Toà án Hàn Quốc ra quyết định chống phá thai

Stephen Hong từ Seoul


Quyết định cho phép truy tố nhân viên y tế và các bà mẹ phá thai

Bác bỏ đơn kiếu nại của một nữ hộ sinh, hôm 23-8, Toà án xác nhận nhân viên y tế có thể bị truy tố vì tội tổ chức phá thai.

Nữ hộ sinh làm đơn khiếu nại một điều khoản trong Bộ luật Hình sự quy định bác sĩ, bà đỡ hay nhân viên y tế thực hiện phá thai theo yêu cầu sẽ bị phạt tù hoặc phạt hành chính.

Điều khoản này còn nêu rõ thai phụ tự làm sẩy thai cũng có thể bị truy tố.

Trong khi ra phán quyết này, toà án nói “quyền được sống là quyền căn bản nhất trong các quyền về con người” - và quyền tự quyết của phụ nữ “không bao giờ quan trọng hơn quyền được sống của thai nhi”.

Toà nói thêm nếu lý do cho phép phá thai có kèm theo các yếu tố xã hội hay kinh tế, thì “chỉ làm cho tình trạng phá thai thêm tràn lan và khuynh hướng an tử thêm phổ biến trong xã hội”.

Hiện nay, tại Hàn Quốc, phá thai chỉ được chấp nhận trong các trường hợp mang thai do bị cưỡng hiếp hay loạn luân, mang một số bệnh về gien, tâm thần hay thể chất của bố mẹ, hay nếu sức khoẻ người mẹ bị nguy hiểm.

Trước đây, các nhà chỉ trích nói rằng chính phủ lỏng lẻo trong việc áp dụng các tiêu chuẩn này và cho phép phá thai một cách tự do.

Những người trong Giáo hội hoan nghênh quyết định này trong khi các nhóm phụ nữ lại lên án.

“Vì nhân phẩm dựa trên sự sống, nên toà ra phán quyết này là chuyện đương nhiên”, Linh mục Casimir Song Yul-sup, Thư ký Uỷ ban Bảo vệ Sự Sống của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, nói hôm 24-8.

Nhưng Cha Song lấy làm tiếc việc toà cho là sự sống bắt đầu từ khi cấy ghép, vì ngài e rằng việc này có thể được áp dụng “để biện minh cho việc sử dụng phôi người và thụ tinh nhân tạo”.

Ngài dẫn giáo huấn Giáo hội dạy sự sống con người bắt đầu từ lúc thụ thai, và khẳng định nhiều nhà sinh học ủng hộ quan điểm này.

Tuy nhiên, Jung Seul-ah, nhân viên tại Womenlink của Hàn Quốc, nói rằng quyết định này tước đoạt “quyền tự quyết và theo đuổi hạnh phúc” của phụ nữ.

Bà nói quyết định này “sẽ không giúp làm giảm tình trạng phá thai, cũng không ngăn được xu hướng an tử đang phổ biến”.

Theo thống kê của chính phủ, năm 2005 có 342.000 ca phá thai, năm 2010 giảm còn 169.000 ca.


Nguồn tin: UCAN

Hai cụ già với hơn 4.000 hài nhi bị chối bỏ

Hơn 4.000 ngôi mộ là hơn 4.000 sinh linh bé nhỏ đều có chung một số phận là bị cha mẹ chối bỏ từ lúc chưa chào đời. Hơn 10 năm nay, hai cụ già đã thu gom những hài nhi bị vứt bỏ về nghĩa trang chôn cất và nhang khói.

Đó là câu chuyện xúc động, đầy nghĩa cử nhân văn cao đẹp của cụ bà Phạm Thị Cường (sinh năm 1938) và cụ ông Vũ Văn Bao (sinh năm 1949), ở thôn Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Hơn 10 năm nay, hai ông bà đã tự tay thu gom hơn 4.000 xác hài nhi từ các cơ sở nạo hút, phá thai trong xã Nghĩa Thắng và các xã lân cận rồi đưa về chôn cất nhang khói cho những sinh linh tội nghiệp này.


Cụ bà Phạm Thị Cường 10 năm nay đã đi nhặt hơn 4.000 xác hài nhi về chôn cất.

Những hài nhi khi mới sinh ra đã có linh hồn, dù chưa thành hình, thành dáng, chưa được chào đời. Với quan niệm sống đậm tình người ấy mà hơn chục năm qua, bà Cường và ông Bao đã đi thu gom những hài nhi về chôn cất và nhang khói.

Tìm về Quần Vinh vào một buổi trưa nắng gắt, chúng tôi không khó để hỏi thăm về nhà hai cụ già làm cái việc mà nhiều người cho là “rỗi hơi”. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi ghé thăm là nhà bà Cường, căn nhà cấp 4 mái ngói đơn sơ nằm sâu trong ngõ. Năm nay dù đã 74 tuổi nhưng bà Cường vẫn còn nhanh nhẹn và rất minh mẫn.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Cường nói về cơ duyên đi “nhặt xác hài nhi” về chôn cất. Vào khoảng năm 2001, trong một lần đi chợ về lúc qua cầu Đông Bình bà nhìn thấy một túi nilon đen vứt bên vệ đường, chỉ nghĩ là túi rác ai vứt đấy, nhưng vừa đi qua không hiểu sao bà lại quay lại mở tú nilon đó ra mới hoảng hồn phát hiện một thai nhi vẫn còn thoi thóp thở. Bà vội vàng đưa đứa trẻ đi khắp làng xem có ai nuôi con nhỏ để cho đứa bé bú nhờ; nhưng do sức khỏe của cháu bé quá yếu nên cháu mất ngay sau đó.

Bị ám ảnh bởi số phận đau buồn của cháu bé xấu số, bà thương cảm cho những sinh linh bé bỏng bị cha mẹ chối bỏ từ lúc chưa chào đời. Bà Cường quyết định đi nhặt các xác hài nhi xấu số bị chối bỏ đưa về chôn cất, nhang khói.


Thấy nghĩa cử cao đẹp của bà Cường, ông Bao cũng tình nguyện cùng bà làm việc nghĩa

Cũng từ đấy, hàng ngày bà Cường đạp chiếc xe đạp cũ kỹ của mình đến các cơ sở nạo hút, phá thai ở xã Nghĩa Thắng và các xã lân cận xin các thai nhi bị vứt bỏ đưa về nghĩa trang chôn cất.

Bà Cường tâm sự: “Những người đi phá thai họ thường muốn kín đáo. Biết họ đi phá thai xong rồi cũng đau lòng, thâm tâm họ cũng muốn con mình được thờ cúng, nhưng họ lại không muốn công khai cho ai biết, nên lúc tôi xin họ cũng rất tế nhị chỉ nói xin các cháu đưa về hương hoa cho có bạn có bè, có nơi có chốn”.

Tuổi đã cao, sức khỏe thì yếu dần, nhiều lúc vì có quá nhiều xác hài nhi, một mình bà khó có thể làm hết được. Nhưng nghĩ đến số phận đáng thương của các hài nhi mà bà không cầm được nước mắt, bà lại cặm cụi một bữa đi chợ bán rau, một bữa đi thu gom các hài nhi về chôn cất.

Cảm phục trước việc làm đầy ý nghĩa của bà Cường, ông Vũ Văn Bao, một người cùng thôn cũng tự nguyện cùng bà Cường giúp các hài nhi được nhang khói, có nơi có chốn. Ông Vũ Văn Bao vốn làm nghề bốc mộ, khâm liệm cho người chết đã hơn 30 năm nay. Từ khi thấy công việc bà Cường làm đầy ý nghĩa lớn lao, ông đã cùng bà đi hành thiện mà không mong báo đáp. Mỗi khi thu gom các hài nhi về, bà Cường lại chuyển cho ông Bao khâm liệm rồi đưa ra khu nghĩa địa chôn cất.


Mỗi hài nhi được ông bà cho vào bát hương rồi gắn chặt xi măng lại.

Các hài nhi chủ yếu là vài tuần tuổi, lớn nhất là 5 tháng tuổi, những hài nhi này được hai ông bà tắm rửa rồi cho vào các bát hương, đánh số thứ tự. Nếu hài nhi nào lớn hơn thì cho vào bát hương lớn hơn. Trước đây hai ông bà đã đi đặt tiểu cho các hài nhi, nhưng do số tiền đặt tiểu quá lớn, hai ông bà không đủ tiền nên chuyển sang dùng bát hương, sau đó gắn kín lại bằng xi măng.

Ông Bao tâm sự: “Mỗi hài nhi dù chưa được sinh ra, chưa được thành dáng, thành hình, nhưng cũng là một con người. Số phận không cho các cháu được sinh ra nhưng khi các cháu bị bỏ đi, cũng cần được nhang khói cho an lòng. Thấy các hài nhi bị bỏ rơi không nơi chốn, tôi không thể cầm được lòng mình, chính vì vậy mà tôi mới làm công việc này”.

Hầu như ngày nào cũng có người đi phá thai, trung bình mỗi ngày bà Cường mang 2 - 3 xác hài nhi. Hầu như những ông bố, bà mẹ đi bỏ con mình đều không muốn tiết lộ danh tính; nhưng cũng có người vì cực chẳng đã mà phải bỏ con, đã tận tay đưa xác hài nhi đến nhờ ông bà chôn cất.

Mỗi khi đưa các hài nhi về nhà, hai ông bà đặt tên cho các hài nhi rồi mới đưa đi ra nghĩa địa. Các bát hương đựng hài nhi thường để ở nhà ông Bao, mỗi tháng đưa ra nghĩa trang chôn cất một lần. Nghĩa trang của các hài nhi được xây thành ngôi mộ chung, số tiền xây mộ đều do các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ.

Nhìn vào một bát hương đã được ông Bao đánh tới số 4.039, chúng tôi không khỏi giật mình xa xót.


Xác các hài nhi được đặt tên, đánh số thứ tự, đến nay đã lên đến hơn 4.000

Bà Cường tâm sự: “Chúng tôi làm công việc này không phải đòi hỏi gì, chỉ làm vì cái tâm thương cảm, đau xót cho các sinh linh sinh ra làm người nhưng lại bị chối bỏ, để rồi không có nơi nương tựa. Chúng tôi chỉ muốn đưa các cháu về có nơi có chốn, có bạn có bè để linh hồn các cháu được an nghỉ”.

Nhiều người cho ông bà là điên khùng, rỗi hơi, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Mặc kệ người đời đàm tiếu, hai ông bà vẫn miệt mài làm việc nghĩa theo lương tâm mách bảo, dù nay đã tuổi cao sức yếu.

Đức Văn - Trần Lê


Theo Dân Trí

Kiếm tiền trên xác chết thai nhi

Thực trạng phá thai ở Việt Nam hiện nay ra sao, là một trong ba quốc gia có tỷ lệ phá thai bậc nhất thế giới, mỗi năm có khoảng trên 3 triệu ca phá thai trên toàn quốc mà trong đó tỷ lệ phá thai vị thành niên chiếm đến 30 – 35 %, Số trẻ em bị giết hại còn cao hơn số được sinh ra, Mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tính bình quân đã từng phá thai 1,5 lần trong đời. Đại đa số các thai nhi bị phá bỏ bị thủ tiêu thành rác thải, làm phân bón, làm thức ăn gia súc, hoặc bị đổ thẳng vào bồn cầu và roẹt một cái là trôi mất tăm dưới ống cống. Rất ít các em được an táng một cách tử tế đàng hoàng cho xứng với thân phận làm người của các em.

Hậu quả của nó để lại cho xã hội, cho gia đình, cho cá nhân ng ười mẹ và những ai liên quan trực tiếp hay gián tiếp là vô cùng thê thảm và lâu dài… Tất cả những điều này, có lẽ nói ra cũng chỉ là thêm một lần nhắc lại, chứ có mấy ai mà không biết.

ững thảm cảnh ấy, thấy được tác hại của nạo phá thai, có lẽ, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có nhiều nhóm BVSS nhất, và cũng là một quốc gia có những Nghĩa Trang Anh Hài được xây dựng để chôn cất các thai nhi này, và không chừng, cũng là một quốc gia có nhiều nhà mở để cưu mang các bà mẹ cùng các thai nhi của họ. Nhưng phải nói rõ, hầu hết các công việc này lại là thiện nguyện hoàn toàn của người dân.

(Ảnh chụp: Một Linh Mục DCCT và các bạn trẻ Nhóm Fiat đi an táng 8 thai nhi tại Nghĩa Trang Đồng Nhi Phú Tài, Quy Nhơn sáng Chúa Nhật 12.8.2012 )

Về phía Nhà Nước, có chăng, chúng ta thấy có một số các trung tâm nuôi trẻ mồ côi được hình thành, thế nhưng lại lẫn lộn trong đó nhiều ẩn khuất. Ví như tại Ba Vì ngày nào, trại trẻ mồ côi trở thành nơi buôn bán trẻ em sang Trung Quốc để làm nô lệ hoặc móc nội tạng như báo chí từng đưa tin. Có những trung tâm lại biến thành nơi bạo hành các trẻ em đáng thương này như 4 em nhỏ đã phải vượt rào trốn trại với nhiều thương tích nặng nề trên cơ thể.

Ấy là báo chí đưa tin, còn chính chúng tôi, một số anh em BVSS cũng từng có kinh nghiệm khi vào thăm các trại trẻ mồ côi hay người già tàn tật, bánh trái mang vào muốn cho các em hay các cụ già được ăn thì phải bóc ra ngay tại chỗ, phải chờ cho họ ăn xong mới dám ra về, nếu không, chính các cụ già đã từng bật mí: hộp bánh nào còn nguyên, khi các anh chị ra về là tay quản trại lập tức thu lại để mang về làm của riêng hoặc bán chác chia nhau.

Ngược lại, những cơ sở chăm sóc các thai nhi, các bà bầu chờ sanh, các Nghĩa Trang Anh Hài… do các anh em có tấm lòng vì tôn trọng sự sống, do các nam nữ Tu Sĩ Công Giáo và Phật Giáo, phải cố gắng tự tìm kiếm nguồn kinh phí để xây dựng và nuôi dưỡng, để an táng các thai nhi một cách đàng hoàng, xứng đáng với phẩm giá làm người của các em, vậy mà nhiều khi còn bị nhũng nhiễu, bị cấm đoán, bị phá bĩnh, bị vu cáo, chụp mũ… Một số các anh em hiện nay mắc phải vòng lao lý cũng chỉ vì làm các công việc nhân ái này.

Vừa qua, trong một lần chia sẻ với chị H. ở Nhóm BVSS Thái Hà, tôi lại được biết, một hình thức phải nói rằng ghê tởm nhất vừa được áp dụng để kiếm tiền trên cái chết của các thai nhi, nghe xong câu chuyện, sự phẫn nộ trong tôi có thể nói lên đến cùng cực. Phải viết lên đây để báo động và vạch trần tội ác đầy ghê sợ này.

Cuối năm ngoái, Chúng tôi đã từng ra thăm và chia sẻ cùng nhóm BVSS Hà Nội, được biết, Nhóm BVSS chị H. tham gia bao gồm các hình thức Mục Vụ như: truyền thông BVSS, nuôi dưỡng và chăm sóc các bà bầu chờ sinh, nuôi các em bị cha mẹ bỏ rơi và chôn cất các thai nhi bị giết hại. Trong công việc, chuyện túc trực, liên lạc với các nhân viên y tế của các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện phụ sản là chuyện đương nhiên, bởi lẽ, đây chính là những “pháp trường” lớn nhất, hợp pháp nhất cho các thai nhi bị tước quyền được sống.


Ngay khi các anh em BVSS tiếp xúc lần đầu với những nhân viên y tế các nơi này, hầu như nhóm BVSS nào cũng bị tra xét, hạch hỏi tơi bời, sau đó mới xin được xác các thai nhi về chôn cất. Hiện nay, một số ca thai lớn, có khả năng sống sốt thì họ ra giá: 5.000.000 đồng một em ! Để cứu sống các em, đôi khi nhóm cũng cắn răng chạy vạy để mang các em về nuôi dưỡng, có ca, thanh toán xong khi mang về mới biết có em đã bị chích thuốc cho chết trước rồi, không thể cứu được nữa.

Ác độc thế đấy, nhưng mức độ chai lì còn ghê hơn khi một số nhân viên y tế lợi dụng ngay chính những cơ sở của các nhóm BVSS để dụ dỗ nạn nhân phá thai. Họ nói với các thai phụ có ý muốn phá thai rằng: cứ phá thai ở địa chỉ này… địa chỉ này… Yên tâm, có dịch vụ chôn cất các thai nhi sau khi phá, thậm chí còn cho thai phụ xem trước hình ảnh của các nghĩa trang, dường như để các thai phụ yên tâm hơn khi chọn phá thai tại các cơ sở của họ. Tuy chị H. không nói đến, nhưng tôi tin rằng, các nhân viên y tế lương tâm chai đá này chắc chắn sẽ vòi vĩnh tiền lo hậu sự, những khoản béo bở thế này làm sao bỏ qua.

Ấy vậy mà việc phải bỏ tiền để “chuộc” lấy xác các em về chôn cất, nhiều khi cũng bị chụp mũ quy kết thành mua bán xác thai nhi, mua bán nội tạng. Có lần, một người Nhà Nước từng nói với tôi rằng: “Chúng tôi có thể quy cho các anh tội mua bán trẻ em đấy nhé !” Tôi nổi sùng đứng phắt dậy nói thẳng: “Các anh nói, chúng tôi mua thì công nhận có, nhưng là để chôn cất các em, hoặc để nuôi nấng các em đàng hoàng. Nếu các ông tìm được dù chỉ lần việc chúng tôi bán các cháu thì cứ mang chúng tôi ra mà bắn bỏ, khỏi xét xử !”

Thế đấy, ai có làm công việc BVSS mới hiểu được rằng, dưới một xã hội vô thần, một việc đạo đức cũng the cbị chụp mũ là tội phạm, còn tội ác thì lại cứ nhởn nhơ, ngang nhiên khiêu khích luật pháp và lương tâm con người.

Ở đời, phàm đã gieo gió ắt gặt bão, gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy. Chỉ mong sao, những kẻ đang trực tiếp nhúng tay vào tội ác phá thai, hoặc lợi dụng tội ác này mà kiếm tiền trục lợi, kịp ăn năn thống hối trước khi nhận phải những hậu quả khủng khiếp nhất từ chính bản thân mình và từ cộng đồng xã hội !



Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 17.8.2012

Theo bvss.org

Chúng ta đang ở đâu?

Một buổi sáng mùa đông rét buốt, có vị thương gia kia đứng ở trước cửa phòng làm việc của mình, bỗng có cậu bé bán diêm từ đâu đến mời ông mua một bao diêm, thấy cậu bé ăn mặc rách rưới, Ông động lòng thương và đồng ý mua một bao diêm, bỗng ông cảm thấy áy náy khi lần tay vào túi áo, trong túi ông không còn xu lẻ, chỉ còn những đồng tiền vàng, ngập ngừng mãi với đồng tiền vàng trên tay. Thấy thế, cậu bé nói với ông: Xin ông cứ yêm tâm đưa cho cháu đồng vàng, cháu sẽ đi đổi để thối lại cho ông. Nhìn lại thằng bé, cuối cùng ông chặc lưỡi đưa cho cậu bé đồng vàng, cậu bé cầm đồng vàng và vụt chạy đi khỏi con ngõ. Ông thương gia đứng nhìn dáng chú bé khuất dần… năm phút… mười phút… rồi một tiếng trôi qua, không thấy cậu bé bán diêm trở lại. Ông thương gia lúc này cảm thấy bực bội nghĩ đã bị lừa và tự nhủ rằng, không bao giờ tin tưởng hay giúp đỡ những thằng nhãi ranh nghèo khó thế này được nữa…

Trời đã ngả về chiều, bỗng một thằng bé khác nhỏ hơn thằng bé lúc sáng thập thò trước cửa văn phòng tìm Ông thương gia. Tính đuổi thẳng cổ thằng nhóc vì cơn buồn bực lúc sáng vẫn còn luẩn quất trong tâm trí, nhưng nhác thấy nét mặt nó rất giống thằng nhóc bán diêm lúc sáng, Ông nén bực bội hỏi nó tìm ông có việc gì. Thằng bé nói:

- Có phải Ông là người lúc sáng đã đưa cho anh cháu 1 đồng vàng ?

- Đúng là ta. 


Thằng bé chìa tay nói tiếp.

- Đây là số tiền anh cháu dặn phải đưa đến cho ông và xin lỗi vì đã để ông chờ quá lâu. Cầm số tiền trên tay không thiếu một xu. Ông hỏi

- Thế anh cháu đâu sao không đến ? 

Mắt ngấn lệ, thằng bé vừa khóc vừa nói:

- Thưa ông, sáng nay, chỉ vì vội vàng mang tiền về thối lại cho ông, anh cháu đã bị xe cán, hiện đang hấp hối trong bệnh viện. Trước khi ngất đi anh cháu chỉ kịp nói với cháu về số tiền của ông.

Vị thương gia nghe thế, Ông thấy như có một tảng đá rất to chèn lên lồng ngực, ông cảm thấy ân hận vì những suy nghĩ không hay về thằng bé bán diêm. Ông vội theo em nó đến ngay bệnh viện, khi vừa đến nơi. Cô y tá báo cho thằng em rằng, anh nó vừa trút hơi thở cuối cùng.



Câu chuyện này tôi đã đọc rất lâu từ đâu đó tôi quên mất rồi, chỉ nhớ, đó là một câu chuyện có thật cách đây hàng thế kỷ. Trong câu chuyện này, dù không thấy dù chỉ một từ, nhưng nó lại gợi cho tôi thấy sự liên tưởng của cái đói. Anh em chú bé bán diêm có lẽ rất đói, vì hẳn làm sao no được khi kiếm từng xu lẻ trong cái ăn mặc rách rưới đến nỗi làm mủi lòng khách lạ. Nhưng hành động của anh em chú bé bán diêm lại như hành động của một kẻ không nghèo chút nào, mà thậm chí rất giầu là đàng khác. Thầm nghĩ, thời ấy, một đồng vàng bằng cả năm lương hiện nay chứ có ít gì. Thế mà…

Tìm kiếm một câu chuyện thế này với thực tế đất nước mình hôm nay, thấy sao khó quá. Người giầu có, kẻ nghèo hèn cũng tranh nhau mà sống, mà giành giựt, người ta lừa nhau để mưu lợi cho riêng mình, già trẻ lớn bé tất tần tật, mất hết cả lòng tin vào nhau, đến nỗi, thậm chí, người trong cùng gia đình có khi chém giết lẫn nhau để mà tranh lợi. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” bây giờ được quy đổi thành tiền, thành lợi nhuận. Tình cảm vì thế cũng theo cán cân của kinh tế mất rồi.

Thê thảm hơn thế nữa là những sinh linh bé nhỏ chưa kịp chào đời đã bị tranh mất quyền sống, người ta sợ rằng nếu chúng được sinh ra, chúng sẽ ăn mất phần mình, sợ thiệt hại ngân sách gia đình khi phải nuôi chúng, sợ chúng sẽ làm thiệt hại cho kinh tế quốc dân… Rõ là người ta đang xem các sinh linh này như là cặn bã, chuyên ăn bám, chuyên cướp bóc, nên phải loại trừ ngay từ trong trứng nước cho chắc ăn. Cũng nghèo khổ, cũng đói như cậu bé bán diêm nhưng phải chăng, con người hiện nay đói cả công lý, đói tinh thần, đói tình cảm, đói tự do, đói văn hóa, có lẽ vì đói nhiều thứ quá nên cách hành xử không thấy giống những nhân vật của câu chuyện trên kia.

Có câu hỏi này cứ day dứt mãi. Chúng ta đang ở đâu trong bậc thang tiến hóa ?

Trước kia, tôi thường nhìn vào tình cảm và cách hành xử với nhau của ba dạng người trong xã hội để đánh giá chuẩn mực đạo đức của xã hội. Một là lương y, hai là nhà giáo, ba là cảnh sát. Dĩ nhiên đây chỉ là cách nghĩ của riêng tôi. Con Bệnh – Thầy Thuốc, Học trò – Thầy Cô, Người dân cần được bảo vệ – Cảnh sát giữ gìn trị an. Quan hệ của ba vế này đối với nhau mà ta thấy những hành vi trân trọng và kính phục thì xã hội tốt đẹp, ngược lại thì xã hội đó coi như… vứt đi. Chẳng còn gì đáng nói !

Đáng buồn thay, nhìn quanh chỉ thấy. Con Bệnh – Thầy Thuốc hành xử với nhau thông qua chiếc phong bì, còn mọi thứ khác kể cả tính mạng con bệnh cũng như Y Đức thì xin cho vào sọt rác. Dẫn chứng ư ? Điều này xin cho tôi được miễn cho ngắn gọn, vì nó quá thừa. Học trò – Thầy Cô hôm nay thì sao ? Bệnh thành tích và giả dối đã đục ruỗng đển nỗi học sinh bây giờ coi chuyện quay cóp là lẽ đương nhiên, Thầy cô coi học trò như một vật thí nghiệm hay để bạo hành cũng đã nhan nhản xuất hiện. Thôi không dẫn chứng nữa, nhàm lắm rồi. Còn Cảnh Sát – Nhân Dân ? Ôi ! Bây giờ người ta ra đường chỉ mong những người tự nhận là “con của nhân dân” ấy biến sạch cho khỏe, an toàn cho cái ví trong túi khỏi bị trấn lột. Ôi thế là theo như cách tôi nghĩ, XHCN Việt Nam ngày nay không còn gì đáng nói.

Tệ hơn nữa, không những ba mối quan hệ kia đã chẳng ra gì mà ngay đến tình cảm thiêng liêng nhất giữa Mẹ và Con người ta cũng còn chẳng màng đến. Hãy đến mà xem, hình tượng Mẹ Maria mà người ta đập tan nát tại Con Cuông, hay bắt cóc mang đi mất tích như ở Tòa Khâm Sứ dạo nọ, Người ta phỉ báng, người ta chà đạp. Ngay con cái Mẹ cũng đặt để Mẹ chỉ ngang hàng với một vị lãnh tụ dân tộc như trong một cuộc rước tại Nậu Dị ngày nào, khổ nỗi lịch sử đã chứng minh vị lãnh tụ ấy phải chịu trách nhiệm cho hàng vạn cái chết. Phận làm con đối xử với Mẹ như thế đấy !

Hàng triệu thai nhi bị sát hại hàng năm. Nội con số đó thôi chắc cũng đủ chứng minh cho tình cảm người mẹ Việt Nam ngày nay đối xử với con mình thế nào. Nạn bạo hành giữa các thành viên ruột thịt ngày nay phổ biến hơn bao giờ hết. Đã có quá nhiều giá trị thiêng liêng biến đổi theo chiều hướng xấu đi trông thấy. Giờ mà gõ vào từ khóa “bạo hành” thì ta có thể đọc đến 3 năm cũng chẳng hết những thông tin kinh khủng về cách hành xử với nhau. Thờ ơ và vô cảm đang dần trở thành một chân lý tồn tại trong xã hội đầy bạo lực và vô văn hóa.

Ngoài kia, biển đông sôi sùng sục vì hàng vạn tầu đủ loại của Trung Quốc xâm lăng, ngoài kia hàng trăm ngư dân bị giết hại, bị bắt cóc, bị đòi tiền chuộc, bao nhiêu mảnh đất của tổ quốc nay đã không còn. Vậy mà công lý, tự do, yêu nước vẫn cứ đang bị cầm tù sau những hàng song sắt lạnh băng. Tình cảm đối với tổ quốc chỉ còn là những khát khao buộc phải giấu kín trong lòng.

Những giá trị thiêng liêng ấy đang mai một dần và sẽ biến mất, chỉ điều ấy thôi đã là câu trả lời rất rõ ràng cho chúng ta biết: chúng ta đang tiến, hay chúng ta đang lùi với sự tiến hóa cùng văn minh nhân loại ?


Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 8.8.2012

Theo bvss.org

Một buổi chiều buồn

Một buổi chiều buồn.

Tôi với tay lấy chiếc điện thoại để kiểm tra xem có gì mới trong khi tôi ngủ không, vì tôi thường để máy ở chế độ rung nên khi ngủ có ai nhắn tin hay gọi tôi cũng không biết. Tôi mở ra thì thấy có 2 cuộc gọi nhỡ, không biết có phải là điều tôi đang mong đợi?

Không phải, đó là số máy của một chú trong nhóm. Vì chú hay nhờ tôi mua đồ giúp cho chú nên suy nghĩ đầu tiên trong đầu tôi sau khi thấy số của chú là: “chắc chú lại định nhờ tôi mua giúp gì rồi”.

Tôi gọi lại, chú nghe máy và bắt đầu hỏi tôi: “Con đang ở đâu, con đang ở Phùng Khoang à, con đi tới bệnh viện đón em nhé”. Chú chẳng quan tâm tôi đang làm gì hay bây giờ tôi có rỗi không và lúc đó gần như tôi cũng chẳng quan tâm gì tới kế hoạch của tôi vào chiều nay cả. Bệnh viện mà chú muốn tôi tới khá gần phòng trọ của tôi, và tôi cũng biết chính xác nó nằm ở đâu nữa. Chú đọc cho tôi số điện thoại của một cô y tá (hay bác sĩ gì đó, tôi cũng không kịp hỏi lại) phụ trách ở khoa sản của bệnh viện. Bình thường mỗi khi đi đâu có lẽ tôi phải mất 20 tới 30 phút cho khâu chuẩn bị nhưng hôm nay tôi chỉ mất 15 phút cho tất cả, từ rửa mặt, mặc quần áo, khóa cửa, rồi tới bệnh viện. Tôi tới bệnh viện lúc đó khoảng 4h kém 10 phút chiều. Vừa tới, tôi hỏi một chị tới khoa sản và gọi ngay cho cô y tá tôi đã có số, cô ấy gọi tôi vào trong phòng, nơi một người phụ nữ khoảng ngoài 30 đang nằm trên một chiếc giường được phủ bằng một tấm khăn trắng…

Sau khi nghe chú nói đi lấy em bé, vì là lần đầu tiên nên trong đầu tôi luôn nghĩ chắc em sẽ được bọc trong một chiếc túi ni lông, hay một mảnh vải gì đó và rằng tôi sẽ tự mình tắm cho em khi đưa em về. Thế là tôi đưa mắt để tìm kiếm quanh phòng xem cô y tá đó đặt em ở đâu, nhưng tôi chẳng thấy gì cả. Bạn biết tôi đã nhận được gì từ cô y tá không? Đó là một chiếc hộp, một chiếc hộp như bao chiếc hộp khác mà ở nhà tôi hay mọi người vẫn dùng để đựng gia vị, nào là muối, mì chính hay hạt nêm… Nhưng, trong chiếc hộp này không phải là những thứ đó mà là một sinh linh, một em bé không hề có một chút hình thù gì cả, vì tôi nhìn qua tôi chỉ thấy ít bọt trên mặt, ở giữa là một khối nước màu đỏ và có gì đó vẩn đục phía dưới. Có lẽ em mới chỉ được một hai tuần tuổi thôi. Tôi nhận chiếc hộp đó và để vào trong một chiếc túi ni lông và ra về. Tôi vừa ra tới bãi để xe của bệnh viện thì một cơn mưa ào tới, thế là tôi ngồi lại. Tôi đã ngồi với em gần một giờ ở đó. Không phải do trời mưa to quá mà tôi không về được, vì trước khi đi tôi nhìn trời và biết là không lâu nữa trời sẽ mưa nên đã chuẩn bị tất cả. Thế nhưng không hiểu sao, có thể tôi muốn ngồi đó với em, có thể vì trong tôi đang có điều gì đó hay tôi đang có tâm sự, nên tôi muốn ngồi đó để ngắm mưa, tôi không biết nữa. Sau khoảng gần 1 giờ, tôi quyết định mặc quần áo mưa vào để về, lúc đó không biết trong đầu tôi đã nghĩ gì, tôi không đưa em về ngay mà tôi đã cho em ghé qua phòng trọ của tôi. Có thể tôi muốn khoe với em một điều “mới mẻ” gì đó nơi căn phòng nhỏ bé của tôi. Cái “mới mẻ” không phải ở bề ngoài của căn phong vì nơi đó tôi đã thuê được hơn 1 năm rồi, nó khá cũ kĩ và cũng không được gọn gàng sạch đẹp cho lắm. Cái “mới mẻ” trong căn phòng đó có lẽ là ở người chủ của nó. Bạn biết không, sau 22 năm sống trên đời, lần đầu tiên trong phòng tôi có 1 bình hoa, một bình hoa với rất nhiều tâm sự, kế hoạch và dự định của tôi trong đó.



Tôi đã đặt em vào giữa bình hoa đó. Có lẽ tôi muốn em cùng ngắm hoa với tôi, vì có thể đây là lần đầu tiên tôi có một bình hoa nhưng rồi tôi vẫn sẽ còn nhiều bình hoa khác, sẽ còn được ngắm nhiều bông hoa đẹp nữa, nhưng với em nó sẽ là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng em được gần những bông hoa xinh đẹp này. Em đã ở cùng tôi với những bông hoa hồng đỏ xinh đẹp trong căn phòng nhỏ này khá lâu cho tới giờ tôi đi Lễ. Từ khi tôi đón em trời chưa ngớt mưa và tôi lại mặc áo mưa vào rồi đưa em tới nhà thờ. Có lẽ vì là lần đầu tiên nên có điều gì đó đặc biệt trong tôi, một suy nghĩ chợt lóe trong đầu, rằng tôi sẽ cho em vào nhà thờ cùng dự Thánh lễ với mình. Để tránh những ánh mắt tò mò của mọi người, tôi đã để em trong chiếc áo khoác của tôi rồi tôi với em cùng đi vào. Thế là trong suốt Thánh lễ em đã ngồi cùng tôi, em ngồi thật ngoạn, thật trầm lặng, “có lẽ em đang ngủ!”. Kết thúc Thánh lễ, tôi lại đặt em trong chiếc áo khoác của tôi, nơi gần trái tim tôi nhất, nơi một con tim đang thổn thức, nơi mà một trái tim đang chất chứa đầy tâm sự, và tôi đưa em đi làm những việc cần thiết cuối cùng cho em…



Cũng như bao em bé khác, em được cuốn trong một chiếc khăn trắng nhỏ,




Sau đó là chiếc túi ni lông có hình cây Thánh giá và dòng chữ: “Lạy chúa xin thương xót chúng con”. Tất cả đã hoàn tất đối với em, bây giờ tôi sẽ đưa em đến với những người bạn của em, những người bạn đã đến trước em nhưng đều có hoàn cảnh giống em, và tất cả các em đều sẵn sàng cho một cuộc hành trình mới, các em sẽ đi trước tôi, một cuộc hành trình mà tất cả chúng ta rồi ai cũng sẽ bước đi, cuộc hành trình về với Chúa… Tôi lấy tên thánh của một vị Giáo Hoàng tôi rất quý mến đặt cho em – Gioan Phaolo…

Thế là em đã có bạn, những người bạn thực sự, những người bạn sẽ không bao giờ xa rời nhau. Còn đối với tôi, một buổi chiều buồn đã qua đi tôi sẽ quay lại với cuộc sống của mình, quay lại với căn phòng bé nhỏ của tôi, quay lại với cuộc hành trình tôi đang bước đi, quay lại với một trái tim đang mang đầy tâm sự, quay lại với những ước mơ, những hy vọng, những dự định đang ấp ủ trong tôi… và ngay giờ đây, tôi lại tiếp tục với việc học tập của mình, với công việc tôi đang cùng tham gia với mọi người, tôi sẽ cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa cho công việc BVSS.


~L.F–H~
BVSS Hà Nội
Theo bvss.org