Nicki Minaj tiết lộ nỗi đau từng phá thai khi còn teen

Rapper 32 tuổi đã nhỡ mang bầu trong khi đang là nữ sinh trung học.


Thời đó, cô đang học trường nghệ thuật biểu diễn LaGuardia ở New York và hẹn hò với một anh chàng lớn tuổi hơn. Nicki đã mang bầu ngoài ý muốn và đã phải bỏ thai. Nỗi đau ám ảnh bao năm lần đầu được nữ ca sĩ chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trên tờ Rolling Stone: "Tôi đã nghĩ mình cận kề cái chết. Lúc đó tôi vẫn đang ở tuổi thiếu niên và đó là thứ khó khăn nhất tôi từng trải qua trong đời. Chuyện ấy đã ám ảnh suốt cuộc đời tôi".

Nicki giải thích rằng, cô đã không có lựa chọn khác vào thời điểm đó: "Tôi vẫn chưa sẵn sàng và chẳng có gì để nuôi một đứa trẻ cả".

Gần 10 năm sau đó, năm 2010, Nicki Minaj mới bắt đầu thành công trong sự nghiệp ca hát và trở thành ngôi sao nổi tiếng của Mỹ. Hiện tại ở tuổi 32, rapper nóng bỏng lại khao khát có con. Trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí Complex tháng 11, Nicki tâm sự: "Nếu tôi thực hiện album thứ 5 mà không sinh con, dù có kiếm được bao nhiêu tiền đi nữa tôi vẫn cảm thấy thất vọng. Là một phụ nữ, trong tôi luôn khao khát thiên chức làm mẹ".

Nicki trên tạp chí Rolling Stone tháng 1.

Nicki là một cô gái sexy và cá tính nhưng lại rất kín tiếng trong cuộc sống tình cảm. Cô chưa bao giờ thổ lộ hay công khai về chuyện hẹn hò của mình. Giọng ca Anaconda chia sẻ trên Rolling Stone: "Tôi chỉ để mọi người nhìn thoáng qua đời tư của mình bởi đó là thứ mà tôi luôn muốn giữ riêng tư".

Hoài Vũ

Theo ngoisao.net

Nhà tạm lánh Mai Tiến: Mái ấm cưu mang những phận gái “lầm lỡ”


Nằm cuối một con hẻm nhỏ thuộc khu phố 4, phường Hố Nai, TP. Biên Hòa có một ngôi nhà hết sức đặc biệt, đó là nhà tạm lánh Mai Tiến. Sở dĩ gọi như vậy vì đây là nơi... “lánh nạn” tạm thời của các cô gái trẻ trót “ăn cơm trước kẻng”. Không nỡ hoặc không được phép phá bỏ bào thai vô tội, họ tạm thời đến cư trú ở đây nhằm tránh tiếng đời thị phi và chờ ngày “vượt cạn” rồi tính tiếp chuyện về sau.
Lối thoát cho người lầm lỡ

Cô H.N.M., 30 tuổi là công nhân quê tận Kiên Giang. Cô sống như vợ chồng với một người đàn ông có vợ. Gã chơi trò “quất ngựa truy phong” và bỏ rơi cái thai 7 tháng. Bước đường cùng, thân gái một mình, không tiền bạc, không nghề nghiệp, M. trôi dạt về Biên Hòa và xin tá túc vào Mái ấm Mai Tiến để chờ ngày sinh nở. Tại đây, cô đã sinh được một bé gái kháu khỉnh. Nụ cười yêu đời rồi cũng trở lại trên môi của M.

Còn N.T.T.K., 25 tuổi, ở huyện Thống Nhất (Ðồng Nai) như muốn rơi xuống vực thẳm khi bạn trai bị gia đình ép cưới cô gái khác. Trong khi đó, K. lại đang mang trong mình cái thai 3 tháng. K. tìm đến giáo xứ Tây Hải, may mắn gặp được Linh mục Nguyễn Văn Tịch cho lời khuyên: “Con hãy giữ lại em bé, nếu sau này con không nuôi thì hãy giữ lại cho cha”. K. nghẹn ngào trút cạn nỗi lòng: “Nếu không có Cha Tịch, không có nhà tạm lánh này thì không biết cuộc đời em sẽ ra sao. Em đang chờ ngày sinh con. Sau này, khi bé đã cứng cáp, em sẽ ra ngoài thuê phòng trọ, đi làm công nhân kiếm sống nuôi con…”.

Cô bé L.H.M.N., 14 tuổi yêu đương bồng bột và trót “trao thân” cho người bạn trai cùng trường. Ðến khi gia đình phát hiện cái thai 4 tháng thì chuyện đã quá muộn. Bố mẹ N. lâm vào hoàn cảnh rối rắm, ngày đêm phập phồng lo sợ miệng đời cay nghiệt, bàn tán, soi mói. Biết bên Biên Hòa (Ðồng Nai) có nhà tạm lánh, họ lặn lội từ Bình Dương mang N. qua “ký gởi” một thời gian. N. cho biết thêm, sau khi sinh con, chắc là theo nguyện vọng của bố mẹ là cho con của N. đi hoặc để lại nơi nhà tạm lánh này. N. còn phải quay về trường lớp. Suốt mấy tháng trời tạm lánh, được nương tựa trong bầu không khí thân thiện, chia sẻ, giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau, N. có thời gian chiêm nghiệm lỗi lầm của mình và hứa sẽ không tái phạm lần nào nữa…


Nơi ấm áp tình người
Nhà tạm lánh Mai Tiến do Linh mục Nguyễn Văn Tịch, chánh xứ Nhà thờ Tây Hải (phường Hố Nai, TP. Biên Hòa) lập nên từ năm 2011. Ban đầu chỉ là một ngôi nhà cấp 4 bình thường chỉ có 7 phòng. Sau này, do nhu cầu số lượng “thai phụ” đến để nhờ vả nương tựa và cần cưu mang rất nhiều. Bằng sự góp sức, góp tay của những giáo dân có tấm lòng hành thiện cùng Linh mục Tịch đã xây dựng, nâng cấp và tu bổ thành ra một ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi, diện tích 750m2. Ngôi nhà xây mới 12 phòng, mỗi phòng đủ cho từ 3 - 4 người ở chung và được cung cấp đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt tối thiểu. Hiện tại, trong ngôi nhà tạm lánh này đang che chở và đùm bọc cho 30 cô gái độ tuổi từ 14 đến 30.

Tất cả những người con gái vô đây đều được Linh mục Tịch miễn phí ăn ở hoàn toàn, thậm chí còn được lo chu tất chuyện sinh nở nếu như không có thân nhân bên cạnh. Hơn nữa, Linh mục Tịch cũng tạo công ăn việc làm tại chỗ như: gia công gói kẹo, xếp giấy bao bì… để kiếm thêm thu nhập...

Chị Nguyễn Thị Căn, người phụ trách và hỗ trợ tại nhà tạm lánh chia sẻ: Những cô gái tuổi độ xuân xanh này đến từ khắp mọi nơi, mỗi người mang mỗi số phận, bi kịch khác nhau, không ai giống ai nhưng sống một thời gian ngắn ở đây, họ tạm thoát qua những giây phút nghịch cảnh của đời mình mà tiếp tục vui sống, tin tưởng vào tương lai. Ðúng như tinh thần cái tên “Mai Tiến” mà Linh mục Tịch đã đặt khi thành lập mái ấm tình thương này. Ban đầu khi mới vô, các cô gái trẻ thường mang nặng tâm lý mặc cảm, muốn buông xuôi, thậm chí có ý định “phá thai” hay tự tử nhưng bằng tấm lòng chân tình chia sẻ, thuyết phục của chị Căn và các chị em khác thì dần dần họ đã xua tan hết suy nghĩ tiêu cực.

Linh mục Tịch cho biết, mục đích chính khi lập nên nhà tạm lánh này là hạn chế tối đa các ca phá thai ở giới trẻ đang có nguy cơ tăng cao như hiện nay. Như là sự trùng hợp ngẫu nhiên của định mệnh, cách ngôi nhà tạm lánh vài bước chân là nghĩa trang hài nhi cũng do chính tay Linh mục Tịch lập nên, nơi chôn cất đàng hoàng hàng ngàn thai nhi bị người đời vứt bỏ. Hằng ngày, từng bước chân các cô gái mang thai nhẹ nhàng đi ngang qua khu nghĩa trang này, chắc hẳn phần nào họ cũng hiểu thấu những tội lỗi khi nhẫn tâm phá bỏ những hài nhi. Nhờ đó mà có sự chuyển biến tích cực trong tâm lý, biết ăn năn, hối cải, muốn làm lại cuộc đời.

Nhà tạm lánh Mai Tiến thường xuyên đón nhận những tình cảm quý báu của những tấm lòng lành tìm đến. Thật xúc động khi thấy các chị tiểu thương ngoài chợ Hố Nai mang đến vài ký rau, ký thịt, con cá, mớ trứng để “ủng hộ” cho các “bà bầu”. Cũng có các sinh viên, các bạn trẻ đến giao lưu văn nghệ hay làm những công việc lặt vặt. Hầu hết những tấm lòng lành kia đều tự giác và tự nguyện. “Hãy cho thì sẽ được cho lại, đong đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy”, đó là những quan điểm của giáo lý mà Linh mục Nguyễn Văn Tịch và các giáo dân của ông chiêm nghiệm để ngày đêm dấn thân vào con đường hành thiện, bác ái cho đời.

Mái ấm bình dị, nơi cưu mang những cô gái trẻ một lần lầm lỡ đang cần lắm những tấm lòng thiện nguyện khắp nơi đến để chia sẻ...

Bùi Trường Trí

Theo báo Lao Động Đồng Nai

Chuyện phá thai ở Việt Nam trên báo Anh

Khoảng 100 người tới dự lễ an táng hài nhi tại một nhà thờ ở Hà Nội. Trong khi giảng đạo, cha xứ nói về nguy hiểm của quan hệ tình dục trước hôn nhân và tội lỗi khi sát hại đứa trẻ chưa chào đời.

Tỷ lệ phá thai cao ở Việt Nam một phần do lựa chọn giới tính, và phần nữa là do không dùng biện pháp tránh thai.

Trên chiếc bàn trong nhà thờ có đặt một quan tài nhỏ. Bên trong đựng bào thai và hài nhi được các tình nguyện viên thu gom suốt cả tuần từ các phòng khám tư. Hài nhi được tắm rửa và khâm liệm trước khi làm lễ an táng. Tại buổi lễ hôm đó, có 13 sinh mệnh chưa kịp đến với thế giới được đặt trong hộp gỗ.

"Có lúc, chúng tôi nhặt được hơn 100 bé", tờ Guardian của Anh dẫn lời bà Tran Thi Huong, một phụ nữ khoảng 50 tuổi, kể. Bà Huong cho biết ngày càng nhiều người trẻ quan hệ trước hôn nhân và việc phá thai phổ biến trong xã hội khiến các cô gái bỏ đi giọt máu của mình một cách tự do.

Bà Hương cùng nhiều người khác trong nhóm đi phát tờ rơi ở các khu vực có sinh viên thuê trọ, để cảnh báo giới trẻ về những hệ lụy của quan hệ tình dục trước hôn nhân. Trên tờ rơi, nhóm cũng cung cấp số điện thoại và cả dịch vụ tư vấn cho những phụ nữ đang muốn bỏ đứa con trong bụng đi.

"Chúng tôi khuyên mọi người không nên quan hệ trước khi kết hôn. Nhóm cũng cố gắng nhắc nhở người trẻ về giá trị thực của tình yêu. Nếu đã trót quan hệ với nhau, họ phải có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống và xây dựng gia đình", một người bạn trong nhóm của bà Hương nói. Bà thường giới thiệu cho các cô gái có nhu cầu về hai nhà mở của nhóm, nơi sản phụ sẽ được chăm sóc cho tới khi mẹ tròn con vuông.

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao. Tuy nhiên, con số chính xác không dễ thống kê được do nhiều phòng khám tư có dịch vụ phá thai chui. Số liệu chính thức vì thế mà không thể thu thập được. Những cô gái trẻ có thai ngoài ý muốn ở Việt Nam có thể nhận lời chỉ trích và ác cảm, có khi là sự tư vấn và cưu mang, trong một xã hội vốn dè dặt nhưng đang thay đổi.

Theo cuộc khảo sát với 901 phụ nữ ở một tỉnh đồng bằng miền Bắc thực hiện năm 2012, có 43% số người được hỏi nói nạo thai ít nhất một lần, nhiều người thực hiện thủ thuật này đến hai hoặc ba lần. Tỷ lệ phá thai cao một phần do lựa chọn giới tính, và phần nữa là do không dùng biện pháp tránh thai.

Ông Ton Van der Velden, công tác trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và tình dục ở Việt Nam gần 10 năm nay, hiện là giám đốc của Ủy ban Y tế Hà Lan tại Việt Nam. Theo ông, thành viên trong nhóm hoạt động xã hội của nhà thờ muốn dạy học sinh cách tiết dục. Tuy nhiên, chuyên gia Hà Lan lại cho rằng nên dạy các em nếu có quan hệ hãy sử dụng biện pháp ngừa thai hợp lý.

Ông Ton Van der Velden cho hay Việt Nam là một xã hội dè dặt và kín đáo. Trường học là nơi công cộng nên mọi người không muốn đề cập đến những môn học liên quan tới vấn đề nhạy cảm một cách công khai.

Trang, 32 tuổi, từng phá thai cách đây 10 năm. "Năm lớp 9, chúng tôi được học về giáo dục giới tính nhưng cũng chỉ được dạy rằng em bé ra đời khi tinh trùng gặp trứng. Học sinh không được chỉ rõ tinh trùng gặp trứng bằng cách nào", Trang nói.

Thời điểm Trang có quan hệ tình dục, cô biết tới các biện pháp tránh thai qua cuốn sách mẹ cô bí mật để trên giá sách. Sau đó, Trang mang thai dù có uống thuốc tránh thai.

"Tôi phát hiện mình có bầu một tháng trước lễ cưới. Tôi muốn bỏ thai vì không thích mọi người hỏi khi nào sinh em bé. Hơn nữa, tôi cũng uống một vài loại thuốc kháng sinh nên hơi lo lắng về sức khỏe của đứa bé", Trang tâm sự.

Theo một cuộc khảo sát do chính phủ Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) thực hiện năm 2010, hơn 90% người tham gia nói biết biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, tỷ lệ phá thai vẫn không giảm.

Ông Van der Velden đưa ra vài lý do giải thích cho việc này. Người trẻ thường ngại khi đi mua các dụng cụ tránh thai vì sợ định kiến xã hội. Các đôi yêu nhau cũng thấy ngượng ngùng khi nói đến việc ngừa thai. Ngoài ra, những lời thổi về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe từ tránh thai cũng là một lý do thêm vào.

Trang kể trong số những cô bạn của mình chỉ có một người không quan hệ tình dục trước khi cưới. Theo Trang, trước khi tiến hành thủ thuật lấy thai ra, cô không nhận được lời khuyên nào của nhân viên y tế. Cô đeo nhẫn cưới đến phòng khám sản nên không bị hỏi han nhiều, nhưng vẫn không tránh khỏi thái độ coi thường của bác sĩ.

"Bác sĩ không cho tôi viên giảm đau nào nên tôi rất đau. Lúc tôi òa khóc, bác sĩ bảo vì đã làm việc thất đức nên tôi phải trả giá. Bác ấy còn nói tôi có thể không sinh con được nữa khiến tôi vô cùng lo lắng", Trang kể.

Cũng giống Trang, Linh nạo thai năm 26 tuổi tại một cơ sở tư ở Hà Nội. "Nhân viên bệnh viện chẳng nói gì với tôi cả. Họ ghim bức ảnh siêu âm lên áo bệnh nhân của tôi. Tôi phải đi bộ khắp bệnh viện với bức ảnh ấy giống như đang đeo một chiếc phù hiệu hay cái gì đại loại thế. Tôi thực sự thấy buồn", Linh chia sẻ.

Các tình nguyện viên chống phá thai nói rằng họ đang giúp đỡ và đưa ra lời khuyên cho phụ nữ, nhưng ông Van der Velden lại khẳng định sự hỗ trợ ấy là công việc của bác sĩ.

"Nếu bạn tới bất kỳ bệnh viện nào và nói rằng 'tôi có bầu nhưng không chắc có muốn giữ cái thai hay không" thì ở đấy có luôn dịch vụ tư vấn rồi. Vấn đề là người trẻ không biết có dịch vụ này ở bệnh viện", chuyên gia sức khỏe sinh sản lập luận.

Linh cảm thấy vui vì đã không gặp các nhà hoạt động xã hội của nhà thờ. "Nếu ai nói tôi có tội khi bỏ đứa bé thì việc này chẳng giúp ích gì cho tôi cả. Tôi chỉ muốn có sự hỗ trợ trước và sau khi làm thủ thuật, chứ không phải ai đó đổ lỗi hay chỉ trích mình", Linh nói.

Bình Minh

Theo VnExpress

Đừng Bỏ Con Mẹ Ơi !

Theo báo cáo thống kê của chương trình kế hoạch gia đình Việt nam, hàng năm có từ 1,2 - 1,4 triệu ca nạo phá thai tương ứng với 1,2 - 1,4 triệu trẻ em bị giết chết khi chưa được chào đời. Trong đó từ 15 - 20% độ tuổi thanh niên - sinh viên, đặc biệt có 10% trong độ tuổi học sinh.

Câu hỏi đặt ra, do đâu mà tỷ lệ nạo phá thai của Việt Nam lại khủng khiếp đến thế? và với tỷ lệ nạo phá thai như vậy, hiện Việt nam đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc, vị trí đáng để tự hào chẳng?

Trả lời cho câu hỏi trên thì có nhiều lý do:

- Do chính sách kế hoạch gia đình có từ 1 - 2 con
- Do nền kinh tế mở của, dẫn đến các trào lưu lối sống thực dụng, ăn chơi đua đòi của người trẻ ngày hôm nay.
- Do không được trang bị về kiến thức tâm sinh lý để bảo vệ bản thân, hoặc biết nói không trước những lời dụ dỗ.
- Do chính bản thân của người trẻ thích sống hưởng thụ, thích "khám phá"..
- Do chính bản thân của một số các y bác sỹ vì điều này, điều kia phải làm công việc nhẫn tâm này. Mặc dù các y bác sỹ được xem là "lương y như từ mẫu".
- Do chính cha mẹ thiếu giáo dục, buông lỏng sự quản lý, quan tâm đến con cái, chỉ nghĩ đến kinh tế gia đình, vật chất nhà cửa. Hoặc gia đình bất hòa, cha mẹ ly tán, con cái bơ vơ thiếu tình thương yêu từ gia đình.

Rất rất nhiều nguyên nhân được liệt kê ra, có những buổi hội thảo, những phát biểu của các chuyên gia tâm lý được tổ chức, trình bày rất hay, rất hùng hồn nhưng tất cả chỉ trên bàn giấy, trên lý thuyết, chưa áp dụng cách triệt để vào thực tiễn để chấm dứt việc nạo phá thai.

Đối với người Công giáo, việc nạo phá thai là một trọng tội, người gián tiếp hay trực tiếp tham gia vào việc phá thai (nếu là người công giáo) thì mắc vạ tuyệt thông tiền kết vì giết chết một mạng người, dù mới chỉ là một giọt máu đang được tượng hình trong lòng người phụ nữ. Chính vì thế, trong vai trò và trách nhiệm của mình, các linh mục, đoàn thể tổ chức công giáo âm thầm thực hiện những chương trình trong khả năng có thể của mình như: 

- Thành lập các nhà cho người phụ nữ lầm lỡ
- Tổ chức các khóa học giáo lý hôn nhân cho các bạn trẻ trong các giáo xứ.
- Tổ chức các nhóm nhỏ đi thăm viếng hoặc túc trực tại các bệnh viện phụ sản, các phòng khám phụ sản. Nếu gặp những trường hợp có ý định phá thai, các nhóm sẽ động viên, khích lệ và đưa về những ngôi nhà lầm lỡ để chăm sóc, phục vụ cho tới khi sinh.
- Bên cạnh đó, các nhóm cũng sẽ liên hệ với các bác sỹ tại các bệnh viện phụ sản, các phòng khám có chức năng nạo phá thai để xin các thi hài các em về an táng.
Ngoài ra còn rất nhiều những công việc âm thầm và tình nguyện khác đang và sẽ được thực hiện với mong muốn giảm thiểu và chấm dứt việc nạo phá thai tại Việt nam.

Hiện nay, trải rộng trên khắp đất nước đã có những nghĩa trang thai nhi đã và đang được hình thành, có cả của những tín đồ Phật giáo và Công giáo. Và tại mỗi nghĩa trang, con số thai nhi được mai táng và chôn cất tình hàng ngàn, hàng chục ngàn.




















Chúng ta đang sống trong những ngày đầu Mùa Vọng - Mùa của Hy vọng, Bình An, Niềm Vui và Yêu Thương. Mùa của sự sám hối và trông mong Con Thiên Chúa làm người. Chúng ta cùng cầu xin cho những người lãnh đạo đât nước, với sự khôn ngoan biết đưa ra những chính sách phù hợp với đạo lý, tinh thần yêu thương dân tộc. Cầu nguyện cho những bạn trẻ đang sống trong những sự lừa lọc, giả dối, thực dụng sa đọa biết sám hối và quay trở lại với nẻo chính đường ngay. Cầu nguyện cho những người phụ nữ vì yếu đuối đang mang trong mình một sinh linh bé nhỏ tội nghiệp luôn cản đảm vượt qua những lời trách móc, những đe dọa từ ngoại cảnh để luôn thấy hạnh phúc và bình an trong thiên chức làm mẹ. Cầu nguyện cho những Hài nhi vô tội đã bị bỏ rơi, bị sát hại cách không thương tiếc, xin cho các bé được nghỉ yên muôn đời. Cầu nguyện cho các vị mục tử, những thiện nguyện viên đang âm thầm cách này cách khác phục vụ và bảo vệ sự sống thai nhi luôn can đảm, vững tâm bền chí trong công việc cao cả này.

Xin mượn lời bài hát "Đừng bỏ con, mẹ ơi" của nhạc sỹ Nguyễn Quốc Việt để kết thúc cho bài viết.

Đừng bỏ con, Mẹ ơi
Hãy cho con được sinh ra đời 
Con nào có tội tình chi ? Mà sao không cho con bên Mẹ
Đời con sẽ ra sao , khi mai đây Mẹ bỏ con đi ?? 
Đời con sẽ đau thương, khi hình hài con sẽ không còn?
Đừng bỏ con Mẹ ơi! Con như mầm xanh trên cành 
Con như chồi non vô tội . Héo hắt chờ từng giọt nhựa sống
Để nuôi con thêm lớn khôn. Mẹ ơi Mẹ ơi!!
Đừng bỏ con Mẹ ơi Xin cho con sống trên đời
Xin cho con 1 kiếp người. Ban cho con tình thương nồng ấm
Mong được đón yêu thương, Mong được mẹ ôm ấp
Ôi Vòng tay Mẹ hiền Vòng tay Mẹ đâu rồi ? 
Mẹ Đừng bỏ con Mẹ ơi ! Con nào có tội tình chi ??!!

Jos Nguyễn

Bài thuyết trình của ĐGM Hải Phòng tại Đại Hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 12



Các bạn trẻ thân mến,

Nhân dịp Đại hội Giới trẻ miền Bắc, tôi xin chia sẻ với các bạn về một đề tài rất thiết thực đối với các bạn trẻ công giáo, đó là “người trẻ chuẩn bị bước vào đời sống gia đình”. Hy vọng chút thời gian ngắn này sẽ giúp các bạn hiểu điều mong ước của Giáo Hội là giúp cho các bạn luôn hạnh phúc trong tình yêu và đời sống hôn nhân.

Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà.
Trong ba việc ấy đều là khó thay! (Tục ngữ)

Các cụ ta xưa dạy: trước khi đi biển, cầu nguyện một lần, trước khi ra trận, cầu nguyện hai lần, trước khi lập gia đình, cầu nguyện ba lần. Điều đó cho thấy lập gia đình là một việc rất quan trọng và có phần “nguy hiểm”, vì nó ảnh hưởng suốt cuộc đời của chúng ta.

Trước hết, chúng ta thấy, nghề gì trong xã hội cũng cần phải được huấn luyện: kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, thợ cơ khí, thợ xây, thợ mộc… nhưng không có trường huấn luyện làm vợ làm chồng, làm cha, làm mẹ. Quan niệm xã hội cho rằng làm vợ làm chồng là do bản năng tự nhiên ai cũng biết, cho nên không cần phải dạy. Từ rất lâu trong lịch sử, Giáo Hội đã đảm nhận việc này và trình bày trong giáo lý cũng như trong các văn kiện giáo huấn của mình. Tôi xin đề cập tới ba ý chính sau: 1*Giai đoạn trước hôn nhân là gì? *Những nguy hiểm trong quan niệm về đời sống tính dục nơi giới trẻ Việt Nam hôm nay; và 3*Làm sao để chuẩn bị tốt đời sống hôn nhân gia đình?

I-Giai đoạn trước hôn nhân

Trước hết, tôi muốn trình bày với các bạn hai cụm từ thường dùng khi chúng ta nói đến giai đoạn chuẩn bị bước vào đời sống gia đình. Đó là: “Tìm – Hiểu” và “Thích – Hợp”

1-Tìm - hiểu:

“Tìm – Hiểu” là cụm từ được dùng để giai đoạn đầu tiên khi tình yêu nảy nở giữa một người nam và một người nữ. Một cậu con trai, một cô thiếu nữ, vào một ngày đẹp trời, tự dưng không còn nhí nhảnh vô tư nhưng trở nên trầm ngâm và quan tâm đến chỉnh trang sắc đẹp. Người ta gọi đó là “tuổi biết buồn” hay bắt đầu yêu. Cậu con trai hay cô con gái đó đã gặp hoặc chú ý một đối tượng cụ thể. Thời gian tìm hiểu bắt đầu. Đó là khi mối quan hệ của hai người không đơn thuần chỉ là tình bạn mà muốn đi xa hơn, để biết về nhau nhiều hơn với mục đích muốn trở nên vợ chồng. Khi nói tới tìm là chúng ta nói tới nhu cầu hay một điều cần thiết. Chúng ta thường tìm một vật gì hay tìm một ai đó, vì chúng ta đang cần đến. Mỗi bạn trẻ, khi đến tuối trưởng thành, nếu không có lý tưởng tu trì, thì có nhu cầu tìm một người bạn đời cho tương lai của mình. Tìm và hiểu là hai giai đoạn nối tiếp nhau. Nhiều khi tìm thấy mà chưa chắc đã hiểu nhau, vì mục đích của tìm là gặp gỡ là thấy. Chúng ta đi tìm một món hàng, một chiếc xe, một chiếc áo. Khi đi ngang qua cửa hàng bán xe và bán quần áo, chúng ta nhìn thấy món hàng mà chúng ta đang tìm kiếm. Tuy vậy, để hiểu món hàng đó, thì cần phải có thời gian xem xét kỹ lưỡng về xuất xứ, về chất lượng cũng như những điều kiện có liên quan. Trong tình yêu hôn nhân, có nhiều bạn trẻ chỉ mới tìm thấy một người bạn đời, mà thực sự chưa hiểu nhau. Vì sẽ chung sống với nhau suốt đời, nên hiểu biết về nhau là một điều kiện cần thiết để đi đến quyết định kết hôn. Hiểu nhau về tính tình, sở thích, định hướng tương lai. Các bạn trẻ cũng cần phải hiểu biết những ưu điểm cũng như khuyết điểm của nhau để quyết định có thể sống chung với nhau được hay không. Nếu chỉ tìm thấy mà chưa hiểu biết nhau mà đã quyết định kết hôn thì tình yêu của họ không bền. Bởi khi sống chung với nhau mới “hiểu nhau” và như thế, các bạn sẽ vỡ mộng vì người bạn đời của mình không giống như mình tưởng tượng, không đáp ứng được những tiêu chí mà mình đặt ra. Thông thường, để thực sự hiểu người bạn đời tương lai của mình, bạn trẻ phải xét đến ba lãnh vực sau: Tính nết người bạn đời tương lai (tư cách đạo đức, kiến thức văn hóa và cách ứng xử..); Gia đình (lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống); và tôn giáo (hay ít ra quan điểm về tôn giáo).

2-Thích – hợp:

Hai bạn trẻ đã tìm thấy nhau và tình yêu đã nảy sinh giữa họ. Tuy vậy trước khi quyết định nên vợ nên chồng, cũng cần phải suy xét xem có hợp nhau không. Khi đang yêu nhau, nhìn đâu cũng thấy màu hồng lãng mạn, vì thi thoảng mới gặp nhau, nhưng khi về chung sống với nhau hằng ngày, với những khó khăn của cuộc sống mới phát hiện ra những điều không hợp trong quan điểm sống, trong cách cư xử với nhau và những người xung quanh. Vì thế, cần phải phân biệt: thích là cảm giác tạm thời và bề ngoài, còn hợp là khả năng sống chung lâu dài. Nếu một bạn trẻ quyết định kết hôn chỉ vì thích người yêu của mình mà không đặt những vấn đề xem người đó có hợp với mình không, thì không có hạnh phúc lâu bền. Có thể nói, “thích” là phản ứng theo cảm tính, theo bản năng. Cần phải có tác động của lý trí để kết luận xem có “hợp” hay không.

II-Những nguy hiểm của xã hội hôm nay

Do ảnh hưởng của thuyết tương đối và của xã hội hưởng thụ, nhiều bạn trẻ có quan niệm phóng khoáng, tự do và dễ dãi về tình dục. Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong bài tham luận tại Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đầu tháng 10-2014 vừa qua đã nêu 3 thách đố lớn đe dọa sự bền vững của gia đình Việt Nam hôm nay: tự do tính dục, bạo lực gia đình và phá thai. Từ ý tưởng của Đức Cha Phaolô, tôi xin chia sẻ với các bạn về thực trạng và những hậu quả của lối sống tự do này.

1-Tự do tính dục:

Hiện nay có nhiều bạn trẻ quan hệ tình dục rất sớm, thậm chí có những em nữ chỉ 12, 13 tuổi. Tình trạng nam nữ sống chung như vợ chồng ở Việt Nam càng ngày càng phổ biến. Nhất là tình trạng các bạn sinh viên “góp gạo nấu cơm chung”, sống thử trước hôn nhân lên đến mức báo động. Trên báo Tuổi trẻ online ngày 14-11-2014, Vụ trưởng Lưu Thị Hồng (Bộ Y tế) cho biết qua tư vấn tại các cơ sở y tế, thấy đang xuất hiện nhiều trường hợp thanh niên, vị thành niên có quan hệ cùng lúc với nhiều bạn tình. Việc quan hệ tình dục sớm để lại nhiều hậu quả tai hại: cánh cửa tương lai sẽ khép lại trước mặt bạn trẻ. Các bạn, nhất là các bạn nữ, vì sử dụng thuốc ngừa thai nhiều lần, sẽ ảnh hưởng sức khỏe và có nguy cơ vô sinh. Nhiều bạn trẻ có quan hệ tình dục quá sớm bị tổn thương tâm lý, trở thành những người hận đời, và tham gia băng đảng, vì họ không hy vọng còn có một tình yêu chân chính.

2-Phá thai:

Con cái là hoa trái của tình yêu. Con người có trách nhiệm bảo vệ sự sống. Điều răn thứ năm: Chớ giết người. Sự sống khởi đầu từ lúc thụ thai. Từ lúc đó, quyền con người của phôi thai phải được nhìn nhận. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói về những tội ác trong xã hội ngày nay vi phạm nhân quyền và vi phạm sự sống, và Ngài gọi đó là “nền văn hóa sự chết” (TMSS số 122), đối nghịch với Tin Mừng sự sống và Chúa Giêsu rao giảng.

Định nghĩa: “Phá thai là sự giết cố ý và trực tiếp, thực hiện bằng bất cứ phương tiện nào, một con người trong giai đoạn khởi đầu sự hiện hữu, từ khi thụ thai cho đến khi sinh ra” (Thông điệp Tin Mừng Sự Sống, số 58).

“Việc trực tiếp và cố ý giết con người vô tội luôn luôn là điều bất luân nghiêm trọng” (TM Sự sống, số 57). “Người nào thi hành việc phá thai, và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết” (Sách GLGHCG số 2272).

“Phá thai và sát nhi là tội ác ghê tởm” (Công đồng Vatican II, Hiến chế MV về GH, số 51)

Tình trạng nạo hút thai ở Việt Nam ngày càng tăng lên. Sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên khi trung bình cả nước mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, chiếm 60-70% (phá thai sớm). Riêng tại Hà Nội, tỉ lệ thanh thiếu niên chiếm khoảng 30% dân số trong khi đó tỉ lệ nạo phá thai chiếm trên 22% (theo báo điện tử “Cổng thông tin dân số kế hoạch hóa gia đình). Mỗi năm, cả nước có từ một triệu rưỡi đến hai triệu thai nhi bị giết. Ngoài việc vi phạm luật của Thiên Chúa và của Giáo Hội, hành vi phá thai còn để lại hậu quả nặng nề nơi người phụ nữ. Họ suốt đời ân hận vì đã giết chính con ruột của mình. Phá thai cũng để lại những hậu quả nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe, nhất là có thể bị vô sinh.

III-Làm sao để chuẩn bị tốt đời sống hôn nhân gia đình?

Theo Giáo lý công giáo, Hôn nhân là một bí tích, một khế ước giao hoán, một cam kết, một sự dấn thân.

Để hiểu giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và những nghĩa vụ liên quan đến người vợ người chồng, trước khi bước vào đời sống hôn nhân, các bạn trẻ phải được huấn luyện giáo lý. Nhiều bạn trẻ coi việc học giáo lý như một gánh nặng hoặc họ miễn cưỡng chấp nhận. Không ít bạn trẻ tìm cách để né tránh việc học giáo lý hôn nhân. Tuy thế, cũng như bất cứ lãnh vực chuyên môn nào, cần phải học hỏi thì mới thành công.

1-Giáo Luật quy định:

Giáo luật từ điều 1063 đến điều 1072 đề cập chi tiết đến "Sự săn sóc mục vụ và những việc phải làm trước khi cử hành hôn phối”. Giáo luật quy định việc huấn luyện giáo lý thích hợp về ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo, về nghĩa vụ vợ chồng, về bổn phận và trách nhiệm của cha mẹ Công Giáo, về đời sống mới trong bậc gia đình, về việc cử hành Bí tích Hôn phối và về tính cách bền vững và trung thành của bậc sống vợ chồng v.v... Người chịu trách nhiệm về sự săn sóc mục vụ này trước hết là các cha xứ rồi mới đến những người cộng tác (Ban hành giáo, giáo lý viên..).

2-Nội dung giáo lý hôn nhân:Giáo lý hôn nhân bao gồm 3 phần:

*Những kiến thức căn bản về Đạo;

*Về Bí tích hôn nhân theo quan điểm Công giáo

*Về những trách nhiệm và bổn phận đối với nhau và đối với con cái.

Kết luận: Các bạn thân mến, có thể các bạn than phiền và cho rằng những điều tôi vừa nêu chỉ hợp với những người giáo dân của thời xưa, và đã trở nên lỗi thời đối với cuộc sống hiện đại. Khá nhiều bạn trẻ quan niệm về tình yêu quá đơn giản, vì thế, họ coi nhẹ việc tìm hiểu người bạn đời tương lai. Hậu quả là những gia đình tan vỡ do bạo lực và ly tán. Giai đoạn trước hôn nhân, đối với các bạn trẻ rất quan trọng, vì nó quyết định tương lai của các bạn. Nếu được chuẩn bị tốt, các bạn sẽ có một gia đình hạnh phúc, là nơi nuôi dưỡng và làm cho Đức Tin công giáo được phát triển.

Đức Thánh Cha Phanxincô, trong bài huấn từ dành cho giới trẻ, nhân dịp Đại hội Giới trẻ Châu Á lần thứ sáu tại Hàn Quốc, ngày 15-8-2014, đã ngỏ lời như sau:“Các bạn trẻ thân mến, trong thời đại chúng ta, Chúa tin cậy nơi các bạn! Chúa tin cậy nơi các bạn! Người đã đi vào tâm hồn các bạn trong ngày các bạn chịu Phép Rửa; Người đã ban Thần Khí của Người trong ngày các bạn chịu Phép Thêm Sức; và Người luôn luôn tăng cường cho các bạn bởi sự hiện diện của Người trong bí tích Thánh Thể, khiến cho các bạn có thể là những chứng nhân của Người trước mặt thế gian”. Xác tín rằng “Chúa cũng tin cậy ở chúng ta”, mỗi bạn trẻ sẽ có thêm nghị lực và lòng nhiệt thành để làm cho hình ảnh của Chúa Giêsu ghi đậm dấu ấn trong lòng cuộc đời.

+ ĐGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org