Quan niệm về Sự sống của Thai nhi trong văn hoá Việt Nam

VietCatholic - Việt Nam cùng với Trung Hoa và Ấn Độ đang được xếp vào số những quốc gia có nạn phá thai cao nhất thế giới. Người Việt, nhất là giới trẻ cũng quá thường với việc “phá thai”, nhưng được nói đến bằng những mỹ từ mà người ta đặt ra để che đậy tội ác này như: “Đi điều hòa hòa kinh nguyệt”, “Đi kế hoạch hóa”, “Đi giải quyết vấn đề”…Nạn phá thai ở Việt Nam hiện nay đã trở nên báo động đỏ, khi mà con số thai nhi bị phá bỏ tại các bệnh viện và các phòng khám tư nhân ngày càng nhiều. Sự sống thánh thiêng của các thai nhi vô tội đang bị chà đạp một cách dã man, bởi chính cha mẹ ruột của các em. Trước thảm trạng đó, chúng ta trở về với văn hóa Việt Nam để tìm hiểu xem người Việt quan niệm như thế nào về sự sống của thai nhi?

Dân gian Việt Nam thường quan niệm con cái là tài sản quý giá của gia đình: “Con là của”. Người có nhiều con là phúc đức và người son sẻ là người “vô phúc”. Điều này cũng thể hiện phần nào việc tôn trọng sự sống của con người nói chung và các thai nhi nói riêng của văn hóa Việt Nam, nhất là văn hoá gia đình truyền thống.

Ca dao Việt Nam có câu:

“Sinh con mới ra con người,
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no”.

Thực thế, chỉ khi sinh con, thì người ta mới thành cha thành mẹ. Con cái là niềm chờ mong của vợ chồng sau khi cưới. Đây là một ước muốn thiêng liêng, nhằm bảo tồn dòng giống, làm cho tình yêu vợ chồng thêm thắm thiết, làm vui lòng gia đình, dòng tộc và làng xóm. Vì thế dân gian có thói quen hỏi thăm những người phụ nữ mới cưới: “Có tin mừng chưa?”, nghĩa là có thai chưa. Việc có thai được mọi người xem là tin mừng, vì đó là dấu hiệu của một sự đơm hoa kết trái của tình yêu vợ chồng mà người khác cầu mong cho các cặp vợ chồng trẻ. Điều này rất gần với quan niệm về “tin mừng sự sống” của Kitô giáo, sự sống đến từ Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa cho vợ chồng và nhân loại.

Kế đến, khi có tin mừng, thì người mẹ được dạy dỗ để bảo vệ đứa trẻ trong cung lòng mình cách tốt nhất. Họ phải chăm lo sức khoẻ thể lý và tinh thần, ăn các chất bổ dưỡng; xem các tranh ảnh đẹp, suy nghĩ và hành động tốt...để đứa con sau này sinh ra khoẻ mạnh, xinh đẹp và thông minh. Bên cạnh đó, họ cũng khải kiêng kem những thức ăn thức uống, những thái độ, lời nói, hành vi xấu…là những điều có thể có tác hại xấu lên đứa trẻ. Đó cũng chính là quan niệm “thai giáo”, nghĩa là giáo dục đứa trẻ khi còn trong lòng mẹ. Thói quen này bắt nguồn từ quan điểm của người xưa, họ quan niệm việc tôn trọng lễ giáo. Lễ nghi chi phối con người từ nhỏ đến lớn, vì vậy việc “thai giáo”, người mẹ giáo dục con mình khi còn trong bụng là việc là tốt lành. (Xem. Toan Ánh, Nếp cũ, con người Việt Nam, phong ụtc cổ truyền, NXB Văn Hoá, Hà nội, 1995, tr 28-29).

Nét đẹp văn hóa tốt đẹp này của người Việt từ bao đời nay vẫn được người mẹ trong gia đình truyền lại cho con gái hay con dâu của mình. Đây là bổn phận của các bà mẹ, vì họ là những người có kinh nghiệm, và con cái phải trân trọng: “Kính lão đắc thọ, thương già già để đức cho”.

Tiếp đến, khi đứa trẻ được sinh ra thì ông bà dạy: “Có sinh có dưỡng”, tức người ta phả nhắm đến việc nuôi dưỡng và giáo dục thơ nhi, để chúng lớn lên một cách tốt nhất. Dân gian thường nói: “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, để diễn tả sự chăm sóc đứa trẻ một cách dịu dàng, tôn trọng và yêu thương con cái như những báu vật của gia đình.

“Sinh con ai nỡ sinh lòng,
Sinh con ai chẳng vun trồng cho con” (Ca dao).

Từ quan niệm tôn trọng sự sống của con cái, người Việt có một cái nhìn chê bai và mai mỉa những người hiếm muộn:

“Có chồng mà chẳng có con,
Khác gì hoa nở trên non một mình”.

Hay “Có võng mà chẳng có đòn
Có chồng mà chẳng có con để bồng” (Ca dao).

Thật vậy, con cái là một thành phần quan trọng làm nên tổ ấm gia đình, ở đó tình yêu vợ chồng mới thực sự trở nên trọn vẹn, thiên chức làm mẹ của người phụ nữ mới được thực hiện. Như thế, con cái còn được ông bà ta xem là quý hơn vàng:

“Có vàng, vàng chẳng hay phô,
Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe” (Ca dao).

Từ đó, chúng ta nhận thấy một nét văn hoá tôn trọng sự sống thai nhi và trẻ thơ đã ăn nhập vào trong đời sống thường nhật của người Việt. Điều này cũng được chứng minh qua việc một thiếu nữ có thai ngoài ý muốn mà loại bỏ đứa trẻ là “việc làm vô nhân đạo, xưa và nay vẫn bị phong tục và luật lệ ngăn cấm” (Sđd,. tr 29.) Vì rằng:

“Không đẻ không thương, không máu không xót” (Ca dao)
.

Ngoài ra, với quan niệm “Trời sinh voi sinh cỏ”, con cái là của Trời cho và Trời sẽ nuôi dưỡng, nên việc hạn chế sinh sản hay phá bỏ thai nhi hầu như không xẩy ra. Người Việt cho rằng con cái là sự lưu truyền sự sống của cha mẹ và tổ tiên và con cái được sinh ra nhờ khí thiêng “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Thai nhi là anh linh của các bậc tổ tiên, cái hồn khí của trời đất và đến lượt chúng làm cho tổ tiên được hiện hữu trong các đường gân thớ thịt của cháu con. Đây là một kinh nghiệm rất thánh thiêng về sự sống của con người. Ngày nay, người Việt Nam vẫn giữ được nét đẹp đó khi chon rằng: “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”. Một quan niệm rất quý nhằm bảo vệ và bênh vực mọi quyền căn bản của trẻ em.

Mặc đầu vậy, trong thập niên gần đây, đất nước chúng ta đang trên đà hội nhập quốc tế, nên đã chịu ảnh hưởng rất nhiều về văn hoá, tư tương của các nước Âu - Mỹ và người ta có xu hướng phóng túng trong đời sống tình dục, đặc biệt là các bạn trẻ. Bên cạnh đó, các chính sách kế hoạch hoá gia đình của Nhà nước cũng được áp đặt một cách quyết liệt. Tất cả đã tạo ra những quan niệm sai trái về sự sống của các thai nhi. Hậu quả của nó là nạn phá thai tràn lan ở khắp cả đất nước, thuộc các lứa tuổi từ thanh thiếu niên cho đến những người đã lập gia đình.

Riêng các bạn trẻ nhập cư tại các thành phố lớn, họ đang phải đối diện với cuộc sống xa quê, xa sự giám sát của cha mẹ và cha xứ. Họ phải lo toan cuộc sống di dân và ghánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Trong hoàn cảnh đó, các bạn dễ bị lây nhiễm những nhu cầu hưởng thụ, sống thử, sống chung, nên nhiều bạn trẻ đã và đang đi ngược lại với những giá trị truyền thống mà các bạn đã từng được cha mẹ khuyên dạy. Thực tế cho thấy rất nhiều bạn trẻ Công giáo buông thả trong đời sống tính dục, mang thai ngoài ý muốn và dẫn đến phá thai…Và như thế, các bạn đã và đang làm cho đời sống Kitô hữu của mình sút giảm. Niềm tin vào Thiên Chúa của họ đang bị mai một, khi dấn sâu vào trong tội lỗi, nhất là sự lạm quyền của Thiên Chúa trên sự sống của các thai nhi.

Còn những bạn trẻ có gia đình cũng dễ rơi vài quan điểm sai lầm này. Họ nghĩ rằng sinh ít con thì tốt như chính sách của Nhà nước “dừng lại 1 hoặc 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Và đó là cái cớ để họ không sinh con, thậm chí phá thái. Tệ hại hơn, một số bạn trẻ rơi vào tình trạng ích kỷ không muốn sinh con vì sợ ảnh hưởng đến nhan sắc của người vợ, hoặc là có thêm con thì vợ chồng phải vất vả và không có đủ điều kiện để hưởng thụ cuộc sống.

Trên đây chỉ là một vài nét sơ lược về một đề tài khá lớn mà chúng ta không thể trình bày trong khuôn khổ của một bài chia sẻ, nhưng cũng đã phần nào cho chúng ta thấy đôi nét chấm phá về giá trị về sự sống và việc tôn trọng sự sống thai nhi và trẻ em trong nền văn hoá Việt Nam. Tuy vậy, khi xã hội bước sang thời kỳ đô thị hoá và hội nhập, các giá trị này đã và đang bị mai một dần, thậm chí bị xoá bỏ với những lý do khách quan và chủ quan. Điều đó đã trở thành “bức màn” che đậy cho hành vi xúc phạm đến sự sống của các thai nhi. Và như vậy, chúng đang mở đường cho một nền văn hoá sự chết ở trên các vùng quê Việt Nam hôm nay.

Là những Kitô hữu, những ngôn sứ có trách nhiệm bênh vực sự sống con người, chúng ta phải làm gì để cứu vãn các giá trị tốt đẹp về việc tôn trọng sự sống thai nhi ở Việt Nam, hầu chung tay bảo vệ các mầm sống thánh thiêng của các thai nhi vô tội đang bị phá bỏ mỗi ngày?

Quang Huyền, Ofm

Nghĩa trang của hơn 30.000 linh hồn bị chối bỏ

(TTCG) Tại làng Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế có một Nghĩa trang Thai Nhi[1] chôn cất hơn 30.000 đứa trẻ chưa kịp nên hình hài đã bị cha mẹ chối bỏ, tước đoạt sự sống.

Đó là kết quả sau hơn 15 năm âm thầm đi gom các hài nhi về chôn cất của hai người đàn ông có một thân phận bình thường. Họ gọi công việc của mình bằng một cái tên đầy ẩn dụ và đau xót: Phần việc cuối cùng của những người bảo vệ sự sống! 

 
Anh Trương Văn Năng - một trong hai chủ nhân của nghĩa trang
dành cho hơn 30.000 sinh linh bị chối bỏ

