Đám đông diễu hành vì Sự Sống (March for Life) tại thủ đô Washington nhân dịp kỷ niệm lần thứ 39 của phán quyết đã nói lên rằng lương tâm con người vẫn luôn nhức nhối vì phá thai.
Mục Sư Albert Mohler, giám đốc Chủng Viện Tin Lành Baptist Phương Nam, một trong những chủng viện lớn nhất thế giới, đã đưa ra những ý kiến. (Tuy chỉ đưa ra những ý kiến thế tục chứ không mang tính cách Đức Tin mà lý do mạnh nhất là phá thai tức là chống lại Thiên Chúa, chủ nhân đích thực của Sự Sống, những ý kiến này cũng rất đáng cho chúng ta tham khảo).
Sau khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đưa ra phán quyết lịch sử hợp pháp hóa phá thai vào năm 1973, tôi thường gặp những người ủng hộ phá thai bầy tỏ quan điểm chân thành rằng: chỉ sau vài năm nữa thôi, việc chống phá thai sẽ chìm vào quên lãng. Họ cho rằng một phán quyết về mặt luật pháp có thể dập tắt các tiếng nói của lương tâm.
Các chánh án trong nhóm đa số ủng hộ phán quyết Roe V. Wade mà đại diện là Harry Blackmun, người đã soạn thảo ra bản văn sau cùng, phát biểu một cách lạc quan là: Mọi chống đối phá thai sẽ bị tịt ngòi sau một thời gian ngắn nữa. Chắc chắn rằng ông không thể ngờ rằng “thời gian ngắn” đó đã kéo dài 40 năm.
Đám đông diễu hành vì Sự Sống (March for Life) tại thủ đô Washington nhân dịp kỷ niệm lần thứ 39 của phán quyết đã nói lên rằng lương tâm con người vẫn luôn nhức nhối vì phá thai. Thật vậy, nước Mỹ vẫn luôn nhức nhối về phán quyết Roe. Nó đã trở thành trung tâm tranh cãi và chia rẽ về mặt chính trị. Nếu Tối Cao Pháp Viện đã hy vọng phán quyết của họ đưa ra một con đường thanh bình thì họ đã thất bại thê thảm.
Ông Guido Calabresi, khoa trưởng trường luật Yale vào lúc đó nhận định phán quyết Roe thay vì hòa giải quốc gia đã đẩy người ta vào một trận chiến không khoan nhượng, làm cho những người có quan điểm đối nghịch không thể sống chung với nhau nữa. Nhiều người nghĩ rằng phán quyết sẽ hòa giải mọi tranh chấp như đã từng có, có những chống đối ồn ào trong một thời gian ngắn rồi sau đó đâu cũng vào đấy thôi.
Một số người đã tỏ ra bất mãn và tức giận khi Tối Cao Pháp Viện ra luật chống kỳ thị chủng tộc trong nhà trường nhưng rồi sau đó cả nước đã tuân theo luật này một cách tốt đẹp, chẳng ai tranh cãi về luật chống kỳ thị chủng tộc trong nhà trường nữa. Nhưng vấn đề không như thế với luật cho phép phá thai.
Tại sao vậy ? Giáo sư Lawrence Tribe của Trường luật Harvard, một người ủng hộ phá thai mãnh liệt, ít nhất đã phải nhìn nhận rằng vấn nạn phá thai là một xung đột giữa hai thái cực. Ông đề nghị một số giải pháp hòa giải giữa hai thái cực này. Nhưng những nỗ lực đó đều thất bại bởi vì bên nào cũng là thái cực đối nghịch nhau.
Khi bên ủng hộ phá thai đặt câu hỏi tại sao, sau khi có phán quyết Roe, bên chống phá thai đã không câm miệng đi và chìm vào quên lãng, người ta sẽ chỉ còn biết về họ trong các sách lịch sử, thì đây là 5 lý do:
Thứ nhất, Roe đã đã dấy lên phong trào Phò Sinh (Pro-Life) rộng lớn nơi những người cho rằng thai nhi có quyền sống không thể tước đoạt.
Thứ hai, Roe đã tạo nên một hậu quả mà những quan tòa Tối Cao Pháp Viện không lường trước là khiến cho hàng triệu tín hữu Tin Lành tham gia cuộc chiến Bảo Vệ Sự Sống. Trước đó nhiều người Tin Lành cho rằng chống phá thai là việc riêng của Công Giáo. Roe đã tạo nên một cơn địa chấn thức tỉnh người Tin Lành về bản chất giết người của phá thai. Họ đã nhanh chóng tham gia vào mặt trận Phò Sinh về cả hai mặt chính trị và văn hóa.
Thứ ba, những con số phá thai chết chóc đã gia tăng một cách kinh hoàng vượt ra khỏi mức quân bình. Trên một triệu ca phá thai đã được thực hiện tại Hoa Kỳ hằng năm. Có 40% ca mang thai ở New York bị phá đi, trong số đó nơi phụ nữ gốc Phi Châu chiếm 60%. Con số này khuấy động lương tâm Phò Sinh. Giới trẻ hiện nay ngơ ngác nhận ra nhiều bạn đồng trang lứa đã bị biến mất (thay vì được cùng học tập chơi đùa, có thể trở thành người yêu hay nên vợ nên chồng với mình).
Thứ tư, phá thai đã trở thành chính xác những gì mà nhóm BVSS đã cảnh cáo: xúc phạm tới nhân phẩm con người qua việc sàng lọc các thai nhi. Nhiều thai nhi đã bị giết chết vì không hợp với khẩu vị của cha mẹ. 90% thai nhi có hội chứng Down đã bị loại bỏ. Khi cho phép phá thai thì tòa án đã công nhận quyền sàng lọc giới tính. Khi chưa có đúng con trai hay con gái theo ý muốn thì cứ việc phá đi, để thử lại lần khác.
Thứ năm, các tiến bộ kỹ thuật cho phép nhìn vào thai nhi, các thế hệ trước của các quan tòa đã ra phán quyết Roe chưa được diễm phúc này. Nhiều bậc cha mẹ đã thấy trước đứa con chưa sinh ra của mình và chiêm ngưỡng Phép Lạ của Sự Sống. Họ đã thấy hình hài con người đang mút tay trong lòng mẹ. Nhiều em nhỏ hằng ngày nhìn thấy hình ảnh các em trai em gái chưa chào đời được gắn vào cánh cửa tủ lạnh trong nhà mình. Mọi người chúng ta khi tin rằng mọi thai nhi phải được quyền chào đời không thể thoái lui nữa trong nỗ lực BVSS.
Sức mạnh lớn nhất của phong trào BVSS là ở tại giới trẻ. Trong suốt đời họ đã được chứng kiến những số liệu chết chóc từ phán quyết Roe. Vì thế phá thai sẽ còn luôn làm nhức nhối con tim của họ.
Nguồn: http://religion.blogs.cnn.com/2012/01/23/my-take-why-the-abortion-issue-wont-go-away/
NGUYỄN TRUNG, 1.2012
Theo hanhtrinhdanchua.net
0 bình luận:
Đăng nhận xét