Một sinh viên khóc lóc đến xin phá thai 35 tuần tuổi. Không tiền, không người bảo lãnh, nhóm bảo vệ sự sống đã lo toàn bộ chi phí sinh nở để họ không làm Kovac. Em bé được cứu sống ngay trên bàn nạo thai.
Những em bé được cứu sống
Một đêm cuối tháng 10/2011, bà Hường nằm trằn trọc tới gần sáng mà không thể nào ngủ được, bà lần chuỗi đọc kinh cầu nguyện và cố dỗ giấc ngủ. 4h sáng, bà vừa thiếp đi thì chuông điện thoại reo. Bà nhấc máy, giọng mệt mỏi: “Alô, alo, gọi gì mà sớm thế? !!!…”.
Thành viên nhóm BVSS và một em bé ở nhà mở. |
Hóa ra đó là cuộc gọi của y tá ở một phòng khám tư nhân. Cô này cho biết, có một sinh viên khóc lóc đến xin phá thai 35 tuần tuổi từ tối… Không người bảo lãnh, không có tiền..v.v.. thai nhi con gái khoảng 2 kg, đã bắt đầu trở dạ…Nghe y tá nói môt thôi một hồi, bà Hường ngắt lời: “Trường hợp này, cháu đã trở dạ, chị cứ cho cháu sinh bình thường. Tôi chịu hoàn toàn mọi chi phí cho cháu sinh mà không cần làm Kovak cho em bé ra non, dễ chết ngạt…”. Cuộc điện thoại làm bà tỉnh ngủ hẳn.
7h sáng, bà đã có mặt tại phòng khám nhưng họ không cho lên mà bảo chờ. Đến tận trưa, cô gái mới sinh. Đó là một bé gái. Nó không khóc được, da tím ngắt như quả bồ quân. Bà quấn vội bé vào một tấm tã, vừa đi vừa hô hấp cho bé vừa cầu nguyện. May thay, dường như cảm nhận được hơi ấm và tình yêu, da bé dần hồng hào trở lại, rồi cất những tiếng khóc đầu tiên. Bà Hường thở phào, bé được đặt tên là Trần Hương Huyền.
Không chỉ mở rộng vòng tay cứu đỡ các em bé ở phút chót như vậy, ngay từ cuối năm 2009, nhóm bảo vệ sự sống (BVSS) đã tìm cách tiếp cận, thuyết phục các y tá ở bệnh viện là nếu có ca nào nạo phá thai lớn (làm Kovac) thì các chị hãy khuyên giúp để mẹ cháu giữ lại em bé, các thành viên trong nhóm sẽ nhận nuôi cháu. Thật may các y tá đã vui vẻ nhận lời hợp tác.
Một lần, nhóm nhận được tin báo từ cơ sở phá thai, có trường hợp một chị sinh con thứ ba định nạo phá thai, cho sinh non bằng cách làm Kovac vì thai nhi đã được 36 tuần, gần 9 tháng. Được tin, ngay lập tức, bà Hường và các thành viên BVSS đến ngay “hiện trường” để nói chuyện với mẹ của bé để cho bé được sinh ra và hứa sẽ nuôi bé đàng hoàng tử tế. Với lòng nhiệt thành đầy tình thương, bà đã thuyết phục được mẹ bé để cho bé được sinh ra mà không làm Kovac nữa.
Bé Trần Hương Huyền lúc mới sinh. |
Mấy ngày sau thì mẹ bé chuyển dạ. Bà Hường hồi hộp cùng với bác sĩ, hộ sinh và y tá đứng ngay cạnh bàn chờ sinh. Lúc tiếng khóc chào đời của đứa bé cất lên cũng là lúc những giọt nước mắt của bà Hường lã chã rơi vì sung sướng. Chính những những sự sống kỳ diệu của các bé đã tiếp thêm sức mạnh, lòng can đảm dấn thân cho các anh chị em làm công việc này.
Cũng có những trường hợp, dù đã cố gắng hết mức nhưng các bé vẫn “dỗi hờn” mà “bỏ đi” như bé Bạch Trâm Anh. Bị đưa ra khỏi cung lòng người mẹ quá sớm, lại bị tổn thương vì cưỡng bức khi phá thai, bé chỉ sống trên đời được vỏn vẹn 3 ngày. Hay như bé Bạch Quyền Năng, bị viêm phổi rồi ra đi sau khi chào đời không lâu.
Nhưng còn một vấn nạn buồn lòng những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng này là, có trường hợp phòng khám gọi điện cho anh chị em đến tiếp nhận một em bé sống sót lại ra giá 10 triệu đồng! Và họ đã phải ngậm ngùi chào thua vì không thể một lúc có được số tiền lớn như thế để chuộc bé.
