Độc ác và vô tội


VRNs (28.12.2013) – Sài Gòn – Sau lễ Giáng Sinh, Giáo hội kính nhớ các Thánh Anh Hài, những “thánh nhí tử đạo” vì Chúa Hài Đồng. Lễ các Thánh Anh Hài gợi suy tư về hai thái cực đối nghịch nhau: Sự độc ác và sự vô tội.

Thánh sử Mát-thêu cho biết: Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người” (Mt 2:8). Nói năng xem chừng tốt bụng lắm, thế nhưng lại chỉ là mưu thâm quỷ kế mà thôi!

Các nhà chiêm tinh nghe nhà vua nói thế, họ an tâm ra đi. Họ là những người tốt nên không hề nghi ngờ Hê-rô-đê chút nào. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là Cô Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.

Nhưng sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình (Mt 2:12). Có lẽ lúc này các nhà chiêm tinh mới thấy rõ chân tướng độc ác của Hê-rô-đê, thế nên họ đã không dm1 quay lại triều đình. Phàm phu tục tử là sao “qua mặt” được Thiên Chúa! Và cũng là để điều này ứng ngiệm lời ngôn xứ từ ngàn xưa: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập” (Mt 2:15).

Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa” (Mt 2:18).

Ác vương Hê-rô-đê đã chết thật, nhưng “dòng dõi” của ông ta còn nhiều, hiện diện ngay trong xã hội thời nay. Ngay tại Việt Nam cũng có rất nhiều Hê-rô-đê vẫn hằng ngày rảo bước khắp các hang cùng ngõ hẻm… Các “bản sao” Hê-rô-đê đó là ai?

Đó là nhưng người như bảo mẫu Nhờ (người Cần Thơ) đã nhẫn tâm đạp chết trẻ thơ vô tội ở Thủ Đức, đó là các cô giáo ác độc của nhà trẻ Phương Anh (Thủ Đức) dùng phương pháp “sư phạm” ác độc là hành hạ các trẻ thơ đủ kiểu (bóp mũi, bóp cổ, gí đầu xuống đất, dốc đầu ngược vào lu nước, tát thẳng tay, đánh đập “vô tư”,…), đó là những người mẹ nỡ lòng giết con bằng cách bỏ thai, đó là những y bác sĩ “giúp” người ta phá thai,… Và vừa rồi, tại bãi rác Đá mài (Thái Nguyên), người ta phát hiện nhiều trẻ em bị chôn vùi trong đống rác đó, có em được sinh ra khỏe mạnh và lành lặn nhưng bị người ta đâm vài nhát dao cho chết. Thật tàn nhẫn và kinh khủng quá!

Ngày xưa, ác vương Hê-rô-đê chỉ giết các trẻ em trong vùng Bêlem và lân cận từ hai tuổi trở xuống, còn ngày nay, các ác nhân giết bất kỳ ai và ở bất kỳ lứa tuổi nào, thậm chí giết cả cha mẹ và thân nhân của mình. “Dòng dõi” Hê-rô-đê ngày nay thâm độc hơn và tinh vi hơn nhiều!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp mọi người biết tôn trọng sự sống, biết thể hiện văn minh tình thương mọi nơi và mọi lúc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Trầm Thiên Thu

Mùa Giáng Sinh – 2013

Theo Chuacuuthe.com

Xấu hổ với con vì từng định phá thai

Mẹ vẫn mang trong mình niềm day dứt vì đứa trẻ này, cách đây năm năm, mẹ từng có ý định không giữ lại.



Niềm hạnh phúc của người phụ nữ là được làm mẹ, nhưng hạnh phúc gấp nhiều lần nếu đó được những đứa con ngoan hiền. Mẹ thấy mình thật có phúc khi có được cô con gái ngoan ngoãn, biết đỡ đần mẹ trong mọi việc dù còn ít tuổi. Vậy nhưng thật xấu hổ khi phải thừa nhận rằng đứa trẻ này cách đây năm năm, mẹ đã có ý định không giữ lại khi biết mình mang thai...

Gia đình chồng không thuộc dạng khá giả gì nên từ thời mới cưới bố mẹ đã phải tự gây dựng sự nghiệp. Biết được sự vất vả của việc chăm sóc con cái nên mẹ và bố đã thống nhất chỉ có hai con để có thể nuôi dạy thật tốt và dành cho các con đủ đầy vật chất nhất. Nhưng người tính không bằng trời tính.

Chị gái thứ hai của con vừa được tám tháng thì mẹ bị vỡ kế hoạch. Khi phát hiện mình mang thai lần thứ ba thì con vừa được bốn tuần tuổi. Mang chuyện nói với bố, bố suy nghĩ một lúc rồi bảo mẹ nên bỏ con. Với tình hình hiện tại, việc nuôi thêm một đứa trẻ sẽ rất khó khăn cho kinh tế gia đình do công việc của bố không thuận lợi lắm, và bố cũng sợ mẹ vất vả, không đủ sức chăm ba con. Nghe phân tích của bố, mẹ thấy hợp lý nên cũng xuôi. Mẹ thuận lòng đến bệnh viện để bỏ con.

Ngày hôm ấy, khi đi qua khoa hiếm muộn, mẹ thấy một cặp vợ chồng đang ôm nhau khóc. Cô vợ chừng bốn mươi đang gục đầu vào vai chồng khóc như mưa. Qua vài câu nghe loáng thoáng, mẹ hiểu rằng anh chị thuộc dạng khó thụ thai dù đã thụ tinh nhân tạo đến lần thứ tư. Anh chồng muốn chị bỏ cuộc vì không cam tâm thấy vợ mất sức, mỏi mệt nhưng chị vợ kiên quyết phải có được một đứa con.... Câu chuyện của anh chị làm mẹ chững lại. Trong khi người ta cầu không có, mình có lại muốn bỏ đi. Sao mình có thể chỉ nghĩ cho bản thân mà nỡ chối bỏ con... Khi gặp bố ở cổng, để trả lời cho câu hỏi sắp được bố đặt ra, mẹ chỉ nói chắc: “em sẽ sinh con, dù khổ cũng phải sinh con.”

Con sinh ra, là một bé gái xinh xắn mà mẹ may mắn có được trong đời. Từ ngày chào thế giới, con đã rất ngoan không hề quấy khóc. Hễ no là con ngủ, trong giấc ngủ con cười tít mắt. Vậy nhưng, chuyện kém vui khi bố thay đổi công việc do công ty cũ bị phá sản. Từ ngày đó thu nhập của bố ít đi. Mẹ lại không đi làm nên kinh tế gia đình eo hẹp, con gái út không được đủ đầy như hai chị. Thiếu hụt về vật chất càng làm mẹ yêu thương, muốn bù đắp tinh thần cho các con nhiều hơn. Có lẽ vì thế mà các con của mẹ lớn lên rất hiền ngoan, vâng lời bố mẹ, nhất là con gái út của mẹ, mẹ chưa phải la mắng con lần nào. Mới hai tuổi đầu, con đã biết tự cầm bát múc cơm ăn, ăn xong để bát vào chậu. Năm tuổi, con gái đã lăng xăng dọn bát đũa trong mỗi bữa cơm và lau bàn ăn. Trong giọng nói ngô nghê, con nói, vì mẹ thương tụi con nên con sẽ ngoan hơn cả hai chị để mẹ vui nhiều hơn....

Hôm đón con ở trường về, con mở cặp lấy ra chiếc bánh ngọt, bảo muốn cùng ăn với mẹ. Đó là chiếc bánh ba của bạn con mang về từ Nhật, bạn mang vào lớp tặng cho con. Con nói bánh có tên là "tình thân" nên con muốn ăn cùng với người mà con quý nhất trên đời....vì với con, mẹ là điều quý giá nhất! Mẹ thật xấu hổ khi nghe con nói điều đó, bởi vì mẹ là người mẹ từng có ý định bỏ con, từng không xem con là điều quý giá, thiêng liêng nhất, từng chỉ vì nghĩ cho mình mà chút nữa thôi đã không cho con quyền được sống.. Nhưng đó đã là quá khứ. Giờ đây với mẹ, không có tài sản nào quý giá bằng ba cô con gái bé nhỏ này. Mẹ có thể đánh đổi cả thế giớ chỉ để thấy các con bình yên, khoẻ mạnh và vui cười mỗi ngày...

Tâm sự của độc giả Hoàng Thị Thùy (Quận 5, Tp.HCM)


Theo Eva.vn

Nghĩa trang hài nhi ở bãi rác Đá Mài

Bãi rác Đá Mài thuộc địa phận xóm Hồng Thái, xã Tân Cương nằm cách TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) chừng 12km không chỉ là nơi tập kết xử lý rác thải, mà nơi đây còn có một nghĩa trang nhỏ, nơi an nghỉ của 13 hài nhi xấu số.


Những phát hiện khiến người dân “chết đứng”

Ông Phạm Xuân Sơn - Đội trưởng đội vệ sinh số 5 (thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Thái Nguyên) đơn vị trực tiếp quản lý và tổ chức xử lý chôn lấp bãi rác Đá Mài cho biết, bãi rác Đá Mài là nơi thu gom tất cả rác của TP.Thái Nguyên, ở đây có hơn 20 nhân công làm tất cả các công việc như phân loại, xử lý, chôn lấp rác.

Cũng theo ông Sơn, cách bãi rác Đá Mài không xa ở phía lưng chừng núi có một nghĩa trang nhỏ diện tích khoảng 40m2 là nơi an nghỉ của 13 hài nhi xấu số được những người làm trong bãi rác phát hiện và đưa về an táng tại đây.

Theo chân ông Sơn, chúng tôi tiến vào bãi rác Đá Mài và đặt chân đến khu nghĩa trang. Khu nghĩa trang 13 hài nhi xấu số nằm cách khu 1 của bãi rác hơn chục mét, lưng chừng núi, được quy hoạch với một vòng tường bao quanh, cao khoảng 40cm, các ngôi mộ được đặt theo hàng gần nhau. Ở giữa nghĩa trang có một ban thờ nhỏ với một tấm bia được ghi dòng chữ “Nơi yên nghỉ của 13 trẻ vô danh”. Trong làn khói mong manh quẩn theo gió núi lập lờ, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện liên quan đến khu nghĩa địa của 13 đứa trẻ không được làm người này.

Theo thông tin từ những người làm việc trong khu bãi rác Đá Mài, xác đứa trẻ đầu tiên được phát hiện là vào năm 2005 và gần đây nhất là tháng 12 năm 2012. Cả nghĩa trang chỉ có 2 ngôi mộ là được ghi tên, đó là của cháu Quỳnh Hoa và cháu Văn Thừa là có tên, còn lại các ngôi mộ khác đều vô danh.

Ông Nguyễn Sơn, Đội phó Đội vệ sinh số 5 cho biết, ngôi mộ phía trên có dòng tên Lê Thị Quỳnh Hoa trong khu nghĩa trang là thi hài bé gái đầu tiên được những người làm trong tổ phân loại rác thải tìm thấy tại bãi rác. Người nhặt được bé gái này là bà Trần Thị Tâm, và bà đã đặt tên cho cháu bé xấu số là Lê Thị Quỳnh Hoa với mong muốn cháu bé có một cái tên để siêu thoát.

Bà Phạm Thị Thủy (SN 1962), công nhân làm trong khu bãi rác Đá Mài nhớ lại lần phát hiện xác hài nhi của mình. Bà Thủy kể, hôm đó vợ chồng bà và anh chị em trong tổ phân loại rác đến bãi rác thải để làm việc, khoảng 9h, chồng bà cào trong đống rác thì thấy một thi hài trẻ sơ sinh được quấn trong một chiếc quần lăn ra, chồng bà hốt hoảng bỏ chạy và gọi mọi người.

Bãi rác Đá Mài nơi phát hiện xác những hài nhi. 

Khi đó, mặt mũi chồng bà tái xanh, nói không thành tiếng, mọi người thấy vậy nhào tới hỏi han. Chồng bà nói là tìm thấy một thi thể bé trai, thế nhưng mọi người rảo quanh tìm kiếm thì không thấy, đến khi chồng bà ấy bình tâm và quay trở lại tìm thì thi hài cháu nhỏ nằm ngay chân đống rác, trước mặt mọi người. Chính bà Thủy là người tắm rửa, mặc quần áo cho cháu bé để đi chôn.

Theo ông Phạm Xuân Sơn, đa số các thi hài trẻ sơ sinh nhặt được trong bãi rác đều còn nguyên vẹn chân tay, tuy có một số vết thương do ngoại lực tác động... Trong số 13 hài nhi xấu số ở nghĩa trang có 4 bé gái.

Anh Ngô Văn Quyền - Trưởng nhóm phân loại rác nhớ lại, trước tết năm 2012, như thường lệ vợ chồng anh và những công nhân khác vẫn vào bãi rác làm việc. Lẫn trong đống rác của xe vệ sinh môi trường vừa mới đổ xuống, có bao tải khá to buộc chặt nên anh Quyền vội vàng đi tới tháo miệng túi. Hai vợ chồng anh bàng hoàng khi lẫn trong những bịch rác là một bịch nilon màu đen, vợ chồng anh mở ra thì nhận thấy bên trong túi là một đứa trẻ sơ sinh, trên thân thể có nhiều kiến đang bò và phủ lên người một lớp cát và đất bẩn. Anh Quyền vội báo cho Đội vệ sinh số 5, sau đó cùng những người trong tổ đến giúp chôn cất hài nhi xấu số.

Sau khi chôn cất hài nhi thứ 13, Đội vệ sinh số 5, cùng anh Quyền đã đề nghị những người trong tổ của mình đóng góp công sức tiền bạc, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Thái Nguyên được hơn 10 triệu đồng xây dựng nghĩa trang quy tập các phần mộ của những sinh linh yểu mệnh về an nghỉ.


Và những câu chuyện được đồn thổi

Khi tiếp xúc tìm hiểu thông tin về khu nghĩa trang trong bãi rác Đá Mài, PV báo ĐS&PL cũng được nghe nhiều câu chuyện có phần huyễn hoặc xung quanh câu chuyện những người làm việc tại bãi rác Đá Mài sau khi nhặt xác các hài nhi xấu số đã gặp phải những chuyện đen đủi, gia đình gặp nhiều biến cố.

Tâm sự với chúng tôi, những người làm việc lâu năm trong bãi rác cho biết, họ gắn bó với công việc này từ rất lâu, mới đầu khi gặp phải xác hài nhi thì cũng vô cùng sợ, nhưng dần cũng thành quen. Chính xác là có hơn 13 xác hài nhi được mọi người phát hiện và mai táng, nhưng khi quy tập bị thất lạc.

Bà Phạm Thị Thủy cho biết, trước đây, khu vực nghĩa trang của của 13 hài nhi vô danh rậm rạp, xung quanh cây cối um tùm. Năm 2010, bà và chồng lên khu đất lưng chừng đồi (nơi xây dựng nghĩa trang của các trẻ vô danh- PV) phát cây cối thì hình ảnh một cháu bé trai hiện lên phía trước mặt và đòi đặt tên. “Ban đầu, tôi hoảng hốt vô cùng vì chặt đến bụi cây nào thì cháu bé đó cũng đứng giữa bụi cây và hỏi: “Bà ơi! Cháu chưa có tên”. Vô tình tôi nói ra câu: “Mày là thằng Vô Văn Thừa” và kể từ đó không bao giờ cháu bé hiện lên đòi tên nữa”?- bà Thủy cho biết.

Bà Thủy cho biết thêm, từ khi phát hiện ra thi hài cháu Thừa thì chồng bà luôn bị ám ảnh, hàng đêm mỗi khi ngủ thường giật mình và la lên những câu thất thanh. Khoảng vài tháng sau, thì chồng bà Thủy mất. Không bao lâu sau thì biến cố lại xảy đến với gia đình bà khi người con trai út lại vướng vào vòng lao lý phải đi cải tạo 26 tháng.

Cũng theo những thông tin mà chúng tôi ghi nhận được, bà Trần Thị Tâm sau khi phát hiện ra thi hài cháu Quỳnh Hoa ở bãi rác thì gia đình mâu thuẫn, mọi người ly tán khắp nơi. Người con trai của bà Tâm là anh Lê Trọng H. thường xuyên vào thăm và thắp hương cầu nguyện cho cháu Quỳnh Hoa thì lại làm ăn gặp nhiều may mắn. Ngoài ra còn có anh Phạm Văn Thủy là người đã phát hiện và chôn cất 9 thi hài trẻ xấu số cũng mất năm 2008 khi tuổi đời còn khá trẻ.


Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên

Để xác minh thông tin thực hư về những người phát hiện thi hài trẻ sơ sinh bị bỏ rơi gặp phải những trắc trở, PV đã trao đổi với ông Phạm Xuân Sơn, Đội trưởng Đội vệ sinh số 5, ông Sơn cho biết, việc xây dựng khu nghĩa trang hài nhi trong khu vực bãi rác Đá Mài và quy tập các cháu về đây là việc làm phúc, mọi người ai cũng ủng hộ, không có lý gì mà các cháu lại quấy quả chúng tôi cả.

“Tôi khẳng định, hoàn toàn không có việc những người nhặt được thi hài các cháu bé xấu số bị bỏ rơi mà xảy ra những việc không may mắn, đó chỉ là những tin đồn thất thiệt, được nhiều người thêu dệt gây hoang mang cho dư luận. Chuyện nhiều người gặp những điều không may mắn sau khi nhặt được thi hài các trẻ xấu số bị chết là do họ bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn giao thông, do sơ ý... Trong những lần đó tình cờ có sự trùng hợp, nên người dân nơi đây đã suy đoán thành lời đồn như vậy. Trường hợp của chồng chị Thủy là do anh ấy bị bệnh trong thời gian dài nên đã chết. Còn chuyện tù tội của con chị Thủy là do cậu đó vi phạm pháp luật, điều này công an đã điều tra làm rõ. Còn anh Phạm Văn Thủy thì chết do tai nạn giao thông”- ông Sơn khẳng định.

Vào những ngày rằm, mùng một và các dịp lễ tết, những cán bộ công nhân đội vệ sinh số 5 và những người dân gần đó vẫn thường nhang khói cho các cháu bé xấu số. Ngoài ra, giáo xứ Tân Cương cũng mời cha xứ vào đọc kinh, cầu nguyện cho các cháu được an lành. Khi nhặt được các hài nhi này, do không biết tên tuổi địa chỉ nên có cha xứ cầu nguyện và xin cho các cháu làm con của Chúa, đó là lý do vì sao trên mỗi ngôi mộ của các cháu lại có hình chữ thập.

Theo ĐS & PL