Phá Thai và An Tử (Euthanasia)

An Tử có nhiều điểm giống với vấn đề phá thai. Chẳng hạn, cả hai đều liên quan đến vần đề lấy đi mạng sống của người vô tội – phá thai ngay lúc mới khởi đầu sự sống, và an tử, vào lúc cuối đời. Nhưng có một vài điểm dị biệt. Đối với việc phá thai, chúng ta thường không trông thấy hài nhi bị giết chết, trong khi an tử, nạn nhân là một người đang hiện diện, một người mà công chúng đều biết đến. Sự khác biệt này khiến cho an tử dễ hiểu hơn. Ngoài ra, về an tử, phần lớn không có những tranh luận về bản thể con người bị giết chết. Điều này khiến cho vấn đề giản dị hơn so với phá thai.

Tuy nhiên, trong vài khía cạnh quan trọng khác, an tử lại khó khăn hơn phá thai. Thường khó nhận định là một hành động nào là an tử. Phá thai rõ ràng hơn. Phá thai có nghĩa là giết người, rất là giản dị. An tử là giết để giảm bớt sự đau đớn. Đây không chỉ giản dị là giết chết mà thôi, mà là giết người dựa trên mục đích cảm thương. Nhưng cảm thương lại là một hiện tượng hơi chủ quan; không hiển nhiên tức khắc là một người đã bị giết vì cảm thương hay không.

Hành động và không hành động

Đây không phải là sắc thái mơ hồ độc nhất của an tử. Như được hiểu theo truyền thống, an tử không thể chỉ là một hành động, nhưng còn là một bất hành động, một việc gây nên cái chết để giảm bớt sự đau đớn. Có nghĩa là ngưng các chữa trị y khoa để gây nên cái chết (với mục đích giảm bớt đau đớn) là một trường hợp an tử. Điều này có vẻ phức tạp, và thật vậy, rất phức tạp. Tuy nhiên, cả đức tin lẫn lý luận giúp cho chúng ta hiểu được tại sao phải làm như vậy. Ngoài ra còn có thể có một phương sách chính phủ phù hợp với sự thật về an tử, như trường hợp của Gia Nã Đại, ngày nay. Dĩ nhiên, ưu tư là một số người muốn lạm dụng chính sách này. Do đó chúng ta cần tìm hiểu an tử là gì và luật lệ cần có để đối phó với sự việc này.

Giáo Huấn của Giáo Hội Công Giáo

Giáo Hội có một định nghĩa rõ rệt về an tử. Chân Phước Gioan Phaolô II mô tả là “một hành động hay bất hành động có ý định gây nên cái chết, với mục đích giải trừ mọi đau đớn" (Evangelium vitae, 1995, số 65). Có lẽ bây giờ, câu hỏi đầu tiên là, cái chết của ai, sự đau đớn của ai? Đây là cái chết của những người vô tội đang đau đớn, hay được cho là đang đau đớn, vì tật nguyền, mang bệnh hay hấp hối. Ở đây có một rắc rối. Không chỉ là những người đang hấp hối; mà là gây nên cái chết của những người có thể là tàng tật, hay chỉ vì đang mang một căn bệnh khó chữa. Trong trường hợp của Tracy Latimer ở Ontario, Canada, là một em bé 12 tuổi bị bệnh đau màng óc, ba em là Robert Latimer đã quyết định để cho em chết vào ngày 24 tháng 10, năm 1993, em có đang hấp hối không? Không, em chỉ là một kẻ tật nguyền. Cái chết của em có phải là an tử không? Đúng như vậy.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét câu "gây nên cái chết." Ở đây chúng ta đang đề cập đến một quyết định luân lý để bức tử, hay lựa chọn cái chết cho một người vô tội. Nói cách khác, chúng ta đang nói về điều Giáo Hội muốn hiểu là "sát nhân"– đó cũng là từ ngữ được hiểu theo truyền thống ngôn ngữ là: gây nên cái chết cho một người vô tội. Như vậy, an tử là một hình thức sát nhân.

Giáo huấn của Giáo Hội về sát nhân luôn luôn giản dị và rõ ràng. Sát nhân là giết người. Sát nhân luôn luôn sái trái – dù mục đích là làm giảm đau đớn hay vì bất cứ mục đích nào khác, bất kể trường hợp. Tại sao? vì sát nhân, và an tử, vi phạm tình yêu và công lý là bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa và con người. Đời sống con người là một quà tặng của Thiên Chúa, Đấng vẫn là chủ thể; con người không có quyền tự ý hủy diệt những gì thuộc về Thiên Chúa (Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 2277, 2260, 2258, 2280). Ngoài ra cố tình giết một người vô tội hủy hoại phẩm giá và quyền sống của tất cả mọi người mang hình ảnh của Thiên Chúa, như một tạo vật thiêng liêng được Đấng Tạo Hóa tách biệt ra khỏi các loài thọ tạo khác trên trái đất. (Sáng Thế 1:26-28, 2:19-20).

Theo Chân Phước Gioan Phaolô II, các chân lý về sự sai lầm của hành động sát nhân được mạc khải bởi đức tin của chúng ta, nhưng cũng có thể được nhận biết bằng lý lẽ con người. Sát nhân bị cấm đoán bởi luật lệ được mạc khải (nhờ đức tin mà có) và bởi luật tự nhiên (nhờ lý lẽ mà có) (Evangelium vitae, số 57). Không những tất cả mọi hành động sát nhân, và an tử đều sai trái; chúng hoàn toàn sai trái. Tại sao? Vì “đời sống con người – bị huỷ diệt – là căn bản của tất cả những gì là bản thiện của con người, và là suối nguồn cần thiết và là điều kiện của mọi sinh hoạt con người và mọi sinh hoạt của xã hội.” (Tuyên Cáo của Vatican về Euthanasia, 1980, I).

Vào thế kỷ 20, các giáo hoàng đã giảng dậy rõ ràng về sự dữ của an tử ngay từ Đức Piô XII. Tuy nhiên, chính Chân Phước Gioan Phaolô II đã ban hành tuyên cáo chính thức nhất về luân lý của an tử. Trong Thông điệp Evangelium vitae ngài nói: "Hòa nhịp với các giáo hoàng tiền nhiệm và hiệp thông với các giám mục của Giáo Hội Công Giáo, tôi khẳng định rằng an tử là một vi phạm trầm trọng luật lệ của Thiên Chúa, vì đây là một hành vi cố tình giết hại một con người. Học thuyết này dựa trên luật thiên nhiên và luật lệ đã được viết xuống của Thiên Chúa, được truyền lại bởi Thánh Truyền của Giáo Hội và được dạy dỗ bởi các giáo phụ điạ phương và hoàn vũ." (số 65). Chúng ta hãy thử xem xét đến việc lẩn tránh vần đề!

An tử cố ý và an tử vì bỏ quên

Như thế, chúng ta biết rằng Giáo Hội coi an tử như là sát nhân và là một cái gì hết sức vô nhân đạo. Nhưng chúng ta vẫn chưa phân biệt được khi nào là an tử, khi nào không. Chúng ta thử coi định nghĩa – chỗ an tử được giải thích là “một hành động bỏ quên không làm." Định nghĩa này có ý chỉ là có hai hình thức an tử căn bản. Một là “an tử tác động” và “an tử vì bỏ quên” (hay an tử thụ động). Đây là các từ ngữ đã được nhiều giám mục, thần học gia, và tâm lý gia Công Giáo xử dụng. Tuy nhiên, Giáo Hội không có một danh từ có tính cách hoàn vũ ở điểm này. Tuy nhiên, quan niệm mà các từ ngữ này muốn diễn tả đã được trình bầy trong giáo huấn của Giáo Hội.

An tử tác động, tác nhân luân lý gây nên cái chết bằng một hành động tích cực bao gồm việc xử dụng một dược phẩm hay vũ khí để gây nên cái chết. Như trường hợp của Robert Latimer trên đây, ông đã nối ống thoát hơi của xe vận tải để làm cho con gái ông phải chết. Đó là an tử tác động. Điều quan trọng là phải phân biệt an tử tác động với một vài hình thức làm giảm cơn đau đớn có thể hơi tương tự. Chúng ta có thể dùng dược phẩm với mục đích để kiềm chế cái đau; như trong trường hợp của bệng ung thư. Tuy nhiên, hậu quả có thể tiên đoán nhưng không cố tình của y dược có thể là làm cho cái chết mau chóng hơn. Như vậy có nghĩa là người bác sĩ cho thuốc ngừa đau có đang giết chết bệnh nhân không? Rõ ràng là không. Mục đích của hành động như vậy là làm giảm cơn đau; không cố tình hay lựa chọn cái chết. Hơn nữa, làm giảm cơn đau chắc chắn là một hành động hợp luân lý. Dĩ nhiên, nếu một bác sĩ cho một liều thuốc nhiều hơn mức độ cần thiết để giảm cơn đau, và vì thế gây nên cái chết, thì người bác sĩ ấy đã sát nhân.

Sự phân biệt này – giữa việc giết một người, và làm một hành động có thể chỉ là một chăm sóc y tế tốt lành, mặc dù phụ hệ có thể làm cho cái chết đến mau hơn – được dựa trên các giáo huấn Công Giáo từ thời Đức Piô XII về sau. Đây là nguyên tắc được mệnh danh là có hai hậu quả. Nhưng điều quan trọng cần ghi nhận là cùng một sự phân biệt này cũng được dựa trên truyền thống luân lý và luật lệ của xã hội chúng ta. Tuy nhiên một số các nhà đạo đức ngày nay lại cố gắng xóa bỏ sự phân biệt này. Họ cho rằng thuốc giảm đau cho bệnh nhân cũng không khác gì an tử tác động, vì cả hai đều đưa đến cái chết. Dĩ nhiên, đây là một lý luận tốt nếu chúng ta muốn công nhận an tử. Nhưng lại không hợp đạo lý, vì bỏ qua sự khác biệt về mục đích trong hai lựa chọn luân lý này. Trong một trường hợp mục đích là để giảm đau đớn; mục đích kia là để gây ra cái chết.

Thế còn an tử vì bỏ quên thì sao? Trước hết, tất cả mọi người đều biết là có thể giết chết một người bằng cách cất đi những nguồn dinh dưỡng cũng như áp dụng một biện pháp nào khác gây nên cái chết. Một thí dụ điển hình là bỏ cho chết đói. An tử vì bỏ quên có thể bao gồm việc bỏ cho chết đói, nhưng có thể bao gồm cả những phương cách ngăn chặn sự sống khác. Nói chung, trong trường hợp an tử vì bỏ quên, cái chết bị gây nên bởi việc cố tình không xử dụng các biện pháp cần thiết để gìn giữ mạng sống.

Có hai loại bỏ quên: quyết định không dùng các biện pháp chưa xử dụng, và ngưng các biện pháp đang xử dụng. Các phương tiện sống còn có thể bị ngăn cản hay bị ngưng là thành phần của an tử bao gồm các phẩm dược, các máy móc kỹ thuật, và các cuộc giải phẫu, cũng như các biện pháp nuôi dưỡng bình thường – như giữ cho căn phòng có nhiệt độ an toàn. Nếu bạn đem dấu các viên thuốc của người bà để cho bà cụ bị tai biến mạch máu não và qua đời, vì bạn cho rằng bà cụ chết đi cho đỡ khổ, thì đó là an tử. Nếu bà cụ nằm liệt giường, và bạn tắt máy sưởi giữa mùa đông giá lạnh, và bà cụ chết cóng, thì đó cũng là an tử, mặc dù bạn đang muốn cho bà cụ khỏi phải tiếp tục đau đớn.

Phương Tiện Bình Thường và Khác Thường

Sự phân biệt giữa hai phương tiện – bình thường khi không dùng thì đưa đến cái chết, và khác thường, khi không dùng cũng không mang lại cái chết – là một vần đề cổ xưa hàng thế kỷ trong Giáo Hội, và vẫn còn hiệu lực ngày nay. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa trả lời hai câu hỏi, khi nào thì các phương tiện có tính cách bình thường và khi nào thì khác thường? Nói cách giản dị, các phương tiện bình thường khi chúng hữu dụng và không quá mất công. Chúng có tính cách khác thường khi chúng không hữu dụng và không quá mất công.

Làm sao để chúng ta biết khi một phương tiện hữu dụng hay vô dụng, mất công hay không? Câu trả lời nằm trong một bản năng lạ lùng Thiên Chúa đã ban cho tất cả mọi người biết suy luận: đó là khả năng phán đoán. Rất tiếc là không có một danh sách ngắn gọn để đưa ra ở đây, một mặt để kê khai tất cả các phẩm dược, các phương pháp giải phẫu, và kỹ thuật y khoa, và mặt kia là tất cả những phương tiện khác thường. Tuy nhiên bản tính của người tiêu thụ hiện thời là luôn luôn đòi hỏi để biết xem việc cho lọc thận, dùng máy thở, hô hấp nhân tạo CPR có cứu thể sống người bệnh không? Câu trả lời Công Giáo là: cần biết thêm chi tiết về tình trạng của bệnh nhân. Chỉ khi đó mới có thể có câu trả lời. Nếu một người sống tại vùng quê cần được lọc thận nhưng phải đi rất xa mỗi tuần một lần đến một thị trấn, đó là một vấn đề khó khăn, như vậy là khác thường. Nếu có người đang dưỡng thương sau khi giải phẫu phổi, cần máy thở vài ngày, thì đây có lẽ là một trường hợp bình thường vì có ích và không khó khăn. Nếu tim của một người trẻ và khoẻ mạnh ngưng đập vì bị nghẹt thở và có thể được chữa trị nhanh chóng bằng hô hấp nhân tạo CPR – thì đây là một sự chữa trị bình thường. Nếu một người yếu đuối mắc chứng nan y và sắp chết, CPR sẽ là khác thường vì không hữu hiệu mấy.

Xin ghi nhận là bạn không thể nói rằng bất cứ cái gì nhân tạo: máy móc, thuốc men và giải phẫu đều tự động được coi là khác thường, và tùy ý lựa chọn trên phương diện luân lý. Con người chúng ta xử dụng nhiều phương tiện nhân tạo khác nhau để duy trì sự sống. Khi chúng ta có thể làm như vậy mà không khó khăn quá mức, chúng ta có một bổn phận luân lý phải dùng các phương tiện này; nếu không chúng ta đã sao lãng không săn sóc đời sống con người Chúa đã ban cho chúng ta. Một điểm khác của giáo huấn Công Giáo là, khi quyết định bỏ qua không dùng một phương tiện y tế, mục đích phải nhắm vào vấn đề là việc chữa trị ấy có vô ích hay quá khó khăn không? Không bao giờ được lấy quyết định là một đời sống có vô ích hay khó khăn phiền toái.

Đây là việc nhận định về phẩm giá của đời sống của những người tật nguyền hay mắc chứng nan y có thể đưa đến các quyết định ủng hộ an tử. Nói cách khác, nếu một người không nhận được trị liệu y tế để duy trì đời sống không phải vì trị liệu này vô ích hay khó khăn, nhưng vì sẽ duy trì sự sống cho một người đã được coi là nếu chết đi thì tốt hơn, chúng ta ở đây lại có một trường hợp không những là có sự kỳ thị mà còn có an tử nữa. Một thí dụ điển hình là khi trẻ em sanh ra có triệu chứng Down phải chết vì không được giải phẫu để thông ruột già. Theo quan điểm của một số nhà tư tưởng Công Giáo được tôn kính, trọng tâm của não trạng về an tử – dù là chúng ta nói đến an tự tác động hay an tử bỏ quên – là quan niệm rằng một số người chết đi thì tốt hơn và việc để cho họ chết có thể được chấp nhận.

Quyền Được Chết

Trước khi đề cập đến vấn đề thỏa thuận, từ chối việc chữa trị, và có sự chỉ định trước, chúng ta cần biết ba điều về an tử: Trước hết, một số nhà luân lý Công Giáo đã phân loại an tử thành tự nguyện, không tự nguyện, hay bất khả kháng. Tự nguyện khi một người bằng lòng nhận cái chết bởi tay một người khác; không tự nguyện khi người bị giết không thể cho biết họ thoả thuận (thí dụ: một đứa trẻ hay một bệnh nhân bất tỉnh); bất khả kháng khi người bị giết chống lại việc này.

Điều thứ hai là sự tương đồng giữa trợ giúp tự tử và an tử. Sự khác biệt là trong việc trợ giúp tự tử, người yểm trợ, giúp một người tự tử bằng cách cung cấp một phương pháp làm chết người như độc dược, mà không thực sự tự mình áp dụng phương pháp này; trong an tử bất khả kháng, một người thứ hai áp dụng phương pháp làm chết người cho người bị giết. Trên phương diện luân lý, trợ giúp tự tử hoàn toàn nghịch lại với luật của Chúa vì người đưa cho nạn nhân một độc dược hay một dụng cụ làm chết người vô hình chung chấp nhận quyết định trái luân lý là tự tử (Xem Evangelicum, số 66). Theo giáo huấn Công Giáo, tự tử hoàn toàn trái luân lý vì cùng một lý lẽ là sát nhân là sai trái (như trên).

Điểm thứ ba là lý luận chính chống lại giáo huấn Công Giáo về an tử. Theo quan niệm này, các cá nhân có quyền căn bản của con người là được tự lựa chọn về những vấn đề liên quan đến cái chết hay sự sống. Tự tử, trợ giúp tự tử và an tử bất khả kháng được coi là thành phần của một sự tiếp nối, tất cả đều là các cách thức hành xử “quyền tự do lựa chọn” và “quyền được chết”. Quan niệm này có khuynh hướng hoàn toàn cố định và tiêm nhiễm về sự kiện lựa chọn, đến độ coi thường không cần xem xét coi sự lựa chọn đó tốt hay xấu cho một người. Luân lý Công Giáo ủng hộ ước muốn tự do của con người, nhưng coi đó là một điều tốt, và phải theo những tiêu chuẩn liên quan đến sự tốt lành của con người. Đạo Công Giáo hiểu về phẩm giá con người rất phong phú so sánh với tư tưởng tự do là điều cốt yếu.

Vấn Đề Thỏa Thuận

Trở lại vần đề thỏa thuận, từ chối việc chữa trị, và có sự chỉ định trước. Giáo huấn Công Giáo dạy rằng một người bệnh có khả năng thì có trách nhiệm về cái chết hay sự sống của mình và được lấy quyết định cuối cùng về cách chữa trị của mình (Đức Giáo Hoàng Piô XII, thuyết trình tại Hội Nghị Quốc tế về Y Tế ngày 13 tháng 9, 1952). Điều này có nghĩa là bệnh nhân có quyền căn bản thoả thuận và quyền từ chối việc chữa trị. Như vậy đã có một lãnh vực về sự tự chủ của người bệnh. Tuy nhiên, về phương diện luân lý, quyền thoả thuận và từ chối đã được minh định. Con người không có quyền thỏa thuận về một điều sai trái như an tử. Con người cũng không có quyền từ chối những sự chữa trị bình thường để gìn giữ mạng sống, vì sự kiện này tương đương với tự tử.

Những người chăm sóc bệnh nhân có trách nhiệm luân lý phải tôn trọng sự tự chủ của bệnh nhân, và thường không ép bệnh nhân phải nhận sự chữa trị ngược lại ước muốn của họ. Tuy nhiên, họ phải tránh không được làm những gì trái luân lý, có nghĩa là họ không được nghe theo ý muốn của bệnh nhân để làm những điều trái luân lý. Nếu bệnh nhân xin người chăm sóc áp dụng thể thức an tử hay trợ giúp tự tử, người đó phải từ chối. Nhu cầu luân lý này có thể đặc biệt khó khăn cho người chăm sóc khi bệnh nhân từ chối sự chữa trị bình thường đã đang được áp dụng. Nếu bệnh nhân xin người chăm sóc ngưng việc chữa trị gìn giữ mạng sống bình thường để chấm dứt sự đau đớn, người chăm sóc đang được đòi hỏi để tham gia vào an tử vì bỏ quên – một điều người chăm sóc không được chấp nhận. Trong trường hợp của bệnh nhân đang phục hồi sau khi giải phẫu phổi và cần có máy hô hấp trong vài ngày, đây là sự chữa trị bình thường trong trường hợp này. Giả tỉ bệnh nhân có vấn đề tâm thần và coi đây là một cách để chấm dứt đời sống mau lẹ và xin bác sĩ rút ống và giây. Nếu bác sĩ thương cảm và rút ống, thì bệnh nhân chết. Đây là an lạc vì bỏ quên. Điều bác sĩ phải làm trong trường hợp này là cần tìm kiếm cho bệnh nhân được giúp đỡ về những khó khăn tâm lý để hủy bỏ ước muốn tự tử.

Chỉ Định Trước (Di chúc)

Chỉ định trước có thể là phương cách để cho bệnh nhân khi còn có khả năng để bầy tỏ ước muốn hợp lý về việc chữa trị. Học thuyết Công Giáo không xác định về vấn đề chỉ định trước. Nhưng các Đức Giám Mục đã tuyến bố lại có khuynh hướng nói rằng các người chăm sóc phải tôn trọng các chỉ định trước khi được thi hành một cách hợp lý và không nghịch với luân lý Công Giáo. Tuy nhiên, cần ghi nhận là có hai hình thức căn bản về chỉ định trước: quyền hành lâu dài của luật sư, hay người thừa hành chăm sóc sức khoẻ, khi bệnh nhân chỉ định một người khác lấy quyết định về việc chữa trị trong trường hợp không còn khả năng; và di chúc về sự sống, khi bệnh nhân quyết định trước về những sự chữa trị đặc biệt họ muốn hay không muốn. Các giám mục Công Giáo đã hầu như chấp nhận hình thức thứ nhất, nhưng lại không ưa hình thức sau là chỉ định trước. Có nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến di chúc về sự sống. Nhưng vấn đề của di chúc về sự sống là có thể trở nên phương tiện để đưa đến an tử vì bỏ quên.

Bây giờ chúng ta cần tìm hiểu những gì giáo huấn Công Giáo dạy về an tử và luật pháp. Đối với Giáo Hội, một đạo luật cấm sát nhân rất cần thiết cho lợi ích chung của xã hội cũng như lợi ích của các cá nhân; và phải được ban hành. Hơn nữa, sự bình đẳng đòi hỏi tất cả mọi người phải được bảo vệ chống mọi hình thức sát nhân. Do đó, việc cho phép giết người bệnh, hấp hối hay tật nguyền, ngay cả trong trường hợp an tử bất khả kháng là nghịch lại quyền sống và sự bình đẳng. (Sách Giáo Lý Công Giáo, số 2273, 2237; Evangelicum số 71-72). Đối với Đức Chân Phước Gioan Phaolô II, an tử hết sức bất nhân và bất công, và gây thiệt hại to lớn cho ích lợi chung. Không bao giờ có thể chấp nhận an tử bằng một đạo luật trên phương diện luân lý, dù là đạt được đa số ủng hộ bên trong một hệ thống chính quyền dân chủ (Evangelicum số 68-71). Và một đạo luật cho phép an tử hay phá thai, theo ngài, hoàn toàn thiếu sót sức mạnh luân lý ràng buộc và cần phải được chống lại (Evangelicum, số 72, 73).

Bùi Hữu Thư phỏng dịch
VietCatholic

Từ phá thai có “khuyến mãi" đến chuyện bỏ con mới sinh...

Hàn Quốc có luật cấm phá thai, nên phụ nữ nước này đổ xô qua Trung Quốc (TQ) phá thai.

Nhưng dù phá thai được cho phép ở TQ, phụ nữ Hàn qua nước này để phá bỏ hòn máu vẫn bị xem là phi pháp, và nếu xảy ra sự cố thì họ không được bồi thường pháp lý. Còn nếu phá thai ở quê nhà, họ có thể bị tù.

Từ phá thai có “khuyến mãi”…

Các chuyên gia của Hiệp hội Bác sĩ ủng hộ cuộc sống ở Hàn cảnh báo những chuyến du lịch sang TQ có nguy cơ cao, vì rất nguy hiểm cho phụ nữ mang thai đi xa hoặc sau khi phá thai.


Một người mẹ mang bầu 9 tháng quyết định giữ con thay vì đem cho làm con nuôi

Chuyên gia Cha Hee-jae nói: “Một cuộc phá thai ở các cơ sở thiếu điều kiện an toàn vệ sinh có thể gây ra các biến chứng, nhiễm trùng, chảy máu, dẫn đến vô sinh, thậm chí tử vong”. Cảnh sát cảnh báo phụ nữ Hàn qua TQ phá thai có thể bị đưa ra tòa xét xử. Nhưng những vụ du lịch này vẫn tăng sau khi nhiều bác sĩ phụ khoa ở Hàn bị bắt tháng 2/2010 do thực hiện phá thai trái phép.

Do chủ trương “mỗi nhà chỉ nên có một con” từ năm 1971, phá thai là hợp pháp ở TQ. Một “cò” thu xếp các chuyến du lịch phá thai ở TQ cho biết: người phá thai có thể sử dụng tên giả để không bị mất danh dự, bác sĩ TQ lành nghề do có nhiều năm kinh nghiệm. Toàn bộ chi phí gồm tiền di chuyển-ăn ở và công phá thai là 200 triệu won/một chuyến đi 4 ngày. Có cả giá “khuyến mãi” nếu khách nhờ dịch vụ xin visa và mua vé máy bay của các công ty du lịch.

Theo Cục thống kê Hàn, năm 2012 số trẻ chào đời là con ngoại hôn (cha mẹ không lấy nhau thành vợ chồng) đã “lên đến đỉnh” với 10.100 trẻ, tăng nhẹ 1% (100 trẻ) so với năm 2011, chiếm 2,1% trên tổng số trẻ chào đời ở Hàn, là tỷ lệ thấp nhất trong các nước thành viên Tổ chức Hợp tác kinh tế-phát triển (OECD).

Nhưng ở Hàn vẫn còn nhiều phụ nữ chưa lấy chồng chọn cách phá thai. Theo Bộ Y tế-an sinh xã hội Hàn, phụ nữ chưa chồng chiếm 42% trong 342.433 vụ phá thai hồi năm 2005. Đến năm 2010, cứ 1.000 phụ nữ thì có 14,1 ca phá thai. Theo nghiên cứu năm 2012 của bộ trên, số ca phá thai ở Hàn đã giảm từ 290.000 ca năm 2005 xuống còn 160.000 ca năm 2010, có lẽ do phụ nữ Hàn ngày nay muốn ra nước ngoài phá thai.

Hồi trung tuần tháng 8, một cấp tòa quận ở tỉnh Gyeonggi (Hàn) đã tuyên án 6 tháng tù treo trong một năm, bị cấm hành nghề một năm đối với một bác sĩ đã phá thai trái phép. Cô gái 29 tuổi nhờ ông ta phá thai bị phạt số tiền 2 triệu won. Phán quyết của tòa nêu: “Phá thai là tội nghiêm trọng, vi phạm quyền được sống của thai nhi.

Ca này không cần đáp ứng các điều kiện ngoại lệ cho phép phá thai trong Luật Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Tại Hàn, luật cấm phá thai nhưng có ngoại lệ, như người mang thai bị bệnh đe dọa đến mạng sống. Nếu dựa vào ngoại lệ này để phá thai thì bác sĩ có thể bị án tù 2 năm, người mang thai bị án tù 1 năm.

Phán quyết này đã làm dấy lên một tranh luận, do vào tháng 6, một cấp tòa khác tuyên đình chỉ xét xử các bác sĩ bị buộc tội thực hiện phá thai: “Thực tế phá thai đang là một biện pháp phổ biến và được chấp nhận, sẽ không công bằng khi chỉ có các bác sĩ phải chịu trách nhiệm”.

… Đến chuyện bỏ con mới sinh

Gần đây, chính quyền thành phố Seoul (SMG) cho biết trong 8 tháng đầu năm 2013, đã có 176 trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ rơi, tăng gấp đôi so với năm ngoái lên 2,6 lần so với 67 ca bỏ con hồi năm 2012. SMG dự báo số trẻ sơ sinh bị bỏ sẽ tăng hơn 250 ca trong cuối năm nay.

Theo mục sư Jeong Young-ran của nhà thờ Chúa thương loài người (ở Nangok, tây nam Seoul), sự gia tăng số trẻ mới sinh bị bỏ rơi là do Luật Con nuôi đặc biệt sửa đổi vốn có những quy định xin nhận con nuôi nghiêm khắc hơn: buộc mẹ ruột (có cha ruột càng tốt) phải đăng ký giấy sinh con tại địa phương, trước khi họ cho người khác nhận đứa trẻ mới sinh làm con nuôi. Đây là cách bảo đảm khi đứa trẻ lớn lên sẽ có thể tìm được cội nguồn.

Khi bảo vệ dự thảo luật mới, Bộ Y tế-an sinh xã hội Hàn cho biết các bà mẹ phải đăng ký giấy khai sinh cho con và đăng ký vào sổ gia đình. Nhưng luật mới - có hiệu lực từ tháng 8.2012 - đã bị “phản ứng phụ”: các tổ chức nhận con nuôi nói luật mới sẽ cải thiện quyền của đứa trẻ bị bỏ rơi, nhưng các cơ quan tổ chức cho - nhận con nuôi đặt đứa trẻ vào tình cảnh nguy hiểm khi buộc cha mẹ chúng phải cung cấp tên - tuổi, trong khi họ không muốn bị nhận diện là người bỏ con. Trên hết, hầu hết các trẻ bị bỏ rơi là con của những người mẹ chưa lấy chồng, bí mật bỏ con vì họ không muốn ai biết họ từng sinh con.


Mok Kyong-wha chấp nhận bỏ người yêu để nuôi con trai, không chịu phá thai theo gợi ý của anh ta
Giáo sư luật Kim Sang-yong ở Đại học Chung-Ang nói: “Nếu các người mẹ đơn thân phải đăng ký việc con ra đời trên sổ gia đình của gia đình họ, thì sẽ phải có thêm các luật để bảo vệ thông tin này nếu những người mẹ ấy muốn”.

Mục sư Jeong nêu: “Vì luật này, đứa trẻ được bỏ trong “Hộp em bé” của nhà thờ chúng tôi mà không có giấy khai sinh thì không thể làm con nuôi. “Có sự khác biệt rõ ràng về số trẻ bị bỏ rơi từ tháng 8/2012, khi luật có hiệu lực. Trước khi sửa luật, nhà thờ chúng tôi mỗi tháng đón nhận khoảng 2 trẻ, nhưng từ khi có luật mới, chúng tôi đón nhận 16 trẻ mỗi tháng”.

Riêng trong tháng 7 qua, số trẻ bị bỏ rơi lên cao nhất (31 em) có nghĩa mỗi ngày có 1 đứa trẻ bị mẹ bỏ. Mục sư Lee bị chỉ trích là xúi giục người ta bỏ con khi lập “Hộp đựng em bé”, và ông cũng nhận được nhiều lời nhắn nên dẹp: “Đó là cái hộp cứu nhiều mạng sống lẽ ra phải chết. Họ hèn nhát phê phán một cách vô trách nhiệm, phớt lờ vấn đề khi có nhiều trẻ bị mẹ lặng lẽ bỏ rơi, nhưng khi việc ầm ĩ họ lại đổ thừa cho chiếc hộp vì sự thật quá khó chịu”.

Và bỏ con nuôi chết đói!

Đầu tháng 9, một bé gái chưa đầy 1 tuổi được tìm thấy chết đói trong một căn hộ ở tỉnh Gyeonggi, sau khi bị cha mẹ nuôi bỏ mặc suốt 2 tháng. Cảnh sát nêu cha nuôi tên họ Lee là một trung sĩ quân đội 24 tuổi lấy vợ Yang 32 tuổi năm 2011 mà không thể có con. Năm ngoái, họ tìm được lời rao trên một trang mạng internet của một bà mẹ đơn thân: “Cần tìm người sẵn sàng nuôi con tôi mà không hỏi câu nào”.

Hai bên gặp nhau và vợ chồng Lee sẽ nhận con của người mẹ làm con nuôi khi em chào đời. Vợ chồng Lee bày mưu Yang sẽ là người sinh con khi đăng ký phòng sinh tại một bệnh viện ở phía bắc Seoul. Đến tháng 9/2012, người phụ nữ có thai giả làm Yang đã sinh cô con gái và cô trao ngay cho vợ chồng Lee.

Không may là ngay sau đó, mối quan hệ hôn nhân của Lee-Yang đổ vỡ và Yang bỏ chồng cùng đứa trẻ ngày 5.7.2013. Hôm sau, Lee lên đường tham gia một cuộc huấn luyện tân binh, bỏ mặc cô con nuôi bé bỏng trong căn nhà trống. Hồi đầu tháng 9, anh ta trở về và tìm thấy xác đứa trẻ. Anh báo cảnh sát và họ kết luận em bé chết đói!

Đó là một dẫn chứng khác về một lỗ hổng trong Luật Con nuôi đặc biệt, vốn buộc người mẹ phải chờ ít nhất một tuần - sau khi đứa con chào đời - rồi mới được cho người khác nhận làm con nuôi. Đã xảy ra nhiều vụ nhận con nuôi lén lút qua mạng internet từ khi luật này được thông qua.

Một quan chức Bộ Y tế-an sinh xã hội Hàn nói nhằm ngăn chặn hoạt động này, bộ đã nhờ cảnh sát điều tra và cũng kiểm tra các trang web cẩn thận hơn. Luật nhằm bảo vệ mạng sống của em bé khỏi bị phá thai, với lý lẽ buộc người mẹ có thời gian xem xét hành động sẽ có thể giúp giảm chuyện cho con nuôi. Nhưng hóa ra nó chỉ làm tăng các vụ cho - nhận con nuôi phi pháp và ít tốn kém, khỏi phải làm giấy khai sinh và đăng ký vào sổ gia đình. Từ đó càng có thêm nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Rất dễ tìm thấy các lời rao “Tìm cha mẹ nuôi” hoặc “Hãy nhận con tôi” trên các diễn đàn internet như địa chỉ mà vợ chồng Lee-Yang đã truy cập vào. Một bà mẹ đơn thân đã kể thẳng: không thể có đủ tiền đóng viện phí hoặc không thể tự nuôi con. Một số người mẹ biết, nhưng một số người mẹ khác cũng không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật: nếu bị phát hiện, người dính líu con nuôi phi pháp có thể bị ngồi tù 3 năm và nộp phạt 20 triệu won (18.440 USD).
• Theo cảnh sát Hàn, năm 2012 có 139 ca trẻ mới sinh bị bỏ rơi trên toàn Hàn. Từ tháng 1 đến tháng 7-2013 đã có 152 ca.

• OECD cho biết khuynh hướng trẻ ngoài giá thú đang ngày càng tăng trên toàn thế giới, phản ánh những thay đổi về thái độ đối với 3 mảng hôn nhân, lập gia đình và làm cha-mẹ.


Theo Afamily

Một Tobia của Huế


Cuộc đời một con người thường gắn những bi kịch với ánh hào quang, tuy nhiên đó không phải là vấn đề để con người ấy được tôn vinh, nhưng là cách sống sao cho tâm đạo vẹn toàn với những bi kịch và hào quang ấy.

Nhớ lại ông Tôbia trong Kinh Thánh, một con người chuyên đi nhặt xác kẻ chết để khâm liệm chôn cất, cho dù người chết là ai, một kẻ tha phương cầu thực hay kẻ bị lãnh án tử hình, cho dù đã có chiếu chỉ cấm đoán của nhà vua. Chỉ vì việc làm nhân đạo này mà ông bị bắt bớ, bị lên án. Ngay chính người đầu ấp tay gối cũng lên án ông, chế giễu ông khi ông bị mù lòa, tán gia bại sản. Nhiều kẻ còn chế nhạo rằng ông là điên khùng. Vậy mà ông vẫn vững lòng với trái tim tràn đầy nhân hậu đối với tha nhân, cho dù đó chỉ còn là những cái xác khô cong quắt. Phần thưởng xứng đáng mà Tôbia nhận được cho sự bền bỉ hy sinh quả là lớn lao, ngập tràn hạnh phúc.

Vậy đó, bây giờ, rất khó có thể bắt gặp được một Tôbia như thế giữa thời đại vô cảm và vị kỷ. Chỉ dừng lại đôi chút bên người bị tai nạn ngoài đường, chỉ dừng lại đôi chút bên bạn hữu tù đày, chỉ lên tiếng bênh vực công lý… thì tính mạng cũng đã có thể bị đe doạ rồi. Thế nên tất cả chỉ là thờ ơ đi ngang qua cuộc sống của nhau không một chút bận tâm, càng ít quan tâm đến nhau càng tốt!

Thế rồi, may mắn thay tôi bắt gặp một con người cũng thầm lặng chẳng kém ông Tôbia. Anh Tống Viết Hiếu, người đã chôn trên 52 vạn hài nhi tại nghĩa trang Hương Hồ, tỉnh Thừa Thiên – Huế, bên dòng Hương Giang lặng lẽ, trầm mặc như cuộc đời chân thành mà giản dị của vợ chồng anh.

Lẽ ra, chúng tôi sẽ không viết lời này, trước đây, hai năm trước, khi gặp anh, thấy anh chân thành quá, chả bận tâm đến những xôn xao cuộc đời, chỉ âm thầm lặng lẽ chôn cất các hài nhi cho tử tế và cứu giúp cho các phận người bị chối bỏ, anh coi như một bổn phận phải làm, đến nỗi, chúng tôi cũng chỉ biết rằng con gái anh bị một căn bệnh gì đó, vậy thôi. Thế nhưng gần đây, chúng tôi được biết anh chị chỉ có duy nhất một bé Thảo, bé đang bị một chứng bệnh hiểm nghèo, bệnh huyết tán hay còn gọi là máu tan (Thalassemia) với những di chứng rất nặng nề.

Chị Huyền, chị Nga, Nhóm BVSS của chúng tôi đã tâm sự với anh về bệnh tình của bé Thảo. Chúng tôi xin trích một phần bức thư tâm sự của chị Nga gửi cho cha Hoàn bên Pháp để bạn đọc có thể nhận được phần nào sự toàn vẹn phó thác thật đơn sơ của vợ chồng anh Tống Viết Hiếu trước bi kịch gia đình:


“...Trước khi vào đây em đã được nghe nhiều người nói về nghĩ trang Hương Hồ ở Huế, người ta còn gọi là nghĩa trang Đồng Nhi, ở đấy có một cặp vợ chồng đã nhiều năm đi thu gom các em thai nhi bị bỏ rơi về chôn cất. Anh chồng tên Hiếu, Người ta còn kể rằng: có lần nọ Mấy người bên lương đi xem bói kêu nghĩa trang đó có con của họ đã từng nạo bỏ thì về đó mà đốt tiền vàng cho bé, vậy là hoả hoạn xảy ra, anh Hiếu đã suýt bỏ mạng vì đám cháy quá lớn, khi người ta lôi anh ra khỏi đám cháy, anh đã bị ngất lịm vì ngạt khói. Nắng Huế khô và dễ cháy quá!Nắng vậy còn mùa lũ thì sao? Lũ về, khu đồi nghĩa trang nằm ngay 
bên dòng sông Hương thơ mộng, anh Hiếu đi lấy thai nhi gặp con nước lũ bất chợt, nó cuốn anh cùng bọc nylon đựng các em thai nhi, khi ấy tưởng rằng anh và các Thánh rồi cũng bị "cuốn trôi", nhưng anh đã khấn kêu hãy để anh đưa các em về. Và bàn tay từ ái của Mẹ Maria đã nâng bọc bào thai và anh lên bờ. Trên đồi, giờ vẫn còn tượng Mẹ tay nâng bào thai và các thiên thần đang vây quanh. Còn nhiều lắm các câu chuyện cho dòng thời gian hơn 20 năm, anh Hiếu với các Thánh! Còn nhiều câu chuyện về phép mầu và nước mắt!
Nhưng có một câu chuyện mà ít ai biết đến về số phận vợ chồng anh Hiếu và bé Thảo con gái anh, bé Thảo sinh ra được 5 tháng tuổi thì gia đình phát hiện cháu bị bệnh máu tan, nó gần giống như căn bệnh máu trắng, cứ 4 tuần cháu phải tới bệnh viện thay máu một lần, nếu không, lượng hồng cầu sẽ giảm và các cơ quan trong cơ thể sẽ không đủ dưỡng chất để tồn tại, cháu sẽ chết. Nhà nghèo, có con bệnh nặng, đồng lương giáo viên hai vợ chồng không đủ để chạy chữa thuốc men cho cháu, lại thêm chi phí hàng ngày cho "Cánh Đồng Thai Nhi", anh chị chỉ còn biết trông vào Chúa. Em không khỏi nghẹn ngào khi nghe anh nói: "Mình đã chôn xác biết bao hài nhi, giờ Chúa thử lòng mình, muốn đứa con bé bỏng duy nhất của mình dâng Chúa, anh cũng xin vâng!"
Nói đến đây em "đọc" được giọt lệ ẩn sâu sau đôi mắt buồn của anh Hiếu. Em không thể hiểu trên đời này còn nỗi đau nào hơn vậy không? Em quyết tâm phải làm một cái gì đó cho anh Hiếu và đứa con gái nhỏ, em có cảm giác như đấy là cuộc gặp của định mệnh, chắc chắn Chúa muốn em thực hiện để anh Hiếu cảm nghiệm Chúa không bỏ anh, sự khó đó chỉ là thử thách phải không anh?
Em muốn xin anh một điều: hàng ngày, khi dâng Chén Thánh xin anh đừng quên cháu nhỏ của gia đình anh Hiếu! Em cũng nhờ anh giúp em hỏi về điều trị căn bệnh máu tan "Thelatsamia" ở Pháp, có thể mổ để ghép tuỷ cho em được không? Em bé 8 tuổi anh nhé. Phần em ở Việt Nam sẽ kêu gọi bạn bè, anh chị em, mỗi người một chút để đưa em bé đi chữa bệnh. Em xác tín, ý Cha sẽ được thể hiện để nỗi lòng người cha của anh Hiếu được Chúa bù đắp!”.

Tôi đã từng đớn đau khi mất con gái đầu lòng nên thật cảm thương với hoàn cảnh của anh Tống Viết Hiếu bây giờ, nhìn con chết dần mòn mà người làm Cha đành bất lực. Nhưng thật lòng, tôi lại để lòng mình thổn thức với câu nói thật xác tín đơn sơ của Anh “Mình đã chôn xác biết bao hài nhi, giờ Chúa thử lòng mình, muốn đứa con bé bỏng duy nhất của mình dâng Chúa, Mình cũng xin vâng”. Với tôi, đây mới thực sự là huyền thoại. Chả cần phải là đại tướng hay danh nhân gì đó, chỉ một trái tim rộng mở và yêu thương trong phó thác tuyệt đối là đủ.

Chúa ơi, phép thử của Chúa. Thực sự là oan trái quá, nghiệt ngã quá với dòng đời cho những người kiên gan theo Chúa. Một Tôbia thời đại với hoàn cảnh nghiệt ngã. Chấp nhận hiến tế người con duy nhất cho Chúa. Con chỉ ước ao Tôbia của Chúa hôm nay lại được tưởng thưởng như Tổ Phụ Ápraham chấp nhận hiến tế người con duy nhất Isaác. Nhưng trên hết, cùng với gia đình anh Tống Viết Hiếu, chúng con đặt trọn niềm tin vào Chúa, vào Mẹ Maria với hai tiếng “Xin Vâng” của Mẹ trong tháng Mai Khôi này. 

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, Đồng Nai, 10.10.2013  

Theo báo Ephata số 583

Bộ ảnh đầy xúc động ghi lại quá trình 9 tháng mang bầu

Nhiếp ảnh gia người Argentina Sophie Starzensk ghi lại những hình ảnh thiêng liêng về quá trình làm mẹ trong bộ ảnh 40 tuần và một chiếc gương.



Nếu như nhiều người vẫn thường lo ngại những biến đổi cơ thể xấu xí khi mang bầu, nhiếp ảnh gia Sophie Starzensk lại tự tin và tự hào về điều đó. Cô hóm hỉnh gọi 9 tháng mang thai cậu con trai xinh xắn Pyokko là "dự án Pyokko".



Nhiếp ảnh gia đến từ Buenos Aires ghi lại quá trình mang thai bằng một chiếc máy ảnh, tự chụp mình trong gương.



Cô gọi nó bằng một tựa đề "40 tuần và một chiếc gương".






Bụng ngày một to, cơ thể mỗi ngày thêm nặng nề.




Bộ ảnh này được Sophie Starzensk thực hiện cách đây 3 năm.






Bé Pyokko tên thật là Simon. Cậu con trai bé bỏng trong vòng tay mẹ ngày nào giờ đã là cậu bé 3 tuổi xinh xắn, nghịch ngợm.


Theo Vnexpress/ Ảnh:Belelu

Thử hay không thử?


Ngày nay, chúng ta thấy người ta thường công kích việc khiết tịnh trước hôn nhân, coi đó như những kết quả của một nền đạo đức cấm đoán và không còn hợp lý, hợp tình nữa. Không hợp lý vì việc cấm đoán các đòi hỏi tính dục là phản tự nhiên vì thế sẽ gây nguy hại về mặt tâm lý; không hợp tình vì việc quan hệ tính dục giữa hai người yêu nhau biểu lộ tình yêu và nếu hai người yêu nhau thực sự thì có thể làm chuyện đó.

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu những lý luận này với sự thận trọng cần thiết và đối chiếu với thực tế để tìm câu trả lời.

Thứ nhất, các sự kiện thực tế không ủng hộ quan điểm trên. Rất nhiều thanh thiếu niên nam nữ sống khiết tịnh trước hôn nhân nhưng chẳng vì thế mà làm cho sức khỏe thể lý, tâm lý mình bị nguy hại. Các linh mục và tu sĩ nam nữ hạnh phúc trong ơn gọi dâng hiến không phải là một câu trả lời đầy thuyết phục hay sao ? các bạn trẻ cố gắng sống trong sạch trước hôn nhân vẫn còn nhiều (Cụ thể và gần gũi hơn, điều này đã được các bạn trẻ công giáo ở khắp nơi cam kết sống khiết tịnh trước hôn nhân.)

Không một nghiên cứu nào hay bác sĩ chuyên khoa có lương tâm dám khẳng định sống khiết tịnh sẽ gây hại về thể lý và tâm lý. Nhưng chắc phải nói ngược lại rằng những ai chủ ý tìm những kinh nghiệm phái tính trước khi kết hôn là một người bị lệch lạc về nhân cách phần nào vì không thể làm chủ bản năng tính dục của chính mình, chưa thể tôn trọng người bạn mình cách đầy đủ hay chưa hiểu ý nghĩa đích thực của tính dục là phục vụ cho tình yêu và sự sống trong một cam kết dấn thân.

Lý chứng thứ hai cho rằng hai bên cần phải biết họ có thực sự hợp nhau hay không, vì thế cần phải có kinh nghiệm phái tính, cần phải “thử” trước khi cam kết dứt khoát trong hôn nhân, vì lúc ấy ta không còn có thể rút lại sự ràng buộc nữa. Lý luận này rất phổ biến nơi các sinh viên đại học. Tuy nhiên, muốn xem mình có thực sự hợp nhau người ta có cần phải “sống thử” với nhau trước hay không ? Nếu muốn biết khả năng hòa hợp thì điều quan trọng là tìm hiểu qua những biểu hiện của tình yêu, thay vì cứ phải quan hệ tình dục trước hôn nhân. Hơn nữa, việc hòa hợp giữa hai người không phải tự nhiên mà có nhưng là sự cố gắng của cả hai trong việc tìm hiểu cá tính, sở thích, tâm lý…. biết chấp nhận và hy sinh cho nhau, đó là yếu tố căn bản chứ không phải là có kinh nghiệm phái tính về nhau.

Hơn nữa, nếu coi bạn mình như một món hàng, vì thế cần phải thử trước khi mua về là xúc phạm nặng nề đến phẩm giá của con người là hình ảnh của Thiên Chúa và được Chúa Kitô cứu chuộc. Ai trong chúng ta chẳng thấy bị xúc phạm khi bị người khác coi thường, khinh bỉ nói chi đến bị coi như một cái máy, một đồ vật, một món hàng. Con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa vì vậy cần được tôn trọng, tin tưởng và yêu thương. Con người cũng cần đặt niềm tin tưởng nơi nhau, và đây là một yếu tố rất quan trọng trong đời sống hôn nhân.

Đòi “thử” trước khi kết hôn là muốn nói rằng bạn không tin được, tôi phải thử xem có thật như bạn nói hay biểu hiện không. Thế mà, đã có nghi ngờ làm yếu tố căn bản thì thật khó xây dựng một quan hệ nhân bản. Các điều tra xã hội học của báo Tuổi Trẻ cũng cho thấy hầu hết các cặp sống thử với nhau đều chia tay sau một thời gian sống chung. Để xây dựng quan hệ với người khác, tôi phải tin tưởng người ấy. Không có niềm tin lẫn nhau thì đời sống hôn nhân không thể bền vững. Niềm tin và sự hòa hợp đó được xây dựng qua việc cả hai cùng nỗ lực từng ngày để bỏ đi tính ích kỷ chứ không phải do việc thử mà có. Nói cách khác, quan hệ trước hôn nhân, không bao giờ được coi là điều nên làm như là điều kiện để quyết định kết hôn; kết hôn không phải là một việc có thể thử được. Hơn nữa, bạn sẽ nghĩ thế nào và phải trả lời ra sao, khi sau này con cái của các bạn hỏi các bạn về chuyện ngày xưa của cha mẹ chúng.


Bên cạnh đó khi được nhắc đến việc có thể thụ thai khi hai bạn trẻ quan hệ thể xác với nhau, chúng ta cũng vẫn hay nghe bạn bè của chúng ta nói: lo gì đã có phương pháp tránh thai rồi. Các bạn trẻ thường quá tin vào các biện pháp tránh thai để bác bỏ khả năng thụ thai, nhưng những biện pháp ấy không an toàn tuyệt đối vì nhiều lý do. Hiện trạng nạo phá thai kinh khủng trong xã hội ngày nay mà phần lớn ở thành thị cho thấy không phải các bạn trẻ đã không biết sử dụng các biện pháp tránh thai nhưng các biện pháp ấy không an toàn đủ và thực sự nó phức tạp hơn nhiều. Khi việc xảy đến là bạn nữ mang thai thì vấn đề sẽ trở nên rất phức tạp cho cả hai bạn trong nghề nghiệp vì chưa sẵn sàng, trong tương quan với gia đình, giáo xứ vì danh dự, trong trách nhiệm làm cha mẹ vì chưa có sự chuẩn bị đủ về tâm lý, kinh tế … và người ta cũng rất có thể chọn phương pháp phá thai để giải quyết vấn đề. Chúng ta thấy, vấn đề đã đi quá xa rồi. Sai lầm nối tiếp sai lầm; tội lỗi sản sinh tội lỗi chỉ vì trước đó các bạn không đánh giá đủ tầm quan trọng của hành vi mình sắp làm. Cuối cùng, các bạn nữ vẫn là những người thiệt thòi nhất.

Lý chứng thứ ba người ta đưa ra để ủng hộ cho việc quan hệ tình dục trước hôn nhân đó là một cách nuôi dưỡng tình yêu và sẽ đem đến cho ta hạnh phúc hơn. Đây quả là một sự tưởng tượng thật đẹp nhưng sớm bị tan vỡ bởi thực tế. Sau khi quan hệ, hai bạn sẽ không còn tự nhiên và trong sáng trong tương quan với nhau nữa bởi vì vẻ thiêng liêng và bí ẩn đã bị đánh mất mà thay vào đó là chẳng còn gì mà phải ý tứ và lịch sự vì “tôi biết bạn hết rồi”. Người này dễ nhìn người kia dưới cái nhìn thuần túy tính dục mà quên đi các vẻ đẹp khác như tâm hồn cao thượng, sự tế nhị, đức hy sinh, lòng chung thủy... Hai bạn sau khi chung sống với nhau sẽ cảm thấy phiền muộn và sầu khổ vì đã làm những điều trái luật Chúa và giáo hội. Các bạn sẽ tìm cách để loại bỏ việc áy náy lương tâm bằng cách trấn an lương tâm rằng ai cũng làm như thế cả, nhưng tiếng nói của Chúa trong tâm hồn đâu dễ dàng bị lừa dối. Thế là thay vì nuôi dưỡng tình yêu thì phá đổ, thay vì làm cho hạnh phúc hơn thì làm cho bất an.

Có một điều quan trọng cần suy nghĩ. Dù muốn hay không, trong lương tâm mỗi người đều nhận thấy quan hệ tình dục trước hôn nhân là một điều sai trái: trái với luân thường đạo lý (theo giáo lý Khổng giáo), trái với đạo đức (theo giáo lý Kitô giáo). Trái với đạo đức chính là coi thường Chúa. Một người đã dám coi thường Chúa thì dễ dàng coi thường tất cả, coi thường bạn nữa. Một người như thế, bạn có dám gắn bó cả đời hoặc trao thân gửi phận cho họ không?

Thưa các bạn, tình yêu thật sự đòi được chia sẻ cho người bạn mình những bận tâm, những quan điểm, những buồn vui của mình. Kết hợp trong tình yêu và trao thân cho nhau là hướng tới sự kết hợp trong toàn bộ cuộc sống và cả cuộc đời. Các bạn đã hiểu tại sao giáo hội luôn dạy dỗ con cái mình quan hệ thể xác trước hôn nhân là một tội trọng vì đi ngược lại với luật Chúa (điều răn thứ 6) và phá vỡ tình yêu đích thực.

Các bạn mến, xã hội hôm nay, một xã hội quá coi thường tính dục đến mức coi nó như một trò chơi, một cách thể hiện bản lãnh mình. Hơn nữa, môi trường tinh thần xung quanh chúng ta bị ô nhiễm nặng nề vì phim ảnh đồi trụy, bạo lực, hình ảnh dâm ô được tìm kiếm quá dễ dàng trên internet, lối sống ăn chơi thoải mái nhan nhản ngay cả trong các giáo xứ toàn tòng công giáo; điều ấy đã làm cho việc sống khiết tịnh trước hôn nhân đã khó khăn lại càng khó khăn thêm gấp bội. Chúa biết rõ những khó khăn mà các bạn đang phải đối diện. Ngài mời gọi bạn đến với Ngài trong các bí tích và cầu nguyện để ban ơn nâng đỡ giúp bạn có thể vượt thắng những cám dỗ. Chúa không bắt ai phải sống trong điều kiện khó khăn quá sức. Bởi lẽ Ngài luôn rộng rãi ban ơn cho mỗi người miễn là chúng ta biết đón nhận. Bạn cũng hãy luôn nhớ sự khôn ngoan của các vị thánh và nhà tu đức nhắc nhở chúng ta hãy tránh tạo những dịp thuận tiện đưa đến cho chúng ta và người yêu phạm tội (tránh xa dịp tội).

Cuối cùng, các bạn nên nhớ không phải chỉ một mình các bạn chiến đấu nhưng biết rằng suốt hai ngàn năm của lịch sử Giáo Hội đã có hàng triệu thanh niên nam nữ cũng đã và đang cố gắng để sống theo lời mời gọi của Chúa Kitô: “anh em hãy trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và hãy trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15).

Sống trong sạch, khiết tịnh giữa xã hội hôm nay là một thách đố rất lớn, người ta có thể dèm pha, phủ nhận hoặc chế nhạo chúng ta nữa vì những điều chúng ta theo đuổi tố cáo sự sa đọa của họ, nhưng điều đó lại làm chứng cho Chúa Kitô một cách rõ rệt hơn cả.

Jos.


Nguồn: giesulove.net