Home » , » Lời tuyên bố của Đức Bênêđictô XVI về bao cao su trong tác phẩm “Ánh Sáng Thế Giới”

Lời tuyên bố của Đức Bênêđictô XVI về bao cao su trong tác phẩm “Ánh Sáng Thế Giới”

Lời tuyên bố của Đức Bênêđictô XVI về bao cao su 
trong tác phẩm “Ánh Sáng Thế Giới”:
Hiểu và nhận định như thế nào 
trên quan điểm thần học luân lý?

Cuốn sách “Ánh Sáng cho Trần Gian: Đức Giáo Hoàng, Giáo Hội và các Dấu chỉ thời đại,” (“Light of the World: The Pope, the Church and the Signs of the Times”) phát hành ngày 23 tháng 11 vừa qua, của Peter Seewald, một phóng viên người Đức, ghi lại cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về nhiều vấn đề luân lý mang tính thời sự, trong đó, Đức Thánh Cha nhìn nhận vai trò phòng bệnh của việc sử dụng bao cao su trong trường hợp người mại dâm nam.

Ngay trước đó, ngày 20 và 21, các phương tiện truyền thông thế giới như báo chí, đài phát thanh… đã đồng loạt đăng tải lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI về bao cao su với các hàng tít thật dễ gây hiểu lầm cho quần chúng: “Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhìn nhận vai trò của bao cao su” [1], “Đức Thánh Cha nói rằng vài trường hợp sử dụng bao cao su là ‘bước đầu tiên’ của luân lý” [2]…

Nhiều bài báo coi đây là “bước ngoặt lịch sử” của Giáo Hội Công giáo về quan điểm sử dụng bao cao su trong việc phòng chống đại dịch AIDS. Báo Associated Press nhận định, “Đức Bênêđictô XVI đã đi một bước mà không vị giáo hoàng nào đã đi từ khi Đức Phaolô VI ban hành thông điệp ‘Humanae Vitae’ năm 1968 không cho phép người Công giáo sử dụng bao cao su hay các phương tiện ngừa thai nhân tạo khác.” [3] Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Federico Lombardi, linh mục Dòng Tên, nhấn mạnh rằng nhận định về việc có thể chấp nhận dùng bao cao su để ngăn ngừa nhiễm HIV của Đức Giáo Hoàng không “cải cách hay thay đổi” giáo huấn Giáo Hội. Theo Cha Lombardi, lý luận của Đức Thánh Cha chắc chắn không thể được giải thích như là một “khúc quanh cách mạng”.

Dù sao, trên thực tế, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Công giáo, một vị giáo hoàng nói đến tính có thể chấp nhận về mặt luân lý, trong một trường hợp cụ thể, với một bối cảnh nhất định, của việc sử dụng bao cao su. Trong bài viết này tôi sẽ tập trung vào câu hỏi: “Tại sao giáo huấn Giáo Hội Công giáo, đứng đầu là Đức Thánh Cha, vẫn duy trì việc không cho phép sử dụng ngừa thai nhân tạo, nhưng sự chấp nhận của Đức Bênêđictô XVI của việc sử dụng bao cao su trong trường hợp người mại dâm nam lại là một “bước ngoặt lịch sử” và có tầm ảnh hưởng lớn lao trên phương diện luận lý của Thần học luân lý Công giáo?”

Vài bài báo cho rằng Đức Bênêđict XVI đã thay đổi quan điểm về việc sử dụng bao cao su như “một bước đột phá”, vì trước đó một năm, trong chuyến công du Phi châu, Ngài vẫn còn khẳng định mạnh mẽ việc nhân bản hóa tình dục là biện pháp duy nhất phòng chống AIDS tận căn. Trước khi đi vào trọng tâm của bài, chúng ta thử nhìn lại diễn tiến lịch sử để có nhận định đúng đắn về vấn đề này.

Vài năm trước, theo báo New York Times ra ngày 1-5-2006, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã yêu cầu Hồng Y Lozano Barragán cùng một nhóm thần học gia và khoa học gia đáng tin cậy nghiên cứu báo cáo xét xem bao cao su có thể được sử dụng một cách hạn chế trong hoàn cảnh đặc biệt: bảo vệ sự sống cho người bạn đời khi một trong hai thành viên của cặp vợ chồng bị nhiễm HIV/AIDS. [4] Việc nghiên cứu này biểu lộ sự nhạy cảm và quan tâm của Giáo Hội Công giáo Rôma nói chung và Đức Thánh Cha nói riêng, đối với nhóm người đang sống và tranh đấu với cơn bệnh thế kỷ AIDS lan tràn. Ngoài ra trên thực tế, Giáo Hội Công giáo, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói trong bài phỏng vấn với Peter Seewald, “là tổ chức duy nhất giúp người bệnh (AIDS) một cách gần gũi và cụ thể, bằng sự phòng ngừa, giáo dục, giúp đỡ, tư vấn, và đồng hành với người bệnh. Và Giáo Hội đi đầu trong việc điều trị rất nhiều nạn nhân AIDS, đặc biệt là trẻ em bị AIDS… Giáo Hội đã làm nhiều hơn bất cứ ai khác, bởi vì Giáo Hội không nói từ diễn đàn báo chí, nhưng giúp đỡ anh chị em của mình ngay ở nơi họ đang thật sự đau khổ…” [5]

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha nêu rõ lập trường trước sau như một của Giáo Hội Công giáo trước đại dịch AIDS nói riêng và thái độ đối với tình dục con người nói chung. Ngài kêu gọi mọi người xem xét việc phòng chống AIDS trong viễn tượng giá trị và phẩm giá của tình dục con người như một sự diễn tả của tình yêu tương hỗ và trách nhiệm, tác động trên mọi bình diện hiện sinh con người:

“Thực tế.., người ta có thể lấy được bao cao su khi họ muốn. Nhưng điều này cũng cho thấy rằng riêng sử dụng bao cao su không giải quyết được chính vấn đề. Nhiều điều khác cần được thực hiện. Trong khi đó, chính phía thế tục cũng đã triển khai một phương thức gọi là Lý thuyết ABC: Tiết dục- trung thành- bao cao su, trong đó bao cao su chỉ là một phương thế cuối cùng, khi hai phương thế trước đã thất bại… Sự tuyệt đối cậy dựa vào bao cao su là một sự tầm thường hóa tình dục, trong đó, trên hết mọi sự, chính là nguồn gốc nguy hiểm của thái độ coi tình dục không còn là sự diễn tả của tình yêu, nhưng chỉ là một loại thuốc gây nghiện mà người ta tự kê toa cho chính mình. Đây là lý do tại sao cuộc chiến chống lại sự tầm thường hóa tình dục cũng là một phần của cuộc đấu tranh để bảo đảm rằng tình dục được xét đến như một giá trị tích cực và làm cho tình dục có thể tác động tích cực đến toàn thể con người.” [6]

Vài học giả bảo thủ lo ngại rằng việc cho phép sử dụng bao cao su để ngăn ngừa HIV/AIDS đi ngược và sẽ làm suy yếu truyền thống giáo huấn của Giáo Hội Công giáo về ngừa thai nói riêng và về luân lý tính dục nói chung. Thực tế, ngay từ lúc khởi đầu của bệnh AIDS, và sôi nổi hơn trong thời gian gần đây, sau hơn 30 năm bệnh bùng phát và lan tràn, một số giám mục và thần học gia, xuất phát từ kinh nghiệm chuyên môn và mục vụ, lý luận ủng hộ thay đổi quan điểm Giáo Hội Công giáo Rôma về việc sử dụng bao cao su để ngăn chận lưỡi hái tử thần của AIDS. [7] Một số vị thuộc hàng lãnh đạo trong Giáo Hội, trong đó có Hồng Y người Ý, Carlo Maria Martini, đã kêu gọi cử chỉ nhân bản thiết thực về vấn đề bao cao su. Một số khác thuộc hàng giáo phẩm Phi Châu, cho rằng viêc sử dụng bao cao su là đáng xem xét khi một trong hai người phối ngẫu bị nhiễm HIV. Chìa khóa của lý luận thường được một số nhà thần học luân lý và giám mục vận dụng là sử dụng bao cao su trong trường hợp này, không nhắm đến, và cũng không có ý nghĩa ngừa thai, mà chỉ là phòng bệnh, và bảo vệ sự sống cho người phối ngẫu còn khỏe mạnh. Ngừa thai chỉ là tác dụng phụ xảy ra đồng thời với hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm HIV của bao cao su.

Đức Thánh Cha đã không đề cập đến các trường hợp đó, trong cuộc phỏng vấn, Ngài tái khẳng định giáo huấn của Giáo Hội chống lại việc ngừa thai nhân tạo. Tuy nhiên, Ngài nói thêm, “Có thể có vài trường hợp riêng rẽ, ví dụ khi người đàn ông mại dâm dùng bao cao su, việc dùng bao cao su như thế có cơ sở biện minh về luân lý được, điều này có thể là bước đầu tiên hướng tới một sự luân lý hóa, một hành động mang tính trách nhiệm đầu tiên, để gây lại ý thức rằng không phải tất cả mọi thứ đều được phép và người ta không thể làm tất cả những gì mình muốn. Nhưng bao cao su không phải là cách thức thật sự để xử lý với điều xấu về lây nhiễm HIV. Chống lây nhiễm HIV có thể chỉ cậy dựa thật sự vào việc nhân bản hóa tính dục.” [8]

Được hỏi điều trên có phải nghĩa là Giáo Hội, trên nguyên tắc, không chống đối bao cao su, ngài trả lời: “Giáo hội tất nhiên không xem bao cao su như là một giải pháp thực tế hay luân lý, tuy nhiên trong trường hợp này hay trường hợp kia, có thể là trong ý định làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, là một bước đầu tiên trong một chiều hướng tiến tới một phương cách khác, một phương cách nhân bản hơn, về đời sống tính dục.” [9]

Trước hết, cần nói rõ rằng, về nhận định tính có thể cho phép về mặt luân lý của việc sử dụng bao cao su trong trường hợp cá biệt của người mại dâm nam, vị lãnh đạo Giáo Hội Công giáo chọn lựa phát biểu, không phải trong một tài liệu chính thức của Giáo Hội, nhưng trong một cuộc phỏng vấn Ngài dành cho một nhà báo Peter Seewald. Đức Thánh Cha nói rằng ngài chịu trách nhiệm cá nhân cho nhận định này, nghĩa là chúng ta có thể hiểu đây chưa phải là giáo huấn chính thức của Huấn Quyền. [10] Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, với vị thế của ngài, lời phát biểu của Đức Thánh Cha trong cuộc phỏng vấn có sức nặng đáng kể và tầm ảnh hưởng rộng lớn chẳng những trong Giáo Hội Công giáo mà còn trên các tôn giáo khác và cả thế giới.

Đi vào trọng tâm của bài, để trả lời câu hỏi nêu ở phần mở đầu, cần nhắc lại khái niệm hành động “xấu tự nội tại”.

1/ Khái niệm về hành động “xấu tự nội tại” (Intrinsece malum in se, intrinsical evil) và vấn đề đặt ra [11]

Từ la-tinh Intrinsece malum in se này có nghĩa “cái xấu tự nội tại”. Có lẽ đây là một trong các từ ngữ gây nhiều tranh luận nhất trong thần học luân lý hiện nay. Intrinsece malum có nghĩa “xấu một cách nội tại”, nhưng điều rất quan trọng là cần xét toàn bộ câu nói để có cái hiểu đúng. In se nhắm chỉ phẩm chất thiết yếu hay nội tại của một điều nào đó. Trong luân lý, một hành độngintrinsece malum in se có nghĩa là nó xấu trong “chính nó”, tức là xấu từ chính bản chất của nó, luôn luôn và mọi nơi, không cần xem xét thêm đến hoàn cảnh hay ý định, động cơ của chủ thể.

Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến khái niệm hành vi “xấu tự thân” trong thông điệp Veritatis Splendor năm 1993, một thông điệp về Thần học luân lý cơ bản. Thông điệp này được viết trong bối cảnh là Đức Gioan Phaolô II rất quan tâm đến nền luân lý đương thời đang trở nên tương đối hóa thái quá và chối bỏ sự tồn tại của một trật tự luân lý khách quan cũng như cái khả năng của lý trí con nguời có thể biết được, và hành động tương ứng với trật tự này. Ngài diễn tả khái niệm hành vi xấu tự nội tại như sau:

“Lý trí chứng thật rằng có các đối tượng của hành vi nhân linh mà chính bản chất của chúng luôn ‘là vô trật tự’ đối với Thiên Chúa, bởi vì tận gốc rễ, chúng đối kháng với sự tốt lành của con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Đây là những hành động mà, trong truyền thống luân lý Giáo Hội, đã được gọi là ‘xấu một cách tự nội tại’ (intrinsece malum): chúng xấu tự thân như thế bởi chính nó và luôn luôn, hay nói cách khác, xấu tự ngay trong chính đối tượng của chúng, bất kể ý định của chủ thể hành động và các hoàn cảnh.” (VS 80)

