Người phụ nữ chôn cất gần 60.000 thai nhi

Chị vượt qua các thành kiến để dấn thân cho các hoạt động bảo vệ sự sống trong 10 năm qua



Chị Anna Nguyễn Thị Nhiệm đứng bên các ngôi mộ thai nhi
Mỗi ngày sau khi tham dự giờ kính Lòng Chúa Thương Xót lúc ba giờ chiều tại nhà thờ, chị Anna Nguyễn Thị Nhiệm lại đạp xe ra nghĩa trang cách nhà độ 500 mét để an táng thai nhi.

Trong căn lều rộng 15m2 ở góc nghĩa trang, chị Nhiệm mang khẩu trang bịt kín mặt, găng tay và mở tủ lạnh chứa đầy thai nhi được đựng trong bọc ny lông màu đen và bắt đầu khâm liệm.

Chị lẩm bẩm đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh và Lạy Nữ Vương và rửa tội cho những thai nhi còn sống, cẩn thận gói thai nhi lại bằng vải liệm trắng rồi đút vào túi ny lông có in hình Thánh giá màu đỏ, đoạn đặt những túi này vào các hũ bằng sành.

Mồ hôi vã ra khắp mặt sau một tiếng khâm liệm, người phụ nữ có dáng người mập mạp lại ì ạch bê hơn chục hũ sành đi chôn cất.

“Mỗi hũ thường chứa khoảng 20 thai nhi. Một ngôi mộ phải được xếp đầy 50 chiếu hũ như thế thì mới thuê người xây nắp mộ lại” – chị nói trong lúc xếp các hũ sành vào ngôi mộ đang xây dở.

Nghĩa trang thai nhi được thành lập năm 2007 nằm trong nghĩa trang giáo họ Bến Cốc thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Chị Nhiệm, 54 tuổi, cho biết từ đó đến nay có khoảng 56.000 thai nhi được chôn cất trong 41 ngôi mộ tập thể, trong đó ngôi mộ lớn nhất chứa hơn 3.000 em được đặt dưới chân lễ đài Đức Mẹ.

“Ở đây các em chịu thiệt thòi và tủi thân lắm vì thường chỉ có mình tôi vừa đọc kinh, khâm liệm và chôn cất. Các em chưa được hưởng một lễ an táng đàng hoàng ở nhà thờ bao giờ vì cha xứ ở xa ít đến” – chị xúc động nói.

Theo chị, trung bình mỗi ngày thu gom khoảng 20 thai nhi, riêng những ngày cuối tuần hay các dịp lễ hội, tết số lượng tăng gấp 3-4 lần từ tám cơ sở phá thai tư nhân quanh làng. Các bệnh viện nhà nước vất thai nhi bị phá chung với rác thải.

Chị giải thích phá thai nhiều là do hàng trăm ngàn công nhân nữ tại các khu công nghiệp xung quanh sống thử, các cặp vợ chồng mang thai ngoài ý muốn, thai bị chẩn đoán dị tật. Nhiều người phá thai vì sợ mất việc do chính sách hai con của nhà nước.

Nói về cảm hứng khiến chị dấn thân phục vụ công việc này không mệt mỏi, chị nhớ lại “thai nhi đầu tiên tôi nhặt được ở bãi rác ven đường làng vào năm 2000. Đó là xác cháu bé gái khoảng 7 tháng tuổi”.

“Tôi ẵm vội cháu về nhà tắm rửa sạch sẽ, liệm vải trắng và đến tối đem cháu đi chôn trong vườn nhà mình, kể từ đó như ơn Chúa thúc giục tôi dấn thân làm cái việc không ai ủng hộ này” – chị vui vẻ nói.

“Nhiều lần chúng tôi xin thai nhi về giấu trong nhà, nhưng một hai ngày là bốc mùi thối, đến tối mới đem đi chôn trộm ở ngoài vườn, ngoài ruộng hay bờ sông, trong lòng vừa thương các em nhưng lại sợ dân làng và chính quyền biết sẽ phạt hoặc không cho phép”.

“Năm 2000 tôi xin phép cha xứ và được cha đồng ý cho chôn trong nghĩa trang giáo họ, rồi Đức cha Đạt về đây giải thích với giáo dân họ mới không còn phản đối đấy” - chị Nhiệm kể.

Không chỉ chị Nhiệm mà chồng chị cũng làm công việc này giúp chị. Mỗi ngày, vào lúc sáng sớm và tan tầm, anh lại chạy xe máy đến tám cơ sở y tế và bệnh viện để thu gom thai nhi. Con chị và một số người khác cũng làm công việc này.

Chẳng những thế, gia đình chị còn hiến đất để làm nghĩa trang chôn cất thai nhi. Chị đã hiến 200m2 đất ruộng làm nơi chôn cất thai nhi.

“Mặc dù một sào ruộng 360 mét vuông ở đây giá từ 250-350 triệu, nhưng vì nghĩa trang sắp hết đất, gia đình tôi sẽ tiếp tục hiến thêm 300 m2 đất ruộng nữa để có nơi an nghỉ cho các em”.

Người phụ nữ làm ruộng quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời từng bán đi đàn bò để có thời gian chăm sóc nghĩa trang. Giờ gia đình chị sống nhờ vào mấy sào ruộng và tiền lương hàng tháng 2,5 triệu của người chồng làm nghề đưa thư.

“Chúng tôi còn đi tới các cơ sở phá thai xin họ giữ lại thai nhi và chúng tôi cũng thuyết phục được vài người trong họ bỏ ý định phá thai”.

Chị Nhiệm cho biết thêm chị đã cứu được khoảng 10 em, chăm sóc rồi liên hệ cho làm con nuôi hoặc gửi vào các nhà mở.

“Nhưng tôi thấy mừng nhất là kể từ khi có nghĩa trang thai nhi này, giáo họ của tôi không ai dám phá thai nữa. Khoảng 200 trẻ em được sinh ra mặc dù mỗi nhà có từ năm tới sáu đứa con, do ảnh hưởng của phong trào bảo vệ sự sống”, chị khẳng định. Giáo họ có 600 người Công giáo.

Ông Thomas Nguyễn Văn Thạo, 60 tuổi, trùm trưởng giáo họ Bến Cốc và là trưởng ban bảo vệ sự sống, cho biết: “Cô Nhiệm mới là người phụ nữ đầu tiên của làng xây dựng lên nghĩa trang thai nhi này, nhờ sự nhiệt tình của cô mà gần 6 vạn thai nhi vô tội có nơi an nghỉ như hôm nay”.

Ông Thạo, vợ chết cách đây bốn năm, có bảy người con, nhớ lại: “Lúc cô Nhiệm và vợ chồng tôi đem xác thai nhi về nhà, dân làng phản đối cho là lũ khùng không ai hoan nghênh cả, nhưng với đức tin Công giáo, tôi nghĩ thai nhi cũng đã là người có hồn có xác nên chỉ muốn các em có một nơi để an nghỉ mà thôi”.

Hiện nay, các kinh phí chôn cất đều do các ân nhân đóng góp.
Theo Ucanews

BVSS - Bao giờ hết ưu tư?

Mấy hôm trước đi viếng xác một ông cụ, nghe người nhà kể chuyện về gia cảnh của ông mà thấy chạnh lòng, trong câu chuyện có liên quan đến BVSS, thấy cũng hay hay nên viết thành vài dòng suy tư trong cuộc sống.

Xin kể về câu chuyện của ông cụ ấy. 6 tháng trước, tôi cũng đi viếng xác cụ bà của ông. Bà cũng đã ngoài tám mươi, tuy ốm đau liên miên nhưng còn khá hơn ông, mù lòa, liệt lãm, nằm bẹp trên giường từ nhiều năm qua, chỉ còn da bọc xương. Con cháu trong nhà vẫn nghĩ ông sẽ ra đi trước bà, vậy mà không ngờ, chỉ ốm có hai hôm, bà lại đi trước ông.

Trong nhà có đám tang bà mà ông chẳng biết gì, nghe tiếng kèn trống còn kêu con cháu lại hỏi thăm hàng xóm có ai qua đời vậy. Ông bà nghèo lắm, hôm tôi đến, tôi chắc chắn rằng, cái đẹp đẽ nhất, đáng giá nhất trong nhà có lẽ chính là cái quan tài bà đang nằm, do bà con trong xứ họ đóng góp. Vào thăm ông, ông nằm bẹp dúm trong mấy miếng gỗ ghép lại, chẳng còn hình thù, thỉnh thoảng lại ngọ nguậy há miệng ưỡn hết cả xương ngực cố hớp lấy một chút dưỡng khí mong kéo dài sự thoi thóp.

Được biết ông bà có bốn người con, nhưng cả bốn đều nghèo túng, lại tha phương cầu thực khắp nơi, chẳng mấy ai về phụng dưỡng ông bà, thi thoảng có dịp này dịp nọ họ mới về chớp nhoáng rồi lại đi. Nhưng quả là một sự kỳ diệu. Một đứa cháu út ít mà lai lịch nghe cũng thật lắm cảnh éo le, bỏ hết mọi sự, bỏ cả chuyện gia đình để về phụng dưỡng ông bà hàng chục năm trời, chấp nhận cái đói nghèo triền miên để làm tròn chữ hiếu.

Hôm đưa xác ông, chính cậu cháu ấy kể lại cho tôi, ngày xưa, khi cha mẹ mang thai cậu, họ đã nhất định phá thai vì bị vỡ kế hoạch, đứa con thứ ba dư thừa chẳng để làm gì. Biết chuyện, ông bà nhất định không cho phá thai và bằng mọi cách bắt cha mẹ anh phải sanh con với một lẽ đơn giản duy nhất: phá thai là giết người, dầu sao nó cũng là máu mủ ruột rà.

Thế là cậu được sinh ra. Cuộc đời xoay vần thế nào mà ngay cả 4 người con đều không thể hy sinh báo hiếu cho cha mẹ, cả mấy người cháu khác cũng không ai dám từ bỏ mọi sự để về phụng dưỡng ông bà cho phải đạo. Họ mặc nhiên vất ông bà lăn lóc ra đó với tuổi già cô đơn nghèo đói. Chỉ có thằng cháu dư thừa mà ngày trước đã suýt bị loại ra khỏi cuộc sống, loại ra khỏi gia đình và dòng họ, lại thay mặt cho tất cả gia tộc để tìm về nuôi dưỡng ông bà trong sự hy sinh và kính mến. Ông bà đã mất, người cháu ấy cứ trầm tư thương tiếc, chẳng hề kể lể công lao.

Trong những ngày này, nếu có ai đó chịu khó theo dõi thời sự quốc tế, sẽ thấy rằng, câu chuyện truyền thông như một luồng sóng mạnh mẽ trên khắp các diễn đàn và hiện đang là một trong những đề tài hot nhất tại Mỹ, đó là cuộc đấu đá tranh cử giữa Tổng Thống đương nhiệm Obama và ông Mitt Romney. Đặc biệt là trong đó, bất chấp cả đạo lý, bất chấp tự do tôn giáo và bất chấp cả lương tâm, người ta mang sinh mạng của các thai nhi ra để làm chiêu bài cho việc dành giựt cái ghế Tổng Thống. Tại Mỹ, các Đức Giám Mục cũng vào cuộc để chống lại sắc lệnh bất nhân do Tổng Thống ban hành vừa qua. Ấy thế mà hôm nay, được biết, Obama lại một lần nữa đắc cử, mặc cho những chương trình ông đề ra sẽ là cơ hội cho nạo phá thai hoành hành đất nước, xem ra người ta sợ mất job, giảm lương chứ chẳng quan tâm đến chuyện lương tâm còn hay mất.

Chuyện ở xứ người là thế. Còn tại xứ mình, người ta cũng đang nhao cả lên tái cấu trúc hết hệ thống này đến hệ thống nọ, nhưng cái cơ bản nhất là nhân quyền thì người ta lại cố tình lờ đi, chẳng ai đá động gì tới. Các thông tin báo chí bị bóp méo khiến người xem ù hết cả tai lẫn mắt.

Thế nhưng trong cái đống hổ lốn trên mặt báo ấy, rồi cũng lóe lên vài tia sáng hy vọng. Gần đây, các bài báo tố cáo về tội ác nạo phá thai tại các cơ sở y tế chính quy có vẻ như càng lúc càng gần hơn với sự thật, lột tả được phần nào góc tối của chương trình diệt chủng này. Mong sao, các anh chị phóng viên này viết đúng theo lương tâm, vì tôi cũng từng được nghe nói, dạo này các cảnh chém giết, hở này hót nọ cũng không còn câu được khách, e rằng lại chỉ là PR cho các báo lá cải mà thôi, chẳng thế mà các bài viết về tội ác nạo phá thai luôn có nhiều comments một cách bất thường. Thôi thì, báo động đỏ như thế cũng là một cái hay, PR hay chẳng PR thì cũng tốt trên cho việc BVSS phần nào.

Quốc tế hay quốc nội, giới thượng lưu, trung lưu hay hạ lưu đi nữa, nơi chính trường hay chỉ là ở những quán ăn bình dân, chúng ta có thể dần dần nhận ra thế gian chẳng từ thủ đoạn nào để lợi dụng quyền được sống của các thai nhi vô tội.

Đạp lên Sự Sống của các thai nhi để tiến thân, để kiếm tiền, để bao biện, che dấu cho những âm mưu đen tối. Bao giờ, cho đến bao giờ người ta mới có thể tôn trọng sự sống của nhau, tôn trọng sự sống của đồng loại, bao giờ họ mới buông tha để mọi người ai cũng có quyền được sống, được chào đời và được hạnh phúc ?

Nhân loại này, nếu vẫn chưa chịu hướng đến một nhân loại của Tình Yêu, thì có lẽ, nạo phá thai vẫn luôn là hiểm họa rình rập cuộc sống quanh ta.

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 11.2012


Theo báo Ephata số 535

Ký ức đau đớn của người nhặt xác thai nhi

Xác thai nhi rất nhanh phân hủy, có những ngày mùi xác chết cứ ám lấy ngôi nhà nhỏ. Nhưng từ ngày có một người tốt bụng tài trợ một tủ đá cho nghĩa trang thì bà Nhiệm đỡ vất vả hơn nhiều. Bây giờ mỗi tuần, bà khâm niệm, chôn các cháu 1 lần. Mộ chôn tập thể, mỗi cháu được cho vào 1 tiểu, xếp thành 3 lượt là đầy mộ.



Sự lương thiện bị đánh mất

Ở cùng một thành phố, nếu như ngày ngày bác sĩ C. cho giật nước bồn cầu cuốn trôi xác thai nhi, thì cách đó chưa đầy 40km, có một phụ nữ nghèo ngày ngày lui tới các phòng khám xin những thai nhi bị bỏ rơi về chôn cất ngay trong mảnh đất nhà mình. Bà là Nguyễn Thị Nhiệm (53 tuổi) trú tại xóm Đồi Cốc, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mái ngói đơn sơ, cứ mùa mưa tới là dột tứ tung, chị bảo, tính tới tháng 9/2012, tổng số thai nhi được chính tay chị chôn cất đã lên tới con số 53 nghìn cháu. Chị nói, mới đây, nghe thông tin về vụ nữ y tá giật nước bồn cầu, cuốn trôi xác thai nhi, chị cảm thấy vô cùng bức xúc với những hành động "thất đức" của bác sĩ C.

Chị Nhiệm bảo, đọc xong bài báo về nữ y tá giật nước bồn cầu cuốn trôi xác thai nhi, chị sửng sốt và buồn vô cùng. "Tôi nghĩ, các cháu bé dù chưa được sinh ra thì vẫn là con người, chúng được quyền sống như bao con người khác. Thế nhưng chẳng những đã bị những người thân yêu nhất đã tước đi quyền sống mà khi mất đi rồi cũng không được an nghỉ. Các cháu có lẽ là những người bất hạnh nhất.

Và điều cứ ám ảnh tôi mãi là vị bác sĩ già. Tôi cứ tự hỏi, tại sao bác sĩ ấy có thể tạo ra những việc thất đức như thế. Bản thân tôi cũng quen nhiều bác sĩ làm sản, nhưng không bác sĩ nào dám làm việc thất đức như vậy. Ngày đầu đến xin xác thai nhi về chôn cất tại nghĩa trang, họ còn e ngại. Nhưng sau này hiểu rằng đó là cách tốt nhất đối với các cháu, nên họ rất sẵn lòng. Cứ có cháu nào bị bỏ rơi là ngay lập tức gọi tôi lên mang về.

Thậm chí thỉnh thoảng có vài trường hợp, cháu nhỏ còn sống, họ gọi tôi đến rất vội để mang cháu đi bệnh viện TƯ chữa trị. Tôi tin rằng, đại đa số những bác sĩ sản dù không thể khuyên can các bà mẹ có thể giữ lại con cái, nhưng họ cũng có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Bác sĩ C. là người nằm trong số ít, là người có lẽ đã mất đi lòng lương thiện".

Chị nói thêm, những thai nhi chỉ là những sinh linh vô tội. Nếu như vì không may mắn, bị cha mẹ bỏ rơi thì một người bình thường, có lương tri cũng biết nên đưa các cháu tới nơi an nghỉ tử tế, huống hồ ông C. là một bác sĩ giỏi, lại cầm tiền của người nhà các cháu để lo cho việc an táng.

Và dù xuất phát từ lòng tham, hay sự vô cảm, thì đạo lý của người Việt Nam chúng ta không chấp nhận được hành động thất đức của con người này, bà bức xúc.


Nghĩa trang thai nhi

Chia sẻ về công việc của mình, bà Nhiệm bảo, trong số 53 nghìn thai nhi mà mình đã chôn, thì phần lớn có nguồn từ các phòng khám thai. Bà đã gặp nhiều bác sĩ sản làm trong lĩnh vực này. Đối với họ, việc phá thai vừa là nghề nghiệp, vừa là cứu giúp các cô gái lầm lỡ. Thế nhưng, chưa có ai đối xử với các thai nhi như cách của vị bác sĩ này.

Nói rồi, bà Nhiệm kể về cơ duyên đến với nghề quản trang ở nghĩa trang thai nhi của mình. Bà nói, cách đây 10 năm, đi chợ về qua một mương nước, bà được một cậu bé chăn trâu chạy đến bảo “Bác ơi, bọn cháu thấy một em bé…”. Rồi cậu bé dẫn bà tới chỗ các bạn đang xúm lại thành một vòng tròn xem xét một bọc nilon nhỏ, màu đen. Em bé trong bọc màu đen được quấn bởi 2 lớp khăn dày và đã tím tái hết da thịt, một đàn kiến đang bò lổm ngổm trên người.


Hình ảnh bà Nhiệm đang khâm liệm cho một trẻ sơ sinh xấu số. 

Bà mang cháu bé về mảnh ruộng nhà mình chôn cất. Những ngày tháng sau đó, bà lê la khắp các phòng khám thai trong huyện để xin những xác trẻ sơ sinh xấu số mang về, quy tụ thành một nghĩa trang thai nhi. "Những ngày đầu, hàng xóm làng giềng cho rằng tôi bị hâm, bị dở. Còn những phòng khám thai thì cho rằng tôi làm việc khuất tất, nên việc lấy xác thai nhi về chôn không dễ dàng chút nào.

Đến khi, mọi người tin việc tôi làm hoàn toàn không vụ lợi thì số thai nhi bắt đầu tăng lên. Có những ngày cao điểm, tôi chôn cất cả chục cháu”, bà Nhiệm nhớ lại. Nhà nghèo, chẳng đủ tiền hàng ngày mua tiểu đặt xác thai nhi, người phụ nữ ấy lại đến các nơi quen biết xin tài trợ.

Xác thai nhi rất nhanh phân hủy, có những ngày mùi xác chết cứ ám lấy ngôi nhà nhỏ. Nhưng từ ngày có một người tốt bụng tài trợ một tủ đá cho nghĩa trang thì bà Nhiệm đỡ vất vả hơn nhiều.

Bây giờ mỗi tuần, bà khâm niệm, chôn các cháu 1 lần. Mộ chôn tập thể, mỗi cháu được cho vào 1 tiểu, xếp thành 3 lượt là đầy mộ.

Mở chiếc tủ lạnh chứa đầy ắp những túi nilon đen bọc xác thai nhi, bà bảo mỗi tủ này đựng được khoảng hơn 100 cháu. Ngày đầu chồng con bà thấy sợ, ngại đụng chạm tới xác các cháu. Nhưng sau này hiểu việc làm này là tích đức, hành thiện thì họ giúp đỡ rất nhiệt tình. Những lúc bận rộn, không thể qua phòng khám thai lấy xác thai nhi, bà lại nhờ chồng, con mình. Thậm chí bây giờ đứa con gái mới học lớp 4 của bà cũng đã biết khâm liệm cho “các em” những lúc mẹ vắng nhà.

Nói về các khâm liệm và chôn cất các thai nhi, bà Nhiệm bảo, tuy gia đình không khá giả, nhưng lúc nào bà cũng khâm liệm cho các cháu bằng vải sạch, trắng tinh. Các cháu nhỏ thì có thể mang về là khâm liệm luôn. Nhưng những cháu đã lớn rồi thì phải tắm gội sạch sẽ trước.

Bà Nhiệm nói, đã chục năm làm công việc này, nhưng lần nào đi lấy xác các cháu, bà cũng buồn, cũng thương chúng như lần đầu. Có nhiều khi, lấy cháu bé khá lớn, đã mọc tóc ra khỏi chậu máu của bác sĩ, nước mắt bà cứ trào ra. Cổ họng ứ nghẹn, bà chỉ thốt lên được đúng 1 câu “Sao bố mẹ của con ác quá vậy?”.

Những tưởng, công việc liên quan tới xác thai nhi xấu số chỉ mang đến cho con người ta cảm giác đau buồn, tang thương, nhưng kỳ thực, nhiều khi lại mang đến cho người phụ nữ kỳ lạ ấy những niềm vui nho nhỏ. Bà Nhiệm kể, nhiều lần đến nhà bác sĩ lấy vài cháu một lúc, bà phát hiện trong bọc chung ấy, có cháu bé vẫn còn sống. Những lần như thế, chị liền gọi taxi đưa ngay đến bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu.


Chiếc tủ đá lạnh này giúp cho công việc của bà đỡ vất vả hơn. 

Trong những cháu bé như thế, rất hiếm trường hợp có thể sống sót. Thông thường các cháu chỉ sống được hơn 1 tuần, cháu bé sống lâu nhất là 2 tháng. Bà kể, trong số đó, có một cháu bé mà 2 mẹ con bà thay nhau chăm sóc 19 ngày, tưởng chừng chắc chắc chắn cứu sống thì lại ra đi ở lần truyền máu cuối cùng. Nghe tin cháu mất, 2 mẹ con cứ thế ôm nhau khóc. Khâm liệm, tiễn cháu ra đi, chị đặt tên cho bé là Tiểu Liên, cũng chính là tên con gái mình để cả nhà cùng ghi nhớ mỗi khi tới thăm nom.

Đối với những em bé hiếm hoi sống sót, chị lại phải gửi các cháu đến trại trẻ. Cũng có cá biệt một vài trường hợp được gia đình công chức giàu có nhận nuôi. Chị nói, cứ khi nào cứu được 1 cháu là gia đình chị lại ăn mừng, có khi vui cả tháng không hết.
Theo giaoduc.net.vn

Vụ nữ y tá giật bồn cầu, trút xác thai nhi: Tiếng nói phẫn nộ từ dư luận

Có muôn vàn lý do cho những người mẹ phải bỏ con của họ. Nhưng chỉ có một lý do cho kẻ đứng đầu những phòng khám như thế: Tham tiền, thất đức.

Sau khi loạt phóng sự “Ký ức kinh hoàng của nữ y tá giật nước bồn cầu, cuốn xác thai nhi” được đăng tải, hàng trăm độc giả đã gửi ý kiến của mình về tòa soạn báo điện tử giaoduc.net.vn. Bên cạnh những ý kiến tỏ ra kinh sợ sự thật được phơi bày trong loạt phóng sự, rất nhiều độc giả khác tỏ ra bất bình với hành động vô nhân đạo của người bác sĩ được nhắc tới. Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải một số ý kiến:

“Tôi choáng váng và ân hận vô cùng”

Dưới kỳ 1, “Ký ức kinh hoàng của nữ y tá giật nước bồn cầu, cuốn trôi xác thai nhi”, độc giả Linh Đan nói: “Đọc bài báo này, tôi thấy con người sao vô tình quá! Có những người tìm kiếm một đứa con vô cùng khó khăn, thế mà có những người mẹ lại vô tâm đến như vậy. Không biết hàng đêm, họ có bị những cơn ác mộng hay bị chính những đứa con mình đan tâm vứt bỏ hiện về trong giấc mơ không nữa.

Tôi ước gì một trong những đứa trẻ bị người mẹ nhẫn tâm bỏ đi đó là con của tôi vì chính ngay bản thân tôi cũng đã tìm kiếm 11 năm trời để mong có một đứa con mà không có được. Bài báo này đã làm tôi phải bật khóc vì thương những sinh linh bé bỏng chưa kịp nhìn thấy mặt mẹ đã phải ra đi trong sự ích kỷ của người lớn”.

Dịch vụ hút, phá thai được quảng cáo nhiều nơi trên đường phố.
Độc giả Quán Hạnh nói: “Dã man quá! Không biết những người mẹ đã trút bỏ đi những sinh linh tội nghiệp đó đọc bài báo này có bị dày vò lương tâm không? Những người trực tiếp làm việc lúc đó có bị ám ảnh không? Toàn những điều khủng khiếp, thế mà vẫn xảy ra hàng ngày”.

Độc giả Thân Văn Tuân tỏ ra thương cảm cho cả những thai nhi và lẫn những người mẹ lầm lỡ: “Thật là tội cho những sinh linh bé nhỏ, tại sao những người mẹ trẻ này lại thiếu suy nghĩ như thế chứ?

Thật là không tin nổi! Trong khi, ai cũng sợ chết mà sao không biết quý trọng mạng sống của một đứa trẻ vẫn còn đang ở trong bụng mẹ?

Những người nào mà đã lỡ phá thai hoặc những người đang có ý định phá thì hãy nghĩ lại đi và thành tâm sám hối mới giảm được nghiệp ác mà mình đã gây ra. Mong những ai đọc được bài báo này, hãy hiểu và đừng làm những việc xấu nữa!”.

Đứng đầu phòng khám là kẻ tham tiền, thất đức

Một bạn trẻ tên Ly khẳng định: “Đó là sự thật mà chẳng phải chỉ ở phòng khám tư làm. Tôi mới sinh cháu đầu bị “lỡ” nên đã đến phòng khám khi thai đã 4 tuần tuổi. Sau khi làm thủ thuật, còn chưa hoàn hồn thì thấy bác sĩ cho thai vừa lấy vào chậu rửa rồi giật nước. Vì choáng váng, nên lúc đó, tôi chưa nghĩ được nhiều, nhưng giờ đọc bài báo này, tôi thực sự sốc và ân hận. Tôi cảm thấy mình có lỗi và ân hận vô cùng”.

Phơi bày thêm một sự thật khủng khiếp, một bạn có nickname Mẹ Tisu trên diễn đàn Webtretho.com chia sẻ: “Trước kia tôi từng làm kế toán ở 1 trung tâm chăm sóc sức khỏe của Ủy ban Gia đình. Có 1 vài trường hợp vỡ kế hoạch đến xin phá. Có lần, tôi nhìn thấy cô y tá để thai nhi bé xíu trong ngăn đá tủ lạnh. Còn một vài trường hợp, bác sĩ sẽ dùng xi-lanh (?) để kẹp nát thai trong bụng mẹ rồi hút ra”.

Bất bình với hành động “vô nhân tính” của vị bác sĩ được nhắc đến trong loạt bài, độc giả Song Nhi bức xúc: “Những đứa trẻ đó cũng là con người, bác sĩ cũng là con người mà độc ác quá vậy? Nếu không cho chúng tận hưởng những tình cảm của thế giới này thì cũng nên cho chúng được ra đi một cách nhẹ nhàng để chúng được siêu thoát chứ.

Những cháu nhỏ thậm chí không được coi trọng bằng một con thú cưng trong nhà, không nhận được một chút thương hại… Bác sĩ có tội, nhưng bố mẹ là người gây tội nhiều nhất. Nếu không cho chúng ra đời vì hoàn cảnh hay điều gì khác thì cũng phải tìm chỗ chôn cất cho chúng chứ, chúng cũng là con của họ mà.

Nếu họ không phá thai, những đứa trẻ sẽ được sinh ra, lớn lên như bao người khác. Hạnh phúc không biết gìn giữ thì sẽ không có hạnh phúc đâu! Quá khứ này, ký ức này sẽ làm cho bố mẹ các thai nhi và bác sĩ này phải ân hận trong tâm trí…”.

Trên nhiều diễn đàn, câu chuyện của nữ y tá giật nước bồn cầu cuốn trôi xác thai nhi đang được bàn luận xôn xao.
Quyết liệt hơn, nickname Gatolet phát biểu như sau trên diễn đàn Webtretho.com: “Đáng sợ thật! Những em bé yên nghỉ sớm ngày nào hay ngày ấy!

Có muôn vàn lý do cho những người mẹ phải bỏ con của họ. Nhưng chỉ có một lý do cho kẻ đứng đầu những phòng khám như thế: Tham tiền, thất đức.

Cầu mong cho các bé được siêu thoát, còn những con người đó thì gieo nhân nào, gặt quả ấy thôi…”.

Nickname Yourdarlink tỏ ra trách móc những ông bố, bà mẹ đã rũ bỏ thai nhi: “Cẩn thận sao không mang ít xương, thịt của mình đi chôn hay đi hỏa tang. Đưa người ta được bao nhiêu mà đòi chôn với cất?”.

Dưới bài đăng tải “Lá thư của một người mẹ lầm lỡ khi thấy xác thai nhi bị trút xuống bồn cầu”, độc giả Minh Ngọc chia sẻ câu chuyện về một người phụ nữ đã từng giúp việc trong một phòng khám mạch sản:

“Bà đã từng vứt đi những thai nhi còn sống với nguyên vẹn hình hài theo lệnh bác sĩ. Người phụ nữ ấy giờ đây đã gần 60 tuổi và phải sống cô độc, vì đứa con trai duy nhất đã chết trong một tai nạn giao thông cách đây gần chục năm.

Bà ấy vẫn thường nghĩ cái chết của con trai thân yêu là do tội nghiệp mình đã gieo khi góp tay giết những thai nhi vô tội. Mong những cô gái lỡ mang thai ngoài ý muốn hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi phá thai, đừng để đến lúc nào đó phải hối tiếc cho hành động của mình.

Mong các bác sĩ, y tá sản khoa hãy sống giữ lấy lòng nhân, đừng vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm, giết những mầm sống vô tội”.

Theo giaoduc.net.vn

Lá thư của người mẹ lầm lỡ khi thấy xác thai nhi bị trút xuống bồn cầu

"Gần 2 tuần nay, chưa đêm nào tôi được ngủ tròn giấc. Mỗi khi nhắm mắt lại, những giấc mơ ma mị về những bàn tay bé nhỏ chới với rồi bị dòng nước cuốn đi cứ ám ảnh tôi mãi. Để khi thức giấc, nước mắt cứ trào ra, tôi chưa bao giờ thấy cuộc đời mình tăm tối, khổ đau hơn thế!".

Chiều qua (1/11), tòa soạn báo điện tử giaoduc.net.vn bất ngờ nhận được lá thư của một người phụ nữ, một người mẹ đã từng lầm lỡ, rứt ruột phá bỏ đứa con đã tượng hình. Lá thư đẫm nước mắt kể về những giấc mơ, những ám ảnh hàng đêm của người phụ nữ từng phải từ bỏ núm ruột của mình.

"Gửi bác sĩ C.!

Tôi là người phụ nữ mang trong lòng một nỗi đau mà có lẽ chẳng từ ngữ nào diễn tả nổi. Đó là nỗi đau của một người đàn bà từng cả gan chối bỏ đứa con bằng xương, bằng thịt của mình ở một phòng khám sản như phòng khám của ông.

Gần 2 tuần nay, chưa đêm nào tôi được ngủ tròn giấc. Mỗi khi nhắm mắt lại, những giấc mơ ma mị về những bàn tay bé nhỏ chới với rồi bị dòng nước cuốn đi cứ ám ảnh tôi mãi. Loạt bài Nữ y tá giật nước bồn cầu, cuốn trôi xác thai nhi bóc trần sự thật kinh hoàng trong phòng khám thai tư nhân tôi đã đọc trên báo giaoduc.net.vn, thực sự khiến tôi bị ám ảnh. Để khi thức giấc, nước mắt cứ trào ra, tôi chưa bao giờ thấy cuộc đời mình tăm tối, khổ đau hơn thế! Tôi với ông chưa từng gặp nhau 1 lần trong đời và có lẽ cũng sẽ chẳng bao giờ quen nhau.

Nhưng tôi cũng như hàng nghìn người phụ nữ từng tìm tới phòng khám của ông để chối bỏ đứa con bé bỏng, vô tội của mình. Và trong suy nghĩ sâu thẳm, tôi nghĩ mình là một tội đồ chẳng bao giờ xứng đáng được tha thứ, cũng chẳng bao giờ có thể tự tha thứ cho mình.

Ngày phá bỏ đứa con của mình, tôi đã tự an ủi mình rằng, điều đó tốt cho cả 3 chúng tôi. Tôi với bố cháu chẳng phải vợ chồng, cũng chẳng phải yêu thương gì nhau. Chỉ là một kẻ hận đời khi bị người yêu phản bội và một người phụ nữ mới lấy chồng nhưng rất đỗi cô đơn bởi chồng đi tu nghiệp nước ngoài đã ngót nửa năm. Thế rồi, hai con người tội nghiệp ấy gặp nhau trong một chuyến công tác tội lỗi.

Tôi chẳng còn là trẻ con để ra 1 quyết định nông nổi, nên đã mất những gần 4 tháng để đắn đo. Tôi đã lạnh lùng quyết định khi mà cháu bé đã có hình hài, đã là một thiên thần bằng xương, bằng thịt.

Một chút dằn vặt, đau đớn khi làm việc tàn độc, nhưng rồi cũng trôi nhanh cho tới ngày đọc bài báo kia về việc xả nước bồn cầu, cuốn trôi xác thai nhi ở phòng khám nhà ông. Đã gần 2 tuần nay, chưa đêm nào tôi được ngủ tròn giấc. Đêm đêm, những giấc mơ ma mị với những tiếng khóc, tiếng cười trẻ nhỏ, rồi bất chợt những đôi bàn tay nhỏ xíu cứ chới với giữa khoảng không rồi biến mất.

Những đêm giật mình thức giấc, tôi òa khóc nức nở cho tội lỗi mà mình gây ra cho đứa con xấu số mà chẳng biết tâm sự với ai. Chưa bao giờ trong cuộc đời, tôi trở nên điên dại vì đau đớn, hối hận như thế. Bởi thấy mình quá giống với những phụ nữ ngu ngốc đã đến phá thai ở phòng khám của ông.

Tôi giống họ bởi vì cũng trả cho bác sĩ một món tiền hậu hĩnh với lời hứa con mình sẽ được chôn cất đàng hoàng ở nghĩa trang Văn Điển, mà chẳng bao giờ hỏi han xem cụ thể phần mộ nằm ở chỗ nào để lui tới, thăm nom. Bởi vì, trong mơ, chúng tôi cũng không dám tin một người khoác trên mình tấm áo blouse trắng của vị lương y, một người đã bước vào cái tuổi tích đức cho con cháu như ông lại có thể ra tay làm một việc tàn độc như vậy.

Chúng tôi, vì những lý do tội lỗi của cuộc đời mình, vì những ràng buộc xung quanh mà phải dứt bỏ đứa con cũng đã là tạo ra một nghiệp chướng lớn lao. Và tôi tin rằng, chẳng sớm thì muộn, mình sẽ phải trả giá cho những tội lỗi ấy. Về phần mình, đã giải quyết hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thai nhi như vậy, đã khi nào ông lo sợ bị quả báo chưa?

Hay với ông, đó đơn giản chỉ là rác rưởi, là những điều đáng kinh sợ? Hàng trăm lần tôi tự hỏi như vậy và cố tìm một lý do để giải thích cho chúng tôi và cả ông nhưng đều bế tắc. Tội lỗi của những người phụ nữ như tôi, những bác sĩ thất đức như ông có lẽ trả tới đời con, đời cháu chúng ta cũng chẳng thể hết được, ông ạ!

Không biết sau khi đọc báo, ông có dừng lại chuyện giật nước bồn cầu kinh khủng ấy lại không? Nhưng tôi nghĩ rằng, tội lỗi dù nhiều, nhưng nên dừng lại sớm ngày nào, tốt ngày ấy ông ạ! Tôi tin ông vẫn là con người!

Chúc ông khỏe!".
Theo giaoduc.net.vn