Trên 280 luật gia Tây Ban Nha ký tên vào tuyên ngôn yêu cầu bảo vệ quyền thai nhi

Trên 280 luật gia Tây Ban Nha ký tên vào tuyên ngôn yêu cầu bảo vệ quyền thai nhi.

Madrid (SD 22-7-2014) - Trong những ngày vừa qua trên 280 luật gia Tây Ban Nha ký tên ủng hộ một tuyên ngôn kêu gọi bảo vệ quyền căn bản của các thai nhi.

Tuyên ngôn nói trên đã được đề ra trong khuôn khổ các giới hàn lâm tại Madrid và Barcelona và rồi truyền đi qua mạng Internet. Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, đã có trên 270 luật gia tên tuổi ký tên ủng hộ. Trong số này, có trên 100 giáo sư thuộc 39 đại học Tây Ban Nha, cùng với nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ và nhiều nhân vật nổi bật trong ngành lập pháp và hành pháp. Các luật gia này yêu cầu chú trọng đến việc nhìn nhận và bảo vệ các quyền căn bản của sự sống con người ngay cả trong giai đoạn tiên khởi của nó, khi còn ở trong lòng mẹ. Tuyên ngôn nói trên, theo các luật gia, là cơ hội duy nhất để xã hội có thể tiến triển trên lãnh vực luân lý và xã hội, nhìn nhận toàn bộ quyền pháp nhân của các phôi thai và bảo vệ cho phụ nữ trước khi mang thai.

Các luật gia ký tên ủng hộ tuyên ngôn này minh xác quyền của phôi thai được bảo vệ sự sống, hoàn toàn tách biệt ra khỏi phạm vi quyền của người mẹ. Họ xác tín rằng phá thai không phải là quyền của phụ nữ theo tinh thần hiến chương quốc gia và hiến pháp của tòa án châu Âu về quyền con người. Chính quyền phải đề ra những chính sách bảo vệ thai nghén nhất là đối với những phụ nữ mang thai và khẳng định rằng quy chế cho phép phá thai phải tôn trọng quyền phản kháng vì lương tâm của các nhân viên y tế trong lãnh vực này. (SD 22-7-2014)

Mai Anh

(Radio Vatican)

Phụ Nữ Phát Biểu Ðể Chống Ðối Luật Phá Thai “Cùng Cực”

Hoa Thịnh Ðốn (CNA 7/20/14): Một luật liên bang để bãi bỏ tất cả những lề lối liên quan tới phá thai đã tạo rất nhiều chống đối từ những nhà phê bình, vì cho rằng điều đó sẽ ảnh hưỡng một cách thảm hại đến sức khỏe và sự an toàn của phụ nữ và các con cái của họ.

Nữ Dân Cử Diane Black , một người Ðiều Dưỡng viên trên 40 năm kinh nghiệm đã lên tiếng để nói lên những “âu lo trầm trọng” trên các hậu quả tiêu cực của đạo luật trên các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe. Trong một cuộc điều trần trước Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện hôm 15 tháng 7 qua, bà Black đã cảnh báo là luật ‘Bảo Vệ Sức Khỏe Phụ Nữ’, thật ra phương hại đến phụ nữ.

Bà nói “Phá thai chẳng những tạo những nguy cơ về sức khỏe, nhưng còn làm nguy hại đến ‘sức khỏe tinh thần’ của người phụ nữ nữa”.

Luật mới sẽ bỏ tất cả mọi hạn chế liên quan đến phá thai, và bà Black cho biết “sau khi nhận định những nguy hiểm do phá thai gây nên trên sức khỏe của phụ nữ. Tôi cực lực chống đối luật này”.

Theo VietCatholic


ĐTC: Ngày Sự Sống mời gọi chúng ta hãy trân trọng sự sống

Đức Thánh Cha Phanxicô ghi dấu Ngày Sự Sống sắp tới ở Anh và Ireland bằng lời mời gọi tất cả những ai thiện chí hãy trân trọng sự sống, đặc biệt là sự sống ở những xã hội dễ bị tổn thương nhất.



Trong thông điệp gửi đến Giáo Hội tại Anh, Ireland, Scotland và xứ Wales, kèm chữ ký của Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha kêu gọi người Công giáo “hãy đem tình yêu thương xót của Chúa Kitô, là sự sống được trao ban, đến những người khốn khổ, “trong những hình thức mới của nghèo đói và dễ bị tổn thương”, ngày càng hiện rõ trong xã hội đương đại (x. Evangelii Gaudium 210).

Ngày Sự Sống năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 27.07 với chủ đề Bảo vệ và Trân trọng Sự sống từ khởi đầu cho đến kết thúc cách tự nhiên. Chủ đề mời gọi người trẻ, đặc biệt những ai đang làm công việc chăm sóc sự sống, hãy nuôi dưỡng và bảo vệ sự sống ở mọi giai đoạn và trong mọi hoàn cảnh.

Sau đây là Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô
“Như Giáo Hội tại Anh, Ireland, Scotland và xứ Wales tổ chức Ngày Cuộc Sống 2014, Đức Thánh Cha bày tỏ tin tưởng rằng việc làm chứng hàng năm này diễn tả sự thánh thiêng về quà tặng sự sống mà Thiên Chúa ban cho các tín hữu, và các bạn trẻ nói riêng, để chiến đấu chống lại văn hóa sự chết, không chỉ bằng cách nỗ lực bảo vệ luật pháp về quyền căn bản của con người là được sống, nhưng cũng mang đến tình yêu thương xót của Chúa Kitô, là sự sống được trao ban, đến những người khốn khổ, “trong những hình thức mới của nghèo đói và dễ bị tổn thương”, ngày càng rõ nét trong xã hội đương đại (x. Evangelii Gaudium 210).

Đức Thánh Cha sẽ ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả những ai tham dự Ngày Sự Sống này, như là bảo đảm cho sự khôn ngoan, vui mừng và an bình trong Chúa Phục Sinh.”
Đức Hồng Y Pietro Parolin
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh


Ngày Sự Sống được Giáo Hội Công Giáo ở Anh, Scotland, Ireland và xứ Wales tổ chức hàng năm. Đó là một ngày dành riêng nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và giá trị của sự sống con người ở mọi giai đoạn và trong mọi hoàn cảnh.

Số tiền đóng góp được trong Ngày Sự Sống, được tổ chức tại tất cả các giáo xứ ở Anh và xứ Wales vào ngày Chủ nhật 27 Tháng 7 2014 sẽ được dùng để hỗ trợ cho công tác của Trung tâm đạo đức sinh học Anscombe và các hoạt động khác của Giáo Hội liên quan đến sự sống.

Hoàng Minh


Theo VRNs

Chuẩn đoán tiền sinh và phá phôi thai

Ngày nay khoa học tiến bộ, người ta có thể biết trước về phái tính, hình thể cũng như tình trạng sức khoẻ của đứa trẻ sắp sinh ra. Vậy luân lý Kitô giáo có cho phép chẩn đoán tiền sinh không? Có được phá phôi thai không?





*CHẨN ĐOÁN TIỀN SINH

Đây là một vấn đề mới mẻ nên chưa có quy định trong Giáo Luật 1983. Tuy nhiên, được cập nhật hóa bằng Huấn Thị Donum Vitae (Hồng Ân Sự Sống) của Thánh Bộ Về Giáo Lý Đức Tin ngày 22/2/1987, do Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, bây giờ là Đức Giáo Hoáng Bê-nê-đíc-tô thứ 16 nghỉ hưu.

Huấn Thị chỉ dẫn như sau (số 2):

- Nguyên tắc chung: Nếu việc chẩn đoán tiền sinh (prénatal) tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của phôi thai người và nó nhằm mục đích bảo vệ hay chữa trị phôi thai thì được phép.

- Áp dụng:

1/ Được phép chẩn đoán phôi thai với điều kiện:

- Cha mẹ ưng thuận, sau khi đã hiểu rõ vấn đề.

- Phương pháp thực hiện không làm tổn hại sự sống và sự toàn vẹn của thai nhi, cũng như sự sống của người mẹ, không gây những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng không tương xứng.

2/ Không được phép trong những tình huống như sau:

- Khi việc chẩn đoán trái với luật đạo đức một cách nghiêm trọng, khi để đạt tới kết quả, tiên liệu việc phá thai (ví dụ: khi kết quả cho biết phôi thai có tật hay mang bệnh di truyền sẽ phá huỷ bào thai).

- Khi người phụ nữ xin chẩn đoán với ý định rõ rệt là sẽ phá thai, nếu kết quả chẩn đoán xác nhận phôi thai có dị hình dị tật, thì người đó làm một việc trái luật nghiêm trọng.

- Là hành động trái với đạo đức, khi người chồng, bà con hay bất cứ người nào khác, khuyên hay ép buộc người phụ nữ mang thai đi chẩn đoán với ý định có thể phá thai.

Như vậy, khi chẩn đoán với ý hướng tốt (số 1), rồi dùng sự can thiệp của y khoa để chữa trị, cải thiện tình trạng sức khoẻ hoặc kéo dài sự sống của phôi thai, thì sự can thiệp đó là được phép, giống như khi chữa trị cho bệnh nhân. Đức Giáo Hoàng Gio-an Phaolô II đã nói rõ về tính chính đáng và các tiêu chuẩn của sự can thiệp nói trên như sau:

“Một can thiệp chỉ nhằm chữa trị các bệnh tật, như bệnh của các nhiễm sắc tố có khuyết điểm, thì trên nguyên tắc, được coi là nên làm, miễn là nó góp phần thực sự làm cho con người sống dễ hơn, mà không phạm tới sự toàn vẹn hay làm giảm suy các điều kiện sống của nó. Một sự can thiệp như vậy nằm trong chiều hướng hợp lý của truyền thống đạo đức Kitô giáo” (Gioan Phaolô II, Diễn văn trước những người tham dự khoá 35 Hiệp Hội Các Thầy Thuốc Thế Giới, 29.10.1983: AAS 76, tr.32 (DC 1983, no 1863, tr.1086).



*PHÁ PHÔI THAI

Nếu thai nhi chỉ mới ở trong tình trạng phôi, hoặc mới ở trong những ngày đầu, thì có được phép hút nạo không?

1. Cựu Ước xác tín rằng

Sự sống được cha mẹ truyền cho, có nguồn gốc từ nơi Thiên Chúa, như nhiều trang Thánh Kinh đã chứng thực, khi trân trọng và thân thương nói về việc thụ thai, việc sự sống thành hình trong lòng mẹ, việc chào đời và mối dây liên hệ chặt chẽ giữa giây phút đầu tiên của sự sống và tác động của Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành:

“Trước khi Ta nắn ra ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi” (Gr 1,5): cuộc đời mỗi cá nhân, ngay từ đầu, đã ở trong kế hoạch của Thiên Chúa. Trong đáy vực đau khổ, ông Gióp vẫn nán lại để chiêm ngắm kỳ công của Thiên Chúa trong cách thức lạ lùng Chúa tác tạo nên thân ông trong lòng mẹ, từ đó ông rút ra lý do để tin cậy và bày tỏ niềm xác tín về dự tính của Chúa trên đời ông: “Tay Ngài đã nặn và tạo nên tôi, rồi đổi ý, Ngài muốn huỷ tôi! Xin hãy nhớ, Ngài đã dựng nên tôi từ đất sét, rồi Ngài sẽ đưa tôi về đất bụi. Ngài đã chẳng đổ tôi như sữa, và làm tôi đặc lại như sữa đặc lên men sao? Ngài đã chẳng lấy da thịt mặc cho tôi và dệt tôi bằng gân cốt sao? Ngài đã cho tôi sự sống và máu nóng, và ân cần săn sóc hơi thở tôi” (G 10,8-12) (ĐGH Gioan-Phaolô II, Tin Mừng Về Sự Sống, Roma 25.3.1995, số 44).

2. Mặc khải trong Tân Ước

Đưa ra bằng chứng xác quyết việc nhìn nhận không chối cãi được giá trị của sự sống từ khi nó bắt đầu hình thành. Những lời bà I-sa-ve tả nỗi vui mừng được mang thai cũng đề cao việc có đứa con và hăm hở đón chào một người con: “Chúa đã khấng cất nỗi khổ của tôi” (Lc 1,25). Nhưng giá trị của con người ngay từ khi thành thai, càng được tôn trọng hơn nữa trong dịp Đức Maria gặp bà I-sa-ve, cũng như việc gặp gỡ giữa hai hài nhi còn trong lòng hai bà mẹ. Chính hai người con ấy tiết lộ sự đăng quang của thời đại Mê-si-a: trong cuộc gặp gỡ giữa hai hài nhi, sức mạnh cứu độ do việc hiện diện của Con Thiên Chúa ở giữa loài người bắt đầu hoạt động […] (Sđd, số 45).

Như thế, Cựu ước cũng như Tân ước đã không ấn định thời điểm sự sống hình thành, nhưng xác quyết sự sống đã có mặt ngay giây phút đầu tiên.

3. Lập trường của Giáo Hội

Giáo Hội vẫn duy trì lập trường cho rằng sự sống con người đã có khi thụ tinh, nghĩa là khi tinh trùng đã kết hợp với trứng thành phôi, chứ không phải vào một thời điểm nào đó trong tiến trình phát triển của phôi thai.

- “Sự sống của con người là thánh thiêng, vì ngay từ trong cội nguồn của nó, nó đòi hỏi hành động sáng tạo của Thiên Chúa”(ĐGH Gio-an 23, Thông điệp Mẹ và Thầy, 15.5.1961).

- “Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuỵệt đối, ngay từ lúc thụ thai” (Hiến Chương Các Quyền Gia Đình, số 4, DC 1983, no 1864, tr.1155).

- “Ngay từ khi trứng thụ tinh, đã khởi đầu một sứ sống mới, vốn không phải là sự sống của người cha, cũng không phải là sự sống của người mẹ, nhưng là của một con người mới, nó có thể tự mình phát triển” (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Ngôn Về Việc Phá Thai, số 12-13; ASS 66 (1974), tr.738, (DC 1974, no 1666, tr.1070-1071).

Tóm lại, Giáo Hội vẫn giữ lập trường rõ ràng và dứt khoát, đó là:

Kết quả của việc sinh hạ con người ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên của nó, nghĩa là từ lúc hợp tử được cấu tạo, đòi hỏi con người phải được tôn trọng cách vô điều kiện trong toàn bộ thể xác và linh hồn. Con người phải được tôn trọng và đối xử như một nhân vị ngay từ lúc thụ thai, và do đó, ngay từ giờ phút ấy, phải nhìn nhận nơi đó những quyền của nhân vị, trong số đó, phải kể trước tiên quyền được sống của mọi con người vô tội, đây là một quyền bất khả xâm phạm (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Donum Vitae, số I,1, Roma 22.02.1987).

(Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh, WGP.Phan Thiết 12.07.2014)


Nguồn: giaophannhatrang.org

Thế giới bóng đá suýt không có tên Ronaldo

Khi mang bầu Ronaldo, bà Dolores Aveiro từng tính bỏ đi cái thai vì khó khăn tài chính. May là các bác sĩ đã ngăn lại. Cho đến giờ, mẹ anh vẫn thầm cám ơn vì đã không làm điều dại dột đó.

Cristiano Ronaldo vừa đoạt danh hiệu Quả bóng vàng FIFA 2013, sở hữ khối tài sản lên tới gần 200 triệu euro và tất nhiên giàu nhất trong số những cầu thủ hiện thi đấu. Ấy nhưng ít người biết rằng, suýt nữa anh đã không có mặt trên cõi đời này. Câu chuyện bắt đầu khi bà Dolores Aveiro mang thai CR7 và lâm vào cảnh túng quẫn tài chính, trong khi ông chồng lại nghiện rượu.

“Năm ấy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, trong khi cả Hugo Aveiro và Katia Aveiro đều còn nhỏ. Khi biết mình mang thai Ronaldo, tôi đã tính tới chuyện bỏ cái thai. Tôi đến gặp các bác sĩ nhưng họ đã ngăn tôi.

Dù vậy, tôi không bỏ cuộc. Tôi uống bia, chạy bộ thật nhiều để khiến cái thai bị ảnh hưởng. Thật may là Chúa đã không để cho tôi làm điều dại dột”, bà Dolores kể lại câu chuyện về những ngày mang thai Ronaldo trong cuốn tự truyện “Bà mẹ dũng cảm”.



Khi Ronaldo trưởng thành, bà Dolores đã kể lại toàn bộ việc này cho cậu con trai út của mình, nhưng anh chưa bao giờ trách bà vì điều đó, mà còn thường thầm cảm ơn mẹ vì đã sinh ra anh trên cõi đời này. “Mẹ đã từng muốn loại bỏ tôi, nhưng giờ thì tôi lại là người thường xuyên mua cho bà những cái túi xách”, CR7 nói vui. “Trong cuộc sống, ai cũng có những khó khăn và những lúc yếu lòng. Tôi chưa bao giờ trách mẹ vì điều gì. Ngược lại tôi còn luôn cảm ơn mẹ vì đã sinh ra tôi”.

Thực tế, kể từ khi Ronaldo ra đời, bà Dolores đã tìm lại sự cân bằng của cuộc sống. Bà không oán trách ông chồng nghiện rượu nữa, mà chăm chỉ làm việc để nuôi các con. So với Hugo và Katia, bà Dolores dành tình cảm cho Ronaldo nhiều hơn cả. Dễ hiểu thôi, Ronaldo là con út và từ nhỏ lại là một người sống rất tình cảm. Phải mãi tới năm 12 tuổi, anh mới bắt đầu sống xa mẹ.

Ngay cả thời điểm bây giờ, khi đã nổi tiếng, bận trăm công nghìn việc, Ronaldo vẫn luôn cố gắng quan tâm đến các thành viên trong gia đình, đặc biệt là bà Dolores. Anh đã đón cả mẹ và bà chị sang Madrid sinh sống và mua hẳn cho một căn hộ riêng. Rất nhiều trận đấu của CR7, người ta thấy bà Dolores ngồi ôm cháu và theo dõi cậu con trai thi đấu.


Theo Tiền Phong

Bác sĩ Ba Lan bị sa thải vì từ chối phá thai

Một bác sĩ Công Giáo tại một bệnh viện công tại thủ đô Ba Lan đã bị sa thải vì từ chối không chịu phá thai cho một phụ nữ và cũng không giới thiệu người phụ nữ này đến một bác sĩ phá thai.



Bác sĩ Bogdan Chazan cung cấp chăm sóc y tế miễn phí cho người mẹ của một đứa trẻ được chẩn đoán có những dấu hiệu bất thường nghiêm trọng, nhưng ông không khuyên người phụ nữ này nên phá thai. Vì thế, bệnh viện đã sa thải ông. Quyết định sa thải này đã gây nên một làn sóng bất bình nơi người Công Giáo và những người phò sinh.

Giải thích về quyết định sa thải này, thị trưởng của Warsaw là Hanna Gronkiewicz-Waltz nói rằng bác sĩ Chazan lẽ ra phải giới thiệu người phụ nữ này đến một bác sĩ phá thai. Theo quan điểm của ông này: "Một bác sĩ có thể từ chối thực hiện việc phá thai vì lý do đạo đức, nhưng một bệnh viện công thì không thể hành động như thế".

Đức Hồng Y Kazimierz Ncyz, Tổng Giám Mục Koszalin-Kolobrzeg và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho rằng hành động chống lại bác sĩ Chazan đặt ra một tiền lệ nguy hiểm.

Ngài nói: "Các chính trị gia không thể buộc các bác sĩ hành động trái với lương tâm của họ".

Tiến sĩ Chazan là một trong 3,000 bác sĩ đã ký "Tuyên bố của Đức Tin," nói rằng họ sẽ từ chối thực hiện những phẫu thuật vô đạo đức như phá thai, an tử, và sinh con trong ống nghiệm. Những người ký tên đã tuyên bố rằng luật luân lý cao trọng hơn luật quốc gia.



Theo VietCatholic

“Gia đình là đền thánh của sự sống”


Dẫn nhập
Ngay từ thủa tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã yêu thương và sáng tạo muôn loài và trao ban cho chúng sự sống. Phần con người, Thiên Chúa đã tác phúc cho người nam và người nữ, để họ tuy hai, nhưng là một xương một thịt trong đời sống hôn nhân. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán:“Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1, 28). Thật vậy, ngay từ thủa ban đầu: Thiên Chúa “Đấng yêu sự sống” (Kn 11,26), đã giao cho gia đình sứ mạng “gìn giữ, biểu lộ và thông truyền tình yêu” qua việc trở nên “Đền thánh của sự sống” (x. St 1,28; FC 17).

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu đã nâng đời sống hôn nhân gia đình lên hàng Bí tích, để củng cố và ban nhiều ơn thánh nhằm giúp họ chu toàn nghĩa vụ và trách nhiệm trong đời sống hôn nhân.

Như vậy, qua đời sống hôn nhân, Thiên Chúa đã chúc lành và yêu thương, gìn giữ và thánh hóa, để từ trong cung lòng, nơi phát sinh sự sống, con người được diễm phúc cưu mang sự sống thánh thiêng mà Thiên Chúa đã an bài, quan phòng nơi người nữ khi kết hợp với người nam trong việc tạo sinh.

1. Sự sống thiêng liêng được khởi đi từ Thiên Chúa và được phát sinh từ gia đình

“Gia đình thật sự là ‘đền thánh của sự sống’, là nơi sự sống quà tặng của Thiên Chúa, có thể được đón nhận và bảo vệ cách xứng hợp chống lại nhiều sự tấn công mà nó phải hứng chịu, và có thể phát triển hợp với sự tăng trưởng đích thật của con người… Gia đình đóng một vai trò đặc biệt trải dài suốt cuộc đời của các thành viên, từ khi sinh ra cho tới khi qua đời” (EV. Số 92).

Giáo Hội luôn dành cho các gia đình một vị trí quan trọng đến mức độ cần thiết:

Công Đồng Vaticanô II đã ví “gia đình như một Hội Thánh nhỏ” (x. LG, số 11). Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã định nghĩa: “gia đình là Hội Thánh tại gia” (x. FC, số 11).

Với thánh Augustinô thì: gia đình là một Hội Thánh “cỡ nhỏ”, một Hội Thánh được thu hẹp, tại đây Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện và sống động, tại đây Chúa Giêsu tiếp tục chịu chết và sống lại.

Khi nhìn về viễn cảnh trong tương lai, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình”. Qua đó, ngài muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng và vai trò của đời sống gia đình trong xã hội và Hội Thánh tương lai. Nơi gia đình, mỗi người, đặc biệt là các bậc làm cha mẹ, sẽ phát huy rõ nét nhất vai trò trở thành: “Đền thánh của sự sống”; “Cho nên gia đình giữ một vai trò vô cùng quan trọng, không ai thay thế được trong công cuộc xây dựng nền văn hóa sự sống” (x. EV 92).

Như vậy, khi nói “Đền thánh của sự sống”:

Trước hết, gia đình là nơi cưu mang và phát sinh sự sống.

Kế đến, gia đình là nơi nuôi dưỡng sự sống, làm cho sự sống ấy lớn lên và phát triển.

Sau hết, gia đình là nơi che chở và bảo vệ sự sống.

2. Mối nguy hại cho “Đền thánh sự sống” nơi các gia đình Công Giáo

Tuy nhiên, ngày nay, hơn bao giờ hết: như một “âm mưu chống lại sự sống”, và chúng ta, những người kitô hữu, phải đối diện với chúng như một thách đố, đòi hỏi chúng ta phải khôn ngoan, sáng suốt và dè chừng khi những chiêu thức tinh vi, lời nói ngọt ngào của sự khôn ngoan thế gian như những vị ngọt của “trái cấm”. Những thử thách này có khi do ngoại cảnh tác động, nhưng đôi khi cũng do chính sự chủ quan của chúng ta, khiến: “Cung thánh của sự sống” bị tổn thương.

Những mối đe dọa đó là:

- Nạn phá thai dưới nhiều hình thức. Theo thống kê của WTO, trung bình 40-50 triệu ca phá thai trong một năm.

- Bên cạnh đó, sự ngừa thai dưới nhiều vỏ bọc đang làm xói mòn tình yêu phu thê vì hành vi yêu thương vợ chồng cách tự nhiên bị ngăn chặn và thay vào đó là những biện pháp nhân tạo, khiến cho sự giả trá và ảo tưởng ngay trong những giờ khắc yêu thương và thiêng thánh của hành vi truyền sinh sự sống nơi vợ chồng.

- Những kỹ thuật tạo sinh mới được núp bóng dưới khía cạnh khoa học. Những chuyên gia thường nhân danh ích lợi của con người, xã hội để áp dụng những kỹ thuật sinh sản qua thụ tinh nhân tạo, nơi đó, họ sàng lọc bào thai theo não trạng ưu sinh. Điều này đã làm cho sự sống của con người ngay từ lúc ban đầu không còn thiêng liêng nữa. Vì thế, người ta có thể làm theo ý muốn của con người qua các phương tiện khoa học. Nhưng thực chất những lựa chọn giới tính chỉ vì sự ích kỷ của con người (x. EV, số 12-17).

Trên đây là những thử thách trực tiếp đến sự sống do cả một xã hội tạo nên, hay do sự tiến bộ của nghành khoa học, nền văn minh của sự chết tạo ra.

Bên cạnh đó “Đền thánh của sự sống” còn bị tổn thương do chính những lựa chọn sai lầm đi ngược lại với bản chất và mục đích của hôn nhân, đã đang và sẽ hành động chống lại chính nguồn sự sống của gia đình là tình yêu, thể hiện qua bạo lực, ly dị và hôn nhân đồng tính…

Trong hoàn cảnh đó, gia đình kitô hữu sống và loan báo Tin Mừng Tình yêu – sự sống cần phải làm gì?

3. Trở thành “Đền thánh của sự sống”, Gia đình phải làm gì?

Khi nói đến “Đền thánh của sự sống”, ấy là lúc nói đến tầm quan trọng, thiêng thánh của sự sống mà Thiên Chúa đã phú bẩm nơi người nam và người nữ khi họ kết hợp với nhau trong việc truyền sinh.

Đây là một hành vi nằm trong ý định của Thiên Chúa khi truyền lệnh cho con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1, 28). Vì thế, đây là lời chúc lành, là ân ban nhưng không của Thiên Chúa, con người chỉ có bổn phận là đón nhận trong tâm tình biết ơn và làm cho nó trở nên phong phú, ý nghĩa và giá trị mà thôi. Như vậy, con người không có quyền tuyệt đối nào trên sự sống của mình cũng như của người khác. Bởi lẽ, ngay từ giây phúc đầu tiên sự sống được triển nở, con người phải có trách nhiệm bảo vệ tuyệt đối để sự sống được lớn lên trong cung lòng của người mẹ.

Mọi biện pháp nhằm phá thai hay ngăn ngừa được sử dụng như một phương pháp nhân tạo nhờ sự can thiệp của khoa học đều bị loại bỏ để ưu tiên cho phương pháp tự nhiên đã được Hội Thánh công nhận.

Như đã nói, sự sống mới mà người mẹ đang cưu mang trong lòng do tình yêu của người nam và người nữ trao tặng cho nhau phải được bảo vệ tuyệt đối trong sự kính trọng, yêu thương và tri ân.

Muốn làm được điều trên để bảo vệ sự sống và trở thành “Đền thánh của sự sống”:

Trước hết, các gia đình kitô hữu phải hiểu biết về giá trị thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống. Siêng năng học hỏi các tài liệu của Huấn Quyền về việc bảo vệ sự sống, tránh đi cái gọi là:“Vô tri bất mộ”.

Đạt được điều thứ nhất, chúng ta tiến tới bước thứ hai là phải biết yêu thương và quí trọng sự sống như Chúa và Hội Thánh mong muốn. Tình yêu thương đó được biểu hiện bằng việc phải kính trọng, che trở và bảo vệ sự sống ngay từ khi sự sống mới còn trong cung lòng người phụ nữ. Đây là lập trường của Hội Thánh muôn đời. Không ai và không có gì dập tắt được lập trường này của Hội Thánh, vì đây là ý định và lệnh truyền của Thiên Chúa.

4. Bảo vệ “Đền thánh của sự sống” bằng hành động có trách nhiệm

Như những gì vừa trình bầy ở trên, các bậc cha mẹ còn phải ưu tiên, quan tâm đế việc lưu truyền lại cho con cháu những điều liên quan đến ý nghĩa và giá trị của sự sống. Làm được điều đó, hẳn chúng ta mới chu toàn trách vụ của mình trong vai trò cưu mang, lưu truyền và bảo vệ sự sống. Đây là việc làm khó khăn nhưng quan trọng.

Các bậc cha mẹ: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ khuyết được”(x. Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 3).

Ngoài ra, mỗi người còn phải chu toàn trách nhiệm trong bổn phận của mình nơi gia đình, để sự sống thể xác được đảm bảo hầu thăng tiến sự sống tâm linh.

Chúng ta vẫn thường nghe những câu: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá, giáo bất nghiêm, sư chi đọa, tử bất học, phi sở nghi, ấu bất học, lão hà vi, ngọc bất trác, bất thành khí, nhân bất học, bất tri lý…”, được dịch ra với nghĩa là “Nuôi mà không dạy là lỗi của người cha, dạy mà không nghiêm là lỗi của người thầy, người mà không học thì không biết lễ nghi cư xử, nhỏ mà không học thì già không biết làm gì, ngọc mà không được mài dũa thì không thành đồ hữu dụng, người mà không học thì không biết nghĩa lý…”.

Tạm kết

Khi nói gia đình là: “Đền thánh của sự sống”, ấy là lúc chúng ta nhìn nhận sự thánh thiêng của sự sống được bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, “Đấng yêu sự sống” (Kn 11,26) đã trao phó sự sống của Người cho con người gìn giữ và phát triển, để làm sao sự sống ấy được triển nở và diễn ra trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu đã chết để đánh đổi thay cho nhân loại hầu mang lại cho con người được sống và sống dồi dào.

“Đền thánh của sự sống” này được Thiên Chúa thiết lập từ thủa ban đầu trong xã hội nơi đời sống hôn nhân gia đình. Người đã chúc phúc cho gia đình đầu tiên trong xã hội là Ađam và Eva. Người chúc lành và trao ban trách vụ cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo sinh qua việc sinh sản, bảo vệ và phát huy sự sống cho ông bà và con cháu qua muôn thế hệ.

Trải dài nơi dòng thời gian, sang thời Tân Ước, Đức Giêsu đã nâng đời sống hôn nhân gia đình lên hàng Bí tích, để qua đó, như một sự khẳng định sự sống của con người được phát sinh, tồn tại và phát triển hoàn toàn nằm trong thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Như vậy, chỉ khi nào chúng ta lãnh trách nhiệm ấy và trung thành cũng như thi hành đúng theo thánh ý của Thiên Chúa, gia đình mới trở thành: “Đền thánh của sự sống” và xứng đáng đón nhận sự chúc lành của Thiên Chúa.


Jos. Vinc. Ngọc Biển


Theo lamhong.org

Tác hại phá thai không phải ai cũng biết


Có rất nhiều biến chứng sau phá thai cần tới vài ngày, vài tháng hoặc thậm chí vài năm mới phát hiện ra.

Tình trạng nạo phá thai đang trở thành vấn nạn với nhiều quốc gia trên thế giới. Những hiểm họa khôn lường và việc làm tàn nhẫn ấy thực sự là một điều nhức nhối trong xã hội hiện đại.

Theo bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: hiện nay, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam là khoảng 300.000 ca mỗi năm. Trong đó có khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên.

Theo ước tính, chỉ có khoảng 10% các ca phá thai xảy ra biến chứng tức thì. Tuy nhiên, những biến chứng không rõ ràng, cần có thời gian để phát triển và phát hiện thì có rất nhiều. Có nhiều phụ nữ mất vài ngày, vài tháng hoặc thậm chí vài năm mới có thể nhận thấy tác hại của việc phá thai trên cơ thể mình.

Những rủi ro về phá thai cần được các cô gái nằm lòng trước khi quyết định thực hiện thủ thuật này.

Biến chứng NGAY LẬP TỨC sau phá thai

Khoảng 10% số phụ nữ phá thai sẽ gặp phải những biến chứng tức thì, trong đó khoảng 1/5 (2%) được coi là đe dọa tính mạng. 9 biến chứng nặng thường gặp nhất có thể xảy ra tại thời điểm phá thai là: nhiễm trùng, chảy máu quá nhiều, thuyên tắc, trích xuất hoặc thủng tử cung, biến chứng gây mê, co giật, xuất huyết, tổn thương cổ tử cung, và sốc nội độc tố.

Những biến chứng “ít nguy hiểm hơn” bao gồm: nhiễm trùng, chảy máu, sốt, bỏng độ hai, đau bụng mạn tính, nôn, rối loạn dạ dày-ruột.

Ung thư cổ tử cung, buồng trứng và ung thư gan

Phụ nữ có tiền sử phá thai phải đối mặt với nguy cơ ung thư cổ tử cung cao gấp 2,3 lần so với phụ nữ không có tiền sử phá thai. Phụ nữ từng phá thai 2 lần hoặc nhiều hơn 2 lần phải đối mặt nguy cơ gấp 4,92 lần bình thường. Tỷ lệ rủi ro mắc ung thư buồng trứng và ung thư gan sau này cũng tương tự đối với những phụ nữ này.

Lý giải cho nguyên nhân của tỷ lệ ung thư gia tăng ở những phụ nữ có tiền sử phá thai, các chuyên gia cho biết việc can thiệp không tự nhiên, làm gián đoạn việc biến đổi nội tiết tố thai kỳ cùng sự can thiệp thô bạo vào cổ tử cung, tâm lý căng thẳng, tác động tiêu cực của stress lên hệ miễn dịch là lý do chính.

Thủng tử cung

Khoảng 2 đến 3% phụ nữ phá thai có thể bị thủng tử cung. Tuy nhiên hầu hết các chấn thương sẽ không được phát hiện và điều trị trừ khi có yêu cầu nội soi tử cung. Việc kiểm tra này thường chỉ được sủ dụng khi xảy ra kiện cáo do sơ suất trong khi phá thai. Nguy cơ thủng tử cung ở những phụ nữ đã từng sinh con và gây mê toàn thân tại thời điểm phá thai thậm chí còn cao hơn nhiều lần. Tác hại của việc thủng tử cung. có thể dẫn đến biến chứng trong thai kỳ sau đó và cuối cùng có thể phát triển thành những rắc rối đòi hỏi phải cắt bỏ tử cung.

Vết rách cổ tử cung

Tỷ lệ xảy ra vết rách cổ tử cung đáng kể đòi hỏi phải khâu thường chỉ vào khoảng 1% ở những trường hợp phụ nữ phá thai 3 tháng đầu. Tuy nhiên nếu để đến 3 tháng giữa, nguy cơ tổn thương cổ tử cung sẽ càng dễ xảy ra. Thậm chí những vết rách nhỏ, hoặc gãy xương vi, mà thông thường không được điều trị cũng có thể dẫn đến nguy hiểm lâu dài cho khả năng sinh sản như sinh non hay biến chứng trong khi sinh.

Nhau tiền đạo

Phá thai làm tăng nguy cơ nhau thai tiền đạo trong thai kỳ sau đó lên từ 5-7 lâng. Mắc nhau tiền đạo là một tình trạng không tốt trong thai kỳ, có thể đe dọa tính mạng cho cả mẹ và thai nhi. Ngoài ra những phát triển bất thường của nhau thai do tổn thương tử cung cũng có thể làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi, tử vong chu sinh, và chảy máu quá nhiều trong quá trình chuyển dạ.

Tăng khả năng biến chứng trước và sau khi chuyển dạ

Phụ nữ có tiền sử phá thai có nhiều khả năng sinh non hoặc mắc các biến chứng trước và trong khi chuyển dạ cao gấp 2,03 lần so với những phụ nữ bình thường.

Khả năng trẻ sơ sinh trong thai kỳ tiếp sau bị mắc dị tật

Phá thai dẫn đến những biến chứng ở cổ tử cung và tử cung có thể làm tăng nguy cơ nhau thai

phát triển bất thường trong lần mang thai sau. Các biến chứng là những nguyên nhân hàng đầu của khuyết tật trong trẻ sơ sinh.

Thai ngoài tử cung

Phá thai có liên quan đáng kể đến tăng nguy cơ thai ngoài tử cung sau này. Mang thai ngoài tử cung sẽ đe dọa cuộc sống và khả năng sinh sản của phụ nữ của ở những lần sinh sau.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Viêm vùng chậy là bệnh có khả năng dẫn đến tăng nguy cơ thai ngoài tử cung và giảm khả năng sinh sản. Bệnh nhân bị nhiễm trùng chlamydia tại thời điểm phá thai, 23% sẽ phát triển viêm vùng chậu trong vòng 4 tuần sau đó. Nghiên cứu cho thấy 20-27% bệnh nhân phá thai bị nhiễm chlamydia. Do đó những chị em quyết định phá thai nên tầm soát và điều trị các bệnh nhiễm trùng như trước khi tiến hành thủ thuật.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một trong những nguy cơ sau phá thai dễ xảy ra ở phụ nữ thuộc tất cả các lứa tuổi, tuy nhiên đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Những người ở độ tuổi này có khẳng năng mắc lạc nội mạc tử cung cao gấp 2,5 lần so với phụ nữ ở độ tuổi 20-29

Rối loạn ăn uống

Một số phụ nữ bị căng thẳng sau phá thai có biểu hiện liên quan đến rối loạn ăn uống như ăn uống vô độ, mất kiểm soát vị giác hoặc chán ăn tâm lý.

Rối loạn sinh dục

30-50% phụ nữ từng phá thai cho biết họ khó khăn trong việc điều chỉnh chức năng tình dục, cả trong thời gian ngắn và dài. Rối loạn chức năng tình dục thường bắt đầu ngay lập tức sau khi phá thai. Những rắc rối liên quan đến tình dục sau phá thai bao gồm: mất niềm vui từ giao hợp, khi quan hệ, ác cảm với tình dục và / hoặc trở nên quan hệ tình dục bừa bãi, không có nhu cầu tiết chế.


Theo Khám phá

Bài trừ nạn tra tấn để bảo vệ sự tự do và phẩm giá của con người

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève



Trong hai ngày 5-6 tháng 5 năm 2014, khóa họp thứ 52 của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Hiệp ước chống tra tấn, gọi tắt là CAT, đã diễn ra tại Genève bên Thụy Sĩ. Tham dự khóa họp, có phái đoàn của Tòa Thánh do Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc, hướng dẫn. Thuộc thành phần phái đoàn, có Đức Ông Christophe El-Kassis, giáo sư Vincenzo Buonomo, và Đức Ông Richard Gyhra.

Trong hai ngày họp, phái đoàn Tòa Thánh đã điều trần theo lượt trước Ủy ban này, giống như trường hợp nhiều nước khác. Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi dã nhấn mạnh rằng Tòa Thánh dấn thân chống lại tra tấn với ý muốn đầu tiên là bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của bản vị con người. Tòa Thánh coi “Hiệp ước chống tra tấn” là một dụng cụ có giá trị để chống lại các hành động xúc phạm nặng nề tới phẩm giá con người, và đánh giá cao Hiệp ước mà quốc gia thành Vatican đã phê chuẩn năm 2002. Hiệp ước cũng được áp dụng cho quốc gia Thành Vatian, nhưng thật là sai lầm, khi nghĩ rằng Tòa Thánh có quyền tài phán trên mọi thành phần của Giáo Hội Công Giáo, sống rải rác trong nhiều nước trên thế giới.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi đã bác bỏ những phê bình của một số thành viên Ủy ban Liên Hiệp quốc chống nạn tra tấn. Các thành viên này cho rằng Tòa Thánh đã không có hành động xử lý những vụ tra tấn liên quan đến lạm dụng tính dục trẻ em tại một số nơi trong Giáo Hội công giáo; hoặc có thành viên cho rằng khi chủ trương cấm phá thai, là Giáo Hội Công Giáo góp phần tạo ra sự “tra tấn” đối với những người cảm thấy cần phải phá thai.

Đức Tổng Giám Mục cho biết cần phải phân biệt Tòa Thánh, Giáo Hội Công Giáo và Quốc gia Thành Vatican. Tòa Thánh ký và phê chuẩn Hiệp ước chống tra tấn nhân danh quốc gia Thành Vatican và muốn là một uy tín tinh thần để cổ võ việc chống tra tấn trên thế giới. Tuy nhiên, Tòa Thánh không có quyền tài phán trên các tín hữu công giáo là công dân của một quốc gia.



Nếu một tín hữu công giáo vi phạm luật cấm tra tấn, thì thẩm quyền xét xử và trừng phạt thuộc về quốc gia nơi đương sự là công dân. Chính quyền các nước có bổn phận phải bảo vệ, và khi cần, truy nã các người sống dưới quyền tài phán của mình. Chính quyền mỗi nước có thẩm quyền hợp pháp hành động như chủ thể có trách nhiệm công lý đối với các tội phạm và các lạm dụng do các người dưới quyền tài phán của mình vấp phạm. Mỗi cá nhân, bất kể tùy thuộc một cơ cấu công giáo nào, thuộc quyền đặc biệt của quốc gia nơi họ sinh sống.

Tòa Thánh cũng thực thi quyền bính đó trên những ai sống trong quốc gia thành Vatican theo các luật lệ riêng của mình. Tòa thánh tôn trọng các nguyên tắc về sự độc lập và chủ quyền của mỗi nước.

Tòa Thánh cầu mong rằng trong việc áp dụng Hiệp ước vào trong tất cả mọi hoàn cảnh mới, các hoàn cảnh đó ở trong lãnh vực chuyên biệt của Hiệp ước. Cần phải chú ý tới điều này vì đưa các đề tài khác mà Hiệp ước không đề cập tới, giảm thiểu mục đích ban đầu của Hiệp ước, và gây nguy hiểm cho các tình trạng của những người bị lạm dụng và tra tấn. Từ đó, có nguy cơ công việc của Ủy ban chẳng những vô hiệu, mà còn gây thiệt hại nữa. Đức Tổng Giám Mục Tomasi cũng nhắc tới nhiều lập trường của các giới chức cấp cao của Giáo Hội chống lại tra tấn, đặc biệt là giáo huấn của các Giáo Hoàng sau thời Đệ Nhị Thế Chiến. Tòa Thánh đã và sẽ tiếp tục là tiếng nói tinh thần mạnh mẽ nhất trên thế giới bênh vực các quyền con người.

Sau đây là một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, về vấn đề này.


+++

Hỏi: Thưa Đức Cha Tomasi, Tòa Thánh đã ký nhận Thỏa hiệp chống tra tấn này trong tư cách là quốc gia thành Vatican. Như vậy, Tòa Thánh có thái độ nào trước các phản bác hay các tố cáo không thể tránh được, tìm cách đưa vấn đề vào trong bình diện tổng quát hơn của Giáo Hội công giáo?

Đáp: 

Trách nhiệm của Tòa Thánh được thi hành theo hai thể thức khác nhau. Thứ nhất, là qua thẩm quyền triệt để tư pháp - hợp pháp mà Tòa Thánh có trên lãnh thổ của Quốc gia thành Vatican và nó được thực thi giống y như mọi chính quyền khác. Thứ hai, là việc thực thi thẩm quyền có tính cách tinh thần của mình với một hình thức quyền bính dựa trên sứ mệnh chuyên biệt của Giáo Hội và lôi cuốn sự gắn bó tự nguyện của tín hữu với các nguyên tắc đức tin công giáo. Các quốc gia duy trì quyền tài phán riêng và triệt để trên các công dân của mình theo công giáo, chẳng hạn trong trường hợp các người này phạm tội. Đối với nhiều người, thật là khó hiểu sự kiện việc thực thi quyền bính tinh thần có các phương thế và nguyên tắc khác với việc thi hành quyền bính chính trị và pháp luật. Vì Đức Thánh Cha có quyền trên toàn Giáo Hội, người ta nghĩ rằng ngài có thể quyết định trên các cung cách hành xử và các trừng phạt mà các thành phần của Giáo Hội đáng bị. Quyền chìa khóa của Phêrô không giống như quyền bính đời. Các thành phần của Giáo hội sống rải rác trên toàn thế giới gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ, nhưng họ không phải là công dân của quốc gia thành phố Vatican, mà là công dân của các quốc gia trong đó họ sinh sống, vì thế họ có các quyền lợi và các bổn phận công dân của các nước đó.

Hỏi: Ngày mùng 5 tháng hai năm nay, Tòa Thánh đã kinh ngạc khi nhận được bản tường trình của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền của các trẻ vị thành niên tại Genève liên quan tới Tòa Thánh: đây là một hành vi tố cáo gay gắt các vụ làm dụng tính dục trẻ vị thành niên từ phía một số nhân viên của Giáo Hội, mà theo Đức Cha, nó đã được viết ra trước khi Đức Cha phát biểu hồi tháng giêng năm 2014. Đức Cha có tin rằng kiểu đọc hiểu phiến diện này về Giáo Hội Công Giáo, có thể vẫn còn đè nặng trên việc tiếp nhận bản tường trình của Đức Cha hay không?

Đáp: 

Trong hai ngày mùng 5 và mùng 6 tháng 5, Tòa Thánh trình bầy bản báo cáo của mình trong phiên họp thứ 52 của Ủy ban Liên Hiệp Quốc, y như các nước khác. Đây là một tiến trình nhằm áp dụng Hiệp Ước một cách tôt đẹp hơn. Tuy nhiên, từ việc duyệt xét ngắn gọn “Các nhận xét kết luận” mà Ủy ban Liên Hiệp Quốc đưa ra đối với các bản tường trình của các nước trong hai năm qua, đã nảy sinh một loạt các đề tài chỉ liên quan một cách gián tiếp, qua một sinh hoạt giải thích rất là nới rộng, đối với văn bản và các chủ ý của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Hiệp ước chống tra tấn. Thí dụ đưa vào trong Ủy banCAT thảo luận về việc lạm dụng tính dục trẻ em thì thật là rườm rà, vì nó đã được Hiệp ước về các quyền của Trẻ em đề cập tới rồi. Điều này đặc biệt đúng vì bản văn chính và ý nghĩa của nó không bao gồm các từ liên quam tới tội phạm này. Các đọc hiểu khác về Hiệp ước rất có thể có.

Trong bối cảnh quốc tế của Liên Hiệp Quốc và của nền văn hóa công cộng quốc tế, chúng ta đang ở trên hai mặt khác nhau liên quan tới các giá trị nền tảng phải hướng dẫn cuộc sống chung xã hội, chẳng hạn việc bảo vệ quyền sống và sự chú ý tới các nhóm yếu đuối dễ bị thương tích hơn của xã hội. Đặc biệt trên điểm này, sự đối nghịch của hai nền văn hóa khác nhau thật là hiển nhiên. Chắc chắn là các trẻ em bị để cho chết chịu một hình thức tra tấn rõ ràng. Chẳng hạn, bên Canada giữa các năm 2000 và 2011, đã có 622 trẻ còn sống sau khi phá thai, nhưng bị để cho chết, cũng như 66 trẻ em bên Anh quốc năm 2005. Một vài phương pháp phá thai chậm trễ cũng là một tra tấn, đặc biệt trong trường hợp gọi là “giãn nở và rút ra”: bào thai bị cắt chặt thành từng mảnh, rồi bị kéo ra khỏi tử cung. Đương nhiên là Tòa Thánh sẽ ủng hộ quan niệm về bản vị con người phát xuất từ truyền thống kitô và từ khuynh hướng thực tế gắn liền với quyền tự nhiên.



Hỏi: Thưa Đức Cha Tomasi, Tòa Thánh đã phê chuẩn hiệp ước chống tra tấn ngày 22 tháng 6 năm 2002, nhưng bản tường trình đầu tiên đã chỉ được đưa ra vào năm nay 2014, tức hơn mười năm sau khi ký kết. Tại sao lại có sự chậm trễ như thế?

Đáp: Tòa Thánh tham dự vào cuộc sống của cộng đồng quốc tế một cách tích cực. Tòa Thánh góp phần mình như tiếng nói của lương tâm. Tòa Thánh không có các quyền lực to lớn và các lợi lộc kinh tế và quân sự, nhưng muốn bênh vực con người và các giá trị nền tảng nâng đỡ phẩm giá của nó như: quyền tự do tín ngưỡng, tự do phát biểu ý kiến, quyền liên đới, chống lại nghèo dói và các lạm dụng quyền bính. Tòa Thánh làm điều đó cho quốc gia thành Vatican như dấu chỉ, nhất là như dấu chỉ của việc khước từ mọi hình thái bạo lực hạ nhục bản vị con người. Việc chậm trễ soạn thảo bản tường trình cho Ủy ban của Hiệp ước cũng một phần dễ hiểu, bởi vì không phải là một bí mật gì sự kiện Tòa Thánh tiếp tục bênh vực các nguyên tắc và kiểu hành xử mà Hiệp Ước thừa nhận. Dầu sao đi nữa, giờ đây Tòa Thánh chu toàn bổn phận này và không phải chỉ một cách hình thức, nhưng như là một gặp gỡ xây dựng với các chuyên viên của Ủy ban để thăng tiến sứ điệp của Hiệp ước, mà một cách lịch sử, nó đã được thương lượng trong kỷ niệm các kinh hoàng của Đệ Nhị Thế Chiến và trong ước mong che chở các tù nhân khỏi bị tra khảo và các đối xử tàn tệ vi phạm mọi hình thái phẩm giá và quyền tự do của con người.

(RG 3-5-2014; KNA 5-5-2014)

Linh Tiến Khải
(Vatican 2014-07-01)


Nguồn: tonggiaophanhue.net

Thụ Tinh Nhân Tạo - Mang Thai Hộ và Luân lý Kitô Giáo

Một trong những trở ngại cho hạnh phúc gia đình, đó là không thể sinh con.

Khoa học ngày nay thành công trong một số trường hợp bằng việc thực hiện tạo sinh nhân tạo (x.Nguyễn Công Vinh, Giải đáp thắc mắc tình yêu và gia đình, Hà Nội 2006, NXB Tôn Giáo, tr 107). Việc tạo sinh nhân tạo mà y học đang thực hiện gồm có: Thụ tinh nhân tạo, Thụ tinh trong ống nghiệm, Tạo sinh vô tính. Trong phần nầy, chúng ta chỉ đề cập đến thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ.



I. Thụ tinh nhân tạo

1/ Thụ tinh nhân tạo do tinh trùng của người chồng: Lấy tinh trùng của người chồng và gieo cấy vào tử cung người vợ mà không giao hợp.

2/ Thụ tinh nhân tạo do tinh trùng của người khác: Khi tinh trùng của người chồng không có khả năng đậu thai hoặc người chồng không có tinh dịch, người ta lấy tinh trùng của một người khác không phải là chồng của người phụ nữ và đem gieo cấy vào tử cung của chị. Tinh trùng cũng có thể lấy ở Trung Tâm Bảo Quản Tinh Trùng. Trường hợp nầy có thể là vô danh, nghĩa là không biết ai là cha đứa bé sẽ chào đời.


II. Thụ tinh trong ống nghiệm

Trứng của người nữ được hút ra theo phẫu thuật. Trứng và tinh trùng được phối hợp trong ống nghiệm. Sau khi trứng được thụ tinh thành phôi, người ta cấy phôi nầy vào tử cung người nữ. Người nữ nầy có thể là vợ hoặc một người nữ khác không phải là vợ. Trường hợp cấy phôi vào một người nữ khác không phải là vợ, thì gọi là thụ thai và đẻ mướn.

Kỹ thuật y khoa thành công trong nhiều trường hợp thụ thai nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng những cách thụ tinh nầy để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là về mặt luân lý:

1/ Khi tinh trùng và trứng không phải là của hai vợ chồng, thì đứa bé sinh ra không thể coi là con của họ.

2/ Khi tinh trùng là của người khác được đưa vào tử cung người vợ để thụ thai, thì vi phạm đến luật hôn nhân do có sự can thiệp của người thứ ba, vì con cái là kết quả sự phối hợp tình yêu chỉ giữa hai vợ chồng mà thôi, đứa bé sinh ra coi như là con ngoại tình.

3/ Những đứa con sinh ra do việc lấy tinh trùng của cùng một người để cho nhiều người, sau nầy kết hôn với nhau mà không biết, đưa đến trường hợp loạn luân, vì cùng một cha khác mẹ.

4/ Trường hợp người phụ nữ độc thân thụ thai cách nầy, đứa con sinh ra coi như không có cha. Điều nầy gây nhiều bất lợi cho đứa con về mặt thể lý và tâm lý.

5/ Việc mang thai và đẻ mướn tạo nên nhiều phức tạp về mặt tình cảm, đạo đức và pháp lý, khi người mang thai đẻ mướn từ chối không giao lại đứa bé cho người thuê mình mang thai và sinh.

6/ Việc thụ tinh trong ống nghiệm rồi đem cấy vào tử cung gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người nữ như ung thư tử cung hoặc trụy tim

Giáo Hội Công giáo không chấp nhận những cách thức thụ thai nêu trên, vì nó đi ngược lại với giáo huấn của Chúa và giáo lý truyền thống của Giáo Hội:

a/ Kinh thánh dạy rằng Thiên Chúa là chủ sự sống con người. Thiên Chúa đã tạo thành sự sống của muôn loài muôn vật, trong đó, sự sống con người là cao quý nhất (x.St 1,26-27;2,7.5,12). Con người không có quyền tuyệt đối trên sự sống của mình. Họ được mời gọi tham dự vào công trình tạo thành sự sống mới và lãnh trách nhiệm làm phát triển sự sống ấy (x.St 1,28), như là những hồng ân quý giá.

b/ Nhiều lần Giáo Hội đã xác định rõ rệt lập trường của mình về vấn đề nầy:

- Năm 1949, Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố việc thụ thai nhân tạo với tinh trùng của một người khác là trái luân lý: “Việc thụ thai nhân tạo bằng tinh trùng của một người khác là nghịch với tính duy nhất của hôn nhân, với phẩm giá của vợ chồng, với ơn gọi riêng của cha mẹ và với quyền của đứa bé được thụ thai và sinh ra trong hôn nhân và do hôn nhân” (Pius XII Address to Catholic Doctors, September 29, 1949,ASS 41 (1949), tr. 560).

- Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và Kỷ Luật các Bí Tích, trong Huấn thị Donum Vitae (Hồng ân sự sống), đã khẳng định: “Việc nhờ đến tinh trùng hay trứng của người thứ ba để thụ thai, là vi phạm đến sự cam kết hỗ tương giữa vợ chồng và là một thiếu sót trầm trọng đối với tính duy nhất là đặc tính thiết yếu của hôn nhân […]. Ngoài ra, việc thụ thai nhân tạo nơi người nữ không kết hôn, độc thân hay góa bụa, cho dù tinh dịch là của ai, thì cũng không thể biện minh được về mặt đạo đức” (Sđd, II,2).

- Giáo Hội cũng lên án việc thụ thai nhân tạo với tinh trùng của người chồng, vì nó trái với luân lý:

+ Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Mục vụ Vui mừng và Hi Vọng, đã xác định:

“Chính những hành vi đặc thù của đời sống vợ chồng, được thực hiện đúng theo phẩm giá đích thực của con người, đều phải được tôn trọng[…], những tiêu chuẩn ấy sẽ tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của sự trao hiến và sinh sản con cái trong khung tình yêu đích thực”(CĐ Vaticanô II,GS số 51).

+ Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng đã bác bỏ hình thức thụ thai nầy:

“Kết hợp và tạo sinh, là mối dây không thể tháo gỡ và con người không thể tự ý phá bỏ[…]. Chính bằng cách bảo vệ hai khía cạnh chính yếu là kết hợp và tạo sinh, mà việc thân mật vợ chồng giữ trọn được ý nghĩa yêu thương lẫn nhau một cách đích thực và duy trì sự quy hướng về ơn gọi cao quý làm cha mẹ của con người” (TĐ. Humanae vitae, số 12; AAS 60 (1968), tr.488-489).

+ Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, trong diễn văn tại Hiệp Hội Các Thầy Thuốc Thế Giới Khóa 35, ngày 29/10/1983, đã nói:

“Con người bắt nguồn từ một sự tạo sinh nối liền với sự kết hợp không những sinh lý mà còn thiêng liêng của cha mẹ, là những người được kết hợp nhờ dây liên kết hôn nhân” (x. AAS76 [1984], tr. 392).

+ Giáo luật 1983, điều 1061,1 quy định:

[…]“ Hôn nhân thành sự và hoàn hợp, khi hai bên đã theo cách thức hợp với nhân tính thực hiện hành vi phu thê, tự nó có khả năng sinh sản con cái; hành vi nầy là mục tiêu tự nhiên của hôn nhân và làm cho vợ chồng trở thành một xương một thịt”.

c/ Việc thụ tinh trong ống nghiệm

- Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định: “Theo Giáo lý truyền thống về các điều tốt lành của hôn nhân và phẩm giá con người, Giáo Hội đứng ở quan điểm đạo đức vẫn chống đối việc thụ thai trong ống nghiệm; việc nầy tự nó trái với luật đạo đức và đi ngược lại phẩm giá của việc tạo sinh và của sự kết hợp vợ chồng, ngay cả khi người ta làm mọi cách để tránh việc sát hại phôi thai” (Donum Vitae, II,5).


III.Mang thai hộ (mang thai và đẻ mướn)

Trong việc thụ tinh nhân tạo dị hợp, phôi thai người là do sự gặp gỡ giữa những giao tử của hai người cho, ít nhất một trong hai người không thuộc cặp vợ chồng kết hợp trong hôn nhân. Việc thụ tinh nhân tạo dị hợp, như đã đề cập ở trên, nghịch với tính duy nhất của hôn nhân, với phẩm giá của vợ chồng, với ơn gọi riêng của cha mẹ và với quyền của đứa trẻ thụ thai và sinh ra, trong hôn nhân và do hôn nhân.

Việc làm mẹ thay thường bắt đầu bằng việc thụ tinh dị hợp nầy. Do đó, không được phép, vì những lý do giống như các lý do đưa đến việc không được phép thụ tinh nhân tạo dị hợp. Thật vậy, việc làm mẹ thay nghịch với tính duy nhất của hôn nhân và với phẩm giá của việc tạo sinh con người. Việc làm mẹ thay là một thiếu sót khách quan, đối với bổn phận của tình mẫu tử, của sự trung tín giữa vợ chồng và của trách nhiệm làm mẹ. Việc đó xúc phạm tới phẩm giá của đứa con và quyền của nó được thai nghén cưu mang, sinh ra và giáo dục bởi chính cha mẹ nó. Việc đó gây thiệt hại cho gia đình khi chia cắt các yếu tố thể xác, tâm linh và đạo đức, là những yếu tố cấu thành gia đình (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae, Roma 22.02.1987, số II, A, 2-3).

Ngoài ra còn có nhiều phúc tạp khác về mặt xã hội.

Vợ chồng cố gắng tìm một đứa con nuôi để bù đắp lại việc không thể sinh con. Có khi đứa con nuôi, nếu được nuôi dạy đàng hoàng, còn quý hơn con đẻ nữa[1].

Linh Mục Anphong Nguyễn Công Vinh
(WGP.Phan Thiết 26.06.2014)

[1] x.Nguyễn Công Vinh, Tìm hiểu Giáo Luật về Hôn Nhân và Gia đình, Q.2,NXB Tôn Giáo,2009.


Nguồn: giaophannhatrang.org

Ngôi mộ tập thể của 25 hài nhi vô tội

25.000 hài nhi là con số khổng lồ, là minh chứng cho sự vô cảm, thờ ơ và thiếu trách nhiệm của những bà mẹ vô tâm tước đoạt đi quyền sống, quyền làm người của những đứa trẻ vô tội…


7 năm và hành trình đẫm nước mắt

Giữa chốn phồn hoa đô thị, giữa mảnh đất Thủ đô ồn ào náo nhiệt nhưng lại có một nơi khiến bất cứ ai khi nghe tên cũng không khỏi nghẹn ngào, bùi ngùi và xót thương. Đó là nơi yên nghỉ của 25.000 hài nhi vô tội, các em đã nằm xuống bởi sự vô cảm của người lớn, đó chính là những bậc làm cha mẹ đã vô tâm tước đoạt đi quyền làm người của các hình hài bé nhỏ…

Những ngày cuối tháng 6 nắng chói chang, chúng tôi theo chân những người làm công tác thiện nguyện trong nhóm “Bảo vệ sự sống” (thuộc thôn Từ Châu – Liên Châu – Thanh Oai – Hà Nội) mới cảm nhận hết những yêu thương mà hơn 40 thành viên dành cho các em.


Ngôi mộ có 25.000 hài nhi nằm gọn lỏn giữa đồng vắng.

Đó là những người chẳng phải là ruột thịt, máu mủ lại càng không phải xóm giềng nhưng tất cả 40 thành viên trong nhóm đều mang trong mình tình yêu thương bao la, vô bờ đối với những sinh linh bé bỏng.

Năm 2008, những người đầu tiên đặt nền móng dựng lên nhóm “Bảo vệ sự sống” còn nhớ như in hình ảnh chua xót, thảm thương vô bờ. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nho (trưởng nhóm) cho hay: “Bản thân tôi và một số thành viên trong nhóm thấy ở các bệnh viện, phòng khám có quá nhiều hài nhi bị tước bỏ sự sống bởi cha mẹ chúng lấy lý do này, lý do kia mà nhẫn tâm chối bỏ những sinh linh ấy. Chúng tôi nhìn cảnh hai vợ chồng trẻ dắt tay nhau đi phá thai không thể cứ mãi đứng nhìn được”.



Ông Nguyễn Văn Nho - trưởng nhóm thiện nguyện "Bảo vệ sự sống".

Cũng từ dạo đó, bác Nho cùng nhiều thành viên khác thuộc thôn Từ Châu đã họp lại và bàn bạc với nhau để đi đến một quyết định là thành lập nhóm để bảo vệ, che chở và hơn hết là chia sẻ tình thương yêu đối với những hài nhi xấu số.

Bác Nho cùng 40 thành viên đi khắp nơi ở nội thành và xung quanh để “xin” hài nhi về chôn cất, hương khói, mong các em đỡ lạnh lẽo, cô quạnh. Nhớ lại những ngày đầu, cụ Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi đi xin các em về, nhiều người thấy ngạc nhiên lắm thậm chí còn bị người ta xua đuổi. Nhưng chúng tôi cố gắng thuyết phục thì cuối cùng một số nơi cũng đồng ý cho chúng tôi mang các em về chôn cất thay vì vứt vào sọt rác, vào cống rãnh…”.


Các thành viên trong nhóm thiện nguyện đang tiến hành cầu nguyện cho các em.

7 năm qua là một hành trình không phải quá dài nhưng cũng đủ để 40 thành viên cảm nhận được tình người, tình yêu thương bao la đối với những sinh linh bé bỏng. 40 thành viên, mỗi người một công việc khác nhau nhưng hàng tuần đều dành quãng thời gian nhất định để gom các em về ngôi nhà chung…



Mỗi lần đưa các em xuống ruột gan như thắt lại

Hàng tuần, 40 thành viên đều dành trọn vẹn ngày thứ 7 để thực hiện công việc chôn cất các em, đưa các em về nơi yên nghỉ. Ở đó, các em có bầu bạn và sống trong tình thương yêu bao la của tất cả mọi người.

Ngày chúng tôi đến thăm các em – 25.000 sinh linh bé bỏng cũng là lúc 40 thành viên trong nhóm đưa hơn 40 sinh linh mới (gom trong 1 tuần) về ngôi nhà thân yêu.


Mỗi lần đưa các em xuống nơi an nghỉ, ruột gan của các thành viên trong nhóm thiện nguyện như thắt lại.


Hàng tuần, 40 thành viên đều dành trọn vẹn ngày thứ 7 để thực hiện công việc chôn cất các em, đưa các em về nơi yên nghỉ.

Nhìn những nét mặt, những hành động, những cử chỉ của 40 thành viên khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Ai cũng buồn, một nỗi buồn chơi vơi, chẳng ai nói với ai điều gì nhưng cũng đủ để cảm nhận sự chua xót vô bờ. Nhẹ nhàng đặt các em xuống ngôi nhà ấy, rồi các mẹ lại nhẹ nhàng phủ đất lên khiến chúng tôi như đứt rời ruột gan. Chua và xót thay những số phận bị tước bỏ quyền làm người ngay khi từ còn trong bụng mẹ…





Quá trình chôn cất các em nhỏ.

Giữa không gian tĩnh mịch, u buồn ấy, ai đó trong nhóm khẽ bật khóc khi đang cầu nguyện. Tiếng khóc dù bé nhưng cũng khiến không ít người phải đưa vội tay lau những giọt nước mắt lăn dài. Chúng tôi cảm nhận rằng, trong giây phút cầu nguyện ấy chỉ một lời nói thôi, một tiếng nấc thôi cũng đủ để cả 40 thành viên bật khóc thành lời.

Nhớ lại những kỷ niệm đi mang các em về, cụ Hạnh, cô Phúc, bác Nho đều không thể quên, với họ mỗi một lần đi mang các em về đều là một kỷ niệm chua xót đáng nhớ.


Cô Phúc - 1 trong 40 thành viên kể lại chuyện những lần đi gom các em về.

Cô Phúc đã phải quỳ xuống xin một bà mẹ trẻ để giữ lại đứa con, cụ Hạnh đã phải đạp xe 30km để mang một sinh linh bị vứt trong thùng rác, bác Nho đã phải lặn lội lên chính quyền xin đất để xây dựng ngôi nhà cho các em chung sống… Và hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện đẫm nước mắt vẫn còn nối dài nữa.

Chia tay chúng tôi, bác Nho có nhắn nhủ: “Chúng tôi làm việc này chỉ mong thức tỉnh những bà mẹ trẻ nếu có trót dại hoặc đôi vợ chồng nào đó nếu có lỡ kế hoạch thì cầu xin hãy nghĩ đến những đứa trẻ. Và hãy trả lời rằng: Tại sao làm cha, làm mẹ mà lại tước đoạt sự sống của các cháu một cách nhẫn tâm như thế. Tội lắm…”


Theo Kênh 14

Đau lòng chuyện xác thai nhi ở Đồi Cốc

Nằm trơ trọi giữa cánh đồng là nghĩa trang thai nhi Đồi Cốc thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Chỉ với một mảnh đất khoảng 3 sào, tuy nhiên nằm trên đó là các ngôi mộ thai nhi không có bia khắc ghi tên tuổi. Hàng ngày, ông Nguyễn Văn Thạo người trông coi nghĩa trang lại xuống bệnh viện thành phố xin thai nhi mang về cho vào tủ lạnh, khi nào tủ chật cứng mới đem đi chôn cất.

Xác thai nhi "ướp lạnh" ở Đồi Cốc

Ít ai ngờ rằng những chiếc tủ lạnh ở nghĩa trang Đồi Cốc lại chứa đựng chật cứng bao thai bị nạo phá mang từ bệnh viện về. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai này là do một số người còn thiếu hiểu biết, hoặc có người vì "khôn ba năm dại một giờ" cũng đi phá bỏ. Một số gia đình không muốn con gái nên các thai phụ, cùng các đức ông chồng đã quyết bỏ con mình từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Thực tế này khiến cho những người trông coi nghĩa trang nơi đây lại phải va chạm với một công việc đau buồn là gói những hình hài thai nhi đã chết cho vào túi nilon ướp lạnh.

Với những người làm công việc này tưởng chừng như đơn giản, tuy nhiên không hề dễ dàng một chút nào, vì họ sẽ phải đối mặt với những bọc thai nhi chưa rõ hình hài. Thậm chí có những bọc thai nhi vừa mới nạo phá hôm trước, hôm sau ông Thạo đã xin về. "Tự nguyện đi xin thai nhi ở khắp các bệnh viện, tôi nghĩ mình đang làm một công việc phải đạo lại có ích cho xã hội. Tuy nhiên ngẫm lại mà đau lòng chú à, vì càng ngày người dân phá thai càng nhiều. Sao bây giờ nhiều người sống buông thả và nhẫn tâm thế không biết, thích phá là phá, để là để". Ông Thạo tâm sự.


Bà Thêu xếp từng bọc thai nhi cho vào túi chữ thập đỏ.

Để chứng minh cho điều mình nói, ông Thạo còn đưa chúng tôi xuống thăm khu vực cất giữ những bọc thai nhi mới được mang từ bệnh viện về. Bước vào căn phòng ẩm thấp, tuy rằng nhiệt độ ngoài trời khá nóng nhưng với trực giác khiến chúng tôi chững lại. Vì chúng tôi cảm nhận rõ cái lạnh ẩn chứa bên trong những túi nilon kia là xác đứa trẻ chưa được hình thành đầy đủ chứ không phải là đồ vật. Thỉnh thoảng lại có một vài cơn gió thổi ngang qua khiến cho mùi hôi tanh rò rỉ thoát ra từ những bọc nilon xông vào mũi làm cho người đứng xem càng ớn lạnh.

Ông Thạo nói: "Sáng nay tôi vừa lấy ở bệnh viện về khoảng 40 bọc thai nhi, hầu như toàn là bào thai chừng một đến ba tháng tuổi. Các chú thấy đó, làm cái công việc này nếu không bạo gan thì ít ai dám cầm những bọc thai nhi cho vào tủ lạnh, thậm chí có bọc nó còn tuột cả chân tay ra, nhiều lần tôi vẫn phải bỏ vào túi buộc lại". Theo như chúng tôi quan sát, trên tất cả những bọc thai nhi đều có in rõ chữ thập màu đỏ. Bên dưới chữ thập lại in một dòng chữ khác là: "Lạy chúa xin thương xót chúng con".

Có lẽ những người in dòng chữ này họ đã mượn lời chúa, vì mọi điều xét đoán của Chúa đều là công minh. Những dòng đó, Chúa còn nhắc khéo những kẻ đã đem tội lỗi để rồi vô tình giết chết đứa con của mình khi chúng chưa kịp chào đời. Và những cô thiếu nữ, các bậc làm cha, làm mẹ sẽ phải nhận lấy những lỗi lầm in hằn trong trí não, bởi không một linh hồn nào khi rời xa "cõi trần" xuống "cõi âm" có thể chấp nhận, tha thứ được. Vì lý do đó cho nên những ngôi mộ không tên tuổi ở Đồi Cốc đều được gắn chữ thập của đức Chúa.


Ông Nguyễn Văn Thạo Trưởng ban quản lý nghĩa trang.

Theo như ông Thạo, tất cả các bọc thai này hầu như vừa mới nạo phá, vì vậy những người làm công việc tình nguyện ở đây sẽ phải phân loại rồi bỏ vào nilon. Những túi nilon này tiếp tục được đưa vào tủ lạnh. Thường thì mỗi tủ sẽ chứa được từ 50 đến 60 bọc thai nhi. Bà Vũ Thị Thêu đang xếp thi hài thai nhi vào tủ tâm sự: "Chúng tôi phải xếp đầy tủ lạnh, vì thai nhi mới nên cũng cần thời gian để cho linh hồn các cháu siêu thoát. Do đất ở nghĩa trang chật, vì vậy bắt buộc chúng tôi phải làm công việc này, đợi khi nào đủ số lượng mới tiến hành chôn cất".

Vì đất hẹp, số lượng thai nhi quá tải cho nên tất cả các ngôi mộ ở đây đều phải chôn chung từ 3 đến 5 bao thai trên một mộ. Việc chôn cất ở nghĩa trang là do ban quản lý chỉ đạo, họ luôn phải kết hợp cùng với ban ngành địa phương, chủ yếu là thanh niên tình nguyện. Bạn Trần Duy Anh (sinh viên tình nguyện trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn) chia sẻ: "Mọi người lo tới đây vì sợ hãi, nhưng với tôi chỉ thương thay cho những thai nhi bị phá bỏ bị vứt đi. Hầu như những hôm chôn cất bao thai với số lượng lớn, chúng tôi lại tình nguyện làm công việc này".

Những dòng nhật ký chua xót

Đang ngồi trò chuyện cùng ông Thạo thì bà Nhiệm người cai quản nghĩa trang cũng bước tới: "Hôm nay là cuối tuần khách đến viếng thăm và thắp nhang đông lắm ông à. Từ sáng đến giờ cuốn nhật ký mà tôi cầm đây đã hết cả chỗ viết rồi". Bà vừa nói vừa giơ cuốn nhật ký lên cho chúng tôi xem.

Trên cuốn nhật ký đó chủ yếu là những dòng chữ viết vội, có cả nước mắt, đau khổ và ân hận. "Hôm nay mẹ lại mang hoa cúc đến thăm con. Qua những dòng tâm sự này, mong con hãy hiểu và tha lỗi cho mẹ. Mẹ lúc nào cũng luôn bên cạnh và che chở cho con". Dòng tâm sự được ghi ngày 19/4/2014.


Thanh niên tình nguyện giúp nghĩa trang chôn cất thai nhi.

Lật sang một trang giấy khác, tuy rằng nó đã nhòe mực những vẫn nhận ra một nét chữ tinh khôi của một cô sinh viên năm cuối: "Năm nay mẹ đã học hết năm cuối đại học và sắp ra trường. Mẹ đau khổ lắm khi phải mất con, như vì lầm lỗi mẹ không còn sự lựa chọn nào khác. Mẹ biết làm thế này là tội lỗi nhưng mẹ còn phải học. Mẹ mong con sẽ được đầu thai ở một nơi khác được vẹn toàn, con nhé".

Tiếp tục lật sang bên lại là một nét chữ khác nhằm ca ngợi những người trông coi nơi đây: "Trong nhịp sống của xã hội ngoài kia vẫn có những mảnh đời bị vấp ngã để rồi họ phải chuốc lấy những sai lầm. Thế nhưng, nơi đây tôi lại thấy có những con người khiến người khác phải ngưỡng mộ. Họ là người rất đỗi bình thường vì hàng ngày luôn phải chăm lo cho những nấm mộ vô danh. Thế nhưng suy nghĩ và hành động của họ đã để lại một giá trị nhân văn cao thượng về tình thương…".

Cuốn sổ nhật ký không chỉ ghi lại những ân hận của các bậc làm cha, làm mẹ vì nông nổi trong thời trẻ mà còn có cả những bài học đắt giá cho các bạn trẻ đến đây. Một nữ sinh viên Học viện báo chí và tuyên truyền viết: "Lên thắp hương cho các em chị mới thấy được nhiều bài học trong cuộc sống. Chị cũng đang yêu và rất yêu người đó. Nhưng nhìn các em nằm trong những nấm mồ trắng, chị dặn mình không được mắc sai lầm. Vì đó là nỗi đau của con người, không bao giờ sửa sai được".

Gập cuốn nhật ký lại, bà Nhiệm kể thêm: "Cách đây ít tháng, một cô gái sau khi bỏ thai còn quay lại phòng khám để hỏi xem xác con được chuyển đi đâu. Sau khi biết được chúng tôi đưa về nghĩa trang này, cô gái lên ngồi khóc nức nở cả buổi chiều. Từ đó, suốt một tháng, gần như cuối tuần nào cô gái đó cũng lên, vừa thắp hương vừa khóc. Cô gái bảo, giá như chưa phá bỏ thì cô sẽ sinh ra để nuôi, nhưng giờ thì đã quá muộn".


Những dòng chữ nguệch ngoạc của người qua đường trong cuốn nhật ký.

Số lượng bào thai ở các bệnh viện đang tăng với tốc độ chóng mặt, ông Thạo (Trưởng ban quản lý nghĩa trang) lo rằng, chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, có thể sẽ phải bật nắp các ngôi mộ cũ lên để đào sâu xuống lòng đất mới xếp thêm được thai nhi vì đất quá chật.

Chia tay Đồi Cốc, chúng tôi luôn mang theo mình những trăn trở và bài học đắt giá về tình trạng nạo phá thai nhất là trong giới trẻ. Đồng thời hiểu rõ nỗi đau ai oán của những bà mẹ thường xuyên lui tới thắp nhang cho những sinh linh mà mình đã nhẫn tâm vứt bỏ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản, BV Phụ sản Trung ương khẳng định: "Số phụ nữ đến bệnh viện này đề nghị phá thai gái đang ở mức "đáng báo động". Theo quy định của Bộ y tế, các cơ sở tư nhân chỉ được phép phá thai đến hết 7 tuần tuổi. Như vậy, rất nhiều trường hợp muốn phá thai giới tính, không được phá ở bệnh viện lại được phá ở các cơ sở tư nhân. Chính vì vậy số lượng thai nhi bị phá bỏ trong một năm sẽ tăng lên nhanh chóng.

Minh Phượng


Nguồn: CAND