Phá thai: Tội và Hình phạt

1. Thực trạng

Phá thai là một hành động vô luân huỷ hoại sự sống. Việt nam là một 5 nước đứng đầu trên thế giới về số lượng ca nạo phá thai. Con số trung bình lên đến 300.000 ca mỗi năm [1]. Đó là chưa kể đến các ca nạo phá thai ở các cơ sở tư nhân, phá thai chui và phá thai trá hình không được thống kê. Tội ác này không những không bị chính quyền ngăn cấm mà còn được cỗ vũ, khuyến khích dưới nhiều hình thức khác nhau. Và thậm chí còn được xem là quyền của mỗi người. Bên cạnh đó, các phương tiện y khoa ngày càng tinh vi hiện đại giúp việc thực thi tội ác này ngày càng dễ dàng hơn. Chỉ cần gõ chữ ‘phá thai’ trên Google, ta sẽ nhận được cả hàng trăm trang quảng cáo dịch vụ phá thai. Không những trên các website mà ở trong các thành phố ta vẫn thấy nhan nhãn những biển quảng cáo cho dịch vụ này.[2] Người Công giáo Việt Nam ngày nay đang phải sống trong xã hội với một thực trạng như vậy, chắc chắn việc phá thai sẽ là một cám dỗ rất lớn. Chủ đề phá thai được bàn đến trong nhiều lãnh vực của cuộc sống. Nó là chủ đề liên quan đến Y khoa hay tâm lý, xã hội, chính trị, luật pháp, luân lý… Ý thức được phạm vi rộng lớn của vấn đề, tôi chỉ xin đề cập nó (ở mức sơ sài) dưới cái nhìn Kinh Thánh, Giáo Luật, và Giáo Huấn của Hội Thánh về tội và hình phạt dành cho người Công giáo khi phạm đến tội ác này.

2. Thánh Kinh nói gì?

Ngay từ những trang đầu, Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy chính Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người (St 1, 26-27; Gióp 10, 8-12; 31,15; Tv 139,13-16). Sách Thánh khẳng định, sự sống con người thuộc về Thiên Chúa và chỉ mình Ngài mới có quyền tối thượng quyết định trên nó (Dnl 32,39). Vì thế, ai đổ máu người vô tội thì mang tội lớn và phải chịu hình phạt cũng như phải đền bù thoả đáng (St 9,5-7; Xh 21,22-25). Đặc biệt, Kinh thánh cũng đề cập đến tội lỗi và hình phạt trong việc tắm máu các trẻ thơ vô tội. “Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta! Giờ đây, ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi do tay ngươi đổ ra. Ngươi có canh tác đất đai nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất” (St 4,10-12). Đó chính là bản án dành cho Cain khi ông đã đổ máu người vô tội là Aben, em mình.

Đến thời Tân Ước, Tin Mừng Luca cho thấy Đức Maria là mẫu gương cho chúng ta trong việc đón nhận, bảo vệ và nâng đỡ sự sống thai nhi. Hai tiếng “Xin Vâng” nói lên thái độ vâng phục và đón nhận sự sống của Mẹ từ Thiên Chúa quan lời Sứ Thần (Lc 1, 26-38). Mẹ viếng thăm, nâng đỡ bà Elisabeth và thai nhi Gioan khi nghe biết người chị họ này đã mang thai trong lúc tuổi già (Lc 1,39-45). Tin Mừng thứ ba này còn cho biết không những Đức Maria mà cả thai nhi Gioan Tẩy Giả cũng hân hoan và nhảy mừng trong bụng mẹ để đón chào Sự sống (thai nhi Giêsu): “Vì này đây, tai tôi vừa nghe lời em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên sung sướng” (Lc 1, 44). Sau hết, Chúa Giêsu cũng đã bảo vệ sự sống. Thái độ yêu thương của Người dành cho các trẻ nhỏ cho thấy điều đó. Ngài đề cao các trẻ nhỏ và ví chúng như các thiên thần trên trời được chiêm ngưỡng nhan Chúa Cha (Mt 18,10).

Ngài hân hoan đón nhận các trẻ nhỏ đến với Ngài và tuyên bố “Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Lc 18, 16). Rõ ràng, Kinh thánh Cựu ước và Tân ước tuy không trực tiếp nói đến phá thai nhưng đều nhìn nhận sự cao trọng của sự sống và đặc biệt bảo vệ sự sống của thai nhi, những người vô tội yếu đuối. Xúc phạm đến sự sống vô tội đều phải gánh chịu một hình phạt nhất định.

3. Giáo Luật Và Giáo Huấn của Hội Thánh [3]

Theo bộ giáo luật 1983 điều 1398 quy định: “người nào thi hành việc phá thai có hiệu quả thì bị vạ tuyệt thông tiền kết”. Vạ tuyệt thông tiền kết là gì? Đây là loại hình phạt mang tính tự động (automatic). Hình phạt này tội nhân phải gánh chịu “do tính cách nghiêm trọng của tội ác” [4]; và không cần một tuyên án cụ thể nào của nhà chức trách có thẩm quyền. Vạ tuyệt thông tiền kết thường được áp dụng cho các tội lớn trong giáo hội như lạc giáo, bội giáo, ly giáo. Tại sao lại áp dụng án phạt này cho người có hành vi nạo phá thai? Bởi lẽ, các thai nhi không có khả năng tự vệ nên tội ác phá thai có tính chất nghiêm trọng. Giết một người trưởng thành chỉ mang tội trọng trong khi đó giết thai nhi không những mang tội trọng mà còn bị vạ tuyệt thông tiền kết. Huấn quyền đã lặp đi lặp lại và dạy một cách xác tín rằng phá thai luôn là trọng tội và vô luân nghiêm trọng [5]. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng khẳng định: “Vì vậy, với quyền bính được Chúa Kitô trao cho Phêrô và những người kế vị, trong sự hiệp thông với tất cả giám mục của Giáo Hội Công Giáo, tôi xác nhận rằng việc trực tiếp và cố ý giết một người vô tội luôn luôn là điều vô luân nghiêm trọng. Giáo lý này căn cứ vào luật bất thành văn mà mọi người nhận thấy trong thâm tâm của mình dưới ánh sáng của lý trí (x. Rm 2, 14-15), được Thánh Kinh khẳng định và Truyền Thống Giáo Hội lưu truyền và được Huấn Quyền thông thường và phổ quát giảng dạy” [6]. Nếu một người Công Giáo nạo phá thai, hành động và xác tín của họ đi ngược với Giáo Huấn của Giáo Hội. Một mặt, họ thực hiện hành vi phá thai hiệu quả và chịu hình phạt theo quy định điều luật 1398. Mặt khác, họ có quan điểm trái ngược với Giáo Huấn của Giáo Hội khi cho rằng phá thai là không vô luân, chấp nhận được hay cho rằng đó là quyền của con người. Điều này khiến họ bị liệt vào hạng người lạc giáo. Theo điều 751: “Lạc giáo là ngoan cố chối bỏ hoặc ngoan cố hồ nghi về một chân lý phải tin với Đức tin Thần Khởi và Công giáo sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội; bội giáo là chối bỏ đức tin Kitô giáo; ly giáo là từ chối vâng phục Đức Giáo hoàng hoặc từ chối hiệp thông với các chi thể của Giáo Hội thuộc quyền ngài.”. Các tội này chịu hình phạt vạ tuyệt thông tiền kết theo điều 1364§1 “Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo đều bị vạ tuyệt thông tiền kết.” Như thế, bất kỳ người Công giáo nào dù chưa phá thai hiệu quả mà cố ý cho rằng phá thai thì không vô luân đều mang tội lạc giáo và phải gánh chịu vạ tuyệt thông tiền kết.

Đối với những người Công giáo cộng tác vào việc phá thai thì sao? Theo luật dân sự, nếu một người phạm tội, người nào cung cấp các phương tiện vật chất hay tinh thần một cách chủ ý và có hiểu biết cho phạm nhân thì được gọi là kẻ đồng phạm và phải chịu những hình phạt của luật. Tương tự, bất kỳ người Công giáo nào cung cấp phương tiện vật chất hay tinh thần một cách chủ ý và có ý thức cho một người phụ nữ để thực hiện việc phá thai thì phạm tội trọng và mang vạ tuyệt thông tiền kết [7].

Việc cỗ vũ cho việc phá thai thuộc vào tội đồng loã. Những ai cỗ vũ cho việc phá thai như tuyên truyền, phát thuốc, quảng cáo, phim ảnh, ủng hộ luật phá thai hợp pháp… thì cũng đều mang tội trọng và lãnh án vạ tuyệt thông tiền kết. Một chính trị gia công giáo tham gia vào việc soạn thảo luật cho phép phá thai hay lên tiếng giữa dân chúng rằng mình ủng hộ chính sách phá thai thì cũng chịu cùng một tội và vạ trên. Khi một người bỏ phiếu tín nhiệm một quan chức ủng hộ phá thai người ấy được kể là kẻ đồng phạm. Tội trọng và án vạ tuyệt thông này đương nhiên cũng áp dụng cho những người công giáo cho mình là ‘thần học gia’ hay học giả Thánh Kinh, nhưng lại tin và dạy rằng phá thai không là vô luân nghiêm trọng.

4. Việc giải thích và áp dụng các điều Luật liên quan

Việc giải thích các điều luật về tội phạm trong Giáo Hội thường phải theo nghĩa hẹp. Không nên giải thích theo nghĩa rộng để đi đến kết án nhiều người. Các nhà chức trách có thẩm quyền được khuyên không nên vội tuyên án và sửa dạy bằng những hình phạt vạ tuyệt thông, nhất là những hình phạt liên quan đến việc ngăn cấm lãnh nhận bí tích. Ngoài ra, nên nhớ rằng một người tuy đang bị hình phạt vạ tuyệt thông do phạm tội ác này cách công khai nhưng họ vẫn là Kitô hữu. Vì thế, việc một số linh mục hay Hội Đồng Mục vụ ngăn cấm họ tham dự các buổi cử hành phụng vụ hay các hoạt động khác trong cộng đoàn nên cần phải xem lại. Vạ tuyệt thông chỉ nên dừng lại ở những ngăn cấm lãnh nhận các Bí tích và một số quyền lợi của kitô hữu. Mặt khác, trong thực tế, ta không thể ngay lập tức khẳng định rằng một người nào đó phá thai hoặc cộng tác vào việc đó là bị vạ tuyệt thông tiền kết [8]. Không phải tất cả mọi người đều mang tội và vạ như nhau khi thực hiện hành vi phá thai. Một người đi đến quyết định phá thai thường là do nhiều lý do khác nhau. Nếu họ thuộc vào trường hợp được quy định ở điều 1323 thì tội và vạ được giảm nhẹ hoặc không bị một hình phạt nào. Ví dụ, người chưa đủ 16 tuổi, người không biết đến quy định của luật, người hành động dưới áp lực của người khác (do sợ hãi, do tự vệ, người không sử dụng được trí khôn…) khi đó họ hành động thiếu sự hiểu biết, thiếu tự do và ý muốn, nên không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ta nới lỏng và dung túng cho tội ác. Một cách lý tưởng là mọi hình thức phá thai phải được cấm triệt để.

5. Giải vạ tuyệt thông

Yếu tố điều kiện và hoàn cảnh có thể làm giảm nhẹ hoặc chấm dứt tội và hình phạt (vạ) cho một người thực hiện hoặc cộng tác vào việc phá thai. Nhưng một người có lương tâm nhạy cảm sẽ cho rằng hành động của mình đã phạm tội trọng và vạ tuyệt thông. Nên biết rằng, vạ tuyệt thông không phải là hình phạt đời đời mà Giáo Hội dành cho các phạm nhân. Nếu ai đó thấy mình đã bị vạ tuyệt thông tiền kết vì liên quan đến phá thai, họ nên đến toà giải tội để xưng thú điều mình đã phạm để được tha tội và vạ. Ở toà trong, Đức Giám mục có thể tha vạ do tội phá thai gây ra. Chỉ Đức Giám mục mới có quyền tha vạ này. Thường thường, ở nhiều nơi, Đức Giám mục trao quyền tha vạ này cho các linh mục giải tội. Và chỉ những ai được uỷ quyền mới có năng quyền tha vạ tuyệt thông này.

Trong trường hợp tội phạm công khai cũng cần được Đức Giám mục giải vạ. Tuy nhiên, nếu người vi phạm cách kín đáo hay công khai là một ứng sinh linh mục thì điều này sẽ gây ngăn trở cho việc truyền chức của người đó về sau [9]. Trường hợp này, việc giải vạ chỉ dành riêng cho Toà Thánh. Vì sao? Có lẽ một mặt do tính chất nghiêm trọng của tội ác; mặt khác, do tính chất cao trọng của chức vụ tư tế thừa tác, và những đòi hỏi phải có của một ứng sinh linh mục [10], toà thánh đã chỉ dành quyền giải vạ này cho mình.

6. Kết luận

Phá thai là một vấn đề nghiêm trọng đối với thời đại chúng ta. Giáo Hội luôn đứng về phía những người phò sự sống để chống lại phá thai và bảo vệ con cái mình khỏi dính vào loại tội ác mang tính diệt chủng này. Chủ đề này không chỉ được đề cập đến trong giáo luật, song trong nhiều lĩnh vực giáo huấn khác nhau của Giáo Hội như các Công Đồng, Giáo Lý Hội Thánh, Giáo Huấn của các Đức Giáo hoàng qua các triều đại, các giám mục, và các thần học gia. Quan điểm và lập trường của Giáo Hội về vấn đề phá thai sẽ không bao giờ thay đổi vì bảo vệ sự sống như là căn tính của Giáo hội. Là người Công giáo, ta luôn ý thức được sự vô luân nghiêm trọng của tội ác phá thai. Đồng thời, tích cực góp phần vào việc dựng xây nền Văn Hóa Sự Sống, để đẩy lui Văn minh chết chóc [11]. Bên cạnh đó, cần cỗ vũ việc giáo huấn cho giới trẻ đang trưởng thành có một lối sống lành mạnh. Giúp họ đào tạo lương tâm trưởng thành và có trách nhiệm trong các tương quan phái tính. Và quan trọng nhất là gây ý thức quý trọng và bảo vệ sự sống cùng can đảm tránh xa sự dữ, sự ác.

Giuse Tô Văn Toản


[1] Thống kê mới nhất của Thạc sĩ – Bác sỹ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ công bố tại hội thảo “Ngừa thai hormone – Hiểu biết nhu cầu và lựa chọn của phụ nữ” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết với trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên; Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ năm thế giới.

[2] Trên website baomơi.com đưa tin: hàng loạt biển quảng cáo dịch vụ nạo – hút thai cở lớn tập trung ở khu vực đường Giải Phóng, đường Phùng Hưng – Hà Đông thành phố Hà Nội. (nguồn: http://www.baomoi.com/Ha-Noi-Nhan-nhan-dich-vu-nao-hut-thai/82/9721224.epi)

[3] xem Ronald L. Conte Jr, “abortion and excommunication”, www.http://www.catholicplanet.com đăng ngày 20/05/2004.

[4] GLHTCG số 2272

[5] GLHTCG 2270-2275.

[6] Thông điệp (Humanae Vitae) Đời Sống Con Người số 57.

[7] Giáo Luật 1983 điều 1329 §2

[8] Xem Catholics and abortion, Notes on Canon Law No.1, đăng trên website: http://cath4choice.org

[9] Xem điều luật 1041 số 4

[10] Xem điều luật 1029: ứng sinh linh mục cần có đức tin tinh tuyền, ý hướng ngay lành, kiến thức cần thiết, danh thơm tiếng tốt, đức hạnh vẹn toàn, nhân đức vững vàng và các đức tình khác về thể lý cũng như tâm lý phù hợp với chức thánh sẽ lãnh nhận.

[11] Theo cách nói của Gioan Phaolô II trong Evangelium Vitae, số. 19


Nguồn: daichungvienvinhthanh.com

Ly kỳ cuộc giải cứu một thai nhi suýt bị chết oan

Sau mỗi chuyến đi, bà Nhiệm lại trở về nhà với những sinh linh bé nhỏ không may bị vứt bỏ trên tay. Mỗi lần như vậy, bà lại thầm ước có một ngày được quay về… tay không.

Tuy nhiên, ngày đó rất xa vời khi những số phận bị cha mẹ ruột mặc kệ sống chết vẫn được bà phát hiện. Vì thế, bà tận tụy đi, tìm kiếm và sung sướng không thể diễn tả bằng lời mỗi lần cứu được một thân phận phải chịu nỗi bi ai từ thuở lọt lòng.


Bà Nhiệm ngày nào cũng thăm nom những “ngôi nhà chung”. Ảnh TG

Ly kỳ cuộc “cấp cứu” trong đêm

Nghe tới “nghề” nhặt xác thai nhi xấu số, ai cũng nghĩ về cảm giác đau buồn, tang thương. Ít ai biết rằng, chính trong những hoàn cảnh đó, niềm hân hoan cứu được một kiếp người của những người “nhặt xác” càng nhân lên gấp bội. Bà Nhiệm là một trong số đó. Bà kể, mỗi lần phát hiện có cháu bé còn sống, bà đều lập tức gọi taxi đưa ngay đến Bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu. Bà hồi tưởng lại một trường hợp đáng nhớ: “Hôm ấy là ngày 26/9/2011, dù trời đã muộn nhưng tôi vẫn gắng đạp xe trên một tuyến phố ở Hà Nội để đến điểm thu nhận xác thai nhi như mọi lần. Tôi cẩn thận xem xét thì phát hiện thai nhi đó vẫn thở. Ý nghĩ cứu sống được cháu bé lướt nhanh qua đầu, tôi nhấc bé lên và giật mình cảm nhận từng nhịp tim đập. Lúc đó, tôi bối rối không biết làm thế nào, chỉ đành nhìn quanh xem có ai giúp không”.

Không thấy bóng dáng ai đi qua, tâm tư bà Nhiệm rối bời. Đúng lúc đó, bà nhớ đến một người thanh niên tên Bình, vốn thường cùng vợ làm công tác từ thiện. Chính Bình từng dặn bà nếu phát hiện em bé nào còn sống hãy gọi ngay cho mình, phòng khi gọi taxi quá lâu hoặc không có. “Thế là, tôi lần tìm số điện thoại rồi gọi Bình tới trợ giúp. Chỉ ít phút sau, cháu Bình đến. Vừa xuống xe, Bình đã lập tức chạy tới xem xét tình hình. Rất nhanh chóng, Bình và tôi cùng đưa em bé tới Bệnh viện Nhi Trung ương”.

Vào đến nơi, bà Nhiệm vội vã trình bày với các bác sỹ trực và bé ngay lập tức được đưa vào cấp cứu. Ngoài ngoài hành lang chờ đợi, dù chỉ là một người xa lạ, bà vẫn lo lắng, đứng ngồi không yên. Chốc chốc, bà lại chạy ra nghe ngóng, cố nhìn qua cánh cửa xem tình hình các bác sỹ chữa trị thế nào. Sau đó, em bé được nuôi và theo dõi trong lồng kính. Tận đến lúc này, bà Nhiệm và người thanh niêm mới như trút được tảng đá lớn đè nặng, hai người nhìn nhau bằng ánh mắt đồng cảm, san sẻ và tràn đầy niềm vui. Bà bảo: “Khi bác sỹ ra thông báo bé đã qua cơn nguy kịch, tôi vỡ òa sung sướng, giống như nghe tin tốt lành của chính người thân”.

Ngay cả khi em bé đã được an toàn và đồng hồ báo quá nửa đêm, bà Nhiệm và anh Bình vẫn trụ lại bệnh viện. Họ cùng đợi tới sáng để làm thủ tục giấy tờ. Trời sáng, anh Bình là người trực tiếp đi lo các thủ tục. Để được nhanh chóng hơn, anh Bình đã khai mình là người trực tiếp cứu đứa bé, bà Nhiệm là người làm chứng. Bà hoàn toàn đồng ý và còn nhận trách nhiệm trông nom em bé tội nghiệp trong những ngày điều trị tại viện. Suốt hai tháng trời, bà Nhiệm trông nom bé tận tình, ngày nào cũng đến với đầy đủ sữa, bỉm, quần áo… như một người mẹ đích thực. Những lúc không thể có mặt, bà lại để số điện thoại cho các y tá, phòng khi bé cần gì bà sẽ mua tới ngay.

“Những lúc rảnh rỗi, tôi thường đến bệnh viện thăm và chơi với bé. Thấy vợ cứ đi suốt, chồng tôi tỏ ý thắc mắc. Sau khi tường tận mọi chuyện, ông ấy không hỏi thêm nữa, có ngày còn cùng vào viện thăm bé với tôi. Được nhìn thấy cháu bé dần dần khỏe mạnh, nhiều lúc còn nở nụ cười trong trẻo, tôi vui lắm vì biết rằng mình đã cứu sống được một sinh mạng bé nhỏ. Cháu đã không may mắn bị vứt bỏ thì mình dùng tình yêu thương để bù đắp phần nào vậy. Đó cũng cách đem lại niềm vui cho mình”, bà Nhiệm vui vẻ nói.

Kể từ buổi tối cứu sống được hài nhi bị ruồng rẫy đó, bà Nhiệm càng thấy vui và yêu công việc hơn. Nhiều đêm nằm trằn trọc, bà lại nghĩ đến và càng thương cháu bé tội nghiệp. Bà chợt nghĩ rằng tại sao không xin bệnh viện nhận nuôi em. Sáng hôm sau, bà nói ý định của mình với chồng và các con, trong đầu bà đã chuẩn bị nhiều lý lẽ để thuyết phục họ, Không ngờ, cả gia đình bà Nhiệm đồng lòng ủng hộ và động viên tinh thần bà. Như “mở cờ trong bụng” vì được hưởng ứng, bà Nhiệm cấp tốc đạp xe vào bệnh viện để trình bày nguyện vọng. Các y bác sỹ đã rất lắng nghe và tỏ ra cảm kích người đàn bà nhân hậu. Họ tận tình hướng dẫn bà làm các thủ tục, giấy tờ cần thiết để có thể nhận nuôi cháu bé.

Mong có ngày bé gọi tiếng “Mẹ ơi”


Những chiếc tiểu được người làm từ thiện tài trợ. Ảnh TG
Thấy bước đầu thuận lợi, bà Nhiệm cứ ngỡ như rằng ngày được đón bé về nuôi dưỡng đã cận kề. Nào ngờ, khi xem xét giấy tờ cụ thể, các bác sỹ lại lắc đầu bảo bà không thể nhận nuôi em bé. Sở dĩ như vậy là vì trong giấy tờ khai ngày đưa em bé vào cấp cứu, anh Bình mới là người cứu sống bé, trong khi bà chỉ là người làm chứng. Lúc khai, cả bà chỉ muốn nhanh chóng được trở lại phòng chăm sóc bé nên đã cùng anh Bình “hoán đổi trách nhiệm” như vậy. Bà không ngờ rằng điều này lại gây trở ngại trong việc nhận con nuôi. Ngoài ra, khi được yêu cầu một số giấy tờ khác, bà Nhiệm đều không có. Chính vì thế, bệnh viện đã từ chối cho bà nhận nuôi. Sau một thời gian chăm sóc, em bé đã được bệnh viện chuyển vào trại trẻ mồ côi để nuôi dưỡng. Lúc này, bà Nhiệm cảm thấy ân hận vô cùng. Bà vừa thương em vừa tự trách mình lực bất tòng tâm, dù muốn cũng không thể nhận nuôi sinh linh được chính tay mình cứu vớt.

Nhớ lại cuộc trò chuyện cùng các bác sỹ, bà Nhiệm bộc bạch: “Lúc các bác sĩ bảo cần xem những giấy tờ xác minh việc tôi là người đã nhặt và đưa em bé vào viện cấp cứu, tôi cứ ngỡ rằng mọi chuyện coi như đã xong xuôi. Nào ngờ, sau khi xem xét, các bác sỹ lại không đồng ý. Ban đầu, tôi tiếc lắm, giá như ngay từ ban đầu đã khai bản thân là người nhặt được cháu bé. Nếu vậy, rất có thể cháu bé đang ở cùng tôi, là một đứa con của tôi. Nhưng nghĩ lại, việc phát hiện và cứu sống được bé đã là cơ duyên hiếm có mà trời ban cho tôi và cháu bé”.

Những ngày sau đó, bà Nhiệm vẫn thỉnh thoảng đến trại mồ côi để thăm bé. Bà yên lòng hơn khi nhìn thấy em sống khỏe mạnh, vui vẻ. Nhiều người hiểu lòng bà đã an ủi và nói, bà là người mẹ thứ hai có công tái sinh cháu bé, chỉ thế thôi đã là quá đủ nên đừng băn khoăn thêm nữa. Mấy năm sau, khi em bé ngày nào đã chập chững biết đi, bà có hỏi thăm thì được biết bé được một gia đình người nước ngoài nhận làm con nuôi; các thủ tục, giấy tờ đã hoàn thành và chỉ vài ngày sau là sẽ đi. Cũng từ đó, bà Nhiệm chưa có cơ hội gặp và thăm bé. Bà bảo, cảm giác trong lòng giống như một người mẹ phải xa con lâu ngày không được gặp. Bà thường tự nhủ đó là số phận, là tương lai của bé. Dẫu vậy, bà vẫn mong mỏi sẽ có ngày được gặp lại để nghe một tiếng gọi: “Mẹ ơi…!” thật to.

Đáng tiếc, đó là câu chuyện vui hiếm hoi trong những ngày làm nghề “nhặt xác” hài nhi của bà Nhiệm. Bà chia sẻ, đã chục năm làm công việc này, nhưng lần nào bà cũng buồn, cũng thương những hài nhi xấu số như lần đầu tiên. Bà thương chúng đến mức không dám tự ý nghỉ một ngày trong suốt 10 năm dài, trừ phi lúc đau ốm hoặc có việc chẳng thể dừng. Bà sợ, trong ngày nghỉ đó, sẽ có một em bé không được “ấm áp” về với đất mẹ; hoặc biết đâu, một hài nhi phải lìa bỏ sự sống chỉ vì những bước chân đến muộn của mình. Còn khi chán nản, tuyệt vọng, bà lại nhớ tới những cảm xúc mãnh liệt trong đêm cứu sinh linh bé ấy để tìm lại động lực, để tiếp tục làm phần việc lặng lẽ, phải chịu nhiều nghi ngại nhưng vô cùng ý nghĩa này…

Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, bà Nhiệm chép miệng bảo: “Ở đời, mỗi người sinh ra đều là một điều may mắn. Ai cũng có quyền được sống, được yêu thương. Các em bé bị bỏ rơi, bị đấng sinh thành vứt vội với thái độ sống chết mặc bay thật quá đáng thương. Ước gì…”.

Ngọc Tiến


giadinh.net.vn

Trả lời về thắc mắc: Có cần cầu nguyện cho các Thai Nhi hay không?

Chắc câu hỏi này liên quan đến các bào thai bị giết trong bụng mẹ, tức là bị phá thai (abortion), như thực trạng đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới hiện nay... Đây là một tội ác, một trọng tội xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi sự sống của con người và vạn vật trong vũ trụ hữu hình này.

Nhưng tiếc thay, không những ở các quốc gia vô thần, mà ngay ở các quốc gia có truyền thống Kitô Giáo lâu đời như Pháp ,Ý, Đức, Tây Ban Nha, Canada và nhất là ở Hoa kỳ, việc phá thái đã được công khai cho phép, khiến hàng triệu thai nhi đã bị giết ở Mỹ mỗi năm. Đây là một sỉ nhục cho niềm tin Kitô Giáo mà đa số người Mỹ vẫn tự nhận mình làChristians, là tín đồ của các giáo phái Tin lành, Chính Thống và Công Giáo La Mã, nhưng có rất nhiều phụ nữ đã phá thai, hay phụ giúp vào việc này.

Liên quan đến các bào thai bị giết khi còn đang phát triển trong lòng mẹ, chúng ta tin chắc rằng các bào thai này hoàn toàn vô tội vì chưa được sinh ra mà đã bị giết nên, không thể được rửa tội để được tha hậu quả của tội nguyên tổ (original sin). Còn tội cá nhân, thì chúng chưa được sinh ra, nên cũng không thể có tội cá nhân được. Vì thế , chúng ta không cần phải cầu nguyện cho chúng vì chúng hoàn toàn vô tội, và xứng đáng được Chúa nhân lành đón nhận vào Nước Hằng Sống. Các bào thai này thực đáng thương vì bị tước mất quyền sống bởi chính cha mẹ và xã hội vô luân, vô tín ngưỡng.

Như vậy, có cầu xin, thì phải cầu cho những ai đã hay sắp phá thai, hoặc giúp cho việc phá thai được thành tựu, để họ nhận biết tính chất nghiêm trọng của việc sai trái này mà từ bỏ, cũng như ăn năn sám hối vì vô tình hay cố ý phạm tội sát nhân này.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

(http://www.conggiaovietnam.net)

Việt Nam: Linh hồn trẻ thơ và những nấm mộ không tên

Theo báo chí Việt Nam, mới cách đây ba ngày, một người dân tại xã Nhị Khê huyện Thường Tín, Hà Nội khi ra mương thả vịt đã vớt được một chiếc hộp carton trong có đựng một xác thai nhi nữ. Cùng với một số người dân địa phương chôn cất bé gái xong, chưa kịp hoàn hồn thì một tiếng đồng hồ sau ông lại phát hiện thêm một hộp carton nữa - lần này là một thai nhi nam cũng đã chết, và ông lại đem đi chôn.

Nghĩa trang Đồng Nhi dành cho các hài nhi bị chối bỏ
tại núi Hòn Thơm, Khánh Hòa do ông Tống Phước Phúc xây dựng.
Những cái tin tương tự xuất hiện thường xuyên trên báo chí trong nước, khi thì một người lượm rác, khi thì một người đi đường tìm thấy một xác thai nhi bỏ rơi đâu đó. Đã trở thành chuyện thường ngày, ít được ai chú ý, khi Việt Nam hiện là nước đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về tỉ lệ nạo phá thai.

Theo thống kê của Ủy ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình, tại Việt Nam mỗi năm có 1,2 đến 1,6 triệu trẻ em được sinh ra, và cũng có bằng ấy bào thai bị phá bỏ. Điều đáng ngại là tỉ lệ vị thành niên phá thai ở Việt Nam cao gấp nhiều lần so với các quốc gia khác.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà, trưởng khoa Sản bệnh viện Từ Dũ ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các thiếu nữ đi phá thai có tuổi đời ngày càng trẻ, bất chấp các nguy cơ cho sức khỏe khi phá thai. Bên cạnh đó là những ảnh hưởng tâm lý về sau này.

Tình trạng phá thai ở Việt Nam hiện tại vẫn còn nhiều chứ chưa có giảm đâu, và giới trẻ chiếm tỉ lệ khá cao. Trước đây tuổi khoảng chừng trên 18 chiếm cũng nhiều, nhưng bây giờ tuổi vị thành niên 15, 16 cũng có. Tôi nghĩ là do cách sống, du nhập văn hóa phương Tây chẳng hạn, hay những hình ảnh, phim trên mạng giới trẻ xem một cách không chọn lọc. Việc ngừa thai cũng không được áp dụng một cách rộng rãi. 
Đặc biệt số phá thai nằm trong nhóm dân trí thấp như công nhân, nhất là công nhân ở quê lên làm việc. Xa nhà, sống tập thể, rồi những ngày nghỉ lễ, Chủ nhật nam nữ tập trung gần gũi dễ làm cho có thai. Mấy em đó lại không hiểu biết cách ngừa thai, cũng không hề biết ảnh hưởng của việc phá thai như thế nào. Cho nên nhóm dân trí thấp thì tình trạng này nhiều. Còn những người hiểu biết thường tỉ lệ phá thai thấp. 
Tuổi càng trẻ mà phá thai thì nguy cơ về chuyện sinh sản sau này khá cao. Những nguy cơ của việc bỏ thai có thể là: sót nhau, nhiễm trùng, thủng buồng tử cung hoặc hiếm muộn về sau. Đó là chưa kể những nguy cơ nặng nề nữa. Thí dụ có những em vị thành niên không biết mình có thai, đến khi thai lớn 17, 18 tuần chẳng hạn, lúc đó gia đình mới phát hiện, tha thiết xin bỏ thai. Việc bỏ thai to như vậy rất là nguy hiểm. Cũng có một số trường hợp vì những lý do đặc biệt mà phải bỏ thai, thì ảnh hưởng lên em bé rất là nặng nề. 
Còn giả sử không phá thai đi nữa mà để đẻ ra, còn là gánh nặng cho xã hội và cho gia đình. Các em nhiều khi không muốn nuôi con, hoặc không có điều kiện chăm sóc em bé. Còn nuôi thì việc nuôi nấng không được như ý muốn. Và tương lai của các em vị thành niên có thai thì các em ấy không học hành tới nơi tới chốn, có nghề nghiệp ổn định, vấn đề kinh tế tài chính về sau không thuận lợi lắm. Cuộc sống sau này của các em không phải là tốt. Cho nên việc phá thai như vậy ảnh hưởng khá lớn đến tương lai của các em đó.
Theo tiến sĩ Lê Thị Thu Hà, biện pháp phá thai nội khoa được dùng rộng rãi hơn trước đây. Một điểm khác biệt nữa so với thời trước, là có linh hoạt hơn trong việc phá các bào thai to đối với các trường hợp đặc biệt, vì sự an toàn của thai phụ.
Nếu biết có thai sớm, tuổi thai dưới 7 tuần thì biện pháp thường là phá thai bằng thuốc, tức phá thai nội khoa. Trong bệnh viện, phá thai nội khoa như vậy có thể áp dụng tới tuổi thai 9 tuần – 9 tuần vô kinh tính từ ngày kinh đầu tiên tới ngày phát hiện có thai. Phương pháp phá thai nội khoa này có ưu điểm là không làm tổn thương lòng tử cung như phá thai ngoại khoa là nạo phá thai. Khi dùng những dụng cụ như vậy có thể làm cho lủng buồng tử cung hoặc nhiễm trùng, xây xát, ảnh hưởng tới tử cung nhiều hơn. 
Tuy nhiên phá thai nội khoa cũng không hẳn là tốt: có thể làm cho lượng máu ra nhiều hơn, kéo dài nhiều ngày hơn, và cũng có nguy cơ nhiễm trùng. Cũng có một số chống chỉ định đối với phá thai nội khoa, thí dụ có một số người bị bệnh tuyến thượng thận, hoặc bệnh tim mạch hay bệnh suyễn cũng không được sử dụng. Và một tác dụng phụ của nó là đau bụng. Có người đau bụng dữ dội, hoặc có khi xuất huyết ồ ạt phải vô viện cấp cứu. 
Một điểm khác biệt nữa so với trước, là mình nâng tuổi thai lên đối với phá thai ngoại khoa. Hồi trước 12 tuần thôi, bây giờ có thể tuổi thai lớn hơn, từ 12 đến 18 tuần. Không phải là khuyến khích việc phá thai to như vậy, nhưng đã mở rộng tuổi thai trong việc phá thai ngoại khoa cho những trường hợp đặc biệt.
Tại vì trước đây khi hạn chế tuổi thai thì những em phá thai trên 12 tuần ra ngoài làm chứ không vô bệnh viện, không vô hệ thống y tế của Nhà nước. Thành ra tai biến của phá thai ngoại khoa rất lớn. Do đó Bộ Y tế mới chủ trương mở rộng tuổi thai có thể phá được.
Một nữ hộ sinh cho biết, cách đây hơn một chục năm, vì ý thức kém nên nhiều phụ nữ thường để đến khi thai được nhiều tuần tuổi mới đến bệnh viện xin phá bỏ. Cô tả lại những hình ảnh khủng khiếp đối với những bào thai bị tước mất quyền sống.
Bây giờ người ta phá thai sớm lắm, chứ không trễ như hồi xưa nữa. Với lại hồi xưa phải lên bàn hút ra, bây giờ có loại thuốc uống để tống ra, cho nên không ghê gớm như xưa. 
Hồi xưa để thai to lắm, tới gần năm, sáu tháng mới phá. Thậm chí có những đứa sanh ra nặng ký mốt, ký hai, còn 8, 900 gram là chuyện bình thường. Phá thai to thì người ta phải đặt túi nước gọi là cô-vắc để kích thích sự chuyển dạ, sanh bé ra. Có những đứa sanh ra vẫn còn sống, biết khóc oe oe, có bé trai còn tiểu bắn cầu vồng lên luôn. 
Khi lấy thai ra, để nằm đó đợi cho chết hẳn rồi mới đem đi. Có những đứa vài tiếng sau chết, có những đứa sống dai lắm, khóc oe oe như mèo kêu. Còn bây giờ dân trí cao hơn, biết đi phá sớm nên đỡ hơn, ít có phá thai to như ngày xưa, với lại bệnh viện cũng ít làm lắm. 
Khi phá thai to, người ta gắp ra từng phần – cánh tay, cẳng chân, thậm chí dùng kềm bóp bể sọ. Ghê lắm! Bây giờ không còn những sự khủng khiếp như vậy nữa.

C
ó những cô gái lỡ lầm tự sinh con rồi tự giết hại giọt máu của mình đem vứt đi, những thai nhi bị phá bỏ tại các cơ sở y tế thì bị coi như rác y tế. Có một người đàn ông ở Khánh Hòa đưa vợ đi sanh, khi nhìn thấy xác một bé sơ sinh bị bỏ rơi đã không nén được xúc động, xin bệnh viện mang về chôn cất. Sau đó, ông mua một mảnh đất trên núi Hòn Thơm, tiếp tục đến các bệnh viện xin xác các thai nhi đem về chôn tại đây.

Từ năm 2004 đến nay, đã có đến 10.500 sinh linh bé bỏng được hương khói tại nghĩa địa Đồng Nhi này. Người đàn ông tốt bụng ấy chỉ là một thợ xây bình thường – ông Tống Phước Phúc, cư ngụ tại số 56/3 Phương Sài, thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa. Ông Tống Phước Phúc kể lại:

Khánh Hòa là một thành phố du lịch đông khách thập phương, rồi những chị em tụ về đất Nha Trang làm ăn, trong đó tình trạng sống chung trước hôn nhân quá nhiều nên mới có chuyện phá thai. 
Tôi làm việc này từ ngày 13/07/2004 đến giờ. Ngày đầu tiên đưa vợ đi sinh ở bệnh viện, tôi thấy người ta vứt bỏ những thai nhi. Mình là người Công giáo, thấy đó cũng là một linh hồn, một con người. Mình muốn cho các cháu có một nấm mồ ấm cúng, nên về đi mua đất rồi lập nghĩa trang riêng cho các cháu. Đã làm hơn mười năm nay. 
Lúc đầu năm 2004 phải đi tới từng cơ sở y tế để xin. Mười năm qua thì ai cũng biết rồi, bây giờ chỉ cần một cú điện thoại là đi tới lấy bất kể ngày hay đêm. Lúc nào cũng sẵn sàng cái điện thoại, không bao giờ để hết pin. Từ đó mình làm nhân rộng ra thì mới có được nhiều nghĩa trang của thai nhi. 
Nghĩa trang đặt trên núi Hòn Thơm, mình mua năm 2004 giá 10 triệu, lúc bấy giờ cũng hơn cây vàng, để dành cho các cháu. Mình chôn thì những trẻ chưa thành hình được đưa vào cái niêu đất, lấy silicon đóng lại. Những đứa đã hình thành, có chân tay – thai nhi trên ba tháng, thì mình đóng một cái quách để chôn các cháu. Mộ thì xây hộc, bỏ các cháu vào rồi lấp xi măng lên. Vì mình làm nghề xây dựng nên tự tay mình làm hết. 
Tính đến ngày hôm nay là 10.500 mộ. Mình là người Công giáo nên khi mang về tự đặt tên thánh cho các cháu thôi, hy vọng lòng thương xót của Chúa sẽ thứ tha hết mọi lỗi lầm của cha mẹ. Có những đứa khi mình đem về chân tay bị cắt ra từng khúc vì hút không ra được, nhiều cảnh rất thương tâm. Mình coi tất cả như là con mình hết. 
Như ngày hôm nay mình đem về để ngay trên bàn thờ đây là được mười hai cháu, chuẩn bị mai đi chôn. 
Không chỉ chôn cất thai nhi, người tín đồ Công giáo này còn sẵn sàng nuôi dưỡng các cô gái lỡ mang bầu muốn phá thai, thuyết phục các cô ở lại nhà mình để sinh con thay vì phá bỏ. Ông cũng sẵn lòng nuôi dưỡng các cháu bé được sinh ra, khi nào người mẹ có sinh kế ổn định muốn nhận lại con thì ông sẽ trao lại. Cho đến nay, đã có hơn 100 em bé được chào đời thay vì phải chết tức tưởi, và nhà ông lúc nào cũng rộn ràng tiếng trẻ con. 
Trong khoảng thời gian mình đang làm năm 2004, mình thấy những người mẹ trẻ có ý định vứt bỏ con thì mình khuyên không nên bỏ. “Khó khăn thì về ở với chú, chú nuôi cho! Từ 2004 tới giờ mình nuôi hơn một trăm người mẹ lầm lỡ tại nhà mình để chờ ngày sinh con. Đã có hơn một trăm đứa trẻ sinh ra tại 56/3 Phương Sài. 
Khi đem về nuôi, mình chỉ khuyên một điều là con về sống ở giữa đời thường, con thấy những chị em giống như con thì con cứ giới thiệu tới với chú, là con đã giúp cho đứa bé khỏi chết oan. Thì đó, cứ truyền miệng đi cho tới ngày hôm nay.Hiện đang còn năm cô gái trẻ đang chờ ngày sinh nở tại mái ấm của Phúc đây. Một phần các em sinh viên thì sợ nhà trường biết, sợ gia đình biết cho nên muốn bỏ những đứa bé đi. Mình cũng tạ ơn Chúa là các cô không đến với mình một lúc mười lăm, hai chục em, mà khoảng năm bảy em. Những em này đi thì năm, bảy em khác tới, coi như trong nhà mình lúc nào cũng có các bà bầu. 
Cũng nhờ nguồn động viên lớn nhất cho mình là vợ và hai đứa con, ai cũng thương đám trẻ đó. Nếu mình không cứu sống thì đã trở thành những thai nhi mà hàng ngày mình phải liệm và chôn cất các cháu. Bây giờ những đứa trẻ này lớn rồi. Đứa lớn đã học lớp 4, nhỏ thì học mẫu giáo. Hè tới đây là tám đứa vô lớp 1 nữa. Lúc nào trong nhà mình cũng có trẻ đi lớp 1 hết. 
Và cũng hơn năm chục người mẹ trẻ đã quay lại đón con về với gia đình rồi, sau thời gian đi làm ăn có tiền thì tới để nhận lại con, đi cùng với ông bà ngoại tới đón con về
Nỗi lo của ông Tống Phước Phúc hiện nay là tiền ăn học cho đám trẻ ngày càng nặng:
Mình nuôi cả trăm đứa rồi, những đứa nhỏ vẫn bi bô học mẫu giáo ở nhà. Rồi tới tuổi đi học thì mình xin đăng ký cho học trường công, sáng chở đi rồi chiều đón về. Bắt đầu từ lúc này mình hơi vất vả về chuyện học, vì ăn học ở Việt Nam phải tự lo hết việc đóng tiền. Thôi cũng cố gắng phú cho trời, cho Chúa, Mẹ lo cho các con.
Một trong những lý do khiến các cô gái mang bầu quyết định phá thai là do sợ dư luận, định kiến xã hội. Từ mười mấy năm qua, đã xuất hiện những “mái ấm”, tức các cơ sở xã hội để những thiếu nữ lỡ lầm có thể nương náu cho đến khi sinh con. Một trong những cơ sở đầu tiên là Mái ấm Mai Linh của dòng Nữ tu Bác Ái ở Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập từ năm 2002, đến nay đã giúp 600 cháu bé được sinh ra làm người thay vì bị phá bỏ. Sơ Mađalêna kể:
Việc này chúng tôi, dòng Nữ tu Bác ái Vinh Sơn làm lâu rồi. Hồi trước chúng tôi có mấy sơ làm ở Từ Dũ, có một sơ chuyên tư vấn cho các em. Khi biết có ý định như vậy, thì mới nói nếu muốn giữ thai sẽ giúp tạo điều kiện. Hồi đó chưa có nhà riêng, phải đi mướn nhà trọ cho các em ở. Bây giờ có xây được một căn nhà cho các em rồi – hình như miếng đất đó có người cho – xây căn nhà cấp 4. Sau đó năm 2006 sửa lại. 
Chúng tôi cho các em đóng góp một phần tiền ăn, chi phí sanh nở thì gia đình lo. Trường hợp nào khó khăn lắm thì chúng tôi miễn giảm tùy theo, còn nếu xác minh đúng thật là khó khăn thì giúp hoàn toàn từ A đến Z. 
Bây giờ trong thành phố này rất nhiều mái ấm. Hồi xưa khi chỉ có chúng tôi thì đông lắm, có thể lên tới hai mươi mấy em ở đây, còn bây giờ đông nhất là mười một em - ra vào thay đổi, khi năm sáu, khi bảy tám em. Trong số của chúng tôi cho đến hiện tại đã có trên 600 ca rồi. Có đủ giới hết, học sinh có, công nhân có, và cỡ tuổi nào cũng có hết.
Về tình trạng phá thai hiện nay, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hà nhận xét:
Số lượng phá thai nếu tính theo mỗi năm thì năm 2013 giảm so với năm 2012 tại bệnh viện Từ Dũ. Có nhiều lý do, trong đó có lý do năm tốt hay không tốt, như năm Thìn, Tỵ, Ngọ…Năm càng tốt thì số lượng người có thai càng nhiều, năm không tốt lỡ có thai người ta muốn bỏ thai nhiều. Tùy thuộc nhiều yếu tố chứ không đơn thuần là ý thức của bản thân người phụ nữ. 
Phá thai nhiều lần cũng có. Bây giờ việc quan hệ tình dục ở giới trẻ có vẻ “mở” hơn trước đây. Nhiều em quan hệ tình dục trong khi không có định hướng gì cho tương lai, nên số lượng bỏ thai cũng khá nhiều. Mỗi ngày ở khoa Kế hoạch gia đình có thể là tới 400 ca, không chỉ tuổi vị thành niên vì chưa thống kê lứa tuổi.
Chỉ riêng ở một bệnh viện mà số lượng phá thai trung bình mỗi ngày lên đến khoảng 400 ca, cho thấy tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam vẫn đang ở mức báo động. Cùng một ngày, có đến 12 thai nhi bất hạnh chờ được đem chôn cất, tại nhà ông Tống Phước Phúc…Liệu có bao giờ giảm bớt được thảm trạng này?

Tại các nước phát triển, các bà mẹ đơn thân không hề bị kỳ thị, mà còn được hưởng trợ cấp nuôi con. Những phụ nữ vì lý do nào đó muốn bỏ rơi đứa bé, thì tại Pháp có chế độ sinh con không cần để lại danh tính (né sous X). Ở Đức có những “hộp dành cho em bé” được sưởi ấm và có hệ thống báo động, để những người mẹ này có thể lặng lẽ đặt đứa bé sơ sinh vào, sau đó yên tâm rằng con mình sẽ được xã hội chăm sóc.

Có lẽ đối với Việt Nam, việc tăng cường giáo dục giới tính, thành lập mạng lưới tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên là những biện pháp cần thiết trước mắt. Để những nấm mồ vô danh của những hài nhi vô tội không còn mọc lên thêm mỗi ngày, những sinh linh được sinh ra, lớn lên và sống trọn kiếp người.

Thụy Mi
RFI

Cơ duyên kỳ lạ trở thành người “cứu rỗi” sinh linh yểu mệnh

Nhiều năm qua, ngày nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị Nhiệm (SN 1960) vẫn đi làm cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Không kể mưa nắng, như lịch trình đã sắp đặt sẵn, bà đi đến các bệnh viện, phòng khám tư để đưa xác hài nhi mang về chôn cất.

Đến thời điểm này, sau 10 năm “hành nghề”, những ngôi mộ bà tự tay xây cất ngày nào đã trở thành nơi yên nghỉ của hàng nghìn sinh linh xấu số.

Bà Nhiệm ngồi tâm sự về nghề “kinh dị”. Ảnh TG

“Nghề” chẳng giống ai

Nói đến thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội, nhiều người biết đến một nơi đặc biệt, đó là nghĩa trang chôn cất thai nhi. Nhưng không phải ai cũng biết được rằng, phía sau những sinh linh bé nhỏ không may mắn ấy có đôi bàn tay nhân hậu của một người phụ nữ. Bà đã từ bỏ tất cả để có thể thực hiện điều mình mong muốn từ thuở còn cắp sách đến trường.

Trong căn nhà gỗ đơn sơ, bà Nhiệm kể về cái duyên đến với nghề được cho là “quái dị” này: “Tôi đến với công việc này rất tình cờ, manh nha trong suy nghĩ từ khi tôi mới chỉ hơn 10 tuổi. Ngày ấy, có một người quen đến xin ngủ nhờ, cô ấy kể với tôi rằng ở quê nhà cô ấy có một bệnh viện, ở đó có nhiều phụ nữ phá thai rồi đem bỏ những “sản phẩm” ấy đi. Chứng kiến nhiều lần như thế, gia đình cô ấy không nỡ để những sinh linh bé nhỏ đó bị bỏ rơi, nên họ đã đem về rồi tìm chỗ chôn cất. Từ đó, trong đầu tôi luôn nghĩ, lớn lên mình cũng phải làm một điều gì có ý nghĩa tương tự như vậy. Thời gian trôi đi, ý nghĩ đó càng không nguôi ám ảnh trong đầu. Tôi tự nhủ, họ làm được thì mình cũng có thể làm được”.

Rồi như một mối duyên nợ, cái nghề ấy đã đến với bà một cách tình cờ: “Một buổi sáng cách đây hơn 10 năm, khi tôi đang đi chợ, có mấy đứa trẻ con chơi ở ven đường cứ túm năm tụm ba vào bảo có xác chết trong một túi nylon màu đen. Tò mò, tôi tạt vào xem, lúc ngó vào tôi bàng hoàng khi thấy đó là xác một thai nhi. Chứng kiến cảnh tượng ấy, cái cảm giác khi nghe câu chuyện hồi nào hiện lên mồn một trong tâm trí tôi. Tôi buộc chiếc túi lại, thả vào giỏ xe đạp đi về nhà, quên cả việc mình đang đi chợ”.

Về đến nhà, bà Nhiệm nói chuyện với mọi người trong gia đình về việc mình vừa nhặt được xác một thai nhi và tìm xem có chỗ đất nào đem chôn. Khi nghe bà nói vậy, mọi người tính đi tính lại xem có nên mang đi chôn hay không, vì ai cũng sợ bị người dân phản đối, nhưng sau cùng mọi người đều đồng ý. Ban đầu, bà Nhiệm tính chôn ở khe những ngôi mộ của người lớn, nhưng lại sợ người viếng mộ vô tình dẫm lên. Trong lúc đang phân vân, bà chợt nhớ ra trong xóm vẫn còn một mảnh đất, bên dưới là một cái hố mọc cỏ dại. Ai cũng thấy hợp lý nên xuống hỏi cha xứ ở nhà thờ gần đó; được sự đồng ý của cha, gia đình bà Nhiệm đã chôn cất cho sinh linh bé nhỏ không may mắn.

Ngôi nhà đơn sơ nơi bà Nhiệm sinh sống. Ảnh TG
Từ hôm đó, hình ảnh của những sinh linh bé nhỏ luôn hiện lên trong đầu bà Nhiệm. Sau những đêm trằn trọc, bà tự động viên mình rằng đó là một công việc thiện, nếu ai là bà trong hoàn cảnh đó cũng sẽ làm như vậy. Thời gian trôi đi, trong một lần bị ốm, bà Nhiệm có đến phòng khám tư khám bệnh. Trong lúc ngồi chờ, bà xót xa chứng kiến nhiều cô gái còn rất trẻ tới phá thai. Về nhà, bà không tài nào ngủ được, trong đầu luôn thôi thúc cần phải làm điều gì đó. Đến gần sáng, bà đã quyết định mình sẽ đến các bệnh viện, phòng khám rồi xin xác hài nhi về chôn cất. Và rồi cũng từ đó, bà đã lựa chọn công việc đặc biệt: nhặt xác thai nhi, một công việc chẳng giống ai.


Sợ nhưng không từ bỏ

Với sự quyết tâm, bà Nhiệm đã nói chuyện với chồng và con về tâm nguyện ấy. Nghe bà nói vậy, gia đình đã kịch liệt phản đối, ai cũng khuyên bà từ bỏ cái suy nghĩ “quái dị” đó, thậm chí nhiều lần hai vợ chồng bà mâu thuẫn nặng nề. Hàng xóm láng giềng thì nhiều người phê phán, tưởng bà bị điên, gàn dở, tự nhiên lại đi đem xác chết về làng. Duy chỉ có người em của bà Nhiệm đang đi tu có khuyên bà nên làm việc đặc biệt này.


Đại gia đình nhà bà Nhiệm. Ảnh TG
Không từ bỏ ý định, bà đã vượt qua những lời bàn tán, nói ra nói vào của hàng xóm, đặc biệt là bà đã thuyết phục được gia đình mình đồng ý cho mình đi làm công việc đó. “Mới đầu mình làm cái công việc này, người ta chê cười, từ già đến trẻ đều nói mình, thứ nhất là chôn hết đất người ra, rồi sẽ gây ô nhiễm, bệnh tật. Có người còn nói thẳng vào mặt mình là “mày dở người à? Ai lại rỗi hơi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như thế”. Lúc đó tôi cũng lo sợ lắm, nhưng tôi vẫn quyết định không từ bỏ, việc mình mình làm, đó có phải là việc xấu đâu chứ”, bà Nhiệm chậm rãi cho biết.

Bà kể, mới đầu bà đến hết bệnh viện này đến bệnh viện khác xin những thai nhi xấu số về để chôn cất. Hầu hết mọi nơi đều từ chối, vì không ai hiểu bà xin xác thai nhi về để làm gì. Qua dòng hồi tưởng của mình, bà chia sẻ: “Tôi chỉ đi quanh khu vực Hà Nội và những nơi nào có những phòng khám hút thai quanh địa bàn huyện Sóc Sơn để hỏi xin xác thai nhi. Lúc mới đầu mình đến xin, họ không cho mình ngay đâu, hầu hết qua quen biết thì người ta mới cho. Thường thì những chỗ nào có biển nạo hút thai thì mình vào xin, nhưng những cơ sở này đa phần là những cơ sở tư nên cũng gặp nhiều khó khăn. Những chỗ đó số lượng có nhiều, vì thực tế các thiếu nữ nhỡ nhàng đều muốn “xử lý” ở ngoài chứ không thích vào bệnh viện rất mất thời gian, rồi ghi giấy tờ và chờ đợi”.

Trong suốt những ngày làm công việc đặc biệt đó, phương tiện mà bà Nhiệm sử dụng là chiếc xe đạp đã cũ, nếu ở xa thì bắt xe buýt, về sau bà thỉnh thoảng lại nhờ được đứa cháu chở rồi bà trả tiền xăng đi lại. Có lần trong túi đã hết tiền, lại đến gần đêm mới xong việc, không còn xe bus nữa, bà đành phải bắt xe ôm về nhà. Tốn kém, nhưng miễn hoàn thành công việc là bà vui lắm rồi. Những lần xin được thi thể của các cháu không may bị bỏ rơi, bà đem về nhà tắm rửa sạch sẽ, rồi khâm liệm, sau đó cho vào những cái tiểu sao cho vừa đủ rồi mới đem đi chôn cất.

Những ngày đầu, điều khó khăn nhất chính là tìm địa điểm để chôn các em nhỏ. Cuối cùng bà Nhiệm đã bàn bạc với gia đình tình nguyện cho một mảnh đất để chôn cất thai nhi. Về sau, do diện tích vẫn còn nhỏ, tính đi tính lại mãi, cuối cùng bà cũng xin được mảnh đất 50m2 để xây dựng nghĩa trang. Thậm chí, bà còn đổi phần đất của mình cho một người em để bà có thể hiến thêm một mảnh đất nữa. Thế là diện tích nghĩa trang lên đến hơn 500m2, bao gồm mảnh đất 50m2 xin được và phần đất nhà bà. Đến năm 2007, nơi đây dần dần trở thành nghĩa trang chuyên chôn cất hài nhi, đã có đến hàng trăm ngôi mộ đã được xây dựng kiên cố. Cũng từ đây bà Nhiệm càng có động lực để có thể đi tìm kiếm những xác thai nhi không may mắn và rồi trong những chuyến đi đó, bà gặp nhiều câu chuyện mà đến bà cũng không thể ngờ được…


“Tôi chỉ có tấm lòng”

Chia sẻ về hoàn cảnh riêng, bà Nhiệm không kìm nén được cảm xúc, nghẹn ngào tâm sự, từ trước đến giờ gia đình bà vẫn làm nghề nông nghiệp là chính. Hiện giờ, nhà bà có bốn thế hệ chung sống cùng nhau, hai vợ chồng bà có sáu người con thì đã mất hai. Bản thân bà từ nhỏ đã được bố mẹ giáo dục và khuyên dạy nên làm những việc tốt. Khi học xong, bà ở nhà lao động phụ giúp gia đình. “Tôi chỉ có thể làm được công việc “quái dị” này giúp đời thôi, những việc to lớn, cao siêu khác tôi không làm được”, bà nói.

N.T

giadinh.net.vn

Cám ơn mẹ đã sinh con ra


Sinh ra trong cuộc đời có nhiều điều chúng ta cần phải cám ơn. Cám ơn Thượng Đế đã cho ta làm người. Cám ơn mẹ cha đã đón nhận chúng ta. Cám ơn cuộc đời đã cho ta niềm vui. Nhưng, xem ra chúng ta ít cám ơn về món quà sự sống mà Thượng Đế và mẹ cha đã ban tặng cho chúng ta. Có mấy ai đã một lần cám ơn mẹ cha đã sinh ra chúng ta?

Có một người con gọi về cho mẹ:

- Alô, Mẹ đó ạ?

- Ừ, C đó hả?

- Dạ…

- Có chuyện gì không con?

- …Dạ, không Mẹ… hôm nay sinh nhật con…

- Ờ nhỉ, Mẹ quên mất! Già rồi nên chẳng nhớ nổi ngày sinh của mấy đứa con.

- Không sao đâu Mẹ ạ. Con… con chỉ muốn nói với Mẹ rằng… hôm nay sinh nhật con, con muốn cám ơn Mẹ đã sinh ra con. Món quà sinh nhật quý giá nhất Mẹ đã tặng cho con.

Hóa ra món quà quý nhất cho ngày sinh nhật của chúng ta là tình yêu của mẹ. Mẹ đã cho chúng ta một ngày sinh nhật thật tuyệt vời bên lòng mẹ, với tiếng khóc chào đời trong niềm vui của mọi người. Mẹ đã tặng chúng ta sự sống, tình yêu, lòng quảng đại đón nhận chúng ta làm con của mẹ. Có biết bao đứa trẻ bất hạnh đã bị mẹ từ chối cho sinh ra. Có biết bao đứa trẻ ao ước được mừng một lần sinh nhật trong cuộc đời mà không có. Thế nên, ta được sinh ra, được mừng sinh nhật đầu đời là hạnh phúc to lớn mà chính mẹ tặng ban cho chúng ta.

Thế mà, chúng ta dường như chưa bao giờ cám ơn món quà của mẹ. Chúng ta cám ơn ai đó tặng ta con búp bê, cái khăn tay, cái móc khóa mà quên cám ơn mẹ đã tặng ta cả cuộc đời. Đôi khi còn đòi hỏi nơi mẹ điều này điều kia, vì tưởng rằng đó chỉ là bổn phận của mẹ phải làm cho con, mà quên rằng có biết bao bà mẹ đã từ chối đón nhận con, từ chối hy sinh cho con.

Hôm nay lễ Mẹ Maria được sứ thần truyền tin. Phúc âm ghi lại hành trình làm mẹ của Mẹ Maria thật cao cả, tuyệt vời. Mẹ đón nhận làm Mẹ của Con Chúa Trời trong sự đơn sơ khiêm tốn. Mẹ đón nhận thiên chức làm mẹ trong cái nhìn của đức tin để vượt qua mọi sợ hãi mà sinh Con Chúa Trời làm người. Nếu không có lòng quảng đại Mẹ đã khước từ gánh nặng của bóng thập giá ngay từ lúc truyền tin. Nếu không có đức tin Mẹ sẽ không đủ can đảm đón nhận thiên chức làm Mẹ vượt qua trí hiểu của con người. Mẹ Maria đã đón nhận mang trong mình một mầm sống trong niềm tín thác xin vâng.

Mẹ xin vâng dầu Mẹ chưa hiểu hết. Mẹ xin vâng dầu phải đối diện với nguy nan, vì sinh con mà không qua người đàn ông, chắc chắn theo luật Do Thái Mẹ phải chết... Thế nhưng, Mẹ vẫn tin vào quyền năng của Chúa sẽ bao phủ trên cuộc đời của Mẹ. Mẹ đón nhận tất cả với niềm tín thác nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.

Lạy Mẹ Maria, chúng con cám ơn Mẹ đã quảng đại đảm nhận vai trò làm Mẹ với Con Chúa Trời. Chúng con cũng cám ơn Mẹ đã quảng đại tiếp tục đón nhận chúng con làm con của Mẹ. Chúng con xin dâng hồn xác chúng con trong sự che chở, gìn giữ của Mẹ. Xin Mẹ xưa đã cưu mang, gìn giữ, nuôi nấng Con Chúa Trời thì xin Mẹ cũng che chở nâng đỡ từng cuộc đời chúng con. Và xin cho các bà mẹ trên thế gian biết vượt qua nỗi sợ hãi để sinh con ra trong cuộc đời. Xin đừng vì một chút sợ hãi của đói nghèo, của bệnh tật, của danh dự mà cướp đi sự sống của các thai nhi. Xin cho các bà mẹ luôn giầu lòng quảng đại để chấp nhận mọi đứa con theo thánh ý Chúa. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền


Theo VNRs

Vị linh mục tự tay chôn cất cho 6.000 thai nhi

Gần 3 năm nay, linh mục Nguyễn Văn Tịch (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã đưa hơn 6.000 sinh linh vô tội bị chối bỏ từ các phòng khám về nghĩa trang thai nhi.

Tại “phòng thai nhi” của mình, linh mục Nguyễn Văn Tịch thổ lộ: “Tôi cảm ơn đời đã cho tình yêu để đồng hành cùng với các thai nhi. Khi làm việc này, tôi không nghĩ xa xôi mà chỉ mong các thai nhi vô tội có một nơi yên nghỉ xứng đáng của một phận đời. Từng có người bảo tôi là mở nghĩa trang thai nhi chẳng khác nào khuyến khích mọi người cứ việc phá thai vì đã có chỗ chôn cất. Tôi không buồn mà vẫn cứ làm. Tôi làm công khai, chính quyền địa phương và mọi người trong khu vực đều biết. Họ rất ủng hộ tôi vì đây là công việc bác ái, từ thiện”.

Trên hành lang nhà xứ giáo xứ Tây Hải (phường Hố Nai), linh mục Tịch cơi nới thành một phòng để thai nhi rộng khoảng 4m2. Trong căn phòng này lúc nào cũng có hoa tươi và một tủ đông. Sau khi cúi mình thành kính, ông đưa tay đẩy cánh cửa tủ đông. “Đây là gần 100 thai nhi tôi đưa về khoảng nửa tháng nay”, ông nói.

Linh mục Nguyễn Văn Tịch đang tắm rửa cho một thai nhi.
Bên trong tủ có khá nhiều lọ to nhỏ, nắp màu vàng, đỏ… được sắp xếp ngăn nắp. Khá nhiều lọ chỉ là một cục máu đỏ sậm. Một số lọ đã cho thấy hình hài những đứa trẻ ngồi co quắp, mắt nhắm nghiền, sầu khổ, có lọ gắn cả tên người mẹ sinh ra đứa bé.

Ông bảo, có ngày ông nhận 5 thai nhi, có những thai nhi chỉ cần chờ thêm vài ngày là khóc tiếng khóc đầu đời. Mỗi thai nhi khi đưa về được chính tay cha Tịch tắm rửa sạch sẽ tại căn phòng này. Sau đó, thai nhi sẽ được cho vào lọ đã được sát trùng rồi để vào tủ đông.

Cứ thế đến cuối tháng, con số thai nhi vôi tội nằm trong tủ đông này lên đến khoảng 200. Cha Tịch cho biết sau mỗi tháng “thu gom” ông sẽ tiến hành làm thánh lễ thai nhi và đưa số thai nhi này ra nghĩa trang chôn cất. Riêng những thai nhi hơn 6 tháng tuổi, sau khi đưa về sẽ được hỏa thiêu mới đem chôn.

Địa bàn ông đi “thu gom” thai nhi chủ yếu ở TP Biên Hòa với 7 phòng khám tư nhân. Các bệnh viện nhà nước ông vẫn chưa tiếp cận được. “Tôi đã làm đơn gửi Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đề nghị được nhận các thai nhi về chôn cất nhưng vẫn chưa nhận được trả lời”, cha Tịch cho biết.

Một số trường hợp bố mẹ trực tiếp đem con đến gửi chôn cất. Có gia đình bảy lần đem con đến nằm lại trong cái tủ đông. Có những người tận TP HCM cũng xin được gởi con nằm lại trong nghĩa trang hài nhi của cha Tịch.

Chiếc tủ đông với những chiếc lọ đựng các thai nhi.

Cha Tịch kể: "Trước ngày tôi đến ông nhận được 4 cú điện thoại từ TP HCM của 4 trường hợp muốn bỏ con. Sau khi nghi cha Tịch khuyên nhủ hai trường hợp quyết giữ lại con, một trường hợp do dự và một nhất quyết bỏ con. “Họ bỏ con dễ dàng quá, tôi đã nói hết cách rồi, thật buồn khi biết mà không cứu được các sinh linh nhỏ bé”, ông buồn bã.

Theo cha Tịch, trong số những người bỏ con, phần lớn là công nhân, học sinh - sinh viên, thậm chí trẻ vị thành niên. Anh Phạm Quốc Vinh, một người đi nhận thai nhi, cho biết cứ sau mỗi dịp lễ tết một thời gian, số lượng thai nhi anh nhận được từ các phòng khám tăng đột biến.

Nghĩa trang thai nhi rộng khoảng 100m2. Đây là mảnh đất được những người hảo tâm góp tiền mua rồi biếu tặng cha Tịch. Một công viên nghĩa trang hài nhi đã thành hình với cây xanh và hoa cỏ. Theo linh mục, ở đây có tới 6.000 sinh linh đang được chôn cất. Sau khi đầy một lớp thai nhi sẽ được phủ một lớp xi-măng. "Với tốc độ số lượng thai nhi được nhận như hiện nay, thì có lẽ chẳng bao lâu nữa sẽ không còn chỗ cho những sinh linh 'đi sau, đến muộn' do quỹ đất có hạn”, cha Tịch băn khoăn.

Điều đáng mừng là dường như “tốc độ nạo phá thai” đang có chiều hướng giảm dần. Anh Vinh cho biết, nếu như trước đây mỗi tháng anh nhận được khoảng 300 thai nhi thì giờ đã giảm xuống còn hơn một nửa.


Linh mục Nguyễn Văn Tịch đang nâng niu một lọ đựng thai nhi được lấy ra từ tủ đông.
“Tôi cũng nghĩ rằng việc làm của mình đang có những tác động ít nhiều đến xã hội, nhất là tình trạng nạo phá thai trong khu vực. Thực tế tình trạng nạo phá thai trong khu vực đang giảm dần. Trong mỗi thánh lễ thai nhi tôi đều khuyên nhủ mọi người về sự sống. Phải bảo vệ sự sống và ngừng việc phá thai”, cha Tịch cho biết.

Để công việc bảo vệ sự sống của mình hiệu quả hơn, sau khi thành lập nghĩa trang hài nhi, cha Tịch cũng lập nhà tạm lánh cho chị em lỡ mang thai. Tại nhà tạm lánh này, hiện có khoảng 30 chị em đang ở. Không chỉ có được chỗ ăn, chỗ nghỉ để chờ giờ “vượt cạn”, những chị em này còn được tạo công ăn, việc làm kiếm thêm thu nhập để trang bị cho mình khi nuôi con.

Theo linh mục Tịch, ông đang xây thêm một nhà tạm lánh cho phụ nữ lỡ mang thai. Ông cho rằng, chỉ cần cứu được 1-2 sinh linh là một việc đáng để làm cho dù đời có vất vả.

Ông Nguyễn Văn Niên, Chủ tịch UBND phường Hố Nai, Biên Hòa, Đồng Nai cho biết: "Tôi đã nghe rất nhiều về việc linh mục Nguyễn Văn Tịch làm nghĩa trang hài nhi. Tôi cho rằng đấy là một việc làm rất tốt mang đầy tính nhân bản trước tình trạng nạo phá thai hiện nay. Chính quyền địa phương đánh giá rất cao và ủng hộ việc làm này".

Theo Dân Việt

Nỗi ám ảnh đằng sau các vụ phá thai tại các khu công nghiệp

Công nhân tại các khu công nghiệp đa phần từ ngoại tỉnh về. Thiếu hiểu bết, thiếu va chạm, thiếu tình cảm và cả sự quản lý của gia đình đã khiến nhiều nữ công nhân nhanh chóng bước vào những cuộc tình không hứa hẹn, và hậu quả nặng nề, họ luôn là người gánh chịu. Có mặt tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, nơi tạm trú của trên 30 nghìn công nhân, chúng tôi đã chứng kiến không ít câu chuyện đau lòng.



Thai nhỏ hay to đều phá được

Trong vai một người đang có nhu cầu tìm chỗ tin tưởng để “giải quyết” cái thai gần 4 tháng tuổi cho một đứa em họ làm công nhân ở khu công nghiệp, tôi lân la hỏi vài người dân ven đường. Thật bất ngờ, khi tôi vừa buông lời hỏi có phòng khám sản khoa nào uy tín với vẻ mặt lơ ngơ, lập tức đã nhận được những chỉ dẫn cụ thể của một người bán nước: “Em định phá thai à, thai to hay nhỏ. Nếu thai nhỏ thì vào trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa Bắc Thăng Long. Nếu thai to thì đến phòng khám bác sĩ Trọng ở thôn Hậu, thai to hơn nữa thì đến phòng khám bác sĩ Nghĩa ở thôn Bầu”. “4 tháng có phá được không chị?” - tôi hỏi - “6-7 tháng cũng phá được hết. Cứ đến phòng khám của bác sĩ Nghĩa ý, trước đây bác làm ở Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, uy tín lắm”. Có vẻ như việc các nữ công nhân ở trọ nơi đây phá thai đã trở thành việc quá quen thuộc với ngay cả những người dân Kim Chung, khiến họ mặc định việc tìm đến phòng khám sản phần lớn là để phá thai.

Theo lời chỉ dẫn của chị bán nước, tôi tìm đến phòng khám bác sĩ Trọng ở thôn Hậu, xã Kim Chung. Khi nghe tôi trình bày muốn phá một cái thai gần 4 tháng, hai nhân viên ở phòng khám lắc đầu: “Ở đây chúng em không làm thai to như vậy. Chị qua chỗ phòng khám bác sĩ Nghĩa ở thôn Bầu ấy. Chị biết địa chỉ chưa…”.

Tôi lại quay ngược trở lại tìm đến phòng khám bác sĩ Nghĩa theo lời chỉ dẫn của nhân viên này. Trong phòng khám của bác sĩ có khá nhiều bệnh nhân. Chờ đến lượt mình, tôi trình bày hoàn cảnh có một cô em công nhân mang thai 12-13 tuần muốn nạo, chị này trả lời luôn: “Làm được. Em của chị có gia đình chưa?”. Tôi trả lời chưa và được tư vấn một mạch: “Thai to như vậy thì chi phí tương đối đắt đấy, phải gần 3 triệu. Tối nay chị mang em chị đến đây để siêu âm rồi làm luôn, bác sĩ cho đặt và ngậm thuốc để kích thích đẻ non, sau khi đẻ non xong thì em và bác sẽ nạo vét rau”. Tôi tỏ vẻ thắc mắc chi phí đắt thì cô giải thích: “Thai to thì chi phí phải đắt, vì lúc này thai đã đầy đủ bộ phận rồi, đẻ xong chúng em còn phải lo chôn cất nữa. Chị càng làm sớm càng tốt, nếu để lâu thêm thì càng đắt, cứ thêm 1 tuần là đắt thêm 500 nghìn đồng”. “Vậy chôn ở đâu?”. “Chôn ở nghĩa trang xã Kim Chung. Người nhà chị có thể đi cùng để thắp hương, hoặc không cũng được, chúng em sẽ có người lo”.

Rời khỏi phòng khám của bác sĩ Nghĩa, chúng tôi thực sự choáng váng. Một ca nạo thai to như vậy, một quyết định quan trọng như vậy lại chỉ cần những thỏa thuận, hướng dẫn sơ sài và đồng ý một cách dễ dàng như vậy. Trong khi đó, theo quy định thì các phòng khám sản phụ khoa tư nhân chỉ được phép nạo hút thai dưới 12 tuần tuổi, xử lý thai to phải có chỉ định và phải vào bệnh viện lớn mới có đủ thiết bị cấp cứu sản phụ khi có sự bất thường.

Người quản trang và những nấm mồ không có bia

Theo những thông tin của cô nhân viên ở phòng khám, tôi tìm đến nghĩa trang xã Kim Chung. Không khó để tôi nhận ra những ngôi mộ của các thai nhi xấu số. Đó là những ngôi mộ nhỏ hơn bình thường được xây sơ sài, nằm lạnh lẽo ở cuối nghĩa trang, một vài ngôi có ghi tên và ngày mất, còn lại hầu hết không có bia mộ. Có ngôi đã xây khá lâu nhưng gần như không được hương khói, khoảng gần chục ngôi đoán chừng mới được xây trước Tết, còn chưa chưa kịp hoàn tất mà chỉ là vài hàng gạch được xếp bao quanh.

Tìm mãi, cuối cùng tôi cũng gặp được ông Trần Văn Thế là quản trang của nghĩa trang Kim Chung. Khi được hỏi về những ngôi mộ thai nhi, ông Thế thở dài: Ở đây nhiều lắm, mỗi năm ít nhất cũng có chừng vài ba chục thai nhi được đưa về đây. Đấy là những thai lớn khoảng 3-4 đến 6-7 tháng, còn lại những thai nhỏ thì các phòng khám không làm việc với nghĩa trang để đưa đi chôn cất, họ bỏ đi đâu không rõ. Số thai nhi đem đến đây chôn cất nhiều đến nỗi nghĩa trang phải dự trữ sẵn hàng loạt tiểu dành riêng cho những trường hợp này để dùng. Mà đất nghĩa trang có hạn nên nhiều trường hợp phải chôn cùng một chỗ, nghĩa là tiểu trên, tiểu dưới thì mới đủ chỗ.

Theo ông Thế, hầu hết tất cả các thai nhi được chôn cất tại đây đều là của các công nhân ở những nơi khác đến chứ không có của người dân địa phương, nếu có thì là do thai nhi dị tật bẩm sinh, chết lưu. Còn lại các nữ công nhân thì muôn vàn lý do để đi đến phòng khám phá thai, người thì hoàn cảnh khó khăn, người thì bạn trai bỏ, người bị lừa, người thì bạn trai không đồng ý sinh con… “Cứ dịp gần Tết, là số lượng các thai nhi đưa đến đây chôn cất nhiều hơn hẳn, như dịp trước Tết cũng phải có gần chục ca. Chắc vì thời điểm này các công nhân về quê ăn Tết, họ sợ bị lộ nên phải đi phá thai. Từ Tết ra đến giờ cũng có hai trường hợp rồi” - ông Thế cho biết. Ông cũng cho hay, các phòng khám trên địa bàn xã Kim Chung cũng đã làm việc với quản trang, bất cứ lúc nào có ca nạo hút thai lớn thì sẽ có người ở nghĩa trang đến đem về chôn cất. Công việc này thường diễn ra khoảng lúc gà gáy sáng. Thường các thai nhi được cho vào các túi ni lông màu đen, khi người của nghĩa trang đem về sẽ mở ra, đưa thai nhi vào các tiểu sành nhỏ để chôn cất.

Tôi hỏi, vậy sau khi các thai nhi được chôn cất ở đây, bố mẹ các bé có đến hương khói không, ông Thế bảo: Cũng có những người mẹ, hoặc cả bố cả mẹ của thai nhi có mặt lúc chôn cất, hoặc có những trường hợp vài ngày sau sẽ tìm đến nghĩa trang, lúc này họ sẽ được quản trang chỉ cho phần mộ con mình để thắp hương. Những ngôi mộ có tên, có ngày mất là những ngôi mộ còn được người mẹ lo chôn cất, hương khói, còn lại những ngôi mộ vô danh thì do các phòng khám làm việc với quản trang, còn người mẹ thì không biết đứa con xấu số của mình nằm ở đâu. Những ngôi mộ được hương khói thì cũng chỉ một thời gian đầu, sau này cha mẹ các bé về quê thì cũng lạnh lẽo. Cứ dịp cuối năm, ông và những người làm việc trong nghĩa trang lại phải làm thay cái công việc của cha mẹ các hài nhi này, đó là thắp hương cho những linh hồn đáng tội nghiệp. Thi thoảng lại có một nữ công nhân, hoặc đôi khi là một cặp nam nữ đến nghĩa trang này thắp hương, khấn vái và sụt sùi khóc, chắc họ cũng ân hận, ám ảnh lắm.

Đừng để ám ảnh suốt đời

Ông Thế bảo, dù tiếp xúc nhiều với xác chết, dù số thai nhi đem đến nghĩa trang Kim Chung trở thành chuyện thường đến nỗi ông cảm thấy “quen” nhưng cũng có nhiều trường hợp ám ảnh ông mãi. Hình ảnh những thai nhi đã 6-7 tháng tuổi, hình hài một đứa trẻ rõ ràng nhưng lại co quắp, tím tái trong những túi ni lông khiến không ai khỏi xót lòng. Có cô gái trẻ chừng 18-19 tuổi có thai được gần 7 tháng rồi mà vẫn đến phòng khám để phá. Cái thai được phá bằng cách kích thích đẻ non, khi ra ngoài tim vẫn đập, vẫn thoi thóp thở. Lẽ ra chỉ còn một vài tháng nữa, đứa trẻ sẽ được sinh ra, làm người bình thường như bao đứa trẻ khác. Và người mẹ trẻ kia, liệu có thoát khỏi ám ảnh suốt cuộc đời còn về hình ảnh đứa con mình thoi thóp tím tái đến chết.
Lại có cô công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp, quy định của công ty khi ký hợp đồng làm việc lâu dài là phải cam kết không sinh con trong vòng 2 năm. Nhưng mới làm được mấy tháng thì cô có thai, người yêu thì trở mặt. Không còn cách nào khác cô phải vay mượn đến phòng khám để phá cái thai đã 5-6 tháng, và cô cũng chẳng còn đủ kinh phí mà trả cho việc chôn cất đứa con tội nghiệp của mình mà chỉ biết khóc lóc nhờ quản trang làm phúc chôn cất giúp.

Ông Thế cũng thở dài khi nhắc đến những nữ công nhân dại dột. Họ có cuộc sống khó khăn nhưng không ít người lại dễ dàng buông thả để lại những hậu quả cho bản thân và những sinh linh vô tội. “Nhiều cặp công nhân chẳng cưới xin gì mà cứ ở với nhau. Nếu chủ có làm quá thì họ lại chuyển sang nhà khác. Ở đây có nhiều nhà trọ xây không ở chung với chủ nên họ thoải mái sống với nhau. Sống như thế, không phải đi phá thai mới lạ” - ông Thế chia sẻ.

Trò chuyện với tôi, một nữ công nhân tên Thủy (Thanh Ba, Phú Thọ) đang trọ cùng chồng con tại thôn Bầu, xã Kim Chung cũng bức xúc chia sẻ: “Ở đây nhiều nữ công nhân dại dột lắm, vừa đáng thương, vừa đáng trách. Cả xóm trọ này chỉ có mỗi gia đình em là một cặp vợ chồng. Trước có mấy đôi yêu nhau rồi sống chung với nhau, có đứa thai 5 tháng còn phải đi đẻ non. Sau chuyện ấy chúng em kiến nghị lên chủ nhà trọ không cho nam thuê nữa thì mới không còn tình trạng này”.

Theo một khảo sát mới đây của Ban nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có tới 42,9% nữ công nhân chưa kết hôn sống chung. Còn kết quả nghiên cứu của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, có 13% nữ công nhân ở các nhà máy đã từng nạo thai, trong đó khoảng 4% nạo phá thai 2 lần trở lên trong một năm. Con số khô khan ấy nói lên điều gì? Đằng sau nó là muôn vàn câu chuyện, muôn vàn số phận mà những câu chuyện chúng tôi ghi lại chỉ là những mảnh ghép nhỏ. Nạo hút thai, họ có thể trút bỏ được gánh nặng trước mắt, nhưng những gánh nặng tinh thần cả đời họ sẽ phải âm thầm chịu đựng. Vậy chăng, những nữ công nhân, những người trẻ hãy trách nhiệm hơn với bản thân mình, đừng để những đứa con bị chối bỏ ám ảnh suốt cuộc đời. Và một câu hỏi nữa được đặt ra: Tại sao các cơ sở phá thai vô tội vạ kia, không bị cơ quan y tế kiểm tra và vẫn cứ vô tư hoạt động bình thường?


Theo An Ninh Thủ Đô

Nhóm Bảo vệ sự sống ở Hà Nội tuần hành kêu gọi bảo vệ sự sống và chống phá thai

VRNs (07.03.2014) – Sài Gòn - Sáng nay, vào lúc 10 giờ, hơn 30 bạn sinh viên thuộc Nhóm BVSS ở Hà Nội tuần hành kêu gọi mọi người hãy biết tôn trọng và bảo vệ sự sống thai nhi.

“Có một điều rất là hay khi chúng tôi tuần hành qua phố Giải phóng ‘phá thai’, thì suốt phố này có rất nhiều cơ sở công khai nạo hút thai, có một số người phát biểu rằng “các anh các chị đứng hết ở đây thì chúng tôi còn làm ăn gì được nữa?”. Sau đó chừng 5 phút sau thì họ thay nhau ra cất các biển nạo phá thai đi. Lúc trước khi bọn mình đến thì con phố [treo bảng nạo phái thai] khá nhiều, nhưng sau khi chúng tôi đứng dọc phố đó và dừng lại ở đó [để] hô vang khẩu hiệu “BVSS, chống nạo phá thai”, cũng như giăng lên các biểu ngữ thì tất cả gần như họ [cất hết bảng] vào bên trong nhà. Còn chúng tôi xoay các khẩu ngữ ra phía mặt đường để cho mọi người tham gia giao thông có thể theo dõi.” Bạn Minh, một trong những thành viên của Nhóm vệ Sự sống ở Hà Nội và tham gia buổi tuần hành vui mừng nói.



Bạn Minh cho biết mục đích của chương trình: “Hôm nay nhóm BVSS Hà nội có tổ chức chương trình ’8300 tờ rơi’ về thai nhi. Mục đích của chương trình là kêu gọi tất cả mọi người hãy bảo vệ sự sống và chống nạn phá thai.

Bạn Minh mô tả hoạt động của chương trình: “Trong chương trình ngày hôm nay, rất là tiếc vì thời tiết ở ngoài Hà nội đổ cơn mưa và từ mấy ngày hôm nay thời tiết âm u. Lúc 10 giờ, cuộc tuần hành mới bắt đầu, cũng rất may là thời tiết âm u nhưng không còn mưa nữa. Số lượng các bạn trẻ hôm nay tham gia khoảng 30 bạn, chủ yếu là các bạn sinh viên đang học tại Hà nội và có khoảng chừng 4-5 bạn là sinh viên ngoài Công giáo.

Chương trình tuần hành nhóm BVSS tổ chức hai việc. Thứ nhất, khi anh em tập hợp lại bên cổng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhóm tổ chức đi bộ qua phố Giải phóng, con phố được mệnh danh là phố nạo phá thai của Hà nội. [Nhóm đã] giơ cao các biểu ngữ cũng như các lời kêu gọi mọi người bảo vệ sự sống và chống phá thai, ví dụ khẩu hiện như là “Thai nhi cũng là con người”, hoặc “Các em có quyền được sống”, hay “Nạo phá thai là giết người, tàn sát các thai nhi”… Đó chính là những khẩu hiệu mà nhóm muốn đưa qua cái con phố nạo phá thai này để cho tất cả những y bác sĩ, những người đang tham gia vào việc nạo phá thai biết được có một nhóm đang đi kêu gọi mọi người hãy biết tôn trọng và bảo vệ sự sống. Sau đó, nhóm tuần hành đi một vòng qua con phố Giải phóng, đi qua đường Đại Cồ Việt về đường Trần Đại Nghĩa. Ở đây, lại chia thành 2 tốp, một tốp đi đến cổng trường Đại học Bách Khoa và một tốp đi đến cổng trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Tại nơi đây, các bạn trẻ sẽ phát các tờ rơi cho các bạn sinh viên trong giờ tan trường.”

Bạn Hương, một trong những thành viên của Nhóm Bảo vệ sự sống ở Hà Nội và đứng ở trường Kinh tế Quốc dân nói: “Chúng tôi đến đứng ở tại các cổng trường của Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Bách Khoa Hà nội, để pháp các tờ rơi về BVSS cho các bạn sinh viên. Khi các bạn nhận được những tờ rơi thì các bạn cũng có vẻ như một phần nào đó biết được về sự sống của các thai nhi đang bị đe dọa như thế nào trên thế giới và trên đất nước Việt Nam.”

Bạn Minh nói rằng, những người đi đường rất quan tâm và chú ý đến những khẩu hiệu của Nhóm. Bạn Minh cho kể lại: “Những cái ghi nhận của mình khi tuần hành là có rất nhiều người quan tâm. Khi người ta nhìn thấy những khẩu hiệu về kêu gọi không phá thai, kêu gọi bảo vệ sự sống thai nhi, có người bảo là hay thế… Nhưng cũng có nhiều bạn trẻ bảo là “anh ơi khó lắm!”…, bởi vì Nhóm tôi cũng có những khẩu hiệu kêu gọi các bạn trẻ không quan hệ tình dục trước hôn nhân. Có bạn bảo là khó lắm nhưng nhiều bạn trẻ bảo là “khó, nhưng mà phải giữ, vì sự sống của thai nhi, vì sự sống của con người”… Cũng rất nhiều cái nhìn tích cực của người đi đường, những người tham gia giao thông đối với cuộc tuần hành của nhóm mình.


Bạn Hương, một trong những thành viên của Nhóm Bảo vệ sự sống ở Hà Nội mong muốn mọi người hãy cùng nhau lên tiếng bảo vệ sự sống cho các trẻ em. Bạn Hương chia sẻ: “Trước tiên, buổi tuần hành của chúng tôi nhằm nói lên việc chống phá thai để giữ gìn, bảo vệ sự sống của các em bé được cưu mang trong lòng mẹ cho [đến ngày] các em được chào đời. Niềm hy vọng của chúng tôi là cứu được những sự sống bé nhỏ đang nằm trong bụng mẹ, và mong cho các bạn trẻ ngày hôm nay không phải vướng những tệ nạn xã hội.”

Mỗi năm có 1,2 -1,6 triệu ca phá thai. Trong đó 20% ở độ tuổi thanh niên.

Pv.VRNs

Nỗi đau cha già có con tâm thần bị làm nhục

Đứa cháu ấy là kết quả của những lần con gái ông bị kẻ xấu làm hại. 

'Nó bị tâm thần có biết gì đâu, còn tôi thì vất vả mưu sinh nên nhiều khi cũng không để ý xem nó ở nhà thế nào. Vậy mà, người ta lại nhẫn tâm cưỡng hiếp con bé. Thấy nó rứa, thật tôi muốn chết quách cho xong', ông nấc nghẹn. 

Bà con khuyên ông đem Điệp lên viện phá thai nhưng ông vẫn quyết giữ giọt máu của con. 


Cô gái tâm thần và đứa con của mình
Ông than thở: 'Nhiều khi thấy khổ tâm lắm, cầu trời khấn Phật cho tôi khỏe thêm mấy năm nữa để đi làm nuôi cháu lớn thêm, chứ giờ nó mới gần 2 tuổi. Nhiều người bảo tôi mang cho cháu đi nhưng đứa trẻ này vô tội. Tôi cho cháu đi, sau này lỡ có việc gì thì đến chết tôi vẫn không khỏi ân hận'. 

Cuộc sống mưu sinh tạm bợ từng ngày, thiếu ăn nên trông ai cũng gầy gò hốc hác. Thi thoảng, cả 4 cha con ông cháu lại lang thang khắp chợ để xin ăn. Nhưng có khi chẳng có ai cho lấy một bát cơm để ăn, 4 cha con, ông cháu lại phải uống nước lã, ôm nhau nằm ngủ để quên đói. 

'Tội nghiệp nhất là đứa nhỏ. Nhiều hôm chẳng có gì để lót vào bụng, đêm nó quấy khóc vì đói. Nhìn chúng nó mà nước mắt tôi cứ trào ra, tội nghiệp lắm', bà Mai hàng xóm nói như khóc. 

Cám cảnh cho cuộc sống của ông Dục bao nhiêu lại càng thương đứa trẻ vô tình phải hứng chịu nỗi truân chuyên của cuộc đời ngay khi vừa mới chào đời.


Theo tinngan.vn