Phỏng vấn Linh Mục Fortunato Di Noto, người thành lập Hiệp hội Meter, chống nạn lạm dụng tính dục trẻ em và phim ảnh trẻ em mại dâm trên mạng
** Chúa Nhật 28 tháng 12 vừa qua là lễ Các Thánh Anh Hài, tưởng niệm biến cố các trẻ em Bếtlêhem đã bị vua Hêrốt tàn sát xưa kia, vì nhà vua tin rằng trong số các trẻ em từ hai tuổi trở xuống cũng có Hài Nhi Giêsu, Vua Cứu Thế, là Đấng khiến cho nhà vua lo sợ cho địa vị của mình. Tuy nhiên trong ngày này Giáo Hội cũng tưởng niệm tất cả các trẻ em tử đạo vô tội thuộc mọi thời đại. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Cả ngày nay nữa sự thinh lặng bất lực của các em kêu khóc dưới lưỡi gươm của biết bao nhiêu Hêrốt”. Đức Thánh Cha đã nhắc tới biết bao nhiêu trẻ em bị giết trước khi chào đời, bị tàn sát dưới các trận mưa bom, phải di tản, bị lạm dụng, khai thác bóc lột, bị đối xử tàn tệ, và không có cha mẹ trong sự ích kỷ của một nền văn hóa không yêu thương sự sống.
Quả thật, đã không có thời đại nào trong lịch sử nhân loại trong đó trẻ em lại bị đối xử tàn nhẫn như trong thời đại tân tiến của ngàn năm thứ ba. Theo tổ chức UNICEF nạn bạo hành trẻ em xảy ra tại khắp nơi, trong mọi quốc gia và xã hội trên thế giới này. Chính các trẻ em cho biết cả các hành động bạo lực nhỏ và lạm dụng lập đi lập lại trong cuộc sống thường ngày cũng khiến cho các em đau khổ, gây chấn thương cho sự tự trọng, sự an bình thanh thản và lòng tin tưởng của các em nơi người khác. Đa số các bạo hành chống lại trẻ em là do chính cha mẹ, các hôn phu và hôn thê, các người chồng vợ hay người chung sống, các bạn học cùng lớp cùng trường, các thầy giáo cô giáo và các người cho việc.
Đa số các vụ bạo hành trẻ em bị dấu nhẹm: các trẻ em nạn nhân cũng như những người chứng kiến cảnh bạo lực thinh lặng vì sợ hãi bị trừng phạt hay vì sợ dư luận xã hội lên án. Rất nhiều người, trong đó có các trẻ em, chấp nhận bạo lực như một khía cạnh không thể tránh dược của cuộc sống. Thường khi các trẻ em bị bạo hành im lặng, vì các em không có phương cách chắc chắn hay đáng tin cậy để tố cáo hay kêu cứu.
** Trên bình diện quốc tế không có các dữ kiện thường xuyên được thống kê, do đó các con số chỉ có tính cách phỏng đoán. Dựa trên các nghiên cứu và các dữ kiện dân số năm 2000 tổ chức Sức Khỏe Thế Giới ước tính có khoảng 73 triệu trẻ nam và 150 triệu trẻ nữ là nạn nhân của các giao hợp tính dục cưỡng bách, và các hình thức bạo lực khác bao gồm các đụng chạm tới thân xác.
Tại 16 nước phát triển trên thế giới được phân tích do một nghiên cứu toàn cầu về sức khỏe, do tổ chức Sức Khỏe Thế Giới và Trung tâm Hoa kỳ kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật đảm trách, có từ 20 tới 65% trẻ em là nạn nhân của các hành động hay lời nói ức hiếp xúc phạm của người khác.
Hằng năm có khoảng 275 triệu trẻ em chứng kiến các cảnh bạo lực trong gia đình. Các cảnh bạo lực này ảnh hưởng tiêu cực trên sự phát triển của các em trong thời gian gần và trong thời gian xa.
