Giá như có một điều ước

“Ăn miếng bo bo nhớ một thời
Cơm còn chửa chín nuốt sao trôi
Bo, khoai độn sắn cho qua bữa
Bụng đói, đầu đau vỡ mộng đời”.
Khuyết danh

Cổ nhân có câu “bần cùng sinh đạo tặc”. Cái đói, cái khổ gieo mãi vào cuộc đời con người khiến cho những điều “nhân chi sơ, tính bản thiện” bị mất đi. Tôi vẫn nhớ mẹ tôi thường kể cho chúng tôi nghe một chuyện thế này…

Khoảng năm 1978, lúc ấy cả nước cùng đói, nhà nào tương đối có của dành dụm thì cơm độn khoai, bắp; nhà nào nghèo hơn thì ăn bo bo, một loại hạt giống như hạt café bây giờ, Việt Nam được viện trợ nhân đạo từ khối Đông Âu thì phải, thực ra nó thường được dùng là thức ăn cho gia súc, đói quá nên cũng phải ăn dù rất khó tiêu, đầy bụng.

Mẹ tôi thường đi buôn vịt tại chợ Xóm Củi, khi ấy, ở khu chợ này có một cậu bé chừng 10 tuổi. Cậu chuyện ăn cắp của các bà buôn bán tại đây, cứ thấy cậu ấy là mọi người phải để ý từng chút, nếu không mất đồ như chơi. Rất nhiều lần cậu bị bắt quả tang, thường thì cậu cũng ăn no đòn, người này đánh cho vài bạt tai, kẻ thì mắng nhiếc xối xả, xỉ vả cả tổ tông thằng bé…

Một thời gian sau, khu chợ trời ấy xuất hiện một bà cũng buôn thúng bán bưng, nghe đồn rằng bà là vợ của một sỹ quan cao cấp chế độ Cộng Hòa, Chồng vẫn còn nằm trong trại cải tạo. Lập tức bà trở thành mục tiêu của cậu bé. Sau nhiều lần là nạn nhân của cậu, cuối cùng thì bà cũng bắt được quả tang cậu bé đang thò tay vào cái bị cói đựng tiền. Ai cũng nghĩ rằng thằng bé chắc lại nhận một trận đòn tơi tả. Nhưng không, tất cả đều ngạc nhiên khi thấy bà cầm tay thằng bé, bảo nó ngồi xuống, hỏi nó có đói không, rồi bà nhường luôn nắm cơm độn của mình cho nó, Nhìn thằng bé ăn ngấu nghiến, bà nhẹ nhàng bảo nó: “Từ nay, nếu con có đói thì ra đây dì cho ăn, đừng đi ăn cắp của người ta nữa, người ta đánh cho thì khổ…” Từ đó, Mỗi khi đói thằng bé lại đến với bà và khu chợ ấy không còn ai thấy nó ăn cắp nữa. 




35 năm năm sau. Cũng hình ảnh của tên trộm, nhưng nghĩa cử đầy tình thương như của bà bán hàng nọ đã không còn, mà thay vào đó là hình ảnh của cả làng đánh hội đồng những tên trộm chó cho đến chết. Câu chuyện đánh chết những tên trộm chó không còn là câu chuyện mới, nó đã cũ nhưng lập đi lập lại nhiều lần với mức độ ngày càng nhiều hơn và nặng hơn. Đáng tiếc một điều. Phần lớn là đồng tình ủng hộ hành vi đánh chết những tên trộm này. Có thể, sự căm phẫn đã lên đến tột đỉnh của người dân đối với bọn trộm chó, mỗi người chỉ xả giận bằng một quả đấm thôi cũng đủ toi một mạng người.

Nói gì đi nữa, đối với một tên giết người, trước khi kết án tử hình, người ta vẫn phải ra tòa và xem đi xét lại có tình tiết nào có thể giảm nhẹ cho tội nhân không. Nhưng trên hết, sự bất lực của luật pháp và cái nghèo đói chính là nguồn gốc của vấn đề. Trong đó, cốt lõi cuối cùng là người ta chả còn tôn trọng mạng sống của đồng loại. Bạo lực, chém giết, suy cho cùng chẳng phải là công cụ hữu ích để ngăn ngừa tệ nạn, mà chỉ có Văn Hóa Tình Thương được nhân rộng trong một nền giáo dục đích thực mới có thể thay đổi được những mảng đen u buồn trong xã hội.

Những thông tin hiện nay cho chúng ta thấy một điều đáng buồn, không những việc phá thai đã quá bừa bãi mất hết cả nhân tính, mà hiện nay, những vụ án rất đau lòng mà nạn nhân là những em nhỏ, kẻ thủ ác cũng chẳng ai xa lạ gì, toàn người thân quen làng xóm, người có quan hệ huyết thống trong gia đình, mà ngay cả cha mẹ ruột cũng đang tâm tước đoạt mạng sống của trẻ em vì những lý do xem ra rất ngớ ngẩn. Ví như giận vợ thì chồng sát hại con, giận chồng đem con cùng tự vẫn, tức cha mẹ đứa bé thì hàng xóm ra tay cho bõ tức… Những vụ án hiếp dâm trẻ vị thành niên ngày càng có dấu hiệu phát triển, để lại cho con người và xã hội biết bao hậu quả đau lòng.

Chúng ta cứ nói mãi, cứ lên án mãi nhưng kết quả thì trái ngược. Khi mà một nền giáo dục còn quá nặng về thành tích, quá nặng về đồng tiền thì những biểu ngữ giăng mắc ngập đường phỏng có ích gì. Giờ thấy sinh mạng và phẩm giá con người bị coi rẻ rúng quá, Muốn sinh ra cũng chẳng được sinh ra, người sinh ra rồi có đau ốm bệnh tật thì cứ phải thật nhiều tiền mới mong được đối xử tử tế, làm cái gì cũng phải xin xỏ đủ thứ với thật nhiều phong bì, đến quyền nói, quyền được tự do suy nghĩ cũng bị áp chế đủ đường… Không thấy con số thống kê chính thức nhưng thử nhìn vào tất cả các số báo hiện nay, người ta chẳng khó khăn gì để biết mỗi năm có cả ngàn nạn nhân bị giết hại. Điều này cho thấy, phải gióng lên tiếng chuông cảnh báo việc con người quá xem thường mạng sống và phẩm giá của nhau đã đến hồi nguy cập, đã khẩn thiết lắm rồi.

Nếu như có được một điều ước thôi thì tôi xin được ước rằng: Xin cho mọi người biết tôn trọng và yêu quý mạng sống của mình và của người khác.

Vì nếu có tôn trọng và yêu quý mạng sống của người khác. Xã hội này sẽ không còn phải có những quan tòa, không còn phạm nhân, không còn cảnh đánh hội đồng đến chết kẻ trộm chó, không còn cảnh phá thai bừa bãi, không còn những thực phẩm độc hại, những lô thuốc quá hạn sẽ biến mất, tham nhũng, độc quyền sẽ không còn đất sống, Những công trình xây dựng sẽ đạt phẩm chất an toàn, hết cảnh lo cầu sập, nhà đổ. Độc đảng hay đa đảng, tự do, chủ quyền không còn là điều phải tranh đấu bằng cả sinh mạng…

Tiếc rằng, điều ước ấy tôi và bạn sẽ không bao giờ có, mà muốn có nó chúng ta sẽ phải đấu tranh, đấu tranh với sự dữ và đấu tranh với chính bản thân mình.

Đaminh PHAN VĂN DŨNG

Theo báo Ephata số 567

Chút thao thức khi giới trẻ Công giáo “sống thử”


“Gia đình đặt nền tảng trên sự lựa chọn tự do của hai vợ chồng muốn kết hợp với nhau trong hôn nhân, đồng thời trên sự tôn trọng ý nghĩa và các giá trị của định chế này, một định chế không tuỳ thuộc con người mà tuỳ thuộc chính Thiên Chúa“
[1]. Chính vì thế, những nét đặc thù của hôn nhân Kitô giáo là: toàn vẹn, hợp nhất, bất khả phân ly, trung tín và nhắm tới việc sinh sản con cái.[2] Cũng như ý nghĩa đích thực của hôn nhân phải là một phản ánh của tình yêu tuyệt đối giữa Ba Ngôi Thiên Chúa được bày tỏ cho chúng ta qua tình yêu của Đức Giêsu Kitô dành cho Hội Thánh. Thế nhưng, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, hiện tượng “sống thử” trước khi tiến tới hôn nhân đã xuất hiện phổ biến trong đời sống của những đôi bạn trẻ Công giáo. Đó là một thực trạng sai trái rất đáng buồn, bởi nó đã đi sai giáo huấn của Lời Chúa và của Giáo Hội, làm méo mó mục đích, ý nghĩa và giá trị thánh thiêng của khế ước hôn nhân Công giáo, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống, đánh đổ các giá trị luân lý.

Hướng tới một tương lai tươi sáng và đẹp đẽ cho các bạn trẻ, cho các gia đình, cho xã hội và cho Giáo Hội, tôi luôn thao thức và trăn trở về vấn nạn này. Do đó, trong khao khát hướng tới lý tưởng là một linh mục của mình, tôi muốn chia sẻ một chút nhận định về điều đó, nhằm có thể hoạch định cho mình những phương hướng mục vụ, hầu có thể giúp cho những người mà mình được sai đến để phục vụ sau này. Đặc biệt, tôi mong muốn làm sao để có thể giúp cho giới trẻ tránh xa được những hành động sai trái, tội lỗi đó và để cho họ nhận thức được rõ ràng hơn về hôn nhân, gia đình, để họ có được một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc thật sự theo đúng chương trình tình yêu của Chúa và đường lối Giáo Hội giảng dạy.

Trước thực trạng “sống thử” của các bạn trẻ trong xã hội nói chung và các bạn trẻ Kitô giáo nói riêng, chúng ta phải nhìn nhận đó không đơn thuần là lỗi và là trách nhiệm riêng thuộc về bản thân các bạn trẻ, nhưng đó còn là lỗi và trách nhiệm của nhiều người liên quan. Thực trạng này chủ yếu xảy ra ở những vùng đô thị, ở các khu kinh tế, trường đại học, còn ở các xứ đạo miền quê thì hầu như không có. Nó chịu tác động của nhiều nguyên nhân trên khía cạnh chủ quan cũng như khách quan. Một số các bạn trẻ ngày nay muốn xem việc sống thử như là một cách “chuẩn bị” tốt cho một cuộc sống hôn nhân hoàn hảo hạnh phúc, đó là một sai lầm to lớn. Bởi lẽ đời sống hôn nhân và tình dục không thể bị giản lược thành việc “thí nghiệm”, và không thể chỉ dừng lại ở những sinh hoạt thể lý, nhưng còn là dấu chỉ thuần thiêng, là dấu chỉ của tình yêu và sự hiệp nhất. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ “sống thử” chỉ vì mục đích thỏa mãn tình dục của mình. Nó sẽ là những vết hằn suốt đời, để lại những hậu quả tai hại cho cuộc sống hiện tại và tương lai của giới trẻ. Vấn nạn này không phải là không có phương pháp giải quyết để ngăn ngừa và chấm dứt. Thiết nghĩ điều quan trọng nhất là những người có liên quan tới đời sống hiện tại hay tương lai của các bạn trẻ, như gia đình, xã hội và Giáo Hội, có thật sự đặt vấn nạn này làm mối bận tâm và đáng suy nghĩ của mình, có nhận thấy trách nhiệm của mình trong vấn nạn này hay không? Nếu tất cả mọi người cùng chung một suy nghĩ, cùng chung một trái tim biết thao thức để cùng nhau hành động, thì tình trạng “sống thử” nơi các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ Công giáo sẽ dễ dàng được thay thế bởi một lối sống, một tình yêu lành mạnh, trong sáng và cao đẹp hơn.

Lấy giáo lý của Kitô giáo làm điểm soi chiếu, dựa trên nhãn quan và lập trường của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta dám khẳng định rằng tình trạng “sống thử” nơi các bạn trẻ Công giáo, cũng như ngoài xã hội là một hành động sai trái, đáng lên án và cần phải kịp thời đưa ra những giải pháp để sửa chữa. Trước hết, “sống thử” trước hôn nhân là điều sai trái, đi ngược lại với những điều răn của Chúa và của Giáo Hội dạy. Việc hai người nam nữ sống chung với nhau và sinh hoạt với nhau trên tinh thần và thể xác (đặc biệt là sinh hoạt tình dục), là phạm vi đời sống của những đôi vợ chồng đã được Giáo Hội và xã hội chấp nhận, có nghĩa là họ đã tiến tới hôn nhân và gia đình. Còn nếu chưa là vợ chồng hợp pháp theo nghi thức và luật pháp của Giáo Hội và xã hội thì việc sống chung với nhau là hoàn toàn sai trái, vi phạm pháp luật xã hội cũng như giáo luật. Mặt khác, việc “sống thử” trước hôn nhân còn đi ngược lại với mục đích, ý nghĩa, giá trị của hôn nhân Kitô giáo. Đối với người Kitô hữu, việc sống chung với nhau của hai người nam nữ là một giai đoạn mang tính tất yếu, để họ làm trọn bổn phận và quyền lợi đối với mục đích, ý nghĩa, giá trị của hôn nhân Kitô giáo. Qua việc kết hợp giữa người nam và người nữ quan bí tích Hôn Phối, hai người trở thành vợ chồng; tình yêu trao ban cho nhau xuất phát từ Thiên Chúa là nguồn tình yêu (1Ga 4,8). Họ trao ban sự sống cho nhau, đó là một sự trao hiến trọn vẹn, bao gồm thể xác và tinh thần. Qua đời sống hôn nhân, hai người đã tiến tới sự hiệp thông với nhau cách trọn vẹn. Sự hiệp thông trọn vẹn này dựa trên khuôn mẫu hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, và là dấu chỉ hiệp thông và tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Sự hiệp thông này phải mở ngỏ cho những sự sống, mầm sống mới, tức là sinh sản con cái. Đó là trách nhiệm và là vinh dự cho con người, vì được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo và trao ban sự sống. Điều này khẳng định, việc các bạn trẻ “sống thử” chỉ vì hướng tới mục đích nhục dục là hoàn toàn đi ngược lại với giá trị cao cả của hôn nhân.

Bên cạnh đó, việc “sống thử” vì mục đích thỏa mãn tính dục nơi các bạn trẻ còn làm mất ý nghĩa và giá trị của tính dục nơi thân xác con người. Tính dục của con người mang dấu chỉ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa và thân xác con người là ngôn ngữ của sự thông hiệp sâu xa giữa người với người và giữa con người với Thiên Chúa. Nó không phải là một phương tiện cho sự thỏa mãn tình dục.

Việc “sống thử” nơi các bạn trẻ còn đi ngược lại với các giá trị của truyền thống đạo đức, luân lý và văn hóa. Còn chăng giá trị của nhân, nghĩa, lễ, trí, tín trong những sự thỏa mãn nhục dục? Bản chất của điều đó là một sự trụi lạc, nó sẽ để lại những hậu quả ghê gớm cho tương lai của các bạn, đặc biệt là các bạn nữ. Nếu không đi đến hôn nhân thì việc “sống thử”, với những “cơ cấu” kèm theo của nó sẽ để lại những vết thẹo nhơ nhuốc, một tâm lý tự ti về thân xác bản thân nơi các bạn nữ. Hơn nữa, vì chưa có hôn nhân, gia đình, chưa được mọi người công nhận, nên việc sống thử sẽ mở ra cơ hội cho các bạn phạm những tội ác bởi hậu quả của nó, và phá thai là một ví dụ điển hình. Đó cũng chính là lý do đã khiến Việt Nam, vốn là một quê hương, một miền đất đầy những giá trị của thuần phong mỹ tục, lại trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai (là một hình thức của tội ác giết người) đứng đầu thế giới.

Nguyên nhân dẫn đưa các bạn trẻ Công giáo đến với tình trạng tội lỗi, sai trái này trước hết là chính những yếu điểm tồn tại ngay trên bản thân của các bạn trẻ. Đó là sự yếu kém về giáo lý, sự thiếu hiểu biết về giá trị cao cả của tính dục và thân xác con người, vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Việc xa rời các thực hành đạo đức (Thánh Lễ, giờ kinh, các sinh hoạt tôn giáo…), làm cho tâm hồn người trẻ khô khan, nguội lạnh, dẫn tới những tư tưởng và hành động tội lỗi. Cuộc sống thiếu thốn tình cảm (gia đình, quê hương, xứ, họ…), cùng với điều kiện sống tập trung, dễ gặp gỡ; môi trường có nhiều yếu tố dung tục (sách vở, báo chí, internet, phim ảnh…); xã hội tự do tình dục, mãi dâm phổ biến, sự lơi lỏng trong việc quản lý xã hội; cùng với trào lưu dễ dãi trong quan hệ tình dục của giới trẻ ngày nay… tất cả như tạo thêm “sức mạnh” cho các bạn trẻ trở thành những “con thiêu thân” lao vào con đường hưởng thụ. Bên cạnh đó, sự thiếu trách nhiệm của những người liên quan cũng góp phần làm cho các bạn trẻ liều mình “sống thử” dù biết là sai. Sự thiếu quan tâm của gia đình, của giáo xứ hay giáo họ làm cho các bạn trẻ làm ăn xa cảm thấy thiếu thồn về tình cảm, cảm thấy được thoát khỏi ràng buộc gia đình nên tự do hành động để bù trừ.

Trong khao khát và dự định hướng về một người Mục Tử, tôi muốn hoạch định cho mình một vài phương hướng mục vụ cho giới trẻ. Trước hết, tôi sẽ phải tìm đến với các bạn trẻ và sẵn sàng đón nhận họ với tất cả thái độ và tình cảm của một người bạn thân, một người anh yêu thương, một người thầy khôn ngoan, một người cha nhân hậu và là một mục tử nhân lành. Những rung động của đức ái mục vụ tôi cần biết thể hiện trong mọi tư tưởng, lời nói và những việc làm mỗi khi đến với các bạn. Tôi cũng phải biết tôn trọng để nắm bắt những thao thức, những sẻ chia của các bạn để có thể cảm thông, đồng hành và tạo niềm tin, niềm an ủi nơi các bạn. Tôi sẽ có những buổi gặp gỡ, nói chuyện để truyền đạt, giáo dục giới trẻ về giáo lý, Lời Chúa, về ý nghĩa của tình yêu, của hôn nhân và gia đình, về tính dục, luân lý, về hậu quả và tác hại của “sống thử”. Mục đích là nhắm tới việc trang bị cho các bạn những hiểu biết cần thiết cho đời sống đức tin, đời sống xã hội, gia đình và đời sống tâm sinh lý của mỗi người. Tiếp đến, là bản thân tôi cần có sự quan tâm cụ thể trong vai trò là một người Mục tử quan tâm và yêu thương đoàn chiên, mà cụ thể là các bạn trẻ và các gia đình: quan tâm đến đời sống đạo và đời, đến các nhu cầu, sự thiếu thốn và hoạt cảnh gia đình của họ… để mong giúp đỡ và hướng dẫn các bạn tránh những tư tưởng hay hành động sai lầm nhất là những lúc các bạn gặp khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, tôi còn nên tổ chức những phong trào vui chơi lành mạnh: giao lưu thể thao, văn nghệ, cắm trại, thi đua các phong trào… trong giáo xứ, giáo họ, các tổ liên gia… để thu hút các bạn trẻ đến với đời sống cộng đoàn, giúp các bạn có được hướng giải quyết những đòi hỏi xung năng tính dục của lứa tuổi cách lành mạnh. Đối với những bạn trẻ đi làm ăn xa nới các trung tâm kinh tế, ở nước ngoài hay ở các trường đại học, tôi cần biết chủ trương thành lập các hội đoàn đồng hương, các nhóm bạn. Làm sao để các bạn có những buổi gặp gỡ, sinh hoạt chung, nhằm duy trì đời sống đạo, kiểm soát nhau và giúp đỡ nhau trong cuộc sống xa gia đình và quê hương.

Công trình tạo dựng vì tình yêu, và chỉ vì tình yêu của Thiên Chúa vẫn còn được thực hiện và luôn hướng tới hạnh phúc của con người. Trong đời sống hôn nhân và gia đình, con người được mời gọi để cộng tác với Thiên Chúa. “Sống thử” là một hướng đi lệch lạc của các bạn trẻ, đã ra ngoài con đường của Thiên Chúa. Điều đó sẽ đưa các ban và các gia đình tới vực sâu của đau khổ và tội lỗi. Do đó, ngay từ bây giờ, bản thân người trẻ và những ai liên quan, hãy đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này để tìm ra lối thoát cho những bạn đã và đang sống trong tình trạng này, cũng như ngăn ngừa những bạn trẻ đang có tư tưởng hay ý định đó. Có như vậy, mục đích, ý nghĩa và giá trị của tình yêu, của hôn nhân gia đình mới được lên tiếng và đó mới là hạnh phúc đích thật theo chương trình ngàn đời của Thiên Chúa. Tôi thiết nghĩ, chút thao thức mà tôi chia sẻ ở đây sẽ không bao giờ là đủ đối với vấn đề gay go này. Nó sẽ lạnh lẽo khi nó cô độc một mình, nhưng nó sẽ ấm áp hơn nếu chúng ta cùng thao thức để cùng hành động vì và chỉ vì tình yêu./.


Giuse Lê Ngọc Dương, K.12 – ĐCV Vinh Thanh


[1] HĐGMVN, Tóm Tắt Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, Hôn nhân, nền tảng của gia đình, số 215, nxb: Tôn Giáo, 2007, 167.
[2] HĐGMVN, Tóm Tắt Học Thuyết Xã Hội Của GHCG, số 217, 167.


Theo Lamhong.org

Có được phép buôn bán thuốc ngừa thai và trốn thuế hay không?

Hỏi: xin cha giải thích những thắc mắc mắc sau đây:


1. Người Công Giáo có được phép tham gia vào việc phái thai như bán thuốc ngừa thừa thai, phụ giúp bác sĩ phá thai vì nghề nghiệp phải làm như y tá, chuyên viên y tế..?

2. Người Công giáo có được phép trốn nộp thuế và khai gian để lãnh tiền bảo hiểm, trợ cắp thất nghiệp, tai nạn xe cộ hay không?

3. Có được phép chứng hôn cho những cặp hôn nhân đồng tính (same sex marriage) không ?



Trả lời :

1.

Phá thai (abortion) là một trọng tội mà Giáo Hội không bao giờ cho phép vì bất cứ lý do nào.

Đây là tội giết người mà Thiên Chúa đã nghiêm cấm trong giới Răn thứ Năm như sau:.

“Ngươi không được phạm tội sát nhân.” (Xh 20:13)

Khi đến trong trần gian để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, Chúa Giêsu cũng đã nhắc lại giới răn trên cho các môn đệ Người :

“anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: chớ giết người. Ai giết người thì đáng bị đ
ưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là ngu ngốc thì phải bị đưa Ra trước Thượng Hội Đồng…” (Mt 5: 21-22).

Như thế đủ cho thấy tội sát nhân , dù chỉ là giết một thai nhi, là một trọng tội mà ai có niềm tin và kính sợ Thiên Chúa đều phải tránh xa cho được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Không được giết người vì sự sống của con người là quà tặng vô giá (priceless gift)

Mà chỉ một mình Thiên Chúa ban và lấy đi mà thôi.

Giáo Hội dạy không sai lầm là sự sống của con người bắt đầu từ lúc được thụ thai (conception) cho đến cái chết tự nhiên (natural death) trên giường bệnh.Vì thế , ai phá thai hay giúp người khác phá thai có kết quả đều tức khắc mắc vạ tuyệt thông tiền kết (đương nhiên mắc vạ = auto-excommunication) (x. SGLGHCG số 2272, giáo luật số 1398).

Áp dụng luật cấm trên đây không những đòi các bác sĩ, y sĩ Công Giáo không được hành nghề phá thai, mà kể cả các y tá phụ giúp vào việc làm tội lỗi này nữa. Nghĩa là các y sĩ và y tá Công giáo đều được mong đợi phải từ chối đòi hỏi của nhà thương , bệnh viện nào muốn giúp các phụ nữ đến xin phá thai, dù cho việc từ chối này có đưa đến hậu quả bị mất việc làm.

Cũng được kể như tiếp tay trong việc phá thai là buôn bán thuốc hay dụng cụ ngừa thai trái thự nhiên theo giáo lý của Giáo Hội. Nói rõ hơn, việc ngừa thai chỉ có thể được chấp nhận nếu vợ chồng dùng phương pháp tự nhiên, như kiêng cữ gần nhau trong thời kỳ người vợ dễ thụ thai.

Ngoài phương pháp tự nhiên nói trên, mọi phương pháp trái tự nhiên như dùng thuốc ngừa thai, bao cao su… đều không được phép vì trái với luân lý truyền sinh (bioethics).


2.

Có được phép trốn thuế và khai gian để lãnh tiền bảo hiểm không?

Sống trong một quốc gia, thì đóng thuế là một trong những bổn phận bắt buộc đối với mọi công dân hay thường trú nhân đang sống và làm việc trong quốc gia.đó.

Đây là luật công bình mà mọi công dân phải tuân giữ và thi hành vì phức lợi chung của xã hội mà mình đang sống và hưởng những phúc lợi đó, như đường xá, cầu cống, trường học, bệnh viện, an ninh công cộng (thuê mướn cảnh sát và nhân viên cứu hỏa…).

Nhờ tiền đóng thuế của người dân mà quốc gia – hay nhà nước- mới có tiền để chi tiêu cho những dịch vụ cung cấp phúc lợi chung cho mọi người dân. Nghĩa là, nếu không có tiền thuế, thì nhà nước sẽ không có tiền để làm được việc gì có lợi ích chung cả.

Chính vì tôn trọng luật phải đóng thuế này mà xưa kia khi còn đang đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho dân Do Thái, và nhân có mấy người giả bộ là người công chính đến hỏi Chúa xem họ có phải nộp thuế cho Hoàng Đế Xê-da, tức nhà cầm quyền La Mã đang cai trị Do Thái thời đó, Chúa Giêsu đã bảo họ như sau:

“Của Xê-da trả về cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” (Mt 22: 21; Lc 20: 25)

Lại nữa, khi được hỏi về bổn phận đóng thuế cho đền thờ, Chúa Giê-su cũng đã bảo Phêrô ra biển thả câu để bắt con cá đầu tiên câu được, mang về mở miệng nó ra để lấy một đồng tiền bốn quan, đủ để nộp thuế cho Chúa và cho Phêrô. (Mt 17: 24-27)

Như thế, đủ cho ta thấy rõ là Chúa đã tôn trọng luật pháp của xã hội loài người khi dạy cho các môn đệ phải tuân giữ luật đóng thuế cho nhà cầm quyền La Mã, hay cho đền thờ. như bằng chứng Kinh Thánh nêu trên.

Do đó, trốn thuế hay khai gian để khỏi phải đóng thuế đúng mức phải đóng đều có tội lỗi luật công bằng xã hội mà mọi người dân phải tôn trọng. Người Công giáo cũng là công dân của một quốc gia nên có bổn phận chu toàn mọi luật pháp của quốc gia đó.

Cũng trong mục đích tôn trọng công bình, người Công Giáo không được làm các nghề khai báo hoặc chứng gian cho ai để lấy tiền của các bảo hiểm. Ở Mỹ, xe cộ, nhà của và sinh mang đều phải mua bảo hiểm để phòng khi tai nạn xảy ra thì đã có bảo hiểm đền bù. Nhưng nếu khai đúng sự thiệt hại để lấy tiền của bảo hiểm thì đó là điều hợp tình, hợp lý, không có gì phải thắc mắc.

Tuy nhiện, rất nhiều người đã khai báo hoặc giúp người khác khai gian không đúng sự thật để lấy nhiều tiền bồi thường của bảo hiểm. Thí dụ không bị thương nặng trong tai nạn xe cộ, nhưng vẫn nghe lời chỉ dẫn của những người làm nghề khai bảo hiểm để ký giấy của bác sĩ thuộc nhóm khai gian này để đòi bồi thường tối đa theo cách làm ăn của họ là điều trái với luật công bằng của Chúa và lương tâm ngay thẳng của con người. Do đó, ai làm như vậy chắc chắn mắc tội lỗi phép công bằng vì gian dối để trục lợi.

Cũng trong mục đích tôn trọng sự thật và công bằng, người khai gian để lãnh welfare, foodstamps, ly dị giả để lãnh trợ cấp single parent, làm hôn thú giả để đưa người vào Mỹ (làm hôn thú giả để lấy tiền của người xin định cư theo diện vợ / chồng ) đều có lỗi năng về mặt luân lý vì thiếu thành thật và làm thiệt hại cho công quỹ của quốc gia. Không thể lý luận cách sai trái là “ăn cắp của Mỹ, của… thì không có tội”! Không có luật nào của Chúa và của Giáo Hội cho phép làm việc này. Xin nhớ kỹ như vậy.


3.

Có được phép chứng hôn cho các cặp hôn nhân đồng tình (same sex marriage) không?

Hiện nay, một số tiểu bang Mỹ và vài quốc gia (Pháp, Anh, Canada..) đã cho phép hôn nhân đồng tính. Nghĩa là các cặp đồng tính nam (gay men) hoặc đồng tính nữ (lesbian women) được phép kết hôn hợp pháp trong xã hội như các cặp trai gái bình thường khác.

Nhưng nếu các cặp hôn nhân đồng tình này muốn xin chứng hôn trong Giáo Hội thì chắc chắn không cha sở hay linh mục nào được phép chứng hôn cho họ trong nhà thờ vì việc này hoàn toàn trái với giáo lý và giáo luật của Giáo Hội chỉ công nhận sự thành hôn giữa hai người nam và nữ mà thôi. (x. giáo luật số 1055, triệt 1; SGLGHCG số: 1601- 1604).

Sự cho phép hôn nhân đồng tính là một suy thoái nghiêm trọng về mục đích của hôn nhân, vì Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ và trao cho họ sứ mệnh “sinh sôi nảy nở cho nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất.” (St 1: 28) . Như vậy, cho hai người nam hay hai người nữ kết hôn với nhau là vi phạm bí tích hôn phối Thiên Chúa đã thiết lập để thánh hiến những người được Ngài kêu gọi để sống đời sống vợ chồng, để công tác với Chúa trong chương trình sáng tạo của Người trên mặt đất cho đến ngày mãn gian.

Giáo Hội không lên án những người có khuynh hướng bẩm sinh với phái tính bất thường 
(sexual abnormality).Giáo Hội thông cảm và cầu nguyện cho họ, nhưng không thể chấp nhận cho họ được kết hôn với nhau như những người khác bình thường về phái tính (sexual normality), vì mục đích chính của hôn nhân là sinh sản “cho nhiều, cho đầy mặt đất” như Thiên Chúa đã truyền cho ông Adam và bà Eva trên đây.

Tóm lại, là người tín hữu Chúa Kitô, chúng ta phải tôn trọng sự thật, tôn trọng luật công bình trong mọi giao dịch xã hội để làm chứng tá cho Chúa là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14: 6), giữa một thế giới gian tà, trộm cướp, giết người, lừa đảo,vô nhận đạo, đầy bất công và tục hóa ngày nay.

Ước mong những lời giải đáp trên thỏa mãn những câu hỏi được đặt ra.


LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn


Theo conggiaovietnam.net

Đắng lòng hậu phá thai: Nghĩa trang ảo, nỗi đau thật

Kỷ lục đau lòng có lẽ thuộc về nick me.xl với 5 bia mộ, 5 đứa con cùng đặt tên là Anh, nhưng tên đệm khác nhau, 3 đứa “mất” năm 2011, 2 đứa “mất” năm 2012. Như vậy, me.xl đã phá thai 5 lần trong vòng 2 năm.

Đây là 1 trong hơn 1.400 câu chuyện từ các ngôi mộ ảo phần mộ “thai nhi” trên web nhomai.vn.

Nick buomden lập một ngôi mộ với bia mộ ghi Huỳnh Khánh Hà, 20 tuần tuổi, ngày mất 15.5.2012. Bà mẹ này đã viết lời tâm sự rất dài, cô mới 19 tuổi không đủ dũng cảm để sinh con, nhưng cũng vẫn chần chừ. Cô gái nhớ những lần con cựa quậy, nhớ những cú đạp khe khẽ, dễ thương của con... Cô nhớ đã uống 3 viên thuốc thúc sinh, trải qua cơn đau đẻ đến vỡ òa. “Sinh con ra, tim con vẫn còn đập, con cựa quậy 3 lần và mãi mãi con đã lặng im trong cái khăn xanh... Lần đầu tiên mẹ biết đau đẻ là như thế, đau đến muốn chết đi, cảm giác ấy đã kết thúc một phận người vô tội”.


Hình giao diện trang web nhomai.vn

Hàng loạt những ngôi mộ online đã được ghi những dòng chữ lạnh người: 4 tuần tuổi, 6 tuần, 8 tuần, 32 ngày, và... 1 ngày. Một vài ngôi mộ đề 20, 19, 22 tuần tuổi… Các mẹ và các bố trang trí cho bia mộ của con mình rất tỉ mỉ, đặt tên cho con. Những cái tên mỹ miều, nhưng cũng có cái tên húy cu Bi, cu Tũn… Nhiều nhất là tên Vô Danh như Bùi Nguyễn Vô Danh, Trần Vô Danh… Hàng ngày, hàng tháng, những người mẹ, người bố này vào mộ đốt nến, mua quà, quần áo, thú bông, bánh kẹo… cho “con”, giữa những giờ học, giữa những giờ kiểm tra.

Một số người chia sẻ câu chuyện, nói lên lời hối lỗi, đau đớn, sợ hãi, mong rằng đứa con của mình sẽ siêu thoát, sẽ tha thứ. Những tưởng trải qua những đau đớn, sợ hãi đó, các bạn trẻ sẽ hạn chế lặp lại sai lầm. Tuy nhiên, có đến 30% các ngôi mộ ảo có nhiều hơn 1 cái tên. Rất nhiều bà mẹ đã “chôn” đến 3-4 đứa con. Nick kubin có 4 đứa con, 1 đứa mất năm 2010, một đứa 2011, 2 đứa 2012.

Những chuyện đau lòng khôn xiết nhưng vẫn có sự cay đắng. Nick Dtban cũng có 4 bia mộ, 1 con mất năm 2009, 1 mất năm 2010, 1 năm 2011, 1 năm 2012. Như vậy, mỗi năm, cô đều phá thai 1 lần. Trong “ngôi mộ” này có dòng comment của một bạn trai: “Hôm nay bố vào thăm Bảo An… vừa thương con lại vừa hận chính mình đã không lo được cho mẹ con một cuộc sống tốt hơn, để mẹ con phải vất vả rất nhiều… ”.

Nghĩa trang ảo nhưng nỗi đau là thật. Nhưng dường như điều đó không đủ sức nặng để ngăn các bạn trẻ lặp lại sai lầm.

“Đọc những điều này, mới thấy các em, cho dù đau lòng nhưng vẫn chưa đủ trưởng thành, chưa đủ chín chắn, hoàn toàn sống bằng bản năng. Điều này, sẽ tiếp tục dẫn các em đến những sai lầm, bồng bột...” – bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức – Viện trưởng RaFH nhận xét.


Theo Dân Việt