Người thịt chó hay Chó thịt người?

Xuất phát từ một chỉ trích mang tính chất cá nhân của một ông người Pháp nào đó về việc người Việt Nam ăn thịt chó, vậy là dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi, xôn xao bất phân thắng bại giữa hai phe, phe khoái ăn thịt chó và phe không ăn thịt chó. Một số người chẳng ngại dùng những ngôn từ nặng nề nhất để mạt sát lẫn nhau như dã man, vô văn hóa, bạo lực… hay ngược lại là thiếu hiểu biết, đạo đức giả… hàng ngàn comments qua lại giữa hai phe. Thú thực đọc hết các comments đó, ai yếu bóng vía, các dây thần kinh có thể chập mạch đến tóe lửa!

Xin không nêu quan điểm cá nhân trong vấn đề ăn hay không ăn thịt chó, chỉ xin kể hầu quý vị 3 câu chuyện sau đây có liên quan đến thịt chó:

Chuyện thứ nhất:

Năm 1998, khi tôi còn làm việc cho Tập Đoàn Total, một sếp người Pháp rất ghét những ai ăn thịt chó. Ông cũng từng nói quan điểm ăn thịt cho là vô nhân đạo, là thế này, thế nọ. Tôi giống sếp, không biết ăn thịt chó nên có thể nhờ đó mà được ưu ái hơn chăng?!?

Một hai năm sau, cũng chẳng còn ai để ý đến quan điểm ấy của sếp. Có lần một đồng nghiệp trong phòng tôi lấy vợ, Sếp người Pháp này cũng đi dự, cũng ăn uống no say, gần cuối tiệc, đến bàn chúng tôi, Sếp khen mấy món ăn rất lạ và ngon, Sếp hỏi đó là món gì thế, công thức nấu ra sao? Mấy thằng chúng tôi giật mình chợt nhớ sếp đã lỡ miệng ăn thịt chó mà không biết. Mấy năm đó, thịt chó thường là món chính trong các đám tiệc cưới, vì sếp ngồi cùng bàn với mấy cụ cao niên, mà mấy cụ chả ai biết nói tiếng Anh tiếng Pháp mà tiếp chuyện sếp. Chú rể hết hồn nói tránh đi là thịt… cheo.

Tuần sau, sếp cho chúng tôi nghỉ sớm chiều thứ sáu, đề nghị chú rể mới dẫn cả nhóm đi ăn thịt cheo. Sếp bao hết chi phí và nói rất thích món thịt cheo này. Chúa ơi, muốn có thịt cheo thì phải lên rừng, tìm đâu ra, bí quá, bọn tôi mới thú thật rằng hôm đó sếp đã ăn thịt chó đấy sếp ơi. Sếp tái mặt hầm hầm coi bộ giận dữ lắm, đóng sầm cửa lại. Cả tuần sau thấy sếp bứt rứt có vẻ rất khó chịu. cả phòng ai cũng lo lắng, mất việc như chơi. Bẵng đi gần 2 tháng sau, mấy đứa trong phòng rúc rích nói chuyện với tôi, chiều qua, chúng tình cờ đụng mặt sếp… trong một quán thịt chó. Sếp đi một mình và đang mải mê chén thịt chó. Mấy thằng tôi được một phen cười vỡ bụng!

Chuyện thứ hai: 


Mấy anh em tôi trọ học tại khu Ông Tạ, đường Phạm Văn Hai bây giờ, trước kia còn gọi là Thoại Ngọc Hầu. Những năm 1986 – 1987 kinh tế đói kém, khu này thì nổi tiếng với món thịt chó Ông Tạ. Có hai vợ chồng người bán cơm mà chúng tôi hay ăn cơm tháng ở đó, họ cãi nhau suốt, cũng bởi cái tật hay nhậu của anh chồng, khổ nỗi, cứ nhậu là phải có thịt chó cơ! Mà nhậu thì lại xỉn, lại cãi nhau. Cuối cùng thì chị vợ đành phải bỏ cả món thịt chó khoái khẩu để anh chồng bớt nhậu đi cho êm cửa ấm nhà.

Vậy mà cũng không xong, chị vợ quyết định tìm cách cai rượu cho chồng, hỏi thăm bốn anh em tôi có cách nào cho anh ấy bỏ rượu không? Lúc ấy tôi trẻ người non dạ, tôi bày cho chị một cách mà nghĩ đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy là dại, với lại, cũng nghĩ mình chỉ nói chơi chơi vậy thôi. Tôi nói chị cứ bắt mấy con rệp (lúc đó rệp nhiều hơn muỗi bây giờ, sinh viên bọn tôi hay gọi là ba ba hay xe tăng phát xít) đập nát ra, pha với chút rượu, rồi mua thịt chó về làm sao lừa cho anh ấy uống cái thứ rượu kinh khủng ấy. Thế mà chị ấy làm thật, anh chồng ói đến mấy ngày, ra cả mật xanh mật vàng. Sau này anh kể lại, mùi thịt chó, mùi mắm tôm, mùi rượu, mùi hôi của rệp cứ cuộn lên, không sao nín được. Sau đợt ấy, anh chồng chừa hẳn rượu, chừa luôn cả thịt chó, gia đình vui vẻ hẳn ra!

Chuyện thứ ba: 

Bản thân tôi, nay đã 47 tuổi rồi, nhưng mãi đến năm 40, trong một dịp vợ đỏng đảnh tôi mới biết ăn thịt chó. Chuyện thế này, Tôi cứ nghĩ mình dị ứng với thịt chó, mỗi khi đi qua những quán thịt chó, mấy thằng bạn tôi cứ nức nở khen thơm khen ngon đáo để, riêng tôi phải nhịn thở đi mau cho chóng qua, vì thấy ớn ớn thế nào ấy.

Một lần nọ, vợ giận bỏ về ngoại, tôi phải nhờ chú em kế bên sang trông nhà để còn đi công tác xa, khi về tôi biết chú ấy khoái ăn thịt chó nên mua một bọc thịt chó để tạ công chú em. Khổ quá, khi mua phải dặn chị bán thịt bọc mấy lần bọc cho khỏi xông mùi thịt chó. Về đến nhà, mới hay gia đình chú ấy khóa cổng vắng nhà, đành ôm bọc thịt chó để lên bàn bếp, úp cái lồng bàn rồi cứ thế lăn ra ngủ, quên cả bọc thịt chó. Nửa đêm đói quá, tìm mãi trong nhà chẳng có gì ăn, ra ngoài thì muộn, chắc chẳng còn ai bán, cái đói cứ cồn cào nhộn nhạo không sao chịu nổi, mà khi đói, rất lạ là cái mũi nó thính vô cùng, mọi khi sợ mùi thịt chó, nhưng đêm ấy, có đến mấy lớp bọc kín mít mà sao nó vẫn thơm thế không biết, hấp dẫn, quyến rũ quá đi!

Cuối cùng chẳng nhịn được, tôi bậm môi mon men mở bọc thịt chó, nhón thử một miếng, thử chút, thử chút, rồi lại nhiều chút, hết cả bọc thịt chó lúc nào chẳng hay. Ăn xong, lại còn phát hiện ra một triết lý về việc mình đã chẳng thông minh suốt gần 40 năm trời. Từ dạo ấy đến bây giờ, thú thật, tôi cũng vẫn còn thích thịt chó lắm nhưng rất hạn chế vì sợ gút. Hàm lượng đạm trong thịt chó rất cao!

Thế mới biết, trong văn hóa ẩm thực, đa dạng và phong phú, nó tồn tại tùy theo không gian hay thời gian, theo đặc trưng của nền văn hóa, tôn giáo, theo sở thích, theo cơ địa, thậm chí theo hoàn cảnh của từng người và nhiều khi còn phụ thuộc vào sức khỏe v.v…. Do đó có người cảm nhận được và có người sẽ không cảm nhận được. Rất khó có một ranh giới dung hòa cho tất cả, tranh luận với nhau về miếng thịt chó chẳng qua giống như chuyện thày bói xem voi, rốt cuộc rồi cũng chẳng tới đâu.

Cái đáng cho chúng ta tranh luận ở đây không phải là miếng thịt chó mà mà là cách giết và mục đích giết. Chính hai vấn đề này mới thể hiện sự văn minh hay dã man của con người.

Rất phản cảm nếu chúng ta bắt gặp hình ảnh một đám thanh niên gậy gộc rầm rập đuổi theo một chú chó lạc trên đường đến kỳ cùng với mục đích đập chết để có bữa nhậu tưng bừng. Hình ảnh này thường xuyên xảy ra lắm.

Rất phản cảm nếu gặp một người yêu chó của mình đến nỗi, cho nó ăn những món ăn rất sang trọng, dắt nó đi dạo phố nhưng bịt mũi quay đi trước một người phong hủi ăn xin hay trừng mắt với một chú bé bán vé số còm nhom đen đúa. Hiện tượng này cũng không hiếm, ngay cả với người nước ngoài khi đến Việt Nam, điển hình là ở Công ty bà xã tôi đang làm, ông chủ Đài Loan có mấy con chó đốm!

Xấu hổ làm sao với những đệ tử lưu linh sau một dĩa mồi chó thơm lừng, mà đương nhiên đưa cay là vài ba xị đế, đến khi ra về vật vờ cự cãi đánh vợ đập con hay phá làng phá xóm, hoặc chạy xe bạt mạng, gây chuyện choảng nhau chí tử, coi trời bằng vung… Cái này thì có lẽ là quá thường xuyên và ở khắp nơi, không cần bàn cãi!

Khủng khiếp làm sao một nhà hàng xóm chả bao giờ ăn thịt chó, khoái nuôi chó, thích dắt chó đi dạo nhưng không chịu dọn vệ sinh, để nó tùm lum ra đường phố. Hiện tượng này chắc chẳng ai lạ gì!

Rất nhiều hiện tượng đáng buồn khác, mà trong đó kinh hoàng nhất là khi mạng chó đã đổi thành một mạng người như những người trộm chó bị mọi người xúm lại đánh hội đồng đến chết, có khi còn đốt xác cháy đen ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc...

Thật đáng buồn, đáng lên án với những hành vi giết thú vật chỉ để tiêu khiển, mua vui không nhằm một mục đích nào cả, thậm chí không biết giết để làm gì, tàn sát hàng loạt, tận diệt các loài quý hiếm, làm mất cân bằng sinh thái trong tự nhiên, cái này chẳng phải chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước tiến bộ khác cũng đầy ra đó.


Vâng, chuyện “người xơi thịt chó” sẽ còn là câu chuyện dài dài nhiều tập với nhiều tình tiết oái oăm, vui buồn lẫn lộn, xin được tạm dừng nơi đây. Nhưng chuyện… “chó xơi thịt người” mới là tâm điểm của người viết muốn nói ra. Và nơi đây, trong câu chuyện này, chỉ có những con số khô khốc lạnh lùng, khốn khổ, xót xa!

Một vấn đề mà thiết nghĩ, cả hai phe, những người khoái ăn thịt chó và phe không ăn thịt chó thậm chí những người đã từng lơ lửng như tôi cũng cần phải nghĩ lại, hãy lên tiếng, viết thật nhiều comments vì đó mới chính là cội rễ của văn minh, của tình thương mà bất cứ Việt Nam, Pháp, Mỹ hoặc bất cứ quốc gia nào, chủng tộc nào, văn hóa nào, nghệ thuật nào, không gian và thời gian nào, đàn ông, đàn bà, già trẻ, lớn bé, yếu đau, mạnh khỏe, tất cả đều cần phải quan tâm, cần phải lên tiếng.

Thiết nghĩ, những cái đầu chó nhe nanh trắng nhởn, những đùi chó thui vàng treo lủng lẳng có làm cho nhiều người thích thú, nhiều người hãi sợ. Nhưng hãy xem, nhiều thai nhi còn chịu cảnh phanh thây thảm khốc hơn nhiều, máu me nhầy nhụa. Có đáng sợ hơn không?

Thiết nghĩ, ăn thịt chó đã làm cho nhiều người tẩy chay đến thế, nhưng có nhiều thai nhi bị giết chết và trở thành món lẩu thai nhi cho các đại gia bên Trung Quốc được cường dương đại bổ đấy. Thậm chí đã có nhiều vụ án phanh phui chuyện giết trẻ em để lấy nội tạng đem bán.