Khi nói đến “có các đối tượng của hành vi nhân linh mà chính bản chất của chúng luôn ‘là vô trật tự’ đối với Thiên Chúa”, Đức Giáo Hoàng đang chỉ đến finis operis, đó là mục tiêu của hành vi luân lý. Lập trường này dựa trên tiền đề của thần học luân lý rằng có một trật tự luân lý “khách quan”. Và hệ luận của tiền đề này là một số hành vi luân lý sẽ tương hợp với trật tự luân lý này và một số khác thì đối nghịch với trật tự luân lý này. Trong Veritatis Splendor, Đức Gioan Phaolô II kể ra vài ví dụ cụ thể về các hành vi xấu tự nội tại, các tội này đã được liệt kê trong hiến chế Gaudium et Spes của Công đồng Vaitcanô II:

“Bất cứ điều gì chống lại chính sự sống, như là sát nhân, diệt chủng, phá thai, gây chết êm dịu và tự tử, bất cứ điều gì xâm phạm tính toàn vẹn của con người, như phế bỏ tay chân, tra tấn thể lý hay tâm thần, và các cưỡng bức tinh thần; bất cứ điều gì chống lại nhân phẩm, như các điều kiện sống dưới mức nhân bản, lưu đày, giam tù tùy tiện, nô lệ, mại dâm, và buôn bán phụ nữ và trẻ em…” (VS 80, trích dẫn GS 27)

Ngoài ra, trong lãnh vực tính dục, truyền thống luân lý vẫn kể một số hành vi là “xấu tự nội tại” như ngừa thai nhân tạo, thủ dâm, đồng tính luyến ái, ngoại tình… Lý do chính yếu mà giáo huấn Giáo Hội Công giáo từ trước đến nay không hề xét đến sử dụng bao cao su để ngăn ngừa nhiễm HIV, ngay cả trong trường hợp cặp vợ chồng mà một trong hai người bị nhiễm HIV, là vì hành vi sử dụng bao cao su thuộc nhóm hành vi ngừa thai nhân tạo, và vì thế “xấu tự thân”, bất kể ý hướng của chủ thể và hoàn cảnh.

Về mô tả các hành vi xấu tự thân, trên bình diện trừu tượng, “bất cứ điều gì chống lại sự sống”, thì Đức Thánh Cha và phần lớn các nhà thần học luân lý chắc chắn đồng ý với nhau hoàn toàn. Nhưng khi xét đến cụ thể vài hành vi “chống lại sự sống”, thì có vài khó khăn về mặt luận lý.

Thật sự, cái in se (trong chính nó) bao hàm một xem xét mặc nhiên đến ba nguồn luân lý truyền thống, thường được gọi làfontes moralitatis, và vì thế gọi điều gì là “xấu tự thân” đã phải bao hàm một sự phân tích về ý hướng và hoàn cảnh. Ví dụ, không phải mọi hình thức giết người đều là xấu tự thân, nhưng mọi việc mưu sát là xấu tự thân. Vậy đâu là sự khác biệt giữa giết người và mưu sát? Đó là ý hướng và hoàn cảnh, hay khía cạnh in se của intrinsece malum. Vậy khi đã biết một hành động xấu tự thân thì không cần xét đến ý hướng và hoàn cảnh, theo nghĩa xấu tự thân thì không thể thay đổi; nhưng khi phân định để xem hành động nào là hành động xấu tự thân thì trước đó đã buộc phải xét đến ý hướng và hoàn cảnh.

Bởi vì sự lẫn lộn rất lớn này mà một số nhà thần học luân lý ngày nay tránh dùng từ “xấu tự nội tại”, bởi vì điều này dễ gây ra cách hiểu bề ngoài của hành động mà không cân nhắc đủ đến hai hai yếu tố song hành là ý hướng và hoàn cảnh. Tuy vậy, vì từ ngữ này đã cắm rễ sâu trong truyền thống luân lý nên thật khó mà bỏ nó ngay cho được.

2/ Vài trường hợp bệnh lý y khoa đã được phép sử dụng một trong các phương pháp thuộc nhóm “ngừa thai” hay “triệt sản,” dựa trên nguyên tắc Hiệu quả kép (the Principle of Double Effect)

Nguyên tắc Hiệu quả kép thường được sử dụng trong y khoa để giải quyết một số vấn đề lưỡng nan của các hành vi có hai tác dụng, một tốt và một xấu, tác dụng tốt xảy ra đồng thời hoặc trước tác dụng xấu. Người làm hành động nhắm đến tác dụng tốt; nhìn thấy trước nhưng không ước muốn tác dụng xấu. Tự bản chất, hành vi có tác dụng kép này là tốt hoặc không xấu. Khi có lý do quan trọng tương ứng, hành vi có tác dụng kép này có thể được phép về mặt luân lý. [12]

Tôi xin nêu vài ví dụ liên quan đến ứng dụng nguyên tắc “hiệu quả kép”. Việc dùng thuốc ngừa thai với mục đích ngăn trở sự thụ thai hiển nhiên bị Giáo Hội Công giáo Rôma lên án. Nhưng trong một số bệnh lý như rối loạn kinh nguyệt quan trọng, vài loại u nang buồng trứng, thì viên thuốc ngừa thai (chứa estrogen và progesterone theo một tỉ lệ) dùng với mục đích trị bệnh, và tác dụng ngừa thai của thuốc xem như là hiệu quả phụ của việc điều trị, nên được phép về mặt luân lý. Tương tự, cắt bỏ tinh hoàn để triệt sản ở người nam bị coi như trái với luân lý Giáo Hội Công giáo. Nhưng nếu tinh hoàn bị bệnh, ví dụ ung thư, thì hành vi cắt bỏ tinh hoàn là hợp luân lý vì vô sinh chỉ là hiệu quả phụ của việc trị bệnh cắt bỏ tinh hoàn. Ta thấy, cùng một hành vi thể lý, nhưng trong tình huống tinh hoàn bị bệnh, ý định của thầy thuốc là để trị bệnh, việc cắt tinh hoàn vốn bị cấm trở nên hợp luân lý. Trong hai ví dụ này, tình trạng thể lý của tử cung, buồng trứng, tinh hoàn, và ý định của thầy thuốc, bệnh nhân, là yếu tố cơ bản để đánh giá mặt luân lý của hành động dùng thuốc ngừa thai (bản chất là thuốc nội tiết tố) hay cắt bỏ tinh hoàn. [13]

Lý thú là bước tiến triển của lý luận Giáo Hội Công giáo Rôma về điều trị thai ngoài tử cung (GEU: gestation extra-uterine). Về mặt y khoa, một khi GEU đã được chẩn đoán thì phẫu thuật lấy GEU ra ngoài ổ bụng càng sớm càng tốt cho bệnh nhân về mặt tiên lượng. Nếu sau khi GEU vỡ, bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật thì tỉ lệ tử vong và biến chứng về sau cho bệnh nhân cao hơn nhiều. Cho đến khoảng 20 năm gần đây, phương pháp điều trị GEU có hai cách, hoặc là xẻ phần vòi trứng chứa phôi thai và lấy phôi thai ra (salpingotomy), phần vòi trứng được bảo tồn, như vậy chức năng truyền sinh được bảo tồn; hoặc là cắt bỏ luôn phần vòi trứng chứa phôi thai (salpingectomy). [14] Thuần lý y khoa, phương pháp xẻ vòi trứng thường được chọn vì nó bảo tồn được chức năng truyền sinh của người phụ nữ.

Giáo Hội Công giáo Rôma cho đến trước năm 1933, chỉ cho phép phẫu thuật GEU khi phần thai ngoài tử cung đã bị vỡ. Lý luận nền tảng giải thích cho lối xử trí này là vào thời đó, phôi thai đang nằm ngoài tử cung bị coi như là nguyên nhân trực tiếp gây nguy hiểm cho tính mạng của thai phụ. Nếu GEU chưa vỡ, phôi thai còn sống thì phẫu thuật coi như giết phôi thai để cứu mẹ, như vậy là phá thai trực tiếp. Đến năm 1933, một luật gia về giáo luật, Lincoln Bouscaren, Dòng Tên, hoàn thành luận án tiến sĩ thần học tại Đại Học Gregorian, Roma. Ông là người đầu tiên lý luận rằng thủ thuật cắt đoạn vòi trứng chỉ là phá thai gián tiếp nên được phép về mặt luân lý. Vì vậy bác sĩ công giáo không phải chờ đến lúc GEU bị vỡ mới phẫu thuật cho bệnh nhân. Bouscaren đã cứu được nhiều người nhờ bảo vệ thành công phương pháp cắt đoạn vòi trứng, trên phương diện thần học luân lý của Giáo Hội Công giáo. Để đi đến được kết luận đó, Bouscaren lý luận rằng khoa học hiện đại chứng minh trong GEU, lớp mạch máu của đoạn vòi trứng chứa phôi thai trở thành bệnh lý, tăng sinh, và dãn phù nề, là nguyên nhân chính đe dọa vỡ gây xuất huyết nơi người mẹ. Động tác mổ cắt đoạn vòi trứng chứa phôi thai có hai tác dụng đồng thời: lấy đi đoạn vòi trứng bệnh lý (tác dụng tốt), và cái chết của thai nhi (tác dụng xấu). Ý định của thầy thuốc là lấy đi phần vòi trứng bệnh lý để cứu thai phụ chứ không phải giết thai nhi. Lý luận của Bouscaren đáp ứng đươc nguyên tắc “hiệu quả kép,” và do đó, từ năm 1933, thủ thuật cắt đoạn vòi trứng được Giáo Hội Công giáo Rôma cho phép. [15]

Chỉ thị về Đạo đức và Tôn giáo cho bác sĩ, bệnh viện công giáo của Hội đồng Giám mục Canada và Mỹ, số 31 trình bày rõ ràng:

“Các biện pháp gây vô sinh tạm thời hay vĩnh viễn được cho phép khi:

a/ Chúng dẫn đến đồng thời sự điều trị, giảm nhẹ hay phòng ngừa một tình trạng bệnh lý trầm trọng.

b/ Khi không có một biện pháp điều trị thay thế khác, và

c/ sự vô sinh tự nó không phải là mục đích nhắm đến, và trong hoàn cảnh là hậu quả không tránh được.” [16]

Khi một người nhiễm HIV, ví dụ là người nam, tinh dịch của ông trong hành vi giao hợp là nguồn “gieo rắc sự chết”!!! Bao cao su dùng trong trường hợp này có hai tác dụng cùng lúc: tác dụng tốt là ngăn chận nguồn bệnh chết người, tác dụng xấu là ngừa thai. Theo Giáo huấn của Giáo Hội Công giáo, sự sống con người là một trong những “sự tốt lành cơ bản” (fundamental good). Xét về ý định của người dùng bao cao su trong hành động này, họ dùng bao cao su để ngừa bệnh, hậu quả ngừa thai chỉ là tác dụng phụ đồng thời, không được phải là mục đích nhắm đến. Như vậy, theo một số nhà thần học luân lý danh tiếng, như David Kelly, dùng bao cao su trong giao hợp khi một trong hai người bị AIDS để ngừa bệnh là hợp pháp về mặt luân lý. [17] Thật vậy, xét các trường hợp đã được Giáo Hội Công giáo Rôma cho phép trong các ví dụ nêu trên: dùng thuốc ngừa thai điều trị một số bệnh tử cung hay buồng trứng, cắt bỏ đoạn vòi trứng bệnh lý trong GEU để cứu mẹ dù đoạn vòi trứng này đang chứa phôi thai thì việc sử dụng bao cao su trong giao hợp để tránh cái bệnh ngặt nghèo cho người đối tác cũng rơi vào lôgic lý luận tương tự. Do đó, việc cho phép sử dụng bao cao su trong trường hợp một người bị nhiễm HIV không đi ngược lại với lôgic truyền thống giáo huấn của Giáo Hội Công giáo, mà chỉ là một thích nghi của luật tổng quát cấm ngừa thai vào trường hợp cụ thể của bệnh AIDS hiện nay. [18]

Mặt khác, Aristotle đề cập đến epikeia, nguồn gốc Hy Lạp có nghĩa là thích nghi, hữu lý. Sự ứng dụng các nguyên tắc của luật diễn tả bằng chữ viết có thể bị giới hạn và bị điều kiện hóa bởi hoàn cảnh lịch sử và bởi sự hiểu biết chưa đầy đủ vào một thời nhất định. Epikeia chú trọng đến tinh thần của luật, ý định của người làm luật. Thomas Aquinas nhìn nhận rằng epikeia là một nhân đức tích cực. Vị thánh thời Trung Cổ này khuyến khích áp dụng epikeia, một vận dụng lý trí khôn ngoan, vì nó nhắm đến kiện toàn lề luật, chứ không phải chỉ là một miễn trừ khỏi luật một cách hợp pháp. [19]

Việc sử dụng bao cao su còn liên quan về vấn đề công bình, tôn trọng quyền sống, hạnh phúc gia đình người bệnh; lợi ích chung của cộng đồng xã hội (xã hội phải tốn nhiều công của để điều trị căn bệnh hiểm nghèo này). Kinh nghiệm mục vụ của các Giáo Hội Công giáo địa phương khác như Phi Châu, Ấn Độ, Mỹ, v.v... cũng đi đến kết luận tương tự như bài viết này. [20]

3/ Đức Bênêđictô XVI khai mở cho sự “tái cấu trúc” của ý niệm hành vi “xấu tự thân”

Với sự chấp nhận việc sử dụng bao cao su, dù chỉ trong trường hợp người mại dâm nam, để ngăn ngừa lây nhiễm HIV, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã vượt qua được khó khăn trong luận lý về ý niệm hành vi “xấu tự nội tại”, một ý niệm vốn đã gây nhiều tranh cãi trong lãnh vực thần học luân lý suốt cả hàng thế kỷ qua. Ngài đã cho thấy rằng dù khi một hành vi được mô tả là “xấu tự thân”, trong mỗi trường hợp cụ thể mới, cũng cần xem xét ý hướng của chủ thể làm hành vi và hoàn cảnh nơi mà hành vi đó diễn ra, chứ không loại trừ cách tiên thiên.

Kết luận: Trong nhiều cuộc nói chuyện, Đức Thánh Cha Bênêđictô liệt kê các biện pháp ngăn ngừa sự lan tràn của AIDS, bao gồm kiêng cữ vợ chồng sống khiết tịnh, trung thành trong hôn nhân, chống nghèo đói. Ngày 13/8/2006, trong cuộc phỏng vấnĐức Thánh Cha Bênêđictô XVI dành cho hãng truyền hình Đức, đề cập đến vấn đề luân lý gia đình, ngài nói: “Kitô giáo, Công giáo không phải là nơi tập trung những cấm đoán, mà là nơi có chọn lựa tích cực.” [21] Điều đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh là với tư cách Kitô hữu, chúng ta đón nhận lời dạy của Huấn quyền như lời mời gọi tích cực: các vợ chồng mà một trong hai bị nhiễm HIV/ AIDS sống giá trị Tin Mừng cụ thể bằng cách hy sinh hành vi tình dục diễn tả tình yêu mà thay vào đó giá trị siêu nhiên và thiêng liêng của đời sống hôn nhân. Những vợ chồng sống được lời dạy đó thật đáng quý và làm chứng rằng đời sống con người, riêng ở trường hợp của họ, đời sống vợ chồng Kitô hữu, còn những giá trị siêu nhiên khác, siêu vượt quá phương diện thể lý thân xác. Tuy nhiên, hoàn cảnh và nền tảng giáo dục, thiêng liêng, luân lý mỗi người thật khác nhau, phải thực tế đủ để nhìn nhận rằng kiêng cữ hành vi giao hợp là không thể đạt được đối với mọi cặp vợ chồng công giáo khi một trong hai nhiễm HIV. Trong trường hợp đó, dựa theo lý luận như trên, một số nhà thần học luân lý và cả một số giám mục nhận định việc dùng bao cao su nên được coi là hợp pháp về mặt luân lý.

Công Đồng Vaticanô II khuyến khích giáo dân đóng góp cho Huấn quyền “Tất cả giáo dân, giáo sĩ, đều được quyền tự do tư tưởng và quyền diễn tả trí thức, tư tưởng của họ một cách khiêm nhường và can đảm, trong những vấn đề thuộc lãnh vực chuyên môn của họ” (Gaudium et Spes, 62). Trên đây là những suy tư, thao thức tôi viết với tư cách cá nhân là nhà thần học luân lý, và đồng thời ước mong giúp người nhiễm HIV/ AIDS tại Việt Nam cũng như trên thế giới, được sống “dồi dào” hơn trong hoàn cảnh của họ, với những hiểu biết hạn chế hiện tại của y khoa.

Bác sĩ Trần Như Ý-Lan

–––––––––––––––––––––––––––––––

[1] Zéphyrin Kouadio, “Le pape Benôit reconnaît le rôle du préservatif,” RFI, <http://www.rfi.fr/emission/20101123-2-le-pape-benoit-xvi-reconnait-le-role-preservatif>

[2] Nicole Winfield and Frances D’Emilio, Associated Press, “Pope says some condoms use ‘first step’ of morality,” <http://news.yahoo.com/s/ap/20101120/ap_on_re_eu/eu_pope_condoms> (20/11/2010).
[3] Victor L. Simpson, Associated Press, “Condom remarks may alter AIDS fight, pope’s legacy,” <http://news.yahoo.com/s/ap/20101121/ap_on_re_eu/eu_pope_condoms> (21/11/2010)

[4] Ian Fisher, “AIDS, Condoms, and the Magisterium,” New York Times ( 1/5/ 2006),<http://www.mirrorofjustice.com/mirrorofjustice/2006/05/aids_condoms_an.html> (14/8/2006).

[5] “Pope Benedict discusses condoms and the spread of HIV,” một đoạn trích trong Light of the World, Peter Seewald’s book-length interview with Pope Benedict XVI, 2010, Chương 11, “The Journeys of a Shepherd,” tr. 117-119.

[6] Ibid.,

[7] Xem Most Rev. Anthony M. Pilla, “Statement on Developing an Approach by the Church to AIDS Education,” Origin 16 (1987): 692-93; James Keenan, “Applying the Seventeenth-Century Casuistry of Accommodation to HIV Prevention,” Theological Studies 60 (1999): 492-512; Charles Bouchard and James Pollock, “Condoms and the Common Good,” Second Opinion 12 (1989) 98-106; David Hollenbach, “AIDS Education: The Moral Substance,” America 157 (1987): 493-94; Michael Place, “The Many Faces of AIDS,” America 158 (1988): 41; Enda McDonagh, “Theology in a Time of AIDS,” Irish Theological Quaterly 60 (1994): 81-99; David Kelly, Critical Care Ethics (Kansas City: Sheed and Ward, 1991), 204-9; “Belgian cardinal says condom may be ‘lesser evil’,” Catholic World News, (10/3/2006) <http://www.cwnews.com/news/viewstory.cfm?recnum=42903> (14/8/2006).

[8] “Pope Benedict discusses condoms and the spread of HIV,” một đoạn trích trong Light of the World, Peter Seewald’s book-length interview with Pope Benedict XVI, 2010, Chương 11, “The Journeys of a Shepherd,” tr. 117-119.

[9] Ibid.,
[10] Victor L. Simpson, Associated Press, “Condom remarks may alter AIDS fight, pope’s legacy,” <http://news.yahoo.com/s/ap/20101121/ap_on_re_eu/eu_pope_condoms> (21/11/2010)

[11] Xem James Bretzke, SJ, A Morally Complex World: Engaging Contemporary Moral Theology, (Manila, 2004), tr. 69-77.

[12] Phần lớn ý tưởng đoạn này được lấy từ James Brekzke, A Morally Complex World (College Ville, MN: Liturgical Press, 2004), 69-77.

[13] David Kelly, Contemporary Catholic health Care Ethics (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 2004), 99-120.

[14] Trong vài năm gần đây, giới y khoa không Công giáo còn thực hiện một phương pháp mới là dưới hướng dẫn của siêu âm, thầy thuốc tiêm methotrexate trực tiếp vào thai nhi nằm ngoài tử cung, thai nhi sẽ chết và tiêu hủy từ từ, thai phụ không bị phẩu thuật và ngoài ra, chức năng sinh sản được bảo tồn. Phương pháp này hiển nhiên bị cấm bởi Giáo huấn của Giáo Hội Công giáo Rôma vì nó trực tiếp giết chết phôi thai.

[15] Xem Lincoln Bouscaren, Ethics of Ectopic Operations (Chicago: Loyola University Press, 1933).

[16] Trích trong Gerald Kelly, S.J., Medical Moral Problems (St. Louis, Missouri: The Catholic Hospital Association of the United States and Canada, 1958), 183-4.

[17] David Kelly, Critical Care Ethics, (Kansas City: Sheed and Ward, 1991), 204-9; Béla Somfai, “AIDS, Condoms, and the Church,” Compass (Nov. 1987):44; Dennis Regan, “Perspective from Moral Theology,” Dossiers and Documents; The Pandemic of AIDS: A Response by the Confederation of Caritas International (Feb. 1988): 58-67.

[18] Xem James F. Keenan, “Applying the Seventeenth-Century Casuistry of Accomodation to HIV Prevention,” Theological Studies60 (1999): 492-512.

[19] James Brekzke, A Morally Complex World, 217.

[20] Để hiểu biết chi tiết vấn đề này, xem James F. Keenan, ed. Catholic Ethicists on HIV/AIDS Prevention.

[21] “Pope Benedict XVI,” From Wikipedia, the free encyclopedia, <http://en.wikipedia.org/wiki/Pope_Benedict_XVI> (30/8/2006).



Bác sĩ Trần Như Ý-Lan


Theo hoidonggiammucvietnam.org

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét