Chúa Thánh Thần, nguồn tác động để BVSS




Ta đã sống, những năm vô tư lự
Mộng hồn nhiên trên cả những hồn nhiên
Kệ người ta, ai thích thì cứ thích
Ta với ta, thôi thế cũng vui rồi…

Chuẩn bị cho tuần đón Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, lòng bỗng chùng lại với thực trạng ngày càng bi đát trong xã hội, nhất là tội ác nạo phá thai. Chợt thấy bâng khuâng, thật khó diễn tả bằng lời. Nếu tính theo tỷ lệ, Việt Nam đã xếp hạng đầu thế giới.

Ngày xưa, chắc các Môn Đệ cũng từng sợ hãi bâng khuâng, sự sợ hãi ấy tồn tại ngay khi tất cả đều đã tin tưởng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, tận mắt thấy Chúa về Trời. Biết thế, nhưng các ngài vẫn sợ hãi, vẫn khép kín và ẩn mình, chỉ đến khi được Thần Khí Chúa tác động thì niềm vui, bình an và tình yêu đã xua tan những cơn sợ hãi để họ hiên ngang cất bước lên đường rao giảng Tin Mừng.

Trong việc Bảo Vệ Sự Sống, sự sợ hãi dường như là một cảm xúc thường trực vây bủa chung quanh. Vượt qua nó thực không hề dễ chút nào. Nó đến từ tất cả mọi phía, ngày và đêm và trong cả cái tôi to tướng của chính mình nữa.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho con:

-  Ơn Khôn Ngoan: Để phân biệt điều phải, điều trái, để biết rằng đâu là chân lý, đâu là tình yêu mà phục vụ, biết rằng đâu là những cạm bẫy để tránh xa, để đấu tranh không thỏa hiệp với sự dữ. Rất nhiều khi, chỉ vì ngu dốt mà chúng con đã để cho sự dữ chiến thắng, cướp đi mạng sống của bao thai nhi, bao người mẹ.

-  Ơn Hiểu Biết: Vâng, trong cuộc sống, nhiều lúc chơi vơi, tiếng Chúa gọi con như mơ hồ xa thằm, Ngài gọi con để con trao cho đồng loại, cho những thai nhi này những hy sinh, vậy mà con không sao hiểu hết, vẫn có những lúc vùng vằng như muốn bứt ra khỏi trách nhiệm Chúa trao, thế nên, nhiều ca BVSS vẫn thất bại gây nên những thảm cảnh đau lòng.

-  Ơn Lo Liệu: Chúa ơi, giữa xã hội này, khó khăn chồng chất, quyền làm người bị bóp nghẹt, đàn áp, bất công, đói nghèo, thất nghiệp, bạo lực, suy vong… tất cả đổ dồn trên đôi vai người dân đen của chúng con. Lo liệu thế nào trong cuộc sống, lo liệu thế nào cho việc BVSS, Chúa ơi ? Cứ lo được cái này lại mất mát cái khác, nhiều khi vì thế mà thành ra nản chí, thành ra sa ngã. Xin cho chúng con được ơn Lo Liệu để chu toàn theo Thánh ý Chúa, để Danh Cha cả sáng trên Trời và cho các thai nhi mà chúng con luôn yêu mến được bảo vệ an toàn.

-  Ơn Sức Mạnh: Chúa đã biết con yếu đuối thế nào, chỉ một tí trở ngại thôi là con đã sẵn sang phản bội lại sứ vụ của mình, trời hơi mưa một tí, nắng một tí, có khi đã làm cho con mỏi gối chồn chân không cất bước trên con đường BVSS cách này cách nọ. Nhiều ca BVSS đã không kịp cứu, hối tiếc muộn màng lại dày xé lương tri. Nhiều khi chỉ vì vài lời đe noi, khiến con ngậm tăm chẳng dám lên tiếng bênh vực sự quyền sống của đồng loại. Xin Chúa Thánh Thần ban thêm sức mạnh để cho những chiến sĩ BVSS thực sự trở nên mạnh mẽ và vượt qua hoàn cảnh để gieo mầm Văn Hóa Tình Thương.

-  Ơn Thông Minh: Chúa ơi, ơn này thì đúng là con cần thông minh thật đấy. Người ta toàn là ông này bà nọ, bằng nọ bằng kia, dùng toàn những lời ngụy biện xảo trá để dẫn dắt các bà mẹ phải phá thai, nếu Chúa chẳng ban ơn này thì làm sao con có thể nói ra sự thật, cho mọi người hiểu rằng, Phá thai là giết người, là giết chính con của mình. Cuộc chiến truyền thông bây giờ đa dạng và khốc liệt quá. Xin Chúa thánh hóa cho chúng con, biết phải nói và hành động như Ý Chúa trong mọi lúc, mọi nơi.

-  Ơn Đạo Đức: Tất cả sẽ bằng con số không nếu chúng con không có ơn đạo đức. Ân sủng này là nguồn cội để sưởi ấm và đốt lên trong con tình yêu BVSS. Con biết rằng, Thần Khí Chúa luôn tuôn để dồi dào trên chúng con, Nhưng đón nhận ân sủng thiêng liêng này phụ thuộc vào chúng con, vì bản tính kiêu ngạo, vì hẹp hòi nên nhiều lúc tưởng rằng, mình đã là một tấm gương sáng chói cho mọi người. Xin hãy dẹp bỏ những tự kiêu trong tâm hồn chúng con để đón nhận ân sủng Đạo Đức trong khiêm nhường. Bởi BVSS là phải đối mặt với sự kiêu ngạo to lớn của con người.

-  Ơn Kính Sợ: Con muốn nói lên rằng: Con yêu mến Chúa, con chỉ sợ Chúa phiền lòng vì những tội lỗi, thiếu sót của chúng con thôi. Thiên Chúa là Cha, tình yêu của Người cha luôn dạt dào vô cùng vô tận, có đâu lại phải sợ hãi Người. Nhưng sao nhiều lúc nghĩ lại, những hành động của con lại không thèm nghĩ đến Ý Chúa mà chỉ nghĩ đến con, nghĩ đến những danh vọng hư ảo. Nhất là trong việc BVSS, thích nói, thích hành động theo ý mình mà không theo Ý Chúa.

Trên hết, lạy Chúa Thánh Thần. Xin cho chúng con ân sủng của Người để Nguồn Ân Sủng tác động chúng con biến đổi chính bản thân mình, biến đổi trong suy nghĩ và hành động từ những việc làm tầm thường nhất trong gia đình, trong xã hội để chúng con được xứng đáng với danh hiệu “chiến sĩ BVSS của Chúa Kitô”. Amen.

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 19.5.2013


 Theo báo Ephata số 562

Ngày Hiền Mẫu, cùng Mẹ con đi BVSS

Đúng ngày lễ tôn vinh các hiền mẫu, hôm nay, 12.05.2013 cuộc Tuần Hành Vì Sự Sống đã diễn ra tại Roma, ước tính có khoảng 40 ngàn người tham dự, trong đó phải kể đến Đức Hồng Y Raymond Burke, chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Vatican, các đại diện cuộc tuần hành vì sự sống của Washington, của Paris, Balan...vv. Sau giờ diễn thuyết ở hí trường Côlôsê, dòng người như con rồng từ lòng chảo hí trường trườn lên đại lộ Fori Imperiali, tràn qua quảng trường Venezia, rồi chảy lên đại lộ Vittorio Emmanuele II, băng qua cầu trước cửa Đài Thiên thần để rồi cuối cùng dồn lại trong đại lộ Hòa Giải và hòa vào biển người đang tham dự thánh lễ phong thánh cho 802 vị ở quảng trường thánh Phêrô. Trong khi đoàn diễu hành bước đi, trong tiếng quân nhạc rước đầu, tiếng ca hát véo von, tiếng hát khen, lần hạt kính Đức Mẹ trong tháng hoa, tiếng hô khẩu hiệu Bảo Vệ Sự Sống, tiếng cười nói vui vẻ, thì máy bay trực thăng vẫn ì ì tuần hành trên bầu trời và các ngả đường xen vào đại lộ đều có chốt an ninh chặn gác cẩn thận như đôi bờ được kè đá bảo đảm an ninh cho dòng người. Nhờ đó, cơn lũ dòng người không bị tản mác mà cứ chảy đều đều như một huyết mạch làm sáng lên gương mặt già nua cổ kính của thành Roma.


(Đoàn tuần hành bắt đầu ra khỏi hí trường Côlôsê)

1. THÀNH VĨNH CỬU?

Mọi con đường đều dẫn đến thành Roma!? Tự bao đời câu nói ấy đã trở nên quen thuộc với du khách thập phương mỗi lần tới kinh thành Vĩnh Cửu này (Città eterna). Phải chăng vĩnh cửu nhờ có những đại thánh đường sững sững trước nắng mưa như đền thờ thánh Phêrô, đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, đến những tác phẩm điêu khắc, hội họa Phục Hưng trác tuyệt của những thiên tài bất diệt như Neonardo da Vinci, Michel Angelo, Raffaello Sanzio?! Hay phải chăng vĩnh cửu nhờ có dòng sông Tevere thơ mộng uốn mình như huyết mạch tuôn trào xuyên qua lòng thành phố đến hí trường Côlôxê, một trong bảy kì quan thế giới cổ đại vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt suốt gần hai ngàn năm nay?

Tiếng xe ồn ào và tiếng lộc cộc của mấy chú ngựa chở khách du lịch đứng đợi đại bên hí trường Colôsê khiến tôi chợt giật mình tưởng như có tiếng vó ngựa binh đao với cảnh đấu sư tử trong hí trường thời bạo chúa Nêrô mà văn hào Balan Henryk Sienkievich từng miêu tả qua tác phẩm Quo Vadis với giải Nobel văn học năm 1805.


2. BẠO CHÚA NÊRO (37-68 sau CN)


Khi ấy, Nerô đang ở đỉnh cao của quyền lực. Cảnh xa hoa và độc ác của y tất nhiên đối lập với cảnh nô lệ và dân nghèo theo Kitô giáo lãnh đạo bởi hai vị tông đồ Phêrô và Phaolô. Đó là những người tay không tấc sắt, không chút quyền lực, nhưng họ trở nên rất hấp dẫn bởi tư tưởng mới mẻ của Tin Mừng, bởi tinh thần tông đồ bất khuất sau ngày lễ Ngũ Tuần, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, hiệp nhau cầu nguyện.

Hoàng đế Nêrô là một tay đầy ảo tưởng, hắn muốn viết một đại trường ca khác về sự triệt phá thành Tơroa, để làm lu mờ hình ảnh đại thi hào Hô Mơ (Homer) với kiệt tác Illiade và Odyssée. Nhưng muốn viết thì phải có cảm hứng, muốn có cảm hứng ngùn ngụt trong biển lửa thì phải đốt thành La Mã. Trước cơn mê cuồng ấy, triều thần bạo chúa khiếp tái mặt, minh thần cương trực thẳng thắn thì như lá mùa thu mà những kẻ xu nịnh thì nhiều như rươi. Một trong số đó là Tygelinux, kẻ đã đang tâm thừa lệnh thiêu cháy thành Roma vào năm 64 sau Công Nguyên. Nhưng than ôi, vốn bất tài vô dụng, khi thành đã bốc cháy ngùn ngụt như biển lửa, Nerô cũng chỉ “nhả ngọc tuân châu” ra những câu thơ nhạt hơn nước ốc, vô vị hơn thơ con cóc! Tưởng rằng miệng hoàng đế “thét ra lửa, mửa ra khói” thì cũng có gan dám chịu trách nhiệm, ai ngờ hắn chỉ là một tên hèn nhát, bởi hắn sợ quần chúng căm giận nổi dậy. Hắn bèn tìm cách trút tội cho các tín hữu Kitô giáo. Hắn đã tháo cũi sổ lồng cho đám quần chúng tự phát đòi nợ máu, với tiếng thét nào là “ném bọn Kitô giáo cho sư tử”, nào là “đóng đanh vào thập giá!” tàn sát hàng loạt người vô tội bằng nanh vuốt của dã thú để bọn chúng ngồi trên hí trường mà hí hửng cười cợt, …vv. Nhưng cuối cùng, tên bạo chúa ấy cũng phải đối diện với tòa án lương tâm mình, hắn run như cầy sấy, và kết cục bằng cái chết nhục nhã.

Tựa đề tác phẩm xuất phát từ tên một tiểu thánh đường ở Roma. Truyện kể lại rằng khi Nêrô ra lệnh truy nã và khủng bố các tín hữu, thì thánh Phêrô đã tìm cách trốn thoát. Đang khi đi, Ngài thấy Chúa Giêsu hiện ra vác thánh giá đi chiều ngược lại. Thánh nhân bèn hỏi: “Quo vadis Domine?” (nghĩa là: Lạy Thầy, Thầy đi đâu vậy?). Chúa liền đáp: “Vì con rời bỏ đoàn chiên thì ta phải đến Roma để chịu đóng đinh lần thứ hai”. Thánh Phêrô đã giật mình bừng tỉnh, tức thì quay trở về Roma, rồi chịu tử vì đạo bên chân đồi Vantican. Mộ của Ngài đã được khai quật và xác định vị trí nằm ngay dưới bàn thờ chính trong đền thờ thánh Phêrô.


dòng người đi trong thành phố

3. QUÁI VẬT PHÁ THAI

Ngày nay, người ta có thể dễ dàng lên án những tên bạo chúa từ Hêrôđê sai giết trẻ em khi Chúa sinh ra ở Bê Lem tới Nêrô đốt thành La Mã và giết hại các Kitô hữu hay tố cáo những tên bàn tày sắt như Hít-le, Stalin…nhưng dường như chúng ta lại bất lực trước con quái vật mang tên Phá Thai hoành hành khắp thế giới. Nó đang ngày đêm hút máu xé thịt khoảng trên 40 triệu thai nhi mỗi năm vậy mà biết bao người vẫn cho đó là chuyện bình thường, thậm chí là văn minh. Nguy hiểm ở chỗ người ta không nhận ra những nanh vuốt trá hình của nó được bọc bởi lớp mĩ từ nào là “giải quyết hậu quả” nào là giải phóng phụ nữ, nào là quyền người mẹ…cùng với những lời hứa hão huyền như “không sao đâu! Sẽ ổn thôi mà…vv. Đúng là “Ma đưa lối, quỉ dẫn đường”, càng ảo tưởng chạy theo những gì mà con Quái Vật hứa hẹn thì tâm hồn con người sẽ càng giống tên bạo chúa, vẻ ngoài như mạnh mẽ, nhưng tâm hồn trơ lì, chai đá, và chúng sẽ để lại hậu quả khôn lường về sức khỏe, tâm lí và tương lai nhân loại…vv.

Đây là lời“kiện tướng phá thai” với thành tích khoảng 75 ngàn ca, đã dằn vặt trăn trối: “Bây giờ phá thai đã trở thành một con quái vật khồng lồ đến mức không thể tưởng tượng nổi thậm chí là, ngôn từ trở thành lố bịch khi nghĩ đến chuyện nhốt nó trở lại chiếc cũi. Con quái vật này đã nuốt hơn 30 triệu mạng người (ấy là vào thời điểm tác giả viết sách này-ND). Tuy nhiên, trách nhiệm lại thuộc về chúng ta, một sự cố gắng của chàng lực sĩ Hercule. (….). Chính tôi là một trong những kẻ tiên phong dẫn lối trong cái thời đại man rợ này. Tôi đã hành động cực nhọc để hợp pháp hóa hành động phá thai, làm cho công chúng chấp nhận, và sẵn sàng ra lệnh. Năm 1968, tôi đã là một trong ba người sáng lập Liên Đoàn Quốc Gia Hành động cho Quyền Phá Thai. Tôi đã điều hành trung tâm phá thai lớn nhất nước Mỹ, và với cương vị giám đốc, tôi đã giám sát hàng chục ngàn ca phá thai. Trong số đó, hàng ngàn ca do chính tôi hành động. Làm sao lại xảy ra như thế được? Làm sao tôi lại có thể làm việc này?” (THE HAND OF GOD, A JOURNEY FROM DEATH TO LIFE by the Abortion Doctor Who Changed His Mind, Bernard Nathanson, M.D. p. 4. Xem bản dịch tiếng Việt Bàn Tay Thiên Chúa).


Đức Giáo Hoàng Phanxicô chào thăm Đoàn Tuần Hành Vì Sự Sống
Đang khi những câu hỏi trên còn chưa có lời giải đáp, thì đoàn tuần hành đã tiến sâu vào đại lộ Hòa Giải lúc nào không hay. Cũng nơi đây, vẫn còn vang vọng tiếng vị giáo hoàng Chân Phước Gioan Phao lô II: “Tất cả những gì chống lại sự sống, như mọi thứ giết người, diệt chủng, phá thai, làm chết êm dịu và ngay cả tự tử nữa; tất cả những gì xâm phạm đến sự toàn vẹn của con người, như cưa cắt huỷ hoại một phần cơ thể, tra tấn thể xác hay tinh thần, tìm cách cưỡng bức tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người như cảnh sống dưới mức con người, giam tù vô cớ, lưu đầy viễn xứ, bắt làm nô lệ, cảnh mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; hoặc những điều kiện làm việc hạ phẩm giá khiến công nhân trở thành ngang hàng với dụng cụ thuần tuý để thu lợi, không màng tới nhân cách tự do và có trách nhiệm của họ: tất cả những đối xử trên và những đối xử tương tự, quả thật là ô nhục. Chúng vừa làm suy đồi văn minh, vừa làm mất phẩm giá những ai thi hành các điều ấy, và hơn nữa phẩm giá những người phải gánh chịu những điều ấy, và chúng đã xúc phạm nặng nề đến vinh danh của Đấng Tạo Hoá" (xem Tin Mừng về Sự Sống, 1995 số 3).


Ngài tiếp tục khẳng định:“Trong tất cả tội ác mà con người có thể thực hiện chống lại sự sống, sự phá thai do cố ý gây ra biểu thị những đặc trưng làm cho nó đặc biệt nghiêm trọng và đáng kết tội. Công đồng Vatican 2 đã định nghĩa nó như “một tội ác ghê tởm”, cùng một lúc với tội giết trẻ sơ sinh” (số 58).
Cũng trong số này, trước tình trạng lương tâm nhiều người không phân biệt được thiện ác, Ngài kêu gọi:“Hơn bao giờ hết, cần thiết phải có can đảm nhìn thẳng vào sự thật và nói lên các việc bằng tên của chúng, không nhường bước cho những thoả hiệp vì dễ dãi hoặc cho sự cám dỗ tự lừa phỉnh mình. Về vấn đề ấy, lời quở trách của vị ngôn sứ vang lên một cách dứt khoát: “Khốn cho những ai gọi điều ác là thiện và điều thiện là ác, lấy tối tăm làm ánh sáng và ánh sáng làm tối tăm” (Is 5,20). Chính trong trường hợp phá thai, người ta tuân theo sự phát triển của một hệ thống thuật ngữ nhập nhằng nước đôi, như thuật ngữ “sự ngừng có thai”, vốn hướng tới việc che dấu thực chất của nó và làm bớt tính nghiêm trọng của nó trong dư luận quần chúng. (…) Tính chất nghiêm trọng về mặt luân lý của sự phá thai do cố ý gây ra xuất hiện trong tất cả sự thật của nó, nếu người ta thừa nhận rằng đó chính là việc giết người và, cách riêng, nếu người ta quan sát những tình tiết đặc thù xác định phẩm chất của nó. Kẻ bị thủ tiêu là một con người mới bắt đầu hiện hữu, nghĩa là, trong tuyệt đối, một hữu thể vô tội nhất mà người ta có thể tưởng tượng, không bao giờ nó có thể coi như một kẻ tấn công, lại càng không thể coi như một kẻ tấn công bất chính! Nó yếu đuối, không biện pháp phòng vệ, đến mức độ thiếu thốn ngay cả biện pháp phòng vệ nhỏ mọn nhất, là sự khẩn nài bằng tiếng kêu than và khóc lóc của trẻ sơ sinh. Nó hoàn toàn được giao phó cho sự bảo vệ và những chăm sóc của người mang nó trong dạ. Ấy thế mà đôi khi chính người ấy, bà mẹ, lại quyết định và yêu cầu thủ tiêu nó và đi đến chố gây ra sự thủ tiêu đó” (xem, Tin Mừng Sự Sống,số 58).


4. CÙNG MẸ CON ĐI

Chắc hẳn không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Roma là thành Vĩnh Cửu. Quả thực, Roma vĩnh cửu nhờ có ngai tòa thánh Phêrô với những giá trị Kitô giáo đã làm nên nền văn minh Tây Phương (các giá trị như tự do, bình đẳng, bác ái, văn minh sự sống) dù nền văn minh ấy đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nền “văn minh sự chết” và các chủ thuyết tục hóa. Ngai tòa ấy vĩnh cửu bởi Lời Chúa Giêsu đã hứa cho thánh Phêrô: “Con là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18). Vĩnh cửu bởi có Đức Mẹ, Mẹ Hội Thánh hằng che chở dẫn dắt. Vấn đề là chúng ta có thực sự tín thác nơi Mẹ và thực hành những lời Mẹ dạy hay không. Nhân ngày tôn vinh hiền mẫu, nhất là trong tháng hoa này, ước gì mỗi tín hữu Việt Nam cùng dâng lên Đức Mẹ Maria tất cả những lo âu, thao thức, yêu mến và cậy trông.


“Ave Ave Mẹ quyền uy khôn tỏ
Ave Ave Mẹ Cửa Ngõ Tin, Yêu
Mẹ Ngôi Lời ngàn trùng thánh diễm kiều
Xin đoái thương nhậm lời con cầu khấn!
Ave Ave Bảy Sự Thương huyền nhiệm
Năm Chuỗi Hường ngọc sáng lạn lung linh
Ave Ave Nữ Vương các gia đình
Trong tay Người đêm dày bừng lấp lánh!
Xin Mẹ thương thánh hóa các linh mục
Xin Mẹ thương bảo bọc hết thai nhi!
Xin hoán cải đoàn con cháu Evà
Đang lưu đày giữa biển đời giông tố.
Đàn chiên ơi, kìa Mãng Xà quái gở
Nanh vuốt trắng xé nhuộm đỏ năm Châu
Thức dậy đi! Nào thức dậy cho mau
Chuỗi vàng kinh ôm phao tàu Cứu Độ.
Ave… Maria… chuông Việt chiều than thở
Ôi La Vang… xin phù trợ chúng con!
Khỏi tà thuyết khỏi hết mọi căm hờn
Về đường lành ngợi khen Mẹ chí ái!
Như năm xưa Người hiện ra an ủi
Cứu đoàn con khỏi bách hại cùng đường
Ngát rừng Vằng bóng Mẹ trải yêu thương
Mẹ chở che, Mẹ ban ơn dẫn dắt.
Ave Maria Mẹ Âu Cơ đích thực
Ave Maria xin giải thoát chúng con
Ave Maria dâng Mẹ trót tâm hồn
Ave Maria Khiết Tâm Mẹ sẽ thắng
Ave Maria xin cho con chìm lắng
Ave Maria cho con vững cậy trông
Ave Maria cho con trái tim hồng
Ave Maria cùng Mẹ con vui bước”.


(trích Trường Ca Ave Maria, cùng người viết)

Đình Chẩn, Rm, 12.05.2013

40,000 người diễn hành cho sự sống tại Rôma

Người ta ước lượng có khoảng 40,000 người đã tụ tập ở Rôma vào Chúa Nhật qua để tham dự cuộc diễn hành cho sự sống, trong đó, có nhiều nhân vật tên tuổi thuộc phong trào phò sự sống của Mỹ.

Cuộc diễn hành bắt đầu vào sáng Chúa Nhật tại Colosseum và kết thúc tại Castel San Angelo. Nhiều người tiếp tục diễn hành tới Quảng Trường Nha Thờ Thánh Phêrô để nhận phép lành của Đức Giáo Hoàng Phanxicô lúc đọc kinh Nữ Vương Thiên Đàng. Trong bài nói chuyện của ngài, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến những người tham dự cuộc diễn hành này. Ngài nói: “Tôi chào mừng các tham dự viên ‘cuộc Diễn Hành Cho Sự Sống’ diễn ra vào sáng nay tại Rôma và tôi mời gọi mọi người tiếp tục chú tâm tới vấn đề rất quan trọng đối với việc tôn trọng sự sống con người từ lúc được thụ thai này”.

Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người tham gia một kiến nghị của cả Âu Châu nhằm chấm dứt việc phá thai, có tên là sáng kiến “Một Trong Chúng Ta”. Ngài cũng kêu gọi mọi người tham dự Ngày “Tin Mừng Sự Sống” vào tháng sau, vì đây sẽ là “giây phút đặc biệt đối với những ai coi trọng việc bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống con người”. Ngày “Tin Mừng Sự Sống” là một trong các biến cố của Năm Đức Tin sẽ diễn ra vào ngày 15-16 tháng Sáu tại Rôma.

Sau khi ban phép lành, Đức Thánh Cha dùng giáo hoàng xa ra ngoài chào mừng các người diễn hành đang tụ tập ở bên ngoài Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Đây là cuộc diễn hành cho sự sống lần thứ ba được tổ chức tại Ý, và là cuộc diễn hành thứ hai tại Rôma. Ban tổ chức nhận định rằng cuộc diễn hành này mô phỏng theo cuộc diễn hành cho sự sống từng diễn ra tại Hoa Thịnh Đốn cả hàng chục năm nay.

Virginia Coda Nunziante, phát ngôn viên của cuộc diễn hành, cho hay: so sánh với cuộc diễn hành năm ngoái, là cuộc diễn hành có khoảng 15,000 người tham dự, thì cuộc diễn hành năm nay có “nhiều hứng khởi và nhiều phái đoàn ngoại quốc tham dự hơn”. Cô cho hay: “Cuộc diễn hành tại Rôma đang trở thành một cuộc diễn hành quốc tế chính thức, với sự tham dự của khắp thế giới”.

Nunziante không phải là người duy nhất ghi nhận tính cách quốc tế của cuộc diễn hành. Joseph Meaney, giám đốc điều hợp quốc tế của Human Life International đặt trụ sở tại Rôma, đồng bảo trợ trong ban tổ chức cuộc diễn hành, cho hay: “một trong những điều tôi cho có tính lôi cuốn nhất trong cuộc diễn hành này là phái đoàn Ba Lan”. Nhất là nhóm đến từ miền tây Ba Lan, “họ không làm gì cả mà chỉ diễn hành suốt năm vì sự sống. Họ có tấm biểu ngữ vĩ đại viết chữ Sự Sống Con Người bằng tiếng Ba Lan mang theo. Quả là đáng lưu ý khi những người Ba Lan tuyệt vời này đến đây hỗ trợ người Ý, làm cho cuộc diễn hành này trở thành một biến cố Âu Châu thực sự”.

Khắp thế giới

Lila Rose, sáng lập viên và giám đốc của Live Action đặt trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, là một trong các diễn giả chủ chốt lúc khai mạc cuộc diễn hành. Đây cuộc diễn hành lần đầu của cô tại Rôma. Theo cô “nghị lực và phấn khởi của người ta ở đây nhằm hủy bỏ phá thai tại Ý và biến Ý thành một nước chịu bảo vệ mọi nhân quyền là một điều rất thích thú được nhìn thấy: không phải chỉ là người ở đây ở Ý này, ở Rôma này, không phải chỉ là người Ý hay người Âu Châu: mà là người khắp thế giới. Chúng tôi diễn hành với nhau trong liên đới để bảo vệ những người yếu đuối nhất”.

Rose tiếp tục cho hay: “Các nhân quyền là điều Thiên Chúa ban cho chúng ta. Người là Đấng điều khiển cuộc đấu tranh này vì Người yêu hết mọi người. Là người Mỹ, người Ý hay người Âu Châu, điều này không quan trọng: tất cả chúng ta đều phải phục hồi các nhân quyền căn bản nhất của những người yếu đuối nhất”.

Cùng tham dự biến cố này còn có Elizabeth Hickson Frappier, một người Mỹ từng là người tổ chức chính của cuộc diễn hành vì sự sống tại Brussels, Bỉ. Cô cho biết cảm tưởng về cuộc diễn hành tại Rôma như sau: “Cuộc diễn hành này đầy hứa hẹn vì càng ngày bạn càng thấy nhiều hân hoan, say mê và thực tại hơn đến nỗi ta bắt đầu tin rằng rồi ra ta sẽ chấm dứt được sự vi phạm nhân quyền này, cũng như mọi vi phạm nhân quyền khủng khiếp khác”.

Chữa lành và hy vọng

Frappier nói tiếp: “được thấy người Âu Châu tụ tập lại với nhau là điều thật phấn khích”. Tuy nhiên, cô cho hay: dù được thấy niềm vui nơi phong trào phò sự sống của Ý là điều phấn khích thật đấy, nhưng điều quan trọng là ta đừng quên rằng “vấn đề thực sự ở đây là ta gặp một xã hội chỉ biết đề xuất cho người đàn bà một quyết định bạo hành chứ không phải một quyết định hòa bình, trong những giây phút khó khăn. Bất cứ xã hội nào chỉ biết làm thế đều là một xã hội hạ giá người đàn bà. Đó là một xã hội không biết gì tới trái tim, linh hồn và phẩm giá một người phụ nữ. Họ không hiểu rằng mỗi người đàn bà chúng ta đều có đủ yêu thương để yêu đứa nhỏ này, để sinh hạ đứa con này.

“Ở Âu Châu, điều ta cần là những nơi các phụ nữ có thể tới để được chữa lành và có hy vọng, những nơi họ không cảm thấy bị kết án. Ta cần họ được chữa lành. Ta muốn họ được lành mạnh để họ có thể tham gia cuộc đấu tranh này. Họ là tiếng nói muốn nói rằng: chúng tôi đã im lặng và một điều gì đó trong chúng tôi đã gẫy đổ, điều này cần được chấm dứt. Phá thai là điều làm tổn thương phụ nữ, và tổn thương trẻ em”.

Vũ Văn An

Theo VietCatholic

------------------------------------


Sau đây là một số hình ảnh của buổi diễu hành. (nguồn từ Facebook Marcia per la Vita) Quý độc giả có thể click chuột vào hình ảnh để xem với kích thước lớn.
























Phúc - Lộc - Thọ



Ghé thăm Facebook của một người bạn, thấy bạn ấy trăn trở rất dễ thương như sau: Tết vừa qua, nghe cha xứ giảng về Phúc – Lộc – Thọ nhưng không được thỏa mãn lắm, vì cuối cùng cũng chả biết làm sao để mang Phúc Lộc Thọ cho mọi người. Không biết tại cha xứ trình bày không rõ hay người nghe chưa thấm hết ý của ngài chăng? Nhưng quả thật, ngẫm nghĩ cho cùng, để Phúc Lộc Thọ có thể tồn tại giữa một xã hội… nát bét như thế này quả cũng không dễ dàng gì.

Quyền cơ bản nhất là quyền được sống, quyền được làm người, quyền tự do ngôn luận, tự do suy nghĩ vẫn cứ mãi xa vời vợi trong cái cơ chế xin – cho của nhà cầm quyền. Vì vậy Phúc Lộc Thọ biến thành chuyện châm biếm mỉa mai mà thôi. Điển hình như ngày 5.5.2013 vừa rồi, người ta đã đàn áp, đánh đập dã man một số người chỉ vì họ muốn thể hiện quyền làm người ngay giữa thanh thiên bạch nhật trong một cuộc dã ngoại, trao đổi với nhau trong ôn hòa về quyền con người.

Nhưng có lẽ, xin thôi về chuyện chính trị giữa kẻ áp bức và người bị áp bức, cũng chẳng dám viết linh tinh về đề tài mang tính triết lý quá cao siêu này, bởi nó rộng lớn, mênh mông quá, chỉ xin nêu lên vài quan điểm liên quan đến Bảo Vệ Sự Sống về Phúc Lộc Thọ cho các thai nhi, may ra được ai đó trong quý độc giả đồng cảm cũng là may mắn lắm rồi.

Ông Phúc – Ông Lộc – Ông Thọ bắt nguồn từ nền văn hóa Trung Hoa, trong đó, Phúc tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành và đông con nhiều cháu, Lộc tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng, và cuối cùng, Thọ tượng trưng cho sự sống lâu, mạnh khỏe. Cả ngàn năm chịu sự đô hộ của giặc Tàu, có lẽ vì thế, văn hóa Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không ít, nhiều gia đình người Việt cũng đặt tượng ba Ông (Tam Đa) Phúc Lộc Thọ để mong được như ước nguyện.

Nói về PHÚC. Ngày trước, ai cũng mong ước và cầu xin sự may mắn, tốt lành và đông con nhiều cháu, giờ đã khác rồi, chỉ còn thích may mắn và tốt lành thôi, còn đông con nhiều cháu có lẽ chỉ giới hạn trong “mỗi gia đình, chỉ có một đến hai con là đủ”.

Thế nên, Phúc của người này nhưng lại thành họa của người khác. Cầu phúc nhưng quên chả tạo phúc cho ai, cứ giữ khư khư cho riêng mình hưởng, người ta chen nhau cầu phúc trong các lễ hội, xì xụp khấn xin và người ta cũng chen nhau tước đoạt cái phúc của chính con mình trong các phòng thủ thuật. Như một vòng tròn ma thuật, luẩn quẩn khép kín, không lối thoát. May mắn tốt lành đâu chưa thấy, chỉ thấy sinh mạng con người bị tước đoạt.

Có anh kể tôi nghe câu chuyện của một gia đình cán bộ, mấy năm đầu chả thấy có con, cuống cuồng tìm đủ các phương thuốc đắt tiền, không ngại đường xa hay chốn thâm sơn cùng cốc để đến khấn vái xin cho được mụn con. Trời thương sao, ba năm liền có ngay hai đứa, anh chị hớn hở lắm, vẫn khoe rằng mình có phúc. Lại vài năm sau, kinh tế càng thêm dư dả, chức quyền cả anh lẫn chị lên như diều gặp gió. Bất ngờ chị lại có mang, vỡ kế hoạch, ngoài “chỉ tiêu” ấn định của Nhà Nước, hớt ha hớt hải vừa la vừa mắng anh chồng chả biết giữ gìn, thế này thì mất hết cả sự nghiệp công danh, anh chồng lẳng lặng phán một câu lạnh ngắt: Phá!

Thế là xong, chả hiểu những loại người ấy họ hiểu chữ Phúc như thế nào nữa. Khốn khổ cái sự đời tưởng thế là xong, đột ngột cả hai đứa con trước chết trong một tai nạn giao thông thảm khốc, chị như hóa điên, còn anh bỏ đi đâu biệt tích. Ôi, phúc – họa một cuộc đời!

Nói về LỘC. Giầu có và thịnh vượng, toàn là những thứ hấp dẫn làm cho nhiều người mê mẩn. Có lẽ, ít có người nào nhớ cầu lộc cho người khác. Xin lỗi, với dân Công Giáo, chưa thấy ai cầu nguyện thế này: “Xin Chúa cho thằng bạn của con nó… trúng số!”

Đầu năm mới, chứng kiến việc hái lộc xuân của Chúa tại các Nhà Thờ mà nản lòng, người ta xô đẩy nhau ào ào tranh nhau lên bốc, cứ như sợ rằng bốc sau sẽ hết mất lộc vậy, Ừ, thì Lộc Thánh quý giá nên người ta phải giành nhau như thế, nhưng cách nhận lộc “nhiệt tình trên mức trung bình” như thế thì đến Thánh chắc cũng phải chạy dài! Rồi mang về đến nhà, may mắn câu Lộc nào nghe xuôi tai thì còn treo đâu đó để có dịp khoe trong mấy ngày Tết, câu nào xem ra ơn ớn thì diếm luôn trong hộc bàn!

Lộc tiền, Lộc công danh xem ra cũng rộn ràng không kém. Cầu Lộc và hưởng Lộc bất cứ giá nào, mua quan bán tước, mua bằng cấp giả, mua gian bán lận, tham nhũng, đàn áp, trộm cướp… đủ cách để mà cầu mấy thứ lộc này bất chấp hậu quả rằng lộc về ta mà họa về người.

Hai thứ lộc này cũng là nguyên nhân ngụy biện hàng đầu và hợp pháp để người ta đề ra những chương trình diệt chủng bằng cách phá thai có hệ thống, để nhiều bậc cha mẹ ngụy biện cho hành vi giết con của mình. Đã có rất nhiều những câu chuyện, đã có rất nhiều những bằng chứng cho việc cầu Lộc đáng kinh hãi này hẳn mọi người đã biết.

Sau chót là THỌ. Thọ để sống lâu, thọ để mạnh khỏe. Vâng, sức khỏe là vàng nên đáng quý và đáng trân trọng. Ai chả sợ bệnh, sợ chết. Người ta cầu Thọ là điều chính đáng có gì phải bàn, chỉ khổ một nỗi, con người cứ khoái vơ hết cho mình mà bỏ mặc người khác, Thọ cho tôi chứ Thọ cho ai đó thì miễn bàn nhé. Rau mình ăn thì làm luống riêng, còn rau thiên hạ ăn thì làm luống khác.  Nói an toàn thực phẩm vậy chứ bây giờ ăn cái gì cũng thấy ớn lạnh với những thứ hóa chất nhập từ Trung Quốc.

Ra đường thì phóng xe bạt mạng, liếc mắt cái thôi là có thể ăn dao như chơi. Thậm chí nhiều người bị bắt vào đến đồn CA còn khỏe, còn sống phơ phơ nhưng đến khi đưa ra thì lại mặc áo… 6 tấm ! An toàn trong xã hội bây giờ cứ như là một khái niệm xa lắc xa lơ nơi chân trời nào đó.

Không những thế, Người ta còn cầu Thọ bằng cách phá thai đâu phải là chuyện hiếm. Dùng thai nhi làm chất bổ dưỡng, giết thai nhi chỉ vì sợ nặng ngực xổ eo, sợ bị lão hóa sạm da, không khoái nuôi con vì còn thanh tân quá… Và vô vàn những lời ngụy biện khác chỉ để cầu Thọ ngay trên sinh mạng của người khác mà thôi.

Vâng, xin điểm sơ qua vài dòng như thế về PHÚC – LỘC – THỌ trong vấn nạn phá thai, trong vấn đề tôn trọng Sự Sống người khác, hay nói thẳng ra là Bảo Vệ Sự Sống.

Hiện thực đó, hiện trạng đây, đang tồn tại trong xã hội này, một xã hội mà quyền con người vẫn ngang nhiên bị chà đạp, thì mơ ước của người bạn tôi có lẽ thật khó mà thành hiện thực, để mọi người hưởng phúc Tam Đa trong an khang thịnh vượng.

Vấn đề thì rộng lớn, khả năng lại quá hạn hẹp. Nhưng chẳng lẽ bạn ấy cần một lời chia sẻ, cần một lời tư vấn để mang ước nguyện lại phải chịu thất vọng ư?

Thôi cũng đành làm người hát rong, mượn lời Kinh Thánh để tỏ bày tâm tư thế này: Chúa Giêsu đã phán: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hy sinh chính mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13).

Thật vậy, Con đường cầu Phúc Lộc Thọ cho mình, trước hết phải qua con đường tạo Phúc Lộc Thọ cho người khác, mà con đường tạo Phúc Lộc Thọ luôn cần có sự hy sinh chính bản thân mình.

Đaminh PHAN VĂN DŨNG

Theo Ephata số 561

"Về Trời và Đất" - ĐHY Bergoglio

Không như vị tiền nhiệm, tư tưởng và ý kiến của Đức Phanxicô ít được ai ở bên ngoài tổng giáo phận Buenos Aires biết đến, vì trước khi được bầu làm giáo hoàng, ngài viết rất ít và cũng chỉ xuất hiện trong một số cuộc phỏng vấn của giới truyền thông. Nên khi dịch bản tiếng Anh cuốn “Về Trời và Đất” xuất hiện gần đây, nó đã được nồng nhiệt chào đón. Đây là một cuộc đối thoại giữa Đức Hồng Y Bergoglio và giáo sĩ Do Thái Rabbi Abraham Skorka. Nhà xuất bản Image Books của Hoa Kỳ phát hành tác phẩm này với phụ đề “Đức Giáo Hoàng Phanxicô Nói Về Đức Tin, Gia Đình và Giáo Hội Trong Thế Kỷ Hai Mươi Mốt”. Như thế, trong tác phẩm này, người ta sẽ được biết tư tưởng của vị giáo hoàng tương lai về khá nhiều vấn đề, từ phá thai, hôn nhân đồng tính tới an tử và chủ nghĩa tư bản.


Đức HY Bergoglio khởi đầu bằng cách nhấn mạnh tới tầm quan trọng của đối thoại, điều mà theo ngài “phát sinh từ thái độ tôn trọng người khác, từ xác tín rằng người khác có điều gì đó tốt đẹp để nói ra”. Sau đó ngài và vị giáo sĩ Do Thái khởi sự một cuộc thảo luận lịch sự và thẳng thắn, mỗi người đưa ra tầm nhìn riêng.

Được chia thành 29 chương tùy theo chủ đề, nhưng chủ đề thuộc loại sớm liên quan tới Ma Qủy. Một nét được nhiều người lưu ý và ca ngợi Đức Phanxicô là ngài sẵn sàng nêu đích danh việc làm của ma qủy trong các bài giảng của ngài, và trong Về Trời Và Đất” ngài đưa ra lời giải thích.

Ngài nói: “Có lẽ thành tựu vĩ đại nhất của hắn trong thời đại ngày nay là làm chúng ta tin rằng hắn không hề hiện hữu, và mọi sự đều có thể được điều chỉnh trên bình diện hoàn toàn nhân bản”. Nhưng theo ngài, “Cuộc sống con người trên mặt đất là chiến trận; Gióp nói cho ta biết điều đó, với ý nghĩa: con người không ngừng bị thử thách; nghĩa là bị thử thách để vượt thắng một tình thế và vượt thắng chính mình”.

Về chủ đề ấu dâm, Đức HY Bergoglio rất thẳng thừng, hoàn toàn chống đối việc hoán chuyển các linh mục phạm tội từ giáo xứ này sang giáo xứ khác (ngài cho đó là việc ngu xuẩn) và ca ngợi sự “can đảm và thẳng thừng” của Đức Bênêđíctô XVI khi cho áp dụng chính sách tuyệt đối không dung túng đối với loại tội ác này.

Trong cuốn sách, Đức HY Bergoglio thường xuyên nhấn mạnh tới tầm quan trọng của ý chí tự do và chống đối mọi hình thức giáo sĩ trị và chủ nghĩa quá khích. Linh mục không bao giờ được áp đặt đức tin mà chỉ được trình bày và bảo vệ giáo huấn của Giáo Hội một cách minh bạch. Ngài bảo: “Linh mục nào có thái độ chỉ biết hống hách, giống các nhóm quá khích, thực sự đã vô hiệu hóa và làm suy yếu những người đang tìm kiếm Thiên Chúa”. Ngài nhấn mạnh “Trong vai trò thầy dạy, linh mục phải huấn giáo, trình bày sự thật như đã được mạc khải, và đồng hành”.

Không đi vào cụ thể, ngài nhắc tới “những phe phái duy phục chế” (restorationist) hiện đang tiếp tục nhân thừa mà ngài coi là cực đoan. Ngài cho rằng: đối với người trẻ, cái lòng đạo đức cứng ngắc này khi bảo họ phải làm điều này hay phải làm điều nọ, sẽ dẫn họ tới việc chuẩn bị nghèo nàn cho cuộc sống, thiếu khả năng đương đầu với khủng hoảng và các thiếu sót nơi người khác. Ngài cho rằng : kết quả nó sẽ ngăn không cho người ta nhận biết và thấu hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa. “Cái thứ đạo đức này tự hóa trang bằng những tín lý nhằm đem lại công chính hóa nhưng thực tế tước đoạt tự do của người ta và không để họ trưởng thành như những con người. Nhiều người kết cục với lối sống hai mặt”.

Ngài tiếp tục cho rằng chủ nghĩa quá khích ấy là một thứ thuốc phiện vì nó làm con người xa lánh Thiên Chúa hằng sống và rút gọn Đấng Thần Linh chỉ “còn là một hữu thể mà bạn có thể thao túng bằng pha chế”. Nó là một hình thức của “mua bán tiện nghi, phúc lợi, may mắn và hạnh phúc, nhưng để Thiên Chúa hằng sống lại phía sau, Đấng luôn đồng hành với bạn”.

Về an tử, vị giáo hoàng tương lai nói: ngài tin rằng một thứ “an tử trá hình” đang diễn ra. “hệ thống an sinh xã hội của ta trả đến một mức chữa trị nào đó rồi bảo ‘xin Chúa giúp đỡ bạn’. Người già không được chăm sóc như họ đáng được; thay vào đó, bị đối xử như những thứ vất đi”.

Nói tới phá thai, Đức HY Bergoglio để tôn giáo qua một bên để nhấn mạnh rằng theo quan điểm khoa học, hệ di truyền của một con người hiện hữu ngay từ lúc được thụ thai; nó làm họ thành một con người nhân bản từ lúc đó. “Phá thai là sát hại một con người không thể tự bảo vệ mình được”.

Ngài tiếp tục thảo luận với giáo sĩ Skorka về vấn đề hôn nhân đồng tính, loại hôn nhân bị ngài mô tả là “phản giá trị” và “thoái hóa về nhân học”. Nó làm suy yếu định chế hôn nhân, một định chế từng hiện hữu hàng ngàn năm nay và được “rèn đúc theo bản nhiên và nhân học”.

Nhưng một lần nữa, Đức Hồng Y nhắc đến tầm quan trọng của ý chí tự do, bao gồm cả tự do phạm tội. Dù linh mục có quyền đưa ra ý kiến nếu điều này phục vụ con người, nhưng ngài “không có quyền áp đặt bất cứ điều gì lên đời sống riêng của bất cứ ai. Nếu khi tạo dựng, Thiên Chúa mạnh dạn cho ta được tự do, thì tôi là ai mà dám làm ngược lại?”. Đức Hồng Y cho rằng “người ta phải nói thật rõ ràng về các giá trị, các giới hạn, các giới răn, nhưng xách nhiễu về thiêng liêng và mục vụ là điều không được phép”.

Về lòng khiêm nhường, Đức HY Bergoglio cho rằng: nó là nhân đức “bảo đảm rằng Thiên Chúa đang ở đấy”. Còn những ai “tự lấy mình làm đủ, có câu trả lời cho mọi vấn nạn, thì đó là bắng chứng Thiên Chúa không hiện diện với họ”. Đức Hồng Y nói thêm: tự lấy mình làm đủ “rất hiển nhiên nơi mọi tiên tri giả, nơi các lãnh tụ tôn giáo giả dạng, chuyên lợi dụng tôn giáo để phục vụ cái tôi riêng của mình”.

Khi thảo luận tới chính trị, vị giáo hoàng tương lai cho hay truyền giảng các giá trị nhân bản và tôn giáo luôn có một hậu quả chính trị “bất luận thích hay không”. Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ đề xuất giá trị “mà không pha mình vào” một cách “chính trị phe phái”. Ngài phê phán báo chí đã rút gọn điều ngài nói vào “bất cứ điều gì thuận lợi”. Ngài bảo: “Ngày nay, từ hai hay ba sự kiện, báo chí gọt dũa ra một điều khác hẳn: họ thông tri sai lạc cho ta”.

Xa hơn chút nữa, ngài cho rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo có nghĩa vụ phải bênh vực các giá trị chứ không giảng dạy “chống điều này điều nọ”. Ngài bảo “chúng ta không giảng dạy chống lại bất cứ ai. Chúng ta nhắc tới các gía trị đang lâm nguy và cần được bảo vệ”. Một lần nữa, ngài chỉ trích truyền thông, giới mà ngài cho là “đôi lúc bị nhiễm chứng viêm gan” vì “mầu vàng vàng của họ” và vì khuynh hướng hay “nhẩy bổ ra mà nói ‘phải khắt khe lên án điều này điều nọ’”.

Đức HY Bergoglio đặc biệt gay gắt khi thảo luận về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Ngài cho rằng chủ nghĩa tư bản “có cái sa đọa tâm linh của nó” vì đã tìm cách khống chế tôn giáo để nó đừng làm phiền mình thái quá, do đó đã ban phát cho tôn giáo một “chút siêu việt nào đó, nhưng không nhiều lắm”. Sự sa đọa tâm linh của chủ nghĩa cộng sản là bác bỏ thể siêu việt vì tin rằng thể này “làm tê liệt con người”, không cho con người tiến tới. Ngài cho rằng cả hai hình thức sa đọa ấy đều là biểu hiện của tính thế gian.

Về việc săn sóc người nghèo, Đức HY Bergoglio phân biệt giữa việc làm bác ái chân chính và các hoạt động xã hội làm yên lòng lương tâm, được thực hiện nhằm làm cho người làm “cảm thấy an ổn về chính mình”. Nhưng theo ngài, tình yêu “đòi con người phải ra khỏi chính họ, thực sự hiến thân cho người khác”. Ngài đơn cử trường hợp cơ quan bác ái của Giáo Hội bán đấu giá chiếc đồng hồ Rolex. Ngài bảo “Quả là một điều xấu hổ và lạm dụng bác ái. Vì đã đi kiếm một người dùng chiếc đồng hồ này để khoe mẽ hòng nuôi sống người nghèo”.

Theo ngài, điều người nghèo cần hơn cả là một việc làm đem lại phẩm giá cho họ, và không được nhìn họ một cách khinh bỉ. Ngài bảo “phải nhìn thẳng vào mắt họ” và ngài lặp đi lặp lại câu này. Điều nguy hiểm nhất khi giúp đỡ người nghèo là sa vào thái độ “cha chú che chở”, một thái độ không dành chỗ để họ tăng trưởng.

Một đặc điểm được Đức Phanxicô ca ngợi hơn cả là sự hiền lành (meekness), nhưng ngài nhấn mạnh hiền lành không phải là yếu đuối. Ngài cho rằng “một nhà lãnh đạo tôn giáo có thể rất mạnh mẽ, cương quyết, nhưng không gây hấn” và từ ngày được bầu làm giáo hoàng, ngài thường cho rằng sức mạnh thực sự của một nhà lãnh đạo tôn giáo phát xuất từ chính sự phục vụ của họ.

Ngài cho thấy một nét đầy hy vọng khi cho rằng việc đi tìm Thiên Chúa theo kiểu tôn giáo nơi phần đông người ta vẫn “tiếp tục được đẩy mạnh dù phần nào lệch ra ngoài các cơ cấu định chế”. Ngài cho hay “phúc âm hóa là việc cần thiết, nhưng chủ nghĩa duy cải đạo (proselytism) thì không”. Ngày nay, việc cải đạo này “cám ơn Chúa đã bị xóa khỏi tự điển mục vụ”. Trích dẫn câu nói của Đức Bênêđíctô XVI “Giáo Hội là một đề xuất được tiếp nhận nhờ lôi cuốn chứ không nhờ chủ nghĩa duy cải đạo”, Đức HY Bergoglio cho rằng đức tin là “sự lôi cuốn nhờ chứng tá”.

Còn nhiều điều nữa trong sách, như các thảo luận về khoa học, hoàn cầu hóa, ly dị, giáo dục, Nạn Diệt Chủng và phụ nữ. Các đàm đạo về từng chủ đề phần lớn khá ngắn, chỉ cho ta nếm tạm mùi vị tư duy của vị giáo hoàng tương lai. Sau đây, xin trích dẫn một trích đoạn của cuốn sách nói về việc cảm nghiệm Thiên Chúa:



Cảm nghiệm Thiên Chúa

Giáo Sĩ Skorka: Đã nhiều năm kể từ ngày chúng ta gặp nhau lần đầu và một sợi dây thân ái đã được tạo nên giữa chúng ta. Khi nghiên cứu bộ Talmud, tôi thấy có câu nói rằng tình bằng hữu là ăn chung và dành thì giờ cho nhau, nhưng cuối cùng sách nhấn mạnh rằng dấu chỉ tình bạn chân chính là khả năng bộc lộ những gì trong trái tim mình cho người kia. Đó là điều đã xẩy ra cho hai chúng ta trong nhiều năm qua. Tôi tin rằng điều quan trọng nhất đem chúng ta lại với nhau chắc chắn đã là và vẫn còn là Thiên Chúa, Đấng khiến cho các nẻo đường của chúng ta gặp nhau và cho phép chúng ta mở lòng cho nhau. Trong các đàm đạo thường xuyên của chúng ta, dù đã đề cập tới nhiều chủ đề rồi, nhưng chưa bao giờ chúng ta minh nhiên nói tới Thiên Chúa. Dĩ nhiên, chúng ta luôn hiểu Người hiện hữu. Điều tốt đẹp là khởi đầu cuộc trao đổi mà chúng ta muốn để lại làm bằng chứng cho cuộc đối thoại của chúng ta, bằng cách thảo luận về Đấng hết sức quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta.

Đức HY Bergoglio: Chữ “nẻo đường” quả là tuyệt diệu. Trong cảm nghiệm bản thân của tôi với Thiên Chúa, tôi chẳng làm gì được nếu không có nẻo đường. Tôi muốn nói rằng người ta gặp gỡ Thiên Chúa bằng cách bước đi, bằng cách chuyển động, bằng cách đi tìm Người và để mình được Người tìm ra. Đó chính là hai nẻo đường gặp nhau. Một đàng, là nẻo đường ta đi tìm Người, được thúc đẩy bởi khuynh hướng bẩm sinh phát xuất từ trái tim; và sau đó, khi đã gặp nhau rồi, ta hiểu ra rằng Người là Đấng đã đi tìm ta từ lúc ban đầu. Cảm nghiệm tôn giáo sơ khởi chính là cảm nghiệm bước đi: " hãy bước tới mảnh đất Ta sắp ban cho ngươi" (St 12:1). Đây là lời hứa mà Thiên Chúa đã làm với Ápraham. Trong lời hứa ấy, trong việc bước tới này, một liên minh đã được thiết lập và được củng cố theo thời gian. Chính vì vậy, tôi cho rằng cảm nghiệm của tôi về Thiên Chúa xẩy ra dọc theo một nẻo đường, cả trong việc tôi đi tìm lẫn trong việc tôi để mình được tìm thấy, dù cho đó là những nẻo đường đa dạng, của đau đớn, của hân hoan, của ánh sáng hay của bóng tối.

Giáo Sĩ Skorka: Điều ngài vừa nói khiến tôi nhớ tới một số câu trong Thánh Kinh. Thí dụ lúc Chúa bảo Ápraham: “hãy bước đi trước mặt ta và đừng mắc lỗi lầm” (St 17:1). Hay lúc muốn giải thích cho dân Do Thái điều Thiên Chúa muốn nơi họ, tiên tri Mika nói rằng “hãy thực hiện công lý và yêu điều thiện, và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của các ngươi” (Mk 6:8). Dĩ nhiên, cảm nhận Thiên Chúa là điều năng động, nói theo kiểu chúng ta từng được học trong ngành khoa học căn bản chung của chúng ta (Giáo Sĩ Skorka có bằng tiến sĩ hóa học, còn Đức HY Bergoglio có bằng cao học về ngành này). Tuy nhiên, ngài nghĩ chúng ta có thể nói gì với con người thời nay khi thấy ý niệm Thiên Chúa quá bị tả tơi, phàm tục hóa và chẳng còn mấy quan trọng?

Đức HY Bergoglio: Điều phải nói với mọi người là hãy nhìn vào nội tâm của chính họ. Sao lãng là một gẫy đổ bên trong. Nó sẽ không bao giờ dẫn người ta tới chỗ gặp gỡ chính họ vì nó ngăn cản không cho họ nhìn vào tấm gương của chính tâm hồn họ. Tịnh tâm là bước đầu. Chính ở đó, cuộc đối thoại mới có thể bắt đầu. Đôi lúc, họ tin mình có câu trả lời duy nhất, nhưng không phải như thế. Tôi muốn mời con người thời nay tìm cảm nghiệm của việc bước vào cõi thân mật trong trái tim họ hòng biết được cảm nghiệm và khuôn mặt Thiên Chúa. Chính vì thế, tôi thích điều Gióp nói sau khi thấy cảm nghiệm khó chịu và các cuộc đàm đạo không giúp ích gì cho ông: “Con nghe lời người ta đồn đãi về Ngài, còn bây giờ, mắt con đã được thấy Người” (Gióp 42:5). Điều tôi nói với người ta không phải là biết Thiên Chúa chỉ bằng cách nghe mà thôi. Thiên Chúa Hằng Sống là Đấng các bạn có thể nhìn thấy bằng con mắt tâm hồn của các bạn.

Giáo Sĩ Skorka: Sách Gióp dạy chúng ta một bài học lớn vì, nói cho vắn tắt, nó cho rằng ta không bao giờ biết được cách Thiên Chúa tự tỏ mình ra qua các hoàn cảnh đặc thù. Gióp, một người công chính, một người chính trực, muốn biết tại sao ông mất hết mọi sự, thậm chí cả sức khỏe của mình. Các bằng hữu bảo ông rằng Thiên Chúa trừng phạt vì tội lỗi ông. Ông trả lời rằng cho dù ông có phạm tội, thì cũng đâu có đến nỗi. Gióp chỉ được an ủi khi Thiên Chúa hiện ra với ông. Các câu hỏi của ông không được giải đáp, nhưng việc cảm nhận sự hiện hữu của Người sẽ ở lại mãi trong ông. Trong câu truyện này, chúng ta có thể tìm được một số điều có thể lên khuôn nhận thức bản thân của tôi về Thiên Chúa. Thứ nhất, bằng hữu của Gióp tỏ ra ngạo mạn và vô lý khi chấp nhận lý thuyết cho rằng “mày phạm tội nên Thiên Chúa trừng phạt mày”, một lý thuyết biến Thiên Chúa thành một thứ máy vi tính chuyên tính toán phần thưởng hay hình phạt. Ở cuối câu truyện, Thiên Chúa bảo Gióp, kẻ từng trách móc các bất công của Đấng Tạo ra mình, rằng ông nên cầu bầu và cầu nguyện cho các bằng hữu của ông, vì họ đã nói sai lầm về Người (xem Gióp 42:7-8). Dưới con mắt Thiên Chúa, những kẻ lớn tiếng kêu than trong đau khổ, để cầu xin công lý của trời cao luôn làm Người hài lòng. Những kẻ nằng nặc duy trì quan điểm quá đơn giản (simplistic) về bản chất Thiên Chúa luôn bị Người ghét bỏ. Theo hiểu biết của tôi, Thiên Chúa tự tỏ mình Người cho chúng ta một cách rất tế vi. Các đau khổi hiện nay của chúng ta có thể là lời giải đáp cho người khác trong tương lai. Hoặc, có lẽ chúng ta là lời giải đáp cho một điều gì đó trong quá khứ. Trong Do Thái Giáo, Thiên Chúa được tôn kính qua việc chúng tôi tuân giữ các giới răn được Người mạc khải. Như ngài đã nhắc đến, mỗi con người và mỗi thế hệ phải tìm ra nẻo đường trên đó họ có thể tìm kiếm và cảm nhận được sự hiện hữu của Người.

Đức HY Bergoglio: Đúng vậy. Chúng ta tiếp nhận sáng thế trong tay như một hồng phúc. Thiên Chúa ban nó cho chúng ta, nhưng đồng thời, Người trao cho ta một trách vụ: là chúng ta phải khuất phục Trái Đất. Đây là hình thức đầu tiên của vô-văn hóa: điều con người tiếp nhận được, tức vật chất thô sơ phải được khuất phục để biến nó thành như văn hóa, cây gỗ phải biến thành chiếc bàn. Nhưng có lúc, con người đi quá xa trong trách vụ này; họ trở nên quá nhiệt thành và mất hết lòng kính trọng đối với thiên nhiên. Và thế là có các vấn đề sinh thái, như hâm nóng hoàn cầu, vốn là hình thức mới của vô-văn hóa. Công trình của con người trước Thiên Chúa và trước chính họ phải duy trì cho được thế quân bình thường hằng giữa hồng phúc và trách vụ. Khi con người chỉ duy trì hồng phúc mà không chịu làm việc, họ không chu toàn sứ mệnh và mãi mãi sơ khai; khi họ trở nên quá nhiệt thành với việc làm của mình, họ quên khuấy mất hồng phúc để tạo ra một nền đạo đức duy xây dựng: họ nghĩ rằng mọi sự đều là thành quả lao công của họ và không hề có hồng phúc gì cả. Đó là điều tôi gọi là hội chứng Babel.

Vũ Văn An

Theo VietCatholic

Người khâm liệm hàng vạn hài nhi

Mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Nhiệm tiếp nhận hàng trăm hài nhi từ nhóm Thiện Nguyện thu nhận từ các phòng nạo hút thai trên địa bàn TP Hà Nội. Những sinh linh vô tội ấy được bà Nhiệm tắm rửa, khâm liệm và mai táng trong những ngôi mộ chung với hàng nghìn hài nhi khác...


Chuẩn bị an táng cho các hài nhi.
Đến xã Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội), hỏi thăm bà Nguyễn Thị Nhiệm, ai cũng biết bà là người khâm liệm, chôn cất hàng trăm hài nhi mỗi ngày, cũng là người chăm sóc phần mộ của trên 6 vạn hài nhi tại nghĩa trang Đồi Cốc trong 11 năm qua.

Chúng tôi gặp bà trong một buổi chiều đầu mùa hạ, khi bà đang thành kính thắp những nén hương cho các ngôi mộ chung – nơi chôn những đứa trẻ xấu số, chưa từng được chính danh làm người...

Bà Nhiệm cho biết, điều khiến bà dấn thân vào công việc này là vào khoảng tháng 9/2006, khi bà đi chăm sóc người nhà tại bệnh viện huyện Sóc Sơn và gặp đôi vợ chồng đưa nhau vào đây phá thai. Đôi vợ chồng kia cho biết, cái thai đó là ngoài ý muốn, cũng đã được 6 tháng tuổi.

Làm thủ thuật phá thai xong, cặp vợ chồng kia dìu nhau bỏ đi, còn bà, tuy chỉ là người nghe chuyện, nhưng lại bị cắn rứt lương tâm. Suy đi tính lại, bà cảm thấy không đành lòng nên đã liên hệ với các bác sĩ tại đây để xin thai nhi mang đi mai táng.

Được các bác sĩ chấp thuận, bà Nhiệm liền đưa hài nhi đến khu nghĩa trang gần bệnh viện làm nghi lễ an táng chu đáo. Cho đến bây giờ, mỗi dịp đi qua nghĩa trang đó, bà vẫn nhớ và dành thời gian tới viếng thăm đứa trẻ xấu số. Và kể từ đó, bà Nguyễn Thị Nhiệm quyết bắt tay vào công việc thu nhận thai nhi, khâm liệm và mai táng, với mong muốn duy nhất là để các hài nhi có chốn an nghỉ như người bình thường.

Ban đầu, mỗi ngày bà thu nhận được vài thai nhi, sau đó lên đến hàng chục thai nhi mỗi ngày, đa phần là từ các phòng nạo hút thai tư nhân.

Cho đến nay, số thai nhi được nhóm Thiện Nguyện thu nhận lên đến cả trăm mỗi ngày. Toàn bộ thai nhi sau khi được thu nhận tại các phòng khám, bệnh viện, được thành viên trong nhóm đưa về nghĩa trang Đồi Cốc tập kết và khâm liệm, sau đó bảo quản trong tủ đông lạnh. Tới khi đủ con số 1.000, bà Nhiệm mới cho vào các tiểu sành rồi thuê thợ xây một ngôi mộ lớn để mai táng.

Theo quan sát của phóng viên, căn phòng tập kết các sinh linh chỉ là một phòng cấp 4 đơn sơ, rộng chừng 10m2, nằm giữa nghĩa trang đồi Cốc. Phòng chỉ có một bóng điện tròn nhỏ, bên trong là một chiếc tủ đông lạnh, một số bông băng, quần áo trẻ em.

Những hài nhi nào lớn thì được bà Nhiệm tắm rửa, cho mặc quần áo mới, như một nghi thức dành cho người quá cố. Thai nhi nào nhỏ quá thì bà Nhiệm cho vào một chiếc túi nylon màu trắng có gắn chữ thập, sau đó cuốn bông, vải bên ngoài. Khâm liệm xong, bà Nhiệm cho những hài nhi vào chiếc tủ đông lạnh cao khoảng 80cm, rộng 60cm, dài chừng 1,2m, được bảo vệ bằng một chiếc lồng sắt có khóa.


Những hài nhi mang tên thánh


Bà Nhiệm tại nghĩa trang Đồi Cốc.
Bà Nhiệm cho biết, đến nay, nghĩa trang đồi Cốc đã tiếp nhận trên 6 vạn hài nhi. Những ngôi mộ đều được đặt tên các vị Thánh từng tháng theo lịch của đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, cũng có ngôi mộ đặt theo tên riêng của đứa trẻ, trường hợp này, thường là những ca mà cha, mẹ, hoặc người thân của gia đình yêu cầu được đi theo để khâm liệm, mai táng. Số còn lại đều do bà Nhiệm tự đặt tên.

Hiện, nhiều cơ sở nạo hút thai khi gặp phải ca thai nhi lớn, còn trực tiếp gọi điện cho bà Nhiệm đến nhận xác về khâm liệm. Vì vậy, có hôm trời mưa to gió lớn, bà vẫn lên đường đi đón những hài nhi xấu số về chốn an nghỉ vĩnh hằng này. Bà cảm thấy, những đứa trẻ đó vô tội, và đáng yêu như những đứa con của mình.

Từ khi thông tin về nghĩa trang đồi Cốc được các bác sỹ giới thiệu, ngày càng có nhiều người dân trên khắp cả nước gọi điện tới hỏi thăm công việc của bà. Những người đã từng nạo phá thai thì tìm đến nghĩa trang để thắp hương trong ngày lễ, tết. Cũng có trường hợp sau khi bỏ con, họ biết đích xác đứa con của mình đang an nghỉ tại nghĩa trang đồi Cốc đã về đây sám hối ăn năn. “Có nhiều bà mẹ trẻ, không biết vì ngại hay sợ người ta phát hiện, nên đêm đêm, họ đến nghĩa trang đồi Cốc vật vã khóc lóc thảm thiết, nghĩ cũng tội lắm...”, bà Nhiệm kể.

Ngay tại nghĩa trang, bà Nhiệm cẩn thận đặt một vài cuốn sổ để những người cha, người mẹ, hoặc người thân đến viếng thăm có thể chia sẻ tâm tư nguyện vọng.

Phóng viên đã giở ra xem, và thấy trong cuốn sổ dày cả trăm trang, có nhiều dòng lưu bút bày tỏ sự khâm phục đối với công việc đặc biệt của bà Nhiệm và những người trong nhóm Thiện Nguyện. Và ở đó, không thiếu những dòng chữ thấm đẫm nước mắt, sự chua xót, ân hận muộn màng của những người đáng ra được làm mẹ, làm cha, khi đang tâm chối bỏ đứa con của mình…

Bà Nhiệm cho biết, ban đầu khi bà thực hiện công việc này, nhiều người kịch liệt phản đối, đặc biệt là những người thân trong gia đình. Mãi đến năm 2008 - 2009, mọi người mới dần ủng hộ công việc của tôi.

Đến năm 2011 thì các thành viên trong gia đình bà không những ủng hộ, mà còn trực tiếp tham gia vào công việc này. Hàng ngày, từ chồng, con gái tới con rể của bà đều dành một khoảng thời gian vào cuối giờ chiều, đến các phòng nạo hút thai để xin xác những hài nhi đem về mai táng tại nghĩa trang chung này.

Ngoài ra, bà Nhiệm cũng được người dân trong vùng ủng hộ quần áo trẻ sơ sinh để bà khâm liệm, rồi góp tiền mua tiểu sành, gạch, cát, xi măng để xây những ngôi mộ kiên cố.


Những lời hối lỗi


Một sinh linh không may mắn.
Đọc những lời tâm sự trong cuốn sổ, chúng tôi thấy có trường hợp, chỉ vì những va chạm nhỏ, xích mích lặt vặt trong cuộc sống, nhưng vì cái tôi quá cao của mình mà nhiều phụ nữ đã tước đi mạng sống của những sinh linh vô tội.

“Có trường hợp, một sản phụ biết được việc làm của nhóm Thiện Nguyện nên đã tự mình đưa con đến để tại khuôn viên của một nhà thờ Thiên Chúa giáo tại Hà Nội.

Chúng tôi thấy chiếc túi lạ nên mở ra, thấy bên trong là một đứa trẻ mới sinh, đã tím tái. Kèm theo là mẩu giấy ghi những lời sám hối: Xin Chúa hay tha thứ những lỗi lầm của con, cầu xin Chúa hãy cưu mang đứa con của con…”, bà Nhiệm kể, rồi tìm đưa cho chúng tôi xem tờ giấy.

Chúng tôi dừng lại ở một trang viết với nội dung: “Con hãy tha thứ cho cha, mẹ. Con cứ yên nghỉ ở đây, khi nào đến thăm con, sẽ có cả cha và mẹ, mặc dù cha mẹ đã ly hôn”.

Và có rất nhiều những trang giấy khác nét chữ bị nhòe mực, có thể người viết nó trong tâm trạng xúc động, vừa viết vừa khóc. Cũng có không ít dòng được viết một cách vội vàng, cẩu thả, với ngôn ngữ tuổi teen, phải căng mắt đọc một lúc, chúng tôi mới hiểu được. Nhưng dù là tuổi teen hay những người trưởng thành, đều là những lời ân hận day dứt, ăn năn…

Anh Tuấn, thành viên nhóm Thiện Nguyện, tâm sự, từ khi tham gia vào công việc này, anh có cảm giác mình nhạy cảm hơn. Không chỉ gom xác thai nhi tại các phòng nạo phá thai, có hôm anh Tuấn còn bắt gặp thai nhi được gói trong túi nylon để trước cổng bệnh viện, cổng đền, chùa, vỉa hè hoặc thùng đựng rác.

“Những tình huống như thế này, phần lớn là do đẻ non, hoặc sản phụ sinh con ngoài ý muốn… Nếu phát hiện kịp thời thì còn giải cứu được. Nhưng có trường hợp xấu, các thai nhi bị dầm mưa, rồi bị côn trùng cắn, động vật ăn thịt…, ai nhìn thấy cũng động lòng trắc ẩn. Có trường hợp, bố đưa con đi phá thai vì con gái còn đang tuổi trò.

Nhiều người sau khi phá thai tình nguyện đi theo nhóm Thiện Nguyện.

Đức Hoàng
Theo Tiền Phong

Về đâu những sinh linh vô tội?

Chứng kiến cảnh những hài nhi đỏ hỏn, toàn thân giập nát, chúng tôi không khỏi rùng mình. Những người mẹ thất thần, vô hồn, vô cảm để rồi sau đó là chuỗi ngày sống trong giày vò, ăn năn…



Nữ sinh tên Phạm Thanh Mai đã gắn bó với công việc quản trang gần chục năm nay cho biết, ngày nào cô cũng tiếp nhận hàng chục thai nhi đã chết tại các phòng nạo phá thai. Có thai nhi được 3, 4 tháng, có thai nhi 7, 8, thậm chí là 9 tháng. Sau khi được bác sỹ lấy ra khỏi người mẹ, có em vẫn ấm, nóng nhiều giờ…

Ám ảnh

Thời sinh viên, Phạm Thanh Mai thuê phòng trọ ở cùng một nhóm 6 bạn gái tại Hà Nội. Mỗi người mỗi quê, mỗi hoàn cảnh, nhưng L. tỏ ra nổi trội nhất nhóm vì vẻ xinh xắn, duyên dáng nên được nhiều chàng trai theo đuổi. Khi học đến năm thứ 2, L. cũng “nhắm” được một chàng trai tên Giang, đang học năm thứ 4 Trường Đại học Kiến trúc.

Sau một thời gian yêu đương say đắm, L. có thai. Đi khám, thấy thai được 4 tháng tuổi thì 2 người xảy ra mâu thuẫn, rồi chia tay nhau. Trong thâm tâm, L. vẫn sợ cái thai ảnh hưởng đến học tập, rồi lo ngại điều tiếng dư luận, bạn bè, gia đình biết chuyện, nhưng vì muốn hàn gắn lại tình cảm với người yêu nên L. quyết định giữ thai lại. Song tất cả đều rơi vào vô vọng, khi tới tháng thứ 7, L. phát hiện Giang có bạn gái mới. Lúc này L. ngập chìm trong đau khổ, không xác định được phương hướng cho cuộc đời, cho tương lai...

Khi bộc bạch câu chuyện của mình với Phạm Thanh Mai, Mai đã tư vấn và đưa L. đi phá thai. Vì thai nhi quá lớn, các bác sỹ không thể hút thai như thông thường mà phải dùng biện pháp ép sinh non. Mai đã ở cùng với L. trong lúc đau đớn nhất, và tận mắt nhìn thấy một hài nhi có đầy đủ chân tay mắt mũi rời thân thể L. Để rồi sau đó lịm dần, tím tái…

Luôn bị ám ảnh đến việc chính L. và mình đã nhẫn tâm giết chết đứa trẻ, Mai thực sự sốc. Trong tâm trạng khủng khiếp và đau xót, Mai đã xin lại xác thai nhi rồi làm lễ đưa đi mai táng.


Chuẩn bị khâm liệm cho những sinh linh vô tội.
Chuyện đã trôi qua một thời gian, nhưng đêm nào Mai cũng trằn trọc, mất ngủ bởi hình ảnh đứa bé đỏ hỏn cố gắng cựa quậy, hớp lấy chút không khí cuối cùng. Trong mơ, Mai như nghe tiếng khóc của em như oán trách số phận. Và sau đó, Mai quyết định đến các bệnh viện, phòng nạo phá thai để tự nguyện mang những hài nhi mang đi mai táng.

Mai kể: Lần ấy, sau khi các bác sỹ đưa đứa trẻ ra, tôi chết lặng. Tôi như cảm thấy đứa bé ngọ nguậy đưa mắt nhìn mẹ rồi lại nhìn thẳng vào mặt tôi, ánh mắt như đang oán trách. Ngay lúc ấy, tôi cảm thấy mình có lỗi rất lớn với cháu, tôi đã bật khóc. Tôi vội mua mấy chiếc khăn quấn cho cháu, da thịt vẫn nóng hổi và phải 2 tiếng sau, cơ thể cháu mới lạnh đi…

Việc Mai trở lại các phòng khám đó để tự nguyện đưa những hài nhi đi mai táng, ban đầu, việc tiếp cận với các phòng khám, bệnh viện rất khó, vì các bác sỹ, y tá đều nghi ngờ Mai có mục đích không bình thường.

Cùng thời điểm đó lại rộ lên thông tin buôn bán bào thai để chế biến biệt dược, khiến các y, bác sỹ càng từ chối quyết liệt. Về sau, Mai phải thuyết phục bằng cách, đưa người thân của những người nạo phá thai đến tận nơi khâm liệm, sau đó quay phim chụp ảnh gửi cho các y, bác sỹ. Cuối cùng, trước sự kiên trì, lòng trắc ẩn xen nỗi ăn năn của Mai, người ta cũng đồng ý cho cô thực hiện công việc này.

Sau một năm miệt mài làm việc, Mai gặp được một số người tự nguyện tham gia, như Hương, Thành, Nghĩa…, đồng thời Mai cũng kêu gọi một số Mạnh Thường quân đóng góp công sức, tiền bạc để thực hiện công việc đầy ý nghĩa nhân văn này.

Đến nay, nhóm của Mai đã có hơn 20 thành viên. Họ chia nhau đến các phòng nạo phá thai nhận lấy những hài nhi xấu số bị bỏ rơi đưa đi an táng. Mai cho biết, chỉ tính riêng 2 cơ sở nạo hút thai tư nhân trên địa bàn Hà Nội đã có tới 150 thai nhi bị phá bỏ/tháng. Người ta đến phá thai vì nhiều lý do, như mang thai ngoài kế hoạch, siêu âm thai nhi không bình thường, hoặc vì giới tính của thai nhi, song cũng có rất nhiều trường hợp phá thai vì sản phụ quá trẻ, chỉ 13, 14 tuổi…

Với L, sau lần từ bỏ thai ngoài ý muốn, cô tâm sự, thường xuyên thấy con trở về trong giấc mơ. Hai năm sau, L. tốt nghiệp đại học và kết hôn với một chàng trai khác, tuy nhiên, hình ảnh đứa con mà L. đã từ bỏ cứ trở đi trở lại trong tâm trí.

Đến nay, L. đã lập gia đình được 3 năm, song vẫn chưa thể có con. Gần đây, hầu như tháng nào L. cũng trốn chồng đến thăm con tại nghĩa trang đồi Cốc, xã Thanh Xuân (Sóc Sơn - Hà Nội) và bày tỏ sự ân hận, ước gì ngày đó cô có đủ dũng cảm, đủ yêu thương để giữ đứa con lại bên mình…

Một ngày theo chân những người thu nhận thai nhi

Sau khi nghe câu chuyện của Mai, chúng tôi đã đề nghị với cô để được theo chân những người thu gom thai nhi (nhóm Thiện Nguyện) và tận mắt chứng kiến những trường hợp thương tâm, khó diễn tả bằng lời...

Vào vai thành viên mới của nhóm Thiện Nguyện, những ngày đầu chúng tôi chỉ làm công việc như xe ôm, chở những người trong nhóm đi thu nhận thai nhi vào các buổi chiều, từ 17h đến 19h tại một số phòng nạo phá thai trên địa bàn Hà Nội, chủ yếu trên khu vực đường Trần Hưng Đạo (Hai Bà Trưng), Giải Phóng (Hoàng Mai), gần khu vực Bệnh viện 103 (Hà Đông). Mỗi ngày, nhóm thu nhận được trên 100, có ngày lên đến 150 thai nhi, đặc biệt là sau các kỳ nghỉ lễ, tết.


Những hài nhi xấu số.
Mất gần nửa tháng làm tài xế xe ôm, chúng tôi mới tiếp cận được bên trong các phòng nạo hút thai. Ngày đầu tiên, tôi ngồi xe Honda Wave chờ anh Nguyễn Văn Tuấn thu nhận tại một phòng phá thai trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai). Lúc đó chừng 18h, thai nhi được anh Tuấn cho vào bao nylon màu đen rồi treo lên trước xe máy, khiến tôi vừa đi vừa run. Cảm thấy mình đang chở hàng chục linh hồn vô tội, tôi thấy rùng mình, mồ hôi lạnh ướt sống lưng…

Từ đường Giải Phóng, chúng tôi tiếp tục chạy xe đến khu vực Bệnh viện 103. Lúc này khoảng 18h45, trời đã nhá nhem tối, lại thêm những cơn mưa mùa hạ ào ạt đến bất chợt, khiến chúng tôi phải dừng xe, vội vàng bọc kín túi xác bào thai lại rồi ôm vào lòng cho khỏi ướt. Tới nơi, anh Tuấn nhanh chóng vào bên trong phòng nạo hút, để tôi ở ngoài một mình với chiếc bọc nylon thai nhi ấy…

Khi anh Tuấn trở ra, mưa cũng đã tạnh và trên tay anh lại có thêm một bịch nylon màu đen tương tự treo lên xe máy của tôi. Anh Tuấn bảo tôi chạy tiếp 100 mét đến một phòng khám thai khác, trong khi ngồi đợi bên ngoài, tôi bỗng cảm thấy chiếc túi nylon đang động đậy, phát ra tiếng kêu loạt soạt, khiến toàn thân tôi nổi da gà, chân tay rụng rời. Tôi quả thực không dám nghĩ rằng, trong đó có những bào thai đang còn sống, có thể tôi bị ám ảnh, hoang tưởng…

Anh Tuấn lại trở ra và trên tay, lại có thêm một bịch nylon khá nặng. Anh Tuấn bảo tôi chạy về phía nghĩa trang, nhưng tôi cảm thấy toàn thân run rẩy, không thể điều khiển nổi chiếc xe, đành phải nhờ anh Tuấn cầm lái...

Suốt đêm hôm đó, tôi không thể ngủ được, hễ nhắm mắt lại là hình ảnh những chiếc bao nylon bên trong chứa hàng chục hài nhi như đang cựa quậy lại hiện ra.

Vượt qua nỗi sợ hãi vài ngày sau, tôi gọi điện cho anh Tuấn và tiếp tục lên đường. Khi thấy tôi bạo dạn hơn, anh Tuấn đã trực tiếp đưa tôi vào khu vực hậu phá thai tại các phòng khám để tận tay thu gom xác hài nhi.

Lần đầu tiên trong đời, tôi tận mắt thấy những bào thai 2 - 3 tháng tuổi, 6, 7 tháng, thậm chí trên 8 tháng tuổi, được các bác sỹ dùng biện pháp ép sinh non. Để đẩy những bào thai lớn thế này ra khỏi tử cung, các bác sỹ phải làm thủ thuật rất lâu, sản phụ cũng vô cùng đau đớn, không khác nào một lần sinh nở bình thường. Và rồi, những sinh linh vô tội ấy mãi mãi không thể có cơ hội sống…

(Còn nữa)

Đức Hoàng


Theo Tiền Phong