Phá thai ở Việt Nam tăng vọt do chương trình KHHGĐ bỏ qua giới trẻ

Nhiều người trẻ Việt Nam hiện nay tin phá thai là một hình thức tránh thai


Nguyễn Văn Thảo, nông dân Công giáo, đứng bên các quách bằng gốm dùng để chôn thai nhi tại một nghĩa trang Công giáo ở ngoại ô Hà Nội hồi tháng 8 
(Ảnh: AFP/Hoàng Đình Nam)

Tại một nghĩa trang ở Hà Nội, nông dân Công giáo Nguyễn Văn Thảo mở tủ lạnh kéo ra một bọc thai nhi dính đầy máu để chuẩn bị đem chôn, đây là lời cảnh báo đáng lo ngại rằng Việt Nam đang trở thành một trong những nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới.

Khoảng 40% phụ nữ mang thai tại Việt Nam đi phá thai, theo báo cáo của các bác sĩ đến từ bệnh viện Khoa sản Trung ương Hà Nội, con số này cao gấp đôi số liệu thống kê chính thức.

Do chính sách hạn chế sinh đẻ, tư vấn kế hoạch hóa gia đình không tốt cho người trẻ, và thông tin mâu thuẫn về tình dục đã tạo ra một tình huống trong đó một số người tin phá thai là một hình thức tránh thai.

Có 83 ca phá thai trong số 1000 phụ nữ ở tuổi sinh sản tại Việt Nam, trong khi có khoảng 10-23 ca phá thai trong số 1000 phụ nữ ở phần lớn Tây Âu và Mỹ, theo tổ chức phi lợi nhuận chăm sóc sức khỏe giới tính, Viện Alan Guttmacher.

“Vào ngày bận rộn nhất, chúng tôi nhận được 30 thai nhi”, ông Thảo nói. Ông đứng đầu một đội tình nguyện viên đa số là người Công giáo đi nhặt các thai nhi, thường bị vứt như rác thải y tế, từ các cơ sở phá thai trên khắp thủ đô trong khoảng 10 năm nay.

“Khó mà tính được chúng tôi đã chôn bao nhiêu thai nhi rồi”, Nguyễn Thị Quý, tình nguyện viên 62 tuổi, phát biểu. Bà giúp ông Thảo liệm các thai nhi trước khi đem chôn đàng hoàng tại nghĩa trang ở quận Sóc Sơn, Hà Nội.

Trong nhiều thập niên qua, nhà nước Cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách mỗi gia đình chỉ có hai con, vừa áp dụng hình thức phạt hành chính vừa trợ cấp chương trình kế hoạch hóa gia đình để hạn chế sự gia tăng dân số. Chương trình này hiện đã được bỏ nhưng hậu quả của nó vẫn còn.

Phá thai không hề bị xã hội lên án và con số chính thức khoảng 500.000 trong số 2,4 triệu thai phụ, khoảng 1/5, phá thai, chỉ tính theo số liệu thống kê từ các bệnh viện nhà nước.

“Đời sống tình dục ở giới trẻ có vấn đề … hệ thống sức khỏe công cộng không phục vụ họ”, Arthur Erken, đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) ở Hà Nội, phát biểu.

Hành vi tình dục nơi người trẻ Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi trong vài thập niên qua, họ quan hệ tình dục sớm hơn và kết hôn trễ hơn, nhưng những dịch vụ kế hoạch hóa gia đình lỗi thời ít tư vấn hay giới thiệu biện pháp tránh thai thích hợp cho các đôi bạn trẻ chưa kết hôn, theo các chuyên gia.

Kết quả là họ nghi ngờ nên phá thai, thai trên 22 tuần vẫn được cho phép bỏ phổ biến, đặc biệt là tại các bệnh viện tư hợp pháp nhưng đa số không được kiểm soát, đang được sử dụng để phá bỏ các thai nhi ngoài ý muốn thường xuyên hơn ở các nước khác.

“Các bệnh viện tư không được kiểm tra cách có hệ thống. Có thể còn nửa triệu ca phá thai nữa không được báo cáo”, Erken nói.

Ông nói thêm với con số này tỉ lệ phá thai của Việt Nam nằm ở khoảng một triệu ca trong số 2,4 triệu người mang thai và cảnh báo con số này “sẽ còn tăng trừ khi chúng ta có hành động”.

Thiếu thông tin

Do giáo dục giới tính yếu kém ở các trường học, thường thiếu thông tin về sức khỏe sinh sản, và không tiếp cận được các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình miễn phí, nên đối với nhiều người trẻ Việt Nam mang thai ngoài ý muốn là chuyện bình thường.

“Tôi đã phá thai 3 lần rồi”, Hoa, một cô gái 20 tuổi ăn mặc hợp thời trang, nói sau khi phá thai lần thứ ba tại một bệnh viện tư ở Hà Nội.

“Lần đầu tôi hơi sợ nhưng bây giờ thì quen rồi”, Hoa nói và thêm rằng cô không hiểu tại sao cô cứ mang thai mặc dù cô và bạn trai đã thực hiện các biện pháp tránh thai.

Nhiều người trẻ Việt Nam không có kiến thức về phương pháp tránh thai, theo Lê Ngọc Bảo, đại diện tổ chức kế hoạch hóa gia đình Pathfinder International tại Việt Nam.

Và trong khi xã hội ngày càng dễ dãi, sinh con ngoài giá thú vẫn còn bị lên án.

“Nếu họ mang thai ngoài ý muốn … cách giải quyết duy nhất là phá thai”, ông nói.

Trong khi nhiều người trẻ không “hoàn toàn hiểu được tác hại của việc phá thai”, chi phí mua bao cao su hay thuốc tránh thai dường như tốt hơn là mạo hiểm không dùng biện pháp tránh thai, ông gợi ý.

Ngoài ra, Việt Nam có tỉ lệ phá thai cao mặc dù số liệu thống kê cho thấy Việt Nam áp dụng rộng rãi các biện pháp tránh thai, dấu hiệu chứng tỏ tư vấn kế hoạch hóa gia đình yếu kém, ông Bảo nói thêm.

Tại bệnh viện tư và cơ sở nhà nước, thậm chí tư vấn sau khi phá thai cũng bị hạn chế, do đó một số phụ nữ trẻ phải đi phá thai nhiều lần.

Việt Nam cần cải thiện ngay việc giáo dục giới tính và cung cấp các biện pháp tránh thai cho các phụ nữ trẻ chưa kết hôn, theo bác sĩ Trần Ninh thuộc Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam.

Áp lực về tỉ lệ sinh sản

Chính sách hai con của Việt Nam, trong khi không hà khắc như chính sách một con khét tiếng của Trung Quốc, từ lâu đã ép buộc các gia đình giới hạn số con.

“Nếu họ có ba người con, sự nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng lớn, họ sẽ không được thăng chức hay nâng lương”, Giang Đặng, chuyên gia phát triển tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, phát biểu.

Đặng nói thêm quan điểm gia đình có hai con đã “ăn sâu” và cho biết mặc dù chính sách này đã chính thức được bãi bỏ, nhưng chính quyền địa phương vẫn ngầm khích lệ vì “đối với họ điều quan trọng là kiểm soát được sự gia tăng dân số”.

Quan điểm thích con trai theo văn hóa cũng đã dẫn đến tỉ lệ phá thai cao do chọn giới tính ở một số nơi trong nước.

Để nỗ lực ngăn chặn tình trạng này, Việt Nam đã ban hành luật cấm nhân viên y tế tiết lộ giới tính của thai nhi trước khi sinh, mặc dù các chuyên gia cho rằng luật này khó thi hành và ít được tuân thủ.

Do tỉ lệ phá thai cao và nhiều thập niên thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhằm hạn chế số con trong gia đình, Việt Nam đang trở thành một trong những nước có dân số lão hóa nhanh nhất trên thế giới, theo Erken thuộc UNFPA.

“Áp lực đè lên xã hội, cải cách lương hưu chẳng hạn, là một hiện tượng”, ông giải thích.

Theo Ucanews Việt Nam

ĐGH lột mặt nạ cái "thương cảm giả tạo" về phá thai và trợ tử

Một hội đoàn các bác sĩ công giáo ở Vatican (toàn văn)

Rôma – 17/11/2014


Đức Giáo Hoàng cảnh giác các bác sĩ chống lại "thương cảm giả tạo" cho rằng "ủng hộ phá thai chính là giúp cho người phụ nữ, và trợ tử là một cử chỉ trang nghiêm, rằng "sản xuất" một đứa nhỏ được coi như một quyền thay vì phải đón nhận nó như một quà tặng, là một kỳ công của khoa học".

"Lòng thương cảm Phúc Âm, trái lại, chính là sự tháp tùng những lúc cần thiết, là lòng thương cảm của Người Samari Nhân Lành, là người đã nhìn thấy, đã lại gần và cống hiến một sự giúp đỡ cụ thể", ngài giải thích.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên của Hội các bác sĩ công giáo Ý, trong hội trường Phaolô I, hôm thứ bẩy, 15/11/2014 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập hội.

Sau đây là bản dịch toàn văn bài diễn từ của Đức Giáo Hoàng



A.K.



Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Kính chào !

Xin cảm ơn sự hiện diện và cũng cảm ơn những lời chúc mừng của quý vị : Cầu mong Chúa ban cho tôi sức khỏe ! Nhưng chuyện này cũng còn tùy các vị bác sĩ, cầu mong quý vị giúp đỡ Chúa ! Tôi muốn đặc biệt chào mừng vị Phụ Tá giáo quyền, Đức Cha Edoardo menichelli, Đức Hồng Y [Dionigi] Tettamanzi, là người phụ tá đầu tiên của quý vị, và cũng gửi một suy nghĩ đặc biệt tới Đức Hồng Y Fiorenzo Angelini, người đã chăm sóc đời sống của hội trong hàng chục năm qua, hôm nay ngài đang lâm trọng bệnh và đã phải nhập viện. Tôi cũng cảm ơn ông chủ tịch vì những lời chúc tốt đẹp dành cho tôi, cảm ơn.

Với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, ngày hôm nay, không còn nghi ngờ gì nữa những khả năng chữa trị đã gia tăng đáng kể; tuy nhiên, dưới nhiều khía cạnh, khả năng "chăm sóc" con người, nhất là khi con người đau đớn, yếu đuối và không được bảo vệ, có vẻ sút giảm. Quả vậy, những tiến bộ của khoa học và y tế có thể đóng góp vào việc cải thiện đời sống con người, nhưng với điều kiện đừng đi xa với gốc rễ đạo đức đặc trưng của các môn học này. Vì lý do đó, quý vị, các bác sĩ công giáo, quý vị nỗ lực sống nghề nghiệp của quý vị như một sứ vụ nhân bản và thiêng liêng, giống như một tông vụ đích thực.

Sự chú ý đến sự sống con người, đặc biệt những người đang chịu đựng những khó khăn nhiều nhất, nói cách khác, là những người bệnh hoạn, cao tuổi, trẻ em, đều liên quan đến sứ vụ của Giáo Hội. Giáo Hội cảm thấy được gọi vào cuộc thảo luận có mục đích là đời sống con người, để trình bầy lập trường cơ hữu của mình, xây dựng trên Phúc Âm. Ở nhiều nơi, phẩm chất sự sống gắn liền với các điều kiện kinh tế, với "đời sống thoải mái", với cái đẹp và với những thú vui của đời sống vật chất, quên đi những chiều kích khác sâu sắc hơn như : quan hệ, thiêng liêng và tôn giáo, của đời sống. Thực chất, dưới ánh sáng đức tin, và một lý tính chính đáng, sự sống con người luôn luôn là thiêng liêng và luôn luôn là "hảo hạng". Không có sự sống nào thiêng liêng hơn sự sống nào : tất cả mọi sự sống đều thiêng liêng ! Cũng như là không có cuộc sống của một con người nào trên mặt phẩm chất lại có ý nghĩa hơn cuộc sống của một người khác, chỉ vì có các phương tiện, các quyền, các cơ hội kinh tế và xã hội quan trọng hơn người đó.

Đó chính là điều mà quý vị, các bác sĩ công giáo, quý vị phải tìm cách khẳng định trước tiên trong thái độ nghề nghiệp của quý vị. Quý vị hành động làm chứng bằng lời nói và gương sáng rằng sự sống con người luôn là thiêng liêng, có giá trị và bất khả xâm phạm, và như thế, sự sống phải được quý mến, bảo vệ và chăm sóc. Thái độ nghề nghiệp này vốn là biểu trưng của quý vị, được phong phú hóa bởi một tinh thần đức tin, là một lý do thêm nữa để cộng tác với những người – dù không có cùng viễn cảnh tôn giáo hay cùng đường hướng tư tưởng – cũng công nhận phẩm giá con người như tiêu chuẩn trong các hoạt động của họ. Quả vậy, lời thề Hippocrate ràng buộc quý vị luôn là những người phục vụ sự sống, Phúc Âm thúc đẩy quý vị đi xa hơn : đến chỗ luôn luôn yêu quý sự sống và trong mọi lúc, nhất là khi sự sống này cần đến sự quan tâm và săn sóc. Trong 70 năm hoạt động khả kính, các thành viên của quý hội đã thực hành như thế. Tôi nhắn nhủ quý vị hãy tiếp tục những mục đích theo điều lệ của quý vị, trên mặt y khoa và luân lý, bao gồm cả giáo dục của huấn quyền Giáo Hội.

Tư tưởng nổi trội đôi khi đưa ra một "sự thương cảm giả tạo" : thương cảm đánh giá phá thai là giúp đỡ phụ nữ, và trợ tử là một cử chỉ phẩm cách, "làm ra" một đứa trẻ được coi như một quyền thay vì phải đón nhận nó như một quà tặng, là một sự tiến bộ khoa học; cũng như sử dụng sự sống con người như là những con vật thử nghiệm trong các phòng thí nghiệm, với lý do là để cứu những người khác. Trái lại, lòng thương cảm theo Phúc Âm chính là tháp tùng trong lúc cần thiết, chính là lòng thương cảm của Người Samari Nhân Lành, là người đã "nhìn thấy", đã "thương cảm", đã tới gần và hiến tặng một sự giúp đỡ cụ thể (x. Lc 10, 33). Sứ mạng bác sĩ đặt quý vị, hàng ngày tiếp xúc với biết bao hình thức đau đớn : tôi khuyến khích quý vị hãy chăm sóc những nỗi đau này như "người Samari Nhân Lành", đặc biệt lưu tâm đến những người già, những người bệnh hoạn và tàn tật. Trung thành với Phúc Âm đời sống và với sự tôn trọng sự sống như một quà tặng của Thiên Chúa, đôi khi đòi hỏi những sự lựa chọn can đảm và ngược dòng, có khả năng, trong một số trường hợp đặc biệt, đi đến sự từ chối vì lương tâm. Với tất cả những hậu quả xã hội mà sự trung thành này chứa đựng. Chúng ta đang sống trong một thời đại thí nghiệm với sự sống. Nhưng chúng ta thí nghiệm sai rồi. Như tôi nói với quý vị, làm ra một đứa bé thay vì đón nhận nó như một quà tặng. Chơi đùa với sự sống. Cẩn thận, đó là một tội chống lại Đấng Tạo Hóa : chống lại Thiên Chúa Tạo Dựng, là Đấng đã tạo nên mọi sự như vậy. Biết bao lần, trong cuộc đời linh mục của tôi, tôi đã nghe những lời phản đối như : "Xin Cha cho biết, tại sao Giáo Hội lại chống phá thai chẳng hạn ? Đó có phải là một vấn đề tôn giáo không ?" – "Không, không, đây không phải là một vấn đề tôn giáo" – "Thế có phải là một vấn đề triết lý không ?" – "Không, không, không phải là một vấn đề triết lý". Đây là một vấn đề khoa học, bởi vì chính là liên quan đến sự sống con người và người ta không thể giết đi sự sống con người để giải quyết một vấn đề. "Nhưng, không, tư tưởng hiện đại…" – "Hãy nghe đây, dù trong tư tưởng cổ đại cũng như tư tưởng hiện đại thì từ giết cũng vẫn có cùng một nghĩa !". Và điều này cũng có giá trị với trợ tử : tất cả chúng ta đều biết rằng, trong cái văn hóa thải loại này, biết bao người già đã là nạn nhân của một sự trợ tử trá hình. Nhưng cũng có cái khác [cái trợ tử được công khai]. Cũng như là thưa với Thiên Chúa rằng : "Không, chấm dứt cuộc đời, chính tôi sẽ làm theo ý tôi muốn". Một tội lỗi chống lại Thiên Chúa Tạo Dựng. Xin quý vị hãy suy nghĩ điều này.

Tôi cầu chúc rằng 70 năm sống của quý hội có thể kích thích mở ra một con đường gia tăng và trưởng thành khác. Ước gì quý vị hợp tác với tất cả những người và những cơ chế chia sẻ với quý vị lòng yêu quý sự sống và tận dụng sức mình để phục vụ sự sống trong phẩm giá, tính thiêng liêng và bất khả xâm phạm của nó. Thánh Camille de Lellis, khi đề nghị phương pháp hữu hiệu nhất của ngài để săn sóc một người bệnh, đã chỉ đơn giản nói rằng : "Hãy đặt để thêm trái tim trong hai bàn tay này". Quý vị hãy đặt để thêm trái tim vào hai bàn tay này. Đó cũng chính là lời cầu chúc của tôi. Cầu mong Đức Trinh Nữ Maria Cứu chữa kẻ liệt kẻ khốn, nâng đỡ các thiện chí mà quý vị có trong lúc tiếp tục hoạt động của quý vị. Tôi xin quý vị vui lòng cầu nguyện cho tôi và với tất cả tấm lòng, tôn ban phép lành cho quý vị. Cảm ơn.


Bản dịch tiếng Pháp của Zenit
Bản dịch tiếng Việt của Mạc Khải (ghxhcg.com)

ĐTC: Phá thai là tội trọng chống lại Thiên Chúa

VRNs (17.11.2014) Sài Gòn- theo CNA- Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các bác sĩ Công giáo rằng “chống lại sự sống” dưới những hình thức như phá thai và an tử là tội trọng, và ngài nhấn mạnh rằng mỗi sự sống đều mang tính thánh thiêng.

Hôm ngày 15.11 vừa qua, ĐTC đã gặp gỡ và nói chuyện với khoảng 4.000 bác sĩ Công giáo quy tụ tại Đại Sảnh Đường Phaolô VI ở Vatican rằng: “Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự sống bị mang ra thử nghiệm. Đó là hình thức chống lại sống”.

“Hãy cẩn thận, bởi vì đó là một trọng tội chống lại Đấng Tạo Hoá: chống lại Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa.”



ĐTC đã phát biểu như trên trong bài huấn dụ của ngài trước các bác sĩ Ý, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hiệp hội các bác sĩ Công Giáo.

Ngài kể rằng nhiều lần trong những năm còn là linh mục, ngài nghe người ta phản đối Giáo Hội về các vấn đề liên quan đến sự sống, ​​đặc biệt về lý do tại sao Giáo Hội chống lại việc phá thai.

Sau khi giải thích cho những người thắc mắc rằng Giáo Hội chống phá thai không chỉ đơn thuần nó liên quan vấn đề tôn giáo hay triết học, mà phá thai còn “là một vấn đề khoa học, bởi vì không thể tước đi sự sống con người để giải quyết vấn đề của con người.”

Về vấn đề an tử, ĐTC nhấn mạnh rằng “Bất kể có nhiều phản đối, với những suy nghĩ hiện đại như là ‘trợ giúp cái chết êm dịu’ thì đều mang nghĩa là ‘giết người’.

ĐTC giải thích thêm rằng điều này xuất hiện do hậu quả của “nền văn hóa loại trừ, một cái chết êm dịu được tiến hành trên người già.”

Điều này giống như nói với Thiên Chúa rằng: “tôi có quyền quyết định cuộc đời tôi theo cách tôi muốn.” Đó là một tội chống lại Thiên Chúa. Hãy suy nghĩ có đúng vậy không!”

ĐTC nói: Và lối ngụy biện khác cho rằng phá thai là hữu ích cho phụ nữ, cái chết êm dịu đó là “một hành động nhân phẩm”, hay cho rằng việc chọn lựa cho ra đời một đứa bé hay không là “một bước đột phá của khoa học”, chứ không nhìn nhận đó là quà tặng của sự sống nữa.

ĐTC nói tiếp: Và chính điều này họ nhìn sự sống con người như việc nghiên cứu sự sống của một con chuột trong phòng thí nghiệm. Ngược lại Tin Mừng trình bày lòng thương xót thực sự nơi hình ảnh của người Samaritanô nhân hậu, người nhìn thấy đau khổ nơi người khác, chạnh thương, đến gần và cứu giúp cách cụ thể.

Với những tiến bộ khoa học và công nghệ nhanh chóng hiện nay khả năng chữa bệnh thể lý đã phát triển. Tuy nhiên, khả năng thật sự quan tâm đối với sự sống con người đã gần như đi theo hướng ngược lại.

Một số khía cạnh của y khoa “dường như làm giảm khả năng ‘chăm sóc’ con người, đặc biệt là khi họ đang đau khổ, sự sống họ mong manh và mất khả năng tự vệ. Những tiến bộ trong y khoa chỉ có thể nâng cao đời sống con người nếu duy trì gốc rễ đạo đức.

“Quan tâm đến sự sống con người, đặc biệt là những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, như người bệnh, người già, trẻ em, đó là nhiệm vụ của Giáo Hội. Xã hội hiện đại thường có xu hướng đánh giá chất lượng cuộc sống của một người dựa trên khả năng kinh tế của họ.

Thông thường khả năng con người được đánh giá qua hình thức vẻ đẹp bề ngoài. Làm thế nào để thấy được nội tâm mới là quan trọng như các chiều kích về tâm linh và tôn giáo. Những chiều kích này thường bị lãng quên.

Sự hiện hữu của sự sống con người là thánh thiêng hơn tất cả những thứ khác. Không thể đặt các nguồn lợi tài nguyên, kinh tế và địa vị xã hội cao hơn sự sống con người.

ĐTC nói với các bác sĩ Công giáo rằng, nhiệm vụ của họ là phải khẳng định sự thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống con người. Họ phải yêu thương, bảo vệ và chăm sóc qua lời nói và gương lành, nơi mỗi phong cách riêng của từng người. Ngài khuyến khích họ cộng tác với những người khác, gồm cả những người khác tôn giáo để tìm kiếm và thúc đẩy nhân phẩm của con người như là một tiêu chí căn bản trong công việc của họ, và theo hướng dẫn của Tin Mừng, yêu thương mọi người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. “Nhiệm vụ của bạn là những bác sĩ, phải tiếp xúc hàng ngày với rất nhiều hình thức đau khổ của bệnh nhân, hãy bắt chước người Samaritanô nhân hậu trong việc chăm sóc cho người già, người bệnh và người tàn tật.

Bằng cách luôn trung thành với Tin Mừng Sự Sống và tôn trọng sự sống như là quà tặng, đó là những quyết định khó khăn để có thể dũng cảm lựa chọn, đi ngược lại xu thế hiện nay. Đức tin phải theo tiếng nói của lương tâm.

“Đó là những gì mà các thành viên trong hiệp hội của các bạn đã thực hiện trong 70 năm qua. Các bạn hãy tiếp bước theo Giáo huấn của Giáo Hội Công giáo trong công việc của mình với niềm tin và sự khiêm nhường.

Hoàng Minh

Theo VRNs

Bài 7: Người Công Giáo có quyền bất đồng ý kiến với Giáo Hội không?


1. Đặt và xác định vấn đề

Theo kết quả của một cuộc thăm dò mới đây tại Rôma, có đến 78% người Rôma tự nhận mình là công giáo, nhưng lại không chấp nhận giáo huấn của Giaó Hội về một số vấn đề luân lý, như : ngừa thai theo phương pháp nhân tạo, phá thai, an tử, sống chung ngoài hôn nhân.


Sự kiện trên đây có lẽ phát sinh từ ý thức về dân chủ nơi con người thời đại. Thật thế, ngày nay người ta đề cao vai trò của những người bất đồng chính kiến trong các chế độ độc tài, bởi vì họ dám nói lên quan điểm của mình và kêu gọi thực thi dân chủ. Liệu một người công giáo cũng có thể bất đồng ý kiến như trong xã hội dân sự không?

Vấn đề cần được xác định trước tiên ở đây là : khi nói đến bất đồng ý kiến, chúng ta không bàn đến những vấn đề đang bỏ ngõ, nghĩa là những vấn đề còn được tự do bàn cãi, những vấn đề mà Giaó Hội chưa đưa ra một ý kiến dứt khoát nào, như vấn đề án tử hình chẳng hạn. Dĩ nhiên, trong những vấn đề còn bỏ ngõ nầy, người kitô hữu có quyền bày tỏ sự bất đồng ý kiến của mình với Thẩm Quyền của Giaó Hội. Còn ở đây, khi nói đến bất đồng ý kiến, chúng ta nói đến thái độ bất tuân phục của người công giáo đối với giáo huấn của Giáo Hội.

Với những xác định trên đây, vấn đề được đặt ra là : một người công giáo có quyền bất đồng ý kiến với giáo huấn của Giaó Hội không ?

2. Quyền lợi và nghĩa vụ của người công giáo


a. Con người vốn có những quyền cơ bản để có thể sống xứng hợp với phẩm giá của mình, chẳng hạn quyền được giáo dục, quyền có bạn bè, quyền lập gia đình, quyền đi lại, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo, quyền tư hữu vv, bởi vì tất cả những quyền ấy phát xuất từ bản tính con người và làm cho con người nên người hơn. Trái lại, con người không được cướp của, giết người hay ngoại tình, bởi vì những hành vi này xâm phạm quyền lợi của kẻ khác và hạ giảm phẩm giá của mình. Một người mẹ không có quyền phá thai, bởi vì, ngoài việc giết người, hành vi phá thai còn là đi ngược lại với phẩm giá và ơn gọi của người nữ là trao ban sự sống.

b. Một người công giáo, xét như là một con người, cũng có những quyền lợi như bất kỳ một con người nào. Thế nhưng, vì là công giáo, người đó còn có những quyền lợi phát xuất từ bản chất công giáo của người ấy, đồng thời cũng có nghĩa vụ không được làm những gì đi ngược lại với bản chất ấy. Vậy, khi đòi hỏi những quyền không phù hợp với bản chất công giáo, người đó hạ giảm phẩm chất công giáo của mình. Theo kiểu nói thông thường của Giaó Hội, người đó tự dứt phép thông công.

3. Bản chất của người công giáo

Nguyên tắc là như thế. Nhưng chúng ta chỉ có thể áp dụng nguyên tắc ấy khi chúng ta định nghĩa được thế nào là bản chất công giáo, hay nói cách khác, người công giáo là gì ?

* Người công giáo là người thông phần vào sự sống của Chúa Kitô, sống bằng sự sống của Người qua Giáo Hội. Nói cách khác, người công giáo là người tham dự vào đời sống của Chúa Kitô qua sự thông hiệp với Giáo Hội, người công giáo là người chia sẻ sự sống của Chúa Kitô bằng cách chia sẻ sự sống của Giaó Hội, trong đó Chúa Kitô đang sống. Như vậy, bản chất hay bản sắc của một người công giáo chính là sống bằng sự sống của Chúa Kitô trong sự thông hiệp trọn vẹn với Giáo Hội nhờ liên kết trong cùng một đức tin, lãnh nhận các bí tích và tuân thủ giáo huấn và kỷ luật của Giaó Hội.

* Sự thông hiệp với Chúa Kitô được thực hiện trong Giaó Hội, trước tiên qua đức tin, bởi vì chính qua đức tin mà Giaó Hội giảng dạy mà chúng ta gặp gỡ với chân lý của Chúa Kitô. Tiếp đến, sự thông hiệp với Chúa Kitô được thực hiện trong Giaó Hội qua các bí tích, bởi vì qua các bí tích của Giaó Hội chúng ta đón nhận những ân sủng của Chúa Kitô. Cuối cùng, sự thông hiệp với Chúa Kitô được thực hiện trong Giaó Hội qua giáo huấn và kỷ luật của Giaó Hội, bởi vì qua và đàng sau giáo huấn và kỷ luật của Giaó Hội, chúng ta nhìn thấy và đón nhận quyền bính của chính Chúa Kitô.

Vậy, khi một người công giáo khước từ giáo huấn hoặc kỷ luật của Giáo Hội là người ấy khước từ chính Chúa Kitô, bởi vì giáo huấn hay kỷ luật của Giaó Hội chỉ là thể hiện ý muốn của Chúa Kitô, và khi khước từ ý muốn của Chúa Kitô thì người ấy không còn là người công giáo nữa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lừng

Nguồn: giaophanphanthiet

Các nữ tử của Mẹ Teresa đứng với những bà mẹ đơn thân chống lại phá thai



VRNs (05.11.2014) -Sài Gòn- theo Asianews- Một trong những hoạt động mục vụ cấp bách của các nữ tu của Mẹ Teresa ở Bangladesh đó là đối diện với nạn phá thai qua việc hỗ trợ những người mẹ đơn độc, cũng như giúp họ hiểu được giá trị của gia đình và văn hóa đời sống ở đất nước thuộc vũng lãnh thổ Á Châu này.

Asia news cho biết, mỗi tháng Dòng Thừa sai bác ái đã đón hàng trăm phụ nữ trẻ có thai bởi vì bị cưỡng hiếp hoặc việc quan hệ bừa bãi. Nhiều người đã cảm thấy bối rối và nghĩ rằng phá bỏ thai nhi là giải pháp duy nhất để giải quyết “vấn đề” của họ.

Với những suy nghĩ này, các nữ tu ở Giáo xứ Luxmibazar thuộc thủ phủ Dhaka đã tổ chức một buổi hội thảo để nhấn mạnh những vấn đề được cho là cấp bách này. Khoảng 200 người đã tham dự sự kiện gồm có cả Kitô giáo, Hồi giáo và những người Hindu.

Giáo xứ Công giáo có hơn 6000 thành viên, chiếm khoảng 95 phần trăm số lượng người của các khu vực khác nhau đã di chuyển đến thành phố để làm việc ở những khu công nghiệp.

Nữ tu Maria Cor, người chăm lo cho đệ tự viện cho biết, “Hàng ngày số lượng các gia đình bị khủng hoảng gia tăng, cách đặc biệt là trong số các công nhân nhập cư”. Dì còn cho biết, trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá thai nhiều đó là việc quan hệ tịnh dục bừa bãi rồi chia tay”.


Những em gái và phụ nữ trẻ là nạn nhân đầu tiên thì các nữ tử của Mẹ Teresa sẽ đón những phụ nữ này về các cơ sở của họ, cung cấp cho họ biết về các khia cạnh đạo đức và ủng hộ về mặt tinh thần, giúp họ tiếp tục mang thai và sinh con.

Nam giới cũng được hưởng lợi nhiều từ những công việc mục vụ này và không chỉ có đàn ông Công giáo, như trường hợp của Mira, một người đàn ông Hồi giáo đã cho Asia news biết, “chưa ai nói cho tôi biết về chuyện giới tính tình dục và sự quan trọng của đời sống gia đình”. Anh tiếp tục nói rằng: “Cảm ơn các nữ tu, tôi đã học hỏi được rằng tôi phải lắng nghe vợ của tôi, cũng như tôn trọng và hiểu những gì cô ấy cần”.


Theo VRNs

Tội ác nhất trong mọi tội ác là phá thai

Đêm qua con gái lớn hỏi mẹ câu hỏi luôn là vấn nạn của xã hội ở mọi thời đại, luôn là đề tài lớn cho mọi tầng lớp người, đó là mẹ nghĩ thế nào “Có nên phá thai trong những trường hợp mà luật pháp cho phép như bị cưỡng hiếp, biết con đẻ ra sẽ bị tật nguyền suốt đời, loạn luân, v.v…?”.

Sở dĩ cháu hỏi là vì cháu thường đi đó đi đây làm công tác xã hội, quen biết nhiều từ người giầu có quyền lực cho đến người bần cùng nhất là người homeless và trẻ em trong các Viện Mồ Côi. Cháu gái nhà tôi được Chúa ban cho tánh tình mà già trẻ lớn bé đều rất quý và rất yêu thương nên lời khuyên của cháu được rất nhiều người nghe, nghe xong cảm thấy được an ủi, thấm thía và lời khuyên hữu ích ấy có thể cứu sống được một thai nhi mà không ai muốn giữ.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng những gì tôi sẽ phải nói với cháu vì biết cháu có trái tim to lớn, là người của muôn người và cháu luôn quan tâm cho những thân phận kém may mắn đang sống trong cảnh thiếu thốn, đau khổ từng ngày một ở khắp mọi nơi. Tôi khuyên bảo cháu rằng bất cứ một người nữ nào mang thai cũng không nên đi phá thai vì bất cứ một lý do gì. Hãy cho đứa trẻ được sinh ra đời, yêu thương nó hết mình, rồi sau đó có quyết định đem bé đi cho ai hay cho vào Cô Nhi Viện là điều rất nên. Chứ đừng đem con trẻ bỏ bờ, bỏ bụi hay cho trôi sông lạc chợ mà chúng ta rất nhiều lần chứng kiến.

Vì từng con người được sanh ra trên đời đều có mục đích tuyệt vời của một Thiên Chúa quyền năng mà với sự hiểu biết kém cỏi của một con người thì ai có thể hiểu thấu được ý Trời? Mà người mang thai phải ý thức được điều đó … Vì có đạo đức giả hay không khi chúng ta biết yêu thú vật, biến chúng thành bạn để luôn quấn quít bên mình?. Rồi thì chúng ta cũng có lòng yêu thương con của người khác bỏ ở những Cô Nhi Viện. Tìm đến để chăm sóc, đút ăn, ẵm bồng và yêu thương nhưng lại giết đi con ruột của chính mình cách không thương tiếc?.


Ai cũng hiểu được rằng từng con người được sinh ra trên đời thì không một ai có quyền chọn lựa. Nói thế để hiểu rằng chẳng lẽ cả tỷ người được sinh ra trong nghèo khổ lớn lên, chẳng làm gì để tự nuôi bản thân rồi cứ ra đường ngồi để than thân trách phận, khóc lóc rồi được người người xót thương mà nuôi cho ăn từng bữa hay sao?. Hay các em nhỏ bị cha mẹ đem bỏ chợ chúng cũng bị chết đói hết hay sao? Hay chúng vẫn sống, vẫn lớn, và vẫn trưởng thành theo khả năng của chúng? Và đó có phải là định luật sinh tồn của mọi giống loài mà Thiên Chúa đã tác tạo để cùng sống trên trái đất này hay không?.

Khi nghĩ được như thế thì thưa con người không ai có quyền giết chết ai cả vì tất cả là do Thiên Chúa tác thành và Người luôn có lý do … Dù cho đứa trẻ được sinh ra đời ấy có bị tật nguyền từ bẩm sinh như anh Nick không tay không chân mà cả thế giới đều biết đến tên tuổi của anh và biết bao nhiêu người thành công trên đời là mù lòa, thiếu tay, thiếu chân và có bộ óc bất bình thường trong khi chúng ta mang tiếng là con người rất bình thường lại rất cần được học hỏi và bắt chước nơi những người có cách sống thật phi thường, đáng cho chúng ta ngưỡng mộ và bắt chước.

——————————-

BỐ MẸ BUỘC CON PHÁ THAI (2)

Con người ta phần đông trên đời hoàn toàn sống cho xã hội, cho bộ mặt của mình mà vứt bỏ luân lý, đạo thường, điều luật của Thiên Chúa thì còn lời lẽ nào nữa để biện minh cho tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa đây khi có ai dám cả gan buộc con gái của mình phải đi phá thai?. Thưa chẳng những con gái của mình sau này có thể bị bệnh tâm thần mà ngay cả các bà mẹ, các ông bố sẽ bị tâm can nó giày vò gấp ba, gấp bốn lần con gái của mình.


Chắc hẳn con gái nó sẽ nhìn bố mẹ là kẻ giết người không gớm tay thì đừng mong mà đòi hỏi nó sau này sẽ trả hiếu hay chăm sóc cho khi đến tuổi già, sức yếu, lắm bệnh, và nhiều tật. Những người này hình như họ không bao giờ nghĩ rằng cuộc đời là phù du nay còn mai mất, hiểu biết về luật nhân quả, hay tích đức mới là tồn tại lâu dài mà thôi. Mà trên đời hình như người đạo nào cũng tin làm vậy là sống cần phải tạo đức vì “Người có đức thì mặc sức mà ăn” hay “Người có đức thì đến ba đời ăn cũng không hết”, v.v… thưa có phải?.

Do đó làm cha mẹ mà thản nhiên xúi biểu con gái của mình đi phá thai, đang tâm muốn giết chết con của nó thì bậc cha mẹ ấy còn thua xa loài súc vật vì chúng không bao giờ giết con của chúng cả. Buồn thay cho kẻ có đạo, là con cái Chúa mà đang tâm làm chuyện thất đức này thì thật linh hồn của họ khó có cơ hội được lên Nước Chúa và rồi ai nhúng tay vô tội ác cũng sẽ trở thành người bị bệnh tâm thần không nhiều thì ít. Vì cả cuộc đời còn lại họ sẽ luôn bị ám ảnh, luôn thấy ác mộng, thấy ma quỷ đến quấy phá và không một ngày chúng để cho sống trong an bình.

Nên khuyên bậc làm cha mẹ sống biết trên biết dưới. Trên đầu có Chúa, dưới có các con các cháu … Sống cách sao để được như câu “Cọp chết để da, người chết để tiếng” và cần nhất là để lại cái đức cho con cho cháu vì nếu không thì “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Ắt sẽ là như vậy!.

Xin tất cả các bà mẹ hãy yêu thương con cái của mình như Mẹ Maria yêu Con Giêsu của Mẹ vậy!.

Y Tá của Chúa,
Tuyết Mai
10-24-14

Nguồn: daobinh.com

Vấn nạn luân lý về phái tính (p2)

A. TIẾNG NÓI CỦA GIÁO HỘI VỀ ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI

Hội Thánh Công Giáo luôn khẳng định mình là Mẹ và Thầy trong các vấn đề luân lý và nhân vị. Điều này cũng dễ hiểu, bởi không có tổ chức, định chế nào có thể có một truyền thống lâu đời và vững mạnh hơn tổ chức của Hội Thánh. Hơn nữa, Hội Thánh không nói tiếng nói của riêng mình nhằm có lợi cho tổ chức của mình theo từng thời gian, hoặc để đáp lại một áp lực từ một thế lực hoặc ưu đãi cho một nhóm người nào. Tiếng nói của Hội Thánh là tiếng nói nhất quán vì đến từ Chúa và nhằm bảo vệ lâu đài luân lý của nhân loại. Các phương tiện truyền thông xã hội hôm nay tự nhận cho mình sứ mệnh thay đổi thế giới khi làm ngược lại tất cả những gì Hội Thánh loan báo và cổ võ. Họ rất tức bực khi không thể lay chuyển thành trì này; khi Hội Thánh không hòa giọng với họ trong “bài ca tiến bộ” của nhân loại.


1. Về giới tính: Trung thành với mạc khải Thánh Kinh từ sách Sáng Thế 1,26 “Từ ban đầu Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ”, Giáo Hội luôn cho rằng giới tính con người chỉ là hoặc nam hoặc nữ. Các biểu hiện khác về giới tính khác với hai giới tính này là một rối loạn, chứ không phải là một sự tự nhiên. Vậy nên, Giáo Hội không cho phép giải phẫu chuyển giới, nhưng cho phép giải phẩu để khắc phục tối đa các khiếm khuyết về giới của mình. Có nghĩa là có thể giải phẫu để có thể trở nên chính mình hơn về mặt giới tính.

Trong khi đó chủ thuyết về giới tính cho rằng: phái tính (sex) nam hay nữ chỉ là một dữ kiện về pháp lý để con người ghi vào trong hồ sơ Khai Sinh, nó không phải là dữ kiện sinh học. Đối với họ, nam hay nữ chỉ có tính xã hội, nó được lịch sử đặt ra để giai cấp đàn ông thống trị phụ nữ nên bây giờ cần gạt bỏ.

Họ loại bỏ vấn đề khác biệt giới tính thế nào? Thưa “Thuyết về giới phủ nhận sự khác biệt giới tính “tự nhiên” giữa nam và nữ. Họ phủ nhận sự khác biệt sinh học đó và cho rằng sự khác biệt nam nữ chỉ là kết quả của văn hoá, nó là một cấu trúc xã hội; nam và nữ chẳng qua chỉ là những vai trò xã hội-văn hoá khác nhau mà xã hội tuỳ tiện đề ra, và do đó có thể phá đổ. Thiên nhiên hay tự nhiên chẳng liên quan gì tới đây cả. Do đó, người ta cũng bảo rằng không hề có xu hướng tự nhiên đẩy người nam và người nữ đến với nhau. Xu hướng này cũng chỉ lệ thuộc vào những điều kiện xã hội”.

Nhóm này chủ trương rằng quyết định giới tính của mình hoàn toàn tự do thuộc về chọn lựa của cá nhân. Mình nhận biết căn tính giới tính của mình qua xu hướng tính dục của bản thân–ví dụ đồng tính, khác tính hay lưỡng tính–. Không có quy chiếu khách quan nào làm chuẩn mực cả. Không ai có quyền nói người nào đó là nam hay nữ hay giới gì cả. Điều đó tùy vào quyết định của chủ thể; Đối với họ, hôn nhân là sự kết hợp của hai người theo sở thích tính dục riêng, chứ không phải kết hợp của một nam một nữ để yêu thương và duy trì nòi giống. Các chuẩn mực luân lý, quy tắc đạo đức xã hội đều là dư thừa đối với người theo “thuyết về giới tính”.

Tựu trung, lý thuyết này cho rằng khác biệt nam hay nữ chỉ là do văn hóa xã hội. Đây là mô hình kiểu mẫu của cái gọi là tiến bộ, là văn minh hiện đại: Không có chân lý khách quan, không có tiêu chuẩn luân lý, không có điểm quy chiếu như Thiên Chúa hay thiên nhiên, tự nhiên nữa, mà là và phải là theo chủ quan của cái “Tôi”.

2. Về đa thê: Đạo luật đa thê của Kenya vừa qua là một bước thụt lùi trong sự phát triển của xã hội. Nó hạ thấp phẩm giá của người nữ, xem họ chỉ là công cụ khoái lạc của người nam. Người chồng muốn lấy mấy vợ thì lấy mà cũng chẳng hỏi ý kiến người vợ cả. Dắt người vợ mới về nhà cũng giống như dắt con trâu con bò vậy thôi. Oái ăm thay, các phong trào nữ quyền trên thế giới hoặc phải lên tiếng ủng hộ hoặc chỉ biết ngậm tăm trước đạo luật này. Theo CNN, có nhóm nữ quyền đã lên tiếng cho đây là một thắng lợi của mình, cho dù chính các nữ nghị sĩ Kenya thì tức tối bỏ phòng họp của quốc hội. Ở đây ta thấy sự trục trặc ý thức hệ của nhóm Nữ Quyền hay còn gọi là Bình Quyền khi luôn khẳng định rằng: “mọi chế độ hôn nhân đều phải được đối xử công bình, và trong xã hội đa nguyên phải có nhiều hình thái hôn nhân khác nhau”. Các hình thức khác nhau đó có thể là tục đa thê và hôn nhân đồng giới. Có thể nói, đạo luật đa thê chính là con đẻ và là quái thai của lý thuyết này. Để cảnh báo, một cây bút cho tờ Washington Post bình luận: “hoặc chúng ta (nước Mỹ) cũng phải ra sắc lệnh về đa thê, hoặc chúng ta phải xem lại các giới hạn của chúng ta trong các vấn đề đấu tranh cho bình quyền”.

Có ý kiến cho rằng, chẳng phải chính Thánh Kinh chấp nhận đa thê đó sao?

Đây là cách đọc và hiểu Thánh Kinh của một số người mà nổi bật trong đó là ông Joseph Smith người sáng lập đạo Mormon, hay còn gọi là “Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau”. Ông ta luôn khư khư cuốn Thánh Kinh bên mình và đồng thời có đến 34 vợ, thậm chí có tài liệu cho rằng 76 vợ (!). Trong số đó có tới 11 bà chỉ từ 14 – 20 tuổi; có những bà là chị em ruột, là hai mẹ con; có bà là cháu ruột, là em dâu của giáo chủ này. Vâng cũng chỉ vì theo ông, sách Sáng Thế đã đề cập đến Abraham, Giacop, vv... có nhiều vợ (x. St 4,19; 16,1-4; 29,18-30,24). Ông không biết hay vô ý bỏ quên chi tiết “tự ban đầu Thiên Chúa sáng tạo một người nam và một người nữ”, và Chúa Giêsu đã đến để kiện toàn lề luật (Ga 18,28), về vấn đề hôn nhân một vợ một chồng mà Ngài đã nói rõ trong Phúc Âm Mt 19, 4-5.

Về hôn nhân giữa những người đồng tính. Giáo Hội luôn nhất quán: hôn nhân là sự kết hợp của một nam và một nữ, với mục đích là thiện hảo cho đôi vợ chồng và truyền sinh. Hai mục đích này luôn song hành, nên Giáo Hội không thể nhìn nhận Hôn Nhân Đồng Giới. Hơn nữa, bởi nhận thức rằng, những người LGBT tự bản chất là những bất thường về tâm sinh thể lý, bất thường của tự nhiên nên Giáo Hội không bao giờ phổ quát hóa các vấn đề cá biệt bằng đạo luật. Sự khôn ngoan dạy ta không bao giờ nên phổ quát hóa vấn đề cá biệt bằng một luật chung.

Chính vì thái độ trên mà Hội Thánh bị xuyên tạc là kỳ thị người đồng tính. Trong khi đó, Hội Thánh vẫn là tổ chức lớn nhất, quy mô nhất và quy củ nhất để chăm sóc và yêu thương những người LGBT. Ngay cả trong Giáo Lý, Hội Thánh khẳng định rằng “Ðừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Ðối với đa số trong họ, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống và, nếu là Kitô hữu, họ nên kết hợp các khó khăn gặp phải do hoàn cảnh đặc biệt của mình với hy tế thập giá của Chúa” (GLHTCG 2358). Như vậy là rõ ràng, dù rất yêu thương người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, Hội Thánh mời gọi họ cũng như mời gọi tất cả mọi người khác, phải sống trong sạch.

B. KẾT LUẬN:

a. Vấn đề giới tính hiện nay hết sức phức tạp vì tạo ra các ý niệm mới và được công nhận, được cổ võ. Hệ lụy của các giá trị mới đến từ ý niệm đó là: Các định chế khác nhau về hôn nhân gia đình, chẳng hạn đa thê, đa phu, hôn nhân đồng giới vv... Người không rõ giới tính của mình, cũng như người có khuynh hướng tính dục đồng giới là điều trái tự nhiên. Và họ cần biết đó là điều bất thường. Sống căn tính giới tính của mình sẽ làm cho chúng ta trở thành những con người nam nữ đích thực. Bình đẳng nam nữ không có nghĩa là cào bằng ai cũng như ai, nhưng chính là sống đúng với giới tính của mình, trở thành những người nam bản lĩnh và những người nữ dễ thương.

b. Người đồng tính là người rất nhạy cảm. Khi nói về vấn đề này hãy hết sức thận trọng và nói đúng chỗ. Đức Phanxicô, trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí của Dòng Tên, công bố vào ngày 19 tháng 09 năm 2013: “Chúng ta không thể cứ nhấn mạnh đến những vấn đề liên quan tới phá thai, hôn nhân đồng giới và việc sử dụng các biện pháp ngừa thai. Không thể như thế được. Tôi đã không nói nhiều về những chuyện này, và người ta đã trách cứ tôi về điều đó. Nhưng khi chúng ta nói về những vấn đề này, chúng ta phải nói về chúng trong một bối cảnh chính xác”.

c. Người đồng tính luôn cảm thấy mình bị lạc loài. Họ mặc cảm bị bỏ rơi và vì thế họ cần đến nhau. Họ cần được tôn trọng và được yêu thương. Tuy vậy, quan tâm đến họ, chăm sóc mục vụ cho họ không đồng nghĩa với việc chấp nhận những hành vi luân lý tự bản chất là sai trái, là thác loạn. Hãy giúp họ nhận ra vấn đề của họ để có thể xoa dịu các xung động nội tâm, để họ sống hòa nhập và làm phong phú cộng đồng. “Những người đồng tính luyến ái được kêu gọi sống đức khiết tịnh. Nhờ các nhân đức giúp tự chủ dạy cho biết sự tự do nội tâm, và có khi nhờ sự nâng đỡ của tình bằng hữu vô vị lợi, nhờ việc cầu nguyện, ân sủng, bí tích, chính họ có thể và phải dần dần và cương quyết tiến đến sự trọn hảo Kitô giáo.” (GLHTCG số 2359).

Lm Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Theo VietCatholic

Vấn nạn luân lý về phái tính (p1)

Những sự kiện- hôn nhân đồng tính, vấn đề phái tính, phá thai, đa thê- được công nhận trên bình diện luật pháp của một quốc gia và được rất nhiều các phong trào trên thế giới ủng hộ, kể cả trong xã hội nặng về Khổng – Nho giáo như Việt Nam, cho thấy não trạng con người ngày nay và tính cấp bách của vấn đề luân lý. Chúng ta không dễ dàng dựa vào Lề Luật để thuyết phục họ.

Các linh muc cần trung thành với Lề Luật Thiên Chúa, với Giáo Huấn Hội Thánh, và vừa đồng hành với nhân loại, một nhân loại đang bị phân hóa và lạc lối (Familiaris Consortio).




A. DẪN NHẬP

Ngày nay các linh mục đứng trước một thách đố rất lớn về luân lý, đặc biệt là luân lý về hôn nhân gia đình. Các chủ thuyết mới cổ võ người ta không tuân thủ các hướng dẫn của Giáo Hội cũng như các giới luật tự nhiên, luật Thiên định. Sở dĩ lý thuyết của họ lôi kéo được đám đông, vì về mặt nổi của tảng băng, văn hóa ngày nay tôn trọng đa nguyên, và hơn nữa chúng dựa vào một số sự kiện cụ thể, trước mắt, để kêu gọi tới sự ủy mị tình cảm - cái được gọi là nhân văn hay tiến bộ; còn về mặt chìm ẩn khuất, là vì nó thỏa mãn nhu cầu nổi loạn bên trong con người, theo sau chủ nghĩa tự do cá nhân hưởng thụ và tương đối. Các linh mục cần trung thành với Lề Luật Thiên Chúa, với Giáo Huấn Hội Thánh, và vừa đồng hành với nhân loại, một nhân loại đang bị phân hóa và lạc lối (Familiaris Consortio). Bài viết này chỉ phác họa sơ lược vấn nạn liên quan đến phái tính mà thôi.

B. VÀI SỰ KIỆN CẦN SUY NGHĨ

a. 02/04/2014 Úc công nhận giới tính giới tính thứ 3 hay giới tính không xác định. Norrie May-Welby (52 tuổi) người gốc Ái Nhĩ Lan, di dân sang Úc Châu. Khi sinh ra Norrie được khai là giới tính nam. Norrie đã trải qua một lần phẫu thuật để chuyển đổi sang giới tính nữ nhưng ca phẫu thuật thất bại. Do đó, Norrie vẫn không thể xác định mình thuộc giới tính nam hay nữ. Norrie đã vận động tranh cãi pháp lý nhiều lần cho tới khi được công nhận là không phải đàn ông cũng chẳng phải đàn bà.

b. Trước đó, Đức đã trở thành nước đầu tiên thừa nhận giới tính thứ ba. Ngày 07/05/2013. Họ thực hiện điều này vì cho rằng, việc xác định nhanh giới tính cho trẻ ngay khi làm giấy khai sinh sẽ gây ra những hệ lụy đau thương. Trong thực tế, con người sinh ra không phải ai cũng hoàn hảo về mặt tâm sinh thể lý, có những trục trặc, có những bất thường. Có những trường hợp rất khó xác định nam hay nữ vì những dị dạng của bộ phận sinh dục. Mục đích của đạo luật này nhằm giảm sức ép đối với cha mẹ. Cha mẹ khỏi bận tâm suy nghĩ phải phẫu thuật khẩn cấp cho trẻ sơ sinh mang giới tính nam hay giới tính nữ.

c. Mới đây, ngày 29/04 vừa qua, Kenya ký luật về đa thê polygamy. Vietcatholic cho biết HDGM của quốc gia có số Kitô hữu chiếm 82,5% dân số này đã phản đối kịch liệt trước đó, nhưng bất thành. Đạo luật về đa thê đã ra đời và người đàn ông có thể lấy bao nhiêu vợ tùy thích mà không cần sự đồng ý của vợ chính. Samuel Chepkong'a, Chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Các Vấn Đề Pháp Lý giải thích, theo luật này người chồng không cần phải phải hỏi ý kiến vợ cả xem bà ta có đồng ý hay không, thậm chí cũng chẳng cần thông báo cho bà ta về người vợ mới, mỗi khi thấy ông đi về nhà với người phụ nữ khác thì đó có thể là vợ mới rồi.

d. Báo chí tại Việt nam, trong một xã hội Đông Phương với truyền thống khá bảo thủ, vẫn đưa các tin tức về sự diễu hành của người đồng tính, với những lời lẽ cảm thông, đồng điệu. Rất dễ tìm thấy các bài về chủ đề này trên các báo chính thống của chính phủ. Quốc Hội Việt Nam cũng đã đề cập tới hôn nhân đồng tính và chuyển giới tính. Khi Mr. Đàm hôn môi nhà sư, rất nhiều diễn đàn lên tiếng ủng hộ anh. Đâu đó tại VN xuất hiện đám cưới đồng tính vv...

C. TÌM HIỂU VẤN ĐỀ
Những sự kiện- hôn nhân đồng tính, vấn đề phái tính, phá thai, đa thê- được công nhận trên bình diện luật pháp của một quốc gia và được rất nhiều các phong trào trên thế giới ủng hộ, kể cả trong xã hội nặng về Khổng – Nho giáo như Việt Nam, cho thấy não trạng con người ngày nay và tính cấp bách của vấn đề luân lý. Chúng ta không dễ dàng dựa vào Lề Luật để thuyết phục họ. Không đơn giản để cá nhân hay nhóm người nào đó thấy rằng họ đã sai về mặt luân lý, rằng lương tâm cửa họ đã lầm lạc nghiêm trọng. Họ cần thuyết phục, nhưng thuyết phục sao được? Bởi họ có rất nhiều “thế lực” chống lưng:

a. Chính phủ công nhận: Đây là luận cứ rất quan trọng và thường được nại ra, bởi nó có tính pháp lý, có chỗ dựa ở công quyền. Điều này gây khó khăn cho các trường học, nhất là trường Công Giáo. Bởi các nhà xã hội học vẫn cho rằng đồng tính không chỉ là vấn đề sinh lý, di truyền nhưng có cả tác động xã hội. Rất nhiều LGBT (viết tắt của Lesbian, Gay, Bisexual, Transexual / Transgender: đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính luyến ái, chuyển giới) là vì phong trào, vì kinh tế, hay vì cú shock tâm lý. Và do vậy, nó có tính lây lan. Tuy vậy, khi các bậc cha mẹ không muốn cho con cái mình vào trường học nơi cổ võ đồng tính và nhận con của người đồng tính, thì bị cáo buộc là kỳ thị, một từ ngữ mà xã hội tiến bộ rất di ứng.

b. Sự xuất hiện của nhiều nhóm “tiến bộ” có tên trong danh sách LGBT. Trong đó có các chính trị gia, nghệ nhân, thương gia và nhất là giới showbiz, giới celebrities với rất nhiều fans hâm mộ. Chẳng hạn Lady Gaga, một ca sĩ và nhạc sĩ chuyên gây sốc, từ cách ăn mặc cho tới ngôn từ, nhưng luôn đứng đầu rất nhiều bảng xếp hạng: nhất về doanh thu, nhất về người hâm mộ, nhất về tiếng hát trong mọi thời đại vv... và bài hát của cô “born this way” cũng đứng nhất trong thị trường CD quốc tế. ..

c. Những diễn biến thời sự cho thấy LGBT rất gắn bó, đoàn kết. Họ luôn luôn thành lập câu lạc bộ nơi họ sinh sống? Luôn kết thành nhóm và hỗ trợ nghề nghiệp, tài chính? Luôn phản ứng mạnh với các tín hiệu thuận hay nghịch với mình. Do vậy, họ ủng hộ nhiệt tình và cũng đập phá hết mình. Họ thích tập trung tại Các Vương Cung Thánh Đường lớn, không phải để tham dự thánh lễ nhưng để quậy phá, viết bẩn nhằm tạo tiếng vang lớn. Giáng Sinh năm 2010 tại thủ đô Oslo của Nauy, nhóm Fuck for Forest đã làm tình ngay trên cung thánh khi Giám Mục và đoàn rước bắt đầu tiến vô nhà thờ chính tòa.

d. Xã hội đa nguyên: Thời đại chúng ta đang sống được mệnh danh là thời hậu hiện đại. Nét đặc trưng nhất của thời hậu hiện đại là tính “đa nguyên”. Người ta không còn có một nguyên tắc chung nhất cho bất cứ lãnh vực nào. Rõ nhất là phương diện luân lý. Trong phương diện này, người ta không còn muốn tin vào những gì Giáo Hội dạy, hay những gì truyền thống để lại nữa. Họ đặt vấn đề tại sao lại chỉ có một mô hình hôn nhân duy nhất? Nhiều định chế hôn nhân khác nhau sẽ giúp bớt đau khổ hơn không? Người Bugis của Indonesia chẳng nhìn nhận có 5 giới tính (female, male, Bissu, Calabai, Calalai) và 3 phái tính đấy sao? Và xã hội này vẫn phát triển đấy thôi. Kenya sau một thời gian đấu tranh cho nữ quyền thì đã chẳng tiến lên đa thê đấy là gì vv...

Sự thương cảm: Nếu các lý luận trên chưa thể hạ gục được đối tượng thì LGBT sẽ tung ra chiêu bài tiếp theo là kêu gọi sự thương cảm. Và chiêu này cho thấy công phu rất lợi hại. Thật vậy, những phản ứng nhiệt tình và thái quá của LGBT đôi khi gây ra tác dụng ngược, làm cho nhiều người xa tránh nó, nhưng khi chúng nài van đến sự chiếu cố thì rất dễ làm chúng ta mủi lòng. Nào là LGBT cũng là con người mà, họ sinh ra đã là như thế, họ có muốn đâu, họ cũng là người tốt, họ cũng là người giỏi giang có ích cho xã hội, tại sao lại loại trừ họ? Họ cũng như chúng ta mà tại sao họ không được quyền hôn nhân? Điều này làm cho những ai nghĩ rằng mình là người tốt phải xét lại và dễ dàng rơi vào lý luận của họ là chấp nhận các định chế khác nhau về hôn nhân. Từ đó, người ta dễ có cảm tưởng rằng Giáo Hội ghét bỏ, kỳ thị người LGBT khi không cho họ kết hôn.

(còn tiếp)

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Theo VietCatholic