Trong số 218 triệu trẻ em lao động trong năm 2004 có 126 triệu em phải làm các việc nguy hiểm tới tính mạng. Các thống kê mới của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế cho biết trong năm 2000 có 5,7 triệu trẻ em bị cưỡng bách lao động để trừ nợ nần cho gia đình, 1,8 triệu trẻ em là nạn nhân của kỹ nghệ tình dục mại dâm hay phim ảnh dâm ô, khoảng 1,2 triệu trẻ em nạn nhân của dịch vụ buôn bán trẻ em; và có hàng triệu trẻ em lao công khác hàng ngày bị bạo hành tại nơi làm việc bởi các chủ nhân hay bạn bè.
Ngoài ra tổ chức Sức Khỏe Thế Giới cũng cho biết hàng năm có từ 100 tới 140 triệu bé gái và phụ nữ bị chặt cắt bộ phận sinh dục. Và chỉ nội trong năm 2002 đã có 53.000 trẻ em từ 0 tới 17 tuổi bị sát hại.
Các bé trai thường bị bạo hành trên thân xác, trong khi các bé gái thường bị bạo hành tính dục, bị bỏ rơi và sa vào vòng mại dâm. Theo một nghiên cứu tại một vài quốc gia có tới 21% nữ giới bị lạm dụng tình dục trước khi lên 15 tuổi. Trẻ em các nước có lợi tức thấp và trung bình có nguy cơ bị giết cao gấp đôi trẻ em các nước có lợi tức cao. Các thanh thiếu niên lứa tuổi 15-17 và trẻ em 0-4 tuổi thường gặp nguy hiểm hơn cả. Sau cùng có một vài nhóm trẻ em đặc biệt dễ bị thương tích hơn cả, trong đó có các trẻ em tàn tật, các trẻ em thuộc các nhóm thiểu số, các trẻ em bụi đời, các trẻ em có vấn đề pháp lý và các trẻ em di cư tỵ nạn.
Hiện nay có ít nhất 106 quốc gia không cấm các hình phạt thể lý trong các trường học. Có 145 nước không cấm các hình phạt thân xác trong các trung tâm trợ giúp; tại 78 nước các hình phạt thể lý được chấp nhận như biện pháp kỷ luật; và tại 31 nước chúng được chấp nhận như phần của các án hình sự.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận định của linh mục Fortunato Di Noto, người thành lập Hiệp hội Meter, chống nạn lạm dụng tính dục trẻ em và phim ảnh trẻ em mại dâm trên mạng.
Hỏi: Thưa cha, ngày nay có biết bao nhiêu trẻ em vô tội tử đạo, có đúng thế không?
Đáp: Chắc chắn rồi, các trẻ em vô tội tử đạo ngày nay là các trẻ em bị chết dưới các vụ bỏ bom, khi các em ở trong nhà mình, khi các em đang học hành, khi các em đang ngủ trong giường. Các trẻ em tử đạo vô tội cũng là các trẻ em bị xung vào quân ngũ để chiến đấu, bị tra tấn, bị hãm hiếp bạo hành, bị bán đi như nô lệ, hay trở thành nạn nhân của các hình thức nô lệ mới là nạn lạm dụng tính dục trẻ em và phim ảnh dâm ô trẻ em trên mạng. Các thánh anh hài tử đạo ngày nay cũng là các trẻ
em bị giết vì niềm tin kitô của mình.
Hỏi: Các trẻ em tử đạo cũng là các trẻ em bị giết vì nạn phá thai và không bao giờ được chào đời, có phải vậy không thưa cha?
Đáp: Vâng đúng thế. Có biết bao nhiêu trẻ em không được sinh ra, hàng triệu và hàng triệu nạn nhân trên thế giới này. Và phá thai không phải là một lựa chọn văn hóa, lại càng không phải là kế hoạch hóa gia đình. Người ta biện minh cho phá thai bằng cách nói rằng có lẽ các trẻ em sinh ra sẽ không có gì ăn, sẽ thiếu dinh dưỡng, nhưng đó là một biện minh vô lý mà chúng ta không thể im lặng chấp nhận được, chúng ta phải lên tiếng, chúng ta phải nói to lên.
Hỏi: Sự thinh lặng của biết bao nhiêu trẻ em – Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói – kêu khóc dưới lưỡi gươm của biết bao nhiêu vua Hêrốt ngày nay nữa, cha nghĩ sao?
Đáp: Quý vị hãy nghĩ tới tệ nạn buôn cơ phận trẻ em, nạn khai thác tình dục trẻ em, hay khi các vua Hêrốt đi cả tới chỗ kế hoạch hóa giết trẻ em một cách êm dịu. Đó, biết bao nhiêu vua Hêrốt của thế giới ngày nay. Họ không chỉ không cúi đầu trên nhân loại như Đức Thánh Cha nói, mà họ chỉ cúi đầu trước các lợi nhuận là tiền bạc. Và tiền bạc chúng ta biết – như thánh Phaolô nói – là rác ruởi, là rác rến của ma qủy.
Hỏi: Nhưng mà sự vô tội còn có thể bị hãm hiếp, bị giết chết cả trên bình diện tâm lý nữa thưa cha…
Đáp: Chắc chắn rồi. Chỉ cần nghĩ tới sự kiện truyền hình lèo lái con người làm sao, khi chuyển tải các sứ điệp bạo lực. Thế rồi còn có các khu xóm ổ chuột mới hiện hữu trên mạng vi tính nữa. Nghĩa là các trẻ em là đối tượng của một cuộc sống bị xâm lăng bởi kỹ thuật không biết quản lý, và thế là các em bị đắm tầu trong các vùng ngoại biên vi tính. Các người thiện chí phải ở trong các vùng ngoại biên đó, không phải chỉ để truyền thông, mà cũng để đồng hành với nỗi khổ đau của các trẻ em vị thành niên bị đắm chìm trong thế giới vi tính ấy.
Hỏi: Thưa cha Di Noto, khi năm 2014 kết thúc và nó đã là một năm khủng khiếp, cha tố cáo biết bao nhiêu nạn nhân vô tội…
Đáp: Chúng ta có thể liệt kê chúng ra như một loại chuỗi hạt của khổ đau… Tôi tin rằng chính vì lễ các Thánh Anh Hài mà chúng ta phải nâng lời cầu nguyện và khẩn nài lên Chúa và lãnh nhận một dấn thân cụ thể. Thật thế, không bao giờ được thiếu hy vọng đứng trước các vấn đề kinh khủng này, trong đó các trẻ em không được sống cả ngày trong đó các em sinh ra. Cần hy vọng rằng có biết bao nhiêu người thiện tâm… Tôi xin chấm dứt bằng cách kể cho qúy vị nghe một điều. Tôi đã trồng các cây trước giáo xứ của tôi, và người ta thường nhổ mất chúng. Vậy tôi làm gì? Tôi trồng chúng trở lại. Và người ta lại nhổ chúng đi. Và tôi đã làm gì? Tôi lại trồng chúng trở lại nữa. Thật thế, trong cuộc sống người ta nhổ các trẻ em đi. Nhưng chúng ta không bao giờ có thể quên tiếp tục hy vọng và tiếp tục làm sao để các trẻ em ở chỗ nhất, vì các em được Chúa Giêsu đặc biệt yêu thương, các em là các người có đặc ân trong một xã hội không được trở thành vô nhân, nhưng phải luôn luôn hy vọng nơi con người.
Hỏi: Thưa cha, Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm các Thánh tử đạo vô tội. Các vị có giá trị nào đối với chúng ta?
Đáp: Giáo Hội đã luôn luôn có một tình yêu lớn đối với trẻ em. Chính Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI trưóc khi chết có nói rằng dấn thân của Giáo Hội cho nhi đồng không phải là một mốt mau qua, nhưng là một dấn thân thường xuyên, chính vì một trẻ thơ đã được sinh ra cho chúng ta. Quý vị hãy tưởng tượng rằng trong Giáo Hội ngoài các Thánh Anh Hài, đã có biết bao nhiêu trẻ em tử đạo. biết bao nhiều trẻ em chứng nhân của đức tin, biết bao nhiêu trẻ em được nâng lên danh dự bàn thờ như là các vị tử đạo, như là các Thánh, các Chân phước, các Tôi tớ Chúa. Điều này chứng minh cho thấy một cuộc cách mạng có thể xảy ra cả qua các trẻ em nữa. Thật đúng thế, người ta có thể xúc phạm đến các trẻ em, nhưng cũng đúng thật là chúng ta có thể tưởng niệm các em vì các em là thí dụ sống cho tất cả mọi người. (RG 28-12-1014).
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vietcatholic
0 bình luận:
Đăng nhận xét