Thiết nghĩ, nhiều người ăn thịt chó, nhưng thực tế, rất nhiều thai nhi bị tàn sát và trở thành thực phẩm cho chó huấn luyện, cho lợn tăng trọng, thậm chí xay nhuyễn ép thành nước cốt đổ xuống hồ nuôi cá giống. Lại có không ít xác thai nhi bị bỏ thùng rác, hoặc vứt ở chân cột điện, gầm cầu, xó chợ, ruồi và kiến bu kín, chó mèo đến xé xác, như trường hợp điển hình rất nổi tiếng của chú bé lính chì Thiện Nhân tại Việt Nam.

Với bình quân 6 giây có một thai nhi bị giết chết, con số này chắc chắn cao hơn rất nhiều số chó bị giết mỗi ngày tại Việt Nam.

100% các chú chó bị giết không có chú nào bị giết bởi chính cha mẹ của nó như trường hợp 100% các thai nhi đều bị cha hoặc mẹ giết chết, hoặc ông bà nội ngoại ép phải chết!

Ít ra, những chú chó này đã được sống, được chào đời, kể cả những chú chó khuyết tật, còn 100% các thai nhi bị sát hại thì không ai có quyền được sống, quyền được sinh ra, đặc biệt là các thai nhi bị dự đoán là có nguy cơ khuyết tật.

Đã có các phòng khám và bệnh viện dành cho chó cưng, các bác sĩ y tá nỗ lực chữa trị những bệnh tật thương tích cho chó, trong khi lại có khá đông y bác sĩ khác phá thai thành thạo còn hơn người ta làm thịt chó!

Đau đớn hơn, một số chú chó già chết vì bệnh, chó con chết vì sẩy hay sinh non, cuối cùng vẫn có được một nấm mồ, có khi còn được lo hậu sự đâu ra đấy trong một nghĩa trang hoành tráng, được người chủ tưởng nhớ lập bia mộ và đúc tượng, trong khi các thai nhi thì bị đem thiêu chung với rác y tế, thậm chí các cháu quá bé, được hút ra là dội luôn vào bồn cầu, chỉ có một phần rất nhỏ không đáng kể các bé được những người hảo tâm kín đáo xin về, lo cho yên nghỉ tại các Nghĩa Trang Anh Hài, mà thường thì mười mấy hai chục cháu phải chen chúc nhau trong cùng một nấm mộ!

Ngày nào con người ta còn chấp nhận cho tự do nạo phá thai, khuyến khích hoặc dồn ép đến phá thai, thì cái văn minh thường rêu rao đó chẳng qua chỉ là văn minh sự chết mà thôi!

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 4.2013

Lời tuyên bố của Đức Bênêđictô XVI về bao cao su trong tác phẩm “Ánh Sáng Thế Giới”

Lời tuyên bố của Đức Bênêđictô XVI về bao cao su 
trong tác phẩm “Ánh Sáng Thế Giới”:
Hiểu và nhận định như thế nào 
trên quan điểm thần học luân lý?

Cuốn sách “Ánh Sáng cho Trần Gian: Đức Giáo Hoàng, Giáo Hội và các Dấu chỉ thời đại,” (“Light of the World: The Pope, the Church and the Signs of the Times”) phát hành ngày 23 tháng 11 vừa qua, của Peter Seewald, một phóng viên người Đức, ghi lại cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về nhiều vấn đề luân lý mang tính thời sự, trong đó, Đức Thánh Cha nhìn nhận vai trò phòng bệnh của việc sử dụng bao cao su trong trường hợp người mại dâm nam.

Ngay trước đó, ngày 20 và 21, các phương tiện truyền thông thế giới như báo chí, đài phát thanh… đã đồng loạt đăng tải lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI về bao cao su với các hàng tít thật dễ gây hiểu lầm cho quần chúng: “Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhìn nhận vai trò của bao cao su” [1], “Đức Thánh Cha nói rằng vài trường hợp sử dụng bao cao su là ‘bước đầu tiên’ của luân lý” [2]…

Nhiều bài báo coi đây là “bước ngoặt lịch sử” của Giáo Hội Công giáo về quan điểm sử dụng bao cao su trong việc phòng chống đại dịch AIDS. Báo Associated Press nhận định, “Đức Bênêđictô XVI đã đi một bước mà không vị giáo hoàng nào đã đi từ khi Đức Phaolô VI ban hành thông điệp ‘Humanae Vitae’ năm 1968 không cho phép người Công giáo sử dụng bao cao su hay các phương tiện ngừa thai nhân tạo khác.” [3] Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Federico Lombardi, linh mục Dòng Tên, nhấn mạnh rằng nhận định về việc có thể chấp nhận dùng bao cao su để ngăn ngừa nhiễm HIV của Đức Giáo Hoàng không “cải cách hay thay đổi” giáo huấn Giáo Hội. Theo Cha Lombardi, lý luận của Đức Thánh Cha chắc chắn không thể được giải thích như là một “khúc quanh cách mạng”.

Dù sao, trên thực tế, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Công giáo, một vị giáo hoàng nói đến tính có thể chấp nhận về mặt luân lý, trong một trường hợp cụ thể, với một bối cảnh nhất định, của việc sử dụng bao cao su. Trong bài viết này tôi sẽ tập trung vào câu hỏi: “Tại sao giáo huấn Giáo Hội Công giáo, đứng đầu là Đức Thánh Cha, vẫn duy trì việc không cho phép sử dụng ngừa thai nhân tạo, nhưng sự chấp nhận của Đức Bênêđictô XVI của việc sử dụng bao cao su trong trường hợp người mại dâm nam lại là một “bước ngoặt lịch sử” và có tầm ảnh hưởng lớn lao trên phương diện luận lý của Thần học luân lý Công giáo?”

Vài bài báo cho rằng Đức Bênêđict XVI đã thay đổi quan điểm về việc sử dụng bao cao su như “một bước đột phá”, vì trước đó một năm, trong chuyến công du Phi châu, Ngài vẫn còn khẳng định mạnh mẽ việc nhân bản hóa tình dục là biện pháp duy nhất phòng chống AIDS tận căn. Trước khi đi vào trọng tâm của bài, chúng ta thử nhìn lại diễn tiến lịch sử để có nhận định đúng đắn về vấn đề này.

Vài năm trước, theo báo New York Times ra ngày 1-5-2006, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã yêu cầu Hồng Y Lozano Barragán cùng một nhóm thần học gia và khoa học gia đáng tin cậy nghiên cứu báo cáo xét xem bao cao su có thể được sử dụng một cách hạn chế trong hoàn cảnh đặc biệt: bảo vệ sự sống cho người bạn đời khi một trong hai thành viên của cặp vợ chồng bị nhiễm HIV/AIDS. [4] Việc nghiên cứu này biểu lộ sự nhạy cảm và quan tâm của Giáo Hội Công giáo Rôma nói chung và Đức Thánh Cha nói riêng, đối với nhóm người đang sống và tranh đấu với cơn bệnh thế kỷ AIDS lan tràn. Ngoài ra trên thực tế, Giáo Hội Công giáo, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói trong bài phỏng vấn với Peter Seewald, “là tổ chức duy nhất giúp người bệnh (AIDS) một cách gần gũi và cụ thể, bằng sự phòng ngừa, giáo dục, giúp đỡ, tư vấn, và đồng hành với người bệnh. Và Giáo Hội đi đầu trong việc điều trị rất nhiều nạn nhân AIDS, đặc biệt là trẻ em bị AIDS… Giáo Hội đã làm nhiều hơn bất cứ ai khác, bởi vì Giáo Hội không nói từ diễn đàn báo chí, nhưng giúp đỡ anh chị em của mình ngay ở nơi họ đang thật sự đau khổ…” [5]

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha nêu rõ lập trường trước sau như một của Giáo Hội Công giáo trước đại dịch AIDS nói riêng và thái độ đối với tình dục con người nói chung. Ngài kêu gọi mọi người xem xét việc phòng chống AIDS trong viễn tượng giá trị và phẩm giá của tình dục con người như một sự diễn tả của tình yêu tương hỗ và trách nhiệm, tác động trên mọi bình diện hiện sinh con người:

“Thực tế.., người ta có thể lấy được bao cao su khi họ muốn. Nhưng điều này cũng cho thấy rằng riêng sử dụng bao cao su không giải quyết được chính vấn đề. Nhiều điều khác cần được thực hiện. Trong khi đó, chính phía thế tục cũng đã triển khai một phương thức gọi là Lý thuyết ABC: Tiết dục- trung thành- bao cao su, trong đó bao cao su chỉ là một phương thế cuối cùng, khi hai phương thế trước đã thất bại… Sự tuyệt đối cậy dựa vào bao cao su là một sự tầm thường hóa tình dục, trong đó, trên hết mọi sự, chính là nguồn gốc nguy hiểm của thái độ coi tình dục không còn là sự diễn tả của tình yêu, nhưng chỉ là một loại thuốc gây nghiện mà người ta tự kê toa cho chính mình. Đây là lý do tại sao cuộc chiến chống lại sự tầm thường hóa tình dục cũng là một phần của cuộc đấu tranh để bảo đảm rằng tình dục được xét đến như một giá trị tích cực và làm cho tình dục có thể tác động tích cực đến toàn thể con người.” [6]

Vài học giả bảo thủ lo ngại rằng việc cho phép sử dụng bao cao su để ngăn ngừa HIV/AIDS đi ngược và sẽ làm suy yếu truyền thống giáo huấn của Giáo Hội Công giáo về ngừa thai nói riêng và về luân lý tính dục nói chung. Thực tế, ngay từ lúc khởi đầu của bệnh AIDS, và sôi nổi hơn trong thời gian gần đây, sau hơn 30 năm bệnh bùng phát và lan tràn, một số giám mục và thần học gia, xuất phát từ kinh nghiệm chuyên môn và mục vụ, lý luận ủng hộ thay đổi quan điểm Giáo Hội Công giáo Rôma về việc sử dụng bao cao su để ngăn chận lưỡi hái tử thần của AIDS. [7] Một số vị thuộc hàng lãnh đạo trong Giáo Hội, trong đó có Hồng Y người Ý, Carlo Maria Martini, đã kêu gọi cử chỉ nhân bản thiết thực về vấn đề bao cao su. Một số khác thuộc hàng giáo phẩm Phi Châu, cho rằng viêc sử dụng bao cao su là đáng xem xét khi một trong hai người phối ngẫu bị nhiễm HIV. Chìa khóa của lý luận thường được một số nhà thần học luân lý và giám mục vận dụng là sử dụng bao cao su trong trường hợp này, không nhắm đến, và cũng không có ý nghĩa ngừa thai, mà chỉ là phòng bệnh, và bảo vệ sự sống cho người phối ngẫu còn khỏe mạnh. Ngừa thai chỉ là tác dụng phụ xảy ra đồng thời với hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm HIV của bao cao su.

Đức Thánh Cha đã không đề cập đến các trường hợp đó, trong cuộc phỏng vấn, Ngài tái khẳng định giáo huấn của Giáo Hội chống lại việc ngừa thai nhân tạo. Tuy nhiên, Ngài nói thêm, “Có thể có vài trường hợp riêng rẽ, ví dụ khi người đàn ông mại dâm dùng bao cao su, việc dùng bao cao su như thế có cơ sở biện minh về luân lý được, điều này có thể là bước đầu tiên hướng tới một sự luân lý hóa, một hành động mang tính trách nhiệm đầu tiên, để gây lại ý thức rằng không phải tất cả mọi thứ đều được phép và người ta không thể làm tất cả những gì mình muốn. Nhưng bao cao su không phải là cách thức thật sự để xử lý với điều xấu về lây nhiễm HIV. Chống lây nhiễm HIV có thể chỉ cậy dựa thật sự vào việc nhân bản hóa tính dục.” [8]

Được hỏi điều trên có phải nghĩa là Giáo Hội, trên nguyên tắc, không chống đối bao cao su, ngài trả lời: “Giáo hội tất nhiên không xem bao cao su như là một giải pháp thực tế hay luân lý, tuy nhiên trong trường hợp này hay trường hợp kia, có thể là trong ý định làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, là một bước đầu tiên trong một chiều hướng tiến tới một phương cách khác, một phương cách nhân bản hơn, về đời sống tính dục.” [9]

Trước hết, cần nói rõ rằng, về nhận định tính có thể cho phép về mặt luân lý của việc sử dụng bao cao su trong trường hợp cá biệt của người mại dâm nam, vị lãnh đạo Giáo Hội Công giáo chọn lựa phát biểu, không phải trong một tài liệu chính thức của Giáo Hội, nhưng trong một cuộc phỏng vấn Ngài dành cho một nhà báo Peter Seewald. Đức Thánh Cha nói rằng ngài chịu trách nhiệm cá nhân cho nhận định này, nghĩa là chúng ta có thể hiểu đây chưa phải là giáo huấn chính thức của Huấn Quyền. [10] Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, với vị thế của ngài, lời phát biểu của Đức Thánh Cha trong cuộc phỏng vấn có sức nặng đáng kể và tầm ảnh hưởng rộng lớn chẳng những trong Giáo Hội Công giáo mà còn trên các tôn giáo khác và cả thế giới.

Đi vào trọng tâm của bài, để trả lời câu hỏi nêu ở phần mở đầu, cần nhắc lại khái niệm hành động “xấu tự nội tại”.

1/ Khái niệm về hành động “xấu tự nội tại” (Intrinsece malum in se, intrinsical evil) và vấn đề đặt ra [11]

Từ la-tinh Intrinsece malum in se này có nghĩa “cái xấu tự nội tại”. Có lẽ đây là một trong các từ ngữ gây nhiều tranh luận nhất trong thần học luân lý hiện nay. Intrinsece malum có nghĩa “xấu một cách nội tại”, nhưng điều rất quan trọng là cần xét toàn bộ câu nói để có cái hiểu đúng. In se nhắm chỉ phẩm chất thiết yếu hay nội tại của một điều nào đó. Trong luân lý, một hành độngintrinsece malum in se có nghĩa là nó xấu trong “chính nó”, tức là xấu từ chính bản chất của nó, luôn luôn và mọi nơi, không cần xem xét thêm đến hoàn cảnh hay ý định, động cơ của chủ thể.

Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến khái niệm hành vi “xấu tự thân” trong thông điệp Veritatis Splendor năm 1993, một thông điệp về Thần học luân lý cơ bản. Thông điệp này được viết trong bối cảnh là Đức Gioan Phaolô II rất quan tâm đến nền luân lý đương thời đang trở nên tương đối hóa thái quá và chối bỏ sự tồn tại của một trật tự luân lý khách quan cũng như cái khả năng của lý trí con nguời có thể biết được, và hành động tương ứng với trật tự này. Ngài diễn tả khái niệm hành vi xấu tự nội tại như sau:

“Lý trí chứng thật rằng có các đối tượng của hành vi nhân linh mà chính bản chất của chúng luôn ‘là vô trật tự’ đối với Thiên Chúa, bởi vì tận gốc rễ, chúng đối kháng với sự tốt lành của con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Đây là những hành động mà, trong truyền thống luân lý Giáo Hội, đã được gọi là ‘xấu một cách tự nội tại’ (intrinsece malum): chúng xấu tự thân như thế bởi chính nó và luôn luôn, hay nói cách khác, xấu tự ngay trong chính đối tượng của chúng, bất kể ý định của chủ thể hành động và các hoàn cảnh.” (VS 80)

Khi nói đến “có các đối tượng của hành vi nhân linh mà chính bản chất của chúng luôn ‘là vô trật tự’ đối với Thiên Chúa”, Đức Giáo Hoàng đang chỉ đến finis operis, đó là mục tiêu của hành vi luân lý. Lập trường này dựa trên tiền đề của thần học luân lý rằng có một trật tự luân lý “khách quan”. Và hệ luận của tiền đề này là một số hành vi luân lý sẽ tương hợp với trật tự luân lý này và một số khác thì đối nghịch với trật tự luân lý này. Trong Veritatis Splendor, Đức Gioan Phaolô II kể ra vài ví dụ cụ thể về các hành vi xấu tự nội tại, các tội này đã được liệt kê trong hiến chế Gaudium et Spes của Công đồng Vaitcanô II:

“Bất cứ điều gì chống lại chính sự sống, như là sát nhân, diệt chủng, phá thai, gây chết êm dịu và tự tử, bất cứ điều gì xâm phạm tính toàn vẹn của con người, như phế bỏ tay chân, tra tấn thể lý hay tâm thần, và các cưỡng bức tinh thần; bất cứ điều gì chống lại nhân phẩm, như các điều kiện sống dưới mức nhân bản, lưu đày, giam tù tùy tiện, nô lệ, mại dâm, và buôn bán phụ nữ và trẻ em…” (VS 80, trích dẫn GS 27)

Ngoài ra, trong lãnh vực tính dục, truyền thống luân lý vẫn kể một số hành vi là “xấu tự nội tại” như ngừa thai nhân tạo, thủ dâm, đồng tính luyến ái, ngoại tình… Lý do chính yếu mà giáo huấn Giáo Hội Công giáo từ trước đến nay không hề xét đến sử dụng bao cao su để ngăn ngừa nhiễm HIV, ngay cả trong trường hợp cặp vợ chồng mà một trong hai người bị nhiễm HIV, là vì hành vi sử dụng bao cao su thuộc nhóm hành vi ngừa thai nhân tạo, và vì thế “xấu tự thân”, bất kể ý hướng của chủ thể và hoàn cảnh.

Về mô tả các hành vi xấu tự thân, trên bình diện trừu tượng, “bất cứ điều gì chống lại sự sống”, thì Đức Thánh Cha và phần lớn các nhà thần học luân lý chắc chắn đồng ý với nhau hoàn toàn. Nhưng khi xét đến cụ thể vài hành vi “chống lại sự sống”, thì có vài khó khăn về mặt luận lý.

Thật sự, cái in se (trong chính nó) bao hàm một xem xét mặc nhiên đến ba nguồn luân lý truyền thống, thường được gọi làfontes moralitatis, và vì thế gọi điều gì là “xấu tự thân” đã phải bao hàm một sự phân tích về ý hướng và hoàn cảnh. Ví dụ, không phải mọi hình thức giết người đều là xấu tự thân, nhưng mọi việc mưu sát là xấu tự thân. Vậy đâu là sự khác biệt giữa giết người và mưu sát? Đó là ý hướng và hoàn cảnh, hay khía cạnh in se của intrinsece malum. Vậy khi đã biết một hành động xấu tự thân thì không cần xét đến ý hướng và hoàn cảnh, theo nghĩa xấu tự thân thì không thể thay đổi; nhưng khi phân định để xem hành động nào là hành động xấu tự thân thì trước đó đã buộc phải xét đến ý hướng và hoàn cảnh.

Bởi vì sự lẫn lộn rất lớn này mà một số nhà thần học luân lý ngày nay tránh dùng từ “xấu tự nội tại”, bởi vì điều này dễ gây ra cách hiểu bề ngoài của hành động mà không cân nhắc đủ đến hai hai yếu tố song hành là ý hướng và hoàn cảnh. Tuy vậy, vì từ ngữ này đã cắm rễ sâu trong truyền thống luân lý nên thật khó mà bỏ nó ngay cho được.

2/ Vài trường hợp bệnh lý y khoa đã được phép sử dụng một trong các phương pháp thuộc nhóm “ngừa thai” hay “triệt sản,” dựa trên nguyên tắc Hiệu quả kép (the Principle of Double Effect)

Nguyên tắc Hiệu quả kép thường được sử dụng trong y khoa để giải quyết một số vấn đề lưỡng nan của các hành vi có hai tác dụng, một tốt và một xấu, tác dụng tốt xảy ra đồng thời hoặc trước tác dụng xấu. Người làm hành động nhắm đến tác dụng tốt; nhìn thấy trước nhưng không ước muốn tác dụng xấu. Tự bản chất, hành vi có tác dụng kép này là tốt hoặc không xấu. Khi có lý do quan trọng tương ứng, hành vi có tác dụng kép này có thể được phép về mặt luân lý. [12]

Tôi xin nêu vài ví dụ liên quan đến ứng dụng nguyên tắc “hiệu quả kép”. Việc dùng thuốc ngừa thai với mục đích ngăn trở sự thụ thai hiển nhiên bị Giáo Hội Công giáo Rôma lên án. Nhưng trong một số bệnh lý như rối loạn kinh nguyệt quan trọng, vài loại u nang buồng trứng, thì viên thuốc ngừa thai (chứa estrogen và progesterone theo một tỉ lệ) dùng với mục đích trị bệnh, và tác dụng ngừa thai của thuốc xem như là hiệu quả phụ của việc điều trị, nên được phép về mặt luân lý. Tương tự, cắt bỏ tinh hoàn để triệt sản ở người nam bị coi như trái với luân lý Giáo Hội Công giáo. Nhưng nếu tinh hoàn bị bệnh, ví dụ ung thư, thì hành vi cắt bỏ tinh hoàn là hợp luân lý vì vô sinh chỉ là hiệu quả phụ của việc trị bệnh cắt bỏ tinh hoàn. Ta thấy, cùng một hành vi thể lý, nhưng trong tình huống tinh hoàn bị bệnh, ý định của thầy thuốc là để trị bệnh, việc cắt tinh hoàn vốn bị cấm trở nên hợp luân lý. Trong hai ví dụ này, tình trạng thể lý của tử cung, buồng trứng, tinh hoàn, và ý định của thầy thuốc, bệnh nhân, là yếu tố cơ bản để đánh giá mặt luân lý của hành động dùng thuốc ngừa thai (bản chất là thuốc nội tiết tố) hay cắt bỏ tinh hoàn. [13]

Lý thú là bước tiến triển của lý luận Giáo Hội Công giáo Rôma về điều trị thai ngoài tử cung (GEU: gestation extra-uterine). Về mặt y khoa, một khi GEU đã được chẩn đoán thì phẫu thuật lấy GEU ra ngoài ổ bụng càng sớm càng tốt cho bệnh nhân về mặt tiên lượng. Nếu sau khi GEU vỡ, bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật thì tỉ lệ tử vong và biến chứng về sau cho bệnh nhân cao hơn nhiều. Cho đến khoảng 20 năm gần đây, phương pháp điều trị GEU có hai cách, hoặc là xẻ phần vòi trứng chứa phôi thai và lấy phôi thai ra (salpingotomy), phần vòi trứng được bảo tồn, như vậy chức năng truyền sinh được bảo tồn; hoặc là cắt bỏ luôn phần vòi trứng chứa phôi thai (salpingectomy). [14] Thuần lý y khoa, phương pháp xẻ vòi trứng thường được chọn vì nó bảo tồn được chức năng truyền sinh của người phụ nữ.

Giáo Hội Công giáo Rôma cho đến trước năm 1933, chỉ cho phép phẫu thuật GEU khi phần thai ngoài tử cung đã bị vỡ. Lý luận nền tảng giải thích cho lối xử trí này là vào thời đó, phôi thai đang nằm ngoài tử cung bị coi như là nguyên nhân trực tiếp gây nguy hiểm cho tính mạng của thai phụ. Nếu GEU chưa vỡ, phôi thai còn sống thì phẫu thuật coi như giết phôi thai để cứu mẹ, như vậy là phá thai trực tiếp. Đến năm 1933, một luật gia về giáo luật, Lincoln Bouscaren, Dòng Tên, hoàn thành luận án tiến sĩ thần học tại Đại Học Gregorian, Roma. Ông là người đầu tiên lý luận rằng thủ thuật cắt đoạn vòi trứng chỉ là phá thai gián tiếp nên được phép về mặt luân lý. Vì vậy bác sĩ công giáo không phải chờ đến lúc GEU bị vỡ mới phẫu thuật cho bệnh nhân. Bouscaren đã cứu được nhiều người nhờ bảo vệ thành công phương pháp cắt đoạn vòi trứng, trên phương diện thần học luân lý của Giáo Hội Công giáo. Để đi đến được kết luận đó, Bouscaren lý luận rằng khoa học hiện đại chứng minh trong GEU, lớp mạch máu của đoạn vòi trứng chứa phôi thai trở thành bệnh lý, tăng sinh, và dãn phù nề, là nguyên nhân chính đe dọa vỡ gây xuất huyết nơi người mẹ. Động tác mổ cắt đoạn vòi trứng chứa phôi thai có hai tác dụng đồng thời: lấy đi đoạn vòi trứng bệnh lý (tác dụng tốt), và cái chết của thai nhi (tác dụng xấu). Ý định của thầy thuốc là lấy đi phần vòi trứng bệnh lý để cứu thai phụ chứ không phải giết thai nhi. Lý luận của Bouscaren đáp ứng đươc nguyên tắc “hiệu quả kép,” và do đó, từ năm 1933, thủ thuật cắt đoạn vòi trứng được Giáo Hội Công giáo Rôma cho phép. [15]

Chỉ thị về Đạo đức và Tôn giáo cho bác sĩ, bệnh viện công giáo của Hội đồng Giám mục Canada và Mỹ, số 31 trình bày rõ ràng:

“Các biện pháp gây vô sinh tạm thời hay vĩnh viễn được cho phép khi:

a/ Chúng dẫn đến đồng thời sự điều trị, giảm nhẹ hay phòng ngừa một tình trạng bệnh lý trầm trọng.

b/ Khi không có một biện pháp điều trị thay thế khác, và

c/ sự vô sinh tự nó không phải là mục đích nhắm đến, và trong hoàn cảnh là hậu quả không tránh được.” [16]

Khi một người nhiễm HIV, ví dụ là người nam, tinh dịch của ông trong hành vi giao hợp là nguồn “gieo rắc sự chết”!!! Bao cao su dùng trong trường hợp này có hai tác dụng cùng lúc: tác dụng tốt là ngăn chận nguồn bệnh chết người, tác dụng xấu là ngừa thai. Theo Giáo huấn của Giáo Hội Công giáo, sự sống con người là một trong những “sự tốt lành cơ bản” (fundamental good). Xét về ý định của người dùng bao cao su trong hành động này, họ dùng bao cao su để ngừa bệnh, hậu quả ngừa thai chỉ là tác dụng phụ đồng thời, không được phải là mục đích nhắm đến. Như vậy, theo một số nhà thần học luân lý danh tiếng, như David Kelly, dùng bao cao su trong giao hợp khi một trong hai người bị AIDS để ngừa bệnh là hợp pháp về mặt luân lý. [17] Thật vậy, xét các trường hợp đã được Giáo Hội Công giáo Rôma cho phép trong các ví dụ nêu trên: dùng thuốc ngừa thai điều trị một số bệnh tử cung hay buồng trứng, cắt bỏ đoạn vòi trứng bệnh lý trong GEU để cứu mẹ dù đoạn vòi trứng này đang chứa phôi thai thì việc sử dụng bao cao su trong giao hợp để tránh cái bệnh ngặt nghèo cho người đối tác cũng rơi vào lôgic lý luận tương tự. Do đó, việc cho phép sử dụng bao cao su trong trường hợp một người bị nhiễm HIV không đi ngược lại với lôgic truyền thống giáo huấn của Giáo Hội Công giáo, mà chỉ là một thích nghi của luật tổng quát cấm ngừa thai vào trường hợp cụ thể của bệnh AIDS hiện nay. [18]

Mặt khác, Aristotle đề cập đến epikeia, nguồn gốc Hy Lạp có nghĩa là thích nghi, hữu lý. Sự ứng dụng các nguyên tắc của luật diễn tả bằng chữ viết có thể bị giới hạn và bị điều kiện hóa bởi hoàn cảnh lịch sử và bởi sự hiểu biết chưa đầy đủ vào một thời nhất định. Epikeia chú trọng đến tinh thần của luật, ý định của người làm luật. Thomas Aquinas nhìn nhận rằng epikeia là một nhân đức tích cực. Vị thánh thời Trung Cổ này khuyến khích áp dụng epikeia, một vận dụng lý trí khôn ngoan, vì nó nhắm đến kiện toàn lề luật, chứ không phải chỉ là một miễn trừ khỏi luật một cách hợp pháp. [19]

Việc sử dụng bao cao su còn liên quan về vấn đề công bình, tôn trọng quyền sống, hạnh phúc gia đình người bệnh; lợi ích chung của cộng đồng xã hội (xã hội phải tốn nhiều công của để điều trị căn bệnh hiểm nghèo này). Kinh nghiệm mục vụ của các Giáo Hội Công giáo địa phương khác như Phi Châu, Ấn Độ, Mỹ, v.v... cũng đi đến kết luận tương tự như bài viết này. [20]

3/ Đức Bênêđictô XVI khai mở cho sự “tái cấu trúc” của ý niệm hành vi “xấu tự thân”

Với sự chấp nhận việc sử dụng bao cao su, dù chỉ trong trường hợp người mại dâm nam, để ngăn ngừa lây nhiễm HIV, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã vượt qua được khó khăn trong luận lý về ý niệm hành vi “xấu tự nội tại”, một ý niệm vốn đã gây nhiều tranh cãi trong lãnh vực thần học luân lý suốt cả hàng thế kỷ qua. Ngài đã cho thấy rằng dù khi một hành vi được mô tả là “xấu tự thân”, trong mỗi trường hợp cụ thể mới, cũng cần xem xét ý hướng của chủ thể làm hành vi và hoàn cảnh nơi mà hành vi đó diễn ra, chứ không loại trừ cách tiên thiên.

Kết luận: Trong nhiều cuộc nói chuyện, Đức Thánh Cha Bênêđictô liệt kê các biện pháp ngăn ngừa sự lan tràn của AIDS, bao gồm kiêng cữ vợ chồng sống khiết tịnh, trung thành trong hôn nhân, chống nghèo đói. Ngày 13/8/2006, trong cuộc phỏng vấnĐức Thánh Cha Bênêđictô XVI dành cho hãng truyền hình Đức, đề cập đến vấn đề luân lý gia đình, ngài nói: “Kitô giáo, Công giáo không phải là nơi tập trung những cấm đoán, mà là nơi có chọn lựa tích cực.” [21] Điều đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh là với tư cách Kitô hữu, chúng ta đón nhận lời dạy của Huấn quyền như lời mời gọi tích cực: các vợ chồng mà một trong hai bị nhiễm HIV/ AIDS sống giá trị Tin Mừng cụ thể bằng cách hy sinh hành vi tình dục diễn tả tình yêu mà thay vào đó giá trị siêu nhiên và thiêng liêng của đời sống hôn nhân. Những vợ chồng sống được lời dạy đó thật đáng quý và làm chứng rằng đời sống con người, riêng ở trường hợp của họ, đời sống vợ chồng Kitô hữu, còn những giá trị siêu nhiên khác, siêu vượt quá phương diện thể lý thân xác. Tuy nhiên, hoàn cảnh và nền tảng giáo dục, thiêng liêng, luân lý mỗi người thật khác nhau, phải thực tế đủ để nhìn nhận rằng kiêng cữ hành vi giao hợp là không thể đạt được đối với mọi cặp vợ chồng công giáo khi một trong hai nhiễm HIV. Trong trường hợp đó, dựa theo lý luận như trên, một số nhà thần học luân lý và cả một số giám mục nhận định việc dùng bao cao su nên được coi là hợp pháp về mặt luân lý.

Công Đồng Vaticanô II khuyến khích giáo dân đóng góp cho Huấn quyền “Tất cả giáo dân, giáo sĩ, đều được quyền tự do tư tưởng và quyền diễn tả trí thức, tư tưởng của họ một cách khiêm nhường và can đảm, trong những vấn đề thuộc lãnh vực chuyên môn của họ” (Gaudium et Spes, 62). Trên đây là những suy tư, thao thức tôi viết với tư cách cá nhân là nhà thần học luân lý, và đồng thời ước mong giúp người nhiễm HIV/ AIDS tại Việt Nam cũng như trên thế giới, được sống “dồi dào” hơn trong hoàn cảnh của họ, với những hiểu biết hạn chế hiện tại của y khoa.

Bác sĩ Trần Như Ý-Lan

–––––––––––––––––––––––––––––––

[1] Zéphyrin Kouadio, “Le pape Benôit reconnaît le rôle du préservatif,” RFI, <http://www.rfi.fr/emission/20101123-2-le-pape-benoit-xvi-reconnait-le-role-preservatif>

[2] Nicole Winfield and Frances D’Emilio, Associated Press, “Pope says some condoms use ‘first step’ of morality,” <http://news.yahoo.com/s/ap/20101120/ap_on_re_eu/eu_pope_condoms> (20/11/2010).
[3] Victor L. Simpson, Associated Press, “Condom remarks may alter AIDS fight, pope’s legacy,” <http://news.yahoo.com/s/ap/20101121/ap_on_re_eu/eu_pope_condoms> (21/11/2010)

[4] Ian Fisher, “AIDS, Condoms, and the Magisterium,” New York Times ( 1/5/ 2006),<http://www.mirrorofjustice.com/mirrorofjustice/2006/05/aids_condoms_an.html> (14/8/2006).

[5] “Pope Benedict discusses condoms and the spread of HIV,” một đoạn trích trong Light of the World, Peter Seewald’s book-length interview with Pope Benedict XVI, 2010, Chương 11, “The Journeys of a Shepherd,” tr. 117-119.

[6] Ibid.,

[7] Xem Most Rev. Anthony M. Pilla, “Statement on Developing an Approach by the Church to AIDS Education,” Origin 16 (1987): 692-93; James Keenan, “Applying the Seventeenth-Century Casuistry of Accommodation to HIV Prevention,” Theological Studies 60 (1999): 492-512; Charles Bouchard and James Pollock, “Condoms and the Common Good,” Second Opinion 12 (1989) 98-106; David Hollenbach, “AIDS Education: The Moral Substance,” America 157 (1987): 493-94; Michael Place, “The Many Faces of AIDS,” America 158 (1988): 41; Enda McDonagh, “Theology in a Time of AIDS,” Irish Theological Quaterly 60 (1994): 81-99; David Kelly, Critical Care Ethics (Kansas City: Sheed and Ward, 1991), 204-9; “Belgian cardinal says condom may be ‘lesser evil’,” Catholic World News, (10/3/2006) <http://www.cwnews.com/news/viewstory.cfm?recnum=42903> (14/8/2006).

[8] “Pope Benedict discusses condoms and the spread of HIV,” một đoạn trích trong Light of the World, Peter Seewald’s book-length interview with Pope Benedict XVI, 2010, Chương 11, “The Journeys of a Shepherd,” tr. 117-119.

[9] Ibid.,
[10] Victor L. Simpson, Associated Press, “Condom remarks may alter AIDS fight, pope’s legacy,” <http://news.yahoo.com/s/ap/20101121/ap_on_re_eu/eu_pope_condoms> (21/11/2010)

[11] Xem James Bretzke, SJ, A Morally Complex World: Engaging Contemporary Moral Theology, (Manila, 2004), tr. 69-77.

[12] Phần lớn ý tưởng đoạn này được lấy từ James Brekzke, A Morally Complex World (College Ville, MN: Liturgical Press, 2004), 69-77.

[13] David Kelly, Contemporary Catholic health Care Ethics (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 2004), 99-120.

[14] Trong vài năm gần đây, giới y khoa không Công giáo còn thực hiện một phương pháp mới là dưới hướng dẫn của siêu âm, thầy thuốc tiêm methotrexate trực tiếp vào thai nhi nằm ngoài tử cung, thai nhi sẽ chết và tiêu hủy từ từ, thai phụ không bị phẩu thuật và ngoài ra, chức năng sinh sản được bảo tồn. Phương pháp này hiển nhiên bị cấm bởi Giáo huấn của Giáo Hội Công giáo Rôma vì nó trực tiếp giết chết phôi thai.

[15] Xem Lincoln Bouscaren, Ethics of Ectopic Operations (Chicago: Loyola University Press, 1933).

[16] Trích trong Gerald Kelly, S.J., Medical Moral Problems (St. Louis, Missouri: The Catholic Hospital Association of the United States and Canada, 1958), 183-4.

[17] David Kelly, Critical Care Ethics, (Kansas City: Sheed and Ward, 1991), 204-9; Béla Somfai, “AIDS, Condoms, and the Church,” Compass (Nov. 1987):44; Dennis Regan, “Perspective from Moral Theology,” Dossiers and Documents; The Pandemic of AIDS: A Response by the Confederation of Caritas International (Feb. 1988): 58-67.

[18] Xem James F. Keenan, “Applying the Seventeenth-Century Casuistry of Accomodation to HIV Prevention,” Theological Studies60 (1999): 492-512.

[19] James Brekzke, A Morally Complex World, 217.

[20] Để hiểu biết chi tiết vấn đề này, xem James F. Keenan, ed. Catholic Ethicists on HIV/AIDS Prevention.

[21] “Pope Benedict XVI,” From Wikipedia, the free encyclopedia, <http://en.wikipedia.org/wiki/Pope_Benedict_XVI> (30/8/2006).



Bác sĩ Trần Như Ý-Lan


Theo hoidonggiammucvietnam.org

Hạn chế sinh sản


Hỏi:

Xin cho con biết về sự giằng co giữa một bên là việc giảng dạy và áp dụng chính xác giáo lý của Giáo Hội công giáo về vấn đề bảo vệ sự sống con người với việc bày tỏ lòng nhẫn nại và nhân từ đối với những con người vi phạm giáo huấn đó?

Theo con được biết thì đạo Phật coi phá thai là giết hại đời sống của một hữu thể. Nhưng ở một số trường hợp đạo Phật dùng từ bi mà bao dung cho việc ngưng thai. Vậy còn người công giáo có được phép hạn chế sinh sản hay không?

Thùy Hương@...




Đáp:

Chào chị,

1/ Đạo nào cũng có những Điều phải tin, và những Điều phải giữ.

Ai theo đạo nào thì cần phải học hỏi và thực hành chu đáo giáo lí đạo đó mới mong hoàn thiện và đạt đích được. Vấn đề này phải nói trong nhiều bài khác.



2/ Ở đây, chỉ xin vắn tắt trả lời câu hỏi của chị: "người Công giáo có được phép hạn chế sinh sản hay không?"

Tiếng "hạn chế sinh sản" chị dùng, có thể hiểu là "ngừa" không cho thụ thai" và "phá" nếu đã thành thai, bất kể ngày tháng trước khi bé chào đời.



3/ Chị hỏi "người Công giáo", nên tôi nói về Công giáo.

Đạo Công giáo nhìn nhận con người có xác và hồn, xác do cha mẹ sinh ra, hồn do Thiên Chúa phú vào sau khi thành thai. Tuy không nói rõ "phú linh hồn vào" bao nhiêu ngày (Bộ Đức tin AAS 66, năm 1974), nhưng Giáo hội dạy chung là "Tôn trọng mạng sống "từ trong lòng mẹ tới khi vào lòng đất-from the womb to the tomb". (Bộ Đức tin 22-8-87, Respect for human life số 4)

Đạo Công giáo có Điều răn thứ 5 trong 10: chớ giết người.



Do đó, căn cứ vào giáo lí, giáo luật, quyền giáo huấn của các Đức Giáo hoàng, khoa Luân lí,



- Giáo hội Công giáo dạy về ngừa thai:

1/Vợ chồng Công giáo không được "ngừa thai" bằng phương pháp tự nhiên (như giao hợp ngưng ngang, dùng bao cao su, dùng màng chắn cửa mình, đặt vòng xoắn, uống thuốc ngừa… buộc buồng trứng, cắt ống dẫn tinh. (ĐGH Phaolo 6,Thông điệp Sự Sống Con Người số 14)

2/Nhưng được "ngừa thai" bằng theo dõi "chu kì kinh nguyệt" để không giao hợp vào ngày có thể thụ thai. (Tđ trên số 16)

3/Với người mẹ có bệnh hiểm nguy cho mạng sống thì được dùng thuốc chữa, dù biết rằng thuốc làm ngăn trở thụ thai. (Tđ trên số 14)



- Giáo hội Công giáo dạy về phá thai:
1/"Phá thai , giết hài nhi luôn luôn là một tội ác đáng ghê tởm" (Công đồng Vat 2, Hc Mục vụ số 51). Là tội nặng cho người mẹ, và người xúi giục, cộng tác. Phá thai bị vạ tuyệt thông, trừ khi không biết, không cố tình. (Giáo luật khoản 1398).

2/Nhưng không gọi là phá thai, khi để cứu mạng người mẹ mà người con bị chết oan, (Luân lí Công giáo, Phá thai gián tiếp, không mắc tội).

3/Khi vừa bị cưỡng hiếp, mà không muốn giữ, thì có thể rửa ngay tinh trùng mới vô, vì lúc đó chưa thành thai. (Nhà Luân lí B. Haring,CSsR)


Xem thế thì Giáo hội Công giáo cũng "bao dung" lắm chứ.

Mong chị hiểu biết rõ ràng giáo huấn của Giáo hội thì sẽ không còn gì: giằng co giữa bên này bên kia nữa nha, mà còn khuyên người ta biết tôn trọng mạng sống con người "được Thiên Chúa dựng nên để hưởng phước Thiên đàng đời đời dù có gặp khổ não trên đời (Hc Mục vụ số 18). Quá quí.


Linh mục. Đoàn Quang, CMC

Theo Xuanha.net

Hủy bỏ gia đình tự nhiên là tàn phá xã hội



Phỏng vấn giáo sư xã hội học Pierpaolo Donati

Hồi trung tuần tháng 2 năm nay ông Pierpaolo Donati, giáo sư xã hội học, đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Gia đình. Bộ gien đơn bội (genoma) làm cho xã hội sống”. Đây là một công trình nghiên cứu và phân tích nghiêm chỉnh trong lãnh vực khoa học xã hội quốc tế về đề tài gia đình, các gia đình mới và các cặp đồng tính luyến ái.

Giáo sư Pierpaolo Donati đã từng là Chủ tịch Hiệp Hội xã hội học Italia và là giáo sư môn ”Xã hội học của các tiến trình văn hóa và truyền thông” của đại học Bologna, trung bắc Italia, về các đề tài liên quan tới các năng động xã hội gắn liến với gia đình.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư xã hội học Pierpaolo Donati, về gia đình giả tạo, mà người ta tìm hợp thức hóa trên bình diện văn hóa ngày nay.

Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư nghĩ gì về các khuynh hướng thành lập các gia đình khác với gia đình truyền thống tự nhiên gồm một người nam và một người nữ?

Đáp: Xã hội ngày nay cho rằng việc nhân hình thức gia đình nhiều lên là gia tăng sự tự do cho các cá nhân, và như thế nó là một tiến bộ. Thế nhưng thật ra đó là một sự thụt lùi văn hóa. Nó là một ảo tưởng không có tương ứng khoa học nào cả. Nó là một ảo tưởng tập thể, được dưỡng nuôi bởi ý thức hệ và bởi các phương tiện truyền thông xã hội, theo đuổi một huyền thoại về xã hội hạnh phúc, nhưng thật ra nó là một sự lừa dối lớn.

Hỏi: Giáo sư khởi hành từ giả thiết rằng đã không có một xã hội nào hủy bỏ gia đình mà có thể sống còn, có đúng thế không?

Đáp: Vâng đúng thế. Việc một xã hội hủy bỏ gia đình mà còn sống được là điều mà nhiều người đã tìm cách chứng minh mà không thành công, bởi vì gia đình, hiểu trong nghĩa tự nhiên, là bối cảnh hợp lý nhất làm nảy sinh ra và làm lớn lên các giá trị nòng cốt nền tảng của mỗi xã hội muốn tồn tại trong dòng thời gian. Cuốn sách của tôi cho thấy các lý lẽ khoa học chứng minh cho quan niệm tự nhiên này về gia đình. Gia đình tự nhiên gồm một người cha và một người mẹ vẫn là gia đình tốt nhất.

Hỏi: Thưa giáo sư, ngày nay tên gọi gia đình được gán cho các thực tại rất khác biệt nhau, giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Người ta muốn làm cho ý niệm về gia đình và bộ luật biểu tượng của nó trở thành thế nào cũng được, không cần phân biệt. Các cuộc sống chung, các vụ kết hiệp như sự kiện đã rồi, các cặp đồng tính, các tụ họp theo ngẫu hứng tùy tiện vv... họ giả thiết rằng tất cả đều là các hình thái tương đương với nhau, như khi người ta nói rằng một cặp đồng phái cũng có thể có khả năng săn sóc một đứa trẻ hơn là một cặp cha mẹ nam nữ. Nghĩa là không còn có gia đình nữa, mà có các gia đình trong nhiều hình thái khác nhau. Nhưng trên bình diện khoa học thì các khẳng định này hoàn toàn sai lạc, bởi vì một sự đa dạng hình thái gia đình như thế làn nảy sinh ra một xã hội còn kỳ thị hơn nữa.

Hỏi: Kỳ thị hơn có nghĩa là sao thưa giáo sư?

Đáp: Nó có nghĩa là trong tương lai hình thái gia đình sẽ luôn luôn định đoạt hơn đối với các hiệu qủa của sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người, trong nghĩa đã được chứng minh một cách khoa học rằng các hình thức gia đình không tương đương với nhau, mà có ảnh hưởng một cách khác nhau trên sức khỏe, việc giáo dục, học hành, công ăn việc làm và nói chung trên các khả thể của cuộc sống con người.

Hỏi: Tại sao vậy thưa giáo sư?

Đáp: Bởi vì các hình thức gia đình khác nhau có một tiềm năng nhân bản hóa cân xứng với khả năng có các tương quan đích thật đối với nhau giữa các phái tính và các thế hệ. Các phương tiện truyền thông không nói tới điều này, nhưng có hàng chục công trình nghiên cứu về vấn đề này; mới nhất như nghiên cứu của ông Mark Regnerus, thuộc đại học Texas, đăng trên nguyệt san ”Tìm tòi khoa học xã hội”. Các nghiên cứu này chứng minh cho thấy có sự khác biệt khổng lồ giữa các trẻ em được nuôi dưỡng bởi các cặp đồng phái, các trẻ em được nuôi dưỡng trong một gia đình có cha mẹ ổn định, các trẻ em sinh ra bởi các cuộc hôn nhân bất ổn, các trẻ em con của các cặp khác phái chung sống với nhau mà không lấy nhau, các trẻ em được nuôi dưỡng bởi các cặp ly thân ly dị vv.... Chính các tình trạng khác nhau ấy tạo ra các môi trường khác nhau với các điều kiện khác nhau ảnh hưởng nặng nề trên các trẻ em, đặc biệt là trên bình diện tâm lý và tinh thần.

Hỏi: Liên quan tới con nuôi của các cặp đồng phái có các dữ kiện chính xác nào không thưa giáo sư?

Đáp: Từ các cuộc nghiên cứu trên hàng ngàn người lớn, do các cặp đồng phái nuôi dậy trong các nước có các thực tại này, người ta thấy kết qủa rất là tiêu cực. Họ có khuynh hướng tự tử 3 lần nhiều hơn người bình thường. Họ cũng có khuynh hướng phản bội người bạn đời của mình 3 lần nhiều hơn những người khác. Số thất nghiệp giữa họ là 5 lần nhiều hơn những người khác, và họ cũng chạy đến với các trị liệu tâm lý 3 lần nhiều hơn những người lớn lên trong các gia đình bình thường có cha mẹ.

Hỏi: Nghĩa là tất cả đều có số liệu và bằng chứng hẳn hoi?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Các số liệu nói trên không chỉ có bằng chứng, mà chúng là kết qủa các cuộc nghiên cứu sâu rộng và của các nhà nghiên cứu cố ý chứng minh cho thấy sự đồng nhất giữa các hình thức gia đình khác nhau, nhưng kết qủa lại trái ngược với ý muốn khởi đầu của họ. Nghĩa là đây không phải là một phán đoán luân lý, nhưng là một sự kiện được ghi nhận như kết qủa của các nghiên cứu khoa học.

Hỏi: Thưa giáo sư, có tương quan nào giữa cuộc khủng hoảng của gia đình và cuộc khủng hoảng của xã hội hay không?

Đáp: Việc hủy bỏ điều, mà chúng ta định nghĩa là bộ gien đơn bội (genoma) của gia đình, trùng hợp với việc gia đình bước vào các gia đình của các lý luận thị trường. Vì thế người ta tụ hợp với nhau theo sự thuận tiện lớn hơn, hay theo các khoái lạc tính dục lớn hơn. Điều này dẫn đưa tới chỗ, mà học giả Tocqueville định nghĩa là một xã hội cá nhân chủ nghĩa, trong đó giảm thiểu ý thức xã hội, trách nhiệm đối với công ích, và trong đó hệ thống chính trị hay kinh tế có thể thống trị một cách khéo léo trên đám đông các cá nhân bị tư nhân hóa.

Hỏi: Thưa giáo sư, vậy có liên hệ giữa cuộc khủng hoảng của gia đình và cuộc khủng hoảng chính trị hay không?

Đáp: Từ một nghiên cứu sẽ được ấn hành vào tháng 5 tới này tựa đề ”Gia đình, tài nguyên của xã hội” người ta thấy rằng các hình thức gia đình yếu kém nhất như cha mẹ không lấy nhau, chỉ có cha hay chỉ có mẹ, cha mẹ ly dị, gia đình không có con vv... là các gia đình ít biết chú ý tới công ích; trong khi gia đình bình thường chú ý nhiều hơn tới các vấn đề xã hội, đương đầu với chúng một cách quân bình hơn, có nhiều vai trò xã hội hơn, và ích lơi hơn cho xã hội. Ngoài ra các gia đình yếu kém hơn còn là các gia đình cần trợ cấp xã hội và giúp đỡ về tâm lý hơn. Kết qủa là một xã hội được làm thành bợi các gia đình như thế sẽ dễ bị lèo lái hơn, và thiếu nền tảng có khả năng giữ cho các cơ cấu đứng vững với nhau.

Hỏi: Như thế là chúng ta đang ”chặt chân tương lai” của mình, có phải thế không thưa giáo sư?

Đ: Đúng vậy. Trong thực tế, nếu chúng ta ra khỏi mô thức gia đình tự nhiên được xâu dựng trên sự trao ban, trên tương quan hai chiều, trên tính dục phải tính và trên ý hướng sinh con cái giữa hai người nam nữ và các yếu tố này đều hiện diện một cách tốt đẹp, gắn liền với nhau và trong tương quan mật thiết, thì chúng ta làm nảy sinh ra một xã hội được làm thành bởi các hình thái gia đình có vấn đề, và sẽ làm phát sinh ra nhiều khó khăn hơn là giải quyết các vấn đề. Cần phải hiểu rằng chính sự lâu bền và phẩm chất của tương quan lứa đôi nam nữ sinh ra tương lai; và điều quan trọng không phải là các lợi lộc hay khoái lạc có thể có được từ sự kết hợp hai cá nhân, nhưng là khả năng sinh ra một thiện ích tương quan theo 4 yếu tố mà chúng ta đã kể ra trên đây. Chính Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng đã nhắc nhớ một cách hữu hiệu trong Thông điệp ”Bác ái trong Chân Lý” rằng: tình yêu không phải chỉ là một cảm tình, nhưng là một tương quan giữa hai người nam nữ.

(Avvenire 9-2-2013)

Linh Tiến Khải


Theo VietVatican.net

Một cử chỉ yêu thương nhiều tâm hồn trỗi dậy.

Lang thang trên internet, tình cờ gặp được tấm hình Đức Giáo Hoàng Phanxicô ôm hôn một bé trai 9 tuổi bị bại liệt ngay giữa quảng trường Thánh Phêrô. Có rất nhiều những tấm hình sống động cho thấy tình yêu thương rộng mở đối với con người của Đức tân Giáo Hoàng từ khi ngài chưa đăng quang hay sau khi đã đăng quang đang tràn ngập trên nhiều tờ báo cũng như trên internet. Tuy nhiên, riêng với tấm hình này, biết bao nhiêu cảm xúc lại ùa ngập trong tôi, những kỷ niệm thủa ấu thơ lại tràn về ký ức, đủ khiến cho lòng cảm thấy bồi hồi, bâng khuâng như chìm vào dòng suối tình thương.



Xin được quay về với tuổi thơ của anh chị em chúng tôi đôi chút. Ba mẹ tôi có 11 người con tất cả, Nhưng ngay từ khi chào đời, một chị và một anh đã mất, còn lại chín chị em chúng tôi. Trên tôi có ba người chị, kế tôi là hai em gái, rồi đến ba em trai. Tôi tuy là thứ nhưng lại là con trai trưởng.

Năm 1972, kế ngay sau tôi, một em đã gần 2 tuổi, chạy nhẩy tung tăng khắp chốn, một em mới bảy tháng tuổi, rất kháu khỉnh với cái miệng luôn toe toét cười, vậy mà, chỉ trong một đêm, hai em trai kế út của tôi sốt cao và liệt luôn từ đó. Một đòn nặng như đánh vào gia đình tôi khiến mọi người ngơ ngác bàng hoàng. Mẹ tôi khi ấy cũng đang liệt giường vì tai nạn giao thông chưa biết sống chết thế nào. Ba tôi thì vẫn đang tại ngũ trong quân đội Cộng Hòa. Chỉ còn bà nội tôi chăm con chăm cháu với tấm lòng hết mực yêu thương.

Trong cơn khủng hoảng, niềm tin vào Chúa Quan Phòng của ba mẹ, của bà nội khiến cho anh em chúng tôi càng trở nên gắn bó với nhau hơn. Tất cả tình thương, chăm sóc như dồn hết vào hai người em bé bỏng này. Trong sự kiện 30 tháng 4 dạo ấy, ba tôi phải cắm trại trong quân đoàn không về nhà được, lúc ấy tôi mới có tám tuổi, cõng một em chạy giặc để tránh tên bay đạn lạc.

Sau biến cố ấy, anh em chúng tôi cũng trở lại trường và tuổi thơ của tôi cứ thế luôn gắn bó với việc phải cõng em. Sáng cõng đi Nhà Thờ rồi cõng đi học, chiều cõng về. Rồi ai mách đâu gia đình cũng mang đi chạy chữa, lại cõng đi chữa bệnh, hàng ngày như thế, đến nỗi bây giờ, nhiều thấy cô trong trường, nhiều bà sơ trong xứ chẳng nhớ tên tôi là gì, chỉ nhớ cái thằng bé cõng em ngày nào.

Hơn chục năm trời, cứ thế cho đến khi ba mẹ tôi phải bán cả nhẫn cưới mới mua được một chiếc xe lắc tay cho hai em tôi đi học. Có lần, cậu tôi là Giáo Lý Viên, tổ chức cho nhóm Giáo Lý đi Vũng tàu, Cậu xin ba mẹ cho ba anh em tôi đi cho biết biển Vũng Tàu là như thế nào. Hôm ấy bãi biển đông người, sóng rất lớn, ba anh em tôi xuống tắm, được một lát, không chịu nổi cái lạnh, một đứa run lên cầm cập, tôi quýnh quá chẳng biết làm sao, cõng một đứa lên thì lo cho đứa còn ở dưới biển. Cuối cùng, chọn cách cõng một đứa một đoạn rồi quay lại cõng tiếp đứa kia một đoạn, hai ba bận mới lên được đến chỗ cắm trại. Hết cả hồn vía!

Rất nhiều lần, gia đình tôi cũng đã hứng chịu bao nhiêu lời gièm pha, dè bỉu, vượt qua được điều ấy chẳng dễ dàng gì. Ba mẹ và anh em trong nhà yêu thương nhau thế là đủ. Bây giờ, hai em tôi đã lớn, Tình thương lại được đáp đền. tàn nhưng không phế. Hai em tôi giờ lại là nguồn vui cho cả nhà nhờ cái tính rất vui và hài hước, tự kiếm sống được với cái nghề quay vịt gia truyền, và thật hạnh phúc, chưa bao giờ thấy hai em tự ti về thân phận kém may mắn của mình.

Được biết, sắp tới đây. Anh Nick Vujicic, một con người không chân, không tay và không lo âu, sẽ đến Sàigòn và có buổi thuyết trình trước 50.000 người Việt vào ngày 22 tháng 5 tới đây. Một tấm gương, một nghị lực quá vĩ đại khiến ai cũng phải ngưỡng mộ, thán phục.

Thiết nghĩ một con người như thế làm lợi cho quốc gia, cho dân sinh gấp nhiều lần hàng vạn công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, thậm chí mỗi lời nói của anh còn giá trị hơn hẳn nhiều “ông nghị gật” đầy mình bằng cấp, đầy quyền lực, nhưng hễ mở miệng ra là dân chúng cảm thấy vô cùng khó chịu.

Vâng, con người dù có khiếm khuyết về thể chất, họ vẫn cứ là người. Họ vẫn có một giá trị, một quyền được sống bình đẳng như những người khác. Đâu ai biết ai sẽ hơn ai để đóng góp cho cuộc đời này, đâu ai biết rồi đây ai sẽ tài giỏi hơn ai, và trên hết, họ chính là hiện thân, là một minh chứng sống động để con người mở rộng trái tim nhân ái, nhờ họ, những người may mắn hoàn thiện được có cơ hội để học cách yêu thương, để cảm ơn Thiên Chúa về sự hoàn thiện của mình và can đảm nhận lấy trách nhiệm yêu thương và bảo vệ những con người kém may mắn hơn mình.

Ấy vậy, xin được thông tin thêm, việc chẩn đoán và sàng lọc trước khi sinh cho các hộ nghèo là một trong những nội dung quan trong tại Thông Tư Liên Tịch số 16/213/TTLT-BYT của Liên Bộ Tài Chính và Y Tế sẽ có hiệu lực từ 1.4.2013 này.

Có thể nói thẳng ra, đây là một chương trình nhằm tiêu diệt tất cả những con người khuyết tật ngay từ trong dạ mẹ, tất cả sẽ không có quyền được sống, tất cả sẽ không có quyền được sinh ra. Chỉ vì một lý do duy nhất: họ coi những con người này là gánh nặng cho xã hội, làm mất đi hạnh phúc gia đình. Trong tương lai, những thông tư, những chương trình như thế này sẽ chỉ làm cho con người trong xã hội Việt Nam trở nên vô cảm hơn, chai đá hơn, làm mất đi hết những cơ hội để học hỏi sự yêu thương.

Xin cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy cho chúng con một bài học thật sống động của yêu thương, Xin cám ơn anh Nick Vujicic đã cho chúng tôi biết giá trị thật trong một con người.

Xin cám ơn hai em tôi, cám ơn những con người khuyết tật đã cho chúng tôi có cơ hội hoàn thiện chính bản thân mình qua việc thực hành tình thương.

Và xin cám ơn các thai nhi khuyết tật đã phải chịu chết oan khiên mà vẫn rộng lòng thứ tha cho những người đã sát hại mình.


Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 13.4.2013

Thử nghiệm tiền sinh

Cha mẹ nào cũng hy vọng và cầu xin cho đứa con chưa sinh của mình được lành mạnh. Và với sự trợ giúp của y khoa hiện đại, việc chăm sóc tiền sinh (pre-natal care) đối với sản phụ và thai nhi tiếp tục có những tiến bộ mới mẻ và đầy ngạc nhiên. Nếu người mẹ hay thai nhi có tiềm năng gặp trắc trở về sức khỏe trong thai kỳ, thì những vấn đề này thường được nhận diện trước khi đứa trẻ ra đời và được chữa trị hữu hiệu bao nhiêu có thể. Siêu âm rất hữu dụng trong các hoàn cảnh như thế và đóng một vai trò quan trọng trong việc chăm sóc thai nhi.



Tuy nhiên, với sự gia tăng việc kiểm tra tiền sinh (pre-natal screening) để tìm ra dấu hiệu của hội chứng Down (Trisomy 21) và hội chứng Edwards (Trisomy 18) nơi trẻ chưa sinh, các sản phụ mỗi ngày mỗi tự đặt cho mình câu hỏi mà mẹ hay bà của họ chưa bao giờ phải đặt ra: “Liệu mình có nên kiểm tra hay không?”

Kiểm tra tiền sinh và thử nghiệm chẩn bệnh đã và đang gia tăng theo cấp số nhân trong thập niên qua. Theo khuyến cáo của các hiệp hội bác sĩ sản khoa ở Anh, Mỹ và Úc, việc kiểm tra này nay đã được thường xuyên cung cấp cho các sản phụ, dù 99.7% thai nhi không hề mắc hội chứng Down, còn hội chứng Edwards thì lại càng hiếm hoi hơn.

Ngày nay, nhiều sản phụ cảm thấy bị áp lực phải qua những cuộc kiểm tra này. Nhưng họ cũng bối rối bất an bởi các sứ điệp ẩn tàng ngay trong loại kiểm tra này và nhất là trong các hậu quả của nó. Họ tự hỏi “nếu đứa con của tôi mắc hội chứng Down, thì điều này có nghĩa nó không nên sống nữa hay sao? Và như thế thì có nên trục thai nó hay không?”. Thảm họa thay, đã có chứng cớ cho thấy việc kiểm tra tiền sinh và thử nghiệm chẩn bệnh đã đưa tới hậu quả chết người cho rất nhiều thai nhi; một cuộc nghiên cứu tại Queensland, Úc, vào năm 2004 cho thấy: sau cuộc kiểm tra tiền sinh, 90% các thai nhi mang hội chứng Down đã bị trục thai.

Thử nghiệm tiền sinh bao gồm những gì?

Thử nghiệm tiền sinh thường được dùng để chỉ chung cả kiểm tra tiền sinh lẫn thử nghiệm định bệnh (diagnostic testing). Nhưng thực ra hai loại kiểm tra và thử nghiệm này khác nhau. Kiểm tra tiền sinh hiện rất phổ thông tại nhiều vùng của Úc Châu. Trong vòng 12 tuần lễ đầu của thai kỳ, bất cứ sản phụ nào cũng được đề nghị cuộc thử nghiệm có tên là “Thử Nghiệm Tổng Hợp” (Combined Test) hay “Kiểm Tra Tổng Hợp Huyết Thanh Mẹ Trong Tam Cá Nguyệt Thứ Nhất” (Combined First Trimester Maternal Serum Screening). Cuộc thử nghiệm này bao gồm:

* Thử máu, vào các tuần 10-12. Song song với việc kiểm tra sức khỏe nói chung của bà mẹ, chuyên gia bệnh học (pathologist) sẽ thử nghiệm mẫu máu của bà để tìm hiểu hai protein đặc biệt mà mức tăng hay giảm của chúng có thể cho thấy thai nhi mắc hội chứng Down hay hội chứng Edwards hay không; và

* Thử siêu âm đặc biệt có tên là Nuchal Translucency Scan (thử độ mờ của gáy) thường giữa tuần thứ 11 và thứ 13 của thai kỳ. Thử nghiệm này nhằm đo độ dầy của chất lỏng ở gáy thai nhi. Nếu độ đặc của chất lỏng này cao thì đây là dấu chỉ thai nhi có nguy cơ cao mắc hội chứng Down hay hội chứng Edwards.

Tín liệu tổng hợp nhận được từ các thử nghiệm trên sẽ được cung cấp cho bà mẹ. Bà mẹ nào không được thử nghiệm tổng hợp vào tam cá nguyệt đầu của thai kỳ, sẽ được cung cấp cuộc thử máu vào tam cá nguyện thứ hai, gọi là Kiểm Tra Ba Thứ (Triple Screen) hoặc Kiểm Tra Bốn Thứ (Quad Screen).

Tất cả các thử nghiệm trên đều không thể nói chính xác là thai nhi mắc hội chứng Down hay hội chứng Edwards; chúng chỉ cho biết “nguy cơ thấp” hay “nguy cơ cao” của các hội chứng này nơi thai nhi mà thôi. Sau cuộc thử nghiệm ở tam cá nguyệt đầu, 1 trong 25 sản phụ sẽ được thông báo “có nguy cơ cao”, nghĩa là thai nhi của họ có khả thể mắc hội chứng Down hay hội chứng Edwards theo sác xuất 1/300 hoặc cao hơn.

Chuyện gì sẽ xẩy ra?

Sản phụ nào được thông báo “có nguy cơ cao” sẽ được đề nghị thử nghiệm định bệnh, như Xét Nghiệm Nhung Mao Màng Đệm (Chorionic Villus Sampling, tắt là CVS) hay thông dụng hơn, Thử Nghiệm Mẫu Nước Ối (Amniocentesis). Những thử nghiệm này cung cấp một định bệnh có độ chính xác lên tới 98%, tuy nhiên, chúng bị coi là xâm phạm đời tư và có nguy cơ gây xẩy thai (khoảng 1%).

Thử siêu âm trễ hơn trong thai kỳ có giá trị hơn và được coi là ít xâm phạm đời tư hơn. Từ khoảng 20 tuần trở đi, nhiều vấn đề sức khỏe nơi sản phụ hoặc nơi thai nhi có thể được nhận diện và đưa ra kế hoạch điều trị. Các trường hợp như hội chứng Down, khiếm khuyết ở ống thần kinh và bệnh tim có thể tìm ra ở tam cá nguyệt thứ hai bằng siêu âm hay các thử nghiệm khác đã thành tiêu chuẩn trong ngành chăm sóc sức khỏe hiện nay. Điều này giúp các gia đình có thì giờ chấp nhận việc chẩn bệnh và chuẩn bị chăm sóc và hỗ trợ cho đứa con của mình.

Như thế thì tại sao người ta lại đưa ra việc thử nghiệm quá sớm trong thai kỳ như hiện nay? Câu trả lời đáng buồn là: việc định bệnh sớm, tức trước tuần thứ 20 của thai kỳ, cho người ta cơ hội tốt để phá thai, một cuộc phá thai “ít thương đau hơn” cho mọi người liên lụy… ngoại trừ chính thai nhi.

Các tiêu chuẩn của Giáo Hội đối với việc thử nghiệm tiền sinh

Dựa trên đức công bình tự nhiên, Giáo Hội dạy rằng thử nghiệm và định bệnh tiền sinh sẽ được chấp nhận nếu mọi tiêu chuẩn sau đây được thỏa mãn:

1. Tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của thai nhi;

2. Nhằm duy trì hoặc chữa trị cho thai nhi như một cá thể;

3. Cung cấp cho cha mẹ thai nhi đủ tín liệu để họ cân nhắc các nguy cơ và phúc lợi của việc thử nghiệm và đưa ra các quyết định tự do và có hiểu biết; và

4. Nguy cơ đối với sự sống hay sức khỏe của thai nhi phải tương xứng với phúc lợi mà đứa trẻ có thể nhận được từ việc thử nghiệm.

Bởi đó, cung cấp việc thử nghiệm tiền sinh với ý định sau đó cung cấp cho sản phụ cơ hội trục thai nếu kết quả thử nghiệm thấy có nguy cơ cao là đi “ngược lại luật luân lý một cách trầm trọng”. Những thăm dò tiền sinh phải nhằm cung cấp các giải pháp chữa trị phò sinh. Việc chẩn đoán hội chứng Down hay bất cứ điều kiện nào khác “không thể tương đương với bản án tử hình”.

Không ích lợi gì cho thai nhi

Dù cách chữa trị trong dạ mẹ đối với một số điều kiện, trong đó có hội chứng Down, đang được triển khai, vấn đề chủ yếu đối với việc thử nghiệm tiền sinh quá sớm là nó hiện chưa cung cấp được lợi ích điều trị nào cho thai nhi. Giải pháp duy nhất dành cho cha mẹ để “chữa trị” tình trạng của thai nhi là phá thai. Các thực hành nhằm loại bỏ thai nhi có khuyết tật hay ngăn cản chúng không sống sót để sinh ra đều bị Giáo Hội kết án và coi là tội ác trầm trọng, đi ngược lại phẩm giá con người, chống lại sự qúy giá của sự sống nhân bản và quyền của đứa trẻ được yêu thương và chăm sóc, bất kể điều kiện của nó có ra sao. Việc kiểm tra tiền sinh vào lúc từ 10 tới 12 tuần của thai kỳ hiện không đem lại bất cứ phúc lợi y khoa nào cho cả bà mẹ lẫn thai nhi, nhưng thường tạo đà cho việc phá thai ngay sau đó.

Khi nào thì được thử nghiệm tiền sinh?

Một số cha mẹ muốn biết liệu đứa con của mình có mắc hội chứng Down hay một chứng nào khác hay không, vì việc chẩn đoán này có thể giúp họ có thì giờ để chuẩn bị về thể lý lẫn xúc cảm để chào đón đứa con ra đời. Điều này tốt và có lý lẽ vững chắc vì theo lời Đức Gioan Phaolô II, nó giúp họ sẵn sàng “chấp nhận đứa trẻ sắp sinh một cách thanh thản và hiểu biết”.

Tuy nhiên, vào lúc này, việc tiến hành cuộc thử nghiệm định bệnh vẫn đem lại nguy cơ thực sự và nghiêm trọng đối với sự sống của thai nhi. Nguy cơ cho thai nhi càng cao, thì việc thử nghiệm càng cần phải được biện minh nhiều hơn. Việc thử nghiệm mẫu nước ối chỉ được biện minh bởi nhu cầu thật khẩn thiết và kết quả thử nghiệm phải vì lợi ích của thai nhi. Điều đáng buồn là hiện chưa có cách điều trị tiền sinh nào cho các hội chứng Down hoặc hội chứng Edwards, nên thai nhi chưa rút được bất cứ lợi ích nào từ cuộc thử nghiệm. Nó chỉ đang đặt mạng sống của thai nhi vào thế nguy hiểm hơn, hoặc qua việc xẩy thai do hậu quả của thử nghiệm hay do cố ý phá thai.

Chấp nhận đứa trẻ là trách nhiệm của mọi người

Sự xuất hiện của việc thử nghiệm tiền sinh, thảm họa thay, đã dẫn tới một bầu khí trong đó việc chấp nhận đứa trẻ chưa sinh tùy thuộc ở việc người ta có trân qúy và chăm sóc sự sống của nó hay không nếu sự sống ấy “khiếm khuyết” hay mắc một nan đề nào đó về sức khỏe. Là môn đệ Chúa Kitô, ta được mời gọi công bố Tin Mừng Sự Sống để yêu thương và chấp nhận con cái ta một cách vô điều kiện và khuyến khích người khác cũng làm như vậy. Giáo Hội thấu hiểu các thách đố lớn lao mà các gia đình đang gặp phải trong việc chào đón và nuôi dưỡng con cái có khuyết tật. Là cộng đồng Kitô Giáo, ta được mời gọi cung cấp sự hỗ trợ thực tiễn, tình bằng hữu, lời cầu nguyện và khích lệ để bảo đảm rằng các gia đình sẽ không mang gánh nặng của họ một mình. Như một người cha từng mơ ước: “chúng tôi chỉ cần một ai đó cho chúng tôi hay: ông bà có thể chịu đựng được. Ông bà có thể nuôi dưỡng được đứa con này. Ông bà sẽ không sao”.

Thiện ích chân thực của đứa con

Mọi đứa trẻ đều là ơn phúc Chúa ban, để ta trân qúy và che chở từ những giây phút đầu tiên. Giáo Hội thừa nhận ơn gọi cao cả của nghề thầy thuốc trong việc chữa trị bệnh tật và khuyết tật, nhưng họ phải thực hành việc này trong khung cảnh tôn kính sâu xa đối với giá trị cốt lõi của sự sống đứa trẻ. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng nhắc nhở ta: “Mọi can thiệp của y khoa phải luôn tập chú vào việc thực hiện cho bằng được thiện ích chân thực của đứa trẻ, phải coi em trong chính phẩm giá một con người nhân bản với đầy đủ mọi quyền lợi của em. Như thế, điều cần thiết là phải chăm sóc em một cách yêu thương, giúp em đương đầu với đau đớn và bệnh tật, ngay cả trước khi em sinh ra, khi tình thế của em đòi hỏi”.

Có rất nhiều gia đình, nhiều tổ chức và nhiều nhà chuyên nghiệm chăm sóc y khoa và chăm sóc sức khỏe thật tuyệt vời. Họ sẵn lòng giúp đỡ và nâng đỡ các cha mẹ trong việc chào đón con cái có nhu cầu đặc biệt của họ. Giáo Hội hết sức quan tâm về phương diện mục vụ và sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể làm được để hỗ trợ các gia đình này qua các giáo xứ, các trường học, các dịch vụ y tế và tạm thế (respite). Với lòng tôn trọng, dưỡng dục, tạo cơ hội và yêu thương, trẻ em mắc hội chứng Down và những điều kiện bẩm sinh khác đã có thể lớn lên, sống một đời sống khỏe mạnh, vui tươi và thỏa mãn. Sự hiện diện của các em giữa chúng ta là niềm hy vọng đẹp nhất để xã hội thay đổi và phục hồi đầy đủ được một nền đạo đức chân thực cho việc chữa trị và lưu ý tới việc thử nghiệm tiền sinh.

Gia đình lớn lên trong tình yêu

Richards Wilkin là một người cha hãnh diện có đứa con mắc hội chứng Down. Ông đồng thời là một ký giả nổi tiếng từng đoạt giải của kỹ nghệ giải trí. Ông từng lên tiếng công khai nói về giá trị lớn lao của sự sống con trai mình, là Ađam, và tác động mà đứa con trai 39 tuổi này đem lại cho cuộc sống của gia đình ông. “Tôi không biết tôi sẽ làm gì khi biết trước Ađam mắc hội chứng Down. Có lẽ tôi biết tôi sẽ làm gì, nhưng đó sẽ là một lỗi lầm khủng khiếp. Phúc lành đến thật bất ngờ và cháu quả là niềm vui lớn. Các đứa con của tôi cũng đã lớn lên và hiểu ra rằng đời sống có thể khác nhưng thật kỳ diệu. Ađam dạy chúng biết thực sự khoan dung. Mọi đứa con của tôi đều là những thành tựu vĩ đại nhất của tôi ở trong đời và tôi hết sức hãnh diện vì tất cả những đứa con ấy” (Wonman’s Day, 2 tháng 7 năm 2012).

Câu truyện của Lisa

Tôi tan nát cả cõi lòng khi nghe kết quả thử nghiệm. Nét mặt của bác sĩ và giọng nói của ông làm tôi có cảm tưởng có đứa con mắc hội chứng Down là một chuyện gì đó thật khủng khiếp. Lúc đó, tôi không biết có nguồn giúp đỡ và nâng đỡ mình; chính bác sĩ cũng không cho tôi hay việc đó. Và trên hết, tôi không biết tấm tình yêu mà tôi cảm nhận được khi tôi ôm đứa con trong tay lần đầu.

Nhìn lui, ước chi tôi đừng làm cho tôi và chồng tôi phải lo sợ về kết quả cuộc thử nghiệm như thế. Ngày nào tôi cũng cám ơn Chúa đã cho chúng tôi đứa con gái qúy hóa này. Tình yêu vô điều kiện của cháu giúp chúng tôi kiên nhẫn hơn và tha thứ cho nhau nhiều hơn. Khi đời sống trở nên khó khăn, nụ cười của cháu khiến mọi sự trở thành dễ chịu và tinh thần hiền dịu của cháu giúp chúng tôi mạnh mẽ hẳn lên. Chẳng cần chờ đợi, tôi cũng thấy các kế hoạch Chúa dành cho cháu.

Tài liệu của Trung Tâm Sự Sống, Hôn Nhân và Gia Đình, Tổng Giáo Phận Sydney

Vũ Văn An

Theo VietCatholic

Đồng Nhi "trong tiết tháng 3"

TP - Chốn ấy dành cho thi thể “những con người do vô ý sinh ra”. Phần lớn trong số mười lăm ngàn nấm mộ hài nhi ở nghĩa trang TP Pleiku không có tên vì người mẹ không kịp đặt cho chúng.


Nghĩa trang Đồng Nhi, anh Phụng (trái) và anh Lễ thắp nhang cho các cháu.

Những người chăm sóc hài nhi xấu số


Nghĩa trang TP Pleiku nhìn từ xa như thành phố của người chết với khoảng năm chục ngàn ngôi mộ, hầu hết được xây dựng khang trang, có nhiều mộ phần đến vài trăm triệu đồng.

Trong nghĩa trang TP Pleiku, có nghĩa trang Đồng Nhi-tên mà những người thu gom thai nhi đem về đây chôn cất đặt cho khu vực riêng biệt này, như xóm nhà lá bên thành phố ma. Những tấm lòng từ tâm gom góp để đủ dăm ba trăm ngàn xây nên một nấm mộ hài nhi cho khỏi nhầm lẫn ụ đất tháng năm mưa nắng bào mòn.

Tôi bước vào khu Trang thờ ở nghĩa trang Đồng Nhi, trang thờ chung duy nhất ở nghĩa trang TP Pleiku vừa để thắp hương, vừa tìm anh Phụng, anh Lễ những người chăm lo mộ phần ở nghĩa địa này.

Trang thờ rộng vài chục mét vuông, thoáng đãng và sơ sài, vừa làm nơi cho khách đến nhang khói nghỉ chân, vừa là địa điểm để những người hảo tâm chia sẻ gánh nặng dựng mộ phần hài đồng. Trang thờ có cụ bà tình nguyện đến lau chùi, dọn dẹp từ sáng sớm đến tối mịt mới về.


Trang thờ đơn sơ do những người hảo tâm tạo dựng.
Anh Nguyễn Phước Phụng và Nguyễn Văn Lễ, hai người đàn ông hoàn toàn xa lạ, không họ hàng thân thích, không cùng máu mủ với hàng vạn hài nhi ở đây. Gần 10 năm nay các anh đã đi lượm xác các cháu về, tạo dựng chốn yên nghỉ cho các cháu, chịu trách nhiệm chăm sóc phần mộ các cháu.

Công việc xuất phát từ lương tâm, không tiền bạc, ép buộc. Tuy nhiên, họ không phải là những người đầu tiên tạo dựng nên nghĩa địa Đồng Nhi mà xuất phát từ 800 ngôi mộ vô danh do ông Đông, ông Phước lập từ năm 1992.

Ông Đông, ông Phước đều bận công việc không có thời gian phục vụ ở nghĩa địa như anh Lễ, anh Phụng, chỉ giúp tiền của. Bây giờ vợ chồng ông Phước chuyển hẳn vào TP Hồ Chí Minh nấu cơm, nấu cháo từ thiện cho người nghèo ở bệnh viện Ung Bướu.

Anh Lễ, anh Phụng vừa làm thợ hồ thi công mộ phần cho người có nhu cầu ở nghĩa trang này, lấy phần dôi dư bù đắp cho các mộ phần không ai chăm sóc.

Anh Phụng bảo: “Tôi làm sáng ăn chiều, chẳng dư dả gì, song giúp đỡ được các phần mộ vô danh ở đây, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa lắm. Bà con đến thăm quyên góp cho được đồng nào, chúng tôi ghi chép cẩn thận, lấy tiền ấy xây mộ cho các cháu, đề rõ phần mộ do ai hiến tặng”.

Những ngày đầu làm việc thật khó khăn. Tiền mua tiểu sành để chôn bào thai cũng không có, các anh phải đi lượm từng cái lư hương người ta bỏ về để dùng. Dần dần, việc làm, sự hy sinh của anh được nhiều người biết đến và chung tay giúp đỡ phần nào.

Anh Phụng cho biết, gần 10 năm, anh tự tay an táng cho hơn 7 nghìn bào thai và chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Đôi bàn tay thô ráp của anh đã nâng niu, chăm chút, lau rửa cho biết bao bào thai một vài tháng hoặc đã, đầy đủ hình hài nặng 3-4kg mới qua đời còn nóng hổi.

Trước đây, nhiều cơ sở khám chữa bệnh phụ sản vứt bỏ thai nhi lung tung, có thai khi các anh nhặt được đã bốc mùi... Bây giờ số điện thoại của các anh có khắp nơi, hễ người lượm rác, anh xe ôm phát hiện, gọi, là nửa đêm gà gáy, anh cũng chạy đến mang đi chôn cất.

Mỗi ngày 12 giờ anh dành cho công việc thợ hồ tại nghĩa trang và cả việc thu lượm thai nhi. Chỉ khi mặt trời khuất núi, thành phố lên đèn, anh mới về với mái ấm của riêng mình, quây quần với vợ con trong bữa cơm tối. Thế nhưng, không phải bữa cơm nào cũng trọn vẹn, đôi khi nó bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại.

“Ngày nào cũng có trường hợp chôn cất hài nhi xấu số, bắt đầu từ mùng 2 Tết là có người gọi rồi!” -anh Phụng nói - “ Ẵm những đứa trẻ thứ nhất, thứ hai, thân còn nóng hổi, tôi nguyền rủa bố mẹ nó dữ lắm. Dần dần rồi thôi, thành chuyện bình thường. Chôn cất các em xong tôi thấy lương tâm mình thanh thản. Bởi việc mình làm hoàn toàn tự nguyện, không ai bắt làm”. Tại Trang thờ nghĩa địa Đồng Nhi này có dòng chữ trang nghiêm: “Chúng con tha thứ cho cha mẹ”.

Khóc cười những phận đời

Anh Nguyễn Phước Phụng cho biết: Hạnh phúc lớn nhất của anh khi làm công việc này không phải chỉ là chôn cất hàng ngàn hài nhi mà là cưu mang được 9 cảnh đời. Nào là trẻ vừa mới sinh đã bị mẹ bỏ, nào là trường hợp có bầu muốn phá nhưng thai nhi quá lớn, nhờ sự khuyên nhủ của các anh người mẹ đã giữ lại, sau khi sinh nở tìm cách cho đứa bé càng sớm càng tốt. Đa số các trường hợp mang thai ngoài ý muốn do thiếu hiểu biết, sinh hoạt tình dục thiếu an toàn.

Đứa bé đầu tiên anh nhận làm con nuôi vào ngày 27/11 âm lịch năm 2005. Đang làm phụ hồ xây mộ trên nghĩa địa, anh nhận được điện thoại của người lạ: “Anh có phải chuyên xin em bé không, xuống bệnh viện tỉnh có người cần cho”. Nghe thế, anh gọi cho mạnh thường quân là ông Phước, người có nhiều kinh nghiệm trong việc nhận em bé từ những người mẹ muốn bỏ con.

Hai người đàn ông đến bệnh viện gặp cô gái nói tiếng miền Nam song lại khai sống ngoài Bắc. Cô vừa sinh xong, một thân một mình ở bệnh viện. Cô bảo muốn giao đứa bé cho 2 chú.

Rồi cô xin: Chú cho con một triệu đồng trả tiền viện phí, một triệu đồng mua thuốc men, một triệu đi xe về, một triệu bồi dưỡng sau khi sinh… Ông Phước cắt ngang: Thôi được, tôi cho cô 5 triệu đồng nhé, cô không nuôi thì giao cho chúng tôi.

Cháu bé ẵm về, anh Phụng nhận làm cha nuôi của cháu, đặt tên là bé Triệu, gởi vào chùa Bửu Sơn (TP Pleiku) nhờ các sư cô nuôi, năm nay bé Triệu đã học lớp 2.

Chị nọ từ quê lên Pleiku bán vé số. Không biết lời lỗ dành dụm được bao nhiêu tiền song cứ vài năm bụng lại lùm lùm. Nghe có người giới thiệu anh Phụng hay giúp người lầm lỡ, chị gọi điện thoại bảo: “Em sắp đẻ, hoàn cảnh em khó khăn quá, không có tiền thuê nhà, nhờ anh giúp”. Hỏi khi nào sinh, chị bảo 1 tháng nữa.

Nghĩ rằng sau khi sinh chị ta cho con, rồi phần mình lo liệu được, anh thuê nhà trọ cho chị ở, một tháng, hai tháng , ba tháng trôi qua cũng không thấy sinh, hỏi vì sao lâu vậy, chị trả lời không biết nữa! Phải gần 4 tháng sau chị mới sinh hạ.

Ra bệnh viện, bác sĩ bảo đây là lần sinh thứ 3, phải sinh mổ lần 2 khuyên nên“đoạn sản”. Nhìn quanh quẩn chỉ mình anh đưa chị ra phòng sinh, vậy là anh đặt bút ký cam kết cho đoạn sản. Đứa bé sinh xong, cũng như những đứa trước, chị ta lại “cho” con, lấy ít tiền bồi dưỡng và trả viện phí.

Có trường hợp khác, lúc đầu người mẹ muốn sinh xong rồi cho con về một mình, song khi sinh bé ra thấy con tội nghiệp, người mẹ quyết giữ lại, anh Phụng lại nhờ vợ ra nuôi giùm...

Có cô sinh viên một trường cao đẳng ở Pleiku biết mình dính bầu, lúc đó đã là tháng thứ 2, bạn trai cũng sinh viên liền “tẩu vi thượng sách”. Đi khám, bác sĩ bảo cần 1,2 triệu đồng chi phí phá thai.

Cô mượn bạn bè đủ tiền, ra phòng khám thì cái bầu đã sang tháng thứ 4 muốn phá phải tốn hơn 4 triệu. Không có tiền, cô sinh viên đành chấp nhận chờ đẻ rồi bỏ đứa bé lại.

Gặp anh Phụng, cô than: “Chú cứu cháu với, cha mẹ cháu cho cháu xuống đây ăn học chứ không cho tiền xuống đây ăn đẻ. Nhà cháu mà biết được chắc cháu chết”. Anh cưu mang cô, sau khi mẹ tròn con vuông, nhận cháu về cho người khác làm con nuôi, anh mới hết trách nhiệm.

Cho đến nay anh có tất cả 9 đứa con nuôi, có 5 đứa đang nhờ các sư cô chùa Bửu Sơn chăm sóc, 4 đứa có người hiếm muộn tới nhận làm con.

Anh Lễ, anh Phụng cho biết ở TP Pleiku bình quân mỗi ngày có 3-5 thai nhi bị phá bỏ, chuyển cho các anh mai táng. Đa số đối tượng dính bầu ngoài ý muốn còn rất trẻ, thường là học sinh, sinh viên, hoặc những người có thu nhập rất thấp, làm gái bao, bán vé số, phụ hồ… Có cô bé 13 tuổi đầm đìa nước mắt lấy từ cặp sách đi học ra một túi ni lông trong đó chứa “sản phẩm” vừa mới giải quyết xong: “Nhờ các chú chôn hộ”. Một đôi bạn khác vừa đưa cho các anh bịch “sản phẩm” của mình, 3 ngày sau lại chở tới đưa thêm một bịch thai nhi của cô bạn vừa phá bỏ.

Đã trưa, tôi chuẩn bị rời nghĩa trang Đồng Nhi thì một đôi nam một nữ bước vào, thắp nhang thành kính, cả hai đều mặc đồng phục học trò. Đã đưa nhau đến đây, ra về chắc rằng các em sẽ biết sống có trách nhiệm hơn với
cuộc đời?

Thanh Minh Quý Tỵ 2013

Huỳnh Kiên


Theo Tiền Phong