Ngôi nhà của những cô gái lầm lỡ
Hiện tại nhóm BVSS ở Hà Nội đã kiến tạo được 2 ngôi nhà mở để giúp đỡ các cô gái mắc sai lầm do thiếu hiểu biết mà rơi vào tình cảnh làm mẹ ngoài ý muốn. Đến đây, các em có thể yên tâm tạm lánh xa dư luận một thời gian chờ mẹ tròn con vuông.
Mới đầu, khi chưa có nhà mở, công việc của các thành viên BVSS cũng gian nan hơn nhiều. Đó là, hễ có cô gái nhỡ nhàng nào đó cần nơi tạm lánh thì anh chị em lại phải tìm và nhờ cậy ở nhà người quen để gửi các cô. Ví dụ em N, từ Sài Gòn ra HN tạm lánh và được gửi lên ở nhờ nhà một người quen tận Sơn La. Hoặc như em B từ Hà Tĩnh lại chọn vào Sài Gòn để lánh.
P. là một cô gái quê Nam Định. Nhà nghèo, cô lên Hà Nội đi học rồi có người yêu, có thai. Khi biết cô có thai thì cũng là lúc tên họ Sở quất ngựa truy phong. Cô không muốn bỏ thai, càng không dám về quê. Thấy hoàn cảnh ngặt nghèo của cô, một số chị em xa quê bán hoa quả đầu đường Trần Khát Chân liền tìm cách giúp đỡ.
Lúc đó bà Hường là khách quen ở đó, khi biết chuyện đã đứng ra giúp đỡ. Bà gửi cô vào một quán cơm bình dân. Quán nhỏ bé chật chội nhưng tấm lòng bà chủ lại bao la. Cô ở đó giúp việc cho quán cơm cho tới khi mẹ tròn con vuông. Khi cô đến ngày sinh nở, nhóm BVSS đã tận tình giúp đỡ từ A đến Z.
Các thành viên nhóm BVSS trong vườn rau do các bà bầu trồng. |
Hay như B, sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh. Học xong cấp 3 vào TP.HCM đi làm. Tại đây, B tình cờ gặp T người cùng làng cũng làm công nhân. Quê người đất khách, hai bạn trẻ nhanh chóng gắn bó với nhau. Đến khi B có thai mà không hề hay biết, thì T lại lên đường đi xuất khẩu lao động. Cái bụng ngày càng to, xấu hổ không dám đi làm cũng không dám về quê, B đành nhờ người quen giới thiệu vào nhà mở. Em ở đó cho tới khi mẹ tròn con vuông. Em bé được 6 tháng, B bế con về quê. Gia đình nghi hoặc, hàng xóm xôn xao dị nghị về đứa bé B nói là “nhặt được” lúc xưng dì lúc xưng mẹ. Đến khi bên nhà bạn trai B biết chuyện đã đến xin nhận cháu và đôi trẻ được hai bên gia đình tổ chức cưới đàng hoàng.
Hay chuyện một cô bé ở Hải Phòng, cô lên HN đi học và trót yêu phải công tử con một ông “cốp” cùng quê Hải Phòng. Khi bụng cô to dần, chàng cũng khéo léo từ chối phận làm cha, gia đình chàng lại càng không nhận. Cô âm thầm sinh một con trai bụ bẫm xinh xắn trong tình yêu thương của nhà mở và các thành viên BVSS.
Không may cho bạn trai cô, sau một tai nạn anh ta phải nằm liệt giường sống đời sống thực vật. Lúc này gia đình anh ta mới đến xin nhận cháu và chấp nhận cưới hỏi đàng hoàng nhưng đã quá muộn. Bị cú ngã quá đau, cô gái quyết làm lại cuộc đời và đã có tình duyên mới với một người Hàn Quốc. Anh này coi con của cô cũng như con mình, họ cưới nhau và đem con trai sang Hàn Quốc sinh sống
Hiện nay, với 2 nhà mở, một nhà dành cho các bà bầu chờ sinh và một nhà để nuôi các em bé, nhóm BVSS đã có thể yên tâm phần nào. Những tiếng khóc tiếng cười từ nhà mở đều là niềm hạnh phúc của những người làm công tác bảo vệ sự sống. Cũng có một số ít cô gái “đi qua” nhà mở và bỏ lại đứa con mình rứt ruột đẻ ra để làm lại cuộc đời mới. Tuy nhiên, điều đó có thể không dễ dàng đối với họ bởi hình ảnh đứa trẻ sẽ mãi mãi in dấu trong tim họ.
Minh Thư
Theo bvss.org
0 bình luận:
Đăng nhận xét