Home » » Kinh Mai Khôi của một người bảo vệ sự sống

Kinh Mai Khôi của một người bảo vệ sự sống

HVĐHDC - Xin trân trọng gửi đến quý độc giả một truyện ngắn. Mà hình như tác giả không muốn chỉ là một truyện ngắn, mà còn là một lay động nhắn nhủ hãy cùng Mẹ Maria Bảo Vệ Sự Sống...

Từ mười năm nay chú Năm vẫn hành nghề xe ôm tại khu vực có cái tên không chính thức là “phố Tây Balô” nhưng lại thông dụng nhiều hơn cái tên chính thức dài dòng khô khan mà ít ai chịu xướng lên làm chi cho mất công. Khách hàng của chú gồm đủ hạng người nhưng chú vẫn khoái Tây hơn vì họ hổng có kỳ kèo trả giá, hổng lấy lại tiền thối, dù chú hổng có thói quen tính hai giá như các... cơ quan Nhà Nước.


Chiều tới giờ chú vẫn bình tâm ngồi trên xe chờ ở đầu con hẻm nhỏ này. Chú từ chối hổng chở bất kỳ ai đi đâu dù có mấy người kêu chú rồi. Hổng phải là chú chảnh gì đâu nhưng vì cô Năm đã bao chú nguyên buổi. Cô Năm đây hổng phải vợ chú, cũng hổng có họ hàng xa gần gì với chú. Tuổi cổ chỉ đáng cháu ngoại của chú. Mà chú cũng hổng biết tên thiệt của cô. Nhưng người ta phải xưng hô với nhau với một cái tên nào đó chứ ha, hổng lẽ cứ gọi nhau ông ơi, bà ơi, chú ơi, cô ơi, ấy ơi trông trổng vậy sao ?

Sau một vài lần chở cô đi đây đi đó, chú hỏi:

- Cô thứ mấy ?

- Dạ con thứ năm.

- Tui gọi cô là cô Năm được không ?

- Dạ được.

Rồi cô hỏi lại chú:

- Còn bác thứ mấy ?

- Tui cũng thứ năm.

- Con gọi bác là bác Năm được hôn ?

- Cũng được. Có điều ở cái phố này ai cũng kêu tui là “chú Năm” hết trơn á.

Cả hai cùng phá lên cười.

- Cô Năm đi xe của chú Năm vui quá hé !

Chiều hôm trước cô Năm dặn chú Năm:

- Chiều mai con có việc quan trọng nên sẽ bao chú nguyên buổi. Chú đừng có chở ai đi đâu nghen.

Vì thế chiều đến giờ chú cứ ngồi trên xe chờ. Làm ăn ở cái phố này không nên tò mò nhiều chuyện. Chú chẳng cần biết khách hàng làm việc gì và phải chờ bao lâu. Bảo chờ là cứ ngồi chờ. Mà người ta cũng biết điều, ngồi chờ càng lâu thì tiền boa, bây giờ bọn trẻ hay gọi là tiền tip, càng sộp. Chú chờ mãi mà hổng thấy cô ra, mãi đến 4g30 chiều mới thấy bóng cô xuất hiện.

- Bữa nay chú Năm chở con đến bệnh viện Từ Dũ nghen...

Vừa đi chú Năm vừa thầm nghĩ: “Đi gần mà cũng đòi bao xe nguyên buổi. Con nhỏ này chơi sang quá ta...” Dường như cô Năm cũng đoán được ý nghĩ của chú Năm...

- Con nói cái này thiệt lòng, hổng hiểu sao đi với chú Năm, con thấy ổn trong lòng dữ lắm. Một hồi tới Từ Dũ, chú Năm cứ vô phía trong bệnh viện kiếm chỗ nào dễ dòm thấy, ngồi đợi con chút nghen.

Chú Năm rất quen thuộc khu vực này. Chú đã nhiều lần đưa vợ đến đây sanh con, đưa mấy đứa con gái đến đây sanh cháu, nhiều lần khác chú đưa mấy khách hàng đến đây làm cái gì đó mà cái nghề của chú hổng nên tọc mạch nhiều chuyện. Chú tìm một góc, trải cái áo mưa ra ngồi xuống, lấy ổ bánh mì ra gặm vì chú đã bắt đầu thấy đói bụng rồi. Thỉnh thoảng chú ngước mắt nhìn bảng chữ điện tử:

5:50 - Nguyễn Thị H. – Bình Dương – 33 tuổi – Trai - 3,2 Kg
5:10 - Trần Thị M. – Mỹ Tho – 28 tuổi – Gái – 2,6 Kg
5:14 - Lê Thị X. – TP. HCM – Trai – 3.0 Kg

Đó là những người sanh con bình thường. Tim chú lại nhói lên trước những hàng chữ chạy ồ ạt, dồn dập, liên tục...

5:10 – Nguyễn Thị T. – TP. HCM – 17 tuổi
5:10 – Lê Thị M. – An Giang – 18 tuổi
5:11 – Phạm Thị C. Vĩnh Long - 16 tuổi.

Ăn xong, chú vừa lấy tràng hột để bắt đầu đọc kinh Mai Khôi thì có ai từ đàng sau vỗ lên vai chú. Quay lại thì ra là cô Năm.

- Chú Năm nè, bác sĩ quen của con đang mắc một ca khác. Con phải chờ thêm một tiếng nữa.

Rồi cô reo lên:

- Hôm nay con mới biết chú Năm là người Công Giáo đó nghen. Chú đạo đức quá hé, ngồi không là lần hột y chang má con vậy đó.

Chú Năm cũng ngỡ ngàng theo:

- Hôm nay tui mới biết cô cũng là Đạo Chúa như tui !

- Dạ, nhà con đạo gốc chú ơi. Không tin chú cứ khảo kinh con đi. Kinh gì con cũng thuộc hết trơn á.

- Cô có thuộc Năm Sự Vui không ?

- Mèng ơi ! Cái đó dễ ợt !

Rồi cô đọc một dây dẻo quẹo, y chang giọng xướng kinh miệt dưới:

- Năm Sự Vui, thứ nhất thì ngắm, Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho được lòng khiêm nhường. Thứ hai thì ngắm, Đức Bà đi viếng…

Cô chưa nói xong thì chú Năm đã cắt ngang:

- Xin như vậy là xin chung chung trong Nhà Thờ hay trong gia đình. Nhưng khi cầu nguyện riêng thì mình có quyền cầu xin theo ý riêng của mình...

Cô bé tròn xoe đôi mắt:

- Trời trời, lần đầu tiên con nghe có người nói ngang như chú Năm đó nghen.

- Tui nó cô nghe, mình hổng phải là cái máy vô hồn. Ai đọc sao thì mình cứ vô tư đọc y chang như vậy. Mỗi người có những nhu cầu riêng thì phải thưa lên cho Đức Mẹ biết chớ bộ !

Cô bé trở nên đăm chiêu:

- Vậy chớ chú Năm ngắm Năm Sự Vui làm sao ?

- Tui ngắm vậy này: Năm Sự Vui thứ nhất thì ngắm Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được lòng... đón nhận Sự Sống.

Cô Năm phá lên cười sặc sụa:

- Thôi đi chú Năm ơi ! Chú tào lao quá à. Đọc tầm bậy tầm bạ ! Nói cho chú biết, ông nội con làm trùm ở một Họ Đạo to dữ lắm. Ổng mà nghe chú đọc vậy, có khi phang cho chú mấy gậy luôn. Rồi ông cha sở của con nữa, ổng mà nghe chú đọc như vậy dám rút phép thông công cho chú lè lưỡi luôn. Kinh chính thức của Giáo Hội mà chú dám tự ý sửa như vậy hả ?

Chú Năm phân bua:

- Hừ hừ, tui có dám sửa hồi nào đâu. Tui đọc kinh riêng thì cầu xin theo ý riêng chớ sao, có xúc phạm gì tới ai đâu mà rút phép thông công của tui. Cô hỏi thì tui mới nói chứ. Tui có rủ ai đọc như vậy bao giờ đâu ?

Cô Năm có vẻ thấu hiểu:

- Mà con hổng hiểu tại sao chú lại cầu nguyện như thế ?

- Vì tui chỉ muốn cầu nguyện thiệt với lòng của tui. Những gì tui bức xúc nhất thì tui muốn thưa lên với Đức Mẹ, vậy thôi !

- Ủa, chú hổng phải là đàn bà mang nặng đẻ đau nuôi con vất vả mà chú lại cầu cho được mở lòng đón nhận Sự Sống là sao ?

- Ừa, bị tui thấy điều này quan trọng hơn là cầu xin cho được lòng khiêm nhường. Suốt đời tui chỉ là một thằng nghèo rớt mồng tơi, hổng được đi học, ra đời hổng làm ông này ông kia gì, sống đầu đường xó chợ, bị mọi người coi thường quen rồi. Tui đã khiêm nhường tới đáy rồi. Có cầu xin cho được lòng khiêm nhường tới đâu đi nữa thì cũng vậy thôi. Nhưng chung quanh tui, hàng ngày tui phải chứng kiến, toàn là cảnh coi thường Sự Sống làm tui đau lòng quá, thì tui phải thưa lên với Đức Mẹ như vậy chớ sao !

- Ừa, mà kể ra chú Năm nói cũng có lý...

- Cô hổng thấy sao ? Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai, Đức Mẹ có xin vâng tức là có bằng lòng đón nhận Sự Sống thì Thiên Chúa mới làm người được. Nếu Đức Mẹ lại khiêm nhường như tụi mình đề cao mà không dám nhận địa vị làm Mẹ Thiên Chúa thì tụi mình hổng có lễ Giáng Sinh mà ăn mừng hàng năm đâu nghen. Đón nhận Sự Sống còn vĩ đại gấp bội hơn là lòng khiêm nhường. Vì thế tui cầu xin cho tui biết đón nhận Sự Sống. Mỗi khi vợ tui mang thai, con gái, con dâu, cháu ngoại tui mang bầu, giữa trăm ngàn lo lắng, tui đều muốn thành kính đón nhận một Sự Sống mới như một món quà vô giá mà Thiên Chúa ban xuống cho gia đình tui...

Lần này thì cô Năm không còn cười nữa.

- Rồi, bây giờ chú Năm ngắm tiếp cho con nghe đi chú Năm... nghèo rớt mồng tơi !

- Thứ hai thì ngắm, Đức Bà đi viếng Bà Thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng nâng đỡ Sự Sống.

- Chú Năm giải thích thêm cho con đi.

- Cô Năm coi, hơi đâu bỗng dưng mà Đức Bà đi thăm bà Isave đâu. Bà Isave tuổi cao mà vẫn có thai và sinh con. Bây giờ người ta kêu là... bể kế hoạch đó. Đức Bà đến là để phụ giúp bà chị họ mình trong lúc khai hoa nở nhụy, mà đàn bà tuổi cao rất là lúng túng vất vả. Nếu trong ngắm này ta chỉ xin cho được lòng yêu người thì chưa làm nổi bật ý nghĩa chính yếu của việc đi thăm này là nâng đỡ Sự Sống.

Nâng đỡ Sự Sống bao gồm luôn lòng yêu người và vĩ đại hơn cả lòng yêu người. Ta có thể cho người nghèo một chút đồ ăn cũng là lòng yêu người. Nhưng nâng đỡ Sự Sống đòi hỏi hơn nhiều. Đức Bà đâu có gởi cho bà Isave mấy thùng mì tôm đâu dù đó đã là lòng yêu người rồi. Đức Bà đến ở chung với bà Isave mấy tháng để làm gì nếu hổng phải là để phụ giúp nấu ăn, giặt đồ, quét dọn, nói trắng ra là... đổ bô, đỡ đẻ, giặt một đống tã và bồng ẵm chú nhóc sơ sinh sau này sẽ là Gioan Tẩy Giả. Như vậy hổng phải là nâng đỡ Sự Sống thì là cái gì nữa ?

Mỗi khi con gái tui sanh con xong lại xin về nhà tui ở mấy tháng liền khiến bà xã tui, là má nó, vất vả đủ thứ chuyện nên tui cũng hình dung ra được cái cảnh Đức Bà nâng đỡ Sự Sống, chăm sóc trợ giúp bà Isave lo cho Sự Sống là sao...

Bây giờ thì cô Năm có vẻ thích thú với cái kiểu cầu nguyện lạ đời của chú Năm.

- Chú Năm ngắm tiếp cho con nghe nữa coi...

- Thứ Ba thì ngắm Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu trong hang đá...

Cô Năm bỗng dưng cắt lời chú Năm:

- Con biết chú sắp xin gì rồi.

Tới lượt chú Năm ngạc nhiên:

- Cô Năm giỏi quá ta !

- Có phải là mình xin được lòng chào mừng Sự Sống, phải hôn chú Năm ?

- Ái chà, đúng rồi đó, cô Năm thông minh thiệt nghen. Cô mà có cơ hội đi học thì không chừng cũng làm tới bác sĩ á...

Tới phiên cô Năm say sưa giải thích cho chú Năm.

- Dạ, con nói chú Năm coi phải hôn... Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu trong hang đá thì khó khăn hết mức rồi, đâu còn khó khăn thêm được. Bà con của con ở dưới quê đều nghèo mạt rệp, nhà tranh mái lá tơi tả thì cần gì phải cầu xin cho có lòng khó khăn nữa ?!? Mà nhà nào cũng sinh năm đẻ bẩy, leo nheo lóc nhóc. Đã nghèo rồi còn nghèo thêm. Con cái phải đi ở đợ hay phải trôi dạt lên thành phố làm đủ thứ nghề. Ngắm thứ ba Năm Sự Vui mà cầu xin cho được lòng chào mừng Sự Sống thì có lý hơn là được lòng khó khăn. Mỗi đứa nhỏ được chào đời trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng nên được chào mừng như các thiên thần, mục đồng, ba vua đã chào mừng Chúa Giêsu sinh ra trong máng cỏ bò lừa. Mỗi cuộc đời đều là một chuyện mầu nhiệm mà chỉ có mình Chúa biết rõ. Dĩ nhiên là con cầu nguyện riêng vậy thôi. Chứ mà con với chú dám đọc cho người ta nghe thì họ sẽ chửi chú chửi con te tua. Con với chú là dân cắc ké, có đâu mà dám bầy đặt chế ra thêm... Năm Sự Sống cho nó rắc rối cuộc đời !

Câu chuyện giữa hai chú cháu trở nên sôi nổi thân tình. Chú Năm cởi mở hơn:

- Nè, cô Năm biết hôn ? Mỗi khi đọc kinh Mai Khôi trong gia đình tui mấy đứa cháu tui cứ hỏi: Ngoại ơi, ngắm thứ tư: Đức Bà làm lạc Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy nghĩa là làm sao ngoại ? Tui nói thiệt, có học hành gì đâu, chữ nghĩa không có bao nhiêu. Mà vâng lời chịu lụy là gì tui cũng chịu chết, đọc cả đời mà khi tụi nó hỏi tui mới giật mình, bản thân tui hổng hiểu vâng lời chịu lụy là sao ! Tui cứ giải thích bừa cho tụi nó vậy nè: Mỗi khi tụi bay đi học về, không chịu về nhà ngay mà ghé qua mấy tụ điểm chơi mấy cái trò chơi ghêm bậy bạ gì đó, rồi ba má tụi bây phải đi tìm, không thì tụi bây sẽ hư đi. Tụi nó lại hỏi: Cái đó hổng có ăn nhằm gì tới vâng lời chịu lụy hết trơn hết trọi ngoại ơi...

Tụi nó bé quá tui hổng muốn giải thích thêm cho nó rắc rối cuộc đời. Trong ngắm này tui cứ cầu xin cho có thêm nhiều bạn trẻ noi gương mấy cô mấy chú Nhóm Bảo Vệ Sự Sống đó, cô Năm biết hôn ? Họ thường la cà ở bệnh viện này nè, thêm mới nơi có phá thai khác nữa, khuyên nhủ mấy cô mang bầu tè le rồi, thôi, đừng có mà tính chuyện phá thai. Nói tóm lại, tui cầu xin cho ta được biết tranh đấu giành lại những Sự Sống, hổng để cho hư, cho mất đi vậy đó !

Trên đôi mắt tuyệt đẹp của cô Năm đã long lanh hai dòng nước mắt nhưng chú Năm không để ý, cứ say sưa nói tiếp:

- Ngắm thứ năm, mỗi khi lần hột riêng, câu này thì tui hổng dám chế thêm gì, tui cũng cầu xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn, y chang như khi lần hột chung. Tui theo đạo từ hồi nhỏ tới lớn. Hồi sau 75 lúc nào tui cũng ghi vô lý lịch mình là người Công Giáo hết trơn á, mà tui biết trước ghi vậy là dứt khoát hổng thể xin được việc làm. Đa số người Công Giáo khác cũng giống như tui thôi: giữ nghĩa cùng Chúa luôn đã trở thành bản tính, cái nết đánh chết hổng chừa.

Tui nghĩ rằng Đức Chúa Giêsu đi lạc trong Đền Thờ mà Đức Bà tìm thấy thì vui dữ lắm nghe. Vì có Chúa Giêsu thì cuộc đời Đức Bà mới có ý nghĩa và cuộc đời của mỗi đứa tụi mình mới có ý nghĩa. Nhưng Chúa Giêsu chỉ sinh ra có một lần thôi, chỉ sống một lần và chỉ chết một lần, ta đâu có thể thấy Chúa Giêsu như Người đã sống đâu. Nhưng mỗi khi có một đứa bé được sinh ra và được đón nhận, thì Chúa Giêsu cũng được sinh ra và đón nhận trong cuộc đời ta một cách huyền nhiệm như Đức Bà đã đón nhận Chúa Giêsu. Tụi mình luôn phải chấp nhận đứa nhóc đó như nó đã được Chúa dựng nên như vậy, có ưu có khuyết, có cái làm mình vui, có cái làm mình hổng vui. Đứa nhóc đó sẽ lớn lên, nghịch ngợm phá phách, tốn hổng biết bao tiền của công sức của mình. Rồi hổng chừng nó còn bệnh từa lưa, hoặc rủi bị xe tông chết mà chưa làm nên cơm cháo gì với đời...

Nhưng chính Chúa Giêsu đã sống cuộc đời của đứa nhỏ đó ở trong nó, và cái định mạng đời đời của nó hổng phải là những thứ phù phiếm tụi mình có thể thấy được trong cõi đời này đâu nghen cô Năm, nhưng chính là tui với cô Năm, và mọi người sẽ được sống cùng với Chúa Giêsu trong ngôi nhà vĩnh cửu của Thiên Chúa, Cha của Chúa Giêsu. Bởi vậy, trong ngắm thứ 5 Mùa Vui tui còn cầu xin cho được lòng bảo vệ Sự Sống cho tới cùng nghen cô Năm.

Nghe tới đây, cô Năm bỗng đứng dậy.

- Muộn rồi chú Năm ơi. Con phải vào bên trong chút xíu. Chú cứ đợi con ở đây nghen !

Bây giờ thì chú Năm có thể ngồi yên lần hột một mình mà không có ai quấy rầy nữa. Chú cầu nguyện thiệt sốt sắng mà đôi mắt chú cứ dán miết lên cái bảng tin điện tử của bệnh viện...

NGUYỄN TRUNG, Sàigòn, 11.1.2011


Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét