Home » » Hội Thánh dạy gì về phá thai?

Hội Thánh dạy gì về phá thai?

LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP


Phần thứ nhất : Giáo lý của Hội thánh

1. Phá thai là vi phạm trầm trọng luật luân lý.

Dựa vào Lời Chúa và ánh sáng lương tri, Hội thánh luôn luôn dạy rằng tự ý và trực tiếp phá thai là một trọng tội. Hội thánh tin rằng Chúa là Đấng tạo thành sự sống của con người : “Người dựng nên ta, ta là của riêng Người.” (Tv 100,3). Sự sống của con người là một quà tặng của Thiên Chúa hằng hữu ban cho nhân loại. Thiên Chúa ban sự sống cho con người không phải để con người làm chủ tuyệt đối nhưng để làm kho tàng cho con người quản lý và con người phải trả lẽ trước nhan Người (x. Mt 25,14-30; Lc 19,12-27).


Chúa canh chừng sự sống của con người (x. St 9,5-63) và cấm chúng ta không được giết người (Xh 20,13; Mt 5, 21). Vì thế, sự sống của con người là thiêng thánh và bất khả xâm phạm trong tất cả quá trình hoàn thành của nó từ đầu cho đến cuối.

Chúa Giê-su Ki-tô ra luật yêu người, buộc chúng ta phải tôn trọng, bảo trợ và thăng tiến sự sống của tha nhân. Bởi vậy, thủ tiêu sự sống của con người là hoàn toàn đi ngược lại với huấn lệnh Người đã truyền cho chúng ta là phải yêu tha nhân đến hy sinh mạng sống mình.

Hội thánh ở khắp nơi và trong mọi thời bao giờ cũng nhắc lại lệnh truyền của Chúa về tính bất khả xâm phạm của sự sống con người vô tội, dù sự sống ấy mới chỉ manh nha. Từ xưa đến nay Hội thánh luôn luôn nhất trí về điểm này và không hề nhượng bộ một ly.

Ngay từ những bước đầu, cộng đồng Ki-tô hữu theo gương Chúa Ki-tô và vâng lệnh Người truyền về bổn phận phải yêu thương các trẻ nhỏ, đã can đảm đương đầu với thế giới ngoại giáo trong việc bảo vệ giá trị sự sống của con người, dù nó chưa thành hình, qua đoạn văn sau đây : “Không được giết… không được phá thai làm cho đứa trẻ chết… Không được giết nó sau khi nó đã ra đời… Đó là con đường đưa tới sự chết… Những người ấy không biết Đấng tạo thành nên họ, họ giết con họ, họ phá thai làm cho các thọ tạo của Chúa phải chết.” (1)

Trong nhiều Công Đồng, Hội thánh đã ra những hình phạt rất nặng (2). Huấn quyền Tòa thánh cũng đã nhiều lần mạnh mẽ lên tiếng rằng phải nghiêm cấm phá thai. Các ĐGH, các Hội Đồng Giám Mục và các Giám Mục nhân danh cá nhân, đều nhất trí và cương quyết bày tỏ thái độ về vấn đề này (3). Công Đồng Va-ti-ca-nô II quả quyết : “Thiên Chúa, Đấng làm chủ sự sống đã giao cho loài người nhiệm vụ cao quí bảo vệ sự sống, và con người phải đảm trách nhiệm vụ này một cách xứng đáng. Phải hết sức ân cần bảo vệ sự sống ngay từ lúc thụ thai. Phá thai và giết trẻ thơ là những tội ác đáng ghê tởm.
(4)

Đức GH Phao-lô VI đã tuyên bố là Hội thánh giữ vững lập trường bất di bất dịch về vấn đề phá thai (6). Nhân dịp kỷ niệm 15 năm làm giáo hoàng, ngài đã xác quyết : “Và chúng tôi, người đã tự đặt ra cho mình chỉ thị rõ rệt là phải tuyệt đối trung thành với giáo huấn của Công Đồng. Chúng tôi đã đặt vấn đề bảo vệ sự sống dưới mọi hình thức nó có thể bị đe dọa, thương tổn hay thủ tiêu, làm chương trình hành động cho nhiệm kỳ của chúng tôi. Nhưng việc bảo vệ sự sống phải bắt đầu ngay từ nguồn mạch. Vì thế, Hội thánh công giáo mới phải nhắc đi nhắc lại giáo lý về vấn đề ly dị và phá thai, cũng như lưu ý mọi người về thực tại đau lòng và những hậu quả rất nặng nề của hai vấn đề đó. Những lời xác quyết ấy, chúng tôi đã chỉ đưa ra, nhân danh trách nhiệm tối cao của chúng tôi là thày dạy và người dìu dắt Hội thánh khắp nơi và vì lợi ích của loài người.” (6)

Không phải chỉ có đức tin Ki-tô giáo mà cả lương tri nhân loại cũng cho phá thai là một trọng tội, vì như thế là thủ tiêu một cách tàn bạo một con người vô tội không có phương thế tự vệ, đang cần mọi sự và cần đến mọi người.

Phá thai chắc chắn là một trong những bất công tệ hại nhất phạm đến con người. Chẳng những con người không được nhìn nhận như một nhân vị mà quyền sống là quyền căn bản nhất cũng bị chà đạp dưới chân, và không thể lấy lại được một khi đã mất.

Tính bất công của tội phá thai còn hóa ra nặng thêm, bởi lẽ đứa trẻ trong bụng mẹ là một kẻ vô tội không có phương thế nào để tự vệ; nó bị thủ tiêu do chính những người đã đưa nó tới sự sống và do những người đáng lý ra phải bảo vệ và bênh vực sự sống của nó như các bác sĩ và y tá.

Lương tri của mọi người đều nhìn nhận nguyên lý hiển nhiên và thiêng thánh này là phải tôn trọng sự sống của con người, ngay từ khi nó còn là bào thai. Y giới ngay từ thời xa xưa đã đặt nguyên lý này làm trọng tâm cho hoạt động và tài nghệ của mình, như lời thề của Hippocrate (Híp-pô-cơ-rát) chứng tỏ : “Tôi sẽ không cho ai một thứ thuốc giết người theo lời yêu cầu của người ấy, và tôi sẽ không khuyên bảo gì theo hướng này; tôi cũng sẽ không cho người đàn bà nào một thứ thuốc phá thai.”(7)

Nhiều người viện lý để bào chữa cho việc phá thai khi nói rằng đứa trẻ sẽ sinh ra chưa phải là một người. Lập trường này không thể chấp nhận được, vì thụ thai đã là khởi nguyên của một con người cụ thể rồi.

2. Tội và hình phạt dành cho việc phá thai

Vì những lý do nêu trên, những người xin phá thai, làm nghề phá thai, cộng tác vào việc phá thai một cách tự nguyện và ý thức, đều phạm một tội rất nặng.

Cũng như đối với các tội khác, phán quyết luân lý về những người phá thai hay cộng tác vào việc phá thai, phải căn cứ vào giá trị của sự sống con người và dựa vào hoàn cảnh khác nhau của các đương sự. Phải chăm chú cứu xét và thẩm định những hoàn cảnh này một cách thiết thực, mà không tiên thiên kết án hay xá giải,, với một sự tế nhị đặc biệt dành cho những người đang trải qua những thảm cảnh bi đát.

Hội thánh phạt vạ tuyệt thông người công giáo nào can tội phá thai. Vạ này có tính tức thời, nghĩa là không cần phải tuyên bố án lệnh và quyền giải vạ này dành cho Vị Thường Quyền (Gl 1398).. Ai bị vạ tuyệt thông thì không được lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.

Để tránh những sự giải thích sai lạc và nhất là để thẩm định một cách tích cực nội dung và tinh thần của vạ này, cần lưu ý mấy điểm sau đây :
  • Người tín hữu nào bị vạ tuyệt thông thì phải loại ra ngoài, không được hiệp thông với Hội thánh, và vì thế không được tham dự các bí tích như mới nói. Hình phạt này nặng ở chỗ người ấy không được rước Mình thánh Chúa và do đấy không được tham dự vào hoạt động được coi như tuyệt đỉnh của đời sống Ki-tô hữu.
  • Cũng như tất cả các hình phạt của Hội thánh, vạ tuyệt thông dành cho tội phá thai nhằm trước hết là phòng ngừa, chữa trị và giáo dục.
Quả thế, Hội thánh dùng vạ tuyệt thông để tố cáo việc phá thai và coi đó là một hành động không thể dung hợp được với những đòi hỏi của Tin Mừng, đồng thời giúp người đã phá thai có dịp suy nghĩ mà ăn năn hối cải, để lại được sống trong ơn nghĩa. Ngoài ra, vạ này cũng còn là một lời nhắc nhở cho những ai yêu cầu phá thai hay hành nghề phá thai phải coi chừng.

Hậu quả tai hại của việc phá thai chỉ có thể hiểu được, khi nhìn vấn đề theo chiều kích xã hội của tội. Do tội của mình mà người Ki-tô hữu, thành phần của Thân Thể mầu nhiệm, không những xúc phạm đến Thiên Chúa là Cha mà còn làm tổn thương cho Hội thánh (x. Ánh sáng muôn dân số 11). Hơn nữa, ai can tội phá thai là đi ngược lại với sứ mệnh phục vụ và bảo vệ sự sống vừa chớm nở của Hội thánh. Người ấy làm cho hành động cụ thể của Hôi thánh mất tính khả tín và hữu hiệu. Như vậy, vạ tuyệt thông nhằm làm cho thấy rõ người tín hữu nào phá thai là phạm tội phản nghịch cùng Hội thánh.

Đó là lý do tại sao dành quyền tha vạ cho Vị Thường Quyền nghĩa là giám mục hay linh mục được thừa quyền chỉ bị vạ tuyệt thông trong một số trường hợp mà thôi. Hội thánh phạt người phá thai khi người ấy thật sự lỗi nặng và biết lỗi như thế là mắc vạ tuyệt thông.

Vạ dành cho người phá thai có tính tức thời như đã nói, nghĩa là ngay sau khi phá thai chứ không cần phải xét xử hay tuyên bố gì cả.

Trong hoàn cảnh xã hội và văn hóa hiện nay, người ta ít nhạy cảm với ý nghĩa tích cực của hình phạt này. Vì thế có nhiều người tự hỏi không biết Hội thánh duy trì hình thức này có còn hợp thời hay không, và nhiều người khác lại cho rằng hình thức này đã lỗi thời và hoàn toàn xa lạ với tinh thần đích thật của Tin Mừng.

Thực ra, trả lời cho câu hỏi và vấn nạn này cũng không khó, nếu hiểu rõ ý nghĩa đích thật của vạ tuyệt thông, khi dựa vào sứ mệnh và đời sống của Hội thánh. Vì tính trầm trọng của tội và vì não trạng của người thời nay chẳng chịu ý thức vấn đề là mấy, nên Hội thánh phải duy trì hình thức vạ tuyệt thông để tôn trọng giá trị của sự sống và bênh vực những kẻ yếu nhất và những người vô tội.

Nhiều người lại còn hỏi rằng tại sao Hội thánh duy trì vạ tuyệt thông nhằm phạt người phá thai mà lại không phạt vạ những người khác phạm những tội nặng không kém tội phá thai. Nếu suy nghĩ kỹ một chút, người ta sẽ thấy rằng phá thai rõ ràng là một tội giết người, bởi vì đứa trẻ sắp sinh hoàn toàn không thể tự bảo vệ, và dù Nhà Nước không coi phá thai là một trọng tội, nhưng vẫn coi giết người là một trọng tội.

3. Phá thai trước pháp luật đời

Khi nói đến phá thai, không nên chỉ nghĩ đến chiều kích luân lý cho mỗi cá nhân yêu cầu phá thai, mà còn phải nhìn vấn đề theo hướng xã hội nữa.

Quả thật, phá thai là một hiện tượng xã hội vì nhiều lẽ. Trước hết, phá thai có ảnh hưởng sâu xa đến mối liên lạc giữa hai con người với nhau là người mẹ và đứa con. Tiếp đến, nó lại tác động trên đôi vợ chồng, trên gia đình và xa rộng hơn, trên môi trường xã hội. Vì thế, phá thai phải được nhà cầm quyền chú ý theo dõi và can thiệp.

Khi can thiệp vào sự sống vừa chớm nở, nhà cầm quyền không thể chỉ đưa ra một đạo luật, tuy là cần thiết, để cấm phá thai và coi phá thai là một trọng tội, mà còn phạt trừng phạt cách công minh và công bình tùy theo những hoàn cảnh cụ thể. Tuy vậy, một đạo luật như thế tự nó cũng không giải quyết được tất cả vấn đề phá thai, một vấn đề rất khó khăn phức tạp.

Thành ra, trước hết Nhà Nước phải dựa vào một nền giáo dục và văn hóa biết tôn trọng và phát huy giá trị của sự sống, đồng thời ý thức trách nhiệm đối với sự sống. Lại phải dựa vào một sự trợ giúp mang tính xã hội, gồm các sáng kiến tài trợ và biện pháp nhằm ngăn chặn và nâng đỡ những người không muốn có thai hay gặp khó khăn khi mang thai.

Nhưng vì dân chúng thiếu hiểu biết về văn hóa và xã hội, nên nhiều khi nhà cầm quyền phải đối phó với việc phá thai lén lút, kèm theo những khó khăn và nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mệnh của người mẹ.

Vì thế, cần phải có luật pháp can thiệp để ấn định trong trường hợp xã hội này. Người ta hay nại đến nguyên tắc dung thứ mà dựa vào đó Nhà Nước có thể hay phải dung thứ một cái họa nhỏ để tránh những cái họa khác lớn hơn.

Nhưng nguyên tắc dung thứ khi áp dụng vào thực tế không biện minh được việc cho phép trực tiếp loại bỏ một người vô tội. Bộ Đức Tin tuyên bố : “Luật của loài người có thể tha không phạt, nhưng không thể tuyên bố là vô tội điều trái với luật tự nhiên, vì sự đối nghịch này đủ làm cho luật không phải là luật nữa”.

Áp dụng luật cho phép phá thai theo luật đời nhân danh nguyên tắc dung thứ là bất hợp pháp và không thể chấp nhận được, vì Nhà Nước không phải là nguồn mạch chính yếu phát sinh ra những quyền tự nhiên bất khả di nhượng của con người, cũng không phải là người sáng tạo và trọng tài tuyệt đối của những quyền này. Ngược lại, Nhà Nước phải phục vụ con người và cộng đồng nhân thế bằng cách nhìn nhận, bảo vệ và cổ động những quyền lợi của con người.

Vì thế, khi cho phép phá thai là Nhà Nước đi ngược lại với ý nghĩa và chính sự hiện diện của mình và làm thương tổn cách rất trầm trọng luật pháp, vì đưa vào đó một nguyên tắc hợp thức hóa bạo động đối với người vô tội bất lực và cô thế.

Những điều nói trên đưa tới phán quyết luân lý này về luật cho phép phá thai : đó là một luật tự bản chất cực kỳ vô luân lý.

Trái với những luật lương thiện và chính đáng, luật này không buộc người ta phải giữ theo lương tâm và không thể xóa bỏ được nguyên tắc : sự sống của con người vô tội là bất khả xâm phạm ; nguyên tắc này bất di bất dịch không hề thay đổi. Con người chỉ bị ràng buộc bởi luật của Thiên Chúa ghi trong lòng mỗi người mà thôi. Luật này truyền cho ai nấy không được giết người.


Phần thứ hai: hoạt động mục vụ nhằm bảo vệ sự sống vừa chớm nở

1. Trách nhiệm của Hội thánh

Trước hiện tượng phá thai, trách nhiệm đầu tiên của Hội thánh là tích cực rao truyền mạnh mẽ tính mới mẻ và độc đáo của giáo lý công giáo, một sứ điệp đề cao con người dù nó mới chỉ là bào thai, vì nó là hình ảnh sống động của Thiên Chúa trong Đức Giê-su; nó đem đến cho mọi người một tình yêu mới do Đức Ki-tô Giê-su ban cho.Tình yêu này làm cho người ta có thể đương đầu một cách hữu hiệu với những hoàn cảnh xem ra khó khăn nhất.

Tính trầm trọng của hiện tượng phá thai đòi Hội thánh phải hoàn toàn đảm nhận vai trò của mình về phương diện cá nhân cũng như tập thể, nghĩa là mọi thành phần của Hội thánh không trừ ai, phải bảo vệ và tôn trọng sự sống của con người và mỗi người ai cũng có bổn phận phải làm như vậy.

Theo cái nhìn này, phải nhấn mạnh đến vai trò của Hội thánh địa phương và các cộng đoàn sống trong đó. Sự kính trọng, tình yêu và thái độ niềm nở đối với sự sống mới phát sinh phải được diễn tả ra bằng những cử chỉ tập đoàn mang tính Hội thánh.

Vì thế, phải nói đến trách nhiệm chung của mọi người và những trách nhiệm riêng của mỗi người.

Đối với trách nhiệm chung thì có một số mục tiêu phải nhằm tới và một số cách thế để thực hiện. Còn đối với các trách nhiệm riêng thì có trách nhiệm của gia đình, của vợ chồng, của người phụ nữ mang thai, của nhân viên y tế, của các tu sĩ nam nữ phục vụ trong các bệnh viện, của ban giám đốc cơ quan y tế, của luật sư và của linh mục.

2. Các mục tiêu phải nhắm tới
Muốn từ chối cách hữu hiệu việc phá thai thì phải sáng suốt và cương quyết tranh đấu chống lại những căn nguyên đưa tới phá thai.

Căn nguyên có tính quyết định nhất là khinh chê sự sống và từ chối chấp nhận rằng sự sống của con người là tuyệt đối bất khả xâm phạm, dù sự sống ấy chưa phát sinh. Đó là kết quả của một nền văn hóa coi con người là một giá trị tuyệt đối, không ràng buộc gì với Thiên Chúa và một nền luân lý phổ quát bất di bất dịch nào. Con người ấy không có một đối tượng nào khác, ngoài tiện nghi và khoái lạc, dù phải phủ nhận và đi ngược lại với những quyền tối thiêng và căn bản của người khác.

Nên văn hóa chung ở nhiều nơi bây giờ xem ra như bị chế ngự bới thứ luân lý phũ phàng và vô nhân đạo, dựa trên bạo lực mà phá thai là một triêu chứng rõ ràng nhất và đáng lo ngại nhất, đặc biệt khi nó bị đòi và coi như một quyền của người phụ nữ và của xã hội.

Tất nhiên, ngoài căn cớ này ra còn nhiều căn cớ khác nữa về phương diện xã hội, kinh tế, pháp lý và tâm lý v.v… đưa người ta đến thảm cảnh phá thai.

