Giữ cho tình yêu được đẹp, tránh những rủi ro, bất trắc đòi hỏi đôi bạn trẻ phải thật bản lĩnh
Nếu đôi tình nhân đã sẵn sàng cho đám cưới, đứa trẻ ấy càng như chất xúc tác giúp cuộc hôn nhân sớm diễn ra hơn. Nhưng nếu là những bạn trẻ còn đi học, công việc chưa ổn định, gia đình đôi bên chưa chấp nhận... thì sao?
Bà ngoại bất đắc dĩ
Chị N.T.Nữ, quê Trà Vinh, trọ ở phường Thảo Điền, Q.2, TP.HCM, là bà ngoại bất đắc dĩ vì con chị mới học xong lớp 12 đã có thai. Chị kể: “Khi con gái nói mẹ ơi, hình như con có thai... tôi thật sự bàng hoàng. Nhưng trái tim người mẹ giúp tôi không một lời to tiếng với con. Tôi thấy mình có lỗi khi chưa gần gũi giáo dục con mấy chuyện tế nhị này. Khi nói chuyện với con, tôi rất ngạc nhiên vì con tỏ ra người lớn, muốn sinh con...
Vì sợ chồng sẽ đánh đuổi con gái ra khỏi nhà, rồi làng xóm dị nghị, trăn trở mãi tôi mới nghĩ ra cớ đưa con lên thành phố ôn thi một thời gian rồi tính tiếp... Khi tôi đưa con lên Sài Gòn chồng tôi mới biết chuyện, nhưng anh không gọi điện hỏi thăm vì tức giận. Hai mẹ con tự bươn chải lấy cuộc sống... Nhờ trời, đủ ngày đủ tháng con gái tôi sinh một bé trai kháu khỉnh. Lúc đợi con sinh mà lòng mẹ đau như chính mình đang vượt cạn”...
Chị còn kể mỗi lần nghe tiếng thân thương “bà ơi” là bao nhiêu mệt mỏi, khó khăn dường như tiêu tan hết. Giờ đây chồng chị không còn giận mẹ con chị, hàng xóm cũng chẳng ai bận tâm tới chuyện con chị... “Nhiều khi tôi nghĩ nếu trước đó tôi la mắng con, bắt con đi giải quyết thì bây giờ sẽ thế nào...” - ánh mắt chị đong đầy xúc động nghĩ về những ngày đã qua.
Những cô gái hồn nhiên trong phòng tiểu phẫu
Nói về hậu quả, khi những người mẹ phải bỏ con là không gì có thể đo đếm được. Nhiều trường hợp mẹ bỏ con xong rơi vào trạng thái trầm cảm nặng, luôn mơ thấy hình ảnh trẻ con khóc trước mặt mình. Thương tâm hơn, có người chỉ vì chưa đủ điều kiện nuôi con, lỡ bỏ rồi đã mãi mãi không thể thực hiện thiên chức của mình nữa... Vì thế, phụ nữ cần trang bị kỹ năng phòng tránh thai để không phải bỏ đi giọt máu của mình khi chưa sẵn sàng làm mẹ. ThS xã hội học PHẠM THỊ THÚY |
Tình cờ tôi đọc được tâm sự của chị T.L. (Hà Nội) trên blog: “Đưa đứa em họ khờ dại vào bệnh viện phụ sản hút thai mà lòng sao nặng trĩu. Đau lòng vì một sinh linh phải lìa trần khi chưa kịp nhìn thấy ánh sáng. Nhưng đắng lòng hơn khi chứng kiến bao cô gái trẻ bước vào phòng chờ tiểu phẫu với gương mặt bình thản, hồn nhiên cười đùa với nhau cho đỡ phí thời gian chờ đợi.
Tôi không thể nào quên hình ảnh năm cô gái độ tuổi đôi mươi ngồi cùng một chiếc giường, râm ran trò chuyện theo kiểu bạn bè thân quen.
Nhìn cả năm người đều mặc váy dành cho tiểu phẫu, tôi quay qua hỏi: “Thai của các em lớn không?” và nhận được câu trả lời lao xao: “Gần năm tháng...”, không chút e dè, không chút day dứt. Và tôi như chết lặng khi vừa lúc đó một thai phụ khệ nệ ôm bụng lách vào cánh cửa phòng tiểu phẫu, vọng ra tiếng nói của những người mặc áo blouse trắng: “Hơn bảy tháng rồi, phải côvắc hơi lâu...”. Lẽ nào xã hội bây giờ lại quá thản nhiên như vậy?”.
Có thể đó chỉ là một khoảnh khắc xám màu mà chị T.L. vô tình chứng kiến, bởi khó ai tin nổi những người mẹ phải bỏ đi máu mủ của mình mà không day dứt, ám ảnh.
Đứa con sinh ra từ nỗi hận
Mai Trang (25 tuổi) có thai năm 18 tuổi. Nhưng cậu sinh viên cô yêu đang sống phụ thuộc gia đình nên tìm mọi cách trốn tránh. Phũ phàng hơn cậu ta nói chắc gì cái thai đã là của mình. Từng định bỏ thai nhưng trước thái độ của người yêu, Mai Trang đầy hận thù quyết giữ lại đứa con và luôn nghĩ đó như là nghiệp chướng sau này của gã đàn ông tệ bạc.
Không người thân, không người chia sẻ, Mai Trang sinh con một mình, rồi làm đủ thứ nghề nuôi con, nuôi dưỡng nỗi hận thù. Nhưng đến giờ khi cậu con trai 6 tuổi đã vào lớp 1 thì Mai Trang dường như quên đi những nỗi hận thuở xưa. Đứa con đã trở thành điều quý giá nhất với cô. Mai Trang chia sẻ: “Tôi thấy cuộc sống ý nghĩa vì có con và muốn sống tốt hơn vì con”.
Người mẹ ít khi nào thản nhiên khi quyết định bỏ con mình, song nếu không có được điểm tựa khi chưa sẵn sàng thì họ sẽ rất chông chênh giữa đôi bờ "Giữ hay Bỏ". Nhưng dù quyết định thế nào, người phụ nữ vẫn phải chịu trách nhiệm trực tiếp với tương lai của chính mình chứ không phải ai khác.
Dịp Tết Trung Thu vừa qua, chùa Từ Quang (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã tổ chức lễ cầu siêu cho các hương linh thai nhi với sự tham gia của hơn 4.000 phật tử. Sư thầy trụ trì Giác Thiện cho biết: “Lễ cầu siêu giúp khai mở tâm linh, xóa bỏ niềm đau khi những người phụ nữ chưa tìm được chỗ dựa tinh thần. Một đứa trẻ ra đời là điều kỳ diệu từ tinh cha, huyết mẹ. Vì rất nhiều những nỗi đời khác nhau, đó có thể do hoàn cảnh hoặc do thiếu kiến thức giáo dục trong tình cảm, trong hôn nhân mà những đứa trẻ thiếu may mắn không có dịp chào đời... Dù muốn dù không, những bào thai này chính là những linh hồn có sự sống mà chúng ta vô tình hay cố ý chối bỏ”... Có hàng nghìn bài vị cha mẹ các thai nhi đến chùa Từ Quang gửi để cầu an, mang tên “vô danh”, “vô phước”, “vô thường”... Giá như những thai nhi vô danh kia được cất tiếng khóc chào đời... |
XUÂN ANH - THÙY LINH
Để cùng chia sẻ với những chàng trai đang yêu, 3600yêu đã trao đổi cùng hai bạn trẻ nước ngoài và đặt cho họ tình huống: nếu bạn gái của họ có thai ngoài ý muốn... * MARC OPPER (22 tuổi, người Mỹ, sinh viên): Không đứa bé nào phải chịu đựng lỗi lầm của cha mẹ Nếu phải rơi vào trường hợp bạn gái có thai ngoài ý muốn, tôi sẽ nhận trách nhiệm về phía mình và để bạn gái quyết định nên giữ em bé hay không. Thân thể là của cô ấy và tôi nghĩ tôi không có quyền bảo cô ấy làm theo ý kiến chủ quan của mình. Nếu cô ấy quyết định bỏ đứa bé, tôi sẽ chăm sóc cô ấy về mặt thể chất cũng như tinh thần và lo chi phí phá thai. Nếu cô ấy quyết định giữ đứa bé, tôi sẽ chăm lo cho hai mẹ con và bảo đảm đứa bé lớn lên với sự chăm sóc chu đáo. Không đứa bé nào phải chịu đựng những lỗi lầm do bố mẹ mình gây ra. Tôi sẽ nâng niu, trân trọng cuộc sống mới của mình với bạn gái thay vì ruồng bỏ tất cả và đổ lỗi cho nông nổi trong quá khứ. Ở Mỹ, nhiều chàng trai dưới 30 tuổi hay khuyến khích bạn gái nên phá thai. Những bạn trẻ này thường không có khát khao được chăm sóc con. Một phần nữa, họ nghĩ có con là điều chưa cần thiết, có thể cản trở sự nghiệp của họ. Song bên cạnh đó, tất nhiên cũng có những người khuyên bạn gái giữ lại đứa bé. * NOMURA KOUTA (27 tuổi, người Nhật, nhân viên văn phòng): Phá thai là tội lỗi Nếu tôi và bạn gái lỡ có con với nhau, chắc là tôi sẽ bảo cô ấy giữ nó. Phá thai ư? Điều đó tôi không muốn nghĩ đến vì tôi xem đó là một tội lỗi lớn, ngang bằng với hành động giết người. Tôi yêu cô ấy và muốn lãnh trách nhiệm, vì vậy tôi sẽ thuyết phục cô ấy lấy tôi và bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn để kiếm tiền trang trải cho gia đình mới của mình. Tôi cũng sẽ cố thuyết phục bố mẹ, những người có thể không hài lòng khi biết tôi trở thành người bố bất đắc dĩ. Nhiều người già ở Nhật còn khá bảo thủ về vấn đề này. Họ cho rằng nam giới phải trải nghiệm nhiều điều, nếu không thì làm sao nuôi dạy con trẻ. Ở Nhật, nếu bạn gái có thai ngoài ý muốn, bạn trai của họ thường khuyên nên phá thai. Các chàng trai không đủ tự tin nuôi nấng em bé. Họ cũng cảm thấy phiền khi phải chăm sóc và lo giáo dục em bé làm họ mất tự do. Ở Nhật, một khi có con sẽ rất tốn kém, điều đó cũng giải thích một phần vì sao nhiều bạn trẻ kinh tế chưa ổn định chọn giải pháp phá thai. Nhiều chàng trai chạy trốn bạn gái của mình. Nhiều cô gái “lỡ dại” vẫn chọn cách giữ đứa bé theo bản năng làm mẹ của mình. PHƯƠNG THÙY ghi |
0 bình luận:
Đăng nhận xét