Ầu ơ,
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó qua
Khó qua mẹ dẫn con qua
Con đi trường học mẹ đi trường đời.”
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó qua
Khó qua mẹ dẫn con qua
Con đi trường học mẹ đi trường đời.”
“Từ lâu lắm rồi, chúng tôi được sáng tác ra để vỗ về giấc ngủ thật đáng yêu của những thiên thần nhỏ. Bằng tất cả tình thương, bằng tất cả tâm hồn cao quý của những người mẹ, những người Ông, người Bà mà chúng tôi được cất cánh bay lên hòa lẫn với tiếng kẽo kẹt dây võng đưa ngang. Những lúc ấy, thật hạnh phúc biết bao, chúng tôi là mối giây liên lạc giữa hai tâm hồn, hai thế hệ trong một giao cảm tuyệt vời nhất nhân gian, Một bằng tất cả sự hy sinh lớn lao cả đời, một bằng tấm lòng thảo hiếu kính trọng đấng sinh thành. Bao nhiêu năm qua, chúng tôi vẫn được cất lên để truyền tải tình yêu của người mẹ đến với con mình. Nhưng ngày nay, nhiều người đã đặt dấu chấm hết cho chúng tôi giữa thời đại Ipod mất rồi.” Lời ru nói với tôi như vậy đấy.
Mấy hôm rồi có dịp ghé nhà bạn chơi, hai Ông bố ngồi nói chuyện với nhau thì thằng bé đang ngủ giật mình khóc, Mẹ nó vội chạy tới nhét cái Ipod vào tai , thế là thằng bé tiếp tục thiu thiu ngủ lại. Thấy cảnh đó, tôi nói với bạn mình.
- Thế có bao giờ vợ chồng cậu ru cho nó ngủ không? Thì bạn trả lời.
- Ông quê mùa quá, giờ này mà ru với hời cái gì, cứ cho nó cái tai nghe là xong tuốt, mình cũng rảnh rang tha hồ làm gì thì làm.
Tôi về nhà nghĩ đi nghĩ lại cái tiện lợi của thời đại điện tử, mình có lẽ cũng cổ hủ thật, vì bao giờ cũng ru con ngủ bằng những điệu ru mà trước đây mẹ thường ru cho tôi ngủ, những bài ru đó đến giờ vẫn thuộc lòng, Bố con tôi cứ đánh đu trên chiếc võng , thằng bé lắng nghe, vẻ rất khoái chí và… cũng say sưa ngủ như ai. Có điều, quả là mất thời gian thật. Nhưng lại nghĩ tới nghĩ lui. Ái chà, Cho con nghe bằng Ipod, cái tai nó sau này coi chừng có vấn đề, quan trọng hơn là tình cảm của nó cũng có vấn đề nốt, thôi thì mình cứ cổ hủ đi, coi bộ chắc ăn hơn, thằng nhóc chắc khoái hơn và cha con mình cũng có những giây phút hạnh phúc hơn. Thi thoảng, vào các ngày trọng đại, tôi còn hay bắt chước trong cựu ước, làm dấu Thánh Giá trên đầu hai thằng con và chúc lành bình an cho nó nữa.
Tôi có một thói quen từ khi biết về bảo vệ sự sống, mỗi khi làm được một cái gì đó cho con mình, tôi thường nghĩ đến thân phận của những thai nhi bị giết bỏ. Nói về những lời ru, ở đâu đó tôi có đọc được rằng “Sao con không có lời ru, đưa con vào cuộc đời…” Mấy lần có dịp thăm nghĩa trang đồng nhi. Sao mà vắng lặng đến thế nhỉ, chỉ có gió rì rào và tiếng lá xào xạc dưới chân, thấy lòng nặng trĩu buồn bã làm sao. Giá mà, từng ấy thai nhi, chỉ cần mỗi thai nhi được nghe lời mẹ ru, chỉ một lần thôi, có lẽ nơi này sẽ vui vẻ lắm. Sẽ không còn cái không khí ảm đạm thường có nơi nghĩa trang này. Thầm trách, mấy lần thăm các em, sao mình không ru cho các em ngủ nhỉ, hứa với lòng rằng, lần sau tôi sẽ ru cho các em ngủ, bằng chính giọng mình, không phải bằng các phương tiện hiện đại nào khác.
“Con ơi, con ngủ cho ngoan
Mẹ còn gánh nước rửa bành con voi
Muốn coi lên núi mà coi
Có Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”…
“Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm , lộn cổ xuống ao
Ông ơi, Ông vớt tôi vào
Tôi có lòng nào, Ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”
Lại nữa, trên báo Vietnam.net có một phóng sự của phóng viên Hồng Khanh với tựa đề “Tại sao sinh con trong cuộc đời” bài phóng sự viết về thân phận của những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi. Đặt tựa đề với nội dung bài viết như vậy là chưa chuẩn. mà nên đặt là “Đã sinh con rồi sao nỡ bỏ rơi con” chứ nếu để cái tựa đề như trên vô tình sẽ gây nhiều ngộ nhận cho một số độc giả rằng: nếu thế thì phá thai luôn đi cho tiện. Quả thực là báo chí của mình nhiều khi cứ lập lờ từ ngữ, thế nên hậu quả ngày càng trầm trọng. Nhưng dẫu sao qua bài phóng sự này, một sự thật trần trụi cay đắng được phô bày: Giữa thời đại văn minh này, nơi mà người ta luôn luôn nói rằng tăng trưởng và phát triển, dân đang giàu, nước đang mạnh sao lại có nhiều bà mẹ lại đang tâm bỏ rơi chính giọt máu của mình vì cho rằng nghèo đói quá, nuôi không nổi. Người ta đã giáo dục ra sao mà có nhiều đứa trẻ đáng thương đến thế, đứa bị bỏ trong sọt rác, đứa bị bỏ nơi công rãnh cầu đường.Vừa được biết, lại có thêm một em bé bị bỏ rơi trong nhà vệ sinh của một Công ty, buồn ghê vậy đó. Thiên chức làm Mẹ hiện nay đã bị biến đổi đến tán tận lương tâm, coi con cái như một gánh nặng hay một cái u nhọt cần phải rứt ra cho kỳ được. Sao ngày càng có nhiều bà mẹ ru con bằng một phán quyết lạnh lùng của thần chết. Lời ru này cay đắng làm sao.
Còn nhớ sau tết năm rồi. Cũng trên Vietnamnet đưa một bản tin rất kinh khủng mà bất cứ ai quan tâm đến sinh mạng con người cũng phải đau lòng. “Vui tết quá đà, nạo phá thai tăng vọt” của Phóng viên N. Anh. Bài báo cho chúng ta một con số nạo phá thai tăng chóng mặt từ 20% đến 30% so với những ngày khác. Ta thử nhẩm tính mà xem, lấy con số thống kê của nhiều năm trước là 3 triệu ca/ năm , một tháng là 250.000 thai nhi bị giết hại. một ngày là 8333 em. Mấy hôm nay, lấy số tăng là 25% thôi thì mỗi ngày Việt nam chúng ta đã giết đi thêm trên 2000 thai nhi nữa. Các đao phủ làm việc túi bụi suốt ngày mà không hết việc, Thật kinh hoàng. Điều đau lòng nhất đáng nói trong bài báo này cho biết. Nhiều bà mẹ lại còn muốn nạo phá thai trước tết để ăn tết cho ngon. Trời ơi. Giết con để ăn tết cho an tâm thì thật là… Lương tâm người mẹ đi đâu mất rồi. và người ta vẫn thản nhiên như không vì năm nào cũng thế!!! Cận Noel rồi, cận tết nữa rồi, không biết tình hình năm nay sẽ ra sao, nhưng gần như biết chắc chắn rằng, tình trạng sẽ thê thảm hơn năm ngoái. Lại thế này đây, người ta cũng sử dụng những từ ngữ như là “dũng cảm” để khen ngợi rằng dân trí của người Việt đã phát triển vì biết chọn bệnh viện để nạo phá thai chứ không đi vào các cơ sở y tế chui nữa. Chẳng có một tí gì băn khoăn: tại sao lại như thế? Chẳng có một biện pháp nào để cho nạn nạo phá thai vơi bớt đi mà chỉ chăm chăm vào chuyện thấy người ta có bầu là phá. Đọc mà cảm thấy lạnh lùng, cứ y như người ta đang nói về rùa tai đỏ trong hồ gươm vậy đó. Ông Phó Cục Trưởng Cục Dân Số, kế hoạch hóa gia đình cũng vừa thông báo, Bình quân mỗi người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại Việt nam đã từng phá thai 3,3 lần. Ôi lời ru đã thay bằng máu đỏ của các em thơ. Chợt nhớ đến con rùa già hồ gươm, nếu mà biết suy nghĩ chắc hẳn nó hãnh diện lắm khi biết người ta coi trọng tính mạng của nó còn hơn của hàng ngàn con người trong cung lòng mẹ. lo lắng cho nó còn hơn cả ngàn cụ già vật vờ sống nơi gầm cầu xó chợ.
Thiết nghĩ, bất cứ trong thời nào của quá khứ, lịch sử, văn chương, thơ ca, kịch nghệ, điện ảnh hay bằng tất cả những gì có thể, để vinh danh phẩm giá cao quý của người mẹ. Bây giờ, không biết người ta sẽ vinh danh người phụ nữ cái gì đây. Những con số nạo phá thai chừng ấy thì còn gì để mà vinh danh cho người phụ nữ. Ngay một thiên chức cao quý nhất mà giữ không được, không muốn giữ thì có còn lại chút gì là phẩm giá, còn gì gọi là lương tâm. Tất cả những khẩu hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” hay “Thật thà, bất khuất, trung hậu, đảm đang”… gì gì đó đã trở nên vô nghĩa, sáo rỗng làm sao. Những cây cầu tre lắt lẻo ngày xưa dù khó khăn đến thế, Mẹ vẫn dịu dàng dẫn con đi, cho con được đến trường, được học làm người cho dù mẹ phải hy sinh trăm ngàn khổ cực nơi trường đời giờ cũng đã mất dần trong lời ru tiếng hát mà thay vào đó là những cây cầu ảo vọng hư vô để tận diệt con cho mẹ được an toàn. Ôi, thật buồn.
Thế đấy, chỉ vài câu chuyện đã đủ cho bất cứ ai trong chúng ta một lời ru cay đắng. Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi mãi phải chịu cảnh ngậm đắng nuốt cay này, chẳng lẽ chúng ta cứ mãi để cho dối trá và lừa lọc bao biện vây quanh tương lai của con cháu chúng ta. Con cháu của chúng ta cần những lời ru thực sự chứ chúng đâu cần nghe những lời ru qua những phương tiện hiện đại Ipod này kia. Xin các bậc cha mẹ hãy một lần thức tỉnh lương tâm cho tình yêu được lên tiếng, xin các Nhà giáo hãy trung thực ngay chính với lòng mình để niềm tin con người có cơ hội tồn tại, xin các bác sỹ một tâm hồn biết xót thương các bệnh nhân để bảo vệ sự sống, xin các lãnh tụ tôn giáo hãy lên tiếng để bảo vệ tâm hồn của đoàn chiên thoát khỏi văn hóa sự chết. và hãy xin cho chính bản thân mình khỏi sa chước cám dỗ trong dòng đời hôm nay.
Đaminh Phan Văn Dũng
Theo bvss.org
0 bình luận:
Đăng nhận xét