Trong một hoàn cảnh như thế, Hội thánh tự ý thức và ra sức giáo dục con cái mình cho biết quí trọng giá trị của sự sống của con người, cũng như thiết tha với bổn phận phải yêu mến và đón nhận sự sống ấy bằng cách dựa vào mối phúc Chúa dành cho những ai hiền hòa : “Phúc thay những ai hiền hòa vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5,9) và luật của Tin Mừng dạy ta phải yêu thương phục vụ những kẻ nghèo hèn, bé nhỏ nhất.

Vì thế, cần phải giúp cho người ta cởi bỏ được những não trạng khá phổ cập hiện nay nhưng không thể chấp nhận được là phá thai là cách thế để giải quyết vấn đề bi đát lỡ làng hay không muốn có con mà lại có thai hoặc sợ phải sinh đẻ khó khăn.

Phải công nhận rằng quan niệm về tính dục bây giờ cũng góp phần gây ra não trạng đó vì tính dục phân biệt và đối chọi việc thi hành dục tính với việc truyền sinh. Người ta chủ trương dục tính thuộc phạm vi cá nhân và nằm trong viễn tượng vui thú. Nghĩ như thế thì khó lòng dục tính có thể phục vụ cho tình yêu phong phú được, vì trong trường hợp này, dục tính chỉ phục vụ cho cá nhân con người thu hẹp lại nơi mình và người đồng thụ hưởng với mình mà thôi.

Ngoài ra, lại còn phải nghĩ đến một vấn đề này nữa là thiên kiến và thái độ quá khắt khe đối với những người phụ nữ không chồng hay xa chồng mà có con. Chính thiên kiến và thái độ khắt khe này cũng là một trong những căn cớ thúc đẩy người phụ nữ phá thai. Tuy nhiên, nói như vậy không phải có ý ngầm bảo rằng các bà các cô không chồng hay xa chồng cứ việc mang thai đâu, mà chỉ có ý nói là cần phải tỏ ra độ lượng và thông cảm trong những trường hợp lỡ làng như thế.

Vậy, phải dạy cho người ta biết cách đề phòng khi không muốn có thai. Mục đích chính là giáo dục cách thích hợp, rộng rãi, thường xuyên cho người ta biết nhìn thấy trong dục tính một giá trị ràng buộc tất cả hồn xác con người, và dẫn đưa con người tới một tình yêu có trách nhiệm về phương diện luân lý.

Một nền giáo dục và huấn luyện như thế, phải đặc biệt dành cho các đôi vợ chồng. Phải giúp họ cách cụ thể cho biết và chọn các phương pháp điều hòa sinh sản nào hữu hiệu và thích hợp với tiêu chuẩn luân lý.

Mặc dù nhiều khi những phương pháp đề phòng không đạt ngay kết quả, và những người đề ra các phương pháp đó phải vất vả lắm mới làm cho người ta hiểu và tin tưởng đôi chút, nhưng dần dà xét cho cùng, đó mới là con đường nhân bản đưa người ta tới chỗ chấp nhận làm cha làm mẹ với tinh thần trách nhiệm hoàn toàn.

Cuối cùng cần phải có một chính sách về gia đình can đảm hơn để đối phó với những hậu quả quan trọng có thể xẩy ra về điều kiện sinh sống, công ăn việc làm, phát triển văn hóa, tình trạng kinh tế, nghĩa là cả một lô những sáng kiến trên bình diện luật pháp, kinh tế, nghiệp đoàn, văn hóa, y tế, cứu trợ để “bao giờ cũng vậy và ở khắp nơi có thể đón nhận mọi trẻ thơ ra đời cách xứng đáng với phẩm giá con người.” (9)

3. Các phuơng thế hành động

Những phương thế Hội thánh có thể và phải dùng để đạt những mục tiêu nói trên thì nhiều và khác nhau, đi từ chỗ giảng giải về giá trị của sự sống đến chỗ huấn luyện lương tâm trong những gì liên hệ đến bổn phận phải bảo vệ và phát huy sự sống và những sáng kiến cá nhân cũng như tập thể trên bình diện công bình và bác ái.

Tất cả các Ki-tô hữu đều được kêu mời động viên mọi năng khiếu hoạt động Chúa Thánh Thần ban cho, để đáp lại những đòi hỏi cụ thể của môi trường mình sống. Ở đây chỉ xin giới hạn vào hai điều cần thiết này mà thôi :

3.1 Các trung tâm hướng dẫn

Nói trung tâm có vẻ xa xôi và to tát quá. Vậy cụ thể và thiết thực hơn có lẽ phải nói đến phòng chỉ dẫn về luân lý công giáo liên hệ đến các vấn đề tính dục, hôn nhân và gia đình. Rồi phổ biến những phương pháp ngừa thai tự nhiên. Về phương diện này, nên nhờ các đôi vợ chồng đã có kinh nghiệm chỉ dẫn cho.

Ngoài ra là chống lại các phương thế làm cho người nam và người nữ không thể sinh con được.

Chống lại tư tưởng đơn thuần và sai lạc chủ trương rằng phương thế duy nhất và hữu hiệu để giảm bớt và loại trừ việc phá thai là ngừa thai nhân tạo.

Huấn luyện kỹ lưỡng các nhân viên làm việc trong các trung tâm thăm khám thai cho họ có thể đối phó được với những vấn đề tâm lý khó khăn của những người muốn phá thai hay đã phá thai rồi, bằng cách cung cấp và đưa ra cho những người này những giải pháp thực tiễn cho họ có những lý do để hy vọng và sống.

Khuyến khích người ta lui tới các phòng chỉ dẫn về hôn nhân và gia đình; cổ võ cho người công giáo làm việc trong các phòng chỉ dẫn để giúp tránh các nguyên nhân đưa tới phá thai.

3.2 Các trung tâm đón nhận sự sống

Trung tâm ở đây là những tổ chức nhằm giúp cho các người phụ nữ đang có thai, về các phương diện tâm lý, luật pháp, luân lý và tài chính như giúp đỡ tiền bạc, tìm công ăn việc làm cho người mẹ, giúp người mẹ có thể giữ gìn, nuôi nấng và giáo dục con. Ngoài ra, các nhân viên trong trung tâm cũng có thể tạo điều kiện cho người mẹ cho con đi để người khác nuôi.

4. Những nhiệm vụ riêng biệt của một số hạng người

Mọi người trong Hội thánh đều có nhiệm vụ phải đón nhận sự sống vừa chớm nở. Nhưng vì hoàn cảnh sống và chức nghiệp, một số người có bổn phận khẩn thiết và đặc biệt hơn. Đó là :

4.1 Người mẹ tương lai

Người phụ nữ phải miễn cưỡng sinh con hay gặp khó khăn trong việc sinh đẻ thường cảm thấy cô đơn nặng nề, ấy là chưa kể trường hợp hoàn toàn bị xua đuổi hay bỏ rơi. Tình cảnh này đáng cho người công giáo lưu tâm và tỏ tình liên đới với người mẹ tương lai đáng thương.

Không kết án và tỏ vẻ thông cảm không thôi thì chưa đủ, mà còn phải tùy cơ làm cho người mẹ ấy lấy lại được hy vọng và thiết thực tìm cách giúp đỡ.

Đã hẳn phải tỏ tình liên đới trước tiên ngay trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái với nhau. Người chồng, cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu cần tỏ vẻ săn sóc, hỏi han người phụ nữ đang có thai. Thái độ và cử chỉ ấy có tác dụng tâm lý làm cho người mẹ tương lai được yên tâm và có sức chịu đựng những sự nặng nề mệt nhọc trong thời kỳ thai nghén.

Ngày nay, người ta khám phá và đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội nên cần phải suy nghĩ lại về giá trị giáo dục và xã hội của chức làm mẹ.

Làm mẹ không nguyên chỉ hạn chế trong việc truyền sinh hay trong việc nội trơ, mà làm mẹ chính là một hình thức của tình yêu phu phụ, một hình thức làm cho đôi vợ chồng thêm kinh nghiệm phục vụ con người và xã hội.

4.2 Vợ chồng và gia đình công giáo

Vợ chồng được kêu mời hiến cho Hội thánh bằng chứng về sứ mệnh tác sinh phát xuất từ bí tích hôn phối, do sự tham dự của họ vào tình yêu của Thiên Chúa tạo thành, của Đức Ki-tô và của Hội thánh.

Sứ mệnh tác sinh của vợ chồng không chỉ diễn ra trong việc truyền sinh và giáo dục con cái, mà còn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau trong phạm vi phong phú thiêng liêng, nhất là trong thái độ sẵn sàng và dễ dãi đón nhận và giúp đỡ con cái người khác, vì ý thức rằng mọi người đều là con cái Thiên Chúa. Ngoài ra là thực tâm và tế nhị lưu ý đến người phụ nữ đang phải đối phó với những vấn đề trong thời sắp sinh đẻ. Rồi lại quảng đại tiếp đón những trẻ em vô thừa nhận và tạo cho chúng một bầu khí yêu thương ấm áp của gia đình cũng như cương quyết tham gia các sáng kiến nhằm bảo vệ sự sống của con người.

Còn cha mẹ thì có bổn phận phải giáo dục con cái cho chúng hiểu biết ý nghĩa và giá trị của sự sống. Trong đời sống hàng ngày, nên tập cho con cái biết để ý đến nguời khác, trọng kính nguời ta, nhất là những người bé nhỏ và yếu đuối. Đó là cách cụ thể dạy cho chúng biết đón nhận và quí trọng sự sống vừa chớm nở.

4.3 Các linh mục

Linh mục, người hướng dẫn và linh hoạt hóa cộng đồng Dân Chúa cũng có những bổn phận rõ ràng và đặc biệt đối với sự sống mới manh nha.

Khi rao truyền lời Chúa, linh mục nhắc lại lệnh truyền không được giết người và phải yêu thương tha nhân. Linh mục phải tỏ cho người ta thấy phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm, dù mới chỉ ở giai đoạn là bào thai và xâm phạm tới phẩm giá này là một tội bất công rõ ràng.

Khi huấn luyện cho người ta về đời sống Ki-tô hữu, linh mục phải dạy cho giáo dân biết đón nhận và phục vụ sự sống con người một cách có trách nhiệm, cả trong các trung tâm hướng dẫn về những vấn đề gia đình lẫn trong các trung tâm cổ võ đón nhận sự sống.

Ngoài ra, linh mục còn phải giúp cho giáo dân biết phân biệt và nhận ra sự đối chọi giữa luật đời cho phép và luật đạo ngăn cấm. Điều này rất cần thiết vì hiện nay có sự cách biệt giữa pháp lý và luân lý và nhiều người cho rằng điều gì luật đời cho phép thì cũng hợp với luân lý, do đấy họ nghĩ rằng phá thai không có tội, vì luật đời đã cho phép.

Trong bí tích hòa giải, linh mục cũng phải có tinh thần và thái độ như Chúa Giê-su trước tội lỗi và người có tội, nghĩa là không giảm bớt gì cả về giáo lý lành mạnh của Người, nhưng khoan hồng với người có tội : đó là một hình thức trổi vượt về đức ái đối với tội nhân. Ngoài ra, lại phải luôn luôn nhẫn nại và khoan dung như chính Chúa Giê-su đã làm gương. Người đến không phải để xét xử nhưng để cứu độ (x. Ga 3,17), tuy rất đòi hỏi đối với tội lỗi nhưng lại rất nhân từ đối với người có tội. (10)

Vì thế, linh mục sẽ nhẹ nhàng đối với những người phạm tội phá thai mà thông cảm, tuy không vì thế mà biện minh cho những động lực xa gần, trực tiếp hay gián tiếp đưa họ tới chỗ phá thai.

Linh mục nên tỏ ra kính trọng những người đó, tuy phải tế nhị đối phó nhưng lại rõ ràng về ý nghĩa luân lý của việc phá thai.

Linh mục cũng cần đối xử như thế, khi giải tội cho các bác sĩ hay nhân viên y tế đã sai lỗi cách nào đó trong sứ mệnh bảo vệ sự sống.

Tất cả hoạt động của linh mục giải tội là nhằm giao hòa người có tội với Thiên Chúa và Hội thánh. Linh mục sẽ theo dõi người có tội trên đường cải hóa, bằng cách giúp họ ăn năn sám hối, thành thật và khiêm nhường xin lỗi Chúa và quyết chí không tái phạm nữa.

Cha giải tội cũng sẽ giúp người có tội hiểu, nhận và làm việc đền tội cho xứng hợp, lại nói cho người ấy biết phá thai là giết người và bị vạ tuyệt thông và xem nếu người ấy đã bị vạ này thì giải thích cho họ hiểu mức độ trầm trọng và chiều kích cộng đồng của tội đó.

4.4 Nhân viên y tế

Các bác sĩ và nhân viên y tế là những người trực tiếp có liên hệ với vấn đề thai nghén. Công việc chuyên môn của họ với tư cách Ki-tô hữu quả thật là một công việc bác ái tối hảo (11). Họ là những cộng sự viên của Thiên Chúa trong việc bảo vệ và phát triển sự sống con người. Vì thế, thật là trái ngược giữa sứ mệnh này với việc phá thai hay cộng tác vào việc phá thai. Cũng không thế viện cớ có luật đời cho phép phá thai để biện minh cho hành động này. Một luật như thế không thể tạo ra quyền lợi hay bổn phận nào đối với lương tâm con người.

Ngược lại, lương tâm có quyền chất vấn đối với luật cho phép phá thai. Căn bản của quyền này là sự tự do và phẩm giá của con người. Con người không thể bị cưỡng ép hành động trái với lương tâm hay bị ngăn cản không được sống phù hợp với lương tâm.

Đó là một quyền có ngay từ bẩm sinh và rất khó di nhượng. Quyền này phải được luật lệ điều khiển các quốc gia công nhận, thông qua và bảo vệ. Làm khác đi là chối bỏ nhân phẩm và biến Nhà Nước thành nguồn mạch và trọng tài tuyệt đối các bổn phận và quyền lợi của con người.

Lương tâm phải chất vấn mỗi khi luật đời yêu cầu điều gì trái với những đòi hỏi ưu tiên và bất khả xâm phạm của lương tâm như trong trường hợp phá thai.

