Vật vã trước mộ hài nhi xin tha thứ

Có nhiều cặp vợ chồng vô sinh đã “vái tứ phương” để cầu mong có con, trong đó có cả việc cúng lễ ở chùa chiền linh thiêng. Nhưng ít ai biết rằng, ngay tại những nghĩa trang hài nhi lạnh lẽo, thi thoảng lại bắt gặp những người phụ nữ len lén tìm đến thắp hương, rồi khóc lóc vật vã trên một ngôi mộ vô danh nào đó, như một cách để bày tỏ sự ân hận, dù muộn màng…



Khóc cả ngày trước nấm mồ vô danh


Giữa hàng nghìn ngôi mộ vô danh trong nghĩa trang hài nhi Anh Hài ở Thừa Thiên - Huế, một số người vẫn nhận ra được phần mộ của con mình, bởi vì sau khi tiếp nhận và tiến hành chôn cất, anh Trương Văn Năng và anh Tống Viết Hiếu (2 người trông coi nghĩa trang) đều ghi rõ thông tin ngày tháng, địa điểm nhặt xác, nguồn gốc nếu có.. vào trong những cuốn sổ... 


Có những người phụ nữ trẻ lặng lẽ tìm đến những ngôi mộ vô danh này và ngồi khóc cả ngày trời...
Trong hơn 40 ngàn ngôi mộ bé xíu lọt thỏm giữa các quả đồi, có những ngôi mộ trở nên khác biệt khi được cắm hoa cúc vàng, có bát nhang trên đầu, đỡ lạnh lẽo hơn hẳn. Đấy là những ngôi mộ được cha mẹ của các thai nhi nhận ra...

Lật giở chồng sổ ghi chép thông tin về những hài nhi xấu số, hiếm hoi lắm chúng tôi mới thấy tên tuổi của những ông bố, bà mẹ. Những cuốn sổ tử này, quản trang đã đều đặn ghi chép hàng ngày suốt gần 19 năm qua và giữ gìn nó cẩn thận trên bàn thờ giá thánh ở nơi trang trọng nhất trong nhà.

Danh sách hài nhi được ghi vào trong sổ từ những năm đầu tiên. Các em không có tên tuổi, không có cha mẹ, chỉ có thông tin về nơi nhặt được và ngày về với đất…
  Anh Trương Văn Năng kể rằng, anh đã tiếp nhận và an táng cho nhiều thai nhi đã được 7, 8 tháng tuổi, đã nguyên vẹn hình hài, chuẩn bị chào đời nhưng cha mẹ vẫn vô tâm phá bỏ...

“Tôi từng chứng kiến người ta nạo phá thai. Đó là một loại thuốc được tiêm vào người phụ nữ để làm chết bào thai. Và một loại thuốc khác được tiêm vào làm cho cơ thể thai nhi nhỏ lại, dễ dàng ra khỏi người mẹ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nạo phá thai, bỏ con đi và nhiều bậc cha mẹ biện minh, lý giải cho hành động của mình, nhưng chung quy lại thì đó là việc tước đoạt quyền làm người của một kiếp người”, anh Năng nói.

"Ngày nào nơi đây cũng chứng kiến có những người phụ nữ trẻ lên nghĩa trang ngồi khóc cả ngày bên một ngôi mộ nào đó, đến khi thấy người lạ ra vào thì len lén ngoảnh mặt đi. Cũng có người không tìm thấy mộ con mình đành thắp nhang cho hàng trăm ngôi mộ rồi lầm lũi ra về."
Anh Tống Viết Hiếu

Theo anh Năng, việc làm này khiến họ ân hận, day dứt. Trong số những người từng rũ bỏ giọt máu của mình, anh tin là có không ít người đã âm thầm, lặng lẽ quay trở lại nghĩa trang này vào những lúc ít người biết nhất… 

Trời nhá nhem tối, chúng tôi rời nghĩa trang ra về thì thấy một đôi nam nữ đang cầm bó nhang và mấy bông cúc vàng đến. 

Anh Năng bảo, thỉnh thoảng vẫn có những bậc cha mẹ đến đây tạ lỗi, sám hối và chăm sóc con mình. Có những người chỉ đến xem để cho biết. Thậm chí, có nhiều sinh viên, thanh niên nam nữ đến đây để học “bảo vệ sự sống” từ những nấm mồ vô tội.

Đặc biệt, có một số người vô sinh, hiếm muộn đến để thắp hương, cầu nguyện cho các em và cho bản thân mình được may mắn.

“Một số người hiếm muộn sau khi lên nghĩa trang về đã có được con cái như mong muốn. Có thể do họ được điều trị sức khỏe, uống thuốc đúng cách nhưng họ nói cũng rất có niềm tin vào những linh hồn hài nhi bé bỏng” - anh Tống Viết Hiếu bật mí.

Anh Hiếu kể, hàng ngày vẫn có một số người đến gặp anh để hỏi về tung tích, nguồn gốc những ngôi mộ. Một số người đến xin xác hài nhi về chôn cất, thờ cúng nhưng các anh kiên quyết từ chối.

“Họ đã nhẫn tâm vứt bỏ đứa con thì giờ có đưa về cũng vô ích. Để cho các em cùng chung sống với nhau ở nghĩa trang thì tốt hơn” - anh Hiếu chia sẻ.

Anh Hiếu cho biết: khi những người cha, người mẹ tìm đến nghĩa trang hài nhi để thăm những đứa con vô danh mà một trong số đó là con của mình, các anh không oán trách hay 'buộc tội'…

“Nhiều lúc, tôi bắt gặp chỉ toàn nước mắt và sự im lặng. Cuộc đời ai cũng có lỗi lầm. Điều quan trọng là biết nhận lỗi và sửa lỗi, tránh lặp lại những lần sau. Khi đến nghĩa trang, họ thường có hai tâm trạng đó là thương con và lo sợ, vì nghĩ đến việc mình gieo nhân gì thì sẽ gặp quả nấy” – anh Hiếu nói…

Tình thương xoa dịu nỗi đau

Để có được nghĩa trang 'bề thế' như bây giờ, anh Trương Văn Năng, anh Tống Viết Hiếu, dân làng Ngọc Hồ, Hội Bác ái xã hội và những người thiện nguyện đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để gom từng xác hài nhi đưa đi chôn cất.

Số phận những hài nhi bị từ chối quyền làm người giờ đây được những trái tim nhân hậu yêu thương, chăm sóc tận tình. 

Công việc hàng ngày của anh Hiếu, anh Năng là chăm sóc những ngôi mộ vô danh tội nghiệp

Anh Hiếu, anh Năng gắn bó cuộc đời mình với nghĩa trang từ ngày 2/2/1992 đến nay. Anh Năng cùng vợ con làm ruộng, chăm sóc 1,5ha rừng cây, đất vườn để mưu sinh. Công việc tất bật là vậy, nhưng khi có người mang xác hài nhi đến, anh gác lại hết và cùng anh Hiếu mang đi chôn.

Khi bào thai quá nhiều, đất nghĩa trang có hạn nên các anh đã phát hoang đồi núi, san lấp để nghĩa trang được rộng ra. Người vợ cùng 6 đứa con cũng phụ giúp cha chăm sóc nghĩa trang.

“Tôi nguyện gắn bó suốt đời với nghĩa trang và con cháu tôi sau này cũng vậy” – anh Năng tâm nguyện.

Ngoài việc dạy học, anh chăm sóc gần 1ha đất rừng và cây ăn quả trong vườn để mưu sinh. Vợ anh là giáo viên cấp 1 ở xã nhà cũng hết lòng ủng hộ chồng công việc chăm sóc nghĩa trang. Ngày quần quật mưu sinh và chăm sóc cho những linh hồn xấu số, tối về, vợ chồng anh căng sức ra để chăm sóc đứa con gái 6 tuổi bị bệnh máu tan.

Những năm đầu tiên, công việc gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở. Lúc đó, các anh chỉ biết đi đò và đi bộ xuống thành phố. Có những đêm khuya, không có đò, các anh phải bơi sang sông để đưa những hài nhi về kịp an táng trước lúc trời sáng.

“Lúc đó, chỉ nghĩ đến việc làm cách nào chôn xác các em càng sớm càng tốt kẻo xác bị ôi thiu và tâm hồn các em lạnh lẽo” – anh Hiếu chia sẻ.

Nguyên Bình


 

Mẹ ơi xin đừng giết con

Linh mục Xuân Đường



Mẹ ơi xin đừng giết con
Vì con vốn là kết tinh mối tình mẹ cha
Dù con chưa từng nói năng
Nhưng con mang hình dáng mẹ
Là một con người có quyền được yêu
Và quyền được sống
Và quyền được khóc một tiếng khóc chào đời
Con là mầm sống còn trong trứng nước
Khi tròn ngày tháng con sẽ ra đời
Mẹ sẽ nhìn con giọt máu ngày kia
Nay là hình dáng của mẹ hiền

Cho con được cất tiếng khóc chào đời
Cho con được thấy ánh sáng mặt trời
Cho con nhìn ngắm tí tách mưa rơi
Cho con được uống đôi dòng sữa mẹ
Cho con cảm nếm ân tình của mẹ
Xin một lần nghe tiếng mẹ ru hời à ơi…

Mẹ ơi con là bé thơ
Đời con ai người chở che ngoài mình mẹ ra
Đời con như một đoá hoa
Vươn lên giữa mùa nắng hạ của một kiếp người
Mẹ đừng đổi lấy
Một lần lầm lỡ một đời thờ ơ vì những hư danh cuộc đời
Đâu là đạo lí của muôn kiếp trước
Đâu là quyền sống của những con người
Năm tháng dần trôi giọt máu mẹ tôi
Vẫn còn gọi mãi giữa cuộc đời…

Lặng người ở nghĩa trang hàng vạn hài nhi

Vietnamnet - Hơn 42.200 hài nhi bị cha mẹ bỏ rơi từ khi chưa lọt lòng hiện đang yên nghỉ tại hai nghĩa trang bào thai ở Thừa Thiên – Huế. Những dòng thơ than khóc, trách cha mẹ viết trên những ngôi mộ tí xíu vô danh khiến người đọc phải lặng người…

“Ngọn nến hồng chưa kịp sáng lung linh”

 
Đã được nghe kể về nơi yên nghỉ của những bào thai tại xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế nhưng khi tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới thực sự bị choáng ngợp, nhưng quặn đau trước sự rộng lớn của nó. 

Hàng ngàn nấm mộ của hơn 42.200 sinh linh bị chối bỏ được chôn cất ở nghĩa trang bào thai Anh Hài (Thừa Thiên - Huế)
 
Nghĩa trang hài nhi nằm tựa lưng vào làng Ngọc Hồ. Giữa trưa nắng oi ả, chúng tôi đi bộ men theo con đường mòn dẫn lên nghĩa trang.

Khung cảnh hoang vắng đến rợn người. Cả hàng vạn ngôi mộ được quét sơn trắng nằm ngay ngắn, thẳng hàng khắp vùng đồi núi rộng lớn. Tất cả các ngôi mộ đều không có tên, chỉ ghi ngày tháng năm sinh trên cây thánh giá cắm ở đầu mộ.

Ở góc cuối nghĩa trang, hai người đàn ông đang hì hục đào xuống lớp đá, đất cằn cỗi. Đó là anh Trương Văn Năng (50 tuổi) và Tống Viết Hiếu (47 tuổi), những người trông coi nghĩa trang này.

Các anh nhẹ nhàng đặt 12 sinh linh được gói ghém kỹ, lấp đất xuống, cắm lên trên 3 que nhang và cầu nguyện.

Đã chứng kiến nhiều đám chôn cất, nhưng chưa bao giờ tôi thấy xót xa bằng buổi “hạ huyệt” này, khi không hề có trống, kèn, vòng hoa, lời than khóc. Bên cạnh huyệt chôn, còn có nhiều huyệt mộ đã được đào sẵn để chờ an táng cho những hài nhi mới.

