Home » » Hãy cứu những phôi thai vô tội

Hãy cứu những phôi thai vô tội

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD


Điều răn thứ V Chúa đã truyền dạy “Chớ giết người”. Vậy thì không ai được phép giết người, ngay cả giết thai phôi, bởi vì thai phôi cũng là con người khi trứng của người đàn bà và tinh trùng của người đàn ông kết hợp với nhau thành công thì sự sống đã có và bắt đầu.


Càng ngày khoa học càng tiến bộ thì người ta lại càng làm ra được nhiều việc đặc biệt và lạ lùng. Người ta có thể tạo ra được một con vật hay một người giống y chang con vật chủ hoặc người chủ mà không cần sự phối hợp giữa tinh trùng nam và trứng của người đàn bà. Đó là kỹ thuật DNA cloning. Con cừu đầu tiên được tạo thành theo cách này vào năm 1996 nhưng cũng không sống được lâu và chết khi 6 tuổi (2003). Từ đó người ta nghĩ đến cách tạo ra con người theo kỹ thuật này, nhưng bị dư luận phản đối vì nhiều lý do luân lý đạo đức nên ý định đó đã không được thực hiện?

Đồng thời với những lý do nhân đạo, y khoa và trị liệu, người ta đã dùng những tế bào gốc (sterm cells) của thai phôi để chữa những bệnh hiểm nghèo mà hiện y khoa bị bó tay. Thế là người ta đã cho thụ thai nhân tạo bằng cách lấy trứng của người đàn bà và tinh trùng của người đàn ông đem cấy cho thụ thai ở phòng thí nghiệm (in vitro fertilization, IVF). Khi trứng đã đậu, bác sĩ sẽ dùng những thai phôi đó để chữa bệnh hoặc sẽ chuyển cái thai phôi đó đặt vào trong dạ con / tử cung của người đàn bà. Người đàn bà này sẽ cưu mang cái bào thai đó để nó phát triển cho đến ngày khai hoa nở nhụy, gọi là người mang thai hộ hay đẻ mướn cho những cặp vợ chồng hiếm muộn muốn có con.

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều bệnh viện với những bác sĩ chuyên môn đặc trách công việc này như một kỹ nghệ thương mại.

Đây là một vấn đề rất quan trọng liên quan đến luân lý, đạo đức y học và phẩm giá con người. Người ta đã lợi dụng triệt để thai phôi con người như những con vật để làm thí nghiệm và sử dụng nó với mọi mục đích bất kể tốt xấu.



SỐ PHẬN CỦA 600,000 THAI PHÔI HIỆN CÓ.


Người ta phỏng đoán tính đến năm 2003 số thai phôi được giữ đông lạnh trong phòng thí nghiệm trên toàn quốc Hoa Kỳ có chừng 400,000
[1] và con số này tăng lên mỗi năm 19,000 cái nữa [2]. Như vậy tính đến năm 2010 sẽ có khoảng 500,000-600,000 cái thai phôi người được tồn trữ dưới dạng đông lạnh.

Mặc dù phần lớn những thai phôi này đã có người nhận mua để cho “thụ thai trong tương lai”, nhưng ai cũng biết rằng đa số những cặp vợ chồng đã thành công thụ thai kiểu này một lần rồi sẽ chẳng bao giờ muốn tiếp tục một lần nữa đầy gian nan và phiền toái, lại phải trả thêm số tiền ít nhất cũng phải $20,000. Như vậy có thể nói rằng đa số trong số 600,000 cái thai phôi đó sẽ chẳng bao giờ được cấy vào tử cung của người đàn bà và, dĩ nhiên nó sẽ phải chết thôi….


HÃY CỨU NHỮNG THAI PHÔI

Vậy thì làm sao để cứu những thai phôi này? Dù có những kỹ thuật tân kỳ hiện đại, cho đến nay để cho những thai phôi đó được sống, chỉ có cách duy nhất là đem cấy nó vào dạ con / tử cung một người đàn bà để cho nó được sinh ra làm người. Nhiều người Kitô giáo trong đó đa số là Tin Lành, dĩ nhiên có cả Công Giáo, đề nghị những cặp chủ những thai phôi đó nên tặng cho những cặp khác để họ nhận “làm con nuôi”. Bác sĩ sẽ cấy thai phôi đó vào tử cung người vợ của những cặp nhận con nuôi này để chúng được tiếp tục phát triển và sinh ra làm người.

Là người công giáo, chúng ta nghĩ sao về cách giải quyết này? Giáo Hội Công Giáo dạy chúng ta thế nào? Để có câu trả lời, chúng ta thử tìm hiểu giáo huấn của Giáo Hội.


GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ LUÂN LÝ SINH HỌC.


Cho đến khi Thánh Bộ Giáo Lý & Đức Tin cho ra tập tài liệu “Phẩm Giá Con Người / Dignitas Personae” nói về luân lý sinh học vào tháng 12 năm 2008, Giáo Hội vẫn chưa chính thức đưa ra một phương cách nào để giải quyết vấn đề này. Một số nhà thần học trung thành với huấn quyền đã tán trợ ý kiến cho nhận “làm con nuôi”, một số chống đối. Nhưng cả hai phía đều tỏ ra thất vọng về thông điệp Phẩm Giá Con Người.

Mặc dù thông điệp đã dành ra hai đoạn nói về việc Nhận Làm Con Nuôi (DP.19) nhưng lại không đưa ra một phán quyết luân lý nào để áp dụng mà chỉ yêu cầu một số người công giáo, gồm cả những nhà thần học phải thận trọng. Vậy là coi như kết án việc nhận làm con nuôi. Nhưng cho đến giờ chưa có một kết tội nào đã xẩy ra. Bản bình luận rất rõ ràng của HĐGMHK về thông điệp Phẩm Giá Con Người dưới hình thức Câu Hỏi và Trả Lời [3] được đưa ra cùng với bản văn vào tháng 12 năm 2008 và bản tin đưa ra báo chí do văn phòng liên lạc truyền thông ngày 20 - 12 - 2008. Cả hai đều xác nhận rằng thông điệp Phẩm Giá Con Người đã không đưa ra phán quyết rõ ràng để thực hành [4] .

William E. May, thành viên trong tổ chức Văn Hóa Nền Tảng Đời Sống [5] hai năm trước đây đã đưa ra bản giải thích thông điệp Phẩm Giá Con Người về vấn đề “Nhận thai phôi làm con nuôi” và được sự tán đồng của HĐGM. Bản giải thích này có thể được coi là một hướng dẫn đáng tin cậy để đọc thông điệp Phẩm Giá Con Người.


NHẬN THAI PHÔI LÀM CON NUÔI CÓ HỢP LUÂN LÝ ĐẠO ĐỨC KHÔNG?


Thay vì bàn luận về giáo huấn trong thông điệp Phẩm Giá Con Người, phần dưới đây chúng tôi sẽ dựa vào những tư tưởng cập nhật mới nhất về phán quyết luân lý theo thần học công giáo để cắt nghĩa vấn đề.

Bất cứ một tín hữu công giáo nào muốn đi đến một phán quyết đúng về một vấn đề nào đó thuộc phạm vi luân lý mà chưa có quyết định bởi đấng thẩm quyền về giáo huấn công giáo thì phải điều nghiên xem nó có được đa số những nhà thần học công giáo đồng ý hay không. Nếu có, thì chúng ta nên dùng những ý kiến chung đó làm tiêu chuẩn đáng tin cậy để nhận biết điều gì là đúng. Nhưng thực ra những ý kiến đó cũng có thể sai lầm, vì vậy chúng ta không nên tin vào đó một cách tuyệt đối như chúng ta chấp nhận những giáo huấn do Chúa mặc khải, mà phải xem xét cẩn thận và so sánh với những sự thật rõ ràng và trong sáng khác.

Ngược lại nếu không có được đa số đồng thuận như trên mà lại không có ý kiến chuyên môn và hướng dẫn của giáo quyền, thì người tín hữu phải cẩn thận xem xét những ý kiến tốt nhất, đồng ý cũng như không đồng ý về vấn đề của mình rồi chọn ý kiến tốt nhất. Nên nhớ rằng; Một việc không đúng, bởi vì Giáo Hội dạy vậy; Giáo Hội dạy vậy bởi vì việc đó đúng. Sự thật là điều mà chúng ta phải theo đuổi.

Cho đến nay, Giáo Hội vẫn chưa có giáo huấn rõ ràng về việc nhận nuôi thai phôi và cũng không có đa số ý kiến đồng thuận của những nhà thần học đáng tin cậy và có thê giá, nên chúng ta vẫn cần phải học hỏi, bàn luận và tranh cãi tự do.…


NHỮNG Ý KIẾN CHỐNG ĐỐI


Nhà đạo đức học có thế giá Úc Đại Lợi là Nicholas Tonti-Filippini đã chống đối việc nhận thai phôi làm con nuôi. Quan niệm và lập luận của ông vừa được nêu ra đã có nhiều người công giáo chia sẻ và tán đồng. Ông lý luận rằng: Đem cấy vào dạ con của một người đàn bà hay người vợ, một cái thai phôi không do chính vợ chồng họ tao ra, thì người đó sẽ tự cảm thấy là mình lỗi đạo phu-thê, phạm đến thánh tính của phép hôn phối. Nó có cái gì sai trái bất ổn ở trong đó. Lập luận của Tonti-Fhilippini quả đã đánh đúng trái tim tình cảm con người.

Ông kết luận: Mang một bào thai không liên quan máu mủ gì với mình là lỗi luật / vi phạm phép hôn phối Chúa đã phán là “Trở Nên Một” khi hai người nam và nữ lấy nhau thành vợ chồng. Người đàn bà hay vợ chỉ đươc có thai qua chuyện “chăn gối” với chồng mình mà thôi. Trường hợp nhận thai phôi làm con nuôi là người đàn bà / người vợ mang thai một cách khác thường không qua chuyện chăn gối vợ chồng do phép hôn phối. Đứa con đó là đứa con ngoại hôn. Hành động đó tự nó đã là xấu rồi. Dùng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt là cứu mạng người là không được.

Đào sâu lý do tại sao có sự cấm đoán (luân lý) đó, ông Tonti-Filippini đề xuất vấn đề ý nghĩa của việc thụ thai. Ông cho rằng thụ thai là biểu hiện sự liên đới giữa người mẹ và đứa con. Nó phải hoàn toàn kết hợp với nhau một cách tinh tuyền, nghĩa là đứa con hoàn toàn là của người mẹ; không phải chỉ nằm ở trọng bụng mẹ là đủ mà còn phải có sự liên kết thân thiết máu huyết thực sự. Người mẹ phải là mái ấm gia đình, nơi trú ẩn thực sự của đứa con đúng nghĩa của nó, một mái nhà mà đứa trẻ cần phải có do sự liên đới mẹ con với nhau, trong đó hai mẹ con hoàn toàn chia sẻ với nhau, liên hợp với nhau từ tinh thần đến thể xác, cách điều hòa sinh hoc và phát triển sinh lý một cách mật thiết. Sự liên hợp thân thiết này không thể đi song hành mà phải hòa trộn với nhau không được phân cách. Đúng ra thụ thai là một hiện thân hay một nối dài của tình nghĩa hòa hợp phu thê. Nói gọn lại thụ thai phải do tình liên đới hòa hợp tinh thần và xác thịt vợ chồng. Trường hợp nhận thai phôi làm con nuôi là thụ thai ngoại hôn, không do tình nghĩa phu-thê.

Riêng tôi, xin được tiếp lời như sau: Lý luận của Tonti-Filippini dựa trên việc thụ thai phải do hôn nhân. Bởi vì hành động chăn gối vợ chồng bao gồm hai ý nghĩa của hôn nhân: nghĩa là thụ thai phải do hành động “ giao hoan vợ chồng”. Khi hai người cưới nhau là đã cam kết chuyện “chăn gối” để người vợ mang thai. Chuyện mang thai này không phải chỉ là kết quả của việc “chăn gối”, nhưng nói theo luân lý đạo đức hoc, tự bản chất nó còn là một yếu tố của việc giao hoan giữa hai vợ chồng. Vì vậy “hành động chăn gối” không phải luôn luôn chỉ để người vợ mang thai. Nhận thai phôi làm con nuôi là cố ý tách rời việc thụ thai ra khỏi việc chăn gối vợ chồng. Do đó nó làm sai lạc hành động chăn gối giữa hai vợ chồng, chống lại hôn nhân, phạm tội ngoại tình. Còn nhiều loại lý luận khác ta có thể thấy nơi những nhà đạo đức học đáng kính khác như Luke Gormally, Mary Geach, và linh mục Tadeusz Pacholczyk.


THỤ THAI VÀ HÔN NHÂN


Ở một khía cạnh nào đó ta thấy lý luận trên là đúng. Nhưng trọng tâm vấn đề ở đây là “Cứu cái bào thai vô tội”. Vì vậy nếu vấn đề chính là cứu bào thai mà lý luận không vững thì cái tiền đề và kết thúc cũng phải dẹp bỏ. Tiền đề cho là thụ thai phải do sự giao hợp vợ chồng chính thức và thụ thai / mang thai cũng phải có tính đạo đức là một sai lầm, đồng thời lẫn lộn giữa luân lý đạo đức và chuyện thụ thai và vợ chồng giao hợp. Vợ chồng giao hợp phải có ý định sinh con như đã được xác định và lưu truyền trong kinh thánh từ xưa đến nay. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ người đàn bà thụ thai mà ở chỗ là có một con người mới xuất hiện trên trái đất này. Con người mới này được hoàn thành từ lúc có sự kết hợp thành công của hai tinh trùng nam và nữ (fertilization) để sáng tạo ra con người (procreation), rồi từ đó công việc thụ thai (pregnancy) bắt đầu.

Ở thế giới lý tưởng không tội lỗi, hai công việc sáng tạo và thụ thai không bao giờ tách rời nhau, cũng như sáng tạo và hôn nhân (không tách biệt nhau). Trái lại trong thế giới tội lỗi, chúng ta thấy có những đứa con ra đời do ngoại hôn, vì bị hiếp dâm, ngoại tình và loạn luân. Chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những đứa trẻ vô tội đó chỉ vì chúng sinh ra do tình trạng vị phạm giới răn Chúa. Mặc dù chúng ta chống lại những hành động đã sinh ra chúng, nhưng chúng vẫn có quyền sống và đáng được hưởng một tương lai tốt đẹp nhất có thể.

Cũng hoàn toàn có lý khi nói rằng một người đàn bà chỉ có thể thụ thai do việc chăn gối vợ chồng chính thức, do đó người đàn bà mang cái bào thai trong bụng mình là bình thường và hợp đạo lý. Nhưng làm thụ thai trong phòng thí nghiệm lại cho là lỗi đạo. Vì bị cho là lỗi luật Chúa mà không giúp chúng có nơi để phát triển sinh ra làm người như những đứa con ngoại hôn, không đúng luật hôn nhân…hẳn là bất công. Cho rằng chúng ở trong tình trạng tội lúc khởi đầu, nhưng chúng vẫn phải được hưởng một tương lai tốt đẹp nhất, một nơi trú ẩn trong bụng một người đàn bà để sinh ra làm người, làm con một cha chung ở trên trời. Cũng là người chúng phải có mọi quyền lợi như tất cả những đứa trẻ khác, có quyền hưởng công lý trong xã hội loài người, hưởng ân huệ và bác ái của Chúa và Giáo Hội.

Chỉ vì kết án hành động thụ thai của người đàn bà mà tước đoạt luôn cả quyền sống của đứa con là lỗi đạo đức, công bằng và bác ái.

Theo như lập luận của Tonti-Filippini và những người theo ông chống lại việc nhận thai phôi làm con nuôi thì ý nghĩa của của sáng tạo con người (Procreation / IVF) và thụ thai (Pregnancy) là một thực tế luân lý, do đó đã đi đến một kết luận kinh hoàng, ngược lại cả trực giác, rằng luân lý đạo đức đòi hỏi chúng ta phải để cho cả hàng trăm ngàn “người” phải chết; buộc chúng ta phải quên đi cái trách nhiệm của chúng ta đối với hơn 600,000 cái thai phôi hiện có và ngưng tồn trữ chúng dưới dạng đông lạnh để cho chúng chết. Đối với họ luân lý đạo đức và phẩm giá con người đòi hỏi chúng ta phải từ chối không cứu giúp những thai phôi đó!


CẢM GIÁC GHÊ TỞM

 
Như vậy thì làm sao có thể tưởng tượng nổi cái cảm giác ghê tởm của một số người công giáo thuần thành? Có hai điều cần suy nghĩ:


Thứ nhất, việc thụ thai trong phòng thí nghiệm đã gây một phản ứng tiêu cực về việc nhận thai phôi làm con nuôi, bởi vì thái độ của những cặp vợ chồng nhận thai phôi làm con nuôi cũng giống như những cặp hiếm muộn nhận thai phôi từ phòng thí nghiệm để có con. Trong cả hai trường hợp, thai phôi đều được chuyển từ phòng thí nghiệm đem cấy vào dạ con người đàn bà. Cái giống nhau của hai trường hợp này đến đó là hết. Một bên vì mục đích có con, một bên vì việc thiện. Cái ác độc của các ông bác sĩ thực hiện việc thụ thai trong phòng thí nghiệm không phải ở chỗ họ di chuyển/cấy cái thai phôi đó vào người đàn bà, mà ở chỗ là họ tạo dựng những mầm sống / những đứa trẻ trong phòng thí nghiệm một cách bất chính. Nếu việc cấy cái thai phôi đó vào bụng người đàn bà tự nó đã là vô đạo đức rồi thì những cặp hiếm muộn muốn có con qua việc thụ thai trong phòng thí nghiệm cũng phải bị cấm chỉ, không được cưu mang đứa trẻ để chúng ra chào đời hay sao? Kết luận như vậy chắc chắn là sai lầm.

Thứ hai, tình mẫu tử của người mẹ mang đứa con trong bụng mình 9 tháng mười ngày có thể nói là độc nhất vô nhị, vì sự liên hệ sinh học giữa người mẹ và đứa con, là sợi dây liên kết đặc thù không thể thiếu giữa hai mẹ con. Nhưng xác quyết đó không thể giải quyết được vấn nạn là việc cứu những thai phôi đang bị đe dọa có hợp lý hợp tình không sau khi nó được cho ra đời một cách bất công?

Tương tự như trường hợp nhận làm con nuôi một đứa bé đã sinh ra đời làm người rồi thì đâu có khác gì nhận một cái thai phôi trước khi nó được cấy vào bụng người đàn bà cho nó thụ thai. Người đàn bà đó đã dùng cái dạ con / tử cung của mình để nuôi dưỡng cứu mạng một con người đang gặp nguy hiểm. Nếu cả hai vợ chồng đồng ý thì đâu có thể nói là lỗi luật phu thê, đâu có khác gì một người đàn bà nuôi dưỡng bằng sữa của mình một đứa bé con nuôi khi nó vừa mới cất tiếng khóc chào đời.

Trong cả hai trường hợp, người đàn bà đều cung cấp cho đứa trẻ những nhu cầu cần thiết nhất, là nuôi dưỡng nó bằng chính thân xác mình. Cái quan tâm chính của bà ta không phải cho bà ta mà là cho đứa nhỏ. Bà ta đã lấy chính thân xác của bà ta làm một món quà vô vị lợi cho đứa nhỏ đang lúc nó cần thiết nhất. Tonti-Filippini đã không chứng minh được việc người đàn bà mang thai tự nó là có tội khi bà ta không có liên quan gì đến việc giao hoan vợ chồng.


TIÊU CHUẨN LUÂN LÝ ĐẠO ĐỨC

Ba tiêu chuẩn luân lý đạo đức cần phải có để cứu xét việc nhận thai phôi làm con nuôi:


1- Bảo vệ sự cấu tạo con người (Human procreation)

2- Bảo vệ việc chăn gối vợ chồng (Marital intercourse)

3- Ngăn cấm việc đẻ mướn (Surrogacy)

Để coi việc nhận thai phôi làm con nuôi có hợp đạo đức không, ta phải xem nó có vi phạm những tiêu chuẩn trên không. Cả hai thông điệp Donum Vitae và Dignitas Personae đều dạy rằng sự sống của một con người mới chỉ được hiện hữu hợp pháp trong khuôn khổ việc chăn gối vợ chồng mà thôi.

Việc nhận thai phôi làm con nuôi không vi phạm những tiêu chuẩn trên, bởi vì nó không liên quan gì đến chuyện tạo ra một sự sống mới ở trên trái đất này, mà đúng ra một sự sống con người đã có trước ở trong phòng thí nghiệm rồi. Nó không thể bị đả kích là đã tạo ra con người (tiêu chuẩn 1). Cả hai tài liệu Donum Vitae và Dignitas Personae đều dạy rằng chiều kích cấu tạo và hợp nhất của hành động “chăn gối vợ chồng” không bao giờ được cố tình phân cách. Nhưng nhận thai phôi làm con nuôi không liên quan gì tới việc chăn gối vợ chồng, không có bất cứ một cử động sắc dục nào ở trong đó. Do đó tiêu chuẩn bảo vệ sự tinh toàn của hành động chăn gối vợ chồng (tiêu chuẩn 2) không dính dáng gì tới việc nhận thai phôi làm con nuôi.

Sau cùng, cả hai tài liệu Donum Vitae và Dignitas Personae đều kết án việc đẻ mướn. Chúng ta phải coi việc nhận thai phôi làm con nuôi có dính dáng gì đến chuyện đẻ mướn không. Mặc dù bề ngoài hai chuyện đó giống nhau là cùng chuyển cấy cái thai phôi không phải là của họ vào dạ con người đàn bà để nó thụ thai và triển nở cho đến ngày đứa trẻ chào đời. Nhưng về mặt luân lý hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau. Cái quỉ quái của người đẻ mướn không phải ở chỗ họ muốn mang thai và cưu mang cái bào thai không phải của họ mà là họ cộng tác, a tòng với tội lỗi của kẻ làm thụ thai trong phòng thí nghiệm. Họ ký kết với “bố mẹ” của cái thai phôi được thụ thai trong phòng thí nghiệm để cưu mang trong người đến khi sanh đẻ xong thì trao đứa bé lại cho cha mẹ nó để lấy tiền. Người đẻ mướn đã chia sẻ tội ác của kẻ đả tạo ra con người trong phòng thí nghiệm một cách bất chính. Ngược lại, người đàn bà nhận con nuôi họ nhận cái thai phôi làm con một cách ngay thẳng, vì tình thương bác ái; họ ân hận buồn phiền vì cái thai phôi được tạo lập một cách bất công, họ phản đối không chấp nhận kế hoạch chương trình tội ác của những ông bác sĩ tạo ra thai phôi trong phòng thí nghiệm.

Nhận thai phôi làm con nuôi với mục đích cứu mạng sống một người đang trong tình trạng nguy hiểm là một hành động tốt với mục đích tốt thì đương nhiên về mặt luân lý nó là chính đáng, nên làm và đúng. Mặc dù đôi khi trong những trường hợp đặc biệt có thể có những chọn lựa sai lầm, như biết mình nhận con nuôi là một gánh nặng sẽ làm tổn thương, giảm sút việc hoàn thành nhiệm vụ đang có của mình. Tuy nhiên hành động chọn lựa đó tự nó không phải là tội ác.


KẾT LUẬN

 
Chúa đã phán dạy “Không Được Giết Người”. Do đó cứu những thai phôi / con người đang trong tình trạng nguy hiểm hiển nhiên là được phép. Tuy nhiên thực tế cuộc đời có nhiểu khúc mắc oái uăm, luân lý đạo đức cũng có những trường hợp ngoại lệ, luật pháp loài người có lúc thế này lúc thế kia, phải chăng cứu mạng sống một người có khi không cần thiết, giết một người có thể không có tội?

Đó là những nan đề. Trong khi Giáo Hội chưa có những giáo huấn rõ ràng để thực hành, mỗi người Công Giáo chúng ta có thể có những suy luận, lý đoán riêng để tìm câu trả lời. Có nên cứu những thai phôi đã được tạo ra trong phòng thí nghiệm không?

Chúng tôi mời gọi tất cả mọi người nhất là những ai thích thú vấn đề, tham gia đóng góp ý kiến.


Fleming Island, Florida

25-4-2010

NTC


----------------
[1] According to the 2003 RAND-SART Report (www.rand.org/about/annual report/2003/RAND 2003 Annual Report.pdf), the most reliable study to date.

[2] Casey, Samuel B. 2007. The Frozen Waiting to be chosen: Human Embryo Adoption in America. The Christian Lawyer 3(2): 13.

[3] www.usccb.org/comm/Digitaspersonae/Q and A.pdf

[4] www.usccb.org/comm/archives/2008/08-196.shtml

[5] Culture of Life Foundation.


conggiaovietnam.net

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét