Những hài nhi thoi thóp trong túi ni lông và ngôi mộ 20.000 hài nhi giữa Hà Nội

Hàng ngày những người trong nhóm thiện nguyên đã phải tự tay chôn cất từ 30 tới 40 thai nhi bị bố mẹ vứt bỏ ở các phòng khám tư.


Chiếc bể tập thể này sẽ được chia ra từng ngăn nhỏ 
tùy vào mỗi lần đem xác thai nhi về nhiều hay ít
 Để lại đằng sau lưng không khí âm u, lạnh lẽo, ám ảnh trong phòng khám phá thai K gần bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chúng tôi cùng những người làm công tác thiện nguyện, thu gom xác thai nhi đến với nghĩa trang Từ Châu, Liêm Châu, Thanh Oai, Hà Nội - nơi an nghỉ của những hài nhi xấu số.

Ở đây, tôi có dịp được làm quen với những con người rất bình dị: chú Sinh, chú Nho, cô Ất... những người không quản khó khăn, nhọc nhằn, “chống” lại thời tiết, sự vất vả để lo cho những hài nhi xấu số có được một “ngôi nhà” thực sự bình yên.

Qua tâm sự của chú Nho, mỗi khi nhận về một sinh linh vừa chào đời nhưng cơ thể đã lạnh ngắt, chú đều không tránh khỏi cảm giác chua xót: “Chúng nó cũng như con cháu mình mà thôi”.


Một ngày theo chân chú Nho – người thuộc lòng “lai lịch” của những nấm mồ không đánh số của các hài nhi, tôi được biết nhiều hơn những câu chuyện đau lòng đằng sau đó.
“Mong một ngày nào đó thất nghiệp”, câu nói cứ lặp đi lặp lại trong câu chuyện của chú Nho. Gắn bó với công việc này, gắn bó với nghĩa trang thai nhi Từ Châu từ năm 2009 tới nay, đã 4 năm trôi qua, chôn cất gần 20.000 hài nhi nhưng chưa một ngày những người như chú được “rửa tay”. “Càng mong thất nghiệp thì lại có càng nhiều các sinh linh vô tội tìm tới mình. Đau xót lắm”, chú Nho tâm sự.

Thế nhưng cái ước nguyện tưởng như nhỏ nhoi ấy của họ lại ngày càng khó thành hiện thực khi những phòng nạo hút, phá thai vẫn mọc lên như nấm; khi những kiểu quan hệ sống thử, có thai trước hôn nhân... vẫn được nhiều bạn trẻ tặc lưỡi cho là chuyện bình thường giữa thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cùng làm công việc chôn cất các thai nhi bị bố mẹ đang tâm rũ bỏ, chú Sinh chia sẻ: “Nếu các con không được gom về những nơi như nghĩa trang thai nhi này thì có lẽ các con sẽ thành rác thải trộn lẫn cùng một mớ hỗn độn những xú uế. Tội nghiệp cho các con lắm!”.

Cô Ất cũng nghẹn ngào kể lại: “Có những hôm trời mưa như trút nước, chúng tôi tưởng chừng không thể mang các em về được nơi chôn cất. Chiếc túi nilon màu đen đựng thi thể các em cũng lõng bõng nước mưa.

Cũng có trường hợp, khi tôi mở túi ra, thì bên trong vẫn có những hài nhi còn thoi thóp thở như đang cố gắng níu lại chút hơi thở yếu đuối, cố gắng để được nhìn thấy ánh sáng mặt trời và hi vọng mình cũng sẽ có cơ hội làm người. Thế nhưng... chúng tôi vẫn chậm, cơn mưa cùng với sự vô tâm của một số người đã cướp đi quyền làm người của các em”.

Theo chú Sinh thì tại nghĩa trang Từ Châu, mỗi ngày họ tiếp nhận và mang chôn khoảng 20 – 30 hài nhi. Có những ngày đỉnh điểm lên tới gần 50 thi thể. Công việc khâm liệm, chôn cất những sinh linh nhỏ bé ấy đã trở thành công việc quen thuộc với họ.

Nói là quen thuộc và tưởng như sẽ không bị ám ảnh đấy nhưng từ khi gắn bó với công việc này, đêm nào giấc ngủ của chú Sinh cũng chập chờn hình ảnh của những đứa trẻ vô tội.



Theo soha.vn

Kinh hãi căn phòng chuyên phá thai buổi tối trên đường Giải Phóng

Người ra kẻ vào vẫn tấp nập nhưng dường như tại phòng khám phá thai K nằm trên đường Giải Phóng chỉ có ngôn ngữ cử chỉ là phổ biến.

Trong ca trực của một y tá tại đây, đếm sơ qua cũng đã có 3 – 4 ca nạo phá thai đồng nghĩa với 3 – 4 sinh linh vừa bị tước đi quyền sống.

Khi trên đường phố thưa dần bóng người qua lại, chỉ còn tiếng chổi quét rác loẹt quẹt trong đêm, vài tiếng còi xe kéo vội, bóng đèn cao áp dường như cũng mờ đi bởi sự bao phủ của bóng đêm... lại là lúc phòng khám phá thai đối diện bệnh viện Bạch Mai bắt đầu sáng đèn và hoạt động cũng trở nên “nhộn nhịp” hơn bởi sự có mặt của những ông bố, bà mẹ đang chuẩn bị trả đứa con “về với cát bụi” bằng con đường thiếu ánh sáng của lương tri.

Sở dĩ chọn cho mình phòng khám K để đi tìm sự thật sau ánh đèn chuyên sáng về ban đêm ấy, bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, phòng khám K luôn đi đầu về số lượng sản phụ tới đây nạo hút, phá thai. Ngày nào ở đây cũng những thai nhi bị vứt bỏ.


Sự đau đớn sau phẫu thuật, và sự tiếc nuối khi tất cả đã muộn
Không chỉ nhìn thấy xác thai nhi trong những bọc nilon màu đen mà trong vai những người chuyên đi gom nhặt xác thai nhi mang về chôn cất, chúng tôi còn tận mắt chứng kiến những nỗi đau về thể xác của người mẹ khi vừa trút bỏ đứa con trong bụng mình.

Gương mặt của cô gái trạc 17 – 18 tuổi mà chúng tôi gặp trong phòng chuyên dành cho nạo hút thai tại tầng 2 của phòng khám, thất thần như nuối tiếc, đau xót khi vừa bỏ đi “giọt máu” mình đã ấp ủ trong bụng suốt 6 tháng qua.

Cô gái ấy có thân hình nhỏ thó, áng chừng chỉ khoảng 37, 38kg. Một mình cô vừa phải trải qua ca phẫu thuật để lấy đứa trẻ ra khỏi cơ thể mình.


Chỉ là những thiết bị thô sơ, nhưng mỗi ngày bác sỹ có "bàn tay vàng" 
đã tước đi quyền được sống của biết bao nhiêu hài nhi vô tội
Thai nhi vừa được cô gái chừng 17 – 18 tuổi ấy bỏ đi được trao lại vào tay chúng tôi để mang tới chôn cất. Chúng tôi rùng mình nhìn cái hình hài đã có đủ các bộ phận: mắt, mũi, chân, tay ấy.

Căn phòng như thê lương hơn khi chúng tôi nhấc lên từng bọc nilon màu đen, những thùng đỏ mà bên trong là xác thai nhi nằm rải rác dưới chân giường, trong nhà vệ sinh... như những nấm mồ đặt trong nghĩa trang.

Riêng những thai nhi to từ 7 tháng tuổi trở lên thì được nữ y tá gói trong một hộp catton và được đặt ngay sát mép tường trước cửa nhà vệ sinh cho chúng tôi dễ nhận dạng. Nếu không có những bàn tay thiện nguyện mang các em về chôn cất thì sau một ngày, các nhân viên ở phòng khám cũng sẽ gom xác thai nhi lại và vứt chung cùng rác thải y tế.

Mọi cử chỉ, hành động của chúng tôi khi tiếp xúc gần hơn với các sinh linh vô tội ấy đều được quan sát tỉ mỉ bởi nữ y tá của phòng khám. Nét mặt của cô y tá thoáng chút sợ sệt khi chúng tôi mở từng bọc nilon màu đen ra xem và hỏi một vài câu bâng quơ: “Hôm nay phòng khám của mình được mấy em vậy chị?”.

Nữ y tá trả lời ngập ngừng: “Khoảng 3 – 4 em, chỉ tính riêng ca của mình trực trong buổi chiều hôm nay”.

Theo Trí thức trẻ

Đau xót trước cảnh xác thai nhi bị 'vứt' trong túi nilon tại các phòng khám tư

Bên trong những túi nilon màu đen, những cái bát nhỏ... là những đứa trẻ đã được thành hình nhưng vừa bị tước đi quyền công dân.

Nơi nào cho những thai nhi dưới 6 tháng tuổi?

Không theo lịch đã được hẹn với vị bác sĩ tại phòng khám phá thai nằm trên đường Giải Phóng (Hà Nội), tôi theo chân một người đàn ông trong một nhóm thiện nguyện chuyên đi thu gom xác thai nhi để tiếp cận gần hơn với các phòng khám ấy, để được tận mắt chứng kiến những “tội ác” đang ngày ngày phơi bày xung quanh mình.

Căn phòng rộng chừng 4m2 nằm im ắng trên tầng hai với những thiết bị thô sơ hỗ trợ công việc nạo phá thai của vị bác sĩ có “đôi bàn tay vàng”: một chiếc giường, một chiếc bát đựng thai nhi và một số đồ dùng phá thai... Có những thứ đã hoen gỉ và vệ sinh trong căn phòng không mấy sạch sẽ. Không gian yên ắng như để tiễn đi một sinh linh vô tội. 

Những hài nhi được "tắm rửa" sạch sẽ trước khi mang đi chôn cất
Thấy nhóm thiện nguyện bước vào để làm công việc thường ngày của mình, những người từ trực phòng khám tới bác sĩ đều rất hồ hởi. Hồ hởi như khi họ tiếp một người đang có ý định vứt bỏ đi khúc ruột vẫn đang nhẹ nhàng thở từng nhịp trong bụng mẹ. “Ở đây chỉ được lấy các thai nhi từ 6 tháng tuổi trở lên mà thôi”, vị bác sĩ này thẳng thắn trả lời.

Bất chợt trong tôi lúc này là câu hỏi: “Vậy những em bé khoảng từ dưới 6 tháng tuổi, cơ thể các em sẽ đi đâu khi chúng tôi không được mang các em đi, khi bố mẹ các em cũng đang tâm bỏ mặc các em ở lại phòng khám sau ca nạo phá thành công!?”.

Tự đặt ra cho mình câu hỏi và tự đi tìm câu trả lời. Tôi lại chợt nhớ và chợt liên tưởng tới câu chuyện cho thai nhi vào bồn cầu rồi giật nước của bác sĩ C. ở phòng khám phụ sản nằm trên đường Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) mà báo chí đã thông tin trước đó.

Trong căn phòng ở tầng 2, một chiếc bát với những giọt máu đỏ tươi được đặt ngay dưới chân giường nằm - nơi một sản phụ vừa bước ra khỏi. Một mùi ngai ngái, tanh tanh vẫn còn lẩn quất trong không gian.

Những giọt máu ấy, lẽ ra sau này sẽ mang dáng hình của một con người. Và qua câu chuyện của y tá của phòng khám, tôi cũng không thể hình dung hết được là đã có bao nhiêu ca nạo, phá thai được thực hiện tại nơi đây.


Sự thật bên trong những túi nilon màu đen

Trở lại công việc mà nhóm thiện nguyện sẽ làm khi bước chân vào những phòng khám phá thai như thế này, đó là mang đi những xác thai nhi từ 6 tháng tuổi trở lên tới một nơi mà với các em sẽ là “thiên đường”, tôi tiếp tục được đi từ hết cái rùng mình này tới sự ghê rợn khác.

Nhấc lên những túi nilon màu đen và nhẹ nhàng mở bên trong ra xem, một cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mắt chúng tôi. Vẫn còn nguyên trong đó là hình hài của một đứa trẻ đã đủ các bộ phận trên cơ thể, trộn lẫn cũng một mớ bùng nhùng nhau thai… mùi tanh nồng nặc bốc lên đến nghẹt thở.

Thế nhưng xót xa thay, khi hình hài các em không còn nguyên vẹn, đã bị cắt ra thành từng phần. Một người trong nhóm ngồi lặng ở đó để phân loại riêng phần máu, nhau thai và xác các thai nhi. Ước chừng cũng phải gần chục túi.

Không dám đối diện quá lâu cảnh tượng “thê lương” ấy, tôi quay đi.


Bên trong những túi nilon màu đen là những thai nhi xấu số
bị bố mẹ đang tâm bỏ đi
Khi chúng tôi trở về trên con đường mà xung quanh được phủ kín bởi những tấm biển nạo phá thai, một nhân viên ở phòng khám gần bệnh viện Bạch Mai giơ tay vẫy. Một túi nilon màu đen nặng chừng 2kg đã được để sẵn trong khu nhà vệ sinh của phòng khám. Nhún vai, hai anh em cùng nhặt lên và lại rảo bước trở lại phía ngoài đường.

Vị bác sĩ của phòng khám ngồi ngay cửa ra vào hỏi: “Em có thể để lại số điện thoại được không?”. Thoáng đoán được ý định của người đàn ông này, tôi trả lại cũng bằng câu hỏi: “Chú xin số điện thoại của anh em cháu để làm gì ạ?”.

Vị bác sĩ im lặng.

Rời khỏi phòng khám, trên đường mang xác thai nhi về chôn cất, có một điều gì đó khiến chúng tôi chột dạ. Hai anh em vội vã dừng xe lại, mở túi ra thì lạnh người khi thấy hình hài một em bé đang thoi thóp thở những hơi cuối cùng.

Thoáng nhìn về phía những tấm biển hút thai vẫn đang “phơi” rất lộ liễu trên đường Giải Phóng, chúng tôi thầm mong sẽ không bao giờ còn phải bước chân vào những phòng khám khủng khiếp như thế.

Rùng rợn cảnh những bọc túi nilon đen chứa xác thai nhi

-

Theo soha.vn

"Đột nhập" phòng khám hét giá 8 triệu đồng/ca phá thai 7, 8 tháng tuổi

Những ca phá thai mà các bệnh viện phụ sản từ Hà Nội tới Trung ương “từ chối” thì qua một vài phòng khám gần bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tất cả đều được chấp nhận dù cái thai đã được 7 tháng tuổi.



Dọc tuyến đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội), những biển “Tư vấn kế hoạch hóa gia đình”, “Hút thai”... mọc lên như nấm. Theo những bước chân rụt rè của nhiều đôi bạn trẻ, tôi cũng bước vào những phòng khám ấy trong vai đi tìm hướng giải quyết giúp đứa bạn đang có ý định bỏ cái thai trong bụng đã 27 tháng tuổi.

Dọc đường Giải Phóng (đối diện bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) những biển "hút thai" mọc lên như nấm.

Bên ngoài phòng khám là những người làm bảo vệ kiêm luôn việc "vẫy" khách. Bên trong tầng 1 là nhân viên tiếp đón niềm nở cùng những quầy thuốc. Không lời tư vấn để người mẹ trẻ giữ lại đứa bé, không hỏi lý do vì sao bỏ thai nhi... cô nhân viên trực tại phòng khám vồn vã khi thấy có “khách” ghé qua và đưa ra ý định về một ca phá thai.

Phong thái tự tin, nhiệt tình, cách làm việc chuyên nghiệp và cũng không thiếu kinh nghiệm... là những gì tôi cảm nhận được qua sự tiếp xúc ban đầu với cô y tá trẻ này. Lời khẳng định đầu tiên của cô y tá này chắc như đinh đóng cột và không hề có chút lăn tăn, do dự: 7, 8 tháng tuổi, ở đây phá được. Hôm trước cũng có một ca phá cái thai đã 7 tháng tuổi, giá là 6 triệu. Nhưng cũng tùy từng trường hợp, bác sĩ siêu âm xem khó hay dễ để phát những mức giá khác nhau.

Rồi cuộc điện thoại nhanh chóng được kết nối với chủ nhân của phòng khám là một bác sĩ đã chững tuổi đang có mặt tại tầng 4. Cô y tá gọi những trường hợp nạo phá thai như thế là đi “làm kế hoạch”.

Và cuộc hẹn ban đầu nhanh chóng được thiết lập vào 8h sáng hôm sau. Nhưng như sợ mất “con mồi” nên chỉ vài ba phút sau đó, tôi đã được mời lên gặp mặt vị bác sĩ sẽ “giúp” bạn tôi xóa bỏ những mặc cảm và lo sợ đang đeo bám hàng ngày khi có thai ngoài ý muốn.


Chân dung vị bác sĩ có đôi "bàn tay vàng"
với lời khẳng định sẽ giúp bạn tôi bỏ đi cái thai đã 27 tuần tuổi.

Cầu thang tối om. Mỗi bậc cầu thang như được bao phủ bởi oan hồn của thai nhi khiến tôi nổi da gà. Trên dọc đường tìm tới đôi “bàn tay vàng” đang đợi mình trên tầng 4, tôi được cô y tá tiết lộ nhiều bí mật mà lâu nay vẫn là câu hỏi lửng của nhiều người.

“Với những ca 7, 8 tháng tuổi, nếu cho sinh ra mà vẫn còn sống thì bác sĩ sẽ mang vào bệnh viện Nhi Trung ương. Với những ca đã tử vong thì vào các buổi chiều, sẽ có nhóm tình nguyện tới lấy mang đi để chôn ở các nghĩa trang thai nhi nếu người nhà không có nhu cầu lấy thai nhi đó về chôn cất”.

Thấy tôi băn khoăn chưa thực sự tin tưởng về việc làm “nhân nghĩa” của những nhóm tình nguyện được cô y tá nhắc tới, cô y tá cười an ủi tôi và khẳng định nhóm ấy làm việc rất chuyên nghiệp và trên tinh thần “nhân văn, nhân ái”.

Nếu câu chuyện chỉ được kể bởi cô y tá ấy, có lẽ tôi vẫn còn bán tín bán nghi. Nhưng khi được tiếp xúc với bác sĩ, người sẽ thực hiện ca “phá thai” cho bạn tôi, sự trùng khớp của một câu chuyện qua hai người kể khiến tôi tin vào một sự thật nhưng lòng lại nặng trĩu.

Nhưng mức giá mà bác sĩ đưa ra lại có phần chênh lệch so với cô y tá khi nãy cung cấp. 27 tuần tuổi, giá là 8 triệu. Đó là mức giá đưa ra sau một hồi “mặc cả” vì cả tôi và cô bạn đang nằm trong viện đều đang là sinh viên, phải ki cóp, đi vay từng đồng mới lo được ca phá thai này.

Bước chân xuống cầu thang với lời hẹn 8h sáng hôm sau đưa bạn quay lại, tôi cảm nhận được cái không khí hoang vu đến rợn người như đang bao trùm khắp phòng khám ấy.

Cuộc ngã giá với vị bác sỹ có "đôi bàn tay vàng".


--

(còn tiếp)
Theo soha.vn

Người nhặt xác hài nhi khắp HN: Từng quỳ xuống van xin một bà mẹ trẻ

Nhìn những hài nhi đã đủ hình hài vẫn bị cha mẹ nhẫn tâm chối bỏ, tước đoạt sự sống, bà Ninh không thể diễn tả hết nỗi xót xa. Thậm chí, có lần, bà phải quỳ xuống cầu xin người mẹ trẻ đừng chối bỏ con mình.


Tin rằng các hài nhi đều có linh hồn

Trải qua 6 năm của hành trình đi nhặt xác hài nhi khắp đất Hà Nội, bà Nguyễn Thị Ninh 56 tuổi - Thành viên nhóm thiện nguyện "Bảo vệ sự sống" (Thôn Từ Châu – Liên Châu – Thanh Oai, Hà Nội) vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ về những kỷ niệm khó quên.

Có những lúc tận tay tắm, khâu người các sinh linh bé bỏng lại mà bà không thể cầm được nước mắt. Với bà Ninh và nhiều thành viên khác thì nước mắt dành cho các em dù có rơi nhiều đến thế nào cũng không thể nói hết được nỗi đau, nỗi xót xa mà 6 năm qua họ phải chịu đựng.


Bà Ninh cùng chiếc xe Phượng Hoàng, phía sau được thiết kế giá đỡ 
lúc nào cũng sẵn sàng lên đường đưa các hài nhi về "Ngôi nhà chung".
Trao đổi với chúng tôi, bà Ninh cho hay: “Nhìn các em nằm trong vòng tay chúng tôi mà tội lắm, không thể hiểu được tại sao các bậc làm cha mẹ lại tước bỏ sự sống của các cháu đi”.

Nhớ lại lần đi nhặt hài nhi về, bà kể: “Lần đầu tiên tôi tiến hành đi mang các em về là năm 2008, trước khi đi tôi còn báo cáo với trưởng nhóm: Hôm nay tôi đi mang các em về với các anh chị tại ‘Ngôi nhà chung’ thì trưởng nhóm nói: Ừ, bà đi đi, các em đang chờ bà mang các em về đấy”.


40 hài nhi được đưa về sau 5 ngày từ các bệnh viện, phòng phá thai.
“Hôm ấy tôi đi với 1 thành viên nữa và phải đạp xe với quãng đường 29km lên tận Hà Nội để mang các em về. Đi đến nhiều phòng khám, bệnh viện số hài nhi mà tôi thu thập được ngót nghét lên tới con số 40, vì lượng hài nhi lớn nên buộc tôi phải cho vào thùng xốp để người ngồi sau ôm, còn tôi đạp xe”, bà Ninh nhớ lại.

Thời gian đó đúng vào dịp Hà Nội bị ngập lụt, đê sông Nhuệ nước dâng cao. Trong khi tay lái bà yếu, đường trơn, ngập nước, gần về đến nhà thì có mùi hôi thối bốc lên trong chiếc thùng xốp chứa đựng xác hài nhi, lập tức bà Ninh xuống xe và nói với các sinh linh bé bỏng: “Các em ơi, các em đừng trêu bà nhé, các em mà trêu nữa thì bà sẽ bị lao xe xuống sông và nước lũ sẽ cuốn các em cùng bà đi đấy, bà không thể mang các em về chung sống với các anh chị nữa đâu”.


Bà Ninh (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên trong nhóm thiện nguyện 
làm lễ mai táng cho 40 sinh linh bé bỏng.
Nói xong, bà lên xe đạp tiếp, đi khoảng được 100m thì người ngồi sau nói rằng các hài nhi không phát ra mùi hôi thối nữa. Dù trời mưa như trút nước, đường trơn và chiếc xe có thể lao xuống sông bất cứ lúc nào nhưng cuối cùng bà đã đưa thành công các hài nhi về để kịp chôn cất.

Lại một lần đi khác, tại một phòng khám, bà bàng hoàng khi thấy một hài nhi khoảng 6-7 tháng tuổi, đã có đầy đủ hình hài nhưng vẫn bị cha mẹ nhẫn tâm chối bỏ, bị tước đoạt quyền sống. Bà chỉ biết lẳng lặng mang xác em về chôn cất với niềm xót thương vô hạn.


Tôi đã phải quỳ xuống xin cô gái giữ lại cái thai

Trong quá trình đi làm việc, các thành viên không chỉ mang hàng ngàn xác hài nhi về chôn cất mà còn làm nhiệm vụ khuyên nhủ, ngăn cản với những người có ý định vứt bỏ giọt máu của mình.

“Trong quá trình đi làm, nếu bắt gặp trường hợp nào có ý định phá thai, chúng tôi đều tìm cách tiếp cận rồi hỏi han tình hình, rồi khuyên bảo người ta. Với những trường hợp có thể giữ lại mà người đó không có điều kiện thì tôi sẽ tìm cách đưa cả 2 mẹ con về chăm sóc, bố trí nơi ăn chốn ở, đợi đến ngày sinh nở mà không phải mất bất cứ một đồng nào. Dù 40 thành viên đều nghèo nhưng chúng tôi vẫn lo được cho nhiều người”.


Gần 25 nghìn hài nhi nằm yên nghỉ giữa nghĩa trang hoang vắng, 
nhưng các em được che chở, hương khói bởi 40 thiện nguyện viên.
Năm 2009, trong một lần đi mang xác các em tại viện C thì bà Ninh gặp một trường hợp rất lạ. Khi trò chuyện thì biết cô gái ấy đã lập gia đình, đã có 1 cháu trai và lần này không may có con ngoài ý muốn. Do không tiện sinh đẻ vì công việc và khoảng cách giữa 2 cháu không phù hợp nên cô ấy đã lén chồng đi phá.

Sau khi khám, bác sĩ đưa cho cô ấy một viên thuốc. Ngay lập tức bà Ninh đã khuyên người con gái không nên phá thai. Nhưng rồi dường như người con gái kia nhất quyết không nghe lời, chẳng thể làm thế nào được bà đành phải quỳ xuống trước mặt cô gái trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.

Nhớ lại chuyện bà nói: “Chẳng biết phải làm thế nào cả, tôi đành phải quỳ và van xin cô ấy ừng uống thuốc và luôn miệng nói: Xin đừng giết đứa bé…”.

May mắn sao, cô gái đã vứt viên thuốc xuống đất, ngay lập tức bà Ninh vội vàng nhặt viên thuốc lên và nói: “Các ông bà hãy nhìn đây, nhỡ kế hoạch cũng không việc gì phải giết một đứa bé vô tội cả”.


Làm việc thiện và luôn mong muốn điều tốt đẹp sẽ đến với những sinh linh bé bỏng.
Khi cô gái đi về, bà Ninh không quên dúi vào tay cô số điện thoại của mình. Và ít ngày sau, cô gái đã gọi điện ríu rít cảm ơn bà rằng: “Cháu là người ở viện C đây ạ, cháu cảm ơn bà vì nếu không có bà, chồng cháu sẽ đuổi cháu ra khỏi nhà nếu biết chuyện cháu đi phá thai”.

Vừa kể với tôi bà Ninh không giấu được niềm vui: “Ít tháng sau, đứa bé sinh ra nặng 3,6kg trong sự vui mừng của gia đình, bây giờ thi thoảng 2 vợ chồng mang cháu đến chơi với tôi đấy”.

Không chỉ thế, bà Ninh cùng nhiều thành viên khác đã bắt gặp nhiều ông bố bà mẹ đến đây mang hoa quả, sữa, bỉm, bim bim cho các cháu rồi khóc lóc. Bà nhớ có một chị còn rất trẻ đang quỳ trước mộ nói: “Bà ơi, con biết tội của mình rồi, chính con đã tự tay giết con mình, bây giờ con lập gia đình nhưng suốt mấy năm trời không thể có con được. Biết con mình đã được các cô bác mang về đây chôn cất, mai tang con đã đến và thắp hương cũng như tạ lỗi với con mình, muốn con mình phù hộ cho con để con có em bé trở lại”.

Lúc đó bà nói với cô gái: “Ừ, giá như ngày xưa con suy nghĩ chín chắn hơn thì không phải dằn vặt, bây giờ đã biết tội rồi thì thỉnh thoảng về đây hương khói cho con, sẽ được nó phù hộ cho". Bà tiếp lời: "Ít tháng sau cô ấy lại đến và thông báo tin mừng với tôi là đã có em bé".

“Ngôi nhà chung” gần 25 nghìn sinh linh bé bỏng đang nằm cạnh nhau trong sự yêu thương, đùm bọc của những tình nguyện viên. Hàng ngày họ trồng hoa, hương khói, mang sữa, bim bim cho các em và chúng tôi biết rằng ở đó các em sẽ được yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng…


Theo Tri Thức Trẻ, Afamily

Những người sống sót từ những thai nhi bị phá

Dưới đây là danh sách (một số) những người sống sót và vượt lên số phận dù cha mẹ họ cố gắng bỏ họ trong thời kỳ mang thai.



Melissa Ohden được sinh ra tại Ấn Độ năm 1977, khi mang thai cô mẹ cô là cô gái 15 tuổi không chồng và chỉ có 1 sự lựa chọn là phải phá thai. Mẹ cô ăn một vài loại trái cây để phá thai, rồi cố gắng nhảy ra khỏi cửa sổ để mong thai nhi chết đi. Khi mẹ lên cơn đau đẻ, bà muốn giữ bí mật để giết thai nhi khi vừa được sinh ra. Cô đã sống sót khi một y tá tìm thấy cô khóc trong một thùng rác mà mẹ cô bỏ lại.



Gianna Jessen. Khi mang thai cô được 7 tháng tuổi, mẹ cô đã quyết định từ chối quyền làm mẹ, bà đã tìm đến trung tâm phá thai lớn nhất thế giới, người ta khuyên bà tiêm muối vào tử cung, nó sẽ ăn mòn dần làm thai nhi bị bỏng và chết trong vòng 24 giờ sau đó, điều kỳ diệu là Jessen vẫn còn sống, nhưng bác sĩ phá thai đã không còn làm việc, bà buộc phải sinh con. Hiện tại Jessen là một trong những diễn giả nổi tiếng.



Sarah Brown. Khi bé được 36 tuần thai, mẹ bé đã quyết định phá thai. Tiến sĩ George Tiller đã tiến hành bơm Kali clorua vào não của bé, nhưng 2 ngày sau, ngày 15/7/1993, bé đã được sinh ra. Sarah bị đột quỵ và mù lúc 6 tháng tuổi, tuy nhiên, đến khi được 5 tuổi, bé mới qua đời vì suy thận, 800 người đã đến dự tang lễ của bé.



Josiah Presley sống tại Oklahoma, Mỹ. Mẹ anh là người Hàn Quốc đã quyết định phá thai khi mang thai được 2 tháng. Một vài tháng sau bà nhận thấy cái thai vẫn còn sống trong người mình và bà nhận ra việc phá thai đã thất bại, bà quyết định sinh con ra và cho con nuôi, chỉ có điều Presley có cánh tay trái biến dạng bẩm sinh. Một gia đình người Mỹ đã nhận nuôi anh.



Brandi Lozier là một người gốc Louisiana, Mỹ đã suýt mất mạng khi mẹ cô quyết định phá thai khi được 21 tuần. Sau khi các thủ thuật được tiến hành, Brandi được xác định là một thai nhi đã chết, các nhân viên tại bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng để xử lý xác chết. Tuy nhiên, khi họ đang chuẩn bị làm vậy, cô đã giơ một cánh tay lên, và đó là dấu hiệu của sự hồi sinh.



Tiến sĩ Imre Teglasy, Chủ tịch Liên minh sự sống Alpha tại Hungary. Cha ông là thị trưởng sau chiến trang thế giới thứ 2, vì vậy họ được tuyên bố là kẻ thù giai cấp của những người cộng sản, do đó, họ phải rời khỏi thủ đô Budapest, khi đó mẹ ông đã nhận ra mình đang mang thai và cố gắng phá bỏ, nhưng cuối cùng Tiến sĩ Imre Teglasy vẫn chào đời.



Carrie Holland-Fischer. Trước khi sinh cô mẹ cô đã có hai anh chị em trước đó. Một ngày bà nhận ra mình đang mang thai Carri, bà đã nhận được sự phản đối kịch liệt của người chồng, khi đó, bà chỉ còn sự lựa chọn duy nhất là phá thai. Bà đã đi đến một phòng khám thai và thực hiện phá thai, tuy nhiên, thủ thuật đã thất bại và Carrie đã ra đời ngày 10/6/1969.



Keira Harmsworth là một trong những đứa trẻ sống sót sau phá thai trong danh sách này. Mẹ cô mang thai cô khi 16 tuổi và bà đã quyết định thực hiện phá thai. Khoảng 5 tháng sau khi phá thai, bà quay trở lại phòng khám và bác sĩ thông báo nỗ lực phá thai trước đó đã thất bại. Bé Keira vẫn ra đời khỏe mạnh. Khi lớn lên Keira cho hay cô và mẹ có mối quan hệ trên cả tuyệt vời.



Finley Crampton. Mẹ cô mang một gene lỗi, bởi bà bị mất đứa con đầu lòng vì các vấn đề về thận chỉ 20 phút sau khi được sinh ra, đứa con thứ hai của bà đã sống sót nhưng chỉ với một bên thận. Finley đã dần hình thành trong bụng mẹ cô khi bà cố gắng dùng thuốc ngừa thai, sau đó bà đã quyết định phá thai ở tuần tuổi thứ 8, tuy nhiên, 1 vài tháng sau cái bụng vẫn phát triển, Finley được sinh ra và đánh bại mọi biện pháp tránh thai và phá thai trước đó.


Theo kienthuc.net

Mẹ không phá thai, hai con song sinh làm linh mục



Hai linh mục người Chile là anh em song sinh cho hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ CNA biết, nhờ thân mẫu kiên quyết không chịu phá thai mà hai anh em đã được sinh ra và nay trở thành linh mục.

Hai linh mục đó là cha Paulo Lizama và cha Felipe Lizama sinh ngày 10 tháng 9 năm 1984 tại thành phố Lagunillas de Casablanca. Cha Felipe sinh trước, cha Paulo sinh sau 17 phút

Cha Felipe kể rằng mẹ ngài là bà Rosa Silva, khi biết mình có thai, đã xin đi chiếu điện và sau đó đã được siêu âm bào thai. Bác sĩ cho biết bào thai của bà có một cái gì lạ: “Thai nhi có 3 tay, hai cái đầu, chân thì quấn lấy nhau.”

Bác sĩ cho biết, tính mạng bà có thể bị nguy hiểm nếu giữ bào thai và cách chữa trị là phá thai. Phá thai ở Chile được luật pháp cho phép. Tuy nhiên, bà Rosa, mẹ của hai Linh Mục, đã không bằng lòng và kiên quyết từ chối lời đề nghị phá thai. Bà nói, bà chấp nhận những gì Thiên Chúa trao cho bà.

Cha Felipe nói: “Chúa đã tạo dựng bào thai song nhi. Tôi không biết các bác sĩ đã sai hay có chuyện gì”

Còn cha Paolo nói: “ Tôi thì luôn luôn nhớ tới lòng yêu thương và dịu dàng trong trái tim của mẹ tôi là người đã cho chúng tôi sự sống”.

Cha Paulo kể thêm rằng “ Khi anh ngài là cha Felipe sanh rồi, thì cuống nhau vẫn chưa đứt ra khỏi cung lòng mẹ nên bác sĩ đã đề nghị nạo bào thai để lấy cuống nhau ra. Bà Rosa Silva, mẹ của hai Linh Mục từ chối và nói bà cảm thấy còn một đứa bé nữa ở trong cung lòng. Và quả thế 17 phút sau, cha Paulo đã được sinh ra.

Trước sự kiện này cha Paolo nói: “ Chi tiết cuối cùng này có ý nghiã rất quan trọng đối với tôi. Mẹ tôi biết tôi còn ở trong bụng, tôi sinh ra trễ nhưng đã được sinh ra. Nếu bác sĩ nạo cung lòng mẹ tôi thì chắc chắn tôi đã bị thương nặng rồi”.

Câu chuyện hai cha đã được sinh ra thế nào chỉ được hai cha biết đến khi đang học năm thứ Sáu tại chủng viện

Cha Paolô kể tiếp: “Điều chắc chắn là sự khôn ngoan của mẹ tôi và tâm hồn của bà đã đúng lúc cho chúng tôi được biết chuyện kỳ diệu như thế ”

Rồi ngài kể tiếp: “Hồi tưởng lại chuyện đó trong khi trước đây tôi vẫn nghĩ rằng ơn kêu gọi làm linh mục của tôi chỉ bắt đầu từ thời thanh xuân, nhưng sau này tôi mới nhận ra rằng Chúa đã can thiệp vào đời tôi ngay từ thuở ban đầu nhờ cái tiếng “Xin Vâng” của mẹ tôi”.

Thời còn bé, dù được lớn lên trong gia đình Công Giáo, nhưng cả hai anh em đã mất đức tin và thôi không dự thánh lễ nữa. Rồi chính việc cha mẹ ngài ly dị mà hai anh em lại đã trở về với Giáo Hội và chịu phép Thêm Sức.

Cha Paolô kể tiếp rằng dù lúc mất đức tin, nhưng hai anh em vẫn cảm thấy mình bị hấp dẫn bởi Mình Thánh Chúa, thánh ca và việc âm thầm cầu nguyện.

Cha Felipe thì kể rằng chính cha Reinaldo Osorio đã kéo ngài trở về với Chúa. Và sau này cha Reinaldo Osorio đã hướng dẫn hai anh em trong chủng viện để lên chức linh mục.

Cha kể với cơ quan truyền thông CNA: “ Chúa đã gọi tôi, tôi nhận ra rằng chính Chúa và mọi sự trong Chúa làm tôi rất hạnh phúc. Chắc chắn tôi muốn làm linh mục”.

Điều ngạc nhiên là dù hai anh em sống gần nhau nhưng không bao giờ nói cho nhau biết về ơn kêu gọi của mình. Cha Paolo nói “ Tôi không biết anh em tôi ai đã nghe tiếng Chúa gọi trước, nhưng tôi nghĩ Chúa đã chọn đường lối tôn trọng sự tự do đáp trả của anh em tôi.”

Tháng 3 năm 2003, cả hai anh em gia nhập chủng viện. Ban đầu gia đình băn khoăn về quyết định của họ, nhưng sau một năm sống trong chủng viện, mẹ ngài thấy hai con hạnh phúc nên bà đã an tâm.

Vào ngày 28 tháng 4 năm 2012, hai anh em song sinh, thầy Felipe và thầy Paulo chịu chức linh mục và cử hành lễ mở tay tại quê hương của các ngài là Nhà Thờ Đức Mẹ Ban Ơn ở Lagunillas.

Sau một năm chịu chức, giờ đây cha Felipe phục vụ tại giáo xứ Thánh Martin of Tours ở Quillota, và cha Paolo phục vụ tại giáo xứ Đức Mẹ Mông Triệu tai Achupallas.

Kết thúc câu chuyện về đời mình với CNA Cha Felipe nói: Chúa không làm chuyện linh tinh với chúng ta. Ngài muốn chúng ta hạnh phúc, và chức linh mục là ơn gọi tuyệt vời làm chúng tôi vô cùng hạnh phúc.

Còn cha Paolô kết luận “ Theo Chúa Giêsu không phải là dễ, nhưng là chuyện tuyệt vời. Chúa Giêsu, Giáo Hội và thế giới cần chúng ta, nhưng không phải cần bất cứ bạn trẻ nào, mà chỉ cần bạn nào được trao ban sự thật của Thiên Chúa để chính đời sống họ sẽ chuyển tại sự sống, nụ cười của họ mang theo niềm hy vọng, diện mạo của họ chuyển tại đức tin, và hành động của họ sẽ mang theo niềm tin yêu”


Theo VietCatholic

Tình yêu hay phá thai, điều nào cần nói hơn?


Trong đại hội quốc tế hàng năm của Các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố, họp tại San Antonio, Texas, từ ngày 4 tới ngày 8 tháng Tám vừa qua, Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston đã được mời đọc bài diễn văn chính với chủ đề Tân Phúc Âm Hoá Dưới Triều Giáo Hoàng Phanxicô.

Ngài ca ngợi hội Hiệp Sĩ Kha Luân Bố trong các cố gắng “truyền bá đức tin, cổ vũ Tin Mừng Sự Sống và xây dựng nền văn minh tình yêu” và nhắc lại kinh nghiệm Rio de Janeiro với “vị Giáo Hoàng đầu tiên phát xuất từ Mỹ Châu, mà tinh thần cảm thông và yêu thương đang đánh động lòng người khắp thế giới”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng theo chân hai vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô đang thách thức ta dấn thân vào cuộc Tân Phúc Âm Hóa với một lòng hăng say mới, một bạo dạn mới và một tình yêu vĩ đại đối với tất cả những ai Thiên Chúa đặt vào nẻo đường ta đi”.

Với một mở đầu như trên, không lạ gì các ký giả đã cho chạy những hàng tít lớn về bài diễn văn trên như sau: “Boston’s O’Malley: Pope prefers to talk love, not abortion” (O’Malley của Boston: Đức Giáo Hoàng Thích Nói Về Tình Yêu, Chứ Không Nói Về Phá Thai) hay “Cardinal: Pope talks about love more than abortion” (Đức Hồng Y: Đức Giáo Hoàng Nói Về Tình Yêu Hơn Là Nói Về Phá Thai).

Những hàng tít trên quả gây hiểu lầm không những đối với những gì Đức HY O’Malley nói mà còn vì bức thư do Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gửi tới Hội nhân danh Đức Phanxicô. Bức thư được đọc to ngay ở phiên họp toàn thể đầu tiên của đại hội này có đoạn viết như sau:

“Ý thức được trách nhiệm chuyên biệt mà tín hữu giáo dân vốn có đối với sứ vụ của Giáo Hội, Đức Thánh Cha mời gọi từng Hiệp Sĩ, và mọi Hội Đồng, làm chứng nhân cho bản chất chân chính của hôn nhân và gia đình, sự thánh thiêng và phẩm giá bất khả xâm phạm của sự sống con người, và vẻ đẹp cũng như sự thật của tính dục nhân bản. Trong thời buổi có nhiều thay đổi nhanh chóng về xã hội và văn hóa, việc bảo vệ các ân huệ của Thiên Chúa không thể không bao gồm việc xác quyết và bảo vệ gia tài vĩ đại các sự thật luân lý, được Tin Mừng giảng dậy và được lý trí chính trực xác nhận; các sự thật này có mục đích làm nền tảng cho một xã hội công lý và có trật tự cao”.

Vị giáo hoàng nói điều trên không phải là người rụt rè đối với các vấn đề xã hội hiện đang gây ra nhiều tranh cãi và mâu thuẫn.

Phần đức HY O’Malley, ngài cho thấy “lối sống Công Giáo... càng ngày càng ra xa lạ đối với thế giới duy tục, nơi, các quan tâm của ta đối với các trẻ chưa sinh hay tính thánh thiêng của hôn nhân khiến ta ra kỳ quái và thậm chí quấy nhiễu nữa”.

Lối sống ấy vẫn là ưu tiên hàng đầu của Đức Phanxicô nhưng hiện đang được ngài trình bày dưới một phương thức khác, đầy tính “cảm nghiệm, bản vị, mời gọi và đem lại sự sống”. Đức Hồng Y O’Malley cho rằng nhấn mạnh của đức tân giáo hoàng là sự dịu dàng âu yếm,tenerezza, tenderness, điển hình tìm thấy nơi Thánh Giuse, đấng thánh mà ngài lấy ngày lễ làm ngày đăng quang. Ngày đó, Đức Phanxicô nói đến việc “bảo vệ con người, tỏ lòng quan tâm đầy yêu thương đối với mỗi người và đối với mọi người, nhất là trẻ em, người già, những người thiếu thốn, những người ta thường ít nghĩ đến nhất”. Ngài “kêu gọi ta tiếp nhận lối nhìn thực tại vốn là đức tin của Giáo Hội và vốn trân quí từng mỗi và mọi con người nhân bản, và nhấn mạnh tới trách nhiệm của ta phải yêu thương và phục vụ người khác, nhất là những người dễ bị thương tổn nhất trong chúng ta”.

Những người dễ bị thương tổn ấy luôn được Đức Phanxicô nhắc đến khi đề cập tới yêu thương. Nhưng yêu thương có gì liên hệ tới phá thai? Đức HY O’Malley nói về khía cạnh này như sau:

“Một số người hiện nay nghĩ rằng Đức Thánh Cha nên nói nhiều hơn về phá thai. Theo suy nghĩ của tôi, ngài nói tới yêu thương và nhân từ là để đem lại cho người ta một ngữ cảnh để hiểu giáo huấn của Giáo Hội về phá thai. Chúng ta chống phá thai, không phải vì nhỏ mọn hay lỗi thời, mà vì chúng ta là những con người yêu thương. Và đó là điều ta phải chỉ cho thế giới thấy. Gần đây, tôi có đọc một bài về một nhân viên cứu trợ người Mỹ tại Phi Châu; người này thuật lại việc anh có mặt tại một trại di cư để phân phối thực phẩm cho một hàng người đứng chờ, khung cảnh khá hỗn độn, thậm chí đáng sợ nữa. Anh thấy thực phẩm đã gần hết và những người đói khổ thì hết sức khốn cùng. Ở cuối hàng, người cuối cùng là một bé gái 9 tuổi. Và còn lại chỉ là một trái chuối đơn độc. Họ trao cho em. Em bèn bóc vỏ và trao cho hai đứa em, một trai một gái, mỗi đứa một nửa. Còn em thì liếm chiếc vỏ. Nhân viên này cho hay chính lúc ấy anh bắt đầu tin có Thiên Chúa thật”.

Đức HY O’Malley nhấn mạnh “ta phải là những người tốt hơn; ta phải yêu thương mọi người, cả những người cổ vũ phá thai. Chỉ khi nào chịu yêu họ ta mới có khả năng giúp họ khám phá ra tính thánh thiêng của sự sống nơi trẻ chưa sinh. Chỉ có tình yêu và lòng thương xót mới mở được những trái tim đã ra chai cứng vì chủ nghĩa cá nhân của thời đại”.

Như thế, điều được Đạo Công Giáo ngày nay đề xuất là lối sống hoàn toàn triệt để, lối sống yêu thương. Chống phá thai là một mảnh của lối sống này, vì qua đó, ta tôn qúi và bảo vệ hồng ân sự sống nhân bản.

Sứ điệp hiện nay của Đức Phanxicô là thế và ngài muốn mọi người lưu ý đến sứ điệp này. Ngài giúp ta nhìn thấy phẩm giá của ta và phẩm giá của mỗi anh chị em ta, của mọi con người nhân bản. Ngài không hề muốn tránh né việc nói tới phá thai. Ngài chỉ muốn ta thấy trọn bức tranh, và thúc đẩy người Công Giáo sống trọn bức tranh ấy, yêu nó và lôi cuốn người khác tới nó.

Bức thư nhân danh ngài gửi cho các Hiệp Sĩ không hề là dịp đầu tiên để Đức Phanxicô đề cập đến vấn đề phá thai. Khi dân chúng Rôma diễn hành bảo vệ sự sống vào tháng Năm, ngài đã đột nhiên dừng xe lại để chào thăm người diễn hành, khuyến khích “mọi người tập chú vào vấn đề quan trọng là tôn trọng sự sống con người, ngay từ lúc mới tượng thai”.

Rồi hồi tháng Sáu, trong bài giảng lễ kết thúc một biến cố lớn tại Vatican được Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Động Tân Phúc Âm Hóa yểm trợ để kỷ niệm Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống (Evangelium Vitae) của Đức Gioan Phaolô II, Đức Phanxicô quả quyết:

“Anh chị em thân mến, ta hãy nhìn lên Thiên Chúa, Thiên Chúa của Sự Sống, hãy nhìn lên lề luật của Người, lên sứ điệp Tin Mừng của Người làm đường dẫn tới tự do và sự sống. Thiên Chúa hằng sống giải phóng ta! Ta hãy nói “vâng” với tình yêu chứ đừng nói thế với sự chết. Ta hãy nói “vâng” với tự do, đừng nói thế với ách nô lệ cho đủ thứ ngẫu thần của thời đại. Tóm lại, hãy nói “vâng” với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, là sự sống và là tự do, và là Đấng không bao giờ làm ta thất vọng (Xem 1Ga 5:8; Ga 11:2; 8:32); hãy nói “vâng” với Thiên Chúa, Đấng là Đấng Hằng Sống và là Đấng Từ Bi Hay Thương Xót. Chỉ duy đức tin vào Thiên Chúa Hằng Sống mới cứu thoát ta: vào Thiên Chúa, Đấng, trong Chúa Giêsu Kitô, từng ban cho ta chính sự sống của Người qua ơn Chúa Thánh Thần và đã làm ta có khả năng sống như con cái Thiên Chúa nhờ lòng từ bi của Người. Đức tin này đem tới cho ta tự do và hạnh phúc.Ta hãy xin Đức Maria, Mẹ Sự Sống, giúp ta tiếp nhận được và làm chứng cho ‘Tin Mừng Sự Sống’. Amen”.

Hôm đó, trong buổi đọc kinh Truyền Tin, nhắc tới Odardo Focherini, người đã chết trong một trại tập trung của Đức Quốc Xã, ngài nói “Ta hãy chạy tới với Đức Mẹ, phó thác mọi sự sống nhân bản, nhất là các người mỏng dòn nhất, vô vọng nhất và bị đe dọa hơn cả cho sự che chở mẫu thân của ngài”.

Qua tháng Bẩy, Ngài gửi cho tín hữu Anh một sứ điệp, nhân Ngày Phò Sự Sống, với nội dung như sau: “Nhân nhắc tới giáo huấn của Thánh Irênê, một giáo huấn dạy rằng vinh quang Thiên Chúa phản ảnh rõ nơi con người nhân bản đang sống, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người anh chị em hãy để ánh sáng vinh quang đó chiếu rọi rực rỡ giúp cho ai nấy đều có thể nhận ra giá trị khôn sánh của sự sống con người. Ngay những người yếu đuối nhất và dễ bị thương tổn nhất, người bệnh, người già, trẻ chưa sinh và người nghèo, đều là tuyệt tác của Thiên Chúa sáng tạo, được dựng nên theo hình ảnh Người, để sống muôn đời, và đáng được tôn kính và tôn trọng triệt để. Đức Thánh Cha cầu xin cho Ngày Phò Sự Sống giúp đảm bảo rằng sự sống con người luôn nhận được sự che chở xứng đáng, để ‘mọi hơi thở đều ca ngợi Chúa’”.

Đức HY O’Malley cũng mượn nhiều dịp để nói tới việc bảo vệ sự sống. Trong Thánh Lễ vọng Ngày Diễn Hành Phò Sự Sống, ngài nói: “Ta không bao giờ được bỏ cam kết đối với trẻ chưa sinh, một con người nhân bản quí giá được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa. Nhưng ta phải học biết tập chú nhiều hơn vào người đàn bà đang lâm khủng hoảng. Ta phải lắng nghe một cách tương cảm để có thể thông truyền Tin Mừng Sự Sống. Phải nâng lên hàng quan trọng cao các trung tâm thai nghén trong khủng hoảng, Dự Án Rachel, và các chiến dịch quảng cáo mạnh dạn để truyền đạt cái hiểu lớn hơn về hoàn cảnh những người đàn bà đang đương đầu với việc thai nghén mà chính họ không muốn. Có thể dùng các phương tiện truyền thông làm phương thế mạnh mẽ để truyền đạt sứ điệp phò sự sống”.

Ta không bao giờ quên sự kiện này là phải vận động để thay đổi luật lệ, phải lật ngược phán quyết Roe vs. Wade, nhưng phải vận dụng hơn nữa để thay đổi tâm hồn con người, giúp người Hoa Kỳ hiểu rằng phá thai là một tội ác và không cần thiết. Sự thay đổi này luôn luôn khó khăn. Tổng thống Lincoln hết sức tranh đấu chống nạn nô lệ, nhưng nạn này kéo dài cả một thế kỷ sau... Cuộc chiến của ta cần kiên nhẫn đã đành, mà còn cần được diễn tiến trong “lịch thiệp, tương cảm và rõ ràng”, thẩy đều là thành phần của nền văn minh tình yêu, một chủ đề hết sức “ruột” của các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố, với cuốn A Civilization of Love: What Every Catholic Can Do to Transform the World của Hiệp Sĩ Tối Cao Carl Anderson, xuất bản năm 2008. Nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney, trả lời cuộc phỏng vấn của Kathryn Lopez, giám đốc Catholic Voices, Anderson cho hay: văn minh tình yêu là một xã hội trong đó, tình yêu làm động lực cho mọi hành động, trong đó, dĩ nhiên, có hành động chống phá thai.

Tình yêu không đứng nhìn đứa con vấp ngã, trái lại, đỡ con lên để con tiếp tục tập đi, trong hân hoan và tiến bộ. Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin nhấn mạnh đến khía cạnh đó của tình yêu. Nó không phải là một xúc cảm phù phiếm, nhưng đẩy ta ra ngoài chính ta để thiết lập mối liên hệ với người khác, cùng nhìn cái nhìn của họ, cùng có chung một cái nhìn. Con người bao giờ cũng mưu tìm điều tốt, không mưu tìm điều xấu cho mình và cho xã hội. Phá thai không tốt cho ai, nhưng chỉ với tình yêu, ta mới làm nạn nhân thấm điều ấy.


Vũ Văn An

Theo VietCatholic

Suy nghĩ nhân đọc một bài báo

Ngày 6-8-2013, Việt Nam sử dụng mũi tiêm thuốc độc đầu tiên để thi hành án đối với tử tội. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Các trang mạng thông tin đồng loạt loan báo sự kiện này. Điều làm người viết suy nghĩ là nội dung và hình thức của việc thông tin. Chắc hẳn mọi độc giả đều cảm thấy rùng mình ghê sợ khi đọc những thông tin kiểu này.


Suy nghĩ nhân đọc một bài báo

Đơn cử như trang tin điện tử Vietnamnet đăng tải ngày 7-8-2013. Tác giả đã mô tả từng chi tiết việc thi hành án đối với người tử tội 27 tuổi có tên là N.T.A, người Hà Nội, bị hành quyết vào lúc 10 giờ sáng ngày 6-8. Diễn biến của từng giai đoạn giết chết một con người được tả lại chi tiết, trần trụi, như người ta làm thịt một con vật. Sau đó thi thể người tử tội được trao cho gia đình đưa về an táng. Đọc những thông tin này, chắn chắn bất kỳ độc giả này cũng thấy thương cho những người thân của người tử tội, vốn đã qua đau khổ khi mất đi một người thân.

Chợt nghĩ tới lâu nay, người ta quá tự do trong việc cầm bút. Những thông tin tưởng như đơn giản là thế mà làm tổn thương không nhỏ đến những người có liên quan. Liên tục chúng ta đọc thấy thông tin trên các trang mạng về loại hoa quả này có chứa chất gây ung thư, loại thực phẩm kia được chế tạo với nhiều hóa chất. Những thông tin lập lờ không xác định rõ tổ chức hay cá nhân vi phạm làm cho khách hàng nghi ngờ và tẩy chay tất cả mọi hàng hóa cùng chủng loại, và nạn nhân là những người sản xuất chân chính. Có những người mới ra nghề, vay mượn vốn liếng mong tìm kế sinh nhai, gặp phải một loạt thông tin có liên quan đến sản phẩm của mình, chỉ còn cách đóng cửa tiệm, dừng sản xuất và ôm mối nợ.

Một số người cẩm bút cũng quá dễ dãi trong việc phổ biến những tin đồn, như vụ bắt cóc người để lấy nội tạng bán cho Trung Quốc đang xảy ra ở Gia Lai, Khánh Hòa, Sơn Tây và Nghệ An trong những ngày vừa qua. Các nhà chức trách đang làm sáng tỏ sự việc và khẳng định đó chỉ là tin đồn. Tuy có sự trấn an đến từ chính quyền, nhưng nỗi lo sợ vấn ám ảnh các bậc phụ huynh và học sinh, khiến họ luôn luôn cảnh giác. Những tin đồn này đã gây nên những chuyện dở khóc dở cười. Ngày 15-1-2012, khi đến sửa đường dây điện tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, bốn người thợ đã suýt bị dân làng vây đánh vì tưởng họ bắt cóc trẻ em (!) (x. Dân trí ngày 10-2-2012). Những tin đồn đã gây xáo trộn trong xã hội và làm cho nhiều người cảm thấy bất an.

Chúng ta có thể trưng dẫn nhiều ví dụ khác cho thấy việc thông tin vô trách nhiệm gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Có thể đó là một scandal của giới văn nghệ sĩ, có thể đó là một thông tin về đời tư của một nhân vật… tất cả những tin đồn có thể gây mất danh dự của một con người và khép kín con đường công danh sự nghiệp của họ. Thiết nghĩ đã đến lúc phải nói đến đạo đức và lương tâm nghề nghiệp của những người cầm bút, để văn chương thực sự góp phần tích cực tô điểm cuộc sống và thăng tiến con người. Chính quyền cũng nên có biện pháp xử lý những tác giả thông tin thiếu trách nhiệm để bảo về quyền lợi của công dân.

Cũng nhân dịp đọc bài báo này, chúng ta nghĩ về vấn đề tử hình, là “khung hình phạt cao nhất” mà các tòa án dùng để trừng phạt các tội phạm. Ngày nay trên thế giới, các quốc gia duy trì án tử hình không nhiều và Việt Nam là một trong số những nước ít ỏi đó. Gần đây, trong một cuộc họp tại Quốc Hội, nhiều đại biểu đã đề nghị hủy bỏ án tử hình, nhưng đề nghị ấy chưa tìm được sự ủng hộ cao từ phía các đại biểu.

Tại những quốc gia còn duy trì án tử hình, người ta nại vào lý do răn đe người khác và bảo vệ xã hội khỏi bạo lực. Xem ra đó không phải là một lý luận có cơ sở. Ngày 12-6-2013, Hội nghị thế giới bãi bỏ án tử hình lần thứ 5 (viết tắt là ECPM) khai mạc tại Madrid, Tây Ban Nha, quy tụ 1.500 đại biểu từ 90 nước. Theo báo cáo của Hội nghị, đến nay có 105 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình, 38 nước không áp dụng hình thức này hơn 10 năm qua. Chỉ có 58 nước vẫn áp dụng án tử hình, trong số đó có Việt Nam. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Vietnamnet, ông Raphaël Chenuil-Hazan Giám đốc ECPM đã khẳng định: “Tử hình không bao giờ ngăn chặn được tội ác. Vì vậy, nếu chúng ta duy trì án tử hình để chống lại tội phạm nguy hiểm thì đó không phải là vấn đề ngăn chặn tội phạm, mà chỉ là cách trả thù. Chúng ta muốn giết kẻ giết người. Trải nghiệm của 2/3 nhân loại cho thấy hoàn toàn có thể ngăn chặn vòng luẩn quẩn này”. Câu trả lời này cho thấy tử hình không phải là một biện pháp tối ưu (x. Vietnamnet ngày 12-6-2013).

Giáo lý Công giáo dạy, con người là hình ảnh của Thiên Chúa, được tạo dựng để hưởng hạnh phúc đời đời. Thiên Chúa luôn yêu thương và tha thứ cho con người mặc dù họ lạm dụng tự do Chúa ban cho họ để phạm tội. Sự sống là một ân ban cao quý nhất của Thiên Chúa cho con người. Sự sống con người phải được tôn trọng từ khi được thụ thai trong lòng mẹ cho đến khi qua đời. Không ai có quyền thay Thiên Chúa mà định đoạt mạng sống của người khác. Qua những giáo huấn và hành động cụ thể, Giáo Hội Công giáo luôn nỗ lực bảo vệ sự sống. Giáo Hội lên án hành động phá thai, chết êm dịu (trợ tử) và kêu gọi hủy bỏ án tử hình để tôn trọng phẩm giá con người. Giáo Hội cũng mong ước các chính quyền dân sự thực hiện những biện pháp chế tài khác để ngăn chặn tội ác và giảm thiểu mối nguy hiểm cho xã hội: “Nếu các phương tiện không đổ máu đã đủ để bảo vệ và che chở sự an toàn của các nhân vị khỏi kẻ xâm phạm, thì nhà cầm quyền chỉ nên dùng những phương tiện này, vì chúng đáp ứng tốt hơn cho những hoàn cảnh cụ thể của công ích và phù hợp hơn với phẩm giá của nhân vị” (Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2267).

Trở lại bài viết được nhắc tới trên đây, vẫn biết rằng những người làm điều ác cần phải trừng phạt để răn đe và để bảo đảm trật tự xã hội dân sự, nhưng thiết tưởng có cần phải diễn tả chi tiết cuộc hành hình một con người như vậy? Những ngày sắp tới đây, việc sử dụng thuốc độc để thi hành án sẽ được tiếp tục áp dụng với các tử tù. Nguồn tin của báo điện tử BBC cho biết hiện nay ở Việt Nam có khoảng trên 500 người đang chờ thi hành án. Xin đừng khắc sâu thêm nỗi đau của thân nhân gia đình tử tội bằng những bản thông tin quá chi tiết, trần trụi, gây nên một tình trạng vô cảm nơi nhiều độc giả, nhất là thế hệ trẻ.

Trong xã hội hôm nay, những vụ án nghiêm trọng tăng nhanh về số lượng và mức độ dã man. Hy vọng những bản án được tuyên ở nhiều mức độ khác nhau sẽ giúp mọi người, nhất là các bạn trẻ, rút ra bài học cho mình và thay đổi cách sống. Có người đã dùng ngôn ngữ của vi tính để diễn tả: “Tiếc thay, trong cuộc đời không có chữ ‘undo’ (tức là chức năng hủy bỏ thao tác vừa thực hiện), cho nên đã sai lầm thì khó sửa, để rồi ôm mối hận với những giọt nước mắt muộn màng”. Cũng có người so sánh cuộc đời giống như một bàn cờ, không được phép rút lại nước cờ vừa đi. Gieo nhân nào thì phải gặt quả nấy. Mong các bạn trẻ hãy cố gắng sống một cuộc đời an bình, để không phải hối hận và vướng vòng lao lý.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên


Theo HĐGMVN

Phá thai 8 tháng tuổi, một phòng khám bị đình chỉ

Dù không có chức năng phá thai, nhưng phòng khám tại số 244, đường Hải Thượng Lãn Ông (TP Thanh Hóa) đã phá thai 8 tháng tuổi bất hợp pháp.



Dù không có chức năng nhưng phòng khám này vẫn nạo hút thai đã 8 tháng tuổi

Ngày 13-8, tin từ Thanh tra sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị này vừa đình chỉ hoạt động phòng khám tại số 244, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa và xử phạt 17,5 triệu đồng vì hoạt động không đúng chức năng.

Trước đó, cháu B.T.T (SN 2000, ngụ xã Cát Tân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã bị Lê Văn Hạnh (SN 1992, ở thôn Cát Thịnh, xã Cát Tân) hãm hiếp dẫn đến mang bầu.

Khi cháu T. đã mang bầu 8 tháng, gia đình đưa cháu tới Phòng khám tại số 244, đường Hải Thượng Lãn Ông do bác sĩ Trần Hồng Quang làm chủ để phá thai với chi phí gần 8 triệu đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, triệu tập những người liên quan đến vụ việc và bắt giam Lê Văn Hạnh.

Được biết, phòng khám 244 chỉ có chức năng khám nội, ngoại sản, chụp X-quang, xét nghiệm, siêu âm, soi dạ dày, tá tràng, tai mũi họng. Dù không có chức năng phá thai, nhưng phòng khám này vẫn phá thai bất hợp pháp, vượt quá phạm vi chuyên môn.

Tin-ảnh: T.Minh
Theo NLĐ

Còn đây là ý kiến độc giả:



LTS:

Nhưng phá thai 8 tháng, hay thậm chí là 9 tháng ở Việt Nam bây giờ không còn là chuyện hiếm nữa. Chuyện thai nhi còn sống sót sau phá thai rồi bị đồ tể (tôi không thích gọi đó là bác sỹ) bỏ mặc cũng là "chuyện thường ngày ở huyện". Bệnh viện không cho phá thai to, họ lại ra bên ngoài. Phòng khám này bị đình chỉ vì "vượt quá quyền hạn chuyên môn" khi phá thai 8 tháng, nhưng phòng khám khác treo biển "Sản phụ khoa - KHHGĐ", "Hút thai" hay "Phá thai" thì vẫn phá thai từ vài tuần cho đến 9 tháng, dễ dàng như một phòng nha nhổ răng sữa trẻ em.

Pháp luật Việt Nam có quá nhiều kẽ hở! Thế nên, hành động giết người này vẫn ngang nhiên diễn ra từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây. Thật xót xa!

BVSS

Y Đức - Thất Đức = Đi Đứt

Nếu phải mô tả sự sụp đổ của hệ thống xã hội hiện nay chỉ bằng một câu nói. có lẽ xin được nói thế này: nó tan hoang y như sau cơn bão lớn. Vâng, cả một đống hổ lốn hỗn độn bày ra sau một cơn bão lớn, mọi cái bị tàn phá, mất mát, hư hỏng, và để khắc phục được nó chẳng phải là chuyện dễ dàng trong một sớm một chiều. Trong cơn bão của luồng tư tưởng vô thần càn quét, ngành Y là một trong những ngành nằm trong mắt bão, thế nên, hậu quả chắc hẳn rất nặng nề.

Người dân chưa chấm dứt cơn hoang mang do việc phát hiện tiêm vaccin thiếu liều, chưa hết phẫn nộ với câu tuyên bố vô cảm liều mạng: “Từ nay đến cuối năm không chết mấy nữa đâu của một vị vụ trưởng Vụ Y Tế, chưa kịp trấn tĩnh tinh thần với nhiều cái chết khó hiểu của nhiều bệnh nhân trong bệnh viện, còn đang chua chát thất vọng với lời hứa của bao đời bộ trưởng cái chuyện mỗi bệnh nhân một giường, còn chưa hết ngỡ ngàng với nhiều quyết định trái với ý nguyện người dân, thì vừa qua, liên tiếp là những cái chết do tiêm chủng. Ba trẻ sơ sinh cùng phòng, cùng lúc tử vong do tiêm vaccin gan B, sau đó một ngày lại thêm một trẻ sơ sinh nữa tử vong y như vậy.

Cái mà người nhà nạn nhân nhận được trước sau vẫn chỉ là những câu ngụy biện ngớ ngẩn như sốc phản vệ mơ hồ y như đầu óc của các chuyên gia y tế. Nhiều cái chết đã xảy ra trong những năm gần đây và dồn dập những cái chết vừa qua mới có thể làm cho một guồng máy vốn đã chây ỳ quan liêu vô cảm từ lâu phải hốt hoảng, đặt lại vấn đề Y Đức trong ngành, vốn đã từ lâu bị lãng quên, bị xem nhẹ hơn cái phong bì vòi vĩnh bệnh nhân.


Y ĐỨC

Chẳng có sinh viên nào từ cổ chí kim khi tốt nghiệp ngành y mà lại không biết đến từ này, thế nhưng chúng ta lại có thể nghe được một câu trả lời của một em sinh viên mới đậu Đại Học Y, em nói: “Chúng em cần Y Đức bằng những tấm gương thực tế chứ không cần mớ lý thuyết sáo rỗng về Y Đức trong những năm đại học. Chua chát quá, lẽ ra, trong ngành này phải thật nhiều, thật nhiều những tấm gương Y Đức thì nay sao lại hiếm hoi đến thế này ?

Quý độc giả có thể gõ từ khóa “12 điều Y Đức Việt Nam” ắt hẳn quý vị sẽ được thấy sự luộm thuộm, chồng chéo và cẩu thả đến thế nào. Đã từ rất lâu, người dân đã chẳng còn niềm tin vào vị thầy thuốc, không còn biết phải bám víu vào đâu khi lâm bệnh ngặt nghèo, cứ phải lót tay, day cửa trước lèn cửa sau cho tăng thêm phần tin tưởng, với hy vọng người thân sẽ may mắn thoát tay tử thần.

Sự thật là thế, vậy mà bà bộ trưởng Y Tế lại cứ nói về chuyện đưa nhận phong bì cho bác sĩ bằng cái kiểu nói lấp lửng cứ như chuyện đùa, đi công tác đến ngay gần nhà của ba em bé nạn nhân trên cũng chả thèm ghé qua xin thăm hỏi, nhận lỗi, chia buồn, thì tư cách làm người chắc đã bỏ quên mất trong mớ phong bì.

Hay như một viên chức khác còn đổ lên đầu bệnh nhân cái tội hối lộ làm hư bác sĩ nữa, thì làm gì có chuyện trong cái xã hội này có những tấm gương sáng về Y Đức ?!? Hết lần này đến lần khác, viện phí, thuốc men, dịch vụ giá vẫn cứ tăng vùn vụt, bệnh nhân lẫn người nhà cứ tiếp tục cảnh khổ chen chúc vật vã ở hành lang bệnh viện.

Vừa qua, nhiều người cũng đặt vấn đề về chuyện không có phong bì lót tay nên cô điều dưỡng ngoài bệnh viện phụ sản trung ương Hà Nội làm ngã một lúc 5 em bé trong lúc mang ra tắm. Sự thật không biết thế nào nhưng nhìn thấy cái bậc tam cấp được xây kiểu ấy thì đủ hiểu tầm nhìn của các bác quản lý ngành Y yếu kém thế nào, hay có mấy ai thấy trong các bệnh viện đã có được lối đi ưu tiên cho người khuyết tật hay chưa ?!?


Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân trong chuyện lót tay cho điều dưỡng. Chuyện thế này, cậu nhóc nhà tôi khi mới sinh cũng được các cô mang đi tắm, Chả nhẽ ở bệnh viện không có cái băng rốn hay sao mà khi tắm xong không thay băng mới cho thằng bé. Qua ngày hôm sau thì cháu nhiễm trùng rốn, vặn vẹo quấy khóc, khi tôi vào mới phát hiện ra, xót con, nên bực mình quát cho cô điều dưỡng vài câu. Đến chiều, cô ấy tắm cho thằng bé mà cứ như vật lộn, tôi bực quá phải nói thẳng: "Thôi cô để đấy cho tôi, tôi tự tắm cho con tôi, khỏi cần cô !"

Thật buồn vì rằng một nghề mà tư cách đạo đức và coi trọng Sự Sống lẽ ra phải được đặt lên hàng đầu thì nó lại được xếp tận đẩu đâu trong lương tâm người thầy thuốc. Kinh khủng hơn, khi phòng Kế Hoạch Hóa Gia Đình mà thực chất là phá thai lại nằm ở ngay trung tâm của các bệnh viện, thay vì là nơi cứu sống thì lại trở thành… pháp trường giết chết biết bao sinh mạng của các thai nhi !

Ôi, giá mà với tội ác phá thai này, các nhà truyền thông, các bà mẹ, các gia đình, các ngành này ngành nọ kịch liệt lên án phản đối hay nháo nhào hoảng loạn như trường hợp của các em bé bị thiệt mạng do tiêm vaccin như vừa qua thì hay biết mấy ! Có thế may ra mới cứu vãn được nền Y Đức Việt Nam thoát khỏi sự bủa vây trong vòng xoáy của đồng tiền và lương tâm chai đá ngay trong lòng một ngành rất đáng trân quý này của xã hội !


THẤT ĐỨC


Cổ nhân xưa có câu “Có đức mặc sức mà ăn”, nay có lẽ độ tin cậy không còn nên chẳng ai tìm đức mà chỉ lo tìm tiền. Hay có câu “Dẫu cha mẹ nghèo vẫn để đức cho con”, coi sự đức độ như một gia tài quý giá nhất, quý hơn cả tiền bạc, quý hơn cả công danh sự nghiệp để lại cho con cháu. Và có lẽ hiện nay, chả có con cháu nào nó cần loại gia tài này thì phải, mà nói cho ngay, nhiều bậc cha mẹ cũng chẳng mấy quan tâm đến điều này nữa rồi.

Đức không quan tâm thì thất đức là điều tất nhiên rồi, không phải bàn cãi làm gì. Vậy mới có những thầy thuốc ngoài thủ đô Hà Nội trưng những bảng hiệu nạo phá thai với đèn led nhấp nháy đầy đường, sẵn sàng giết người như ngóe, còn có những nữ bác sĩ vỗ ngực xưng danh rất ư là hãnh diện cho tay nghề phá thai hàng chục ngàn sinh linh đến nỗi không còn nhớ nổi bao nhiêu con người đã chết dưới bàn tay đao phủ của mình.

Bởi đức đã thất nên nhiều bệnh nhân không tiền thì không được chữa trị, nên chỉ còn nằm chờ chết, nên giá thuốc mới cao ngất ngưởng gấp 40 lần giá thực, kẻ không có tiền thì đành lo hậu sự ! Bởi một nền Y Đức đã đến hồi đem vứt đi nên mới có chuyện bao che cho nhau làm điều mờ ám, bằng giả, học giả, ví như những thập niên tám mươi, chín mươi, chênh lệch điểm để vào học ngành Y có khi lên đến 50% số điểm. Tuyển dụng như vậy nói sao không có kẻ bất tài ra nghề để phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác.

Cũng dễ hiểu là những khẩu hiệu sáo rỗng như “Lương y như từ mẫu" bây giờ được bệnh nhân mỉa mai là “Lương y sư tử mẫu” ! Chỉ trong các ca Bảo Vệ Sự Sống đã có rất nhiều trường hợp chết oan do bác sĩ phán sai, rằng thai nhi dị tật như chúng ta đã biết, thậm chí có em chỉ thừa có một ngón tay, có em chỉ sứt môi một tý mà cũng cho là dị tật quái thai cần phải phá bỏ, thật là những cái chết oan uổng do việc làm thất đức của những kẻ thiếu Y Đức mà ra.


ĐI ĐỨT

Từ cái Tâm, cái cơ bản của Y Đức đi đến hành động để tích đức hay thất đức, và tất nhiên khi đã hành động một cách thất đức thì chuyện "đi đứt" của nạn nhân hẳn đã rõ ràng. Bốn em bé trên kia, bao con người chết oan ức tức tưởi, bao con người đi đứt cuộc đời, mất mạng trong cái xã hội bất an hôm nay ?!? Theo các con số thống kê thì nội chết vì tai nạn giao thông đã gần 20.000 người, chết vì tai nạn lao động, vì bạo lực không hề thua kém. Những cái chết có nguyên nhân như thế có thể còn cao hơn con số chết tự nhiên của người già, của người bệnh tật ấy chứ. Lại còn phải kể đến hàng mấy triệu cái chết của nạo phá thai đem lại. Rõ ràng, mỗi năm nhiều triệu sinh mạng đã đi đứt vì chuyện thất đức, gây nên biết bao tổn thất cho xã hội, cho con người.

Của đáng tội, chẳng phải riêng ngành Y mà gần như tất cả các ngành hiện nay trong xã hội Việt Nam chúng ta đều đã đánh mất đi cái Đức của mình để chạy theo bạc tiền, quyền lực, mặc nhiên chà đạp lên công lý, công bằng, bác ái mà sát phạt lẫn nhau.

Vâng, nhưng cũng cần phải nói, đừng nghĩ chỉ có người dân lam lũ mới là nạn nhân của hành vi thất đức, chính những kẻ còn đang trên đỉnh vinh quang chói lọi của quyền lực mà lại đang đang tâm nhúng tay vào tội ác, cần biết rằng: hậu quả kinh khủng nhất vẫn đang chờ đợi bọn họ ở con đường phía trước. Luật nhân quả nào có sai đâu bao giờ ?!?

http://www.ykhoa.net/binhluan/nguyenvantuan/090227_nguyenvantuan_12dieuyducvietnam.htm

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, Biên Hoà, 8.2013


Theo báo Ephata số 573