Những điểm nổi bật của Humanae Vitae (Sự sống con người)

(Ubmvgiadinh) Chúa Giêsu ra đi để lại các tông đồ và những người thừa kế vương quốc của Ngài tại trần gian, một sứ vụ nhằm bảo vệ và giải thích toàn bộ các luật lệ về luân lý, và Giáo Hội qua dòng thời gian, đã khá thành công và trung tín với sứ vụ này. Hôn nhân chính là dấu chỉ về sự hiệp kết giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài. Bản chất và nền tảng của tình yêu hôn nhân được dựa vào Thiên Chúa, vì Ngài chính là Tình Yêu, và là Đấng Sáng Tạo muôn loài. Kế hoạch của Ngài chính là, các cặp vợ-chồng thông qua sự hiểu biết, hiệp thông và hiến trọn đời sống mình cho nhau, để cả hai cùng hoàn thiện lẫn nhau, và trở thành bậc cha mẹ. Lời khấn hứa hôn nhân thể hiện một số điểm chính sau:

Trong việc Bảo Vệ Sự Sống, Giáo Hội sẽ đi tới cùng

ROME (Zenit. Org).- Thư ký Bộ giáo Lý Đức Tin nhấn mạnh sự dấn thân của Giáo Hội làm hết sức để bênh vực sự sống và nhân phẩm

Tổng giám mục Luis Ladaria phát biểu Thứ Ba 10/11 trong một hội nghị được bảo trợ do Trung Tâm Giáo Dân tại Foyer Unitas, một nơi học tập, sưy tư và trao đổi liên tôn giáo cho các sinh viên đại học lưu trú tại Roma.

Nhân chứng phá thai

VietCatholic - Carol Everett nhập ngành công nghiệp phá thai sau khi bà phá thai đứa con thứ ba trong năm 1973 dưới áp lực cuả chồng và bác sĩ. Sau lần đó cuộc sống của bà bắt đầu rơi rụng; bà ngoại tình, uống rượu và cuối cùng ly dị chồng.

Với sự giúp đỡ của một bác sĩ tâm thần, bà cố thu nhặt mảnh vụn cuộc đời còn lại cuả mình, vừa đủ để làm việc cho một công ty cung cấp y tế, nhưng cũng từ đó, việc làm dẫn bà vào ngành công nghiệp phá thai. Sau một thời gian làm việc và thấy có thể kiếm được nhiều tiền, bà đã quyết định mở phòng khám riêng.

Bà Everett thổ lộ câu chuyện của bà như sau.

Chúng tôi mở cửa phòng khám của chúng tôi và tháng đầu tiên chúng tôi đã phá thai 45 vụ. Tháng cuối cùng tôi ở đó, với hai trạm hoạt động trong vùng Dallas, chúng tôi thực hiện hơn 500 vụ phá thai một tháng. Tôi được trả $25.00 cho mỗi vụ cộng với một phần ba tiền lời từ trạm y tế, do đó bạn có thể tưởng tượng được những gì gây nên động lực cho tôi. Tôi đã bán phá thai.

Năm đầu tôi làm được $150.000. Tôi đạt mục tiêu cho năm 1983 là $260.000; và trước khi chúng tôi mở cửa phòng khám thứ năm, tôi dự trù sẽ thu một triệu đô la một năm. Thực ra tôi còn muốn nhiều hơn thế.

Trong thời gian chúng tôi lập kế hoạch mở phòng khám thứ năm này, chúng tôi đã gặp một số vấn đề giữa các cổ đông. Chúng tôi quyết định nhờ một tư vấn kinh doanh và làm việc với anh ta trong ba mươi ngày. Viên tư vấn này là một người hoạt động tông đồ. Ông nói với tôi rằng Chúa đã gửi ông đến vì có một người ở đây mà Chúa muốn cứu ra ngoài. Kết cục, tôi đã bỏ nghề trong ngày thứ 27.

Bán phá thai cho các thiếu nữ trẻ còn non dại:

Tôi chắc rằng bạn đã nhìn thấy nhiều quảng cáo viết "Tư vấn về vấn đề Thai ngén" "Thông tin về Phá thai" hoặc "Có thai?". Khi một thiếu nữ trẻ phát hiện ra là đang mang thai, cô ấy có thể không muốn phá thai, cô ấy chỉ muốn có thông tin.

Nhưng khi cô ta gọi số điện thoại do công nghệ phá thai trả tiền, thì những loại thông tin nào bạn nghĩ rằng cô ấy sẽ nhận được? Hãy nhớ rằng, họ bán phá thai. Họ không bán việc giữ trẻ em. Họ không bán việc nhận con nuôi. Họ không bán đỡ đẻ dưới mọi hình thức. Họ chỉ bán phá thai.

Các cố vấn trên điện thoại được trả tiền để trở thành bạn bè của cô ta. Nghĩa vụ cuả họ là phải dụ dỗ cô vào một thứ tình bạn để cô phá thai.

Tôi không thể tìm ra một điều nào đã xảy ra tại một phòng khám phá thai mà không phải là gian dối.

Có hai câu hỏi thường được các cô gái nêu lên. Đầu tiên là: Liệu nó có đau không? "Oh, no. Tử cung của bạn là một cơ bắp. Nó sẽ co cứng khi mở ra: Nó co cứng khi đóng vào, đó là một cảm giác đau bụng nhẹ. Ai cũng có khi đau bụng. Đó là chuyện thường cho giới nữ chúng ta."

Sau đó, họ hỏi: Có phải là một đứa bé không? "Không, đó là sản phẩm của thai ngén; đó là một cục máu đông; đó là một mảng tế bào."

Khi các cô gái đi phá thai, cô trả tiền trước rồi đi vào một phòng để được tư vấn. Họ đưa cho cô một xấp giấy 6-12 trang. Mẫu giấy này được viết bởi một luật sư phá thai để gây nhầm lẫn cho các cô gái đến chết. Thường là rất công hiệu và cô ấy không nêu thêm câu hỏi. Cô ta chỉ trở lại hai câu hỏi: Liệu có đau không? Có phải là một đứa bé?

Tôi không thể tìm ra một điều nào đã xảy ra tại một phòng khám phá thai mà không phải là gian dối.

Không có lời lẽ nào để mô tả Phá Thai.

Tôi chưa bao giờ có thể tìm được một từ để mô tả các thủ tục phá thai. Không có từ nào có thể miêu tả nó thực sự là xấu như thế nào. Nó giết con trẻ.

Tôi đã nhìn thấy qua sonograms (siêu âm), các em bé né tránh các dụng cụ đưa vào âm đạo. Và tôi đã nhìn thấy D & E (nạo và hút) thực hiện trên bào thai 32 tuần mà không có thuốc mê. Có, em bé rất đau đớn. Nhưng mà hơn nữa, là rất, rất đau đớn cho người phụ nữ này. Tôi đã nhìn thấy sáu người giữ một phụ nữ trên bàn trong khi phá thai.

Hai phản ứng: Chấp nhận hay từ chối

Sau khi phá thai, các cô gái được đưa đến phòng phục hồi, họ thường có hai phản ứng. Đầu tiên là: "Tôi đã giết con tôi." Thực là ngạc nhiên vì đó là lần đầu tiên họ gọi nó là một em bé và lần đầu tiên họ gọi là giết người. Nhưng điều đó có thể là một phản ứng lành mạnh. Điều đó có nghĩa là người phụ nữ này sẽ có khả năng đi ra khỏi nơi đó và đối phó với sự việc, và có thể hàn gắn và tiếp tục cuộc đời.

Phản ứng thứ hai là: "Tôi đói. Các người nói với tôi chỉ có hai giờ thôi mà sao các người giữ tôi tới bốn giờ lận. Hãy để tôi đi".

Cô ta trốn tránh sự việc phá thai của cô ta. Cô ta không biết đối phó với nó; cô ta lựa chọn từ chối nó. Trung bình là phải mất 5 năm trước khi cô ta thực sự đối phó với một thực tế là, có, cô ta đã giết con.

Phụ nữ bị thương tích - và chết

Các cô gái sống qua cuộc phá thai là những người may mắn. Chúng tôi đã thực hiện trên 500 vụ phá thai mỗi tháng và đã thực hiện ‘phá thai trong một ngày’ các bào thai đã ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Chúng tôi không sử dụng Laminaria (chất hút nước làm bài thai khô đi), chúng tôi đã làm dilation (ép xương chậu cho lớn ra) trong cùng một ngày và chúng tôi đã gặp rất nhiều biến chứng.

Các cô gái sống qua cuộc phá thai là những người may mắn.

Có, chúng tôi đã có người chết. một phụ nữ 32-tuổi có hai đứa con trai 17 và 2 tuổi. Không hề có tang chứng bằng giấy tờ. Bạn trai của cô ấy cảm thấy tội lỗi trong việc phá thai và anh ta không muốn đối phó với nó. Gia đình cô nghĩ rằng, có, cô ta có lẽ đã phá thai, nhưng họ không muốn đối phó với nó. Sự việc bị chìm xuồng. Không có kiện cáo.

Có một cô gái mà bác sĩ đã chuẩn đoán là có một khối u (fibroid) ở mặt sau của tử cung. Đó là một khối u rất phổ biến ít khi nguy hiểm. Hai bác sĩ quyết định họ sẽ kéo nó ra sau khi phá thai cô. Họ không biết họ đã kéo vào mặt sau của tử cung, và họ đã lôi ngược tử cung ra khỏi cô gái mới 21 tuổi; cô đã có một hysterectomy (cắt bỏ tử cung).

Hiệu quả của những Pro-Life Witness (những người biểu tình phò sự sống)

Mỗi khi các bạn (những người cổ động phò sự sống) hoạt động trước các bệnh viện, là các bạn đang chiếu một ánh sáng vào bên trong phòng mạch ấy. Các bạn đang nhắc nhở trách nhiệm cho những người đó.

Trong ngày hôm đó, họ (nhân viên phá thai) ít có khả năng phá thai một người phụ nữ không mang thai, hoặc người phụ nữ ở quá xa. Các người phá thai khoe khoang có thể làm tới tám, mười, thậm chí mười hai vụ một giờ sẽ làm chậm đi. Bởi vì người ấy sợ bạn.

[Những thai nhi bị chối bỏ] - Bài 6: Níu giữ mầm sống

[NLĐO] Cùng nhóm tình nguyện chuyên đi gom nhặt thai nhi bị phá bỏ đến thăm nghĩa trang Tín Thác ở thị xã Bảo Lộc – Lâm Đồng, ngoài những câu chuyện buồn về các em, chúng tôi còn chứng kiến niềm vui khôn tả khi họ nhắc đến không ít mầm sống được níu giữ thành công

>> Hối lỗi với thai nhi
>> Khóc cho giọt máu không thành kiếp người
>> Những thai nhi bị chối bỏ
>> Nghĩa trang thai nhi
>> Sám hối từ trái tim


Cô Nguyễn Thị Hường, trưởng nhóm tình nguyện, cho biết nhiều phụ nữ đã quyết định phá bỏ mầm sống đang lớn dần trong bụng mình nhưng sau khi nghe tư vấn, họ lại muốn giữ con. Những phụ nữ này được đưa đến khu nhà lưu trú do nhóm tình nguyện dựng lên để chờ ngày sinh nở.


Ông Trần Đình Hùng và chị Nguyễn Ngọc Thanh Thu nâng niu hai đứa trẻ được nhóm tình nguyện ở Bảo Lộc - Lâm Đồng cứu sống


Sau khi sinh, tình mẫu tử trỗi dậy khiến họ quyết tâm mang con về nhà. Ngược lại, cũng có không ít người đã lặng lẽ bỏ con ra đi không một lời từ biệt. “Dù sao thì điều quan trọng là chúng tôi đã giữ được những thai nhi vô tội” - cô Hường thổ lộ.


Cùng chăm sóc, nuôi dưỡng


Những đứa trẻ may mắn sống sót này được nhóm tình nguyện của cô Hường cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng. Các em được đặt cho những cái tên thật đẹp, như: Gia Ân, Hồng Ân, Phúc Ân, Giang Ân, Ngọc Ân...


Cô Hường cho biết từ ngày thành lập nghĩa trang Tín Thác vào đầu năm 2009, đến nay, gần 20 thai phụ với nhiều hoàn cảnh khác nhau sau khi được nhóm tình nguyện thuyết phục đã bỏ ý định phá thai. Tại khu nhà lưu trú của nhóm, đã có 11 em bé ra đời, trong đó 5 em được mẹ mang về nhà, 6 em bị bỏ rơi.


Dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà mái ngói đỏ tươi đang xây dang dở nằm dưới một con đường dốc đất đỏ, cô Hường khoe: “Đây là cơ sở chúng tôi đang xây để nuôi dạy các bé. Chúng tôi cũng đang tiến hành các thủ tục để làm giấy khai sinh cho các bé ở lại đây”. Do cơ sở chưa hoàn chỉnh nên hiện chỉ có 3 bé ở lại, 3 bé khác gửi nhờ nhà người quen của nhóm chăm sóc.


Bế trên tay một cậu bé kháu khỉnh, bụ bẫm, ông Trần Đình Hùng, người chuyên đi gom nhặt những thai nhi bị bỏ rơi đem về nghĩa trang Tín Thác chôn cất, cười tươi: “Thằng bé này tên Gia Ân, mới 6 tháng tuổi nhưng rất thông minh, lanh lẹ”. Giọng chú chợt chùng xuống: “Vì hoàn cảnh khó khăn, mẹ Gia Ân đã quyết định đến bệnh viện bỏ con. Khi nghe tin, cả nhóm tình nguyện chúng tôi đã đến bệnh viện rút hồ sơ rồi khuyên ngăn. Cuối cùng, chị ta quyết định giữ con lại. Tuy nhiên, vừa sinh xong Gia Ân, chị ta đã lẳng lặng bỏ đi”.


Kế bên, bé Giang Ân hơn 1 tháng tuổi đang được một tình nguyện viên tên Nguyễn Ngọc Thanh Thu nâng niu trên tay. Chị Thanh Thu nhớ lại: “Khi mẹ bé Giang Ân ra trạm xá để phá thai, những người tình nguyện chúng tôi đã khuyên giải hết lời chị ta mới nghe. Sau đó, chị ta đột nhiên bị huyết áp tăng cao, phải chuyển đến bệnh viện gấp. Rất khó khăn, hai mẹ con Giang Ân mới được cứu sống.

Cũng như trường hợp bé Gia Ân, sau khi sinh xong, mẹ Giang An đã bỏ đi”. Sinh ra không được bú mẹ, Giang Ân bệnh mãi. Hôm chúng tôi đến nhà lưu trú, cô Hường phải chạy đôn chạy đáo tìm người chở bé đi bệnh viện.


Nghĩa cử lặng thầm


Trong thời gian đi thực tế tìm hiểu về tình trạng phá bỏ thai nhi, chúng tôi đã gặp rất nhiều tình nguyện viên. Ấn tượng chung của chúng tôi về họ là tất cả đều tự nguyện dấn thân vào công việc gian khổ, thầm lặng này mà không gợn chút vụ lợi.

Nhiều người bất chấp khuya sớm, gió mưa, hễ nghe tin có thai phụ nào tính bỏ con liền vội vàng
tìm cách tiếp cận để thuyết phục họ giữ lại giọt máu của mình, nếu không được thì chực chờ xin đem thai nhi về chôn cất, khói hương.


“Không đơn giản chút nào!” - cô Nguyễn Thị Hường, người khởi xướng việc tìm kiếm và chôn cất thai nhi bị phá bỏ ở Lâm Đồng, tâm sự - “Đầu tiên, chúng tôi liên lạc ở các bệnh viện, những cơ sở khám phụ khoa hay phòng mạch tư trong vùng, nhờ người ở đó báo tin khi có thai phụ nào đến yêu cầu bỏ con.

Thấy công việc của chúng tôi xuất phát từ cái tâm, không hề vụ lợi nên họ đã nhiệt tình cộng tác. Khi có thông tin thai phụ muốn bỏ con, nhóm cử người đến ngay để tìm mọi cách khuyên giải, can ngăn. Nếu thất bại, chúng tôi cũng để lại số điện thoại với hy vọng họ sẽ đổi ý hoặc tình huống xấu nhất là bỏ thai nhi thì họ sẽ liên lạc” - cô Hường cho biết.


Nghĩa cử lặng thầm, đầy ý nghĩa của cô Hường đã tác động, lôi cuốn nhiều người cùng chung tay lo cho các thai nhi bất hạnh. Cụ Phan Thị Thảo, nay đã 88 tuổi, nhà ở thị xã Bảo Lộc, cảm động trước công việc của nhóm đã hiến mảnh vườn của mình để làm nhà mở cho các thai nhi được cứu sống sinh hoạt.

Ông Trần Đình Hùng, dù gia đình còn khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng gác bỏ công việc sang một bên để đi gom nhặt các thai nhi bị phá bỏ về chôn cất và lo nuôi dưỡng các em được cứu sống. Nhìn bàn tay thô ráp vụng về của ông khi đút sữa cho các em, nghe ông gọi tên các em đầy trìu mến, chúng tôi cảm nhận phải là một người thật sự yêu thương trẻ mới làm được như vậy.


Ngày qua ngày, nhóm tình nguyện của cô Hường vẫn lặng lẽ với công việc của mình. Cô Hường ngậm ngùi: “Kinh tế phát triển, đời sống vật chất khá lên nhưng kéo theo đó là không ít người trong giới trẻ có lối sống hưởng thụ. Nhiều cô gái dễ dãi quan hệ với bạn trai, khi mang thai lại thản nhiên phá bỏ”.

Lặng lẽ bứt những cây cỏ dại quanh các nấm mộ ở nghĩa trang thai nhi Tín Thác, cô Hường thở dài: “Hôm nọ, tôi gặp một cô gái trẻ tới nghĩa trang, thái độ lén lút như kẻ trộm. Té ra, đó là một người đi thăm con. Giá như tỉnh táo hơn một chút, giờ cô ấy đã có một đứa trẻ xinh xắn để bồng bế, nâng niu rồi”.


Cứu sống hàng chục trẻ vô tội


Tại điểm sinh hoạt cộng đồng ở Tu viện Dòng Chúa Cứu thế (quận 3- TPHCM), chúng tôi được biết nhóm “Bảo vệ sự sống” ở đây cũng đã tư vấn rất nhiều ca thành công và đã có hơn 30 thai phụ đang ở nhà lưu trú chờ ngày sinh nở. Nhà lưu trú của nhóm có 2 điểm tại quận Bình Thạnh- TPHCM và ở Đồng Nai.

Hầu hết những thai phụ đều từ các tỉnh đến. Ở nhà lưu trú, họ được tư vấn cách làm mẹ, cách ổn định tâm lý, yêu thương con và được hỗ trợ chỗ ăn ở. Nhờ vậy, không ít trẻ đã sinh ra tại đây và được mẹ mang về nhà nuôi dưỡng.


Bài và ảnh: THU HỒNG – THU HƯƠNG

http://nld.com.vn/20091121013358993P1002C1005/niu-giu-mam-song.htm

[Nhức nhối nạn nạo phá thai ở giới trẻ] Bài Cuối: “Dịch vụ” ăn theo

Những điểm NPT tại Hà Nội. Ảnh: I.T

[Gd]
Hầu hết những cô gái trẻ đến bệnh viện NPT đều rất mong muốn giải quyết nhanh vấn đề này. Chính vì vậy, vô hình trung họ trở thành những “miếng mồi” béo bổ của “cò”.



Đa dạng chiêu thức “cò”

Chúng tôi vừa dừng xe trước cổng Bệnh viện Từ Dũ, đã có mấy người hành nghề xe ôm chạy đến. “Cô đi đâu đấy? Đi khám à, gần hết giờ rồi họ không nhận nữa đâu. Cô tính dưỡng hay là bỏ?…”. Sau những câu hỏi tới tấp, các “cò” thi nhau quảng cáo cho các trung tâm bảo sinh.
Hễ có cô gái nào xuất hiện trước cổng bệnh viện là lập tức các “cò” xúm lại. Nếu phát hiện cô gái muốn phá thai thì ngay lập tức họ đưa ra đủ các chiêu để hù dọa. “Cô có giấy kết hôn không? Nếu không có thì đừng vào đây cho mất công. Bệnh viện không giải quyết những trường hợp như cô đâu vì họ sợ phải gánh vác trách nhiệm. Lỡ sau này, gia đình các cô đến kiện tụng thì sao… Tôi biết có một chỗ uy tín lắm…”. Và cứ thế, lợi dụng các cô gái đang có tâm lý lo lắng, họ tiếp tục đưa ra hàng lô hàng lốc những lời quảng cáo cho các trung tâm và dịch vụ bảo sinh. Nào là “trung tâm này là của Trưởng phòng Kế hoạch Bệnh viện Từ Dũ, trung tâm kia của Phó giám đốc Bệnh viện”... Rồi “đến trung tâm, các cô không phải tốn nhiều thời gian và công sức mà chẳng ai biết nữa. Nếu cô vào bệnh viện, lỡ gặp người quen thì sao”… Các “cò” tỏ ra là một người rất am hiểu lĩnh vực này để “tư vấn” cho các cô gái đủ mọi vấn đề.

Khi gặp bác sĩ Dương Phương Mai, nghe chúng tôi kể, bác sĩ rất bức xúc và cho biết: “Những lời đó hoàn toàn là bịa đặt, chúng tôi không hề mở một trung tâm bảo sinh nào ở bên ngoài”. Còn chuyện đến bệnh viện cần có giấy đăng ký kết hôn thì chỉ có thể “lừa” được các cô gái nhẹ dạ không chịu tìm hiểu thông tin mà thôi. Thật ra, đến NPT ở bệnh viện, không cần có giấy đăng ký kết hôn vì hiện nay biết bao cô gái “không chồng mà chửa”. Đến Bệnh viện Từ Dũ, các bạn trẻ còn được tư vấn miễn phí và mọi thông tin về người phá thai còn được giữ bí mật. Còn đối với chuyện mất nhiều thời gian, bác sĩ Trương Nguyên Hảo, Trưởng phòng Kế hoạch Bệnh viện Thủ Đức cho biết: “Rất nhiều người đến NPT nên phải chờ đợi là chuyện hết sức bình thường để đảm bảo an toàn cho họ. Mặt khác, chúng tôi còn khuyên bảo và cho họ thời gian để suy nghĩ nên NPT ở bệnh viện chắc chắn phải chờ đợi lâu hơn”.

Theo hướng dẫn của “cò”, chúng tôi tìm đến một trung tâm bảo sinh trên đường Trần Đình Xu, Q.3. Ở đây, chúng tôi được một vị bác sĩ trẻ hướng dẫn làm thủ tục. Tất cả mọi việc đều diễn ra hết sức nhanh chóng nhưng giá cả thì cao ngất ngưởng. Nếu ở các bệnh viện, mỗi ca NPT chỉ mất khoảng 200 đến 300 ngàn đồng thì chi phí ở những trung tâm kiểu này phải lên đến tiền triệu. Còn đối với giới “cò”, tất nhiên họ cũng được chia một phần nhỏ từ lợi nhuận này. T, một “chuyên gia” về cò hành nghề trước cổng Bệnh viện Từ Dũ tâm sự: “Hôm nào gặp được “miếng mồi” ngon là hôm đó hên. Ngoài chở khách ra thì cũng kiếm thêm được một ít thu nhập từ trung tâm bảo sinh. Chính vì vậy mà hầu hết anh em ở đây đều hăng hái, nhiệt tình làm công việc này mặc dù biết nó không được tốt đẹp cho lắm”.


“Nghề tay trái” của một vài bác sĩ

Hiện nay, “cò” không chỉ là những người làm xe ôm hay một số ngành nghề khác mà còn là một vài bác sĩ, nhân viên y tế ở những trung tâm y tế nhỏ. Những dạng “cò” này thường được sự tin cậy của các cô gái NPT hơn nhưng tất nhiên số tiền mà họ có sau những ca “môi giới” NPT như vậy cũng không hề nhỏ.

Trung tâm Y tế P. ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương là nơi có rất nhiều bạn trẻ tìm đến để “giải quyết hậu quả”. Đối với những thai nhi nhỏ, trung tâm này có thể tiến hành hút bỏ được. Tuy nhiên, gặp trường hợp những thai nhi đã quá lớn, không có đủ trang thiết bị để tiến hành NPT thì bác sĩ phụ trách trung tâm này sẽ hướng dẫn cho người phụ nữ tới một bác sĩ ở bệnh viện lớn khác. Khi gặp bác sĩ đó, ngay lập tức họ sẽ được đưa trực tiếp lên bàn mổ giải quyết nhanh chóng mà không phải thông qua thủ tục nào, trong khi ở bên ngoài có biết bao người khác ngồi chờ la liệt cả ngày mà vẫn chưa được tiến hành. Nhìn chung, độ an toàn thì khá cao nhưng chi phí cho một ca NPT như vậy không nhỏ đối với bạn trẻ. N.L tâm sự: “Năm ngoái em cũng đã lỡ dính bầu và vào trung tâm P. để “giải quyết” nhưng cái thai lớn quá rồi nên bác sĩ ký giấy và cho em số điện thoại của một bác sĩ ở bệnh viện khác. Bình thường, người ta đến bệnh viện chờ đợi lâu một chút tốn khoảng vài ba trăm ngàn, còn em mất hơn cả triệu đồng. Ở đây, rất nhiều người biết chi phí khám bệnh ở trung tâm này đắt nhưng được cái nhanh nên cũng đành ngậm ngùi làm cho xong”.

Trên địa bàn TP.HCM hiện có hàng trăm trung tâm bảo sinh tồn tại với những dạng lớn nhỏ khác nhau. Có những trung tâm chất lượng tốt nhưng bên cạnh đó cũng có không ít các trung tâm “ma”. Nếu gặp những trung tâm bảo sinh giá cả cao nhưng chất lượng tốt thì độ an toàn sau NPT còn có thể được đảm bảo nhưng nếu chẳng may gặp phải những trung tâm kém chất lượng thì chắc chắn các cô gái sẽ gặp rất nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của mình.


[Những thai nhi bị chối bỏ] - Bài 5: Sám hối từ trái tim

[NLĐO] Đại lễ cầu siêu cho những thai nhi bị chối bỏ ở chùa Từ Quang, huyện Bình Chánh - TPHCM với gần 7.000 người mẹ tham gia đã kết thúc cách nay hơn một tháng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hằng ngày vẫn còn nhiều phụ nữ tìm đến đây để sám hối, mong tìm sự thanh thản.

Vào chùa Từ Quang, huyện Bình Chánh - TPHCM những ngày này, tôi vẫn bắt gặp những phụ nữ quỳ khóc rấm rứt trước tượng Phật. Đại đức Thích Giác Thiện, trụ trì chùa Từ Quang, chỉ một nhóm 3 phụ nữ đang bước vào chùa, cho biết: “Lễ cầu siêu đã kết thúc lâu rồi mà họ vẫn đến nguyện cầu để tìm sự thanh thản”.

Theo đại đức, vì đường xa hoặc không nắm tin tức hay lý do riêng nào đó, những phụ nữ này đã không kịp đến dự lễ cầu siêu cho các thai nhi xấu số của họ.


Như ra tòa án lương tâm


Tôi nhớ lại ngày 1-10, khi Báo NLĐ đưa thông tin chùa Từ Quang tổ chức đại lễ cầu siêu cho những thai nhi không được sống kiếp người, chuông điện thoại của tòa soạn liên tục reo vang. Đó là cuộc gọi của những phụ nữ từng phá bỏ thai hoặc do sơ sẩy không giữ được sự sống của con mình.


Ban tổ chức đại lễ cầu siêu đến giờ vẫn còn bàng hoàng vì lượng thai nhi bị chối bỏ được những người mẹ kê khai nhiều đến chóng mặt. Một ngày trước khi đại lễ diễn ra, danh sách phụ nữ bỏ con đăng ký tham dự khoảng 3.000 người với 5.000 thai nhi bị mất.

Tuy nhiên, theo chị Lan Phương, người phụ trách việc tổng hợp số liệu của chùa Từ Quang, sau 3 ngày tổ chức đại lễ (từ ngày 1 đến 3-10), lượng thai nhi chết được 7.000 phụ nữ kê khai lên đến hơn 10.000! Đứng đầu trong số này là chị K., quê Hải Phòng -
mất thai đến 20 lần!


Hằng ngày vẫn còn nhiều phụ nữ tìm đến chùa Từ Quang sám hối để tìm sự thanh thản


Cô Thanh Lai, người trực điện thoại của chùa Từ Quang, cho biết cô đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ khắp mọi miền đất nước xin ghi tên vào danh sách người phá bỏ thai nhi muốn hối lỗi.

Trong đó, có những người từ nước ngoài gọi về nghẹn ngào nước mắt. Một Việt kiều Mỹ cho biết đã mất thai 4 lần, một Việt kiều khác từ Canada bỏ 5 lần... và đứng đầu là một Việt kiều Đức với 7 lần.


Những ngày diễn ra đại lễ cầu siêu, tôi nhận thấy một số phiếu đăng ký tham gia không ghi rõ số thai nhi phá bỏ mà chỉ khai “nhiều lần”. Một phụ nữ tâm sự: “Vào chùa sám hối như ra tòa án lương tâm. Tôi muốn ghi rõ số thai nhi bị mất nhưng quả tình không nhớ, chỉ sợ ghi sai, bỏ sót là tội lỗi. Vì vậy, tôi chỉ ghi vào phiếu là “nhiều lần”.


Thoát khỏi ám ảnh


“Cảm ơn bạn vì đã dẫn mình đi sám hối. Mình đã thoát khỏi dằn vặt, ám ảnh và đang tự tin hơn trong cuộc sống mới”. Đây là dòng tin nhắn của X., cô bạn tôi quen từ thời đại học. Trước đó, tôi là người trực tiếp dẫn X. và chồng đến chùa Từ Quang để hối lỗi.

Không hiểu vì sao, suốt buổi lễ cầu siêu hôm đó, X. không nhìn vào chánh điện của chùa mà vừa úp mặt vào lưng chồng vừa khấn đọc tờ kinh “văn nguyện sám hối” do nhà chùa phát. Cuối buổi lễ, đôi mắt X. đỏ hoe. Cô ray rứt: “Mình không nhìn vào chánh điện, không nhìn vào tượng Phật vì mặc cảm tội lỗi”.


Kể từ ngày vào đại học, X. đã lén bố mẹ sống thử với một chàng sinh viên chung lớp. Hết năm nhất, X. đã hai lần phá thai. Chuyện này không may đến tai bố mẹ X. Người bố đuổi cô khỏi nhà và cắt đứt mọi chi phí học hành. X. rủ người yêu bảo lưu kết quả đại học, cùng đi phụ nhà hàng để kiếm sống.

Tuy nhiên, chuyện tiền nong thiếu thốn liên tục đẩy đôi tình nhân này vào cảnh hục hặc. Sau đó không lâu, hai người chia tay. X. được một người đàn ông thèm “của lạ” cho tiền để trở lại giảng đường. Đổi lại, cửa phòng trọ và vòng tay của cô phải luôn rộng mở mỗi khi ông ta đến.

Tốt nghiệp đại học cũng là lúc X. phá thai lần thứ 4... Giờ đây, X. đã yên ấm với một người chồng làm kỹ sư và vừa sinh hạ một bé trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, như X. tâm sự với tôi: “Những đứa con không nên kiếp người cứ bủa vây, chập chờn trong giấc mơ của mình”.


Những ngày này, trong dòng người đến chùa Từ Quang vẫn có những khuôn mặt quen thuộc mà tôi đã gặp trong đại lễ cầu siêu trước đó. Chị N., một phụ nữ ở huyện Bình Chánh, nghẹn ngào: “Lần trước tôi đi cầu siêu rồi.

Những đứa con xấu số của tôi xem như đã được nương náu cửa Phật nhưng tôi vẫn thấy nhớ chúng quá. Thỉnh thoảng, tôi lại về chùa thắp nén hương để các con ấm cúng và lòng mình thanh thản”. Chị N. cho biết đã bỏ 2 thai nhi 5-6 tháng tuổi.

Lý do chị bỏ con nghe thật xót xa: “Chồng tôi đòi con trai mà siêu âm ra con gái”. Có lẽ do liên tục phá bỏ khi thai nhi đã lớn nên từ đó đến nay, chị N. vẫn chưa thể mang thai lại được. Khát khao có con khiến nỗi đau nhân lên gấp bội mỗi khi chị N. nhớ lại việc chị từng hủy hoại những giọt máu của mình.


Chưa thức tỉnh được giới trẻ


“Không phải cứ phá bỏ thai rồi đi sám hối tại chùa là xong chuyện. Ước nguyện lớn nhất của những người tổ chức đại lễ là đánh thức giới trẻ, giúp họ sống lành mạnh.

Tuy nhiên, số người trẻ đi sám hối không nhiều, dù hiện nay, lượng người này phá thai là rất lớn” - thầy Thích Lệ Châu, ủy viên Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo TPHCM, chia sẻ.


Quả vậy, có mặt tại chùa Từ Quang trong nhiều ngày kể từ khi đại lễ cầu siêu diễn ra đến nay, tôi nhận thấy số phụ nữ đến đây sám hối đa phần đều đã đứng tuổi.

Các cô gái trẻ cũng có song không nhiều. Khó khăn lắm tôi mới bắt chuyện được với một cô gái tuổi chừng đôi mươi, nhà ở quận 3 - TPHCM.

Cô thản nhiên: “Em suy nghĩ 3 ngày mới đến đây sám hối. Em bỏ thai hai lần rồi. Không sinh thì bỏ. Trước đây, em thấy chuyện đó là bình thường. Trong nhóm bạn em, có đứa ăn chơi, quan hệ tứ tung, bỏ thai 4-5 lần vẫn tỉnh bơ”.



[Những thai nhi bị chối bỏ] - Bài 4: Nghĩa trang thai nhi

Mỗi thai nhi đều gắn với một số phận, một câu chuyện không giống nhau, song đều cùng chung tình cảnh bị cha mẹ chối bỏ khi còn trong lòng mẹ


>> Hối lỗi với thai nhi
>> Khóc cho giọt máu không thành kiếp người
>> Những thai nhi bị chối bỏ

>> Sám hối từ trái tim
>> Níu giữ mầm sống


Cô Nguyễn Thị Hường, trưởng nhóm tình nguyện chuyên gom nhặt thai nhi bị phá bỏ ở Lâm Đồng, đưa chúng tôi đến nơi an nghỉ của các em tại xã Lộc Thanh, thị xã Bảo Lộc khi ánh nắng cuối ngày sắp tắt.

Con đường đất đỏ gập ghềnh dẫn chúng tôi đến một ngọn đồi đầy thông reo vi vu có hai nghĩa trang. Ngay trước nghĩa trang Thanh Xuân dành cho người lớn là nghĩa trang Tín Thác của các thai nhi bị chối bỏ.



Cô Nguyễn Thị Hường chăm sóc các nấm mộ tại nghĩa trang thai nhi Tín Thác


Hơn 580 nấm mộ nhỏ

Đập vào mắt chúng tôi là 20 hàng gạch thẳng tắp dài hơn 20 m chia thành từng ô nhỏ cho mỗi nấm mộ thai nhi. Nghĩa trang Tín Thác chia làm 3 nhóm mộ: Nhóm có số thứ tự từ 1 đến 1.000 là nơi an nghỉ các em từ 4 tháng tuổi trở xuống; nhóm bắt đầu bằng số 01 dành cho các em 5-7 tháng tuổi và số 001 cho các em 8-9 tháng tuổi. Trong đó, nhóm mộ thai nhi 8-9 tháng tuổi có 4 hàng gạch lớn, mỗi hàng cách nhau chừng 3 gang tay...


Cô Hường cho biết nghĩa trang Tín Thác được nhóm tình nguyện của cô lập nên từ ngày 19-1, ngay ngày đầu đã tiếp nhận 2 thai nhi và đến nay đã có hơn 580 em an nghỉ ở đây.

“Mỗi thai nhi đều gắn với một số phận, một câu chuyện không giống nhau, song đều cùng chung tình cảnh bị cha mẹ chối bỏ khi còn trong lòng mẹ. Có em chưa nên hình hài và cũng không ít em sắp chào đời cũng bị người ta đành đoạn phá bỏ.

Khi gom nhặt các em về, chúng tôi rửa ráy sạch sẽ, đặt ngay ngắn trong quách rồi mang ra nghĩa trang chôn cất. Mỗi em được chúng tôi đặt tên, gắn số thứ tự riêng lưu trong hồ sơ. Em nào chưa rõ giới tính thì chúng tôi đặt cả hai tên cả trai lẫn gái”- cô Hường thổ lộ.


Chúng tôi chú ý một nấm mộ có 2 số thứ tự, 36 và 37, ghi ngày chôn cất 12-2. Cô Hường giải thích: “Hôm đó khoảng giữa trưa, chúng tôi nhận một cuộc điện thoại bảo đến một bờ hồ lấy “gói quà”. Khi đến đó, anh Trần Đình Hùng, người trong nhóm tình nguyện của chúng tôi, mang về 3 bọc đen gói cẩn thận đựng thai nhi bị phá bỏ. Chúng tôi liền lo chôn cất cho các em, đánh số thứ tự mộ 34, 35 và 36.

Khi về nhà, không hiểu sao tôi luôn bị thúc giục phải gọi điện thoại cho người đưa “gói quà” để hỏi han thêm. Cuối cùng, tôi liên lạc được với chị này và được biết trong 3 bọc đen có một bọc đựng thai nhi song sinh. Tôi hỏi rõ bọc nào và chạy vội ra nghĩa trang đặt thêm một số thứ tự 37 cho nấm mộ 36”.

Trời bắt đầu tối, một tình nguyện viên đi cùng gom lá khô đốt một đống lửa bên rìa nghĩa trang. Trong ánh sáng lờ mờ, chập choạng, cô Hường đưa chúng tôi đến các nấm mộ nằm ngoài cùng có kích cỡ lớn hơn rồi nghẹn ngào: “Đây là những em đã có đủ hình hài.

Em này nặng đến 2,8 kg, lúc mang về, chúng tôi phải đóng quách khác mới đặt vừa. Trong thời gian hơn 2 giờ chờ đóng quách, tôi ôm bé trong lòng mà có cảm giác em vẫn ấm hoài. Bất chợt tôi van vái, nếu ôm thế này mà em sống lại được thì tôi sẽ ôm cả ngày cũng được”.

Tuy không nói ra nhưng trong nhóm tình nguyện của cô Hường có một quy định khắt khe: Dù nắng hay mưa, dù khuya hay sớm, miễn là trước 0 giờ, nếu nhận được thai nhi bị phá bỏ, họ phải lo chôn cất. “Chúng tôi sợ các em lạnh lẽo” - cô Hường bộc bạch.

“Một ngày của đời tôi”

Chú Trần Đình Hùng, người trong nhóm tình nguyện chuyên đi gom nhặt và chôn cất các thai nhi xấu số, đã không kìm được xúc động khi mở từng trang nhật ký ghi lại công việc của mình. Chú tâm sự: “Suốt đời, có lẽ tôi sẽ nhớ mãi buổi sáng 5-5. Tôi viết trong nhật ký là “một ngày của đời tôi”.

"Hôm đó, mới 5 giờ, tôi nhận được điện thoại gọi đến một bệnh viện để mang các em về. Nhận 2 bọc thai nhi, tôi treo trên 2 móc xe. Vừa rời bệnh viện, một cú điện thoại nữa bảo tôi đến một bờ hồ nhận tiếp 2 thai nhi. Trên đường mang các em về nghĩa trang Tín Thác, tôi lại tiếp tục nhận một cuộc điện thoại nữa kêu đến bệnh viện. Khi đến nơi, tôi ngỡ ngàng khi bệnh viện trao một thai nhi quá lớn, nặng đến 2,8 kg, đã 9 tháng tuổi.

Sợ thai nhi đau, tôi không dám đặt sau xe ràng dây lại. Tần ngần mãi, cuối cùng tôi xin mấy cô hộ sinh cho vài cái khăn bông để quấn em. Cảm thấy chưa an tâm, tôi cởi luôn chiếc áo khoác quấn một vòng nữa. Chở 5 thai nhi trên xe, tôi chỉ dám nhích từng chút một vì sợ chạy nhanh vấp ổ gà sẽ làm đau các em”.

Chúng tôi vẫn chưa kịp hết cơn thảng thốt vì câu chuyện của chú Hùng thì cô Hường đã kể tiếp: “Một cô sinh viên ĐH năm 3 đang học ở TPHCM có thai với người yêu. Anh chàng dỗ ngọt cho cô về quê ở Lâm Đồng chờ ngày sinh nở, sau 5 tháng anh ta cũng sẽ về. Đến hẹn vẫn chưa thấy người yêu, cô gái lên TPHCM tìm thì mới biết anh ta đã xa chạy cao bay.

Quá đau buồn và uất hận, cô về nhà uống 2 viên thuốc phá dù thai đã 8 tháng tuổi. Khi đến bệnh viện, dù các bác sĩ khuyên can và cô đã nghe lời nhưng quá muộn. Em bé ra đời không vẹn hình hài, tay chân bị cắt rời nhìn thật xót xa”...

Chúng tôi rời nghĩa trang lúc trời đã tối mịt. Tiếng thông reo vi vu trước đó giờ nghe như rít lên từng cơn. Từng cơn, từng cơn như những lời oán trách vô biên của các thai nhi bị chối bỏ...


Công việc đầy khó khăn, tế nhị
Những tình nguyện viên trong nhóm của cô Hường cho biết số thai nhi bị phá bỏ được họ gom nhặt, chôn cất ở nghĩa trang Tín Thác chỉ là một phần trong thực tế. “Công việc của chúng tôi đầy khó khăn và tế nhị. Chỉ có vài bác sĩ ở bệnh viện hoặc số ít phòng khám sản khoa tư nhân đồng ý để chúng tôi nhận thai nhi bị phá bỏ đưa về chôn cất” – chị Nguyễn Thị Thanh Thu cho biết.

Thời gian qua, nhiều thai phụ biết được công việc của nhóm nên khi quyết định bỏ con, họ đặt thai nhi ở nơi nào đó, khi thì ven hồ, lúc trên một cành cây hoặc góc phố, rồi điện thoại cho tình nguyện viên đến lấy.



Bài và ảnh: THU HỒNG - THU HƯƠNG

Theo NLĐ

15 lần phá thai trong 16 năm

- Latina Irene Vilar, tác giả của cuốn sách “Không thể làm mẹ”, đã tiết lộ quá khứ đầy tăm tối của cô: 15 lần phá thai trong 16 năm!
Hiện nay, khi đã 40 tuổi và có 2 đứa con, quá khứ đầy tối tăm đó vẫn ám ảnh cô, khi đã là một người mẹ thực sự.

Cô trưởng thành dưới sự nuôi nấng của Lotita Lebron - một người bà đầy tai tiếng người Puerto Rico, người đã từng tấn công Tòa Quốc hội Mỹ với một khẩu súng; một người mẹ đã từng lao ra khỏi ôtô để tự tử khi cô mới 8 tuổi. Cô còn có 2 anh trai nghiện ngập.

[Những thai nhi bị chối bỏ] - Bài 3: Những thai nhi bị chối bỏ

[NLĐO] Mang thai vì “ăn cơm trước kẻng”, ngoài ý muốn, gia đình quá nghèo khó, thích con trai lại ra con gái... Có rất nhiều lý do để những phụ nữ phá bỏ giọt máu của mình. Cám cảnh, nhiều người đã không quản công sức gom nhặt các em về lo chôn cất, hương khói.


Nhờ những tình nguyện viên trong nhóm “Bảo vệ sự sống” giúp đỡ, chúng tôi tìm đến Tu viện Dòng Chúa Cứu thế ở quận 3 - TPHCM, nơi nhiều thai nhi bị chối bỏ được những nhà hảo tâm đưa về lo nơi an nghỉ và hương khói.


Âm thầm đến, lặng lẽ đi


Chúng tôi được hướng dẫn đến nhà nguyện trong tu viện, nơi
dành cho những thai nhi xấu số. Nhà nguyện rất nhỏ, nằm trong khuôn viên tu viện và được bài trí gọn gàng. Trên các bức tường dán đầy những tấm bảng nhỏ, trên đó ghi ngày, tháng, năm sinh - mất, giới tính của từng thai nhi.

Những em nào nhà nguyện tiếp nhận cùng ngày sẽ được xếp chung một bảng. Có bảng chúng tôi đếm gần 5 cái tên. Hầu hết những tên này đều do những người tình nguyện đi gom nhặt các em mang đến đây tự đặt. Có em không rõ trai hay gái.


Khi chúng tôi đến, nhà nguyện khá vắng vẻ. Vài nén nhang đang cháy dở trong lư hương. Bên cạnh lư hương là những bao xốp đen đựng các hũ sành. Trong đó là những thi thể, có cái chưa thành hình hài, của các thai nhi xấu số mới được đưa đến đây.

Một tình nguyện viên trong nhóm “Bảo vệ sự sống” giở một hũ sành ra. Chúng tôi cay mắt khi thấy một thai nhi bé bỏng, đỏ hỏn như mới vừa lọt lòng mẹ. Cái bao xốp bọc bên ngoài hũ sành vẫn còn ấm hơi người, chứng tỏ nó vừa được ai đó đem đến nhà nguyện. Một phụ nữ đang thắp hương trong nhà nguyện cho biết: “Cách đây vài phút, có một phụ nữ âm thầm đến đặt hũ sành ở đó và lặng lẽ bỏ đi”.


Trong nhà nguyện, bên cạnh rất nhiều hũ sành đựng về thai nhi bị phá bỏ...


Bác Nguyễn Văn Bảy, người trông coi tu viện, thở dài khi nghe chúng tôi hỏi thăm về những thai nhi bị chối bỏ được đưa đến nhà nguyện này: “Nhiều lắm! Có đêm, các tình nguyện viên mang về đây rất nhiều bọc đựng thai nhi mà họ thu gom từ các bệnh viện, phòng khám phụ sản có nạo phá thai”.

Bác Bảy cho biết ngày càng nhiều người biết nhà nguyện này có chỗ hương khói cho thai nhi bị phá bỏ nên đã tìm đến. Giọng bác Bảy chùng xuống khi kể lại câu chuyện ông chứng kiến mới đây: “Hôm đó, một cô gái chừng hơn 20 tuổi tới đây âm thầm bỏ lại cái bọc đen đựng giọt máu mà cô ta vừa phá bỏ rồi sụt sùi gởi gắm: “Xin hãy lo cho con con”. Chưa kịp nghe tôi nói gì, cô đã vội vã đón xe ôm ra ga lên tàu về Hà Nội”.


Một đi không trở lại


Trung bình một tuần, nhóm “Bảo vệ sự sống” tiếp nhận hơn 10 thai nhi bị phá bỏ. Trong đó, có cả thai nhi chưa rõ hình hài và có em đã lớn như một trẻ sơ sinh. Không ít trường hợp là sinh viên, công nhân từ các tỉnh đến đây bỏ con.

Sau khi trút bỏ núm ruột của mình, các bà mẹ đem đến gửi ở phòng bảo vệ tu viện hoặc đưa thẳng vào nhà nguyện. Chị Nguyễn Thị Liễu, người phụ trách trực tiếp nhóm tình nguyện viên “Bảo vệ sự sống”, cho biết đa số một đi không trở lại, song cũng có vài bà mẹ quay về thăm viếng giọt máu của mình nhưng chỉ được một lần hiếm hoi.


...là hình ảnh những em bé bụ bẫm, dễ thương để gợi mở tình mẫu tử của các bà mẹ có ý định bỏ con


Một lần ở Tu viện Dòng Chúa Cứu thế vào giữa tháng 10-2009, chúng tôi gặp N.T.T.H và bạn trai từ Đà Nẵng đến đây xin được tư vấn bỏ hay giữ giọt máu của họ.

Khi người tư vấn hỏi lý do phải bỏ con, T.H ngại ngùng: “Tụi con yêu nhau, bị gia đình phản đối. Giờ lỡ có thai, gia đình con không cho sinh và bắt phải bỏ”. Người tư vấn thắc mắc: “Vậy con có thương con mình không?”. T.H lí nhí: “Dạ thương”. “Thế sao không cố giữ?”. “Tụi con bị phản đối và gia cảnh lại khó khăn”.

Người tư vấn khuyên cô gái đến một nhà lưu trú dành cho những phụ nữ đồng cảnh ngộ để tĩnh tâm suy nghĩ cho chín chắn. Tại đây, T.H sẽ được tình nguyện viên chăm sóc với hy vọng cô sẽ giữ lại giọt máu của mình.


Nghe chúng tôi hỏi chuyện, T.H rầu rĩ: “Bác sĩ cho biết cái thai của em đã hơn 6 tháng rồi, bỏ rất nguy hiểm. Có người chỉ em đến tu viện này để tư vấn. Giờ được tư vấn rồi, em vẫn chưa hết lo”.

Có lẽ T.H lo sợ nguy hiểm sẽ xảy ra khi phải nạo phá giọt máu đã nên hình hài và cũng có thể tình mẫu tử thiêng liêng đang trỗi dậy trong cô. Đóng cuốn nhật ký làm việc, người tư vấn thở dài với chúng tôi: “Có rất nhiều trường hợp tương tự đã đến đây nhờ chúng tôi tư vấn như thế”.


Một lần khác, chúng tôi gặp L.P, quê Tiền Giang, lên TPHCM làm công nhân chừng nửa năm nay. L.P cho biết khi mới lên TP, cô đã yêu một chàng trai quê Thanh Hóa tên N.V.H và đồng ý cho anh ta dọn về ở cùng nhà trọ.

Chỉ 2 tháng sau, L.P có thai. Khi nghe tin này, V.H thẳng thừng yêu cầu L.P: “Nếu muốn cưới hỏi đàng hoàng thì phải phá bỏ cái thai đi!”. Không biết nên giữ hay phá, L.P đã tìm đến tu viện xin tư vấn lúc mang thai đã hơn 3 tháng.

Khi L.H ra về, chúng tôi thấy V.H đứng bên đường chờ cô và luôn miệng la mắng. Bác Nguyễn Văn Bảy cho biết sau đó không bao lâu, anh ta đã đến phòng bảo vệ tu viện và gửi lại một bao xốp đen...


Tìm mọi cách giữ lại mầm sống


Chị Nguyễn Thị Liễu cho biết tiêu chí của nhóm “Bảo vệ sự sống” là bằng mọi cách giữ lại mầm sống qua những lời lẽ khuyên can và cả sự giúp đỡ về vật chất cho các cô gái đang mang thai muốn phá bỏ vì những lý do khác nhau.

Tuy nhiên, không phải lần tư vấn nào cũng thành công, bởi nhiều người đã quyết ý bỏ hoặc uống thuốc phá thai trước đó.


Chị Liễu nhớ lại một trường hợp đau lòng: “Giữa tháng 7-2009, chúng tôi tiếp một cô gái mang thai gần 8 tháng. Dù chúng tôi đã hết sức can ngăn và giúp đỡ tận tình nhưng cô ta vẫn quyết định sinh non để bỏ đứa bé.

Trước tình cảnh như thế, các tình nguyện viên chúng tôi chỉ biết nén đau xót đến cơ sở y tế xin được nhìn mặt thai nhi. Khi thấy hình ảnh đứa trẻ ra khỏi lòng mẹ vẫn còn thoi thóp một lúc mới từ giã cõi đời, chúng tôi đã bật khóc và bất lực nhìn em ra đi”...



[Nhức nhối nạn nạo phá thai ở giới trẻ] Bài 1: Nỗi đau theo suốt cuộc đời

[Gd] Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa và Gia đình, mỗi năm nước ta có khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai (NPT), trong đó 20% ở lứa tuổi vị thành niên. Riêng tại TP.HCM, nơi tập trung số lượng các bạn trẻ sinh sống và học tập đông đảo nhất hiện nay cũng là nơi có số lượng công nhân và học sinh, sinh viên NPT nhiều nhất cả nước. Nguyên nhân vì đâu?