Phụ nữ có quyền phá thai không?

Phôi thai được hình thành từ khi trứng gặp tinh trùng. Sự hội ngộ này có thể được tạo ra trong quan hệ của các cặp vợ chồng trong hôn nhân, cũng có thể giữa hai người yêu nhau nhưng chưa kết hôn, qua một quan hệ ngoại tình, hoặc thậm chí hiếp dâm. Như vậy, khi nào phụ nữ có quyền quyết định việc giữ hoặc loại bỏ phôi thai trong bụng mình?


Ảnh: tình mẫu tử (nguồn: internet)
Khi phôi sinh ra trong quan hệ yêu đương tự do giữa hai người, gắn bó với nhau trong quan hệ hôn nhân (hoặc không hôn nhân như sống chung không đăng ký, hoặc người mẹ đơn thân), phôi sẽ phát triển, người phụ nữ sẽ sinh hạ, và những đứa trẻ sẽ ra đời. Ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, do tư tưởng muốn có con trai nối dõi tông đường nhiều bậc cha mẹ lựa chọn giới tính khi sinh.

Việc lựa chọn giới tính khi sinh, ngoài việc dẫn đến sự mất cân bằng giới tính trong dân số, còn kéo theo những vấn đề đạo đức. Rõ ràng, cha mẹ đã cho mình quyền phán xét sự sống nào đáng sống và sự sống nào không đáng sống, và tiêu chí duy nhất được đặt ra là giới tính của phôi.

Nhiều người cho rằng khi phôi thai còn nhỏ, thường dưới ba tháng tuổi, thì nó chỉ tồn tại như một bộ phận “gắn thêm” vào cơ thể người mẹ, vì phôi ở giai đoạn này chưa có ý thức. Người mẹ có toàn quyền giữ hay loại bỏ nó như mong muốn của mình, giống như họ có muốn cắt bỏ ruột thừa sớm hay không. Tuy nhiên, phôi thai khác với ruột thừa vì phôi là một con người tiềm năng trong tương lai, và như vậy việc phá thai cũng là giết một con người tiềm năng.

Hơn nữa, nếu cho rằng phôi thai là chưa có bản ngã hay bản năng độc lập của mình nên có thể bị loại bỏ, cũng sẽ tương đương với một đứa trẻ dưới ba tuổi, vì dưới ba tuổi trẻ chưa là một người tự do và có bản ngã riêng. Điều này gợi nhớ tới những tội ác của chủ nghĩa Hít Le cho rằng những người khuyết tật và thiểu năng trí tuệ vào hạng “không đáng sống” và giết họ.

Trong những trường hợp có thai ngoài ý muốn, ví dụ như trong những quan hệ tình dục ngoại tình hoặc bị hiếp dâm, thì liệu người phụ nữ có quyền nạo phá thai không? Liệu phôi thai kia có phải là “hàng lậu” vì không dựa trên sự tự nguyện và có thể “hủy bỏ” như hàng cấm nhập vào một quốc gia? Tuy nhiên, nếu cho rằng việc giết một thai nhi vì nó được tạo ra không dựa trên hôn nhân và tình yêu, thì cũng đồng nghĩa với việc giết một người trưởng thành nếu như anh/chị ta không sinh ra từ tình yêu và trong hôn nhân?

Trên thế giới, nhiều nước quy định việc phá thai chỉ được xảy ra trước 3 tháng tuổi, đơn giản vì sau đó thì nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ, chứ không phải là vì sự trưởng thành và phát triển bản năng sống của phôi. Như vậy, việc phá thai phụ thuộc vào việc giảm đau khổ hay tăng hạnh phúc của người mẹ, và như vậy, hạnh phúc của người mẹ lớn hơn và xứng đáng hơn hạnh phúc của thai nhi.

Nếu chỉ dựa vào hạnh phúc hay khổ đau của mình để quyết định người khác nên sống hay chết thì có phần ích kỷ, và phi đạo đức. Thế giới sẽ rơi vào vòng hỗn loạn, vì chắc ai cũng mong một ai đó biến mất khỏi trái đất để mình hạnh phúc hơn.

Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Những người theo chủ nghĩa nữ quyền cho rằng “cơ thể của tôi, quyền của tôi” và điều đó dường như đang thắng thế. Nếu trẻ vị thành niên được giáo dục về giới tính và tình dục tốt hơn, chắc sẽ giảm nhiều những dằn vặt của những người trẻ khi phải quyết định, giữ hay bỏ cái thai đang lớn dần trong bụng mình. Và việc tuyên truyền chống lựa chọn thai nhi theo giới tính, bên cạnh lý do mất cân bằng nam nữ, cần có thêm một thông điệp về đạo đức nữa.


dienngon.vn

Tết Trung thu của oan hồn thai nhi

Để những oan hồn thai nhi được hưởng một Tết Trung thu như bao trẻ em cùng trang lứa, cứ đến rằm tháng tám, hàng ngàn ông bố bà mẹ đến chùa Từ Quang làm lễ cầu siêu.


Tượng thờ những oan hồn thai nhi vô thừa nhận ở chùa Từ Quang.
Những người làm cha làm mẹ đang làm lễ cầu siêu sám hối 
cho những đứa con của mình.
Đầu năm 2009, có một Phật tử chùa Từ Quang (ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đêm nào cũng nằm mơ nghe thấy tiếng khóc ngằn ngặt của một đám hài nhi đói khát, xin ăn. Phật tử này đem câu chuyện lạ về giấc mơ kể lại cho thầy trụ trì Thích Giác Thiện nghe.

Thầy trụ trì suy ngẫm về điều Phật tử mơ và cho là có nguyên do, bởi xung quanh chùa là các khu công nghiệp. Hàng năm có rất nhiều nữ công nhân phá thai, bỏ rơi những hài nhi, linh hồn vô thừa nhận, không được cúng viếng, nên mới có những linh hồn trẻ thơ phiêu dại về cổng chùa than khóc, xin ăn.

Ban đầu thầy trụ trì Thích Giác Thiện lập đàn cầu siêu cho những oan hồn thai nhi lưu lạc. Rồi người dân ở khu vực xung quanh chùa truyền tai đến xin thầy cầu siêu cho những đứa con thiếu may mắn của họ. Từ đó đến nay, mỗi ngày chùa vẫn tiếp đón từ 30 - 40 lượt người đến dâng lễ, sám hối. Những ngày rằm, nhất là rằm tháng tám, con số ấy phải lên đến hàng trăm, hàng nghìn người.



Rất nhiều những ông bố bà mẹ đang quỳ trước tượng Phật thờ con mình.
Từ ngày 13/9 (tức ngày 9/8 âm lịch) chùa Từ Quang đã mở rộng cửa đón các tăng ni phật tử khắp nơi về cầu siêu cho các vong hồn của các thai nhi vô tội. Khi biết tin chùa tổ chức khai lễ rất nhiều ông bố, bà mẹ ở những nơi rất xa xôi ở phía Bắc như Yến Bái, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… đã mua sắm rất nhiều sữa, quần áo, đồ chơi, giầy dép, đủ các loại, màu sắc... mang về chùa để an ủi cho vong linh các con của mình, phần nào xin chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ. 

Rất nhiều những bà mẹ trẻ đang cầu siêu sám hối những thai nhi bị bỏ rơi.
"Để những linh hồn thai nhi bớt cô đơn, lạnh lẽo, với tinh thần từ bi, yêu thương, chùa Từ Quang đã tổ chức đại lễ trai đàn cầu siêu oan hồn thai nhi vô thừa nhận, cho các em được hưởng một Tết Trung thu - Tết truyền thống của những em bé trẻ thơ ngây tung tăng vui đùa dưới ánh trăng thanh có chị Hằng, chú Cuội", thầy Thích Giác Thiện nói.

Lễ cầu siêu cho các thai nhi sẽ được kéo dài tới ngày 19/9 (tức ngày 15/8 âm lịch). 



Theo xaluan.com

Bí tích Thánh Thể và việc bảo vệ Tin Mừng Sự Sống



Bài Thuyết Trình của Đức Cố Hồng Y Alfonso López-Trujillo


Nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình

Trình bày tại Đại Hội Tông Đồ Tận Hiến Gia Đình, Ngày 19 tháng 7, năm 1998


Các bạn thân mến,

Một lần nữa, tôi xin nhân dịp này cám ơn Hội Tông Đồ Tận Hiến Gia Đình, và đặc biệt là ông bà Jerry và Gwen Coniker, đã tổ chức Đại Hội này và đã mời tôi tham dự.

Chúng ta đã suy nghĩ về đặc quyền và nhiệm vụ của gia đình trong công tác truyền thụ Tin Mừng qua việc dạy Giáo Lý và cầu nguyện trong gia đình. Công tác đa dạng của các bạn cũng nhấn mạnh đến việc gia đình được mời gọi để truyền giáo trong xã hội thế nào. Các bạn cũng đặc biệt nhấn mạnh đến các Giờ Thánh Đừng Sợ, về vai trò của Bí Tích Thánh Thể trong việc kết hợp và củng cố gia đình như một cộng đoàn truyền giáo, và vai trò của gia đình trong việc tôn trọng sự sống trong xã hội ra sao. Các bạn tìm cách đem niềm hy vọng đến cho gia đình khi gặp khó khăn trong ơn gọi truyền thụ Tin Mừng. Vậy chúng ta hãy bỏ một chút thì giờ suy nghĩ về những đề tài trên.


Gia Đình và Việc Bảo Vệ Sự Sống

Nhân loại ngày nay có vẻ dã man và bất nhân hơn bao giờ hết, bất kể những tiến bộ về kỹ thuật và khoa học.

Như các bạn đã biết, hiện nay mỗi năm có trên 50 triệu trẻ em vô tội bị thanh trừng bởi tội ác phá thai. Điều này chẳng khác gì mỗi năm toàn thể dân chúng nước Ý Đại Lợi bị tiêu diệt trong cuộc chiến tàn bạo và tồi tệ nhất.

Đó là cuộc chiến chống lại những người cô thế và vô tội, là những người cũng có quyền sống, là quyền căn bản mà không ai có thể từ chối được.

Năm nay chúng ta mừng kỷ niệm 50 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Từ giây phút thụ thai, “người được thụ thai” là một hình ảnh của Thiên Chúa và được mời gọi để thành con cái Thiên Chúa qua Bí Tích Thánh Tẩy.

Đức Thánh Cha [Gioan Phaolô II] đã dạy rằng có hai Tin Mừng không thể tách rời nhau được: Tin Mừng cho gia đình, là Tin Mừng cho mọi người, vợ chồng, con cái và xã hội! Và cũng có Tin Mừng Sự Sống: Sự sống con người là hồng ân của Thiên Chúa và chỉ thuộc quyền Thiên Chúa. Sự sống con người thiêng liêng. Con người không phải là một sự vật, không phải một dụng cụ mà một người có thể sử dụng, thao túng và vất đi. Không ai có quyền muốn làm gì thì làm với đời sống của một con người vô tội. Thông Điệp Evangelium Vitae của ĐTC Gioan Phaolô II là một thông điệp vĩ đại và lịch sử trong việc bảo vệ sự sống con người.

Hội Thánh bênh vực sự sống con người với tình yêu và lòng can đảm, cùng công bố hồng ân tuyệt vời này là hồng ân mà gia đình cũng phải công bố, rao truyền và bảo vệ. Thưa các phụ huynh, không có của cải nào quý giá hơn là con cái quý vị! Hội Thánh bênh vực sự sống của mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất, yếu đuối nhất và thiếu thốn nhất, các trẻ em chưa được sinh ra, các bệnh nhân, và sự sống của các bậc lão thành. Thời nay người ta bị cám dỗ khai trừ tất cả những người này vì coi họ là gánh nặng cho xã hội và cho chính gia đình.

Hội Thánh nhắc nhở chúng ta rằng là con người, họ đã được Đức Kitô cứu chuộc và Người cũng đã hiến mạng sống Người cho họ. Người đã yêu tôi và đã hiến mạng sống Người cho tôi! Người cũng làm thế cho các bệnh nhân, cho những người bị khinh rẻ. Điều gì là điều then chốt và là lý do của giá trị cao cả của con người? Điều then chốt là người ấy là một người được Thiên Chúa yêu thương… quá mức đến nỗi mà Chúa Giêsu phải cứu chuộc người ấy trên Thập Giá.

Không ai, không một quyền lực nào, không một quyền bính nhân loại nào, một quốc hội nào, một chính phủ nào, có thể dành cho mình quyền thế và quyền đối xử với một con người như sự vật và quyết định rằng người ấy không có quyền sống.

Thật là một gương mù không những chi cho các tín hữu mà còn cho tất cả mọi người khi nghe về những tội ác phạm đến những người nghèo đói và thiếu thốn nhất.


Một Cuộc Vận Động Vĩ Đại Vì Sự Sống

Việc bảo vệ sự sống, nền văn hóa sự sống, tìm được sự hỗ trợ lớn lao nhất từ các gia đình. Thể chế gia đình có một sứ vụ là bảo vệ sự sống, giáo dục nó và đưa nó đến sung mãn.

Các bạn đã biết rõ lời mời gọi mà Hội Thánh đưa ra cho chúng ta qua Thông Điệp Evangelium Vitae, là tham gia vào “một cuộc vận động vĩ đại vì sự sống.” Thông Điệp này đặc biệt mời gọi các gia đình trở thành phương tiện mà qua đó Nền Văn Hóa Sự Sống được phục hồi. Quả thật, Đức Thánh Cha đã vạch ra rằng một trong những ly do mà phá thai và giết chết êm dịu là những tội ác tầy trời khủng khiếp vì chúng xảy ra trong gia đình, là nơi che chở sự sống. Vì thế Ngài tiếp tục quả quyết rằng, “Trong số ‘những người vì sự sống và cho sự sống’, gia đình có một nhiệm vụ tiên quyết. Nhiệm vụ này phát sinh từ chính bản chất của gia đình là một cộng đồng sự sống và tình yêu… Như một Hội Thánh Tại Gia, gia đình được triệu tập để công bố, cử hành và phục vụ Tin Mừng Sự Sống” (EV, số 92).


Bí Tích Thánh Thể và việc Bảo Vệ Sự Sống

Bí Tích Thánh Thể dạy các gia đình và thúc đẩy họ bảo vệ sự sống. Chúng ta hãy nhìn đến một vài điểm trong lãnh vực này.

Bằng một cách đặc biệt, các bạn đang có mặt ở Đại Hội này biết rằng các gia đình được thêm sức mạnh trong ơn gọi này qua việc cùng nhau tôn sùng Thánh Thể. Việc tôn kính như thế kéo các phần tử lại gần nhau hơn trong mối giây bác ái là điều thiết yếu của những gia đình vững mạnh. Việc làm giờ thánh gia đình, được hội Tông Đồ này cổ võ, ghép gia đình vào sứ vụ hằng ngày của Hội Thánh để thăng tiến Tin Mừng Sự Sống.

Hội Thánh không thể tồn tại được nếu không có Bí Tích Thánh Thể. Gia đình Kitô hữu cũng thế. Sức bổ dưỡng của gia đình đến từ Mình và Máu Thánh Chúa. Sứ vụ làm Hội Thánh Tại Gia của gia đình cũng được tìm thấy trong Bí Tích Thánh Thể và dẫn nó trở lại cùng Bí Tích Thánh Thể, là nguồn mạch và tột đỉnh của tất cả đời sống và hoạt động của Hội Thánh.

Quyết tâm thăng tiến nền Văn Hóa Sự Sống của gia đình lãnh nhận hình thái và sức bổ dưỡng của nó từ Bí Tích Thánh Thể như là một Bí Tích của Đức Tin, của sự hiệp nhất, của đời sống, của việc phụng tự và của tình yêu.

Bí Tích Thánh Thể là một Bí Tích của Đức Tin. Chúng ta không thấy gì khác nơi Bánh Thánh trước khi và sau khi Truyền Phép. Bánh Thánh có cùng một hình dáng, mùi, vị, và cảm giác như một tấm bánh. Chỉ có một trong năm ngũ quan nhận ra sự thật. Như Thánh Thôma diễn tả trong ‘Adoro Te Devote’ rằng, “Người ta đều bị đánh lừa vì nhìn, đụng chạm, và nếm Người. Nghe và tin vào lời nói thì mới tin Người?” Tai nghe Lời Người, “Đây là Mình Thầy; đây là Máu Thầy,” và Đức Tin dẫn đưa chúng ta vào phía sau bức màn che của sự vẻ bề ngoài.

Các Kitô hữu thường có cái nhìn vượt qua những vẻ bề ngoài. Em bé nằm trong máng cỏ không nhìn giống Thiên Chúa chút nào; hay con người bị treo trên Thập Giá cũng chẳng sao. Nhưng nhờ Đức Tin mà chúng ta biết con người ấy không phải chỉ là người. Sách Thánh Kinh không có hào quang tỏa ra giữa những sách khác, nhưng nhờ Đức Tin chúng ta biết rằng sách ấy là Lời đặc biệt của Thiên Chúa. Thánh Thể có vẻ như chỉ là bánh và rượu, nhưng nhờ Đức Tin chúng ta thưa “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!” khi chúng ta quỳ gối thờ lạy.

Cũng một động lực của Đức Tin giúp chúng ta thấy vượt qua vẻ bề ngoài của những mầu nhiệm này, cũng làm cho chúng ta thấy vượt qua vẻ bề ngoài của những người lân cận của mình. Chúng ta có thể nhìn đến những người chung quanh chúng ta, đến những người làm chúng ta khó chịu, hay những người xấu xí, hoặc những người nằm bất tỉnh trên giường bệnh, và có thể nói rằng, “Đức Kitô cũng ở đấy. Đó là anh em tôi, chị em tôi, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa!” Bằng cùng một động lực chúng ta cũng có thể nhìn vào một em bé trước khi được sinh ra và nói, “Đây cũng là anh em tôi, chị em tôi, có nhân phẩm ngang hàng như mọi người và đáng được bảo vệ như những người khác!” Có một số người sẽ nói rằng đứa trẻ trong bụng, đặc biệt là trong những giai đoạn đầu tiên, quá nhỏ để được bảo vệ bởi Hiến Pháp. Có phải Bánh Thánh quá nhỏ để có thể là Thiên Chúa, và vẻ bề ngoài quá khác Thiên Chúa để chúng ta thờ kính không? Một mảnh vụn nhỏ nhất của Bánh Thánh cũng hoàn toàn là một Đức Kitô. Đức Tin Thánh Thể là một thuốc giải độc mạnh cho quan niệm nguy hiểm là giá trị tùy thuộc vào kích thước, hoặc sưc mạnh, hay bất cứ đặc tính nào khác. Là gì chứ không phải có gì, mới là nguồn gốc của phẩm giá.

Hãy tưởng tượng tất cả mọi người khắp nơi trên thế giới là những người đang rước Lễ hôm nay. Có phải mỗi người đang đón nhận một cái gì khác nhau không? Chẳng phải mỗi người đang đón nhận một và chỉ Đức Kitô duy nhất? Qua Bí Tích này, Đức Kitô là Chúa, Đấng ngự trị vinh hiển trên Thiên Đàng đang kéo tất cả mọi người lên với Chính Người. Chính Người là Đấng lôi kéo chúng ta lên với Người, rồi Người kéo chúng ta lại với nhau. Thánh Phaolô giải thích về điều này, “Chúng ta, tuy nhiều người, nhưng chỉ là một thân thể, vì chúng ta cùng chia sẻ một tấm bánh” (1 Cor 10:17). Khi chúng ta gọi nhau là “anh chị em,” chúng ta không chỉ dùng ẩn dụ để phản ảnh một cách mờ ảo sự liên kết giữa con cái cùng một cha mẹ. Sự hợp nhất chúng ta có trong Đức Kitô còn mạnh mẽ hơn sự hợp nhất giữa anh chị em ruột thịt, bởi vì chúng ta có cùng chung một máu: Máu Thánh của Đức Kitô! Kết quả của Thánh Thể là chúng ta trở nên một, và đều này đòi buộc chúng ta phải lo lắng cho nhau như chúng ta lo lắng cho bản thân mình.

Đây là sự hợp nhất của gia đình: chúng ta đã khám phá ra chúng ta là con cái Thiên Chúa. Chúng ta có thể kêu lên, “Abba,” có nghĩa là, “Cha ơi!” Chính Chúa Thánh Thần làm chứng cho tinh thần chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa (x. Rom 6:16). Tất cả đều là con cái.

Hãy tưởng tượng một người lên Rước Lễ, sau khi lãnh nhận Bánh Thánh, người ấy bẻ ra một mảnh trả lại cho vị linh mục. Điều này tượng trưng cho những gì xảy ra khi một người tẩy chay một người khác mà Đức Kitô đã cứu độ! Khi lãnh nhận Đức Kitô, chúng ta, dù thuận lợi hay không, dù muốn hay không, cũng lãnh nhận toàn thể Đức Kitô, trong tất cả các phần tử của Người, là anh chị em của chúng ta.

Như Thánh Gioan ghi nhận, Đức Kitô đã phải chết “để quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi thành một.” Tội lỗi phân tán. Đức Kitô kết hợp. Chữ “diabolical (ma quỷ)” có nghĩa là “cắt ra từng mảnh.” Đức Kitô đến “để tiêu diệt công trình của ma quỷ” (1Ga 3:8). Bí Tích Thánh Thể xây dựng gia đình nhân loại trong Đức Kitô là Đấng mời gọi, “Hãy đến với Thầy, hãy nuôi các con bằng Máu Thầy, hãy trở thành Thân Thể Thầy.” Trong một động lực trái ngược, việc phá thai nói, “Cút đi! Chúng ta không có chỗ cho ngươi, chúng ta không có thì giờ cho ngươi, chúng ta không muốn ngươi, chúng ta không có trách nhiệm về ngươi. Hãy tránh đường cho chúng ta đi!” Việc phá thai tấn công sự hợp nhất của gia đình nhân loại bằng cách cắt ra từng mảnh mối liên hệ cơ bản nhất giữa hai người: người mẹ và đứa con. Bí Tích Thánh Thề, như là Bí Tích của Hợp Nhất, quay ngược động lực của phá thai lại.

Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích của Sự Sống. “Ta là Bánh Hằng Sống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (x. Ga 6:47-58). Hy tế Thánh Thể là chính hành động của Đức Kitô mà nhờ đó Người tiêu diệt sự chết và phục hồi sự sống cho chúng ta. Mỗi khi chúng ta họp nhau lại để dự Hy lễ này chúng ta mừng việc sự sống chiến thắng sự chết, và như thế cũng chiến thắng phá thai. Phong trào phò sự sống không phải hoạt động cho chiến thắng mà hoạt động từ chiến thắng. Như Đức Thánh Cha đã nói ở Denver năm 1993, “Đừng sợ. Kết quả của cuộc chiến phò sự sống đã được định đoạt.” Công việc của chúng ta là áp dụng chiến thắng đã được thiết lập vào mọi phương diện của xã hội chúng ta. Cử hành Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của công việc ấy.

Bí Tích Thánh Thể là hành vi Thờ Phượng Thiên Chúa Tối Cao. Mỗi người cần học hai bài học là, “1. Có Thiên Chúa. 2. Không phải tôi.” Bí Tích Thánh Thể là một Hy lễ hoàn hảo, nhìn nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa, và nhìn nhận rằng “Ngài có quyền được mọi tạo vật vâng phục” (Sách Lễ, Ca Nhập Lễ Ngày Thứ 3 Trong Tuần). Ngược lại, việc phá thai công bố rằng sự chọn lựa của người mẹ là tối cao. “Tự do chọn lựa” được coi là đủ để biện minh cho ngay cả việc cắt một em bé ra từng mảnh. Chọn lựa bị tách ra khỏi chân lý là thờ ngẫu tượng. Nó trái ngược với việc thờ phượng chân chính. Nó cho rằng tạo vật là Thiên Chúa. Tự do chân chính chỉ được tìm thấy trong việc tùng phục chân lý và Thánh Ý Thiên Chúa. Tự do thật không phải là khả năng muốn làm gì thì làm, mà là khả năng có thể làm điều phải.

Cuối cùng, Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu. Thánh Gioan giải thích, “Nhờ điều này mà chúng ta biết được tình yêu, là Chúa Giêsu Kitô đã thí mạng sống Người vì chúng ta” (1 Ga 3:16). Đức Kitô dạy, “Không có tình yêu nào lớn hơn là của người thí mạng sống mình cho bằng hữu” (Ga 15:13). Biểu tượng đúng nhất của tình yêu không phải là trái tim mà là Tượng Chịu Nạn.

Phá thai là điều hoàn toàn trái ngược với tình yêu. Tình yêu nói, “Tôi hy sinh chính mình vì lợi ích của người khác.” Phá thai nói, “Tôi hy sinh người khác vì ích lợi của tôi.” Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta nhìn thấy ý nghĩa của tình yêu và lãnh nhận sức mạnh để sống tình yêu này. Hơn nữa, những kẻ cổ võ việc phá thai cũng dùng cùng một lời Chúa dùng để dạy chúng ta ý nghĩa của tình yêu: “Đây là mình tôi.” Bốn chữ bé nhỏ này được nói lên từ đầu kia của vũ trụ, với những kết quả hoàn toàn trái ngược. Đức Kitô thí mình Người để người khác được sống; những kẻ ủng hộ phá thai giữ chặt lấy thân xác mình để cho người khác phải chết. Đức Kitô phán, “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con; Đây là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con.” Đó là những lời của hy sinh; đó là những lời của tình yêu.

Năm 1994 tại Washington, Mẹ Têrêxa đã nói rằng chúng ta chống phá thai bằng cách dạy cho người mẹ tình yêu thực sự có nghĩa gì: “sẵn lòng cho đi đến lúc bị tổn thương… Như thế, người mẹ đang nghĩ về phá thai phải được giúp đỡ để yêu, nghĩa là biết cho đi đến khi chương trình hay thì giờ nhàn rỗi của người mẹ ấy bị tổn thương, để người mẹ ấy tôn trọng sự sống của con bà.”

Gustave Thibon đã nói rằng Thiên Chúa thật biến đổi sự bạo tàn thành đau khổ, trong khi đó Thiên Chúa giả biến đổi đau khổ thành bạo tàn. Người phụ nữ có ý phá thai sẽ biến đổi cái đau khổ của chị thành bạo tàn trừ khi chị ấy để cho tình yêu biến đổi chị, và làm cho chị bằng lòng hy sinh. Bí Tích Thánh Thể ban cho chúng ta cả bài học lẫn sức mạnh. Một người Mẹ phải nói, “Đây là mình mẹ, máu mẹ, sự sống mẹ, mẹ sẽ nộp cho con là con mẹ.” 



Thường thì phụ nữ là nạn nhân của lương tâm xấu của xã hội. 


Mọi người muốn chống phá thai cũng cần phải nói cùng những lời như trên. Chúng ta cần thực thi cùng một sự đại lượng mà chúng ta yêu cầu các người mẹ thực thi. Chúng ta phải bắt chước những mầu nhiệm mà chúng ta cử hành. “Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” có thể áp dụng cho tất cả chúng ta theo nghĩa là chúng ta cùng chịu đau khổ cách yêu thương với Đức Kitô để cho người khác được sống. Chúng ta phải giống như cột thu lôi giữa cơn giông tố kinh hoàng của bạo tàn và hủy diệt này, và thưa, “Lạy Chúa, con sẵn lòng lãnh nhận một phần nào sự bạo tàn này và nhờ tình yêu mà biến đổi nó thành sự đau khổ riêng của con, để người khác được sống.”

Thật vậy, Bí Tích Thánh Thể ban lệnh tiến quân cho phong trào phò sự sống. Bí Tích này cũng ban cho nó nguồn năng lượng, đó là tình yêu. Quả thế, nếu phong trào phò sự sống không phải là một phong trào của tình yêu, thì nó không còn là gì cả. Nhưng nếu nó là phong trào của tình yêu, thì không có gì có thể chặn đứng được nó, vì “Tình yêu mạnh hơn sự chết, và có quyền năng hơn cà hỏa ngục” (Nhã Ca 8:6).


Kết Luận

Kính thưa anh chị em, các gia đình lành mạnh là hy vọng của thế giới, vì thế chúng ta phải xây dựng các gia đình lành mạnh ấy với một ý nghĩa hy vọng cao cả. Nhìn thấy những sự dữ trên thế gian không thể làm cớ cho chúng ta bỏ trốn thế gian, nhưng ngược lại làm cho chúng ta tích cực tìm cách đối thoại với nó về ơn cứu độ.

Như là một sự hỗ trợ cho niềm hy vọng ấy, tôi xin phép kết luận bằng cách mời anh chị em chú ý đến Đại Hội Thế Giới của Đức Thánh Cha với các Gia Đình ở Rôma, mà Ủy Ban Giáo Hoàng về Gia Đình sẽ bảo trợ trong Mùa Thu của Năm Thánh 2000. Cuộc gặp gỡ này được đánh dấu bằng một Hội Nghị Thần Học Mục Vụ, bằng một cuộc cử hành Lời Chúa và chúc tụng vui mừng cùng với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, và bằng Một Phụng Vụ Thánh Thể do Đức Thánh Cha cử hành, là một giây phút của ân sủng trọng đại có thể giúp chúng ta đào sâu sự hiểu biết, quyết tâm, và hiệp nhất giữa những người cùng hoạt động vì sự sống và gia đình. Hai lần gặp gỡ trước cũng vậy, lần thứ nhất được tổ chức ở Rôma trong Năm Quốc Tế về Gia Đình (1994), và lần thứ nhì được tổ chức năm ngoái ở Rio de Janeiro. Tôi nhiệt tâm hy vọng rằng nhiều người trong anh chị em, hợp cùng nhiều người khác trong Nước Hoa Kỳ, sẽ có thể tham gia cuộc hành hương Đức Tin đến Rôma trong năm 2000, để hợp nhau cầu nguyện cùng với các gia đình khác từ khắp nơi trên thế giới.

Nguyện xin Chúa chúc lành dồi dào cho anh chị em, gia đình anh chị em, và công việc rất trọng yếu mà anh chi em đang làm cho Nước của Người.


www.dongthanhthe.net

Người đàn ông 2.000 ngày gom xác thai nhi

Một người đàn ông quanh năm lặng lẽ đi trong đêm đông hay chiều hè nắng cháy để đến các phòng khám, bệnh viên phụ sản... nhặt vài chiếc túi nilon màu đen. Trong những túi ấy đều chứa đựng thai nhi bị phá bỏ.

Người đàn ông ấy có tên Nguyễn Văn Yên ở thôn Đồi Cốc, Thanh Xuân, Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Sau khi có được vài số điện thoại của những người liên quan, chúng tôi đã rất khó khăn khi thuyết phục để có một chuyến theo chân đi nhặt thai nhi. Khi trực tiếp gặp và xin phép, ông Nguyễn Văn Yên tỏ ra e ngại chuyện theo chân. Ông bảo: "Tôi hiểu được thành ý của các cô chú, nhưng chỉ cần thấy xuất hiện người lạ, những nơi bỏ xác hài nhi, thai nhi họ sẽ đổi ý không cho nữa. Khó lắm, không nên đi".
 

Ông Yên ăn mặc rất lịch sự để đi gom nhặt xác thai nhi.
 Sau rất nhiều lần thuyết phục bằng cả tình và lý, ông Yên mới miễn cưỡng cho chúng tôi theo chân. Ông sinh năm 1957 ở vùng quê nghèo Đồi Cốc, Thanh Xuân, Sóc Sơn này. Thầm lặng và có phần lén lút, ông vẫn làm công việc mà hiếm gã đàn ông nào dám động tay vào trong suốt bao năm qua. Ông đi đến các phòng khám, bệnh viện tư, bệnh viện phụ sản trên địa bàn huyện Đông Anh, Sóc Sơn - TP Hà Nội và thị xã Phúc Yên, TP Vĩnh Yên của tỉnh Vĩnh Phúc.

15h45 phút, như cái hẹn hôm trước, chúng tôi đợi ông Yên ở bưu điện Kim Anh, Sóc Sơn để cùng xuất phát. Ông Yên xuất hiện với bộ áo sơ mi trắng, quần âu, đóng thùng rất nghiêm chỉnh, mồ hôi nhễ nhại. Nếu không biết mục đích, chỉ nhìn bề ngoài thì 100% mọi người sẽ tưởng ông ấy đi chơi. Chỉ dừng lại đôi phút, ông bảo với chúng tôi: "Hôm nay tôi sẽ đi gom nhặt các bé ở vùng thị xã Phúc Yên, cách đây khoảng gần 5km". Nói xong, ông phóng xe lao vèo về phía trước chẳng để chúng tôi hỏi thêm câu nào.

Đi qua cầu Kim Anh một đoạn, thị xã Phúc Yên đã dần dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Vẻ sầm uất của một thị xã đang trên đà phát triển dường như làm người ta quên đi những góc tối đau buồn ở đâu đó trong các phòng khám, bệnh viện… Nơi ấy, ngày ngày có hàng chục bà mẹ nhẫn tâm đến phá bỏ đứa con của mình.

Xe chúng tôi về ga chầm chậm theo ông Yên rẽ vào một phòng khám phụ sản tư nhân trên đường Hai Bà Trưng. Như trong đầu chúng tôi dự đoán thì ông Yên sẽ vào trong phòng khám để nhận xác thai nhi từ tay các bác sĩ, sau những ca nạo phá thai diễn ra trong ngày. Nhưng thực tế không phải vậy, ông Yên lặng lẽ dừng xe bên vệ đường, nhìn ngang, nhìn dọc rồi bước thật nhanh sang phía vỉa hè bên kia.



Ông vội vã lấy mấy chiếc túi đen đựng thai nhi ở bờ rào.
Một người ăn mặc lịch sự, nhìn rất đoàng hoàng như giờ phải hóa thân thành kẻ trông lén lén, lút lút như đi ăn trộm. Ông bước tới bờ rào của phòng khám ngay gần mấy xe chở rác. Ông nhanh chóng, vội vã luồn tay qua hàng rào sắt và gỡ lấy mấy túi nilon mầu đen mà ai đó vừa mới treo. Dù biết chúng tôi đi cùng, nhưng ông chẳng nói chẳng rằng bất cứ điều gì, cứ làm như mọi lần.

Ở vị trí quen thuộc này, chiều nay ông Yên nhặt được 3 túi nilon, 2 nhỏ và 1 to. Thai nhi nhỏ, vẫn chỉ là cục máu được bọc trong túi nilon nhỏ, còn những bé thành hình người sống mấy tháng trong bụng mẹ rồi, khá to sẽ được đặt trong túi nilon lớn. Có mấy người đi đường quay lại nhìn về phía chúng tôi với con mắt tò mò, nhưng rồi họ cũng bỏ đi. Chúng tôi thử hỏi nếu một ai đó biết rằng đây là những xác thai nhi thì liệu họ có sợ không? Có suy nghĩ gì không?

Sau khi buộc, túm cẩn thận mấy chiếc túi đựng xác thai nhi xong xuôi đâu đó, ông Yên mới ngẩng lên nhìn chúng tôi và tâm sự: "Ngày nào tôi cũng phải đi, mỗi hôm 2 lần. Buổi sáng tôi đi gom ở Đông Anh từ rất sớm (khoảng 4h- 4h15), chiều lại sang Phúc Yên vào tầm 15h30 đến 16h xuất phát. Mỗi lần, trung bình tôi gom được hơn 10 thai nhi, thậm chí có hôm nhiều thì lên đến vài chục bé".

Đó mới là địa bàn của Phúc Yên và Đông Anh, nếu gom ở thành phố Vĩnh Yên và ở Sóc Sơn nữa, theo ông Yên con số thai nhi sẽ tăng lên gấp bội. Ông tâm sự với chúng tôi rằng mình không có sức để vào gom nhặt ở trong nội thành Hà Nội. "Ở trong đó nhiều lắm, tôi không có sức đi nhiều và cũng chẳng làm xuể đâu".



Ông không hề ghê sợ với những túi đựng đầy xác thai nhi.
Sau khi lặng lẽ đi gom xác hài nhi về, ông Nguyễn Văn Yên lại đem những sinh linh đáng thương đó ra để ở chiếc tủ lạnh tại nghĩa trang hài nhi thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân. Sau khi có đủ số lượng hài nhi ông Yên và một số người quản trang ở đây bắt đầu khâm niệm và đem chôn cất các bé. Dù đã làm công việc này hơn 2.000 ngày qua, nhưng mỗi lần chứng kiến thi nhi bị phá bỏ, ông vẫn dưng dưng nước mắt.

Đây là công việc làm phúc không công, nhưng ông bảo rằng vẫn sẽ tiếp tục cuộc hành trình thầm lặng đó đến lúc nào sức khỏe còn cho phép.


Bài dự thi "Viết nên điều kỳ diệu"
VnExpress.net

ĐGH mời gọi bà mẹ đơn thân “can đảm” rửa tội cho con mình


Anna là một phụ nữ 35 tuổi sinh sống ở Rôma. Cô phát hiện ra mình đang có thai nhưng cha đứa bé thú nhận với cô rằng anh ta đã có gia đình và không thể chăm sóc cho đứa bé. Người đàn ông này đã khuyên cô đi phá thai.

Cảm thấy tuyệt vọng và đau khổ, cô đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và xin ngài lời khuyên.

Vài ngày sau đó, thật hết sức bất ngờ khi cô nhận được một cuộc gọi từ Đức Giáo Hoàng.

Cô cho biết đó là một cuộc trò chuyện ngắn nhưng chan chứa tình cảm. Đức Giáo Hoàng đã xin cô đừng để người ta cướp lấy niềm hy vọng của mình. Ngài khẳng định rằng khi đứa bé chào đời, nếu cô không thể tìm thấy linh mục nào rửa tội cho đứa bé thì chính ngài sẽ làm điều đó.

Đáp lại Đức Thánh Cha, Anna bảo đảm với ngài rằng nếu cô sinh một bé trai cô sẽ đặt tên cho đứa bé là Phanxicô để vinh danh ngài.


--

Chỉnh Trần, SJ dịch từ Rome Report

Nguồn: dongten.net

Đam mê dục tình


Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica: 1Tx 4, 1 – 8 

"Anh em thân mến, chúng tôi van nài anh em trong Chúa Giêsu điều này là như anh em được chúng tôi dạy cho biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, anh em đang sống như vậy, xin anh em cứ tiến thêm nữa. Vì anh em biết rõ huấn thị chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu đã ban cho anh em. Vì chưng, đây là thánh ý Thiên Chúa, và cũng là sự nên thánh của anh em là anh em hãy giữ mình khỏi tội gian dâm, để mọi người trong anh em biết giữ thân xác mình trong sự thánh thiện và danh dự: anh em chớ nên buông theo dục tình đam mê, như Dân Ngoại không biết Thiên Chúa: và đừng ai xâm phạm hay lường gạt quyền lợi anh em mình trong việc ấy, vì Chúa sẽ báo oán các điều đó, như chúng tôi đã bảo trước và đã minh chứng cho anh em. Vì chưng, Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta để sống ô uế, nhưng để sống thánh thiện. Bởi thế, kẻ nào khinh chê những luật này, thì chẳng phải là khinh dể người phàm, nhưng là khinh dể Thiên Chúa, Đấng cũng đã ban Thánh Thần Người cho chúng ta."

Kinh nghiệm bị những xung năng ham muốn dục tình làm cho điên đảo, muốn ngã quỵ, hoặc đã ngã gục là điều mà hầu hết mọi người phàm đều đã ít nhất một lần kinh qua, bất luận đó là nam hay nữ, người trí thức hay bình thường, người đang sống đời tu trì hay đang sống ngoài đời… bởi tất cả chúng ta đều là những con người có đầy đủ những chức năng tự nhiên và bình thường của một con người mà Thiên Chúa đã đặt ở nơi ta ngay khi tạo nên ta bằng xương bằng thịt, nhưng vì phần ích của ta chứ không phải là phương tiện để ta lạm dụng nhằm mưu cầu cho những đam mê và lệ thuộc của ta mà đánh mất căn tính trong sạch của một tạo vật giống hình ảnh Thiên Chúa.

Con người ở mọi thời đại, cũng chỉ vì luật tự nhiên này mà không biết bao người phải khốn đốn, ngã quỵ, chao đảo, bệnh tật, giết chóc, và cả những hệ luỵ khôn lường khác vẫn đang ngày một gia tăng: sida, phá thai, trẻ mồ côi…

Khả năng tính dục, như đã đề cập, là một ân ban của Thiên Chúa dành cho con người nhằm cho một mục đích duy nhất là giúp thăng hoa tình yêu vợ chồng hợp pháp và hợp luân lý để nhờ đó mà thực thi sứ mạng truyền sinh nhằm làm cho thế giới ngày một thêm đông đúc và đầy tràn hơn như lòng Chúa mong muốn.

Ngoài mục đích đó ra, mọi mục đích khác đều chỉ thuần do suy tư và những ham muốn của con người lạm dụng để thoả mãn hoặc cổ xuý cho một nền văn hoá chỉ còn biết lấy đam mê dục tình làm điểm đến sau cùng và là một thành phần không thể thiếu trong tình yêu nam nữ, và đặc biệt trong đời sống vợ chồng như ngày nay ta hay thấy nhan nhản các bài viết mang tính chuyên môn, nhưng thực chất là sự làm lệch hướng mục đích và ý nghĩa của đời sống hôn nhân, và tình yêu trong sáng của các đôi bạn.

Các bài viết này, từ thủ dâm cho đến quan hệ tình dục, đều chỉ nhằm mục đích làm cho con người thêm ham muốn và thấy sự ham muốn của mình là có cơ sở và đương nhiên lấn át đi tiếng lương tâm vốn rất công minh trong trái tim mỗi người, để rồi ngày càng có nhiều chuyện dở khóc dở cười do bởi những bài viết “chuyên môn” này mà ra, đó chính là nạn hiếp dâm và lạm dụng tình dục ngày một gia tăng trên khắp toàn cầu.

Lòng đam mê nhục dục ở nơi mỗi người chúng ta xuất phát từ sự tiêm nhiễm của thực tế cuộc sống thông qua các kênh giao tiếp: bạn bè, truyền thông, sách báo… Rất ít những bài nói về việc lạm dụng khả năng tính dục là một việc làm thấp hèn và thứ yếu của con người, tất cả đều lạm dụng nó để mưu lợi cho mục tiêu kinh tế của mình, mà cụ thể là việc tăng doanh số bán. Do một số bóng đen từ thuở niên thiếu, tuổi còn nhiều tò mò về điều mới lạ nơi thân xác mình, thế nên ngày nay, dù đã lớn và thậm chí đã có gia đình và con cháu, nhiều người vẫn chịu sự đè bẹp của những bóng đen có sức mạnh ghê gớm này.

Rất đơn giản, ta không muốn nhìn nhận sự thật về bản chất của những đam mê và những thứ kích thích đang tràn lan trên mọi phương tiện, và cả nơi con người thật (phụ nữ ăn mặc gợi dục khi ra đường), nên ta không thể nào thoát ra khỏi cái bóng đen ấy. Chừng nào ta còn thấy mình không thể nào dễ dàng ngã quỵ bởi những thứ “ô uế và nhơ bẩn” này, thì chừng đó ta càng để cho mình dễ dàng ngã gục nhanh hơn khi thời cơ chín muồi. Chừng nào ta còn cho phép mình đọc những tin xấu về những nạn hiếp dâm, những vụ lạm dụng tình dục, hay coi những phim ảnh mang tính kích dục cao… mà không có sự biện phân rõ ràng, thì đó là lúc ta đang gieo mầm ham muốn và chờ cho đến ngày nó trổ sinh hoa trái.

Các giác quan là những cửa ngõ rất cụ thể để cho những thứ độc hại này vào trong tâm hồn và làm biến dạng sự tốt lành của những khả năng dục tính của ta thành những đam mê xấu và thành những ông chủ xấu. Một cái nhìn mà kèm với những tò mò hoặc ước muốn, một âm thanh nghe được kèm với những tưởng tượng, một sự va chạm vô tình nào đó khiến ta khoái trá, một sự nếm trải hương vị kích thích ngọt ngào, một mùi hương đầy quyến rũ… tất cả đều đưa ta vào trong vòng xoáy của đam mê vốn chỉ trực chờ để trỗi dậy.

Vấn đề là ta không thể bưng tai, bịt mắt, và ngừng lại mọi quan năng như thể là một thân xác con người sống đời thực vật để tránh những cơ hội làm cho đam mê trỗi dậy khi ta đang sống giữa đời, thế nên cách thế tốt đẹp nhất là hãy biết biện phân cách đúng đắn về chức năng của các giác quan nơi ta và dùng nó vào đúng việc của nó, đồng thời ta cần sống đời sống cầu nguyện liên lỉ, nghĩa là ở lại trong sự hiện diện đầy quyền năng và thánh thiện của Thiên Chúa (điều này quan trọng nhất), thì chắc chắn sẽ chẳng có điều gì khiến ta phải xao xuyến và điên đảo, dù đó là đam mê dục tình.

Ngoài hai giải pháp trên, ta cũng cần mang trong mình một thái độ khiêm tốn. Khiêm tốn để biết rằng mình rất dễ ngã vào thứ thuộc về bản năng tự nhiên của con người. Mà đã là bản năng thì một khi nó trỗi dậy, ta khó có thể mà cưỡng lại. Khi ta khiêm tốn và mặc lấy tâm tình khiêm tốn, thì mọi thứ xung năng cao, mọi vòi bám chặt của những đam mê sẽ tự động hạ xuống như mặt hồ phẳng lặng trong mùa thu, tâm hồn ta sẽ luôn luôn được vui và bình an, vì nó không bị thiêu đốt bởi ngọn lửa dục tình bốc lên từ những bụi gai của những lời nói, những hương vị, những hình ảnh bắt mắt, gợi cảm, và quyến rũ, những va chạm vô tình hay cố ý nào đó… trong cuộc sống.

Và khi ấy, ta sẽ đủ lắng đọng để nghe được tiếng Chúa nói qua Thánh Phaolô: “Vì chưng, Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta để sống ô uế, nhưng để sống thánh thiện. Bởi thế, kẻ nào khinh chê những luật này, thì chẳng phải là khinh dể người phàm, nhưng là khinh dể Thiên Chúa, Đấng cũng đã ban Thánh Thần Người cho chúng ta.”

JOSEPH C. PHAM

Theo báo Ephata số 577