Home » , » Hình hài thế nào, con vẫn là con

Hình hài thế nào, con vẫn là con

Ngày Phú ra đời, nặng vỏn vẹn 1,2kg, đầu to người nhỏ, hai tay không có… các nhân viên trong ca trực sợ hãi tới nỗi quên cả cắt rốn cho cháu. Người hộ lý đưa mắt nhìn tôi như muốn hỏi: Anh có muốn giữ đứa bé không? Tôi bình tĩnh gật đầu: Đó là con tôi!

Nhờ cha, Phú đã có thể làm được nhiều việc như người bình thường. 
Ảnh: Hương Vũ


Những dòng trên được trích từ cuốn nhật ký viết cho con của người cha, ông Nguyễn Quỳnh Lộc. Hơn 20 năm vắt công vắt sức chăm sóc cho cậu con trai khuyết tật, cuốn sổ đã dày lên với từng trang ghi chép tỉ mỉ của người cha theo mỗi bước con trưởng thành.

Nỗi đau sau cuộc chiến

11 năm chinh chiến khắp các chiến trường, năm 1985 ông Lộc phục viên với một bên chân khập khiễng, vài mảnh đạn pháo trong người, một bên tai trái không thể nghe, và nỗi đau dai dẳng do chấn thương vùng sọ não. Khi đó, ông mới ngoài 30 tuổi, dù cơ thể mang đầy thương tật nhưng hạnh phúc vẫn mỉm cười khi một cô công nhân trẻ chấp nhận đến với ông bằng một đám cưới giản dị. Hạnh phúc càng đầy lên khi lần lượt hai đứa con ra đời, cho tới ngày vợ ông sinh Phú – đứa thứ ba… Chất độc màu da cam trong cuộc chiến khốc liệt đã khiến con ông không thể có cuộc sống bình thường.

Tại vùng quê Tam Hiệp (xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) thời điểm hơn 20 năm trước, việc sinh một đứa bé dị dạng đã mang lại cho gia đình ông không ít áp lực từ dư luận. Nhiều người khuyên ông không nên giữ đứa trẻ, nhưng ông vẫn cương quyết: “Cháu không có tội gì cả. Chúng tôi chấp nhận cháu ở bất cứ hình dạng nào…” Những năm Phú mới ra đời, cả đất nước phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn trăm bề. Cũng đúng năm này, ông Lộc phải cắt bỏ ba phần tư dạ dày và chịu đựng hàng loạt vết thương cũ hành hạ, bà con lối xóm thương tình, người cho củ khoai, người phụ miếng sắn giúp gia đình ông vượt cơn khốn khó. Để nuôi Phú, vợ chồng ông phải chắt nước cháo loãng bón cho con. Tới năm bốn tuổi, Phú vẫn không biết nói, biết cười. Nhật ký người cha ghi lại: “Phú chỉ biết nằm bất động trên giường như một con cá, làn da lúc thì ửng đỏ, lúc đổi sang màu xanh nhợt nhạt trong những cơn đau quằn…”

Làm thầy của con

Ông Lộc cho biết, tới sáu tuổi Phú vẫn không biến chuyển gì, mặc dù ông hết sức đôn đáo ngược xuôi tìm thầy tìm thuốc chạy chữa. Nghe người ta nói thịt cóc rất tốt cho trẻ em, suốt ba tháng ròng ông lang thang khắp chốn tìm bắt con cóc về làm thịt cho con ăn. Có lẽ nhờ vậy mà tình hình trở nên khá hơn, khi một thời gian sau Phú có biểu hiện muốn tập đi, tập nói. Ông Lộc lại kỳ cạch đóng một chiếc xe đẩy bằng gỗ cho con đứng tựa người, rồi hàng ngày kiên nhẫn dìu từ phía sau cho con tập bước. Khi biết nói, thỉnh thoảng Phú hỏi những câu làm buốt lòng người lớn: “Tại sao con không có hai tay như các bạn?”

“Sinh con dị tật là một nỗi đau khôn nguôi, nhưng các cháu không có tội, vì hình hài các cháu là do cha mẹ tạo nên. Bổn phận làm cha mẹ là phải ráng lo cho con chu toàn. Tôi chỉ mong rằng sẽ lo được cho con ăn học nên người, và đáp lại lòng tốt của mọi người đã giúp đỡ gia đình tôi qua những giai đoạn khốn khó”

ông Nguyễn Quỳnh Lộc

Một lần, ông Lộc bắt gặp Phú đứng từ phía ngoài hàng rào ngôi trường tiểu học, hai cùi tay cụt lủn cố gắng nhích lên nhích xuống bắt chước từng động tác của các học sinh mà ông như đứt từng khúc ruột. Đánh bạo hỏi xin học cho con, ông bị nhà trường từ chối vì không ai tin con ông có thể học được. Vậy là từ đó, người cha quyết định tự mình kèm con học. Ông Lộc mua phấn về viết những chữ cái xuống nền nhà, sau đó quặp vào ngón chân con rồi cầm bàn chân Phú tập những nét đầu tiên. Ông Lộc nhớ lại, chỉ vài tuần sau tất cả vách tường, vách sân, nền nhà… chỗ nào cũng chi chít những chữ, các kẽ ngón chân của Phú bị phấn làm cho lở loét, nhưng cậu vẫn không nản lòng. Sau khoảng một tháng, ông Lộc mừng tới phát khóc khi thấy con đã viết được những nét hoàn chỉnh đầu tiên. Thế nhưng, khó khăn nhất lại là khi Phú tập viết bút chì, mỗi lần nét bút đưa lên thì rách giấy, còn đưa xuống lại làm ngòi viết gãy ngang. Sau rất nhiều thử nghiệm, cuối cùng ông Lộc nghĩ ra cách dùng chụp của chiếc bút bi chụp vào đầu bút chì. Một điều làm ông mừng khôn xiết, là khi biết viết Phú cũng tự tin hơn trong việc tập luyện làm mọi việc bằng đôi chân, thay vì trước đây mọi nhu cầu sinh hoạt của em chỉ trông chờ ba mẹ.

Chín tuổi, Phú chứng minh được với nhà trường em có thể đi học bình thường qua khả năng đọc viết bố dạy cho. Bước vào lớp 1 khá trễ, nhưng em luôn đứng trong danh sách học sinh giỏi, thậm chí năm lớp 3 em còn được đi thi vở sạch chữ đẹp cấp huyện và giành giải nhì. Năm 2011, tốt nghiệp lớp 12, Phú được đặc cách vào đại học nhưng em vẫn đi thi để thử sức mình, và đậu đại học Công nghệ thông tin TP.HCM. Ông Lộc lại thu xếp mọi việc ở quê, theo con lên thành phố để luôn bên con trên bước đường học vấn. Hoàn cảnh của ông được ban quản lý ký túc xá đại học Quốc gia chú ý, ông được bố trí công việc tạp vụ ngay tại ký túc xá để có thu nhập chút đỉnh lo cho con. Hiện nay, Phú đã là cậu sinh viên năm nhất đầy tự tin, em có thể làm mọi việc như người bình thường bằng đôi chân, thậm chí còn thường xuyên tự cắt tóc, may đồ bằng kim chỉ. Và bên em, lúc nào cũng có người cha tận tuỵ chăm sóc.

“Sinh con dị tật là một nỗi đau khôn nguôi, nhưng các cháu không có tội, vì hình hài các cháu là do cha mẹ tạo nên. Bổn phận làm cha mẹ là phải ráng lo cho con chu toàn. Tôi chỉ mong rằng sẽ lo được cho con ăn học nên người, và đáp lại lòng tốt của mọi người đã giúp đỡ gia đình tôi qua những giai đoạn khốn khó”, ông Lộc chia sẻ.

bài và ảnh: Hương Vũ

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét