Gia đình và nền văn hóa sự chết

Dẫn Nhập

Thuật ngữ “văn hóa sự chết” trước tiên được thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề cập đến trong thông điệp Tin Mừng Sự Sống. Ngài viết:

“Thực ra, nếu nhiều khía cạnh quan trọng của vấn đề xã hội hiện nay có thể giải thích bằng một cách nào đó bầu khí luân lý bất ổn mù mờ và đôi khi giảm nhẹ trách nhiệm cá nhân nơi một số người, thì cũng không kém phần chân thực rằng chúng ta đang đối đầu với một thực tại rộng lớn hơn mà nagười ta có thể coi như là một cơ cấu thực thụ của tội lỗi, đặc trưng bởi ưu thế của một nền văn hoá trái nghịch với tình liên đới, nền văn hoá nầy tự biểu lộ trong nhiều trường hợp như một “nền văn hoá thực thụ của sự chết”. Nền văn hoá sự chết này được tích cực khích lệ bởi những trào lưu văn hoá, kinh tế và chính trị mang phần nào quan niệm thực dụng của xã hội.” (Số 12)

Đối lại với “nền văn hóa sự chết” là “Tin Mừng Sự Sống”. Tin Mừng ấy là trọng tâm của sứ điệp của Chúa Giêsu, mà Giáo Hội vẫn đón nhận mỗi ngày cách âu yếm, rao giảng với lòng trung thành và kiên cường như là “Tin Mừng” cho con người của mọi nền văn hóa (x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống, số 1), để soi sáng cho toàn thế giới và đưa thế giới về với sự sống. Thực thế, “Ngày nay việc loan báo Tin Mừng lại đặc biệt trở nên cấp bách, vì số lượng gia tăng và mức độ nghiêm trọng rõ rệt của các mối đe doạ sự sống đối với nhiều người và nhiều dân tộc, nhất là khi sự sống này còn non nớt và không có gì bảo vệ. Thêm vào những tai ương đau đớn xưa kia, như cảnh cùng khổ, đói kém, bệnh dịch ở từng miền, bạo lực và chiến tranh, ngày nay lại nảy sinh nhiều tai ương khác, mang hình thái mới lạ và chiều kích đáng sợ hãi”. (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống, số 3)

Vậy, để có thể sống và loan báo Tin Mừng Sự Sống cho con người hôm nay, là những người con Chúa, các gia đình Công Giáo cần phải học cho biết “nền văn hóa sự chết là gì?



Văn Hóa Sự Chết

Ngày nay, có thể nói sự dữ đang hoành hành khắp nơi hơn bao giờ hết, và nó được ngụy trang rất tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì sự lan rộng của sự dữ rất mạnh, nên nhiều vấn đề về sự sống con người đã và đang phát sinh. Ngừa thai, phá thai, thụ tinh nhân tạo, triệt sản, hôn nhân đồng tính, chết êm dịu, … đang diễn ra cách rất phổ biến. Những sự dữ này xuất hiện là vì một số đông người đang tiếp nhận một nền giáo dục sai lệch và đang bị ảnh hưởng bởi một “nền văn hóa sư chết”.

Giáo Hội, tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu, luôn nỗ lực để bảo vệ con cái mình khỏi những đe dọa của nền văn hóa sự chết. Thế nhưng dường như luôn có một sự xung đột giữa Giáo Hội và thế gian. Trong khi Giáo Hội nỗ lực sống và loan báo Tin Mừng Sự Sống cho con người, thì thế gian lại khuyến khích họ sống nền văn hóa sự chết. Như những thành phần của của xã hội hôm nay, chúng ta, những người Công Giáo, cũng đang bị ảnh hưởng bởi môi trường, nền giáo dục và nền văn hóa của xã hội. Là những người Công Giáo, nhưng chúng ta cũng là những con người, nên chúng ta thường có khuynh hướng chọn theo chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa khoái lạc, mặc dù, với khả năng nhận thức của mình, chúng ta cũng thấy được những điều xấu đó. Thế gian nhìn Giáo Hội như là người luôn làm phiền và ngăn cản cuộc sống khoái lạc của họ. Tuy nhiên, khi đề cập đến những vấn đề luân lý và nền văn minh sự sống, họ không thể đối diện với sự thật của những vấn đề đó. Nghĩa là họ không chấp nhận và sống nền văn minh sự sống cùng với những vấn đề luân lý liên quan đến nền văn minh đó, và tìm cách lảng tránh.

Chọn sự sống nghĩa là chọn Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.” (Ga 14, 6) Bất hạnh thay, “với những viễn ảnh do tiến bộ khoa học kỹ thuật mở rộng, người ta thấy phát sinh nhiều hình thức mới xâm phạm phẩm giá con người đồng thời người ta hình thành và sắp xếp một mẫu văn hoá mới, làm cho những tội phạm chống sự sống có thêm một bộ mặt chưa từng có và – nếu có thể – nó còn bất chính hơn nữa; nó gây nên nhiều chuyện nghiêm trọng; nhiều tầng lớp rộng lớn trong dư luận quần chúng biện minh cho một số tội ác chống lại sự sống, nhân danh những quyền tự do cá nhân, và, khởi đi từ giả định trước, họ cho rằng không những họ được miễn tố, mà còn được nhà nước cho phép, để thực hiện những việc ấy, trong sự tự do tuyệt đối và, hơn thế, còn được các dịch vụ y tế can thiệp miễn phí nữa.” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống, số 4)

Cách này hay cách khác, chúng ta có khuynh hướng không muốn chọn điều tốt mà muốn chọn điều xấu được ngụy trang dưới sự ngọt ngào của sự khoái lạc. Khi chọn điều xấu, chúng ta đã đánh mất sự soi sáng cảu lý trí. Là con người có lý trí, đáng lẽ chúng ta không nên khước từ Thiên Chúa, mà là khước từ ma quỷ. Nghĩa là chúng ta phải chọn Thiên Chúa và không cho phép ma quỷ hoạt động trong chúng ta. Chúng ta cần phải “mời” Thiên Chúa đến ngự trong tâm hồn mình, để nhờ có Chúa, ma quỷ sẽ không thể làm lung lay ý chí của chúng ta. Ma quỷ sẽ không thể làm được bất cứ điều gì nếu nó không được phép. Nó chỉ có thể đưa ra những cám dỗ để kéo chúng ta về phía nó và để chúng ta là những điều xấu. Chúng ta cần phải tỉnh táo và phải yêu mến Thiên Chúa của sự sống cách liên lỉ, bởi vì chúng ta càng yêu Thiên Chúa nhiều bao nhiêu thì chúng ta càng nhận được tình yêu và ân sủng từ Ngài nhiều bấy nhiêu. Đây là mối liên hệ mầu nhiệm của tình yêu mà Tin Mừng Sự Sống đem lại cho chúng ta. Tình yêu không phải là cái gì đó thuộc vật chất mà khi chúng ta càng cho nhiều thì càng mất nhiều. Nhưng tình yêu là thứ mà chúng ta càng cho nhiều bao nhiêu thì chúng ta càng nhận được nhiều bấy nhiêu.

Thực vậy, không có tình yêu của Thiên Chúa, thế giới sẽ trở nên rời rạc và tạp nham, và người ta không thể phân biệt được cái gì là thật, cái gì là giả; cái gì tốt, cái gì xấu. Có rất nhiều những mâu thuẫn xảy ra mỗi ngày trong thế giới này, và chúng ta có thể nhận ra những mâu thuẫn đó cách dễ dàng trong đời sống. Chính vì thế, thế giới cần có được sự hướng dẫn đúng đắn, và cần phải có được sự hướng dẫn hoàn hảo từ Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài. Đó là sự thật, nhưng tiếc thay, thế giới lại khước từ sự thật đó.

Bởi vì khước từ sự thật và sự hướng dẫn từ Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài, con người thường chọn để thỏa mãn khoái lạc của mình. Thật là nguy hiểm khi con người suy nghĩ rằng họ chỉ muốn có tự do để làm bất cứ điều gì họ muốn. Họ chỉ muốn tìm kiếm những điều mới lạ để thỏa mãn sự khoái lạc và sự tò mò của họ. Ý niệm về sự tự do lựa chọn của họ, không gì khác, là sự khước từ sự sống. Vì thế, các vấn đề như triệt sản, ngừa thai nhân tạo, phá thai, chọn chết êm dịu, thụ tinh nhân tạo, nhân bản vô tính, hôn nhân đồng tính, được họ chấp nhận và trở thành những chọn lựa hợp pháp. Họ chọn lựa theo cảm giác và theo cảm tính, chứ không phải theo lý trí. Sự chọn lựa đó là con đường dẫn đến sự chết.

Một ví dụ rất điển hình cho chúng ta về việc chọn lựa theo cảm tính mà không theo lý trí, đó là câu chuyện của Ađam. Thiên Chúa đã ban cho Ađam sự sống và sự hiểu biết để duy trì tình trạng ân sủng của ông, nhưng Ađam đã thất bại trong việc sử dụng những năng lực của mình. Bằng ý chí tự do và sự hiểu biết của mình, Ađam đã chọn sự dữ được ẩn chứa trong sự ngọt ngào của trái táo (trái cấm). Theo bản tính, là con cháu của Ađam, chúng ta luôn khao khát để nghĩ và biết như Ađam đã làm. Tuy nhiên, là con người có lý trí, chúng ta được biết những sự thật phổ quát mà Thiên Chúa khắc ghi trong lương tâm của chúng ta. Một số người vẫn từ chối những sự thật này bởi vì họ không tin vào Thiên Chúa. Họ thiếu đức tin. Lương tâm của họ bị lu mờ. Ví dụ, ngày nay có nhiều nhóm, nhiều tổ chức xác định rằng: hòa bình, tự do, nhân phẩm, tình bằng hữu phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng họ lại đang từ chối Thiên Chúa. Những nhóm, những tổ chức đó như là những tôn giáo sai lạc, bởi vì họ xác nhận sự đóng góp của Thiên Chúa nhưng lại từ chối chính Ngài. Họ dường như yêu thích ánh sáng nhưng lại chán ghét cái đèn. Họ nỗ lực để chống chiến tranh, nhưng dường như lại cổ võ cho một cuộc chiến khác chống lại các thai nhi, nghĩa là cổ võ cho việc phá thai. Rốt cuộc họ đã không tôn trọng quyền hay nhân phẩm của con người, ít ra là trong chín tháng đầu hiện hữu. Sống theo những tôn giáo sai lạc như vậy, con người ngày nay nhìn Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài như những kẻ gây phiền toái cho họ. Họ cho rằng họ không tin vào bất cứ điều gì hay bất cứ ai, thế nhưng họ lại tin vào ma quỷ và những việc làm của nó. Họ đang sống trong một nền văn hóa sự chết. Đó là tác phẩm của ma quỷ.

Ngoài ra, thế gian thường có khuynh hướng đi theo những trào lưu của văn hóa. Thế nhưng, họ chỉ đi theo những trào lưu đó theo bản năng của mình mà không phán đoán đúng hay sai. Họ thường theo những gì là phổ biến, và cho đó là điều được chấp nhận. Hôn nhân đồng tính đã trở nên hợp pháp tại một số tiểu nag ở Hoa Kỳ vì người ta nghĩ rằng nó đang phổ biến. Đó là một quyết định sai. Hôn nhân đồng tính không thể được chấp nhận. Làm sao họ có thể tạo dựng hạnh phúc? Đâu là vai trò của người nam và người nữ mà Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng cách đặc thù nơi mỗi người theo giới tính riêng? Ai là vợ và ai là chồng? Đó là mối liên hệ chỉ để tìm kiếm sự khoái lạc. Khoái lạc chỉ là tạm thời chóng qua, bởi vì sự ham muốn có thể đến và đi cách dễ dàng. Cảm giác đến và cảm giác đi, nhưng những gì thuộc về chân lý và tình yêu sẽ tồn tại. Sigmud Freud, một trong những người đi tìm khoái lạc, nhấn mạnh đến vai trò của đam mê và phủ nhận vai trò quan trọng của lý trí. Không có lý trí, con người chẳng khác con vật, vì không có lý trí, con người cũng chỉ hành động theo bản năng thú tính của mình. Khi đó, con người làm bất cứ điều gì mình muốn để thỏa mãn sự khoái lạc của mình mà không phải lo lắng về những hậu quả. Freud chỉ quan tâm đến chính mình, nghĩa là ông chỉ quan tâm đến cái tôi của mình. Cách sống này là sự tự hủy diệt. Nó là một trong những cội nguồn của nền văn hóa sự chết.

Một điều phổ biến khác nữa đối với con người ngày nay là vấn đề phá thai. Hai vợ chồng muốn có con nhưng một trong hai người lại là người phá thai. Những người cổ võ cho vấn đề phá thai biện minh cho sự chọn lựa của họ bằng cách cướp đi sự chọn lựa sự sống của những thai nhi. Thực vậy, “theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, mỗi năm trên thế giới này có khoảng chừng 40 – 50 triệu ca phá thai. Điều này tương xứng với khoảng 125000 ca phá thai mỗi ngày.” (http://www.worldometers.info/abortions/). Cách riêng “tại Hoa Kỳ, gần một nửa trong số những người mang thai là ngoài ý muốn, và bốn trong mười những người mang thai ngoài ý muốn đó giải quyết hậu quả bằng việc phá thai, nghĩa là có trên 3000 ca phá thai mỗi ngày, tương đương 22% trong tổng số những người mang thai tại Hoa Kỳ (ngoại trừ những ca sẩy thai) phá thai. (http://www.worldometers.info/abortions/)

Quả vậy, sự dữ phát xuất từ nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa được tạo ra bởi con người. Vì vậy, tội lỗi đã ăn rễ sâu nơi con người khi họ sử dụng ý chí tự do của mình để chọn sự chết. Ma quỷ sẽ không thể xâm nhập nếu chúng ta không cho phép nó. Tội lỗi sẽ không thể xảy ra giữa chúng ta nếu chúng ta chọn lựa sống theo nền văn hóa sự sống. Chúng ta biết rằng văn hóa ảnh hưởng rất lớn đến con người. Văn hóa như là người hướng dẫn con người đến con đường của sự sống hay sự chết, tùy theo văn hóa đó là tốt hay xấu, nghĩa là tùy theo nó là văn hóa của sự sống hay là văn hóa của sự chết. Tuy nhiên, ân sủng thì mạnh hơn văn hóa. Vì lý do này, trên thế giới này vẫn còn có những con người tốt, cho dù chúng ta đang sống và bị ảnh hưởng bởi một nền văn hóa sự chết. Ân sủng có thể thay đổi mọi sự. Sức mạnh của ân sủng có thể giúp chúng ta từ bỏ tội lỗi để trở về với Thiên Chúa, Đấng Tốt Lành. Liên quan đến vấn đề này, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống của ngài:

“Mặc dầu nhiều khó khăn và bấp bênh, người nào chân thành mở rộng lòng đón nhận chân lý và điều thiện đều có thể nhờ ánh sáng của lý trí, nếu không kể tới việc nhận biết – theo luật tự nhiên được ghi trong tâm hồn (x. Rm 2,14-15) – giá trị thánh thiêng của sự sống con ngườl, từ khởi điểm tới tận cùng của nó; người chân thành có thể khẳng định quyền của mọi người được thấy người ta tôn trọng toàn vẹn báu vật đầu tiên này của mình. Cuộc chung sống giữa con người và cộng đồng chính trị cũng đặt cơ sở trên sự nhìn nhận quyền sống này.” (Số 2)

Như đã nói ở trên, văn hóa được tạo ra bởi con người. Chúng ta có thể tạo ra một nền văn hóa sự sống nếu chúng ta chọn theo Chúa và tuân giữ những giới răn của Ngài; hoặc chúng ta có thể tạo ra một nền văn hóa sự chết nếu chúng ta khước từ Thiên Chúa cùng những giới răn của Ngài để chọn sự dữ. Mọi thứ đều tùy thuộc vào chúng ta. Có bốn loại người mà “theo truyền thuyết văn chương, được biết đến như ‘bốn kỵ sĩ’: nạn đói, bệnh dịch, sự hủy diệt, và sự chết. Trong chế phục cùng thời của họ, họ là nhà truyền thông gian xảo, những nhà chính trị bị mua chuộc, những người làm nghề quảng cáo đàng điếm, và là những nhà giáo dục nhút nhát.” (Dr. Donald DeMarco, Life and Death on the Gridiron, Challenge Magazine February 2009, p. 26) Những loại người này là những công cụ của nền văn hóa sự chết. Họ có sự ảnh hưởng mạnh nhất trên nền văn hóa của xã hội mà chúng ta đang sống. Phá thai sẽ không xảy ra trong xã hội nếu truyền thông không ủng hộ nó; nếu những nhà lập pháp không hợp pháp hóa nó; nếu con người không chấp nhận nó; và nếu những nhà giáo dục không đưa ra những bài học sai lạc về nó. Khốn thay, tất cả họ là những nhà kiến trúc của nền văn hóa sự chết vì bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa duy vật chất và chủ nghĩa khoái lạc. Chúng ta đang rơi vào chủ nghĩa tự yêu mình, một nền văn hóa của chủ nghĩa cá nhân và nền văn hóa sự chết. Chúng ta cần dùng lý trí để soi sáng cho những chọn lựa tiềm tàng của chúng ta. Chúng ta cần lý trí để có một sự chọn lựa tự do, nhờ vậy chúng ta sẽ có thể chọn điều tốt và tránh điều xấu. Sự tự do phải theo lý trí để chọn lựa điều tốt.

Chúng ta cần tỉnh táo để không bị rơi vào cạm bẫy của nền văn hóa điên dại, nền văn hóa sự chết. Cạm bẫy này giống như một kiểu mốt nhất thời. Nếu chúng ta không theo kiểu mốt này, thế gian sẽ nhìn chúng ta như những người quê mùa và lạc hậu. Một người 25 tuổi, chưa lập gia đình sẽ bị chê cười nếu người đó vẫn còn “dzin”, chưa có quan hệ tình dục với người khác phái. Từ suy nghĩ như vậy, người ta coi việc quan hệ tình dục trước hôn nhân như là “mốt thời trang”. Kiểu mốt nhất thời đó rất đang thịnh hành trong xã hội ngày nay, nhất là trong với giới trẻ. Nhiều người theo kiểu mốt nhất thời này bởi vì họ muốn chứng minh họ là một phần của xã hội này. Và thế là họ trở thành những con rối, bởi vì, kiểu mốt thì thay đổi theo thời gian, và khi kiểu mốt này lỗi thời thì sẽ được thay thế bởi những kiểu mốt khác.

Vì sống theo trào lưu, nhiều người đưa ra những ý tưởng điên cuồng, và họ nhìn Giáo Hội và những giáo huấn của Giáo Hội như là chủ nghĩa bảo thủ thái quá. Họ không tin vào Thiên Chúa và nghĩ rằng, Giáo Hội của Ngài không những không tiến bộ mà còn tụt hậu. Họ sống theo trào lưu và tôn thờ những kiểu mốt như là “chúa” của họ và sống chết cho vị “chúa” đó. Cho nên, thay vì phục vụ Thiên Chúa, họ đã và đang phục vụ cho chủ nghĩa duy vật chất, ma quỷ và nền văn hóa sự chết. Họ đang tìm cách bóp méo sự thật về Thiên Chúa và về chính họ, vì họ không dám sống thật và đối diện với sự thật. Từ việc không dám sống thật và đối diện với sự thật, họ tự đánh lừa mình, và bị lẫn lộn giữa sự thật và sự dối trá, giữa điều tốt và điều xấu. Chính vì thế đối với họ, nhiều điều lố bịch, xấu xa, đáng ghê tởm, trái với đạo lý làm người lại trở thành những điều hợp lý và hợp pháp, chẳng hạn như việc ngừa thai, phá thai, hôn nhân đồng tính, quan hệ tình dục trước hôn nhân, … Vì lối sống theo trào lưu của một số người mà cuộc sống của con người nói chung, cách riêng của những người con Chúa và đời sống của các gia đình, luôn trong tình trạng bị đe dọa. Nếu không cảnh giác, chính chúng ta, những người con Chúa, cũng bị cuốn hút vào và sống theo lối sống trào lưu đó. Nếu như vậy, chúng ta đang hủy diệt chính cuộc sống, nhân phẩm của chúng ta, đánh mất các giá trị gia đình, và sẽ không còn tôn thờ Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống:

“Tất cả những gì chống lại sự sống, như mọi thứ giết người, diệt chủng, phá thai, làm chết êm dịu và ngay cả tự tử nữa; tất cả những gì xâm phạm đến sự toàn vẹn của con người, như cưa cắt huỷ hoại một phần cơ thể, tra tấn thể xác hay tinh thần, tìm cách cưỡng bức tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người như cảnh sống dưới mức con người (infra-humain), giam tù vô cớ, lưu đầy viễn xứ, bắt làm nô lệ, cảnh mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; hoặc những điều kiện làm việc hạ phẩm giá khiến công nhân trở thành ngang hàng với dụng cụ thuần tuý để thu lợi, không màng tới nhân cách tự do và có trách nhiệm của họ: tất cả những đối xử trên và những đối xử tương tự, quả thật là ô nhục. Chúng vừa làm suy đồi văn minh, vừa làm mất phẩm giá những ai thi hành các điều ấy, và hơn nữa phẩm giá những người phải gánh chịu những điều ấy, và chúng đã xúc phạm nặng nề đến vinh danh của Đấng Tạo Hoá.” (Số 3)



Kết Luận

Thế giới ngày nay đang cần được cứu ra khỏi bóng tối của nền văn hóa sự chết nhờ ánh sáng và ân sủng của Thiên Chúa. Để được như vậy, thế giới phải nhìn nhận Thiên Chúa chính là Sự Thật, là Đấng hướng dẫn đời sống con người. Thực vậy, là những người con Chúa, các gia đình Công Giáo được mời gọi sống vui tươi ngay cả khi chúng ta phải từ bỏ những khoái lạc. Khoái lạc phát xuất từ xác thịt, nhưng niềm vui xuất phát từ tâm hồn. Khoái lạc không cho ta hạnh phúc, mà chỉ có niềm vui mới cho ta hạnh phúc đích thực. Ta không thể nhìn thấy vẻ đẹp của mặt trăng nếu ta chỉ nhìn ngón tay của người đang chỉ mặt trăng.

Hơn nữa, là những người con Chúa, chúng ta – các gia đình Công Giáo, phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ nền văn minh sự sống bằng cách cảnh giác trước những việc làm của những nhà kiến trúc của nền văn hóa sự chết, để “nói không” với những gì là xấu xa tội tỗi, hầu “nói có” với nền văn minh sự sống, nghĩa là chấp nhận và sống những gì là tốt, để rồi xây dựng một nền văn minh sự sống. Chúng ta cần phải đóng miệng ma quỷ lại và mời Thiên Chúa nói với chúng ta và lắng nghe tiếng Ngài. Muốn vậy, chúng ta phải noi gương Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, để thưa vâng trước thánh ý của Thiên Chúa, hầu có thể sống Tin Mừng sự sống trong cuộc đời mình. Bởi vì như thánh Irênê nói: “Thưa vâng, Mẹ đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ cho chính Mẹ và cho toàn thể nhân loại.” Và vì lý do này, “như Giáo Hội, mà Mẹ là hình ảnh, Đức Maria là mẹ của tất cả mọi người tái sinh vào sự sống. Đức Mẹ thực là Mẹ của Sự Sống làm cho mọi người được sống, và khi sinh ra Sự Sống, Mẹ đã tái sinh cách nào đó tất cả mọi người sẽ sống bằng Sự Sống ấy.” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống, số 102)

Chúng ta cầu nguyện để con người ngày nay được ánh sáng của Chúa chiếu soi, hầu họ có thể nhìn thấy chân lý mà chính Ngài là căn nguyên của chân lý ấy. Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta hãy sống “tỉnh thức” và “đừng sợ” để bảo vệ chân lý, nhân phẩm con người và nền văn minh sự sống. Đây là một thách đố và cũng là trách nhiệm của các gia đình Công Giáo trong sứ mạng sống Phúc Âm hóa.


Hà Vi
Nguồn: gplongxuyen.org

Cứ bác sỹ Giêsu và y tá Maria là đủ rồi


Xin tóm tắt ngay câu chuyện còn nóng hổi của chính gia đình tôi…

Vợ tôi có thai cháu thứ ba giờ đã được 5 tháng. Hai cháu đầu chúng tôi đều được một chị bác sĩ Công Giáo tại Biên Hòa chăm sóc từ lúc cấn thai cho đến khi sanh. Cháu thứ ba này cũng khởi sự như thế, tuy nhiên, lần này bác sĩ yêu cầu xét nghiệm máu tại một phòng mạch tư ở Tân Mai. Vì đã đặt hết tin tưởng vào lời giới thiệu của người quen, tôi an tâm đưa vợ đi xét nghiệm tại địa chỉ trên, không hề biết rằng đây là phòng mạch của một bác sĩ Bệnh Viện TD. của thành phố Sàigòn, một bệnh viện phá thai hàng đầu trong cả nước, suy ra top ten trên toàn thế giới nữa !

Một tuần sau, vị bác sĩ xét nghiệm ấy gọi điện cho vợ tôi quát mắng um sùm rằng: vợ chồng đã lớn tuổi nên con có nguy cơ bị Down, phải lên Sàigòn, đến Bệnh Viện TD. để chọc dò ối ngay, cần thiết là phải loại bỏ thai nhi dị tật luôn. Lời nói gắt gỏng lắm, chỉ có la mắng mà không hề có một lời hỏi han cho đàng hoàng, thậm chí vợ tôi hỏi về kết quả xét nghiệm máu cũng không cho, cứ viện rằng vợ chồng chúng tôi đã lớn tuổi.

Lúc ấy, tôi phải trấn an vợ tôi ngay rằng: không nên lo lắng hốt hoảng thế, chả cần đi đâu làm gì, nếu muốn cho chắc ăn, tôi sẽ đưa đi khám với một bác sĩ BVSS, một địa chỉ đáng tin cậy của Dòng Chúa Cứu Thế hẳn hoi. Sau đó, để vợ an tâm hơn, tôi điện thoại ngay cho bác sĩ Nguyễn Lan Hải nhờ chị tư vấn, bật loa điện thoại thật to cho vợ nghe. Quả thực, với chất giọng của một bác sĩ đầy tình người, chị đã cho chúng tôi biết chọc dò ối nguy hiểm cho thai nhi thế nào, tỷ lệ Down ra sao, tỷ lệ sai sót trong kết quả xét nghiệm hiện nay, thậm chí nhẹ nhàng tế nhị lưu ý cho chúng tôi biết vì sao bệnh viện Phụ Sản lại yêu cầu chúng tôi chọc dò ối mà thực chất có thể chỉ là vì mối lợi… tiền bạc mà thôi. Cuối cùng chị còn sốt sắng giới thiệu thêm cho tôi địa chỉ các bác sĩ BVSS khác nữa. Thật mang ơn chị vô cùng, nhờ đó, nghe xong điện thoại là vợ tôi thấy bình an hẳn, không còn hốt hoảng lo lắng nữa.

Sau đó, cha Lê Quang Uy cũng gửi mail trấn an chúng tôi, lại còn viện dẫn chính kinh nghiệm bản thân mình đã từng là nạn nhân của máy siêu âm second hand tệ hại như thế nào khi cha phải nằm cấp cứu ở một bệnh viện cấp tỉnh cách đây mấy năm. Cha cũng bảo Hội Chứng Down thường chỉ xảy ra với đôi vợ chồng lớn tuổi có thai lần đầu thôi, chứ trường hợp chúng tôi đã có hai con rồi, đây là đứa thứ ba, làm gì mà còn nguy cơ Down ?!? Cha Uy bảo nếu cứ đúng là bị Down khi lớn tuổi mới mang thai thì bà cụ sinh ra cha Uy là người con thứ bảy lúc bà đã 44 tuổi, ắt cha phải bị Down 100% rồi chứ ! Cuối cùng để trấn an chúng tôi, cha viết ngắn gọn thế này: chả cần phải đi bác sĩ nào cả, cứ theo sát Bác Sĩ Giêsu và bám chắc Y Tá Maria là quá đủ rồi !

Chuyện thì nóng hổi thế nhưng nội dung lại cũ mèm, chắc chẳng có gì hấp dẫn độc giả. Nhưng có mấy điều cần nói ra thế này. Cũng cần lược lại diễn biến tâm lý của người trong cuộc, rất mong sau này chúng ta sẽ thông cảm hơn với những người mẹ đã phá thai hay đang có ý định phá thai.

Tôi đã có gần 8 năm viết nhiều bài về BVSS, thực tế cũng gặp rất nhiều các trường hợp bác sĩ phán thế này thế nọ nhưng kết quả hoàn toàn khác, chứng kiến nhiều cái chết rất oan uổng của thai nhi do phán xét ác ý của bác sĩ, đã từng gặp gỡ nhiều nhân chứng sống động về BVSS. Thế nên việc phá thai theo lời xúi giục của bác sĩ thì không bao giờ dám nghĩ đến rồi. Tôi đã viết rất mạnh và quyết tâm cũng rất mạnh, thế nhưng ấy là chuyện của người ta, còn lần này, bây giờ, mọi sự như thể đổ ụp xuống cả gia đình chúng tôi không khác gì một thách đố sinh tử !

Thấy cái cách hốt hoảng của chính bà xã mình sau khi nghe điện thoại của vị bác sĩ xét nghiệm, thấy cái cách lo âu rồi rấm rứt khóc cả mấy đêm liền của một người đàn bà ngay trong gia đình mình, mới biết rằng quyền lực từ lời tư vấn của một bác sĩ nó mạnh mẽ thế nào, nó tác động kinh khủng đến người mẹ ra sao, nó đem lại biết bao âu lo, sợ hãi cho cả gia đình nhà người ta như thế nào.

Ngay chính bản thân tôi, trấn an vợ là một lẽ, nhưng đêm đầu tiên thấy lòng cũng có chút hoang mang dao động, cũng lo lắng trăn trở, và cả sợ hãi nữa. Nguyện kinh mấy lần mới thấy lòng mình tạm lắng xuống. Tôi nói với bà xã rằng: “Thôi em ạ, cứ an tâm theo Thánh ý Chúa, dẫu thế nào đi nữa, đứa bé này sẽ là một nhân chứng sống động về BVSS cho Chúa thì tốt đẹp biết bao !” Sau đó được thêm lời tư vấn và phân giải của các sĩ Lan Hải và của cha Quang Uy, chúng tôi không còn lo lắng nữa.

Với thử thách lần này, tôi cảm thấy mình được Chúa thương nhiều hơn, trước đây, vợ tôi cũng rất bàng quan với chuyện làm BVSS của chồng, nay phải công nhận sự khác biệt giữa các “bác sĩ sự chết” khác xa với lương tâm trách nhiệm của các bác sĩ BVSS thế nào. Cảm nhận ra điều ấy, tôi lại thấy vui hơn, từ lâu rồi, tôi vẫn mong mỏi cả nhà nhà mình cùng hoạt động BVSS. Chắc chắn rằng, sau biến cố này, đều ấy sẽ trở thành sự thật, được vậy thì tốt đẹp biết bao !

Giờ bình tâm suy nghĩ lại, ngồi viết những dòng bộc bạch này, tôi mới thấy rất nhiều những bà mẹ khác cùng với chồng của mình, không có được cái may mắn như mình là từng biết đến BVSS, khi nghe lời tư vấn của các bác sĩ thiếu lương tâm và trình độ yếu kém thì còn hốt hoảng kinh hoàng ra sao. Nhớ lại cái cách bác sĩ xét nghiệm nói chuyện gây xốc và đầy những lời quát mắng hăm dọa như thế mới hiểu con người ta lắm kẻ thật là ác độc, làm cho thai phụ hoang mang lo sợ, và như thế ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi.




Trong thực tế, nhiều đôi vợ chồng nghe tư vấn như thế đã nhắm mắt đưa chân, liều mạng mang mạng sống con mình để thế chấp cho tội ác của các bác sĩ vô lương này. Chắn chắn rằng họ sẽ đau khổ lắm, dằn vặt lắm, và sẽ hối hận dằn vặt vô cùng nếu như họ biết được sự thật mình đã bị lừa phải phá thai. Họ thật đáng thương hơn đáng trách.

Trời ơi, lương tâm các bác sĩ bây giờ ở đâu hết rồi trước mãnh lực của đồng tiền, của danh vọng, họ có thể lạnh lùng phán hết điều nọ đến điều kia chỉ với một mục đích là sát hại các thai nhi, đạt chỉ tiêu của chính sách, lại thu được lợi nhuận rất cao và nhanh chóng, đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng đã hơi lớn tuổi hoặc các cặp vợ chồng sinh con thứ ba trở lên. Họ lợi dụng sự độc tôn độc quyền trong chuyên môn để làm điều ấy mà không cần biết đến tính mạng người khác ra sao. Ôi, con người sao ngày càng lắm tội ác thế này !

Để đối phó với các “bác sĩ sự chết” này, đúng như lời chúng tôi đã được tư vấn, chỉ Bác Sĩ Giêsu và Y Tá Maria là quá đủ rồi, chẳng phải chạy đi đâu cả, cứ yên tâm nuôi dưỡng thai nhi trong tâm tình phó thác, cứ đón nhận và yêu thương con cái là quà tặng của Thiên Chúa, tất cả sẽ giúp cho lòng ta thanh thản nhẹ nhàng, chẳng còn có gì phải lăn tăn suy nghĩ !

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, Biên Hòa, ngày 14.3.2014

Nhà tạm lánh của những bà bầu lỡ bước tình duyên

Khuất sau nghĩa trang thai nhi tại P. Hố Nai, TP. Biên Hòa là “nhà tạm lánh” – Nơi lánh nạn của những phụ nữ trót lầm lỡ và từng có ý định phá thai.

Đó là những cô gái trót lầm lỡ phải vào nhà tạm lánh này để chờ "vượt cạn"

Bi kịch trước cửa nhà tạm lánh

Tại mái nhà đặc biệt gồm 7 phòng, mỗi phòng có 4 người rộng chừng 20m2, chúng tôi không khỏi xót xa trước những bi kịch cuộc đời của các cô gái đang tuổi xuân xanh trước khi họ bước vào đây.

Nh, 16 tuổi, có nước da trắng ngần, khuôn mặt còn vương nét trẻ thơ nhưng đã mang bầu ở tháng thứ 7. Nh nghẹn ngào kể lại, khi mới học lớp 9 vì nghe lời tán tỉnh đường mật của một gã sở khanh rồi trao đời con gái. Kết quả của sự nhẹ dạ cả tin đó là hình thành trong bụng một sinh linh bé bỏng. Sau khi biết chuyện, gã “quất ngựa truy phong” khiến Nh đau khổ tột cùng và có ý định tự tử.

“May mà mẹ phát hiện rồi giấu ba đưa em vào đây bảo là cho đi ôn thi để tạm lánh một thời gian. Ba mà biết ba đánh em chết. Em định sinh xong rồi thì cho đi vì em không muốn nhìn thấy nó, nhìn thấy dấu vết của khổ đau. Em sẽ làm lại cuộc đời. Nhưng cha xứ ở nhà thờ Tây Hải luôn động viên em đừng bỏ rơi con làm em phân vân quá…”, Nh thở dài.

Còn H lại ở độ tuổi dừ hơn nhiều khi đã 29 tuổi và mới sinh con được 5 ngày. Đó là kết quả của một mối tình vụng trộm với chàng trai nghèo. Và khi bố mẹ H biết chuyện, ông bà không chấp nhận một chuyện “tày đình” như thế. Bởi, H là đứa con cưng trong một gia đình khá giả, được bố mẹ kỳ vọng nhiều nhất. Hơn nữa, họ cũng sợ mất thể diện với hàng xóm nên nhất định không chấp nhận đứa cháu này.

Thế nhưng, với H: “Chị đã 29 tuổi rồi đủ chín chắn để có thể làm mẹ nên chị sẽ quyết tâm giữ và nuôi đứa bé này khôn lớn. Hy vọng thời gian sẽ làm ba mẹ nguôi ngoai dần đi”.

“Dở khóc dở cười” hơn là trường hợp của T. Vốn là sinh viên một trường đại học. Do xa nhà, thiếu vắng tình cảm nên T ngã vào một tay đàn ông đã có gia đình và để lại hậu quả. Ban đầu khi cái thai còn nhỏ, T vẫn đến lớp học. Đến khi cái thai đã thành hình hài, T đành bảo lưu kết quả, nói dối gia đình vẫn đang theo học rồi một thân một mình xin vào nhà tạm lánh để sinh con. Bao nhiêu tiền phụ huynh gửi cho ăn học, T dồn hết vào chuyện chăm con.

Điều đặc biệt là con của T đến nay đã được 3 tuổi nhưng gia đình và bạn bè không một ai biết T là một bà mẹ đơn thân. Bởi trong suốt những ngày nghỉ lễ hay tết nhất, T gửi lại con cho các sơ chăm sóc rồi một mình về nhà và tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Hè đến, T lại tiếp tục nói dối ba mẹ phải ở lại thành phố để làm thêm. “Chả biết chuyện này rồi sẽ đi đến đâu nhưng em sợ phải nói cho gia đình biết chuyện lắm!”, T lo lắng nói.

“Giữ lại cho cha”

Cô Nguyễn Thị Căn, người chăm lo cho các chị em ở đây cho biết, hiện có khoảng 30 phụ nữ đang ở, hầu hết họ ở độ tuổi còn rất trẻ từ 15 – 29 tuổi, đến từ khắp các tỉnh, thành. Trước khi đến đây, họ đều một lần trong đời lầm lỡ, bị bỏ rơi, mất việc, không nơi trú ngụ, không có thu nhập, sợ gia đình biết, ở đáy vực thẳm… nên muốn phá thai hoặc không muốn nuôi đứa bé.

Thế nhưng, khi đến “nhà tạm lánh” này, họ không chỉ có chỗ ăn, chỗ nghỉ để chờ giờ “vượt cạn”, họ còn được tiếp đón yêu thương. Để họ thấy được rằng, vẫn còn nhiều người yêu thương xung quanh và không bỏ rơi mình. Lúc ấy, tình cảm mẹ con sẽ trỗi dậy và họ sẽ đón nhận đứa trẻ bằng tất cả tình thương.

Chẳng thế mà có nhiều phụ nữ đã từng trốn đến Bệnh viện Từ Dũ để giải quyết cái thai nhưng khi được cha xứ Nguyễn Văn Tịch biết chuyện và gọi điện lên khuyên răn: "Con hãy giữ lại em bé đi, nếu sau này con không nuôi thì hãy giữ lại cho cha" đã quyết định quay lại căn nhà này. Có người khi cha mẹ biết chuyện đã khóc lóc xin được mang cháu về nuôi.

Song, cũng có cô bí bách quá đã âm thầm đi giải quyết rồi lòng lại day dứt khi đã bỏ con nên tìm lại nhà thờ Tây Hạ với hy vọng không nuôi được con thì tìm nơi an nghỉ cho nó tại nghĩa trang thai nhi. Còn người thì sinh con xong, xin gửi lại con ở một cô nhi viện và ra đi.

Đến nay, “nhà tạm lánh” đã trải qua 3 năm và cưu mang gần 100 bà mẹ mang thai có hoàn cảnh khó khăn không bỏ con mình từ trong trứng nước. Mỗi người đều được cha Tịch chăm sóc và lo hết chi phí ăn ở, sinh nở.

Căn nhà đặc biệt này do cha xứ Tịch xây dựng nên và ra đời sau nghĩa trang thai nhi. Ông cho rằng, chỉ cần bào vệ sự sống cho 1 – 2 sinh linh là một việc đáng để làm dù cho có vất vả đến mấy. Cha xứ cũng cho biết thêm, cha đang tiến hành xây dựng một nhà tạm lánh khác cho các bà mẹ vì hiện tại số người ngày càng tăng lên.

Thúy Ngà

Theo info.net

Người đàn bà đi ngang qua cửa


1.

Mưa to nặng hạt dần, Nâu ngồi bên cửa sổ học bài, cô thích nhất là cảm giác được trùm màn kín đầu trong cái tiếng bồm bộp trên nóc nhà. Ngoài trời rét mướt nhưng lòng cô ấm lại. Mỗi khi trời mưa, người đàn bà điên đó sẽ không tru tréo nữa. Những tiếng gào khóc đến nát ruột như bổ vào lòng người, những âm thanh nức nở tím tái chỉ được phát ra khi người ta rơi vào tận cùng của khổ đau. Có thể cái lạnh làm bà ta thiếp đi hay tiếng mưa át tiếng khóc.

Có những buổi tối, Nâu quên đóng cửa sổ, người đàn bà điên này lại nhìn qua cửa sổ chỗ Nâu ngồi, đôi mắt hoang dại vô hồn, nhe hàm răng đóng đầy bựa cười nhăn nhở. Không ít lần Nâu thét lên thất thần sợ hãi khi phát hiện bà ta đứng rất gần, gần lắm, chỉ độ vài bước chân. Sau những lần như thế bà ta lại lững thững bỏ đi, cái bóng ngửa nghiêng méo mó, chập chờn mất hút, chỉ có tiếng cười, tiếng cười khanh khách rồi sằng sặc lúc xa lúc gần vang vọng trong đêm tối nghe lạnh cả xương sống.

Hình như bà Ngần chẳng có người thân thì phải, mà cũng không đúng. Bà ta có một người chị ở xã này, cách chưa đến cây số. Trước đây nghe kể, khi còn trẻ bà Ngần đẹp lắm, tới tuổi cặp kè yêu đương một anh con nhà khả giả ở xóm trên, ăn nằm với nhau có chửa rồi anh ta biến mất tăm. Mối tình sâu nặng nhưng không có hồi kết đó đã biến cô thôn nữ xinh đẹp thành một người điên. Cả nhà xúm vào bắt hủy cái thai nhưng bà nhất định giữ lại.

Một lần, mạ bà Ngần chế thuốc phá thai bằng quả đu đủ non được nướng khét rồi sắc cho bà uống. Cái thai không phá được mà bà Ngần trở nên điên dại từ đó. Sau khi sinh con, đứa bé được một người họ hàng nuôi hộ. Rồi mạ bà mất, chị em kiến giả nhất phận, mỗi người một cuộc sống riêng. Bà Ngần ở lại ngôi nhà đổ nát với hai sào ruộng cho người khác làm để lấy thóc ăn. Khi thì thấy bà hái rau muống, khi thì bắt ốc, vớ gì ăn nấy. Lâu lâu được mấy đồng bạc chẳng biết ai cho, bà mua cốm nổ hay đậu phộng rang, vừa ăn vừa cười nhăn nhở…

Những lúc tỉnh bà ngồi im lặng, vô hồn… Bà thường lên cơn điên vào lúc tối trời, như thể bóng tối đồng lõa với tội ác, làm người ta ngây dại, không còn lý trí.

Cả xóm đều là những người lao động nghèo, chủ yếu làm ruộng, một số người buôn bán lặt vặt những thứ nuôi trồng hay những đặc sản trời cho theo mùa: một rổ ốc bươu, một gánh lá chuối hay vài con cá tát ao…

Gia đình Nâu mới đến ở mấy tháng, cha mạ cô mua lại mảnh đất này để cô đi học cấp ba được gần trường hơn. Mà cũng chẳng gần, tới gần bốn cây số. Gia đình cô làm trang trại nhỏ, nuôi mấy con lợn, một dạo, do bệnh lở mồm long móng, toàn bộ tài sản vốn liếng đổ hết xuống sông xuống biển. Cha mạ cô đâm chán rồi bán lại ruộng vườn, mua lại chỗ này nghe bảo là rẻ lắm. Hôm nào trời nắng thì còn đỡ chứ trời mưa thì chộp ếch vài bận từ nhà đến trường là chuyện thường. Nhưng với cô, thế là đã sung sướng lắm rồi.

Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi. Con người ở đây ít quan tâm tới nhau, nhà nọ cách nhà kia một đám ruộng hay chí ít cũng là một cái ao to. Cha của Nâu đã chuyển sang nghề thợ xây kiêm luôn việc trông coi thợ cho một người họ hàng ở tận miền Tây, lâu lâu mới về nhà; còn mạ vẫn giữ cái nghề nông, tần tảo để nuôi hai chị em cô.

Chị gái đã học xong lớp chín rồi theo người trong xóm vào làm công nhân ở khu công nghiệp Diễn Châu. Bởi thế mà khi thấy cô sợ bà điên, mạ đã có ý cho Nâu vào trọ gần trường. Nhưng Nâu thương mạ, không muốn tốn kém. Mà nói vậy chứ bà điên đó đã bao giờ chạm vào người cô đâu, bà ta chỉ cười thôi. “Việc gì phải sợ, họ cũng là con người mà”. Suy cho cùng thì nỗi sợ vô cớ đó là do cô tưởng tượng ra. Cô lờ mờ đoán rằng có lẽ người ta sợ nghe phải tiếng cười của người đàn bà điên này nên đã bán nhà dọn đi. Rồi lại nghe đồn là chính ông chủ vườn đã ăn nằm với bà ấy nên vợ ông ta một mực đòi đi nơi khác.

Nâu nghe chuyện, cười thầm trong bụng. Người điên như bà ta thì ai thèm nổi, chỉ nghe cười đã sợ chết đi được huống chi là lại gần. Những hôm trời tối, bà ta đứng múa may trong vườn, tóc xõa dài rối bù, tay cầm miếng giẻ rách rũ lên rũ xuống, cất tiếng cười khanh khách, tiếng cười nghe buốt lòng…..Cảnh tượng đó dư sức làm ngất xỉu những ai yếu bóng vía. Rồi bà ta hát, những câu hát đến ngô nghê chẳng biết ở đâu ra:

Thân là một kiếp hồng nhan/ Lỡ chân vấp phải bùn than tình trường/ Thân là cái kẻ ẩm ương/ Tỉnh ra mới rõ một phường bất nhơn/ Đêm đêm bướm lượn rập rờn/ Vờn cho nhụy nát vẫn còn chưa tha…… Ha ha… ha..a.aa, haha…..a….a….a…

Bài thơ ngoằn ngoèo, cách gieo vần gượng ép, sau này Nâu mới biết đó là bài thơ do bà làm lúc tỉnh. Thơ của người đàn bà điên chỉ câu cuối có vần a, hợp với những tràng cười ha ha…a…a….a.. bất tận của bà…



2.

Có những hôm trời vừa sẩm tối, đang vò đám quần áo gần cầu ao, Nâu cảm giác có ai đó đang nhìn mình chằm chằm. Cô giật thót cả người khi quay lại, thấy bà ta đang đứng sau lưng rất gần với ánh mắt ngây thơ ngơ ngác. Rồi bà ta lại cất tiếng cười, yểu điệu hiền lành như một cô gái mới lớn làm duyên

- Về thôi, tối rồi đó

Nâu cười gượng lại, đó cũng là một cách trấn tỉnh khi bà ta đứng chặn ở cuối cầu ao. Cô nghĩ không khéo bà ấy nhào đến ôm chầm cô thì chết dở… Ừ, mà bà ta có làm gì đâu, nhìn vô hại và thật đáng thương. Tại sao mình lại cứ phải xa lánh bà ấy?

- Cô về đi, cháu sắp xong rồi

- Ừ… về không tối, ngã đó.

Nâu cười lại, rồi cắp thau quần áo ra về. “Cháu về đây, cô cũng về đi”. Bà ta vẫn đứng đấy nhìn theo bóng Nâu khuất hẳn sau mái hiên rồi lầm lũi quay về căn nhà nham nhở của mình. Đến tận bây giờ Nâu mới có dịp nhìn thẳng vào gương mặt của bà, nó khác hẳn với tiếng cười chua chát. Sau lần chạm mặt đó, Nâu như gỡ bỏ được nỗi ám ảnh về người đàn bà điên.

Bà ta không đáng sợ như Nâu nghĩ, gương mặt khá trẻ so với mạ cô, nếu được lau rửa sạch sẽ chắc hẳn phải là một gương mặt ưa nhìn. Một đôi mắt sâu với cái nhìn thăm thẳm, dù đã có nếp nhăn nhưng người khó tính đến đâu cũng phải thừa nhận đó là một đôi mắt đẹp hút hồn, hàng mi cong dài và đôi mày xanh mướt. Hình như đôi mắt đó ẩn chứa một tâm sự… “Người điên thì làm gì biết nghĩ mà có tâm sự”, cô lại cười thầm.

Nâu mới mười sáu tuổi, vẫn còn trẻ con lắm, vẫn mê truyện cổ tích, vẫn thích được đón mạ về chợ… Thế mà sao cô cứ thấy lòng nặng suy nghĩ về người đàn bà điên này. Có thể bà ấy cô đơn quá, không chồng không con… Mà không, nghe đâu bà ta có những bốn đứa con, đứa lớn nhất cũng trạc tuổi Nâu. Vậy có nghĩa là bà ta đẻ được Nâu tức là bà ta trạc tuổi mạ của Nâu? Cô cứ suy diễn rồi tự trả lời, thế mà ở cái làng này người ta cứ gọi bà ta là con, Con điên. Nếu cả xóm này kinh sợ rẻ rúng bà, thấy bà họ lo tránh xa như tránh người hủi thì tại sao bà có chửa? Chẳng lẽ lại có chuyện đi làm ruộng rồi uống nước đọng ở vết chân mà có thai? Hay bà có chửa với thú vật?

Nâu nhớ lại những câu truyện cổ tích như Người đẹp và quái vật, Lấy chồng dê, Sọ dừa, Người lấy cóc…

Quái vật là sinh vật lẫn lộn giữa người và thú, có thể hình thù có một phần hay toàn bộ cơ thể là của những loài vật xấu xí nhưng vẫn mang đặc điểm cơ bản của con người như nói được tiếng người, suy nghĩ như người hoặc có trái tim nhân hậu của con người, thậm chí tốt hơn cả những người tốt nhất. Nếu bà Ngần gặp những quái vật đó hẳn bà sẽ chẳng phải khóc rống lên, la hét trong những đêm tối trời… Vậy có thể bà gặp một loại thú vật khác, chúng có cái gì đó của con người như gương mặt và hình dáng, còn bộ não và quả tim thì của loài thú và chúng sẽ ác hơn cả những con thú độc ác nhất. Chúng phải ác lắm mới làm cho một người đàn bà điên, một con người không đủ trí khôn đau đớn đến thế. Nếu đã là thú vật thì chúng sẽ không chịu hình phạt của xã hội loài người, chúng không biết chúng đang phạm tội mà chỉ hành động theo bản năng và không hề có lương tâm.

Người ta có thể làm ngơ hay tránh xa thú vật, nhưng tại sao lại thờ ơ với con người đau khổ như bà Ngần? Những người xung quanh đó tỏ thái độ ra sao, nhất là chính quyền xã? Không rõ cái tên của bà có bao giờ được nêu lên trong những lần hội họp về trật tự trị an, văn hóa xã hội, trong những bài báo cáo tổng kết để xét cho một gia đình nghèo hoặc một xã có “đạt chuẩn văn hóa” hay không?

Một điều mà Nâu cũng không thể hiểu là bà chẳng hề đi bệnh viện mà tự đẻ tại nhà, tự cắt rốn và tắm táp lấy. Lạy trời, những đứa con trời sinh trời dưỡng của bà lại đẹp đẽ phổng phao, bởi thế nên chúng cứ lần lượt rời xa bà, làm con người khác, với một số tiền nhỏ người ta cho bà để trả công mang nặng đẻ đau. Người đời vẫn bảo con cái là khúc ruột của người mẹ, không có cái đau thể xác nào đau hơn là đau đẻ. Ngày trước, một số dân tộc miền núi tin là đàn bà đẻ trong nhà rất xúi quẩy, bởi vậy khi sắp tới ngày khai hoa nở nhụy, họ phải vào rừng sâu dựng lều và sinh con một mình. Và chẳng ai lạ gì câu “chửa cửa mả”. Còn bà Ngần, chẳng cần đi vào rừng, bà vẫn tự sinh con ở nhà ngay trong thế kỷ hai mươi mốt, thế kỷ mà khoa học, công nghệ thông tin đi với tốc độ của tên lửa.

Có thể người ta bận rộn, cũng có họ thể thờ ơ vì không hiểu và không gần gũi được với một người đàn bà điên. Nâu thấy thương bà Ngần lắm. Những đêm nghe bà la hét, tiếng hét như để xua đuổi một quái thú nào đó, cứ thất thanh rồi khản giọng, lịm dần, lịm dần, Nâu cứ nhấp nhổm muốn sang nhưng lại rất sợ. Mạ cô bảo, “Chắc không có chuyện chi đâu, nếu có chi thì mọi người ở đây đã giúp bà rồi. Nhà mình mới về đây, biết chi mà đòi giúp”.

Có lần sau khi tiếng la hét thảm thiết không còn, Nâu đánh bạo rón rén bước ra đường, nhìn về phía nhà bà. Dưới ánh sáng trăng thượng tuần chập chờn, một cái bóng vụt lao ra từ căn nhà đổ nát. Cái bóng chạy quá nhanh làm cô không hình dung ra được đó là dáng người hay thú. Cô khẽ rùng mình, hình ảnh những con quái vật trong truyện cổ tích hiện về. Thời này làm gì có quái vật. Hay là bọn trộm, Nâu thầm nghĩ. Phải xem có chuyện gì đã xảy ra.

Mạ Nâu vẫn đang ngủ say. Nâu cầm theo con dao bầu, nếu có gặp thú vật thì cũng yên tâm hơn, cô tự trấn an mình. Nâu rón rén lại gần ngôi nhà đổ. Tiếng gì đó giống như những nhát chém bầm bập lên thanh gỗ. Trong ánh sáng mờ mờ hắt vào từ bên ngoài, Nâu nhận ra bóng dáng một người đàn bà tóc xõa xượi rối bù, mắt ánh lên thứ ánh sáng hoang dại đang lồng lộn trút căm hờn lên một bộ quần áo.

Bà ta băm vằm nó với tất cả sức lực có thể, thở hồng hộc, gương mặt rúm ró biến dạng, tiếng nấc đứt quãng hòa cùng tiếng tức tưởi. “Còn ai khốn khổ hơn tao. Bọn mi là lũ khốn nạn. Tau phải băm mi thành trăm mảnh. Tao căm thù. Mi là con chó phải trần truồng chạy khỏi nhà tao…”.

Nâu định vùng chạy nhưng không nhấc nổi chân. Cô đứng như trời trồng, người lạnh ngắt, mặt tím tái đi vì sợ hãi…



3.

Thế mà đã hơn một năm Nâu về ở xóm này. Dạo này cô hay học bài khuya, sắp thi tốt nghiệp mười hai rồi. Ngày xưa, những người tốt nghiệp trung học như cô sẽ được gọi là cô tú, cậu tú.

Bà Ngần lại càng có dịp rủ rỉ cùng cô, và Nâu thấy mình thật buồn cười, người như bà ấy mà trước đây cô cứ sợ. Thế rồi bà Ngần lại có chửa, cả xóm đều biết mà chẳng ai quan tâm, vì chuyện ấy cũ rích. Rồi bà sẽ lại sinh con…

Thỉnh thoảng Nâu bắt gặp bà ngồi ở bậc cửa chải đầu. Nhìn bà thật hiền, bà lấy tay xoa xoa bụng rồi nói thầm thì gì đấy như nhắn nhủ với đứa con. Bà chẳng có gì ngoài cái tâm trí điên điên khùng khùng nhưng lại là người tốt giống, cứ chửa đẻ tại nhà mà chẳng bị sao, trong khi bao nhiêu người đàn bà ước ao có con mà đâu có dễ.

-Đi học thích nhỉ.

Nâu giật mình, thì ra bà Ngần đang đứng đó cười lỏn lẻn.

-Cô vào đây, cháu có cái ni cho cô.

Nâu chạy vào bếp, lấy củ khoai còn nóng hổi ra, để vào tay bà.

-Cho hả? Thôi, để ăn đi, cho mần chi…

-Không, … cháu cho cô đó, cháu vẫn còn mà…

-Ăn nhe?

-Sao cô lại có bầu nữa vậy? Sanh con chi, cực thấy mồ…

Bà Ngần chỉ cười, vừa ăn vừa cười. Chắc với bà sinh con cũng dễ như gà nhảy ổ. Cũng có thể bà chẳng hiểu được điều Nâu nói.

-Chừng mô cô sanh?

-Làm răng biết… Chừng mô muốn thì nó chui ra.

-Đau không hả cô?

-Đau chi… Có chi mô mà đau…

Nghe mà thương, chẳng có ai nói đẻ không đau cả. Có lẽ, chỉ vì người đàn bà điên này đã mất cảm giác. Cô nghe mạ kể, khi mạ sinh cô, đau quá ngất lịm trên đường tới trạm y tế. Sau đó bà bị băng huyết phải chuyển lên bệnh viện huyện. Mỗi lần thấy Nâu mải chơi, chểnh mảng việc học là mạ bảo “Sinh con đau đớn làm vậy mà bây không nghe lời, mạ buồn lắm”…

Hai ngày rồi, chẳng thấy người đàn bà điên đi ngang qua cửa nhà mình, Nâu chột dạ. Chắc bà ấy sinh rồi. Cô hồi hộp bước qua ngôi nhà đổ nát mà dù đã “thân thiện” với nhau nhưng chưa một lần cô đặt chân vào. Nâu ngó nghiêng qua cửa, nơi bà vẫn thường ngồi nhưng có vẻ đã khó khăn khi đi lại.

-Cô Ngần ơi, có nhà không?

Nâu bước vào, ngôi nhà bốc lên toàn mùi ẩm mốc. Mọi thứ bề bộn và bẩn thỉu như lâu lắm chẳng hề được dọn dẹp.

Bà ta từ trong góc, nhìn Nâu cười, nụ cười vô hại.

-Vô đây. Học bài chưa?

-Thi xong rồi, đậu rồi. Mần răng mà mấy bữa ni không thấy cô sang chơi?

Bà ta không trả lời, tay xoa xoa bụng, hai bàn chân to phồng lên, mũi thì sần sần ửng đỏ nhìn ngồ ngộ.

-Sắp sinh rồi. Mần răng mà đi được.

-Chừng mô cô sinh? Mà răng cô biết?

Bà ta lại im lặng rồi đưa tay nắn bóp hai bàn chân. Nâu tự trách mình vô duyên, sao bà ấy không biết. Bà ấy đã sinh những bốn lần rồi cơ mà.

-Thôi, con về đây. Có chi cô ới con một tiếng.

-Bây biết chi mà ới. Về đi, mạ kêu kìa

Nâu quay về nhà. Cô định kể cho mạ nghe nhưng lại thôi, vì lần nào cô kể về bà Ngần, mạ cũng chẳng nói gì.



4.

Trời tối. Mưa rả rích. Nâu ngồi đọc truyện mà đầu óc cứ đâu đâu. Nâu vừa mượn được của nhỏ bạn quyển truyện, đợi đến khi mạ ngủ say rồi cô mới dám đọc. Đang mơ mơ màng màng, những câu truyện đầy tình người như đưa cô vào giấc ngủ, chợt Nâu nghe tiếng trẻ con khóc. Hay mình nằm mơ? Trẻ con ở đâu mà khóc vào giờ này? Nhưng rõ ràng là có tiếng khóc trong khi tiếng mưa vẫn lộp bộp rơi trên mái nhà….

Có khi nào bà Ngần đang sinh?

Nâu đi sang nhà bà. Cô bước vào gần chiếc giường bà vẫn nằm.

Một đứa bé đỏ hỏn, người dính đầy những mảng bám bầy nhầy máu, rốn lòng thòng một sợi dây vẫn còn dính vào cửa mình bà Ngần. Hai mắt mở to sững sờ, thảng thốt, cô toan bỏ chạy…

Sinh con là thế này sao? Hẳn ai sinh con cũng thế, mà bà ấy chỉ có một mình. Sau này cô cũng sẽ có chồng rồi sinh con, cũng trần truồng, với một đứa bé người dính đầy máu chui ra từ chỗ đó…. Nâu cố thở thật sâu và lấy lại bình tĩnh lại. Cô hỏi giọng run run:

-Cô cần chi, con giúp

-Bây hơ cái kéo trên bếp lửa giùm…

Nâu thấy mọi thứ như đã được bà chuẩn bị. Một cái lò củi được đặt giữa nhà như để sưởi ấm, trên bếp đã có sẵn một ấm nước đang sôi. Có thể theo kinh nghiệm bản thân, bà đã tự làm mọi việc với ý thức không nhờ vả ai.

Bà gượng ngồi dậy, người lẩy bẩy, tay run run cắt một đoạn chỉ buộc rốn cho con. Sau đó bà cầm kéo cắt cái dây rốn của đứa bé. Bà với cái khăn mặt vắt ở đầu giường bỏ vào chậu nhựa đã có một ít nước rồi bảo Nâu rót nước sôi vào đấy. Sau đó bà lấy một chai thuốc tím nhỏ vào vài giọt rồi nhúng ướt khăn, vắt khô và lau người đứa bé. Một miếng gạc nhỏ được đặt vào rốn rồi bà choàng qua người nó, băng rốn bằng một cái nịt chun.

Từ bụng trở xuống, đứa bé được lót giấy và cột bằng một cái tã vải xéo nhỏ như một bàn tay. Sau tất cả các công đoạn “khử trùng”, đứa bé được đặt vào một cái khăn quấn lại và đặt nằm xuống cạnh bà. Rồi bà thiếp đi như vừa trải qua một cuốc kéo xe nặng vượt dốc, gương mặt nhợt nhạt vã đầy mồ hôi….

Sao những lúc thế này trông bà hoàn toàn không có vẻ gì điên, thậm chí còn sáng suốt rành mạch hơn rất nhiều người khác. Hay chính tình mẫu tử đã khiến cho đầu óc bà thăng bằng trở lại? Những cái thứ này bà lấy đâu ra, ai chỉ cho bà làm vậy?

Nâu lóng ngóng hồi lâu rồi ngồi xuống, chẳng biết làm gì. Cô ngắm nhìn hai mẹ con. Đứa bé thật xinh xắn, gương mặt thánh thiện như thiên thần đang giang tay chân nằm ngủ, vẻ mãn nguyện.

Một lúc sau bà Ngần thức giấc, bà lồm cồm bò dậy và cúi xuống tìm cái dây vẫn còn dính trong người mình. Rất nhẹ nhàng, bà đưa tay rút một cái. Một tiếng “ục” khá to rồi cả một khối thịt màu nâu đỏ, xoe tròn như cái nia nhỏ được rút ra. Bà bỏ nó vào cái chậu mẻ ở đuôi giường rồi lại nằm xuống một cách mệt nhọc, hai mắt nhắm nghiền.

Sau này Nâu mới biết đó là nhau rốn, vẫn được bà Ngần đem chôn cẩn thận ở gốc chuối đầu nhà sau mỗi lần sinh nở.

Nâu về nhà định tìm cái gì đó cho bà lót dạ. Mạ cô đã thức từ lúc nào. Cô nói rất khẽ: “Bà Ngần sinh rồi”. Mạ chẳng nói gì, vào bếp xách ra một cà-men nhôm hai lớp đầy cháo với một ít tép rong rang vàng óng để khay trên. Cô nói, “Mạ sang với bà ấy nhe”. Mạ lắc đầu, thở dài thườn thượt chẳng nói câu nào.

Nâu hiểu ý, xách cà mèn bước ra. Bà Ngần ăn thật ngon lành. Ăn xong bà nhìn Nâu, đôi mắt đầy vẻ mang ơn. Mà người điên như bà liệu có biết mang ơn không, cô tự hỏi.



5.

Bà Ngần sinh hơn tháng cũng là lúc Nâu phải lên thành phố vào học trường cao đẳng. Cô hăm hở vì được học đúng môn cô vẫn thích. Sau này, khi ra trường Nâu sẽ đi dạy, sẽ mặc áo dài đứng trên bục giảng nói nói viết viết với một lũ học trò ngồi bên dưới… Một giấc mơ tuyệt đẹp. “Ra trường mình mới có hai mươi tuổi, trẻ quá….”.

Mạ thì thâm trầm chẳng nói gì. Lúc đến cửa mạ mới bảo khẽ: “Ráng mà học sau này đỡ khổ thân nghe con”. “Con đi nghe mạ. Con sẽ viết thư thường xuyên để mạ đỡ trông”. “Ừ đi mạnh giỏi nhe con. Mà con nên ghé qua chào bà Ngần một tiếng”.

Suýt nữa Nâu đã quên mất.

Nâu bước vào khoảnh sân quen. Có hai chiếc xe máy dựng gần đấy. Tới thềm cửa Nâu chạm mặt ba người, một đàn ông , hai đàn bà. Họ đang đứng vây quanh giường. Bà Ngần đang cho con bú, bầu vú căng tròn đầy sữa khẽ rung rinh. Bà xoa đầu con với cử chỉ âu yếm, đôi mắt đong đầy nước. Những giọt nước long lanh rơi xuống cánh tay bé xíu. Thằng bé đã ngủ say và rời vú mẹ.

Tiếng người đàn bà vang lên:

-Nhanh lên, kẻo nó thức là hết bế.

Vừa nói, bà ta vừa đưa tay đỡ đứa bé. Người đàn bà còn lại dúi vào tay bà Ngần một nắm tiền vo tròn chưa vừa một cái nắm tay. Bà Ngần ngồi ngây như tượng. Những đồng tiền rơi lả tả. Bất thần bà chồm lên rồi ngã khụyu gối, hai tay chống xuống nền nhà, đầu gục xuống. Từng giọt sữa trắng ngần vẫn nhịp nhàng lạch bạch rơi xuống nền đất nâu…

Sữa của người đàn bà điên có mùi vị gì và liệu có nuôi sống được con người?

Có lẽ nhiều người cũng có suy nghĩ giống Nâu khi mới về khu xóm này. Cái gì của người điên hẳn đều không bình thường, thậm chí khác xa với người bình thường. Người ta đã trả công rấr rẻ cho lần vượt cạn này của bà, một cuộc vượt cạn cay cực và quá phi thường. Gương mặt bà trông vô hồn nhưng đôi mắt lại ầng ậc nước…

Lần đầu tiên Nâu thấy bà khóc. Nước mắt của người đàn bà điên sao mà trong trẻo. Chắc nó chẳng hề có vị mặn.

Ba người kia vội vã bước ra cửa. Tiếng xe máy nổ dòn, xa dần.

Bất chợt, bà Ngần bật cười sằng sặc rồi chuyển thành khanh khách. Tiếng cười không hề vô hồn như Nâu nghĩ…


Thân là một kiếp hồng nhan/ Lỡ chân vấp phải bùn than tình trường/ Thân là cái kẻ ẩm ương/ Tỉnh ra mới rõ một phường bất nhơn/ Đêm đêm bướm lượn rập rờn/ Vờn cho nhụy nát vẫn còn chưa tha… Ha ha… ha..a.aa, haha…..a….a….a…

Tokyo, 08/03/2012
Vũ Thị Thuận


Giới thiệu tác giả:

Vũ Thị Nhuận sinh năm 1975, quê gốc Thanh Miện, Hải Dương, là Tiến sĩ Sinh Hóa. Chị tự nhận “Tôi không phải nhà văn, viết truyện hoàn toàn theo cảm xúc, từ những câu chuyện thật, nội dung thật từ cuộc sống và quan sát cá nhân… Mong trang Văn Việt sẽ là một sân chơi ở đó những cái nhìn khác về cuộc sống sẽ không bị giới hạn…”.

Theo Văn Việt

'Ngôi nhà chung' 20m2 của 25.000 hài nhi ở Hà Nội

Họ đã khuyên nhủ, thuyết phục những bà mẹ trẻ nên giữ lại thai nhi nhưng kết quả mà họ nhận lại là lặng lẽ đưa những hài nhi chưa hoàn thiện về khu nghĩa trang thuộc thôn Từ Châu.


Tất bật từ phòng khám sản đến "Ngôi nhà chung"

Nhóm thiện nguyện chuyên thu gom và chôn cất xác hài nhi gồm 40 thành viên. Họ là những người cha, người mẹ đã âm thầm không quản nắng mưa, bão tố lặn lội khắp các ngã đường ở Hà Nội để đưa những sinh linh bé nhỏ về "Ngôi nhà chung" Liên Châu - Thanh Oai - Hà Nội.

Có lẽ, đây là mảnh đất duy nhất để cho những đứa trẻ không có cơ hội nhìn ánh mặt trời nằm sâu dưới lòng đất mẹ, yên nghỉ và được ủ ấm bằng tình thương của những thành viên thiện nguyện.

"Ngôi nhà chung" nằm giữa cánh đồng thôn Từ Châu, xung quanh là những loại hoa cỏ mang nhiều màu sắc đẹp bình dị mọc cao và bám dày vào các tảng đá. Khi đi qua nơi tĩnh lặng này, ít ai biết rằng có đến gần 25.000 hài nhi đang yên nghỉ.

Các xác hài nhi được nhóm thiện nguyện thu gom đưa về nghĩa trang thôn Từ Châu (Thanh Oai - Hà Nội) để chôn cất.


40 thành viên thiện nguyện vẫn thường xuyên thay nhau lui đến “ngôi nhà chung” và mua sữa, hoa quả, hương khói cho những đứa trẻ tội nghiệp. Đó là tình thương yêu vô bờ bến mà họ là những người dưng mang lại cho gần 25.000 hài nhi đã bị chính cha mẹ tước bỏ quyền sống.

Gọi nghĩa trang này là “ngôi nhà chung” của những hài nhi chưa thành hình. Bởi lẽ, chỉ với khu đất rộng khoảng 20m2, nằm vỏn vẹn giữa cánh đồng mênh mông đã có gần 25.000 xác hài nhi được chôn cất và được xếp nằm cạnh gần nhau.

Ở những ngôi mộ đều được chia thành nhiều ô nhỏ, mỗi ô nhỏ chứa khoảng 20-30 hài nhi, trên cùng được che đậy cẩn thận bằng nắp bê tông để các em khỏi bị nắng mưa đày đọa. Sau khi che đậy cẩn thận, các thành viên trong nhóm tiến hành trồng các loại hoa như: Hoa mười giờ, hoa bách nhật, hoa hồng trắng, hoa cúc…

Năm 2008 "Ngôi nhà chung" - nơi các em yên nghỉ được các thành viên xin đất trong nghĩa trang để xây dựng có chiều dài khoảng 3m, rộng 2m và sâu 2,5m. Đến giữa năm 2013, số hài nhi được đưa về đây đã lên đến con số 24.000 thì "Ngôi nhà chung" đã không còn chỗ trống. Ngay lúc ấy, các thành viên trong nhóm thiện nguyện đã xin thêm đất của nghĩa trang để xây thêm "Ngôi nhà chung" thứ 2 liền kề cũng với kích thước như trên để các em có chung hoàn cảnh, chung số phận nằm cạnh bên nhau.

Khi chôn cất những hài nhi xấu số, nhóm vẫn tiến hành lễ an táng cẩn thận.

Những hài nhi được mang về đây chôn cất đều được các thành viên đánh mã số xác nhận nơi được nhận, thời gian đưa về và vị trí chôn cất… Tất cả đều được bọc kín trong bao nilon trước khi đặt tay đưa các con về với đất mẹ.

Để chôn cất chu đáo cho các hài nhi xấu số đã có gần 20 thành viên có mặt tại nghĩa trang để làm lễ và đắp mồ. Có ngày, 40 thành viên của nhóm thiện nguyện đã phải đưa hàng chục hài nhi về “chung sống” với các anh chị.


Chôn cất hài nhi… một công việc thiện nguyện

Bác Nguyễn Văn Nho (74 tuổi), là trưởng nhóm thiện nguyện chuyên thu gom xác hài nhi về chôn cất chia sẻ: “Nhóm chúng tôi có 40 thành viên đều thuộc thôn Từ Châu. Mỗi thành viên đều làm một công việc khác nhau, có người thì làm ruộng, chăn nuôi tại địa phương; có người lên Hà Nội học tập, công tác…

Một thành viên trong nhóm san lấp lại đáy mộ để chuẩn bị đưa xác hài nhi xuống, mỗi ngôi mộ chôn cất chung có chiều dài khoảng 3m, rộng 2m và sâu 2,5m.

Nhưng ai cũng có chung một tình thương bao la đối với những sinh linh bé bỏng. Những sinh linh đó bị chính cha mẹ tước đoạt đi quyền sống, thậm chí còn vứt bỏ các bé xuống cống ngầm, xuống sông nếu chúng tôi không mang các em về đây”.

Bác Nho cho biết, năm 2008, một trong các thành viên thấy việc có quá nhiều trường hợp cha mẹ hay các em gái trót lầm lỡ đi phá thai, đặc biệt có những cháu được 6-7 tháng đã lớn và hình hài một con người đã hiện rõ, có tóc, có chân tay và phân biệt được giới tính vậy mà vẫn bị cha mẹ nhẫn tâm giết chết. Xuất phát từ tình thương trẻ nhỏ nên nhóm đã chủ động tìm đến các cơ sở, phòng khám y tế để hỏi và nhận các hài nhi về chôn cất.


Những đứa trẻ xấu số không có một dòng chữ viết tên tuổi. Chúng chỉ được biết đến bởi những con người thiện nguyện đầy tình thương.

“Ban đầu chúng tôi đến các phòng khám thai, bệnh viện, nếu bắt gặp bất cứ trường hợp nào có ý định phá thai chúng tôi đều khuyên bảo rằng nếu không có điều kiện nuôi thì chúng tôi sẽ cưu mang, sắp xếp cho nơi ăn chốn ở đợi đến ngày sinh nở rồi chúng tôi sẽ có trách nhiệm đưa lên Nhà thờ nuôi.

Nhưng số lượng mủi lòng nghe chúng tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay, từ đó chúng tôi vừa khuyên bảo vừa kết hợp với việc thu gom hài nhi về chôn cất”, bác Nho cho hay.


Theo Lao Động

Đàn ông - Tình dục và Trách nhiệm


Tại các khoa sản của bệnh viện, tôi đã thấy rõ một thứ thuộc về đàn ông, rõ ràng đến đau đớn và xót xa đến mức không khỏi thốt ra từ 'kinh tởm'.

Mỗi ngày có bao nhiêu cô gái đến đây xin được 'phá thai' và tôi thấy có 2 dạng: một là anh bạn trai đi cùng nhưng chỉ là cho có, tỏ thái độ đưa đi là 'tốt lắm rồi' chứ chẳng phải việc của ta; dạng còn lại là cô gái đi một mình.

Mà tôi quên mất, nhân vật chính là các cô gái mà tôi cứ mải miết quan tâm 'các anh trai' là sao nhỉ? Ồ, họ thật lo lắng, sợ hãi - tất cả những điều ấy thể hiện rõ mồn một trên khuôn mặt họ như thể bảng tên đường ở góc ngã tư ấy.

Có nhiều lí do để họ đến đây, vì 'chưa cưới', 'bể kế hoạch', 'chưa có tiền lo'... tất cả những lí do mà các cô nói với bác sĩ chỉ ngụy biện cho một điều duy nhất mà tôi có thể nhìn thấy.

Phá thai thì cũng không mất bao nhiêu nếu tính bằng đơn vị Việt Nam đồng nhưng sẽ là khó nói nếu nó đong đếm bằng đơn vị niềm tin, tình yêu và nỗi đau. Mà này, không chỉ đau thể xác nhé, tinh thần nữa đấy!

Tôi thật ra cũng chẳng lên án hay phê phán gì chuyện các cô các cậu nhưng tôi xin các anh hãy bảo vệ người yêu của mình. Các anh có biết bao nhiêu hiểm nguy và biến chứng có thể xảy ra không? Các anh chắc chả bao giờ đâu nhỉ! Biết nghĩ thì đã dắt nhau đi đăng kí kết hôn rồi. Giờ tôi mới thấy các anh 'cưới chạy' thật đáng yêu làm sao!

Chữ 'trách nhiệm' nói thì dễ nhưng làm thì khó vô cùng. Đừng nói với các cô gái rằng 'anh sẽ có trách nhiệm' rồi sau đó dắt họ đi phá thai. Ồ, một thứ trách nhiệm nửa vời và buồn cười nhất tôi từng biết.

Đó không phải là trách nhiệm mà đó là dọn dẹp hậu quả, nghe giống như phi tang chứng cứ sau khi thực hiện tội ác, mà để che giấu một tội ác thì dẫn đến những tội ác khác còn kinh khủng hơn.

Sau cùng thì ở khoa sản là nơi mà tôi thấy con người các anh 'hèn'. Hèn hơn cả việc suốt đời chỉ biết núp váy vợ. Trong cái 'hèn' ấy tôi thấy cái 'trách nhiệm' của các anh thật rẻ rúng làm sao!

Với các anh thì 'yêu' là lí do để chơi gái một cách hoàn toàn miễn phí và an toàn, được cả cung phụng. Hay là 'chúng tôi làm tình vì tình yêu'? Thế thì tình yêu có kết quả rồi sao lại vứt đi? Thế anh làm tình bằng gì? Bản năng à?

Làm gì có thứ 'tình dục nhân danh tình yêu' hay 'tình dục nhân danh bản năng'. Tình dục là một thứ bản năng thôi các anh trai à!

Bước ra khỏi khoa sản thì niềm tin vào các anh quả nhiên còn lại một con số 0 tròn trĩnh, may là tôi không thể cho nó bé hơn 0.

Trách nhiệm và niềm tin vào các anh ư? Cứ vào khoa sản thì tìm thấy ngay hai thứ đó một cách nhanh chóng và rẻ mạt.

P.S: cũng như thế cho những anh trai có vợ mà ngoại tình / chơi gái nhé!


Nguồn: tapchi.guu.vn

Xin cho con người biết tôn trọng sự sống

Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, đã yêu thương dựng nên mọi loài khác từ hư không và chia sẻ cho những loài ấy sự sống của mình. Ta chẳng hiểu sự sống là gì vì sự sống không có hình thù, không có mùi vị, không thể được nhìn thấy bằng mắt, nghe bằng tai. Mở mắt ra giữa cuộc đời, ta đã thấy chúng quanh mình có mọi sự. Có muông chim, có đàn thú, và đặc biệt là có cả những con người khác, giống hệt mình, cũng hiện diện ở đây. Ta không thể nhớ được là trước khi ta sinh ra trên đời này, ta đã ở đâu, làm gì. Và ta cũng không biết là sau khi chết, mình sẽ như thế nào. Có đôi khi ta cũng tự hỏi là không biết có “ai đó”, đang ở “đâu đó” trong vũ trụ bao la kia, nhưng chưa được hiển hiện và thụ hưởng sự sống như mình đây không. Tại sao mình lại có mặt trên đời này? Điều gì đã làm cho mình hiện hữu? Tại sao không phải là ai khác mà là mình đang đứng ở đây?
Sự sống là một huyền nhiệm. Sự sống đi vào sự kết tinh giữa người bố và người mẹ giúp sinh ra một em bé. Rồi khi sự sống ra khỏi một con người, dù người ấy vẫn còn đầy đủ tất cả những bộ phận, người ấy vẫn bị xem là đã chết đi. Chẳng ai trên đời này, dù giỏi giang và tài hoa mấy, có thể ban sự sống cho người khác. Chính bản thân họ cũng chỉ lãnh nhận sự sống như một quà tặng từ một Đấng nào đó mà thôi. Người ta không thể tìm ra chất liệu nào để làm nên sự sống. Người ta cũng không thể ghép các chi thể lại với nhau mà làm nên sự sống. Người ta không thể chế tạo ra chiếc máy nào sản xuất ra sự sống. Bố mẹ có thể sinh ra được một mầm sống. Còn sự sống vận hành trong con người ấy ra sao thì bố mẹ cũng chẳng thể biết được. Khi người con này đã chết đi, thì chính người bố người mẹ ấy cũng không thể làm cho anh ta sống lại. Họ chỉ có thể sinh ra một con người khác, chứ không phải là người đã chết kia. Sự sống là một quà tặng. Và điều quý giá hệ ở chỗ quà tặng ấy là độc nhất, là duy nhất, và không gì có thể thay thế.

Sống không chỉ là cử động, cựa quậy. Nhưng sống còn là suy nghĩ, là trầm ngâm, là cảm nghiệm, là bâng quơ nỗi nhớ, là xót xa buồn phiền, là vui cười hạnh phúc, là xúc động nghẹn ngào. Ta được ban cho một khoảng thời gian thụ hưởng sự sống trên trời, có biết bao điều xảy đến với ta, đi vào trong cuộc đời ta, làm ta được trở nên phong phú. Đôi mắt ta được chiêm ngưỡng những công trình tuyệt mỹ của Tạo Hóa: ánh bình mình, buổi hoàng hôn, vầng trăng khuya, bãi biển xanh, dòng sông lắng. Đôi bàn tay ta được đụng chạm đến điều tuyệt vời khác: được nắm lấy bàn tay người ta yêu mến, được ôm ấp người ta nhung nhớ bấy lâu, được đưa tay hứng giọt sương mai đang lăn tròn trên lá, được lướt nhẹ trên phím đàn nhẹ thơ. Đôi bàn chân ta được đi qua bao vùng trời khác lạ, mang đến cho ta những trải nghiệm khác nhau: ta thong dong trên một bãi biển vắng, được cất bước trên những sa mạc cháy khô, được đặt chân trên những vùng tuyết trắng, ngọn cao sơn ta cũng ráng leo lên. Cuộc sống thật tươi đẹp với bao tương quan làm lòng ta ấm áp. Sự sống đã cho ta hiện hiện, và còn bồi đắp cho sự hiện hữu của ta với biết bao điều tuyệt vời của thế giới chung quanh. Sự sống cao quý thế nên chẳng ai trong chúng ta muốn mình chết. Dù người ta có tự kết liễu đời mình thì đó cũng là một dấu chỉ cho thấy họ muốn sống, nhưng chẳng qua là cuộc sống đã chối từ họ mà thôi.

Sự sống trở nên quý giá, một phần cũng là vì nó rất mong manh, đã ra đi thì không bao giờ trở lại. Khi nó đến, chắc chắn nó sẽ ra đi, nhưng lại không hẹn với ta một thời gian cụ thể. Nó không bảo ta là nó sẽ ở lại với ta 1 năm, 3 năm hay 15 tháng. Nó như chiếc bình pha lê lung linh sắc nhưng dễ vỡ vô cùng. Ấy vậy mà con người chúng ta có khi lại chẳng biết trân trọng sự sống cho đúng. Ta muốn mình sống, nhưng ta lại sẵn sàng cướp mất đi sự sống của người khác cách phũ phàng. Ta biện minh đủ thứ lý do cho mình để kết án tử cho người khác. Ta đau lòng khi một người thân của ta chết, nhưng ta cho là bình thường khi hàng trăm, hàng triệu con người khác chết, do chiến tranh, do bệnh tật. Vì một phút nông nỗi, muốn chứng tỏ bản thân, ta sẵn sàng dùng bạo lực để phô trương thanh thế. Ta nghĩ mình là anh hùng khi tham gia vào những cuộc ẩu đả nơi các ngã đường. Có những người vô tội cũng bị mất đi sự sống cách oan ức vì những ngạo mạn của ta. Biết bao thai nhi chưa được thấy ánh nắng mặt trời đã bị chôn vùi vào lòng đất vì những ích kỷ của ta.

Lạy Chúa, chúng con hết lòng cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con sự sống của Ngài. Xin giúp chúng con ý thức hơn về món quà quý giá này của Chúa, để chúng con biết tôn trọng sự sống của nhau, giúp nhau thăng tiến và để chúng con sống cuộc sống này của chúng con thêm ý nghĩa hơn nữa. Amen.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Theo: dongten.net

Hãy tự khiêm tốn, tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa

Chứng từ của cô Laura người Ý thuộc Phong Trào Canh Tân Trong Thánh Linh. Chứng từ như một lời tri ân dâng lên THIÊN CHÚA từ-bi lân-tuất, Đấng không chấp nhất tội lỗi con người đã phạm nhưng chỉ nhìn đến những cố gắng tốt lành trong trái tim hối nhân.




Năm nay con 34 tuổi và là con thứ tư trong một gia đình có 6 anh em. Năm 4 tuổi con mồ côi mẹ và gia đình con sống nhờ sự trợ giúp của các trợ tá xã hội. Hồi ấy trong nhà trên bàn ăn thường không có bánh mì để ăn. Nhưng cái thiếu thốn khốn khổ nhất chính là thiếu tình thương, thiếu những cái vuốt ve trìu mến.

Đối với riêng con thì còn khốn khổ hơn nữa. Bởi lẽ ngày con chào đời, Ba con không vui chút nào hết. Người mong một đứa con trai. Một đứa con trai trong một gia đình sống về nghề nông thì đáng quý đáng trọng hơn con gái! Con trai thì thêm một cánh tay trợ giúp cho Ba! Thành ra con là đứa con gái không đợi không mong. Một đứa con gái vô tích sự.

Mặc dầu còn bé con đã cảm nhận cái đau thương vì bị hất hủi này. Vì thế để lấy lòng Ba, để làm cho Ba vui, con cố gắng giúp Ba trong những công việc nặng nhọc vượt quá sức của một đứa con gái. Rồi Ba tái hôn. Người vợ thứ hai của Ba - người mẹ kế của chúng con - cho ra chào đời một bé trai. Con và các anh con được gởi vào cư xá.

Bước vào tuổi dậy-thì, phương diện tình cảm của con gặp khủng hoảng, gây ra các vấn đề nhiêu-khê. Con bắt đầu bỏ ăn và người trở nên gầy guộc, ốm tong ốm teo! Nhiều người ngạc nhiên lo lắng, nhưng Ba con thì không! Con nhớ rõ trong thời gian buồn thảm này, luôn luôn lẩn quẩn trong đầu con cái ý tưởng tự tử. Con muốn chấm dứt cuộc đời cho xong!

Năm 17 tuổi con rời cư xá trong lòng chất chứa rất nhiều giận dữ hận thù đối với thân phụ. Trong vòng mấy năm trời con liên hệ với đủ thứ hạng người khác nhau với mục đích tìm kiếm tình yêu hầu lấp đầy hố sâu khao khát tình yêu. Lòng con chỉ mơ ước tình yêu và tìm kiếm tình yêu.

Rồi con lang chạ với một người đàn ông lớn tuổi hơn con rất nhiều. Người đàn ông cao tuổi nhưng lại nhẹ dạ hời hợt và thiếu trưởng thành. Thấy tình huống không ổn, con bỏ rơi ông. Con trải qua thời kỳ xuống tinh thần, mắc chứng trầm-cầm trong vòng hai năm. Để có thể quên đi người đàn ông nói trên, con lại tìm đến với một người đàn ông khác. Nhưng rồi con sớm nhận ra rằng, trong mối quan hệ nam nữ, nếu không có tình yêu, thì chả có ý nghĩa gì. Một lần nữa con tự động xa lìa người đàn ông thứ hai. Nhưng hai tuần sau con nhận ra mình mang thai với ông ta. Con thất kinh hồn vía như đất trời sụp đổ dưới chân con.

Người đàn ông thứ hai cương quyết từ chối, không muốn nhận trách nhiệm làm cha cái bào thai vừa thành hình trong dạ con. Và một tháng sau, con phá thai ..

Thời gian tiếp theo cái tội ác này, thật là khủng khiếp. Dĩ vãng khốn khổ tái xuất hiện trong con và dằn vặt khôn nguôi. Con tìm đến chữa trị nơi một nữ tâm lý gia. Mặc dầu không giải quyết được hết mọi vấn đề, bà đã thành công trong việc giúp con nhận ra tất cả những cung cách hành xử sai lầm của con. Con từ từ thực hiện được những bước tiến khổng lồ. Rất nhanh sau đó con hiểu rằng một cây không thể đứng vững nếu nó không có rễ bám sâu trong lòng đất. Con liền giao hòa với thân phụ con và với toàn thể gia đình con.

Năm 2010 một hôm trong lúc cầu nguyện cùng Đức Mẹ MARIA, Hiền Mẫu Thiên Quốc, con bỗng nhìn vào nội tâm con. Điều mà con chưa bao giờ làm trước đó. Con ngạc nhiên khám phá ra cái bức tường con dựng lên chung quanh trái tim con. Con nhỏ những giọt nước mắt ăn năn thống hối. Những giọt nước mắt giải thoát. Bỗng có điều gì khác lạ diễn ra bên trong con. Đây là lần đầu tiên con cảm nghiệm một niềm an bình: các giận dữ, hờn oán, trách móc tan mất.

Giờ đây con thấy rõ đường con đi với Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Và nơi phong trào Canh Tân Trong Thánh Linh con hiểu được nét đẹp cao cả của yêu thương và của tình huynh đệ nối kết con với các anh chị em đồng loại của con.

Lạy Chúa, con xin dâng lời cảm tạ tri ân Chúa vì Chúa không nhìn đến các tội lỗi con đã phạm nhưng chỉ chú ý đến những gì tốt lành thiện hảo nơi trái tim con.


... "Anh chị em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của THIÊN CHÚA, để Người cất nhắc anh chị em khi đến thời Người đã định. Mọi lo âu, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh chị em. Anh chị em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh chị em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh chị em hãy đứng vững trong Đức Tin mà chống cự vì biết rằng toàn thể anh chị em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế. THIÊN CHÚA là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh chị em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức KITÔ. Phần anh chị em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính THIÊN CHÚA sẽ cho anh chị em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường. Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thưở muôn đời. Amen". (1Phêrô 5,6-11).

(”RINNOVAMENTO Nello Spirito Santo”, Anno XXVII, N.11, 2013, trang 61)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Theo khoinguon.com