Lm. Trần Mạnh Hùng, DCCT
Phá Thai (Phần III)
III. Khi Nào Ðược Phép
Tước Ðoạt Mạng Sống Con Người
III. Khi Nào Ðược Phép
Tước Ðoạt Mạng Sống Con Người
Như chúng ta đã thảo luận với nhau ở phần trước và giả định cho rằng: sự sống con người bắt đầu vào một lúc nào đó trong khoảng thời gian từ 14-21 ngày, sau khi trứng thụ tinh. Ðiều đó không có nghĩa rằng: trong khoảng thời gian trước đó, người ta có thể tùy tiện ngăn cản hoặc xâm phạm sự sống của sinh thể đang phát triển, là cái mang tiềm năng phát triển thành một con người có bản vị riêng.
Cũng vậy, không thể hiểu ngay lập tức rằng: khi mà mạng sống con người đã hiện diện trong bào thai sau hai đến ba tuần phát triển đầu tiên, thì hành động phá thai vẫn có thể được thực hiện với một sự tuyên bố là chính đáng về luân lý. Nhiều khi, một cách ngẫu nhiên, sự sống của bào thai lâm vào thế xung đột với sự sống của người mẹ hoặc với một vài giá trị tương xứng khác. Trong trường hợp đó, cần tìm kiếm một số giải pháp luân lý để giải quyết cho những tình trạng rất khó xử.
Trong các cuộc xung đột giữa sự sống với sự sống, hoặc giữa sự sống với một giá trị tương xứng khác, tỷ dụ như việc thụ thai bên ngoài tử cung, đôi khi có thể tìm các giải pháp bằng cách sử dụng phạm trù "kẻ xâm lược bất chính". Truyền thống Thần Học Luân Lý Công Giáo chủ trương rằng: với một kẻ được xác nhận là kẻ xâm lược bất chính, cần phải dành cho y một sự đối-kháng ở một mức độ cần thiết, thậm chí đến mức có thể dẫn đến cái chết, tất nhiên là trong phạm vi nhằm bảo vệ chính mạng sống của một người nào đó hoặc nhằm bảo vệ mạng sống của một kẻ vô tội. Lại nữa, nếu cần, có thể dùng đến bạo lực để giữ gìn các giá trị khác được xem là cân xứng với chính sự sống. Hành động như vậy có thể được thực hiện để chống lại những kẻ cố ý phá hoại, cũng như, những kẻ không cố ý phá hoại. Ðiều đó có ý nói rằng: hành động đó có thể dùng để đối phó với những kẻ gây tổn hại có ý thức, có tự do, và do đó, có trách nhiệm luân lý về hành vi của mình (kẻ phá hoại cố ý), hoặc cũng có thể dùng để chống lại những người rối loạn tâm thần, những người không còn khả năng làm chủ chính mình do tác động của ma tuý, của thuốc hoặc rượu. Trong những trường hợp như vậy, có thể nói những người này không có tội (xét về mặt chủ quan), tức là không chịu trách nhiệm luân lý về hành vi của họ (kẻ phá hoại không cố ý).
Tuy vậy, ta cần nhận thức rõ, rằng giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo(GHCG) không thừa nhận việc áp dụng phạm trù "kẻ xâm lược bất chính" (dù là cố ý hay không cố ý) vào trường hợp xung đột với mạng sống của thai nhi. Tất nhiên, như thế không có nghĩa là giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo cấm mọi việc phá thai. Khi nảy sinh các xung đột về sự sống giữa thai nhi và người mẹ, hoặc trong những cảnh huống nhân sinh phức tạp, ở đó, cái tốt cái xấu quyện chặt lại với nhau, các nhà thần học Công Giáo có truyền thống sử dụng sự phân biệt giữa những hậu quả trực tiếp và những hậu quả gián tiếp của một hành vi có suy tính. Dùng sự phân biệt đó, Giáo Hội Công Giáo duy trì lập trường, coi việc trực tiếp phá thai luôn luôn là điều xấu và vô luân, đang khi việc gián tiếp phá thai có thể coi là được phép nếu có lý do đầy đủ. Ðể giúp cho chúng ta hiểu rõ, sự khác biệt giữa phá thai trực tiếp và phá thai gián tiếp, cần phải được giải thích rõ hơn về nguyên tắc hiệu quả song đôi, là nguyên tắc truyền thống trong thần học luân lý Công Giáo, cung cấp nền tảng phân biệt cái được gọi là hiệu quả (hoặc kết quả) trực tiếp với cái được gọi là hiệu quả gián tiếp của các hành vi của chúng ta.
Nguyên tắc hiệu quả song đôi (Principle of double effect)
Nguyên tắc hiệu quả song đôi được áp dụng, khi chúng ta phải đương đầu với một hành vi, được coi là đồng thời có hai hiệu quả. Mà một trong hai hiệu quả ấy, được coi là tốt và là điều chúng ta thật lòng mong muốn và chủ tâm hoàn thành, đang khi hậu quả kia là hậu quả xấu, không phải là điều chúng ta mong muốn hay có ý đạt đến, nhưng chỉ là điều đành phải chấp nhận thôi. Ðiều xấu ấy hoặc là hiệu quả không hay ấy, trong thực tế, là điều chúng ta muốn nó đừng xảy ra, trừ phi không còn cách nào khác.
Biểu đồ dưới đây có thể giúp minh họa cho trường hợp cần áp dụng nguyên tắc hiệu quả song đôi:
- X (hành động đầu tiên; tự nó là tốt hoặc trung tính)
- A (hiệu quả tốt; điều được ước mong hoặc chủ tâm đạt đến; được gọi là hiệu quả trực tiếp)
- B (hậu quả xấu; điều không muốn có nhưng đành phải chấp nhận; được gọi là hậu quả gián tiếp)
Hành động được đề nghị (X), tự nó, không phải là xấu; nó phải là hành vi tốt hoặc trung tính về phương diện luân lý;
Ðộng lực hoặc ý hướng dẫn đến việc thực hiện hành vi được đề nghị phải là việc đạt được hiệu quả tốt; hậu quả xấu không được nhắm đạt tới, mà chỉ là điều đành phải chấp nhận;
Hiệu quả tốt nhắm đạt được (A) không phải là kết quả của hậu quả xấu; nói cách khác, hậu quả xấu không phải là phương tiện hoặc nguyên nhân của hiệu quả tốt; hiệu quả tốt phải thực sự do hành động đầu tiên được đề nghị (X) gây ra;
Trước tiên, phải có lý do đầy đủ hoặc cân xứng để thực hiện hành động được đề nghị (X), và do đó, cho phép hậu quả xấu xảy ra.
Sau cùng, cần ghi nhận rằng hiệu quả mong ước (A) được coi là hiệu quả trực tiếp, còn hậu quả đành chấp nhận (B) là hậu quả gián tiếp.
Ðể thấy nguyên tắc hiệu quả song đôi đã được áp dụng trong quá khứ như thế nào, chúng ta có thể dùng một ví dụ: liên quan đến vấn đề luân lý, trong việc kiểm soát quân sự hợp pháp vào thời chiến tranh, khi hành động tấn công được đề nghị là hành động chắc chắn sẽ gây ra cái chết của rất nhiều người dân thường. Câu hỏi trước tiên cần phải được nêu lên, là có thể cho phép về mặt luân lý, tỷ dụ, ném bom một nhà máy chế tạo vũ khí rất nguy hiểm, có khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử và hạt nhân, nhưng lại nằm ở trung tâm một đô thị đông dân cư. Ðiều không thể tránh khỏi là trái bom ném xuống nhà máy đó sẽ gây ra cái chết cho biết bao dân lành, mà số đông trong họ (đặc biệt là trẻ em và người già) không hề làm gì cho quân đội, cũng không thuộc số những người bảo vệ nhà máy. Về phương diện luân lý, một kế hoạch ném bom như thế có thể được phép không?
Câu trả lời về mặt luân lý sẽ là đồng ý, nếu như việc ấy thỏa mãn 4 điều kiện của nguyên tắc hiệu quả song đôi:
Hành động ném bom (X), tự nó, không bị coi như luôn luôn hoặc tất nhiên là xấu;
Ý định ở phía sau hành động ném bom phải là phá hủy hoặc là hạn chế khả năng chế tạo vũ khí của nhà máy; đó là hiệu quả tốt được dự đoán trước (A); hậu quả xấu (B) (là cái chết của dân chúng) không phải là điều mong ước hoặc cố ý làm;
Cả việc phá hủy hoặc làm mất khả năng phòng thủ của nhà máy lẫn sự chết chóc của đám dân lành đều do việc ném bom; sự chết chóc của dân lành không phải là cái gây ra sự ngưng hoạt động của nhà máy đó;
Thừa nhận rằng những người lên kế hoạch ném bom ấy là những người đang tiến hành một cuộc chiến chính nghĩa, theo đuổi một mục đích đúng đắn và chính đáng; thêm nữa, hệ thống phòng thủ của nhà máy, vì tính cách hữu hiệu của nó, là một mục tiêu quân sự không thể tấn công bằng cách thức nào khác (ví dụ phá hủy từ bên trong), đó là lý do đủ để lên kế hoặc oanh kích, dù biết rằng sẽ xảy ra sự hủy diệt mạng sống dân lành.
Tuy nhiên, một điểm cần phải cân nhắc là lợi ích của việc ném bom phá hủy nhà máy phải trội hơn sự thiệt hại về nhân mạng các thường dân vô tội.
Sự phá hủy nhà máy được gọi là hiệu quả trực tiếp và có dụng tâm của hành vi ném bom, trong khi đó, sự chết chóc của dân cư quanh vùng được coi như là hậu quả gián tiếp, đành phải chấp nhận. Nói cách khác, dân cư trong vùng bị hủy diệt một cách gián tiếp. Như chúng ta đã đề cập từ đầu trong cuộc thảo luận, truyền thống luân lý của GHCG chỉ nhấn mạnh rằng: mạng sống của người vô tội không thể bị tước đoạt một cách trực tiếp; và trong khi không thể bị đàn áp trực tiếp, mạng sống người vô tội lại vẫn có thể bị tước đoạt cách gián tiếp, nếu thực sự có lý do đầy đủ hoặc cân xứng để làm điều đó.
Lm Peter Trần Mạnh Hùng, DCCT (Roma)
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam, năm 2002)
Theo catholic.org.tw
0 bình luận:
Đăng nhận xét