Home » » Đẻ con theo ý muốn hay là sát nhân

Đẻ con theo ý muốn hay là sát nhân

Bs. NGUYỄN TIẾN CẢNH, MD,
Fleming Islands, Florida 7.2.2009

Đăng lại từ đặc san Giáo Sĩ Việt Nam số 87

Trong một bài viết trước, tôi đã nêu vấn đề nghiên cứu tế bào gốc (Stem cell) và việc thụ thai nhân tạo với những lợi hại của nó dựa trên quan điểm của Giáo Hội Công Giáo. Bài viết này cũng liên quan đến vấn đề đó, nhưng chú trọng đến những nghiên cứu tìm hiểu của một số nhà nghiên cứu đã đi quá xa.


Mục đích tiên khởi của việc nghiên cứu tế bào gốc là tìm ra phương cách chẩn đoán và chữa trị để giúp con người hết bệnh tật, sống vui khỏe và hạnh phúc. Tuy nhiên, việc nghiên cứu không chỉ dừng ở đó, nó sẽ biến thiên ra nhiều ngõ ngách khác, có thể tốt có thể xấu. Nhưng hậu quả xấu đó có đáng và hợp với luân lý đạo đức không thì ta còn cần phải tìm hiểu và điều nghiên thêm. Biết trước và phòng ngừa là việc cần thiết và phải làm. Là người công giáo chúng ta luôn luôn tôn trọng sự sống dù nó còn là hài nhi, hay vẫn ở tình trạng thai phôi trong bụng mẹ (hoặc trong phòng thí nghiệm) hay đã sinh ra đời, lớn lên, thành già cả, lẩm cẩm và bệnh tật.

Mới đây sau những ngày vui mừng Chúa Giáng Sinh, tại Anh Quốc đã xẩy ra một cuộc tranh luận về việc phá thai, giết chết hài nhi còn trong bụng mẹ chỉ vì đứa nhỏ có tính di truyền dị tật bất thường.

Báo Guardian ngày 12.1.2009 đã loan tin Trung Tâm nghiên cứu bệnh Autism thuộc viện đại hoc Cambridge có thể tìm ra lý do một đứa nhỏ bị autism từ lúc còn trong bụng mẹ. Nghiên cứu một nhóm 235 hài nhi, các bác sĩ đã khám phá thấy có dấu chỉ bệnh autism khi lượng kích thích tố nam khá cao trong nước lồ ố của người đàn bà mang thai. Giáo sư Simon Baron - Cohen, giám đốc chương trình nghiên cứu đã đặt vấn đề trên tờ báo Guardian: “Nếu chúng ta có một thử nghiệm cho biết một đứa trẻ có bệnh autism trước khi nó chào đời thì thử hỏi đó là điều vui hay buồn ?” - “Chúng ta sẽ mất gì - Giáo sư nêu thắc mắc – nếu một đứa trẻ bị autism bị loại ra khỏi gia đình và cộng đồng xã hội và nhân loại ?”

Bài báo cho thấy, theo nhận xét của tổ chức autism quốc gia thì một thử nghiệm cho biết trước đứa trẻ sẽ bị autism có thể đưa lại một số kết quả tích cực tốt là cha mẹ đứa trẻ có thời giờ sửa soạn tâm tư mình hầu tìm phương cách yểm trợ, giúp đỡ, an ủi đứa trẻ khi nó chào đời, hòa nhập với gia đình và cộng đồng xã hội. Ngược lại, ký giả Charlotte Moore đã nêu ra trường hợp của chính bà có hai người con bị autism. Bà cho biết gánh nặng hai đứa con bị autism đã đè nặng chĩu lên vai hai vợ chồng bà, cho nên bà sợ rằng một khi thử nghiệm được đưa ra thị trường thì nhiều bà mẹ sẽ cho phá thai khi mà thử nghiệm cho biết con họ bị bệnh autism cũng như trường hợp những đứa con bị hậu chứng Down’s vậy.

Tuy nhiên, theo ý kiến của bà, bà sẽ không chủ trương giết con bà. Bởi vì: “Cuộc sống của gia đình chúng tôi – bà nói – cũng giàu sang và có ý nghĩa như mọi gia đình khác; cuộc sống của con tôi cũng như của chính chúng tôi cũng không thể vì vậy mà trở nên thê lương khốn khổ được.”

Bà kết luận: “Một xã hội mà chỉ nhằm vất bỏ đi tất cả những gì khác thường khó chịu làm cho mình bực bội thì không phải là là một xã hội mà tôi ước mong sống”.


ĐỨA TRẺ KHÔNG BỊ UNG THƯ

Tin đứa trẻ bị autism được loan báo ngay sau khi đứa trẻ đầu tiên tại Anh Quốc chào đời theo cách thụ thai nhân tạo không có di truyền ung thư vú. Theo tường trình của tờ báo Scotsman ngày 10.1.2009 thì một cặp vợ chồng bị bệnh hiếm muộn đã đến Đại Học London để mong có con bằng cách thụ thai nhân tạo. Trong khi thực thi thụ thai, thai phôi đã phải đi qua nhiều tiến trình thử nghiệm xem có chứa di tính (gene) ung thư vú không (BRCA1) trước khi cấy phôi đó vào dạ con của người đàn bà.

Bài báo còn cho biết: Di tính ung thư vú của những người đàn bà cho trứng có tỷ lệ là 80%. Ký giả Michaela Aston thuộc cơ quan Đời Sống Bác Ái đã biểu lộ nỗi ưu tư của bà trên tờ Scotsman: “Cơ quan chúng tôi – bà nói – luôn luôn vui mừng sung sướng mỗi khi hay tin các hài nhi vừa ra đời và hân hoan đón chào trẻ thơ đầu tiên này gia nhập cộng đồng xã hội và thế giới. Tuy nhiên bà cũng không khỏi băn khoăn áy náy về những thai phôi kia đã bị vất bỏ chỉ vì bị coi là có di tính bất thường tàn tật, không có đời sống đáng giá”.

“Chúng ta nên nhớ rằng – Bà tiếp tục lên tiếng – chúng ta còn có nhiều thứ quan trọng và quí giá hơn tất cả những di tính của chúng ta”.

Bản tin cũng đánh động mạnh ông W. Saletan, một tay viết có giá của tạp chí quốc gia trên American online. Ngày 14.1.2009 Saletan đã lột trần những lời khoa trương lếu láo của báo chí Đại Học London đưa ra là “Đứa trẻ đầu tiên tại Anh Quốc được thử nghiệm ung thư vú bằng di tính BRCA1 trước khi cho thụ thai”.

Tuy nhiên, theo Saletan, thì thử nghiệm đã được thực hiện nơi đứa trẻ lúc còn trong tình trạng phôi và đứa trẻ đó là 1 trong mười một 11 cái phôi được thử nghiệm, trong đó 9 cái đã bị vất bỏ. Chỉ còn hai 2 cái được cấy vào bụng người đàn bà, nhưng cuối cùng cũng chỉ có 1 cái cho kết quả sinh ra đứa trẻ gọi là “đầu tiên”này. Như vậy để có được một đứa trẻ, người ta đã giết chết mất 10 đứa.


CHƠI CHỮ


Saletan đã mỉa mai: Vậy thì bây giờ chúng ta phải gọi những thử nghiệm đó là thử nghiệm “tiền thụ thai”, và thai phôi vừa mới đậu là “tiền phôi” để người ta dễ chấp nhận nó làm vật thí nghiệm. Lúc đó nghĩa của hai tiếng Thụ Thai cũng được thay đổi.

Như vậy theo kiểu nói, định nghĩa của những người làm thử nghiệm thì nếu ta có sáu cái trứng cấy đậu rồi lại loại bỏ, vất đi khi đã chọn được đứa nhỏ này. Như vậy là trứng đó chưa bao giờ thụ thai, và chúng cũng không phải là những phôi.

Vậy thì giả sử đứa trẻ này được thụ thai tự nhiên và có 50% di tính dị tật. Do đó nếu nó có di tính của người mẹ thì nó sẽ có nguy cơ ung thư vú từ 50% đến 85%. Vấn đề đặt ra là một khi đã khám phá ra được bệnh thì cũng có thể chữa được bệnh chứ tại sao lại hủy bỏ, giết luôn cả con bệnh ?

Saletan đã than trời mỉa mai: “Lựa chọn phôi đã tiến bước xa từ một bệnh trẻ nít nguy hiểm chết người tới bệnh của người lớn có triển vọng chữa trị và sống còn.”

Việc nghiên cứu để chọn lựa kiểu này hiện đang phát triển rất mạnh và rộng rãi trong dân chúng. Chỉ ít ngày sau khi có tin đứa trẻ đầu tiên được chọn và sinh ra mà không có ung thư vú, tin trên tờ Scotland Chúa Nhật ngày 18.1.2009 đã cho biết là có hàng trăm cặp vợ chồng xin ghi danh để được có con theo ý muốn kiểu này.

Dịch vụ thử nghiệm sẽ được trung tâm sinh sản y khoa Glasgow (GCRM) tung ra thị trường vào khoảng cuối năm nay. Di tính sẽ được thử nghiệm nơi thai phôi là 1 trong 200 di tính ẩn náu bên trong cơ thể, trong đó có di tính ung thư và cystic fibrosis. Sau khi đã nghiên cứu cẩn thận, bác sĩ chỉ cấy những phôi nào không có di tính bệnh hoan đặc biệt như ý người muốn. Người đặt hàng sẽ phải trả 5.500 bảng Anh cho mỗi một vòng thử nghiệm. Cho đến nay dịch vụ này chỉ có ở Anh, chưa thấy có ở phía Bắc biên giới.

Một phát ngôn viên ẩn danh của Giáo Hội Công Giáo ở Scotland đã nói với báo chí: “Đây tuyệt nhiên không phải là một phương cách chữa bệnh mà chỉ là một hình thức giết người từ trong trứng nước, ngay từ khi sự sống vừa mới xuất hiện. Nó hoàn toàn trái với luân lý đạo đức, không thể chấp nhận được.”


TUỘT DỐC KHÔNG PHANH

Một bài viết về loại thử nghiệm như vậy được làm trên một thai phôi/hài nhi còn trong bụng mẹ đã gây kinh hoàng trong dân chúng vì nạn giết hài nhi chưa được diễm phúc nhìn đời. Tờ Sunday Times ngày 25.1.2009 kể lại những thử nghiệm DNA trong phòng thí nghiệm để tìm di tính người cha được thực hiện ở những đứa trẻ vẫn còn trong bụng mẹ.

Tác giả bài báo cho rằng những loại thử nghiệm như vậy sẽ là cơ hội rất dễ dàng giúp người mẹ giết con mình chỉ vì thử nghiệm cho biết con mình là con ngoại hôn.

Vẫn theo bài viết về DNA này thì dịch vụ thử nghiệm lớn nhất tại Anh Quốc hiện nay đã thực hiện cả 500 thử nghiệm mỗi năm để tìm di tính người cha. Tờ Sunday Times cho biết một số bà yêu cầu làm loại thử nghiệm là để phá thai nếu thử nghiệm cho biết con mình không phải do ông chồng chính thức.

Josephine Quintavalle, sáng lập viên Trung Tâm Bình Luận về Đạo Đức Sinh Sản đã nói: “Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại cần phải quan tâm. Hiển nhiên là khi muốn làm thử nghiệm này là đã chủ tâm có ý phá thai; người đề nghị thử nghiệm cũng là kẻ khuyến khích ‘giải pháp’ giết người đó vậy”.

Những người đàn bà, những bà mẹ muốn làm thử nghiệm để biết di tính của người cha của con mình có lẽ cũng có cùng một tâm trạng với bà Victoria Lambert là người đã viết trên tờ Daily Mail ngày 3 – 5.1.2009 cảm nghĩ của mình khi phá thai vì đứa nhỏ bị dị tật. Bác sĩ đã khám phá ra con bà lúc mới được 3 tháng bị trisomy 13 hay còn gọi là hậu chứng Patau’s. Nhiều đứa trẻ bị bệnh này chết khi vừa sinh ra hay ít lâu sau đó, nhưng có đứa cũng sống được đến tuổi trưởng thành.

Phá thai, giết con – bà viết – vẫn là những ám ảnh để lại trong lòng bà những áy náy sầu muộn khôn nguôi. Nói gọn lại: “Quyết định của tôi – bà viết – đã đưa tới những hậu quả trầm trọng là hối hận, dằn vặt đã hành hạ cả tâm can lẫn thể xác tôi suốt 9 năm trời”.

Sau đó bà Lambert tiếp tục tả lại quãng đời của bà. Sau lần phá thai đó, ít năm sau bà lại mang thai trở lại, lúc đó bà đã gần 40 tuổi. Nhà thương đề nghị bà thử nghiệm thai nhưng bà đã từ chối.

Bà nói: “Khi tôi quyết định không thử nghiệm thai, dù để xem có phải là hậu chứng Down’s hay gì khác, lòng tôi hết lo lắng thắc mắc về đứa con của mình nó sẽ thế nào. Nhưng có điều chắc chắn nó sẽ là con của chúng tôi. Chừng nào nó sinh ra mà còn sống cho dù có bất cứ cái gì không may xẩy ra, chúng tôi cũng vẫn có thể đương đầu được”.

Bà kết luận: “Trong khi có nhiều thử nghiệm thai làm các nhà khoa hoc hứng chí bao nhiêu thì lại càng có nhiều nguy hiểm trầm trọng xẩy ra bấy nhiêu. Các thử nghiệm càng đơn giản và dễ thực hiện thì lại càng giúp người ta quyết định giữa sống và chết càng dễ dàng và rồi cũng càng… dễ đi tới ăn năn hối hận.”


KẾT LUẬN:

Điều răn thứ 5 Chúa dạy “Chớ Giết Người”. Kẻ sát nhân và những ai cố ý cộng tác với hành vi giết người đều phạm một tội như nhau. Tội giết trẻ thơ... cũng là một tội nặng. Những tính toán về giống tốt hoặc về y tế công cộng cũng không thể biện minh cho bất cứ một tội sát nhân nào được, dù nó được nhà cầm quyền ra lệnh hay cho phép. (Sách Giáo Lý Công Giáo câu 2268).

Nhưng nực cười thay người ta hô hào chống đối án tử hình cho những kẻ phạm trọng tội nhưng người ta lại đồng ý giết những trẻ thơ vô tội chưa kịp góp tiếng khóc chào đời.

Theo tinmung.net

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét