7 năm và hành trình đẫm nước mắt
Giữa chốn phồn hoa đô thị, giữa mảnh đất Thủ đô ồn ào náo nhiệt nhưng lại có một nơi khiến bất cứ ai khi nghe tên cũng không khỏi nghẹn ngào, bùi ngùi và xót thương. Đó là nơi yên nghỉ của 25.000 hài nhi vô tội, các em đã nằm xuống bởi sự vô cảm của người lớn, đó chính là những bậc làm cha mẹ đã vô tâm tước đoạt đi quyền làm người của các hình hài bé nhỏ…
Những ngày cuối tháng 6 nắng chói chang, chúng tôi theo chân những người làm công tác thiện nguyện trong nhóm “Bảo vệ sự sống” (thuộc thôn Từ Châu – Liên Châu – Thanh Oai – Hà Nội) mới cảm nhận hết những yêu thương mà hơn 40 thành viên dành cho các em.
Ngôi mộ có 25.000 hài nhi nằm gọn lỏn giữa đồng vắng. |
Đó là những người chẳng phải là ruột thịt, máu mủ lại càng không phải xóm giềng nhưng tất cả 40 thành viên trong nhóm đều mang trong mình tình yêu thương bao la, vô bờ đối với những sinh linh bé bỏng.
Năm 2008, những người đầu tiên đặt nền móng dựng lên nhóm “Bảo vệ sự sống” còn nhớ như in hình ảnh chua xót, thảm thương vô bờ. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nho (trưởng nhóm) cho hay: “Bản thân tôi và một số thành viên trong nhóm thấy ở các bệnh viện, phòng khám có quá nhiều hài nhi bị tước bỏ sự sống bởi cha mẹ chúng lấy lý do này, lý do kia mà nhẫn tâm chối bỏ những sinh linh ấy. Chúng tôi nhìn cảnh hai vợ chồng trẻ dắt tay nhau đi phá thai không thể cứ mãi đứng nhìn được”.
Ông Nguyễn Văn Nho - trưởng nhóm thiện nguyện "Bảo vệ sự sống". |
Cũng từ dạo đó, bác Nho cùng nhiều thành viên khác thuộc thôn Từ Châu đã họp lại và bàn bạc với nhau để đi đến một quyết định là thành lập nhóm để bảo vệ, che chở và hơn hết là chia sẻ tình thương yêu đối với những hài nhi xấu số.
Bác Nho cùng 40 thành viên đi khắp nơi ở nội thành và xung quanh để “xin” hài nhi về chôn cất, hương khói, mong các em đỡ lạnh lẽo, cô quạnh. Nhớ lại những ngày đầu, cụ Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi đi xin các em về, nhiều người thấy ngạc nhiên lắm thậm chí còn bị người ta xua đuổi. Nhưng chúng tôi cố gắng thuyết phục thì cuối cùng một số nơi cũng đồng ý cho chúng tôi mang các em về chôn cất thay vì vứt vào sọt rác, vào cống rãnh…”.
Các thành viên trong nhóm thiện nguyện đang tiến hành cầu nguyện cho các em. |
7 năm qua là một hành trình không phải quá dài nhưng cũng đủ để 40 thành viên cảm nhận được tình người, tình yêu thương bao la đối với những sinh linh bé bỏng. 40 thành viên, mỗi người một công việc khác nhau nhưng hàng tuần đều dành quãng thời gian nhất định để gom các em về ngôi nhà chung…
Mỗi lần đưa các em xuống ruột gan như thắt lại
Hàng tuần, 40 thành viên đều dành trọn vẹn ngày thứ 7 để thực hiện công việc chôn cất các em, đưa các em về nơi yên nghỉ. Ở đó, các em có bầu bạn và sống trong tình thương yêu bao la của tất cả mọi người.
Ngày chúng tôi đến thăm các em – 25.000 sinh linh bé bỏng cũng là lúc 40 thành viên trong nhóm đưa hơn 40 sinh linh mới (gom trong 1 tuần) về ngôi nhà thân yêu.
Mỗi lần đưa các em xuống nơi an nghỉ, ruột gan của các thành viên trong nhóm thiện nguyện như thắt lại. |
Hàng tuần, 40 thành viên đều dành trọn vẹn ngày thứ 7 để thực hiện công việc chôn cất các em, đưa các em về nơi yên nghỉ. |
Nhìn những nét mặt, những hành động, những cử chỉ của 40 thành viên khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Ai cũng buồn, một nỗi buồn chơi vơi, chẳng ai nói với ai điều gì nhưng cũng đủ để cảm nhận sự chua xót vô bờ. Nhẹ nhàng đặt các em xuống ngôi nhà ấy, rồi các mẹ lại nhẹ nhàng phủ đất lên khiến chúng tôi như đứt rời ruột gan. Chua và xót thay những số phận bị tước bỏ quyền làm người ngay khi từ còn trong bụng mẹ…
Quá trình chôn cất các em nhỏ. |
Giữa không gian tĩnh mịch, u buồn ấy, ai đó trong nhóm khẽ bật khóc khi đang cầu nguyện. Tiếng khóc dù bé nhưng cũng khiến không ít người phải đưa vội tay lau những giọt nước mắt lăn dài. Chúng tôi cảm nhận rằng, trong giây phút cầu nguyện ấy chỉ một lời nói thôi, một tiếng nấc thôi cũng đủ để cả 40 thành viên bật khóc thành lời.
Nhớ lại những kỷ niệm đi mang các em về, cụ Hạnh, cô Phúc, bác Nho đều không thể quên, với họ mỗi một lần đi mang các em về đều là một kỷ niệm chua xót đáng nhớ.
Cô Phúc - 1 trong 40 thành viên kể lại chuyện những lần đi gom các em về. |
Cô Phúc đã phải quỳ xuống xin một bà mẹ trẻ để giữ lại đứa con, cụ Hạnh đã phải đạp xe 30km để mang một sinh linh bị vứt trong thùng rác, bác Nho đã phải lặn lội lên chính quyền xin đất để xây dựng ngôi nhà cho các em chung sống… Và hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện đẫm nước mắt vẫn còn nối dài nữa.
Chia tay chúng tôi, bác Nho có nhắn nhủ: “Chúng tôi làm việc này chỉ mong thức tỉnh những bà mẹ trẻ nếu có trót dại hoặc đôi vợ chồng nào đó nếu có lỡ kế hoạch thì cầu xin hãy nghĩ đến những đứa trẻ. Và hãy trả lời rằng: Tại sao làm cha, làm mẹ mà lại tước đoạt sự sống của các cháu một cách nhẫn tâm như thế. Tội lắm…”
Theo Kênh 14