Mấy ngày qua, bài báo có nhan đề “NỮ SINH RAO BÁN CON KHI CÒN MANG THAI” gây xôn xao trên cộng đồng mạng, có rất nhiều những phản hồi ý kiến đối với đủ đề này. Trong đó nhiều ý kiến phản đối, lên án kịch liệt đến nỗi một số diễn đàn phải đóng lại phần tranh luận cho chủ đề, cũng có một số thì ủng hộ, thông cảm cho người trong cuộc, một số động viên tinh thần… Những phản ứng trái chiều đã trở thành một cuộc bút chiến khổng lồ khiến cho nhiều người không khỏi hoang mang trước một hiện tượng bất thường của cuộc sống.
Do có những băn khoăn, lo lắng trước vấn nạn này. Bạn Minh trên diễn đàn bvss.org đã email cho tôi về bài báo trên và mong muốn có được một một hướng suy tư, một cách nhìn, một định hướng cho vấn đề gai góc trên nhưng dưới quan điểm Bảo vệ sự sống. Tôi cũng đã trả lời bạn Minh rằng đây là một chủ đề rất cam go, nhưng nhờ thế mà là một chủ đề rất hay ,rất đáng để suy tư, nhìn nhận, phân tích. Vì vậy, nhân đây cũng xin được chia sẻ một số suy nghĩ rất hạn hẹp của mình về hiện tượng RAO BÁN/CHO CON KHI CÒN ĐANG MANG THAI.
Ảnh minh họa. |
Có lẽ, theo nhận định của chúng tôi, bài báo trên sẽ chỉ là phát súng khởi đầu cho một hiện tượng mà sau này có thể trở thành bùng phát trong xã hội Việt nam, Một xã hội vốn đã đầy rẫy cạm bẫy cho giới trẻ trầm mình trong những cuộc chơi không định hướng, một tất yếu xảy ra là sẽ phải giải quyết nhiều hậu quả mà vấn đề nạo phá thai, hay rao bán con chỉ là một trong những hậu quả mà nạn nhân của nó phải gánh chịu. Còn có nhiều mắt xích zích zắc, rắc rối sẽ đè nặng , chờ đợi nhiều nạn nhân trong tương lai. Đó mới là vấn đề nan giải mà chúng ta phải đối mặt.
Đứng trước sự đa dạng của hiện tượng nguy hại này, Suy nghĩ nông cạn của chúng tôi sẽ chỉ như một hạt cát chìm lẫn giữa sa mạc mênh mông, nên rất cần những cao kiến đóng góp từ bốn phương để chúng ta cải thiện được phần nào tình trạng văn hóa, phẩm giá con người và đạo đức đang xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay.
1. Vì sao hiện nay, có quá nhiều nữ sinh mang thai đến vậy?
Hơn 30% các ca mang thai tập trung vào độ tuổi vị thành niên (Nữ sinh) là kết quả nhiều tổ chức hiện nay đã công nhận và cảnh báo. Một độ tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới” còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa đến tuổi phải chịu trách nhiệm hành vi của bản thân trước pháp luật, còn phải ăn cơm nhà, xài tiền của Cha mẹ, Nghĩ chưa thông, suy chưa tới, một độ tuổi còn phải lo mà học. “Tiên học lễ, hậu học văn” để chuẩn bị nhiều vấn đề cơ bản cho cuộc sống tương lai, lại đổ đốn vào một hành vi vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục để rồi trở thành nạn nhân gây nhức nhối cho xã hội.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Hãy khoan trách các em một cách vội vàng, quy chụp, vì đơn giản một điều là các em còn nghĩ chưa thông, suy chưa tới, các em còn đang độ tuổi phải học. Tiên trách kỷ: Có trách thì phải trách chính mình, chúng ta cần phải nhìn lại chính mình, những người đã trưởng thành, chúng ta đã dìm các em vào một môi trường xã hội thế nào, đã giáo dục thế nào, đã thực sự là cây cao bóng cả cho các em thế nào…mà có đến 30% trẻ vị thành niên phải tìm đến các điểm nạo phá thai hay bước đường cùng phải rao bán con trên mạng thế này.
Thực trạng của xã hội hôm nay có lẽ cũng chỉ cần nói đôi dòng vì đã là điều “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng nói đến thế vẫn như “ Nước đổ đầu vịt” vì người lớn chúng ta có thay đổi đâu. Vẫn cứ lì ra đó, vẫn cứ ra vẻ cao ngạo rằng ta đây đạo đức. Trách làm gì các em khi người lớn làm đủ các trò đê tiện làm gương mù gương xấu cho các em. Điển hình như: Hiệu trưởng mua bán dâm với học sinh, thẩm phán, công an ép dâm với nạn nhân, bác sỹ lợi dụng bệnh nhân để thỏa mãn xác thịt, các sao, các người của công chúng thì khoái khoe hàng bất chấp hậu quả, kẻ tiếp tay là hệ thống báo chí truyền thanh, truyền hình….Không những trong hệ thống chính quyền, công chức mà thậm chí một số hàng giáo sỹ các tôn giáo cũng dính vào các vụ bê bối tình dục, chưa kể đến, vì đồng tiền, người lớn sẵn sàng mở các phòng trọ, nhà nghỉ, khách sạn hạng sang , các tụ điểm ăn chơi thác loạn rồi marketing, lôi kéo giới trẻ vào các phi vụ thâu đêm suốt sáng…Xã hội, nhà trường linh tinh thế đã đành, cái tổ ấm bấu víu cuối cùng là gia đình cũng tan hoang, bình quân mỗi gia đình tại Việt nam đã từng phá thai đến 3 lần thì ôi thôi còn gì là tình cảm gia đình, thế nên ngày càng có nhiều cuộc thanh toán đẫm máu với nhau bởi các thành viên ruột thịt…Chính người lớn chúng ta đã dìm chết tâm hồn các em trong môi trường sống như thế thì hỏi sao lại không có con số 30% trên kia, cứ để kiểu này thì con số ấy là con số khiêm nhường ấy chứ. Ấy, đó chính là nguyên nhân đấy chứ, cần chi phải hỏi ai, tìm kiếm nó ở đâu.
Hậu trách nhân: Cũng không phải khi người lớn tự trách mình khi đã tạo ra một môi trường hết sức u ám cho các em là các em không có phần trách nhiệm của mình khi để xảy ra các sự cố hết sức nguy hiểm như vậy. Nhiều trường hợp bậc Cha mẹ cũng đã hết sức lo lắng cho con em, nhưng các em vẫn vấp ngã, cũng nhiều trường hợp cách giáo dục của người lớn có vấn đề thế nọ thế kia…Nhưng trên hết, cốt lõi nhất là tình yêu của Cha mẹ mà các em phải nhận ra “ Có nuôi con mới thấu hiểu lòng Cha mẹ”. Nhiều em vẫn chưa hiểu rằng, đôi khi sự quát tháo, mắng mỏ của Cha mẹ chỉ là những cảm xúc nhất thời mà mục tiêu cuối cùng vẫn là vì lo lắng, vì yêu thương. Nhiều trẻ lại không nhận ra vấn đề cốt lõi ấy mà đã vội vã cho rằng. bị Cha mẹ ghét bỏ, để có những hành vi lệch lạc, có em thì tự vẫn, có em đi bụi, có em bất cần đời, có em thì phản kháng mạnh mẽ lại bằng vũ lực. Trong những tội ác ghê tởm nhất trời chẳng dung, đất chẳng tha đó là tội bất hiếu. Nhiều người thường nghĩ, bất hiếu là có những hành vi gây xúc phạm đến bậc sinh thành như cãi vã, bỏ mặc, đánh đập, quậy phá…vv. Nhưng lại quên rằng: Khi chúng ta không quan tâm đến ước muốn của Cha mẹ, khi chúng ta tự hủy hoại chính bản thân mình bằng những hành vi tội lỗi chính là phạm tội bất hiếu. trên hết các em phải hiều rằng “ Có người nào trong anh em, khi con xin cái bánh mà cho hòn đá, hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn” (Mt.7,9). Đó chính là tình thương của bậc Cha mẹ dành cho con cái. Đâu phải cứ nhắm vào sai lầm của Cha mẹ để các em có thể hủy hoại bản thân, hủy hoại gia đình, hủy hoại linh hồn mình.
“Xem quả thì biết cây” “ Gieo gió thì gặt bão” đó chính là lời cảnh tỉnh cho người đã lớn, trẻ còn thành niên để điều chỉnh hành vi, lối sống cho đúng với chuẩn mực con người giữa một xã hội loài người đang hỗn loạn hiện nay
2. Những hệ quả zic zắc, lằng nhằng của hành vi rao bán con.
Cho con, bán con: Chuyện sẽ chưa kết thúc ở đây. Vì thực tế đã chứng minh, rất nhiều trường hợp dẫn đến kiện tụng pháp lý của các vụ án đòi lại con khi nhiều bậc cha mẹ hối hận vì hành động thiếu suy nghĩ trong quá khứ, tình trạng nảy sinh mâu thuẫn trong tâm lý của con trẻ, nhiều trẻ hận đời, không chấp nhận nhận cha mẹ ruột khi biết mình từng bị bỏ rơi, cũng nhiều trường hợp trẻ lang thang khổ sở kiếm tìm về cội nguồn của mình mà chẳng tìm được, nhiều trường hợp tranh chấp giữa con nuôi , con đẻ về thừa kế tài sản, nhiều trường dẫn đến những trạng thái trầm cảm trầm trọng chẳng hay ho gì. Dĩ nhiên, có những trường hợp mang đến sự hạnh phúc nhưng rất ít, đại đa số là dẫn đến những hệ quả chẳng ai mong, người thiệt thòi nhất vẫn là con trẻ. Để tránh được điều ấy. Chúng ta phải khẳng định một điều: Con cái không phải là một món hàng hóa để cho hay để bán buôn, càng không phải là một vật hy sinh, thế chấp để mà thích giết bằng nạo phá thai thì giết. Bất cứ hoàn cảnh nào Cha mẹ phải có trách nhiệm yêu thương, sinh thành, nuôi dưỡng và giáo dục chúng nên người. Ngược lại, bất cứ hoàn cảnh nào thì con cái cũng có trách nhiệm báo hiếu, yêu thương, chăm sóc các bậc sinh thành.
3. Rao bán hay cho cho con khi mang thai. Một việc làm đúng hay sai ?
Như nhiều phản hồi của bài báo. Nhiều ý kiến phản đối, thậm chí nguyền rủa trách mắng nạn nhân có một hành vi ác tâm bất đức. Thậm chí có người còn thêm rằng: nếu thế thì sao không giải quyết nó ngay từ khi thai nhi mới hình thành.
“Chị Dậu” của Ngô Tất Tố phải bán con cho Ông Phú Hộ, vì chị biết rằng, ở với chị, nó sẽ chết đói. Đó là cách suy nghĩ của chị khi đứng trước cảnh hàng triệu người chết đói như rạ trên đường. trước một thực tế phũ phàng vì trong nhà chẳng còn cái mà gặm mà ăn cho khỏi chết. Nhiều người mẹ thời đó cũng phải chọn cách của Chị Dậu. Nghĩ cho cùng, Chị đã tôn trọng sự sống của con và coi sự sống, sinh mạng của con chị là trên hết. Nghiệt ngã quá phải không. Nhưng chúng ta đã qua rồi thời ấy, Rao bán con hiện nay của nữ sinh không có động cơ như Chị Dậu mà nó thể hiện sự hèn nhát, trốn tránh trách nhiệm và thể hiện một người mẹ không có trái tim, không xứng đáng là một người mẹ. Vì thiết nghĩ có ai hôm nay lại ở cảnh khốn cùng như chị Dậu. Vậy nữ sinh kia bị trách mắng là hợp lý hay không hợp lý.
Những phản hồi đồng tình. Phải sanh nó ra, Ừ. không nuôi được thì cho nó đi, Nhất quyết không được phá thai… Vâng, xét trên một góc độ sự sống thì nó đúng đấy, nhưng như vậy chẳng khác nào đồng tình với hành vi rao cho con của nữ sinh nọ, khiến cho xã hội lại loạn cả lên. Chưa hẳn đã tốt. Vậy lại đúng hay sai?
Trách mắng hay đồng tình, chẳng lẽ ba phải lửng lơ con cá vàng. Sao cũng được.
4. Dưới góc nhìn Bảo vệ sự sống.
Vâng. Không lửng lơ đâu ạ. Quan điểm của Bảo Vệ Sự Sống rất rõ ràng. Vì Thầy Giê Su Chí Thánh đã hướng dẫn chúng ta “ Của Xê da hãy trả cho Xe da, Của thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Cái gì thuộc về sự chết, hãy trả cho sự chết, cái gì thuộc về sự sống hãy trả cho sự sống. Những yếu tố cấu thành tội lỗi như việc mang thai ngoài hôn nhân, mang thai do tính dục bừa bãi hãy trả lại cho sự chết. Những mầm sống đã được hình thành là một sinh linh, là một sự sống hãy trả lại cho Sự Sống.
SỰ CHẾT: Sự chết không chỉ là cái chết tự nhiên, cái chết hữu cơ, cái chết bình thường mà sự chết ở đây bao gồm cả những suy nghĩ, hành vi, phương tiện…đưa con người đến với cái chết trong tâm hồn, đến với cái chết đời đời của linh hồn. Như vậy. Hãy trả lại cho sự chết môi trường không lành mạnh, trả lại cách xét đoán trách móc lẫn nhau, trả lại cho sự chết cái vô trách nhiệm, cái vô cảm, vô tâm, vô đức, trả lại hết tất cả cho sự chết việc rao bán , việc cho con, trả lại việc nạo phá thai… Nói không với tất cả những điều ấy, mặc lại cho mình một chiếc áo mới trong nhân tính thánh thiện thuở mới sinh, dũng cảm chấp nhận để sửa sai, để hoàn thiện.
SỰ SỐNG: Không chỉ là quyền được sinh ra, quyền được làm người, mà sự sống còn được bảo bọc bằng tình yêu. Không chỉ sống trong thân xác và còn phải sống trong tinh thần. Sự sống là một hồng ân không gì quý giá hơn xuất phát từ Thiên Chúa. Quyền được sống đời đời của nhân loại đã được trả bằng giá máu của Đấng cứu độ, Tất cả tình yêu từ Thiên Chúa đều đưa đến mục đích cuối cùng của Ngài cho nhân loại là cứu chúng ta thoát khỏi sự chết và đến với sự sống.
Chúng ta không ca ngợi hay xét đoán những nạn nhân trong chủ đề này, chúng ta nên nhìn nhận để có một hành xử đúng đắn với tinh thần bảo vệ sự sống. Chấp nhận cái hữu hạn mỏng dòn của thân xác yếu đuối con người, để thông cảm cho nhau, để nâng đỡ nhau, để yêu thương nhau, nhưng không thể chấp nhận những chuỗi sai lầm liên tục, dùng cái sai này để sửa một cái sai khác, mà chúng ta cần phải biết phục thiện, biết ăn năn sám hối và Như Đức Giê Su đã phán với tất cả chúng ta “Cả con nữa, Ta không phán xét con, con hãy về đi và đừng phạm tội nữa” .
Đaminh Phan Văn Dũng
Theo bvss.org
0 bình luận:
Đăng nhận xét