Sao tôi lại bỏ rơi con ruột của mình


Ngày sinh sắp tới, tôi loay hoay không biết sẽ giải quyết thế nào. Tôi đã có ý định vứt bỏ đứa con vì nó mang trong mình dòng máu của kẻ phản bội, kẻ đã ruồng bỏ tôi, kẻ đã làm cho tôi ra nông nỗi này! Tôi hận anh ta!

Nhà tôi ở gần một trường đại học nên ba má xây một dãy nhà trọ cho sinh viên thuê. Hầu hết các anh chị thuê trọ đều là sinh viên mới vào trường nên chẳng mấy chốc chúng tôi đã trở thành những người bạn thân.

Năm đó, tôi chuẩn bị thi đại học, ba má thường nhờ các anh chị sinh viên hướng dẫn, kèm cặp tôi, trong đó có Thành, người đã rất nhiệt tình giúp đỡ tôi. Nhà mở cửa hàng buôn bán nên khách khứa thường xuyên ra vào tấp nập. Để tiện cho việc học tập, tôi thường xuống dưới phòng của Thành để nghe anh giảng bài.

Chúng tôi vừa học bài vừa trao đổi, thỉnh thoảng lại ngồi tâm sự với nhau về cuộc sống, về tương lai. Những khoảng thời gian ở bên nhau đã khiến cả hai nảy sinh tình cảm. Rồi một ngày Thành ngỏ lời yêu. Tôi đón nhận tình yêu của anh trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Bước qua sự dè dặt ban đầu, tôi và Thành ngày càng trở nên thân thiết, gần gũi nhau hơn.

“Cuộc sống xa gia đình, xa người thân khiến anh rất buồn, rất cô đơn. Anh muốn em sẽ mãi ở bên anh, cùng anh chia sẻ mọi vui buồn!” – Thành vẫn thường bảo thế. Anh còn thêu dệt lên hàng loạt những điều tốt đẹp về tương lai hai đứa.

Tôi như ngập tràn trong hạnh phúc trước những lời ngọt ngào, âu yếm của anh. Tôi tin Thành, tôi tin tất cả những lời anh nói. Và tôi đã trao cho anh cái quý giá nhất của đời con gái.

Kỳ thi năm đó tôi đã đậu ở một trường đại học ở Hà Nội, đúng ngành mà mình yêu thích. Vừa buồn vừa vui. Vui vì ước mơ của tôi bấy lâu nay đã trở thành sự thực, nhưng buồn vì phải xa Thành – người mà tôi yêu tha thiết.

Tôi đã quen với sự có mặt của Thành, thật lòng tôi không muốn xa anh! Ngày nhập trường Thành tiễn tôi đi. Anh còn dặn tôi phải gắng học cho tốt và sẽ thường xuyên giữ liên lạc. Tôi ra đi mang theo niềm nhung nhớ khôn nguôi.

Mấy tháng sau, tôi bỗng thấy trong người khó chịu, tới bệnh viện khám bác sĩ cho biết tôi đã mang thai được gần 4 tháng. Hoảng sợ và lo lắng khi không biết phải làm thế nào, tôi gọi điện cho Thành những mong anh sẽ cùng tôi tìm cách giải quyết.

Nhưng không! Thành tỏ ra lạnh lùng và dửng dưng trước cái thai trong bụng tôi. Những lần sau đó, tôi tìm cách liên lạc với Thành nhưng anh đều lẩn trốn. Tôi điện về nhà vờ hỏi thăm tình hình mọi người trong xóm trọ mới biết, Thành đã chuyển đi chỗ khác từ lâu.

Thất vọng, đau khổ và nhục nhã đã khiến tôi có lúc muốn tìm đến cái chết, nhưng nghĩ đến gia đình tôi không thể. Tôi không dám nói cho ba má bởi ba tôi vốn rất nghiêm khắc và trọng danh dự, còn tôi cũng không dám vác bụng về quê.

Một mình nơi đất khách quê người, tôi chỉ còn biết tự xoay xở một mình. Cái thai đã lớn nên không thể phá, tôi đành tìm cách buộc bụng lại cho bé để không ai phát hiện ra. Cũng may khi đó ở Hà Nội rất lạnh, tôi thường vận chiếc áo khoác dài nên chuyện tôi mang thai không ai hay biết.

Nhưng việc gì đến rồi cũng đến. Ngày sinh sắp tới, tôi loay hoay không biết sẽ giải quyết thế nào. Tôi đã có ý định vứt bỏ đứa con vì nó mang trong mình dòng máu của kẻ phản bội, kẻ đã ruồng bỏ tôi, kẻ đã làm cho tôi ra nông nỗi này! Tôi hận anh ta!

Tôi ghét anh ta và tôi ghét cả đứa con mình. Tôi không thể hủy hoại tương lai mình chỉ vì đứa con và chính bản thân tôi cũng không muốn bất cứ một ai biết chuyện.

Ngày tôi sinh cũng đúng vào dịp tất cả mọi người trong xóm trọ nghỉ về quê ăn Tết. Đêm ấy tôi trở dạ. Một mình vật lộn với đớn đau, cố gắng chịu đựng để sinh. Nhưng không ngờ bị bà chủ nhà phát hiện và đưa đi bệnh viện. Được tin tôi ốm nặng, má tôi vội từ quê bay ra Hà Nội.

Má sững sờ nhìn tôi tay bồng đứa con nhỏ rồi ngất xỉu. Còn tôi thì nhục nhã không nói được lời nào. Đứa bé đã được má đưa về quê cho một người xa lạ nuôi. Má cũng không muốn tương lai của tôi bị dang dở.

Giờ tôi đã là sinh viên năm cuối nhưng hình ảnh đứa con tội nghiệp vẫn cứ ám ảnh tôi hàng đêm. Tôi đã bỏ rơi đứa con ruột của mình, tôi đã phó mặc cuộc sống của con cho người khác! Tôi là người mẹ tội lỗi!

Thân Thị Thủy
(Ghi theo lời kể của HV - Đại học KHXH&NV Hà Nội)
- Bảo Vệ Sự Sống -

Bi kịch sống thử: 'Đời bỏ đi' của nữ sinh xinh đẹp

(VTC News) – Cuộc sống trôi nổi theo các con số lô đề, mang thai phải tự mình vào viện xử lý, có con tự nuôi hay bỏ học để cưới… là những hậu quả cho việc sống bừa bãi, thiếu trách nhiệm với bản thân.

Cụm từ sống thử dường như đã quá quen thuộc với sinh viên. Nhiều sinh viên (cả nam và nữ) đã cho phép mình có cái quyền tự quyết trong tình yêu. Chỉ cần “thích là nhích” mà không cần suy nghĩ về hậu quả.

Yêu nhanh, sống thử, sống thoáng, có khi chỉ tình một đêm. Tất cả đã và đang ăn sâu vào suy nghĩ của không ít bộ phận sinh viên Việt hiện nay. “Yêu thì việc quan hệ trước hôn nhân là chuyện bình thường. Chỉ cần không để lại hậu quả. Nếu sống chung thì dùng thuốc tránh thai hàng ngày hoặc sử dụng biện pháp an toàn là được” – phát biểu hết sức hồn nhiên của Thùy Anh (một sinh viên đang học tại trường ĐH Sân khấu điện ảnh) khiến chúng tôi ngỡ ngàng.

Chính vì lẽ đó, đến hầu hết các xóm trọ, đều có thể chứng kiến nhiều đôi sinh viên sống chung như những vợ chồng trẻ không con. Họ sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ không khác gì một gia đình.

Mang thai, tự vào bệnh viện xử lý


Góp gạo thổi cơm chung là một phần không thể thiếu của các cặp đôi sống thử

Minh Hạnh từng là sinh viên của Trường Cao đẳng Cộng Đồng. Với ngoại hình xinh xắn và tài ăn nói nên cô được nhiều chàng trai để mắt đến. Cuối cùng Hạnh đã chọn Quang- chàng trai Hà Nội ga lăng và quyết định sống thử với nhau. Giai đoạn đầu, hai người luôn sống trong thiên đường của tình yêu. Thế rồi niềm vui sướng ấy chẳng kéo dài được bao lâu.

Quang vốn là một người máu cờ bạc, lô đề, cá độ nên hạnh phúc của hai người cũng “trôi nổi” theo những con số. Khi được thì hai người đi chơi, mua sắm hay ăn uống ở nơi sang trọng và lãng mạn. Còn mất thì thay vào đó là những trận hành hạ nhau cả về thể xác lẫn tinh thần.

Khủng khiếp hơn là Hạnh đã nhiều lần dính bầu và phải tự đến bệnh viện để nạo phá thai. Chẳng bao giờ Quang đưa Hạnh đi giải quyết hậu quả, như thể “cô làm được thì cô phải chịu được, tôi đâu có trách nhiệm”. Và mỗi lần như vậy, Hạnh lại nhờ cô bạn phòng bên dùng chiếc xe đạp cũ kĩ chở đi phá thai.

Hạnh chia sẻ, lần đầu tiên đến bệnh viện cảm thấy nhục nhã vô cùng. Nhưng rồi khi bác sỹ đã quen mặt, thì cô thấy bình thường và có thể đi một mình.

Dù vậy, nỗi ám ảnh vẫn luôn đeo bám Hạnh. Những đứa trẻ vẫn luôn xuất hiện trong ý nghĩ và trong những giấc mơ. Cảm giác tội lỗi khiến cho cô không thể vui vẻ, hòa đồng như trước.

Vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh đẻ sau này nên hè năm 2011, cả hai đã tổ chức đám cưới ngay sau khi ra trường. Và cũng là bắt đầu một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Vợ chồng nhưng suốt ngày chỉ có mày – tao không còn anh – em ngọt ngào như ngày nào. Những cuộc cãi vã liên miên, gây gổ, đánh nhau xảy ra thường xuyên hơn. Tiếng cười trở nên hiếm hoi, chồng qua đêm không về với vợ đã thành chuyện “thường ở huyện”.

Bị từ chối hai lần, lao vào sống thử

Cũng chỉ vì bồng bột, vì quá chán đời mà giờ đây bản thân phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi chỉ mới 20 tuổi. Nguy cơ bỏ trường lớp để bươn trải kiếm sống nuôi vợ con là rất lớn – Đó là chia sẻ của Thành Trung (sinh 1992) hiện đang học khoa Điện, trường ĐH Công nghiệp, khi phải chuẩn bị cưới cô vợ hơn tuổi vì sống thử chớp nhoáng và nhanh chóng có bầu.

Một người bạn của Trung cho biết: “Từ trước tết 2012, Trung đã nói lời yêu 2 người đều hơn tuổi, sinh năm 90 (học ĐH Thành Đô và HV Báo chí tuyên truyền), nhưng cả 2 đều từ chối. Trung đã cạo đầu, xăm hình sau lưng chỉ vì hận tình.

Và chỉ gần 2 tháng sau, Trung đã vội vàng sống thử với một người con gái 89 tại thôn Tu Hoàng- Minh Khai- Từ Liêm. Với mong muốn quên hết tất cả bằng tình mới mà giờ Trung phải chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông”.

Bạn gái có bầu và đòi cưới bằng được dù biết hiện tại Trung chỉ là đứa trẻ ham ăn, ham chơi chứ chưa nói đến việc đủ kinh nghiệm làm cha, làm chồng. Bố mẹ Trung thì muối mặt khi con trai 20 đang học bỗng có con, phải bỏ học cưới vội vào cuối tháng 3 âm này”.

Có con cũng không chịu cưới


Long (sinh năm 1989, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) yêu một bạn gái cùng tuổi (trú tại phố Tạ Hiện, Hà Nội) khi cả hai còn là sinh viên. Mặc dù có nhà Hà Nội nhưng hai người vẫn “đua đòi” thuê nhà sống thử và rồi có con với nhau.

Sinh con rồi nhưng trớ trêu thay, Long vẫn không chịu tổ chức lễ cưới. Bạn gái hiện vẫn ở nhà bố mẹ đẻ, thỉnh thoảng Long mới ghé qua thăm con.

Bên nhà gái thì dỗ ngon dỗ ngọt ông “con rể” về chuyện đám cưới nhưng không thành. “Ông bố trẻ” chỉ giải thích một cách vô trách nhiệm rằng: “Ông bà già không cho tổ chức đám cưới, giờ cũng chưa có công ăn việc làm nên cũng chả biết làm sao”.

Tìm hiểu từ những người dân xung quanh được biết ai cũng có ác cảm với Long. Bác Đình (chủ quán nước Long hay ra uống) kể lại: “Thằng đó nghiện tài mà, không công ăn việc làm, chỉ có mỗi đàn đúm ăn chơi. Bố mẹ nó từ mặt nhưng nó vẫn về nhà đấy. Hai đứa hay cãi nhau có khi còn ra hục hặc rồi đập cốc của bác nữa. Hôm rồi thấy nó còn tát con bé. Khổ thân”.

Thế mới biết, sau mỗi câu chuyện sống thử của sinh viên là những bi kịch sống dở, chết dở. Có khi rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Mỹ Hạnh - Phạm Lài - Ngọc An

Theo VTC news

Tiêu chuẩn gì đây?

“Hiện đại = hại điện”, tiếng Việt mình kể ra cũng ngộ nghĩnh, tài chơi chữ, nói lái của các cụ Nguyễn Khuyến, Trạng Quỳnh ngày xưa khiến cho chúng ta ngày nay còn phải bái phục… Càng sau này, tiếng Việt càng trở nên “tai quái” nhưng không phải là theo cái phong thái tinh nghịch trong sáng như các cụ ngày xưa mà thật sự là… tai quái !

Xin trưng dẫn: Nhà bảo sanh được định danh là… xưởng đẻ ! Bằng lái xe được gọi là… giấy phép lái xe, có lẽ cơ chế xin-cho làm phát sinh ra từ này chăng ? Lại nhiều lúc nhức cả đầu vì những kiểu chức danh kỳ cục, nửa nạc nửa mỡ: Phó trưởng phòng, phó hiệu trưởng, có cả phó tiến sĩ, phó giáo sư… loạn cả lên ! Gần đây lại có cả chuyện nguyên một căn nhà hai tấm của người ta hẳn hoi được định nghĩa thành ra một cái… chòi canh cá ! Rồi “ngài” Đinh bộ trưởng (lưu ý: đừng nhầm là Đinh Bộ Lĩnh) dấy lên một thứ loạn về phí: phí chống ùn tắc, rồi phí hạn chế giao thông, không chừng sẽ có ngày ra đời thứ… phí của giời !

Cái lối suy diễn ngược đời và náo loạn ấy đã là nguồn gốc của bao nhiêu phiền toái và tệ nạn. Cũng có lẽ vì thế mà người ta lập luận rằng các thai nhi có khả năng dị tật, có nguy cơ chậm phát triển, thậm chí cả các thai nhi ngoài ý muốn cũng chẳng phải là các thai nhi không thể thành… người, nên thích giết lúc nào là giết !

Độc đáo không kém, trên diễn đàn của Vnexpress.net gần đây, một đề tài được tranh luận hết sức sôi nổi, ấy là: “Một Thanh niên hiện đại luôn có bao cao su trong ví”.

Trước khi bàn vào vấn đề nóng bỏng này trên quan điểm Bảo Vệ Sự Sống, xin dài dòng văn tự một tí về cách sử dụng từ ngữ ở đây. Trước kia, chúng ta thường nghe nói: Anh ta là một thanh niên lịch lãm… Anh này có văn hóa, có đạo đức… Thế nhưng chưa bao giờ lại nghe bảo: anh này hiện đại, còn anh kia thì… chưa hiện đại. Chúng ta có thể nghe nói: dàn máy này hiện đại, chiếc xe kia hiện đại. Bây giờ tự dưng lại có kiểu nói: “Một thanh niên hiện đại…” Chả hiểu ra làm sao nữa ! Thôi cứ chấp nhận cái khái niệm “thanh niên hiện đại” này đi, rồi chúng ta sẽ dần dần đi vào nội dung chính của vấn đề cần làm sáng tỏ ở đây.

“Một thanh niên hiện đại luôn có bao cao su trong ví” là một bài viết trên diễn đàn Vnexpress.net. Hiểu theo định nghĩa này thì bất kể chàng thanh niên nào, chưa kết hôn, đã kết hôn, đã có người yêu, chưa có người yêu, bất kể nghề nghiệp, có lẽ kể cả thầy tu, từ 18 tuổi cho đến 40 nếu lục xét trong ví mà không có bao cao su thì coi như là… “hại điện” ! Thậm chí trên diễn đàn, phe ủng hộ cho ý kiến trên còn tỏ ra xem thường những người không ủng hộ bằng các từ rất nặng nề như: Cổ hủ, lạc hậu, đạo đức giả, rồi chụp cho cái mũ là ngu mà còn tỏ ra nguy hiểm… Ôi, đủ mọi từ ngữ kinh khủng !

Lại nữa, họ cổ vũ cho chuyện luôn có sẵn bao cao su trong túi bằng những ví von rất ngộ nghĩnh. À, tạo sao bạn luôn đội mũ bảo hiểm mà lại không chấp nhận luôn sử dụng… bao cao su ? Ghê hơn nữa, có người còn nói: Cứ suy nghĩ lạc hậu thế này thì bao giờ mới tiến lên hả Việt Nam ơi ? Cứ như là số phận đất nước này hoàn toàn phụ thuộc vào cái bao cao su không bằng. Một số bạn gái còn tuyên bố xanh rờn: Thà vào nhà nghỉ với thằng bạn có bao cao su trong ví còn hơn là…

Có điều, thật đáng tiếc, phe ủng hộ cho định nghĩa quái gở này có vẻ áp đảo phe không đồng tình, kể cả về số lượng và sức mạnh sặc mùi “hại điện”… của từ ngữ. Quả thật, cái bao cao su bé tí mà cũng thật lắm chuyện quanh nó. 


Để có thể tìm hiểu sâu hơn về tác hại của nó, mời quý vị có thể tham khảo bài viết “Xả láng, ráng giữ mình” của cha Quang Uy trên Ephata.

Phần mình, tôi xin nói lên một tiếng nói chân thật tự đáy lòng cho tất cả những ai còn ngộ nhận rằng: bao cao su là cứu cánh cho con người để chống lại bệnh AIDS, bao cao su là để chống lại thảm họa nạo phá thai. Thật là lầm lẫn tai hại!

Như một số người thường cổ súy cho việc tự do quan hệ tình dục, họ cho rằng, tình dục là một nhu cầu cần thiết, y như chuyện hễ đói là phải ăn, hễ khát là phải uống. Nếu trong một điều kiện bình thường, cứ đói thì lao vào mà ăn, cứ khát thì lao vào mà uống, thì xin lỗi, con người chẳng hơn con vật được tí nào. Xin hãy nghĩ kỹ lại xem. Giả sử, bạn đang đói, đang khát, nhưng nhằm lúc không có tiền trong túi, đến nhà một người quen, người ấy coi thường và sỉ nhục bạn, đem bát cơm ném vào mặt bạn, vậy khi ấy bạn có ăn có uống nổi không ? Chắc là không thể rồi ! Tình dục cũng thế, đặc tính của tình dục làm thăng hoa đời sống vợ chồng, làm nên giá trị cốt lõi của thủy chung, làm tăng thêm giá trị của hôn nhân. Cho dù là có hôn nhân hợp pháp và trên nền tảng tình yêu đi chăng nữa, thì chuyện tình dục cũng cần phải đúng lúc, đúng chỗ, vẫn phải biết tiết dục, biết giữ gìn khiết tịnh cho mình và cho nhau chứ, phải biết tôn trọng phẩm giá của nhau chứ, đâu phải cứ có bốc lên là làm bậy tùm lum chỗ nào cũng được. Nếu là người chưa có gia đình, chẳng lẽ cứ có nhu cầu là gặp ai là cũng làm bậy được sao ? Vậy cần gì lúc nào cũng phải kè kè cái bao cao su trong ví cho nó ra vẻ “hại điện” ?

Một số người lại cho rằng: Thà cứ nhét cái bao cao su trong ví, nhỡ đụng chuyện thì mang ra xài để tự bảo vệ mình khỏi AIDS, khỏi mang thai ngoài ý muốn. Họ bao biện nghe hữu lý lắm, vì ngộ nhỡ gặp trường hợp không… “nhịn” được, thì bao cao su là cách phòng tránh tốt nhất, an toàn nhất. Hãy nghĩ lại cho kỹ ! Thực chất của vấn đề có phải là như thế không ?

Chuyện kể có hai vị thiền sư, một già một trẻ đi với nhau, dọc đường họ chuyện trò vui vẻ. Đến một con suối lầy lội, ở đó có một cô gái trẻ cũng muốn đi qua, song cô không thể qua được. Thấy thế vị thiền sư già cõng luôn cô gái lội qua con suối. Rồi hai vị sư lại tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng từ đó, vị thiền sư trẻ có vẻ ít nói và tỏ ra cau có bực bội. Thấy thế, vị thiền sư già hỏi có chuyện gì vậy ? Thiền sư trẻ lên tiếng trách móc sao vị thiền sư già lại cõng cô gái trên lưng làm ô uế cả đức hạnh. Vị thiền sư già nghe xong chỉ nói: “Ơ hay, ta đã bỏ cô gái ấy bên bờ suối, còn anh, anh lại mang cô gái ấy theo đến tận đây ư ?”

Thế đấy, vấn đề không phải là cái bao cao su, mà vấn đề bạn nghĩ bạn phải sống thế nào, nếu ai đó lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện tình dục, chỉ muốn chiếm đoạt lấy thân xác người bạn gái, chỉ nghĩ đến mầm sống lúc nào muốn bỏ là bỏ, thì dù có hay không có cái bao cao su trong ví, khi hữu sự. anh ta cũng sẽ ngả theo tiếng gọi của xác thịt, của bản năng, của libido, bất chấp luân thường đạo lý, bởi trong đầu anh ta đã luôn có ý nghĩ phải “làm” cái chuyện ấy rồi, xin lỗi, bao cao su chỉ làm tăng thêm tính quyết liệt của hành động mà thôi.

Muốn không dính AIDS, muốn không mang thai ngoài ý muốn, muốn được bạn đời tôn trọng, muốn trở thành người có lương tâm công chính, cái mà bạn cần không phải là cái bao cao su trong ví mà ngay trong tâm hồn mình, bạn phải là người biết thủy chung, biết tiết dục, biết tôn trọng sự sống, biết vượt qua những cơn cám dỗ để hoàn thiện mình.

Lẽ dĩ nhiên, nhân vô thập toàn, cũng sẽ có lúc chúng ta bị cám dỗ, có lúc chúng ta vấp phạm, tuy nhiên, cái cốt lõi của một con người khi vấp phạm, đó là biết tự nhận trách nhiệm, biết ăn năm sám hối, biết sửa sai, chứ không phải là hèn hạ giấu nhẹm hoặc thủ tiêu luôn “tang chứng” để trốn tránh trách nhiệm, hay đã biết là vấp phạm mà cứ trơ ra, chai lỳ không chịu sửa chữa, để rồi tiếp tục bao biện mà sa lầy trong tội lỗi.

Làm người cũng không phải chỉ là biết phòng bị sẵn bằng các loại thuốc ngừa thai, bao cao su, hoặc đi đặt dụng cụ tránh thai hình chữ T, thậm chí triệt sản, để rồi cuối cùng ngụy biện cho hành động không tôn trọng chính bản thân mình và của người khác.

Hãy để tâm hồn hướng thiện, hãy sống cuộc sống thủy chung, đơn giản thế thôi, bạn sẽ chẳng cần bận tâm đến cái… bao cao su làm gì nữa !

Đaminh PHAN VĂN DŨNG
Theo báo Ephata số 506,
04.2012

"Là rác chăng?"

60, 90, 100 hoặc có thể nhiều hơn nữa, đó là con số các thai nhi được nhóm Bảo Vệ Sự Sống nhặt về trong một tuần, ở một hay 2, 3 cơ sở nào đó.

Thánh lễ sáng thứ 7 hàng tuần đó là một thánh lễ rất buồn đối với tôi, tôi cùng mọi người tiễn biệt các thai nhi. Cảm giác đau đớn, uất ức xen lẫn căm hận, nó cứ dâng đầy lên trong trái tim tôi. Tự nghĩ rằng, nếu các thai nhi ấy được sinh ra, được sống, đó sẽ là những em bé đẹp như những thiên thần, đáng yêu biết bao.

Nhưng tất cả chỉ là hão huyền, cha mẹ em đã lấy ra hàng ngàn lý do để chối bỏ các em, chỉ một lý do thôi cũng đủ để các em không được sống. Nếu em được sinh ra thì cha em có thể sẽ mất chức, mất quyền dẫn đến lụi bại. Nếu em được sinh ra, mẹ em sẽ phải nghỉ học, xấu hổ với mọi người… vân.. và … vân… Tôi tự hỏi có bao giờ những ông bố, bà mẹ kia nghĩ tới thân xác con mình rồi sẽ ra sao không? Các em được chôn cất tử tể chăng? Là không, đúng vậy đó, hộ lý sẽ cho xác các em vào trong chiếc túi nilong đen kịt, vứt vào sọt rác và thai nhi thành rác là như vậy. Họ đã xem các em chẳng là gì trên trần gian này, thì phá hủy các em xong họ coi như một thứ rác rưởi.


Có những thai nhi đã bẩy, tám tháng, sắp ra đời nhưng vẫn bị phá thai, bị tước đoạt sự sống. Sau phá thai, chính người bố người mẹ vô lương tâm đó lại mang xác các em vứt nơi đầu đường, xó chợ… Mặc cho kiến bâu, chuột cắn, nước ngập, rác rưởi lẫn vào cơ thể...các em. Những cái chết tức tưởi và đau đớn, những tiếng thét không lời. Các em bị chết hai lần bởi tay chính ba mẹ các em.

Không phải là họ không ý thức được về sự sống của các em, nhưng trái tim họ đã chai sạn, vô cảm. Đúng hơn là một trái tim đã chết. Còn những y bác sĩ, những người vì đồng tiền làm mờ mắt mà ra tay sát hại các thai nhi. Đã bao giờ các vị thấy rùng mình, ớn lạnh chưa? Trái tim các vị cũng đã chết rồi sao. Thai nhi cũng là con người, tại sao con người lại đi giết con người. Các vị là “đồ tể” thì đúng hơn, không thể gọi là “bác sĩ” được, vì bác sĩ thì phải trị bệnh cứu người, có thế người ta mới gọi bằng “bác” chứ.

Tôi mơ sẽ có một phiên tòa đặc biệt, trong phiên tòa đó chính những thai nhi sẽ lên án kẻ làm cha, làm mẹ và những vị “đồ tể” kia. Vị Thẩm Phán công minh sẽ bênh vực cho những thai nhi bé nhỏ không thể lên tiếng trước tội ác giết người, đòi lại sự công bằng cho các em. Cuộc sống này, sao lại mong manh đến vậy, quền được sống của thai nhi khó đến vậy sao. Một ngày thứ 7, không có thánh lễ tiễn biệt các thai nhi, nhóm Bảo Vệ Sự Sống không còn việc để làm. Nhưng ngày đó xa vời vợi, xa lắm… Ngay lúc tôi đang viết đây, đã có bao nhiêu thai nhi bị phá bỏ rồi.

Một ngày thứ 7, không có thánh lễ tiễn biệt các thai nhi, nhóm Bảo Vệ Sự Sống không còn việc để làm. Nhưng ngày đó xa vời vợi, xa lắm…

Tôi mơ thấy những bà bầu hạnh phúc khi mang trong mình đứa con yêu dấu, hồi hộp đếm từng ngày chờ đón con mình ra đời. Tôi thấy, những thiên thần chạy nhảy trên mặt đất này, những nụ cười hạnh phúc của người làm cha, làm mẹ khi nhìn ngắm con mình. Còn những người mang tên “đồ tể”, những vị bác sĩ đó đang phải tự gặm nhấm lương tâm của mình hàng ngày, hàng giờ vì tội lỗi mà mình gây ra.

Nguyễn Thị Vân Anh.

Nhà "mầm sống" trong chùa - p2

Bài 2 - Những bà mẹ "trốn chạy"
(Tiếp theo và Hết)


(TT&VH) - “Chùa đã cưu mang 19 cháu gái mang thai ngoài ý muốn và chăm sóc cho đến ngày “vượt cạn”. Nhưng khi con chào đời được mấy ngày thì tụi nó bỏ đi biệt tăm, chưa một lần quay trở lại với đứa con đứt ruột đẻ ra. Lúc đi, có đứa nói đi làm lại cuộc đời, có đứa hứa sẽ về thăm con nhưng có về đâu… ” - Sư Huệ Đức ngậm ngùi nói khi nhắc về số phận những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng ở chùa Diệu Pháp.

Càng đau xót hơn khi chúng phải sống oặt ẹo từng ngày bởi từ những di chứng của việc phá thai bất thành của các bà mẹ ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.


Những đứa trẻ không lành lặn

Có lẽ ít có ngôi chùa nào đặc biệt như chùa Diệu Pháp, chỉ một phần nhỏ không gian dành cho việc thờ tự, phần lớn diện tích còn lại dành cho việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

Khi trò chuyện, sư cô Diệu Tiên thường nhắc đến bé Trâu, tên trong giấy tờ là Hồ Đức Diệu Hoa, em bị mắc bệnh não úng thủy. Em bị mẹ bỏ sau khi sinh 1 tháng và để lại cho nhà chùa 1 lá thư.

Trong thư, bà mẹ xưng tên là Nguyễn Thị Khương cho biết quê tại Nghệ An và là sinh viên của một trường ĐH tại Đà Nẵng. Cũng vì trót dại mang bầu và tìm cách phá nhưng không được cho nên bé Diệu Hoa khi chào đời phải mắc chứng bệnh não úng thủy.

Sư cô Huệ Đức ngẹn ngào nói: “Bé đặt tên Trâu vì nó sinh vào năm Sửu, nay bé đã 3 tuổi rồi mà người nó bé xíu, sức khỏe ngày càng yếu dần đi. Từ ngày để đứa con của mình ở đây, chẳng nhận được tin tức gì từ cô gái ấy nữa”.

Sư Huệ Đức bế bé Diệu Ân, phía trước là bé Trâu nằm trong nôi

Chúng tôi không khỏi xót lòng khi tận mắt nhìn thấy hình hài đáng thương của bé Trâu. Bé nằm yên trong chiếc nôi với đôi mắt nhắm hờ. Nằm ở chiếc nôi kế bên là bé Hồ Đức Diệu Ân, 4 tuổi, em mắc chứng bại não cũng vì mẹ muốn phá bỏ bào thai trong bụng nhưng không được. Sư Huệ Đức kể: “Vào năm 2007, một cô bé mới học lớp 10 lỡ mang bầu xin vào chùa để ở cho đến ngày sinh nở. Sau khi sinh, cô bé nói với sư là quay trở về quê để tiếp tục học hành và cũng từ ngày ấy, cô bé đó cũng không liên lạc gì nữa”.

Gần đây nhất, cũng một bà mẹ tên Mai ở tận Hải Phòng xin vào ở chùa Diệu Pháp để chờ ngày sinh con. Theo lời sư Huệ Đức, Mai yêu một người đàn ông đến 8 năm. Khi biết chuyện Mai có thai, thì người đàn ông đó ruồng rẫy và đã lập gia đình với người phụ nữ khác. Con của Mai được sư Huệ Đức đặt cho cái tên là Hồ Đức Diệu Bảo.

“Bé Diệu Bảo được 1 tháng 3 ngày tuổi rồi, mẹ nó sinh xong 5 ngày là bỏ đi. Sư đã làm thủ tục nhận con nuôi và làm giấy khai sinh cho nó. May mắn nó bình thường không bị ảnh hưởng từ việc bỏ thai không thành của mẹ nó” – Sư Huệ Đức trầm ngâm.

Tính đến nay đã có 19 “bà mẹ” có thai ngoài ý muốn đã đến nương tựa cửa chùa và sau khi sinh đứa bé ra đời, những bà mẹ liền bỏ đi những ngày sau đó. Dù sư Huệ Đức có hết lời khuyên ở lại thêm vài tháng nữa để chăm sóc cho đứa con mình cứng cáp rồi hãy đi. Dường như những “bà mẹ” này lại muốn trốn chạy thật nhanh khỏi những lỗi lầm mà mình đã trót mang. Sư cô Hạnh Nghiêm nói như để xua đi không khí u uất, nặng nề: “Thôi, giờ mấy đứa là con của chùa, các sư là cha, là mẹ và sẽ lo cho tụi nó nên người”.


Giận mà thương

Sư Huệ Đức giải thích: “Những bà mẹ trẻ vào đây chờ ngày sinh con thường mang tâm lý tội lỗi, tự trách bản thân mình và luôn luôn lo lắng, sợ hãi, tuyệt vọng. Sau đó, lại trỗi dậy lòng thù hận, muốn trả thù kẻ đã gây ra cớ sự cho mình và thậm chí tự làm thương tổn mình. Có đứa còn nói với sư, chẳng còn thiết tha gì nữa, chẳng còn dám tin ai, xem chuyện tình yêu như là thứ trò chơi”.

Nói đến đây, sư cô Huệ Đức im lặng một lúc, rồi chậm rãi: “Chùa lấy đạo lý nhà Phật giảng dạy cho các em hiểu sự “buông bỏ”, tha thứ, dạy học để các em nguôi ngoai, bớt suy nghĩ. Sư nói, cứ yên tâm ở chùa, các sư sẽ lo hết tiền ăn uống, bồi bổ sức khỏe để sinh con, cả tiền viện phí chùa cũng lo hết. Sau khi sinh, có mấy đứa bỏ đi chẳng nói gì, có đứa thì nói sẽ làm lại cuộc đời. Sư cũng cầu mong, tụi nó cố sống cho tốt quãng đường đời còn lại”.

Thằng Ba Xạo, 12 tuổi chạy ùa vào phòng khách chào các sư và chào chúng tôi để đi đến trường học. Tên thật của cậu bé là Hồ Đức Diệu Tánh, chúng tôi hỏi em có nhớ ba, mẹ không? Cậu bé Diệu Tánh cứ lắc đầu nguầy nguậy. Theo sư cô Hạnh Nghiêm, chẳng ai nói nhưng lớn lên là mấy đứa nó tự hiểu mình là đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi. Tuy các em có suy nghĩ giận những người đã bỏ rơi mình nhưng tận sâu trong đáy lòng, các em vẫn muốn được biết cha mẹ của mình như thế nào.

Trước khi chia tay chùa Diệu Pháp, sư cô Huệ Đức nói với chúng tôi như nhắn nhủ: “Nếu có cô gái nào lỡ lầm mang bào thai trong bụng, xin đừng hủy hoại “mầm sống” đó mà hãy đem tới chùa Diệu Pháp. Các sư sẽ cưu mang, chăm sóc cho đến ngày sinh nở và đứa bé sẽ được các sư nuôi dạy nên người. Nhưng mong muốn lớn nhất là hãy sống cho chính mình, chững chạc và có bản lĩnh trong cuộc sống”.

Theo TTVH

Nhà "mầm sống" trong chùa - p1

Bài 1- Những đứa trẻ đơn côi từ trong bụng mẹ


(TT&VH) - Chùa Diệu Pháp, tọa lạc tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có một gian phòng mà sư cô Huệ Đức, trụ trì chùa gọi là nhà… “mầm sống”. Trong gian phòng đó, là những sinh linh bé bỏng mang số phận bất hạnh vì bị những người làm cha, làm mẹ nhẫn tâm chối bỏ.

Có những đứa trẻ chưa cất tiếng khóc chào đời nhưng định mệnh đã “khoác” sẵn lên mình em tên gọi “trẻ mồ côi”. Các em là hệ lụy của những mối tình nghiệt ngã, hay hệ quả của phút giây buông thả nông nổi của những người trẻ khi “quan hệ tình dục trước hôn nhân”…

30 năm qua, có hơn 100 đứa trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn được nuôi dưỡng trong chùa. Câu chuyện xen lẫn buồn, vui 30 năm qua bắt đầu từ một nhân duyên.


Từ những mầm sống bị bỏ rơi đến những tiến sĩ, thạc sĩ

 
Chùa Diệu Pháp nằm yên ả bên những cánh đồng khoai mì xanh um và trong không gian tĩnh lặng đủ để nghe tiếng cười nói ríu rít của những cậu bé xa tít trong sân sau chùa.

Sư cô Huệ Đức đón chúng tôi từ đầu cổng và đưa chúng tôi vào một gian phòng nơi có những chiếc nôi bé xíu được xếp liền kề. Sư Huệ Đức nói bằng chất giọng Huế ấm áp: “Sư gọi gian phòng ni là nhà “mầm sống”. Những đứa trẻ nằm đây đều là trẻ bị bỏ rơi, mỗi đứa là mỗi câu chuyện đau lòng lắm”.

Sư Huệ Đức trong nhà “mầm sống”

Như để bắt đầu cho câu chuyện dài về những đứa trẻ ở chùa Diệu Pháp, sư Huệ Đức hồi tưởng lại vào một buổi sáng của tháng 11/1983: “Cách đây 30 năm, một đứa trẻ sơ sinh gói trong chiếc khăn màu trắng bị vứt tại bụi tre trước cổng chùa. “Sư nhớ như in, sáng sớm, tiếng chó sủa ghê lắm. Thời đó vùng này còn rất hoang sơ, chùa chưa có tường rào, sư đứng ở Chánh Điện thấy bóng dáng chiếc xe gắn máy loạng choạng chạy mất hút. Sau đó, sư bước ra xem như thế nào thì phát hiện một bé gái sơ sinh vứt bỏ dưới bụi tre. Đó như là một nhân duyên, mái ấm của những đứa trẻ mồ côi sau này”.

Còn sư Tâm Hiền gắn bó với ngôi chùa này 30 năm kể: “Năm đó, chùa cũng vừa lập nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Mỗi ngày, các sư phải đi bộ hàng chục cây số để lên rẫy trồng đậu xanh rồi bán lấy tiền mua gạo, mua sữa ngoài cho bé uống. Có lúc nghe tin nhà ai vừa sinh con, thì bế bé đến xin bú nhờ để có thêm chút sữa mẹ cho người cứng cáp”.

Bé gái bị vứt bỏ vào năm đó chính là chị Nguyễn Thị Diệu Hiền, tiếc là hôm ấy chúng tôi không gặp được chị và được biết chị đã là vợ, là mẹ của 2 đứa trẻ từ năm 2007.

Các sư kể, Diệu Hiền vẫn thường về thăm chùa và “chị hai” cũng không bao giờ quên quà bánh cho mấy đứa em mỗi lần ghé thăm.

Sau nhân duyên với Nguyễn Thị Diệu Hiền, đến nay mái chùa đã tiếp nhận 100 đứa trẻ, trong đó có 67 đứa trẻ mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi. Có những đứa trẻ mồ côi năm xưa đã trưởng thành, tốt nghiệp ĐH, có người còn đạt học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Đó là niềm vui nhất mà các sư cô ở chùa Diệu Pháp có được.

“Thời sư bà còn sống, khi làm giấy tờ cho các em thì lấy theo họ của sư bà là họ Nguyễn. Từ khi sư bà viên mãn nên mấy đứa nhỏ sau này mang họ Hồ của sư. Những đứa con của chùa như Nguyễn Đức Duy giờ đã là tiến sĩ, con bé Hồ Thị Bảo Trân là thạc sĩ, còn mấy đứa đang học ĐH nữa” - sư Huệ Đức tự hào nói.

Sư Huệ Đức bên ngôi mộ bé “Lượm Ba”


“Lượm Một” rồi “Lượm Hai”…

Sư Huệ Đức dắt chúng tôi đi đến những đứa trẻ đang nằm trong nôi và cả những đứa bé 5, 6 tuổi đang chơi đùa trên nền nhà. Chỉ tay về đứa trẻ 4 tuổi đang nằm co quắp trong chiếc nôi, sư Huệ Đức nói: “Thằng ni, sư gọi nó là thằng “Chà Và” vì lúc nó mới sinh ra người nó đen thui. Hồi bé nó hay quấy khóc ban đêm nhưng giờ thì ngoan lắm gặp ai cũng cười hết à”.


Sư Huệ Đức nâng cậu bé “Chà Và” có tên trong giấy tờ là Hồ Đức Diệu Ân ngồi dậy, cậu bé Diệu Ân bị bại não, tay co quắp, em nở nụ cười nhìn chúng tôi. Rồi những đứa trẻ khác chạy ùa đến, tíu tít bên sư Huệ Đức, mĩm cười và sư chỉ đứa này tên là “Cao Su”, thằng “Ba Xạo”, rồi đứa “Lượm Một”, “Lượm Hai”…

Mỗi cái tên sư Huệ Đức đặt cho từng đứa trẻ đều gắn liền với hoàn cảnh, một cái tên rất “đời”. Như cô bé Hồ Đức Diệu Thương, có tên “Cao Su” vì đơn giản, bé được nhặt ở vườn cao su. Lại có thằng bé mang tên cú cún nhặt tha vào sân chùa, thằng “Ba Xạo” vì cha nó nói xạo mẹ rồi sanh ra nó, mẹ nó bỏ nó ở đây. Còn có một năm, nhặt được đứa đầu thì đặt tên là “Lượm Một, tiếp theo là “Lượm Hai”…”, sư Huệ Đức nói.

Cách căn nhà “mầm sống” không xa, có vài ngôi mộ được đặt ngay giữa sân chùa, trong đó có ngôi mộ của cô bé có tên “Lượm Ba”. Lúc chúng tôi đến, sư cô Hạnh Thiện đang chăm sóc cho các phần mộ tại đây. Sư Hạnh Thiện ngậm ngùi kể lại: “Vào nửa đêm tháng 3/1998, nhà chùa nhặt Lượm Ba bị vứt trước cổng chùa từ lúc nào không hay. Đau xót là khi nhặt cháu bé đã bị kiến cắn khắp người, cả vào trong hốc mắt. Một cánh tay của cháu bị hoại tử vì chó cắn. Mấy sư lập tức đưa cháu đi BV cấp cứu rồi sau đó đưa về chùa nuôi dưỡng. Nhưng 9 tháng sau, Lượm Ba yếu dần và ra đi”.

Bài 2: Những “bà mẹ” trốn chạy

Theo TTVH

Truyện cổ tích Sọ Dừa và anh chàng Nick Vujicic hiện đại

Những ngày sau lễ Valentine 2012 vừa qua, tin anh chàng Nick Vujicic, không chân không tay, bước lên xe hoa sánh duyên cùng cô bạn gái Kanae Miyahara đã được đồng loạt đăng tải trên các trang mạng khắp thế giới từ California, nơi đôi uyên ương thành hôn, đến Úc Châu nơi anh chào đời và lẽ tất nhiên cũng xuất hiện cả trên các trang từ “lề trái” đến “lề phải” của Việt Nam với hình ảnh tràn ngập và biết bao lời tán dương, khâm phục, chẳng hạn: “Tấm gương vượt qua khó khăn và nghị lực sống của Nick Vujicic đã giúp anh nổi tiếng và trở thành một tấm gương sáng trên toàn thế giới” (dantri.com.vn ngày 19.2.2012).

Tin vui ấy làm tôi chợt nhớ tới hình ảnh chàng Sọ Dừa, trong kho tàng truyện cổ tích cùng tên, một ngày kia bỗng dưng hóa thân thành chàng hoàng tử kết duyên cùng con gái phú ông. Cuộc đời anh thật là kì diệu, thậm chí đẹp hơn truyện cổ tích. Thực vậy, chàng Sọ Dừa (vốn lăn lóc như sọ dừa) bỗng dưng có hóa thành Tiên, thành Rồng đi chăng nữa thì cũng là chuyện bình thường (đơn giản vì đó là truyện… cổ tích!), còn chàng Nick vốn cụt chân cụt tay, đến ngày kết tóc se tơ vẫn là anh chàng cụt tay cụt chân không hơn không kém mà lại gây chú ý như thế, mang niềm vui và hy vọng cho hàng triệu người như thế mới thực sự là kì diệu.

Kỳ diệu không phải vì anh được nổi tiếng nhưng vì anh đã tìm ra được ý nghĩa và mục đích của cuôc đời mình. Nhưng làm sao có thể tìm ra ý nghĩa và mục đích cho một con người lúc còn trong lòng mẹ được các bác sĩ chẩn đoán qua siêu âm là đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh nhưng lúc sinh ra đã khiến cho chính người mẹ bị sốc và hắt hủi như một quái thai ? Tìm đâu ra ý nghĩa và mục đích cho số phận cho một chàng Sọ Dừa cứ hoài lăn lóc tủi hờn dưới chân lũ bạn, làm trò giễu cợt cho những con mắt tò mò mà chẳng thể nào hóa thân thành chàng hoàng tử ? Đào đâu ra ý nghĩa và mục đích cuộc đời cho một chàng trai từng nhiều lần cảm thấy bất lực, tuyệt vọng với chính mình, chỉ muốn tự tử cho khỏi tủi nhục và cất đi gánh nặng cho gia đình ? Nhưng vấn nạn hóc búa nhất giày vò cả gia đình mục sư Kitô giáo đang hăng say rao giảng Tin Mừng chính là vấn nạn của Niềm tin vào một Thiên Chúa là Tình Yêu.

Hành trình Đức Tin của chàng Sọ Dừa mới

Suốt 15 năm đầu đời, trong khi bạn bè đồng trang lứa được hồn nhiên vui sống tuổi thơ, thì cậu bé xứ Úc này vẫn ngày ngày bị giày vò bởi cả nghìn lẻ một vấn nạn như thế nhưng nhất là vấn nạn niềm tin: “Nếu quả thực Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, tại sao Ngài lại để cho chúng ta gặp phải những khó khăn như thế ? Nếu quả thực Đức Chúa Trời làm được mọi sự, thì tại sao Ngài lại không chữa lành tôi ? Tại sao có biết bao người cầu nguyện cho một phép lạ xảy ra cho tôi, nhưng mà vẫn không có một phép lạ nào xảy ra ? Nhiều lúc tôi chỉ muốn Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của tôi. Tôi thưa, Lạy Chúa, nếu Ngài ở đó, xin hãy trả lời con ! Tại sao Ngài để điều đó xảy ra ? Nhưng trong nhiều năm, Ngài đã không trả lời tôi v.v…” (http://www.youtube.com/watch?v=8S8pOsuHhx4)



Quả thực lời cầu nguyện của Nick dâng lên Thiên Chúa tựa như nhà bác học Edison phải trải qua hàng ngàn lần thất bại trước khi tìm ra được sợi giây bền vững thắp sáng lên cây đèn Đức Tin. Điều đó cho ta thấy nỗi đau đớn trong tâm hồn con người nó còn khủng khiếp gấp trăm ngàn lần nỗi đau thể xác như thế nào. Một đàng anh vừa khao khát Thiên Chúa, muốn Ngài cất ngay đi khổ giá, đàng khác anh lại không muốn muốn chấp nhận Ngài. Anh càng đau đớn chực rơi vào hố tuyệt vọng là tìm đến cái chết, thì cũng là lúc thử thách niềm tin lên tột độ và khát khao sống hơn bao giờ hết.

“Lòng tin vốn tự nhiên và mãnh liệt ! Lòng tin vốn không thể vay mượn, áp đặt hoặc tước đoạt.


Mất lòng tin là mất tất cả

Bi kịch lớn nhất chưa hẳn là do nghèo túng mà là do mất niềm tin, khi con người không tìm ra cái đích thật để mà tin, khi giữa cuộc đời và thuyết giáo là một khoảng cách quá xa” (lời bình phim Chuyện Tử Tế, Trần Văn Thủy).

Cuối cùng Nick tìm thấy ánh sáng phía cuối đường hầm. Đó là đoạn Kinh Thánh (Ga 9) Chúa Giêsu chữa một người mù từ lúc bẩm sinh, các môn đệ hỏi Chúa: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta ?” Ðức Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.

Nick đã được ánh sáng Lời Chúa soi dẫn giúp anh nhận ra ý nghĩa và mục đích cuộc đời mình, làm vinh danh Thiên Chúa bằng việc đón nhận Thánh Ý Ngài trong cuộc đời bất toàn của mình, hầu đem chút niềm tin yêu hy vọng đến cho thế giới những người lành lặn, với đầy đủ chân tay nhưng lại thiếu niềm tin, thiếu lẽ sống: “Tôi nhận ra rằng, Chúa đã làm ra chúng tôi như thế này để tạo ra hy vọng cho những người khác. Điều đó đã truyền cảm hứng cho tôi và tôi quyết định sẽ dùng cuộc đời mình để khích lệ những người khác. Tôi đã quyết định phải biết ơn những gì Chúa đã ban cho tôi, không nên giận dữ vì những gì mình không có” (http://www.ubmvgiadinh.org/?open=contents&display=2&id=308).

Từ một cậu bé tật nguyền mọi sự phải sống nhờ người khác anh đã trở thành một chàng trai tự lập trong sinh hoạt hằng ngày; từ chàng Sọ Dừa trong cổ tích lủi thủi bên cuộc đời trở thành một chàng sinh viên tốt nghiệp hai trường đại học, từ tình trạng tuyệt vọng thu mình vào vỏ ốc để ăn mày những lời an ủi, anh đã bước ra đi an ủi cuộc đời, làm diễn giả trao tặng niềm tin yêu hy vọng cho những người anh gặp trên hơn 40 quốc gia anh đến thăm cũng như trên mạng internet toàn cầu. Niềm vui ấy tuôn trào trong anh tựa như đại thi hào Dante từng diễn tả:

“Như muôn hoa trong giá lạnh đêm trường
Đang co ro khép mình trong cánh nhỏ
Rồi bừng nở ngay trước cảnh hừng đông,
Tâm hồn tôi cũng trào tuôn dũng khí,
Dạ can trường như máu đỏ về tim,
Lại lên đường như chiến binh hùng mạnh”


( Thần Kịch Dante, Địa Ngục ca khúc số II, 127-132 )

Cụt chân cụt tay: Tin Vui Sự Sống cho nhiều người ?

Đặt mình vào hoàn cảnh của cha mẹ Nick, có lẽ chúng ta cũng phải sốc và khó chấp nhận được thực tại phũ phàng như thế. Và giả như biết được sự thật đó ngay từ lúc đi siêu âm, có lẽ chúng ta đã chẳng ngần ngại nghe theo lời bác sĩ bỏ quách đi cho nhẹ người !?! Có thể như thế lắm, bởi lẽ hàng triệu thai nhi khỏe mạnh ngay trên đất nước Việt Nam này vẫn đang bị cự tuyệt quyền được sống đấy thôi.

Nhưng càng loại trừ những con người vô tội, càng chứng tỏ con người thời nay không hề văn minh hơn hay mạnh mẽ hơn, nhưng đầy yếu hèn và độc ác. Chừng nào còn tiếp diễn thảm kịch do chính mình diễn vai, thì chừng đó chúng ta còn chứng kiến trong xã hội xuất hiện nhiều những vụ án Lê Văn Luyện. Hơn bao giờ hết, Chúa Giêsu chịu đóng đinh, hình ảnh những con người vô tội vẫn đang chất vấn lương tâm và trách nhiệm mỗi người, cách riêng những người tin theo Chúa. Tôi là ai trong vụ án đóng đInh Con Người Vô Tội ấy: có lẽ tôi không thuộc số đám đông hò hét “đóng đanh nó đi” khi ủng hộ phá thai, hay đóng vai tên lí hình trực tiếp dùng dao kéo ở phòng mổ dưới cái mặt nạ lương y như tử mẫu, nhưng biết đâu tôi lại là một kẻ dửng dưng cũng theo Chúa lên đồi Canvê, nhưng theo để xem theo kiểu “sống chết mặc bay” ? Phải chăng có lúc tôi lại đóng vai Philato, dù biết Người vô tội, nhưng vì sợ liên lụy, đành rửa tay trối bỏ trách nhiệm của mình ?

Chúa Giêsu đã phán: sự thật sẽ giải phóng các con. Chấp nhận sự thật như cha mẹ của Nick, chính là chấp nhận con đường thập giá, cũng có nghĩa là chấp nhận bị cuộc đời cho là “điên rồ” ! Nhưng Thánh Phaolô đã minh chứng đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Ðấng ấy chính là Ðức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1, 22 – 25).

Quả thực “sự điên rồ” ấy đã làm nên phép lạ kì diệu là chính cuộc đời của Nick bởi lẽ “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…” (Mùa lạc – Nguyễn Khải). Đó chính là niềm hy vọng đặc biệt cho những người có ý định phá thai biết dừng lại đúng lúc. Ước gì tất cả mọi người phụ nữ Công Giáo Việt Nam, vốn có tiếng đảm đang, chịu thương chịu khó, biết nhìn lên tấm gương cha mẹ anh Nick, và nhất là noi gương Mẹ Maria dám can đảm, vui vẻ chấp nhận đứng dưới chân Thập Giá để cùng thông phần nỗi đau khổ của con mình, để từ đó trở nên những tia hy vọng chiếu vào lòng đời đang quay quắt hôm nay. Và ước gì ngày càng có nhiều Simon hay Veronica sẵn sàng xả thân đến đỡ nâng an ủi những con người vô tội ấy. Chớ gì được như vậy !

ĐÌNH CHẨN,
Roma, thứ sáu Tuần Thánh 2012

Theo báo Ephata số 504
04.2012

Kính Lòng Thương Xót Chúa

Chúng ta tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót, bởi lòng Chúa đã yêu thương chúng ta đến tận cùng. Từ trên Thập Giá, giọt máu cuối cùng đã chảy ra, và khi nhìn ngắm ảnh Chúa Thương Xót, chúng ta cũng thấy, một bên phải là ánh sáng đỏ tượng trưng cho máu, bên trái là ánh sáng trắng tượng trưng cho nước rửa tội, thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi. Trên Thập Giá, chúng ta thấy máu và nước cùng chảy ra từ cạnh sườn của Chúa Giêsu. Bởi vậy, Lòng Chúa Thương Xót như là những giọt máu và nước đã tuôn trào từ chính trái tim Chúa thương nhân loại chúng ta trong giai đoạn mà người ta đã quá buông thả, đến nỗi sự dữ lộng hành một cách ngang ngược.

Từ thuở ban đầu, kẻ lộng hành và tên cám dỗ vốn đã ngang ngược. Nó tấn công cả Chúa Giêsu trong sa mạc, nó thách thức Chúa Giêsu trên Thập Giá. Nhưng ngày nay, do người ta phạm đến sự sống là tình yêu, là ân sủng, là sức hoạt động của Thánh Thần, cho nên sự dữ càng ngang ngược hơn, và nó hoành hành khắp nơi, nhờ những kẻ tiếp tay cho nó, đó là những người mẹ đã nhẫn tâm giết con mình. Các thai nhi bị sát hại vô tội. Các em ra đi hận mẹ giết con, nên ma quỉ thừa cơ sự hận của các em để tấn công thế giới. Nhiều gia đình trở nên lục đục kể từ khi bà mẹ phá thai và càng gặp nhiều rủi ro hơn với bệnh tật, cùng rất nhiều những thất bại. Họ càng thất bại, họ càng tính toán theo kiểu thế gian. Có những người mẹ đã giết con đến mấy lần và vì vậy, sự dữ đầy nhà họ. Những hận thù, oán ghét từ trong chính người con buộc phải ra đi, hận mẹ, ma quỉ thừa cơ ập tới và bao nhiêu cảnh vợ chồng cãi nhau, hiểu lầm nhau, mẹ chồng nàng dâu với những chuyện xung quanh gây gổ, làm ăn thất bại, bệnh tật đau đớn, đủ mọi chuyện phiền hà… nhiều khi do chính những người mẹ đó gây ra. “Gieo gió, gặt bão”, ma quỉ lộng hành trong gia đình đã vậy. Khắp nơi, nhiều gia đình giết con, cho nên sự dữ hoành hành khắp chốn. Tại Việt Nam của chúng ta, một năm có tới 5 triệu thai nhi bị giết. Trên khắp đất nước Việt Nam này, máu của thai nhi vô tội thấm đầy. Tiếng của các em kêu thấu tới trời. Ma quỉ thừa cơ lộng hành. Đất nước Việt Nam hình chữ S, giống như con rắn, một con rắn khổng lồ, bây giờ nó thỏa sức để vùng vẫy. Chính vì vậy, Lòng Thương Xót của Chúa đã đến với nhân loại và đặc biệt là với Việt Nam của chúng ta.

Việc chúng ta làm giờ Lòng Chúa Thương Xót để đền tội cho mình, đền tội cho những người mẹ đã nhẫn tâm giết con. Chúng ta cũng cầu cho những thai nhi để các em bỏ đi nỗi hận cha mẹ, để ma quỉ không thừa cơ tấn công vào gia đình. Gia đình có lành mạnh, nền tảng gia đình có hạnh phúc thì Giáo hội/ Xã hội với vững bền và phát triển. Chính các gia đình ngày nay đã làm cho Giáo hội/ Xã hội bị suy yếu. Thân Mình mầu nhiệm của Đức Ki tô bị tổn thương. Tiếng kêu cứu của các thai nhi không được biết đến. Lòng Chúa Thương Xót chính là vừa bảo vệ sự sống cho các em, vừa là thông điệp tình yêu gửi đến cho các gia đình. Hãy ngăn chặn những bàn tay tội ác. Hãy chấm dứt nạn phá thai và hãy bảo vệ sự sống.

Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. Người ta giết sự sống là phạm đến Chúa Thánh Thần. Một tội lớn nhất trong các tội. Vì tội phạm đến Con Người thì được tha, còn tội phạm đến Thánh Thần thì không được tha. Chúa Giêsu đã tuyên bố mạnh mẽ như vậy (x. Lc 12,10). Cho nên những người nào mà cố tình, vì yếu đuối, vì lỗi lầm, thì đó là phạm đến con người. Nhưng khi đã trở thành cố tình chống lại sự sống, chống lại Thánh Thần thì sẽ không được tha cả đời này, cả đời sau. Đó chính là nỗi đau lớn nhất để cho ma quỉ túm được rất nhiều linh hồn của những người cha người mẹ đã bán rẻ linh hồn cho quỉ dữ, khi mà họ coi thường việc phá thai. Ma quỉ lộng hành vì nó được cả triệu triệu những hận thù góp lại. Cho nên Giáo Hội bị tổn thương trầm trọng.

Chúa Giêsu đã ý thức cho chúng ta việc chữa lành những tổn thương trong lòng, ngay từ khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Nhưng có nhiều người miệng thì đọc nhưng trong lòng thì vẫn để sự dữ tràn vào, vẫn xảy ra việc phá thai. Miệng đọc mà lòng dạ thì lại ngã theo. Cho nên, Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy chúng ta ngay từ ban đầu vì Chúa biết sự dữ hoành hành; Chúa biết sức con người yếu đuối. Mỗi lần chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, để nhấn mạnh đến hai điều “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”, để xin cho gia đình của chúng ta bình an và hạnh phúc. Nhưng sự yếu đuối, sự cố chấp, và thậm chí, cuối cùng người ta buông thả nhiều quá, nên không thể thu lại được và sự dữ đã lôi kéo nhiều gia đình phải cuốn theo chiều gió của nó. Vì đâm lao phải theo lao. “Cây xiêu đường nào thì ngả đường đó”, không ăn năn trở lại được nữa. Đó là những lý do hết sức thế tục, chỉ vì vật chất, chỉ vì cuộc sống trước mắt, chỉ vì sĩ diện cá nhân mà người ta chống lại Thánh Thần.

Hôm nay, chúng ta đến với Lòng Chúa Thương Xót, không phải tố cáo nhau, vì Giáo Hội đã bị thương và đau đớn quá nhiều rồi, còn phàn nàn, còn kêu trách nhau làm gì. Chúng ta hãy cứu chữa nhau. Nhưng sức chúng ta làm sao cứu chữa nổi? Vì vậy, Chúa đã ban Lòng Thương Xót đến cho chúng ta. Chúng ta hãy chạy đến với Lòng Chúa Thương Xót. Hàng ngày, ở nhiều nơi, người ta đã giữ được việc kính Lòng Thương Xót vào giờ Chúa hấp hối trên Thập Giá lúc 3 giờ chiều – là giờ trọng nhất, để nhớ đến những giọt nước và máu cuối cùng đã chảy ra từ Trái Tim Chúa. Còn khi không có điều kiện như vậy, bất kỳ giờ nào trong ngày, và bất kỳ người nào trong nhà đều có thể làm giờ kính Lòng Chúa Thương Xót. Cá nhân, gia đình, tập thể, tất cả. “Bệnh quỉ phải có thuốc tiên”. Ma quỉ lộng hành, sự dữ giăng mắc cạm bẫy thì chúng ta phải chạy đến với Lòng Chúa Thương Xót. Vì vậy, mong các gia đình hãy thắp lên ngọn nến trước ảnh Lòng Chúa Thương Xót và làm giờ kính Lòng Chúa Thương Xót mỗi ngày. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những lo âu, những vất vả trong ngày. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những tương lai đang đến để Lòng Chúa Thương Xót sẽ cứu chữa chúng ta.

Anh chị em giáo dân nhóm lại với nhau thành cộng đoàn, có thể theo giáo họ, có thể theo khu phố, theo làng xóm để tạo nên những Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót. Bao nhiêu ân huệ đã được Chúa trao ban. Bao nhiêu sự sống đã được giữ gìn. Và bao nhiêu những tai qua nạn khỏi, nhờ Lòng Chúa Thương Xót.

Chúng ta Kính Lòng Chúa Thương Xót không phải vì vụ lợi, vì thấy được những ơn này, ơn khác. Nhưng trên hết và trước hết, hãy tạ ơn Chúa vì Chúa đổ Lòng Thương Xót xuống cho chúng ta. Đến với Ngài để đền tạ và xin ơn. Chúng ta đền tạ vì tội lỗi của chúng ta. Chúng ta tạ ơn vì Chúa thương chúng ta trước, rồi chúng ta hãy xin ơn. Chúa sẽ yêu thương vô cùng và trao ban cho chúng ta những giọt máu cuối cùng làm bằng chứng Chúa yêu thương chúng ta đến vô cùng. Bởi thế, xin đừng ai trong chúng ta lạm dụng tình yêu của Chúa và nhắm mắt làm ngơ trước những giọt máu nước chảy ra từ trái tim của Chúa. Giọt máu nước chảy ra từ trái tim của Chúa cho tới giọt cuối cùng mà người ta lại thờ ơ tới mức không thể cảm nhận được.

Lạy Chúa Giêsu giàu lòng thương xót,
Ngày hôm nay,
ngày Chúa nhật của Tuần Bát Nhật Phục Sinh
một ngày Chúa nhật trọng thể,
Giáo Hội dâng kính Lòng Chúa Thương Xót.
Xin cho chúng con nhìn lên Chúa là nhìn thấy sự sống,
nhìn thấy tình yêu,
nhìn thấy Đấng yêu thương chúng con,
nhìn thấy Đấng bảo vệ chúng con khỏi sự dữ.
Xin cho các gia đình Kitô hữu chúng con giữ lòng trong sạch,
để chúng con luôn biết bảo vệ sự sống.
Xin cho mỗi người chúng con luôn biết quyết tâm
và luôn biết lắng nghe tiếng Chúa,
để chúng con tôn kính và mến yêu
làm giờ kính Lòng Chúa Thương Xót.
Xin cho mỗi người chúng con
khi làm giờ kính Lòng Chúa Thương Xót
biết giữ gìn gia đình hạnh phúc,
giáo xứ được bình an,
thế giới được hòa bình
và cho Nước Cha,
nước của tình yêu, nước của sự sống
ngự đến trong gia đình chúng con,
ngự đến trong thế giới của chúng con,
để danh Cha được cả sáng
và ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.


LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
4/16/2012

Theo VietCatholic

Tin khẩn: Công an Nghệ An xoá bỏ Trung tâm Bảo vệ Sự sống?

VRNs (15.04.2012) – Nghệ An – Ngày 14 tháng 04 năm 2012, công an Nghệ An, TP Vinh gửi giấy triệu tập ông Nguyễn Hữu Chắc, người đứng đầu Trung tâm Bảo vệ Sự sống Gioan Phaolô II, xóm 10, xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An.


Người ký tên dưới con dấu là đại tá Hồ Xuân Hòa. Nội dung giấy triệu tập yêu cầu ông Nguyễn Hữu Chắc tới cơ quan công an TP Vinh, vào lúc 14g00 thứ hai ngày 16/04/2012, để gặp ông Nguyễn Công Thắng (đội an ninh) để làm rõ một số vấn đề liên quan tới an ninh trật tự.

Ông Chắc khi nhận giấy đã thắc mắc, bảo vệ sự sống và cầu nguyện cũng là vấn đề rắc rối về an ninh trật tự với nhà cầm quyền Nghệ An sao?

Trung Tâm Bảo Vệ Sự Sống Gioan Phaolô II nơi cưu mang những chị em lầm lỡ, trẻ em bất hạnh, chủ trương phò sự sống và tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa.

Được biết, một số anh em làm việc ở trung tâm này cũng đã bị bắt không đúng pháp luật từ hạ tuần tháng 11 năm 2011, người đầu tiên bị bắt là anh Đặng Xuân Diệu vào ngày 29 tháng 07 năm 2011.


Chỉ có sống thật, không thể sống thử

Bát nước hắt xuống đất rồi, không thể múc lại cho đầy được nữa. Sống thử chẳng những là không nên, mà còn là không thể, vì tất cả những hy vọng về kết quả sống thử đem lại cho bạn đều không có gì là chắc chắn.

Người viết bài này vốn thuộc chuyên ngành hóa lý Nhiệt động học, rất thích nguyên lý thứ hai nổi tiếng, nói về chiều hướng diễn biến của các sự vật, nên thường nhìn nhận mọi việc theo những quy luật gắn với thời gian của nó.

Và đời sống xã hội, tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình... dù có phức tạp đến đâu, vẫn là một phần của thế giới này, vẫn có những quy luật của nó và có những điều hiển nhiên mà mọi người, dù khác quan niệm sống, vẫn cùng thừa nhận.

Trước hết xin khẳng định: Sống thử chẳng những là không nên, mà còn trước hết là không thể.

Kinh nghiệm đời thường là: Bát nước hắt xuống đất rồi, không thể múc lại cho đầy được nữa.

Kinh nghiệm này được khoa học hiện đại chứng minh bằng toán học hẳn hoi: quá trình tự nhiên là quá trình tăng độ hỗn loạn (tăng entropy). Người ta đã chứng minh điều này là tương đương với tính một chiều của thời gian, phù hợp với kinh nghiệm của loài người: Thời gian đã trôi đi thì không bao giờ trở lại.

Bạn chỉ có một cuộc sống, nên dù bạn có sống kiểu gì thì bạn vẫn đang sống thật, vì mỗi giây trôi đi là bạn sẽ già đi một giây. Cách sống thử của các bạn trẻ như nói trên, vẫn là sống thật, vì sau đó, bạn mất thật một thời gian gắn với một loạt các giá trị thật không thể lấy lại được.

Xin nhắc lại: Bạn mất thật vì có những giá trị luôn gắn với thời gian, thời gian trôi đi thì nó cũng trôi đi theo: Ví dụ bạn sống thử với một người từ 18 đến 20 tuổi thì bạn sẽ mất những gì đẹp nhất trong 2 năm thanh xuân của cuộc đời cho người đó.

Nếu sau này bạn kết hôn với người khác, người thứ hai sẽ phải chịu thiệt thòi phần này (đây là trường hợp bát nước bị đổ đi). Đó là điều không thể chối cãi.

Nếu bạn kết hôn được với người đã sống thử với bạn thì phần đời này mới được 2 người lưu giữ lại (đây là trường hợp bát nước không bị đổ đi).

Tại sao lại là không nên? Lý do là: Tất cả những hy vọng về kết quả sống thử đem lại cho bạn đều không có gì là chắc chắn.
Trường hợp “sống thử” thành công, cũng chẳng có gì đảm bảo là sống thật cũng sẽ thành công như thế.

Giả sử sau 2 năm sống thử, hai bạn thấy rất hợp nhau và quyết định tiến tới hôn nhân hợp pháp. Lúc này bạn mới đối mặt với những thực tế mới hoàn toàn.

Đó là những vấn đề mới nảy sinh chỉ có sau khi kết hôn chính thức: quan hệ kinh tế sâu hơn, ràng buộc trách nhiệm pháp lý rõ ràng, con cái, cha mẹ, họ hàng, bạn bè, sự nghiệp của cả hai người v.v... có ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình mới của bạn.

Cuộc sống thực sự mới phức tạp hơn nhiều và bây giờ các bạn còn thấy hợp nhau nữa không mới là điều quyết định. Một ví dụ hiển nhiên về sự khác nhau này là khi còn chưa kết hôn chính thức bạn sẽ không muốn và cũng không thể được phép thực hiện các nghĩa vụ với gia đình chồng (hoặc vợ). Song bây giờ thì đó là một việc bình thường phải có.

Có rất nhiều ví dụ khác tương tự chứng minh rằng kinh nghiệm trong khi “sống thử” chẳng có tác dụng là bao trong cuộc sống hôn nhân chính thức về sau, vì khi đó hoàn cảnh là khác hẳn.

Kinh nghiệm của riêng 2 người trong thời gian “sống thử” sẽ chẳng đáng là gì so với những kinh nghiệm của bao người khác đã từng trải qua hôn nhân thực sự mà bạn có thể học được dù bạn chưa trực tiếp trải qua.

Do vậy, muốn có hiểu biết đầy đủ để chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, người ta phải học hỏi nhiều điều từ nhiều (không phải một) người đi trước chứ không thể dựa vào kinh nghiệm chỉ của chính mình qua thời gian “sống thử” được.
Trường hợp “sống thử” không thành công, chắc chắn là bất lợi cho hôn nhân về sau của bạn.

Cũng giả sử sau 2 năm “sống thử”, các bạn chia tay vì thấy không hợp nhau. Sau đó bạn gặp và yêu một đối tượng mới, bạn có dám tiếp tục “sống thử” nữa không?

Đa số người ta sẽ không dại gì phí mãi thời gian và tuổi xuân như thế nữa. Hơn nữa đối tượng mới của bạn, nếu người ấy là người có hiểu biết vừa phải, công bằng mà nói, sẽ coi bạn là người đã có một đời chồng (hay vợ) vì chính bạn coi “sống thử” là sống như vợ chồng mà.

Người đó có quyền “trừ điểm” của bạn trong cuộc hôn nhân mới này (bởi người ấy không được bạn giành cho 1 quãng đời đẹp nhất của bạn - thế mới công bằng, sòng phẳng).

Dù quan niệm hiện đại đến đâu thì cũng phải công nhận rằng người đã qua cuộc sống vợ chồng rồi (dù là thử) thì phải bị “trừ điểm” so với những người bình thường - nếu không phải thế thì những người ly dị đã có nhiều cơ hội kết hôn (lại) hơn những người chưa kết hôn lần nào - mà điều này ai cũng biết là không đúng với thực tế.

Hơn nữa, vì khi “sống thử” chỉ có hai người coi nhau là vợ chồng, còn xã hội và gia đình (họ hàng) thì không, nên chẳng có ai giúp đỡ cho “vợ chồng” bạn khi gặp những khó khăn trục trặc nhỏ để nó không bùng phát thành mâu thuẫn lớn.

Chẳng có ai bảo vệ “gia đình” của bạn khi có kẻ thứ ba nhòm ngó. Và nỗi lo chẳng may có thai trước khi kết thúc giai đoạn “sống thử” sẽ khiến cho cuộc sống tình dục “vợ chồng thử” của các bạn không bao giờ có được niềm hạnh phúc tự nhiên như trong một cuộc hôn nhân hợp pháp. Thật đáng thương thay.

Và còn bao điều bất lợi nữa không thể kể hết. Cho nên “sống thử”, phần lớn sẽ là không thành công, và thực tế cũng cho thấy đúng là như vậy.
Mặt khác, suy cho cùng, “sống thử” là không cần thiết

Nếu thật sự đã thoáng, đã hiện đại trong cách nhìn về hôn nhân mà dám “sống thử” - dám coi một người đã “sống thử” cũng như một người “chưa mất gì” thì tại sao các bạn không thấy rằng một người đã kết hôn chính thức rồi ly hôn cũng đáng được coi như thế.

Cuộc sống hiện đại và luật pháp của nước ta cho phép kết hôn và ly hôn cũng đều rất dễ dàng, miễn là nó đem lại cuộc sống cho người ta hạnh phúc hơn. Thế thì cần gì phải “sống thử” nữa.

Nếu đã thấy tin yêu được nhau, thì cứ kết hôn và sống thật với nhau đi. Nếu sau một thời gian thực sự thấy không phù hợp, thì ra tòa mà chia tay nhau cho đàng hoàng, rồi làm lại từ đầu.

Chắc chắn rằng kinh nghiệm hôn nhân của người đã ly hôn một lần sẽ đầy đủ và đúng đắn hơn nhiều so với kinh nghiệm của một người đã qua mười lần “sống thử’.

Một người đã ly dị và kết hôn lần hai sẽ chín chắn và có cơ may thành công trong hôn nhân hơn một người kết hôn “lần đầu’ sau khi đã “sống thử” nhiều lần.

Chẳng phải vô cớ mà Nhà nước lại phải có Luật hôn nhân và gia đình: chính là nhằm bảo vệ hạnh phúc cho các gia đình mà thôi. (Như tôi, giả sử cần lựa chọn, sẽ cho người đã ly hôn một lần “điểm” cao hơn người chưa kết hôn lần nào nhưng đã qua nhiều lần sống như vợ chồng với những người khác).

Không chỉ là lý thuyết. Đây là hiện thực: theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay ở Việt Nam có tới 5% các em gái sinh con trước 18 tuổi, tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm tới 20% các ca nạo phá thai.

Việt Nam hiện là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Trong đó có biết bao nhiêu ca là hệ quả của “sống thử”. Có những em gái gặp bế tắc sau khi “sống thử” đã tự tử, thật đau xót vô cùng.

Và chúng ta đừng quên y học đã khẳng định, nạo phá thai lần đầu rất có hại cho đường sinh nở về sau. Biết bao sinh viên đã bỏ lỡ tương lai tốt đẹp của mình, vì sống thử mà việc học hành đã đứt gánh giữa đường.

Biết bao sự bất hạnh mà những người đã trót sống chung như vợ chồng song lại không được pháp luật và xã hội thừa nhận phải chịu, mà bất cứ ai cũng có thể đưa ra ví dụ. Sống thử được thì khó thấy, song mất thì thật rồi.

Cuộc sống chỉ có một, những gì trôi qua sẽ không bao giờ trở lại. Con người phải biết trân trọng từng giây cuộc sống. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động để không phải hối hận vì đã sống hoài, sống phí những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời mình.

Tuổi trẻ lẽ nào lại phí tổn một quãng đời thực (thậm chí là quãng đời đẹp nhất) cho một điều không thể làm, (mà dù có thể thì cũng) không nên làm, không cần thiết phải làm như vậy.

Sỹ Văn (Viết tặng con gái)

Theo Vnexpress

Sống thử trong công nhân: Tình buồn nơi xóm trọ

Trước những lời đề nghị “dễ thương”, những phân tích “thiệt hơn” về kinh tế, nhiều công nhân xa nhà không thể chối từ việc “góp gạo thổi cơm chung”.

“Ngày xưa, sống thử là chuyện ghê gớm lắm, cả hai người đều sợ người khác chê cười, dè bỉu nên giấu giếm rất kỹ. Còn hiện nay, chuyện này được công khai và mọi người dường như cũng nhìn với cặp mắt bình thường” - một công nhân (CN) Công ty Theodore Alexander - KCX Linh Trung 2, nhận xét. Để biết thực hư về vấn đề này, chúng tôi có một chuyến đi thực tế tại các khu nhà trọ có CN sống thử.

Sẵn sàng “dâng hiến”

Trời vừa chạng vạng tối, chúng tôi tìm đến khu Việt Lập (xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Đây là khu trọ nổi tiếng của CN bởi nó nằm gần KCN Bình Đường, KCN Sóng Thần và KCX Linh Trung 1. Hỏi chuyện CN học “làm chồng, làm vợ” không hôn thú, chúng tôi được chị bán bún bò đầu đường chỉ dẫn tận tình: “Cứ đi thẳng vào trong, nhiều lắm. Hầu như dãy phòng trọ nào cũng có CN “góp gạo thổi cơm chung”.

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nên nhiều công nhân quyết định sống chung để tiết kiệm chi phí - Ảnh: Phan Anh

Đi sâu vào khu Việt Lập, dọc hai bên đường có rất nhiều dãy trọ của CN. Ở đây, đa số dãy trọ đều không có sự quản lý của chủ nên giờ giấc, sinh hoạt của CN rất tự do, thoải mái. “Chủ quy định 4 người ở một phòng, còn nam hay nữ, vợ chồng hay anh em thì không cần biết, miễn sao đóng tiền phòng, điện nước hằng tháng đầy đủ, không quậy phá, gây gổ đánh nhau là được. Vì vậy, chuyện CN “góp gạo thổi cơm chung” rất bình thường ở đây” - chị Thủy, CN Công ty Freetrend - KCX Linh Trung 1, cho biết. Theo chỉ dẫn của chị Thủy, chúng tôi ghé thăm phòng trọ đối diện có hai CN nữ và hai CN nam đang sống chung. Thấy chúng tôi, họ tỏ ra e dè, ngại ngùng. Bất đắc dĩ, hai nữ CN ra tiếp chúng tôi, còn hai nam CN thì vội lên gác “trốn mất”. Sau một lúc trò chuyện, chúng tôi mới biết được họ là hai chị em ruột, tên H. và L., cùng làm CN may trong KCN Bình Đường. Cả hai né tránh mọi câu hỏi về hai bạn nam cùng phòng, chỉ cho biết là anh em họ. Khi chúng tôi hỏi thẳng, H. trả lời ấp úng: “Không phải đâu chị, tụi em là anh em họ nên rủ về sống chung cho tiết kiệm chi phí”.

“Thấy người lạ nên họ nói vậy thôi, chứ ở dãy trọ này ai cũng biết họ sống, sinh hoạt như vợ chồng”- chị Thủy xác nhận. Giống như H. và L., chị M., CN Công ty Phú Hà (quận 12 – TPHCM), cũng tập tành “làm vợ”. Chị M. và người yêu tên D. ở cùng quê Nghệ An. Cuộc sống nơi đất khách quê người thiếu thốn tình cảm đã kéo hai bạn trẻ đến gần nhau hơn. Ở cùng dãy trọ nhưng ban đầu sợ mọi người dị nghị nên mỗi người ở một phòng. Dần dà, đôi bạn trẻ quyết định sống với nhau như vợ chồng.

Muôn vàn lý do

Các phương tiện truyền thông, các buổi tư vấn nói nhiều đến chuyện sống thử nhưng với CN điều này dường như không có tác dụng nhiều. Đến xóm trọ ở hẻm 120 Quốc lộ 1K, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức - TPHCM, dãy nhà có 10 phòng trọ thì có 2 cặp vợ chồng, 7 phòng của các cô gái độc thân và một cặp sống thử. Phải chờ rất lâu, cặp vợ chồng sống thử này mới về phòng trọ vì phải tăng ca. L., hiện đang làm CN tại KCX Linh Trung 1, thật thà: “Tụi em yêu nhau trước sau gì cũng cưới nên dọn về ở chung cho tiện”. Tiện lợi, tiết kiệm, có thể đưa đón nhau đi làm, ở bên nhau suốt ngày… được nhiều CN đưa ra để viện dẫn cho lý do sống thử. T., người sống cùng L., cho biết: “Cơm hàng, cháo chợ hoài cũng ngán lại tốn kém, thôi cứ sống chung để có người cơm nước, giặt giũ”. Khi chúng tôi hỏi: “Thế anh chị định bao giờ cưới?”, T. ậm ừ: “Để có đám cưới phải tốn tiền tiệc, tiền xe, tiền ăn cho các cụ ở quê vào… Bao nhiêu thứ cũng tốn vài chục triệu đồng. Cưới xong rồi thì ngập nợ. Thôi, sống như vầy phải khỏe hơn không?”.

Rời khu trọ Linh Xuân, chúng tôi tìm đến dãy trọ gần chợ Phước Long (phường Phước Long B, quận 9 - TPHCM). Khu trọ khá rộng với 3 dãy phòng gần 70 phòng trọ, chủ yếu là cho CN và sinh viên ở thuê, trong đó có nhiều cặp vợ chồng sống thử. Bà Uông Thị Kim Chung, chủ nhà trọ, cũng xác nhận trong dãy trọ có nhiều đôi CN sống thử. Bà Chung cho biết: “Chuyện sống chung bây giờ tràn lan rồi. Ở chỗ tôi cũng có nhiều cặp CN sống thử nhưng vì họ luôn tuân theo nội quy nhà trọ nên tôi cũng chẳng có cớ gì để ngăn cấm”.

Còn bà Nguyễn Thị Mỹ, chủ nhà trọ số 60/4N Tiến Lan, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn - TPHCM, cho biết: “Do ít phòng trọ và sợ cảnh chung chạ lộn xộn nên tôi chỉ cho các CN còn độc thân thuê. Tuy vậy, cũng khó kiểm soát được trong những dịp lễ, Tết khi cả gia đình tôi về quê thì nhiều CN cũng đưa bạn trai vào phòng trọ. Nếu tôi bắt gặp thì các cô nói là anh, em họ đến chơi. Vậy mà ở thùng rác chung thỉnh thoảng tôi thấy có bao cao su, que thử thai”. Lan, CN Công ty Domax - KCX Linh Trung 1, nhận xét: “Trước đây, giờ nghỉ trưa các chị thường bàn nhau chuyện giá cả, con cái, nay chuyển qua chuyện quan hệ nam nữ, chuyện tránh thai. Và đặc biệt, tham gia các cuộc rỉ rả này có nhiều cô chưa chồng”.

Khoảng 90 công nhân phá thai hằng tháng

Số liệu từ Phòng khám và Tư vấn sức khỏe sinh sản Marie Stopes International Việt Nam (MSIVN) Chi nhánh tại Bình Dương (số 1B/19 đường số 18, khu phố Thống Nhất 1, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho thấy tỉ lệ nạo phá thai trong CN hiện nay đã đến mức báo động. Bà Nguyễn Thị Phương Ái, phó giám đốc phòng khám này, cho biết trong năm 2011, bình quân mỗi tháng có khoảng hơn 100 ca đến xin nạo phá thai, trong đó khoảng 90% là nữ CN làm việc tại tại KCN Sóng Thần và KCX Linh Trung 1.


Theo Người Lao Động