Anh Năng dẫn tôi đi lần lượt hết ba quả đồi với chi chít những ngôi mộ, rồi dừng lại ở tượng Đức mẹ và cậu bé thiên thần ở giữa nghĩa trang. Phía hai bên, có những bia đá khắc những dòng thơ như tiếng kêu cứu của hàng vạn thai nhi bị cha mẹ chối bỏ khi chưa kịp lọt lòng:

“Em là thai nhi vô tội
Hiện thân là buồn tủi
Tình yêu tắt lịm rồi
Núi đồi xa xôi
Một đêm lạnh trời sương
Em vấp ngã nơi đây
Em thiếp ngủ không hay
Lá rụng che phủ đầy...”


(Linh mục Phaolo, 11/4/2008)


“Tôi không biết em là trai hay gái. Tiếng kinh buồn, cất tiếng gọi thai nhi...”


Ngoài nghĩa trang Anh Hài nổi tiếng ở Huế, thì ở Nha Trang (Khánh Hòa) cũng có một nghĩa trang hài nhi với tên gọi Đồng Nhi và đặc biệt là ở thành phố Pleiku (Gia Lai) cũng có một nghĩa trang tương tự với khoảng hơn 1 vạn ngôi mộ vô danh bé xíu nằm lọt thỏm giữa núi rừng Tây Nguyên.

Nghĩa trang này được linh mục Nguyễn Văn An ở nhà thờ Đức An (TP Pleiku) khai sinh và trông coi từ năm 1992, nhưng nó chỉ thực sự trở nên 'nổi tiếng' sau khi đón một hài nhi bị bỏ rơi vào đúng dịp Trung thu năm 2004.


Báo Thanh Niên (trong một phóng sự năm 2008) từng kể lại rằng, hài nhi đặc biệt với đủ hình hài này được đưa đến linh mục Nguyễn Văn An và được đặt lên một tờ báo. Thật bất ngờ, hài nhi đã đưa tay bấu chặt lấy ngón tay của vị linh mục. Đó là hành động duy nhất của đứa trẻ xấu số trước khi từ giã cõi đời…

Câu chuyện của hài nhi mang tên Trung Thu đã gây ra bao xúc động. Có người biết chuyện không giấu được cảm xúc, đã viết nên bài thơ ai oán:

“Con không có lời ru
Đưa con vào cuộc đời
để con được làm người
Con không còn tiếng khóc chào đời
và làm người như bao người.

Xin thắp lên cho con một ngọn nến,

một nén nhang
cho lòng con được ấm lên
trong lòng đất lạnh tình người.


Xin cắm cho con một cành hoa
và một lời ăn năn dù chỉ là muộn màng.

.........

Xin hãy thương con, đừng bỏ con.
Con tội tình gì? Mẹ ơi! Cha ơi! …”



Có ngày chôn tới 20 hài nhi vô tội 

 
Anh Năng, người trông coi nghĩa trang Anh Hài (Thừa Thiên - Huế) cho biết: Nghĩa trang ra đời ngày 2/2/1992, do một số linh mục Giáo phận Huế thành lập.

Bạt ngàn những ngôi mộ vô danh bé xíu nằm lọt thỏm giữa những quả đồi hoang vắng. Trên các cây thành giá chỉ kịp khắc ghi ngày các em về với đất ....


Khi đó, đời sống xã hội phát triển, những nhu cầu dục vọng, tình yêu đôi lứa phát triển mạnh mẽ khiến tình trạng nạo phá thai lớn. Một số linh mục nghĩ đến việc đi nhặt những bào thai mang về chôn và khi giáo phận thành lập Ban Bác ái xã hội thì nghĩa trang do Ban chăm sóc.

Ngày càng có nhiều bào thai được chôn ở đây và đến nay đã được hơn 42.000. Đây là nghĩa trang bào thai đầu tiên tại Việt Nam và hiện tại là lớn nhất miền Trung.

Những năm đầu tiên, mỗi thai nhi chỉ là một nấm mồ bằng đất sơ sài. Nhờ tấm lòng thiện nguyện của Hội Bác ái xã hội và những nhà hảo tâm, nay mộ được xây bằng bê tông. Số lượng hài nhi cứ tăng dần theo thời gian, có lúc 20 em/ngày được chôn ở đây. Để giảm kinh phí và diện tích đất chôn, những người phụ trách quyết định xây một mộ một tuần và hàng chục hài nhi được chôn chung một mộ.

Ngày nào anh Năng cũng “hạ sơn”, lặn lội qua đò trên sông Hương rồi về TP Huế dạy thêm môn Anh văn cho học sinh cấp 2 để kiếm thêm thu nhập.

Chiều tối về nhà, 'hành trang' của anh thường có xác hài nhi để mang về chôn. Bào thai anh nhận từ những người tình nguyện đi gom hoặc anh tự đi lượm được ở gốc cây, thùng rác...

Gần 19 năm qua, trung bình mỗi năm, nghĩa trang đón nhận hơn 2.000 bào thai. Riêng năm 2009 đã có gần 3.000 thai nhi. Con số này có thể gây sốc cho nhiều người, nhưng vẫn chưa phản ánh được hết thực chất của việc nạo phá thai, bởi còn rất nhiều vụ phá thai mà chúng ta không thể nào biết hết được.


Nguyên Bình – Cẩm Quyên

Người an táng những hài nhi trôi sông

Ông mở túi nilon và bảo: “Hôm nay chỉ có 5 cháu thôi. Ngày nào nhiều thì có hơn chục cháu, ngày ít cũng 3-4 cháu”.

Lang thang ở vùng quê ven biển, thuộc tỉnh Nam Định, tôi được chứng kiến hai ngôi mộ khổng lồ quái dị, và cuộc an táng rùng rợn, do một người đàn ông thực hiện, tiễn đưa những sinh linh bé bỏng về trời.


Giữa cánh đồng xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng, Nam Định), có hai ngôi mộ sơn màu vàng, mái đỏ. Người dân quanh vùng, người đi làm đồng thường tránh xa, không dám lại gần hai ngôi mộ đó.


Theo người dân trong vùng, ngày nào hai ngôi mộ cũng tiếp nhận vài hài nhi. Người đàn ông râu tóc bạc phơ, sau khi làm lễ tiễn đưa các lĩnh hồn về trời, vào lúc nửa đêm, ông rước các hài nhi xấu số về mộ.

 

Hai ngôi mộ táng hài nhi khổng lồ giữa cánh đồng

Người dân trong vùng nhìn thấy ông già đó lại tránh rất xa. Họ kinh sợ việc làm quái đản của ông, sợ những hồn ma hài nhi xấu số.

Tò mò với câu chuyện rùng rợn này, tôi tìm gặp ông Vũ Bao. Bóng tối sầm sập đến, con ngõ vào nhà ông già quái dị này vắng tanh, cảm giác rờn rợn.

Tôi bước vào ngôi nhà lớp ngói tuềnh toàng. Ông lão tóc trắng toát, râu dài ngang ngực trắng như cước ngồi bất động trên ghế. Thi thoảng ông nhấp ngụm trà.

Tôi cất tiếng “chào cụ”. Ông lão vuốt râu cười hiền lành: “Cậu cứ gọi tớ là anh cũng được, chưa lên chức cụ đâu”. Hoá ra, ông Bao mới 60 tuổi. Dáng ông vâm váp, nước da đỏ như da gà chọi, nhưng râu tóc thì lại trắng xoá.

Tôi ngồi uống nước, trò chuyện cùng ông về cái công việc đặc biệt và kỳ quái này.


Ông Bao lấy hài nhi

Ông Vũ Bao vốn làm nghề đi biển như bao người dân khác ở vùng đất giáp biển. Ông nổi tiếng với tài câu cá vược. Không hiểu có phải ông có duyên với người chết hay không, mà thường xuyên câu được… xác chết.

Mỗi lần gặp xác chết, ông không hề sợ, mà vớt xác, rồi an táng cho người xấu số cẩn thận. Thế rồi, ở đâu có xác chết trôi, người dân, chính quyền gọi ông làm giúp. Ông làm việc kinh dị này miễn phí.

Nơi ông ở là vùng theo đạo. Cha xứ gọi ông về giáo xứ và giao cho làm trùm kẻ liệt, tức làm công việc khâm liệm cho con chiên.

Cách đây 5 năm, đi câu cá ở bờ sông Tiêu, một bịch nilon dính lưỡi. Kéo bịch nilon đen xì lên, mở ra, thì ông lạnh cả người: cả chục hài nhi đỏ hỏn. Có đứa chưa thành hình hài, có đứa đủ cả tay chân, mặt mũi.


Nơi làm lễ an táng hài nhi

Người theo đạo cấm phá thai, nên thấy cảnh đó, ông rụng rời tay chân. Ông cặm cụi làm đúng thủ tục mai táng như nhà thờ làm, cầu Chúa ban phước cho linh hồn các hài nhi về nơi cực lạc. Làm lễ xong, ông đem các bé ra nghĩa địa chôn.

Việc phát hiện bọc thai nhi to tướng cứ ám ảnh ông mãi. Một ngày, ông làm chuyến điều tra dọc con sông cạnh nhà. Đi ngược lên phía thượng nguồn, ông nhặt được vô số túi nilon đen chứa hài nhi. Con sông dẫn đến thị trấn Đông Bình. Ông phục kích tại đây, thì phát hiện một người đàn bà ném những túi đen xuống sông vào chiều tối.


Người đàn bà này vốn là bác sĩ, đã về hưu, mở phòng sản tư, chuyên môn nạo hút thai. Mỗi ngày, bà gom hài nhi lại, rồi ném xuống sông Tiêu.

Nghĩ đến cảnh các hài nhi làm mồi cho cá, chuột bọ, chó mèo, lòng ông đau quặn. Thế là, từ đó, ông nảy sinh ý tưởng lạ: Làm tang ma cho các linh hồn bé bỏng, để các linh hồn tội nghiệp được siêu thoát.



Hài nhi ít tháng tuổi được gói trong những túi nilon nhỏ


Ông liên hệ với các bệnh viện, các phòng sản tư trong huyện, đề nghị họ cung cấp hài nhi cho ông để ông làm tang ma. Lúc đầu, các phòng khám, bệnh viện hoài nghi, từ chối, nhưng rồi, họ hiểu việc làm của ông, và cũng tốt cho họ, nên họ đồng ý. Cứ chiều xuống, họ lại mang hài nhi đến cho ông làm lễ an táng.


Ông làm lễ rửa tội, xức nước thánh và đặt tên cho các sinh linh theo họ Vũ của ông. Xong xuôi, ông cho các cháu vào chiếc tiểu sành, chờ đêm xuống mang ra nghĩa địa chôn.

Việc chôn cất hài nhi ra mả rất tốn diện tích, vì cứ vài ngày lại mọc thêm ngôi mộ, nên bị nhân dân phản đối. Vì thế, ông đã xây hẳn hai ngôi mộ to để chứa hài nhi vào trong đó.

Đang trò chuyện, thì tiếng chó sủa râm ran, rồi tiếng xe máy đỗ ở ngõ. Ông Bao bảo: “Người ta mang hài nhi đến đó”. Tôi ra ngoài sân ngó xem, thì tiếng xe máy đã xa dần.


Xức nước thánh.


Ông Bao mở chiếc hòm tôn như hòm thư trên cây nhãn trước nhà, lấy ra một bọc nilon màu đen. Ông mở túi nilon và bảo: “Hôm nay chỉ có 5 cháu thôi. Ngày nào nhiều thì có hơn chục cháu, ngày ít cũng 3-4 cháu”.

Ông mang túi đựng hài nhi ra chái nhà, là lối đi giữa nhà và bếp. Tại đây, có một bàn thờ với khói hương, tượng thánh giá và vô số hài nhi đã được làm lễ rửa tội và “nhập quan”.

Ông Bao thắp hương lầm rầm khấn vái. Ông đặt các hài nhi ra mặt bàn, đặt tên cho các con, rồi đọc kinh thánh giúp các linh hồn siêu thoát. Ông nói chuyện với các con mình: “Con người sinh ra từ cát bụi, chết lại trở về với cát bụi. Các con không một lần được nhìn thấy mặt trời, nhưng Chúa thấu hiểu nỗi đau nên sẽ bù đắp cho các con vào kiếp khác.

Các con hãy siêu thoát và đừng oán hận những người trần gian, vì họ cũng có nhiều nỗi buồn khó nói. Cha mong các con được thanh thản nơi thiên đường và phù hộ cho những người cha, người mẹ lầm lỗi, phải nuốt nước mắt, rứt ruột rứt gan từ bỏ các con”.

Đọc Kinh Thánh, trò chuyện xong, ông làm lễ rửa tội bằng cách xức dầu thánh lên các hài nhi. Ông đặt 5 hài nhi vào 5 chiếc tiểu sành. Hài nhi to đặt vào tiểu to, hài nhi nhỏ đặt vào tiểu nhỏ. Những chiếc tiểu do ông đặt ở cơ sở làm gốm, giống hệt các bát hương.

Dán kín nắp tiểu sành bằng xi măng

Ông trộn ximăng cho nhuyễn, rồi dùng ximăng gắn chặt nắp với tiểu. Ông dùng bút lông đánh số bằng mực đỏ lên các tiểu sành. Hài nhi nhập quan cuối cùng trong ngày hôm đó mang số 3.155. Điều đó có nghĩa, đã có 3.155 hài nhi được ông Bao làm lễ rửa tội, xức dầu thánh và an táng chu đáo.


Xong xuôi, ông Bao đựng các “quan tài” nhỏ xíu vào bị, rồi mang ra ngôi mộ ở cánh đồng. Tôi lẽo đẽo theo ông trong cảnh nhập nhoạng, với cảm giác rờn rợn.

Bình thường, lúc nửa đêm, khi dân làng ngủ hết, ông mới đem hài nhi ra mộ, để người dân đỡ sợ. Nhưng hôm nay, có nhà báo, nên ông mang sớm để tôi được chứng kiến.

Đi qua nghĩa địa u tịch của xứ đạo Quần Vinh thì đến hai ngôi mộ khổng lồ. Hai ngôi mộ nằm giữa ruộng, tách biệt hẳn với nghĩa địa. Hôm đó mưa to, nước lớn ngập ruộng, tràn cả vào trong mộ, khiến các tiểu sành nổi lềnh bềnh. May mà ông Bao trát kín miệng tiểu sành bằng ximăng nên nước không ngấm vào được. 


Ông bảo, đang làm thì hết tiền, nên chưa trát kỹ được tường, lại chưa có cửa, nên mưa to là mộ ngập nước. Ông dùng chậu tát hết nước trong mộ, rồi đặt một số tiểu sành vào trong.


Dù ngôi mộ mới xây dựng, nhưng tôi thấy có đến cả ngàn hài nhi trong hai ngôi mộ này. Theo tính toán của ông Bao, phải vài chục ngàn hài nhi mới lấp đầy được hai ngôi mộ.

Sau khi nhập các hài nhi vào mộ, ông Bao ngồi bên thành mộ “nói chuyện” với các linh hồn. Tôi thấy ông nói chuyện, khuyên bảo, cười đùa cứ như với người vô hình trước mặt.

Ông Bao khẳng định, ông nghe được tiếng nói chuyện, tiếng cười đùa râm ran của bọn trẻ! Bọn trẻ cũng nghe được những lời ông nói. Có đêm, đang ngủ, bọn trẻ cười đùa, khóc lóc, trèo lên bụng, lên ngực, ngoáy mũi, giật râu không cho ông ngủ!

Chuyện ông Bao kể, chẳng hiểu có tin được không. Không rõ ông đang ở thế giới thực hay mộng nữa. Hầu như ngày nào, ông cũng ra mộ trò chuyện với mấy ngàn đứa con của ông.

Tiếng chuông xứ đạo gọi con chiên vang vọng. Màn đêm bao phủ khắp nơi. Bỏ lại ông già râu tóc trắng xoá ngồi trò chuyện với các linh hồn bên mộ, tôi như chạy trốn hỏi một hiện thực nhói lòng.

Việc làm của ông thật kỳ lạ. Nhưng tôi tin rằng, nếu ai một lần nhìn thấy ngôi mộ khổng lồ với hàng ngàn hài nhi chồng chất, sẽ biết sợ, biết trân trọng sự sống.



Hội Thánh dạy gì về phá thai?

LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP


Phần thứ nhất : Giáo lý của Hội thánh

1. Phá thai là vi phạm trầm trọng luật luân lý.

Dựa vào Lời Chúa và ánh sáng lương tri, Hội thánh luôn luôn dạy rằng tự ý và trực tiếp phá thai là một trọng tội. Hội thánh tin rằng Chúa là Đấng tạo thành sự sống của con người : “Người dựng nên ta, ta là của riêng Người.” (Tv 100,3). Sự sống của con người là một quà tặng của Thiên Chúa hằng hữu ban cho nhân loại. Thiên Chúa ban sự sống cho con người không phải để con người làm chủ tuyệt đối nhưng để làm kho tàng cho con người quản lý và con người phải trả lẽ trước nhan Người (x. Mt 25,14-30; Lc 19,12-27).


Chúa canh chừng sự sống của con người (x. St 9,5-63) và cấm chúng ta không được giết người (Xh 20,13; Mt 5, 21). Vì thế, sự sống của con người là thiêng thánh và bất khả xâm phạm trong tất cả quá trình hoàn thành của nó từ đầu cho đến cuối.

Chúa Giê-su Ki-tô ra luật yêu người, buộc chúng ta phải tôn trọng, bảo trợ và thăng tiến sự sống của tha nhân. Bởi vậy, thủ tiêu sự sống của con người là hoàn toàn đi ngược lại với huấn lệnh Người đã truyền cho chúng ta là phải yêu tha nhân đến hy sinh mạng sống mình.

Hội thánh ở khắp nơi và trong mọi thời bao giờ cũng nhắc lại lệnh truyền của Chúa về tính bất khả xâm phạm của sự sống con người vô tội, dù sự sống ấy mới chỉ manh nha. Từ xưa đến nay Hội thánh luôn luôn nhất trí về điểm này và không hề nhượng bộ một ly.

Ngay từ những bước đầu, cộng đồng Ki-tô hữu theo gương Chúa Ki-tô và vâng lệnh Người truyền về bổn phận phải yêu thương các trẻ nhỏ, đã can đảm đương đầu với thế giới ngoại giáo trong việc bảo vệ giá trị sự sống của con người, dù nó chưa thành hình, qua đoạn văn sau đây : “Không được giết… không được phá thai làm cho đứa trẻ chết… Không được giết nó sau khi nó đã ra đời… Đó là con đường đưa tới sự chết… Những người ấy không biết Đấng tạo thành nên họ, họ giết con họ, họ phá thai làm cho các thọ tạo của Chúa phải chết.” (1)

Trong nhiều Công Đồng, Hội thánh đã ra những hình phạt rất nặng (2). Huấn quyền Tòa thánh cũng đã nhiều lần mạnh mẽ lên tiếng rằng phải nghiêm cấm phá thai. Các ĐGH, các Hội Đồng Giám Mục và các Giám Mục nhân danh cá nhân, đều nhất trí và cương quyết bày tỏ thái độ về vấn đề này (3). Công Đồng Va-ti-ca-nô II quả quyết : “Thiên Chúa, Đấng làm chủ sự sống đã giao cho loài người nhiệm vụ cao quí bảo vệ sự sống, và con người phải đảm trách nhiệm vụ này một cách xứng đáng. Phải hết sức ân cần bảo vệ sự sống ngay từ lúc thụ thai. Phá thai và giết trẻ thơ là những tội ác đáng ghê tởm.
(4)

Đức GH Phao-lô VI đã tuyên bố là Hội thánh giữ vững lập trường bất di bất dịch về vấn đề phá thai (6). Nhân dịp kỷ niệm 15 năm làm giáo hoàng, ngài đã xác quyết : “Và chúng tôi, người đã tự đặt ra cho mình chỉ thị rõ rệt là phải tuyệt đối trung thành với giáo huấn của Công Đồng. Chúng tôi đã đặt vấn đề bảo vệ sự sống dưới mọi hình thức nó có thể bị đe dọa, thương tổn hay thủ tiêu, làm chương trình hành động cho nhiệm kỳ của chúng tôi. Nhưng việc bảo vệ sự sống phải bắt đầu ngay từ nguồn mạch. Vì thế, Hội thánh công giáo mới phải nhắc đi nhắc lại giáo lý về vấn đề ly dị và phá thai, cũng như lưu ý mọi người về thực tại đau lòng và những hậu quả rất nặng nề của hai vấn đề đó. Những lời xác quyết ấy, chúng tôi đã chỉ đưa ra, nhân danh trách nhiệm tối cao của chúng tôi là thày dạy và người dìu dắt Hội thánh khắp nơi và vì lợi ích của loài người.” (6)

Không phải chỉ có đức tin Ki-tô giáo mà cả lương tri nhân loại cũng cho phá thai là một trọng tội, vì như thế là thủ tiêu một cách tàn bạo một con người vô tội không có phương thế tự vệ, đang cần mọi sự và cần đến mọi người.

Phá thai chắc chắn là một trong những bất công tệ hại nhất phạm đến con người. Chẳng những con người không được nhìn nhận như một nhân vị mà quyền sống là quyền căn bản nhất cũng bị chà đạp dưới chân, và không thể lấy lại được một khi đã mất.

Tính bất công của tội phá thai còn hóa ra nặng thêm, bởi lẽ đứa trẻ trong bụng mẹ là một kẻ vô tội không có phương thế nào để tự vệ; nó bị thủ tiêu do chính những người đã đưa nó tới sự sống và do những người đáng lý ra phải bảo vệ và bênh vực sự sống của nó như các bác sĩ và y tá.

Lương tri của mọi người đều nhìn nhận nguyên lý hiển nhiên và thiêng thánh này là phải tôn trọng sự sống của con người, ngay từ khi nó còn là bào thai. Y giới ngay từ thời xa xưa đã đặt nguyên lý này làm trọng tâm cho hoạt động và tài nghệ của mình, như lời thề của Hippocrate (Híp-pô-cơ-rát) chứng tỏ : “Tôi sẽ không cho ai một thứ thuốc giết người theo lời yêu cầu của người ấy, và tôi sẽ không khuyên bảo gì theo hướng này; tôi cũng sẽ không cho người đàn bà nào một thứ thuốc phá thai.”(7)

Nhiều người viện lý để bào chữa cho việc phá thai khi nói rằng đứa trẻ sẽ sinh ra chưa phải là một người. Lập trường này không thể chấp nhận được, vì thụ thai đã là khởi nguyên của một con người cụ thể rồi.

2. Tội và hình phạt dành cho việc phá thai

Vì những lý do nêu trên, những người xin phá thai, làm nghề phá thai, cộng tác vào việc phá thai một cách tự nguyện và ý thức, đều phạm một tội rất nặng.

Cũng như đối với các tội khác, phán quyết luân lý về những người phá thai hay cộng tác vào việc phá thai, phải căn cứ vào giá trị của sự sống con người và dựa vào hoàn cảnh khác nhau của các đương sự. Phải chăm chú cứu xét và thẩm định những hoàn cảnh này một cách thiết thực, mà không tiên thiên kết án hay xá giải,, với một sự tế nhị đặc biệt dành cho những người đang trải qua những thảm cảnh bi đát.

Hội thánh phạt vạ tuyệt thông người công giáo nào can tội phá thai. Vạ này có tính tức thời, nghĩa là không cần phải tuyên bố án lệnh và quyền giải vạ này dành cho Vị Thường Quyền (Gl 1398).. Ai bị vạ tuyệt thông thì không được lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.

Để tránh những sự giải thích sai lạc và nhất là để thẩm định một cách tích cực nội dung và tinh thần của vạ này, cần lưu ý mấy điểm sau đây :
  • Người tín hữu nào bị vạ tuyệt thông thì phải loại ra ngoài, không được hiệp thông với Hội thánh, và vì thế không được tham dự các bí tích như mới nói. Hình phạt này nặng ở chỗ người ấy không được rước Mình thánh Chúa và do đấy không được tham dự vào hoạt động được coi như tuyệt đỉnh của đời sống Ki-tô hữu.
  • Cũng như tất cả các hình phạt của Hội thánh, vạ tuyệt thông dành cho tội phá thai nhằm trước hết là phòng ngừa, chữa trị và giáo dục.
Quả thế, Hội thánh dùng vạ tuyệt thông để tố cáo việc phá thai và coi đó là một hành động không thể dung hợp được với những đòi hỏi của Tin Mừng, đồng thời giúp người đã phá thai có dịp suy nghĩ mà ăn năn hối cải, để lại được sống trong ơn nghĩa. Ngoài ra, vạ này cũng còn là một lời nhắc nhở cho những ai yêu cầu phá thai hay hành nghề phá thai phải coi chừng.

Hậu quả tai hại của việc phá thai chỉ có thể hiểu được, khi nhìn vấn đề theo chiều kích xã hội của tội. Do tội của mình mà người Ki-tô hữu, thành phần của Thân Thể mầu nhiệm, không những xúc phạm đến Thiên Chúa là Cha mà còn làm tổn thương cho Hội thánh (x. Ánh sáng muôn dân số 11). Hơn nữa, ai can tội phá thai là đi ngược lại với sứ mệnh phục vụ và bảo vệ sự sống vừa chớm nở của Hội thánh. Người ấy làm cho hành động cụ thể của Hôi thánh mất tính khả tín và hữu hiệu. Như vậy, vạ tuyệt thông nhằm làm cho thấy rõ người tín hữu nào phá thai là phạm tội phản nghịch cùng Hội thánh.

Đó là lý do tại sao dành quyền tha vạ cho Vị Thường Quyền nghĩa là giám mục hay linh mục được thừa quyền chỉ bị vạ tuyệt thông trong một số trường hợp mà thôi. Hội thánh phạt người phá thai khi người ấy thật sự lỗi nặng và biết lỗi như thế là mắc vạ tuyệt thông.

Vạ dành cho người phá thai có tính tức thời như đã nói, nghĩa là ngay sau khi phá thai chứ không cần phải xét xử hay tuyên bố gì cả.

Trong hoàn cảnh xã hội và văn hóa hiện nay, người ta ít nhạy cảm với ý nghĩa tích cực của hình phạt này. Vì thế có nhiều người tự hỏi không biết Hội thánh duy trì hình thức này có còn hợp thời hay không, và nhiều người khác lại cho rằng hình thức này đã lỗi thời và hoàn toàn xa lạ với tinh thần đích thật của Tin Mừng.

Thực ra, trả lời cho câu hỏi và vấn nạn này cũng không khó, nếu hiểu rõ ý nghĩa đích thật của vạ tuyệt thông, khi dựa vào sứ mệnh và đời sống của Hội thánh. Vì tính trầm trọng của tội và vì não trạng của người thời nay chẳng chịu ý thức vấn đề là mấy, nên Hội thánh phải duy trì hình thức vạ tuyệt thông để tôn trọng giá trị của sự sống và bênh vực những kẻ yếu nhất và những người vô tội.

Nhiều người lại còn hỏi rằng tại sao Hội thánh duy trì vạ tuyệt thông nhằm phạt người phá thai mà lại không phạt vạ những người khác phạm những tội nặng không kém tội phá thai. Nếu suy nghĩ kỹ một chút, người ta sẽ thấy rằng phá thai rõ ràng là một tội giết người, bởi vì đứa trẻ sắp sinh hoàn toàn không thể tự bảo vệ, và dù Nhà Nước không coi phá thai là một trọng tội, nhưng vẫn coi giết người là một trọng tội.

3. Phá thai trước pháp luật đời

Khi nói đến phá thai, không nên chỉ nghĩ đến chiều kích luân lý cho mỗi cá nhân yêu cầu phá thai, mà còn phải nhìn vấn đề theo hướng xã hội nữa.

Quả thật, phá thai là một hiện tượng xã hội vì nhiều lẽ. Trước hết, phá thai có ảnh hưởng sâu xa đến mối liên lạc giữa hai con người với nhau là người mẹ và đứa con. Tiếp đến, nó lại tác động trên đôi vợ chồng, trên gia đình và xa rộng hơn, trên môi trường xã hội. Vì thế, phá thai phải được nhà cầm quyền chú ý theo dõi và can thiệp.

Khi can thiệp vào sự sống vừa chớm nở, nhà cầm quyền không thể chỉ đưa ra một đạo luật, tuy là cần thiết, để cấm phá thai và coi phá thai là một trọng tội, mà còn phạt trừng phạt cách công minh và công bình tùy theo những hoàn cảnh cụ thể. Tuy vậy, một đạo luật như thế tự nó cũng không giải quyết được tất cả vấn đề phá thai, một vấn đề rất khó khăn phức tạp.

Thành ra, trước hết Nhà Nước phải dựa vào một nền giáo dục và văn hóa biết tôn trọng và phát huy giá trị của sự sống, đồng thời ý thức trách nhiệm đối với sự sống. Lại phải dựa vào một sự trợ giúp mang tính xã hội, gồm các sáng kiến tài trợ và biện pháp nhằm ngăn chặn và nâng đỡ những người không muốn có thai hay gặp khó khăn khi mang thai.

Nhưng vì dân chúng thiếu hiểu biết về văn hóa và xã hội, nên nhiều khi nhà cầm quyền phải đối phó với việc phá thai lén lút, kèm theo những khó khăn và nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mệnh của người mẹ.

Vì thế, cần phải có luật pháp can thiệp để ấn định trong trường hợp xã hội này. Người ta hay nại đến nguyên tắc dung thứ mà dựa vào đó Nhà Nước có thể hay phải dung thứ một cái họa nhỏ để tránh những cái họa khác lớn hơn.

Nhưng nguyên tắc dung thứ khi áp dụng vào thực tế không biện minh được việc cho phép trực tiếp loại bỏ một người vô tội. Bộ Đức Tin tuyên bố : “Luật của loài người có thể tha không phạt, nhưng không thể tuyên bố là vô tội điều trái với luật tự nhiên, vì sự đối nghịch này đủ làm cho luật không phải là luật nữa”.

Áp dụng luật cho phép phá thai theo luật đời nhân danh nguyên tắc dung thứ là bất hợp pháp và không thể chấp nhận được, vì Nhà Nước không phải là nguồn mạch chính yếu phát sinh ra những quyền tự nhiên bất khả di nhượng của con người, cũng không phải là người sáng tạo và trọng tài tuyệt đối của những quyền này. Ngược lại, Nhà Nước phải phục vụ con người và cộng đồng nhân thế bằng cách nhìn nhận, bảo vệ và cổ động những quyền lợi của con người.

Vì thế, khi cho phép phá thai là Nhà Nước đi ngược lại với ý nghĩa và chính sự hiện diện của mình và làm thương tổn cách rất trầm trọng luật pháp, vì đưa vào đó một nguyên tắc hợp thức hóa bạo động đối với người vô tội bất lực và cô thế.

Những điều nói trên đưa tới phán quyết luân lý này về luật cho phép phá thai : đó là một luật tự bản chất cực kỳ vô luân lý.

Trái với những luật lương thiện và chính đáng, luật này không buộc người ta phải giữ theo lương tâm và không thể xóa bỏ được nguyên tắc : sự sống của con người vô tội là bất khả xâm phạm ; nguyên tắc này bất di bất dịch không hề thay đổi. Con người chỉ bị ràng buộc bởi luật của Thiên Chúa ghi trong lòng mỗi người mà thôi. Luật này truyền cho ai nấy không được giết người.


Phần thứ hai: hoạt động mục vụ nhằm bảo vệ sự sống vừa chớm nở

1. Trách nhiệm của Hội thánh

Trước hiện tượng phá thai, trách nhiệm đầu tiên của Hội thánh là tích cực rao truyền mạnh mẽ tính mới mẻ và độc đáo của giáo lý công giáo, một sứ điệp đề cao con người dù nó mới chỉ là bào thai, vì nó là hình ảnh sống động của Thiên Chúa trong Đức Giê-su; nó đem đến cho mọi người một tình yêu mới do Đức Ki-tô Giê-su ban cho.Tình yêu này làm cho người ta có thể đương đầu một cách hữu hiệu với những hoàn cảnh xem ra khó khăn nhất.

Tính trầm trọng của hiện tượng phá thai đòi Hội thánh phải hoàn toàn đảm nhận vai trò của mình về phương diện cá nhân cũng như tập thể, nghĩa là mọi thành phần của Hội thánh không trừ ai, phải bảo vệ và tôn trọng sự sống của con người và mỗi người ai cũng có bổn phận phải làm như vậy.

Theo cái nhìn này, phải nhấn mạnh đến vai trò của Hội thánh địa phương và các cộng đoàn sống trong đó. Sự kính trọng, tình yêu và thái độ niềm nở đối với sự sống mới phát sinh phải được diễn tả ra bằng những cử chỉ tập đoàn mang tính Hội thánh.

Vì thế, phải nói đến trách nhiệm chung của mọi người và những trách nhiệm riêng của mỗi người.

Đối với trách nhiệm chung thì có một số mục tiêu phải nhằm tới và một số cách thế để thực hiện. Còn đối với các trách nhiệm riêng thì có trách nhiệm của gia đình, của vợ chồng, của người phụ nữ mang thai, của nhân viên y tế, của các tu sĩ nam nữ phục vụ trong các bệnh viện, của ban giám đốc cơ quan y tế, của luật sư và của linh mục.

2. Các mục tiêu phải nhắm tới
Muốn từ chối cách hữu hiệu việc phá thai thì phải sáng suốt và cương quyết tranh đấu chống lại những căn nguyên đưa tới phá thai.

Căn nguyên có tính quyết định nhất là khinh chê sự sống và từ chối chấp nhận rằng sự sống của con người là tuyệt đối bất khả xâm phạm, dù sự sống ấy chưa phát sinh. Đó là kết quả của một nền văn hóa coi con người là một giá trị tuyệt đối, không ràng buộc gì với Thiên Chúa và một nền luân lý phổ quát bất di bất dịch nào. Con người ấy không có một đối tượng nào khác, ngoài tiện nghi và khoái lạc, dù phải phủ nhận và đi ngược lại với những quyền tối thiêng và căn bản của người khác.

Nên văn hóa chung ở nhiều nơi bây giờ xem ra như bị chế ngự bới thứ luân lý phũ phàng và vô nhân đạo, dựa trên bạo lực mà phá thai là một triêu chứng rõ ràng nhất và đáng lo ngại nhất, đặc biệt khi nó bị đòi và coi như một quyền của người phụ nữ và của xã hội.

Tất nhiên, ngoài căn cớ này ra còn nhiều căn cớ khác nữa về phương diện xã hội, kinh tế, pháp lý và tâm lý v.v… đưa người ta đến thảm cảnh phá thai.

Trong một hoàn cảnh như thế, Hội thánh tự ý thức và ra sức giáo dục con cái mình cho biết quí trọng giá trị của sự sống của con người, cũng như thiết tha với bổn phận phải yêu mến và đón nhận sự sống ấy bằng cách dựa vào mối phúc Chúa dành cho những ai hiền hòa : “Phúc thay những ai hiền hòa vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5,9) và luật của Tin Mừng dạy ta phải yêu thương phục vụ những kẻ nghèo hèn, bé nhỏ nhất.

Vì thế, cần phải giúp cho người ta cởi bỏ được những não trạng khá phổ cập hiện nay nhưng không thể chấp nhận được là phá thai là cách thế để giải quyết vấn đề bi đát lỡ làng hay không muốn có con mà lại có thai hoặc sợ phải sinh đẻ khó khăn.

Phải công nhận rằng quan niệm về tính dục bây giờ cũng góp phần gây ra não trạng đó vì tính dục phân biệt và đối chọi việc thi hành dục tính với việc truyền sinh. Người ta chủ trương dục tính thuộc phạm vi cá nhân và nằm trong viễn tượng vui thú. Nghĩ như thế thì khó lòng dục tính có thể phục vụ cho tình yêu phong phú được, vì trong trường hợp này, dục tính chỉ phục vụ cho cá nhân con người thu hẹp lại nơi mình và người đồng thụ hưởng với mình mà thôi.

Ngoài ra, lại còn phải nghĩ đến một vấn đề này nữa là thiên kiến và thái độ quá khắt khe đối với những người phụ nữ không chồng hay xa chồng mà có con. Chính thiên kiến và thái độ khắt khe này cũng là một trong những căn cớ thúc đẩy người phụ nữ phá thai. Tuy nhiên, nói như vậy không phải có ý ngầm bảo rằng các bà các cô không chồng hay xa chồng cứ việc mang thai đâu, mà chỉ có ý nói là cần phải tỏ ra độ lượng và thông cảm trong những trường hợp lỡ làng như thế.

Vậy, phải dạy cho người ta biết cách đề phòng khi không muốn có thai. Mục đích chính là giáo dục cách thích hợp, rộng rãi, thường xuyên cho người ta biết nhìn thấy trong dục tính một giá trị ràng buộc tất cả hồn xác con người, và dẫn đưa con người tới một tình yêu có trách nhiệm về phương diện luân lý.

Một nền giáo dục và huấn luyện như thế, phải đặc biệt dành cho các đôi vợ chồng. Phải giúp họ cách cụ thể cho biết và chọn các phương pháp điều hòa sinh sản nào hữu hiệu và thích hợp với tiêu chuẩn luân lý.

Mặc dù nhiều khi những phương pháp đề phòng không đạt ngay kết quả, và những người đề ra các phương pháp đó phải vất vả lắm mới làm cho người ta hiểu và tin tưởng đôi chút, nhưng dần dà xét cho cùng, đó mới là con đường nhân bản đưa người ta tới chỗ chấp nhận làm cha làm mẹ với tinh thần trách nhiệm hoàn toàn.

Cuối cùng cần phải có một chính sách về gia đình can đảm hơn để đối phó với những hậu quả quan trọng có thể xẩy ra về điều kiện sinh sống, công ăn việc làm, phát triển văn hóa, tình trạng kinh tế, nghĩa là cả một lô những sáng kiến trên bình diện luật pháp, kinh tế, nghiệp đoàn, văn hóa, y tế, cứu trợ để “bao giờ cũng vậy và ở khắp nơi có thể đón nhận mọi trẻ thơ ra đời cách xứng đáng với phẩm giá con người.” (9)

3. Các phuơng thế hành động

Những phương thế Hội thánh có thể và phải dùng để đạt những mục tiêu nói trên thì nhiều và khác nhau, đi từ chỗ giảng giải về giá trị của sự sống đến chỗ huấn luyện lương tâm trong những gì liên hệ đến bổn phận phải bảo vệ và phát huy sự sống và những sáng kiến cá nhân cũng như tập thể trên bình diện công bình và bác ái.

Tất cả các Ki-tô hữu đều được kêu mời động viên mọi năng khiếu hoạt động Chúa Thánh Thần ban cho, để đáp lại những đòi hỏi cụ thể của môi trường mình sống. Ở đây chỉ xin giới hạn vào hai điều cần thiết này mà thôi :

3.1 Các trung tâm hướng dẫn

Nói trung tâm có vẻ xa xôi và to tát quá. Vậy cụ thể và thiết thực hơn có lẽ phải nói đến phòng chỉ dẫn về luân lý công giáo liên hệ đến các vấn đề tính dục, hôn nhân và gia đình. Rồi phổ biến những phương pháp ngừa thai tự nhiên. Về phương diện này, nên nhờ các đôi vợ chồng đã có kinh nghiệm chỉ dẫn cho.

Ngoài ra là chống lại các phương thế làm cho người nam và người nữ không thể sinh con được.

Chống lại tư tưởng đơn thuần và sai lạc chủ trương rằng phương thế duy nhất và hữu hiệu để giảm bớt và loại trừ việc phá thai là ngừa thai nhân tạo.

Huấn luyện kỹ lưỡng các nhân viên làm việc trong các trung tâm thăm khám thai cho họ có thể đối phó được với những vấn đề tâm lý khó khăn của những người muốn phá thai hay đã phá thai rồi, bằng cách cung cấp và đưa ra cho những người này những giải pháp thực tiễn cho họ có những lý do để hy vọng và sống.

Khuyến khích người ta lui tới các phòng chỉ dẫn về hôn nhân và gia đình; cổ võ cho người công giáo làm việc trong các phòng chỉ dẫn để giúp tránh các nguyên nhân đưa tới phá thai.

3.2 Các trung tâm đón nhận sự sống

Trung tâm ở đây là những tổ chức nhằm giúp cho các người phụ nữ đang có thai, về các phương diện tâm lý, luật pháp, luân lý và tài chính như giúp đỡ tiền bạc, tìm công ăn việc làm cho người mẹ, giúp người mẹ có thể giữ gìn, nuôi nấng và giáo dục con. Ngoài ra, các nhân viên trong trung tâm cũng có thể tạo điều kiện cho người mẹ cho con đi để người khác nuôi.

4. Những nhiệm vụ riêng biệt của một số hạng người

Mọi người trong Hội thánh đều có nhiệm vụ phải đón nhận sự sống vừa chớm nở. Nhưng vì hoàn cảnh sống và chức nghiệp, một số người có bổn phận khẩn thiết và đặc biệt hơn. Đó là :

4.1 Người mẹ tương lai

Người phụ nữ phải miễn cưỡng sinh con hay gặp khó khăn trong việc sinh đẻ thường cảm thấy cô đơn nặng nề, ấy là chưa kể trường hợp hoàn toàn bị xua đuổi hay bỏ rơi. Tình cảnh này đáng cho người công giáo lưu tâm và tỏ tình liên đới với người mẹ tương lai đáng thương.

Không kết án và tỏ vẻ thông cảm không thôi thì chưa đủ, mà còn phải tùy cơ làm cho người mẹ ấy lấy lại được hy vọng và thiết thực tìm cách giúp đỡ.

Đã hẳn phải tỏ tình liên đới trước tiên ngay trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái với nhau. Người chồng, cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu cần tỏ vẻ săn sóc, hỏi han người phụ nữ đang có thai. Thái độ và cử chỉ ấy có tác dụng tâm lý làm cho người mẹ tương lai được yên tâm và có sức chịu đựng những sự nặng nề mệt nhọc trong thời kỳ thai nghén.

Ngày nay, người ta khám phá và đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội nên cần phải suy nghĩ lại về giá trị giáo dục và xã hội của chức làm mẹ.

Làm mẹ không nguyên chỉ hạn chế trong việc truyền sinh hay trong việc nội trơ, mà làm mẹ chính là một hình thức của tình yêu phu phụ, một hình thức làm cho đôi vợ chồng thêm kinh nghiệm phục vụ con người và xã hội.

4.2 Vợ chồng và gia đình công giáo

Vợ chồng được kêu mời hiến cho Hội thánh bằng chứng về sứ mệnh tác sinh phát xuất từ bí tích hôn phối, do sự tham dự của họ vào tình yêu của Thiên Chúa tạo thành, của Đức Ki-tô và của Hội thánh.

Sứ mệnh tác sinh của vợ chồng không chỉ diễn ra trong việc truyền sinh và giáo dục con cái, mà còn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau trong phạm vi phong phú thiêng liêng, nhất là trong thái độ sẵn sàng và dễ dãi đón nhận và giúp đỡ con cái người khác, vì ý thức rằng mọi người đều là con cái Thiên Chúa. Ngoài ra là thực tâm và tế nhị lưu ý đến người phụ nữ đang phải đối phó với những vấn đề trong thời sắp sinh đẻ. Rồi lại quảng đại tiếp đón những trẻ em vô thừa nhận và tạo cho chúng một bầu khí yêu thương ấm áp của gia đình cũng như cương quyết tham gia các sáng kiến nhằm bảo vệ sự sống của con người.

Còn cha mẹ thì có bổn phận phải giáo dục con cái cho chúng hiểu biết ý nghĩa và giá trị của sự sống. Trong đời sống hàng ngày, nên tập cho con cái biết để ý đến nguời khác, trọng kính nguời ta, nhất là những người bé nhỏ và yếu đuối. Đó là cách cụ thể dạy cho chúng biết đón nhận và quí trọng sự sống vừa chớm nở.

4.3 Các linh mục

Linh mục, người hướng dẫn và linh hoạt hóa cộng đồng Dân Chúa cũng có những bổn phận rõ ràng và đặc biệt đối với sự sống mới manh nha.

Khi rao truyền lời Chúa, linh mục nhắc lại lệnh truyền không được giết người và phải yêu thương tha nhân. Linh mục phải tỏ cho người ta thấy phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm, dù mới chỉ ở giai đoạn là bào thai và xâm phạm tới phẩm giá này là một tội bất công rõ ràng.

Khi huấn luyện cho người ta về đời sống Ki-tô hữu, linh mục phải dạy cho giáo dân biết đón nhận và phục vụ sự sống con người một cách có trách nhiệm, cả trong các trung tâm hướng dẫn về những vấn đề gia đình lẫn trong các trung tâm cổ võ đón nhận sự sống.

Ngoài ra, linh mục còn phải giúp cho giáo dân biết phân biệt và nhận ra sự đối chọi giữa luật đời cho phép và luật đạo ngăn cấm. Điều này rất cần thiết vì hiện nay có sự cách biệt giữa pháp lý và luân lý và nhiều người cho rằng điều gì luật đời cho phép thì cũng hợp với luân lý, do đấy họ nghĩ rằng phá thai không có tội, vì luật đời đã cho phép.

Trong bí tích hòa giải, linh mục cũng phải có tinh thần và thái độ như Chúa Giê-su trước tội lỗi và người có tội, nghĩa là không giảm bớt gì cả về giáo lý lành mạnh của Người, nhưng khoan hồng với người có tội : đó là một hình thức trổi vượt về đức ái đối với tội nhân. Ngoài ra, lại phải luôn luôn nhẫn nại và khoan dung như chính Chúa Giê-su đã làm gương. Người đến không phải để xét xử nhưng để cứu độ (x. Ga 3,17), tuy rất đòi hỏi đối với tội lỗi nhưng lại rất nhân từ đối với người có tội. (10)

Vì thế, linh mục sẽ nhẹ nhàng đối với những người phạm tội phá thai mà thông cảm, tuy không vì thế mà biện minh cho những động lực xa gần, trực tiếp hay gián tiếp đưa họ tới chỗ phá thai.

Linh mục nên tỏ ra kính trọng những người đó, tuy phải tế nhị đối phó nhưng lại rõ ràng về ý nghĩa luân lý của việc phá thai.

Linh mục cũng cần đối xử như thế, khi giải tội cho các bác sĩ hay nhân viên y tế đã sai lỗi cách nào đó trong sứ mệnh bảo vệ sự sống.

Tất cả hoạt động của linh mục giải tội là nhằm giao hòa người có tội với Thiên Chúa và Hội thánh. Linh mục sẽ theo dõi người có tội trên đường cải hóa, bằng cách giúp họ ăn năn sám hối, thành thật và khiêm nhường xin lỗi Chúa và quyết chí không tái phạm nữa.

Cha giải tội cũng sẽ giúp người có tội hiểu, nhận và làm việc đền tội cho xứng hợp, lại nói cho người ấy biết phá thai là giết người và bị vạ tuyệt thông và xem nếu người ấy đã bị vạ này thì giải thích cho họ hiểu mức độ trầm trọng và chiều kích cộng đồng của tội đó.

4.4 Nhân viên y tế

Các bác sĩ và nhân viên y tế là những người trực tiếp có liên hệ với vấn đề thai nghén. Công việc chuyên môn của họ với tư cách Ki-tô hữu quả thật là một công việc bác ái tối hảo (11). Họ là những cộng sự viên của Thiên Chúa trong việc bảo vệ và phát triển sự sống con người. Vì thế, thật là trái ngược giữa sứ mệnh này với việc phá thai hay cộng tác vào việc phá thai. Cũng không thế viện cớ có luật đời cho phép phá thai để biện minh cho hành động này. Một luật như thế không thể tạo ra quyền lợi hay bổn phận nào đối với lương tâm con người.

Ngược lại, lương tâm có quyền chất vấn đối với luật cho phép phá thai. Căn bản của quyền này là sự tự do và phẩm giá của con người. Con người không thể bị cưỡng ép hành động trái với lương tâm hay bị ngăn cản không được sống phù hợp với lương tâm.

Đó là một quyền có ngay từ bẩm sinh và rất khó di nhượng. Quyền này phải được luật lệ điều khiển các quốc gia công nhận, thông qua và bảo vệ. Làm khác đi là chối bỏ nhân phẩm và biến Nhà Nước thành nguồn mạch và trọng tài tuyệt đối các bổn phận và quyền lợi của con người.

Lương tâm phải chất vấn mỗi khi luật đời yêu cầu điều gì trái với những đòi hỏi ưu tiên và bất khả xâm phạm của lương tâm như trong trường hợp phá thai.

Giá trị vô biên của sự sống con người một khi bị lâm nguy sẽ biến bổn phận này thành một sự bó buộc luân lý rất nặng nề, dựa vào luật ghi trong lòng mọi người. Hội thánh nhắc lại luật này khi phạt vạ tuyệt thông những người công giáo nào phá thai hay cộng tác vào việc phá thai (Gl khoản 1398). Vì thế không bao giờ được :

- Trực tiếp phá thai

- Hợp tác vào việc trực tiếp phá thai

Hợp tác vào việc trực tiếp phá thai như trong trường hợp các y tá hay nhân viên làm việc ở phòng mổ, hay những người cho giấy chứng nhận mà nội dung và giá trị pháp lý có thể coi đó là những giấy cho phép phá thai.

Ngoài ra, một số người như các nữ tu, có thể làm cho những hình thức hợp tác khác, tuy không trực tiếp ngay, thành bất hợp pháp và sinh gương xấu.

4.5 Các tu sĩ

Do bậc đời của mình, các tu sĩ nam nữ được kêu gọi trở thành những tấm gương về lòng bác ái trong việc bảo vệ và cổ võ sự sống.

Vì thế, không thể chấp nhận trường hợp các tu sĩ làm việc trong các dưỡng đường tư có phá thai. Ngược lại, sự hiện diện của họ có thể hữu ích trong những bệnh viện công là nơi phải tránh mọi dịp có thể làm gương xấu và nhất là phải đưa ra những sáng kiến nhằm bảo vệ sự sống.

4.6 Ban Giám đốc

Ban Giám đốc các cơ quan y tế và Ban Quản trị các bệnh viện có bổn phận và trách nhiệm như các nhân viên y tế mới nói đến ở trên. Họ cũng là những người phục vụ sự sống và sức khỏe của bệnh nhân chứ không thể là những người giết chết mạng sống. Họ phải dùng mọi phương thế để bảo vệ sự sống vừa chớm nở và hoạt động của họ chỉ được coi là hợp pháp về phương diện luân lý, khi hoàn cảnh và môi trường làm việc của họ không phải là nguyên nhân gây ra phá thai.


Kết luận

“Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động”
(Thánh I-rê-nê)

Ngày nay, thế giới chờ đợi những người công giáo dấn thân để bảo vệ sự sống vừa chớm nở trên bình diện cá nhân cũng như xã hội. Làm như thế là họ loan báo cho người ta thấy sự sống của mọi người sinh ra là một giá trị bất khả xâm phạm.

Sự dấn thân này càng hữu hiệu, nếu được diễn ra bằng một hành động bảo vệ và cổ động con người ở khắp nơi sự sống ấy bị đe dọa và đàn áp dưới hình thức này hay hình thức khác, đi từ những điều kiện làm việc và nơi cư trú không hợp với phẩm giá con người đến chỗ tra tấn hành hạ, bắt bớ, giam cầm, cưỡng bức về thể xác cũng như tinh thần.

Khi làm những công việc này, Hội thánh đặt niềm tin vào nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành và quí yêu sự sống trong chính con người được dựng nên giống hình ảnh Người. Con người có một niềm khao khát thầm kín và không thể dập tắt được về sự sống, về đức công bình và về tình yêu đích thật.

Nhưng lòng dạ con người nhiều khi cũng tàn bạo độc dữ, khiến cho có những mầm sống vô tội không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời và nụ cười của anh em mình, không bao giờ được sinh ra lại một lần nữa trong nước và Thánh Thần. Nhưng con người này, con người mà nơi đó hình ảnh Thiên Chúa đã bị bóp méo một cách thảm hại, con người ấy cũng được kêu mời đón nhận ơn cứu độ. Người ấy cũng có thể được Thiên Chúa ban cho ơn cải hóa. Những thảm họa do bàn tay con người ấy gây ra cũng có thể mở cửa cho nó nhìn thấy những giá trị căn bản của sự sống.

Đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và vào con người, người công giáo hun đúc lại quyết tâm phục vụ và đón tiếp sự sống vừa chớm nở mà xác tín rằng mình cộng tác với Thiên Chúa và tôn vinh Người trong công trình do tay Người thực hiện, bởi vì “Vinh quang của Thiên Chúa là con nguời sống động.”
 

------------------------
Chú thích:

(1) Sách Didachè II,2; x. Athénagoras : Biện hộ cho người Ki-tô hữu, 35

(2) x. CĐ Elvire, 63; Ancyre, 21

(3) G, Caprilet : Không được giết, Roma 1973

(4) Vui mừng và hy vọng số 51

(5) Huấn từ ngày 9.12.1972

(6) Bài giảng dụ ngày 29.6.1978

(7) xem E Nardi, Procurato aborto nel mundo greco romano. Milano 1971 trg. 58-66

(9) Bộ Đức Tin : Tuyên ngôn về phá thai số 23

(10) Humanae vitae số 19, DC 1968 số 1523 cột. 1450

(11) Pio XII : Đại hội quốc tế lần IV các bác sĩ công giáo 9.12.1949. DC 1948 số 1054
 


theo VietCatholic

Phá thai và an lạc tử

Phá Thai và An Lạc Tử (1)




An Lạc Tử có nhiều điểm giống với vấn đề phá thai. Chẳng hạn, cả hai đều liên quan đến vần đề lấy đi mạng sống của người vô tội - phá thai ngay lúc sự sống mới khởi đầu, và an lạc tử, vào lúc cuối đời.

Nhưng có một vài điểm dị biệt. Đối với việc phá thai, chúng ta thường không trông thấy hài nhi bị giết chết, trong khi an lạc tử, nạn nhân là một người đang sống, đang hiện diện, một người mà công chúng đều biết đến. Sự khác biệt này khiến cho an lạc tử dễ hiểu hơn. Ngoài ra, về an lạc tử, phần lớn không có những tranh luận về bản thể con người bị giết chết. Điều này khiến cho vấn đề giản dị hơn so với phá thai.

TGP Sài Gòn: Lớp khám phá chức năng sinh sản

TRUNG TÂM MỤC VỤ TGP SÀI GÒN
Ban Mục Vụ Gia Đình
Trân trọng thông báo
 
************
Lớp : KHÁM PHÁ CHỨC NĂNG SINH SẢN

Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ và chúc lành cho con người sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy trên mặt đất. Qua sự chúc lành của Thiên Chúa. Con người trong tư cách vợ chồng, được tín thác một trách nhiệm làm đại diện Đấng Tạo Hóa, hợp tác với Ngài bằng cách tiếp tục công trình sáng tạo, sinh sản, nâng đỡ và phát triển sự sống.


Như thế, tính dục được Thiên Chúa sắp đặt nơi người nam và người nữ nhằm để phục vụ cho tình yêu, nó giữ một nhiệm vụ rất quan trọng là giúp con người quay về với chính Thiên Chúa là tình yêu, quay về sống mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Quan hệ tính dục là sự gặp gỡ giữa hai thân xác và cao điểm là sự giao hợp, nhưng tính dục không đương nhiên ám chỉ đến hành động tính dục tức sự giao ngộ giữa hai thân xác mà thôi.Vì tính dục là quà tặng của Thiên Chúa nên con người phải biết trân trọng đón nhận và phát huy theo ý muốn của Thiên Chúa. Tính dục và hôn nhân đều nhắm đến việc sinh sản, phát sinh sự sống mới là đỉnh cao của tình yêu và làm cho tình yêu của người nam và người nữ càng ngày càng phong nhiêu.

Phong nhiêu trong hôn nhân có nghĩa là khả năng sinh con đẻ cái, không những thế phong nhiêu còn mang ý nghĩa sâu rộng hơn nó ám chỉ một khả năng tạo ra hoa trái để rồi ban tặng cho chúng một cách quảng đại, khả năng tạo ra con người và đưa sự sống mới ấy vào cuộc sống. Một con người có một giá trị cuộc sống đích thực cả về khía cạnh sinh học lẫn tâm linh. Đây chính là một mầu nhiệm cao cả mà Thiên Chúa ban tặng cho con người.

Chỉ khi nào tính dục trở thành thứ ngôn ngữ của tình yêu trao ban ấy thì nó mới thực sự đạt được chức năng và ý nghĩa của nó. Chỉ trong hôn nhân tình yêu mới đạt đến đỉnh cao và tính dục mới đạt được mục đích của nó.

Để giúp cho các Kitô hữu hiểu biết và khám phá về những điều kì diệu mà Thiên Chúa đã tác tạo và sắp đặt trong cấu trúc sinh học của con người và chức năng sinh sản. Trung Tâm Mục Vụ TGP Sài Gòn tổ chúc lớp học Khám Phá Chức Năng Sinh Sản dành cho mọi đối tượng đang muốn :
  • SINH CON
  • HẠN CHẾ SINH CON
  • THEO DÕI SỨC KHỎE SINH SẢN
Do Giảng viên WOOMB VN hướng dẫn.

Theo PHƯƠNG PHÁP RỤNG TRỨNG BILLINGS (Đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận mạng tính khoa học và hiệu quả. Và đã được Giáo Hội cho phép áp dụng trong việc hạn chế sinh sản.

Phương pháp Rụng Trứng Billings có ích lợi cho gia đình ra sao?
 
  • Áp dụng phương pháp Rụng Trứng Billings có ích lợi cho vợ chồng không còn phải lo sợ việc có thai ngoài ý muốn, cuộc sống trở nên tự tin hơn, vợ chồng biết tôn trọng, yêu thương và bảo vệ nhau hơn và nhất là cùng nhau bàn thảo và cùng nhau quyết định chung về những vấn đề liên quan đến con cái và hạnh phúc gia đình.
  • Vun xới tình yêu cho đôi bạn, giúp họ biết gìn giữ sức khỏe, biết tôn trọng và yêu thương nhau, hòa mình cộng tác với thiên nhiên, và nhất là giúp họ biết hòa mình vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa trong công trình Sáng Tạo Sự Sống, bằng cách trung thành tuân giữ các giáo huấn của Giáo Hội.

*****

LỊCH HỌC:
  • Mỗi tháng một lớp, học vào ngày Chúa Nhật thứ 3 trong tháng
  • GIỜ HỌC:
  • Sáng từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 30
  • Chiều từ 13 giờ 30 đến 16 giờ 00
  • Lớp học hoàn tất trong ngày.
  • Bắt đầu mở lớp đầu tiên vào ngày 15 tháng 5 năm 2011
ĐỊA ĐIỂM HỌC:

TRUNG TÂM MỤC VỤ TGP TP HCM
SỐ 6 BIS TÔN ĐỨC THẮNG Q 1 TP HCM
PHÒNG SỐ: A 205

Lớp học miễn phí nhưng cần phải đăng ký trước tại Văn Phòng MVGĐ Trung Tâm Mục vụ (Phòng D08), sđt: 08. 3911 8406 . Sĩ số tối đa 40 người. Ưu tiên cho ai đăng ký trước. Có tặng tài liệu hướng dẫn.

Lm. Louis Nguyễn Anh Tuấn.

Trải nghiệm phá thai của danh ca thế giới, David Macdonald

Thiên Chúa đã mở mắt tôi cho tôi thấy Sự Sống là thiêng thánh ngay từ lúc được thụ thai và Người đã cho tôi thấy Người yêu thương các trẻ em dường nào, nhất là những em không được sinh ra làm người. Ôi Lạy Thiên Chúa, xin tha tội cho con !

Ca sĩ David MacDonald là người cao nhất, trọc đầu, bên phải hình


Tôi không đến với phong trào Phò Sự Sống vì lý do lòng vị tha. Tôi đến vì chính kinh nghiệm và nỗi đau của mình liên quan đến vấn đề này.

Chúa ở trên... bàn nạo phá thai!

Cho dù bạn vẫn không nhận ra sự chờ đợi ấy, bạn gạt bỏ sự chờ đợi của thiên Chúa, cho dù bạn dập tắt mọi tia hy vọng của Thiên Chúa và bạn tiếp tục phạm tội. Thiên Chúa vẫn ở đó tiếp tục chờ đợi và hy vọng. Bạn có nhận ra điều ấy không ?

“Chúa ở cùng anh chị em” là câu chúc lành thân tình và cần thiết của vị đại diện Hội Thánh dành cho các tín hữu, nên được lập đi lập lại nhiều lần trong một Thánh Lễ, thế nhưng trong thời buổi cạnh tranh nhiễu nhương của xã hội hiện nay đang dần dần làm cho tình người và lòng tin của họ đối với Thiên Chúa trở nên chai cứng thui chột, thì lời nguyện chúc thật đẹp ấy đâm ra có vẻ cổ hủ, lạc điệu.

Mẹ của con - con của con - con của mẹ

HVĐHDC - Đúng Ngày của Mẹ, chúng tôi tiếp một người mẹ ở bàn tư vấn BVSS. Chị khoảng gần 50 nhưng có lẽ cuộc đời nặng gánh lo toan nên cứ ngỡ chị già hơn thế nhiều.

Chị càng già đi, như rũ xuống khi khóc. Con gái chị 22 tuổi, như chị mô tả với vẻ hãnh diện, cũng lanh lợi khôn ngoan, tương lai có khả năng kế thừa gia sản của chị là một xưởng gia công với mấy chục công nhân.

Thánh lễ cầu nguyện cho Bảo Vệ Sự Sống

SAIGÒN - Sáng Chúa Nhật III Phục Sinh, ngày 08/05/2011, học viện Phanxicô Thủ Đức đã tổ chứ thánh lễ cầu nguyện cho công việc bảo vệ sự sống. Đây là nỗ lực của các anh em trong nhóm bảo vệ sự sống, với mục tiêu nối kết mọi người lại với nhau, cộng tác với nhau trong công việc mà anh em đã khởi sự được gần 4 năm nay. Hơn nữa, trong bầu khí vui mừng của Mùa Phục Sinh, Đức Kitô đã chiến thắng sự chết và tội lỗi và ban sự sống mới bất diệt cho con người, trả lại cho con người phẩm giá cao quý và thánh thiêng.

Anh em Học viện Phan Sinh muốn gởi đến cho các thành phần tham dự cũng như mọi người một thông điệp về giá trị và phẩm giá của con người, nhất là các thai nhi vô tội trong mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô.

Thánh lễ diễn ra lúc 9 giờ do cha Phó Giám Tỉnh Phaolô Nguyễn Đình Vịnh chủ tế cùng với các cha đồng tế. Có nhiều thành phần đến tham dự thánh lễ này như: Các Linh mục trong dòng Phanxicô; các nam nữ tu sĩ: các chị Dòng Nhì Clara, các chị Đa Minh Rosarima, các thầy Dòng Bác Ái –Xã hội, các anh chị Dòng Ba, Giới trẻ Phan Sinh, các bạn đệ tử Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, anh chị em thuộc giáo xứ Thánh Tâm, giáo xứ Thánh Linh và các giáo xứ khác, các bạn trẻ thuộc các nhóm sinh viên, công nhân mà các thầy học viện đang đồng hành. Đặc biệt, đến tham dự thánh lễ này còn có sự hiện diện của các phật tử, các anh chị em tôn giáo bạn.

Mọi người hiệp dâng thánh lễ rất sốt sắng cầu nguyện cho công việc bảo vệ sự sống ở trên thế giới và nhất là ở Việt Nam. Trong bài giảng lễ cha chủ tế đã khai triển về hành trình của hai môn đệ trên đường Emmau và dẫn cộng đoàn đến hành trình của cuộc đời mình. Cuộc đời là một chuyến đi, “một cõi đi về”, trên đó con người luôn cần những người bạn đồng hành. Đối với những bóng tối, những khúc quanh, con người càng cần người dẫn đường hơn. Đức Kitô phục sinh là Đấng dẫn đường tốt nhất. Mọi người được mời gọi hãy trở thành những người bạn đồng hành tốt cho những người đau khổ, tuyệt vọng, mất phương hướng. Các thai phụ lỡ lầm và những người đang cần đến sự bao dung, che chở và giúp đỡ của mọi người. Chúa Kitô sống lại là một niềm vui lớn, và bao người đã chết cho niềm tin ấy. Mọi người cũng có thể làm cho bao thai nhi đang bị đe dọa được sống và sống dồi dào. Đó là một lý tưởng tốt góp phần cộng tác vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa.

Cuối thánh lễ, mọi người tiến ra nghĩa trang, nơi có hài cốt của các thai nhi để thắp cho các em nén nhang. Tại đây, mọi người đều bị đánh động khi đứng trước nắm tro tàn của các thai nhi xấu số, đã không bao giờ được cất tiếng khóc chào đời, như là “chứng tích của nền văn hóa sự chết”. Và mọi người đã cùng nhau cầu xin Thiên Chúa yêu thương, chúc phúc và đón nhận các em vào trong trái tim yêu thương của Ngài.

Sau giờ cầu nguyện, mọi người trở vào hội trường Học viện để gặp gỡ làm quen và chia sẻ với nhau về công việc bảo vệ sự sống. Mọi người đến từ nhiều nơi khác nhau, có những người chưa bao giờ gặp nhau, nhưng lại có chung một sự thu hút đó là sự quan tâm đến công việc bảo vệ sự sống và lòng thương yêu các thai nhi.

Mở đầu buổi gặp gỡ này, cha Phó Giám Tỉnh đã chia sẻ với cử tọa về giá trị sự sống con người/sự sống thai nhi qua lăng kính của lương tâm nhân loại và nhất là qua lăng kính của Giáo huấn Giáo hội. Qua đó, ngài cũng động viên mọi người hiện diện, nhất là các anh chị em trong “Nhóm Bảo Vệ Sự Sống Phanxicô” tiếp tục can đảm đứng về phía sự sống và bênh vực sự sống.

Buổi tọa đàm này còn có sự chia sẻ của Bác sĩ Chương Đính, một người trong cuộc, nói về kinh nghiệm của việc bảo vệ sự sống và vấn nạn của việc phá thai trong môi trường làm việc của chị. Đây là một kinh nghiệm rất thực tế làm buốt lòng nhiều người. Những con số và những trường thương mà chị và nhóm đã giúp đỡ đã nói lên điều đó. Tiếp đến, một thầy học viện đã tham gia công việc này nhiều năm, chia sẻ với mọi người về các hoạt động bảo vệ sự sống mà nhóm Bảo vệ sự sống Phanxicô: những hoạt động mà nhóm đã và đang thực hiện, và mời gọi mọi người chung tay cộng tác và hỗ trợ cho công việc tốt đẹp này.

Cử tọa bị đánh động nhiều nhất, khi đại diện một thai phụ lỡ lầm đứng lên chia sẻ kinh nghiệm đau thương của bản thân chị về quá khứ buồn khổ và éo le khi mang thai ngoài ý muốn. Chị đã trải qua bao khổ nhục, cô đơn và thất vọng, kể cả ý định phá thai, tự tử khi bị gia đình ruồng bỏ, bạn bè xa lánh. Nhưng hôm nay chị đã lấy lại được niềm tin, sự bình an và cảm thấy việc giữ lại đứa con là điều đúng đắn. Chị muốn “cảnh tỉnh” mọi người, nhất là những bạn trẻ có mặt trong hội trường, đừng bao giờ dại dột rơi vào những “bước đường lầm” như chị, để rồi phải hối hận cả một đời. Chia sẻ của chị, cộng thêm những tiếng nức nghẹn nghèo làm cho cử tọa phải lặng người đi và bầu khí trầm lại. Mọi người như muốn chia sẻ cảm thông với chị và những người đã và đang gặp phải hoàn cảnh bi thương như chị.

Đan xem giữa các chia sẻ trong buổi gặp gỡ này còn có các tiết mục văn nghệ do các em Tìm Hiểu và các thầy Học viện Phanxicô biểu diễn, hầu giúp mọi người ý thức và sâu lắng hơn về giá trị của sự sống con người. Tiết mục đơn ca “Nỗi niềm thai nhi” do Thầy Nguyễn Triều thực hiện đã để lại một dấu ấn rất sâu lắng trong tim mọi người, nhất là những bạn trẻ, những người bố mẹ trong tương lai về quyền sống của những mầm sống trong cung lòng của người mẹ.

Thánh lễ cầu nguyện cho công việc bảo vệ sự sống, cầu nguyện cho các mầm sống được yêu thương tôn trọng, và buổi gặp gặp gỡ chia sẻ sau thánh lễ về công việc bảo vệ sự sống hôm nay là dịp tốt để mọi người cầu nguyện cho công việc bảo vệ sự sống theo tinh thần của Đức Bênêđictô: “Xin Chúa đánh thức trong chúng con lòng tôn trọng đối với mọi mầm sống con người đang chớm nở, xin giúp chúng con nhận biết quả phúc nơi cung lòng mỗi người mẹ là công trình kỳ diệu của Đấng Tạo Hoá, xin chuẩn bị cho tâm hồn chúng con biết quảng đại đón nhận tất cả các hài nhi chào đời và các và các thai nhi vô tội được sống”.

Hơn nữa, đây cũng là một khoảnh khắc mọi người nhắc nhau về vai trò ngôn sứ của mình trong một xã hội đang bị lu mờ bởi “nền văn hóa sự chết”, hầu mời gọi mọi người động viên nhau, bắt tay nhau hành động cho một “nền văn minh tình thương và sự sống”.



Quang Huyền, OFM

Liên hệ giữa ngừa thai và phá thai

Hôn nhân không phải là một cơ chế có thể tùy thuộc vào sự điều khiển tùy tiện của các cá nhân hay xã hội. Những luật luân lý liên quan tới hôn nhân cũng là một cho tất cả các dân tộc ở tất cả mọi nơi và qua mọi thời đại. Những nguyên lý luân lý này phát sinh trực tiếp từ sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo và đồng thời diễn tả và bảo vệ phẩm giá con người. "Humanae Vitae" đã cảnh cáo rằng loại bỏ những qui luật hôn nhân có thể mở ra một vết thương lớn trong lòng xã hội. Lịch sử kế tiếp minh chứng Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thực sự là một ngôn sứ.

Khi "Humanae Vitae" tái khẳng định huấn giáo trung thành của Giáo hội đối với những luật luân lý liên quan tới việc truyền sinh, qua đó Đức Giáo hoàng Phaolô VI làm sáng tỏ một điểm trong điều thứ nhất của kinh Tin Kính nói về Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo sự sống.



Khi làm vậy, Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhắc lại huấn giáo của Giáo hoàng Gioan XXIII, ngài nói: "Tất cả mọi người phải xem sư sống con người là thánh thiêng, bởi vì từ lúc thụ thai, sự sống đó đòi hỏi hành động của Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo."

Con người là một sự phối hợp xác và hồn. Chỉ một mình Thiên Chúa có thể mang đến sự hiện hữu linh hồn bất tử và thiêng liêng của con người. Qui chiếu về chân lý đức tin này, sách Giáo lý Công giáo nói: "Giáo hội dạy rằng mọi linh hồn thiêng liêng được Chúa trực tiếp dựng nên - không phải do cha mẹ sinh ra."


Ðể làm sáng tỏ hơn nữa cho một chân lý này, Đức Gioan Phaolo II nói: "Chính Thiên Chúa hiện diện trong tình phụ tử và tình mẫu tử. Thật vậy, chỉ một mình Thiên Chúa là nguồn mạch 'hình ảnh và chân dung" đích thực cho con người, như được nhận lãnh lúc Sáng Thế. Việc sinh ra là sự tiếp tục Sáng tạo."


Hành vi của vợ chồng, mà công trình tùy thuộc vào trật tự thiên nhiên mà Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo, cho dù một hữu thể nhân bản mới được hiện hữu qua việc thụ thai hay không thì chính Thiên Chúa là người cuối cùng có tòan quyền chớ không phải đôi vợ chồng. Do đó, những hành vi ngừa thai là một sự phủ nhận thanh danh dành cho Đấng Sáng tạo, bởi vì khi làm những việc đó vơ chồng tìm cách ngăn cản bất cứ sự can thiệp sáng tạo nào của Thiên Chúa.


Phát biểu về điều này, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nói: "Bởi đó, khi ngừa thai các cặp vợ chồng loại trừ khỏi tiềm năng sinh sản qua hành vi tính dục, họ dành lấy một quyền mà quyền ấy chỉ có nơi Thiên chúa vốn là quyền quyết định cuối cùng cho sự hiện hữu của một con người.


Họ thừa nhận mình không là người cộng tác với quyền năng của Thiên Chúa, nhưng cho mình là những kho chứa tối hậu cho nguồn mạch sự sống nhân bản. Trong viễn tượng này, sự ngừa thai phải bị xét xử là hoàn toàn bất hợp pháp dù với bấy kỳ lý do nào cũng không bào giờ được xem là thích đáng. Nói hay nghĩ ngược lại cũng như chủ trương rẳng trong sự sống nhân bản có thể có những hoàn cảnh được phép không công nhận Thiên Chúa là Chúa."


Khi ngừa thai, một cặp vợ chồng tìm cách chiếm lấy vai trò của Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo.
Khi công bố giáo lý "Humanae Vitae," Đức Giáo hoàng Phaolô VI quan tâm cảnh giác các đôi vợ chồng đừng theo cơn cám dỗ, chấp nhận thái độ khinh thường này đối với Đấng Tạo hóa, là thái độ gắn liền với cuộc sống ngừa thai.

Ngài nói: "Một cách chung con người khônc có quyền thống trị tuyệt đối trên thân xác mình, cũng vậy với lý do riêng biệt nào đó, con người không có quyền thống trị như thế trên những khả năng sinh sản của mình, bởi vì sự định đoạt đến việc sinh sản mà sự định đoạt ấy có nguồn gốc từ nơi Thiên Chúa".


Khi nói về sự ngừa thai như là một sự từ chối khách quan nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo, Bác Sĩ Siegfried Emst nói: "Bản chất sự ngừa thai là sự loại trừ phẩm chất sáng tạo của tình dục con người, để chỉ tìm sự vui thú và khoái lạc. Dầu có tài tình đến đâu, không có những lý thuyết và những biện hộ tâm lý nào có thể che dấu sự kiện loại trừ việc sáng tạo khỏi quan hệ nhân bản gần gũi nhất và thân tình nhất đó là sự kết hợp hoàn toàn thể xác và tinh thần trong sự sáng tạo sự sống mới, sự loại trừ ấy có nghĩa là khai trừ chính Đấng Sáng tạo."


Sự liên kết giữa việc Ngừa thai và Phá thai


Khi bình luận về những hậu quả không dành cho Đấng Sáng tạo danh dự thuộc về Người, Cha Joseph M. de Torre nói: "Khi sự sống nhân bản đựơc xem xét mà không có qui chiếu về một Thiên Chúa siêu việt như nguồn gốc và cùng đích của nó , thì nó mất hết giá trị nội tại của nó, cho dầu có nhân danh chủ nghĩa tự do hay thuyết xã hội."


Sự chính xác trong việc nhận xét của Cha de Torre được chứng tỏ trong một bài xã luận xuất bản trong tờ Kinh Tế Luân Ðôn ngày 21/6/1997. Khi ủng hộ việc hợp pháp hóa "sự trợ tử ", bài xã luận này phát biểu: "Các tôn giáo phương Tây có một câu trả lời, và câu trả lới đó là cố chấp: điều sai quấy đồi với các cá nhân là chấm dứt sự sống Thiên Chúa đã ban cho họ. Lập trường tự do cổ điển, là lập trường nhà kinh tế học, khởi đi từ một tiền đề khác. Các cá nhân có quyền tự định đoạt, và có lẽ điều này bao gồm đến quyền cắt đứt sự sống của mình."


Vì diễn tả một sự từ chối khách quan công nhận Thiên Chúa như là người trọng tài cuối cùng cho một hữu thể mới hiện hữu, sự coi thường Tác giả sự Sống, sự coi thường đó là đặc điểm của thái độ ngừa thai, nói chung là nuôi dưỡng sự bất chấp vẻ thánh thiện của sự sống.


Về phương diện này, thật đáng chú ý tại sao Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã lưu ý sự liên hệ giữa ngừa thai và phá thai. Trong một dịp khi nói với một nhóm giám mục Áo về giáo lý của "Humanae Vitae," Đức Thánh Cha nói: "Rất có thể được phép đối với giá trị hợp pháp của những luật lệ luân lý diễn tả trong đó [Humanae Vitae].


Sự lôi cuốn đến việc ngừa thai như là một cách giả định 'vô hại' về sự quan hệ giữa các phái tính, không những là một sự từ chối âm thầm quyền tự do luân lý của con người. Nó còn nuôi dưỡng một sự hiểu biết phi-cá nhân hóa về tính dục, theo đó não trạng bị hạn hẹp và cuối cùng muốn phá thai và duy trì sự phá thai."


Trong “Evangelium Vitae,” Đưc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố rằng văn hóa phò- phá thai đặc biệt mạnh mẽ trong bất cứ nơi nào mà Giáo Quyền về ngừa thai bị khước từ. Mặc dầu công nhận sự khác biệt trong bản tính và luân lý nghiêm trọng giữa ngừa thai và phá thai, Đức Thánh Cha cũng tuyên bố rằng "sự ngừa thai và phá thai thường liên kết chặc chẽ với nhau, như cây liền cành."


Khi nói về một "não trạng khoái lạc "không muốn nhận trách nhiệm trong các vấn đề tình dục" và "coi việc sinh sản như là một ngăn trở cho sự thành toàn cá nhân," Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nói thêm: " Sự sống có thể phát sinh từ một sự gặp gỡ phái tính, như thế sự sống trở thành một kẻ thù cần phải bị thủ tiêu bằng mọi giá, và việc phá thai trở thành quyết định có thể hầu đáp ứng đến sự ngừa thai bị thất bại."


Ðiều đã được biết qua nhiều năm rằng một số thuốc được coi là "thuốc ngừa thai," thực sự có tác dụng như thuốc phá thai. Vô phúc thay, các nhà thần học và những người khác bất đồng quan điểm với giáo lý "Humanae Vitae" và còn khuyến khích những cặp vợ chồng làm giống như thế, họ thường thất bại không lưu ý tới bản chất phá thai qua những hình thức khác biệt của "những thuốc ngừa thai."


Sự liên kết giữa việc ngừa thai và phá thai thì rõ ràng trong dữ kiện là cả vòng xoắn và thuốc viên ngừa thai được biết như có khả năng phá thai. Viết trong Nhật báo Y tế của Australian năm 1987, Bác Sĩ Alan Trounson và giáo sư Karl Wood đòi có nhiều tự do hơn để thực hiện những thí nghiệm phá hoại trên phôi người với lý do là cộng đồng đã chấp nhận xử dụng những "vòng xoắn trong dạ con để giết những phôi người mới chớm."


Sự kiện là thuốc viên có thể tác động như một thuốc phá thai đã được John Wilks chứng minh bằng tư liệu trong quyển sách 1996 của ông "Một Hướng Dẫn cho Người Tiêu Thụ xử dụng Thuốc viên và những Thuốc khác." Viên thuốc tác động như một món thuốc ngừa thai khi nó loại bỏ việc rụng trứng hay là khi nó ngăn cản tinh trùng gặp trứng bằng cách biến đổi những chất tiết ra của người nữ. Dầu sao, nếu những cách thức hành động này thất bại, viên thuốc có thể vẫn hành động để ngăn trở sự cấy trứng đã được thụ tinh vào cơ thể, trong trường hợp này nó đưa tới một sự phá thai.


Ngoài những liên kết trực tiếp giữa sự phá thai và ngừa thai như đã phát họa ở trên, cũng cần quan tâm tới những thái độ khi phân tích cách hành xử khi ngừa thai. Khi diễn tả bản chất chống sự sống của việc ngừa thai, một nhóm luân lý gia nổi tiếng đã nói:


Thường khi ngừa thai, người ta quan tâm tới sự quan hệ tình dục mà người ta nghĩ có thể đẫn đến việc có thai. Nếu người ta không nghĩ như vậy, thì không có lý do gì để ngừa thai. Người ta thấy trước và nghĩ tới đứa bé mà người ta có thể bắt đầu cho nó sự sống. Có thể vì một vài lý do đúng đắn cũng có thể là không, họ gặp viễn tượng đáng ghét: "Chúng tôi không muốn cho đứa bé trong trường hợp như thế bắt đầu sự sống." Như chính định nghĩa sự ngừa thai đã làm sáng tỏ rằng đó là ý muốn chống-sự sống; đó là một sư căm ghét thực tiễn (mặc dầu không cần thiết là một cảm xúc) đối với đứa bé mà họ tạo nên và bị khước từ, cũng tựa như một tình yêu thực tiễn của một con người để chấp nhận một đứa bé có thể ra đời.


Khi nói về sự liên kêt giữa ngừa thai và phá thai. Bác Sĩ Siegfried Ernst, MD., nói: "Thuốc chống-em bé có thể phân biệt giữa sự sinh ra khoái cảm với việc sinh sản cách cơ bản và triệt để. Như vậy nó tự động khởi lên sự " 'nỗi dậy tình dục.'. . . Vì trở nên 'an toàn' do hậu quả của sự tuyên truyền hiện nay, mời mọc đến" quyền hạnh phúc cho một đời sống tình dục" và những hành vi tình dục này đã gia tăng. Mặc dầu những rũi ro đã gia tăng hay vì là hậu quả của? - viên thuốc chống em bé. Và những em bé 'không cần đến này' theo lập luận phải bị loại do việc phá thai.


Giáo sư Janet Smith cũng lưu ý đến sự liên kết giữa ngừa thai và phá thai khi ông nói: "Việc ngừa thai lấy yêu tố sinh sản tức là đứa bé khỏi quan hệ tình dục. Nó coi việc thụ thai như là một sự rủi ro trong quan hệ tình dục hơn là kết quả tự nhiên của những cá nhân có trách nhiệm. Lúc đó việc phá thai được coi như là một giải pháp cho việc thụ thai ngoài ý muốn. Việc ngừa thai cho phép những kẻ không chuẩn bị lo cho các trẻ thơ để có thể giao hoan, khi họ thụ thai họ cảm thấy trẻ thơ chưa sinh xâm phạm vào đới sống của mình và họ quay ra giải pháp phá thai. Không còn lạ gì đến những quốc gia bị thấm nhuần đến việc ngừa thai để tranh đấu khó nhọc cho việc phá thai, hơn là tranh đấu để bảo đảm rằng tất cả các em bé có thể sống sót trong bụng và được sinh ra. Điều ngu xuẩn cho những kẻ phò-sự sống là nghĩ mình có thể tránh những vấn đề do việc ngừa thai và sự vô trách nhiệm liên hệ tính dục và thành công trong trận chiến chống phá thai."


Sự liên kết giữa não trạng ngừa thai và phá thai này được minh họa rõ ràng trong quyết định Toà Án Tối Cao Hoa Kỳ về Kế Hoạch Hoá Gia Ðình với Casey mà nó xác định trường hợp Roe với Wade.


Quyết định này khẳng định "Trong một vài phương diện quan trọng, sự phá thai cũng có một đặc tính như sự quyết định ngừa thai. . .Qua hai thập niên phát triển kinh tế và xã hội, dân chúng đã tổ chức những cặp có quan hệ tình dục và đưa ra những chọn lựa hầu định nghĩa cho quan điểm về chính mình và những chỗ đứng của mình trong xã hội, dựa vào việc phá thai khi việc ngừa thai bất thành!"


Bình luận về quyết định Toà Án Tối Cao này, Giáo sư Janet Smith nói: "Quyết định Toà Án Tối Cao là một số cố gắng hoàn toàn không cần thiết để ' trình bày' điều gì thật sự đến sự gắn bó của phá thai của thời đại mới. Như Tòa Án Tối Cao thật thà khẳng định, chúng ta cần phá thai ngõ hầu chúng ta có thể tiếp tục lối sống ngừa thai của chúng ta. Không phải vì thuốc ngừa thai vô hiêu nghiệm mà một triệu rưỡi người nữ mỗi năm tìm phá thai như là những đề phòng khi dùng thuốc ngừa thai bị thất bại. Những 'quan hệ thân tình' được dễ dàng hóa qua những thuốc ngừa thai là điều làm cho những việc phá thai nên cần 'thiết'. Ở đây tiếng 'thân tình' có nghĩa là 'tính dục', nó không có nghĩa là 'yêu thương và gần gũi.' Việc phá thai hầu hết là hậu quả những sự quan hệ tình dục trong đó có ít thân tình và yêu đương thực sự theo đó không còn chỗ đứng cho các trẻ thơ"



Linh Mục Julian Porteous