Giá trị vô biên của sự sống con người một khi bị lâm nguy sẽ biến bổn phận này thành một sự bó buộc luân lý rất nặng nề, dựa vào luật ghi trong lòng mọi người. Hội thánh nhắc lại luật này khi phạt vạ tuyệt thông những người công giáo nào phá thai hay cộng tác vào việc phá thai (Gl khoản 1398). Vì thế không bao giờ được :

- Trực tiếp phá thai

- Hợp tác vào việc trực tiếp phá thai

Hợp tác vào việc trực tiếp phá thai như trong trường hợp các y tá hay nhân viên làm việc ở phòng mổ, hay những người cho giấy chứng nhận mà nội dung và giá trị pháp lý có thể coi đó là những giấy cho phép phá thai.

Ngoài ra, một số người như các nữ tu, có thể làm cho những hình thức hợp tác khác, tuy không trực tiếp ngay, thành bất hợp pháp và sinh gương xấu.

4.5 Các tu sĩ

Do bậc đời của mình, các tu sĩ nam nữ được kêu gọi trở thành những tấm gương về lòng bác ái trong việc bảo vệ và cổ võ sự sống.

Vì thế, không thể chấp nhận trường hợp các tu sĩ làm việc trong các dưỡng đường tư có phá thai. Ngược lại, sự hiện diện của họ có thể hữu ích trong những bệnh viện công là nơi phải tránh mọi dịp có thể làm gương xấu và nhất là phải đưa ra những sáng kiến nhằm bảo vệ sự sống.

4.6 Ban Giám đốc

Ban Giám đốc các cơ quan y tế và Ban Quản trị các bệnh viện có bổn phận và trách nhiệm như các nhân viên y tế mới nói đến ở trên. Họ cũng là những người phục vụ sự sống và sức khỏe của bệnh nhân chứ không thể là những người giết chết mạng sống. Họ phải dùng mọi phương thế để bảo vệ sự sống vừa chớm nở và hoạt động của họ chỉ được coi là hợp pháp về phương diện luân lý, khi hoàn cảnh và môi trường làm việc của họ không phải là nguyên nhân gây ra phá thai.


Kết luận

“Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động”
(Thánh I-rê-nê)

Ngày nay, thế giới chờ đợi những người công giáo dấn thân để bảo vệ sự sống vừa chớm nở trên bình diện cá nhân cũng như xã hội. Làm như thế là họ loan báo cho người ta thấy sự sống của mọi người sinh ra là một giá trị bất khả xâm phạm.

Sự dấn thân này càng hữu hiệu, nếu được diễn ra bằng một hành động bảo vệ và cổ động con người ở khắp nơi sự sống ấy bị đe dọa và đàn áp dưới hình thức này hay hình thức khác, đi từ những điều kiện làm việc và nơi cư trú không hợp với phẩm giá con người đến chỗ tra tấn hành hạ, bắt bớ, giam cầm, cưỡng bức về thể xác cũng như tinh thần.

Khi làm những công việc này, Hội thánh đặt niềm tin vào nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành và quí yêu sự sống trong chính con người được dựng nên giống hình ảnh Người. Con người có một niềm khao khát thầm kín và không thể dập tắt được về sự sống, về đức công bình và về tình yêu đích thật.

Nhưng lòng dạ con người nhiều khi cũng tàn bạo độc dữ, khiến cho có những mầm sống vô tội không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời và nụ cười của anh em mình, không bao giờ được sinh ra lại một lần nữa trong nước và Thánh Thần. Nhưng con người này, con người mà nơi đó hình ảnh Thiên Chúa đã bị bóp méo một cách thảm hại, con người ấy cũng được kêu mời đón nhận ơn cứu độ. Người ấy cũng có thể được Thiên Chúa ban cho ơn cải hóa. Những thảm họa do bàn tay con người ấy gây ra cũng có thể mở cửa cho nó nhìn thấy những giá trị căn bản của sự sống.

Đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và vào con người, người công giáo hun đúc lại quyết tâm phục vụ và đón tiếp sự sống vừa chớm nở mà xác tín rằng mình cộng tác với Thiên Chúa và tôn vinh Người trong công trình do tay Người thực hiện, bởi vì “Vinh quang của Thiên Chúa là con nguời sống động.”
 

------------------------
Chú thích:

(1) Sách Didachè II,2; x. Athénagoras : Biện hộ cho người Ki-tô hữu, 35

(2) x. CĐ Elvire, 63; Ancyre, 21

(3) G, Caprilet : Không được giết, Roma 1973

(4) Vui mừng và hy vọng số 51

(5) Huấn từ ngày 9.12.1972

(6) Bài giảng dụ ngày 29.6.1978

(7) xem E Nardi, Procurato aborto nel mundo greco romano. Milano 1971 trg. 58-66

(9) Bộ Đức Tin : Tuyên ngôn về phá thai số 23

(10) Humanae vitae số 19, DC 1968 số 1523 cột. 1450

(11) Pio XII : Đại hội quốc tế lần IV các bác sĩ công giáo 9.12.1949. DC 1948 số 1054
 


theo VietCatholic

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét