Hàng năm cứ vào ngày 22 tháng 1, từ khắp nơi trong nước Mỹ, từng đoàn người lũ lượt xuống đường tuần hành, hay tụ tập trước những tòa án, tòa thị chính, và nhất là trước pháp đình của Tối Cao Pháp Viện (TCPV) ở Washington DC, Hoa Kỳ, để phản kháng phán quyết cho phá thai tự do. Vào ngày này năm 1973, sáu trong số chín vị thẩm phán của TCPV đã biểu quyết và công bố phán quyết cực kỳ nghiêm trọng này. Phán quyết đã chạm đến quyền năng của Ðấng Tạo Hóa, cũng như đe dọa sự tồn vong của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Cũng trong ngày này, một số người khác đã tổ chức canh gác ngày đêm tại các y viện chuyên phá thai. Họ cũng nhất quyết thỉnh cầu TCPV giữ nguyên phán quyết 1973. Ðây là phản ứng tức thời trước những vụ đặt bom gây thiệt hại cho nhiều y viện kể trên, đôi khi cả nhân mạng nữa. Nhiều người can tội phá hoại các y viện đã bị bắt, nhưng thay vì xấu hổ vì những hành vi phạm pháp của mình, những phạm nhân này đã tỏ ra hớn hở, hãnh diện như vừa tạo được một chiến tích lẫy lừng!
Sự gì đã làm cho người dân Mỹ đi đến chỗ cực đoan như vậy? Cả hai phía, ủng hộ cũng như chống phá thai đã cương quyết giữ vững lập trường của mình. Không đối thoại (chỉ la ó, xỉ vả lẫn nhau), không nhượng bộ hay hòa giải. Bên chống phá thai (Right-to-Life) đòi quyền sống cho các thai nhi, cũng như quyền tạo hóa của Chúa. Phía ủng hộ việc phá thai (Pro-choice) đặt quyền quyết định của người mẹ (quyền cá nhân tự quyết) lên trên hết.
BA LẬP TRƯỜNG, MỘT VẤN ÐỀ
Người ta có thể chia thành ba trường phái hay lập trường chính mà hai phe đã dùng để biện hộ cho lý lẽ của mình. Ðó là các lập trường Truyền Sinh, Tăng Trưởng, và Hậu Qủa Xã Hội.
Lập trường Truyền Sinh (Genetic School)
Quyền sống được đặt vào một thời điểm nhất định, bởi những yếu tố sinh vật (biological factors). Thời điểm này được các nhóm ấn định khác nhau. (a) Từ giây phút thụ thai (tinh trùng và trứng kết hợp), đây là lập trường của giáo hội Công Giáo, hiện tượng truyền sinh đã thực sự bắt đầu từ lúc này.
(b) Thời điểm “song sinh” hay “the blastocyst stage” là khi bào thai đã bắt đầu phát triển, trong khoảng từ 8 ngày đến 2 tuần và định vị trong tử cung. Chỉ trong khoảng thời gian này hiện tượng song sinh mới xảy ra, nếu có. Nhóm ủng hộ thời điểm này viện dẫn, vì chúng ta không thể biết bào thai chứa một hay nhiều thai nhi, chúng ta không thể nói rằng đó là một nhân vật, đặc biệt khi mỗi linh hồn chỉ dành để cung cấp cho một người.
(c) Thời điểm “trì hoãn nhân hóa” (delayed homonization), hay thời điểm “tượng hình”: Khi các tế bào đã được kết hợp thành nhân dạng, nhất là não bộ, cũng như các bộ phận khác. Thánh Thomas Aquinas (Tôma Aquinô) cho rằng thai nhi nhận linh hồn ở thời điểm này, ngài đã đoán khoảng 40 ngày sau khi thụ thai. Nhưng thực tế, thai nhi cần khoảng 3 tháng (90 ngày) mới cấu tạo xong toàn bộ các cơ phận.
(d) Thời điểm sinh tồn (viability): Khi thai nhi có thể sống được, nếu đem ra khỏi bụng người mẹ (Khoảng 5 tháng). Ở thời điểm này, theo Tối Cao Pháp Viện Mỹ, thai nhi đã có đầy đủ nhân quyền. Do đó, để tránh phiền phức, các y sĩ phá thai thường chích thuốc cho thai nhi chết, trước khi lấy ra ngoài. Tất cả các nhóm trong lập trường Truyền Sinh đều công nhận thai nhi đã là người và có đủ nhân quyền, dù là tàn tật, ở thời điểm mà họ chấp nhận. Yếu tố sinh vật đã là trọng tâm của lập trường này.
Lập trường Tăng Trưởng (Developmental School)
Sự sống bắt đầu từ giây phút thụ thai, nhưng thai nhi không có quyền bình đẳng, với những người đã được sinh ra, trong suốt thời gian còn trong bụng mẹ. Các nhân quyền của thai nhi tăng dần theo mức độ tăng trưởng. Tuy nhiên, lập trường này còn tùy thuộc nhiều điều khác và biến đổi theo hoàn cảnh. Daniel Callaghan, một xã hội luân lý gia, cho rằng mức độ thay đổi đã được quyết định tùy theo “cán cân nhân trạng” (scale of personhood). Lập trường này không tùy thuộc vào những yếu tố sinh vật hay xã hội, tâm lý, nhưng luôn luôn là phán quyết của con nguời và không có điểm nhất định nào cả. Do đó, thai nhi đã bị thiệt thòi, đặc biệt không có quyền bình đẳng với người mẹ. Quyền sống của thai nhi đã bị đặt dưới quyền chọn lựa cá nhân.
Lập trường Hậu Quả Xã Hội (Social Consequence School)
Lập trường này ủng hộ quyết định gọi thai nhi là “người” dựa trên căn bản của sự định nghĩa về hậu qủa xã hội của quyết định đó. Không đặt trên những gía trị sẵn có do những người đã được sinh ra trước sắp đặt, nhưng chỉ dư luận của xã hội và nỗ lực đặt trên sự chào đời của thai nhi mới có hiệu lực. (Thai nhi chỉ là người và được chào đời khi dư luận xã hội và người mẹ cho phép). Lập trường này đã không quan tâm đến những gía trị cố hữu của thai nhi.
ƯU KHUYẾT ÐIỂM CỦA NHỮNG LẬP TRƯỜNG NÓI TRÊN
1. Phái Hậu Qủa Xã Hội đã có ưu điểm, không đặt quyết định đơn thuần trên yếu tố sinh vật. Nhưng khuyết điểm của họ là chỉ dựa trên hậu quả xã hội mà không màng tới những dữ kiện luân lý và sinh vật. Họ đã đặt quyền riêng tư của người mẹ lên trên tất cả. Thai nhi tuyệt đối không có quyền gì.
2. Ưu điểm của phái Tăng Trưởng là việc phá thai luôn luôn đưa đến trường hợp tiến thoái lưỡng nan và phải đối phó với những quyết định có tính cách ngoại thể. Khuyết điểm của họ là không đưa đến luân lý Kitô giáo để thực hiện cán cân gía trị và quyết định. Sự tranh chấp sinh tồn luôn luôn phải dựa trên căn bản cá nhân, tôn trọng quyền bình đẳng cố hữu của nhau. Lập trường này thật mơ hồ và cán cân của họ nghiêng phần thiệt hại về phía thai nhi. Nhưng quyết định của họ đã thiếu sót những gì là ưu tiên và khả thể.
3. Ưu điểm của phái Truyền Sinh là đã dựa trên những dữ kiện truyền sinh, lưu ý đến tiềm thể, và khách quan định vị nhân trạng. Như vậy họ đã thực thi truyền thống Kitô giáo về những bổn phận luân lý đối với những kẻ yếu và thế cô. Quyền sống là điều không do con người quyết định. Khuyết điểm của phái này là chưa quyết định được khi nào thì thai nhi bắt đầu đời sống “con người.” Thời điểm song sinh có tính cách suy luận, còn thời điểm nhân hóa sẽ gây nhiều tranh cãi triết học.
Lập trường của phe ủng hộ phá thai (Pro-choice, Pro-abortionists)
Người ta có thể tóm tắt lập trường của phái này như sau: (a) Họ đã bắt đầu như những kẻ vô thần, chối bỏ quyền năng tạo dựng của Chúa. (b) Sự hiện hữu của đời sống được coi như những tăng triển theo nấc thang giá trị. Bắt đầu ít rồi tăng dần. (c) Tổng hợp hai lập trường hậu qủa xã hội và tăng triển, cũng như tận dụng những khuyết điểm của lập trường truyền sinh.
Lập trường của giáo hội Công Giáo
Lập trường của GHCG có thể tóm tắt như George H. Williams, giáo sư môn thần học tại đại học Harvard, viết trong cuốn “Moral Choice”: Ở đây, không thể có sự xâm phạm đến những quyền của một nhân vật không thể nhìn thấy và cũng không thể tự giải thích này (thai nhi), trừ ra có một nguyên tắc luân lý khác, có đầy đủ uy tín như nguyên tắc hiện có, nói khác đi.” Nếu không ai chứng minh được rằng thai nhi không phải là “người” ngay từ khi thụ thai, thì chúng ta vẫn phải chấp nhận lý thuyết tiên khởi; và nếu các thai nhi đã là người, thì họ cũng phải được bảo vệ như bất cứ công dân nào khác theo hiến pháp.
Thế đứng của các Kitô hữu
Ðối với các giáo hữu Công Giáo, có lẽ đa số đã đồng ý và chấp hành nghiêm chỉnh lập trường của giáo hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số người, kể cả các linh mục, tu sĩ nam nữ đã muốn đặt lại vấn đề phá thai, về phương diện thần học, nhất là trong thập niên 80s. Một nhóm đã đi quá xa, khi họ cho đăng một quảng cáo trên tờ báo của phe cấp tiến “The New York Times” (7/10/84) để viện dẫn rằng đa số giáo hữu Công Giáo đã đồng ý: “Phá thai, đôi khi là một chọn lựa luân lý.” Nhóm người này đã bị Tòa Thánh Rôma chính thức cảnh cáo và buộc phải rút tên ra khỏi tờ quảng cáo đó (có nhiều người ngoài Công Giáo cũng đã ký tên); nếu không, họ sẽ bị trục xuất khỏi dòng tu hay giáo phận của họ. Hầu hết đã vâng lời Tòa Thánh.
Ðể làm sáng tỏ vấn đề, Ðức cố Hồng Y Joseph Bernadine của Tổng Giáo Phận Chicago đã viết trên nguyệt báo của địa phận, số ra ngày 11/1/85, minh định như sau: (1) Giáo huấn của giáo hội phải được kính trọng và tuân hành. (2) Trong khi có một vài người tự nhận là Công Giáo, giữ những vai trò liên can đến việc phá thai; nhưng thật là sai lầm nếu nghĩ rằng lập trường của Giáo Hội đã bị lung lay. Ngài trích tài liệu Công Ðồng Vatican II, đã kết án việc phá thai là “một trọng tội không thể bào chữa nổi.” (3) Các LM, Tu sĩ nam nữ có bổn phận phải trình bày chính xác giáo lý của giáo hội và không nên dùng ảnh hưởng của mình để xuyên tạc sự vẹn toàn của giáo lý, đặc biệt công khai chống lại những tín lý mà giáo hội đã chính thức công bố. (4) Ðã có những bất đồng ý kiến, nhưng những thái độ đó không thể chất vấn hay thóa mạ giáo lý để tránh gây gương mù.
ÐHY thêm rằng bài quảng cáo trên tờ N.Y.T. đã công khai và trực tiếp đối nghịch với những giảng dạy chính thức của giáo hội. Vatican “sẽ có những hành động thích đáng đối với vấn đề trong phạm vi của giáo luật.” Từ đó đến nay, không thấy cá nhân hay bè nhóm nào dám “điên” như vậy nữa.
GIÁO DÂN HÀNH ÐỘNG
Các giáo hữu Công Giáo không thể chỉ ủng hộ lập trường của Giáo Hội bằng lời, hoặc có thái độ của những kẻ đứng bên lề, chỉ nêu vấn đề chứ không nhập cuộc. Ðây là một lỗi lầm lớn mà nhiều người vì vô tình đã không để ý tới. Nhưng phải nhập cuộc thế nào? Ðặt bom phá hủy các y viện phá thai? KHÔNG, bạo hành không bao giờ là chủ trương của Giáo Hội. Hàng Giáo Phẩm Hoa Kỳ đã kết án: “Những vụ đặt bom phá hoại sẽ không bao giờ là phương tiện của những người thiết tha với sự thiêng liêng của mạng sống.”
Những kẻ ủng hộ việc phá thai đã thắng trận đầu năm 1973 bằng đường lối chính trị (đưa vấn đề lên Tối Cao Pháp Viện.) Ðây cũng là lối mà chúng ta có thể dùng để hủy bỏ phán quyết này. Có hai phương thức:
Vận động qua ngành Lập Pháp (Legislation)
Lối này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, ảnh huởng cũng như thời gian. Ðề nghị phá án (do các nghị viên chống phá thai đưa ra) phải được 2/3 tổng số dân cử của lưỡng viện Quốc Hội chấp thuận. Sau đó, đề nghị sẽ được gửi về các tiểu bang; ở đây, quốc hội tiểu bang sẽ phải thực hiện y như liên bang, với 2/3 tổng số dân biểu và nghị sĩ bỏ phiếu thuận. Nếu phiếu thuận của tổng số tiểu bang đạt tới trên mức 2/3 (34 trên 50 tiểu bang), đề nghị sẽ được chuyển đạt lên Tối Cao Pháp Viện để hủy bỏ phán quyết cũ. Hiện nay, nỗ lực này còn đang ở cấp quốc hội liên bang.
Vận động qua ngành Tư Pháp (Judiciary)
Nếu đa số các thẩm phán (5/4) tại Tối Cao Pháp Viện đồng ý hủy bỏ phán quyết cũ của chính họ (điều này cũng rất khó xảy ra) thì luật cũng thành. Người ta có thể đạt thắng lợi bằng cách bỏ phiếu bầu một tổng thống chống phá thai rồi hi vọng ông này sẽ có cơ hội đề cử hai hoặc ba thẩm phán cho Tối Cao Pháp Viện muốn hủy bỏ phán quyết cũ.
Vận động lương tâm
Tuy nhiên, dùng luật pháp để áp đảo kẻ khác, chỉ như thắng một trận đánh chứ chưa hoàn toàn thắng cả cuộc chiến tranh. Nếu vấn đề phá thai bị luật định cho là phạm pháp, nhiều người sẽ thực hiện điều này cách lén lút và do đó rất có thể một số trong họ sẽ bị thiệt mạng vì gặp phải những kẻ hành nghề không chuyên môn. Vấn đề là giáo dân Kitô phải tận dụng tất cả những phương tiện truyền thông (truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, báo chí, mạng lưới điện toán…) để minh chứng cho những người ủng hộ việc phá thai là họ đã sai lầm. Ðồng thời giáo dục dư luận quần chúng, ảnh hưởng tới các học đường nhằm tạo nột thế hệ mới ý thức hơn về vấn đề sinh tử này. Nhưng tiên vàn vẫn là phải hủy bỏ phán quyết 1973.
Làm thế nào để tham gia cuộc vận động này? Nếu chúng ta không có đủ sức khỏe và thời gian để cầm biểu ngữ dãi nắng, dầm mưa, đội tuyết trước các y viện phá thai như một số đông Kitô hữu khác đã làm (họ đến đó để khuyến khích và van xin những thiếu nữ lỡ lầm đừng giết con của mình và trong nhiều trường hợp, họ đã thành công); ít ra chúng ta cũng có thể tham gia bằng hai cách (cả hai cách): Lời cầu nguyện và sự yểm trợ vật chất. Chỉ cần mỗi người ủng hộ một Mỹ Kim trong một năm, thì riêng người Công Giáo đã có thể yểm trợ tới gần 70 triệu Dollars thường niên. Không kể hàng chục triệu người thuộc các giáo phái Tin Lành đã và đang thực sự tham gia cuộc vận động này.
Nếu chúng ta không cùng nỗ lực tham gia các cuộc vận động hôm nay, thảm trạng có thể xảy đến cho chính gia đình chúng ta mai ngày, nơi con cháu, thân nhân của chúng ta. Ngoài ra, trên 50 triệu thai nhi đã bị giết chết trong 38 năm qua (gần 36 trong 38 năm đó đã có sự hiện diện của nhiều người Việt trên phần đất này - Hoa Kỳ) Nếu chọn thế đứng của những kẻ bên lề, liệu chúng ta có thể tìm được câu trả lời thỏa đáng khi bị chất vấn trong ngày sau cùng?
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng
0 bình luận:
Đăng nhận xét