Chuyện người nhặt xác hài nhi

Gần 10 năm nay, có một bà cụ đã bước sang tuổi 73 vẫn ngày ngày lặn lội khắp nơi để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi đem về chôn cất. Đó là bà Phạm Thị Cường, ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng - Nam Định.

Bà bộc bạch: “Hãy yêu thương những linh hồn bé nhỏ bị bỏ rơi kể cả khi chúng đã qua đời, bởi những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian”.


Không thể kìm lòng

Ở làng quê nghèo ven biển xã Nghĩa Thắng, không ai còn lạ với hình ảnh một người đàn bà đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy ngày ngày âm thầm đi gom nhặt thi hài những đứa trẻ khắp nơi về chôn cất.

Trên đường về Nghĩa Thắng, khi hỏi thăm nhà bà Cường, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về bà qua những nông dân ở vùng quê này. Ở nơi đây, mọi người vẫn trìu mến gọi bà là bà Hương “hài nhi”, có lẽ một phần cũng do những công việc mà bà đã và đang làm.

Bà Cường năm nay đã 73 tuổi. Đó là một bà cụ hiền lành, phúc hậu. Đã gần 10 năm nay, không quản ngày nắng cháy da cháy thịt hay đêm đông lạnh giá, bà vẫn lặn lội khắp mọi ngả đường của huyện Nghĩa Hưng, đặc biệt là khu vực thị trấn Đông Bình, để nhặt các hài nhi xấu số bị phá bỏ về chôn cất.

Cuộc sống của bà Cường chỉ trông vào gánh bán rau quả và những đồ tạp hóa ở khu chợ Đông Bình. Nơi đây có một số cơ sở nạo phá, hút thai nhi. Mỗi ngày có hàng trăm ca nạo phá thai đã diễn ra, một phần công khai còn chủ yếu là bí mật, cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hài nhi bị vứt bỏ.

Trong câu chuyện với bà Cường, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng thở dài của người phụ nữ đã ở tuổi gần hết cuộc đời về những chuyện lắt léo nhân tình thế thái của cuộc sống.

Bà nói như oán trách: “Cuộc sống ngày càng phát triển thì nhiều người sống càng buông thả hơn. Ngày càng nhiều các cô gái đến các phòng khám ở Đông Bình để phá thai cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều đứa trẻ vô tội phải đi theo những vết kéo oan nghiệt. Mỗi lần nhìn thấy thi hài của các cháu bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ tôi lại không thể kìm lòng, càng thương các sinh linh bé nhỏ bơ vơ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải chịu thay tội vạ mà cha mẹ chúng đã gây ra. Đáng trách quá!”.

Bị cười chê là… khùng!

Gần 10 năm nay, họ đã tìm nhặt và an táng hơn 3.000 sinh linh bé bỏng.

Cuộc sống như một định mệnh mà ở đó luôn thường trực cơ duyên của những tấm lòng nhân ái. Tưởng chừng như chỉ có mình bà Cường đi làm công việc “kỳ khôi” là gom nhặt và an táng cho những linh hồn bé nhỏ nhưng bà lại gặp được người bạn cùng chí hướng.

Đó là ông Vũ Văn Bao, người cùng thôn, cũng âm thầm làm công việc tạo phúc đức như bà. Hai con người, hai số phận nhưng họ có chung một tấm lòng nhân ái với những số phận bất hạnh. Họ gặp nhau rồi ngày ngày lại cùng nhau thực hiện một công việc chung, một ơn nghĩa để đời.

Từ đó đến nay, ngày ngày người dân xã Nghĩa Thắng thường gặp cảnh hai người đều đã ở tuổi xưa nay hiếm lóc cóc trên những chiếc xe đạp cà tàng, đạp hàng chục cây số. Họ rong ruổi trên những nẻo đường, tìm bới trên từng bãi rác, thậm chí đến tận các cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để… xin thi hài về chôn cất.

Bà Phạm Thị Cường thắp nhang cho những hài nhi xấu số

Những hài nhi nhặt về, bà Cường cùng với ông Bao tỉ mẫn cho vào những bát hương hoặc tiểu sành nhỏ. Bà Cường tâm sự: “Những ngày đầu, tôi thường bị người đời cười chê cho là khùng nhưng dần dần, họ hiểu nên cũng có vài người đi làm cùng”.

Nhiều lúc bà Cường cũng nản khi có quá nhiều đứa bé bị nạo hút như vậy. Nhiều lúc bà định dừng công việc này nhưng lại nghĩ đến những đứa trẻ bơ vơ, sống không thấy mặt cha mẹ, chưa kịp chào đời đã bị bỏ rơi.

Bà lại thấy mình không thể đứng nhìn được, phải làm việc gì sao cho có ích. “Vì vậy, tôi không kể gì là gian khổ, mưa nắng hay ngày đêm, lúc nào nghe tin ở đâu đó có thi hài bị bỏ rơi là lại tìm đến để xin về mai táng”- bà Cường cho biết.

Nghĩa trang Quần Vinh trong một chiều mùa hạ, bà Cường lặng lẽ thắp những nén nhang thơm lên phần mộ của những hài nhi xấu số. Rồi bà nói trong tiếng nấc: “Các con chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành nên các con. Bà thắp nén nhang thơm, mong các con được an nghỉ”.

Bà Cường với công việc bán tạp hóa mưu sinh hằng ngày


Bên ngôi mộ chung được xây dựng khá kiên cố và sạch sẽ, bà cho biết nó được một nhà hảo tâm trong TPHCM gửi tiền ra để xây cho các cháu. “Gần chục năm nay, chúng tôi đã an táng cho hơn 3.000 sinh linh bé bỏng tại nơi này”- bà não nề.

Nhìn những bát hương bên trên có gắn xi măng và được đánh dấu rất chi tiết, mà theo bà Cường mỗi bát hương đó là một đứa trẻ, tôi không khỏi chạnh lòng suy nghĩ. Một địa phương nhỏ như Nghĩa Hưng mà gần chục năm đã có hàng ngàn em bé bị bỏ rơi và chết đi khi chưa kịp chào đời! Đó quả thực là con số quá đau lòng.

Càng thương các cháu nhỏ bao nhiêu, tôi lại càng khâm phục những con người như bà Cường và ông Bao bấy nhiêu. Những việc họ làm không chỉ mang ý nghĩa nhân ái mà đó là hành động cao cả trong cuộc chiến bảo vệ quyền sống của con người, giúp chúng ta nhận ra một thực tại đau lòng, ngẫm về việc sống buông thả của một bộ phận giới trẻ hiện nay đã để lại những hậu quả đau lòng.

Cầu mong… thất nghiệp

Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân lại già yếu nhưng lúc nào bà Cường cũng hiển hiện niềm tin cuộc sống và tình thương yêu con người.

Tâm sự với chúng tôi, bà Cường không mong ước điều gì ngoài việc mình được… thất nghiệp. Bà mong sẽ không còn phải ngày ngày đi làm công việc thu gom xác hài nhi đầy đau đớn này nữa.

Tuy vậy, bà Cường vẫn khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào còn sức khỏe. Tôi sẽ tiếp tục đi thu gom những hài nhi xấu số về chôn cất, bởi theo tâm niệm của tôi, những đứa trẻ tội nghiệp đó đã quá bất hạnh. Tôi quyết không để các cháu cô đơn mặc dù đã rời trần thế”.

Chúng tôi rời nghĩa trang Quần Vinh khi mặt trời đã tắt. Nhìn những ngôi mộ của các sinh linh bé nhỏ, chúng tôi biết các cháu đã có giấc ngủ yên bình bởi các cháu được những người dù không trực tiếp sinh thành nhưng luôn làm tất cả để bảo vệ giấc ngủ bình yên cho mình ở nơi vĩnh hằng.

Ngày mới sẽ đến, hy vọng sẽ không còn cảnh những bào thai bị vứt bỏ nữa để những người như bà Cường hay ông Bao sẽ được nghỉ ngơi và xã hội sẽ không còn những cảnh đau lòng.

Ám ảnh


Bà Cường vừa rót nước trà mời khách vừa tâm sự về “cơ duyên” dẫn mình đến cái nghiệp làm phúc này. Bà cho biết vẫn nhớ như in ngày 8-3-2002. Trên đường đến chợ Đông Bình để bán rau, khi đi đến cầu Đông Bình, bà Cường thấy có một túi ni lông màu đen, ruồi muỗi bám đen.

“Lúc đầu tôi cứ nghĩ đây là túi rác của gia đình nào đó ném ra đây. Nhưng rồi đi được một đoạn, tự dưng trong người tôi như có lửa đốt, cứ bồn chồn chẳng yên, đặc biệt là hình ảnh chiếc túi màu đen cứ như ngay trước mắt mình. Đứng lại suy nghĩ một lúc, tôi quyết định quay lại xem bên trong túi bóng đó chứa thứ gì”- bà Cường nhớ lại.

Bà Cường bàng hoàng và đau xót khi chứng kiến một hài nhi đang thoi thóp thở, thân thể bị kiến bu đầy nhưng đôi mắt bé mở to nhìn bà chằm chằm như muốn nài nỉ, van xin.

“Tôi đem đứa bé về nhà, lau rửa sạch sẽ rồi đi xin sữa cho cháu bú nhưng cũng chỉ được ít phút sau, cháu đã tắt thở. Tôi cứ bị ám ảnh mãi ánh mắt của cháu, cứ đau đáu nhìn tôi. Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết định phải làm một việc gì đó chứ không thể để những cảnh thai nhi bị người ta bỏ đi mà không hề được chôn cất”- bà Cường tâm sự.

Xứ sở Vô Loài

Một câu truyện giả tưởng đưa chúng ta cùng một cô bé phiêu lưu đến xứ sở của những sinh linh bé nhỏ chưa được làm người. Xứ sở ấy không thể thấy bằng mắt thường, nhưng lại có mối liên hệ máu thịt với thế giới của chúng ta.

Tác giả là nhà văn Nguyễn Đình Tú, sinh năm 1974, hiện là biên tập viên văn xuôi của tạp chí Văn nghệ Quân đội.


*
*     *


Nó tuyệt đối không phải là một bệnh nhân côvắc.


Nó mới có mười hai tuổi. Hai đầu vú nó vừa mới mọc "mụn" tuần trước. Nó bảo với mẹ. Mẹ bảo: "Không sao đâu, rồi sẽ khỏi". Và mẹ dẫn nó vào trong buồng, vạch ngực ra chỉ vào đó, bảo: "Nhưng phải to như thế này rồi mới khỏi. Con đừng sợ, ngực của con gái bao giờ cũng to hơn ngực của con trai. Ngực của mẹ to hơn ngực của bố. Ngực của con sẽ to hơn ngực của anh con. Từ nay nếu thấy đau ở đâu nữa hay có cái gì khang khác trong người thì phải bảo mẹ nhé!".


Nó tuyệt đối không phải là một bệnh nhân côvắc.


Vậy mà nó lại nằm trong phòng côvắc. Mẹ đi lại ở đầu giường nhưng nó gọi thế nào mẹ cũng không nghe thấy. Mẹ cứ mải mê bóp bóp, nắn nắn cái gì đó và cầm cái thìa inốc ngoáy lanh canh trong chiếc cốc gốm mua ở siêu thị. Chiếc cốc gốm ấy khi đậy nắp vào sẽ có hình cây nấm...


Rồi mẹ đánh thức nó dậy. Mẹ đổ vào miệng nó thứ nước ở trong cốc gốm. Chua loét. Nó không còn đủ sức để phun trả lại. Thứ nước chua loét đó chảy vào cổ họng, trôi xuống dạ dày. Mắt nó vẫn nhắm nghiền và tri giác dần dần biến mất. Mẹ khẽ đặt nó nằm xuống. Và bắt đầu từ đó nó thấy mình đang đứng ở trong một đường hầm.


Nó rất sợ. Đường hầm tối tăm và không biết sẽ tới đâu. Phía trong đường hầm hình như có một bóng điện. Từ phía đó hắt ra thứ ánh sáng nhợt nhạt, vàng vàng, tim tím. Thỉnh thoảng có những con chuột rất to len lén chạy dưới chân tường. Nó nhắm mắt lại không dám nhìn kỹ những con chuột ấy.


Nhưng rồi nó phải chấp nhận thực tại. Nó bị bỏ rơi, không ai cứu nó lúc này nếu như nó không tự tìm cách cứu mình. Nó quyết định sẽ đi về phía ánh sáng ở cuối đường hầm. Một bước, ba bước, năm bước... mãi vẫn không thấy bóng đèn đâu cả. Gió thổi tới làm người nó lạnh run lên. Thảng hoặc nó thấy có bóng người đi lướt qua phía sau nó. Nó quay lại nhưng không thấy có ai cả. Rõ ràng là có những vật gì đó chạm nhẹ vào người nó. Như làn gió thổi. Như một tà áo phơ phất. Như một bàn tay vuốt nhẹ... Nó liên tục rùng mình. Có những lúc nó sợ đến tê cứng cả người lại. Nhưng quả thật nó không nhìn thấy ai. Nó cố gạt bỏ mọi nỗi sợ hãi và tiếp tục bước vào phía trong đường hầm.


Càng đi càng thấy đường hầm dài và rộng thoáng hơn. Và nó nhìn thấy một con chuột rất to ngồi ở ngay trước mặt nó, bên chân tường. Nó chưa bao giờ nhìn thấy một con chuột nào to như thế. To hơn cả con chó bông vẫn bày trong tủ kính ở phòng khách nhà nó. Con chuột nhìn nó chằm chằm. Nó không dám bước qua chỗ con chuột ngồi. Nó rất muốn làm một động tác gì đó để xua đuổi con chuột chạy đi nhưng nó sợ sức nó không chống cự lại nổi nếu bị con chuột kia tấn công.


Bỗng con chuột nhúc nhích, và nó chợt nhận ra đó là một đứa trẻ thọt chân và không có tay. Đứa trẻ đó có hình dáng vô cùng kỳ dị. Nếu ngồi xuống thì giống một con chuột nhưng khi đứng lên thì lại giống một con khỉ. Lúc bước đi giống con cá heo làm xiếc. Và con cá heo làm xiếc ấy đang xoay mình tiến về phía nó. Nó có cảm giác đó là một cậu bé trai vì đôi mắt rất giống mắt anh trai nó. Nó lùi lại và đến khi lưng nó chạm tường thì nó hét lên kinh sợ. Cậu bé trai bỗng cất tiếng: "Bạn đừng sợ. Bạn mới gia nhập xứ xở này phải không?". Giọng nói rất thân thiện. Và khuôn mặt của "con chuột" lúc trước đã biến thành khuôn mặt của một thằng bé chạc mười ba tuổi. Đầu cậu ta đội một chiếc mũ len, sụp xuống trán. Ngay dưới mép mũ là cánh mũi thanh tú chạy thẳng xuống chiếc miệng rất tươi. Khi nói, khuôn mặt cậu ta hồng hào dần lên. Tóm lại đó là một khuôn mặt rất xinh trai.


- Tớ sợ lắm. Bạn đưa tớ về với mẹ được không? - Nó đã lấy lại được bình tĩnh và mạnh dạn hỏi.


- Ai mới đến đây cũng đòi về với mẹ. Nhưng vô vọng cả thôi. Mẹ tớ cũng như mẹ bạn có chịu nghe lời van xin của bọn mình đâu. Họ đã nhất quyết tống chúng ta ra khỏi chỗ nằm êm ái và tuyệt vời nhất, rồi chúng ta được đưa ra chỗ nắp cống, một xô nước hất xuống, thế là chúng ta trôi tuột vào đường hầm này. Đừng than khóc nữa. Cũng đừng đòi về với mẹ nữa. Hãy yên tâm ở lại đây thôi.


- Không phải. Tớ không bị xô nước nào hất xuống đây cả. Mẹ tớ rất yêu tớ. Giờ này chắc mẹ đang lo cho tớ lắm. Tớ muốn về với mẹ. Bạn đưa tớ ra khỏi đường hầm này đi!


- Thế bạn tưởng mẹ tớ không yêu tớ à? Hàng ngàn đứa trẻ trong đường hầm này cũng đều là những đứa con yêu của các bà mẹ đấy chứ. Họ đều được nâng niu, giữ gìn, được nuôi dưỡng bằng những gì tinh tuý nhất của người mẹ. Chỉ có điều đáng lẽ phải được nuôi dưỡng như thế chín tháng mười ngày thì tất cả lại đều bị lôi ra trước khi thành người. Mẹ nào chả đau xót, chả thương tiếc. Dù một tháng, ba tháng hay sáu tháng thì cũng phải bỏ ra bao nhiêu công sức để chăm sóc chúng ta. Nhưng vì lý do này, lý do kia mà phải bỏ chúng ta đấy thôi. Tất cả đều có lý do cả. Và lý do nào cũng chính đáng. Mẹ bạn rất thương bạn nhưng rồi mẹ bạn cũng lại bảo rằng: "Con hãy hiểu và thông cảm cho mẹ nhé. Mẹ còn phải đi lấy chồng, mẹ không thể có con trên cõi đời này được. Đấy, rồi bạn xem. Bạn đừng hy vọng trở về với mẹ nữa. Hãy cùng tớ đi đến chỗ đại hội Vô Loài đi".


Thế là nó đành phải theo thằng bé trai đi tiếp vào phía trong. Nó rất muốn bảo rằng nó không phải là một đứa trẻ như thằng bé vừa nói lúc nãy, nhưng nó không thể diễn đạt nổi. Thằng bé đi tập tễnh nhưng luôn ở phía trước nó.


Đến một khúc quanh, nó đi chậm lại rồi không muốn bước tiếp nữa. Trong nó bỗng xuất hiện những dự cảm khủng khiếp và nó thấy sợ khi phía trước là một điểm đến vô định. Thấy vẻ do dự của nó, thằng bé quay lại và hạ giọng: "Bạn có muốn nắm tay tớ không? Đừng sợ. Rồi sẽ quen thôi. Ở đây lúc nào cũng thiếu ánh sáng. Xứ xở của chúng mình được bao trùm bởi một màu đen mà".


Nó khẽ gật đầu. Thằng bé lắc người một cách khó khăn rồi cuối cùng cũng rút được cánh tay ra khỏi chiếc áo màu nâu xám. Nó cầm lấy cánh tay cậu bé chìa ra, và lập tức rú lên - đó là một cánh tay không có bàn tay. Theo phản xạ, thằng bé định co tay lại, nhưng rồi chỉ khẽ bảo: "Ở đây không có ai lành lặn cả. Đừng sợ, cứ nắm tay tớ đi".


Đúng là ở đây không có ai lành lặn cả. Nó đã lại nhìn thấy trước mặt một hình thù kỳ quái nữa mà nếu như mọi khi thì nó đã chết ngất đi rồi. Nhưng không hiểu sao, tự nhiên nó không còn cảm thấy sợ hãi. Có thể vì cậu bạn mới quen luôn tỏ ra chân thành khiến nó vững tâm hơn, cũng có thể vì cái hình thù phía trước kia cùng giới tính với nó nên nó thấy gần gũi và bớt e ngại hơn? Lúc đầu, nó thấy rõ đó là hai đứa con gái. Tóc loe hoe sau gáy, hai bờ vai nhỏ nhắn, hai chiếc áo lông bẻ cổ, hai chiếc mũ vải mềm xinh xắn đội lệch trên chỏm đầu. Đến khi nhìn kỹ nó lại rùng mình vì hai đứa con gái đó chỉ đi trên một đôi chân. "Hai cô bé đó là chị em sinh đôi đấy. Bố họ là giám đốc một công ty rất lớn.


Còn mẹ là một cô nhân viên bình thường, mới được tạm tuyển. Nếu họ ra đời thì sẽ ảnh hưởng đến đường công danh của bố và đường lấy chồng của mẹ. Thế là mẹ họ đã quyết định bỏ cả hai chị em khi bào thai còn thiếu một đôi chân. Sau khi hất họ chui tọt xuống đây rồi, mẹ họ mới biết là thai sinh đôi. Mẹ họ đau khổ lắm. Năm nào cũng gửi xuống cho họ rất nhiều quần áo, gương lược, mũ tất... Họ có hai khuôn mặt rất xinh đẹp. Có chuyện gì họ cũng chỉ nói với nhau thôi. Như thế kể ra họ còn hạnh phúc hơn những đứa chỉ có một mình như tớ, nhiều lúc nhớ mẹ chỉ biết ngồi một mình úp mặt vào vách tường tối...".


Nó chưa kịp nghe hết câu chuyện về hai đứa con gái sinh đôi trước mặt thì một cái dáng tập tễnh từ sau lưng bỗng vượt lên, ngoác miệng cười với nó. Không có một chiếc răng nào cả. Khuôn mặt trở nên nhăn nhúm, thảm hại. Mặc dù đó là cái cười thân thiện và không có ý định làm nó sợ nhưng nó vẫn thấy lạnh cả người. "Cậu ấy là kết quả của một mối quan hệ loạn luân cho nên xuống đây mấy năm rồi mà răng vẫn không mọc được" - cậu bạn trai lại tiếp tục kể khi cái khuôn mặt cười ấy vượt lên trước. Mẹ cậu ấy gọi bố cậu ấy là...".


- Thôi, bạn đừng kể nữa. Những chuyện bạn kể hoặc là tớ không hiểu hoặc hiểu thì tớ thấy rất sợ...


Nó rụt rè nắm lấy cánh tay của người bạn mới quen. Cậu ta ưỡn thẳng ngực lên và bước đi một cách vững chãi dù nó không nhìn thấy chân của cậu ta đâu cả. "Mẹ tớ rất xinh đẹp - Thằng bé lại bắt đầu thủ thỉ - Khi mẹ tớ mười lăm tuổi thì quen bố tớ. Bố tớ hơn mẹ một tuổi. Hai người học cùng một lớp và rất thích đi xem phim. Khi trên phim có những cảnh hôn nhau, bố tớ cũng tập làm như thế với mẹ. Sau một lần đi xem phim, bố mẹ tớ dẫn nhau ra vườn hoa. Bố tớ và mẹ tớ tập làm người lớn với nhau. Mẹ tớ bảo: Sợ lắm! Bố tớ bảo: Sợ gì? Mẹ bảo: Sợ đau. Bố bảo: Chỉ như một mũi tiêm thôi, nhưng mà thích lắm. Mẹ lại bảo: Sợ có chửa. Bố bảo: Mười lăm tuổi vẫn là trẻ con, làm sao mà có chửa được? Thế là sau một hồi lúng túng, bố mẹ tớ tạo ra tớ sau cái buổi xem phim ấy, ngay tại vườn hoa, trong một góc ẩm thấp và tối tăm...".


- Thế mẹ đằng ấy là trẻ con mà cũng đẻ ra được đằng ấy à?


- Vì mẹ tớ là trẻ con nên không được đẻ. Nhưng trót có tớ ở trong bụng rồi biết làm thế nào bây giờ? Bà ngoại dẫn mẹ tớ tới phòng khám của bác sĩ Hạnh. Bác sĩ Hạnh ác lắm...


- Sao cơ? Bác sĩ Hạnh là mẹ tớ đấy.


- Thế à? Vậy thì mẹ đằng ấy ác lắm. Mẹ đằng ấy đã lấy tớ ra khỏi mẹ tớ bằng những cái thìa rắn hơn cả thép.


- Thìa inốc ấy hả? Không có chuyện đó đâu. Mẹ tớ chỉ dùng thìa inốc ngoáy nước cam cho tớ uống thôi.


- Đằng ấy không tin thì thôi. Tí nữa đằng ấy sẽ gặp nhiều bạn khác. Họ cũng đều bị bác sĩ Hạnh lôi ra ngoài, đem tới nắp cống và chỉ một xô nước thôi, họ bị xối xuống đây, không bao giờ còn ra được ngoài nữa.


- Thế bây giờ mẹ đằng ấy đã lớn chưa? Mẹ có đi tìm đằng ấy không?


- Mẹ tớ lớn rồi. Mẹ tớ vào đại học, rồi ra trường, rồi đi làm, và lấy chồng. Bây giờ lại bỏ chồng rồi. Mẹ tớ không bao giờ còn đẻ được nữa. Hình như cái lần lấy tớ ra khỏi mẹ, bác sĩ Hạnh có làm hỏng một bộ phận gì đó trong cơ thể mẹ...


- Còn bố đằng ấy thì sao?


- Bố tớ lấy vợ rồi và sinh được hai con, họ có nét hao hao giống tớ, nhưng hoàn chỉnh và đẹp đẽ hơn tớ nhiều. Thỉnh thoảng bố tớ có gặp mẹ. Bố bảo: "Ngày xưa chúng ta dại dột quá, tôi rất có lỗi". Mẹ bảo: "Đúng là chỉ như mũi kim thôi, nhưng lại làm tôi đau cả một đời". Mỗi khi đi qua góc vườn hoa ấy mẹ lại khóc. Mẹ hay gọi tớ. Nhưng làm sao mà tìm được tớ. Tất cả những đứa trẻ ở đây đều muốn về với mẹ mà không về được.


- Thế tớ cũng không bao giờ còn gặp lại mẹ nữa à?


- Không bao giờ. Bố mẹ của chúng ta là người, còn chúng ta không phải là người, không phải là ma, không phải thánh, cũng chẳng phải quỷ. Chúng ta không được xếp vào loài nào cả. Chúng ta là những kẻ vô loài. Hôm nay những kẻ vô loài nhóm họp nhau lại để dựng nên một biểu tượng xác nhận mình. Ở cuối con đường kia là nơi sẽ diễn ra đại hội Vô Loài. Đến đó bạn sẽ gặp vô số đồng loại, ai cũng có một lý do nào đó để mãi mãi nhận về mình cái kiếp chưa thành người. Chưa thành người thì thành gì? Chúng ta phải xác nhận mình để loài người coi chúng ta như một biểu tượng cho suy nghĩ và hành động của họ. Đằng ấy có hiểu không?


Nó lắc đầu. Ánh sáng đã mỗi lúc một rạng hơn. Một khoảng rộng đang được thắp sáng bởi một bóng điện hình quả nhót. Hàng vạn sinh linh cổ quái đang tập trung ở đó. Không thể tả hết những hình thù kỳ dị đang hiện lên trước mắt nó. Đúng là không có ai lành lặn cả. Chưa thành người thì lành lặn làm sao được? Cậu bạn trai đi bên cạnh nó thoắt cái đã đứng trên một cái bục gỗ cao đặt ở trung tâm khoảng trống. Và khi cậu ta bắt đầu cất tiếng nói thì ánh đèn bỗng tắt phụt. Nó giật mình, vụt bay lên, xuyên thủng đường hầm, thoát ra ngoài trời.


Nó thấy mình đang ngồi trên giường. Tấm chăn đắp ngang ngực bây giờ tụt xuống dưới bụng. Mẹ nó vừa vào phòng và tắt đèn ngủ. Ngoài kia trời đã sáng.


Nó tuyệt nhiên không phải là một nạn nhân côvắc.


Nó vội lao ra khỏi giường và chạy ra cửa. Đúng là trước cửa nhà nó có treo một tấm biển đề:



Phòng khám phụ sản - Bác sĩ Hạnh


Nó quay vào nhà và thấy mẹ đang ngoáy sữa bằng cái thìa inốc sáng bóng...


Nó bảo với mẹ là nó đã khỏi ốm và cương quyết không uống cốc sữa đó.



Nguyễn Đình Tú

Nguồn: blog của tác giả

-----------------------------

Đôi lời tâm sự:


Xứ sở Vô Loài, xứ sở của những sinh linh bé nhỏ không phải là người, không phải là thánh, cũng không phải ma quỷ; tuy rằng tất cả chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của tác giả, nhưng nó dựa sự thật: những em bé vô tội ấy đáng lẽ phải được sinh ra trong tình yêu thương của cả gia đình. Đó là những em bé chưa chào đời chứ không phải sự vật vô tri vô giác.

Xin đừng tước đi quyền được cất tiếng khóc chào đời và làm người của các em!


BVSS

Đám tang hồn ma

... Người vừa nằm xuống, thiên hạ mới chuẩn bị việc hậu sự tang chế lo chôn cất. Nhưng Đám Tang Hồn Ma lại bàn về hai đám tang cho những người đã chết và được chôn cất từ lâu trong quá khứ… Những nhập nhằng giữa quá khứ và hiện tại có những lúc rối như tơ tằm. Và bởi nhập nhằng tơ vò, nhiều người không còn nhận ra đâu mới là sự thật và ánh sáng. Bởi thế, có người cầm đèn tắt sáng đi trong đêm đen mà vẫn cứ tưởng là mình đang đi giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng nếu được giúp đỡ bởi Trời và bởi người, tơ rối rồi cũng được gỡ cởi… Truyện ngắn Đám Tang Hồn Ma do đó xoáy mạnh vào khoa tâm lý cùng khả năng hóa giải những hệ lụy quá khứ của Trời cao...




Từ Trung Tâm Y Tế về tới nhà, Tâm mệt mỏi trong người, bụng ê ẩm nhói đau. Mất máu nhưng được vô nước biển liên tục, thêm tuổi ba mươi tràn đầy sinh lực, Tâm nằm dưỡng bệnh mấy ngày rồi đi làm lại. Chiều, nàng vẫn đi học. Hơn một tháng nữa, lớp Toán Điện chương trình Master sẽ chấm dứt. Ngày từng ngày trôi qua. Gần một tháng.

Tối hôm đó, Chúa Nhật, hài nhi hiện ra. Đứa bé khóc. Tiếng khóc đói sữa của trẻ sơ sinh bật sáng đêm đen. Tiếng khóc nỉ non gọi mẹ xé rách toang bóng tối dầy đặc của một buổi tối tháng Mười Một. Tiếng khóc vang vọng xô đẩy vành tai, xoáy tròn đâm thốc màng nhĩ. Tâm ngồi bật dậy, hốt hoảng nhìn quanh. Đầu giường, khuôn mặt đứa bé nhập nhòe độ sâu bóng tối. Nàng ngại ngùng bước tới. Nàng cầm bình sữa nóng ngập ngừng trao cho đứa nhỏ. Đứa bé cầm lấy, ngơ ngác nhìn, ném thẳng bình sữa vào mặt nàng. Nàng nghiêng mình né. Bình sữa xoáy tròn trên không trung, đập mạnh vào bức tường, vụn tan thành từng mảnh thủy tinh nho nhỏ sắc nhọn. Sữa trắng đổ mồ hôi loang lổ lăn dài những dòng máu đỏ. Máu đỏ tươi chảy xuống ngập tràn màu thảm xanh rêu. Máu đỏ đậm thè lưỡi liếm mép vải trải giường trắng toát. Máu đỏ đặc dâng cao, dâng cao, dâng cao ngất. Tâm nằm trên giường ngập ngụa trong biển máu. Máu đỏ ối ngập tới miệng. Tâm hét lên!

Nàng choàng dậy, mồ hôi ướt đẫm, bụng phía dưới đau nhói. Nàng trằn trọc cả đêm.

Sáng, 9 giờ, Tâm bước vô văn phòng sau một đêm chập chờn ác mộng. Nàng dí dỏm trả lời điện thoại, sắc giọng đưa ra những nhận xét trong buổi họp đầu tuần. Nhưng, tới giờ ăn trưa, nàng kiếu, nói hơi no, không đi ăn với đồng nghiệp. Chui ra xe, nàng ngủ một giấc. Tỉnh dậy, Tâm thấy khỏe hơn. Trước khi bước ra khỏi xe, nàng soi gương. Nàng lau khô hai dòng nước chảy dài bên khóe miệng. Nàng tô lại đôi môi nhợt nhạt màu son. Nàng xoa phấn hồng chung quanh quầng mắt thâm đen. Nhìn lại khuôn mặt một lần nữa, nàng yên tâm bước vào văn phòng. Chiều, 6 giờ, Tâm về tới nhà, mệt nhoài, nhưng vẫn cố gắng lái xe tới trường. Lớp học khá dài với những mạch điện chằng chịt rối tung. Tối, 10 giờ, Tâm về tới nhà, ăn một tô mì cay Nongshim. Ăn xong, không đánh răng, không xúc miệng, không bôi kem dưỡng da, nàng ngã người xuống mặt giường, chìm vào giấc ngủ, giấc ngủ cọ xát thớ thịt cần cổ, mở rộng đôi môi, đóng chặt mi mắt. Nàng nghe tiếng ngáy ròn tan, tiếng thở ồ ề nặng nề nơi cuống họng.

Tối hôm sau, tối thứ Ba, ác mộng lại đến. Đứa bé lần này ngồi khóc ở đầu giường lâu hơn, hình như là một bé trai. Đứa nhỏ đứng dậy lần bước về phía nàng. Từng bước, từng bước đứa nhỏ bám mép giường lẫm chẫm đi tới, cánh tay ngắn ngủi mập mạp no căng sữa đập vào đùi, miệng cười toe toét thích thú. Bất ngờ đứa bé nhảy lên giường, phóng thẳng vào bụng Tâm.

Tâm hốt hoảng ngồi bật dậy nhìn xung quanh. Lưỡi khô ran, cổ đắng nghét. Bóng đêm bao phủ căn phòng. Nàng sờ soạng tìm kiếm ngọn đèn ngủ. Nàng nặng nhọc lê gót về nhà bếp, bụng nhói đau. Mở tủ lạnh tìm ly nước, ngồi xuống bàn ăn, nhìn về phía đầu giường, Tâm nhớ lại từng chi tiết của cơn ác mộng. Nàng nhìn ra ngoài, trời tối đen, đêm đen dầy đặc, đêm đen mịt mờ, đêm đen ma quái, đêm đen đe dọa. Bỏ ly nước trên bàn, nàng chui vào mền. Thò tay ra vặn tắt ngọn đèn, nàng đếm từ một. Giấc ngủ nặng nề kéo đến.

Tối hôm sau, tối thứ Tư, Tâm nhận ra hình dạng của hài nhi, một bé trai với mái tóc cắt ngắn sát gáy, mặt xương xương, mắt một mí, miệng cười móm xọm ngước lên nhìn Tâm u ơ hóng chuyện.

Tâm mở mắt ra. Mặt cô đẫm nước mắt! Tâm đã khóc từ bao giờ.

Cứ thế, nguyên một tuần lễ đêm đen nặng nề bao phủ với hài nhi hiện ra đều đặn trong giấc ngủ của Tâm.

Chiều thứ Sáu từ văn phòng Tâm lái xe về thẳng nhà chị gái. Nhìn Tâm, Hoa nghiêng đầu quan sát,

- Sao mặt mày xanh lè như người mới bị sẩy thai vậy?


Tâm buông mình rớt xuống ghế, thở dài sườn sượt. Hoa há hốc mồm kinh ngạc nghe Tâm kể chuyện,

- Tao đã nói với mày rồi, thằng Nhiên ti hí mắt lươn, hạng người đó làm sao mà tin cho được.

Tâm cúi mặt, kiên nhẫn chịu đựng. Hoa dịu giọng,

- Bây giờ tính sao?

Tâm thở dài,

- Em, em cũng không biết nữa.

Hoa dừng lại một phút, giọng thì thào,

- Hay là ngày mai mình đi lên chùa…

Tâm ngắt ngang,

- Để làm gì?

Hoa mắng em,

- Còn để làm gì? Lên chùa xin mấy thầy làm lễ cầu siêu cho oan hồn của nó chứ còn để làm gì... Dám nó chết vào giờ trùng, giờ hóa thành oan hồn rồi đó…

Tâm nhăn mặt,

- Chị, vớ vẩn. Thời buổi này mà còn tin vào những chuyện nhảm nhí, tào lao.

- Mày báng bổ thần thánh có bữa bị ông bà vật cho đáng đời.

Tâm cúi mặt nhìn xuống đất. Hoa nhìn ra khung cửa. Bên ngoài màn đêm buông mình chập chờn bao phủ không gian. Cột điện gỗ đứng khẳng khiu trơ trọi bên vệ đường hiu hắt buông tỏa ánh điện vàng vọt bệnh hoạn. Bên ngoài phòng khách, bà Thế đang ngồi coi phim Đại Hàn, giọng nữ chuyển âm bộ phim Hàn Quốc bỗng dưng hét to như đang bị ma đuổi. Bên trong căn phòng của Hoa, bóng tối tiếp tục bao phủ. Hoa thở dài,

- Thôi! Ở lại đây đi… Tối nay, ngủ lại đây với chị.


oOo


Nửa đêm về sáng, Hoa lay gọi Tâm,


- Tâm! Tâm!

Vẫn như tuần trước, đứa bé hiện ra, vẫn ngồi ở đầu giường khóc tỉ tê, vẫn với tiếng khóc của đứa con nít khát sữa, đứa nhỏ má đỏ au, nhạt nhòe nước mắt nước mũi. Nhận ra Tâm, đứa con trai giơ hai tay ra. Tâm cúi xuống, bế đứa nhỏ vào lòng. Đứa con dựa đầu vào vai Tâm tiếp tục khóc. Tâm bế con đi tới đi lui, tay vỗ nhè nhẹ vào lưng đứa bé. Tiếng khóc nhỏ dần nhỏ dần. Cúi xuống nhìn, nàng nhận ra mình ôm gọn trong lòng một bộ xương đang rữa thịt. Mùi hôi thối xông thẳng vào mũi. Tâm nghẹt thở. Nàng hét lên…

- Tâm! Tâm! Mày làm sao vậy?

Tâm mở mắt ra, ngồi bật dậy. Cổ họng khô ran. Lưỡi đắng nghét.

Nàng bước xuống giường, lần bước đi xuống nhà bếp. Tâm nhìn qua khung cửa. Bên ngoài trời tối đen như mực. Gió thổi khua động tàn lá cây bên khung cửa nghe xào xạc rờn rợn. Tâm nhớ lại khuôn mặt của đứa bé trong giấc mơ. Tâm biết đó chính là khuôn mặt của Nhiên…

…Nhiên, năm 75 mới được hai tuổi di tản sang Mỹ với bố mẹ. Nhiên mặt xương, mắt một mí, miệng móm. Mẹ mất sớm, Nhiên lớn lên với bố ở khu downtown ổ chuột của Boston. Nhiên gặp Tâm trong chương trình văn nghệ Tết do sinh viên Việt Nam đại học MIT tổ chức. Tâm vẫn không hiểu tại sao mình lại có thể yêu được Nhiên! Nhiên nhìn cũng bình thường như bao nhiêu người thanh niên khác, sợ nhiều khi còn tệ hơn. Tâm lại còn biết rõ Nhiên là một người sống với chủ thuyết lè phè. Nhiên ưa nhún vai nói,

- Mọi việc đều có thời, một thời để sinh ra và một thời để chết đi. Ai cũng chỉ sinh ra một lần, rồi chết đi. Vậy thì tội chi mình phải hành hạ thân xác cho nó khổ cái thân! Nhìn đi, bố anh Đại tá đó, thế mà năm 75 bỏ chạy, giờ trắng tay…

Tâm nhìn Nhiên muốn nói không tính toán lần sau có kẹt tiền, đừng chạy tới mượn em. Nhưng nhìn nụ cười móm xọm của Nhiên, Tâm lại mềm lòng như cọng bún,

- Em gặp bác sĩ ngày hôm qua. Bà ta nói em có thai...

Nhiên mặt xanh lét,

- Mấy tháng rồi?

- Hơn một tháng.

- Giờ tính sao?

Tâm ngồi xuống bên cạnh Nhiên, cười,

- Thì anh nói rồi đó. Mọi việc đều có thời. Một thời để bồ với nhau, và một thời để lấy nhau...

- Nhưng anh vẫn còn đang đi học …

Tâm tái mặt,

- Em đã nói với anh rồi tiền bạc cho đám cưới không phải là một vấn đề…

Tâm nuốt nước miếng, ngăn lại giọt nước mắt, đứng dậy bỏ đi,

- Em cho anh ba ngày. Anh về nhà suy nghĩ kỹ đi.

Ba ngày sau Tâm gọi lại lúc khuya. Giờ này Nhiên chắc đang ngồi coi TV, trận bóng rổ. Điện thoại reng ba tiếng. Không ai trả lời. Có lẽ Nhiên đang mắc kẹt trong nhà tắm.

Đợi thêm mười năm phút, Tâm hồi hộp gọi lại một lần nữa. bên kia đầu dây vẫn lặng câm im lìm.

Thêm ba mươi phút nữa, Tâm hờ hững gác điện thoại.

Nàng vô nhà tắm rửa mặt với nước lạnh. Nhìn khuôn mặt trong gương, Tâm xoa nắn những nét nhăn mờ mờ bắt đầu xuất hiện dưới khóe mắt. Tâm ứa nước mắt. Nàng khóc. Nước mắt ngắn dài chảy xuống gò má. Nàng trách mình dại khờ. Nàng thẫn thờ suy nghĩ về tương lai và bào thai trong bụng.

Tâm ra ngoài phòng khách nhấc điện thoại, nàng muốn gọi Nhiên thêm một lần nữa, nhưng cương quyết lắc đầu. Nghĩ tới chị Hoa, nàng muốn lái xe sang nhà mẹ. Nhớ tới bà Thế, Tâm ngần ngại.

Ông bà Thế có hai người con. Ông Thế chết khi Hoa hơn bẩy, Tâm được một tuổi. Khi lên sáu, Tâm vượt biên qua Mỹ với chú Hòa, em ruột của ông Thế. Thời gian sống với gia đình chú thím Hòa trên đảo Bidong, tối nào Tâm cũng khóc, đòi mẹ, đòi chị Hoa. Hai mươi năm sau, Tâm bảo lãnh bà Thế và Hoa qua Mỹ. Cùng thời gian đó, Tâm được đề cử làm Kỹ sư trưởng trong hãng điện tử Intel. Tâm nhớ lại nàng xôn xao hạnh phúc khi gặp lại mẹ và chị tại phi trường. Nàng tưởng giờ này ngập tràn hạnh phúc… Nhưng không ngờ, tự nhiên Tâm mất ngủ, tối trằn trọc, tinh thần bất ổn, mất khả năng tập trung, ăn không ngon, đầu lưỡi nhàn nhạt như người bị cúm. Bác sĩ gia đình nói nàng bình thường, đề nghị Tâm đi gặp bác sĩ tâm lý.

- Cô Tâm lập gia đình chưa?

- Chưa, em chưa…

- Cô sinh ở Việt Nam?

- Dạ.

- Cô Tâm rời Việt Nam khi nào vậy?

Chỉ một câu hỏi đơn giản thế thôi mà tự nhiên Tâm khựng lại như vấp phải một tảng đá lớn. Nàng ngã chổng gọng trên đường, mắt mở lớn nhìn chòng chọc vào mặt bà bác sĩ tâm lý. Tâm bật khóc nức nở, nước mắt tuôn tràn lăn ra hai bên gò má, chảy thông thốc rớt xuống sàn.

Tâm nói hồi đó bố của con Thúy sún mua cho nó con búp-bê mắt nhắm mắt mở. Bé Tâm chạy về nhà giật áo mẹ hỏi,

- Bố đâu rồi?

Bà Thế ngạc nhiên,

- Để làm gì?

- Để bố mua búp bê cho con.

Bà Thế lấy con búp bê của Hoa vứt bỏ trong tủ nhỏ bằng hai ngón tay đưa cho bé Tâm. Bé Tâm cầm búp bê ném thẳng vào góc nhà, ngồi khóc, đòi bố. Bà Thế ôm bé Tâm vào lòng nói,

- Cho bé Tâm về quê chơi với chú Hòa nhé.

Bé Tâm lắc đầu, đòi ở nhà với mẹ. Bà Thế nói,

- Ở dưới quê có nhiều búp bê mắt nhắm mắt mở, tóc vàng như tơ, tha hồ cho con chơi búp bê...

Ngày hôm sau bà Thế mang bé Tâm giao cho người em ruột của ông Thế ở dưới Rạch Giá. Sau một tuần lễ lang thang trên biển, thuyền tỵ nạn đặt chân tới trại tỵ nạn Bidong. Một năm sau, bé Tâm và gia đình chú Hòa đặt chân tới phi trường LA.

Hồi đó những lúc bé Tâm khóc đòi về nhà với mẹ với chị Hoa, chú Hòa hay dẫn bé Tâm đi mua những con búp bê mắt nhắm mắt mở thật to. Thím Hòa nhiều lần cằn nhằn, “Anh thương cháu còn hơn thương con!”.

Mười năm sau, xe vận tải cán nát xác chú Hòa trên xa lộ 101. Hôm đám tang, Tâm khóc gào khản đặc. Từ hôm đó, Tâm hay nhốt mình trong phòng học bài. Càng lớn Tâm càng trở nên lầm lì ít nói. Càng lớn Tâm càng học nhiều hơn. Cuối năm trung học, Tâm nhận được học bổng của trường đại học MIT. Tâm rời nhà của thím Hòa, mang theo tấm hình của chú Hòa mặt xương xuơng, mắt một mí, miệng móm xọm, cười tươi…

Bác sĩ đặt vấn đề,

- Tại sao cô Tâm lại nhớ tới khuôn mặt xương xương, đôi mắt một mí và cái miệng móm của chú Hòa vậy?

Tâm dừng ngang lại những hàng nước mắt. Tự nhiên nước mặt bốc hơi. Nàng ngỡ ngàng.

Bác sĩ đề nghị Tâm viết hồi ký...

Tâm về nhà, tối tối ngồi viết…

Hồi đó con Thúy sún cứ hay lêu lêu con Tâm ghẻ không có bố cho nên không có búp bê… Hồi đó mẹ đẩy ra khỏi vòng tay… Hồi đó chú Hòa chết đi bỏ lại một mình bơ vơ…

Càng viết, Tâm càng bồi hồi thổn thức, khóc to. Càng khóc, Tâm càng vơi bớt những muộn phiền chôn sâu. Cuối cùng nàng nổi lửa đốt cháy. Trong ngọn lửa tro tàn của những trang hồi ký, Tâm nhận ra chú Hòa miệng cười với Tâm, tay chú đưa ra con búp bê tóc vàng óng.

Trong ngọn lửa, Tâm cũng thấy thấp thoáng hình ảnh cô bé Tâm gầy còm đen thui ngồi khóc một mình bên bờ biển Bidong. Ngọn lửa cháy bùng thiêu đốt thổi khô những giọt nước mắt của người con gái…

Một tháng sau, đầu óc Tâm trở lại sắc bén linh hoạt như xưa.

Bác sĩ tâm lý nói,

- Xong một đám tang.

oOo

Sáng hôm sau, bình minh chiếu xiên xiên qua khung cửa đẩy bước chân vào nhà bếp kiếm tìm. Tâm thấy Hoa đang lui cui pha cà-phê.

- Mày tối hôm qua ngủ mớ, la hét om xòm!

Tâm nhìn quanh, nói khe khẽ,

- Chị ăn sáng xong, hai chị em mình đi lên chùa nhé. Chùa tên gì nhỉ? Em quên rồi…

Hoa dừng tay, quay một vòng, trợn mắt nhìn Tâm. Tâm cúi xuống, mặt ngượng ngùng. Hoa bước tới, đưa ly cà-phê cho Tâm,

- Chùa Quan Thế Âm. Uống cà-phê đi. Chị vô phòng thay áo dài. Năm phút thôi.

Tâm nói với theo,
 

- Chị có miếng vải trắng nào không?

- Vải trắng? Có, mà để làm gì?

Trên chùa Quan Thế Âm, Tâm xin sư trụ trì một lễ giải oan cho đứa con chưa chào đời. Từng tiếng mõ êm dịu gõ xuống, từng âm kinh bay cao lên quyện vào với hương trầm thơm thơ biến thành nước suối Cam Lồ của Phật Bà tưới xuống trần gian mát dịu lòng người,

Trong cõi nhân sinh,
Hệ lụy chập chùng,
Hồn thác hồn sinh,
Thôi những muộn phiền,
Bay lên Phật điện.


Quỳ trước điện Phật thơm ngát hương trầm, Tâm đầu quấn khăn tang trắng nhạt nhòa nước mắt để tang cho đứa con chưa bao giờ thấy mặt.

Tâm nói không phải mẹ muốn bỏ con, con trai của mẹ. Mẹ muốn gồng mình chịu đau mang con ra đời. Mẹ muốn con đỏ hoe khóc oe oe trong vòng tay mẹ. Mẹ muốn bế con trong tay. Mẹ nựng. Mẹ hôn. Mẹ bẹo đôi má mập mạp ửng đỏ sữa thơm. Mẹ muốn con khóc đòi mẹ những khi tròn miệng ngáp ngắn ngáp dài sau một giấc ngủ say. Mẹ muốn con khóc đòi thay tã mới. Mẹ muốn con mọc răng, ấm đầu nóng sốt; mẹ bồng con lên, mẹ bế trong lòng, đầu con gục vào vai mẹ, nước mắt nước mũi của con vương vãi trên cổ trên lưng áo của mẹ. Mẹ muốn con cười móm mém hở lợi u ơ nói chuyện. Mẹ muốn con bám ghế, bám giường lẫm chẫm đi, vừa đi con vừa toét miệng cười, bàn tay mập mạp ngắn ngủn đập đập đôi chân cong vòng mừng vui thích thú. Mẹ muốn con khoác áo vét thắt nơ khi con lên mười, mẹ chở con tới nhà hàng ăn tiệc cưới. Mẹ muốn nhìn thấy con vươn cao từng phân. Mẹ muốn ngắm nhìn con râu mọc lưa thưa trên mép bước vào đời. Mẹ muốn trong nhà nhộn nhịp tiếng chuông điện thoại của bạn con, bạn trai bạn gái. Mẹ muốn tất cả. Mẹ muốn được làm mẹ của con. Mẹ muốn con là con trai của mẹ. Bởi bố từ chối sự hiện diện của con. Mẹ thất vọng. Mẹ hụt một hơi thở. Mẹ đau nhói trái tim. Mẹ giận. Mẹ sợ dư luận. Mẹ trở thành ích kỷ. Mẹ quên đi con trai của mẹ. Và mẹ bỏ con như hồi xưa bà ngoại đẩy mẹ ra khỏi vòng tay, như ông Hòa chết đi bỏ lại mẹ mồ côi một mình. Lỗi tại mẹ! Tất cả tại mẹ!

Nhang thơm bay lên lung linh trước điện Phật. Trong làn nước mắt, Tâm thấy Đức Phật mở miệng cười với nàng, nụ cười từ bi, khoan dung, và độ lượng.

Boong! Boong! Boong!



oOo

 

Thứ Sáu cuối tuần, Tâm bước vào quán Apple Bees với mấy người bạn.


- Hello, Tâm?

Tâm nhoẻn miệng cười,

- Hello, Nhiên.


- Tâm lúc nào cũng đẹp rực rỡ như công chúa Diana.


Vừa nói Nhiên vừa ghé sát miệng vào tai của Tâm. Tâm nhìn Nhiên, khuôn mặt đó vẫn xương xương, đôi mắt đó vẫn một mí, cái miệng đó vẫn móm xọm. Tâm nhìn kỹ khuôn mặt một thời đã hớp hồn nàng, một thời nàng say rượu. Tâm lắc đầu. Tâm nghiêng người né tránh

…Hết rồi Nhiên ơi. Hết rồi một thời đắm say. Hết rồi một khoảng thời gian em mê mệt. Nhiên ơi! Cám ơn Nhiên cho những ngọt ngào một thuở. Cám ơn đã từ chối không cho em choàng khăn voan mặc áo dài trắng. Cám ơn đã cho em một cơ hội để em biết rằng em không yêu anh như em đã từng nghĩ rằng em yêu anh tha thiết. Cám ơn Nhiên đã tới quán tối nay để em gặp lại anh một lần nữa, để em biết rằng anh thôi làm bóng ma ám ảnh tâm hồn.

Nhiên ơi! Thôi hết rồi một thời đám tang hồn ma.


Lm. Nguyễn Trung Tây

nguyentrungtay.com


Tiếng vọng

Ca khúc 'Viếng Vọng' đã đọat hạng nhất Giải Sáng Tác Mới 2010 do trung tâm ca nhạc Asia Entertainment và đài tryền hình SBTN tổ chức ngày 18 tháng Mười Hai vừa qua ở California.

Người trình bày nhạc phẩm Tiếng Vọng là ca sĩ Lê Anh Quân. Tác giả, bạn trẻ Trần Thái Sơn, hai mươi tuổi, qua Hoa Kỳ được hơn ba năm, định cư tại tiểu bang Maryland:


"Trước khi sáng tác nhạc phẩm Tiếng Vọng em đã tình cờ thấy được hình ảnh đau thương của những trẻ bị phá thai, tự nhiên em cảm nhận tình thương của cha mẹ sinh ra em. Em cảm thấy rất tội nghiệp cho những đứa trẻ không có cơ hội làm người trên đời này. Em bắt đầu đặt mình vào tâm trạng của những trẻ bị phá thai, những người con bị bỏ rơi. Em nghĩ cha mẹ khó khăn mới có em, em muốn viết lên nỗi lòng của những đứa trẻ không có cơ hội nói lên. Tại vì em là người có đạo, em muốn xin là hãy cho những đứa trẻ có cuộc sống tốt trong thế giới này, xin cho chúng được thấy ánh sáng mặt trời. Xin dùng tình thương để nuôi dạy chúng."




Nhạc sĩ Trúc Hồ, một trong năm giám khảo đã chấm cho tác phẩm Tiếng Vọng về nhất, giải thích:

"Sỡ dĩ cá nhân Hồ chấm bài Tiếng Vọng của em Thái Sơn là bởi vì viết một bài tình ca thì tương đối dể hơn là viết thể lọai nhạc như thế này. Đây là một bài nhạc xuất sắc, có cái độ khó, có sự tài tình và khéo léo, chủ đề như vậy mà thể hiện thành ca khúc là một điều rất giỏi."

Theo RFA

Pháp trường thai nhi

HVĐHDC - ''Làm sao còn có thể bàn đến nhân phẩm khi mà mình lại giết những người yếu nhất và vô tội nhất ? Nhân danh công lý nào mà mình kỳ thị đến độ bất công đối với những con người như thế bằng cách tuyên bố rằng một số người này thì đáng được bảo vệ, còn những người kia thì bị từ chối quyền sống?” (Evangelium Vitae, số 20)

Trước khi bày tỏ cảm tưởng của mình về việc ''GIẾT NGƯỜI TRONG BỤNG MẸ'' (qua bài thơ ''Pháp Trường Thai Nhi''), tôi xin kể câu chuyện về việc ''muốn phá thai'', nêu lên tấm lòng của những người ''mẹ bất đắc dĩ'' và lập trường của Giáo Hội Công Giáo chống việc phá thai như sau:


Muốn phá thai


Thiếu phụ nọ ẵm một đứa bé, bước vào phòng mạch bác sĩ và nói: ''Con tôi chưa đầy một tuổi ! Vậy mà tôi đang mang bầu một đứa khác. Đẻ dày khổ lắm! Tôi không muốn… Xin bác sĩ làm ơn giải quyết giúp tôi cái của nợ rắc rối này''.

Bác sĩ trả lời: ''Có cách tốt hơn để giúp bà như sau: Tôi sẽ giết đứa con bà đang ẵm ! Giết đứa trong bụng bà hay đứa mà bà đang ẵm thì cũng là giết. Vả lại, giết đứa trong bụng thì nguy hiểm cho bà nhiều hơn !''


Nói xong, bác sĩ lấy con dao nhỏ, bảo thiếu phụ đặt đứa bé lên vế bà, hướng đầu nó về phía ông ta như thể sắp kết liễu đời em bé. Thiếu phụ liền nổi giận và la lên: ''Đồ khốn nạn, quân sát nhân !''


Như vậy, vị bác sĩ ấy đã thành công vì đánh động được lương tâm người mẹ chỉ biết nghĩ đến bản thân mình hơn là sinh mạng của thai nhi vô tội ! (Xin vào Phá thai là giết người trong ''youtube'' để thấy rõ hơn cái tội tày trời ấy).


..

Tấm lòng người mẹ bất đắc dĩ


Nhiều bà Ấn Độ mang thai mướn vẫn thấy xót xa khi ''phải trả con mang nặng, đẻ đau'' cho vợ chồng không có khả năng sinh sản mà phải ''mướn người đẻ thay !''



Lập trường của Giáo Hội Công Giáo về Sự Sống


Theo Thông Điệp ''Evangelium Vitae'' (Tin Mừng Sự Sống, năm 1995) của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, phá thai là vi phạm Đạo Đức Y Khoa vì đó tội sát nhân, hủy diệt Sự Sống ! Thai nhi là người ''vô tội, vô phương tự vệ'' !

 
Đức Thánh Cha và nhiều quốc gia đều lên án nạn diệt chủng, việc bài Do Thái… Nhưng nhiều chính khách, bác sĩ, nhà trí thức... khác lại ủng hộ việc phá thai vốn là tội giết người. ''Quyền giết người'' hằng loạt như thế mà được khuyến khích, được bảo vệ, lại còn được đem ra làm đề tài hấp dẫn cử tri. Rất nhiều người Mỹ Công Giáo đã không bỏ phiếu cho ông Kerry vì ông ta ủng hộ việc phá thai. Đó là một trong những lý do khiến ông thất cử như Đức Tổng Ngô Quang Kiệt đã nhận định trong bài giảng mới đây tại Tu Viện Châu Sơn.

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II phát biểu: ''Làm sao còn có thể bàn đến nhân phẩm khi mà mình lại giết những người yếu nhất và vô tội nhất ? Nhân danh công lý nào mà mình kỳ thị đến độ bất công đối với những con người như thế bằng cách tuyên bố rằng một số người này thì đáng được bảo vệ, còn những người kia thì bị từ chối quyền sống ?” (Evangelium Vitae, số 20)


Bác sĩ thường hỏi kỹ người mẹ muốn phá thai vài câu... Ông ta và người mẹ ấy ''không hỏi được'' đứa bé trong bụng, nhưng vẫn thừa biết rằng ''cháu'' đang ung dung, tự tại nơi CUNG LÒNG của người cưu mang mình. Nếu mẹ của ông Philipp Rösler đã giết ''ông'' từ trong bụng của bà thì làm gì bây giờ nước Đức có Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Kinh Tế và Chủ Tịch Đảng FDP là người Việt da vàng, mũi tẹt! Có không ít người là con rơi, con ngoại hôn, con nuôi, con lượm mà vẫn lãnh đạo guồng máy của một Quốc Gia, làm tướng, nhà bác học hay Linh Mục, Tu Sĩ ! Trên thế gian này, thiếu gì những chính khách có ''lý lịch''' như thế !


Ở Đức, chỉ đưa tay chạm nhẹ người phạm lỗi gì đó thì liền bị người ấy mắng ngay: ''Không được đụng đến tôi !''Còn Đức Giáo Hoàng đương kim lên tiếng chống phá thai, tức là ''đừng đụng đến nhân quyền của thai nhi'' thì nhiều chính khách ''bị ngài đụng'' bèn lên tiếng chỉ trích ngài !


Tôi đã đọc nhiều bài viết về ''nghĩa địa thai nhi'' ở Việt Nam, chẳng hạn:


- ''Nghĩa Trang Đồng Nhi ở Nha Trang'' do một nhóm người công giáo lập nên. Bài này có đoạn như sau: ''Theo một tài liệu của Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP. HCM thì trong tám tháng đầu năm 2005, chỉ riêng bệnh viện này thôi đã giải quyết 6.055 ca. Có lẽ vì tình trạng nạo, phá thai ngày càng nhiều nên chuyện giải quyết các thai nhi một cách nhanh, gọn ở các trung tâm là: sau khi nạo, hút thai nhi, rồi bỏ vào bịch nilông, đem vứt bỏ vào đống rác.'' (Trích từ Trang Đất Việt – Phương Anh, phóng viên Đài RFA).


- ''Lặng người ở nghĩa trang hàng vạn thai nhi'' (ở Huế, có 42 ngàn thai nhi bị giết).


- ''Những cuộc an táng rùng rợn lúc nửa đêm'', được đăng trên một số trang mạng, kể lại nghĩa cử của một Giáo Dân ở Nghĩa Thắng, Nghĩa Hưng, Nam Định, đã đi nhặt hay tình cờ vớt được thai nhi, có đoạn như vầy: ''Ông phục kích tại đây thì phát hiện một người đàn bà ném những túi đen xuống sông vào chiều tối. Người đàn bà này vốn là bác sĩ, đã về hưu, mở phòng sản tư, chuyên môn nạo hút thai. Mỗi ngày, bà gom hài nhi lại, rồi ném xuống sông Tiêu.''


Việc làm của bà bác sĩ không phải ''lương y như từ mẫu'' vừa nêu đã khiến tôi viết bài này, kèm bài thơ dưới đây. Tôi không được phép phê phán Ngành Y Khoa (Sản Khoa) nói chung, mà chỉ lên án những bác sĩ thất đức như bà kia. Tôi làm theo Lời Chúa dạy là THƯƠNG NGƯỜI, nhất là trẻ thơ vô tội mà Chúa Giêsu rất yêu mến như Ngài dạy: ''Ai muốn lên Nước Thiên Đàng thì hãy nên giống như trẻ con.''





PHÁP TRƯỜNG THAI NHI


Mẹ nằm sóng soải trên giường
Để cho ''đao phủ học Trường Y ra''Lôi con máu mủ, ruột rà
Bằng kềm bóp chặt thịt, da, đầu, mình !
Thai nhi là một sinh linh
Cớ sao mẹ để ''lý hình điêu ngoa''
Đầu toàn ''chữ nghĩa y khoa''
Giết con, mà chẳng khóc òa, xót thương ?
Đồng tình kẹp thịt, kéo xương
Thai nhi là tội tỏ tường: ''SÁT NHÂN'' !
Khẩu trang che mặt trân trân
Của người có học, bất cần Lương Tri
Nhưng còn để lộ tròng, mi
''Mắt-người-giết-chết-thai-nhi-mình-trần'' !
Tử cung là chỗ nương thân
Là nơi bảo vệ ''Hồng Ân chào đời'' !
Phá thai là TỘI TÀY TRỜI !
Dạ con đâu phải là ''nơi cầm tù'' !
Thai nhi chưa biết hận thù
Sớm mang số phận ''phù du: tàn đời'' !
Thai nhi không thét bằng lời
Nhưng hồn biết được ''họa thời, tai ương...''
Tủi thân tới số ''đoạn trường'':
Chưa sinh, đã bị coi thường, tẩy chay !
Ngày xưa ẵm mẹ trên tay
Ngoại ru cho mẹ ngủ say đêm trường...
Ngoại ơi...! Hai chữ ''Nhà Thương''
Trở thành ''Nhà Ghét, Pháp Trường Thai Nhi !''
Giết người được phép thực thi
Đánh mèo bị lộ, phải đi hầu Tòa !
Trời ơi, ''Đao Phủ Y Khoa'' !
Giết người như vậy, ''nhân hòa'' ở đâu ?
''Lương y: từ mẫu'' là câu
Mà người không chịu ghi sâu đáy lòng !


Ghi chú:

- Chữ ''Trời ơi'' thay cho ''Hỡi người'' trong bài đã đăng.

- Theo tác giả Đào Duy Anh, chữ ''Từ mẫu'' còn có nghĩa là mẹ của ''Từ Thứ''. Đó là người đàn bà đạo đức, can trường trong ''Tam Quốc Chí''. (Chữ ''Từ'' viết hoa).


Đaminh PHAN VĂN PHƯỚC,
Đức Quốc, 26.5.2011

Theo huongvedaihoidanchua.net

Phá Thai và Sự Sầu Não

Lược Trích Bài Phỏng Vấn Với Cô Theresa Burke Thuộc Nhóm Mục Vụ Vườn Nho Rachel

KING OF PRUSSIA, Pennsylvania (Zenit.org).- Một người phụ nữ phải trải qua rất nhiều giai đoạn tâm lý trong mối quan hệ của người phụ nữ đó đối với đứa trẻ chưa được sinh ra, khi tiến trình mang thai diễn ra, yếu tố đó vẫn thường hay bị bỏ qua trong những cuộc tranh luận về phá thai.

Đó là lời nhận xét của Nữ Tiến Sĩ Theresa Burke, sáng lập viên của Nhóm Mục Vụ Vườn Nho của Rachel (Rachel’s Vineyard Ministries), chuyên tổ chức những buổi tĩnh tâm cuối tuần để giúp các phụ nữ được chữa lành sau khi họ đã phá thai.



Nữ Tiến Sĩ Theresa Burke
Trong bài phỏng vấn dài, được chia làm 2 phần, với hãng tin Zenit, Nữ Tiến Sĩ Burke thảo luận về mối quan hệ giữa người phụ nữ và đứa trẻ chưa được sinh ra của mình, và sự liên kết giữa phá thai và sự sầu não (depression).

Trong các năm qua, dịch giả, cũng đã có dịp giới thiệu qua về Nhóm Mục Vụ Vườn Nho của Rachel, và sau hai bài dịch dài này, chúng ta sẽ hiểu rõ thêm về những nổi đau thầm kín của những người phụ nữ. Cô Theresa Burke và Chồng Cô cũng là thành viên của Hội Các Linh Mục Bảo Vệ Sự Sống của Cha Frank Pavone.

Hỏi (H): Thưa Cô, đâu là bản chất tự nhiên về mối quan hệ tâm sinh lý giữa một người phụ nữ và đứa trẻ còn nằm trong bụng trong suốt tiến trình phát triển của thai kỳ?

Cô Burke (T): Thưa, việc mang thai không phải là một căn hay một thứ bệnh, mà đó là một sự kiện tự nhiên được diển ra từ hàng ngàn năm nay, và qua biết bao nhiêu thế hệ. Thân thể của những người phụ nữ được Thiên Chúa trao cho bản năng là dưỡng nuôi và duy trì sự sống. Mối quan hệ tâm sinh lý giữa người phụ nữ và thai nhi không những được biểu hiện bằng những thay đổi về mặt thể lý và hooc môn, mà còn cả về hệ thống hổ trợ cho các người phụ nữ và nền văn hóa nữa.

Đối với hầu hết những người phụ nữ, 3 tháng thai nghén đầu chính là khoảng thời gian hồi hộp, kỳ vọng, và vui sướng về sự mang thai của họ, hay là nổi giận dữ và sợ hãi về việc phải chấm dứt đi bào thai.

Những cảm nghĩ yêu/ghét thông thường chính là: Người mẹ ngạc nhiên về sự thật huyền bí rằng cơ thể của mình có thể tạo ra sự sống, và đồng thời cô cũng cảm thấy quá sức về những trách nhiệm phải chăm sóc cho một con người mới nữa.

Trong suốt thời gian phát triển của thai kỳ, người mẹ có thể có những cảm xúc tích lẫn tiêu cực về những đổi thay trong hình dáng trên thân thể mình. 3 tháng thai nghén cuối được xen lẫn với sự hồi hộp, âu lo về việc sinh con; những mối quan tâm về sức khỏe của thai nhi, cùng những lo lắng về việc liệu người bạn đời của họ sẽ thích ứng như thế nào về thành viên mới của gia đình cũng như những lo ngại về mặt tài chánh.

Đồng thời, người phụ nữ cảm thấy vui mừng, phấn chấn về sự chào đời của thai nhi và sự bắt đầu một giai đoạn sống hoàn toàn mới mẽ trong cuộc đời của cô ta. Vào lúc sinh nở, khi đứa trẻ được đặt trong vòng tay của người mẹ, thì một sự nhiệm mầu, một sự hân hoan, vui sướng, tràn ngập, tất cả cùng hội tụ lại trong một sự gắn bó mạnh mẽ, vô hình khi người mẹ sung sướng đón chào một cuộc sống quý giá mới vào thế giới.

Chúng ta có thể nói rằng những người phụ nữ cần trọn 9 tháng thai kỳ để ghi dấu toàn bộ tiến trình phát triển tâm sinh lý và tình cảm, đi cùng với thiên chức làm mẹ. Cả hai, người mẹ và trẻ thơ, đều cùng trải qua tiến trình phát và hoán chuyển nhanh chóng, diệu kỳ.

(H): Thưa Cô, còn những yếu tố khác như: những áp lực đến từ gia đình và người bạn đời của họ, cùng với những khó khăn về mặt kinh tế, đóng vai trò như thế nào trong việc đẩy người phụ nữ đến quyết định phá thai?

(T): Thưa, khi chúng ta nhìn lại sự chọn mang tính cách quyết định (rhetoric choice) mà chúng ta đã thực hiện, thì liệu chúng ta có thể thành thật hơn khi dám hỏi rằng: “Sự chọn lựa đó là của ai vậy không?”

Những cuộc nghiên cứu mới đây ám chỉ rằng, trong tất cả mọi trường hợp, hết 95% là do người bạn trai, người đóng vai trò chính trong quyết định phá thai. Còn những cuộc nghiên cứu khác, như bản báo cáo vào tháng Bảy năm 2005 được đăng trên tờ Hậu Phá Thai của Học Viện Elliot (Elliot’s Post Abortion Review) thì tiết lộ cho thấy rằng có đến 80% trường hợp người phụ nữ sẽ sinh con, nếu như họ nhận được sự ủng hộ từ người bạn đời của họ.

Một người làm công tác bảo vệ tại các bệnh viện phá thai trước kia đã chứng thực tại tiểu bang Massachusetts rằng những người phụ nữ vẫn thường xuyên bị đe dọa hay bị hành hạ, ngược đãi bởi những người đàn ông, mang họ tới các bệnh viện phá thai. Chúng ta vẫn thường nghe rằng, sự phá thai là chọn lựa của một người nào đó trong cuộc đời của cô ta, và chúng ta vẫn thường hay nghe những người phụ nữ nói rằng họ không còn có một sự chọn lựa nào cả, ngoài chuyện phá thai.

Đúng là, chuyện giết người, chính là nguyên nhân số 1 gây ra cái chết trong số những người phụ nữ mang thai. Những người đàn ông bị quy án vào tội giết người, giết những trẻ thơ mà người bạn đời của họ mang thai, thì lại nói rằng họ không muốn trả tiền phụng dưỡng con cái (child support), và coi đó là động lực chính, để áp lực những người bạn đời của họ phải phá thai. Thì những thống kê gây ra sự khó chịu trên tầm cở quốc gia đó rõ ràng ám chỉ rằng có một sự ép buộc cao độ, đẩy những người phụ nữ vào chuyện phá thai mà họ không hề mong muốn tí nào.

Không có sự hổ trợ nhất định từ người cha của đứa trẻ hay gia đình riêng của người mẹ, thì rất nhiều người mẹ sợ rằng họ sẽ không có nguồn cung cấp để dưỡng nuôi đứa trẻ. Với mức nghèo khổ hiện nay trong số những người làm cha/mẹ mà không có người bạn đời, và những thách đố mà họ phải diện đối, thì đây quả thực là một vấn nạn rất lớn. Thêm vào đó, lại có rất nhiều trường hợp, mà đằng sau những người phụ nữ đã phá thai, chúng ta sẽ tìm thấy rằng có rất nhiều người có liên quan chính đến “sự chọn lựa” phá thai của người phụ nữ, và những người này có uy thế thuyết phục và áp lực người phụ nữ đang mang thai.

Điều này có thể là cha mẹ của những người phụ nữ trẻ đang mang thai, những người đe dọa cô gái trẻ rằng họ sẽ từ chối yêu thương hay thậm chí đuổi ra khỏi nhà (eviction) nếu như cô gái trẻ không chịu phá thai; rồi trường học, những chuyên gia về sức khỏe tâm thần và những chuyên gia chăm sóc ý tế, những người dùng quyền hành và vị thế của họ để biến sự phá thai trông có vẽ như đó là một quyết định đúng đắn, chững chạc, và chỉ có quyết định phá thai duy nhất đó, mới có thể hóa giải hiện tình khó khăn hiện tại của người phụ nữ trẻ tuổi đang mang thai mà thôi.

Thì đây thật sự là một điều khó hiểu và khó giải quyết khi có một ám chỉ nào đó có liên quan đến sức khỏe của thai nhi, và trong những trường hợp như vậy, áp lực phá thai thường là rất lớn. Đối với những người phụ nữ nào, vốn phải bị đối diện với sự biến dạng trầm trọng của đứa trẻ, thì có đến 95% những người phụ nữ chọn hình thức gởi trẻ bị dị dạng vào các trại tế bần, hơn là phải giết chết các trẻ đó, vì suy cho cùng, đó là cách tình cảm và nhân bản hơn. Điều này giúp người phụ nữ tránh khỏi sự sầu khổ phức tạp gây ra bởi việc phá thai quá trể, vốn cũng là một kinh nghiệm rất hãi hùng cho cả người mẹ lẫn đứa trẻ.

(H): Thưa Cô, điều gì xảy ra trong mối quan hệ tâm sinh lý khi người phụ nữ phá thai? Và liệu có một sự khác biệt nào đó giữa những ảnh hưởng của việc sẩy thai đồng thời cùng lúc không?

(T): Thưa, khi một người mẹ bị bất ngờ tách ra khỏi thai nhi một cách vũ phu, bạo động, thì sẽ có một sự tổn thương lâu dài về mặt tự nhiên. Người phụ nữ đó phải trải qua một cái chết không được tự nhiên cho lắm. Thì trong nhiều trường hợp, người phụ nữ đó đã trầm trọng xúc phạm đến đạo đức luân lý và những bản năng tự nhiên của mình. Dường như họ sẽ cảm nghiệm, là có một cú đấm mạnh bạo nào đó vào hình ảnh của họ như là những “người mẹ” vốn dưỡng nuôi, bảo vệ và duy trì mạng sống.

Tôi đã cố vấn cho hàng ngàn người phụ nữ, mà cuộc sống của họ, cứ mãi bị sâu xé bởi tổn thương gây ra do sự phá thai mà họ cảm nghiệm như là một diễn tiến vô cùng tàn nhẫn và suy đồi. Nào là những nổi sầu khổ, sự buồn phiền, nhức đầu, cảm thấy xấu hổ và tội lỗi, cũng như giận dữ, oán ghét. Họ phải học cách để biến họ trở thành những người chai đá bằng chính rượu và thuốc, hay đối phó nổi đau được lặp đi, lặp lại của họ bằng chính rượu và thuốc. Một số muốn tái lập lại nổi đau của việc phá thai bằng lối sống thả lõng, bừa bãi, cẩu thả để những cuộc phá thai lập đi lập lại nhiều lần, và họ cứ mãi bị vướng vào vòng đau đớn luẫn quẫn về việc bị ruồng và chối bỏ.

Còn những người khác thì cố che lấp mọi tư tưởng của họ bằng sự ăn uống bừa bãi, bằng những cuộc tấn công hoảng sợ (panic), sự trầm cảm, sự mất trí, lo lắng, và những suy nghĩ muốn tự tử. Một số thì phải gánh chịu sự hủy diệt vĩnh viễn về mặt thể lý và khả năng sinh đẻ, khiến họ không thể sinh con được nữa trong tương lai. Việc phá thai chính là một cảm nghiệm chết người. Nó chính là chiều kích về tiềm năng, mối quan hệ, trách nhiệm, sự gắn kết từ mẫu, sự liên kết và tính vô tội của con người. Hiếm có những người phụ nữ đã từng phá thai nào mà không cảm nghiệm ray rứt được sự mâu thuẩn và những cảm nghĩ yêu / ghét, hối hận, và tội lỗi của họ.

Sẽ là một sự coi thường, thô thiển khi nghĩ rằng cứ cố gắng vượt qua, là mọi chuyện sẽ đâu vào đấy mà không phải trải qua rất nhiều triệu chứng phức tạp.

Trong cuốn sách của tôi có nhan đề: “Nổi Sầu Khổ Bị Cấm Đoán: Nổi Đau Không Nói Thành Lời của Việc Phá Thai” (Forbidden Grief: The Unspoken Pain of Abortion,) cùng với tác giả David C. Reardon, chúng tôi mời các độc giả hãy hướng mình vào sự mật thiết nơi cõi con tim về những kinh nghiệm con người, thì đó là nơi mà cuộc tranh luận về việc phá thai rất ít khi được đụng chạm đến.

Khi các cuộc luận chiến (polemics), những cuộc diễn hành, mang tính chất chính trị về sự tự do và về các quyền được chấm dứt, thì có những khía cạnh về mặt tình cảm của chuyện phá thai mà từ ngữ không thể nào có thể diễn tả cho được.

Sự đau đớn về mặt tâm, sinh lý của việc phá thai thường bị xã hội làm cho im hơi, lặng tiếng, và bỏ mặc bởi giới truyền thông, bị cự tuyệt, khước từ bởi các bác sĩ về tâm thần học, hay bị khiển trách bởi các phong trào phụ nữ.

Sự tổn thương hậu phá thai chính là một căn bệnh hủy diệt nghiêm trọng và liên lũy mà không có một người phụ nữ phát ngôn nổi tiếng nào, hay một chương trình truyền hình nào cũng như không một buổi nói chuyện tự thú nào, có thể diễn tả hết cho được.

Việc phá thai đụng chạm đến ba chiều kích chính về khái niệm tự nhận thức của người phụ nữ, đó là, bản năng giới tính, chiều kích đạo đức luân lý và căn tính từ mẩu của người phụ nữ. Nó cũng còn liên quan đến chuyện mất mát đứa trẻ, hay ít ra là sự mất mát về cơ hội được có con trở lại. Thì trong bất kỳ trường hợp nào đi nữa, thì sự mất mát này phải được diện đối, xử lý và sầu khổ.

Trong trường hợp bị sẩy thai, thì người mẹ cũng gánh chịu nổi mất mát về đứa con của mình. Sự khác biệt ở chổ là mức độ tội lỗi và sự xấu hổ mà người phụ nữ sau khi phá thai đã cảm nghiệm được vì lẽ, đó là một quyết định có chủ tâm nhằm tiêu diệt sự sống; còn ngược lại, với chuyện sẩy thai, thì nó xảy ra là do những nguyên do về tự nhiên. Với việc phá thai, sự mất mát của người phụ nữ là một chuyện thầm kín. Không có một sự hổ trợ nào hay an ủi nào mà người phụ nữ phá thai nhận được từ các bạn bè và gia đình của cô ta.

Điều quan trọng cần phải chú ý chính là: cũng có sự gia tăng về chuyện sẩy thai, không khác gì chuyện ly dị. Khi một người phụ nữ mất đi một đứa con mà mình mong muốn sau một cảm nghiệm về sự phá thai, thì những người phụ nữ đó thường cảm nghiệm được sự đau khổ và sự trầm cảm phức tạp, vì lẽ họ tin rằng chuyện sẩy thai chính là do “sự trừng phạt của Thiên Chúa” mà ra.

Từ bài phỏng vấn trên, chúng ta - nhất là những nam độc giả - nhận thức ra rằng, lổi lầm phá thai của những người phụ nữ, là đều do bởi chúng ta gây ra. Thế nhưng, rũi thay, tội lỗi, sự đau đớn, cùng với nỗi oan nghiệt, uất ức lại là do những người phụ nữ gánh lấy, suốt trọn cuộc đời của họ. Chúng ta - những người nam - đã tìm cách thỏa mãn, rồi lại bỏ mặc, phủ phàng, và gián tiếp gây nên tội ác với Thiên Chúa. Thì trong trường hợp này, có lẽ, vào ngày cánh chung, chúng ta sẽ phải chịu những hình phạt vô cùng đau đớn vì “tội ăn cháo, đá bát” phũ phàng và man rợ của chúng ta.



*   *   *

Trong Phần II của bài phỏng vấn này, Nữ Tiến Sĩ Theresa Burke, sáng lập viên của Nhóm Mục Vụ Vườn Nho của Rachel (Rachel’s Vineyard Ministries), giải thích làm thế nào mà sự sầu não lại chính là một ảnh hưởng tự nhiên của chuyện phá thai vốn có thể bùng nổ ra sau vài năm.

Nhóm Mục Vụ Vườn Nho của Rachel chuyên tổ chức những buổi tĩnh tâm cuối tuần cho những ai đang phải vật lộn với nổi đau về mặt tình cảm và tâm linh từ việc phá thai.



Trẻ Em: Kết Quả Diệu Kỳ của Tình Yêu Đôi Lứa

Hỏi (H): Thưa Cô, đâu là những hiểm họa của sự sầu não gây ra từ cảm giác tội lỗi của chuyện phá thai?

Cô Burke (T):
Thưa, vì phá thai là chuyện hợp pháp, do đó, nó được giả định cho rằng, đó là chuyện rất an toàn. Mà thực ra, nó thường được đề cập đến như là “quyền” của một người phụ nữ. Thì quyền hay đặc ân này, đáng lẽ ra phải giải phóng những người phụ nữ khỏi những gánh nặng về việc mang thai ngoài sự mong muốn của họ. Đúng lý ra, nó phải mang đến cho người phụ nữ một sự khuây khõa, giải thoát, thế nhưng nó lại mang đến cho họ một sự sầu não và trầm cảm triền miên.

Một trong những vấn nạn lớn nhất chính là khi người phụ nữ bị hành hạ(assault) bởi chính những phản ứng tự nhiên về sự mất mát của họ, thì họ lại không hiểu được rằng đâu là sự sai trái của những phản ứng đó. Rất nhiều người phụ nữ tìm đến việc chửa trị cho sự sầu não, trầm cảm, lo lắng, nghiện ngập, thế nhưng họ đơn giản không hiểu được nguồn cội về những căn bệnh của riêng họ. Trong rất nhiều trường hợp, họ bị cho thuốc và được chuẩn đoán, thế nhưng họ chưa bao giờ được hướng dẫn để hồi phục và được chữa lành.

Những ký ức và những tình cảm rối bời, chưa được giải quyết của họ về chuyện phá thai đã trở nên ngọn nguồn cho áp lực đè nặng lên họ, vốn sẽ được bùng nổ ra trong những năm sau này theo nhiều cách không thể ngờ được. Những tình cảm chưa được quyết đoán sẽ không chóng thì chày đòi hỏi sự chú ý của họ, thường là qua tiến trình phát triển về những tình cảm hệ quả hay sự bực tức rối loạn về những hành vi của họ.

Giáo Sư David Fergusson, một nghiên cứu gia tại trường Đại Học Y Kitô Giáo thuộc Tân Tây Lan, muốn chứng minh rằng việc phá thai không có một hệ quả tâm sinh lý nào cả. Thế nhưng, Ông ta đã ngạc nhiên khi tìm thấy rằng: những người phụ nữ nào đã từng có phá thai, thì hơn phân nửa có khuynh hướng lâm vào sự rối loạn về tinh thần, và rất nhiều người trong số họ, sẽ phải dùng rượu hay thuốc để giải sầu.

Fergusson đã theo dõi 500 người phụ nữ từ lúc sinh ra cho đến lúc 25 tuổi. Và nghiên cứu của Ông đã được trăng trong tạp chí chuyên về Tâm Thần Học và Tâm Lý Trẻ Em (Journal of Child Psychiatry and Psychology), vốn được đọc ra như sau: “Những ai đã từng phá thai thì có nguy cơ bị bệnh rối loạn tâm thần rất cao, gồm luôn cả bệnh trầm cảm (vốn sẽ tăng thêm 46%), sự lo lắng, thái độ tự tử muốn tìm đến cái chết, và việc lạm dụng các chất độc tố.”

Việc phá thai, thực chất, chịu trách nhiệm cho hàng loạt các vấn nạn như sau:

(1) Có một sự gia tăng lên khoảng 160% về tỉ lệ tự tử tại Hoa Kỳ, theo Tạp Chí chuyên về Bệnh Tâm Thần của Những Người Phụ Nữ (Archives of Women’s Mental Health), vào năm 2001 vừa qua.

(2) Có một sự gia tăng lên khoảng 225% về tỉ lệ tự tử tại Anh Quốc, theo Tạp Chí Y Học Anh Quốc (British Medical Journal) vào năm 1997 vừa qua.

(3) Có một sự gia tăng lên khoảng 546% về tỉ lệ tự tử tại Phần Lan, theo Tạp Chí Acta Obstetricia et Gynecologica Scandinavica, vào năm 1997 vừa qua.

Tổng cộng, tỉ lệ trung bình đẩy đến việc tử tự của ba nghiên cứu kể trên là 310%. Thì tỉ lệ tự tử quá cao này cho thấy rằng việc phá thai rõ ràng là trái ngược với chuyện thần thoại, hoang đường khi cho rằng việc chấm dứt chuyện mang thai thì an toàn hơn là việc sinh con.

Cuộc nghiên cứu dựa trên những kết quả đúng đắn nhất gắn liền với mức độ nảy sinh ra tình trạng suy thoái tinh thần theo sau việc phá thai tiết lộ cho thấy rằng trong vòng 4 năm sau kết quả của việc mang thai, những người phụ nữ nào phá thai từ 2 đến 4 lần, thì có khuynh hướng phải nhập bệnh viện tâm thần cao và nhiều hơn là những người phụ nữ quyết định giữ thai và sinh con từ 2 đến 4 lần.

Một cuộc nghiên cứu khác dựa trên những số liệu đáng tin cậy thậm chí cũng tiết lộ cho thấy rằng bốn năm sau khi đã phá thai, thì tỉ lệ nhập vào bệnh viện tâm thần vẫn còn là 67%, cao hơn rất nhiều so với những người phụ nữ không bao giờ có chuyện phá thai.

Những người phụ nữ đã phá thai thường có khuynh hướng được chuẩn đoán rằng họ có những phản ứng rối loạn, chứng rối loạn tâm thần trầm cảm (depressive psychosis), rối loạn thần kinh chức năng (neurotic), và những bất ổn lưỡng cực (bipolar disorders), theo như Tạp Chí chuyên về Bệnh Tâm Thần của Những Người Phụ Nữ.

Mối nguy hiểm của bệnh trầm cảm và chứng rối loạn tâm thần trong những lần sinh đẻ sau này cũng thường được liên kết với việc phá thai trước đó. Trung bình là tám năm sau khi đã phá thai, có đến 138% những người phụ nữ có gia đình có khuynh hướng bị bệnh trầm cảm rất cao so với những người phụ nữ mang thai trọn vẹn trong suốt thời kỳ có thai đầu tiên của họ. Kết luận này được dựa trên nghiên cứu của Tạp Chí Y Học Anh Quốc vào ngày 9 tháng 1 năm 2002.

Trong trường hợp lạm dụng thuốc và rượu, bia, chúng ta thấy có rất nhiều người phụ nữ đang cố diện đối với sự mâu thuẩn và sự sầu não nội tâm của họ, thì tỉ lệ này cao đến 4.5 lần so với sự lạm dụng về các độc chất sau thời kỳ phá thai. Và số liệu này chỉ được dựa trên những ai báo cáo về việc lạm dụng các độc chất mà thôi.

Hãy nghĩ đến tất cả những ai nghĩ rằng cứ mỗi đêm họ chỉ cần đơn giản uống vào 8 ly rượu, thì họ có thể “quay ngược chiều gió hay rũ bỏ đi sự sầu não ngay.” Khía cạnh này đã được báo cáo trong Tạp Chí Lạm Dụng Thuốc và Rượu Hoa Kỳ (American Journal of Drug and Alcohol Abuse) trong năm 2000.

Những kết quả của cuộc nghiên cứu quốc tế lâu dài, được hướng dẫn bởi Bác Sĩ Vincent Rue tiết lộ rằng có những bằng chứng đáng sợ cho thấy chứng rối loạn của sự căng thẳng là do hệ quả của việc phá thai.

Thống kê được thâu thập tại Hoa Kỳ tiết lộ các điều sau:

(a) 55% những ai đã từng phá thai báo cáo cho biết rằng họ có những cơn ác mộng và sự ám ảnh (preoccupation) cùng với việc phá thai.

(b) 73% mô tả là bị cảnh hồi tưởng (flashbacks)

(c) 58% những người phụ nữ báo cáo rằng họ luôn có những ý nghĩ về tự tử, vốn có liên hệ trực tiếp đến việc phá thai.

(d) 68% tiết lộ rằng họ cảm thấy quá xấu hổ về chính bản thân của họ.

(e) 79% tường thuật rằng họ có tội, và không có đủ bản năng để có thể tự tha thứ cho họ được.

(f) 63% cho biết có những sự sợ hãi liên quan đến những lần mang thai và làm mẹ trong tương lai.

(g) 49% gặp rất nhiều trở ngại khi phải đến gần các em bé.

(h) 67% tự cho họ là những người “bị chai cứng đi về mặt tình cảm.”

Một cuộc rà xét quy mô của rất nhiều cuộc nghiên cứu khác và những cảm nghiệm chắc chắn về mặt lâm sàng ám chỉ rằng đối với rất nhiều người phụ nữ, những hoạt động khác thường ban đầu của dục tính, những chứng rối loạn về ăn uống, cùng với sự hút thuốc gia tăng, những rối loạn về sự âu lo và hốt hoảng, và những mối quan hệ bị lạm dụng và vũ phu, đã trở thành món quà tặng của kiểu sống mà họ phải diện đối sau khi đã chứng kiến việc họ phá bỏ đi bào thai.

(H): Thưa Cô, có một lý do về mặt khoa học hay chính trị nào đó về việc không muốn cho cuộc nghiên cứu này được trở thành hiện thực, vì chưng nó đã chứng tỏ cho thấy rằng: rõ ràng là có một sự liên kết giữa sự phá thai với sự sầu não không ?

(T):
Thưa, trên bình diện xã hội, chúng ta biết cách tranh luận như thế nào về chuyện phá thai, và xem đó như là một vấn đề mang tính chính trị, thế nhưng chúng ta không biết cách làm thế nào để nói về nó trên bình diện thân mật, cá nhân của con người.

Không có một tiêu chuẩn nào cả về mặt xã hội có liên quan đến sự phá thai. Mà thay vào đó, tất cả đều cố lẫn tránh nó. Một trong những lý do khiến chúng ta không muốn nói về sự đau khổ của người phụ nữ và người đàn ông, những người đã từng phá thai, là vì, chúng ta, với tư cách là một xã hội, bị sâu xé quá nhiều về vấn đề phá thai. Trong khi đó, phần lớn thì tin rằng phá thai phải được hợp pháp hóa trong một vài hoàn cảnh, và hầu như những người có đạo đức, có lương tâm, thì họ cảm thấy rất khó chịu về điều đó.

Theo một cuộc thăm dò chính thức, 77% công chúng tin rằng phá thai chính là việc cướp đi mạng sống con người, với 49% cho rằng điều đó cũng đồng nghĩa với chuyện giết người, chuyện diệt chủng.

Chỉ có 16% tin rằng phá thai chỉ là “một thủ tục giải phẩu về việc tách rời đi tủy sống con người.” Thậm chí 1/3 trong số những người tự cho rằng họ ủng hộ việc tự do chọn lựa (pro-choice), vẫn phải nhìn nhận rằng họ tin chuyện phá thai là lấy mất đi mạng sống của con người.

Điều này được tường thuật trong cuốn sách của James Davison Hunter xuất bản vào năm 1994 có nhan đề: “Trước Khi Cuộc Bắn Phá Bắt Đầu: Tìm Kiếm Sự Dân Chủ trong Cuộc Chiến Văn Hóa của Hoa Kỳ” (Before the Shooting Begins: Searching for Democracy in America’s Cultural War).

Thì những khám phá này đề nghị rằng hầu hết những người Hoa Kỳ đặt tín ngưỡng về mặt đạo đức luân lý của họ trong trạng thái “cầm chừng” hay “để qua một bên” khi họ nói đến chuyện phá thai vì việc tôn trọng về “quyền của những người phụ nữ được chọn lựa.”

Với tư cách là một xã hội, chúng ta chọn cách để khoan dung, để bỏ qua những cái chết của những trẻ thơ chưa được sinh ra vì mục đích cải thiện đời sống của những người phụ nữ. Tuy nhiên, với sự thỏa hiệp về mặt đạo đức luân lý theo kiểu này, thì rõ ràng là chúng ta bị bẻ mặt khi những người phụ nữ này than phiền về sự đau khổ của họ sau khi đã phá thai.

Nghĩa là họ đã biến cho những thính giả của họ cảm thấy không được thoải mái cho lắm và cảm thấy rất xáo trộn, và bối rối vô cùng.

Sự sầu não về chuyện phá thai trong quá khứ buộc chúng ta không chỉ nhìn vào nổi đau của từng cá nhân, mà còn cả cảm giác tội lỗi, hối hận (angst) của xã hội chúng ta. Đó đúng là một vấn đề cực kỳ phức tạp, khó chịu, và rắm rối cao độ. Hầu hết chúng ta không muốn nhìn vào vấn đề này quá sâu sắc.

Những người cổ võ cho chuyện tự do chọn lựa vẫn thường rất ngần ngại để dám nhận ra hiện thực về nổi đau sau khi đã phá thai vì họ sợ rằng một cách nào đó, điều này sẽ làm suy yếu đi cái cách lập luận về mặt chính trị của họ để hợp pháp hóa chuyện phá thai.

Trái lại, việc coi thường những bằng chứng này, hầu hết những người cố vấn phá thai sẽ nói với những người phụ nữ rằng những phản ứng về mặt tâm, sinh lý của chuyện phá thai là rất hiếm, thậm chí không bao giờ xảy ra. Nói chung là, tất cả những gì gợi lên sự không hài lòng hay khó chịu, đều bị họ tìm cách lẫn tránh hoàn toàn. Vì với những sự thật như vậy, họ sợ rằng, có thể “thuyết phục những người phụ nữ rút lui hay từ bỏ đi ý định muốn phá thai của họ.”

Hay nói cách khác, sự chọn lựa được đưa ra bằng việc họ dấu đi những thông tin khiến cho những người phụ nữ mang thai biết được sự thật, biết được về những hệ quả, nghiêm trọng khó lường, bằng không thì những người phụ nữ mang thai này, sẽ không đồng ý phá thai.

Sự thông đồng, cấu kết (collusion) của sự ngu muội và chối từ những sự thật, đã gây ra sự lạm dụng và bỏ mặc chống lại những người phụ nữ, tạo tiền đồ cho một sự sầu não, đau khổ, chấn thường sâu đậm và dai dẵng, như một vết thẹo khó mà tẩy đi cho được, trọn suốt cả cuộc đời của những người phụ nữ.

(H): Thưa Cô, liệu Cô có nghĩ rằng điều này sẽ ngăn cản (deterrent) những người phụ nữ muốn phá thai khi họ biết được cơ may về căn bệnh sầu não, trầm cảm sẽ xảy ra nơi họ sau khi họ đã phá thai không?

(T): Thưa, tôi hy vọng thế. Những người phụ nữ có quyền biết những nguy hại mà họ diện đối khi họ đưa ra sự chọn lựa về việc có nên phá thai hay không. Bất kỳ thuốc hay thủ tục y khoa nào mà chúng ta “chọn” thì được yêu cầu, theo mặt pháp luật, là chúng ta phải được giải thích cặn kẽ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải biết được điều gì có liên hệ trong đó, thủ tục đó là gì, và đâu là những nguy hiểm ngắn và dài hạn. Thì đây chính là nguồn thông tin quan trọng.

Trước những con số thống kê gây ra sự khó chịu có liên quan đến những nguy hiểm về bệnh tâm thần, mức độ nguy hiểm gia tăng về việc bị bệnh ung thư vú, vân vân, thì rõ ràng là những sự dè dặt, kiềm chế và những quy định là cần thiết trong việc bảo vệ sức khỏe sinh sản và tâm sinh lý của những người phụ nữ. Quan trọng hơn nữa, chính tôi tin rằng cả phụ nữ lẫn nam giới nào đã phải gánh chịu sự mất mát con trẻ qua việc phá thai, đều biết rằng vẫn còn có hy vọng và sự chữa lành. Họ cần biết rằng họ không phải côi độc một mình.

Vào năm 1989, một nhóm gồm các chuyên gia của Hiệp Hội Tâm Lý Hoa Kỳ (American Psychological Association hay APA) đã đồng loạt kết luận rằng việc hợp pháp hóa chuyện phá thai “không tạo ra những nguy hiểm về mặt tâm sinh lý nào cho hầu hết những người phụ nữ trải qua thủ tục này.”

Nhóm các chuyên gia này lưu ý rằng những phản ứng tình cảm trầm trọng lại chính là chuyện đương nhiên, thì nếu mà những người phụ nữ gặp phải sự lan truyền này, thì họ nên tìm đến cách chữa trị về mặt tâm lý. Nhóm cũng tuyên bố rằng không có bằng chứng nào cả cho thấy có một sự lan truyền như vậy. Thì kể từ năm 1989 và mãi cho đến hôm nay, vẫn chưa có những thay đổi quan trọng nào về quan điểm này của họ. Rõ ràng là họ đã không theo dõi gì cả về sự phát triển của Nhóm Mục Vụ Vườn Nho của Rachel!

Trong năm 2006, tổ chức của chúng tôi đã tổ chức 450 buổi tĩnh tâm cuối tuần để giúp chữa lành sau khi phá thai. Mỗi một cuộc tĩnh tâm có khoảng từ 12 đến 25 tham dự viên. Điều đó có nghĩa là khoảng từ 5,400 đến 11,250 người sẽ đến tìm cách chữa trị trong những năm sắp tới.

Mục Vụ của chúng tôi đang gia tăng lên khoảng 40% mỗi năm. Chỉ trong vòng bảy năm qua, hàng ngàn người nam và nữ đã đến yêu cầu sự giúp đỡ của chúng tôi, khi Nhóm Mục Vụ Vườn Nho của Rachel đã mở rộng địa bàn hoạt động tới cả Phi Châu, Đài Loan, Nga Sô, Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan, Tô Cách Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nam Mỹ, Canada, và trên khắp Hoa Kỳ.

Có hàng trăm mục vụ khác nhau chuyên về hậu phá thai nảy sinh ra khắp mọi nơi. Chính vì thế, miễn cho những gì mà Hiệp Hội APA nghĩ, thì chỉ có những người trong chúng tôi, mới biết được sự thật. Có một sự lây lan vốn đã bị nhục nhã (disgracefully) bỏ qua, bị chuẩn đoán sai lầm một cách trầm trọng, thô thiễn và đã không được chữa trị.

Muốn biết thêm chi tiết về Nhóm Mục Vụ Vườn Nho của Rachel, mời Quý Vị hãy vào trang web tại địa chỉ: http://www.rachelsvineyard.org