Home » , , » "Văn hóa Sự chết" trước thực trạng "sống chung - sống thử" trong giới thanh niên hiện nay...

"Văn hóa Sự chết" trước thực trạng "sống chung - sống thử" trong giới thanh niên hiện nay...

SVĐM - Nhìn vào thực tế của cuộc sống hôm nay, thực trạng này đã để lại những hệ quả và hậu quả tiêu cực khôn lường, nó ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến những giá trị cao quí của con người; làm cho con người đang dần dần đánh mất phẩm giá cao quí mà Thượng Đế ban tặng, biến con người trở nên “thú dữ” giết hại lẫn nhau, thậm chí, đó là những người thân yêu nhất của mình, ngay cả “giọt máu” khi còn “trứng nước”.


VĂN HÓA “SỰ CHẾT” TRƯỚC THỰC TRẠNG
SỐNG CHUNG VÀ SỐNG THỬ”


Khoảng 10 năm trở lại đây, "sống chung - sống thử" đang trở thành phổ biến trong giới trẻ ở Việt Nam và hiện tượng này là một trong những thực trạng của xã hội, nó đang trong nguy cơ lan rộng như một “dịch bệnh”.

Đối tượng được nói đến cách phổ biến lại rơi vào những học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, hay người trẻ nói chung…

Lý do họ sống với nhau có thể vì xa nhà, thiếu thốn tình cảm, thiếu vật chất, hoặc có thể vì đua đòi và đi theo não trạng sai lạc do chủ thuyết “duy thế tục” được tự do quảng bá dưới mọi hình thức trong đời sống xã hội…

Chuyện “sống chung – sống thử” trước khi quyết định tiến tới hôn nhân có thực sự là một giải pháp tốt để tiến tới một cuộc hôn nhân hoàn hảo hay nó chỉ là "cái bẫy của một quan niệm suy đồi trong mặt lãnh vực hôn nhân"?.

Nhìn vào thực tế của cuộc sống hôm nay, thực trạng này đã để lại những hệ quả và hậu quả tiêu cực khôn lường, nó ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến những giá trị cao quí của con người; làm cho con người đang dần dần đánh mất phẩm giá cao quí mà Thượng Đế ban tặng, biến con người trở nên “thú dữ” giết hại lẫn nhau, thậm chí đó là những người thân yêu nhất của mình, ngay cả “giọt máu” khi còn “trứng nước”.

Trước tiếng chuông báo động của thế giới nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng về thảm trạng sự chết đang lan tràn đe dọa mạng sống của con người về mặt thể lý cũng như tinh thần, Giáo Hội kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hướng đến một nền văn hóa sự sống đặt trọng tâm trên giao ước với Thiên Chúa – Đấng là nguồn sự sống đích thực-, đồng thời, qua đó, khám phá và đề cao những giá trị Tin Mừng về tình yêu, về sự hiệp thông và những ân ban nhưng không của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, trong Đức Giêsu và nhờ Đức Giêsu. Nơi Ngài, sự sống của Thiên Chúa ban cho con người được cụ thể hóa một cách sống động qua cung cách sống, cung cách ứng xử, cung cách trao tặng Tình yêu – Một tình yêu đích thực “hy sinh mạng sống cho người mình yêu”.

Khởi đi từ đó, những buổi hội thảo, những diễn đàn và những bài viết luận bàn liên quan đến thực trạng này được tổ chức và khai triển dưới nhiều góc cạnh khác nhau trong xã hội, cũng như trong Giáo Hội Công giáo một cách rất sôi động hiện nay; bởi vì, ai cũng thấy tính chất hiểm họa của nó đang diễn tiến rất nhanh và gây ra không ít những tác hại lớn đến cuộc sống của con người trên nhiều phương diện.

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến một trong những thực trạng quan trọng và đang “nở rộ” hiện nay.


Sống chung - sống thử: Sống ngoài giá thú (không bị ràng buộc pháp lý)

Sống chung – sống thử là tình trạng hai cá nhân chưa kết hôn nhưng thỏa thuận chung sống với nhau trong mối quan hệ mật thiết về tinh thần và cả thể xác. Họ đồng ý chung sống với nhau khi chưa làm phép cưới hay không muốn chính thức kết hôn. Bởi vì họ có những não trạng và suy nghĩ rằng:

- Trước sau gì cũng thành vợ thành chồng, tại sao cần phải làm đám cưới chi cho tốn kém.

- Tờ hôn thú chỉ là một tờ giấy.

- Nếu một trong hai người không thật tâm muốn vĩnh viễn chung sống, thì có hay không có hôn thú cũng chẳng ăn nhằm gì.

- Họ cho rằng, nền tảng của hôn nhân là tình yêu thực sự giữa hai cá nhân. Nếu có tình yêu bền vững, họ sẽ chung sống lâu dài và thương yêu nhau, còn hơn những cặp vợ chồng đã làm nghi lễ kết hôn theo tôn giáo, đã ra trước tòa tuyên thệ để được công nhận là cặp vợ chồng hợp pháp, nhưng chỉ sau một thời gian, họ lại mang nhau ra tòa ly dị vì lý do nào đó, lại phải tốn tiền cho án phí, luật sư...

- Hơn nữa, nếu họ cảm thấy không thể hòa hợp được nữa thì cũng dễ dàng chia tay, không bị nhức đầu vì những thủ tục cũng như chi phí pháp lý.

- Thử chung sống như vợ chồng một thời gian để thử thách nhau về trách nhiệm, bổn phận, lòng kiên nhẫn, và quan trọng nhất, là có chịu đựng được tật xấu của nhau, không cãi vã, rồi chính thức kết hôn cũng chưa muộn.

-Thử chung sống, và đo lường tình trạng tài chánh của họ xem có thể thỏa mãn nhu cầu cần thiết trong đời sống hàng ngày hay không, có sòng phẳng với nhau không, hay một trong hai người sẽ kiểm soát hết tiền bạc và để một người phải chịu thiệt thòi và van xin ban phát khi có nhu cầu.


Những “thiên đường tình yêu” của đối tượng sống chung – sống thử

- Phòng trọ: đối với sinh viên hay công nhân, họ là những người chưa thể đi làm, hoặc đã đi làm thì đồng lương chỉ tạm đủ sống nếu họ biết tằng tiện, cho nên, phòng trọ là những nơi họ tìm đến để thuê trong những năm tháng xa gia đình để học tập, hay tha phương cầu thực. Và, để giảm chi phí chi tiêu cũng như để dễ dàng tìm hiểu nhau, nhiều đôi nam nữ có cảm tình với nhau đã nghĩ đến chuyện “góp gạo thổi cơm chung”… “Củi – lửa” gần nhau, chuyện gì đến rồi sẽ đến… không khó hiểu…

- Khách sạn hay nhà nghỉ tư nhân: đây là nơi vừa thuận lợi, vừa kín đáo, điều kiện cơ sở tốt, phục vụ tận tình, v.v… Cho nên, các cô – cậu có khả năng về tài chánh hơn, thường là con nhà khá giả, chọn làm nơi “tập kết” để thổ lộ tình yêu và trao tặng tình yêu miễn phí, cũng như để thưởng thức cảm giác thiên đường…

- Cà phê vườn: không tiện nghi bằng các nhà nghỉ, nhưng những nơi này cũng vẫn hội đủ những yếu tố cơ bản cho những cuộc mây mưa kiểu “tàu nhanh”. Những “chốn tang bồng” loại này có diện tích khá nhỏ, được ngăn thành từng ô riêng biệt. Các cặp tình nhân không có thời gian, tài chánh không nhiều, nên ngần ngại chọn những “chuồng” như vậy để thể hiện tình yêu.

- Ký túc xá: đây là khu biệt lập dành cho sinh viên nam hoặc nữ ở trọ, nhằm mục đích có nơi ổn định trong những năm tháng theo đuổi việc học. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều đôi bạn sinh viên đã biến những phòng trọ này thành chốn riêng tự để “hành sự” vào những lúc bạn bè lên giảng đường. Và, với thời gian, ngày nay, cái chuyện riêng tư này được ngầm thỏa hiệp giữa các thành viên khác trong phòng. Cứ hễ thấy đối tác của ai đến, những người còn lại có “bổn phận” tự giác ra ngoài. Công chuyện tự kết thúc sau vài tiếng, khi cửa phòng đã mở toang…


Hệ quả

Giáo sư xã hội học, bà Linda Waite, sau nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy, đã cho biết một số kinh nghiệm quý báu như sau đây:

Những cặp chung sống gần như vợ chồng đã trải qua kinh nghiệm đau khổ như bị ngược đãi hay phản bội nhau, mà hoàn toàn không nhận được sự trợ giúp nào từ gia đình đôi bên. Bà cho biết tiếp, 16% phụ nữ sống chung với bạn trai hay bị đánh đập vào những lần cãi vã, trong lúc chỉ có 5% phụ nữ bị đánh đập khi chung sống với chồng của họ.

Những cặp khác, có con chung, không giáo dục nổi con họ vì họ không cảm nhận được ràng buộc thiêng liêng của vợ chồng thực thụ. Đặc biệt người cha rất vô trách nhiệm, và sống bê tha, không chu cấp cho con mình, mà tự cho mình chỉ là "bạn trai" của mẹ đứa bé, và vô hình chung, người đàn ông đó đã chuyển trách nhiệm nuôi và dạy đứa nhỏ cho bà mẹ.

Bà cũng cho biết rằng đời sống sinh lý của những người không phải là vợ chồng, cũng không điều hòa như đời sống vợ chồng, mà đi song song gần như là những người đa thê nếu là đàn ông, vì một lúc họ có nhiều bà khác nhau để vui chơi, và người đàn bà thì vẫn luôn để ý tìm kiếm một người đàn ông nào thực lòng yêu thương và muốn cho họ một danh phận chính thức. Do đó, cũng dựa trên thống kê cho thấy, thì có đến 20% phụ nữ nói rằng họ có liên hệ xác thịt với người khác ngoài người bạn trai đang chung sống, so với 4% phụ nữ ngủ với một người đàn ông khác ngoài chồng của bà ta.

Ở Mỹ, căn cứ theo kết quả của một cuộc thống kê (surveying) bắt đầu vào năm 2002, về vấn đề này, thì 86% những cuộc "sống thử" đã kết thúc bằng chia tay. Điều đáng quan tâm hơn là 14% còn lại đã kết hôn và đang ở trong tình trạng như thế nào? Các nhà khoa học Mỹ tiếp tục theo dõi 14% còn lại tiến tới hôn nhân trong 3 năm qua và lại đưa ra một nhận xét đáng buồn: Những cặp sống thử trước kết hôn, có tỷ lệ ly dị cao hơn gấp đôi những cặp trước đó sống riêng.

Trong tài liệu "The Cohabitation Trap", (Cái bẫy khi sống chung ngoài hôn nhân), và "Just Living Together Sabotages Love", (Sống chung bào mòn tình yêu) đã cho chúng ta thấy rằng việc chung sống ngoài hôn nhân sẽ dẫn người ta đến chỗ "thử xem sao", và là một chuyến phiêu lưu một chiều dẫn đến việc người ta dễ dàng cắt đứt liên hệ và chia tay nhau.

Trong thực tế, sự kiện "thử cái đã" dẫn tới nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt. Có những trường hợp còn dính líu tới tài sản chung, cũng như con chung, hoặc bạo lực và cần tới sự can thiệp của tòa án để bảo vệ cho những người là nạn nhân trong số các cặp ấy.


Trả giá quá “lớn”

- Một phút vui chơi bên người mình yêu, bên tình nhân, tưởng như đang ở thiên đường; những tháng ngày vắn vỏi bên nhau tưởng giúp con người thoải mái về tinh thần và thể xác, hay đáp ứng cách trọn vẹn khao khát sống cho nhau. Nhưng hậu quả của nó mang lại rất lớn mà người trong cuộc thường không lường hết được. Đó là việc gia đình sau này lục đục, bất hòa… gây hoang mang tinh thần cho những người thân trong gia đình.

- Bên cạnh nỗi đau về tinh thần, còn có nỗi đau về thể xác, hậu quả của nó, người trong cuộc khó tiên liệu hiện tại, vì câu trả lời chỉ có trong tương lai. Có lẽ chỉ với những người đang và sẽ làm mẹ mới hiểu nỗi đau không thể sinh con mà hậu quả của những lần phá thai để lại; hiện tại, họ không có lựa chọn nào khác hơn là phá bỏ cái thai, nhẫn tâm trở nên “thú dữ” với chính mầm sống đang từng ngày lớn lên trong bụng. Đó là giải pháp cuối cùng và tất yếu của cuộc ngoại tình, hôn nhân ngoài giá thú, hay sống thử, hay vội vàng “cho” để chứng minh tình yêu của cô gái, hay của những cuộc ăn chơi thác loạn…

- Phá thai: Phá thai sẽ mang đến những hậu quả về mặt thể lý và tâm lý sau:

+ Về mặt thể lý: Tăng nguy cơ vô sinh / Tăng nguy cơ sảy thai / Thai ngoài tử cung / Thai chết non / Nhiễm trùng / Tử cung bị thủng / Viêm phúc mạc / Tổn thất ở các cơ quan khác / Mất ngủ / Mất cảm giác thèm ăn / Sụt cân / Kiệt sức / Lo âu / Suy giảm khả năng làm việc / Luôn có cảm giác nôn ói / Rối loạn tiêu hóa (dạ dày và ruột)

+ Về mặt tâm lý: Có thể mắc những bệnh sau đây: Mặc cảm tội lỗi / Khuynh hướng tự tử / Cảm giác mất mát / Tang tóc / Buồn rầu (mourning) / Thương tiếc / Hối hận / Mất tự tin / Giảm sự tôn trọng bản thân / Ưu tư về cái chết / Tâm lý thù địch / Hành vi tự hủy hoại bản thân / Nóng giận / Tâm lý tuyệt vọng / Mất tự chủ / Xói mòn bản năng làm mẹ / Căm thù bất cứ ai liên hệ đến phá thai / Mất ham muốn tình dục / Không còn khả năng tự tha thứ / Cảm giác mất tính người, bị lợi dụng / Ác mộng / Có khuynh hướng ngược đãi con cái.

- Bạo hành: Một khi cuộc sống chung không xây dựng trên nền tảng vững chắc của gia đình, thì tất yếu sẽ dễ dàng đi đến chỗ rạn nứt và đổ vỡ với những lý do rất đời thường như: ghen tuông, không còn yêu nhau, hay không có trách nhiệm, ….. Và đó cũng là nguyên nhân xảy ra những cuộc ẩu đả, bạo hành giữa vợ chồng với nhau … trước khi chia tay. Phần lớn người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi.


Di chứng tương lai

Một khi “trao thân gửi phận” cho nhau nhưng không thành vợ thành chồng, cũng để lại nhiều vết thương lòng và tâm lý trong một viễn cảnh tương lai.

Nhiều phụ nữ lỡ “trải nghiệm” trong quá khứ, thì tương lai phải đối diện câu trả lời về trinh tiết với người bạn đời hay khi yên bề gia thất, người cũ quấy rối, tống tiền; hoặc mặc cảm tự ty với gia đình,… Tất cả điều đó thường cản lối tiến đến cuộc sống tốt đẹp phía trước và sự chọn lựa vì đó không được trọn vẹn trong cuộc sống. Và, chắc chắn, không có cơ hội tận hưởng hạnh phúc, dù chỉ là những giây phút ngắn ngủi trong cuộc đời dương thế.

Và, tất cả những hậu quả đó, hơn ai hết, chính bản thân người trong cuộc sẽ và phải gánh chịu, không chỉ ở thời gian hiện tại, mà còn ảnh hưởng dài tới tương lai sau này.

Hậu quả của việc sống chung - sống thử, quan hệ trước hôn nhân sẽ dễ sinh nhàm chán và nếu có hôn nhân, thì cuộc sống của họ thường không hạnh phúc và tiếp theo là một “lộ trình buồn”. Thật đáng tiếc cho giới trẻ ngày nay.

Cái tai hại hơn và không đáng có, lại là nỗi bất hạnh của những đứa trẻ, có thể chúng sẽ không được thấy ánh dương mặt trời của sự “nhẫn tâm và tàn nhẫn” của cha mẹ; hay nếu được sinh ra thì cũng sẽ èo uột vì “thiếu vắng sự ấm áp” từ tình thương của cha hoặc mẹ. Và, như thế, chúng sẽ là những đứa trẻ phát triển không bình thường về thể lý và tâm lý. Ôi, sao bi đát quá!


Quan điểm và lập trường của Giáo Hội Công Giáo

Theo Giáo luật, hai tín hữu công giáo, mặc dù đã làm hôn thú dân sự với nhau, nhưng họ chưa thực hiện Bí tích cho đôi hôn nhân trước mặt Giáo Hội, hôn thú của họ vẫn không phải là bí tích, và do đó, họ không thể ăn ở với nhau như vợ chồng thật sự.

Đối với những vợ chồng không Công giáo, hôn thú dân sự của họ là hôn phối tự nhiên. Giáo Hội vẫn tôn trọng hôn phối đó. Nhưng đối với người Công giáo, họ có nghĩa vụ của các tín hữu, đó là hôn phối của họ phải được kết ước theo thể thức của Giáo Hội đã quy định (x. GL 1108) để có thể là bí tích Hôn Phối.

Hôn phối của các người công giáo, cho dù chỉ một bên là người công giáo, họ bị chi phối không những bởi luật Thiên Chúa, mà còn bởi luật Giáo Hội nữa, tuy vẫn tôn trọng thẩm quyền của luật dân sự về hiệu quả thuần túy dân sự của hôn nhân.

Có những người nghĩ rằng vì đã tốn kém nhiều mới lấy được vợ, nên phải ăn ở với nhau càng sớm càng tốt dù chưa làm phép cưới đạo. Cách ứng xử như thế bộc lộ một thái độ thiếu tôn trọng người bạn đời của mình, coi người bạn đời như món hàng mình đã tốn kém nhiều mới kiếm được, nên phải tận hưởng càng sớm càng tốt. Quan niệm đó cũng không phù hợp với Giáo Lý Công Giáo về hôn nhân.

Đối với Giáo Hội, hôn phối không phải chỉ là chuyện riêng tư thuần túy giữa hai người nam nữ, nhưng còn liên hệ tới tính hiệp thông trong toàn thể cộng đoàn Giáo hội. Thật vậy, từ đôi hôn phối Kitô giáo này, sẽ đem đến một gia đình Kitô với tất cả sự phong phú của cuộc sống, khả năng giáo dục tri thức và đức tin, trở nên một tế bào sống động của Giáo Hội. Gia đình là tế bào đầu tiên của Giáo Hội và được Công Đồng Vaticanô II gọi là “Giáo Hội tại gia”. Khi cử hành hôn phối theo nghi thức đạo, đôi vợ chồng công giáo bày tỏ quyết tâm dấn thân sống đời hôn nhân theo giới luật của Chúa và những mong đợi của cộng đồng Giáo Hội.

Qua Thông điệp Familiaris Consortio của Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô 2:

Ngài viết:
"Hoàn cảnh bất thường trong hôn phối, người ta gọi là "hôn phối thử" (Trial Marriage), mà nhiều người thời nay muốn biện minh bằng cách gán cho nó vài giá trị nào đó. Nhưng lý lẽ của trí khôn con người cho thấy rằng sống thử như thế, không thể chấp nhận được, bởi sống thử không làm cho con người thụ lý, mà nhân phẩm con người luôn luôn và chỉ đòi rằng: tình yêu trao ban mình không giới hạn về thời gian, không có trường hợp khác.

Giáo Hội không thể chấp nhận thứ kết hợp như vậy, nó đi xa hoặc đi lệch con đường đức tin. Vì, trước hết, việc trao tặng thân xác trong liên hệ phái tính đúng là một biểu tượng thực việc trao tặng toàn thân, hơn nữa, trao tặng như thế, trong tình trạng hiện thời của vấn đề, không thể có sự thật đầy đủ, nếu không đối chiếu với tình yêu đức ái, đã được Chúa Kitô ban tặng. Thứ đến, hôn phối giữa 2 người đã được rửa tội đòi tính cách không thể chia lìa."

Mượn lời Đức Gioan Phaolô II trong thông điệp Evangelium Vitae để tóm kết: “Văn hóa sự chết” đã ăn sâu vào “não trạng bộc phát và thậm chí, làm biến chất khái niệm về chủ thể, cái não trạng như một chủ thể duy nhất có quyền, kẻ nào có sự độc lập hoàn toàn, hoặc ít ra vào lúc khởi đầu, là kẻ hoàn toàn không lệ thuộc vào người khác” (số 19).

Cách hiểu sai lệch về tự do “làm cho xã hội bị biến chất sâu sắc” (số 20). “Nền văn hóa sự chết” này rốt cuộc đưa đến “sự lu mờ ý thức về Thiên Chúa và con người là đặc điểm của tình trạng xã hội và văn hóa mà chủ nghĩa tục hóa đang thao túng (số 21).

Trong bối cảnh “con người không coi sự sống như hồng ân của Thiên Chúa, hay như một thực tại ‘thánh thiêng’ được Người ủy thác” (số 22), thì con người đánh mất đi ý nghĩa của cuộc sống, và con người không còn tôn trọng phẩm giá cao quí của bản thân cũng như của tha nhân. Do đó, mỗi người kitô hữu chúng ta cần biểu lộ sự sống của Chúa Kitô nơi mình cách mạnh mẽ và hết sức nổ lực trong sứ vụ bảo vệ sự sống, cùng đồng hành với Giáo Hội và với cộng đồng nhân loại, giúp con người thoát khỏi “văn hóa sự chết”, đồng thời gieo Tin Mừng sự sống vào thế giới đang bị tục hóa ngày càng lan rộng.



Lm. Đỗ Trung Thành, O.P

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét