Thánh nữ Gianna Beretta Molla - vị thánh bênh vực sự sống


Chứng từ về thánh nữ Gianna Beretta Molla 
tại Ðại Hội Thánh Thể Washington, Hoa Kỳ

Washington, Hoa Kỳ [CNS 14/09/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Nhiều người xem mẹ mình như một vị thánh, nhưng chỉ có một số ít có mẹ được Giáo hội chính thức nhìn nhận là "thánh".

Bà Laura Molla, 50 tuổi, con gái của thánh nữ Gianna Beretta Molla, là một trong những người thuộc số ít ấy.

Thánh nữ Gianna, thường được mệnh danh là "vị thánh bênh vực sự sống", đã được Ðức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh năm 2004 vì đã "đặt sự sống của đứa con chưa chào đời của mình lên trên sự sống của mình".

Năm 1962, khi thánh nữ có mang đứa con thứ tư, các bác sĩ khám phá ra một u xơ lớn trong tử cung cần được giải phẫu. Mặc dù các phương pháp phẫu thuật thời đó cho phép cắt bỏ toàn bộ tử cung, thánh nữ Gianna, lúc đó mới 39 tuổi, yêu cầu các bác sĩ chỉ nên cắt bỏ những gì là cần thiết và bằng mọi giá phải cứu sống thai nhi.

Thánh nữ nói với gia đình và các bác sĩ: "Nếu phải chọn lựa giữa tôi và đứa bé, thì quí vị đừng do dự. Hãy chọn đứa bé. Tôi nhấn mạnh: hãy cứu đứa bé".

Một tuần sau khi sinh bé Gianna Emanuela, thánh nữ qua đời vì bị nhiễm trùng. Vị thánh người Ý này không chỉ để lại một bé sơ sinh, mà còn một người chồng và ba đứa con.

Khi mẹ qua đời, bà Laura Molla chưa đầy 3 tuổi. Hiện nay bà đang kinh doanh trong ngành trang trí nội thất tại Ý. Bà nói rằng mặc dù không hề biết mẹ, bà đã học được rất nhiều điều về mẹ mình trong những năm gần đây. Theo bà, một trong những điểm nổi bật nhứt nơi mẹ bà, chính là tình yêu đối với sự sống. Thật vậy, thánh nữ Gianna là một người thích đi trượt tuyết, đi xem kịch và ăn mặc thời trang. Thánh nữ đã biết tạo ra sự quân bình giữa công việc của một bác sĩ và chức năng của một người mẹ.

Qua những lá thư và những suy tư của mẹ về đời sống thiêng liêng, bà Laura cũng hiểu được đời sống đức tin sâu xa của mẹ mình.

Bà Laura nói: "Từ niềm đau mất mẹ, chúng tôi cảm nhận được niềm vui biết rằng bà là mẹ của mọi người". Bà Laura đã nói như thế với hãng thông tấn Công giáo Hoa Kỳ CNS hôm 11 tháng 9 năm 2009, một ngày trước khi phát biểu tại Ðại Hội Thánh Thể với chủ đề "Hy sinh vì một tình yêu lâu bền" do Hội đồng các bề trên Dòng Nữ tổ chức tại Ðền Thánh Ðức Mẹ Vô Nhiễm ở thủ đô Washington từ ngày 11 đến 12 tháng 9 năm 2009.

Thánh nữ Gianna sinh tại Milano, Bắc Ý, năm 1922. Trong nghi thức phong thánh, Ðức thánh cha Gioan Phaolo II đã mô tả thánh nữ như một mẫu gương về nhân đức, thánh thiện, từ mẫu, chuyên nghiệp và nhứt là đức tin nhiệt thành. Ðức thánh cha nói rằng thánh nữ đã noi gương Chúa Kitô "yêu thương những người thân của mình còn trong thế gian và yêu thương họ cho đến cùng".



Thánh nữ đã được tôn phong chân phước năm 1994 nhân dịp Năm Gia Ðình và 10 năm sau, một tuần lễ sau Ngày của Mẹ, được nâng lên bàn thờ của Giáo hội phổ quát.

Một đám đông khoảng 40 ngàn người đã tham dự lễ tôn phong hiển thánh cho thánh nữ Gianna, được cử hành tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma ngày 16 tháng 5 năm 2004. Bà Laura nói rằng cảm động nhứt là thân phụ của bà, mặc dù đau yếu, cũng có mặt trong buổi lễ. Hiện nay, ông Pietro đã 97 tuổi. Bà xem cha mình như một vị thánh sống. Bà nói: "đức tin tuôn trào ra nơi cha tôi".

Bà cũng nói rằng mẹ bà luôn xác tín về ơn gọi nên thánh trong bậc hôn nhân và đã sống ơn gọi ấy cho đến cùng. Bà hy vọng rằng đây là một mẫu gương để mọi người noi theo. Bà nhìn nhận rằng trong cuộc sống bà đã phải đối đầu với bao nhiêu câu hỏi về ơn gọi và cuối cùng luôn chạy đến với mẹ mình để xin ý kiến.

Theo bà, làm con của một vị thánh vừa là một vinh dự vừa là một thách đố. Nhưng bà cũng cảm thấy được an ủi bởi vì sống theo gương của thánh nữ Gianna là sống đức tin của mình trong cuộc sống mỗi ngày.

Phát biểu tại Ðại Hội Thánh Thể Washington, bà Laura nói rằng quyết định mà mẹ bà đã làm cách đây gần 50 năm không phải là một chọn lựa riêng lẽ, bất ngờ, mà là "tuyệt đỉnh của cả một cuộc sống nhân đức, một cuộc sống không ngừng được sống trong ánh sáng của Tin Mừng với tư cách là một phụ nữ trẻ, một bác sĩ, một người vợ và một người mẹ".

Khi nghe nhiều người chất vấn tại sao mẹ mình phải bỏ lại đằng sau 3 đứa con để sinh đứa con thứ tư, bà Laura khẳng định: mẹ bà xác tín rằng đứa con chưa chào đời cũng có quyền sống như những đứa con khác. Bà nói: "Mẹ tôi đã không chọn sự chết. Trong giây phút đó, mẹ tôi đã chọn sự sống của con mình".

Một trong những bằng chứng cho thấy thánh nữ Gianna là một người phụ nữ "yêu đời" luôn muốn sống là, theo lời kể của ông Pietro, lúc còn nằm nhà thương, thánh nữ đọc các tạp chí thời trang và chuẩn bị mua sắm những thứ mình sẽ mặc khi bình phục.

Bà Laura nói về mẹ mình như sau: "Mẹ tôi là một người đàn bà hạnh phúc. Mẹ tôi yêu cuộc sống cho đến chết và biết chấp nhận mọi sự Chúa ban, ngay cả đau khổ".

Chu Văn

theo www.catholic.org.tw

Giáo Hoàng kêu gọi cải cách Giáo hội


Giáo hoàng Francis đã kêu gọi tản quyền Giáo hội ra khỏi Vatican, trong tông huấn quan trọng đầu tiên của Ngài trên cương vị người đứng đầu Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã.

Trong tông huấn này, Ngài nói Ngài mở lòng với những kiến nghị thay đổi đối với quyền lực của giáo hoàng.

Ngài cũng cảnh báo rằng sự bất bình đẳng kinh tế toàn cầu ngày càng lớn chắc chắn sẽ bùng nổ thành xung đột.

Kể từ khi trở thành giáo hoàng hồi tháng Ba, Francis đã thể hiện lập trường hết sức khác biệt so với người tiền nhiệm trên một số vấn đề.


‘Giáo hội ra đường phố’

Trong tông huấn, Giáo hoàng Francis nói Ngài mong muốn Giáo hội ‘bầm dập, tổn thương và bụi bặm trên đường phố còn hơn là một Giáo hội không khỏe khoắn do nằm trong vỏ ốc và cứ khư khư giữ lấy sự bình an cho bản thân’.

Tông huấn cũng tỏ dấu hiệu cho thấy nhiều cải cách quan trọng đang được thực thi trong Giáo hội. Francis lưu ý rằng Giáo hội cần phải vượt qua cách nghĩ lâu nay rằng: “Chúng ta vẫn luôn làm như thế”, phóng viên BBC David Willey ở Rome cho biết.

Cũng theo phóng viên Willey thì tông huấn này đưa ra một chương trình đầy tham vọng để nhằm hồi sinh lại nhiệt huyết truyền giáo.

Tuy nhiên, Giáo hoàng Francis cũng lập lại sự phản đối của Giáo hội đối với việc cho phụ nữ làm linh mục. Ngài nói rằng đây ‘không phải là vấn đề để thảo luận’.

Tông huấn cũng đề cập đến quan hệ liên tôn, trong đó kêu gọi giáo dân Ki-tô hãy ‘giang tay ra với tình thương và tôn trọng những di dân Hồi giáo đến đất nước chúng ta cũng như chúng ta hy vọng và mong muốn được đón nhận và tôn trọng ở những nước Hồi giáo’.

Hồi tháng trước, Giáo hoàng Francis đã có cuộc gặp đầu tiên với một nhóm các hồng y chuyên biệt để nghiên cứu làm thế nào để cải cách bộ máy quan liêu của Vatican sau khi Ngài trả lời phỏng vấn một tờ báo rằng Vatican đã trở nên quá thu mình vào thế giới riêng và cần phải cởi mở hơn.

Vẫn phản đối phá thai

“Sự tập trung hóa quá mức thay vì trở nên có ích đã làm phức tạp cuộc sống của Giáo hội và sứ mạng truyền giáo,” Ngài viết trong tông huấn.

Ngài nói rằng Ngài không tin rằng các giáo hoàng ‘phải đưa ra câu trả lời xác định và đầy đủ đối với tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến Giáo hội và thế giới’.

Tông huấn cũng lặp lại sự phản đối của Giáo hội đối với phá thai nhưng cũng thừa nhận rằng ‘đúng là chúng ta đã không làm được gì nhiều để đồng hành với những người phụ nữ trong những lúc hết sức khó khăn... nhất là khi mầm sống đang hình thành trong người họ là kết quả của hành động cưỡng bức hay nghèo đói cùng cực’.

“Ai mà không đau lòng trước những thảm cảnh như thế,” Ngài viết.

Giáo hoàng Francis cũng nói thêm về những quan ngại của Ngài về bất bình đẳng kinh tế.

“Hôm nay chúng ta phải nói ‘không’ với một nền kinh tế bất bình đẳng và gạt người khác ra ngoài lề. Một nền kinh tế như thế sẽ gây hại,” Ngài nói và lên án tình trạng ‘tôn thờ đồng tiền’.

“Tôi khẩn cầu Chúa Trời ban cho chúng ta thêm nhiều chính khách thật sự cảm thấy bức bối với tình hình xã hội và cuộc sống dân nghèo.”

Theo BBC Tiếng Việt

Số phận những thánh Anh Hài hôm nay


Trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba, các xã hội con người đã đặt trẻ em trong một bối cảnh sẵn sàng bị tàn phá và tiêu diệt không thương tiếc vì rất nhiều lý do: sự ích kỉ, tội ác, thiếu trách nhiệm, ngu dốt, mất quân bình xã hội... Vô số trẻ em đã không được chào đón và tôn trọng theo đúng vị trí cao cả là “mùa xuân của nhân loại”. Chúng ta sẽ nói gì về số phận những trẻ thơ mà lẽ ra các em phải được cưu mang, yêu thương, tôn trọng, nâng niu và chăm sóc nhưng lại bị chính cha mẹ, người thân loại bỏ bằng biện pháp tàn bạo phi nhân nhất: Phá thai!

Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đến với con người không qua các trung gian nhưng là qua Người Con Duy Nhất. Con Dấu Ái của Thiên Chúa được tặng ban cho nhân loại. Tình yêu của Thiên Chúa không chỉ là lời hứa mà bằng chính nghĩa cử cao đẹp “Đấng Cứu Thế” nhập thể theo thánh ý Chúa Cha vì thương nhân loại. Lời hứa ngọt ngào từ thuở địa đàng khi nguyên tổ Ađam và Eva xa ngã nay đã thành hiện thực. Con Thiên Chúa sinh ra cho nhân loại là điểm nhấn vĩ đại, đánh dấu một tình yêu bao la của Thiên Chúa trên lịch sử của con người. Thiên Chúa làm người và làm trẻ thơ chính là để yêu thương, hòa đồng, trở nên gần gũi để ai cũng có thể gặp được Người và tìm thấy niềm vui, hạnh phúc, bình an khi được Người đến ngự trong cõi lòng. Ngắm nhìn trẻ thơ Giêsu trong máng cỏ nghèo hèn, mỗi người chúng ta được mời gọi nghĩ tới số phận của bao trẻ thơ hôm nay đang chịu cảnh đói nghèo, thiếu thốn tình người, tình mẫu tử, tình đồng loại.

Những thông tin mới đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng Thống kê cho biết Việt Nam đang ở mức báo động về tỉ lệ nạo phá thai cao thứ ba thế giới, đặc biệt nguy hại là 20% đang ở lứa tuổi vị thành niên. Hiện nay, cả nước có 5% em gái sinh con trước 18 tuổi, 15% sinh con trước 20 tuổi. Năm 2004, người ta thống kê được số vụ nạo phá thai trong toàn quốc là 1,4 triệu ca, nhưng đó chỉ là con số thống kê được từ các bệnh viện hoặc trung tâm nạo phá thai chính thức của nhà nước, còn biết bao những vụ nạo phá thai lén lút tại các phòng khám tư nhân hoặc các ổ tệ nạn khác mà chúng ta không thống kê được. Gần đây, báo chí đã công khai con số kinh hoàng về nạn phá thai trong giới trẻ ở Việt Nam mà đặc biệt là ở thành phố Sài Gòn đô hội, với những bài viết trên báo Tuổi Trẻ về những thứ “chợ tình dã chiến” như một lời cảnh báo với tất cả mọi người.

Theo thống kê của bộ Y Tế, tỉ lệ các bạn nữ đến nạo phá thai từ năm 2000 đến 2004 tăng gấp 2 lần và thành phố Hồ Chí Minh tỉ lệ thai nhi bị giết do phá thai so với số trẻ được sinh ra cao gấp 2 lần. Năm 2003 – 2004 tỉ lệ phụ nữ phá thai ở thành phố Hồ Chí Minh chiếm 11.5% so với cả nước. Có những bạn trẻ sinh viên chỉ trong bốn năm học đại học mà phải nạo phá thai ba lần.

Không thể dửng dưng trước tệ nạn tàn nhẫn này! Việc nạo phá thai tàn phá sức khoẻ của các thế hệ thanh niên, đẩy sức khoẻ của cộng đồng đến những nguy cơ không thể lường được (ung thư, vô sinh, sinh dị thai trong lần sinh sau, tử vong...). Việc nạo phá thai tàn phá tâm lý tình cảm của con người (tâm thần, thác loạn, mặc cảm day dứt, tự tử, …). Và trên hết, nạo phá thai là xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng đã trao ban sự sống cho con người như một món quà cao quý nhất, Đấng đã chết cho con người được sống và Đấng ấy chính là sự sống. Tiêu diệt sự sống là xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa. Huấn thị Donum Vitae số 79 và Thông điệp Evangelium Vitae số 60 đã khẳng định: “con người phải được đối xử như một nhân vị kể từ khi thụ thai; và vì vậy cũng từ đó, nhân quyền của nó phải được thừa nhận, trước hết là quyền sống bất khả xâm phạm của một con người vô tội.” Sự sống con người phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ từ lúc được thụ thai. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, con người phải được kẻ khác nhìn nhận các quyền làm người, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi người vô tội.

Lời tiên báo của cụ Simêon, trước cửa đền thờ Giêrusalem, cho Hài Nhi Giêsu đã thành sự thật ngay từ ngày đó và cả cho đến tận hôm nay "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng...” (Lc 2, 34). Những nạn nhân đầu tiên của Hài Nhi lại là những trẻ thơ vô tội (Mt 2, 16-17). Hêrôđê vì sợ Hài Nhi tranh chấp ngai vàng nên ra lệnh giết hại các trẻ thơ theo kiểu “thà lầm còn hơn bỏ sót”. Một bầu khí tang thương bao trùm khắp cả Belem. Và đến hôm nay, khi xã hội tiến xa về những phát minh khoa học phục vụ những nhu cầu vật chất của con người, cách nào đó lại vô tình đưa con người tiến dần đến vực thẳm của sự suy đồi luân lý, lãng quên đạo đức, tiêu diệt sự sống và giết chết tình yêu.

Thế giới đang ngụp lặn trong một "nền văn minh chết chóc", tiêu diệt sự sống và giết chết tình yêu. Chính trong bầu khí của "nền văn minh sự chết" đang ngày một lan tràn, mẹ Giáo Hội tiếp tục mời gọi con cái mình dấn thân thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng yêu thương và cổ võ vun trồng nền văn minh tình thương và tôn trọng sự sống cho con người thời đại. Trên bước đường tiến về "nền văn minh tình thương" đó, người Kitô hữu được mời gọi góp phần vào việc hiện thực lý tưởng này, bằng cách chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Kitô ra ngay trong dòng lịch sử của mình. Đức Giêsu Kitô là Đấng Emmanuel, là Ngôi Lời nhập thể và là Đấng mặc khải cho chúng ta biết rằng; Chúa Cha yêu thương nhân loại đến nỗi trao ban Con Một. Và như thế, Thiên Chúa luôn tôn trọng sự sống và không ngừng hiện diện trong tất cả mọi người, dù đó là một thai nhi hay những vị bô lão, để nhân loại đừng vô tình nỡ lòng giết hại các thai nhi! ./.

Giuse Đình Tuấn OP

niemvuimoi.org

Vấn đề phá thai của giới trẻ ngày nay


Trong những năm gần đây, loài người đã chứng kiến sự thay đổi không ngừng về kinh tế, khoa học và nhất là sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin đã làm cho cuộc sống con người ngày được nâng cao.


Đáng tiếc thay, những giá trị đạo đức lại bị sói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất. Hơn nữa, thế giới toàn cầu hóa làm cho con người ngày càng đánh mất lương tâm: họ có thể làm bất kỳ điều gì vì quyền lợi của cá nhân, ngay cả việc dám bỏ đi một sinh linh chưa kịp chào đời. Vấn đề này không chỉ đem đến sự lo lắng cho các bậc làm cha làm mẹ mà còn gây nhức nhối cho những người có trách nhiệm.


1. Tình trạng nạo phá thai

Ngày nay, cùng với sự phát triển về kinh tế khoa học, tình trạng nạo phá thai cũng đang tăng theo trong giới trẻ chưa lập gia đình, chiếm gần 30% tổng số ca phá thai. Đặc biệt trong số đó, có tới 53% phá thai muộn, không an toàn và phá thai trên 1 lần, cũng không thiếu những bạn nữ là học sinh, sinh viên đã hai lần chối bỏ đứa con của mình.

Hơn nữa, tình trạng phá thai chung ở nữ giới nước ta cũng rất cao. Theo GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM - cho biết: thực trạng nạo phá thai rất đáng lo ngại. Mỗi năm, tại Việt Nam, có khoảng 700.000 phụ nữ nạo phá thai. Riêng ở TP.HCM, với khoảng 7 triệu dân, mỗi năm có khoảng hơn 100.000 ca sinh nhưng số ca nạo phá thai cũng tương đương. Tại BV Từ Dũ, mỗi năm tổng số sinh khoảng 45.000 người nhưng nạo phá thai hơn 30.000 người và tổng số 1,2-1,6 triệu ca mỗi năm. Cả nước có 5% em gái sinh con trước 18 tuổi và 15% sinh con trước 20 tuổi” . Còn theo BS Mai Hoa, Trung tâm Sức khỏe sinh sản Hà Nội cho biết, nhóm đối tượng đến phá thai tại trung tâm khoảng 150-180 người/tháng, trong đó, số thanh niên chưa lập gia đình chiếm khoảng 30%. Dù tất cả các trường hợp đến phá thai đều được tư vấn, nhưng rất nhiều người quay trở lại phá thai lần hai… Còn tại khoa KHHGĐ - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trung bình mỗi năm có từ 12.000-15.000 ca nạo hút thai các loại, có khoảng 3%. Trong số ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có 60-70% là học sinh, sinh viên.

Quả thật, con số nạo phá thai của nước ta thật kinh khủng. Vấn đề này không chỉ nhức nhối thực trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên mà tình trạng phá thai chung ở nữ giới nước ta cũng rất cao. Theo PGS Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình cho biết, Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có 20 ca nạo phá thai, trong đó 30-40% người phá thai là các bạn học sinh, sinh viên và công nhân.


2. Nguyên nhân dẫn đến nạo phá thai

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai nhưng vì giới hạn của bài viết, tôi chỉ xin nêu ra một vài nguyên nhân sau:


a. Nguyên nhân bản thân

Do thiếu hiểu biết về kiến thức giới tính nên các bạn nữ tự đi tìm hiểu ở bạn bè của mình hay tìm trên mạng những thước phim không lành mạnh. Đồng thời, nhiều bạn đã không làm chủ được mình khi yêu nhau dẫn đến có thai. Theo chuyên viên tư vấn, bà Lý Thị Mai, trung tâm tư vấn hôn nhân và gia đình TPHCM cho biết: Một số bạn trẻ yêu nhau đến khi có thai, người yêu cao chạy xa bay, để lại hậu quả cho đối phương một bào thai, cuối cùng người con gái đành phải đi nạo phá thai.

Hơn nữa, nhiều bạn đã tự nguyện sống thử trước hôn nhân, đặc biệt là các bạn nữ sinh viên và công nhân. Các bạn thích một cuộc sống hưởng thụ, phóng đãng, không tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng hay luật lệ của tôn giáo. Rất nhiều bạn không những xem thường giáo luật và luật pháp mà còn tự hạ thấp nhân phẩm của mình, không coi trọng gia đình, cho dù biết hành động mình đang làm là sai trái với chuẩn mực cuộc sống nhưng vẫn cố tình bước vào. BS Nguyễn Như Quỳnh, bệnh viện Từ Dũ kể: Mới 8g15 mà số thứ tự đã là 69. Trong đó có hơn 10 cô gái đang ngồi đợi trước buồng phẫu thuật. Cô gái có số 68 ngồi cạnh tôi mặt mày xanh xám: “em sợ quá chị ơi”. Bàn tay bám vào tôi sao mà lạnh ngắt. Cô đi một mình, và cái thai 10 tuần tuổi. Cô là sinh viên năm 2. “Dù sao cũng là con mình... nhưng còn chuyện học, việc làm, không chồng mà nuôi con thì còn khổ hơn” - giọng cô nghẹn trong nước mắt.

Có rất nhiều trường hợp các bạn lấy lý do này để ngụy biện cho hành động tội ác của mình. Cũng như mang lý lẽ đó ra để khoả lấp và biện minh cho việc làm sai trái của mình.


b. Nguyên nhân từ gia đình

Ngày nay, với sự phát triển của nền kinh tế, khoa học, cha mẹ mải mê kiếm tiền nên ít có thời gian để chăm sóc con cái. Nhiều gia đình phó mặc con cho nhà trường và xã hội, đến khi phát hiện con mình có thai thì đã muộn. Hơn nữa, cha mẹ ngại chia sẻ kiến thức giới tính cho con cái. Có những trường hợp khi con hỏi cha mẹ về vấn đề giới tính, họ lại nói: sau này con lập gia đình sẽ biết! Một bạn trẻ tâm sự: Do cha mẹ em đi làm về muộn, mỗi lần đi học về, em cảm thầy buồn, không có ai để chia sẻ, nên em đã kiếm bạn tâm sự. Sau một thời gian quen nhau, chúng em đã vượt quá giới hạn, nên em đã có thai.

Người ta thường nói: “Sóng trước đổ đâu sóng sau cũng đổ đó”. Trong một gia đình cha mẹ đã từng phá thai thì không thể giáo dục con cái lối sống lành mạnh và khi con cái theo cha mẹ vấp phải sai lầm thì lẽ đương nhiên, phá thai sẽ tiếp tục bành trướng và được xem như là một phương tiện cứu nguy cho gia đình ấy. Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, trưởng khoa tâm lý Đại học sư phạm TPHCM cho rằng: “ Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai ở giới trẻ là sự giáo dục của gia đình còn quá lỏng lẻo, ít quan tâm tới các em, nhất là lúc các em đang tuổi cặp kè yêu đương, các em muốn có người đồng hành để chia sẻ”.


c. Nguyên nhân từ xã hội

Với định hướng giáo dục sai lầm trong xã hội về nguồn gốc loài người, so sánh sự hình thành của thai nhi trong các giai đoạn với các động vật khác, đã dẫn đến những tư duy không lành mạnh, xem thai nhi trong giai đoạn hình thành và phát triển không phải là con người. Hay các chương trình giảm sinh, kế hoạch hoá, tuyên truyền triệt sản, thậm chí doạ dẫm sa thải, đuổi việc, cách chức v.v... đã làm cho một số lớn cá nhân sẩy chân vào tệ nạn nạo phá thai… Ý thức sai lầm do các đường lối giáo dục sai lầm và hệ thống luật pháp vừa lỏng lẻo vừa chệch hướng, sẽ tồn tại rất lâu trong tâm thức con người, càng làm cho xã hội trở nên rối ren hơn và tha hoá nhân cách hơn.

Bên cạnh đó, giới trẻ chúng ta đang bị cuốn hút bởi nền văn hóa Tây Phương du nhập vào, đó là một nền văn hóa thực dụng, tự do thỏa mãn tình dục. Vì thế đánh mất truyền thống tốt đẹp của người Á Đông, đó là: tôn trọng lễ nghĩa gia phong, nam nữ thọ thọ bất tương thân, nét đẹp của người con gái là thùy mị nết na… Còn nhiều vẻ đẹp truyền thống đang bị xóa mờ trong thế giới hưởng thụ nghĩa là tôi được quyền sử dụng những gì thuộc về tôi ngay cả vấn đề tình dục. Đồng thời, Một khi luật pháp còn chấp nhận phá thai thì làm sao trong nhà trường có thể giáo dục ngược lại.

Hơn nữa, do những điều kiện thực tại như sống xa nhà, không có sự quản lý của gia đình, thêm vào đó là đồng lương quá thấp, môi trường sống nghèo nàn thiếu các loại hình giải trí lành mạnh. Đồng thời, nguyên nhân trực tiếp là do lối sống buông thả hiện nay trong một bộ phận không nhỏ của giới trẻ chúng ta. Một số bạn sinh viên nghèo không có điều kiện để giải trí. Tìm hiểu các khu nhà trọ sinh viên, công nhân, phòng nào "giàu" lắm mới sắm được chiếc tivi hay đầu đĩa nghe nhạc. Còn các chương trình biểu diễn khác thì năm thì mười họa mới có một đoàn tới, nhưng phải mua vé vào cổng.

Mặt khác, con số nạo phá thai của giới trẻ đặc biệt tăng nhanh sau các kỳ nghỉ tết, Quốc tế lao động, Quốc khánh và cuối học kỳ của năm học, sinh nhật…Một bạn sinh viên đã chia sẻ: “Sau khi sinh nhật về, thay vì chở em về nhà, nhưng người yêu em đã chở vào nhà nghỉ. Sau đêm đó, em đã có thai mà không hay biết.”


3. Hậu quả của việc nạo phá thai

Việc nạo phá thai để lại hậu quả không những cho sức khỏe, tâm lý mà còn ảnh hưởng cả về lương tâm …

a. Hậu quả về sức khỏe

Theo bác sĩ Mai Lan bệnh viện Phụ sản TW cho biết, nạo phá thai rất dễ dẫn đến hậu quả vô cùng nguy hiểm cho các chị em phụ nữ, nhất là giới trẻ. Chẳng hạn như: vô sinh do tắc dính vòi tử cung, tắc vòi trứng, biến chứng sau một thời gian . Đây là hậu quả nặng nề nhất mà bạn gái trẻ phải gánh chịu vì sự thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản. Trước đây, có một bạn gái 18 tuổi đi phá thai, sau hơn một tuần bị nhiễm trùng. Khi đưa vào BV Từ Dũ cấp cứu thì mủ đã đầy bụng, phải cắt bỏ tử cung; có trường hợp tử vong vì nhiễm trùng nhưng đến cấp cứu quá trễ. . Và rất nhiều bạn trẻ, sau khi nạo phá thai đã vĩnh viên không bao giờ được làm mẹ nữa. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết mỗi năm trên thế giới có đến 70.000 người chết vì phá thai!


b. Hậu quả về tâm lý

Việc nạo phá thai làm cho tâm trí của người mẹ không những bị bị ám ảnh mà còn sợ hãi, trầm cảm. Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền trưởng khoa xã hội học Đại học Bình Dương cho biết: Sau khi nạo phá thai, các bạn trẻ thường rất hoang mang, ám ảnh của thai nhi, nhất là mỗi khi nhìn thấy các chị em mang bầu là họ nhớ đến việc bỏ đi giọt máu của mình . Còn theo chuyên viên tư vấn, bà Lý Thị Mai, trung tâm tư vấn hôn nhân và gia đình TPHCM cho biết: Sau khi nạo phá thai, các bạn trẻ thường rất hoang mang, lo lắng, có trường hợp còn mất ăn mất ngủ một thời gian rất lâu, dẫn đến tâm lý không được ổn định.

Bên cạnh đó, nạo phá thai không những làm tổn thương rất lớn cho người phụ nữ sau khi lập gia đình mà còn làm cho họ rất mặc cảm đến những vết thương mà mình đã gây ra. Theo Linh mục Lê Quang Uy, Dòng Chúa Cứu Thế, người phụ trách Nhóm Bảo Vệ Sự Sống, cho biết: “Những trường hợp mà chúng tôi biết được thì rõ ràng là có một hậu quả để lại rất nặng nề và lâu dài về mặt thể lý, tức là trên thân xác của họ nó bị tổn thương kinh khủng.


c. Hậu quả về lương tâm, luân lý

Có người nói: ngày nay dường như lương tâm con người không có “răng”, họ không còn sợ một điều gì, ngay cả bỏ đi giọt máu của mình! Nhưng không đơn giản như thế, rất nhiều người đã đau đớn, hối hận sau khi nạo phá thai và mặc cảm tội lỗi đeo đuổi các bạn suốt quãng đời còn lại. Tôi đã được một chị chia sẻ: “Em đã phá thai được hơn sáu năm, nhưng em không thể nào quên được, nó cứ ám ảnh làm em rất sợ, có hôm em còn mơ thấy em bé khóc gọi mẹ”. Chị ta còn nói: Giá như bây giờ thì em không bao giờ phá nữa dù em có chết!

Theo Linh mục Lê Quang Uy, Dòng Chúa Cứu Thế, người phụ trách Nhóm Bảo Vệ Sự Sống, cho biết thêm: nạo phá thai có ảnh hưởng rất lớn về mặt tâm linh, họ mang mặc cảm như là đã mang tội sát nhân. Báo tuổi trẻ số ra ngày 11 tháng 10 năm 2009 tác giả Phương Lan có bài “Đi cầu siêu cho thai nhi”. Bài báo viết: ngay từ sáng có hàng ngàn phụ nữ đến Chùa Từ Quang, Củ Chi TPHCM để cầu siêu. Hầu hết, họ là các phụ nữ trẻ đã nạo phá thai từ một đến hai ba lần, mong cho con mình ở dưới suối vàng tha thứ cho cha mẹ”.

Hơn nữa, về luân lý Kitô Giáo không được phép nạo phá thai. Theo Bộ Giáo Luật 1983 điều 1398 có nói: “Người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết - nghĩa là không cần ai phải ra vạ, mà khi mình phá là mình tự động bị vạ tuyệt thông. Đồng thời theo Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin nói: “Cần phải tôn trọng sự sống con người ngay từ khi bắt đầu quá trình sinh sản. Từ khi trứng thụ tinh, đã có một sự sống mới bắt đầu, không phải của cha, cũng không phải của mẹ. Đúng hơn là sự sống của một con người mới sẽ được phát triển riêng. Sự sống ấy sẽ không bao giờ trở thành người được nếu đã không là người. Vì vậy, luật Thiên Chúa cũng như lý trí tự nhiên không cho phép bất cứ ai có quyền giết một con người vô tội” . Còn Công Đồng Vatican II thì nói: “Sự sống phải được quan tâm bảo vệ hết mức ngay từ lúc thụ thai. Vì thế, phá thai và giết trẻ em là những tội đáng ghê tởm”.

Bên cạnh đó, theo Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, nạo phá thai đã không những không giải quyết được những khó khăn của người phụ nữ và gia đình, mà còn mở ra một vết thương khác trong lòng xã hội của chúng ta vốn đã phải đang gánh chịu nhiều điều đau khổ ”. Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố như trên trước 800 thành viên của Phong trào Sự Sống trong buổi hội kiến ở Toà thánh Vatican hôm 12/05/2008’.


4. Để hạn chế việc nạo phá thai

a. Về phía bản thân

Mỗi bạn trẻ chúng ta phải trang bị kiết thức giới tính cho mình, qua trường lớp, qua sách vở. Không nên tự tìm hiểu qua những bạn bè không biết hay tìm hiểu qua những thước phim không lành mạnh, không nên coi thường việc giáo dục giới tính. Nếu cần, chúng ta có thể đến các trung tâm tư vấn có uy tín hoặc nhờ những người hiểu biết giúp đỡ. Đồng thời, các bạn nên giữ ranh giới với người khác phái, nhất là các bạn đang yêu nhau. Người xưa thường nói: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” hay “ Khôn ba năm dại một giờ”. Hơn nữa, chúng ta nên tham gia các đoàn hội, tạo một sân chơi lành mạnh và nói không với việc nạo phá thai.


b. Về phía gia đình

Trước tiên, gia đình phải là chỗ dựa vững chắc cho con cái khi có chuyện, cần quan tâm nhiều việc giáo dục cho con biết về giới tính hơn nữa, nhất là vai trò của người mẹ trong việc giáo dục con gái trước ngưỡng cửa của tuổi dậy thì. Khi con cái hỏi về vấn đề này, cha mẹ nên sẵn sàng giúp đỡ chúng. Theo chuyên viên tâm lý Trần Thị Thu Hằng cho biết: cha mẹ phải là chỗ dựa vững chắc cho con cái, khi con cái đến tuổi dậy thì. Đồng thời cha mẹ nên đóng vai trò không chỉ là người thấy mà còn là người bạn thân để con cái tin tưởng chia sẻ những điều khó nói…


c. Về phía xã hội

Tăng cường việc đưa giáo dục giới tính vào nhà trường, vào sinh hoạt vui chơi. Đồng thời, các cơ quan liên quan cần ngăn chặn các cơ sở y tế tư nhân hành nghề nạo phá thai trái phép. Đó sẽ là một "lá chắn" quan trọng trong việc đưa các em thoát khỏi viễn cảnh phải làm mẹ sớm.

Hơn nữa, theo Linh mục Lê Quang Uy, Dòng Chúa Cứu Thế cho biết: một trong những hoạt động lớn của chúng tôi là giáo dục giới tính, đó là đi giảng dạy, mở các khóa rồi thuyết trình, nói chuyện, phát các tờ bướm, tổ chức hội thảo cho sinh viên học sinh về giáo dục giới tính và giới thiệu sự mầu nhiệm của sự sống, làm sao để chính các bạn trẻ đó nhận thức được vấn đề, chính họ đừng bị rơi vào các thảm họa đó, rồi chính họ cộng tác với mình để làm chiến sĩ bảo vệ sự sống ngay trong môi trường, ngay trong cái độ tuổi, ngay trong trường học, ngay trong sân chơi, ngay trong những cái nơi mà giới trẻ đến với nhau, hội tụ với nhau.”

Thiết nghĩ, chúng ta nên nhìn các bạn đã nạo phá thai đáng thương hơn là đáng trách. Đồng thời, nên giúp đỡ nhiệt tình cho các bạn khi đã nỡ mang thai có chỗ để sinh nở. Chẳng hạn như ở TPHCM có rất nhiều nhà dòng đã mở các nhà cho chị em trót mang thai, như các Soeur Tu Hội Thừa Sai Bác Ai, đã đi đến các bệnh viện Phụ Sản ở TPHCM tìm các bạn đi phá thai để tư vấn và đem về nhà cho các bạn sinh nở, đồng thời, Giáo Hội và xã hội cần có một giải pháp để cho các bạn trẻ lầm lỡ.


Tạm kết

Thân xác con người là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Sự Sống chính là một món quà tặng vô giá mà Thiên Chúa đã thương ban cho con người. Sự sống, cái chết, phẩm giá của con người, đâu phải để cho chúng ta được quyền quyết định hay hủy diệt.

Hơn nữa, hạnh phúc hay đau khổ của con người là tự con người quyết định lấy. Quy luật chân lý đã chỉ cho chúng ta thấy: muốn có hạnh phúc thì phải hy sinh, còn thoả mãn hưởng thụ sẽ phải chuốc lấy phần hậu quả khôn lường trong hối tiếc. Tất cả bắt nguồn từ con người cách hành xử trong cuộc sống khi nhận thức một sự việc nào đó. Đã là con người, có tôn giáo hay không tôn giáo, giàu sang hay nghèo khó, thuộc chủng tộc hay mầu da nào v.v... cũng không ngoại lệ. Vậy bạn hãy chọn cho mình một cách để sống và hành xử. Bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc vô biên hay bạn sẽ phải nghiến răng khóc lóc trong tăm tối âu sầu chính là do bạn tự quyết định lấy cuộc đời bạn. Riêng tôi, tôi đã chọn cho mình con đường Bảo Vệ Sự Sống dù có phải hy sinh chính cuộc sống của mình nơi thế gian này, chỉ để mong tìm kiếm sự xót thương của Đấng mà tôi kính sợ trong Ngày Phán Xét sau này. Ước mong rằng giới trẻ chúng ta nhận ra những điều này và cương quyết không để ma quỷ cám dỗ.

Tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình MF


tinvuiviet.net

Hạn chế sinh sản

Hỏi:


Xin cho con biết về sự giằng co giữa một bên là việc giảng dạy và áp dụng chính xác giáo lý của Giáo Hội công giáo về vấn đề bảo vệ sự sống con người với việc bày tỏ lòng nhẫn nại và nhân từ đối với những con người vi phạo giáo huấn đó?

Theo con được biết thì đạo Phật coi phá thai là giết hại đời sống của một hữu thể. Nhưng ở một số trường hợp đạo Phật dùng từ bi mà bao dung cho việc ngưng thai. Vậy còn người công giáo có được phép hạn chế sinh sản hay không?

Thùy Hương@... 

Đáp:


Chào chị,

1/ Xin vắn tắt trả lời câu hỏi của chị: "người Công giáo có được phép hạn chế sinh sản hay không?

Tiếng "hạn chế sinh sản" chị dùng, có thể hiểu là "ngừa" không cho thụ thai" và "phá" nếu đã thành thai, bất kể ngày tháng trước khi bé chào đời.

- Giáo hội Công giáo dạy về ngừa thai:

  1. Vợ chồng Công giáo không được "ngừa thai" bằng phương pháp tự nhiên (như giao hợp ngưng ngang, dùng bao cao xu, dùng màng chắn cửa mình, đặt vòng xoắn, uống thuốc ngừa…buộc buồng trứng, cắt ống dẫn tinh. (ĐGH Phaolo 6,Thông điệp Sự Sống Con Người số 14)
  2. Nhưng được "ngừa thai" bằng theo dõi "chu kì kinh nguyệt" để không giao hợp vào ngày có thể thụ thai. (Tđ trên số 16)
  3. Với người mẹ có bệnh hiểm nguy cho mạng sống thì được dùng thuốc chữa, dù biết rằng thuốc làm ngăn trở thụ thai. (Tđ trên số 14)

- Giáo hội Công giáo dạy về phá thai:

  1. "Phá thai, giết hài nhi luôn luôn là một tội ác đáng ghê tởm" (Công đồng Vat 2, Hc Mục vụ số 51). Là tội nặng cho người mẹ, và người xúi giục, cộng tác. Phá thai bị vạ tuyệt thông, trừ khi không biết, không cố tình. (Giáo luật khoản 1398).
  2. Nhưng không gọi là phá thai, khi để cứu mạng người mẹ mà người con bị chết oan, (Luân lí Công giáo, Phá thai gián tiếp, không mắc tội).
  3. Khi vừa bị cưỡng hiếp, mà không muốn giữ, thì có thể rửa ngay tinh trùng mới vô, vì lúc đó chưa thành thai. (Nhà Luân lí B. Haring,CSsR)
Xem thế thì Giáo hội Công giáo cũng "bao dung" lắm chứ.

Mong chị hiểu biết rõ ràng giáo huấn của Giáo hội thì sẽ không còn gì: giằng co giữa bên này bên kia nữa, mà còn khuyên người ta biết tôn trọng mạng sống con người "được Thiên Chúa dựng nên để hưởng phước Thiên đàng đời đời dù có gặp khổ não trên đời.

Linh mục Đoàn Quang, CMC


xuanha.net

Thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn thai nhi tại vườn thánh Giáo xứ Bác Trạch


“Đừng bỏ con mẹ ơi ! Hãy cho con được sinh ra đời. Con nào có tội tình chi ? Mà sao không cho con bên Mẹ ?”.

Tiếng hát thương mến, cảm sầu của các em thiếu nhi trước Thánh lễ đã làm tất cả mọi người hiện diện tại đất thánh Bác Trạch trong buổi chiều đông phải… rơi lệ! Từ cha xứ đến các em nhỏ, tất cả đều có chung một cảm xúc: nghẹn ngào, thương cảm, xót xa. Và, không ai có thể kìm nén được nỗi lòng mình. Nỗi lòng chất chứa dâng trào, chảy tràn theo những giọt nước mắt. Bởi vì, có một sự thật đang hiện diện trước mắt cộng đoàn: nơi đây, là nơi yên nghỉ của hàng chục nghìn thai nhi vô tội.

Một buổi chiều của ngày đầu tháng 11 - Tháng cầu nguyện cho các linh hồn, chúng tôi về với giáo xứ Bác Trạch. Chiều nay, tại đất thánh của giáo xứ có một Thánh lễ đặc biệt: Thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn thai nhi đang an giấc trên chính mảnh đất này.

Trong khu đất thánh, giáo xứ Bác Trạch đã dành một phần đất nhỏ an táng các thai nhi. Trên một diện tích chưa đầy 20 mét vuông nhưng lại là nơi ngủ yên của trên 15.000 em nhỏ. Mặc dù vườn thánh này mới chỉ được hình thành được... một năm rưỡi.

Các em bị chính cha mẹ mình chối bỏ, khước từ quyền sống; nhưng xã hội vẫn còn đó những người giàu tình thương, đã không quản công khó đưa các em về đây yên nghỉ. Chúng tôi muốn nói đến hai gia đình thiêng liêng của các em: Gia đình anh chị Jer. Phạm Văn Đương - Anna. Phạm Thị Duyên và Her. Nguyễn Văn Vụ - Philumela. Trần Thị Thiêng. Trong giáo xứ Bác Trạch đông đúc và rộng lớn này, chắc hẳn không có gia đình nào lại có nhiều con thiêng liêng như hai gia đình ấy.

Mỗi buổi chiều, hai chị Duyên - Thiêng lại tận tụy đi đến các cơ sở y tế để “đón” các em về, bất kể nắng nôi, mưa gió và cả sự dị nghị của người đời. Chị Duyên kể: “Lúc đầu, vì không hiểu được việc làm của mình nên một số nhân viên y tế tỏ ra hằn học, thậm chí họ còn chửi bọn mình, họ bảo bọn mình là điên, là hâm dở. Có người còn nghĩ mình xin các em về để làm điều thất nhân thất đức. Họ bảo: chắc phải có lợi lộc gì nên mưa gió cũng lên lấy các em? Nhưng vì lòng yêu mến Chúa, yêu thương các em, hai chị em vẫn vui vẻ tiếp tục công việc, không lấy đó làm nản lòng.”

Có những lần đi đưa các em về, hai chị còn kịp rửa tội cho một số em vẫn còn thoi thóp thở. Được hỏi, do đâu mà hai chị lại thực hiện việc làm này? chị Duyên cho biết, gia đình chị chạy xe khách Bắc Nam, trong những lần vào Sài Gòn, anh Đương nghe biết có nhiều người đã tình nguyện đi thu lượm xác thai nhi về chôn cất. Về nhà, anh ngỏ ý và động viên chị làm việc này. Nhận thấy đây là một việc làm mang đầy tính nhân văn nên chị làm ngay. Lúc đầu, chị thực hiện một mình. Thời gian sau, có thêm hai vợ chồng chị Thiêng- anh Vũ cùng tham gia, cộng tác.

Việc làm của hai gia đình được cha xứ Aug. Nguyễn Quang Huy hết lòng ủng hộ. Cha xứ đã viết thư để các cơ sở y tế tạo điều kiện giúp đỡ hai chị được đưa các em về chôn cất. Cha còn liên hệ với chính quyền địa phương để có được khu đất trong khuôn viên đất thánh Giáo xứ để các em có chỗ an nghỉ.

Công việc của hai gia đình cùng được cả cộng đoàn giáo xứ Bác Trạch chung tay góp sức. Giáo xứ đã giúp hai gia đình xây sẵn các huyệt mộ cho các em. Một số gia đình đã tình nguyện nhường tử huyệt của mình để các em có đủ nơi yên giấc.



Và buổi chiều hôm nay, sau giây phút nặng lòng, thương cảm, tất cả mọi người đã gạt nước mắt hiệp cùng cha Chánh xứ và cha Phó xứ dâng Thánh lễ để phó thác các em cho lòng nhân từ của Thiên Chúa .

Trước khi vào Thánh lễ, cha Chánh xứ Aug. Nguyễn Quang Huy đã quỳ xuống đất ôm hôn bia mộ các em. Một cử chỉ bày tỏ sự thương yêu của người cha chung với đàn con nhỏ đang chìm sâu trong giấc ngủ yên. Trong lời mở đầu Thánh lễ, Cha chánh xứ đã nhấn mạnh điều trân quý của sự sống và mời gọi cộng đoàn cùng chung lời cầu nguyện cho các em. Ngài nói: “Kính thưa cộng đoàn! Sự sống là ân ban của Chúa. Sự sống được Thiên Chúa ban cho con người ngay từ lúc phôi thai. Thế nhưng, các thai nhi yên nghỉ nơi đây có ngày tử mà không có ngày sinh. Các em là nạn nhân của tội ác xã hội, của người đời và của chính cha mẹ các em. Mỗi người Ki-tô hữu chúng ta phải cùng chung tay bảo vệ sự sống, ngăn chặn tội ác. Bởi đây là lệnh truyền của Chúa, vì Chúa phán: Ta là đường là sự thật và là sự sống. Cách riêng, trong Thánh lễ này chúng ta hãy cầu nguyện cách đặc biệt cho các thai nhi”.

Trong Thánh lễ, tất cả mọi người tham dự đều xúc động với bài giảng của cha Phó xứ Dom. Vũ Minh Trí. Thay vì chia sẻ Lời Chúa như thông lệ, bài giảng của cha là một lá thư của một thai nhi đối với cha mẹ. Trong lá thư, cha đánh động lương tâm của tất cả những bậc làm cha mẹ về thảm họa phá thai: “ Thưa mẹ! Mặc dù con không biết mẹ là ai, vì con chưa có một lần được thấy mặt mẹ. Nhưng con vẫn gọi người cưu mang con trong dạ một thời là mẹ. Bởi, cho dù là con vật, nó cũng có mẹ. Nhưng từ xưa đến nay, không có con vật mẹ nào quyết định giết con mình, không cho nó được chào đời. Còn mẹ, mẹ đã cưu mang con đến 7, 8 tháng mà còn quyết định mướn người giết con…”

Thánh lễ kết thúc, quý cha cùng toàn thể cộng đoàn thắp hương và chung lời kinh, hiệp ý cầu nguyện cho các em. Khói hương tỏa bay nghi ngút, cùng với lời kinh ngân vang làm cho khu vườn thánh Giáo xứ Bác Trạch trong buổi chiều đông tuy lạnh lẽo nhưng thật ấm tình người, tình yêu thương.

Chúng tôi từ biệt cha xứ ra về mà lòng còn trĩu nặng. Thật tiếc cho những người mẹ đã đang tâm từ bỏ đứa con ruột của mình lại chẳng bao giờ được tham dự một thánh lễ cảm động như thế này. Mà giả như nếu có cơ hội, liệu họ có đủ can đảm để nghe hết lá thư mà một thai nhi nào đó đã đại diện viết lên?

Dòng đời vẫn trôi đi với những ồn ào và náo động của cuộc sống mưu sinh. Rồi người ta lại tiếp tục ra tay giết hại những trẻ thơ vô tội dưới những chiêu thức để “ổn định cuộc sống” – làm như thể sự hiện diện của các em trên cõi đời này là một gánh nặng cho xã hội vậy!!! Nhưng thật an ủi thay, giữa dòng đời trong đục đó, còn có biết bao nhiêu người mẹ, người cha thiêng liêng như các anh các chị trong những nhóm thiện nguyện, ngày đêm vẫn âm thầm, tận tụy với công việc “bảo vệ sự sống” - thực ra là giúp các em được an nghỉ như một con người đúng nghĩa.

Xưa trong Cựu Ước, bà Ra-khen đã không cho ai an ủi bà, chỉ vì những đứa con của bà đã bị người ta giết chết khi còn măng sữa. Còn hôm nay, ai sẽ khóc cho những người mẹ, khi mà chính bà đã giết đi đứa con ruột của mình?!



















Lạy các thánh Anh Hài, xin cầu cho chúng con!

giaophanthaibinh.org