Những đứa trẻ được cứu sống trên bàn nạo thai

Một sinh viên khóc lóc đến xin phá thai 35 tuần tuổi. Không tiền, không người bảo lãnh, nhóm bảo vệ sự sống đã lo toàn bộ chi phí sinh nở để họ không làm Kovac. Em bé được cứu sống ngay trên bàn nạo thai.

Những em bé được cứu sống

Một đêm cuối tháng 10/2011, bà Hường nằm trằn trọc tới gần sáng mà không thể nào ngủ được, bà lần chuỗi đọc kinh cầu nguyện và cố dỗ giấc ngủ. 4h sáng, bà vừa thiếp đi thì chuông điện thoại reo. Bà nhấc máy, giọng mệt mỏi: “Alô, alo, gọi gì mà sớm thế? !!!…”.

Thành viên nhóm BVSS và một em bé ở nhà mở.

Hóa ra đó là cuộc gọi của y tá ở một phòng khám tư nhân. Cô này cho biết, có một sinh viên khóc lóc đến xin phá thai 35 tuần tuổi từ tối… Không người bảo lãnh, không có tiền..v.v.. thai nhi con gái khoảng 2 kg, đã bắt đầu trở dạ…Nghe y tá nói môt thôi một hồi, bà Hường ngắt lời: “Trường hợp này, cháu đã trở dạ, chị cứ cho cháu sinh bình thường. Tôi chịu hoàn toàn mọi chi phí cho cháu sinh mà không cần làm Kovak cho em bé ra non, dễ chết ngạt…”. Cuộc điện thoại làm bà tỉnh ngủ hẳn.

7h sáng, bà đã có mặt tại phòng khám nhưng họ không cho lên mà bảo chờ. Đến tận trưa, cô gái mới sinh. Đó là một bé gái. Nó không khóc được, da tím ngắt như quả bồ quân. Bà quấn vội bé vào một tấm tã, vừa đi vừa hô hấp cho bé vừa cầu nguyện. May thay, dường như cảm nhận được hơi ấm và tình yêu, da bé dần hồng hào trở lại, rồi cất những tiếng khóc đầu tiên. Bà Hường thở phào, bé được đặt tên là Trần Hương Huyền.

Không chỉ mở rộng vòng tay cứu đỡ các em bé ở phút chót như vậy, ngay từ cuối năm 2009, nhóm bảo vệ sự sống (BVSS) đã tìm cách tiếp cận, thuyết phục các y tá ở bệnh viện là nếu có ca nào nạo phá thai lớn (làm Kovac) thì các chị hãy khuyên giúp để mẹ cháu giữ lại em bé, các thành viên trong nhóm sẽ nhận nuôi cháu. Thật may các y tá đã vui vẻ nhận lời hợp tác.

Một lần, nhóm nhận được tin báo từ cơ sở phá thai, có trường hợp một chị sinh con thứ ba định nạo phá thai, cho sinh non bằng cách làm Kovac vì thai nhi đã được 36 tuần, gần 9 tháng. Được tin, ngay lập tức, bà Hường và các thành viên BVSS đến ngay “hiện trường” để nói chuyện với mẹ của bé để cho bé được sinh ra và hứa sẽ nuôi bé đàng hoàng tử tế. Với lòng nhiệt thành đầy tình thương, bà đã thuyết phục được mẹ bé để cho bé được sinh ra mà không làm Kovac nữa.

Bé Trần Hương Huyền lúc mới sinh.

Mấy ngày sau thì mẹ bé chuyển dạ. Bà Hường hồi hộp cùng với bác sĩ, hộ sinh và y tá đứng ngay cạnh bàn chờ sinh. Lúc tiếng khóc chào đời của đứa bé cất lên cũng là lúc những giọt nước mắt của bà Hường lã chã rơi vì sung sướng. Chính những những sự sống kỳ diệu của các bé đã tiếp thêm sức mạnh, lòng can đảm dấn thân cho các anh chị em làm công việc này.

Cũng có những trường hợp, dù đã cố gắng hết mức nhưng các bé vẫn “dỗi hờn” mà “bỏ đi” như bé Bạch Trâm Anh. Bị đưa ra khỏi cung lòng người mẹ quá sớm, lại bị tổn thương vì cưỡng bức khi phá thai, bé chỉ sống trên đời được vỏn vẹn 3 ngày. Hay như bé Bạch Quyền Năng, bị viêm phổi rồi ra đi sau khi chào đời không lâu.

Nhưng còn một vấn nạn buồn lòng những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng này là, có trường hợp phòng khám gọi điện cho anh chị em đến tiếp nhận một em bé sống sót lại ra giá 10 triệu đồng! Và họ đã phải ngậm ngùi chào thua vì không thể một lúc có được số tiền lớn như thế để chuộc bé. 


Ngôi nhà của những cô gái lầm lỡ

Hiện tại nhóm BVSS ở Hà Nội đã kiến tạo được 2 ngôi nhà mở để giúp đỡ các cô gái mắc sai lầm do thiếu hiểu biết mà rơi vào tình cảnh làm mẹ ngoài ý muốn. Đến đây, các em có thể yên tâm tạm lánh xa dư luận một thời gian chờ mẹ tròn con vuông.

Mới đầu, khi chưa có nhà mở, công việc của các thành viên BVSS cũng gian nan hơn nhiều. Đó là, hễ có cô gái nhỡ nhàng nào đó cần nơi tạm lánh thì anh chị em lại phải tìm và nhờ cậy ở nhà người quen để gửi các cô. Ví dụ em N, từ Sài Gòn ra HN tạm lánh và được gửi lên ở nhờ nhà một người quen tận Sơn La. Hoặc như em B từ Hà Tĩnh lại chọn vào Sài Gòn để lánh.

P. là một cô gái quê Nam Định. Nhà nghèo, cô lên Hà Nội đi học rồi có người yêu, có thai. Khi biết cô có thai thì cũng là lúc tên họ Sở quất ngựa truy phong. Cô không muốn bỏ thai, càng không dám về quê. Thấy hoàn cảnh ngặt nghèo của cô, một số chị em xa quê bán hoa quả đầu đường Trần Khát Chân liền tìm cách giúp đỡ.

Lúc đó bà Hường là khách quen ở đó, khi biết chuyện đã đứng ra giúp đỡ. Bà gửi cô vào một quán cơm bình dân. Quán nhỏ bé chật chội nhưng tấm lòng bà chủ lại bao la. Cô ở đó giúp việc cho quán cơm cho tới khi mẹ tròn con vuông. Khi cô đến ngày sinh nở, nhóm BVSS đã tận tình giúp đỡ từ A đến Z.

Các thành viên nhóm BVSS trong vườn rau do các bà bầu trồng.

Hay như B, sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh. Học xong cấp 3 vào TP.HCM đi làm. Tại đây, B tình cờ gặp T người cùng làng cũng làm công nhân. Quê người đất khách, hai bạn trẻ nhanh chóng gắn bó với nhau. Đến khi B có thai mà không hề hay biết, thì T lại lên đường đi xuất khẩu lao động. Cái bụng ngày càng to, xấu hổ không dám đi làm cũng không dám về quê, B đành nhờ người quen giới thiệu vào nhà mở. Em ở đó cho tới khi mẹ tròn con vuông. Em bé được 6 tháng, B bế con về quê. Gia đình nghi hoặc, hàng xóm xôn xao dị nghị về đứa bé B nói là “nhặt được” lúc xưng dì lúc xưng mẹ. Đến khi bên nhà bạn trai B biết chuyện đã đến xin nhận cháu và đôi trẻ được hai bên gia đình tổ chức cưới đàng hoàng.

Hay chuyện một cô bé ở Hải Phòng, cô lên HN đi học và trót yêu phải công tử con một ông “cốp” cùng quê Hải Phòng. Khi bụng cô to dần, chàng cũng khéo léo từ chối phận làm cha, gia đình chàng lại càng không nhận. Cô âm thầm sinh một con trai bụ bẫm xinh xắn trong tình yêu thương của nhà mở và các thành viên BVSS.

Không may cho bạn trai cô, sau một tai nạn anh ta phải nằm liệt giường sống đời sống thực vật. Lúc này gia đình anh ta mới đến xin nhận cháu và chấp nhận cưới hỏi đàng hoàng nhưng đã quá muộn. Bị cú ngã quá đau, cô gái quyết làm lại cuộc đời và đã có tình duyên mới với một người Hàn Quốc. Anh này coi con của cô cũng như con mình, họ cưới nhau và đem con trai sang Hàn Quốc sinh sống

Hiện nay, với 2 nhà mở, một nhà dành cho các bà bầu chờ sinh và một nhà để nuôi các em bé, nhóm BVSS đã có thể yên tâm phần nào. Những tiếng khóc tiếng cười từ nhà mở đều là niềm hạnh phúc của những người làm công tác bảo vệ sự sống. Cũng có một số ít cô gái “đi qua” nhà mở và bỏ lại đứa con mình rứt ruột đẻ ra để làm lại cuộc đời mới. Tuy nhiên, điều đó có thể không dễ dàng đối với họ bởi hình ảnh đứa trẻ sẽ mãi mãi in dấu trong tim họ.

Minh Thư

Theo bvss.org

Hạnh phúc vì đã không phá thai!

... Từ Augustow bên Ba-Lan bà Aneta Halina Rusilowska viết cho Linh Mục của Đền Thánh Đức Bà Mân Côi Pompei (Nam Ý) như sau:

Trước tiên con xin bày tỏ cùng Cha tâm tình tri ân chân thành vì con luôn khắc ghi trong lòng cách cư xử thật bao dung của Cha. Con là khách trọ nơi Nhà Emmanuel do các Nữ Tu Đa-Minh Con Cái Đức Mẹ Mân Côi điều khiển. Con chạy đến xin tá túc khi lâm cơn túng quẫn lúc con mang thai cháu Tristan Emanuel. Các Nữ Tu đã tiếp nhận con và cho con ăn ở miễn phí.

Con không bao giờ quên những người con được hân hạnh quen biết trong thời gian con trọ nơi đây. Căn Nhà Emmanuel cũng trở thành nơi chốn thật thân thương đối với con, cho dẫu con phải trải qua thời kỳ gian nan khốn khó. Con cảm tạ THIÊN CHÚA vì đã cho con được gặp những người có lòng bác ái thật tuyệt vời.

Con ý thức về lầm lỗi con đã phạm vì đã trót dại mang thai ngoài vòng hôn nhân. Nói rõ hơn, con là gái chửa hoang không chồng! Vì thế khi biết mình mang thai, con vô cùng bấn loạn. Con bơ vơ không nơi nương tựa, vậy làm thế nào bây giờ? Con thật lòng không muốn phá thai, không muốn giết chết đứa con trong dạ. Vì thế, con dự tính cố gắng mang thai đến cùng. Sau khi sinh rồi, con sẽ bỏ lại hài nhi nơi nhà thương, để nhà thương lo liệu chăm sóc cháu.

THIÊN CHÚA Quan Phòng đưa bước chân con đến gõ cửa Căn Nhà Emmanuel và các Nữ Tu Đaminh đã mở rộng lòng, rộng cửa tiếp đón hai mẹ con con. Tình thương và lòng bác ái của Các Nữ Tu đã giúp con vượt qua thử thách. Và bé Tristan Emanuel đã mở mắt chào đời trong vòng tay trìu mến yêu thương của rất nhiều người chung quanh.

Nhưng trước hết và trên hết, con dâng lời cảm tạ Đức Bà Pompei. Chính Đức Mẹ Mân Côi đã thay đổi định mệnh đời con. Trong thời gian con trọ tại Pompei, người bạn tí hon của con là cô bé Antonietta Della Valle đã tặng con tấm vải dệt hình Đức Bà Mân Côi Pompei.

Sau thời gian lưu ngụ tại Pompei, con trở về Ba-Lan mang theo tấm vải dệt. Con rất ước ao treo tấm vải có hình Đức Bà Pompei nơi nhà thờ giáo xứ của con. Cha sở Wladislaw Napiorkowski đã thỏa mãn ước nguyện của con. Khung ảnh Đức Bà Mân Côi Pompei được treo lên cho toàn thể giáo dân kính viếng. Toàn thể họ đạo chúc mừng sự hiện diện của Đức Bà Pompei bằng một tràng chuỗi Mân Côi cùng nhau lần trước Bức Ảnh. Sau đó Khung Ảnh được mang về quê con treo nơi nhà thờ nhỏ của họ đạo Berezniki.

Hiện tại bé Tristan Emanuel là niềm vui lớn nhất của con. Bé trông thật mĩ miều, rất ngoan và không khóc. Khuôn mặt bé dịu hiền thanh thản là phần thưởng cho những tháng ngày âu lo con mang thai bé. Lúc đó quả thật con rơi vào hố thẳm tuyệt vọng, không biết phải đối đầu với tương lai mờ mịt như thế nào!

Con có thể thưa với Cha rằng, con cảm thấy thật hạnh phúc vì đã không phá thai cũng không chìu theo ý nghĩ tuyệt vọng muốn bỏ rơi đứa con bé bỏng của con. Bây giờ mỗi lần chiêm ngắm khuôn mặt ngoan hiền của bé lòng con cảm thấy thật hãnh diện và thật an ủi.

Một lần nữa, từ nơi thẳm sâu lòng con, con muốn bày tỏ cùng Cha tâm tình tri ân của con. Cha cùng với các Nữ Tu và bao nhiêu người khác đã tận tình giúp đỡ khi con lâm cảnh túng thiếu nghèo nàn. Con là gái độc thân mang thai nhưng Quí Cha và quí Nữ Tu không kết án cũng không xua đuổi con. Trái lại quí ngài rộng tay tiếp rước con. Quí ngài đã cứu sống con và con trai con. Xin THIÊN CHÚA trả công cho quí ngài thật bội hậu.

... ”Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó, để con được hưởng trọn vẹn phúc lành. Hãy làm ơn cho mọi người còn sống, ngay cả với người đã chết, cũng đừng từ chối làm ơn. Đừng ngoảnh mặt không nhìn những ai đang than khóc. Với những người sầu khổ, con hãy biết chia buồn. Đừng ngại thăm nom người đau ốm, vì nhờ những việc như thế mà con sẽ được mến yêu. Trong mọi lời ăn tiếng nói, hãy nghĩ đến đời con chung cuộc thế nào, thì mãi mãi con sẽ không phạm tội” (Huan Ca 7,32-36).




(”Il ROSARIO E LA NUOVA POMPEI”, Anno 122, N.7, Luglio-Agosto 2006, trang 44)

 

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt 

Theo conggiao.info

Buồn thảm lễ an táng 91 hài nhi giữa thủ đô

Cứ đều đặn mỗi tuần một lần, vào lúc 9h sáng, tại một ngôi đền nằm nép mình giữa những khu nhà cao tầng của Hà Nội lại diễn ra lễ an táng cho các thai nhi được nhặt từ nhiều nơi trong thành phố về.

Các cơ sở nạo phá thai nằm san sát trên một đoạn đường Giải Phóng, 
đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai.



Những số phận bị ruồng rẫy

Gần 5 năm trôi qua nhưng bà Trần Thị Hường, trưởng một nhóm Bảo vệ sự sống tại Hà Nội vẫn không quên được lần đầu tiên nhận thai nhi về mai táng.

Hôm đó gần nửa đêm, có điện thoại từ một phòng khám gọi tới thông báo có một thai nhi vừa mới nạo xong. Hai vợ chồng họ không nỡ bỏ mặc mà muốn được mai táng cho đứa con mà họ vừa rứt ruột bỏ đi, nhưng với họ thì không thể. Họ đã nhờ phòng khám giới thiệu giúp người có thể làm việc đó thay họ để đứa con đỡ tủi phận.

Bà Hường tức tốc nhờ người giúp việc đèo tới đó. Phòng khám đã đóng cửa, đường vắng và tối, không một bóng người. Hai bà cháu nhìn quanh rồi quyết định lục tìm trong tất cả những túi ni lon đựng rác vứt trên đoạn phố đó.
Gần 20 phút trôi qua mà không có kết quả, thì bỗng có hai người dắt xe đạp tiến lại, trên tay cầm một cái bọc. Đó chính là cặp vợ chồng vừa bỏ đi giọt máu của mình. Họ đã nép vào một chỗ kín đáo để đợi bà. Hôm đó, đưa được thai nhi về cũng là lúc đồng hồ điểm 12h đêm.

Ngay trong đêm đó, hài nhi bé bỏng được tắm rửa, được đặt tên thánh và rửa tội trước khi khâm liệm và đưa vào giữ lạnh chờ ngày mai táng.

Tắm cho một thai nhi bị phá bỏ

Gần 5 năm trôi qua, hàng ngàn thai nhi bị chối bỏ đã được nhóm Bảo vệ sự sống này đưa về nơi an nghỉ. Bà Hường cho biết, hiện nay nhóm Bảo vệ sự sống tại Hà Nội có hơn 100 thành viên, trong đó có hơn chục thành viên gần như thường trực. 

Bất kể đêm hôm, mưa gió, hễ được tin báo có thai nhi bị phá bỏ cần mai táng là họ lên đường đi nhận ngay. Hiện nay nhóm phân công nhau đi lấy thai nhi ở các bệnh viện, phòng khám đều đặn 3 lần/ngày.

Cỗ quan tài chung và gần 100 số phận bị ruồng rẫy.

Có những em bị đưa ra khỏi cung lòng người mẹ khi chưa có nổi hình hài, mà chỉ là một nắm lầy nhầy, đỏ hỏn. Đến các tình nguyện viên lâu năm nhất cũng không thể phân biệt nổi em nào với em nào. Các em đến từ nhiều cung lòng ấm áp khác nhau nhưng cuối cùng lại chung một tấm vải liệm. Và, cũng rất nhiều em chỉ chút ít nữa thôi là được chào đời.

Nhìn những tấm ảnh tư liệu nhóm lưu lại tôi không khỏi rùng mình. Những hình hài bé trai, bé gái sáu, bảy, tám tháng, thậm chí gần đến ngày chào đời, bị cắt ra làm nhiều mảnh, đớn đau nằm trên tấm vải liệm trắng toát. Viết những dòng này bên tai tôi còn văng vẳng tiếng một thành viên trong nhóm nói với bà Hường: "Bà ơi, bà nhắc bác sĩ đừng cắt nát đầu các em ra".

Cũng có những em may mắn hơn là bị đưa ra khỏi lòng mẹ còn nguyên hình hài. Có em vẫn còn sống và với những trường hợp như thế ngay lập tức sẽ được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Lễ tiễn đưa 91 hài nhi

Có mặt tại Đền Đức Mẹ Hằng cứu giúp (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) một sáng thứ 7, với tôi ngôi nhà thờ này hôm nay dường như lạnh lẽo hơn. Bên trong đang diễn ra Thánh lễ tiễn đưa 91 hài nhi.

Một lễ tiễn đưa các em về nơi an nghỉ. Tuần này là 91 hài nhi.

Tất cả các em được đặt chung trong một chiếc hộp xinh xắn, phủ khăn trắng toát trên một chiếc bàn cũng phủ khăn trắng và điểm những chiếc nơ màu tím. Những người có mặt dường như cũng lặng lẽ hơn, thỉnh thoảng mọi người lại đưa mắt về chiếc hộp đặt giữa nhà thờ.

91 thai nhi trong một tuần của một số rất ít ỏi phòng khám chịu hợp tác để nhóm đem về an táng. Còn bao nhiêu em nữa sẽ đi đâu về đâu? Bà Hường cho biết, vài năm gần đây, không có tuần nào nhóm an táng dưới bảy chục thai nhi, có nhiều tuần lên tới hơn 100 em.

Đưa các em về nơi an nghỉ.

Sau lễ tiễn đưa, các em sẽ được đưa về nghĩa trang hài nhi Từ Châu (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội) để mai táng. Đó là một nghĩa trang nhỏ nằm giữa cánh đồng bao la. 

Người ta có thể dễ dàng nhận ra nghĩa trang bởi những tấm nắp bê tông xám xịt và nổi bật lên là cây Thánh giá trầm mặc. Ngôi mồ chung của các em là một hố lớn, hố này được phân ra mười hai ô nhỏ, sâu chừng 2m. Cứ chôn lớp nọ xếp lên lớp kia cho đến khi đầy ô. Hết ô này sẽ chuyển qua ô khác.

Nghĩa trang hài nhi Từ Châu nằm giữa cánh đồng bát ngát.

Vì nằm giữa cánh đồng trũng, mỗi năm 12 tháng thì có tới 5 tháng nơi đây bị ngập nước. Đưa các em về tới nơi, việc đầu tiên của các thành viên là mở tấm nắp bê tông và tát nước trong mộ ra để đặt cỗ quan tài chung của các em vào.
Thứ nước nhờ nhờ đen, nhìn kỹ như có loang loáng mỡ và bốc mùi hôi thối kinh hoàng. Vậy mà có khi vừa tát xong chưa kịp trát lại đã bị dềnh nước từ các ô khác sang, lại phải dừng lại để tát.

Một năm 12 tháng thì có 5 tháng phần mộ của các bé bị ngập nước như thế này.

Chưa đầy 5 năm, hơn 8.000 sinh linh đã yên nghỉ nơi đây và sẽ còn nhiều nữa khi các ông bố bà mẹ cứ vô tư giết đi những đứa con của mình bất chấp đạo lý, bất chấp an toàn sức khỏe.

Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, đáng báo động có tới 20% người nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Theo số liệu của một phòng khám tại Hà Nội, có người mới 23 tuổi phá thai tới 4 lần trong năm. Độ tuổi phá thai nhiều nhất là dưới 25, trung bình mỗi người phá từ 2-3 lần trước khi kết hôn (cá biệt là 4-5 lần).


Theo VietnamNet

* Bài báo này đã bị gỡ xuống chỉ sau vài tiếng đồng hồ. Vẫn cùng đường link đó, nhưng thay vào đó là 1 bài báo vô thưởng vô phạt. "Việt Nam đẹp lung linh trên tạp chí thời trang nước ngoài"  http://www.vietnamnet.vn/vn/doi-song/66982/buon-tham-le-an-tang-91-hai-nhi-giua-thu-do.html

Nhưng họ chẳng bao giờ có thể xóa được hoàn toàn 1 bài báo một khi nó đã được đăng. Rất nhiều trang mạng đã đăng lại bài báo này kèm theo một chú thích nhỏ "Theo Vietnamnet"
Thậm chí còn có người chụp được cả hình ảnh lúc bài báo chưa bị xóa.

Có thể ngẫm ra được nhiều điều câu chuyện này.

Tình yêu dành cho thai nhi

Trong căn phòng nhỏ chừng 10m2 nằm ở cuối dãy nhà Hội đồng Giáo xứ Chính tòa Phát Diệm là nơi khâm liệm và giữ thân xác các thai nhi trong một chiếc tủ lạnh màu ghi xám.

Mỗi tháng một lần, vào lúc 3 giờ chiều thứ Bảy đầu tháng, sau thánh lễ là nghi thức an táng cho các em thai nhi tại Đất thánh Phát Diệm. Một ngày sau ngày Quốc tế thiếu nhi, thứ Bảy 2.6.2012 vừa qua là lần an táng thứ sáu cho các em thai nhi. Tổng số các em thai nhi được đón về chôn cất lần này là 83 em, có ít hơn tháng trước 14 em.

Ở giữa căn phòng nhỏ ấy có một bát hương đặt trên một chiếc ghế nhựa phía trước chiếc tủ lạnh với cả nghìn que hương được cắm dày đặc thắp lên cùng biết bao lời cầu nguyện và bên trên tủ lạnh là bàn thờ kính Thiên Chúa gồm có tượng Thánh Giá Chúa chịu nạn, bình nước phép, một lọ hoa tươi mà theo lời các chị phục vụ cho biết thì luôn luôn có hoa tươi theo các mùa cho các em thai nhi tội nghiệp. Chiếc đèn dầu được đặt bên cạnh lọ hoa có ngọn lửa nhỏ bập bùng cháy hình dung như một em bé đang nhảy nhót vui đùa cùng với các thiên thần bên Thiên Chúa.

Nhìn bao quát căn phòng được quét vôi màu hồng thì thấy kê sát góc tường bên cửa sổ là một chiếc bàn bằng gỗ, trên bàn có trải khăn nilon hoa để các chị phục vụ trong Hội Bảo Vệ Sự Sống quàn xác các em sau khi đi đón về. Còn phía trong góc phòng kê chiếc xe tang và một chiếc tủ gỗ với những ngăn riêng đựng túi nilon trắng có in hình Thánh Giá màu đỏ, ngăn đựng những chiếc áo vải trắng tinh được các chị phục vụ mặc cho các em thai nhi sau khi thực hiện nghi thức đặt tên thánh cho từng em theo Bí tích Rửa tội của Hội Thánh Công giáo; ngăn đựng những bó hương thơm sẽ được các chị phục vụ thắp cho mỗi em một nén hương ngay khi các em được đón về căn buồng nhỏ này; và một ngăn đựng những nắm rơm sẽ được đốt lên xua đi cái sài lạnh u ám những thai nhi đã chết và ám theo những người làm những cộng việc sau cùng cho các em thai nhi.

Trên thế giới hiện có 201 quốc gia thì có 5 quốc gia cấm hoàn toàn việc phá thai, đó là Chile, El Salvador, Malta, Nicaragua và Bangladesh. Tại Bangladesh, phá thai là bất hợp pháp, nhưng chính phủ từ lâu đã hỗ trợ một mạng lưới “viện điều hòa kinh nguyệt” làm cho mỗi năm Bangladesh có 800.000 trường hợp nạo phá thai, trong đó chỉ có 100.000 người được cung cấp dịch vụ phá thai chính thức, lứa tuổi trung bình từ 15 - 44 tuổi. Còn theo thông tin từ Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, Việt Nam hiện là nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ nạo phá thai (32%) và nằm trong nhóm những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Cả nước có 5% số sản phụ sinh con trước 18 tuổi và 15% sinh con trước 20 tuổi. Trung bình mỗi ngày có trên 600 ca nạo phá thai, 25% trong số này là thanh niên chưa lập gia đình và hơn 20% ở lứa tuổi vị thành niên. Mỗi năm, Việt Nam có 300.000 ca nạo phá thai độ tuổi 15-19 tuổi và một tuần có một phụ nữ chết vì nạo phá thai không an toàn. Mỗi phụ nữ Việt Nam trung bình trong đời phá thai 2,5 lần và theo thống kê, phá thai là nguyên nhân của 5% số ca tử vong ở sản phụ.

Vì thiếu giáo dục giới tính nên phụ nữ Việt Nam đã không biết những biến chứng thường gặp của nạo phá thai, về lâu dài, chính là tước mất khả năng làm mẹ sau này. Khi nạo phá thai nhiều lần, thành tử cung không còn dinh dưỡng tốt, dễ dẫn đến nhau đóng bất thường ở các lần mang thai sau như nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, khi sinh dễ bị băng huyết, rất nguy hiểm đến tính mạng người mẹ. Biết bao nhiêu bi kịch của các gia đình trẻ khi không thể có con đã xảy ra do người mẹ có quá trình nạo phá thai không an toàn trước đó. Lý do là cấu tạo bộ phận sinh dục của phụ nữ dễ viêm nhiễm vì ở sâu bên trong, có nếp gấp, lại có kinh nguyệt hằng tháng. Khi phá thai, khả năng này càng cao hơn bởi phải dùng dụng cụ bên ngoài can thiệp vào tử cung, khiến tổn thương ở các phần phụ, niêm mạc tử cung bị tổn thương sâu, gây dính buồng tử cung, thủng tử cung, tắc vòi trứng... dẫn đến vô sinh. Biến chứng của phá thai có thể biểu hiện ngay sau nạo hút hoặc sau này, các biểu hiện có thể là rách, thủng cổ tử cung, băng huyết, sót rau, nhiễm khuẩn, dính buồng tử cung, chửa ngoài dạ con thậm chí vô sinh.

Xuất phát từ nghĩa cử cao đẹp của quý cha dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, cha Phêrô Nguyễn Hồng Phúc, chính xứ Chính tòa Phát Diệm đã trở thành người rao truyền sự sống trong tình yêu của Thiên Chúa nơi giáo xứ giáo phận Phát Diệm quê hương. Từ sau ngày họp mặt truyền thống di dân lần thứ V với chủ đề Bảo Vệ Sự Sống được tổ chức trong hai ngày 30.4 và 1.5.2009 tại Nhà thờ Phát Diệm (quận Phú Nhuận – Sài Gòn) và sau bài thuyết trình của cha Giuse Nguyễn Hồng Phước, dòng Chúa Cứu Thế (C.Ss.R) với đề tài cùng tên Bảo Vệ Sự Sống, cha Hồng Phúc đã được đánh động bởi những thuyết trình của cha Hồng Phước, khi cha Hồng Phước dẫn ra lần lượt cho các bạn trẻ cùng cộng đoàn về những quan niệm sai lệch trong tình yêu dẫn đến hành vi sát hại thai nhi và sau đó, ngài giới thiệu những nhân chứng đã trải qua những tình huống đầy kịch tính của vấn đề. Thực tế cho thấy, do hoàn cảnh di dân, các bạn trẻ dễ lâm vào tệ nạn này. Nhưng làm thế nào để không phạm tội ác phá thai, đó là mục tiêu của phần chia sẻ do cha thuyết trình viên Hồng Phướng trong ngày họp mặt truyền thống di dân lần thứ V với chủ đề Bảo Vệ Sự Sống.

Ngày hôm sau, cha Hồng Phúc đã tới thăm Tu viện dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (38 Kỳ Đồng, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) và được quý cha dòng dẫn đi viếng góc Lòng Thương Xót đặt trên tầng 2 nhà Trung tâm Mục vụ. Cha Hồng Phúc kể lại: “Ngay khi vừa dừng lại trước ảnh Lòng Chúa Thương Xót, tôi đã xúc động vô cùng vì thấy hàng trăm viên gạch được đắp xung quanh ảnh tượng, và bên trong những viên gạch đó là hàng ngàn cốt thai nhi mà các thiện nguyện viên đã đi gom nhặt về. Tôi đứng cầu nguyện cho các em thai nhi và cho những người phụ nữ đang mang thai mà thấy trong lòng bồi hồi xúc động, nhiều lần phải lặng đi vì đau xót thương cho các em thai nhi vô tội”.

Trở về Phát Diệm sau một tháng đi công tác mục vụ trong miền Nam, dịp Tết Nguyên Đán Canh Dần 2010, cha Hồng Phúc đã khởi xướng việc cầu nguyện cho các chị em Bầu khấn trong giáo xứ, giáo hạt và các giáo hạt lân cận. Dần dần hội Bầu khấn mời gọi cả các chị em ở thành phố Ninh Bình, các tỉnh Nam Định và Thanh Hóa, lương cũng như giáo, cùng tới tham dự thánh lễ chiều thứ Bảy đầu tháng. Và khi ngài đi phục vụ tại các giáo xứ khác theo bài sai của Đức cha giáo phận thì ngài vẫn giữ việc dâng lễ lúc 3 giờ chiều thứ Bảy đầu tháng cho các chị em Bầu khấn. Đứng trước việc có các chị em bị sẩy thai hay có những trước hợp thai nhi chết yểu và cũng rất đau lòng khi biết có nhiều xác thai nhi đem đặt ở cổng nhà thờ này nhà thờ kia. Cha Hồng Phúc đã xin họp với quý cha trong Tòa Giám mục và Ban Hành giáo xứ để nên có một căn phòng nhỏ dành cho các em thai nhi và một nghĩa trang riêng cho các em. Công việc cần có sự quyên góp rộng rãi và sự ủng hộ của toàn thể mọi người trong ngoài giáo xứ. Được sự đồng ý của Đức cha giáo phận Giuse Nguyễn Năng và chính quyền các cấp huyện Kim Sơn tạo điều kiện, đến cuối tháng 10 năm 2011, mấy tuần trước tháng cầu hồn, một thửa ruộng vuông vức, nằm bên trái Vườn thánh dành cho quý cha, quý tu sĩ quê hương và phục vụ tại giáo phận Phát Diệm, đã được trao cho giáo xứ làm Vườn thánh Thai nhi. Cha xứ, cha phó và Ban hành giáo liền xúc tiến ngay những công việc như đổ đất san bằng, đào hố, xây huyệt và làm con đường nhỏ dẫn vào Vườn thánh Thai nhi. Đến ngày thứ Bảy đầu tháng Mười Hai (03.12.2011) các em thai nhi được đón nhận trong tháng Mười Một đã được chôn cất tại vườn thánh Phát Diệm mà không phải đưa thi hài các em lên vườn thánh Tôn Đạo để chôn cất nữa. Trong Hội nghị ngày Quốc tế Bảo Vệ Sự Sống được tổ chức tại Nhà thờ Tôn Đạo, thứ Hai ngày 26.3.2012 cũng trùng ngày lễ Truyền Tin Chúa Nhập Thể, một con số được đưa ra là trong một năm qua Hội Bảo Vệ Sự Sống của giáo phận đã đón nhận trên 2.000 xác thai nhi về chôn cất tại các vườn thánh trong giáo phận.

Hội Bảo Vệ Sự Sống của giáo xứ Chính tòa Phát Diệm có 16 chị em, chia làm 4 tổ cho 4 tuần phục vụ trong tháng chịu trách nhiệm đi đón các em thai nhi về quàn. Các chị xuất phát từ Hội Phục vụ Nhà thờ và kiêm hai công việc phục vụ nhà thờ với bảo vệ sự sống. Những ngày lễ thứ Bảy đầu tháng cha xứ mời các ông trong Ban hành giáo cùng tham gia phục vụ, người lo đàn nhạc, người lo xe tang, người xếp các thai nhi vào quan tài và khênh quan tài nhỏ của các em thai nhi ra nhà thờ cùng việc chôn cất các em ở vườn thánh. Mỗi người mỗi việc, chẳng ai bảo ai, chị thì lo hương hoa, chị thì lo đèn nến, chị thì giăng khăn rèm và trải khăn lên quan tài cho các em thai nhi, một hai chị cầm cờ và trống. Một lễ an táng cho các em thai nhi được cha xứ dâng lễ, cầu nguyện và làm những việc sau hết cho các em.

Một lễ an táng không có kèn trống. Một lễ an táng thật đặc biệt vì không có tiếng khóc rên siết và quằn quại của những người thân mất người thân yêu của mình. Nhưng lại ngân vang tiếng hát thánh ca và những lời cầu nguyện liên lỉ của bao người hiện diện trong lễ an táng cho các em thai nhi qua lời Kinh Cầu Cho Các Thai Nhi và Kinh Sự Sống. Cha xứ chủ tế thánh lễ cầu nguyện cho các em trước Thiên Chúa. Ngài xin các em hãy tha thứ cho những người mẹ của các em đã vô tình hay cố ý nạo phá các em mà xin các em đừng hận mẹ mình. Ngài nài xin Thiên Chúa, Đức Mẹ và các thánh đón các em vào thiên đàng là nơi các em được trở nên thiên thần trong Nước Chúa, nơi đầy ắp tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa sẽ bù đắp lại và đem lại sự sống đích thật cho các em.

Ước mong sao nơi mỗi giáo họ, giáo xứ thường xuyên tổ chức những giờ chia sẻ về Bảo vệ Sự Sống cho lớp các em thanh thiếu niên, vị thành niên cùng những ông bố bà mẹ trẻ quan tâm. Những giờ chia sẻ tôn trọng, chân thành, cởi mở, biết lắng nghe mà không trấn áp, không hù dọa. Những khuyến khích, khen ngợi khi các em đặt câu hỏi về giới tính và tình dục sẽ được trả lời trong chuyên môn, trong tâm lý giáo dục gắn liền với giá trị văn hóa tình yêu theo từng lứa tuổi. Giới thiệu cho các em biết sử dụng các nguồn sách vở tin cậy hoặc tham vấn từ các linh mục linh hướng về bảo vệ sự sống. Một điều cần thiết, đó là các em cần được giáo dục nhân cách trưởng thành Kitô giáo khi biết mình có thai và đang mang trong mình một sự sống của Thiên Chúa ban cho thì đó là khi bắt đầu một tình yêu của người mẹ, tình mẫu tử.

Trong ơn Chúa ban, trong tình yêu của Thiên Chúa, người phụ nữ được đón nhận hai niềm hạnh phúc lớn nhất của đời mình, đó là được yêu và làm mẹ. Vậy thì người mẹ, người phụ nữ đang mang thai là người đầu tiên có trách nhiệm với tình yêu đang sống trong cung lòng mình. Các chị cần phải vượt trên hết trăm bề thử thách, những lời thị phi và cả sự dữ đến từ mọi phía để bảo vệ thai nhi, bảo vệ sự sống, và mỗi người trong chúng ta cùng có trách nhiệm bảo vệ bà mẹ, bảo vệ thai nhi chính là bảo vệ sự sống của Thiên Chúa như theo như lời Kinh Thánh đã ghi: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39). Nhưng một điều quan trọng, đó là những người mẹ, những phụ nữ hãy sinh các em ra đời vì các em có Giáo Hội làm Mẹ (Đức Thánh Cha Phaolô VI - Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân” trong Công Đồng Chung Vaticanô II ngày 21/11/1964 ) và đặc biệt là các em có Thiên Chúa là Cha của các thai nhi (x.Is 49,5).















Theo conggiao.info

Có tệ hơn phá thai không?

Đọc tin này có lẽ tất cả mọi người chủ trương tự do phá thai và hành nghề phá thai (được ngụy trang dưới mỹ từ bảo vệ sức khỏe và tự do lựa chọn của phụ nữ) sẽ chửi rủa thậm tệ bọn khốn nạn sát nhân vô lương tri chỉ biết nhắm mắt chạy theo lợi nhuận.

Bản tin AFP ngày 25.5.2012 cho biết, cảnh sát Trung Quốc đã bắt 1 người đàn ông tình nghi giết 20 thiếu niên, chặt xác các em và bán thịt người cho những khách hàng không cảnh giác. Cảnh sát khám phá ra vụ này trong khi điều tra nhiều vụ nam thiếu niên mất tích bí ẩn ở tỉnh Yunnan (Vân Nam) trong các năm gần đây. Zhang Yongming, 56 tuổi, bị giam từ 2 tuần trước ở làng Nanmen, tỉnh Yunnan, và bị điều tra vụ giết một thanh niên 19 tuổi hồi cuối tháng 4 năm 2012 và việc mất tích của nhiều thiếu niên khác. Cảnh sát khám xét nhà Zhang và thấy điện thoại di động, thẻ ngân hàng và chứng cớ khác của thiếu niên mất tích. Zhang trước đây từng thọ án 20 năm tù về tội giết người, và bị dân làng gọi là “con quỷ ăn thịt người.” Cư dân kể từng thấy Zhang ra khỏi nhà, vác túi nilông lòi ra các xương trắng. Báo The Standard Hongkong nói: cảnh sát khám phá có tròng mắt người ủ trong các chai rượu vang, y hệt như rượu rắn, và thịt người phơi khô. Cảnh sát nói Zhang đã đưa thịt người cho 3 con chó ăn, trong khi bán các cơ phận người ra chợ, gọi đó là “thịt đà điểu”. Tình hình thiếu niên mất tích mấy năm qua không điều tra được đã làm 2 cảnh sát trưởng nơi đây bị mất chức.


Con số 20 thiếu niên bị giết, làm thịt bán ngoài chợ cho nhiều người ăn, làm cho ai cũng phải kinh hoàng. Nhưng suy xét cho kỹ, tên súc vật Zhang Yongming có khi chưa tệ bằng hơn 3 triệu bà mẹ đi phá thai (tức là giết chết con mình) hàng năm ở Việt Nam, chưa tệ bằng 9 ngàn thầy thuốc tiến hành phá thai, trung bình mỗi người hạ sát 1 thai nhi trong 1 ngày, làm tròn số là 300 thai nhi trong một năm, hay 6.000 thai nhi trong 20 năm hành nghề.
Người đi phá thai cho rằng mình có quyền tự do lựa chọn và lên kế hoạch cho đời mình. Thầy thuốc thì cho rằng “lương y như từ mẫu” có thiên chức cao cả là cứu nhân độ thế bằng cách giúp người ta không phải có con ngoài ý muốn. Thật ra tất cả mọi người cũng chỉ vì lợi nhuận vật chất. Các bà mẹ phá thai muốn được rảnh rang hưởng thụ hơn, có nhiều giờ đi kiếm tiền hơn. Các thầy thuốc cũng chỉ chạy theo đồng tiền, muốn làm giầu tối đa khi giết chết thai nhi ! 


Ảnh chụp một thai nhi mới bị giết ngày 1.6.2012, đem bỏ trước cổng Nhà Thờ Ngọc Thạnh, tỉnh Bình Định, Giáo Phận Quy Nhơn

Zhang Yongming có khi chưa tệ bằng nhiều vị lãnh đạo tinh thần, chỉ vì muốn yên thân trong chức vụ (và bổng lộc hậu hĩ của mình) thay vì phải nói lên tiếng nói của lương tri để giảm đi cái đà hung hăng cuồng loạn hạ sát thai nhi thì lại làm thinh, lái dư luận quần chúng sang hướng khác, mơ hồ cao siêu mông lung, để ai cũng yên trí lớn là rồi đây mình sẽ được phiêu diêu miền cực lạc nào đó, trong khi không cần biết đến số phận của các thai nhi bị giết bỏ.

Nguyễn Trung

Theo báo Ephata số 512

Con cái là của trời cho

Cựu thành viên Mắt Ngọc cùng các đồng nghiệp hát chung ca khúc 'Cha mẹ không cho' để tuyên truyền đến các bạn trẻ lối sống lành mạnh.

Kết hôn vừa tròn một năm, nhưng Thanh Ngọc vẫn chưa có "tin vui" như một số đồng nghiệp. Mỗi khi được hỏi, cô thường trả lời: "Tôi nghĩ, con cái là phúc đức của gia đình và là của trời cho. Khi nào có thì tôi sẽ sẵn sàng đón nhận, chứ không tự đặt ra suy nghĩ phải có em bé trong khoảng thời gian nào".


Thanh Ngọc muốn góp phần làm giảm việc nạo phá thai ở Việt Nam bằng cách tham gia thể hiện ca khúc 'Cha mẹ không cho'.

Thanh Ngọc chia sẻ, với bất cứ người phụ nữ nào, làm mẹ luôn là thiên chức cao cả. Vì vậy, mỗi khi đọc những thông tin về tình trạng giới trẻ nạo phá thai, lòng cô se thắt. "Những sinh linh bé nhỏ chưa kịp chào đời đã bị cướp đi sự sống. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà ai cũng phải đau lòng" - nữ ca sĩ chia sẻ.

Là người thường xuyên tham gia các hoạt động dành cho thanh thiếu niên, Thanh Ngọc nhận định: "Tiềm ẩn đâu đó trong cuộc sống và đằng sau những con số biết nói chính là cách sống của các bạn trẻ. Những việc làm thiếu suy nghĩ của các bạn sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng về sau".

Trước thực trạng đáng báo động này, Thanh Ngọc hy vọng, việc cô và các đồng nghiệp cùng ghi âm ca khúc Cha mẹ không cho sẽ phần nào thức tỉnh các bạn trẻ đang đi sai đường.

"Tôi muốn chia sẻ thông điệp hãy sống với trách nhiệm và tình yêu thương đến các bạn. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định một điều gì, nhất là khi hành động đó ảnh hưởng đến sự sống của một sinh linh".

Cha mẹ không cho là một sáng tác của nhạc sĩ trẻ Cao Long. Ca sĩ - MC Chế Đình Cường cảm thấy rất đồng cảm với ý nghĩa xã hội mà ca khúc mang lại, nên quyết định mời thêm các đồng nghiệp như: Thanh Ngọc, Thanh Duy Idol, Tiêu Châu Như Quỳnh, Khởi My, Đại Nhân, Hồ Quang Hiếu và tác giả ca khúc thu âm chung.

"Việc tôi mời các ca sĩ nói trên tham gia single không nằm ngoài mong muốn có thêm nhiều sự đồng thuận của các đồng nghiệp. Tôi hy vọng rằng, sự hợp tác này sẽ giúp con đường đến với khán giả của ca khúc này rút ngắn hơn" - Chế Đình Cường tâm sự.


Theo Ngôi Sao
------

Mộ gió ở Hòn Thơm

Thông thường, người sống thì có thể không nhà không cửa, nhưng khi chết vẫn có mồ có mả. Có thể là an nghỉ dưới một ngôi mộ tiền tỷ hoành tráng hay dẫu nằm dưới một gò đất đắp cao, vài hòn đá xếp chồng lên nhau hay đơn giản là cây thánh giá gỗ chơ vơ, điều ấy biến mảnh đất nhỏ nhoi đó thành chốn linh thiêng khiến cho người sống biết rằng nơi đây, nơi an nghỉ của một người đã đi hết kiếp nhân sinh, cần được tôn trọng, cần được chăm sóc.

Mất người thân đã là đau khổ. Mất mà còn không tìm được xác còn khổ hơn gấp bội lần. Vào các thập niên 70 – 90 của thiên niên kỷ trước. Rất nhiều gia đình không bao giờ tìm được xác người thân của mình. Tất cả chỉ vì tự do, họ đi tìm tự do, đi tìm tương lai cho bản thân và gia đình, cái giá phải trả là vùi thây trong lòng biển, vùi thây giữa rừng già. Biết bao nhiêu cái chết như thế quanh mình, biết rất rõ như thế, nhưng họ vẫn cứ liều mạng ra đi với hy vọng mong manh sẽ trở thành cứu cánh cho cả gia đình nếu vượt qua được đại dương bao la, vượt qua được nạn cướp biển tàn bạo kinh hoàng. Hậu quả mà tôi từng thấy, nhiều bà mẹ suốt ngày khóc gọi tên con. Xác chẳng có để mà lập bia xây mộ, ngày chết không rõ ràng đành lấy ngày chia tay để mà nhớ, để mà cầu nguyện. Một người bạn của tôi ngày ấy chỉ khoảng 12 tuổi, một buổi chiều chưa tan học bỗng được tin 3 người anh, 2 người cháu chết trong một ngày, Mẹ bạn ấy như ngây như dại suốt nhiều năm trời. Một người bạn khác trong lớp 11 của tôi năm 1983. Chiều hôm trước còn đá banh với nó, vậy mà chỉ mấy hôm sau nghe tin nó nằm lại dưới lòng biển sâu. Chìm tàu, hải tặc giết, biệt vô âm tín… thông tin đại loại chỉ là như thế. Mà ngày ấy, vượt biên là tội phản quốc, đánh đập, tù đày, phiền nhiễu lắm, có mấy ai dám lập mộ cho người thân của mình, dù là mộ gió, chỉ còn biết khóc thầm, cố nuốt ngược dòng nước mắt cho số kiếp người thân của mình. Ôi cái giá của tự do. Cái giá của tương lai sao mà đắt đỏ.

Sau này, có dịp đi đây đi đó, tôi mới mục sở thị những ngôi mộ gió. Ở một làng chài ven biển miền Trung, nhiều ngôi mộ được lập mà dưới huyệt mộ chỉ là một tấm hình, vài vật dụng của người quá cố, thậm chí có mộ chẳng có gì. Người ta lập ra ngôi mộ đó để nhớ về người đã khuất, xác thân thì ở đâu đó giữa lòng biển khơi. Ngậm ngùi lắm những nén nhang tàn lụi bên những ngôi mộ gió thế này. Nó cứ làm sao ấy, lạnh lẽo, cô đơn, chỉ dấy lên trong tâm tư những thương cảm nghi hoặc vật vờ chiếm hết lòng những người đang sống.

Những ngôi mộ gió dù sao chăng nữa cũng cho chúng ta biết, người còn sống tiếc thương người đã khuất, gửi gắm tình cảm của mình đối với người thân thông qua một nấm mộ gợi nhớ, gợi thương. Tưởng rằng mộ gió ấy chỉ có trong thế giới của người đã được sinh ra, đã từng sống một kiếp người. Nhưng không, tôi đã thấy những ngôi mộ gió trong thế giới của những thai nhi bị giết hại. Một câu chuyện đắng lòng ám ảnh đến tận thẳm sâu lương tri mỗi con người.

Câu chuyện bắt nguồn từ một chuyến đi đến thăm Nghĩa Trang Thánh Tâm. Chúng tôi gặp được bác Cậy (ảnh chụp bác Cậy, Nhóm BVSS Buôn Ma Thuột) đang cùng nhóm BVSS chôn cất thi hài của 5 thai nhi. Sau khi vừa kết thúc công việc buồn thảm này, quay trở lại dưới chân Đức Mẹ, thì một bao nylon đen nữa vừa được ai đó đem bỏ nơi đây, mở ra là một thai nhi gái khoảng 5 tháng tuổi, co quắp câm lặng còn nguyên cả nhau thai.

Trời xẩm tối, bác Cậy một lần nữa lại tắm rửa và làm các nghi thức để chôn cất cháu bé ngay. Nhìn bé nằm đó, tôi có cảm tưởng như lại nhìn thấy đứa con gái bé bỏng của mình đã mất do sảy thai. Tôi xin được lập mộ và đặt họ tên cho bé như bé là con gái trong gia đình của chính mình vậy: Têrêsa Phan Thiên Ân (Ảnh chụp xác bé Thiên Ân bị phá ngày 9.5.2012).

Như có một sự trùng hợp, cậu nhân viên đi cùng tôi cũng tên Thiên Ân. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời cậu ấy biết thế nào là phá thai, là công việc của những người làm BVSS. Cậu ấy bảo sợ đến nổi cả da gà ! Tuy vậy, tôi vẫn nhờ cậu ấy mang bé Thiên Ân đi chôn cất cho kịp trước khi trời tối.

Ra đến nghĩa trang mới cảm nhận hết được sự khổ tâm và lao công vất vả của các Nhóm BVSS. Vừa chôn bé Thiên Ân xong, lại có thêm một bé nữa chỉ còn lại một nhúm bầy nhầy bỏ dấp dúi dưới tấm bạt ngay chân Đức Mẹ. Trời có tối cũng phải mang chôn cất em cho đàng hoàng tử tế, cho em được ấm áp, chứ cái lạnh sương đêm làm sao chịu được ?!? Trời ơi, Buồn muôn thuở ! Thành phố của mộng mơ, của núi cao giờ sao lại nặng nề oan khuất đến thế này ?

Nhìn lên đài Mẹ Maria, biết Mẹ ngày đêm phải chứng kiến xác các thai nhi bị giết hại mang về hằng ngày, nỗi đau của Mẹ giấy bút nào tả nổi. Bác Cậy nói với tôi, dạo này mỗi ngày chỉ chôn chừng 5 đến 7 em thôi, chứ ngày trước phải trên cả chục. Nghe thế, tôi tưởng việc BVSS đã có những kết quả bước đầu nên nạo phá thai đã giảm đi chăng. Nhưng không, không phải vậy, thời gian gần đây có những loại thuốc uống phá thai làm tiêu luôn cả thai nhi trong bụng mẹ, giờ có muốn mang em về chôn cất cũng chẳng được nữa rồi. Đoán chừng đó là các loại thuốc hiện đại có tên gọi là tránh thai nhưng thực chất là phá thai như Mifepristone, Misoprostol hoặc RU-486 chứ gì. Kinh khủng quá !

Sáng sớm hôm sau, rời Nghĩa Trang Thánh Tâm, chúng tôi về Nha Trang, Thật lòng mà nói, mấy lần trước dò hỏi mãi Hòn Thơm Nha Trang mà chẳng ai biết nên chuyến đi này, Nghĩa Trang Hòn Thơm không nằm trong dự kiến ban đầu. Nhưng thật may mắn, một vị khách hàng đi cùng trên xe, trên chuyến đường dài từ Kontum về Nha Trang thông qua đường Ba tơ, băng qua Linh Đài Đức Mẹ Măng Đen. Tôi nói với anh về chuyện BVSS mặc dù anh là một Phật Tử, anh bật kêu lên, không ngờ tội ác nạo phá thai tại Việt Nam mình lại khủng khiếp đến thế.

Nhờ có mối quan hệ rộng của anh, đến Nha Trang, anh đã có thể nhờ một người bạn dẫn chúng tôi lên Nghĩa Trang Đồng Nhi. Theo dân bản địa thì nơi đây là Hòn Nghê, đường vào nghĩa trang không xa lắm, ngay trước chân núi phía phải là trường bắn Núi Sạn, là nơi trước đây xử tử các tử tù, những nơi thế này thông thường ám khí rất nặng, vậy mà kề bên nó hiện xây dựng sắp xong là khu ký túc xá sinh viên rất hoành tráng. Anh Chánh, hướng dẫn viên cho chúng tôi chua chát nói rằng, rồi đây, chính cái ký túc xá này sẽ lại là một trong những nguồn “cung ứng” dồi dào cho Nghĩa Trang Thai Nhi. Sống thử, góp gạo thổi cơm chung giờ đây không chỉ là phong trào vui vẻ bạn bè mà nó còn là nhu cầu phổ biến khi đời sống quá khó khăn trong tầng lớp sinh viên.

Núi Hòn Thơm hay còn gọi là Hòn Nghê quả là một ngọn đồi sỏi đá, Những lớp đá rũ xuống trong cái nắng chói chang khiến cho người ta cảm thấy mệt mỏi huống chi là phải đào bới trên lớp đá đó để làm những huyệt mộ cho những sinh linh bé bỏng. Vừa lọ mọ đến chân núi, Bé Bê (Ảnh chụp bên phải), từ trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi đã sốt sắng hỏi chúng tôi có phải đang tìm đường lên thăm Nghĩa Trang Thai Nhi, sau đó còn nhiệt tình hướng dẫn và kể cho chúng tôi lai lịch của từng ngôi mộ trên ấy. Mỗi một ngôi mộ nhỏ là một câu chuyện bi thương đầy uẩn ức.

Ở đây là một bé, kia là em ruột của bé ấy, cả hai là con của một cô gái làng chơi. Kia là ngôi mộ của hai bé song sinh, một lần phá thai mà có hai sinh mạng phải lìa đời. Kia nữa, một cô bé sinh viên thuyết phục thế nào cũng không được, chỉ mấy ngày sau đó là cô sinh viên ấy mang đến cho anh em BVSS một cái bịch đen thui, sau đó xác cháu bé đã được chôn cất nơi ngôi mộ nhỏ này.

Giữa cái nắng trời gay gắt làm chúng tôi ướt sũng mồ hôi. Một người đàn ông vẫn cặm cụi mài thật kỹ phiến đá để ốp cho ngôi mộ nhỏ mà anh đang xây dở. Tôi để ý phần giữa nghĩa trang là chứng tích đổ nát của một bức tường dường như bị bàn tay con người phá hoại, hỏi ra là thế thật, chính quyền địa phương đã đập đổ bức tường này vì họ không muốn cái nghĩa trang này tồn tại nơi đây, cho là ô nhiễm môi trường ?!?

Thật sự, có những câu chuyện mà thậm chí, nghe người dân nơi đây kể lại mà người trong đoàn chúng tôi không nén nổi tiếng kêu kinh ngạc. Bây giờ, mỗi khi chôn cất các thai nhi cũng phải lén lút. Những kẻ đi trình báo chính quyền sẽ được thưởng nóng ngay 50.000 đồng. Hễ thấy bóng dáng “người Nhà Nước” là thợ xây lẩn ngay lên núi, đến khi khuất bóng “người Nhà Nước”, mới có thể tiếp tục công việc dở dang.

Người sống tranh dành đất đai với kẻ đã chết. Thậm ngậm ngùi, chua chát, cũng là kiếp người mà sao các em lại khổ đến như vậy ? Hỏi lại, nếu không cho chôn cất nơi đây thì mang những thai nhi này đi đâu, câu trả lời quá ư tàn nhẫn, muốn vứt đâu thì vứt. Hỏi thăm về anh Tống Phước Phúc, người sáng lập nghĩa trang này, được biết sáng nay anh đã đi Sàigòn vì một em bé trong Mái Ấm của anh bệnh nặng, tấm lòng của anh Phúc đã được nhiều người biết đến qua những nghĩa cử bác ái tuyệt vời trong nhiều năm qua. Tiếc là lại chưa được diện kiến, chia sẻ với anh.

Gần một góc của nghĩa trang, một ngôi mộ mang ba cái tên “Vô Danh” khiến tôi chú ý: Đọc kỹ trên bia mộ có ghi rõ: Sinh Tử: 2000 – 2003 – 2004. Lại cùng một tên cha mẹ khiến tôi thắc mắc: Vậy là ba đứa trẻ, sinh từ năm 2000 đến 2004, cùng cha cùng mẹ sao lại cùng một nấm mộ được nhỉ ? Giải đáp thắc mắc ấy cho tôi, Bé Bê kể cho chúng tôi nghe câu chuyện bi thảm của một gia đình.

Gia đình ấy lúc xưa nghèo lắm: Cứ có thai đứa nào là phá ngay đứa đó, ba thai nhi đã bị chính cha mẹ mình khai sinh rồi khai tử lần lượt vào năm 2000, 2003 và 2004. Sau này điều kiện kinh tế khá hơn, cũng chính là lúc lương tâm trỗi dậy, không biết là bị ám ảnh sao đó về ba đứa con đã chết oan uổng, nghe lời Thầy Bà nào đó phán, bèn xin lập mộ cho con nơi đây để yên ủi linh hồn chúng nó. À, thì ra đó là một ngôi mộ… gió của ba anh em trong một gia đình. Khổ thân chúng, bị ruồng bỏ, bị giết đi, nay được cha được mẹ nhận lại thì chẳng còn biết thân xác lưu lạc nơi nào, đến cái tên không biết vô tình hay cố ý mà cũng chẳng được ghi trên mộ chí. Chỉ là ba chữ “Vô Danh” đến xót cả lòng người.

Lần nào cũng vậy, rời khỏi một Nghĩa Trang Đồng Nhi nào đó, những câu hỏi cứ trào lên trong tôi. Những câu hỏi “tại sao” về tội ác nạo phá thai quá sức tưởng tượng của con người vẫn cứ ngày đêm hành hạ trên mỗi gia đình đã quá tang thương vì kiếp nghèo, vì áp bức trên quê hương, nay lại gánh thêm những cảm giác day dứt nặng nề về tội ác đã giết chính con của mình thì kiếp sống này quả thật là đau khổ biết chừng nào !

Có mấy ngôi mộ gió được xây dựng như thế này, có mấy ai đã phạm vào tôi ác phá thai lại chẳng có một ngôi mộ gió trong lòng mình, hàng triệu sinh linh bị giết hại mỗi năm. Hàng triệu ngôi mộ gió xây kín lòng người, “Gieo gió ắt gặt bão”. Những ngày này trên quê hương gió như đã trở mình vụt lớn. Ước mong sao… Một ước mong chân thành giản dị, một ngọn gió chẳng thể xua tan bóng mây u ám, cần có những trận bão đến để xua đi những u hoài, xua tan những rác rưởi trong xã hội con người, để những ngôi mộ gió thai nhi sẽ dần thành một kỷ niệm, một mảng xám buồn trong ký ức con người.

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 5.2012
Theo báo Ephata số 511

Lùm xùm quanh vụ chẩn đoán dị tật thai nhi

Anh Nguyễn Quốc Túy (ngụ P.14, Q.10, TP.HCM) bức xúc cho biết vợ anh là chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (37 tuổi) mang thai con thứ ba được hơn bốn tháng, theo kết luận của Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), thai nhi bị hội chứng Down và ngày 31-5 gia đình anh đồng ý bỏ thai.

Tuy nhiên theo lời anh, khi lấy thai nhi ra, gia đình chứng kiến bé trai con anh khá bình thường, không có dấu hiệu dẹt mũi và Down như bệnh viện kết luận.

Anh Túy kể trước đó chị Thúy đi siêu âm thai tháng thứ ba, Bệnh viện Từ Dũ cho biết độ mờ da gáy cao và yêu cầu chọc ối để làm xét nghiệm. Anh Túy không đồng ý. Đến tháng thứ tư, bác sĩ siêu âm cho biết em bé bị dẹt mũi, không có xương mũi. Lúc này anh Túy đồng ý cho bệnh viện chọc ối, xét nghiệm và bệnh viện đã kết luận như trên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy - phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - khẳng định các kết luận của bệnh viện là hoàn toàn chính xác. “Gia đình phản ứng gay gắt, không đồng ý cách giải thích của bệnh viện nên chúng tôi đã phải mời Công an P.Bến Nghé (Q.1) và pháp y vào cuộc”, bác sĩ Thủy nói.

Ngày 31-5, Trung tâm Pháp y TP.HCM đã lấy mẫu cuống rốn của thai nhi để làm lại xét nghiệm di truyền xem có đúng thai nhi bị hội chứng Down hay không.

Theo bác sĩ Thủy, kết quả giám định sẽ sớm có trong tuần này hoặc tuần sau.

Theo Tuổi Trẻ Online

Chuẩn đoán nhầm, bác sỹ bị phạt 25 triệu đồng

Ngày 31/5, Thanh tra Sở Y tế Gia Lai đã ra quyết định xử phạt hành chính BS Chu Thanh Hưng 25 triệu đồng về hành vi hành nghề không có chứng chỉ, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động.

“BS Chu Thanh Hưng là viên chức công tác tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê nên sau khi có kết luận chính thức nguyên nhân dẫn đến vụ việc từ hội đồng chuyên môn, sở Y tế sẽ xử lý trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật” - Chánh Thanh tra Sở Y tế Gia Lai Trần Quang Khâm nói.


Trước đó, khoảng 4 giờ ngày 13/5, thai phụ N.T.T.T. (ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê) đi phá thai nhi 28 tuần tuổi tại nhà bác sĩ Chu Thanh Hưng vì cho rằng thai nhi bị dị tật từ kết quả siêu âm tại một cơ sở tư nhân ở TP Pleiku và bệnh viện chuyên môn ở TPHCM.

Khi bỏ thai đưa đi chôn thì người nhà phát hiện bé gái vẫn còn sống, không có dị tật nên đưa vào BVĐK Gia Lai cấp cứu, tuy nhiên cháu bé đã tử vong lúc 16 giờ cùng ngày.

Theo Người lao động