Thư gửi người tự tay phá thai cho con mình!

Cô Phương kính mến, 

Tôi vừa đọc bài chia sẻ của cô trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 23.1.2015 , với nhiều tâm trạng khác nhau. Tôi nghĩ là ít ai dám can đảm “vạch áo cho người xem lưng”, chẳng mấy ai can đảm thú nhận tội lỗi của mình với công chúng. Bởi thế, tôi rất cảm động và cầu nguyện nhiều cho cô sớm được bình an, thoát khỏi những dày vò tâm hồn. Qua những chia sẻ về nỗi bức bối, áy náy và tội lỗi của cô sau lần tự tay phá thai cho con gái của mình, chắc hẳn cô muốn gửi thông điệp cho thế giới: hãy tôn trọng sự sống của con người. Tôi viết cho cô vài dòng ngắn ngủi này để chia sẻ chút tâm tình và suy nghĩ của mình về một thực trạng vốn đang nổi cộm ở Việt Nam.

Cô ơi! Sự sống là món quà vô giá mà Thượng Đế đã ưu ái dành tặng cho con người. Dù có tin vào Thiên Chúa hay không, mọi người đều chân nhận sự sống con người là cái gì đó rất cao quý, độc nhất và huyền nhiệm! Quyền sống hay chết của một nhân linh không thuộc về con người, nhưng thuộc về Đấng ban cho món quà ấy. Một cảm giác giằng xé, đau đớn, ám ảnh, hối hận, và tội lỗi sẽ luôn dậy sóng trong lòng mỗi khi ta lạm quyền của Thượng Đế. Nếu vì lợi ích trước mắt hay những toan tính thiệt hơn mà sẵn lòng hủy đi một mầm sống, là máu mủ của mình, thì hệ quả để lại sẽ là một mặc cảm tội lỗi nặng nề, một cuộc sống khó chịu bất an. Bởi lẽ khi phá thai, ta có tội với trời và có lỗi với một hài nhi vô tội. Nhưng dù sao trong hoàn cảnh của cô, lương tri hay lương tâm còn thôi thúc cô trở về để ăn năn và hoán cải. Đó là một tín hiệu đáng mừng, cô ạ!

Quả thực, tiếng nói lương tâm của con người thường báo hiệu cho chủ thể một điều gì đó bất ổn, rối bời và bất an khi làm điều sai trái. Suốt ba năm qua, chưa đêm nào cô trọn giấc. Những cơn ác mộng hành hạ cô hằng đêm cùng với tiếng khóc gọi của trẻ thơ: “Ngoại ơi, con chết rồi!” Một ám ảnh không dễ dàng vượt qua, cô nhỉ? Tôi xin được san sẻ những dằn vặt và đau đớn này với cô và cầu nguyện với Thượng Đế đầy lòng thương xót cho cô sớm được an bình. Bên cạnh đó, một dấu hiệu đáng mừng là tiếng nói lương tâm của cô còn đủ mạnh để hướng thiện, để hối hận và chuộc lỗi bằng cách dấn thân vào hoạt động bảo vệ sự sống mà nghề nghiệp tư vấn về sản khoa của cô cho phép. Ước chi, tiếng nói lương tâm của những ai đang định phá thai cũng rung lên mạnh mẽ để ngăn cản một hành vi giết chết con mình. 

Đứng vào hoàn cảnh của cô trước khi phá thai cho con gái mình, đúng là có khi người ta “rối quá làm liều”. Cô là một phụ nữ rất đẹp, hiền hậu, dịu dàng, mái tóc buộc hờ sau lưng trông quý phái. Cô thương mến đứa con gái xinh đẹp và nhiều tài của mình. Phải chăng vì một chút bồng bột của tuổi mới lớn mà con cô đã “bỏ nhà theo trai”, rồi “mang thai về nhà”. Hệ quả là khiến cô cân nhắc giữa việc giữ thanh danh cho gia đình hay để cháu ngoại được mở mắt chào đời. Đúng là rất khó để cô giữ được cả hai! Lúc đó, cô đã nghiêng về việc làm sao tránh khỏi búa rìu dư luận nếu vụ việc lộ ra! Nhưng thử hỏi dư luận có cho ta được hạnh phúc và bình an? Dư luận có quyền gì mà đẩy ta vào chỗ giết người? Nạn phá thai vẫn đang diễn ra hằng ngày phần lớn là vì dư luận. Mình làm sao cấm được miệng đời? Lúc ấy giá mà cô nhận ra quyền được sống và sự sống thánh thiêng của bào thai lớn hơn rất nhiều so với tai tiếng của dư luận, chắc hẳn cô đã yêu thương để cháu ngoại mình được mở mắt chào đời. Đằng này, cô đã tự tay phá thai cho chính con gái yêu quý của mình; cái thai trôi ra, dĩ nhiên là đã chết ngạt, lại là cháu ngoại của cô với thân thể tái nhợt. Cô đã thú nhận rằng: “chẳng hiểu sao, tôi nhìn nó thấy giống hệt con gái tôi lúc mới chào đời!”

Cô thân mến,

Hôm nay, chuyện buồn của cô như một bài học lớn lao dành cho những ai đã, đang và sẽ có ý định phá thai. Qua những lời chia sẻ chân tình đầy nước mắt hối hận của cô, tôi tin rằng cô ước muốn làm chút gì đó để đền tội với cháu ngoại của mình. Nếu thế, tôi rất cảm kích và ủng hộ cô. Biết đâu với những lời thú nhận “cảm giác tội lỗi khi cô tự tay phá thai cho con gái mình” trên mặt báo, lại là tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người: hãy yêu quý sự sống của thai nhi. Ước sao mọi người hãy chung tay dựng xây một nền văn minh tình thương và sự sống, chứ đừng vì ích lợi nào đó mà nỡ giết hại bào thai vô tội.

Sau cùng, tôi tiếp tục cầu nguyện cho cô và gia đình cô luôn được bình an và luôn dấn thân góp phần bảo vệ sự sống cho những thai nhi vô tội:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm ơn đã ban tặng cho mỗi người chúng con món quà sự sống. Quyền sống ấy không ai được phép xâm phạm hay tước đoạn đi. Xin Chúa giúp mọi người luôn biết quý trọng sự sống của mình và của người khác. Được như thế, chúng con tin rằng mỗi gia đình sẽ nhận được ơn lành và hạnh phúc đích thực mà Chúa hứa ban cho những ai tuân theo huấn lệnh của Chúa: chớ giết người. Xin Chúa chúc lành cho cô và gia đình cô để họ sớm thoát khỏi dằn vặt của tội lỗi, để với tình yêu và lòng thương xót của Chúa, cô có lại được sự bình an trong cuộc sống. 

Thủ Đức, 24/01/2015 

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

Chuyện người mẹ tự tay phá thai cho con

Chuyện xảy ra ở vùng ven, cách TP.HCM chưa đầy 100km. Một cô học trò lớp 8 mang bầu. “Tác giả” là một cậu bạn cùng tuổi. 

Những bước đi quá đà đã khiến nhiều cô gái trẻ phải phá thai ngoài ý muốn. Trên nghĩa trang online có hàng ngàn ngôi mộ do “cha mẹ” các hài nhi tội nghiệp lập ra - Ảnh: Tiến Long

Cha cô xích con ngoài cửa, đánh đập. Mẹ cô - một bác sĩ sản khoa - đã tự tay phá bỏ bào thai của con gái mình...

Câu chuyện nói lên rất nhiều về “trục trặc đầu đời” của nhiều bạn trẻ, nỗi đau đớn của những người làm cha làm mẹ, sự loay hoay của họ để tìm một cách ứng xử phù hợp trước cú sốc của con mình...

Tiệm thuốc tây mở tại nhà bà Phương (42 tuổi) lúc nào cũng đông khách, ngồi chưa ấm chỗ đã có người hỏi mua hàng, nhờ tư vấn. Bà rất đẹp, hiền hậu, dịu dàng, mái tóc buộc hờ sau lưng trông quý phái khác hẳn với những phụ nữ trong vùng, vốn chủ yếu làm nghề buôn bán nhỏ, làm thuê, chạy chợ.

Nếu không nghe chính bà kể về câu chuyện nói trên, chắc hẳn không ai hình dung được những gì bà đã phải trải qua: giằng xé, đớn đau, ám ảnh, đến mức đôi lần bà đã đi tìm cái chết để giải thoát chính mình...



Ngoại ơi, con chết rồi!

Ba năm qua, chưa đêm nào tôi trọn giấc. Những cơn ác mộng hành hạ tôi hằng đêm. Tôi thường mơ thấy một đứa bé khóc oe oe gọi “ngoại ơi, ngoại ơi!”.

Có bữa tôi mơ thấy nó ôm tôi, thì thầm: “Ngoại ơi, con chết rồi!” rồi cắn vào tai tôi bật máu. Ngày ấy nó gần 4 tháng tuổi, đã mang hình hài của một đứa bé con.

Hồi đó, ngoài giờ làm trong một bệnh viện, tôi còn làm thêm tại một phòng khám tư chuyên về sản khoa của một bác sĩ quen. Trong đời làm việc của mình tôi đã tự tay điều hòa, nạo hút khá nhiều ca. Nhỏ có mà lớn cũng có.

Khi biết bé Na con mình mang bầu, sau phút hoảng loạn, giận dữ, tôi bàn với chồng đưa cháu đến phòng khám tôi đang làm việc và tôi sẽ trực tiếp làm. Phải bí mật.

Dù gì gia đình tôi cũng có chút danh tiếng trong vùng này, và con tôi thì còn nhỏ quá, nếu lộ ra, búa rìu dư luận nó làm sao đi học tiếp, làm sao lấy được chồng nữa? Lứa tuổi này mà có con thì tương lai coi như chấm hết.

Bao nhiêu kinh nghiệm suốt gần 20 năm làm nghề, bao nhiêu lý trí mới giúp tôi đứng vững vào giờ phút ấy. Tôi hít một hơi thật sâu, đeo găng tay, trấn tĩnh tiêm một liều thuốc vào đứa con gái đang nằm yên trên bàn.

Rồi, cái thai trôi ra, dĩ nhiên là đã chết ngạt. Thân thể tái nhợt. Không còn nguyên vẹn. Nó không giống như những hình hài khác đã bị vứt bỏ qua bàn tay tôi: nó mang trong mình một phần dòng máu của chính tôi.

Và giờ nó trôi ra, đã chết. Dưới bàn tay tôi. Chẳng hiểu sao, tôi nhìn nó thấy giống hệt con gái tôi lúc mới chào đời. Mắt tôi hoa lên, tối sầm lại.

Cầm máu xong, trước khi té nhào xuống nền nhà bất tỉnh, tôi vẫn còn kịp gọi chồng vào trông con.

Ca đó nói chung thành công, không có tai biến gì nghiêm trọng, nhưng đó cũng là ca làm việc cuối cùng của tôi. Vì chỉ cần nghĩ đến hình ảnh đứa bé con ngày hôm đó, tôi đã thấy ngạt thở, mắt hoa lên như bị ai bóp cổ.



Tại sao lại là con tôi?

Câu hỏi ấy cứ đeo đuổi, dằn vặt tôi mãi tới giờ. Từ nhỏ cháu rất ngoan, gia đình tôi cũng thuộc hàng gia giáo trong vùng. Chẳng phải con hát mẹ khen hay, nhưng thật sự cháu rất xinh đẹp và nhiều tài.

Bảy năm học đầu tiên năm nào cháu cũng đứng đầu trường. Cháu tham gia hoạt động ngoại khóa rất tích cực, thi hát, thi kiến thức... đều đoạt giải cao. Vợ chồng tôi chiều con lắm, nhưng cháu cũng không ỷ lại vào sự chiều chuộng đó mà càng chăm ngoan khiến chúng tôi rất vừa lòng.

Đến cuối năm lớp 7, khi bắt đầu dậy thì, tôi nhận thấy tâm tính con biến đổi rất nhanh, tôi cố theo mà không kịp. Con thích chơi với đám “bạn xấu” - mấy đứa mà khi đi họp phụ huynh cô giáo vẫn thường chê là lười biếng, thi thoảng lại rủ nhau nghỉ học đi chơi đâu đó vài ngày, chửi lộn, đánh lộn...

Tôi căn vặn thì cháu quạu lại, sao mẹ cứ nghĩ không tốt cho các bạn con là sao? Tôi càng làm dữ, cháu càng tỏ ra bướng bỉnh, chỉ “dính” với đám bạn này. Có lần tôi tìm thấy con trong quán bida mà lẽ ra giờ ấy phải đang trong lớp học.

Đầu năm lớp 8, mới khai giảng được ít hôm, cháu bỏ đi ba ngày, cùng với 2 triệu đồng tiền lẻ tôi để trong tủ để thối lại cho khách. Vợ chồng tôi tá hỏa tam tinh, hỏi han khắp nơi thì biết cháu đã có “bạn trai” rồi. Đó là cậu bạn cùng lớp, nhà cách nhà tôi chừng 2-3km, thuộc nhóm ham chơi lười học. Lần đó, nó tự mò về sau khi tiêu hết sạch tiền. Ba nó định “tẩn” cho một trận tơi bời, nhưng tôi thương con, khóc lóc xin xỏ mãi ổng mới tha.

Nhưng yên ổn chưa được nửa năm nó lại đi nữa. Lần này đi hơn 20 ngày. Nó viết thư nhờ một người xe ôm chuyển về nhà, ghi kín ba trang giấy học trò. Bức thư ấy tôi vẫn còn giữ. Nó viết nó sẽ đi không về nữa, để ba mẹ phải hối hận “vì đã đối xử với con không ra gì.

Trong nhà này lúc nào anh hai cũng là nhất, con chỉ là đồ thừa thãi. Con lớn rồi, thể nào con cũng tự sống được, ba mẹ không phải lo”. Trời đất ơi, vợ chồng tôi thương yêu nó không để đâu cho hết, chẳng biết từ bao giờ, vì đâu nó lại nghĩ ra được những lời ấy? Sau hết tiền, lang thang, vạ vật, cãi nhau với cậu bạn kia rồi gọi điện cho tôi tới đón về. Thì ra hai đứa nó đi tuốt luốt tới Bình Dương ở chung với nhau.

Tôi chẳng bao giờ nghĩ chuyện này có thể xảy đến với nhà mình. Mấy tháng sau, tôi phát hiện con có biểu hiện lạ như người có bầu. Tôi tra hỏi mãi, nó cứ khăng khăng không nhận vì mỗi lần làm chuyện đó hai đứa đều dùng bao do nó lấy trộm ở nhà mang đi. Nhưng kiểm tra thì đâu có khó gì.

Nhìn kết quả trên que thử, mặt nó xám ngoét. Còn tôi, từ bàng hoàng, sợ hãi cho tới giận điên người. Tôi không ngăn nổi việc ba nó xích tay nó vào chiếc cột ngoài hiên, ngày đánh nó hai lần. Đánh rất dữ, nhưng nó không khóc.

Còn ba nó thì vừa chửi mắng, vừa quật roi tới tấp mà nước mắt giàn giụa. Nửa chừng, ông quẳng roi ra sân, chạy vào phòng khóc rưng rức. Nhà tôi rộng lắm nên hàng xóm chắc cũng không mấy người biết, tôi cũng tự an ủi mình vậy.

Đến đêm, đợi chồng đã ngủ mệt, tôi mở trói cho con dìu nó vào phòng. Hai mẹ con ôm nhau mà khóc. Tôi khóc vì xót xa, thương con, thương mình. Nó khóc vì đau, vì sợ, vì oán giận. Đợi tâm lý con ổn định trở lại, tôi quyết định phá ngay cái thai đi, dù nó đã gần 15 tuần tuổi.




Không có tôi bên cạnh cùng con?

Tôi gửi con đi học một trường thật xa, cho nội trú luôn. Tôi hiểu đó dù sao cũng là cú sốc đầu đời quá lớn với con, nó cần phải quên đi, tương lai còn dài ở phía trước. Bây giờ cháu đã học tới lớp 12, sắp thi đại học. Cháu ít khi về nhà.

Về phần mình, câu chuyện đó là một vết thương mà mỗi khi nhắc đến tôi cảm thấy đau đớn đến mức có thể lịm đi. Tôi nghỉ việc, chỉ ở nhà bán thuốc. Trong thời gian này, tôi có dịp nghĩ lại cách mình dạy dỗ, đồng hành với con khi mới lớn lên. Có lẽ, những ngày tháng khó khăn đó, nó đã cảm thấy cô độc, không có tôi bên cạnh. Nó là đứa có cá tính mạnh, và tôi, chỉ vì bộn bề công việc, lơi lỏng chuyện dạy con mà để xảy ra chuyện. Trong mắt tôi nó vẫn là đứa con ngoan, chuyện đó chỉ là một sai lầm của tuổi trẻ. Nhưng có phải ai cũng nghĩ như vậy đâu.


MAI HOA - DIỆU NGUYỄN ghi

Theo Tuổi Trẻ

42 tổ chức XHDS người Việt kêu gọi bỏ án tử hình

VRNs (07.01.2015) – Sài Gòn – Bản án tử hình khi đã thi hành rồi mới phát hiện oan sai thì sẽ không bao giờ sửa được. Ai sẽ gánh trách nhiệm về cái chết oan đó? Vấn đề bỏ ngỏ cho lương tâm, còn người đã chết thì đành phải chịu. Liệu nhân danh bảo vệ trật tự và an toàn xã hội để giết chết người khác có còn là lý do chính đáng trong thời đại văn minh này không?

Tại Việt Nam, hai tử tù trẻ Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng đã được hai gia đình, hai dòng họ ròng rã gần 10 năm trời kêu oan, xin xét xử lại cho đúng người đúng tội, nhưng đến nay, sự sống của hai người trẻ này vẫn cứ bị đe dọa hàng ngày.

Chiều hôm qua, 06.01.2015, 42 tổ chức xã hội dân sự (XHDS) người Việt, trong đó có 21 trong nước đã công bố một Kháng Thư, kêu gọi nhà nước Việt Nam bỏ án tử hình trong Bộ luật hình sự Việt Nam.




Kháng thư phản đối án tử hình tại Việt Nam 
của các tổ chức dân sự và chính trị trong lẫn ngoài nước – 06.01.2015

Kính gởi
– Quý Cơ quan hữu trách Việt Nam.

Đồng kính gởi
– Quý Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
– Quý Cơ quan Nhân quyền Quốc tế

1- Nhận định


– Kể từ sau năm 1975, Việt Nam là một trong những quốc gia thi hành án tử hình nhiều nhất thế giới, vừa đối với các tù binh chiến tranh (thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa), vừa đối với các tù nhân lương tâm, vừa đối với các tù nhân hình sự. Rất nhiều trường hợp chết oan vô tội và tất cả đều chết đau thương. Có vô số tài liệu lẫn lời chứng về vấn đề này. Theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (trong Báo cáo 2014 sắp công bố), tại VN hiện có 742 người mang án tử chờ ngày bị hành hình; 162 người bị xử tử trong năm 2014 (cho tới tháng 9); 53 người bị tuyên án tử trong năm 2014 (cho tới tháng 9). Gần đây lại có một loạt án tử hình được tuyên liên quan đến tham nhũng, cướp bóc, buôn ma túy, gây xôn xao công luận; và nhiều án tử hình bị cho là tuyên sai trái, khiến gia đình nhiều năm kêu oan và hiện gây công phẫn cho toàn xã hội, như vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Dương), Hồ Duy Hải (Long An)…

- Việt Nam đang theo chế độ độc tài toàn trị, không tam quyền phân lập, hệ thống tư pháp bị đảng Cộng sản kiểm soát hoàn toàn để bảo vệ đảng. Lại có nạn công an điều tra ưa lập thành tích hay quen thói bao che, viện kiểm sát và thẩm phán nhận đút lót hay sợ khuyết điểm, nên thường có những vụ xét xử bất công, dẫn tới những sai lầm trầm trọng và có thể đưa đến những bản án tử hình bất chấp sự thật và công lý, đi ngược các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Ngoài ra, với Nghị định số 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ ký ngày 17-12-2013, có hiệu lực từ 1-2-2014, ban phép bắn kẻ bị cho là “có hành vi chống người thi hành công vụ”, nhằm ngăn ngừa những cuộc nổi dậy ngày càng tăng của nhân dân đòi công lý, và trước hiện trạng nhiều công dân vô tội bị chết sau khi sa vào tay những công an có máu bạo hành, công luận thấy rằng bộ máy cầm quyền ngày càng có dấu hiệu trở nên hung ác man rợ hơn.

- Việc thi hành án tử hình tại VN còn nhiều thể thức vô nhân đạo. Như các tử tù bị giữ nhiều năm trong cảnh biệt giam, cùm kẹp, kiểu đọa đày nghiệt ngã… khiến cho họ (và gia đình họ) sống trong khắc khoải khôn cùng, dễ dẫn đến tự tử; như việc thi hành án bằng súng đạn hay bằng những cách kéo dài cơn hấp hối của tù nhân khiến họ quằn quại trong đau đớn tột độ (vì các nước EU đã cấm xuất khẩu các loại thuốc độc chích cho phạm nhân mau chết); như có những bác sĩ được mời đến nhà tù để chữa bệnh nhưng tới nơi thì bị cưỡng bức tiêm thuốc độc để giúp thi hành án, khiến trực tiếp phá vỡ các cam kết chuyên môn và đức nghiệp của họ. Với việc thực thi một pháp chế vô nhân đạo bằng cách thức vô nhân đạo như thế, VN chắc chắn càng gặp thêm khó khăn về ngoại giao và lãnh thêm thiệt hại về uy tín. (Đã có nhiều bằng chứng về vấn đề này).

- Nhân loại hiện nay có Ngày Thế giới chống án tử hình (được thiết lập từ 10-10-2003). Liên Hiệp Quốc, nhiều tổ chức nhân quyền và các tôn giáo (vốn tự thân chống việc pháp luật tàn hại sinh mạng) đã kêu gọi các quốc gia mau chóng loại bỏ thứ án ấy, vì đó là sự vi phạm quyền sống, hạ nhân phẩm, vô nhân đạo và bất khả nghịch hồi, như được nêu ra trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (đ. 3 và 5) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (đ. 6 và 7). Ngoài ra, số lượng các nước bãi bỏ án tử hình không ngừng gia tăng. Trong số 193 thành viên Liên Hiệp Quốc thì năm 2012, đã có 150 nước chính thức bãi bỏ hay không thực thi án này nữa, và tổng cộng 173 nước đã chẳng còn hành quyết ai. (x. RFA 08-11-2013)

2- Tuyên bố

Từ những nhận định trên, các tổ chức dân sự và chính trị ký tên dưới đây cực lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, vì những lý do như sau:

a- Quyền sống của con người (từ lúc tượng hình trong bào thai đến lúc chết tự nhiên) là quyền tối thượng và cơ bản mà chỉ mình Đấng Tạo Hóa mới có quyền định đoạt và kết thúc.

b- Công lý, luật pháp và tòa án là nhằm giữ gìn xã hội trật tự và bảo vệ công dân vô tội, nhưng cũng nhằm giáo dục các công dân phạm tội, giúp họ hối lỗi và đền bù (sửa chữa), chứ không nhằm báo oán lên họ và gia đình họ.

c- Án tử hình do đó biểu hiện sự hung tàn của chế độ, vì là dấu nhà cầm quyền yếu kém trong điều hành xã hội; và thể hiện sự thất bại của luật pháp, vì mạng người mất đi thì không thể sửa chữa hậu quả. Ngoài ra, án phạt này chẳng tác dụng gì trong việc đấu tranh chống tội phạm. Tại các quốc gia bãi bỏ tử hình, trọng tội không thấy tăng, đang khi tại các quốc gia duy trì tử hình, trọng tội chẳng hề giảm, mà chỉ suy giảm ý thức tôn quý nhân mạng. Đấy là chưa kể xưa rày chẳng hệ thống tư pháp nào mà không có lúc sai lầm trong xét xử, khiến nhiều tử tội đã chết oan.

d- Xã hội văn minh hiện thời đang có những phương thế ngày càng hữu hiệu hơn để vô hại hóa những kẻ phạm đại tội mà vẫn tôn trọng nhân phẩm họ và mở ra cơ may cho họ tự cải tạo, đồng thời chẳng làm tổn hại công ích.

e- Chúng tôi yêu cầu các cơ quan hữu trách Việt Nam ngưng ngay việc thi hành mọi án tử đã tuyên, bỏ ngay một số tội tử hình như buôn bán ma túy, in tiền giả (trong số 22 tội) và sớm sửa đổi Bộ luật Hình sự để án “tử hình” hoàn toàn bị bãi bỏ.

Làm tại Việt Nam và hải ngoại ngày 06.01.2015


Các tổ chức dân sự và chính trị đồng ký tên:

Quốc nội

1- Bach Dang Giang Foundation. Đại diện: Ths Phạm Bá Hải
2- Con Đường Việt Nam. Đại diện: Ông Hoàng Văn Dũng.
3- Diễn Đàn Xã hội Dân sự: Đại diện: Ts Nguyễn Quang A
4- Giáo hội Cao đài chân truyền. Đại diện: các chánh trị sự Hứa Phi,CTS Kim Lân,CTS Bạch Phụng
5- Giáo hội Liên hữu Lutheran Việt Nam-Hoa Kỳ. Đại diện: Ms. Nguyễn Hoàng Hoa
6- Giáo hội Mennonite thuần túy. Đại diện: Ms Nguyễn Mạnh Hùng
7- Giáo hội PGHH Thuần túy. Đại diện: Cụ Lê Quang Liêm, các ông Phan Tấn Hòa, Tống Văn Chính, Lê Văn Sóc.
8- Hiệp hội Đoàn kết Công nông Việt Nam. Đại diện: Ông Nguyễn Mai
9- Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam. Đại diện: Ông Nguyễn Bắc Truyển
10- Hội Anh em Dân chủ. Đại diện: Ls Nguyễn Văn Đài
11- Hội Bảo vệ Quyền tự do tôn giáo. Đại diện: Cô Hà Thị Vân
12- Hội Bầu bí Tương thân. Đại diện: Ông Nguyễn Lê Hùng
13- Hội Phụ Nữ Nhân Quyền. Đại diện: Bà Trần Thị Nga
14- Hội thánh Chuồng Bò. Đại diện: Ms Lê Quang Du.
15- Hội Cựu tù Nhân lương tâm. Đại diện: Bs Nguyễn Đan Quế.
16- Khối Tự do Dân chủ 8406. Đại diện: Kỹ sư Đỗ Nam Hải.
17- Mạng lưới Blogger VN. Đại diện: Cô Nguyễn Hoàng Vi.
18- Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền. Đại diện: Lm Nguyễn Hữu Giải
19- Phong trào Liên đới Dân oan đấu tranh. Đại diện: Bà Trần Ngọc Anh.
20- Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất. Đại diện: Hòa thượng Thích Không Tánh.
21- Văn phòng Công lý Hòa bình DCCT Sài Gòn: Lm Đinh Hữu Thoại.

Hải ngoại
1- Ban Bảo vệ Tự do Tín ngưỡng đạo Cao Đài (Hoa Kỳ). Đại diện: Hiền tài Nguyễn Thanh Liêm
2- Chương trình Phát thanh Khối 8406 (Hoa Kỳ). Đại diện: Bà Amiee Hoàng Lam Hương
3- Chương trình Phát thanh Lương tâm Công giáo San Jose USA. Đại diện Cao Thị Tình
4- Diễn Đàn yểm Trợ Khối 8406 & Phong Trào DCVN (Canada). Đại diện: Ông Trần Ngọc Bính
5- Đài Vietnam-Sydney Radio (Úc châu). Đại diện: Bà Bảo Khánh.
6- Hội Pháp Việt Tương Trợ (AFVE Paris). Đại diện: Ông Bùi Xuân Quang.
7- Hiệp hội Đoàn kết Công nông Việt Nam hải ngoại. Đại diện: Ông Trương Quốc Việt
8- Khối 1706 (Úc châu). Đại diện: Ông Đoàn Kim
9- Khối 1906 (Úc châu). Đại diện: Ông Trần Hồng Quân
10- Khối 8406 (Hoa Kỳ). Đại diện: Ông Nguyễn Phú
11- Khối 8406 Âu Châu. Đại diện: Ông Nguyễn Phương Đông.
12- Khối 8406 (Úc châu). Đại diện: Ông Nguyễn Quang Duy.
13- Liên mạng truyền thông Báo Động. Đại diện: Ông Huỳnh Tâm
14- Mạng lưới Nhân quyền VN. Đại diện: Ts Nguyễn Bá Tùng
15- Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân. Đại diện: Bác sĩ Trần Văn Cảo
16- Phong trào Giáo dân Việt Nam hải ngoại. Đại diện: Ông Phạm Hồng Lam
17- Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước. Đại diện: Bà Đặng Thị Danh
18- Radio Toàn Dân Cứu Nước. Đại diện: Bà Trần Thị Hồng Khương
19- Radio – TV – Magazine VN Tự Do (Hoa Kỳ). Đại diện: Gs Vương Kỳ Sơn.
20- Viện Nhân quyền Việt Nam. Đại diện: Ông Nguyễn Quang
21- Ủy ban Yểm trợ Khối 8406 New Orleans (Hoa Kỳ). Đại diện: Gs Vương Kỳ Sơn.

Theo VRNs - Tryền thông Chúa Cứu Thế

Bài 8 - Người Công giáo có thể nại vào lương tâm để bất đồng ý kiến với Giáo hội không?

Lương tâm, để được gọi là lành mạnh, phải phán đoán theo sự thật. Nhưng nếu lương tâm của một người không nhận ra sự thật trong một số giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến vấn đề luân lý, thì người đó có buộc phải tuân phục giáo huấn của Giaó Hội không ? Nói cách khác, một người công giáo có thể nại đến lương tâm của mình để khước từ những điểm quan trọng trong giáo huấn của Giaó Hội không ?


1. Trước tiên, phải nói ngay rằng : lương tâm là tiếng nói tối thượng mà con người phải tuyệt đối vâng phục. Như vậy, nếu theo lương tâm, một tín hữu cho rằng một giáo huấn hay một khoản luật nào đó của Giaó Hội là sai lầm, và tuân phục giáo huấn hay khoản luật ấy là một việc sai lầm, thì dĩ nhiên người tín hữu ấy cần có thái độ bất tuân.

2. Thế nhưng, vấn đề không dừng lại ở đó. Dừng lại ở đó là chưa giải quyết xong vấn đề lương tâm. Thật thế, nói đến xung đột giữa giáo huấn của Giaó Hội và lương tâm là cho rằng giáo huấn của Giaó Hội và lương tâm là hai điều tách biệt nhau và đối lập nhau, tương tự như hai lực lượng đối lập trong các thể chế chính trị. Nếu cho rằng có sự đối lập hoặc có sự xung đột giữa giáo huấn của Giaó Hội và lương tâm, thì chẳng khác nào bảo rằng : quyền bính của Giaó Hội là một thế lực bên ngoài áp đặt lên lương tâm của tín hữu.

Thật ra, Huấn Quyền của Giaó Hội không phải là một yếu tố bên ngoài áp đặt lên lương tâm hoặc xung đột với lương tâm, mà là một phần của lương tâm người tín hữu. Nói cách khác, tin ở sự chân thật và đáng tin của Huấn Quyền là một phần của lương tâm người tín hữu, bởi vì họ đã tự do chọn lựa như thế. Khi một người công giáo không còn tin rằng Chúa Giêsu đã ủy thác quyền giảng dạy cho Giaó Hội, thì dĩ nhiên người đó đã hoàn toàn đánh mất đức tin, người đó không còn là người công giáo nữa và người đó cũng không còn lý do để xưng mình là công giáo nữa. Tóm lại, tin nhận Huấn Quyền của Giaó Hội là một phần thiết yếu của bản sắc công giáo. Không thể là người công giáo mà không tin nhận Huấn Quyền của Giaó Hội, cũng như không thể là một người cộng sản mà không bám chặt vào Đảng.

Như vậy, trên nguyên tắc, không thể có chuyện xung đột giữa lương tâm của người tín hữu và Huấn Quyền của Gíao Hội, bởi vì tin ở Huấn Quyền của Giaó Hội là thành phần của lương tâm người tín hữu.

3. Vấn đề phải được hiểu một cách chính xác, đó là chỉ có xung đột trong lương tâm mà thôi. Tự trong đáy thẳm tâm hồn, người kitô hữu có thể cảm thấy có hai lập trường đối nghịch nhau, khó hoặc không thể dung hòa với nhau : một mặt, người đó tin nhận rằng Chúa Kitô đứng đàng sau giáo huấn của Giaó Hội ; mặt khác, người đó lại thấy rằng không thi hành giáo huấn là điều xem ra được phép. Như vậy, vấn đề không phải là lương tâm xung đột với Huấn Quyền, mà là lương tâm xung đột với chính mình. Nói cách khác, đây là tình trạng xung đột giữa hai khuynh hướng của lương tâm : khuynh hướng công giáo luôn tin nhận Huấn Quyền của Giaó Hội và khuynh hướng cảm thấy khó tuân theo hoặc không muốn tuân theo Huấn Quyền ấy.

Xét cho cùng, dù thế nào đi nữa, vấn đề sẽ mãi là : hoặc người đó tin ở sự bảo đảm của Thánh Thần trong giáo huấn của Giaó Hội, hoặc người đó không tin. Nếu người đó không tin rằng giáo huấn của Gíao Hội là của chính Chúa Kitô, thì người đó không còn là người công giáo nữa. Nếu người đó tin vào Huấn Quyền mà vẫn còn nghi ngờ, thì thái độ đó cũng không phải là thái độ của người công giáo.

4. Ngày nay, không thiếu những người công giáo như cảm thấy mình đang ở trong một tình trạng bị xâu xé : lương tâm bảo họ làm một điều, nhưng Giaó Hội lại bảo làm một điều khác. Trong tình trạng bị xâu xé ấy, họ lắng nghe Giaó Hội, nhưng chỉ một cách miễn cưỡng, nghĩa là như cảm thấy một sức ép từ bên ngoài. Thật ra, nếu hiểu cho nghiêm chỉnh và thấu đáo, thì Huấn Quyền không hề tạo bất cứ một sức ép nào. Nếu có sự cưỡng bách nào, thì sự cưỡng bách đó đến từ niềm tin của người tín hữu vào Huấn Quyền của Giaó Hội mà thôi, nghĩa là giáo huấn của Giaó Hội chỉ có sức mạnh nhờ vào sự xác tín cá nhân của người tín hữu. Như vậy, người tín hữu bị cưỡng bách bởi chính niềm xác tín cá nhân, hay đúng hơn bởi chính lương tâm đã được soi sáng của mình.

5. Ngoài ra, còn có một lý chứng khác nữa để khẳng định rằng người kitô hữu không thể nhân danh quyền tối thượng của lương tâm để chối bỏ Huấn Quyền của Giaó Hội. Lý chứng đó là : hành động tự do theo tiếng nói của lương tâm không có nghĩa là được phép hành động ngược lại với luật của Chúa, bên ngoài hay bên trên luật của Chúa, nhưng là phải phán đoán dựa vào luật của Chúa. Mà giáo huấn của Giaó Hội chỉ là áp dụng và triển khai luật của Chúa. Do đó, một khi nại vào tự do lương tâm để chối bỏ Huấn Quyền của Giaó Hội, thì người ta cũng chối bỏ chính luật Chúa và như thế cũng là chối bỏ chính Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lừng

Theo website Giáo phận Phan Thiết

Tâm sự của những người đã trót phá thai

Các anh chị em BVSS ở Việt Nam chắc đã nghe nhiều các tâm sự của người trong cuộc, thấu hiểu những người sau khi phá thai đã gặp phải những đau khổ thể xác và tâm hồn thế nào, những đau khổ mà các bác sĩ tư vấn cho người ta phá thai đã vô tình hoặc cố ý không đề cập.

Với sự cho phép qua Email của Action Live News, xin dịch nhanh vài tâm sự của 8 người phụ nữ ở Mỹ. Họ nói lên hậu quả phá thai mà họ phải chịu, những thời gian sống trong đau đớn và hối hận, trong khao khát có một đứa con mà họ sẽ chẳng bao giờ còn có được để ôm vào lòng. Thời điểm dự sinh sau 9 tháng 10 ngày cứ đến và qua đi, luôn mang đến sự hối tiếc năm này qua năm khác.

Phá thai không phải là cái gì đó, ai đó đã làm trong một ngày, nó kéo dài cả đời người…


Lori Nerad, cựu chủ tịch hội "Phụ Nữ bị lạm dụng bởi phá thai"
Hai tuần sau khi phá thai, tôi lâm vào một cơn co tử cung, lảo đảo trong phòng tắm, và tại đó, với chồng bên cạnh, tôi đã cho ra một phần của con tôi mà bác sĩ đã bỏ quên. Đó là chiếc đầu của con mình… 
Tôi luôn phải giật mình thức giấc nửa đêm vì nghĩ mình nghe thấy tiếng khóc của con. Và tôi thường có những cơn ác mộng, trong đó tôi mơ thấy mình bị buộc phải nhìn thấy con mình bị xé ra từng mảnh trước mắt tôi. Tôi chỉ nhớ con mình, tôi thường choàng tỉnh thức giấc khi thấy muốn chăm sóc con, muốn ôm con. Đó là những gì mà bác sĩ đã không bao giờ nói cho tôi biết là tôi sẽ phải trải qua.

Abby Johnson, sáng lập viên nhóm “Và rồi chả còn gì”
Một ngày nọ, đang ngồi trong xe, con gái tôi đột nhiên hỏi liệu có ngày nào cháu sẽ gặp lại các em của nó trên Thiên Đàng không ? Tôi hỏi cháu có ý muốn nói gì… Trong thâm tâm, tôi mong cháu đừng có ý nói về hai lần phá thai của tôi. Cháu trả lời là cháu biết tôi đã phá thai hai lần và cháu muốn biết là có gặp lại các em của cháu được không, bởi vì, như lời cháu nói: “tận đáy lòng, con nhớ các em”. 
Tôi không hề biết là tôi sẽ phải chịu đựng những lần tan nát cõi lòng về các con tôi như thế. Khi tôi phá thai, tôi không hề nghĩ nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến người khác, tôi không hề nghĩ rằng sẽ có lúc tôi phải giải thích sự ích kỷ của mình với các con. Việc phá thai nó day dứt trong tôi và thật không may, nó cũng day dứt trong con gái của tôi.

Ashley Granger, vợ, mẹ và là sinh viên lớp "Siêu âm chẩn đoán"
Giờ khi con trai tôi đã 4 tuổi, đôi khi tôi nhìn vào khuôn mặt dễ thương của nó và tự hỏi những đứa con khác của tôi sẽ có nét mặt thế nào ?!? Tôi vẫn có những giấc mơ thấy mình bế con và rồi tôi thấy đau buồn tận tim gan khi thấy rằng chính tôi đã cướp đi các em của con trai tôi. 
Các bạn có thể sẽ hỏi, sao bây giờ không cố mang thai lại mà sinh cho con một đứa em ? Thực lòng, tôi muốn lắm nhưng chồng và tôi đã rất nỗ lực với tình trạng không thể có thai đã cả hơn hai năm rưỡi rồi. Tôi không bao giờ dám nghĩ rằng là tôi sẽ không thể mang thai được nữa. 
Hàng đêm, con trai cưng của tôi vẫn cầu nguyện với Chúa để có em bé, và mỗi lần nghe những lời cầu nguyện yêu thương tha thiết như thế, tim tôi lại nhói đau về những gì tôi đã làm. Bởi vì hồi tưởng lại việc phá thai thì cũng chẳng sửa chữa được lỗi lầm hoặc cũng chẳng đưa ra được một giải pháp nào khả dĩ. Đó chính là vấn đề, nó để lại những hậu quả lâu dài cho những thế hệ tiếp theo.

Katrina Fernadez, nhà văn trào phúng Công Giáo trên trang web Patheos
Tôi đã giết hai đứa con của tôi, cướp đi những cháu nội cháu ngoại của cha mẹ tôi và đã tàn sát anh chị em của con trai tôi. Những lần phá thai này đã trực tiếp gây ra căn bệnh gọi là “Bất túc cổ tử cung” ( incompetent cervix ), bệnh này đã làm tôi phải sanh non một đứa con trai khác và cháu đã chết sau một tuần vật vã trong phòng chăm sóc đặc biệt NICU ( Neonatal intensive care unit ) năm 2001. Sự đau đớn mà tôi đã phải chịu đựng dai dẳng, tôi đã gây ra cho người khác là không thể đo được, và tội lỗi đó gần như đã khiến tôi muốn quyên sinh. Bất kỳ cách nhìn nào, tôi cũng là một kẻ hèn nhát !

Addie Morfoot, một người mẹ, nhà văn
Con trai Ross của tôi thường bảo tôi rằng: Annie chính là thiên thần bản mệnh của nó, nhưng ý nghĩ đó làm tôi sợ hãi. Tôi có muốn thiên thần bản mệnh của con trai tôi lại là một người đã bị chính mẹ nó vứt bỏ không ? Đã bị kết thúc sự tồn tại của mình bằng cách kích thích, giục cho sinh non hay không ? Thiên thần đó chắc sẽ rất giận dữ, thất vọng và tổn thương. 
Tôi giữ các hình ảnh siêu âm của cháu cùng với tấm thiệp Hallmark ghi là: “Đó là con gái !” do bạn thân của tôi gửi tặng, cùng với các đồ trang trí cây thông Noel có khắc ngày dự sinh của Annie mà cha mẹ tôi đã đưa cho tôi vào tuần lễ tôi phát hiện mình có thai. Tôi đã cất chìa khóa trong một cái tủ xa hẳn phòng ngủ con trai tôi… Nhưng Annie vẫn ám ảnh tôi, khi cái ngày dự sinh đó sắp đến, hoặc khi con trai tôi bị ho nặng, hoặc khi con gái bé bỏng của chị tôi sinh ra, tôi đều nghĩ tới Annie. 
Mỗi năm một lần, vào dịp sinh nhật của cháu, tôi lại ngồi khóc một mình. Tôi tưởng tượng ra cái cảm giác được bế cháu trong tay. Và rồi tôi van xin để con hiểu rằng: "Mẹ đã làm tất cả những gì mẹ cho là tốt nhất cho con…"

Beatrice Fedor, thành viên của chiến dịch “Không im lặng nữa”
Tôi đã giật nước cho con tôi trôi đi trong bồn cầu và lúc đó thật khủng khiếp. Thế rồi hành động đó cũng chả giúp tôi tốt nghiệp đại học được. Từ lúc 19 tuổi đó cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn chẳng có nổi một mảnh bằng nào. 
Bảy năm sau, tôi lại có thai. Bố của cái thai đó hơn tôi đến 20 tuổi và là loại người tồi tệ. Phá thai lúc đó là một giải pháp nhanh chóng để tự bảo vệ tôi và con tôi khỏi cái kẻ tồi tệ đó. Thế là tôi đến phòng khám, trong cơn lo lắng tột cùng, tôi được chụp thuốc mê cho ngủ thiếp đi. Khi tôi thức dậy thì thấy máu ở giữa hai chân, tôi bật khóc và không ai có thể an ủi tôi được. Tôi ngày càng đắm chìm vào sự suy nhược tâm thần và những ý nghĩ chết chóc. Rồi tôi gặp chồng tôi, anh mang Chúa Giêsu vào cuộc đời tôi dù tôi vẫn còn rất đau đớn. Khi tôi có thai cháu đầu tiên với anh, việc phá thai trước đó lại hiện lên và mặc cảm tội lỗi ùa về. Tôi tìm tới các chuyên viên tâm lý để được tư vấn và bắt đầu được chữa lành. Sau này, tôi tham dự các buổi tĩnh tâm của nhóm Vườn Nho Rachel và sau cùng thì tôi đã có thể tự tha thứ cho tôi mà tìm được sự bình an. 
Phá thai đã hứa hẹn là sẽ giải thoát tôi khỏi hai tình huống khủng hoảng, thế nhưng thay vào đó, nó đã gần như hủy hoại cuộc đời tôi… Hãy luôn có hy vọng cho những người đang bị đau khổ, và tôi làm thành viên của chiến dịch "Không Im Lặng Nữa" chính là vì họ.

Jewels Green, cựu nhân viên phòng phá thai
“Ngày mồng 6.1.1989, lúc có thai được 9 tuần rưỡi, tôi đã phá bỏ. Việc phá thai đã gần như giết chết tôi. Không, chả có phẫu thuật, chả có hậu quả tâm lý gì, tôi đã tìm cách tự tử ba lần sau khi phá thai và cuối cùng thì tới khu Chữa Trị Tâm Lý Thanh Thiếu Niên của bệnh viện cộng đồng trong một tháng để được giúp hồi phục… 
Làm việc trong phòng nồi hơi khử trùng thì không bao giờ dễ chịu. Tôi nhìn thấy đứa con đã mất của tôi trong từng cái bình thủy tinh đựng các bộ phận thai nhi bị phá bỏ. Một tối kia, sau khi làm việc trở về, tôi đã gặp ác mộng về những đứa bé bị giết chết. Nỗi sợ hãi khủng khiếp thúc đẩy tôi phải tìm gặp giám đốc phòng khám để nói về cảm giác của mình. Bà ta rất thông cảm, cởi mở, thành thật và thẳng thắn một cách đau lòng khi bà nói với tôi: “Những gì chúng tôi làm ở đây là chấm dứt sự sống, chỉ đơn giản và thuần túy như thế !”

Brice Griffin, sáng lập viên Charlotte Center for Women
Sau khi phá thai, tôi nôn nóng quay về, tìm tới một quán bar, thủ đô Washington DC đã chẳng đủ whiskey cho tôi đêm đó, cũng như tất cả các đêm tiếp theo trong nhiều tháng trời sau đó. Choàng tỉnh vào buổi sáng sau hôm phá thai, Brian hỏi tôi có ngủ ngon không. Tôi trả lời “như một em bé”. Anh nói: “Em có ý muốn nói là như một người giết em bé ?” Nhiều tháng sau đó, tôi chẳng còn biết gì khác ngoài việc tôi muốn chết cho xong. Cái chết có lẽ sẽ là giải pháp duy nhất giúp tôi thoát khỏi cái hố sâu trống rỗng khủng khiếp trong tâm hồn mình lúc đó. Tôi nài xin được chữa trị tâm lý, tôi gào thét xin giúp đỡ, nhưng tự trong thâm tâm, làm sao tôi chấp nhận được những gì tôi đã làm ? 
Tôi đã chôn vùi, không ai cần phải biết, không ai cần phải cay nghiệt phán xử tôi làm gì, tự tôi đã phải tự phán xử chính mình. Tôi lê lết qua nhiều năm liền, có lúc cảm thấy vui rồi lúc khác lại cảm thấy đọa đày. Một ngày kia, tôi chạy đến nghe Linh Mục Larry Richards giảng về Bí Tích Hòa Giải. Ngài nói: “Nếu con đã phá thai, hãy xưng tội đó ra, em bé, con của con sẽ cầu nguyện cho con trên Thiên Đàng”. 
Lồng ngực tôi bùng lên những cơn nức nở không thể kiểm soát nổi, tôi chạy về nhà, gọi điện xin hẹn được xưng tội với vị Linh Mục coi xứ thân thương của mình. Mở đầu buổi xưng tội, tôi nức nở khóc. Tôi thú nhận với cha xứ rằng mình đã phạm một tội lỗi tồi tệ nhất, tội giết người. Cha mỉm cười hiền hòa, đưa cho tôi hộp khăn giấy và nói: “Chúa rất vui khi thấy con tới đây, con sẽ được tha thứ, nhưng con cần phải được chữa lành”. Rồi ngài bắt đầu nói cho tôi nghe về Rachel’s Vineyard, một hoạt động mục vụ nhằm mục đích chữa trị những tổn thương từ phá thai”.

Bản dịch của Ks. THÁI VŨ (Hoa Kỳ)
https://www.lifesitenews.com/pulse/8-brutal-heart-rending-quotes-from-women-who-aborted-their-babies
Theo báo Ephata số 632

Hãy vững tin và cầu nguyện

Kính thăm cha,

Trước khi con viết E-mail này cho cha, con đã rất nhiều lần được nghe cha giảng trong Nhà Thờ, đọc các bài viết của cha trên báo, blog, website và thậm chí là đã gặp mặt trò chuyện trực tiếp với cha, để thấy rằng quyền năng của Chúa, đặc biệt trong vấn đề sự sống, luôn nhiệm màu hơn bao giờ hết.

Đây là câu chuyện của gia đình nhỏ của chúng con. Con xin chia sẻ với cha và mọi người.

Vợ chồng con kết hôn khi chồng con 25 tuổi, con 24 tuổi. Tin vui đến một thời gian ngắn sau khi kết hôn. Phải nói là chúng con rất vui mừng, cả gia đình hai bên cũng hồ hởi không kém. Con đi khám thai lần đầu tiên tại Bệnh Viện Phụ Sản Mê Kông, quận Tân Bình, lúc đó thai nhi được 4 – 5 tuần, nhưng phải siêu âm tận ba lần để xác định phôi đã về tổ hay chưa, cuối cùng bác sĩ phải dùng đến phương pháp siêu âm hội chẩn để hình ảnh rõ ràng nhất. Rất may là phôi thai đã “vào vị trí” an toàn. Bác sĩ hẹn con một tuần sau tái khám.

Tuần thứ 6, bác sĩ siêu âm và chuẩn đoán động thai, ra máu, phải nghỉ ngơi nhiều. Phải nói là con rất sợ, nỗi sợ mơ hồ không biết mình có giữ được thai hay không. Con cầu nguyện suốt trên đường về nhà. Rồi con chia sẻ chuyện này với chồng, hai vợ chồng vừa lo cho cái thai trong bụng, vừa bắt đầu lo kinh tế trong nhà sẽ như thế nào nếu chỉ có một mình chồng đi làm.

Cả hai vừa cưới nhau chưa lâu, không có nhiều tiền tiết kiệm. Lương của chồng chỉ tạm đủ cho sinh hoạt hàng tháng và sẽ khá khó khăn nếu như bây giờ con ở nhà và sau này thêm các chi phí cho em bé nữa. Nhưng lúc ấy thì không còn sự lựa chọn nào khác. Con được một vài công ty mời làm việc tại thời điểm đó nhưng đành từ chối. Hai đứa động viên nhau: “Thôi, cứ cầu nguyện hết với Chúa, tới đâu sẽ tính tới đó !”

Tuần thứ 8, tình hình có vẻ đã ổn định hơn dù vẫn còn động thai. Chỉ mới vài ba lần đi khám, tiền thuốc và tiền khám đã hơn một triệu đồng. Biết vậy, nhưng vẫn phải theo vì sức khỏe của cả hai mẹ con.

Tuần 11, bé được siêu âm độ mờ da gáy với chỉ số là 2mm, nằm trong ngưỡng an toàn. Mỗi lần nằm lên bàn siêu âm, con lại lẩm bẩm cầu xin “cho con nghe được nhịp tim bé, cho bé được mạnh khỏe, bình an”. Tuần này còn làm xét nghiệm double test để dự đoán các dị tật nếu có của bé. Bác sĩ hẹn một tuần trả kết quả. Đó là một tuần dài và chúng con vẫn hằng đêm đọc kinh, cầu nguyện nhưng không tránh khỏi những lo lắng. Khi nhận kết quả, mọi chỉ số của mẹ đều ổn, trừ một điểm: bé có khả năng bị down với tỉ lệ rất cao 1:45, nghĩa là người ta bảo cứ 45 trẻ thì có 1 trẻ bị down.

Khỏi phải nói chúng con đã cảm thấy hụt hẫng và buồn như thế nào. Với những người trong nhà đều khỏe mạnh, bản thân hai vợ chồng đã chuẩn bị đầy đủ kiến thức cũng như sức khỏe, tiêm phòng tiền hôn nhân và rất cẩn thận trong ăn uống, sinh hoạt từ những ngày đầu cấn thai, nên đây là một tin rất sốc. Bác sĩ khuyên nên đi chọc ối ở Bệnh Viện Từ Dũ hoặc Hùng Vương vào tuần thứ 16 để chắc chắn kết quả. Chúng con im lặng suốt đoạn đường về và đến nhà thì con òa khóc, vừa buồn vừa lo. Chồng cũng buồn, nhưng cũng cố gắng động viên vợ tìm hiểu các thông tin về bệnh down kỹ hơn, hoặc đi khám ở một bệnh viện khác xem kết quả có khác biệt không. Quan trọng hơn hết, chồng quả quyết cho dù bé có như thế nào cũng giữ, không được bỏ đi. Con cái là Chúa ban nên phải sinh ra dù nó có thế nào thì cũng là con mình. Nói thật, lúc đó con chẳng nghĩ được gì, chỉ mong con mình sinh ra được mạnh khỏe, bình thường thôi.

Con lên mạng tìm hiểu thêm, cả những trang web dành riêng cho các bà mẹ và cả những trang web Công Giáo. Cũng có những trường hợp bác sĩ chẩn đoán trẻ bị dị tật, nhưng bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Có những trường hợp siêu âm không chẩn đoán gì hết, rồi sinh con ra lại bị cái này cái khác. Quan trọng là nếu có tín ngưỡng, nên cầu nguyện nhiều và có niềm tin vào Đấng Tối Cao và với người Công Giáo, đó là cầu nguyện và đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.

Sau mấy ngày suy nghĩ, chúng con đi khám ở một bệnh viện tư khác. Con trình bày lý do mình muốn đi xét nghiệm lại, nhưng họ từ chối thực hiện vì họ bảo làm lại không có ích gì khi anh chị muốn giữ lại bé. Chúng con ra về, ghé qua Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, chỉ muốn cầu nguyện với Chúa, với Mẹ Maria về nỗi lo lắng của chúng con thôi.

Rồi chúng con gặp cha. Trình bày câu chuyện, nghe lời khuyên và những chia sẻ của cha, chúng con như an tâm hơn, vững tin hơn vào quyền năng của Chúa. Chúng con cũng được cha tặng một tập sách về những nhân chứng sống và những trường hợp quyết tâm giữ lại thai nhi với đủ các lý do. Cha còn tặng và làm phép cho chúng con một khăn Thánh Giêrađô, cùng lời dặn đặt lên bụng mỗi khi cầu nguyện và đặt dưới gối khi ngủ. Con đã làm theo và tự nhủ rằng nếu con sanh con trai, con sẽ đặt tên Thánh cho con trẻ là Giêrađô.

Sau thời gian này, vợ chồng con không còn nghĩ đến "khả năng xấu" mà bác sĩ dự đoán nữa. Chúng con vui vẻ hơn và dường như cũng quên đi kết quả đó. Và nhờ ơn Chúa, nỗi lo tài chính của chúng con được giảm đi nhiều lần khi chồng con được công ty chuyển làm ở vị trí khác với mức lương và hỗ trợ gần như gấp đôi. Chúa đã luôn ở bên chúng con và bằng cách này hay cách khác, Chúa đã dang tay giúp đỡ chúng con.

Vì một vài lý do, chúng con chuyển sang thăm khám định kỳ ở Bệnh Viện An Sinh, quận Phú Nhuận. Ở đây các y bác sĩ, nữ hộ sinh đều rất nhẹ nhàng, tử tế. Mọi chuyện vẫn diễn ra tốt đẹp, bé vẫn khỏe mạnh, phát triển đạt tiêu chuẩn của thai nhi. Chúa Nhật nào chúng con có dịp đi Lễ ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, DCCT, sau Lễ chúng con đều nán lại cầu nguyện với Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp, rồi với Thánh Giêrađô, mong cho thai kỳ khỏe mạnh và sinh nở được an toàn. Không biết có phải vô tình không, nhưng mỗi lần đi Lễ, dầu là Lễ ở Nhà Thờ nào, Lễ mấy giờ, thì bé cũng đạp rất mạnh và gần như suốt Lễ.

Ngày 13.9.2014, con chuyển dạ và sanh ở tuần 36 bằng phương pháp sinh mổ vì huyết áp cao. Mặc dù bác sĩ chuẩn đoán là sanh non nhưng bé cũng được 3kg2 và khỏe mạnh. Tuy nhiên, để đảm bảo không bỏ sót những dấu hiệu của trẻ sanh non, bé được chuyển qua Bệnh Viện Nhi Đồng theo dõi và nằm lại 4 ngày. Cuối cùng, bé cũng được về với mẹ và đến giờ bé đã khá hơn rất nhiều. Bé được đặt tên Giêrađô Đặng Nhật Khang, với mong muốn tương lai sáng láng, hưng thịnh.

Chúng con đã luôn cầu nguyện trong suốt thai kỳ, trong những thời khắc quan trọng, đặc biệt ngay lúc con nằm trên bàn mổ. Không được mang theo gì vào phòng mổ, con cũng lẩm nhẩm đọc được chuỗi Mai Khôi. Khi nghe tiếng bé khóc, con không khóc theo được vì quá mệt nhưng thở phào được một cái nhẹ nhõm.

Tạ ơn Chúa đã luôn ban bình an cho gia đình nhỏ của chúng con. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, Thánh Giêrađô mà bé được khỏe mạnh, bình an. Con không dám gọi bé là một "nhân chứng sống" cho việc Bảo Vệ Sự Sống, nhưng với lời cầu nguyện và niềm tin của chúng con, bé đã nhận được rất nhiều ơn Chúa.

Cầu mong Chúa luôn che chở cho bé, cho các trẻ nhỏ khác và câu chuyện này xin được chia sẻ với những ông bố, bà mẹ khác hãy vững tin và cầu nguyện với Chúa cho bất kỳ hoàn cảnh nào trong cuộc sống…

MAI NGỌC HUYỀN, 2014

Theo báo Ephata số 632

Nhân bản của thai nhi và tình trạng phá thai

Việt Nam, cùng với Trung Hoa và Ấn Độ, đang được xếp vào số những quốc gia có nạn phá thai cao nhất thế giới. Tình hình đó đã làm cho không ít người suy nghĩ về giá trị đích thực của thai nhi nói riêng và giá trị của con người nói chung. Như vậy, đứng trên quan niệm triết học, chúng ta thử tìm hiểu xem giá trị của con người hệ tại ở điều gì? Nói cách khác, điều gì làm cho con người khác con vật. Và từ đó chúng ta cũng có thể có một vài nhận định về vấn đề phá thai ở Việt Nam. Để làm điều này, trước hết, người viết xin trình bày về quan điểm nhân bản của John F. Kavanaugh[1]. Sau đó, người viết sẽ trình bày về cái nhìn truyền thống của người Việt Nam về giá trị con người nói chung cũng như thai nhi nói riêng. Và cuối cùng, với tư cách là một người học viên Dòng Tên, một người không thể trải qua kinh nghiệm đau thương của những bà mẹ phải đối diện với những khó khăn trong việc bỏ đi người con của mình. Tuy nhiên, người viết cũng mạo muội xin chia sẻ với họ một vài quan điểm về vấn đề trên như một lời thông cảm với những đau khổ của họ.


1. Quan niệm nhân bản của John F. Kavanaugh

Dưới ảnh hưởng của Toma Aquino, Kavannaugh cho rằng khi chúng ta nhìn thấy một vật sinh trưởng, phát triển, và hoạt động, chúng ta nhận ra nơi những sự vật này có một nguyên lý tổ chức giúp cho tất cả các hoạt động này diễn ra. Nguyên lý của những hoạt động trên thường được gọi là linh hồn. Đó không phải là một bóng ma trong sự vật, nhưng đúng hơn là một nguyên lý hội nhất năng động của toàn thể. Vì có những loại sinh vật khác nhau, nên cũng có những loại linh hồn khác nhau.[2]

Trước hết, mỗi cây có một linh hồn. Linh hồn này chính là nguyên nhân giúp cho sự phát triển hội nhất của nó trong những hoạt động phát triển và sinh trưởng. Trong khi loài cây có sinh hồn, thì động vật có giác hồn là nguyên lý sống của nó. Giác hồn hình thành và hội nhất đời sống của động vật.[3] Nơi động vật, không chỉ có những hoạt động phát triển, sinh sản, tính cảm ứng và sự thích nghi, nhưng còn có những hoạt động nhận thức và thèm muốn (appetite) dựa trên mức độ cảm giác bên trong cũng như bên ngoài. Cảm giác bên ngoài là khả năng nhận những dữ liệu có thể đo lường phụ thuộc vào các cơ quan có tính vật chất bên ngoài. Theo truyền thống Aristotle, các cơ quan này bao gồm thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác và khứu giác. Cơ quan cảm giác bên trong bao gồm nhận thức giác quan, trí nhớ giác quan, tưởng tượng giác quan và dự đoán giác quan. Con người cùng chung chia những khả năng của hai loại trên, nhưng đồng thời cũng có những khả năng trổi vượt hơn như khả năng yêu thương, trí năng, tự do chọn lựa.

Con người, xét như là một hữu thể hiện thân (embodied being), có những khả năng mà một hữu thể hiện thân và tự thức đòi hỏi. Con người có khả năng kinh nghiệm và khả năng nhận thông tin về chính bản thân mình và thế giới trong một tiến trình phức tạp của những giác quan bên ngoài. Con người có thể hội nhất, xử lý, lưu trữ và gợi nhắc những thông tin này. Con người cũng đáp trả với thế giới mà họ kinh nghiệm. Trong mức độ thông tin và sự thèm muốn, có lẽ con người cùng chia sẻ với những động vật không phải là người. Tuy  nhiên, khác với con vật, con người kinh nghiệm chính mình được thiên phú khả năng ý thức tự phản tỉnh trong mối quan hệ với chính kinh nghiệm của mình. Khả năng này là trung tâm của sự tự do con người và dường như không được chia sẻ với thú vật.[4]

Khả năng để đi vào mối tương quan với thế giới là khả năng xác nhận. Đó là khả năng để nói “có” cũng như nói “không”. Chính khi con người biết nói “có” hay “không”, bước đầu anh ta thấy mình khác biệt với thế giới, khác biệt với người khác. Anh ta biết rằng mình không phải là trung tâm của vũ trụ, không phải là tất cả. Nói cách khác, anh ta bắt đầu xác định được “cái tôi” hay bản ngã của mình. Kinh nghiệm này không đơn thuần là một sự kiện ngôn ngữ. Ngôn ngữ thì chỉ là một sự xác nhận của người nói và bởi người nói. Để phát biểu một điều gì, thì tôi phải nói một điều gì của tôi. Ngôn ngữ thì đơn giản chỉ là sự nhại lại. Máy móc thường làm điều này tốt hơn con người. Khác với máy móc, ngôn ngữ con người thì không chỉ là sự biểu lộ những ký hiệu mà con người đã đón nhận mà còn là sự biểu lộ của sự đáp trả của cái bản ngã của con người đối với thế giới.[5] Theo quan điểm của Toma Aquino chúng ta cũng thấy rằng bất cứ một hữu thể nào biết chính mình thì có khả năng đi vào sự thân mật (intimacy) sâu xa hơn hữu thể không biết chính mình. Như vậy, con người, xét như là hữu thể biết chính mình, có khả năng yêu thương.[6] Ngoài ra, khi con người có thể liên hệ chính mình với kinh nghiệm của mình, anh ta có khả năng đặt câu hỏi “tôi phải làm gì?”, nghĩa là anh ta biết mình đang làm gì, và có quyền lựa chọn chứ không phải hành động theo một điều gì đã được tiền định. Như vậy, nhờ sự tự ý thức, con người có tự do, có quyền lựa chọn để hành động hoặc không hành động. Thế nhưng, sự tự thức này đến từ đâu? Nó mang tính vật chất hay phi vật chất?

Thật sự chúng ta rất khó xác định được nguồn gốc của khả năng thiên phú mà con người được trao ban. Khả năng này chưa bao giờ được đo lường, quan sát hay định lượng. Nó chỉ nhận biết được qua những kinh nghiệm của con người. Sự khó khăn này đã gây ra không ít vấn đề không những cho Hume cũng như Skinner, mà còn cho hầu hết các nhà khoa học về nhận thức hiện đại.[7]

John Eccles, một nhà thần kinh học, cho rằng mặc dù não con người có thể giải thích dưới thuật ngữ tiến hóa và hóa học, khả năng thiên phú của con người về sự tự ý thức thì không thể giải thích. Nguồn gốc của nó trổi vượt và không thể giải thích bằng vật chất. Để trả lời những người đặt vấn đề làm sao hiện tượng phi vật chất có thể tồn tại, Eccles chỉ đơn giản trình bày rằng chúng ta phải bắt đầu với giả thiết về điều đó. Sự tồn tại của nó là điều kiện cần thiết không chỉ cho khoa học mà còn cho văn hóa, nghệ thuật và triết học. Nếu chúng ta không thể giải thích được sự tự ý thức dưới phạm trù vật chất, điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại. Phạm trù vật chất của chúng ta đơn giản chỉ là không thích hợp để giải thích về sự tồn tại của nó.[8]

Kavanaugh cũng đưa ra giải pháp cho riêng mình. Con người là một sự thống nhất hữu cơ cá nhân vốn là một sự nghiệp (career) ý thức phản tỉnh và hiện thân (embodied). Không phải não của tôi cũng không phải tự ý thức của tôi biết sự vật, nhưng chính “tôi” biết. Mặc dầu sự tự ý thức thì phi vật chất và do đó chúng ta không thể giải thích bằng một sự kiện vật chất, tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét hành động phản tỉnh của ý thức, nó sẽ tự gợi ý về sự tồn tại của chính mình. Tự phản tỉnh là một hành động, mà cả hai việc biết và đối tượng được biết thì đồng thời hiện diện. Nếu là vật chất, nó phải ở hai nơi khác nhau. Hơn nữa, những đối thể vật chất thì quảng tính (extended), trải dài trong không gian và thời gian. Thực vậy, mắt có thể những thấy những đối thể khác như màu sắc, nhưng mắt không thể nhìn thấy chính mình. Mắt không thể nhìn thấy chính mình đang thấy.[9] Như vậy, tự phản tỉnh ở trong điều kiện của sự nhập thể của chính tôi, tôi kinh nghiệm hiện tượng này. Nó thì không phải là quảng tính, không được làm từ những phần khác nhau, là phi vật chất.

Vì là phi vật chất nên ý thức tự ý thức của con người thì không tự xác định bởi môi trường, não hay những luật tiến hóa thể lý. Nó là một khả năng được ban cho con người. Tuy nhiên, con người hiện thực hóa những khả năng này trong bối cảnh không gian và thời, phụ thuộc vào môi trường, bối cảnh lịch sử và tất cả những điều kiện tất định khác.

Như vậy, con người trổi vượt hơn con vật nhờ có khả năng tự phản tỉnh và đây là một khả năng có nơi mọi người. Mọi người đều có khả năng này, thế nên mỗi người đều có phẩm giá như nhau. Tuy nhiên, quan điểm cũng gặp không ít sự chống đối từ các triết gia khác. Đối với Pluhar[10], con người chỉ là người thực sự khi họ biểu lộ những khả năng của tự thức và trách nhiệm mà ghi dấu của một con người trưởng thành xét như là những chủ thể luân lý. Theo Pluhar, những người không phát triển trọn vẹn như thế có đáng được gọi là người không? Họ có hơn những con vật có những khả năng hoạt động tốt hay không? Pluhar cho rằng so với cách thức mà những con người thiếu khả năng hoạt động, thì động vật có thể hoạt động hiệu quả hơn nhiều. Vì thế những con vật này ít nhất nên được đối xử, tôn trọng và bảo vệ giống như cách mà người ta làm cho những trẻ em hay những người bị tổn thương về não.

Đáp lại những lập luận này, Kavanaugh cho rằng con người ai cũng có những khả năng thiên phú, những khả năng làm nên phẩm giá của con người, do đó họ đáng được tôn trọng. Những khả năng này là những tiềm năng. Tuy có nhiều người có thể hiện thực hóa tiềm năng của họ, nhưng cũng có những người khác, vì những lý do khác nhau, không thể hiện thực hóa tiềm năng này. Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ không phải là người, họ thật sự vẫn là những con người đích thực. Một em bé bình thường sẽ có những khả năng này ở dạng tiềm năng, và với thời gian và những điều kiện thuận lợi, những tiềm năng này sẽ được hiện thực hóa. Trong khi một em bé khiếm khuyết có thể gặp khó khăn trong việc phát triển một số khả năng nào đó, nhưng bù lại em bé này có thể phát triển tốt hơn ở những khả năng khác. Pluhar không xem xét lựa chọn này vì đã đồng hóa thực tại của cá nhân với sự hiện diện của những hoạt động nào đó. Tuy hoạt động của con người biểu lộ bản chất của con người, nhưng chúng không hình thành nên bản chất con người.[11] Một con khỉ có thể thực hiện những động tác điêu luyện trong rạp xiếc và giúp ta thu được nhiều lợi nhuận nhưng điều đó không có nghĩa là con khỉ này có giá trị hơn một em bé có những khiếm khuyết về não. Phẩm giá của con người hệ tại ở những khả năng được ban, khả năng tự thức, khả năng tự do và khả năng yêu thương. Có thể những khả năng này không được hiện thực hóa trong lịch sử nhưng không vì thế mà những khả năng này bị tước đi. Trong hoàn cảnh nào, những khả năng này vẫn hiện hữu, và nó làm nên giá trị của một con người.

Như vậy, qua phần trình bày trên ta thấy con người có giá trị tự bản thân. Giá trị của con người không chỉ hệ tại ở những kỹ năng làm việc của một người. Nhưng giá trị của một người hệ tại ở những khả năng tự thức mà họ được trao ban.


2. Áp dụng vào hoàn cảnh Việt Nam


2.1 Quan niệm truyền thống của người Việt Nam về giá trị con người.

Như ta đã nói, trong những năm gần đây, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Điều này đã gây ra không ít nhức nhối trong xã hội Việt Nam. Như vậy, điều gì đã ảnh hưởng đến quyết định của những bà mẹ? Quan niệm của người Việt Nam đối về con người ra sao? Một cách cụ thể hơn, quan niệm về sự sống của thai nhi trong truyền thống văn hoá Việt Nam như thế nào?

Dân gian Việt Nam thường quan niệm con cái là tài sản quí của gia đình. “Con là của”. Gia đình nào có nhiều con là phúc đức, người son sẻ là người vô phúc. Điều này cũng thể hiện phần nào việc tôn trọng sự sống của con người Việt Nam. Hơn nữa, theo văn hóa Việt Nam, chỉ khi sinh con, thì người ta mới thực sự thành cha thành mẹ. Ca dao Việt Nam có câu:

“Sinh con, mới ra con người,
Làm ăn thịnh vượng, đời đời ấm no”.

Từ quan niệm tôn trọng sự sống của con cái, người Việt có một cái nhìn chê bai và mỉa mai những người hiếm muộn:

“Có chồng mà chẳng có con,
Khác gì hoa nở trên non một mình”.

hay

“Có võng mà chẳng có đòn
Có chồng mà chẳng có con để bồng” (Ca dao).

Tuy nhiên, khi nói những điều này, chúng ta không cố ý phê phán hay chê bai những con người bất hạnh này. Trái lại, chúng ta cần tôn trọng và cảm thông cho hoàn cảnh của họ, vì dẫu có những khiếm khuyết trong hôn nhân nhưng nơi họ vẫn không mất đi giá trị đích thực của đời sống vợ chồng. Dù không thể sinh con về mặt thể lý, họ vẫn có thể “sinh sản” cho xã hội những “người con thiêng liêng” và góp phần phát triển đời sống xã hội và con người.

Đối với người Việt Nam, con cái không chỉ là niềm mong mỏi của các cặp vợ chồng sau khi cưới mà còn là sự chờ mong của gia đình nội ngoại, của cả gia tộc. Bởi thế, việc có thai được xem là tin mừng, là sự đơm hoa kết trái của tình yêu của vợ chồng trẻ, là niềm hi vọng của gia đình và gia tộc. [12] Vì lý do đó, khi có tin mừng, người mẹ được dạy dỗ để bảo vệ đứa con về mặt thể chất cũng như tinh thần. Đó chính là quan niệm “thai giáo”[13] của người Việt. Quan niệm này một mặt thể hiện sự quý trọng thai nhi của cha mẹ nhưng mặt khác nó cũng biểu lộ niềm tin cho rằng thai nhi là một con người đích thực, là một phần của vợ chồng. Điều này cũng được chứng minh qua việc một thiếu nữ có thai ngoài ý muốn mà loại bỏ đứa trẻ, là “việc làm vô nhân đạo, xưa và nay vẫn bị phong tục và luật lệ ngăn cấm”[14] Vì rằng: “Không đẻ không thương, không máu không xót” (Ca dao).

2.2 Đi tìm nguyên do

Như vậy, rõ ràng con người Việt Nam không chỉ coi thai nhi như là một con người đích thực mà còn hết sức quý trọng thai nhi. Bởi lẽ, thai nhi trong bụng của người mẹ chính là tương lai, là hạnh phúc, là hi vọng của gia đình và dòng tộc. Vậy, đâu là nguyên nhân chính khiến không ít người nữ Việt Nam quyết định để phá thai. Có lẽ, đất nước chúng ta đang trên đà hội nhập quốc tế, nên đã chịu ảnh hưởng của rất nhiều về văn hóa, tư tưởng của các nước Phương Tây và người ta có xu hướng phóng túng trong đời sống tình dục, đặc biệt là các bạn trẻ. Bên cạnh đó, chính sách kế hoạch hóa gia đình của Nhà Nước với các biện pháp chế tài mạnh mẽ đã ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của người dân. Riêng các bạn trẻ nhập cư tại các thành phố lớn, họ phải sống cuộc sống xa quê, thiếu sự giám sát và yêu thương của cha mẹ, phải gánh chịu những áp lực của cơm áo gạo tiền. Trong hoàn cảnh đó, các bạn dễ bị lây nhiễm lối sống buông thả như sống chung, quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Nếu xem xét những lý do được nêu trên, chúng ta thấy có phần hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tự hỏi đâu là lý do sâu xa nhất khiến không ít con người Việt Nam, những con người vốn rất quý trọng sự sống lại có hành động đó.

Phân tích những hiện tượng trên dưới cái nhìn của Kavanaugh, chúng ta thấy rằng con người Việt Nam cơ bản là quý trọng sự sống, đặc biệt là sự sống thai nhi. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của môi trường xã hội, kinh tế và chính trị, những tiềm năng được phú ban của con người về khả năng tự thức, khả năng yêu thương, tự do, trong một mức độ nào đó, đã không được hiện thực hóa. Họ không thực sự tự do khi đưa ra những quyết định của mình. Họ bị áp lực từ gia đình, xã hội, gia đình, tôn giáo… Những áp lực từ nhiều phía cũng phần nào che lấp đi khả năng yêu thương, tự do, và sự tự thức nơi họ. Đôi lúc họ đánh mất sự tin tưởng từ người thân, từ những người yêu quý nhất.


3. Vài ý hướng mục vụ

Như vậy, đứng trước tình hình trên, tôi, một người học viên Dòng tên có thể làm gì? Trước hết, về phía xã hội, chúng ta có thể góp một tiếng nói nào đó giúp xã hội phản tỉnh về chính mình. Có lẽ, xã hội ít nhiều cũng nhận ra được có điều gì đó bất ổn trong việc làm của mình. Những tiếng kêu của không ít người đã thể hiện điều đó. Tuy nhiên, nhiều người chưa dám nhìn nhận sự thật hay có lẽ do có quá nhiều yếu tố che đậy, nhiều người không biết mình đang làm gì? Nói cách khác, vì lý do này hay lý do khác, nhiều người đã không hiện thực hóa được những khả năng mà họ đã được phú ban, đó là khả năng yêu thương, khả năng ý thức phản tỉnh và tự do. Như vậy, có thể một tiếng nói nào đó như Socrates ngày nào có thể giúp xã hội phản tỉnh, giúp xã hội thấy mình chưa thực sự sống đúng như chính mình là với tư cách là một con người đích thực với các khả năng được phú ban.

Thứ đến, để có thể chia sẻ với những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn trên, chúng ta không thể đến với họ như là một người đưa ra những lời huấn đức hay những lời hướng dẫn về luân lý. Từ trong thâm tâm họ, chúng ta tin rằng họ đã có những khả năng được thiên phú của một con người mà ai cũng có, đó là khả năng yêu thương, khả năng tự ý thức và sự tự do. Chúng ta cũng tin rằng những con người này hiểu rõ giá trị của người khác đặc biệt là những người con mà họ đang cưu mang. Vậy, họ thiếu điều gì? Chúng ta có thể làm gì cho họ? Theo tôi, điều duy nhất chúng ta có thể giúp họ là sự chia sẻ, cảm thông và một thái độ yêu thương. Để làm được điều này, chúng ta đi vào cuộc đối thoại đích thực. Để có một cuộc đối thoại đích thực, hai bên phải tôn trọng nhau, phải để cho người khác diễn tả thái độ khao khát và nhu cầu của mình.[15]

Hơn nữa, đối với Habermas[16], một cuộc đối thoại đích thực phải là cuộc đối thoại đa diện, nghĩa là phải có tiếng nói của các bên liên quan, đặc biệt là những người ở địa vị thấp kém. Như vậy, trong cuộc đối thoại của chúng ta, nhất thiết phải có tiếng nói của những bà mẹ và cả những người bác sĩ, những người đã giúp đỡ các bà mẹ trong việc bỏ đi người con của mình. Chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của các bà mẹ để hiểu được nỗi đau cũng như những khó khăn, những dằn vặt mà họ phải đối diện khi họ đứng trước một chọn lựa khó khăn như thế. Một bà mẹ đã từng chia sẻ: “Em đã phá thai được hơn sáu năm, nhưng em không thể nào quên được, nó cứ ám ảnh làm em rất sợ, có hôm em còn mơ thấy em bé khóc gọi mẹ”[17]. Còn những bác sĩ phụ sản thì sao? BS Hồng Minh tâm sự: “Tôi luôn có cảm giác bồng bềnh, buốt dọc sống lưng mỗi khi đỡ cho những hài nhi xấu số này… Là phụ nữ, tôi thấy chạnh lòng vô cùng cho những những đứa trẻ này xấu số. Những đứa trẻ khác ra đời được nâng niu, trân trọng, yêu thương đến thế. Còn những đứa trẻ này, 20 đến 22 tuần, đầy đủ hình hài, hoàn thiện rồi, là con búp bê nhỏ rồi, nhưng phải chết. Cái chết này thực là oan nghiệt.”[18] Như vậy, chỉ khi mở lòng ra để đón nhận những nỗi lòng trên, chúng ta mới phần nào thấu hiểu và cảm thông được với họ.

Tuy nhiên, trên thực tế, để cuộc đối thoại diễn ra là một điều không dễ. Chúng ta thường dễ có thái độ của một người quen đưa ra những huấn đức hay dạy dỗ về mặt luân lý. Về phía người đối thoại, họ thường có những thành kiến không tốt khi họ thực hiện cuộc đối thoại với chúng ta. Đó có thể là thái độ mặc cảm tội lỗi hay là thái độ bất cần. Họ nghĩ rằng chúng ta chẳng hiểu gì, và có lẽ cuộc đối thoại chẳng giúp ích gì. Đó là sự bất đồng ngôn ngữ giữa chúng ta và họ.

Như vậy, đâu là giải pháp cho khó khăn này? Để vượt qua khó khăn này, có lẽ chúng ta cần bổ sung vào trong mô hình của chúng ta lý thuyết của Levinas[19] về gương mặt của người khác. Theo Levinas, khi chúng ta nhìn vào gương mặt của người khác, chúng ta khám phá ra chiều kích vô tận trên gương mặt của họ. Gương mặt của người khác mời gọi ta yêu thương, mời gọi ta phục vụ. Kinh nghiệm nhìn vào gương mặt của người khác để nhìn thấy chiều kích thánh thiêng nơi gương mặt của họ là kinh nghiệm quan trọng. Đặc biệt, tôi cũng như các bà mẹ được mời gọi để nhìn vào gương mặt của thai nhi, nhìn vào gương mặt đơn sơ, bé nhỏ, bất lực. Đôi khi đó chỉ là một cục máu đỏ chưa rõ hình hài, tuy nhiên, khi nhìn những gương mặt đó, có lẽ chúng ta sẽ cần phải phản tỉnh về hành động động của chính mình. Gương mặt của thai nhi cũng mời gọi ta yêu thương và phục vụ. Như vậy, khi nhìn vào gương mặt của người khác, chúng ta sẽ có được thái độ cảm thông, yêu thương và trân trọng. Những thái độ này xóa dần những khoảng cách, những thành kiến giữa ta và người đối diện, nhờ đó cuộc đối thoại giữa ta và họ có thể diễn ra tốt đẹp.

Tóm lại, theo Kavanaugh giá trị của con người hệ tại ở những khả năng mà họ được thiên phú, đó là khả năng tự ý thức, khả năng yêu thương và khả năng tự do. Mọi người đều được ban cho những khả năng này, do đó mọi người có giá trị như nhau. Mặc dầu một số người những khả năng này ở dạng tiềm năng, nhưng không vì thế mà họ không phải là con người đích thực. Như thế, đã là một con người, dù đang ở giai đoạn thai nhi hay những người bị khiếm khuyết, chúng ta phải tôn trọng giá trị của họ. Không ai có quyền để tước bỏ đi giá trị mà họ có. Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam, chúng ta thấy rằng, dưới nhiều áp lực khác nhau, không ít người đã không thể hiện thực hóa những khả năng mà họ đã được phú ban. Nhiều người thiếu khả năng tự phản tĩnh, nhiều người thiếu tự do trong hành động của mình. Hệ quả là nhiều hành động xúc phạm đến giá trị con người đã diễn ra, trong đó đặc biệt là tình trạng phá thai. Với tư cách là một người chăm sóc mục vụ, chúng ta không phải lên án hay dạy dỗ họ, đúng hơn chúng ta phải gặp gỡ và giúp họ gặp gỡ chính mình qua một cuộc đối thoại. Trong cuộc đối thoại này chúng ta cũng nhận ra rằng một thái độ yêu thương, thông cảm tôn trọng là rất cần thiết, điều này chúng ta phải học hỏi nơi Levinas để biết nhìn vào gương mặt của người khác. Nơi gương mặt đó gợi lên nơi chúng ta thái độ phục vụ và yêu thương.


 Hư Trúc

--------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO


Sách:

1. ÁNH, Toan, Nếp Cũ – Con Người Việt Nam, Phong Tục Cổ Truyền, NXB Văn Hoá, Hà nội, 1995.

2. KAVANAUGH, John F., Endowments of Embodied Persons, Nature-endowment Theory from Who Count as Persons.

3. KAVANAUGH, John F., The Unfolding of Open Potentialities: “The Human Soul and Immoralities.

4. WHITE, Stephen K., The Cambridge Companion to Habermas, Cambridge University, USA, 1995



Trang web:

www.thanhcavietnam.net/…/showthread.php

tintuconline.vietnamnet.vn/…/index.htm

[1] John F. Kavanaugh, một tu sĩ Dòng tên, là một giáo sư triết học tại trương đại học Saint Louis University, là tác giả của nhiều cuốn sách khá nổi tiếng, trong đó nổi bật là Following Christ in a Consumer Society and The Word Embodied.

[2] John F. Kavanaugh, The Unfolding of Open Potentialities: “The Human Soul and Immoralities”, trang 152.

[3] Ibid, trang 152.

[4] John F. Kavanaugh, Endowments of Embodied Persons, Nature-endowment theory from Who Count as Persons, trang 2.

[5] Ibid, trang 6.

[6] Ibid, trang 3.

[7] Ibid, trang 4.

[8] Ibid, trang 4.

[9] Ibid, trang 5.

[10] Evelyn B. Pluhar là một giáo sư triết học lấy bằng tiến sĩ triết tại trường đại học University of Michigan. Mối quan tâm chính của bà là những vấn đề đạo đức liên quan đến động vật. Tác phẩm nổi

[11] John F. Kavanaugh, Endowments of Embodied Persons, Nature-endowment theory from Who Count as Persons, trang 12.

[12] Toan Ánh, Nếp Cũ – Con Người Việt Nam, Phong Tục Cổ Truyền, NXB Văn Hoá, Hà nội, 1995, trang 35.

[13] Ibid, trang 36.

[14] Ibid, trang 29.

[15] Stephen k. White, The Cambridge Companion To Habermas, Cambridge University, USA, 1995, trang 149.

[16] Jürgen Habermas (sinh 18 tháng 6 1929) là một nhà xã hội học và triết học người Đức, nổi tiếng với các đóng góp về thuyết phê phán và chủ nghĩa thực dụng.

[17] www.thanhcavietnam.net/…/showthread.php

[18] tintuconline.vietnamnet.vn/…/index.htm

[19] Emmanuel Levinas (1906 –1995) là một triết gia người Pháp và là một nhà chú giải kinh Tamud.


Theo dongten.net

Hạnh phúc bị từ bỏ

9 giờ 30 tối, tôi rời khuôn viên Nhà Thờ trong khi vẫn còn đông người đang cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ. Đầu tôi nặng trĩu, tim tôi thắt lại, chân tôi bước mà không biết đi đâu nữa. Tôi đang muốn chạy trốn khỏi Nhà Thờ để khỏi nghe lời giảng của cha như đâm vào tim tôi đau xé, nhưng làm sao chạy trốn được... chính tôi ?

Tối nay, tôi nhớ mồn một những năm xa xưa ấy, những năm tôi đã nhúng tay vào tội ác mà trái tim không hề rung động, còn nếu có thì chắc chỉ thoáng qua trong một vài tích tắc mà thôi.

Ngày ấy tôi còn rất trẻ, sống bồng bột, kết hôn vội vàng và có đứa con đầu lòng rất sớm.

Chưa kịp chuẩn bị để làm mẹ, tôi thấy ngán ngẩm cảnh có con mà chỉ một mình nuôi con. Chồng tôi cùng một tuổi, cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, suốt ngày cứ đàn đúm bạn bè, nhậu nhẹt, chẳng thiết gì đến vợ con, lại còn đang ăn bám cha mẹ. Con gái tôi vừa đúng thôi nôi thì trời ơi, cả gia tài của tôi (chỉ gồm những món nữ trang ngày cưới) cũng theo nhau từ từ bay mất. Giận chồng không biết lo cho vợ con, tôi bồng con về nhà ngoại, kiếm việc làm để nuôi con.

Giá cứ như thế luôn thì tôi đã đỡ khổ ! Chẳng ngờ, chưa được bao lâu, anh ấy qua nhà tôi thề sống thề chết, năn nỉ cha mẹ tôi cho rước vợ con về. Nhưng rồi chứng nào tật nấy, càng ngày anh càng hư đốn. Lại một lần nữa, tôi ôm con trở về nhà cha mẹ ruột sau khi để lại lá đơn ly hôn với chồng tôi.

Một hôm đang làm việc, tôi cảm thấy chóng mặt, đi khám bệnh mới được bác sĩ cho hay là tôi đã có thai. Nghe như sét đánh ngang tai, tôi thẫn thờ như người mất hồn, không biết tính cách nào đây, nếu sinh thêm một đứa nữa thì đồng lương của tôi không sao lo nổi. Chẳng lẽ tôi lại mang thêm gánh nặng về cho cha mẹ ? Ông bà đã khổ vì tôi quá nhiều rồi. Chợt nhớ có cô bạn học đang làm nữ hộ sinh một bệnh viện phụ sản lớn, tôi đến thăm dò ý kiến. Đã quá quen với cảnh nạo hút thai hằng ngày, bạn tôi khuyên nên “điều hoà kinh nguyệt” ngay, sẽ không đau đâu, vì thai của tôi hãy còn nhỏ, còn hơn phải dây dưa với ông chồng vô trách nhiệm suốt đời.

Về nhà, tôi nằm liệt không dám cho ai biết. Nhìn con ngon giấc tôi ôm nó mà khóc. Thức trắng một đêm, sáng dậy tôi cáo bệnh nghỉ làm. Đưa con đến nhà trẻ xong, tôi đi lang thang trong công viên chỉ mong được yên tĩnh để suy nghĩ sáng suốt. Thả mình xuống chiếc ghế đá, tôi nhìn chung quanh thấy có nhiều cặp tình nhân đang tâm sự, chỉ có mình tôi là lạc loài.

Đầu óc tôi rối beng, cứ nghĩ tới cảnh phải tiếp tục sống với anh chồng mà ngao ngán. Nhưng còn những đứa con tôi… hay là tôi thử tha thứ cho anh ta lần nữa để những đứa con của mình được có bố có mẹ đầy đủ… Hết giải pháp này đến giải pháp khác, cách nào cũng không ổn, tôi lê bước chân vô hồn chẳng biết đi đâu.

Trên chiếc ghế đá nọ, đôi tình nhân vội quay mặt đi khi tôi vừa đến gần. Chuyện đó cũng là thường tình thôi, tôi bước qua họ nhưng chợt nghe bên tai có tiếng đàn ông sao quen quá. Tôi quay lại và kịp nhận ra đó chính là... chồng mình, còn cô gái nọ là người yêu cũ của anh ấy. Sững sờ và đau đớn, chân tôi như bị chôn xuống đất, toàn thân toát mồ hôi lạnh.

Không nhớ mình đứng như thế bao lâu nữa, chỉ nhớ sau đó tôi đã chạy, chạy đến lúc té quỵ xuống là hết ! Rồi phải một hồi lâu, nghe chung quanh có tiếng nhiều người lao xao, tôi lơ mơ mở mắt ra và thấy những bộ đồng phục màu trắng. Họ là những y tá, bác sĩ đang lo cấp cứu cho tôi. Thấy tôi đã tỉnh hẳn, bác sĩ cho biết là tôi bị động thai, cần phải dưỡng thì mới giữ được.

Đang cơn chán ngán và gần như bất lực trước những đòn roi tới tấp của nghịch cảnh, tôi buột miệng nói không suy nghĩ: “Xin bác sĩ lấy cái thai ra dùm tôi !” Thoáng chút ngạc nhiên, bác sĩ hỏi lại tôi một lần nữa, nhưng tôi vẫn cương quyết phá bỏ. Sau đó tôi được đưa sang phòng nghỉ, tiếp nước biển cho khoẻ để chờ sẽ hút thai vì lúc đó huyết áp của tôi đang tụt rất thấp.

Tinh thần hoảng loạn, bên cạnh chẳng có ai thân thích, tôi đành phải gọi cô bạn học nhờ trợ giúp. Cô ấy đến gởi gấm tôi cho bác sĩ và an ủi, xoa dịu tôi nhưng vẫn không làm tôi bớt sợ hãi.

Thế rồi chuyện gì đến phải đến. Trèo lên chiếc giường nạo thai, ý muốn leo xuống cứ trở đi trở lại trong tôi nhưng không còn kịp nữa, bác sĩ đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cả rồi. Ông bảo tôi hãy nhắm mắt lại, thở đều và... sẽ nhanh thôi, không đau đâu. Nhưng chiếc que nạo inox cứ xoáy vào bên trong người tôi, tôi thét lên từng cơn “Đau ! Đau quá !” Mà nào người ta có chịu buông tha, người ta mặc kệ, cứ “vừa đánh vừa xoa” cho đến lúc cả cơ thể và tâm trí tôi rã rời thì hoàn tất.

Con tôi, trời ơi còn đâu ! Người ta đã xé nát thịt da con rồi ! Mẹ là người mẹ khốn nạn nhất trần đời. Con ơi ! Con ơi !

Sau trận ấy tôi suy kiệt cả tinh thần lẫn thể chất. Mẹ tôi vẫn túc trực bên giường bệnh, trong khi bà còn phải lo cho con gái nhỏ của tôi. Con tôi ngây thơ quá, nó cứ chạy đến ôm hôn tôi mà không biết gì về nỗi mất mát vừa xảy đến. Tôi xấu hổ thấy mình không xứng đáng làm mẹ nó nữa.

Ngày qua ngày, bé con đầu lòng của tôi lớn dần lên, nó đã đi học, vết thương trong lòng tôi cũng nguôi ngoai. Tôi sống khép kín, chỉ biết lao đầu vào công việc, các bạn nữ đồng nghiệp gọi tôi là “bà cụ non”, còn nam đồng nghiệp nhiều người cũng thích làm quen với tôi nhưng chỉ vài câu xã giao là họ đã thấy chán ngắt, hoặc có người đeo đuổi dai dẳng hơn thì rồi cũng đành bỏ cuộc khi đụng phải cái “mu rùa biết đi”.

Tôi dành hết thời giờ cho con, vui mừng vì nó rất ngoan và học giỏi…

Từ ngày tôi được ơn trở lại Đạo cho đến nay, được thấm nhuần Giáo Lý của Thiên Chúa là Tình Yêu, và khi yêu là người ta yêu đến cùng, dù có phải hy sinh mạng sống cho người mình yêu. Tôi đã đi xưng tội và dành hết thời giờ rảnh rỗi giúp bất kỳ một ai khốn khổ mà tôi biết. Tôi đã từng theo nhóm Bảo Vệ Sự Sống vào tận các bệnh viện phụ sản lớn nhỏ để khuyên can các cô gái lỡ lầm khỏi sa vào cảnh nạo phá thai, góp phần vào việc giúp các em làm lại cuộc đời, nuôi con…

Thế nhưng, chưa bao giờ lương tâm tôi lại ray rứt và bị ṿ xé như tối nay. Trong Thánh Lễ, cha giảng đã nói đến thảm kịch phá thai hiện nay. Nghe những lời cảnh báo và kêu gọi hãy bảo vệ lấy Sự Sống là Quà Tặng vô giá của Thiên Chúa đã trao cho con người, tất cả trong tôi bừng tỉnh mọi ký ức tưởng đã chôn vùi sâu kín. Phải chăng tôi vẫn canh cánh bên lòng một món nợ không nguôi. Tôi nợ con tôi sự sống ư ? Hay tôi nợ Thiên Chúa một lần yêu ? Hay tôi nợ đời tôi một hạnh phúc ? Hạnh phúc Chúa ban đến đã bị tôi từ khước và gạt bỏ không thương tiếc.

“Bà… ba… bum… bum…”, tiếng bập bẹ của thằng Cu Tý làm tôi chợt tỉnh. Nó nhào tới ôm cứng lấy tôi và tì cái miệng bé xíu hôn lên khắp mặt tôi. Chao ôi ! Cháu ngoại tôi ! Cưng quá ! Căn nhà tôi lại vang tiếng cười của trẻ thơ sau bao năm vắng lặng. Mẹ nó đi làm suốt ngày gởi con cho tôi chăm sóc, ba nó lại còn ở phương xa, nhưng nó ngây thơ chẳng biết buồn. Đối với nó, tôi vừa là bố vừa là mẹ. Nó cứ bấu lấy tôi, tiếng bập bẹ đầu tiên của nó là “ba… bà” khiến tôi sướng run người.

Bây giờ hạnh phúc của tôi là nó. Tôi đau khi nó khóc và tôi khóc khi nó đau. Niềm hạnh phúc nhỏ bé lại trở về với tôi. Chắc chắn, Chúa nhân hậu từ bi và hay thương xót, Ngài không còn giận tôi nữa, Ngài đã tha thứ cho tôi từ lâu rồi. Còn con, con có tha cho mẹ không ?

Giờ con đang ở đâu ? Linh hồn con chơi vơi ở chốn nào ? Mẹ chỉ còn biết ăn năn sám hối và cầu nguyện. Nếu Chúa cho mẹ biết con đang ở đâu và bắt mẹ phải chịu những hình phạt nào để chuộc con về trong Vườn Chúa, mẹ cũng vui lòng nhận lãnh. Nhưng chính mẹ sao cứ phải chịu một hình phạt nặng nề là suốt đời cứ mang trong lòng một tội ác, một Món Nợ Tình Yêu không bao giờ trả được ?

Chắc là tôi đã khóc nên có chút nước gì đó mằn mặn ở môi. Tôi thấy Cu Tý mở to mắt nhìn tôi ngơ ngác, rồi nó mếu máo theo tôi. Ôm khuôn mặt thiên thần của nó trong đôi tay, tôi cứ tưởng tượng ra hình dáng đứa con mà tôi không bao giờ được thấy. Tôi khóc trong vui sướng.

Ôi Chúa ơi ! Tình Yêu Ngài thật lớn lao, con sẽ không bao giờ dám phí phạm nữa.

Và trong sâu thẳm, tôi được ơn Chúa cho cảm nhận được rằng con tôi nó đã tha thứ cho mẹ nó. Linh hồn nó chắc là vẫn hiện hữu thật gần gũi bên tôi dù tôi xác tín Chúa đã đón nó về Nhà Chúa ngay từ dạo ấy. Còn phần tôi, Món Nợ Tình Yêu tôi sẽ phải trang trải với cuộc đời không biết đến bao giờ mới thôi chẳng còn vấn vương ?

VTKT, Sàigòn

Theo báo Ephata số 635