Giáo dục văn hóa sự sống

VietCatholic - Trong một hội nghị các y sĩ Ý tại Vatican hồi tháng 11 năm ngoái, Đức HY quốc vụ khanh Tòa Thánh, Tarcisio Bertone, đã nhấn mạnh tới nhu cầu cấp thiết phải giáo dục xã hội về văn hóa sự sống. Ngài cho rằng tuy từ bản chất, y khoa vốn có sứ mệnh bảo vệ và chăm sóc sự sống con người, nhưng trên thực tế một số bộ phận của nó đang mỗi ngày mỗi thực hiện những hoạt động nhằm chống lại con người. Một đàng, họ cố gắng loại trừ sự sống đang thai nghén hay những cuộc đời sắp kết thúc; đàng khác, càng ngày lương tâm người ta càng khó phân biệt được thiện với ác trong những điều có tác động tới chính giá trị nền tảng của sự sống con người.

24 triệu đàn ông Trung Quốc ế vợ năm 2020

Hơn 24 triệu đàn ông Trung Quốc đến tuổi kết hôn có thể không tìm được bạn đời vào năm 2020, với sự góp phần của nạn nạo phá thai theo giới tính hiện nay.

Một nghiên cứu, do Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thực hiện, khẳng định tình trạng mất cân bằng giới tính là vấn đề nhân khẩu học nghiêm trọng nhất với quốc gia có 1,3 tỉ dân này.

“Nạn nạo phá thai theo giới tính vẫn còn phổ biến, đặc biệt tại các vùng nông thôn” – nơi tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào nếp nghĩ của số đông. Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý các nguyên do gây ra mất cân bằng giới tính rất “phức tạp”.

Nhà nghiên cứu Wang Guangzhou cho biết trên tờ Global Times rằng tỉ lệ sinh trai-gái thiếu cân đối có thể dẫn đến những khó khăn đối với đối tượng nam giới có thu nhập thấp hơn trong việc tìm bạn đời, cũng như sự gia tăng khoảng cách tuổi tác giữa các cặp vợ chồng.

Tờ báo này còn trích dẫn nhận định của nhà nghiên cứu khác là Wang Yuesheng, khi ông cho rằng đàn ông sống ở các vùng nghèo tại Trung Quốc sẽ buộc phải chấp nhận cảnh lấy vợ trễ hoặc sống độc thân suốt đời – điều có khả năng “gây ra sự gián đoạn trong dòng dõi”.

“Cơ hội lập gia đình sẽ trở nên hiếm hoi nếu đó là một người đàn ông thôn quê hơn 40 tuổi. Họ sẽ lệ thuộc nhiều hơn vào chính sách an sinh xã hội ở tuổi đó và có ít nguồn lực gia đình để nương tựa”, Wang nói.

Theo kết quả nghiên cứu, các nhân tố đóng vai trò then chốt đối với hiện tượng này bao gồm cả chính sách kế hoạch hóa gia đình, trong đó giới hạn số lượng con mà công dân trong nước có thể sinh, cũng như sự thiếu thốn về hệ thống an sinh xã hội. Chính sách một con vốn được ghi vào hiến pháp thành văn của Trung Quốc năm 1978.

Hình thức siêu âm biết giới tính lần đầu tiên được giới thiệu vào cuối những năm 80 tác động mạnh đến tình hình phá thai, sau khi phụ huynh muốn đảm bảo đứa con duy nhất của họ phải là bé trai để duy trì việc tiếp nối dòng dõi; những nông dân lớn tuổi lại càng mong có con trai làm chỗ cậy nhờ khi về già.

Global Times tiết lộ nạn nạo phá thai và buôn bán phụ nữ “rất phổ biến” trong các vùng có số lượng đàn ông vượt trội, theo Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Quốc gia. Hôn nhân bất hợp pháp và nạn mại dâm cũng là vấn đề nhức nhối tại những khu vực đó.

Giới chức trách đưa ra tỉ lệ nam – nữ bình thường là 103-107 bé trai so với 100 gái. Nhưng theo thông tin từ Global Times, vào năm 2005 – thời điểm gần nhất mà Học viện Khoa học Xã hội lưu trữ số liệu, tỉ lệ này đã “nhích” lên 119 nam – 100 nữ. Tuy nhiên, một bài báo trên tờ Mirror Evening đưa tin nghiên cứu của học viện chỉ ra rằng tỉ lệ ở nhiều vùng nông thôn lại cao hơn hẳn với 130 nam trên 100 nữ.

Trong lúc các nhà phân tích thừa nhận có sự mất cân bằng giới tính rõ rệt ở Trung Quốc, họ còn cho biết khó nắm được thông tin chính xác, bởi nhiều gia đình tránh đăng ký khai sinh cho con gái để dễ dàng hơn trong việc sinh con thứ hai.


Ty

Theo Bưu điện Việt Nam