Báo động nạo phá thai vị thành niên (kỳ 2)

Hài nhi về đâu?


(GĐVN)
Trung bình mỗi ngày ở các bệnh viện Phụ sản thực hiện từ 40 - 60 ca nạo phá thai, đặc biệt những tháng sau dịp nghỉ tết con số này còn tăng lên gấp đôi. Mấy ai trong số những người đi phá thai ấy lưu tâm đến việc những hài nhi xấu số bị nạo phá sẽ được chuyển đi đâu?...


Có không ít hài nhi bị chối bỏ quyền làm người.
Ảnh minh họa

Sinh linh xấu số

Trước khi thực hiện bài viết này, tôi được nghe không ít câu chuyện về những phụ nữ đi phá thai, chối bỏ quyền làm mẹ. Ít ai biết được, sau những ca phá thai các sinh linh bé bỏng ấy sẽ được đưa đi đâu. Có người bảo, các sinh linh chưa thành hình nên sau khi các bác sỹ làm thủ thuật hút ra sẽ vứt vào thùng rác. Có ý kiến khác lại cho rằng, các sinh linh đó được đưa đi chôn cất cẩn thận. Vậy thực chất những hài nhi khi bị người mẹ chối bỏ quyền sống sẽ như thế nào? Xuất phát từ trăn trở đó, chúng tôi tìm đến không ít Bệnh viện Phụ sản, phòng khám, trung tâm chuyên về nạo phá thai tìm hiểu.

Địa chỉ đầu tiên chúng tôi tìm đến là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Đây cũng được coi là nơi có số người đến khám, phá thai khá nhiều. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết, mỗi ca nạo phá thai, các sinh linh sẽ được đưa vào nhà xác bệnh viện và có người trông coi cẩn thận. “Thời gian để các bé nằm trong quan tài không nhiều. Chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ là có xe của bệnh viện đến chở đi chỗ khác chôn” - Ông Nguyễn Văn Phú, người trông coi nhà xác tại bệnh viện cho hay. Theo lời giới thiệu, ông Phú, là cựu thanh niên xung phong, khi trở về địa phương, ông vào trông coi nhà xác bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Nhà ở cách bệnh viện không xa, nhưng ít khi ông ở nhà. Thời gian chủ yếu ông sống và sinh hoạt ngay tại nhà xác để trông coi thi hài các bé. Ông Phú bảo, đối với những hài nhi đã thành hình, thai to trước khi đưa đi, tôi thường tắm rửa, hương khói cẩn thận.

Tôi hỏi ông Phú: “Mỗi ngày nhận nhiều hài nhi thế, có bao giờ bà mẹ nào đến thăm không?”, ông nhìn tôi nói: “Chẳng có ai đến thăm đâu! Phá thai xong, những bà mẹ đi thẳng một mạch, không hề biết cái thai của mình được bỏ ở đâu”. Nói rồi, ông Phú chỉ tay vào nơi đặt quan tài, xót xa: “Thật khổ cho các cháu, chưa thành hình đã phải lìa bỏ cõi đời, chịu lạnh lẽo không người hương khói”.

Ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, sau khi xảy ra sự việc bắt cóc trẻ con xảy ra, ở bệnh viện này kiểm soát ra vào rất ngặt. Ngay cả những đứa trẻ đẻ non, không nuôi được, sản phụ phải làm giấy xin bảo lãnh mới được đưa về. Anh Ngô Văn Hải, người trong coi nhà xác cho biết: “Từ tết tới giờ số lượng hài nhi được chuyển ra đây tăng lên đột biến. Nhiều ca thai nhi đã thành hình nhìn rất thương tâm. Để các cháu ở những nơi hiu quạnh, không tiếng khóc, không người thân rất tội nghiệp. Tôi chỉ mong sao, mỗi đứa trẻ đều có quyền làm người, có quyền sống như bao người khác”. 


Ở đó tình người rất cao cả

Ở các bệnh viện Phụ sản là vậy, nhưng ở các trung tâm, phòng khám y tế khác thì sao? Gặp nhiều y tá, họ cho rằng, trước đây phần lớn các thai nhi khi nạo ra toàn vứt vào thùng rác. Giờ thì khác, khi thực hiện ca nào đều bỏ vào hộp dụng cụ y tế, gói cẩn thận cuối ngày có người đến lấy đưa đi chôn cất. Chúng tôi có mặt tại tỉnh Hà Nam, nơi cách thành phố Hà Nội hơn 50km, đây cũng là nơi khá nổi tiếng với ngôi làng chữa bệnh vô sinh. Chỉ khi đặt chân đến đây, nhiều người mới bảo, các hài nhi ở tỉnh lẻ được chăm sóc khá cẩn thận. Riêng Hà Nam có cả nhóm thiền nguyện, bảo vệ sự sống chuyên đi thu gom các hài nhi về chôn cất ở nghĩa trang.

Chị Trần Thị Xuân, một thành viên trong nhóm bảo vệ sự sống ở Bình Lục, Hà Nam cho biết, thời gian gần đây ngày nào cũng có đến hàng chục hài nhi được đưa về nghĩa trang Hòa Mục (xã Đồn Xá, Bình Lục, Hà Nam) chôn cất. Có những em mới chỉ 2 tháng, 3 tháng… thậm chí có những em đã 7, 8 tháng. Theo chị Xuân xuất phát từ tình yêu thương, nhóm bảo vệ sự sống của chị đã đồng hành làm công việc thầm lặng này suốt 3 năm qua và đã gom khoảng 6.000 hài nhi từ mọi nơi về chôn cất. “Chúng tôi làm việc này chỉ chung một nguyện ước, mong sao cho các em có một nơi yên nghỉ đàng hoàng, xứng đáng với kiếp người. Tôi chỉ mong rằng mỗi chúng ta nhất là các bạn trẻ cần có ý thức, thái độ sống đúng mức, tìm hiểu kiến thức về bảo vệ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để có những hiểu biết nhất định khi bước vào tình yêu đôi lứa, tránh tối đa sự mang thai ngoài ý muốn để dẫn đến tình trạng đáng tiếc và đau lòng này” - Chị Xuân cho hay.

Nhiều hệ lụy bi thương

Xung quanh vấn đề nạo phá thai còn có rất nhiều câu chuyện đáng buồn. Có những phụ nữ phá thai dẫn tới vô sinh nhưng vì hạnh phúc gia đình, đổ lỗi chuyện đó cho chồng. Không ít ông chồng đi chữa vô sinh mà không hay biết chính người vợ sau những lần phá thai họ đã mãi mãi mất đi thiên chức làm mẹ. Cứ thế nhiều đôi vợ chồng lặn lội khắp nơi tìm kiếm phương pháp cứu chữa hi vọng có đứa con cho mình. Tuy nhiên, việc điều trị vô sinh là một kỹ thuật cao, đòi hỏi sự hỗ trợ không nhỏ của khoa học và thiết bị hiện đại. Việc quyết định phương pháp điều trị cần phải được cân nhắc một cách thận trọng.

Hiện có rất nhiều em gái ở tuổi vị thành niên “lỡ làng” đã đến các cơ sở phá thai lậu và hậu quả là khi chạm mặt tử thần được gia đình đưa đến bệnh viện hay các trung tâm chuyên ngành. Cách đây không lâu, câu chuyện của em Nguyễn Thị Ngọc L. học tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên bị chết khi đi phá thai gây không ít xôn xao dư luận. Cái chết của L đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với những bạn trẻ sinh hoạt tình dục, nhưng lại không có sự hiểu biết cần thiết về an toàn tình dục. Hiện nay nhiều bạn trẻ coi việc phá thai như một giải pháp tối ưu để giải quyết sự không muốn có, nhưng việc này là cực kỳ nguy hại đến tính mạng và sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Kết thúc bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến những người phụ nữ đặc biệt các em ở tuổi vị thành niên rằng, mỗi giọt máu là một sinh linh bé bỏng, quyền làm người phải được tôn trọng, chớ để những “giọt máu vàng” lặng lẽ bị chôn vùi nơi đâu đó. Mong cho những hài nhi xấu số ngày một ít đi!


Hoàng Vững
Theo giadinhvn

Tiếng thai nhi: Ôi Yêsu lòng Chúa xót thương!

Sài Gòn – Theo cha Lê Quang Uy, mỗi năm có khoảng 3 triệu thai nhi bị phá tại các bệnh viện của Việt Nam. Các bác sĩ là những người cứu chữa bệnh đã trở thành các đao phủ?

Cha Giuse lê Quang Uy là ngưởi có nhiều tâm huyết về hoạt động bảo vệ sự sống. Hôm nay, ngày cầu nguyện cho Công lý và Hoà bình, DCCT chọn chủ đề về Bảo vệ sự sống. Đây là vấn đề cốt lõi xây dựng nhân cách dân tộc Việt, và chuẩn bị lương tâm trong sáng, thánh thiện cho các thế hệ tương lai. Cha Uy được mời giảng thuyết.

Sau đây kính mời anh chị em cùng lắng nghe bài chia sẻ của cha Uy.


Nguồn: VRNs

Tường thuật thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hoà bình cuối tháng 3

VRNs (26.03.2012) - Sài Gòn - Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý hoà bình tối Chúa Nhật cuối tháng 3 không chỉ cầu nguyện cho dân oan, những người bị bách hại, những người bị chiếm mất đất và hoặc không đền bù thỏa đáng tiền giải tỏa đất đai mà đặc biệt còn cầu nguyện cho các thai nhi và cùng các thánh anh hài hiệp thông cầu nguyện cho các bậc cha mẹ và cộng đồng không còn vô tâm, vô cảm giết chết thai nhi từ trong lòng mẹ của chúng.

Vào lúc 19 giờ 45 phút tối Chúa Nhật ngày 25/03/2012, Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý hoà bình tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, DCCT Sài Gòn do cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh DCCT, cha Lê Quang Uy, phó xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn giảng lễ cùng đồng tế với cha Giuse Đinh Hữu Thoại, cha Antôn Lê Ngọc Thanh, cha Stêphanô Chân Tín và đông đảo giáo dân và người tôn giáo bạn cùng các anh công an, an ninh chìm nổi hiệp thông cầu nguyện cách sốt mến và đầy cảm động.

Các bạn trẻ Fiat đang đón hài cốt các thai nhi xuống nhà thờ

Thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình lần này bắt đầu sớm hơn ngày thường 15 phút, tức bắt đầu từ 19 giờ 45 phút và kết thúc vào 21 giờ 50 phút, gồm có các phần:

- Chiếu clips video về các nghĩa trang đồng nhi và các công việc âm thầm của các cộng tác viên BVSS tại Lâm Đồng, Đà Lạt, Nha Trang và lăng Anh Hài DCCT Sài Gòn do Cha Lê Quang Uy thuyết minh, giải thích.

- Cha Giuse Đinh Hữu Thoại hướng dẫn ý lễ cầu nguyện.

- Các bạn nhóm Fiat rước 3.000 hài cốt thai nhi trong 15 viên gạch lên cung Thánh.

- Nghi thức phụng vụ Thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình.

- Đoàn rước kiệu 3.000 hài cốt thai nhi trong 15 viên gạch ra hang đá Đức Mẹ cầu nguyện.

Cộng đoàn xem các video clip về Bảo vệ sư sống

Trong bài giảng lễ, cha Lê Quang Uy, phó xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn, chia sẻ với cộng đoàn: “vì hôm nay là ngày cầu nguyện cho các thai nhi nên có rất nhiều người đến xin lễ cho các em, các cháu nhỏ. Mọi người cứ nghĩ rằng chúng ta xin lễ là cầu nguyện cho các cháu nhỏ là các thai nhi được Chúa tha tội, được trở về sống trên nước Thiên đàng. Các thai nhi là những vị thánh ngay sau khi chết đi, các cháu đã về nước trời rồi, các cháu làm gì có tội mà phải bị ở đâu đó trong luyện ngục? Chúng ta đang hiện diện ở đây không phải cầu nguyện cho các thai nhi mà chính các thai nhi đang hiệp thông cùng cộng đoàn cầu nguyện cho chính chúng ta, các bậc làm cha làm mẹ, là ông bà, là người thân trong gia đình đã không chấp nhận sự có mặt của con em mình lẽ ra nó phải được làm người, lẽ ra nó phải được sống như tất cả chúng ta. Chúng ta là cha là mẹ, là những người thân yêu nhất đã đang tâm giết chết con mình khi nó còn trong lòng mẹ, là nơi an toàn nhất nhưng xem ra lại là nơi nguy hiểm nhất… Hiện diện trên cung Thánh là 15 viên gạch, trong mỗi viên gạch có khoảng 250 cháu được hỏa táng và gói ghém kỹ lưỡng để vào trong và đậy kín bằng nắp nhựa composite, tức có khoảng 3.000 sinh linh nhỏ bé bị cướp mất sự sống quý báu mà nhóm BVSS gom từ các bệnh viện và các cơ sở phá thai từ đầu tháng ba đến ngày hôm qua. Sư có mặt của các cháu ở đây ngày hôm nay không phải là sự khoa trương hay biểu diễn mà chính là cách đánh động lương tâm đã ngủ quên của chúng ta về tội lỗi cướp mất sự sống của các sinh linh bé bỏng là chính máu thịt của mình…”.

Ngày nay, việc phá thai không còn là việc của các cô gái lầm lỡ, các em sinh viên lỡ dại trao thân cho các gã họ Sở nữa mà nhiều trường hợp là chính các cặp vợ chồng hợp pháp đã bị các bác sĩ phụ sản “cố vấn” để bỏ thai vì cho rằng các thai nhi có thể nhiễm các căn bệnh quái ác này nọ nhằm mục đích đạt kết quả kế hoạch hóa gia đình theo chính sách của đảng và nhà nước bày ra. Những tràng vỗ tay vui mừng hoan hỉ sau lời chứng của hai vợ chồng trẻ bế cháu Maria Giêrađô Thiên Thư lên cung thánh làm chứng về cháu bé vẫn sống bình an, khỏe mạnh tới ngày hôm nay, không bị bệnh gì dù trước đây bác sĩ và đồng nhiệp, bạn bè khuyên nên bỏ thai vì chị bị nhiễm bệnh Rubella. Chị chia sẻ rằng: “giữ lấy con của mình”, đừng tin lời thế gian mà từ chối sự sống của thai nhi dù trong hoàn cảnh nào, “hãy tín thác vào Chúa thì Chúa sẽ làm mọi việc cho mình”.

Cha Lê Quang Uy và gia đình làm chứng về BVSS

Trong các đoạn video clip chiếu trên màn vải trắng lớn căng ngang cung Thánh, cộng đoàn dân Chúa được tận mắt nhìn thấy các xác thai nhi là những hình hài chưa đầy đủ nhỏ như ngón tay cái nhưng đã ra dáng một con người, ba cháu nằm gọn trong lòng một góc của bàn tay con người. Đó là những cái xác không còn sự sống nhưng các cháu như đang ngủ, vẫn hồng hào vì vốn các cháu hãy còn là hòn máu nhỏ mà thôi.

Các cánh đồng nhi với những phần mộ nho nhỏ dày đặc, kéo dài như bất tận trong nghĩa trang. Có nghĩa trang đã hơn 50.000 thai nhi, mỗi ngôi mộ chứa từ vài chục đến cả trăm cháu là chuyện thường dù việc thành lập nhóm BVSS nơi đó chưa đầy 4 năm. Song, có nơi chính quyền không cho các linh mục, các tu sĩ và giáo dân là các thành viên BVSS tiếp tục chôn các cháu nữa, đập bỏ các ngôi mộ trống làm sẵn để chôn các cháu nên đành hỏa thiêu rồi đem tro cốt đựng trong các lon nhựa về chất đầy tủ lớn, mong rằng một ngày nào đó các cháu sẽ được an táng vào lòng đất khi có thể. Cách thức hỏa thiêu cũng làm bằng phương pháp thủ công thật đơn giản bằng cách rải một lớp mạt cưa mỏng lên chảo lớn rồi trút toàn bộ thai nhi từ bao xốp đen vào chảo rồi cho lớp mạc cưa lên trên, cho thêm dầu và đốt. Khi chảo chứa thai nhi được quay hình cận cảnh, có cả trăm cháu nhỏ to không đều nhau, lúc nhúc đặc quánh trong chảo với màu đỏ tai tái, hình thù không cháu nào giống cháu nào tựa hồ cả trăm người cùng được thiêu tập thể trong ngọn lửa bùng cao hơn nửa mét. Bất giác cảm giác rùng mình chạy dọc sống lưng, một cảm giác ớn lạnh, buồn nôn chiếm lấy tôi nhưng tôi không thể khóc cũng không thể nôn, từng hơi dập dồn thở ra, tôi phải đấm ngực cho đỡ vì vừa thương cảm, vừa cảm thấy cái nhẫn tâm của con người sao quá lớn.

Thánh lễ có sự hiện diện của các thai nhi cùng cầu nguyện cho cha mẹ

Hình ảnh các cộng tác viên BVSS âm thầm đến các bệnh viện, các cơ sở phụ sản gom các hài nhi được đựng trong các túi nylon để ở một góc quy định trước cổng rồi âm thầm về cầu nguyện, an táng cho các cháu theo điều kiện mỗi nơi, nhưng tấm lòng của họ đều giống nhau đến lạ lùng. Được biết, Paulus Lê Sơn cũng là một trong các thanh niên công giáo làm công tác BVSS tại Hà Nội cách hăng say nhưng đã bị bắt giam oan sai đến nay nhiều tháng vẫn chưa được trả tự do, cũng không được đưa ra xét xử minh bạch.

Thánh lễ hôm nay rất đông người tham dự

Những ngọn nến là những lời cầu xin và cũng là những lời tạ tội

Riêng lăng Thánh Anh Hài DCCT Sài Gòn đã có khoảng 350.000 thai nhi được gom từ 10 năm nay đã hỏa thiêu và để tro cốt các cháu trong từng viên gạch để xây lăng gồm ba bức vách tạo thành hình chữ U. Và việc gom xác thai nhi vẫn tiếp được nhóm BVSS DCCT Sài Gòn âm thầm làm hằng ngày, có ngày gom khoảng 150 cháu nhưng có những ngày là thời điểm nóng thì số thai nhi này cũng lên đến 500 – 600 cháu. Tuy nhiên, không phải lúc nào các thai nhi cũng là những cháu dưới 3 tháng mà có những cháu đã 7-8 tháng tuổi, cái tuổi mà các cháu có thể hít thở khí trời và sống an lành như hàng tỷ con người trên trái đất.

Thắp nén hương cho các thai nhi, nhờ các thai nhi chuyển cầu.

Những ngọn nến bùng sáng lên trên tay mỗi người như ánh sáng thần khí Chúa soi rọi đến tận nơi sâu thẳm của từng con người, từng ngóc ngách tối đen tội lỗi để ban ơn sám hối, ăn năn và thật tâm xin lỗi các thánh anh hài, “xin lỗi con vì cha mẹ đã bỏ con”. Những lời cầu nguyện thiết tha vang lên như nối kết hơn 2.000 người của cộng đoàn dân Chúa nơi đây lại với nhau, như vòng tay lớn thành tâm nhận ra lỗi lầm của mình đã trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho tội ác phá thai, hủy hoại sự sống thiêng liêng, quý báu của các sinh linh hài nhi bé bỏng.

Nguyễn Quân TT, VRNs

Ảnh: Antôn Lê, Giêra Công Trứ, Hiệp Hòa, H.Ân, VRNs

Theo chuacuuthe

Yêu là sex?

“Vừa ngủ với em xong”. “Vào nhà nghỉ rồi”… Là những câu nói cửa miệng của không ít bạn trẻ đang yêu. Thậm chí vào những ngày lễ như 14/2, 8/3, nhiều bạn trẻ còn lên kế hoạch sẽ trao thân cho người yêu để có một ngày lễ đáng nhớ! Nhưng, sex có phải là tất cả của tình yêu?


Thảm họa yêu là dâng hiến!

Theo một báo cáo của UNICEF năm 2011, ở Việt Nam trong khi độ tuổi kết hôn tăng lên, thì độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục (QHTD) của thanh niên lại giảm nhanh, hiện nay là khoảng 18 tuổi.

Theo báo cáo này, có tới gần 10% thanh niên trong độ tuổi 15-24 đã kết hôn cho biết, họ có QHTD trước hôn nhân. Tỷ lệ nạo phá thai ở vị thành niên cũng chiếm tỷ lệ cao trong số các ca phá thai thời gian gần đây. 

Chưa có bao giờ quan niệm sex trong tình yêu giới trẻ lại dễ dãi như trong thời điểm này. Hiện tại, trai gái hễ yêu nhau là lên giường, mà đã lên giường thì quay clip (để lưu giữ hình ảnh, để tăng khoái cảm...). Các bạn sinh viên thậm chí còn chọn luôn ký túc xá để quan hệ tình dục với người yêu, và coi đó là điều đương nhiên. Chẳng riêng gì thanh niên mà rất nhiều người của công chúng cũng nhiều phen khốn khó vì clip phòng the của mình được công bố rộng rãi.

Trên nhiều diễn đàn xã hội, nhiều bạn trẻ chia sẻ, bây giờ, nhiều cô gái chỉ cần nhận lời yêu là đã đồng ý quan hệ tình dục được ngay. Thậm chí, cũng chẳng cần đến lời yêu. Thích nhau, hẹn hò với nhau, một nụ hôn, vài cái vuốt ve, rồi cứ thế chuyện gì đến sẽ đến, không cần nhiều lời.

Chuyện yêu là phải quan hệ tình dục không phải là chuyện hiếm nữa trong giới trẻ.

Có thể nghe những lời khoe khoang chiến tích “làm thịt” những cô gái nhẹ dạ ở khắp mọi nơi. “Vừa ngủ với em xong”. “Vào nhà nghỉ rồi”… Là những câu nói cửa miệng của không ít bạn trẻ đang yêu. Thậm chí vào những ngày lễ như 14/2, 8/3, nhiều bạn trẻ còn lên kế hoạch sẽ trao thân cho người yêu để có một ngày lễ đáng nhớ!

Tại sao cứ phải sex khi yêu?

Mặc dù quan niệm khi yêu nhau họ sẵn sàng trao cho nhau tất cả những gì tốt đẹp nhất, không hề hối tiếc, nhưng một cuộc khảo sát nhỏ trên mạng về việc “Có nên quan hệ tình dục trước hôn nhân không?” lại cho một kết quả khá bất ngờ. 100% bạn đọc bỏ phiếu cho không.

Bởi theo lý giải, 10 cặp sống thử thì đến 9 cặp không lấy nhau. Còn những cặp không sống thử mà chỉ quan hệ tình dục trước hôn nhân thì tỉ lệ kết hôn sau đó cũng không cao hơn sống thử là mấy.

Nhưng, quan hệ tình dục có giúp cho mối quan hệ giữa nam và nữ có kết cục tốt đẹp thì không dễ trả lời.

Quan điểm của các "bậc tiền bối" thì cho rằng, khi mà con o­ng đã tỏ đường đi lối về, khi mà hai cá nhân nam, nữ chưa rằng buộc nhau bằng tờ đăng ký kết hôn thì không nói trước được điều gì. Và khi chia tay thì phần thiệt lại nghiêng về phụ nữ, bởi các anh chàng khi lấy vợ thì anh nào cũng muốn vợ phải còn trinh. “Vậy ta có nên sung sướng một lúc và đau khổ dài lâu không?”, một bạn chia sẻ quan điểm.

Có một thực tế mà rất ít bạn gái để ý khi sẵn sàng trao thân cho người yêu là việc khi đã gật đầu trao thân cho người yêu,cũng đồng nghĩa luôn với việc nhiều chàng trai liền sinh nghi ngờ vì sự dễ dàng của bạn gái. Bên cạnh đó,có rất nhiều trường hợp"quất ngựa truy phong" sau khi đã chiếm đoạt được cái ngàn vàng.

Theo chuyên gia tâm lý tình yêu, giới tính, hôn nhân, khi nam và nữ khi yêu đúng khó tránh khỏi những va chạm khiến phát sinh "nhu cầu". Tuy nhiên, người trong cuộc lúc này, đặc biệt là các bạn gái cần thật bình tĩnh để bày tỏ thái độ thẳng thắn với người yêu. Nếu xác định là mối quan hệ nghiêm túc, đối phương sẽ tự biết kìm chế cảm xúc và không nhất quyết "đòi hỏi".

Dẫu rằng, quan niệm yêu của giới trẻ ngày nay ngày một thoáng, nhưng các bạn gái cần lưu ý rằng không phải người đàn ông nào cũng dễ dàng chấp nhận việc vợ mình đã từng trao thân cho người yêu cũ. Bên cạnh việc khó chấp nhận không còn trinh của vợ/bạn gái, những cô gái nhẹ dạ tặc lưỡi yêu là sex còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sau này như việc ám ảnh tâm lý, khả năng có thai ngoài ý muốn, bệnh phụ khoa...


Nhật Lâm

Theo VnMedia

Một lần về mái ấm Tín Thác Bảo Lộc

Vượt hành trình hơn 100km từ Đà Lạt chúng tôi đến Lộc Thanh – Bảo Lộc, con đường không phải là dài so với những lần mà chúng tôi đã đi nhưng lại khiến chúng tôi phải quan tâm tìm hiểu nhiều ngày, và đã phải mất vài lần dừng lại hỏi thăm người dân dọc đường mới đến được nơi đó - mái ấm Tín Thác Lộc Thanh.

Đúng hai giờ chiều, chúng tôi đến được Mái ấm Tín Thác Lộc Thanh, một khu nhà khang trang sạch đẹp nằm giữa những vườn cà phê xanh tốt đang mùa kết trái. Một sơ ra đón chúng tôi. Không như những gì chúng tôi tưởng, phải có tiếng cười nói bi bô, tiếng khóc vì thiếu mẹ khát sữa, nhưng không phải vậy, mọi thứ thật yên tĩnh và êm đềm bởi các em vẫn đang say trong giấc ngủ ngon.

Mái ấm Tín Thác thuộc Thanh Xuân, Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc là cơ sở chăm sóc các trẻ em bị bỏ rơi và các bà mẹ đơn hành do các sơ MTG Đà Lạt phụ trách. Mái ấm hiện có 3 sơ và 8 chị chăm lo phục vụ. Nơi đây đang chăm nuôi khoảng 50 em nhỏ và một số các bà mẹ trẻ đơn hành, các em đều khoảng dưới 40 tháng tuổi. Đặc biệt có em khi chúng tôi đến mới được 4 ngày tuổi. Em trông thật xinh xắn và dễ thương, nhưng còn quá nhỏ để biết được khi em vừa mới chào đời chưa được một lần bàn tay người mẹ nâng niu thì mẹ đã bỏ em lại bệnh viện và ra đi. Các bác sĩ đã chăm sóc và đưa em đến mái ấm Tín Thác này. Vòng quanh các phòng thấy các em nằm ngủ bình yên và được canh chừng bởi một hoặc hai chị bên cạnh. Thế mới thấy hết được sự tận tâm phục vụ của các sơ và các chị nơi đây.Nhìn hình ảnh các em vừa ngủ vừa ôm ngậm bình sữa thật yên bình và dễ thương, nhưng cũng cảm thấy chạnh lòng xót xa cho số phận các em. Ở tuổi các em lẽ ra phải được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ và sự cưng nựng của cha. Chợt nghĩ bình sữa kia mà các em đang ôm hãy là vòng tay yêu thương và bầu sữa ngọt của mẹ,còn những vòng quay của cánh quạt điện kia hãy là những thao thức của cha cho các em có được những giấc ngủ mát lành...

Nhớ lại cách đây chưa đầy ba năm, khi Mái ấm chưa được thành lập, 7 em bị bỏ rơi được các sơ nhận về và gửi tại một số gia đình hàng xóm xung quanh nuôi giúp, các sơ hỗ trợ toàn bộ về mặt vật chất để chăm sóc các em. Nhận thấy nhu cầu cần thiết phải mở một mái ấm để thuận tiện cho việc chăm sóc các em nên sơ Thụy Hường (hiện là quản lý Mái ấm) đã trình bày mong ước trong việc bảo vệ sự sống với bề trên Dòng MTG Đà Lạt và Đức cha giáo phận lúc đó là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và rồi được các Ngài chấp thuận tạo điều kiện cho mở Mái ấm. Mái ấm được đặt tên là Tín Thác với niềm xác tín phó thác toàn bộ vào sự phù trợ của Thiên Chúa. Và như thế đêm đông Giáng sinh của Chúa Hài Đồng nơi Bêlem năm nào nay lại Giáng sinh trong đêm đông nơi Mái ấm Tín Thác như vậy – Đêm Giáng sinh 2009 Mái ấm Tín Thác ra đời.

Thời gian trôi qua đến nay chưa đầy ba năm nhưng con số các em được đưa về chăm sóc đã tăng lên gấp nhiều lần. Với sự Tín Thác vào Thiên Chúa, Mái ấm vẫn tiếp nhận tất cả các em để chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhưng với tâm niệm không mong con số này tăng lên và cũng không mong mái ấm mở rộng thêm, vì ước mong các em khi sinh ra phải được ở với cha mẹ và được lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ cha để các em có một sự phát triển toàn diện.

Cùng với việc chăm sóc các trẻ em tại Mái ấm Tín Thác, Sơ Thụy Hường cũng cộng tác với một số giáo dân trong công việc tìm kiếm và chôn cất các thai nhi bị bỏ rơi.

Rời Mái ấm Tín Thác và nghĩa trang đồng nhi mà trong lòng mỗi người chúng tôi không khỏi xúc động, suy tư, trăn trở về thực trạng trẻ em bị bỏ rơi và tình trạng nạo phá thai hiện nay. Thầm mong mỗi phôi thai được hình thành kia dù là kết quả của tình yêu hay vì một phút vui bốc đồng, đều được đón nhận chào đời bằng tình yêu và niềm vui như xưa Thánh Giuse đã đón nhận Mẹ Maria về nhà và Hài nhi Giêsu đã giáng sinh trong tình yêu, sự hân hoan và trông đợi của mọi người.


Dalat, 19/3/2012
Vp BAXH – Caritas Dalat ghi

Báo động nạo phá thai vị thành niên (kỳ 1)

Nỗi lòng những bà mẹ đưa con đi phá thai (*)


(GĐVN)
Nuôi bao kỳ vọng, hoài bão về tương lai tươi sáng cho đứa con gái đang tuổi lớn, nhưng rồi một ngày kỳ vọng ấy bỗng vỡ vụn khi các bà mẹ biết được con mình bị mang thai ngoài ý muốn.

Không ít bà mẹ đưa con đi phá thai. Ảnh PV

Nhiều bà mẹ kêu gào, khóc thét, nhiều bà mẹ chết lặng, nhưng biết làm thế nào để chối bỏ thực tế này?! Vì tương lai của con gái, họ đau đớn quyết định đưa con đến Bệnh viện Phụ sản phá thai với nỗi lòng trĩu nặng. Họ chỉ mong, con mình sớm được bác sỹ gọi vào “giải quyết” càng sớm càng tốt.

Khi nữ sinh cấp 2 đi "giải quyết hậu quả"

Ngày cuối tuần, chúng tôi có mặt tại phòng khám của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có khá đông người tập trung chờ đợi. Xen lẫn niềm vui của những ông bố, bà mẹ chuẩn bị đón con tuổi Rồng sinh ra thì có không ít phụ nữ đủ mọi lứa tuổi với khuôn mặt buồn bã đến đây từ bỏ cái thai trong bụng. Trong số đó có không ít em đang là học sinh cấp 2, cấp 3. Một y tá ở Bệnh viện Phụ Sản nói với tôi rằng, hôm nay cuối tuần số lượng học sinh đến khá đông. Đa phần các em bây giờ “thích” nhau một chút đã rủ nhau “đi đây đi đó”. Rồi vì thiếu hiểu biết về phòng tránh thai nên khi lỡ “kế hoạch” mới tá hỏa, lo lắng tìm đến đây “giải quyết”. Cô y tá chỉ ra hàng ghế chờ, tôi thấy không ít em còn mặc áo học sinh, với vẻ mặt “búng ra sữa” đang chờ đến lượt.

Theo thống kê mới nhất của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam thì Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên (từ 15-19 tuổi) cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Tính trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, nhiều em đã nạo hút thai nhiều lần. Nguyên nhân chủ yếu của việc nạo phá thai là do tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân, các em quan hệ tình dục khi chưa có những hiểu biết đầy đủ về chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng gia tăng. Đáng chú ý hơn là vị thành niên - thanh niên chiếm 22% số vụ nạo phá thai và đang trong xu hướng tăng.

Ngồi ngay cạnh cửa sổ, chốc chốc nhìn ra ngoài nhằm trách mặt mọi người, cô học sinh lớp 11 quê ở Ứng Hòa, Hà Nội đến giờ vẫn không biết cái thai trong bụng mình là của ai. Thoạt nhìn cô học trò rất phổng phao, xinh đẹp, ít ai đoán được em còn ít tuổi đến thế. Trong lúc con gái e dè, không muốn tiếp chuyện, mẹ em ngồi kế bên kể: “Mấy ngày trước thấy con bé cứ kêu đau bụng, có biểu hiện khác thường, tôi mới đưa đi khám. Không ngờ bác sỹ bảo cháu đã có thai. Tôi nghe tin ấy như sét đánh ngang tai. Tôi tự hỏi, con tôi mới lớn, chưa có người yêu, chưa có chồng, ai làm nó ra nông nỗi này”. Thương con bà mẹ bật khóc. Chúng tôi chưa kịp hỏi ai đã gây ra hậu quả thì bà mẹ kể tiếp: “Tết vừa rồi bạn bè nó tổ chức liên hoan, nghe đâu nó uống mấy chén rượu, say lúc nào không biết. Sáng ra nó về, tôi thấy vẫn bình thường. Đến khi xảy ra sự việc nó bảo chỉ có ngày hôm đó, ai làm gì nó cũng không biết. Rõ khổ! Con bé đang là học sinh”.

Nghe mẹ kể câu chuyện của mình, cô bé không nói được gì. Tôi biết với em lúc này hẳn chứa đựng một nỗi đau rất lớn về tinh thần lẫn thể xác. Nỗi đau “xé nát” tim gan của một đứa trẻ ngây thơ non nớt khiến tôi không ít thương cảm cho em. Dù ở trường hợp nào, nhưng tôi hiểu rằng, em đang mong muốn sớm được “giải quyết” cái thai trong bụng để trở về với cuộc sống đời thường.

Trường hợp của em Nguyễn Thị Thanh H. (15 tuổi), ở huyện Gia Lâm, Hà Nội đã khiến tôi day dứt. H. là cô học trò nghèo của một trường PTCS. Cách đây không lâu H. bị một cụ ông trong làng dụ dỗ, hãm hiếp. Chỉ vì sợ mọi người biết chuyện, H. chẳng dám nói cho ai biết. Đến khi thấy người “béo” ra và có biểu hiện khác thường, nhiều người đoán già, đoán non thì H. đâm ra hoảng loạn. Khi biết sự việc mẹ H. dẫn đi khám và tá hỏa phát hiện con mình “dính bầu” gần 3 tháng. Gia đình vặn hỏi, truy lùng “sản phẩm” thì H. mới thành thật thú nhận. Tôi hỏi H. “Chuyện lớn như vậy, sao em giấu cả bố mẹ”. H. trầm tư trả lời: “Nếu em nói ra bố mẹ đánh chết. Bạn bè biết cũng sẽ cười em nữa. Em mới học cấp 2 mà”…

Theo một cán bộ Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì trong những ngày đầu năm Nhâm Thìn số lượng người đến bệnh viện nạo phá thai rất nhiều. Để chứng minh lời mình nói, bác sỹ này đã lấy ra một tập hồ sơ dày cộm có ghi đầy đủ tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại. Theo hồ sơ có rất nhiều ca các em đang là học sinh, sinh viên…

Vì đâu nên nỗi...?

Tiếp xúc với hàng chục bệnh nhân tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn một số em đang ngồi chờ được "giải quyết. Khi được hỏi các em đã rất hồn nhiên trả lời, xin được trích lại: “Vì sao em lại có thai?” - “Em cũng không biết nữa, tại em không để ý”; “Em muốn bỏ cái thai thật không?” - “Em còn đi học, sợ bạn bè cười nên em phải bỏ!”; “Em có sợ bố mẹ đánh không?” - “Em có”. “Trong lúc này em mong muốn điều gì nhất?” - “Em mong sớm được khỏe mạnh, đẩy được em bé ra ngoài”. “Về nhà em sẽ làm gì?” - “Em sẽ tập trung học để thi lên cấp 3”.

Nhiều câu hỏi như thế được nhiều em không ngại ngùng trả lời vanh vách như chẳng có chuyện gì xảy ra. Riêng có em tên Liên ở Vĩnh Phúc khi nghe tôi hỏi về gia đình, em đã bật khóc. Tiếng khóc của em khiến nhiều người để ý, thương cảm. Hóa ra, chính câu hỏi của tôi đã chạm vào nỗi đau của em. Liên được sinh ra trong một gia đình rất cơ cực. Lớn lên không bao lâu thì bố Liên bị ung thư qua đời, mẹ đi vào Nam kiếm sống. Từ đó Liên được ông bà nội đưa về nuôi nấng. Thế nhưng, ai ngờ được sau một lần đi cắt cỏ Liên bị một nhóm thanh niên hãm hiếp đến có thai. Ngồi vỗ về bên đứa con mới bước sang tuổi 16, mẹ Liên nói rằng: “Tại tôi con nó mới vậy. Bây giờ sự việc đã rồi tôi mong rằng cháu sẽ được bình an, học hành thật tốt”.

Nghe lời chia sẻ, Liên chạy lại ôm chầm lấy mẹ. Hai mẹ con ôm nhau khóc ròng. Thật thương cảm cho nỗi lòng người mẹ khi đưa con đi phá thai! 

Còn tiếp...

Hoàng Vững


Theo giadinhvn

----------------
(*)
Khi đăng lại bài báo trên đây, chúng tôi chỉ muốn nêu lên 1
thực trạng. Quand điểm của những nhân vật trong bài phóng sự trên không phải là quan điểm của Giáo Hội cũng như của blog này.
BVSS

Bảo vệ sự sống

Ephata xin trích ra nguyên văn một phần trong tác phẩm “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của Đức cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II có đề cập đến vấn đề BẢO VỆ SỰ SỐNG CON NGƯỜI. Thật ra vấn đề này đã từng được Giáo Hội tuyên bố ngay từ Thông Điệp về Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) của Đức Phao-lô VI, cũng như từ Thông Điệp về Tin Mừng Sự Sống (Evangelium Vitae) của chính Đức Gio-an Phao-lô II. Và chắc chắn đây chính là lập trường dứt khoát của Giáo Hội về vấn đề Ngừa Thai và Phá Thai...
*
*     *

“Nổi bật nhất trong các quyền con người đang”gây khó chịu” mà cha đã đề cập ở trên, rõ ràng là quyền được sống; vì quyền sống này phải được bảo vệ ngay từ lúc mới thụ thai. Đó là đề tài thường được nêu lên trong giáo huấn của cha với tất cả khía cạnh bi thảm của vấn đề. Cha không ngừng lên án mọi hình thức nhằm hợp pháp hóa việc phá thai. Thế nhưng, một số dư luận trong giới chính trị cũng như văn hóa lại cho rằng cha đang bị vấn đề này “ám ảnh”. Theo họ, những nhà “nhân bản chân chính” là những người chủ trương ngăn chặn việc mang thai một cách tự nguyện, an toàn và hợp pháp.

Đối với con người, quyền căn bản nhất chính là quyền được sống ! Ấy thế mà một bộ phận trong nền văn hóa ngày nay đã muốn chối bỏ cái quyền căn bản cần được bảo vệ này, và cho đó là một thứ quyền “gây phiền phức”. Thế nhưng, không có một thứ quyền nào khác trực tiếp chi phối sự sinh tồn của một nhân vị cho bằng quyền sống ! Quyền sống bao gồm quyền được sinh ra và được sống cho đến khi chết một cách tự nhiên: “Bao giờ tôi còn sống tôi còn có quyền được sống”.

Vấn đề sự sống của một thai nhi chưa chào đời là một vấn đề đặc biệt tế nhị. Nhưng giải đáp cho vấn đề lại quá rõ ràng ! Hợp pháp hóa việc chặn đứng sự mang thai không có gì khác hơn là cho phép người lớn, với sự bảo đảm của luật pháp, cướp đi mạng sống của một hài nhi chưa chào đời và đang cần được bảo vệ. Liệu còn có một bản án tử nào bất công hơn chăng ? Bảo vệ quyền sống của một sinh mạng vô tội và không có khả năng tự vệ là mệnh lệnh căn bản của một lương tri ngay thẳng. Như thế mà gọi đó là “nỗi ám ảnh” của ông Giáo Hoàng sao ?

Người ta thường nhân danh quyền tự do lựa chọn của người phụ nữ đối với sinh mạng mà họ đang cưu mang. Người phụ nữ phải có quyền lựa chọn giữa việc cho phép hài nhi chào đời hay cướp đi sinh mạng của thai nhi. Mọi người đều nhận thấy đây chỉ là một sự ngụy trang dưới danh từ “lựa chọn” ! Làm sao có thể nói đến sự tự do lựa chọn, khi một trong những điều lựa chọn ấy là một tội ác vi phạm luân thường, vi phạm giới răn “chớ giết người” một cách không thể chối cãi ?

Giới răn này có cho phép một sự miễn trừ nào không ? Câu trả lời dứt khoát là “Không”. Giả thuyết về một sự tự vệ chính đáng không bao giờ được nêu lên nhằm chống lại kẻ vô tội, nhưng chỉ được nêu ra để chống lại kẻ tấn công vô cớ mà thôi. Hơn nữa, sự tự vệ chính đáng cũng phải tôn trọng điều mà các nhà luân lý gọi là nguyên tắc tự vệ vô tội (principium inculpatae tutelae): Gọi là chính đáng, khi sự tự vệ được thực hiện bằng một phương cách ít gây thiệt hại nhất nếu có thể, chủ yếu là tránh gây tử thương cho kẻ tấn công.

Đây không phải là trường hợp của một hài nhi chưa chào đời. Một hài nhi trong bụng mẹ không bao giờ là một kẻ tấn công bất chính ! Thai nhi chỉ là một sinh mạng không có khả năng tự vệ, đang chờ đợi được đón nhận và che chở.

Trong lãnh vực này, chúng ta đang chứng kiến những thảm kịch thật sự của con người. Thường khi người phụ nữ là nạn nhân của lòng ích kỷ của nam giới. Người đàn ông đã góp phần vào sự hình thành một sinh mạng mới, lại không muốn lãnh nhận trách nhiệm, xem như thể chỉ có người phụ nữ là “kẻ lỗi lầm”. Vào lúc người phụ nữ cần đến sự nâng đỡ nhất, thì người đàn ông lại tỏ ra là kẻ ích kỷ bất chấp đạo lý. Họ lợi dụng tình cảm và sự yếu đuối của người phụ nữ, nhưng rồi lại ohủi bỏ mọi trách nhiệm về hành động mình đã làm. Đó là những thảm kịch được ghi nhận, không những tại Tòa Giải Tội, mà còn tại các tòa án trên toàn thế giới, kể cả các tòa án thiếu nhi, như thường xảy ra ngày nay.

Vì thế, cần phải cương quyết gạt bỏ cái tiêu đề “ủng hộ sự lựa chọn” (pro-choice) và can đảm công bố lập trường “ủng hộ phụ nữ” (pro-woman), có nghĩa là một sự lựa chọn thay vì quyền lợi của người phụ nữ. Thật vậy, chính người phụ nữ là kẻ phải trả giá đắt khi can đảm duy trì mạng sống của đứa con mình. Nhưng có lẽ họ còn phải trả giá đắt hơn, nếu họ quyết định cắt đứt sự sống của đứa con mà mình đang cưu mang.

Thái độ khả thi duy nhất trong trường hợp này là tình tương trợ yêu thương đối với những người phụ nữ mang thai. Chúng ta không được phép để họ đơn độc. Kinh nghiệm của nhiều nhà cố vấn cho thấy rằng tự thâm tâm, người phụ nữ thường không muốn hủy diệt mạng sống của hài nhi mà họ đang cưu mang. Nếu họ được khuyến khích trong tình cảm tự nhiên này, đồng thời được giúp đỡ thoát khỏi những áp lực của môi trường sống khắc nghiệt, thì họ thường tỏ ra can đảm chấp nhận hoàn cảnh. Đó là điều mà các nhà cố vấn và nhất là các người phụ trách những trung tâm đón tiếp các bà mẹ độc thân đã khẳng định.

Xem ra xã hội ngày càng có thái độ trưởng thành hơn trong chiều hướng này, dù cho những kẻ tự xưng là “ân nhân của nhân loại” đang hô hào giúp đỡ phụ nữ thoát khỏi những ràng buộc của thiên chức làm mẹ.

Ở đây, chúng ta đang đối diện với một lãnh vực vô cùng tế nhị, trên quan điểm nhân quyền cũng như trên quan điểm luân lý và mục vụ. Tất cả các khía cảnh này đều liên hệ mật thiết với nhau. Vì thế, cha luôn xác định các nguyên tắc này trong cuộc sống, cũng như trong khi thi hành sứ vụ của cha như một Linh Mục, một Giám Mục Giáo Phận, và sau cùng như kẻ kế vị Thánh Phê-rô, với tất cả trách nhiệm mà chức vụ đòi hỏi.

Cha cần phải nhắc lại: Cha minh nhiên bác bỏ tất cả những luận điệu cáo buộc hay nghi ngờ rằng Giáo Hoàng đang bị vấn đề này “ám ảnh” một cách nào đó. Đây là một vấn đề vô cùng hệ trọng, đòi hỏi chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm và sự cảnh giác cao độ. Trong lãnh vực này, chúng ta không thể giải quyết một cách tùy tiện, bởi vì làm như thế, sẽ đưa đến sự dẫm đạp lên nhân quyền, đưa đến sự chối bỏ không những các giá trị căn bản của đời sống từng cá nhân hay gia đình, mà còn cả những giá trị xã hội nữa. Phải chăng vì chính sự thật khốc liệt này mà xã hội chúng ta được mô tả như là một “nền văn minh chết chóc” ?

Dĩ nhiên, đối kháng lại “nền văn minh chết chóc” không có nghĩa là cứ để mặc cho dân số thế giới gia tăng một cách vô trách nhiệm. Các dữ kiện về mức độ gia tăng dân số phải được xem xét cẩn trọng. Đường lối thích hợp của Giáo Hội trong phạm vi này, là kêu gọi ý thức trách nhiệm của kẻ làm cha và làm mẹ.

Đó cũng là chiều hướng giảng dạy mà Giáo Hội đề ra trong các chương trình cố vấn về gia đình. Quan niệm này đặt nền tảng trên các định đề rằng: con người cần được yêu thương, rằng tình yêu hôn nhân chân chính luôn đi kèm với trách nhiệm, bởi vì không có tình yêu nào mà lại không đòi hỏi trách nhiệm. Vâng, ý thức trách nhiệm chính là nét đẹp của tình yêu. Và một khi được xây dựng trên trách nhiệm, tình yêu sẽ trở nên vô cùng phong phú.

Cha học được những điều này trong Thông Điệp về Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) của Đức Phao-lô VI, vị tiền nhiệm đáng kính của cha; và trước đó, cha cũng đã học hỏi nơi các bạn trẻ, những người đã, hoặc sắp lập gia đình, trong thời gian cha viết cuốn “Trách Nhiệm và Tình Yêu”.

Chính họ đã củng cố những học hỏi của cha trong lãnh vực này. Chính họ, trong tinh thần tương tự, đã tích cực đóng góp vào các công tác mục vụ xây dựng các gia đình, xây dựng ý thức trách nhiệm cho các kẻ làm cha mẹ, cũng như thiết lập các chương trình cố vấn hôn nhân đang ngày càng phát triển trong Giáo Hội.

Hoạt động chủ yếu của các trung tâm này là nuôi dưỡng tình người. Ở đó, tinh thần trách nhiệm trong tình yêu thương đã và đang được tiếp tục thể hiện.

Cha mong rằng ý thức trách nhiệm này không bao giờ thiếu vắng trong mọi tâm hồn và trong mọi môi trường, cũng như luôn được thể hiện nơi các nhà làm luật, các nhà giáo dục, hay nơi các Linh Mục.

Cha muốn ca ngợi và bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với bao nhiêu người đang âm thầm dấn thân phục vụ một cách quảng đại. Trong cuộc sống của họ, chúng ta tìm thấy sự xác quyết của chân lý Ki-tô giáo về nhân vị: Chính khi biết tự hiến thân cho tha nhân một cách vô vị lợi, con người mới tìm được trọn vẹn nhân vị của chính mình...

Trích “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của Đức cố GIO-AN PHAO-LÔ II
Tài liệu do ông NGUYỄN TÙNG THƯ gửi về từ Canada 4.2001, đã đăng trên Ephata số 14


Theo Ephata số 254
05.02.2006

Các tội chống lại sự sống con người

Tội chống lại sự sống loài người thường xảy ra nhất thì chắc chắn là phá thai, nhưng đó hẳn không phải là tội duy nhất. Công việc bảo vệ sự sống của chúng ta phải có tính toàn diện. Vì vậy, ở đây, chúng ta sẽ bàn đến các tội chống loài người nặng nhất và thường xảy ra nhất.


1. ĐỂ CHO CHẾT

Bằng thái độ không dừng lại săn sóc, vị tư tế và thầy Lê-vi trong dụ ngôn Samaritano nhân lành đã phạm tội chống lại tình liên đới nhân quyền một cách nặng nề. Họ đã để cho người bị rơi vào tay bọn cướp đó phải chết. Ngày mỗi ngày trên khắp thế giới, tội này vẫn xảy ra. Những người lân cận giàu có vẫn để cho hàng triệu trẻ em và người lớn phải chết đói, vì họ không sẳn lòng chia sẻ một phần của cải dư thừa của họ.

Một xã hội chi hàng tỷ đô la vào việc rượu chè hút xách song lại không lo chăm sóc sức khỏe cho người nghèo thì phải chiụ trách nhiệm về cái chết cũng như đời sống sa sút của nhiều người. Và đó không chỉ là tội của các nhà luật pháp mà còn là tội của tất cả mọi người dân đã không làm gì để thay đổi tình thế.

Đặc biệt thảm thương là trường hợp của những đứa bé dị tật bị để cho chết, khi người ta từ chối không can thiệp để cứu mạng sống nó. Điều này không kém gì một án tử hình trên đứa bé "bất đắc dĩ" đó. Tiêu biểu là trường hợp những đứa bé khỏe mạnh sinh ra mắc triệu chứng đao. Để cho đứa bé đó chết đói theo một tiến trình đau đớn và kéo dài thì quả thật không kém tàn nhẫn hơn việc giết chết trực tiếp. Theo quan điểm luân lý, quyết định từ chối tiểu phẩu để rồi loại bỏ đứa bé "vô thừa nhận" thì quyết định đó có tính ác tâm của một hành vi giết người trực tiếp. Tuy nhiên, trường hợp không áp dụng biện pháp chữa trị cho một đứa bé chắc chắn sẽ chết thì lại khác, nếu biện pháp đó không giúp ích gì cho nó.


2. GÂY RA CÁI CHẾT BỞI THÁI ĐỘ CẨU THẢ

Các nhà đạo đức học và ngành lập pháp phân biệt rõ ràng giữa cố sát (có chủ ý) và ngộ sát (không có chủ ý). Nhiều công nhân mỏ và các thợ ngành khác sẽ không chết vì tai nạn nếu tất cả biện pháp an toàn cần thiết được tuân thủ. Ở Tây đức, năm 1976, có 14.500 người chết trong các tai nạn giao thông và 48.000 người bị thương nặng. Ở các nước khác, người ta ghi nhận cũng không mấy khác. Lái xe bất cẩn hoặc lái xe sau khi uống rượu quá nhiều đều là tội chống lại sự sống chính mình và của người khác, ngay cả khi không thực sự có tai nạn xảy ra. Tội này mắc phải không do điều đã thực sự xảy ra, nhưng do tư cách trách nhiệm.


3. TỰ TỬ

Con người không phải là chúa tể của sự sống mình, nhưng đón nhận bổn phận làm người quản lý trung thành, lưu giữ và thăng tiến nó cho đến mức hoàn thiện, trong khi phục vụ cũng như thăng tiến sự sống của tha nhân đến mức thành toàn. Sự thất trung nặng nề nhất của người quản lý sự sống đó là quẳng nó đi như thứ vô giá trị.

Tự tử có thể là dấu hiệu dứt khoát và không thay đổi được nữa của lòng tuyệt vọng và nghi ngờ Thiên Chúa. Nó có thể là cuộc nổi loạn "bất bạo động", một sự diễn tả cùng tận về quyền tự do cá nhân mang tính tiêu cực trước mặt Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế cuộc sống, tự tử ít khi mang tính ác tâm cố tình này. Nếu ta nghe tin một người bạn vốn biết là một con người tốt lành, dễ thương lại đi tự tử, thì ta có thể hầu như chắc chắn rằng đó là, một ngõ cụt tâm lý, chú không thể là một hành vi phải chịu trách nhiệm luân lý.

Trong nhiều trường hợp tự tử, phía đáng trách chính là xã hội hoặc một môi trường cụ thể, vì nỗi tuyệt vọng thường phản ánh sự thất bại của những người đáng lẽ ra đã phải thể hiện sự chăm sóc ân cần và công bằng đối với những con người lâm cơn khủng hoảng. Quá nhiều ngưới già cả, tàn tật bị đối xử theo cách ấy đến độ "được" mời cụ thể "biến" khỏi sân khấu cuộc đời. Và một cuộc tự tử xảy ra thường là cố gắng tuyệt vọng sau cùng để lôi kéo sự chú ý và giúp đỡ của người khác.

Gặp một người láng giềng muốn tự tử, ta cần làm hết sức có thể để cứu anh ta. Khi làm vậy, không phải là ta đang giảm thiểu tự do của họ, song đúng hơn, ta có thể nói được là ước muốn tự tử của họ không phải là sự diễn tả tự do, nhưng là sự khuyết vắng tạm thời tự do.

Tôi không có ý biện minh cách khách quan cho việc tự tử của những người can dự vào cuộc kháng cự can đảm và bất bạo động đội với các nhà độc tài tàn bạo. Theo cái nhìn của tôi, cướp đi mạng sống của ai thì đều là hành vi bạo lực. Tuy vậy, những người hành xử như thế có thể chủ ý nhắm nói với nhà độc tài rằng: "Chúng tôi không phải loại người đi cướp mạng sống của người khác, nhưng chúng tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để kêu gọi nhân tính của ông". Những người này, trong các năm qua ta đã biết, muốn nói với cả thế giới rằng: "Thà chết còn hơn là đầu hàng nhà độc tài và bán rẽ tự do của mình"

Tôi không dám kết tội tự tử cho những người đã tự hy sinh mạng sống mình khi họ phải đương đầu với tình huống bị bóp méo suy nghĩ, và do đó, bị buộc phải phản bội lại mạng sống của nhiều người khác. Hành vi này có thể có khía cạnh bề ngoài của tội tự tử. Nhưng theo nghĩa minh bạch nó không hề mang điều mà chúng ta có ý nói qua từ "tự tử" ở tính ác tâm luân lý của nó.


4. SÁT NHÂN VÀ THAM GIA VÀO VIỆC SÁT NHÂN HÀNG LOẠT

Sát nhân là tội giết người có chủ ý. Nếu việc bảo vệ sinh mạng của ta, của tha nhân hoặc vì bảo vệ thiện ích của loài người mà dẫn đến cái chết của một tên xâm lược ngang ngược, thì hành vi này không có tính ác tâm của tội giết người, và không mắc vào lệnh truyền của Kinh Thánh: "Chớ giết người". Còn nếu các vị cầm quyền, nhà độc tài hoặc bạo chúa bị những người chịu cảnh lầm than bất công đánh phá, thì họ không có quyền phản ứng bằng bạo lực. Và nếu họ sử dụng bạo lực mà giết chết những người đòi hỏi công bằng, thì họ là kẻ sát nhân. Còn tất cả những người tham gia cuộc bạo động này chống lại những người không tìm gì khác hơn là tự do cũng như các quyền căn bản của con người, thì họ phải chịu trách nhiệm về cùng một tội giết người hàng loạt.

Giữa các nhà đạo đức học có cuộc tranh luận về việc, liệu những người bị khai thác và bị đàn áp trong những hoàn cảnh cùng cực có thể đòi hỏi các quyền của họ bằng cuộc cách mạng bạo động không. Theo xác tín của tôi, chúng ta cần làm hơn nữa để tỏ lộ sức mạnh của hành vi bất bạo động, và chỉ sau khi đã dùng hết cách, chúng ta mới có quyền thảo luận xem liệu thiện ích có thể được hy vọng một cách hợp lý từ cuộc cách mạng bạo động có cân xứng với sự xấu nó có thể gây ra hay không. Tuy nhiên, sự xấu luân lý của việc giết người trong một cuộc chiến đấu vì nguyên nhân ngay chính, hạn như nhân quyền và tự do cơ bản, thì không hoàn toàn giống như việc giết người vì mục đích bất chính, quyền lực bất chính hoặc lạm dụng quyền lực.

Những tên khủng bố và không tặc sử dụng những người vô tội như phương tiện đạt mục tiêu chính trị của chúng, thậm chí nếu chúng dường như được biện hộ, thì chúng cũng là những tên giết người trong tư tưởng, còn nếu giết người vô tội thì chúng là những tên giết người thực sự. Khi dùng các phương tiện thế này, chúng tỏ ra chẳng khá hơn, thậm chí còn tệ hơn những kẻ đang đàn áp chúng. Nếu về sau, những con người này có quyền lực trong tay, họ cũng sẽ tiếp tục dùng dân chúng như các dụng cụ hoặc các "phương tiện".

Tội ác cũng như tội phạm lớn nhất chống lại lệnh cấm giết người của Kinh Thánhđó là giết người trong các cuộc chiến tranh phi nghĩa. Và những ai gieo rắc lòng hận thù, chủ nghĩa đế quốc, hoặc óc cuồng tín thờ ngẫu tượng khiến cuộc chiến bùng nổ, thì đều có nhúng tay vào tội này. Những người cầm quyền đã quyết định mở cuộc chiến và sử dụng công dân để thực hiện ý đồ của họ sẽ là những người trước tiên phải trả lời trước mặt Chúa về tất cả các cuộc chém giết và lòng hận thù mà họ đã gây ra. Cuộc chiến càng có thể được biện minh, và tính bất chính của sự ác họ đang nhắm đến càng lớn, thì tội của họ càng lớn. Các nhà chức trách quốc gia nào đòi đối phương lâm chiến phải đầu hàng vô điều kiện, cũng có nghĩa là làm cho một cuộc ngừng bắn và hòa bình trở nên vô phương, thì phải chịu trách nhiệm về tất cả cuộc chém giết tiếp tục xảy ra sau đó ở cả hai bên.


5. ÁN TỬ HÌNH

Theo truyền thống tư tưởng cá nhân, tôi thấy hiện nay trong Ki-tô giáo cũng như trong giáo hội Công Giáo có hai ý kiến có lẽ đúng. Có những người nghĩ rằng án tử hình có thể và nên áp dụng cho các tên tội phạm nguy hiểm để bảo vệ người vô tội. Ý kiến này được đồng thuận, đặc biệt đối với những tên khủng bố chuyên nghề, trốn thoát nhiều lần và gây ra cuộc tàn sát mới. Riêng tôi, tôi nghiêng về ý kiến cho rằng tốt hơn nên bỏ án tử hình. Chúng ta phải nhìn toàn diện các hệ luận có thể có của hành vi.

Trong Cựu Ước có nhiều văn bảng biện minh cho án tử hình. Tuy nhiên, ta không nên bỏ qua tính cách mạc khải tiêm tiến xuyên suốt Cựu ước và đã dẫn chắc đến việc giảm bớt bạo lực. Dưới ánh sáng Tân ước, với tôi, dường như việc bỏ án tử hình tương hợp chặt chẽ hơn với sứ điệp bất bạo động của Đức Giê-su với tinh thần từ ái của Người, cũng như đối chúng ta môn đệ của Người. Chắc chắn những tên tội phạm nguy hiểm phải bị giữ nơi nào họ không thể tiếp tục làm hại người khác. thế nhưng, nhiệm vụ chính của chúng ta là chữa lành những ai đã sa vào đầu óc bạo lực.

Một trong những luận chứng chính ủng hộ việc huỷ bỏ án tử hình đó là sự thể trong quá khứ, đa số các quốc gia trong thời chiến đã can dự vào việc tàn sát hàng loạt, hoặc đã đàn áp kịch liệt những người lên tiếng đòi chính nghĩa. Và các tòa án dân sự cũng như quân sự đã quá dễ dàng kết án tử hình người ta mà không đủ chứng cớ phạm tội hoặc cũng như không tương xứng với lỗi họ đã phạm.

Theo xác tín của tôi, một quốc gia không có quyền duy trì án tử hình, trừ phi họ đã làm hết sức hết cách để xây dựng một tốt hơn, cũng như chăm lo có được một môi trường nhân bản và công bình hơn. Toà án tối cao nào cụ thể buộc cha mẹ gởi con đến học trong một hệ thống giáo dục cấm giảng dạy môn tôn giáo và đạo đức trên nền tảng đức tin, thì tòa án đó không nên được trao cho thẩm quyền để xác nhận án tử hình vì nhiều tội ác sẽ xuất phát từ chính hệ thống giáo dục đó.

PVD – Nha Trang


Theo Ephata số 16
CN 13.05.2001

Phá thai - tội ác đặc trưng của thời hiện đại

Ngày nay, ý thức về tính nghiêm trọng của việc phá thai đang ngày càng lu mờ dần trong tâm thức và trong lương tâm của nhiều người. Thêm vào đó luật pháp nhiều nước còn cho phép hay hợp pháp hóa việc phá thai và coi đó như một quyền của công dân. Đó là một dấu hiệu đáng lo ngại về một cơn khủng hoảng trầm trọng trong lãnh vực luân lý khiến người ta không còn có khả năng phân biệt sự thiện và sự ác. Bối cảnh hiện nay còn trở nên đen tối và vô luân hơn nữa khi người ta càng ngày càng nhân danh quyền lợi của mình để tiến hành nhiều hình thức phá thai trên qui mô lớn. Từ xưa nhân loại tội lỗi đã biết đến tội giết trẻ con, kể cả những đứa con do chính mình sinh ra, để hiến tế quỉ thần hay vì một lý do nào đó. Đó là một tội ác hết sức man rợ. Ngày nay, nhân loại tự hào là văn minh, nhưng vẫn còn man rợ không kém khi tội phá thai càng ngày càng trở thành phổ biến, thậm chí nhiều nơi còn được luật pháp cho phép. Vì thế có thể coi phá thai là tội ác đặc trưng biểu lộ sự suy đồi của thế giới hiện nay. (1)

Dãy phòng nạo phá thai trên đường Giải Phóng - Hà Nội
(hình ảnh minh họa)

1. Khái niệm

Phá thai là tìm cách trục xuất phôi hoặc thai nhi còn non ra khỏi lòng mẹ, trước khi nó có khả năng sống sót ngoài tử cung người mẹ, tức là trước 28 tuần kể từ lúc thụ thai, và vì thế nó phải chết ; hoặc bằng cách giết chết bào thai trước khi lấy ra khỏi bụng mẹ. Nếu vì tự nhiên hay rủi ro mà thai bị chết và bị trục xuất ra ngoài ý muốn của người mẹ thì gọi là sẩy thai. Gọi là phá thai trực tiếp khi ta nhắm đến việc giết chết bào thai như mục tiêu của hành vi hay như phương tiện để đạt đến một mục tiêu nào đó, chẳng hạn như phá thai vì không muốn đứa con ấy ra đời hoặc vì để cứu vãn danh dự của người mẹ. Gọi là phá thai gián tiếp khi cái chết của bào thai không được nhắm tới như mục tiêu hay như phương tiện, nhưng chỉ là hậu quả đi kèm theo một điều ta trực tiếp nhắm đến, chẳng hạn như cắt bỏ tử cung bị bệnh ung thư của người mẹ đang mang thai và do đó bào thai phải chết.

Phá thai có phải là tội sát nhân không ?

- Các lập trường bênh vực việc phá thai

Nhiều lý thuyết biện minh cho việc phá thai chủ trương rằng thành quả của việc thụ thai ít ra là cho đến một số ngày nào đó chỉ là một tập hợp những tế bào, chưa thể được coi là một con người cá vị. Vì thế, phá thai trong thời gian đó không phải là tội sát nhân. Hơn nữa, trong những thập niên gần đây, dưới ảnh hưởng của phong trào tục hoá và giải phóng phụ nữ, bào thai chỉ được nhìn dưới khía cạnh thuần túy sinh học như một phần phụ thêm trong thân thể người phụ nữ và thuộc quyền sở hữu của người phụ nữ, chứ không được nhìn nhận như một nhân vị, chủ thể của những quyền lợi bất khả nhượng. Do đó, người phụ nữ có toàn quyền quyết định đối với bào thai.

Nhiều người muốn che giấu thực chất của tội phá thai và tính nghiêm trọng của nó trong dư luận quần chúng bằng cách sử dụng một thuật ngữ nhập nhằng: “sự ngừng có thai”. Thực ra việc tìm cách che giấu như thế đã bộc lộ một sự bất ổn trong lương tâm con người. Trước tình hình nghiêm trọng này nhân loại cần phải có can đảm nhìn thẳng vào sự thật và dám gọi điều thiện, điều ác bằng chính tên của chúng. Về vấn đề này, lời quở trách của ngôn sứ Isaia vang lên một cách dứt khoát:

«Khốn cho những ai gọi điều ác là thiện và điều thiện là ác, lấy tối tăm làm ánh sáng và ánh sáng làm tối tăm» (Is 5,20).

Ngoài ra, những người bênh vực việc phá thai thường đưa ra bốn hoàn cảnh để biện minh cho việc phá thai và họ gọi đó là những “chỉ dẫn”. Chỉ dẫn thứ nhất mang tính ưu sinh, theo đó người ta cho rằng được phép phá thai trong những trường hợp dự đoán khá chắc chắn đứa trẻ sinh ra sẽ bị những khuyết tật nghiêm trọng, như hội chứng down chẳng hạn. Chỉ dẫn thứ hai có tính đạo đức, như trường hợp mang thai do bị cưỡng hiếp, loạn luân, ngoại tình, hoặc do hành vi tính dục ngoài hôn nhân; người ta cho rằng trong những trường hợp như thế được phép phá thai để cứu vãn danh dự của người mẹ và của gia đình, hơn nữa trong trường hợp bị cưỡng hiếp đứa trẻ sinh ra ngược với ý muốn của người mẹ, nên khó lòng được mẹ yêu thương. Chỉ dẫn thứ ba có tính xã hội, theo đó nếu không phá thai thì đứa bé sinh ra sẽ trở thành gánh nặng quá lớn về mặt xã hội và kinh tế cho gia đình và cho người mẹ. Chỉ dẫn thứ tư có tính y học hay trị liệu: người ta cho rằng được phép trực tiếp phá thai nếu sức khoẻ của người mẹ bị lâm nguy vì bào thai ấy, vì trong trường hợp này bào thai được coi như một kẻ tấn công bất chính cần phải loại trừ.

- Giáo huấn Thánh Kinh

Thánh Kinh dường như không biết đến việc phá thai cố ý. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì đông con nhiều cháu vốn được người Israel coi như một phúc lành của Thiên Chúa, nhờ đó họ trở nên một dân tộc lớn và hùng mạnh. Các bản văn Thánh Kinh, mặc dù không minh nhiên đề cập đến vấn đề phá thai, nhưng đã nhiều lần biểu lộ sự kính trọng đối với hữu thể người còn trong dạ mẹ và do đó mặc nhiên nới rộng giới răn “chớ giết người” đến các thai nhi. Ngay từ trong dạ mẹ, Thiên Chúa đã nhìn thấy con người mà Người đã tác tạo. Người nhìn thấy nó khi nó mới chỉ là một phôi nhỏ chưa có hình dạng xác định và thấy trước nó sẽ như thế nào mai ngày, vì ngay từ thuở còn là bào thai, con người đã được Thiên Chúa ghi vào “sách sự sống” và những ngày giờ của nó đã được đếm: «Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự» (Tv 139,16). Cũng theo Thánh Kinh, ngay khi còn trong dạ mẹ, con người đã là đối tượng của tình yêu quan phòng và hiền phụ của Thiên Chúa (x. Gr 1,4-5; Is 46,3; G 10,8-12; Tv 22,10-11; 71,6). Trong thuật trình của Tin Mừng về cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Êlisabeth, tác giả Luca đã cho thấy hai bào thai trong dạ hai bà mẹ đã là những con người thực sự với địa vị riêng: sự hiện diện của bào thai Ngôi Hai Thiên Chúa vừa nhập thể trong lòng Đức Maria đã đem lại niềm vui và ơn cứu độ cho bào thai Gioan Tiền Hô đã được cưu mang sáu tháng trong lòng bà Êlisabeth, khiến Gioan Tiền Hô đã nhảy mừng, mặc dù còn nằm trong dạ mẹ.

- Lập trường của Giáo Hội

Giáo Hội luôn luôn coi phá thai là một tội giết người thực sự: «Ngay từ khi noãn thụ tinh, đã khởi đầu một sự sống vốn không phải là sự sống của người cha, cũng không phải là sự sống của người mẹ, nhưng là của một con người mới, phát triển cho chính mình. Nó sẽ không bao giờ thành người, nếu nó không là người ngay từ lúc ấy. [...] Khoa học di truyền hiện đại đem lại cho sự hiển nhiên thường ngày những xác định quí giá. Nó chứng tỏ rằng ngay từ khoảnh khắc đầu tiên này đã định hình chương trình của cái mà thực thể sống này sẽ là: một nhân vị, cái nhân vị cá thể ấy với những điểm đặc trưng của nó». (2)

Khi tuyên bố tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Giáo Hội đã khẳng định: «Đức Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai... đã được gìn giữ khỏi mọi dấu vết nguyên tội». (3) Giáo Hội cũng dạy «trong mức độ có thể, phải rửa tội cho những thai nhi bị sẩy, nếu chúng còn sống». (4)

Điều đó muốn nói rằng thai nhi ngay từ lúc thụ thai đã là một con người cần phải được gìn giữ cũng như phải được cứu độ. Do đó, phải tôn trọng sự sống con người ngay từ khoảnh khắc đầu tiên trong cuộc hiện hữu của nó, một sự tôn trọng vô điều kiện phải có đối với một con người: «Con người phải được tôn trọng và đối xử như một ngôi vị ngay từ lúc thụ thai, và bởi vậy ngay từ lúc đó, người ta phải thừa nhận cho nó những quyền của ngôi vị, đứng đầu là quyền được sống, một quyền bất khả xâm phạm của mọi người vô tội». (5)

Đây là lập trường đã có từ những thời lỳ đầu tiên của truyền thống Giáo Hội. Quả thế, khi bắt đầu hiện diện trong thế giới Hy – La vốn coi việc phá thai và giết trẻ em sơ sinh là những chuyện thông thường, Kitô giáo đã coi những kẻ thực hành phá thai là những kẻ giết người thực sự và đã triệt để chống lại thói tục đang tràn lan này, bằng đạo lý và cách ăn ở của mình. (6) Tertulianô đã khẳng định: «Chỉ cần cản trở sinh ra thì đã là kẻ giết người rồi, người ta tước đoạt sự sống đã sinh ra hay người ta hủy diệt nó trong lúc nó sinh ra thì không có gì khác biệt nhau cả. Cái phải trở thành một con người thì đó là một con người rồi». (7)

Trong suốt hai ngàn năm qua Giáo Hội vẫn kiên trì giảng dạy như thế. Ngay cả những cuộc tranh luận khoa học và triết học về thời điểm chính xác của việc phú bẩm linh hồn cũng không bao giờ gây ra một do dự nhỏ nhất nào cho huấn quyền Giáo Hội trong việc kết án về mặt luân lý đối với việc phá thai. Giáo Hội quyết liệt chống lại phá thai cho dù bị nhiều người ngày nay cho là cố chấp, cổ hủ, phản tiến bộ, không tôn trọng quyền tự do của con người, không biết thông cảm với những khó khăn của các gia đình. Thực ra, Giáo Hội không hề độc đoán trong vấn đề này, bởi vì phá thai là một điều ác tự nó, chứ không phải vì Giáo Hội cấm đoán.

2. Nguyên tắc luân lý

Phá thai trực tiếp là cố ý giết người vô tội, do đó không bao giờ được phép vì bất cứ lý do gì, cho dù vì sợ mất danh dự cho bản thân và gia đình, vì sợ không có khả năng nuôi con, vì sợ bị chính quyền trừng phạt, hoặc để cứu sống người mẹ. Quả thế, nhiều lần người mẹ quyết định phá thai không phải vì những lý do thuần túy ích kỷ hay vì nhẹ dạ, nhưng vì muốn bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khoẻ hay mức sống thích hợp cho các thành viên trong gia đình; hoặc vì sợ đứa con sắp sinh ra gặp phải những điều kiện sống tồi tệ khiến người mẹ nghĩ rằng thà nó đừng sinh ra thì hơn. Tuy nhiên, những lý do này hay những lý do khác tương tự, dù nghiêm trọng đến đâu cũng không thể biện minh cho việc phá thai trực tiếp, vì đó là tội cố ý giết người vô tội. Tệ hại nhất là có kẻ nhân danh quyền tự do và hạnh phúc cá nhân để xem việc phá thai chỉ là một hình thức tự vệ chính đáng, chứ không phải là tội giết người đúng nghĩa. Nhưng đó chỉ là một sự ngụy biện, bởi vì thai nhi không bao giờ có thể bị coi như một kẻ tấn công bất chính, bởi vì nó yếu ớt, không biện pháp phòng vệ, đến mức không có được phương thế phòng vệ của kẻ nhỏ bé nhất, đó là tiếng kêu than khóc lóc của trẻ sơ sinh. Vì thế, phá thai phải đuợc coi là một tội giết người vô tội cách cố ý đáng tởm nhất.

Không bao giờ, dù ở trong trường hợp nào và với mục đích nào, một luật pháp nào trên thế giới có thể hợp pháp hóa một hành động vốn tự nó là không hợp pháp, bởi vì trái với luật tự nhiên được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn con người, cũng như trái với luật thiết định của Thiên Chúa được truyền dạy trong Thánh Kinh. Nếu luật pháp của một quốc gia nào đó hợp pháp hóa việc phá thai, thì điều đó vẫn không có nghĩa là phá thai là điều được phép về phương diện luân lý. Người ta không thể xem một luật pháp cho phép phá thai là một luật pháp “tiến bộ”, nhưng chỉ là một sự “khoan nhượng” mà thôi.

Sự đánh giá luân lý về việc phá thai cũng phải được áp dụng cho những hình thức can thiệp trên các phôi người, mặc dù với mục đích tốt, nhưng các can thiệp ấy không thể tránh được việc giết chết các phôi.

Trước hết, đó là việc thí nghiệm trên các phôi ngày càng được thực hiện rộng rãi trong lãnh vực nghiên cứu y sinh học và được một số nhà nước chính thức chấp nhận. Không được phép sử dụng, khai thác những phôi người còn sống như những đồ vật thí nghiệm nhằm mục đích nghiên cứu khoa học ; càng không được phép sản xuất phôi bằng việc thụ tinh trong ống nghiệm cho mục đích thí nghiệm, hoặc để lấy mô hay lấy cơ phận đem ghép cho người khác nhằm chữa bệnh, vì như thế là xúc phạm đến phẩm giá con người vốn không thể bị sử dụng như “phương tiện” để phục vụ lợi ích của một người nào. Tuy nhiên, sẽ không xúc phạm phẩm giá con người nếu sử dụng các phôi thai bị sẩy và đã chết. Cũng không được can thiệp trên bộ nhiễm sắc thể hay trên gien di truyền không phải để trị liệu, nhưng để tạo ra những con người với những tính chất định sẵn, vì như thế là xúc phạm đến phẩm giá, sự toàn vẹn và căn tính duy nhất của con người. (8)

Thiết tưởng chúng ta cũng cần xác định rõ hơn về luân lý tính của việc thụ tinh trong ống nghiệm nhằm mục đích truyền sinh, trong trường hợp người phụ nữ không thể thụ thai cách bình thường. Đây là những kỹ thuật có vẻ phục vụ sự sống và là những thực hành nhằm đến mục tiêu này, nhưng trong thực tế nhiều lúc chúng mở ra những cách thức mới chống lại sự sống. Ngoài việc các kỹ thuật này không thể chấp nhận được về mặt luân lý bởi vì chúng tách rời sự truyền sinh thuộc lãnh vực hoàn toàn nhân bản khỏi hành vi vợ chồng, chúng còn có tỉ lệ thất bại cao, không những trong việc thụ tinh mà còn trong việc phát triển sau này của phôi, có nguy cơ tử vong trong thời gian thường là rất ngắn. Hơn nữa, vì xác suất thành công tương đối thấp nên đôi khi người ta sản xuất phôi với số lượng nhiều hơn nhu cầu để cấy vào tử cung của phụ nữ, và các “phôi dư” này sau đó phải bị loại bỏ hoặc được dùng cho những cuộc nghiên cứu dưới danh nghĩa vì sự tiến bộ khoa học hoặc y học. Thực ra, đây là những cuộc nghiên cứu biến sự sống con người thành một thứ “chất liệu sinh học” đơn giản mà người ta có thể tùy ý sử dụng một cách tự do.

Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Giáo Hội đã đồng thanh khẳng định rằng phá thai và giết trẻ sơ sinh là một tội ác. Đó là giáo lý bất biến không hề thay đổi của Giáo Hội. Việc trực tiếp phá thai dù được nhắm đến như mục đích hay như phương tiện đều vi phạm cách nghiêm trọng luật luân lý. (9)

Ai thực hành việc phá thai và kể cả những người cộng tác đều mắc lỗi nặng. Ngay từ những thế kỷ đầu, kỷ luật Giáo Hội đã trừng phạt nặng những người thực hiện việc phá thai và việc trừng phạt ấy đã được xác nhận qua những giai đoạn lịch sử khác nhau cho đến ngày nay. Ngay từ các công đồng Elvira (306), Ancira (313), Trullo (692), Giáo Hội đã ra vạ tuyệt thông cho những người thực hành phá thai và nếu những người này hối cải thì phải chịu những việc đền tội công khai và kéo dài mới được tha thứ. Theo Bộ Giáo luật mới 1983, ai thi hành việc phá thai có kết quả thì bị vạ tuyệt thông tiền kết do chính hành vi phạm tội chiếu theo những điều kiện đã được giáo luật dự liệu. Vạ tuyệt thông đánh vào tất cả những ai phạm tội ác này trong khi biết hình phạt họ sẽ chuốc lấy, kể cả những kẻ tòng phạm mà nếu không có họ thì việc thực hiện tội ác không thể xảy ra. Điều đó cho thấy tính cách nghiêm trọng của một hành vi lỗi phạm không thể sửa được đối với thai nhi hay trẻ em vô tội bị giết chết, cũng như đối với cha mẹ em và toàn xã hội. Người thực hành phá thai chỉ không bị mắc vạ hay được giảm nhẹ hình phạt nếu ở trong những điều kiện được giáo luật qui định ở điều 1323 và 1324 mà thôi. (10) Trong trường hợp nghi ngờ thì ta có thể cho là người ấy không phải mắc vạ, nhưng cha giải tội phải cho họ biết rằng phá thai là một tội nặng và có kèm theo vạ tuyệt thông, để họ khỏi tái phạm. Hơn nữa, để đền bù tội phá thai, cha giải tội nên mời gọi hối nhân thực hiện những công việc phục vụ sự sống.

Trước sự nhất trí của truyền thống đạo lý và kỷ luật Giáo Hội, cũng như để đối phó với tình hình phá thai tràn lan trong thế giới hiện nay, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã long trọng tuyên bố: «Với uy quyền Chúa Kitô đã trao cho Phêrô và các đấng kế vị, trong sự hiệp thông với các Giám mục [...], tôi tuyên bố rằng việc phá thai trực tiếp, nghĩa là được muốn như mục đích hay như phương thế, luôn luôn là một thác loạn luân lý nghiêm trọng xét như là sự cố ý giết chết một con người vô tội. Đạo lý này dựa trên cơ sở lề luật tự nhiên và Lời của Thiên Chúa đã được viết ra, được truyền thống Giáo Hội truyền lại và quyền giáo huấn thông thường và phổ quát giảng dạy». (11)

Những người phạm tội phá thai trước hết là người mẹ. Thai nhi yếu ớt hoàn toàn được giao phó cho sự bảo vệ và chăm sóc của người mang nó trong dạ. Ấy thế mà chính người ấy lại quyết định và yêu cầu giết chết nó. Khi chủ động phá thai, người mẹ đã đánh mất tình mẫu tử là cái gì cao quí nhất của người mẹ, để trở thành một kẻ ích kỷ, vì không biết hy sinh chính mình cho con cái, mà chỉ tìm kiếm chính mình bất chấp quyền lợi của con cái. Bên cạnh người mẹ, phải kể đến người cha, không phải chỉ khi ông trực tiếp thúc đẩy người phụ nữ phá thai, mà ngay cả khi ông gián tiếp hỗ trợ quyết định của bà, vì ông để bà cô độc một mình trước những vấn đề do việc mang thai đặt ra. (12) Ngoài ra, còn phải kể đến trách nhiệm của những người khác trong gia đình và bạn bè, những người đã bằng cách này hay cách khác tạo ra một áp lực tâm lý mạnh đến nỗi khiến người phụ nữ phải đi đến quyết định phá thai.

Các bác sĩ và nhân viên y tế cũng chịu trách nhiệm khi thực hiện phá thai theo yêu cầu của người mang thai, điều này hoàn toàn ngược với nhiệm vụ, sứ mệnh và khả năng chuyên môn của họ là để phục vụ và thăng tiến sự sống. «Theo quan điểm luân lý, không bao giờ được minh nhiên cộng tác vào việc xấu; sẽ có sự cộng tác như thế khi hành động được thực hiện kia, hoặc do chính bản thân nó, hoặc dó tính chất nó mang lấy trong một bối cảnh cụ thể, đã nổi bật như là một sự tham gia vào hành vi chống lại sự sống con người vô tội, hay như một sự đồng tình với ý định vô luân của tác nhân chính». (13)

Khi vì nhiệm vụ mà các y tá phải giúp các bác sĩ thực hiện phá thai, nhưng không tán thành hành vi và ý đồ xấu của bác sĩ, thì các y tá chỉ cộng tác về mặt chất thể với một số điều kiện như sau. Trước hết, nếu có thể từ chối thì hãy từ chối. Nếu xét thấy không thể từ chối được, nhưng vẫn có thể nói lên sự bất đồng ý kiến của mình mà không bị thiệt hại gì, thì cứ nói. Còn nếu thấy trước hay dựa vào kinh nghiệm quá khứ mà suy đoán rằng sự từ chối của mình chẳng những vô ích mà còn đem lại những bất lợi nghiêm trọng cho mình, thì được phép cộng tác cách chất thể hoặc miễn cưỡng và bày tỏ sự bất đồng của mình bằng cách khác. Tuy nhiên, các y tá không nên vội cho rằng sự từ chối của mình sẽ không được tôn trọng. Những bất lợi nghiêm trọng có thể là bị mất việc và không có hy vọng kiếm được việc khác, hoặc nếu thấy rằng nếu mình còn tiếp tục làm việc thì sẽ có thể làm được nhiều việc thiện cho kẻ khác, như mời linh mục cho các bệnh nhân, giúp người hấp hối hòa giải với Chúa, rửa tội cho các trẻ em sơ sinh sắp chết, v.v. Nếu các điều kiện vừa kể không có hay nếu bị yêu cầu cộng tác như thế quá thường xuyên, thì các y tá có bổn phận rút khỏi bệnh viện đó và đi tìm việc ở một bệnh viện khác. Những điều vừa nói trên đây cũng áp dụng trong những trường hợp giải phẫu bất hợp pháp khác.

Các nhà lập pháp cũng phải chịu trách nhiệm khi xúc tiến và phê chuẩn các đạo luật ủng hộ phá thai, viện lý do tôn trọng quyền tự do của người dân và những nguyên tắc dân chủ. Nếu chính quyền cho phép phá thai theo sự đòi hỏi của một số người tức là vi phạm quyền sống của những người yếu kém nhất, như thế là phủ nhận nguyên tắc dân chủ vì đã phủ nhận sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật, bởi vì ngay từ lúc thụ thai, thai nhi phải được đối xử như một nhân vị, tức là một chủ thể có những quyền bất khả xâm phạm. Cuối cùng, người ta cũng không thể đánh giá thấp trách nhiệm của mạng lưới tòng phạm đang liên kết các cơ quan quốc tế, các tổ chức tư nhân và những hiệp hội đấu tranh cho việc hợp pháp hóa và phổ biến sự phá thai trên khắp thế giới, tạo nên một cơ cấu tội lỗi chống lại sự sống của con người chưa sinh ra.

Tuy nhiên, khi có lý do tương xứng thì được phép phá thai gián tiếp. Để cứu sống người mẹ, nhiều lúc người ta buộc lòng phải thực hiện một cuộc giải phẫu khẩn cấp hay một biện pháp chữa trị dẫn đến kết quả phụ ngoài ý muốn là cái chết của bào thai, chẳng hạn cắt bỏ tử cung bị ung thư và như thế gián tiếp làm cho thai nhi bị chết, hoặc uống thuốc để chữa bệnh hiểm nghèo, nhưng thuốc ấy lại dẫn đến việc trụy thai. Cũng vậy, trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, nếu chỗ mang thai đó bị một ung bướu nguy hiểm, người ta có thể cắt ung bướu ấy và gián tiếp làm cho bào thai bị chết. Những biện pháp như thế có thể chấp nhận được, vì không trực tiếp giết chết bào thai, nếu thực sự không còn cách nào khác. Nên lưu ý rằng những biện pháp ấy chỉ được phép nếu người ta áp dụng nó để chữa bệnh khẩn cấp. Do đó, không được phép cắt bỏ bào thai chỉ vì nó nằm ngoài tử cung, nhưng không gây một bệnh khẩn cấp nào, bởi vì có nhiều trường hợp tương tự người ta vẫn có thể cứu sống được đứa bé.

Khi có lý do chính đáng, được phép làm cho thai nhi ra đời sớm hơn, mặc dù biết rằng như thế thai nhi có thể ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Người ta có thể khám thai để chữa trị cho thai nhi hay phôi thai, nhưng phải cố gắng hết sức để tránh những nguy cơ có thể xảy ra cho phôi hoặc thai do việc khám thai. Không được khám thai để căn cứ vào đó mà phá thai, như trong trường hợp khám thai để giết chết vì lý do ưu sinh. (14) Được phép can thiệp trên phôi thai với điều kiện phải tôn trọng sự sống, sự toàn vẹn thân thể, không gây những rủi ro không cân xứng cho phôi thai, và chỉ nhằm mục đích chữa trị hoặc cứu sống phôi thai.

Khi không thể tránh hay bãi bỏ hoàn toàn luật cho phép phá thai đang hiện hành trong một nước, thì một đại biểu quốc hội vốn có lập trường chống phá thai mà ai cũng biết, vẫn có thể góp phần ủng hộ những kiến nghị có ý giới hạn những hậu quả tiêu cực của luật ấy. Khi làm như thế, không có nghĩa là ông ủng hộ một luật cho phép phá thai hạn chế, nhưng là góp phần vào việc hạn chế khoản luật tai ác kia trong mức độ có thể được.


Lm. Matthêu Nguyễn Văn Khôi

------
Chú thích:

(1) Về việc phá thai, xem THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Tuyên ngôn về việc phá thai cố ý (18-11-1974); Giáo lý Hội Thánh công giáo, số 2270-2275; GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Tin Mừng về sự sống Evangelium vitae (30- 3-1995), số 58-63.73; B. HÄRING, La loi du Christ. Théologie morale à l’intention des prêtres et des laïcs, III: Théologie morale spéciale. La vie en communion fraternelle, Desclée & Cie., Tournai (Belgium) 1959, tr. 365- 372; G. DAVANZO, “Aborto”, trong L. ROSSI – A. VALSECCHI (chủ biên), Dizionario enciclopedico di Teologia morale, Edizioni Paoline, 1976, tr. 13-19; T. REY-MERMET, Croire, IV: Pour une découverte de la morale, Droguet & Ardant / Iris Diffusion, Montréal / Québec 1985, tr. 271-282; J.M. AUBERT, Abrégé de la morale catholique. La foi vécue, Desclée, Paris 1987, tr. 288-292 ; K.H. PESCHKE, Christian Ethics. Moral Theology in the Light of Vatican II, II: Special Moral Theology, C. Goodliffe Neale, Alcester 1993, tr. 314-333; M. VIDAL, Manuale di etica teologica, II/1: Morale della persona e bioetica teologica, Cittadella Editrice, Assisi 1995, tr. 424-459.

(2) THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Tuyên ngôn về việc phá thai cố ý (18-11-1974), số 12-13.

(3) DENZINGER 2803.

(4) Bộ Giáo luật 1983, điều 871.

(5) THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Huấn thị Donum vitae, I, số 1.

(6) Xem Điđakhê, II, 2; V,2. Thực ra, tại Hy-lạp những thầy thuốc nào trung thành với lời thề Hippocrate thì không dám thực hiện việc phá thai, tuy nhiên người ta vẫn thường chứng kiến nhiều trường hợp phá thai. Tại Rôma và Hy-lạp cũng có hình phạt dành cho việc phá thai, nhưng không phải vì phá thai là một tội ác phạm đến sự sống con người, cho bằng phạm đến quyền lợi của người chồng trên người vợ và trên con cái, vì con cái được coi như một tài sản của người chồng: xem T. REY-MERMET, Croire, IV, sđd., tr. 272. Giáo huấn của Giáo Hội về việc nghiêm cấm phá thai với những lời lẽ quyết liệt cho thấy rằng thói xấu này đang trở thành phổ biến nơi dân ngoại.

(7) TERTULIANÔ, Apologia, X,8.

(8) Xem THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Huấn thị Donum vitae, I,2.3.5.6.

(9) Xem PIÔ XI, Diễn văn trước Liên hiệp y sinh học “thánh Luca” (12-11-

1944), VI; Diễn văn trước Liên hiệp công giáo Italia các bà hộ sinh (29-10-1951), II.

(10) Xem Bộ Giáo luật 1983, điều 1314, 1323-1324, 1398.

(11) GIOAN PHAOLÔ II, Evangelium vitae, số 62.

(12) Xem GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn về phẩm giá phụ nữ (15-08-1988), số 14.

(13) GIOAN PHAOLÔ II, Evangelium vitae, số 74.

(14) Về luân lý tính của việc khám thai, xem GIOAN PHAOLÔ II, Diễn văn trước các tham dự viên Đại hội “Phong trào vì sự sống” (03-12-1982), trong Insegnamenti di Giovanni Paolo II, V/3 (1982), tr. 1512; THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Donum vitae, I,2.

theo ghphuyen.com