Lẩn thẩn với những linh hồn bé bỏng...
Nghĩa trang đương nhiên là buồn, nhưng hình như nghĩa trang ở làng Ngọc Hồ là nghĩa trang buồn và cô quạnh nhất mà tôi từng đặt chân đến. Tôi mồ hôi đầm đìa vì nắng nóng, nhưng vẫn cảm được sự gợn lạnh của một cõi âm hình như đã lâu vắng mùi nhang khói. Bởi vậy, người bạn đồng hành đã không cầm được những tiếng thở dài và nước mắt khi nhìn thấy cỏ mọc um tùm giữa hàng trăm ngôi mộ nằm san sát nhau, cùng một kiểu và diện tích giống nhau.
Mới nhìn thoáng qua, cứ ngỡ những linh hồn bé bỏng đang yên nghỉ ở đây đã tìm thấy được sự công bằng, vốn không dễ gì nhìn thấy ở những nghĩa trang khác, tuy nhiên, đó mới chỉ là sự công bằng về diện tích và kiểu dáng. Bởi trên những khoảnh đất hiếm hoi ở giữa những ngôi mộ, không hiểu sao nơi lại rực rỡ sắc hoa, nơi lại ngút ngàn cỏ dại và chỉ lác đác một vài ngôi mộ, dù có nguội lạnh ngả nghiêng, nhưng vẫn có được cái bát nhang như thường thấy.
Anh Trương Văn Năng - một trong hai chủ nhân của nghĩa trang chỉ lý giải được vế sau của sự thắc mắc: “Những ngôi mộ có bát nhang là do một trong những em nằm dưới đó đã được bố mẹ tìm đến nhìn nhận. Rằm và mồng một hằng tháng, họ thường đến đây thắp nhang và dọn dẹp mộ phần cho con cái. Hôm nay mấy anh lên không đúng dịp, chờ nán lại thêm mấy hôm nữa, đến cuối tháng sẽ gặp được rất nhiều người”. Nhưng làm sao lại là “một trong những em? làm sao họ lại biết người nằm dưới mộ là con họ?” - tôi hỏi.
Anh Năng trả lời: “Do để tiết kiệm đất cho lâu dài nên mỗi ngôi mộ chúng tôi chôn chung khoảng 6-7 em, mỗi em được bỏ trong một cái om nhỏ như cái ấm đất. Còn chuyện các ông bố, bà mẹ sau bao nhiêu lâu vẫn tìm được đúng mộ của con mình là do khi nhặt và chôn cất, mỗi hài nhi đều được chúng tôi làm hồ sơ rất kỹ về ngày và địa điểm nhặt xác, nguồn gốc nếu có... Những thông tin đó chúng tôi lưu giữ vào những cuốn sổ riêng, còn những con số trên mộ chỉ là những thông tin về ngày chôn cất...”.
Rồi anh thở dài: “Các em không may bị cha mẹ chối bỏ sự sống nhưng vẫn còn may là được họ nghĩ lại để tìm đến. Tuy nhiên số đó rất ít. Phần lớn các em ở đây vẫn mang phận mồ côi. Ai ở gần những hàng xóm có người thân thì thi thoảng còn hưởng nhờ chút khói nhang, hoa quả...”.
Anh Năng dẫn chúng tôi đến một khu nghĩa trang khác trong khuôn viên ngọn đồi, nơi có những ngôi mộ vừa mới chôn chưa kịp “xây nhà”, vẫn còn nguyên mùi đất, và cả những ngôi mộ vừa mới đào xong chưa có xác. Anh nói: “Đây là 3 ngôi mộ vừa chôn tuần trước, còn đây là những ngôi mộ tui đào sẵn cho những ngày sắp tới. Hôm nay nếu không hẹn với các anh, tôi đã về Huế để nhận các em về”.
Việc cuối của những người bảo vệ sự sống
Để có được một nghĩa trang bề thế và đầy ý nghĩa như bây giờ, hơn 15 năm nay, hai anh Trương Văn Năng và Tống Viết Hiếu, ở thôn Ngọc Hồ của xã Hương Hồ, thành viên của nhóm “bảo vệ sự sống”, thuộc Hội Bác ái Địa phận Huế, đã âm thầm đi lại như con thoi giữa Hương Hồ - Huế (khoảng 15km) để gom về từng cái xác. Nhóm “bảo vệ sự sống” có rất nhiều người tham gia với nhiều phần việc khác nhau, như gặp và động viên những bà mẹ trẻ lỡ dại tiếp tục giữ, sinh và nuôi.
Bà mẹ nào sinh con ra nhưng không nuôi được với nhiều lý do khác nhau thì hội nhận và giao cho các cơ sở khác thuộc Hội Bác ái nuôi. Thiết lập quan hệ với các bệnh viện, những y bác sĩ chuyên về nạo phá thai để xin những thai nhi bất hạnh đem về chôn cất... “Tui và anh Hiếu chỉ phụ trách việc nhận thai nhi ở những địa điểm cố định để đem về đây chôn, còn việc nhận tiếp nhận thai nhi từ các cơ sở nạo phá thai thì đã có một nhóm khác lo liệu. Nói cách khác, phần việc của chúng tôi là phần việc cuối cùng của những người bảo vệ sự sống” - anh Năng nói, ánh mắt đầy chua xót.
Hiện trung bình mỗi tháng, hai anh Năng và Hiếu tiếp nhận, chôn cất khoảng từ 120-140 hài nhi. Đó là một con số kinh hoàng đối với một địa phương nổi tiếng là lành và gia giáo như ở Huế.
Tuy nhiên, theo anh Năng thì “con số đó vẫn chưa phản ánh được hết thực chất của việc nạo phá thai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, bởi chắc đã và sẽ còn rất nhiều vụ phá thai mà chúng tôi không thể nào biết được. Mà có một điều tôi không thể nào hiểu được là vì sao càng ngày, đời sống kinh tế của người dân càng khấm khá thì tỉ lệ nạo phá thai lại càng tăng đến chóng mặt. Đặc biệt, ngày trước cứ 10 người nạo phá thai thì có đến 8-9 là người sống ở thành phố, còn bây giờ, cứ 10 người thì lại có đến 3-4 sống ở nông thôn”.
Tôi băn khoăn không biết những thai nhi mà các anh không biết được để đưa về đây có được ai đó quan tâm để chôn cất tử tế hay không? Anh Năng chùng giọng: “Có lẽ là không, bởi hiện ở Thừa Thiên - Huế chỉ có duy nhất chúng tôi làm việc này”. Về việc những thai nhi bị chối bỏ nếu không được chôn cất thì sao, anh Năng không trả lời thẳng mà chỉ nói gần xa, nhưng đủ để tôi rùng mình và bất chợt nhớ tới những thai nhi được dùng để vỗ béo súc vật như trong truyện ngắn “Tướng về hưu” gây xôn xao một dạo...
Nhóm “bảo vệ sự sống” được hình thành và hoạt động từ năm 1992, và sau này nó trở thành một mô hình kiểu mẫu cho nhiều địa phương khác làm theo như Nha Trang, Đà Nẵng... Lúc đầu, tôi cứ đinh ninh là các anh được trả tiền để làm việc này, nhưng hoá ra không phải. “Nhiều năm nay, chúng tôi làm việc này một cách tự nguyện. Chỉ có tiền cho việc mua áo quan và xây mộ là Hội Bác ái cho, còn lại mọi chi phí đi lại, chúng tôi phải tự lo. Tuy vậy, chúng tôi lấy điều đó làm vui bởi đã làm được việc gì đó có ý nghĩa để các em được an ủi phần nào.
Hiện thu nhập chính của gia đình tôi là làm ruộng và trồng rừng, còn anh Hiếu thì đi dạy thêm tiếng Anh cho người ta. “Làm công việc này mà nghĩ đến tiền bạc là thất đức lắm. Vả lại, nếu có tiền thì thiên hạ người ta tranh nhau làm hết rồi, đâu tới lượt mình” - anh Năng nói. Điều bất ngờ là anh Năng có 6 người con, nhưng tất cả 4 người con lớn của anh hiện đang theo học đại học và phổ thông ở Huế đều rất ủng hộ và đang “theo nghề” của anh.
“Có những lúc bận quá không về Huế nhận xác được, rứa là các cháu nhân dịp đi học về ghé qua nhận và mang về giúp tôi. Cũng may là đứa nào cũng thấy bình thường và vui vì được làm công việc này. Như rứa là sau này tôi có người nối nghiệp rồi” - anh kể và đầy tự hào về các con mình.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra tại nghĩa trang. Anh Năng vừa tranh thủ làm vệ sinh một ngôi mộ phủ đầy cỏ dại vừa thầm thì, hình như không phải với tôi: “Bao năm nay ở đây chỉ toàn nghe tiếng khóc và thở dài, phải lâu lắm rồi mới có nhiều tiếng người cười nói”. Anh khoe: “Mỗi lần có chuyện buồn bực, chuyện khó khăn, tôi đều lên đây tâm sự với các em và sau đó thấy lòng rất nhẹ nhõm. Ở đời, chỉ có đối diện với người đã khuất, đặc biệt với những hài nhi như các em, người ta mới dám rũ bỏ và nói thật lòng mình”.
Chia tay anh, tôi và người bạn đồng hành nán lại chút xíu để thử “tâm sự với các em”. Bởi là lần đầu tiên rơi vào cảnh ngộ này nên cho đến chập choạng tối vẫn không biết nên tâm sự những gì và bắt đầu từ đâu? Đành rời nghĩa trang và tự an ủi mình bằng một niềm vui nho nhỏ: “Mình được sinh ra trên cõi đời này đã là một niềm hạnh phúc vô bờ bến!”.
Mr.Ken™
Nguồn: Caritas Huế

[1] Nghĩa trang Thai Nhi này là nghĩa trang được hình thành đầu tiên tại Việt Nam từ đầu năm 1992, do sự khởi xướng của một số linh mục Giáo phận Huế. Với tấm lòng của yêu thương các ngài và sự cộng tác tích cực của một số anh chị em giáo dân, mà nghĩa trang này đã đang và sẽ là nơi dung thân, nơi yên nghỉ cho các thai nhi vô tội bị tước đoạt sự sống.


Phá thai: Chuyện nhỏ mà lại là lớn

ĐS & PL - Ngày nay, giới trẻ không cần biết hậu quả của việc phá bỏ thai nhi của mình. Đơn giản họ chỉ biết như vậy là đã giải quyết xong một hậu quả gián tiếp hay trực tiếp do mình tạo ra. Một cái thai, em bé đã có đủ các bộ phận của cơ thể vậy mà người mẹ vẫn nhẫn tâm chấm dứt sự sống của đứa trẻ, dù phải trả khá cao cho các bác sĩ làm chuyện ấy. Luật pháp thì bỏ sót nhiều quy định về những hành vi của những đối tượng này. Có một 1001 lý do phá thai.

Chị Hồ Th.V, 21 tuổi nhà ở Gò Vấp xin được bỏ thai. Khi nhân viên tư vấn nghe chị khai đã một lần sẩy thai, có một con 17 tháng tuổi; hai vợ chồng cùng đi làm, lương tháng tổng cộng gần 5 triệu, có người giúp việc... thì khuyên chị nên giữ thai. Nhưng chị vẫn kiên quyết bỏ, vì: Em không thích. Em sợ đẻ nó ra rồi không lo được bằng con người ta...


Còn chị M. thì cười cười: Em đã có ba con. Lần này vỡ kế hoạch, nên lén ông xã đi nạo, chứ biết được chắc ổng bắt để đẻ. Cứ thế. Khi tư vấn viên hỏi, nhiều người trả lời cho qua chuyện.

Để tạo mọi thuận lợi và an toàn cho phụ nữ khi nạo phá thai (NPT) nên các cơ sở y tế nhà nước không yêu cầu bệnh nhân phải xuất trình giấy tờ, nhiều người sợ người khác biết nên khai tên tuổi giả, địa chỉ giả. Trường hợp của Hoa nằm trong số 5 cô gái trẻ có mặt tại một phòng khám tư mà tôi tình cờ biết được. Gương mặt còn non nớt và dáng dấp cho thấy Hoa chỉ vừa bước qua tuổi trăng tròn. - Em ở nhà một mình, bố mẹ ly dị nhau, bán đất chia cho em một cái nhà nhỏ nằm trong ngõ. Em và hắn yêu nhau. Ngày nào chúng em cũng ở với nhau như vợ chồng. Hắn bảo, cứ yên tâm, anh có nhiều kinh nghiệm. Qua nhiều lần không có vấn đề gì em hoàn toàn yên trí. Nhưng lần này thì dính. Những tưởng hắn sẽ quýnh lên lo cùng em nhưng mặt hắn thản nhiên: "Dính thì bỏ chứ có làm sao! Bạn anh đầy đứa làm thế".

Trên đây là một vài trường hợp tự ý đi nạo phá thai. Có thể pháp luật ngày nay chưa có những quy định thật nghiêm khắc và cụ thể về cả người nạo phá thai và người thực hiện. Nó chỉ đặt trên khía cạnh đạo đức của một con người.



Luật xưa: Phá thai là một trọng tội


Thời xưa, phá thai là một trọng tội. Năm 1923, Pháp ban hành luật mới giảm nhẹ cho tội phá thai xuống khinh tội. Phá thai là làm cho bào thai ra khỏi tử cung người mẹ trước ngày sinh nở, mục đích để giết chết hài nhi. Nếu hài nhi lọt lòng mẹ mà còn sống thì không phạm tội phá thai mà phạm tội toan phá thai; còn nếu hài nhi sống vài ngày rồi chết thì tòa án có thể buộc người toan phá thai vào tội ngộ sát.

Điều 317 Hình luật Canh cải của Việt Nam xưa thì quy định thầy thuốc, bà đỡ, nha sĩ, dược sĩ hay bất cứ ai giúp đỡ phương tiện hay làm dễ dàng việc phá thai hay toan phá thai (như cho ăn, cho uống thuốc, đánh đập hoặc làm bất cứ cách nào đó khiến người đàn bà mang thai phải sinh non, dù có sự ưng thuận của chị ta thì cũng phạm tội). Kẻ phá thai sẽ bị phạt từ 1- 5 năm tù và phạt tiền từ 5.000 - 10.000 đồng x 40, có thể bị cách chức tạm thời hoặc cấm hành nghề vĩnh viễn. Nếu người đàn bà tự phá thai thì mức phạt nhẹ hơn, từ sáu tháng đến hai năm tù và phạt tiền từ 100 - 2.000 đồng x 40. Nếu để cứu mạng sống của người mẹ mà bác sĩ phải mổ lấy thai ra thì không bị tội.

Pháp luật xưa nghiêm khắc với việc phá thai đến nỗi ngay cả khi mới mang đồ nghề đến nhà thân chủ để phá thai cho chị ta như đã hẹn, chịu để cho thai phụ phá thai trong nhà mình cũng bị xử tội đồng lõa hoặc chính phạm. Báo chí bị cấm tường thuật cuộc tranh luận trong các phiên xử về tội phá thai, tuy nhiên không bị cấm công bố những bản án của các vụ án đó. Nạn nhân của việc phá thai, dù đã tham dự vào việc ấy nhưng vẫn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trước tòa hình sự. Nếu người mẹ cũng chết thì người cha của thai nhi có quyền kiện kẻ phá thai đòi bồi thường với tư cách là người bị thiệt hại chứ không phải với tư cách là người thừa kế gia tài của vợ.

Hoàng Việt hình luật áp dụng cho miền Trung quy định nặng tay hơn với tội phá thai. Người vi phạm sẽ bị phạt từ 5 - 10 năm tù hoặc khổ sai.

Chiếu theo những quy định trên đây của luật xưa thì những đối tượng là chị Hồ Th. V, chị M, chị Hoa sẽ phạm vào Điều 317 Hình luật Canh cải của Việt Nam quy định: Nếu người đàn bà tự phá thai thì mức phạt nhẹ hơn, từ sáu tháng đến hai năm tù và phạt tiền từ 100 - 2.000 đồng x 40. Riêng Hoàng Việt hình luật áp dụng cho miền Trung quy định nặng tay hơn với tội phá thai thì những đối tượng đó sẽ bị phạt từ 5 - 10 năm tù hoặc khổ sai. Đối với những người chịu trách nhiệm đứng ra phá thai tại các phòng khám tư hay bệnh viên thì sẽ khép vào tội rất nặng: Kẻ phá thai sẽ bị phạt từ 1- 5 năm tù và phạt tiền từ 5.000 - 10.000 đồng x 40, có thể bị cách chức tạm thời hoặc cấm hành nghề vĩnh viễn.

Tường Quân