹ để làm gì nếu không phải để bảo vệ sự sống cho con cái. Chính khi trở thành Mẹ của cả nhân loại Mẹ đã hoàn thành sứ mạng của Emmanuel, Đấng mang sự sống đời đời đến cho loài người, và như thế chính là Mẹ đã bảo vệ sự sống cho Emmanuel dưới chân thập giá.

Thánh Gia chính là nơi dạy cho chúng ta biết trân trọng và bảo vệ sự sống. Emmanuel chỉ là một con người giống hệt mọi con người bình thường khác nên thai nhi Emmanuel nào có khác chi mọi bào thai khác được hình thành trong Hoàng Cung của những đứa con. Tuy chỉ có duy nhất Emmanuel là Thiên Chúa nhưng Emmanuel đã ban quyền làm Con Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Vì thế mọi sự sống của các thai nhi đều có giá trị ngang bằng nhau trước mặt Thiên Chúa như chính sự sống của Emmanuel.

Trong Kinh Kính Mừng chúng ta luôn đọc “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ”. Nhưng trong các ngôn ngữ khác người ta lại đọc “Bà có diễm phúc giữa các người phụ nữ”. Không phải chỉ có Đức Maria được diễm phúc vì cưu mang và sinh ra Chúa Giêsu nhưng mọi phụ nữ do bởi thiên chức làm mẹ các chúng sinh đều có diễm phúc hết.

Bản dịch của nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ câu Lc 1, 42 được viết: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” Bản tiếng Anh theo sát nguyên văn hơn là “Blessed are you among women, and blessed is the fruit of your womb”, có nghĩa rằng: “Phúc cho em giữa những người phụ nữ, và phúc cho hoa trái của tử cung em”.

Giáo Hội Công Giáo hằng tin Đức Maria trọn đời đồng trinh. Ngoài Chúa Giêsu ra Mẹ không hề có con nào khác. Các Giáo Hội Cải Cách dựa vào Mt 12, 46 – Mc 3, 31 – Lc 8, 19 có cùng một nội dung là Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông, nên cho rằng Đức Maria còn có nhiều con khác. Mt 13, 35 còn cho biết tên anh em của Chúa Giêsu là Giacôbê, Giuse, Simôn và Giuđa. Nhưng Tin Mừng chỉ được viết theo ánh sáng Phục Sinh và do Chúa Thánh Thần tác động nên đã nhìn thấu ra rằng quả thật mọi người đi cùng với Đức Maria đều là anh em ruột thịt với Chúa Giêsu cả. Nếu Chúa Giêsu có đông anh em trai như vậy thì Người đâu cần phải trăn trối Mẹ Maria lại cho Thánh Gioan.

Rất không nên sửa lại Kinh Kính Mừng đã có từ mấy trăm năm nay. Nhưng khi đọc Kinh này chúng ta nên hiểu Mẹ được diễm phúc giữa những người phụ nữ vì mọi người phụ nữ được làm mẹ cũng có diễm phúc như thế, hoa trái của tử cung mẹ và hoa trái của tử cung của mọi phụ nữ khác cũng có diễm phúc như thế. Vì thế Kinh Kính Mừng chính là lời cầu nguyện sắc bén và hiệu quả nhất của Bảo Vệ Sự Sống.

Những phụ nữ đi phá thai đã để cho người ta làm ô uế mình khi moi ra và giết đi những đứa con từ tử cung của họ.

Hoàng Cung của những đứa con vì đã được chính Thiên Chúa Làm Người ngự đến phải trở thành nơi thánh thiêng nhất, phải được bảo vệ để những thai nhi sẽ được chào đời bình thường, cho các em lớn lên làm người, cho dù cuộc đời các em sẽ phải trôi qua trong nghèo khổ và kết thúc trong bi đát như Emmanuel.

Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa.



NGUYỄN TRUNG,
Lễ kính Thánh Gia 2010


Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét