Home » » Nắng chiều tàn tạ

Nắng chiều tàn tạ


Truyện ngắn của Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông DCCT

Cả năm nay cứ vào chiều thứ bảy tuần thứ ba trong tháng, cha Thân Dòng Chúa Cứu Thế lại được đón lên Mai Hoà, trung tâm săn sóc cho bệnh nhân sida giai đoạn cuối để dâng lễ cho họ. Lần thì đi bằng xe Toyota 15 chỗ của Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, lần thì đi bằng xe Daihatsu. Mỗi lần như thế đều có những chuyện vui buồn lẫn lộn. Cách đây ít tháng, có cha Tuyến, Việt kiều Mỹ cùng đi. Thế là một em ca đoàn từ cuối xe la lớn: “trên xe hôm nay có hai cha. Cha trong nước là cha nội. Cha nước ngoài là cha ngoại. Tiền ngoại hơn tiền nội. Cha ngoại hơn cha nội. Nên hôm nay cha ngoại sẽ đãi ca đoàn một chầu phở Hòa. Xin cho ngài một tràng pháo tay”. Cả xe cười ồ, vui vẻ. Có lần xe Toyota kẹt công tác, phải đi bằng Daihatsu. Tài xế không quen đường, đưa cả đoàn vào rừng, mãi 7 giờ tối mới mò ra được tới Củ Chi, mọi người đói meo, phải mua bắp cạp đỡ. Bệnh nhân thì tháng nào cũng mất vài, ba người. Tháng nào cũng có thêm vài khuôn mặt mới. Lâu nhất trong tại có lẽ là Thảo, mới 22 tuổi, mặt hiền khô, chẳng hiểu sao lại nhiễm sida. Người thứ hai là Sơn, bị xe lửa nghiền nát cặp giò, chỉ vì muốn tự tử khi biết mình nhiễm HIV. Chiều nay thứ bảy cuối cùng của năm 2002, trên xe có thêm ông John, người Bỉ. Vợ John là người Việt nam. John có một đứa con trai 13 tuổi, một đứa con gái nuôi, người Việt nam 6 tuổi.

Như thường lệ, lễ xong, mọi người kéo xuống trại, thăm hỏi các bệnh nhân đau liệt, không đi được. Trong phòng, một tấm hình chân dung của một cô gái đẹp tuyệt trần, đặt trên thành giường Mỹ Dung, một cô gái trạc 25 tuổi, chỉ còn da bọc xương, đang thở dốc từng cơn, mắt khép hờ, man dại, đập ngay vào mắt cha Thân.

- Hình này của ai đây? Cha ngạc nhiên hỏi soeur Thanh Thảo, giám đốc trung tâm.


- Hình của cô Dung đó, cha! Tuần rồi cô tưởng cô qua đời nên cho người ta làm tấm hình ấy, chắc chỉ nay mai thôi cha ạ!

Cha Thân lặng lẽ nhìn lên tấm hình chân dung trước mặt lần nữa, rồi lại ái ngại nhìn Mỹ Dung đang thoi thóp.

Đang đứng trầm ngâm trước cửa, thấy cha Thân, John hỏi:

- Hôm nay cha có thấy gì trong phòng này không?

Thấy cha hơi bỡ ngỡ, John hỏi tiếp: “cha có thấy tấm hình của Mỹ Dung đặt trên thành giường không?


- Có!

- Tôi chụp cho cô ta năm ngoái đấy, vậy mà bây giờ cô đã tàn tạ đến thế!

Thanh Thảo chen vào: “Mỹ Dung rất tội, cha ạ!” Rồi chị nghẹn ngào, đôi mắt lệ lưng tròng, lặng lẽ nhìn về phía chân trời phía tây đang tối dần.

Mọi người lên xe về, trả lại cho Mai Hoà vẻ trống vắng ghê rợn cố hữu của các bãi tha ma. Thanh Thảo vẫn thơ thẩn trong bóng đêm mỗi lúc một dầy thêm. Thỉnh thoảng gió rít, dương reo xáo xác như những tiếng ai oán từ cõi âm vọng về.

Huyền My, Diễm Lệ đang từ phòng bệnh nhân trở về tu viện, vừa đi, vừa nhỏ to tâm sự. Diễm Lệ mới từ Sa Đéc chuyển về, thế chỗ cho chị Mỹ Linh. Còn Huyền My đã ở đây được gần năm.

- Chị có biết cha Thân không? Huyền My hỏi.


- Biết chứ! Chị là học trò của ngài mà!

- À! Em nhớ rồi, ngài dạy lớp dự khấn của các chi ở Bình Lợi cách đây ít năm, phải không?

- Ngài thật tuyệt vời! Giờ này chị vẫn nhớ như in những gì ngài dạy. Ngài bảo: yêu không phải là chuyện chăn gối mà là tìm hạnh phúc cho người mình yêu. Là phụ nữ, các chị phải coi chừng, đừng nghe những lời ngọt bùi của đàn ông mà khổ cả đời. Bản năng của đàn ông là chiếm đoạt. Cạm bẫy họ giương ra là những lời ong bướm, khối người đã chết vì những lời ve vãn, mơn trớn ấy.


- Ngài nói đúng đó chị ơi! Hầu hết bệnh nhân nữ ở đây đều là nạn nhân của những tên đểu cáng, dùng lời lẽ ngọt bùi xí gạt người ta.

- Cả nữ tu mình cũng bị nữa đó! Chị nhớ có lần cha Thân vào lớp trễ 15 phút, mồ hôi nhễ nhãi, tóc tai bù xù, mặt mũi bơ phờ. Hỏi ngài, ngài bảo ngài mới đi xức dầu cho một người quen. Chị này trước kia là nữ tu Dòng Saint Paul, rất giỏi nhạc, lại duyên dáng, dễ nhìn khiến một anh chàng đã có vợ phải chết mê chết mệt, cứ bám theo chị miết. Lúc đầu chị dứt khoát không chịu. Anh bám riết quá, thư từ tới tấp, toàn những lời ngon ngọt. Chị em trong cộng đoàn biết chuyện đã không thông cảm, lại cô lập, loại trừ. Chị buồn quá, ra chung sống với anh. Mới được vài tháng, chuyện đổ bể, vợ anh đánh ghen, tạt cho một ca acid. Mặt cháy nát, loang lổ, không biết có sống nổi không, đang lúc bụng mang dạ chửa. Đời thật lắm trái ngang!

Hai người vẫn đang say sưa trò chuyện thì nghe tiếng ơi ới trong phòng Mỹ Dung. Huyền My nói:

- Chị về ăn cơm trước đi, em lại đó xem sao.

Mỹ Dung đang co giật từng cơn. Mặt mét xanh. Mắt đứng tròng. Huyền My vừa giúp Thanh Thảo cầm lấy hai tay Dung, thì đầu Dung ngoẹo sang một bên, nằm im bất động. Thùy Thanh, một bệnh nhân cùng phòng, đốt hai cây nến, cắm lên thành giường, vô tình chạm khuỷu tay vào tấm ảnh làm rơi xuống đất vỡ tan tành.

Từ khi có trại Mai Hòa tới nay chưa đầy năm, đã có cả trăm cái chết. Có những cái chết rất dai dẳng, đớn đau. Thanh Thảo đã chai lì với chết chóc, ly tán, đau thương. Vậy mà chẳng hiểu sao, hôm nay khi đứng trước thi hài Mỹ Dung, Thanh Thảo lại nghẹn ngào, nấc lên từng cơn. Cô nhắm mắt lại, cố ngăn giòng lệ đã tràn mi. Một giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống nền đất lạnh. Tất cả những chuyện Mỹ Dung kể cho cô cách đây 3 ngày lần lượt hiện lên trong đầu óc cô.

Dung là con gái út của một gia đình công giáo đạo đức. Cha làm trùm 4 khóa. Cậu ruột là linh mục dòng Phanxicô. Anh đang tu dòng Đaminh. Mặt đẹp như tượng. Dáng thon thả. Nói chuyện duyên dáng, hấp dẫn. Mới 15 tuổi, Dung đã là một giáo lý viên hiền lành, mẫu mực. Ai cũng thương mến cô. Dung còn là một nữ sinh xuất sắc của trường chuyên Lương Thế Vinh, Biên Hòa. Năm nào cũng lãnh thưởng, Dung trở thành niềm kiêu hãnh của gia đình.

Ngay từ ngày đầu tiên bước vào trung học, Trần Phi Hùng đã để ý Dung. Hùng là con duy nhất của một gia đình giàu có, uy thế trong thành phố. Cha mẹ là người Cao Đài, không mấy thiện cảm với Công giáo. Hùng đẹp trai, học giỏi, là người duy nhất có thể cạnh tranh hạng nhất với Mỹ Dung trong học tập, chỉ mỗi tội hơi thiếu bản lãnh, thiếu trách nhiệm.

Sinh nhật thứ 18 của Mỹ Dung, nhân lúc tan trường về, Hùng dúi vào tay Mỹ Dung một món quà nhỏ. Dung vội vàng nhét vô cặp, sợ bạn bè trông thấy. Chiều lúc ôn bài, Mỹ Dung mới mở ra xem. Một cái vòng cẩm thạch nằm ngoan ngay trên một lớp bông gòn trắng phau! Mắt Mỹ Dung tròn xoe: trời đẹp quá! Ngắm nghía hồi lâu, Dung mới dám lấy ra ướm thử. Vừa khít. Bên dưới chiếc vòng là một mảnh giấy nhỏ, chữ nắn nót:

Mừng sinh nhật thứ 18
Kỷ niệm năm cuối cấp
Nếu Mỹ Dung không ngại, chiều mai 6 giờ,
mời Mỹ Dung đi nhà hàng.
Thúy Liễu sẽ đi đón Dung.
Bạn cùng lớp
Phi Hùng


Dung nhớ lại, năm nào Hùng cũng có quà sinh nhật cho Dung. Năm ngoái là một lô tiểu thuyết thời danh của Victor Hugo, của Balzac. Quyển Mỹ Dung thích nhất vẫn là Đỉnh gió hú của Emily Bronte. Năm trước nữa là gì ha? Dung tự hỏi, cố lục lọi trong bộ nhớ mà vẫn không tài nào nhớ được. Chưa bao giờ có ai cho Dung một món quà quí như thế. Dung ngắm chiếc vòng xanh biếc đang ôm gọn cườm tay nhỏ nhắn, mỉm cười khoan khoái, tự nhủ: ngày mai mình sẽ đi ăn với Hùng!

Đêm hôm ấy, Mỹ Dung bắt đầu bị giằng xé. Cô nhớ lại có lần cha cậu dặn: “là con gái, con hãy cố học hành, thong thả hãy yêu. Nhớ là thà ở vậy còn hơn lấy người không yêu mình. Đàn ông nhiều người đểu lắm. Chỉ khi nào thành vợ chồng mới ăn ở như vợ với chồng. Vì mọi hậu quả của việc ăn ở ấy con phải lãnh hết”. Những lời ấy khiến Dung chột dạ: “chiếc vòng này không khéo trở thành vòng kim cô thì khốn”. Nhưng ngay lúc ấy, giọng Thúy Liễu lanh lảnh trong lòng Dung: “có tiền là có tất cả. Tiền đi trước. Tình theo sau. Họ yêu mình, mình không yêu họ, họ yêu người khác cũng vậy thôi. Tội gì mà không yêu!”

Thuý Liễu là bạn học với Mỹ Dung thời tiểu học. Cả chục năm nay Dung mới gặp lại. Trông cô rất chững chạc, sành điệu, khêu gợi. Nghe đâu cô đang làm việc ở Sàigòn, giàu có lắm thì phải. Mỹ Dung tự nhủ, Thúy liễu có lý và cha cậu cũng có lý. Ta phải thận trọng. “Đi ăn có cả Thúy Liễu nữa mà lo gì!” Dung tự trấn an.

Chiều hôm sau, Mỹ Dung đã sẵn sàng, hồi hộp chờ Thúy Liễu tới. Thỉnh thoảng lại giơ tay lên ngắm chiếc vòng cẩm thạch, cười khoan khoái. Thúy Liễu tới. Thấy Mỹ Dung trong bộ đồng phục học trò, nhăn nhó: “trời ơi là trời! Đi nhà hàng mặc đồ này sao được, bồ! Thay đồ khác đi. Mặc bộ nào sexy chút, xứng với tuổi 18 đó nghen”.

Tới nhà hàng, Mỹ Dung đã thấy Phi Hùng áo quần tươm tất, đang đứng chung với một người lạ hoắc. Mặt rất cô hồn. Tóc chấm lưng. Râu ria xồm xoàm. Thấy Mỹ Dung tới, Hùng chạy vội lại, đỡ xuống xe. Thuý Liễu tươi cười chỉ Dung giới thiệu: “Đây là Mỹ Dung, bạn Thúy Liễu. Còn đây là Tư đểu anh tui đó bồ!”

Tư đểu nhe hàm răng sún cười nham nhở, trông hệt như mặt Luxiphe bị thiên thần Micae đâm chết Dung vẫn thấy đặt ở nghĩa trang giáo xứ. Dung vội nép mình vào bên Hùng tránh ánh mắt thèm thuồng của Tư đểu. Chân tay lọng cọng. Dung có cảm giác như đang bị lùa vô hang cọp.

Hôm ấy thúy Liễu và Tư đểu ôm ấp nhau, đút cho nhau ăn ngay trước mắt Mỹ Dung. Cử chỉ ấy làm Dung vừa hoảng sợ, vừa hấp dẫn cô. Suốt bữa tiệc hôm ấy, Phi Hùng chỉ nắm tay Dung có một lần duy nhất, lấy cớ là xem chiếc vòng có vừa tay Dung không.

Tàn tiệc chiều hôm ấy, trên đường về, Thúy Liễu khích: “con gà ấy chịu đèn cậu lắm rồi, tớ thấy nó nhìn cậu đắm đuối suốt bữa tiệc. Cá cắn câu thì phải giựt lên ngay, kẻo nó vuột mất. Cậu phải tấn công, phải ngồi sát hắn, phải cầm lấy tay hắn… phải làm tất cả những gì cần làm”.

Từ hôm ấy, quan hệ giữa Hùng và Dung thắm thiết, công khai hơn. Dung bắt đầu bỏ bê bài vở, tập tành thi phú, mơ màng, thơ thẩn. Tối nào cũng đem hộp cẩm thạch ra ngó. Một hôm, Dung hứng chí viết:

Vòng cẩm thạch chìm sâu trong bông trắng
Như tình anh chìm đắm trong em
Hùng ơi! Anh như vừng trăng sáng
Còn em, như hồ nước đón trăng đêm.


Có hôm ngồi suốt từ chập tối tới nửa đêm mà đầu óc Dung vẫn trống trơn, chẳng vô được chữ nào. Tập giấy nháp trước mặt không còn x,y; sin cos; tang, cotang nữa mà chỉ còn hai chữ Hùng - Dung. Mắt Dung không còn lanh lẹ như xưa mà mịt mù như trời chiều trên phố núi. Có lần Dung đắm đuối nhìn vào hai chữ Hùng-Dung, hứng chí viết:

Anh và em có chung tất cả
Chỉ khác là anh đầu H, em D


Những buổi dạy giáo lý thưa dần. Những lần hẹn hò dầy thêm. Dung lại còn dám cúp học đi chơi. Thấy thế, Bảo Trân, bạn thân của Mỹ Dung dáng mảnh mai nhưng lại thẳng thắn như đàn ông, nói với cô:

- Dung ơi! Hình như kỳ này bạn hơi khác thì phải!


- Linh hồn ai nấy giữ! Dung đáp, rồi ngoăn ngoắt bỏ đi. Bảo Trân nói với theo:


- Bồ mà “hoảng chưa” thì chỉ có nước độn thổ thôi đấy.

- Mỹ Dung quay lại nguýt cho Bảo Trân một cái, rồi lại tiếp tục bỏ đi.

Đêm hôm ấy, Mỹ Dung không ngủ được, trăn trở: tại sao con nhỏ mặt ngựa ấy lại dám bảo mình là “hoảng chưa” cơ chứ! Dung vẫn tôn trọng Bảo Trân. Mới đây Dung vẫn còn chỉ bài cho nó cơ mà! Sao bây giờ nó lại trở mặt như thế? Dung nhớ lại, trước đây đã có lần, Bảo Trân rất lẳng lơ với Phi Hùng. “Thôi đúng rồi! Trâu cột ghét trâu ăn ấy mà. Đã thế ông sẽ công khai hơn cho biết tay”.

Thi tốt nghiệp xong, Phi Hùng dẫn Mỹ Dung vào khách sạn, rút trong túi ra một chiếc nhẫn hột xoàn sáng loáng, nhìn Mỹ Dung đắm đuối: “đây là chiếc nhẫn đính hôn, là trọn vẹn tình anh dành cho em”. Hai người nhìn nhau, mặt đỏ lên ngượng ngùng. Hùng lại tiếp tục rút ra một sợi dây chuyền vàng chóe, nặng cả cây vàng, vừa đeo vào cổ Dung, vừa nói: “còn đây là quà đính hôn, là sợi tơ hồng se kết tình ta”. Hai người ở lại khách sạn cho đến khi cả phố lên đèn, vẫn bịn rịn, chưa muốn về.

Suốt ba tháng luyện thi đại học, Mỹ Dung không học được chữ nào, cứ ra ngẩn vào ngơ. Tâm tính bắt đầu thay đổi như ngâu tháng bảy. Khi thì tươi như đào mai ngày tết, lúc lại héo như cây cối mùa đông, khi thì bi bô như trẻ đang tập nói, lúc lại trầm ngâm như đan sĩ về già. Đầu óc cô bây giờ chỉ có Hùng, với những kỷ niệm của một tình yêu nồng cháy. Dung có cảm giác như cô đang đứng ở ngưỡng cửa thiên đàng.

Buổi sáng hôm thi đại học, trong phòng thi, Mỹ Dung ngồi cắn bút, người choáng váng, toát mồ hôi, lại cứ buồn nôn muốn ói, phải ra vào phòng thi cả chục lần.

Đưa Dung về nhà xong, Hùng mới quay về nhà. Trên đường về Hùng tự nhủ: thua đại học, nhưng được tình yêu… Dung ơi, em chính là thiên đàng của anh. Rồi anh mỉm cười khoan khoái. Về tới nhà, Hùng nghe như trong nhà có tiếng cãi nhau. Anh nhón gót bước vào nghe ngóng. Giọng bà Mai, mẹ Hùng chua chát:

- Tủ này chỉ tôi với ông là có chìa khoá, ông không lấy thì còn ai vào đây!


- Chuyện đâu còn có đó, bà coi kỹ lại xem, hay bà có cho ai mượn không?

Nói thì nói vậy thôi, ông Mai nghĩ, vì có đời nào vợ ông cho ai rớ tới tiền bạc của bà đâu. “Kỳ này sẽ tan cửa tan nhà cho mà xem. Cái con mẹ coi tiền trọng hơn mọi thứ này không vừa đâu”, ông nghĩ. Trầm ngâm một lát, ông nhớ lại những ngày gần đây Hùng luôn đi sớm về khuya có khi cả tuần ông không gặp. “Chắc nó chứ không ai! Thôi rồi” ông thở dài “dám nó dính vào xì ke rồi !” Miệng đắng nghét. Mắt cay xè. Ông âu lo, tư lự. Bà Mai lại oang oang nói như khóc:

-Mất mẹ nó cả hai xấp, mỗi xấp 100 tờ 100.000 nữa! Bà giận dữ quát: không chịu tìm cho người ta, cứ ngồi đực ra như thế à! Còn thằng ranh con nhà này đâu mất rồi? Ông không lấy thì chỉ có nó thôi. Bà mà biết, thằng nào bà cũng chém.

Nghe thế, Hùng lẻn ra ngoài, lên xe phóng mất. Mắt cay xè. Thiên đàng như sụp đổ. Tương lai như khép lại. Bà mà biết Hùng lấy những thứ đó cho Dung, chắc chắn bà sẽ giết cả hai. Có lần hàng xóm kể: nhà chỉ có hai chị em. Cha mẹ rất giàu nhưng chết bất đắc kỳ tử khi mới ngoài 40. Vì muốn chiếm trọn gia tài, bà đã đầu độc em bà cho chết. Cây độc không trái, gái độc không con. Có lẽ thế, nên bà vẫn chưa có con. Hùng nghĩ: em ruột bà, bà còn xử ác thế, huống hồ, mình chỉ là con nuôi. Tốt nhất là trốn về quê, không liên lạc gì với Mỹ Dung cho cô được yên thân.

Đi thi về, Dung nằm bẹp cả tuần lễ. Ngày nào cũng buồn nôn. Dung giật mình: thôi chết, mình có thai rồi! Dung bắt đầu lo lắng. Cả tuần nay cũng chẳng thấy Hùng tới, mà cũng không nhận được một tin tức gì. Dung bắt đầu hốt hoảng: không biết anh có bị sao không? Có khi nào anh cũng bị bệnh như Dung không? Hay anh bị tai nạn. Lo lắng thế, nhưng Dung vẫn không dám đến nhà Hùng vì biết mẹ Hùng rất khó. Đang bồn chồn lo lắng, thì Bảo Trân tới. Dung định lánh mặt mà không kịp. Bảo Trân thân mật nói:

- Dung ơi! Có chuyện này quan trọng lắm, cậu biết chưa?


- Chuyện gì?


- Hùng trốn đi rồi.

- Trốn đi đâu mới được chứ? Sao bồ biết? Dung hốt hoảng hỏi.

- Tớ với Hồng Ánh mới tới nhà, thấy cửa khoá chặt. Nghe hàng xóm nói: nhà mất vàng mất bạc gì đó, bỏ đi hết trơn cả tuần nay rồi, không biết đi đâu.

Chân tay Dung bủn rủn, đầu óc quay cuồng, muốn té, phải bám vội lấy cạnh bàn. “Không biết con nhỏ này nói thật hay nói chơi!” Dung tự hỏi.

Chờ đợi đúng một tháng, không còn có thể kiên nhẫn thêm được nữa, Dung đem hết tất cả các thư Hùng gửi ra đốt, vừa đốt, vừa cay đắng nức nở. Dung dự tính sẽ mang hết vòng vàng, dây chuyền trả lại cho bà Mai.

Bào thai trong bụng lớn dần. Bây giờ phải tính sao, phá hay để? Dung nhíu mày nhìn qua cửa sổ, cây phượng trước nhà đã trổ hết bông, nhả đầy những cánh héo quắt dưới gốc, làm vấy bẩn cả một góc sân.

Phá hay để? Một câu hỏi nan giải khiến cô trằn trọc suốt đêm. “Phá!” Dung quyết định. Trời đã chuyển sang ngày mới mà Dung vẫn trằn trọc. Tiếng ngáy của ai không rõ thỉnh thoảng lại chen với tiếng gà khuya eo óc. Bực bội. Dung ngồi bật dậy. Bước xuống giường, Dung đạp ngay phải một miếng giấy vuông vắn: giấy chứng nhận đã học giáo lý hôn nhân. Dung nhớ như in có lần cha sở kể: tuần trước, có dịp lên thành phố, đi ngang qua một nơi nọ, tôi phải chứng kiến một trò vô cùng man rợ: một số người lớn cầm dao, cầm kéo, cắt đầu, cắt tay trẻ em vô tội quăng vào thùng rác. Mỗi ngày vài trăm em. Hàng ngàn người đứng xem, trong đó có cả cha mẹ các em, không một người lên tiếng. Dung còn nhớ, khi cha sở kể đến đó, Đĩnh, cũng là giáo lý viên, đã ngoài 30, nhưng rất ngây thơ, đứng bật dậy, giận dữ hỏi: ở thành phố mà ở chỗ nào, cha?” Cha sở ngậm ngùi: “ở Từ Dũ chứ còn ở chỗ nào nữa!”.

Dung thở dài thườn thượt, mím chặt môi, nước mắt tràn vô miệng mặn chát: “không! Không! Không thể thế được!” Nhưng không phá thì phải ăn nói thế nào đây? An nói làm sao với cha mẹ, với cha sở, với bạn bè và nhất là với các em Dung vẫn dậy giáo lý cho? “Khi chưa thành vợ thành chồng, thì đừng ăn ở với nhau như vợ chồng. Hậu quả của việc ăn ở ấy con phải lãnh đủ hết đấy. Tình yêu không phải là chuyện chăn gối nhưng là tìm hạnh phúc cho người mình yêu”. Những lời căn dặn của cha cậu bây giờ trở thành thẩm phán buộc tội, đay nghiến, đầy đọa cô. Lời châm chích của Bảo Trân: “bồ mà hoảng chưa, thì chỉ có nước độn thổ thôi đấy” đang bôi tro, trát trấu lên mặt Dung. Tức tưởi, cô đứng dậy, ra mở cửa sổ, thấy trời vẫn tối om, lại quay trở về giường, khóc thút thít.

Ở với Thúy Liễu cả tháng nay, ngày nào Dung cũng phải ôm mặt khóc một mình. Thúy Liễu ở chung với hai người nữa, đều là tiếp viên nhà hàng. Tuyết Lan quê ở Cần thơ, bị bố dượng làm nhục, bỏ nhà lên thành phồ, rơi ngay vào tay Tư đểu, bị bắt phải tiếp khách, được bao nhiêu nó lột sạch, hiện còn thiếu nợ cả chục triệu. Cẩm Tú ngổ ngáo hơn, bỏ nhà đi bụi từ lúc 12 tuổi, hút chích đã từ lâu, nên phải bán trôn mà hút. Ngày nào Mỹ Dung cũng phải nghe Thúy Liễu lải nhải: “bà để làm gì không biết nữa! Nó không có bố, ai nuôi nó? Phá đi thôi!” Tiền bán sợi dây chuyền mỗi lúc một cạn dần. Phải chờ tới 6 tháng nữa mới sinh, sinh rồi lấy tiền đâu mà sống. Nghĩ thế, Mỹ Dung đành nhắm mắt đưa chân, để Thúy liễu dẫn tới nhà thương Từ Dũ.

Mới 8 giờ sáng mà đã có cả trăm cô gái ngồi chờ, chật hết các ghế. Có cô trẻ hơn Dung nhiều, mới khoảng 12, 13 tuổi thôi. Thúy Liễu hất hàm chỉ đám đông, nói với Mỹ Dung: “đó, bà thấy chưa? Ai cũng như bà thôi. Phụ nữ tân thời có thèm đẻ nữa đâu. Đẻ thì còn giờ đâu mà thưởng thức cuộc đời nữa!” Chiều hôm ấy, về tới nhà, Thúy Liễu căn dặn: “nghỉ ngơi ít bữa cho khỏe rồi đi làm!” Khi mọi người đã phấn son lòe loẹt, áo quần cũn cỡn đi làm, Mỹ Dung mới thấy xót xa, đau đớn. Cô úp mặt xuống gối, nức nở: “mi là tên sát nhân, tên đồ tể!” Dung đã đóng một nhát đinh cuối cùng vào chiếc quan tài của cô giáo lý viên xinh đẹp, đạo đức. Quá khứ đang bị đẩy dần vào quên lãng. Chẳng mấy chốc, Dung đã trở thành một gái nhảy chuyên nghiệp, nằm trong vòng tay của hết người này đến người khác.

Hai năm sau, Dung lại đến bệnh viện lần nữa. Thấy Dung ngồi một mình, soeur Hồng Quế Dòng Đaminh Tam Hiệp sà tới: “chào em, chị là Hồng Quế, học khoa xã hội học. Chị đang phải làm luận văn, em có thể giúp chị trả lời phỏng vấn không?”. Mỹ Dung cắn chặt môi, tự nhủ: “Không! Nhất định không!”

- Em làm ơn giúp chị với! Hồng Quế năn nỉ. 


Thấy Hồng Quế hiền lành, tội nghiệp, Mỹ Dung do dự, rồi khẽ gật đầu. Hồng Quế mỉm cười thân thiện thay cho lời cám ơn, mở máy thu băng đang cầm sẵn trong tay, hỏi:

- Em tên là gì?

- Dạ, Diệu Trinh.

- Em bao nhiêu tuổi?

- Dạ, 22.

- Em ở quê hay thành phố?

- Dạ, ở quê lên

- Em đến đây lần này là lần thứ mấy?

- Dạ, lần thứ hai

- Em có thấy phá thai là một tội không?

- Dạ không! Vì nếu là tội thì nhà nước đã không cho phép, và chắc chắn ở đây sẽ không đông như thế này!

- Em có gia đình chưa?

- Dạ chưa.
- Đã yêu lần nào chưa?

Hình ảnh Hùng hiện lên trong đầu Dung. “Mẹ kiếp, tên phản bội!” nước mắt chực trào ra, Dung cắn chặt môi cố dằn cơn giận xuống.

- Hoàng Thị Mỹ Dung. Y tá gọi.

Hồng Quế tắt máy, nói: cám ơn em, chị là soeur Hồng Quế, chị thường xuyên có mặt tại đây, khi nào cần gì, em cứ đến!

Vừa đi Dung vừa lẩm bẩm: mẹ kiếp giờ này mà con xơ với múi, tội với lỗi cái quái gì không biết. Bà làm gì kệ xác bà, miễn là bà không ăn bám thằng cha, con mẹ nào là được rồi.

Chiều hôm ấy trở về, Dung thấy mệt mỏi, đau đớn lạ thường. Nằm ở nhà một mình, Dung thèm khát những âm thanh điệu nhảy cuồng loạn nơi vũ trường. Dung ngồi bật dậy, mở cassette, vặn hết volume, cố phá vỡ bầu khí im lặng ngột ngạt trong lòng. Mưa bắt đầu ập xuống, đập phành phạch vào mái tôn, bắn tung toé vào cả chỗ Dung nằm. Dung run lên cầm cập, bò dậy rút thuốc ra đốt hết điếu này đến điếu khác. Miệng đắng nghét. Mắt cay xè vì khói. Bụng quặn đau. Máu lại rịn ra ướt hết mông quần. Sợ quá, Dung với lấy chai rượu sát chân giường, tu một hơi dài. Rượu vương vãi, ướt từ cổ xuống. Trong cơn say túy lúy, Dung nằm vật xuống giường, thiếp đi.

Ít năm sau, Dung lại có thai lần nữa. Lần này, phá xong, bác sĩ đưa cho Dung kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Cầm bản án tử hình, Dung ấp vào người, cười ngạo nghễ, man dại. “Đã đến giờ giải thoát”. Dung tự nhủ: Tư đểu, Thúy Liễu, Cẩm Tú sau khi gieo chết chóc cho nhiều người đã về chầu diêm vương. Nay đến lượt ta. Ta mang mầm chết đi chơi. Tên nào ham ta bán. Dung lại cười man dại.

Đang lang thang vô định trên hè phố, Dung gặp một khách xộp, trả cho cô một vé chỉ để chụp lấy mấy kiểu hình.

Nhan sắc tàn tạ. Hết tiền, Dung lang thang hết Tao Đàn lại tới Văn Lang, có khi nằm bẹp trên hè phố. Một lần đang trên đường tới Tao Đàn, Dung quị xuống phố nào không rõ. Mở mắt ra, thấy mình nằm trên nệm ấm êm, hỏi ra mới biết đó là Mai Hòa. Tỉnh lại được ít phút Dung lại thiếp đi. Thấy đã hai, ba ngày Dung vẫn trong tình trạng hôn mê, Diễm Lệ hỏi:

- Chị này có tỉnh lại được không, My?


Huyền My cầm lấy bàn tay khô khốc của Mỹ Dung, nghe ngóng:

- Chưa đi đâu, ít ra cũng phải được cả tháng nữa! Ai đưa cô ta vào đây ha?

- Chẳng biết nữa. Hình như cô ta bị xỉu dọc đường, được đưa vào bệnh viện rồi bệnh viện chuyển xuống đây.

Trong cơn mê man, Mỹ Dung nghe như có tiếng ai đang hát. Tiếng hát rõ dần. Hình như ca đoàn đang hát lễ: Chúa đến thăm con, xin ở luôn với con. Nuôi con bằng bánh hằng sống… ở là ở cùng con, xin Chúa ở là ở cùng con. Lời hát đưa Dung trở về với thời cô còn là giáo lý viên. Những khuôn mặt dễ mến của Minh, Hưng, Hùng, Yến, Chi, Lan… hiện lên trong đầu Dung. Cứ mỗi lần Dung dạy giáo lý là Hưng lại bắt Dung cho lớp hát bài này. Hưng hát say sưa, hát quên cả trời đất. Mắt nhắm nghiền. Miệng há hốc, hát với tất cả con người. Mới chỉ 6 năm thôi mà ngày ấy đã xa xôi như muôn thuở vọng về. “Tôi đã dạy cho người ta: xin Chúa ở cùng con; còn tôi, tôi lại xua trừ Ngài.
 Dung bật khóc, để mặc cho nước mắt trào tuôn. Thấy có ai lau mặt cho, Dung cố ngăn giòng lệ, nhẹ nhàng mở mắt.

- Chào em, chị là Thanh Thảo, coi sóc trung tâm này.

Dung gật đầu chào, cố gượng ngồi dậy. Thanh Thảo can:

- Em cứ nằm yên cho khỏe. Em cần gì cứ cho chị biết.


- Hình như ở đây có lễ phải không chị? Dung hỏi.

- Không có lễ hằng ngày đâu, chỉ được mỗi tuần một lễ vào chiều thứ bảy thôi.

Dung ngậm ngùi nhớ lại, 6 năm về trước, cứ mỗi chiều thứ bảy Dung thường làm việc kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp với Bảo Trân, Kim Yến, Thanh Bằng… vậy mà bây giờ… Dung lại bật khóc, rồi lấy mu bàn tay lau đi giòng lệ đang ứa tràn.

- Cha sở đến dâng lễ à chị?


- Không, các cha trên thành phố xuống. Cha Thân, cha Tước Dòng Chúa Cứu Thế; cha Hoàng, cha Chính Dòng Đaminh, mỗi cha một tuần.

Nghe tên cha Chính Dòng Đaminh, Dung hồi hộp hỏi:

- Có phải cha Hoàng Minh Chính không chị?


- Chị không biết, chị không hỏi, chị chỉ biết là cha Chính thôi.

- Trẻ hay già?

- Trẻ măng, mới chịu chức, khoảng trên dưới 30 thôi.

- Người cao cao, da ngăm ngăm, lưng hơi gù gù, đeo mắt kiếng, nói giọng miền Nam phải không chị?

- Đúng rồi! Ngài vừa dâng lễ xong, về thành phố mất rồi. Thôi em nằm nghỉ nha!

Dung lại bật khóc, cắn chặt môi. Đúng anh Chính của mình rồi. Anh đã làm linh mục, còn em đang nằm dưới đáy vực thẳm. Dung khóc thật lâu. Nước mắt làm ướt cả một mảng gối. Hình ảnh của từng người thân trong gia đình lần lượt hiện lên. Không biết bố mẹ có khỏe không. Thằng cu Tiến, con anh Hai, khi Dung đi, mũm mĩm như hạt mít, đang lững chững biết đi, không biết bây giờ ra sao. Ngày anh Chính chịu chức, không biết cậu Ba có về không. Từ ngày ra đi, Dung đã không một lần trở lại, không thư từ liên lạc. Dung nhớ lại, trước đây cứ mỗi lần nhà có ai đi vắng, hơi khuya một chút, chưa thấy về là mẹ lại đứng ngồi không yên, đi ra, đi vào, thở dài, lo lắng. Chắc bà đã phải chết lên chết xuống vì mong tin mình. Dung lại bật khóc. Bố kín đáo hơn, nhưng cái gì cũng dành cho con. Có lần ông ôm Dung, nựng hồi lâu rồi hỏi: “mai mốt lớn, con có nuôi ba không?”. Dung không nói, lặng lẽ giơ tay sờ râu ông, rồi áp sát mặt lên khuôn mặt ông sạm nắng. Bây giờ sao tôi lại ra nông nỗi này. Tôi đã thành vết thương luôn luôn rướm máu của cha mẹ tôi. Bây giờ nếu có ai biết tôi chết vì sida, tôi sẽ lại thành nỗi nhục của gia đình, gia tộc tôi. Không, nhất định không! Tôi sẽ không cho ai biết chuyện của tôi.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ Dung bị dằn vặt sâu xé như thế. Từ khi phá thai lần thứ nhất, cô vẫn sống nhưng lòng cô đã thành bãi tha ma. Ba đứa con cô chưa hề biết mặt đã từng là những nhát dao đâm xoáy vào tim lòng cô, lúc này như đang xỉa xói: “quân gian ác, đồ nhờm tởm, tên đồ tể khốn kiếp!” Bụng lại quặn đau. Mắt đờ đẫn. Xa xa tiếng cú kêu cứ đều đều mất hút trong đêm.

Dung nhìn lại đời mình, 6 năm qua: 3 lần phá thai; đêm nào cũng chơi bời trác táng; những ngày gần đây lại còn rạch giỏ, móc túi, mất hết đức tin. Càng nhìn lại, Dung càng đau đớn tự nhủ: không biết Chúa có chịu tha thứ cho tôi không. Nếu Chúa chịu tha đi nữa, các con tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi. Chúng có tội gì đâu mà tôi đã nhẫn tâm giết chúng, giết tới 3 đứa. Chỉ vì ích kỷ, vì muốn hưởng thụ, vô trách nhiệm, tôi đã làm mất chính tôi, đã thành mụ sát nhân, sát hại chính con ruột mình. Cái chết của chúng đã không làm tôi sống thêm được một vài gang tấc, trái lại đã làm cho tôi chết mau hơn, chết đau đớn, tức tưởi hơn.

- Đêm qua, em có ngủ được không? Thanh Thảo hỏi


- Trằn trọc lắm soeur ạ! Em buồn quá! Dung gục mặt khóc.

- Thưa soeur, có cha tới. Dũng một bệnh nhân sida nói với Thanh Thảo. Hình như có người muốn xưng tội thì phải.

Nghe thấy thế, Diễm Lệ từ phòng trong bước ra, tay vẫn còn cầm khay băng, kéo.

- Cha Thân Dòng Chúa Cứu Thế phải không? Mời cha vào đi. Diễm Lệ nói nhỏ với Thanh Thảo đang đứng bên cạnh giường Mỹ Dung. Anh này có đạo, bỏ xưng tội từ khi rước lễ lần đầu, đâm thuê, chém mướn, giết không biết bao nhiêu người.


- Tội nặng thế, Chúa có tha không chị?

- Tội nào mà Chúa chẳng tha! Diễm Lệ đáp.

Cha Thân tươi cười gật đầu chào mọi người, rồi vào thẳng phòng trong,

- Chào anh Long.

Long gật đầu đáp lễ.

- Anh hãy tin tưởng vào Chúa nhé! Tội nào Chúa cũng tha hết. Ta có khác gì cô gái bị bỏ trong Ezekiel đâu. Khi cô vừa sinh ra, chẳng ai quan tâm đến cô, vứt cô bên đường. Chúa đi ngang, thấy cô đang còn giãy giụa trong máu, thấy cô tội nghiệp quá, Chúa bảo: hãy sống và hãy nẩy nở như chồi lộc ngoài đồng. Cô đã sống và đã nảy nở như chồi lộc ngoài đồng. Chúa lại đi ngang qua lần nữa, thấy cô đã khôn lớn mà vẫn tô hô trần truồng. Chúa đã xoè vạt áo, che đi cái lõa lồ của thân thể cô. Chúa đã ký kết giao ước với cô. Cô là của Chúa. Chúa là của cô. Chúa đã nuôi dưỡng cô bằng cao lương mỹ vị, đã trang sức cho cô bằng lụa là gấm vóc, đã ban xuyến đeo tay, ban kiềng đeo cổ, đã xỏ khuyên vàng vào lỗ tai cô. Cô đã nên xinh đẹp quá chừng, quá đỗi. Nhưng cô đã sử dụng sắc đẹp ấy mà đi đánh đĩ. Thế nên Chúa đã nổi cơn thịnh nộ, nguyền rủa cô: khốn cho ngươi, khốn cho dòng giống ngươi sinh ra… nguyền rủa xong, Chúa lại an ủi, nhưng thôi nếu ngươi có rẻ rúng lời thề mà quên bỏ giao ước Ta đã ký kết với ngươi, thì Ta, Ta sẽ không bao giờ quên bỏ giao ước Ta đã ký với người thưở ngươi còn niên thiếu.

Ngưng lại một chút, cha Thân tiếp:

- Anh Long ạ, Chúa đã cho ta tất cả mọi sự để ta sống bình an, hạnh phúc ngay hôm nay, nhưng ta đã phung phá tất cả, đã quăng đi tất cả. Thế nhưng Chúa vẫn cứ thương ta. Ta vẫn mãi là của Chúa, Chúa vẫn mãi là của Ta. Ta có đi hoang, Chúa vẫn tìm kiếm, đi hoang cả đời, Chúa vẫn đợi chờ ta. Từ nay cho đến muôn đời, nơi ta bao giờ cũng có Chúa, và nơi Chúa bao giờ cũng có ta. Thiếu ta, nơi Chúa như vẫn thiếu một cái gì đó. Nên không gì có thể tách Chúa ra khỏi ta, ta ra khỏi Chúa. Chúa là như thế đó. Lúc này đây, Chúa đang nói với anh: nếu ngươi có rẻ rúng lời thề mà quên bỏ giao ước Ta đã ký kết với ngươi, thì Ta, Ta sẽ không bao giờ quên bỏ giao ước ấy. Chúa vẫn đợi chờ anh trở về, vậy hãy trở về với Chúa, hãy trao phó cả cuộc đời tội lỗi của anh trong tay Ngài. Ngài sẽ tẩy rửa cho sạch. Vì anh là của Chúa.

Những lời ấy như rót vào tai Mỹ Dung. “Chúa đã cho tôi tất cả, để tôi sống hạnh phúc: cho tôi một gia đình đạo đức, cho tôi học giỏi, đẹp gái, ăn nói duyên dáng, hấp dẫn nhưng tôi đã dùng tất cả những thứ ấy để đi đánh đĩ”. Dung lại nức nở. “Nhưng Ngài vẫn không quên bỏ giao ước Ngài đã ký kết với tôi. Ngài vẫn đợi chờ tôi. Cả khi tôi bị mọi người ruồng rẫy, hất hủi, Ngài vẫn không quên bỏ tôi. Khi tôi quị ngã trên đường, vất vưởng như con chó đói, thì chính Ngài đã đưa tôi vào đây, đã nói khó với tôi, để tôi trở lại với Ngài, để Ngài lại được là của tôi, tôi lại được là của Ngài”. Dung lại bật khóc.

Hôm ấy, xưng tội, rước lễ xong, Dung tươi tắn nói với Thanh Thảo: “khi em chết, em chỉ xin soeur một điều thôi. Xin soeur hãy nhắn gửi các bạn trẻ dùm em: tình yêu không phải là chuyện chăn gối mà là tìm kiếm hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu cuồng sống vội là tự sát”.

Hôm sau, trong nắng chiều tàn tạ, thắp cho Mỹ Dung một nén nhang xong, Thanh Thảo lặng lẽ nhìn khói nhang nghi ngút phủ mờ quách đựng cốt Mỹ Dung. Tiếng dương reo vi vút khiến Thanh Thảo có cảm giác như Dung đang thì thầm: yêu không phải là chuyện chăn gối nhưng là tìm kiếm hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu cuồng sống vội là tự sát”. Thanh Thảo thơ thẩn ra về. Chân trời phía tây rực lửa hoàng hôn.

-
Trích từ tập truyện ngắn cùng tên 

của tác giả: Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông DCCT

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét